CHƯƠNG XXI
TÔN GIÁO CỦA GIÁO DÂN
CHƯƠNG XXI
TÔN GIÁO CỦA GIÁO DÂN
Suốt trong năm thế kỷ đầu, Giáo Hội Tây phương là một đại gia đình gồm các giáo đoàn thành phố, mỗi giáo đoàn tiêu biểu cho một gia đỉnh nhỏ bé hơn gồm các tín hữu quây quần chung quanh giám mục và hàng giáo sĩ cộng sự với ngài. Trong một xã hội như thế, giáo đoàn tư, gồm có giáo sĩ và tín hữu, làm thành đơn vị chính yếu. Sinh hoạt tôn giáo được biểu lộ trong việc phụng tự công cộng và sự tham dự các việc phụng vụ hay á phụng vụ. Mặc dầu các linh mục vì đã được phong chức và được quyền tài phán, nên là những người cầm cân nảy mực về giáo lý, ban hành các bí tích, cử hành thánh lễ, nhưng họ ít liên hệ với các linh mục ở các tỉnh khác để làm thành một giai cấp riêng với những đặc ân và quyền lợi riêng, với những công việc đạo đức khác với giáo dân. Hàng giáo sĩ gồm nhưnõg nhóm nhỏ mà giáo dân trực tiếp hay gián tiếp chọn lựa - ít ra một phần - và cấp lương nuôi dưỡng.
Từ thế kỷ V, nên ghi nhận hai việc thay đổi. Một đàng mức phát triển từ từ của hàng giám mục địa phương đối lập với hàng giám mục thành phố, và việc thu dụng các giáo sĩ cao cấp vào những chức vụ lớn của đế quốc hay các quốc gia khác. Tất cả những việc này dần dần tách biệt hàng giáo sĩ cao cấp ra khỏi dân chúng thuộc các giáo đoàn tư. Và như vậy làm nảy sinh ý thức giai cấp. Ðàng khác, việc tăng cường đời sống tu trì - với sức thu hút rất đặc biệt của nó - đã đào nên một hố sâu giữa những kẻ ”lìa bỏ thế gian” để sống một cuộc đời thật sốt sáng và những người, thuộc hàng giáo sĩ hay giáo dân, còn tiếp tục sống ”giữa thế gian”. Nói chung, các trào lưu cải cách khởi điểm từ những cộng đồng dòng tu, nhưng dưới bộ mặt hành chính, các trào lưu ấy lại góp phần vào việc đề cao các quyền bính và tăng thêm tình trạng cô lập của hàng giáo sĩ và cách riêng của hàng giáo phẩm. Tuy chưa chắc chắn, nhưng người ta nói rằng: cuối cùng, phong trào cải cách Grégoire đã tách biệt giáo sĩ ra khỏi giáo dân, cho nên đã làm thành hai giai cấp trong Giáo Hội. Sự tách biệt này càng ngày càng rõ nét và trong một thời gian ngắn, những từ ngữ ”Giáo Hội” và ”người của Giáo Hội” chỉ được áp dụng cho hàng giáo sĩ đối lập với giáo dân. Với công đồng Latran IV, sự tách biệt này hoàn toàn rõ rệt. Thế là có ba ”giai cấp lớn” trong Giáo Hội: giáo sĩ triều, tu sĩ (độc tu sĩ, qui sĩ và trợ sĩ) và giáo dân. Giai cấp giáo dân bắt đầu xa các truyền thống, coi việc khắc kỷ tu thân dòng là con đường cứu rỗi độc nhất. Wolfram von Eschenbach (khoảng 1170-1220) được kể như văn gia đầu tiên đã diễn tả những tư tưởng và lý tưởng của một người mộ đạo thuần túy giáo dân.
Trước từ lâu, đã phát hiện những trào lưu đạo đức nơi những cấp bậc thấp nhất của quần chúng. Các trào lưu ấy thể hiện như một cuộc trở về đời sống tông đồ trong Giáo Hội nguyên thủy, chú trọng đặc biệt đến việc giảng dạy, đời sống cộng đồng và đức khó nghèo. Vì thế họ tố cáo sự giàu có của hàng giáo sĩ. Chúng ta có thể nói: nhóm Pataria ở Milan, sự thành công của nhiều giảng thuyết viên như Vital de Savigny và Robert d'Arbrissel, việc xô đẩy nhau đi làm trợ sĩ ở Vallombrosa, Grandmont và Citeaux là những tiêu biểu cho các phong trào tâm linh mới mẻ đó. Vào cuối thế kỷ XII, người ta thấy phát xuất những phường hội và những giáo phái nơi những người làm tiểu công nghệ và những nhà tiểu tư sản tại các thành phố kỷ nghệ miền Lombardie và miền Nam nước Pháp. Vào cuối thế kỷ, đã có những phần tử sau này mang đến một bộ mặt riêng cho nhiều nhóm, nam cũng như nữ, chính thống cũng như ly khai. Việc đề cao đức khó nghèo vật chất là nét chung của mọi trào lưu đó. Ðó là một lý tưởng có sức thôi miên khác thường và đôi khi tác hại suốt hai thế kỷ sau. Lý tưởng này vừa có nơi các người ly khai, các kẻ hèn hạ chính thống và bần nhân công giáo, nhưng chỉ với thánh Phanxicô, nó mới được thánh hoá và nảy nở hoàn toàn.
Cũng vào thời này, chương trình cải cách của đức Grégoire bắt đầu tấn công các sở hữu chủ lớn cũng như nhỏ. Ảnh hưởng các sắc lệnh của đức Grégoire chống đối việc các giáo dân chiếm cứ các nhà thờ cũng bắt đầu có công hiệu. Việc các vua hay các lãnh chúa cho thiết lập tu viện là nhân tố chính yếu làm bành trướng các dòng cổ xưa, đặc biệt ở Normandie và trong những lãnh thổ người Normands chiếm cứ. Thế rồi các tiểu vương cho thành lập những nhóm tu sĩ và kinh sĩ nho nhỏ ở trong nội địa hay cạnh những đền đài chính của mình. Khi các nhà cải cách tấn công việc giáo dân chiếm hữu các nhà thờ và thuế thập phân, thì nhiều sở hữu chủ đã tháo cởi lương tâm bằng cách dâng cho kinh sĩ cả tài sản trong một hay nhiều nhà thờ của họ. Việc này nhằm gia tăng những cơ sở nhỏ của các kinh sĩ Augustin, nhưng sau này nó gây liên lụy nhiều hơn là tạo thuận lợi cho Giáo Hội.
Khi phân tích các lý do của những cuộc viễn chinh của Nghĩa Binh Thánh Giá, và những động lực của những người tình nguyện tham dự, thì thấy một phần lớn là lý do và động lực tôn giáo. Lý do và động lực tôn giáo đã ảnh hưởng nhiều trên tâm trí những người thời ấy. Ít lâu sau, sức quyến rũ của đời trợ sĩ Citeaux lại cho thấy tư tưởng phải đền tội đã thâm nhập sâu xa vào tâm trí của mọi giai cấp. Thế kỷ XII còn cho thấy một nguyên nhân khác là sức bành trướng kinh tế và nhân số ở Âu Châu. Ða số những người gia nhập dòng Citeaux đều thuộc giai cấp nông dân tự do. Việc nhiều người trong giai cấp ấy đem dâng cúng mảnh đất nhỏ bé của họ cho nhà dòng, chứng tỏ ơn kêu gọi trợ sĩ không phải luôn luôn là phương sách cuối cùng của những người bần cùng, tuy cũng đúng trong một ít trường hợp. Công đồng Latran IV là công đồng thứ nhất đã để ý tới giáo dân, đã ra những luật lệ tương quan đến họ. Việc giáo dân lãnh nhận các bí tích được cổ động gia tăng và những phương thế giáo dục được phát triển. Các linh mục triều có học lực và các linh mục dòng đáp ứng nhu cầu cải thiện bài giảng và việc giải tội. Trong thế kỷ XIII, cơ cấu sinh hoạt tôn giáo ở giáo xứ, tương tự như chúng ta biết ngày nay, đã bắt đầu thành hình. Có lễ giáo xứ với việc hát thánh vịnh sáng và chiều, có xưng tội đều đặn, nếu không phải là nhiều, có những buổi nói truyện của cha sở và nhất là có những bài diễn thuyết được hoan nghênh nhiệt liệt, hay các bài giảng của linh mục dòng bên cạnh cây thánh giá trong nghĩa trang. Lần đầu tiên ở Tây âu có những nhóm người thành thị khá quan trọng, bày tỏ nhu cầu và sở thích của mình. Những việc tôn sùng và việc làm đạo đức bắt nguồn từ dòng tu, nay càng trở nên quan trọng dưới ảnh hưởng của các linh mục dòng. Thí dụ việc ngắm đàng thánh giá vàviệc làm máng cỏ giáng sinh. Ảnh đàng thánh giá được nhập cảnh từ Palestine và máng cỏ thì được thánh Phanxicô say mê khuyến khích. Hai việc này được coi là chuyên nghề của các anh em hèn mọn. Việc lần hạt Mân Côi là một trong những việc đạo đức giá trị còn tồn tại và được các cha dòng Ðaminh nhiệt tình cổ võ. Việc tôn sùng các sự thương khó Ðức Maria thì được phổ biến, coi như một điểm quan trọng trong mầu nhiệm cứu chuộc. Chắc chắn việc tôn sùng này là khởi điểm thành lập (1233) dòng Servites. Người ta nhìn nhận như một trong những đặc tính của thế kỷ XII: việc tăng trưởng lòng tôn sùng nhân tính của Ðức Kitô và việc nhắc nhớ đến những mầu nhiệm về đời sống của Ngài trong phụng vụ. Người thời ấy rất mẫn cảm khi suy nghĩ về tội lỗi và sự phán xét, khi ngắm nhìn Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá. Ðây là những đề tài được mộ mến, được trình bày trong các nhà thờ lớn nhỏ. Thánh Bernard đã minh họa và ấn định một cách thức tình tứ hơn để tới gần Ðấng Cứu Thế: ngài nhấn mạnh đến tình yêu nhân bản của Ðấng Cứu Thế và lòng từ bi của Ngài đối với các thụ tạo. Việc này đi song song với việc tôn sùng thân thương hơn đối với Mẹ Ngài, không phải là vì Mẹ Thiên Chúa im lìm trong vẻ huy hoàng uy nghi, nhưng vì là cô thiếu nữ Truyền Tin, người Mẹ trẻ trong chuồng bò, người đồng hành trung tín dưới chân cây thập giá, người bầu cử trong tiệc cưới Cana, và người Mẹ của Dân Chúa đã được cứu chuộc. Lễ Ðức Trinh Nữ lên trời vẫn thuộc về truyền thống lâu đời của Giáo Hội Hy Lạp. Trong thời Trung Cổ, lễ ấy đã trở nên lễ chính kính Ðức Trinh Nữ, gần cạnh những mầu nhiệm Phúc âm. Về vấn đề vô nhiễm nguyên tội của Ðức Maria, sau những cuộc tranh luận lâu dài, thì cả nơi những người từ chối không nhận thể thức trình bày thần học về vấn đề đã công nhận hết các hình thức tôn sùng liên quan tới việc Ðức Maria hoàn toàn vô tội và hưởng một vị trí độc nhất vô song.
Cũng nên ghi nhận việc phát triển lòng tôn sùng bánh thánh đã được truyền phép. Trong nhiều miền, như ở Anh, đã phổ biến tục lệ đựng bánh thánh trong một bình treo ngay bên trên bàn thờ chính; việc nhìn bình thánh gây nên lòng sốt sắng nơi những người bước vào nhà thờ. Trong thế kỷ XII, việc dâng bánh thánh cho người ta kính thờ sau khi truyền phép, đã được phổ biến và đã nhanh chóng trở thành thời điểm ưu việt trong thánh lễ. Việc tôn thờ công cộng bánh thánh cũng là hậu quả tự nhiên bởi đó. Việc dự trữ mình thánh theo phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh đã làm phát sinh hai thứ tôn sùng: trước hết là việc tôn sùng ”mộ” trong đó người ta cất bánh thánh từ thứ năm cho tới ngày lễ Phục Sinh, rồi người ta lại đựng trong bình để chưng cho giáo dân thờ kính; sau là cuộc rước trọng thể để đưa bánh thánh dành cho lễ Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại mấy miền, bánh thánh được coi là ”Chúa ở với chúng ta”, còn được đưa đi rước ngày chủ nhật lễ Lá và được tôn thờ ở cạnh cây thánh giá trong nghĩa trang. Ðây là những dấu hiệu tiên báo cuộc rước trọng thể Mình Thánh Chúa hay ”Lễ Mình Thánh”, được thành lập vào giữa thế kỷ XIII. Nhiều bằng chứng về sự tôn sùng Thánh Thể, như thấy ghi trong truyện thánh Phanxicô, đã phản ảnh những khuynh hướng của thời đại mà thánh Thomas d'Aquin sẽ cho sáp nhập vào phụng vụ.
Sự thành kính những tín hữu đã qua đời đã có trong Giáo Hội nguyên thủy, nay chiếm được địa vị xứng đáng trong lịch phụng vụ, nhờ vào việc tôn sùng của thánh Odilon de Cluny, được lan rộng dần dần trong giới tu hành. Nhưng chỉ vào cuối thời Trung Cổ, những lập bản thánh lễ (fondation), những kinh nguyện và thánh lễ chỉ cho người chết mới trở thành những đặc điểm của thời đại. Tới thế kỷ XII lòng đạo đức cá nhân được thỏa mãn trong việc đọc ca vịnh và một số nhất định các kinh Pater (Lạy Cha) và Ave (Kính Mừng). Hình như vào thời này, giáo dân rước lễ ít hơn thời trước. Trong khi đó, sự năng rước lễ là điều thông thường ở miền Northumbrie của Bède và cuốn Regularis Concordia (Hoà hợp theo quy luật) vào thế kỷ X, đã khuyên răn các tu sĩ rước lễ hằng ngày, các qui chế Citeaux nguyên thủy cũng bắt các tu sĩ không phải là linh mục rước lễ mỗi tuần một lần (ngày chủ nhật) và các anh em trợ sĩ mỗi năm bảy lần.
Việc khuếch trương các thành thị đã gây nên nhiều biến chuyển xã hội. Lý tưởng của thời đại, với lòng yêu chuộng đức khó nghèo và nghe giảng dạy, việc noi gương đời sống nhân loại của Ðức Kitô, đã nổi bật trong nhiều tu viện mới có đông tu sĩ. Các tu sĩ và kinh sĩ ở thôn quê hay tỉnh nhỏ có nhiều ân nhân là những ông hoàng bà chúa, còn các tu sĩ sống trong các đô thị lại được trợ giúp chính yếu bởi các đại tư sản và giới bình dân. Về mặt tâm linh, các tu sĩ là những người cổ võ lòng đạo đức giáo dân ở Âu Châu vào cuối thời Trung Cổ. Sau cùng họ tạm bù đắp vào sự thiếu sót của Giáo Hội trong việc giảng dạy thường xuyên và cử hành bí tích giải tội và thánh lễ Misa. Thêm vào cơ sở chính yếu của đời sống đạo hạnh này, còn thêm việc lập ”Dòng ba” cho giáo dân, dòng này cung cấp những yếu tố đạo hạnh (kinh hạt đều đặn, làm việc sám hối, kiêng cữ một số đam mê và một số tiêu khiển) cho cả nam lẫn nữ trong đời sống gia đình và trong việc quản trị đô thị. Trong bối cảnh này, dĩ nhiên người ta thấy phát hiện những hội đoàn đạo đức, và những hậu quả của chúng: các hoạt động tôn giáo của các phường hội (những ”mầu nhiệm” và những ”giá trị luân lý”), thiết lập và duy trì các bệnh viện và nhà dưỡng lão, gây thêm các tổ chức ái hữu. Việc các tu sĩ dấn thân và những sắc lệnh công đồng Latran IV đã mở ra một thời kỳ mới trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Công đồng Latran đưa ra một chương trình cho hàng giáo sĩ và một số chỉ thị cho giáo dân để rồi các giám mục và các cha sở coi xứ đem áp dụng vào thực tế với những thực hành cụ thể. Nhiều tu sĩ là những linh mục có học thức, chuyên giảng dạy luân lý và tín lý từ trên tòa giảng và ban bố những lời khuyên răn đạo đức và thiêng liêng trong tòa giải tội. Dĩ nhiên chúng tôi nói về toàn thể các tu sĩ vào thời điểm hoàng kim thời đại. Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng tại các giáo xứ và các địa điểm truyền giáo. Lòng đạo đức thời Trung Cổ lên tới chóp đỉnh vào giữa những năm 1250 và 1350. Trong những đô thị lớn như Florence hay Sienne, Amiens hay Lyon, York hay Bristol, Cologne hay Ratisbonne, đời sống xã hội, mỹ thuật và trí thức thúc đẩy lập thêm các hội đoàn và các mẫu hình có tính cách tôn giáo. Thời kỳ đạo đức thuần túy của giáo dân đã manh nha ”tinh thần trần tục”. Bởi vậy, thế kỷ có hàng giáo sĩ triều hay dòng đi tới dạy dỗ giáo dân, đã kết thúc bằng lời chua cay của đức Boniface VIII trong văn kiện Clericis Laicos: việc giáo dân đố kỵ hàng giáo sĩ đã rất phổ thông. Thế kỷ tiếp theo còn tai hại cho Au Châu và cho Giáo Hội về nhiều phương diện. Thế nhưng, trong phamï vi đạo đức tinh tuyền, ở vào một số thời điểm và một số địa điểm, nhất là ở Ý, ở miền Rhênanie và ở Anh, lại có một sự phát triển rất đặc biệt về thần bí, dĩ nhiên, chỉ cho một ít cá nhân thôi. Thế kỷ này còn là thế kỷ các giáo dân thánh và các giáo dân văn sĩ nữa. William Langland, thi sĩ thời danh nhất không phải là người Ý, đã viết như Dante, một bài thơ tôn giáo. Nhưng bài thơ này thực ra là một nghiên cứu về tiểu vũ trụ của con người hơn là vũ trụ của Thiên Chúa. Ông coi tình yêu như lối đáp ứng, nhưng là một tình yêu che giấu, trá hình, trên cây thập giá cũng như trong thế giới loài người.
Việc học hỏi về các khía cạnh xã hội của tôn giáo thời Trung Cổ sẽ không hoàn toàn, nếu không đề cập tới các cuộc hành hương. Hành hương là hành trình tới một miền xa xôi với mục đích tôn giáo. Không phải là đặc tính riêng của Kitô giáo, nhưng hành hương là thành phần các truyền thống Kitô kể từ những thế kỷ đầu và còn tồn tại mãi tới ngày nay. Hành trình đi kính viếng các Nơi Thánh ở Jerusalem và mộ các Tông đồ ở Rôma, vẫn luôn là thành phần truyền thống của Giáo Hội Tây phương. Nhưng, hành hương thời Trung Cổ khác với hành hương thời trước và thời sau, bởi vì ở đây, nó được phổ biến trong toàn cõi Tây phương và vì các giáo hoàng, các giám mục và kỷ luật lương tâm của mỗi người, đều lấy hành hương làm một phương thế lập công ”đền tội”, nghĩa là để nhận được ơn tha các tội. Ðàng khác, hành hương khơi động lòng nhiệt tình nơi mọi tầng lớp xã hội. Nếu bỏ ra ngoài tính tự nhiên thích đi hành trình và tính không kém tự nhiên muốn viếng trung tâm hay mộ một vị lãnh đạo hoặc một vị thánh, thì thấy còn có ba động lực tôn giáo làm nguồn gốc việc hành hương: Cảm tưởng cho rằng có mấy nơi người ta dễ hiệp thông với Ðức Kitô, với Mẹ Ngài hay với các Thánh, người ta hy vọng được ơn chữa bệnh phần xác và người ta hy vọng được lãnh ân xá hay được tha một hình phatï nặng nề.
Hành hương cổ xưa nhất là hành hương các nơi Thánh ở Palestine. Ðó là điều đã lôi kéo thánh Jérôme và các người đạo đức của ông xa Roma và Ethérie ra khỏi Tây Ban Nha. Sau đó là hành hương Roma, trước hết vì muốn kính viếng mộ các tông đồ và tử đạo và sau là sự hiện diện của Vị Ðại Diện Ðức Kitô. Dần dần phát sinh những hành hương khác: thế kỷ IX, hành hương viếng thánh đường thời danh thánh Giacôbê thành Compostelle, hành hương Cologne nơi có ”mộ” các đạo sĩ (Ba Vua), và hành hương tới các nơi hành hình tử đạo của giám mục Thomas thành Cantorbéry. Dần dà ở Âu Châu mọc lên như nấm các nhà thờ hành hương, lớn cũng như nhỏ, nổi danh quốc tế, cho một vùng hay một địa phương. Nhiều nơi có những di hài đích thực, nơi khác là những thánh tích theo truyền khẩu về sự thương khó hay đời sống Ðức Trinh Nữ, hoặc sự hiện ra lạ thường nào đó, như vết chân Tổng Lãnh Thiên Thần Michel ở núi Gargano bên Ý. Nhiều nơi còn có những ảnh làm phép lạ, như cây Thánh Giá ở Lucques hay Ðức Trinh Nữ ở Chartres. Tại Anh quốc, ngoài Cantorbéry, phải kể thêm ảnh Ðức Bà ở Walsingham và Máu Thánh ở tu viện Hailes, đã thu hút nhiều khách hành hương từ bốn phương tới.
Ðộc giả thời nay khá ngạc nhiên về những nguy hiểm và những khó khăn phải trải qua và hơn nữa về thời giờ phải mất và về tiền bạc phải tiêu trong những hành hương lâu dài, mà ngày nay còn đọc thấy trong những sách để lại bằng nhiều ngôn ngữ. Cũng có thể còn ngạc nhiên về sức thu hút của việc hành hương đối với mọi giai cấp, từ bậc vua chúa, hồng y, giám mục và kẻ quyền quí, qua các tu sĩ, và người trưởng giả, cho tới những cá nhân nghèo túng nhất sống bằng hành khất. Bác ái và thương mại đã giúp đỡ khách hành hương; các trạm trú được dựng dọc đường hay cạnh đường hành hương, ở những nơi nguy hiểm như đèo cao, mé suối, bến sông. Các hướng dẫn viên, các chủ tàu, chủ gánh xiếc, chủ quán, tất cả đều có chút lợi trong mọi cuộc hành hương. Như người ta đã công nhận rõ ràng: vào những năm mới đây, hành hương là phương thế tốt nhất để truyền bá những tập tục phụng vụ và tôn sùng, phổ biến các nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, các hình ảnh trang trí. Ðiển hình nhất là con đường đi Conpostelle dài tít mù xuyên suốt các trung tâm thương mại Tours và Toulouse, qua Poitiers và Moissac. Thế là lan tỏa ra lối kiến trúc đại thánh đường Romane và (sau hơn một thế kỷ) nghệ thuật ở Bắc nước Pháp. Ðang khi đó, làn sóng hành hương đi về phương Bắc lại đem nghệ thuật điêu khắc Romane nguyên thuỷ từ Moissac tới Paris. Ðề tài cổ điển (Locus Classicus) về hành hương vào cuối thời Trung Cổ là phần mở đầu những Truyện thần thoại Cantorbéry của Chaucer (1387), nói lên những nhu cầu của tuổi thanh xuân mà mọi tầng lớp xã hội đều cảm thấy, nhu cầu phải hành trình tới những thánh đường xa xăm; và với hai mươi chín khách hành hương, cho thấy bộ mặt của xã hội, gồm có giáo dân và linh mục, người lương thiện cũng như kẻ bần cùng. Trong tập đoàn hai mươi chín này (xin đừng quên: tác giả là người viết văn trào phúng chứ không phải người làm thống kê), khoảng một phần ba chứng tỏ có một tâm tình tôn giáo đích thực. Còn lại những người khác, thì vợ ông Bath vừa bận rộn khâu vá vừa phải săn sóc năm ông chồng. Bà đã đi Jerusalem ba lần, không kể những hành hương Roma, Cologne và Compostelle. Chúng ta có may mắn đối chiếu viễn tượng với sự thật qua đời sống của người con gái ông thị trưởng King's Lynn, là Margery Kempe, khi cô thuật lại cuộc hành trình của cô tới Thánh Ðịa, tới Roma (1412-1415) và tới Compostelle (1417-1418). Những trang sách của cô làm cho chúng ta sống lại một thế giới đầy vất vả, thiếu tiện nghi, nhiều tai nạn, cãi cọ và bệnh tật, nhưng luôn chiếu sáng tình bạn bè thân thương, đức ái chân thành và lý tưởng thuần túy tôn giáo của đa số khách hành hương.