CHƯƠNG XX
ÐỜI SỐNG ÐẠO ÐỨC – I
CHƯƠNG XX
ÐỜI SỐNG ÐẠO ÐỨC – I
Xét chính yếu, mỗi thế hệ Kitô đều biết một đời sống đạo đức giống nhau. Tất cả tin vào Ðức Kitô, Thiên Chúa Cứu Chuộc mà họ biết đời sống và các giới răn Ngài dạy qua Sách Thánh và giáo huấn của Giáo Hội. Tất cả đều sống một đời sống Kitô giáo dựa theo những ơn siêu nhiên của Ðức Tin và ơn thánh hóa, đươc nuôi bằng các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, qua các thế kỷ, các hình thức tôn sùng và nhịp sống bí tích đã biến chuyển tùy theo thời đại và địa trường. Họ đã thay đổi nhiều nhất vào thời điểm mà trung tâm Kitô giáo Tây phương chuyển từ bình diện thế giới và văn hóa địa trung hải, tới các trung tâm quốc gia Âu Châu. Những thay đổi và những tiến triển này có thể được nghiên cứu theo nhiều khía cạnh. Nhưng chúng tôi chỉ chọn ba khía cạnh để minh chứng những điều chúng tôi nói.
Trước hết đời sống giáo dân. Chúng ta tự hỏi, đời sống kitô hữu ở nông thôn và nơi thành thị Âu Châu, tại xứ này hay nước nọ, đã có bộ mặt nào? Rồi trong hai môi trường, có những người tận hiến cả đời mình, cách này hay cách khác, để phục vụ Thiên Chúa, là giáo sĩ triều với các hình thức khác nhau về đời sống tu trì hay giáo sĩ dòng. Cuối cùng có cả một nền văn chương tu đức và sùng bái vừa phản ảnh, vừa khuyến khích lòng đạo đức, trong thời kỳ này. Còn về việc phân chia thành giai đoạn chín thế kỷ chúng ta đang tìm hiểu ở đây, thì trước hết phải kể thời kỳ rất dài gồm bốn thế kỷ, thường được gọi là những thế kỷ ”dòng tu”, trong đó các tu sĩ theo Luật dòng Thánh Benoit, càng ngày càng đông, là những người độc nhất tiêu biểu cho đời sống tận hiến. Các ẩn sĩ và độc sĩ tiêu biểu cho một loại tu trì cực đoan nhưng không hề cạnh tranh với các tu sĩ khác. Tới thế kỷ XII và XIII, truyền thống tu trì độc nhất này đã ”trăm hoa đua nở” và phát sinh một số các trường phái gần giống nhau, như dòng Citeaux, dòng Victorius, dòng Chartreux và các ẩn sĩ, rồi sau đó là các tu sĩ Phanxicô và Ðaminh. Sau cùng, kể từ khoảng năm 1300, các hoàn cảnh gần giống như các hoàn cảnh của thế giới ngày nay. Các sách vở và các vị linh hướng thường trình bày các giáo thuyết và phương pháp sống đạo theo mức độ tiếp thu của mọi người trí thức hay bình dân, nam cũng như nữ. Những phương pháp hướng dẫn ấy đã quân bình hóa các quy luật và qui chế dòng tu. Các tín hữu rập khuôn đời sống đạo đức và thiêng liêng của mình bằng cách lựa chọn và thực hành một trong nhiều khuôn mẫu được trình bày mà họ thấy là phù hợp với hoàn cảnh sống của họ.
Rất khó phân biệt rõ ràng đời sống kitô hữu thường nhật tại những gia đình nông thôn ở rải rác trong Âu Châu đầu thời Trung Cổ. Nhưng chúng ta may mắn thấy trong các sách của Bède le Vénérable, xuất bản vào khoảng năm 755, nhiều nhận xét về đời sống hằng ngày ở Anh vào thời kỳ ấy. Ðọc sách này và những sách hay nguồn liệu khác, chúng ta ngạc nhiên thấy dân Âu Châu từ ban đầu trở lại đạo công giáo khá nhanh chóng, mỗi khi các thừa sai đến một vùng nào đó. Các tư liệu và vết tích kiến trúc đều chứng minh rằng cả miền đã sớm có nhiều nhà thờ bằng gỗ hay bằng đá, trong nhà thờ có các bình thánh và y phục phụng vụ được trang hoàng đẹp đẽ. Nếu ban đầu nhà thờ được xây cất để bảo trì bàn thờ và giếng rửa tội, thì cũng là một nơi mọi người có thể chạy đến cầu nguyện khi gặp gian truân. Sinh hoạt và văn chương đều có liên hệ chặt chẽ với việc xây cất nhà thờ, như được chứng minh trong mấy câu của bài thơ Mơ cây Thập giá được tạc trên thân cột thánh giá ở Ruthwell (Dumfries, Ecosse) và mấy nơi khác. Tại những miền thưa thớt dân cư, thánh giá thường được dựng ở những địa điểm các linh mục và giám mục hội nhau khi đi kinh lý để giảng Phúc âm, rửa tội và làm phép thêm sức. Mặc dầu vẫn còn tồn tại nhiều tập tục và dị đoan ngoại đạo, những yếu tố cơ bản nhất thuộc Ðức Tin Kitô giáo, nhất là sự Ðấng Cứu Chuộc chịu đóng đanh và phán xét chung với những chi tiết thống thiết, đã thấm nhập sâu xa vào tâm thức dân chúng. Bức thư dài của Bède viết cho học trò của ông là Egbex, tổng giám mục York (tháng 11 năm 734) là một ”nguồn cổ điển” (locus classicus) về những bổn phận của giám mục và bộ mặt tôn giáo của thời kỳ này. Bède tìm thấy nơi các người đồng thời của ông, nhiều điều phải phê phán, nhưng ông cũng nói thêm :”Thật tốt lành cho mỗi loại kitô hữu đựơc rước Mình và Máu Chúa mỗi ngày. Có vô số những người sống đời sống gương mẫu, các trẻ em và thanh niên nam nữ, ông già bà cả, tất cả, hiên ngang tham dự việc cử hành mầu nhiệm thánh mỗi chủ nhật và cả những lễ thánh tông đồ và tử đạo, như chính ông đã thấy trong thánh Giáo Hội thời các Tông Ðồ và Roma” (1) Cũng trong bức thư này, Bède nhấn mạnh tới những đặc tính của phép Thêm Sức và coi việc bố thí, dâng thánh lễ cầu cho người chết là điều thông thường. Ðó là lòng sùng kính cơ bản mà các thừa sai Anh đã đem tới miền Frise và Ðức, y như chúng ta đã biết qua những sách vở của Willibrod và Boniface.
Dĩ nhiên, Bède còn đề cao hơn nữa những gương thánh thiện nơi các tu sĩ và ẩn sĩ. Số các tu sĩ, nữ tu và ẩn tu xuất thân từ thế hệ thứ nhất hay thế hệ thứ hai, giữa các người mới trở lại, làm chúng ta sửng sốt. Ða số đã trở nên chín chắn và sống đạo đơn sơ khác thường như ở vào thời kỳ sau trong sinh hoạt Giáo Hội. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả đó là số lượng. Ở Anh, ở Ái Nhĩ Lan và trên toàn cõi Tây phương từ thế kỷ VI, đời sống tu sĩ được coi như một hình thức mộ đạo độc nhất giữa các kitô hữu. Ðối với mọi người, trừ những ai đã từ nhỏ lớn lên trong bốn bức tường của nhà dòng, thì đây là một ”cuộc trở lại”. Thế kỷ VI và đầu thế kỷ VII đã thấy lan tràn việc đi tu ở khắp nước Ý, miền Nam Gaule, Ái Nhĩ Lan và các đảo miền Tây, Anh, xứ Galles và xứ Bretagne. Trong thời Gregoire Cả, người Ái Nhĩ Lan đã trả nợ cho lục địa. Trong những thế kỷ có nhiều thay đổi và hoạt động thừa sai, đời sống tu sĩ luôn được coi như một lối trốn tránh trước các lực lượng sự ác đang bá chủ thế giới. Mục đích đời sống tu sĩ đã được nêu ra trong Luật dòng thánh Benoit, luật này thấm nhuần một luồng tư tưởng nó đã hấp thụ, cốt yếu là học đức vâng lời, và như vậy là trở về với Chúa, là dấn thân phụng sự Ðức Kitô. Không có vấn đề đồng hóa lý tưởng của tu sĩ với lý tưởng của hàng giáo sĩ hay của các kitô hữu đạo đức. Ðời sống tu sĩ chính là đời sống kitô đạo đức. Nó đã chinh phục được người Anh và người Ðức cũng như đã chinh phục được người Ái Nhĩ Lan và người Pháp.
Thế nhưng, dần dà, bản thể ơn gọi cũng biến chuyển. Các tu viện ”ẩn thân” như Lérins hoặc những tu viện khắc khổ phát xuất từ truyền thống của thánh Colomban, đã nhường chỗ cho những tu viện quan trọng hơn có một luật dòng chính thức. Những tu viện này tham dự vào sinh hoạt xã hội trong khu vực của họ. Trong những tu viện lớn thịnh vượng ở thời Mérovingien, các tu sĩ làm thành một giai cấp, họ là những người chuyên môn cầu nguyện cho thế gian, những người cử hành nghi thức cầu nguyện lâu giờ. Việc phụng vụ dần dần vừa thu hút vừa thay thế việc thánh hóa bản thân, và được coi như lý do hiện hữu của tu sĩ. Thế nhưng việc đọc Kinh Thánh và các sách đạo đức còn là thành phần của đời sống tu trì và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng. Ngoài Kinh Thánh ra, và nhất là các thánh vịnh và các bài thánh thi, các tu sĩ còn có các Giáo phụ, đặc biệt các bài chú giải Kinh Thánh của bốn tiến sĩ Giáo Hội La tinh. Cách riêng, hai trong bốn vị này đã thấm nhuần sâu xa yí thức tu trì, là thánh Augustin và thánh Grégoire cả. Thánh Augustin đã đánh dấu thời đại của mình, và đã khởi sự phân biệt giữa đời sống hoạt động và đời sống chiêm ngưỡng. Thánh Grégoire Cả đã được coi như vị tiến sĩ Biển Ðức gương mẫu, đã đề cao việc học hỏi Luật Dòng. Nhưng dần dần quan niệm này không thể chấp nhận được nữa. Grégoire tự tách mình ra khỏi truyền thống Biển Ðức. Sự thành công của ngài là đã trình bày giáo huấn của các giáo phụ Hylạp. Ðặc biệt giáo huấn của Clément d'Alexandrie, Grégoire de Nysse, được bổ túc bằng giáo huấn của thánh Augustin, trong một hình thức đơn giản để các tu sĩ có thể đọc được. Tuy được hậu thế coi như một tu sĩ Biển Ðức, thực ra Grégoire đáng là bậc thày hạng nhất của các tu sĩ Biển Ðức và như vậy ngài đã truyền bá quan niệm nước đôi về đời sống chiêm ngưỡng, thường được trình bày lộn xộn trong những sách bàn về đời sống thiêng liêng qua nhiều thế kỷ.
Sự thánh thiện thầm kín và che giấu, không hiển hiện trước con mắt người quan sát. Trong những biểu lộ bên ngoài, việc tu luyện khổ hạnh đời tu trì càng ngày càng thu vào việc tuân thủ đời sống cầu nguyện phụng vụ. Các lời kinh cầu khẩn tăng thêm, và những việc tôn sùng tư hay công, càng ngày càng chiếm nhiều thời giờ. Người ta cầu khấn các thánh, đặc biệt là Ðức Trinh Nữ, các Tông Ðồ và các Thiên Thần. Trong khi Giáo Hội nguyên thủy hay Giáo Hội thừa sai bị lu mờ theo thời gian, thì việc tôn kính di hài các Tông Ðồ và các vị Tử Ðạo, nếu không có, thì di hài các thánh quan thày, mỗi ngày một gia tăng. Tại nước Gaule, Ðức và Anh, thánh quan thày được coi như chủ ông đích thực và làm Chúa Giáo Hội, lúc nào cũng có mặt, cứu giúp, trong thời bình cũng như lúc gặp tai biến. Ðây là một ví dụ về khuynh hướng, đến sau trở nên rất thông thường khi có sự bất an về chính trị hay tôn giáo tại Âu Châu đời Trung Cổ, coi thánh quan thày xưa kia đã sống trên trần gian như hiện thực hơn hay ít là dễ tới gần hơn là tới Thiên Chúa, Ðấng phán xét kẻ sống và kẻ chết. Lý tưởng đời tu, nhất là tại Cluny, đã coi nhẹ việc tuân theo luật dòng là tấn tới trong đức bác ái, đức khiêm nhường và đức vâng lời qua những bó buộc của đời sống cộng đồng, lại đặt trọng tầm vào con người tận hiến chuyên cần đọc kinh và ca ngợi gần như liên tục, với thẩm ý làm cho tập đoàn tu sĩ dưới thế giống tập đoàn các thánh trên trời. Trong những thế kỷ này đã thấy phát triển một số việc tôn sùng. Việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ được mở rộng suốt thế kỷ VI nhờ sự thúc đẩy của hàng giáo sĩ và các tu sĩ Giáo Hội Ðông phương, đặc biệt nổi bật trong những lễ Ðức Mẹ lên trời, lễ Nến và trong việc đọc hằng ngày kinh ”tiểu nhật khóa Ðức Trinh Nữ”. Ngày thứ bảy được dành cho việc tôn kính Người. Lễ Thánh Giá cũng được truyền bá rộng rãi nhờ việc thiết lập các lễ và ban tặng nhiều di hài các thánh. Còn thói quen cầu cho kẻ chết thì đã có từ ban đầu trong Giáo Hội, nay lại được kết tinh trong kinh nhật tụng cầu cho các đẳng. Những giáo huấn thiêng liêng viết vào thời này thì chủ yếu chỉ là xào xáo và lặp lại những kinh nghiệm mà các thế hệ trước đã có trong thói quen đọc sách thánh (lectio divina). Nếu có, chỉ khác là người ta chú trọng hơn tới việc nguyện gẫm và việc tôn sùng, so với giáo huấn thực hành về nhân đức của luật dòng. Giáo thuyết cổ truyền đã đạt tới chóp đỉnh với những sách của thánh Anselme, trước đó là sách của Jean de Fécamp và sau đó là sách của Hugues de saint Victor. Cả ba người, đặc biệt Anselme, đều tiêu biểu cho việc phối hợp thuyết nhân bản thực hành theo luật thánh Benoit với quan niệm chiêm ngưỡng của thánh Augustin. Chiêm ngưỡng được coi như một ánh sáng thượng giới giúp trí khôn thấm nhuần các chân lý của Ðức Tin và Kinh Thánh. Nhìn chung, thuyết tu đức này thiếu khúc chiết và minh bạch về tín lý. Anselme không bao giờ bàn giải về những giai đoạn trong đời sống thiêng liêng, cũng không phân tích những khả năng tự nhiên và siêu nhiên của con người. Tu sĩ đạt tới sự thánh thiện nhờ đời sống chuyên chú vào kinh nguyện phụng vụ, sự nguyện gẫm và tình huynh đệ. Các tác giả tu đức không cho biết vào lúc nào lý trí nhường chỗ cho trực giác siêu nhiên.
Có sự thay đổi vào đầu thế kỷ XI, lúc mà nước Ý được coi như mẫu mực của Âu Châu. Hai tông đồ vĩ đại của đời sống ẩn tu là thánh Romuald và thánh Pierre Damien, đã lên tiếng kêu gọi các cá nhân từ bỏ các sự đời này để chiếm lấy nước trời. Giáo thuyết của họ, được đem ra thực hành ở Camaldoli, đòi buộc phải có một đời sống thầm lặng, đơn độc và khắc khổ. Chắc chắn Damien là thù địch số một của nền trí thức Tây phương. Các dòng tu mới như Vallombrosa, Grandmon và Chartreux, tất cả đều biểu lộ lý tưởng khắc khổ và ẩn dật. Thế là Giáo Hội bước vào thời đại dòng tu. Thế gian xấu xa, vô phương cứu chữa và đời tu trì như cái phao cứu rỗi, như con tầu cấp cứu, như phép rửa thứ hai. Mỗi người đều có phần của mình: các phần tử thuộc hàng giáo sĩ phải trở thành tu sĩ, giáo dân có thể thành trợ sĩ, còn hiệp sĩ và tu sĩ tế bần có thể theo luật dòng, và tất cả có thể lấy bản kinh vắn tắt làm lời cầu nguyện. Ðồng thời bắt đầu phổ biến một hình thức tôn sùng mới về thánh lễ và việc truyền chức cho các tu sĩ dòng, làm bội tăng thánh lễ cá nhân, do đó thành thói quen mỗi ngày cử hành nhiều lễ vì lòng mộ đạo. Trong các tu viện chưa có thánh lễ hằng ngày, nhưng vào thời thánh Benoit, người ta thêm lễ thứ hai là lễ của kinh sĩ hội, rồi lễ thứ ba là lễ kính Ðức Maria. Một trong những nét đặc trưng người ta thường nhận thấy trong truyện các thánh, là việc đọc lớn tiếng nhiều kinh và ca vịnh, hoặc đi tới thánh đường hay nguyện đường để cầu nguyện. Vào cuối thế kỷ, trào lưu mới này vượt qua núi Alpes và lần đầu tiên thấy có những khuynh hướng đối lập trong các sách dẫn đường thiêng liêng.
Các tu sĩ Citeaux bênh vực việc trở về nguồn, nguồn sa mạc và nguồn Luật dòng. Ðây là một lý tưởng khắc khổ nhưng cũng có nhiều tự do nội tâm. Thời khóa biểu (horarium) nới rộng, dành nhiều thời giờ cho việc đọc sách thiêng hay cầu cầu nguyện. Về tập viện, trước đây chỉ là một thời gian ngắn để hấp thụ và tập luyện cho quen với các việc cử hành phụng vụ, từ nay trở thành một năm tập sự và học hỏi. Việc phối hợp giữa thời khóa biểu nới rộng với óc đơn giản hóa kỷ luật, đã dẫn đường tới lối cầu nguyện huyền bí. Với Bernard de Claivaux và Guillaume de saint Thierry thì đã mở ra một giai đoạn mới và vẻ vang. Cả hai người đều tôn trọng truyền thống, cho dầu cả hai đều tiêu biểu cho hai trào lưu khác nhau. Cả hai đều có một cách nói trực tiếp và một sức mạnh nhân bản, làm cho các trước tác của họ có tính cách cập nhật hóa. Trong các tác phẩm của ông, Bernard khẳng định lại những lời khuyên thực hành và những huấn lệnh làm phát huy các nhân đức của dòng tu nói riêng và của Kitô giáo nói chung. Trong nhiều thế kỷ, Luật Dòng đã chiếu sáng giáo huấn của ông về đức vâng lời và đức khó khăn. Ông chú trọng nhiều tới các việc đạo đức, lòng mộ mến sự thương khó và thập giá Ðức Kytô, lòng yêu mến Ðức Maria trong thiên chức Trinh nữ và Từ mẫu, lòng sùng mộ các Thiên Thần và đặc biệt các Thiên Thần bản mệnh, lòng tôn kính các thánh, nhất là thánh Giuse, thánh Phêrô và thánh Benoit. Ngài diễn tả những nguyện vọng của thời đại để làm mẫu mực cho các thế hệ sau. Nhưng trên hết, đây là lời mời gọi trực tiếp đến một cái gì cao cả hơn, đến sự hiệp thông yêu thương với Chúa Con, Ngôi Lời Thiên Chúa, đến kinh nghiệm huyền nhiệm sung mãn. Từ ”chiêm niệm” được lặp đi lặp lại qua các thế kỷ dòng tu và được truyền tụng cho tới cuối thời Trung Cổ dưới ngòi bút của các tác giả tu đức. Từ này hàm hồ, chúng ta không hiểu được nghĩa chính của nó. Nhưng Bernard đã lật đổ mọi sơ đồ khúc chiết. Ngài chỉ chú trọng đến những sự việc cụ thể và kinh nghiệm cá nhân rồi đưa ra giảng dạy cho các tu sĩ những điều tự bản thân ngài đã sống. Về điểm này, ngài là bậc thầy vĩ đại thứ nhất thời Trung Cổ đã mở đường cho rất nhiều nhà thần bí biết rút những gương mẫu giáo thuyết từ chính đời sống của mình. Mấy lần trong các bút tích, ngài đã báo trước về Ruysbreeck và Têrêsa d'Avila. Có thể nói: Bernard là người của mọi thời đại về gương sống và về lòng nhiệt thành.
Là bạn thân và người viết tiểu sử thánh Bernard, ông Guillaume de saint Thierry cũng có nhiều nét độc đáo, nhưng ông nhấn mạnh tới một điểm khác. Khi viết cho các tu sĩ tu viện Grande-Chartreuse và khi bày tỏ mối liên hệ với truyền thống mạo-Denys, ông nhận thức và định nghĩa hiện tượng siêu nhiên và việc chiêm niệm nội tâm bằng những từ ngữ nhắc nhở tới những lời lẽ rất sâu sắc của các giáo phụ sa mạc. Ông là văn gia thứ nhất của Tây phương đã phân biệt rõ ràng trong bức ”thư vàng” của ông, giữa hiểu biết và tình yêu huyền nhiệm và siêu nhiên, với ”cách chiêm niệm” của phái kinh viện. Thế nhưng còn một tu sĩ Citeaux khác, ở Bắc Anh, cũng đã danh tiếng lẫy lừng, là Ailred de Rievaulx, con người thông minh hết mức, nhưng về tư tưởng độc đáo thì không bằng Guillaume. Ailred de Rievaulx là cha và là người hướng dẫn một trong những cộng đồng lớn nhất ở Âu Châu và tất cả các nhà phụ thuộc khá độc lập, là cố vấn của các bậc vua chúa Anh. Ông được người ta biết đến là nhờ cuốn Tiểu sử do Walter Daniel viết và nhờ những bài tham luận của ông về tình bằng hữu thiêng liêng. Nếu bộ tổng hợp khổng lồ các thư của ông được truyền đến đời chúng ta, thì hẳn ông sẽ được liệt vào số những bậc vĩ nhân trong phạm vi này.
So với ông, các tác giả lớn của trường phái Saint Victor, khi mới đọc qua, có vẻ như nguội lạnh và kinh điển. Nhiều độc giả có thể tự hỏi, phải chăng họ diễn tả sự chiêm niệm như họ đã sống hay chỉ như được quan sát từ bên ngoài, và họ viết như nhà thần học hay như sứ ngôn. Hugues và Richard de saint Victor cả hai đều kinh nghiệm rằng, linh hồn nhận được ân sủng có thể đạt tới chân lý thần linh; còn Richard, một cách tế nhị, đưa hành động của linh hồn từ hiểu biết tới tình yêu, nên đã thành công: làm cho những người được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm ngàn đời của Kitô giáo, chấp nhận giáo huấn của Denys l'Aréopagite. Ðược một tu sĩ tu viện Victor khác, Thomas de Verceil (Thomas Gallus khoảng 1246) suy nghĩ lại và coi như một giáo thuyết thực hành về đời sống tâm linh, giáo huấn của Richard de saint Victor đã đóng góp vào việc làm khai mở đại trường phái Rhénan của thế kỷ XIV. Cho tới nay, những kinh nghiệm thần bí của nữ giới chỉ đóng một vai trò nhỏ bé trong văn chương tâm linh của thời đại. Nhưng, từ thế kỷ XII, khi các tu viện trưởng và người sáng lập dòng bắt đầu hướng dẫn tâm linh các nữ tu, thì nhiều nữ tu thần bí và văn sĩ đã xuất hiện, sánh vai với các nhà thần bí của thời đại. Trong số các nữ tu đó, nhiều người đã làm thánh. Bắt đầu từ các tu viện theo Luật thánh Benoit tại Ðức. Nữ tu Hidegarde de Bingen (+1179) là chị cả của những người được thị kiến. Trong hàng trăm lá thư viết cho những người có địa vị, bà đã dựa theo những kinh nghiệm thiêng liêng của riêng mình mà đưa ra những giải đáp về các vấn đề tâm linh hay thần học. Không cần để ý tới những hoàn cảnh lạ lùng của đời bà, chúng ta chỉ nêu bật một chi tiết: những lời khuyên bảo của Hildegarde luôn kín đáo và trung thành với truyền thống. Elisabeth de Schonau đã nhiều lần xuất thần và thường mang thương tích lạ, bà diễn tả như nữ ngôn sứ hơn là người hướng dẫn tâm linh. Ðời sống của bà và những lời bà hướng dẫn, đã đưa bà lên bậc trung độ giữa thánh Hildegarde và Mechtilde.
Mechtilde (1207-1282/1297) trước tiên là nữ tu Bêghin ở Madgebourg rồi sau vào tu kín ở Helfta. Bà viết một bài tự thuật về hôn nhân thiêng liêng, gửi tới cha dòng Ðaminh là linh mục giải tội của bà. Bà là người thứ nhất trong số những nhà thần bí của Helfta: thánh nữ Mechtilde de Hackeborn (1241-1299) em của bà là Gertrude de Hackeborn và nhất là thánh nữ Gertrude Cả (1255-1301/1302). Gertrude Cả là bông hoa tươi ngát hương của thuyết ”hôn phối thiêng liêng” trong thời Trung Cổ. Nhưng chính trong phụng vụ mà bà phát hiện những từ ngữ diễn tả và nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh: chính yếu là hướng tất cả về nhân tính Ðức Kitô. Vì thế bà được coi như một trong những người sáng lập việc tôn sùng Thánh Tâm. Chắc chắn là còn nhiều thánh nữ tu khác, như thánh Gilbert nữ tu tại Anh, vào thế kỷ XII, mà chúng ta không biết danh tánh của các ngài. Nhóm Helfta vừa là nhóm thời danh nhất trong các nhóm Biển Ðức cổ truyền, vừa là nhóm cuối cùng đã chiếm địa vị quan trọng trong trào lưu thiêng liêng tại Âu châu.