CHƯƠNG XIX
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ
(1000 -1200).
CHƯƠNG XIX
TƯ TƯỞNG THỜI TRUNG CỔ
(1000 -1200).
Một trong những đặc tính của nền văn minh thời Trung Cổ Tây phương là tất cả các hoạt động trí thức cấp cao đều lệ thuộc vào các nguyên tắc tôn giáo và luôn lấy tôn giáo làm mục tiêu, ngoại trừ những hoạt động thuộc khoa thực nghiệm như y khoa hoặc dân luật, hay thuộc khoa học thuần túy như toán học hoặc quang học. Vì thế, triết học, văn chương và nghệ thuật đều là thành phần của lịch sử Giáo Hội Trung Cổ. Trái lại, trong những thời kỳ trước và sau, những hoạt động ấy chỉ có những tiếp xúc hời hợt và hiếm hoi với tôn giáo. Hệ luận rút ra từ khẳng định chung này là, các môn học và cơ quan có liên hệ với những hoạt động trên, đều bị thẩm quyền tôn giáo kiểm soát hay giữ độc quyền.
Trong thời thượng Trung Cổ, có hai phương thế giáo dục: trường học của nhà thờ chính tòa và nhà trường của dòng tu. Trong nhiều miền ở Ý còn có các trường tỉnh dạy ngữ pháp và luật khoa. Nhưng các trường này nằm sau trên danh sách chung các trường học. Nhà thờ chính tòa và dòng tu chỉ có một hình thức giáo huấn độc nhất là vết tích của nền giáo huấn tu từ học của thời hạ đế quốc Roma, nó cũng lại là một lối cắt xén của nền giáo dục Hi Lạp thực thụ, nó cũng chỉ nhằm vào ngữ pháp, tu từ học và biện chứng của tam khoa (Trivium) cổ xưa. Còn tứ thư (Quadrivium) cũ phong phú hơn, gồm có hình học, số học, thiên văn học và nhạc lý, thì vào thời này đã hoàn toàn bị bỏ quên hoặc bị coi như một môn học chỉ nệ vào sách vở. Thứ tự tam thư đã bị thay đổi. Bây giờ biện chứng đứng hàng thứ hai, như vậy rõ ràng nó bớt quan trọng hơn. Không còn là một dụng cụ để tìm kiếm chân lý hay thực tại cuối cùng nữa, nhưng chỉ là một đề tài học hỏi rồi lãng quên đi thôi. Giáo huấn chỉ nhằm vào văn chương và đưa tới việc học Kinh Thánh và những bản văn giáo phụ, nói cách khác, đó là tất cả những gì lúc đó người ta biết về thần học. Một cách chung chung, người ta có thể nói rằng giữa thời Hincmar thành Reims (khoảng 850) và Lanfranc thành Cantorbery (1010-1089), các tu viện là những trung tâm văn hóa hoạt động nhất.
Một sự thay đổi đã dần dần diễn ra trước năm 1000, bắt đầu từ những trường thuộc các nhà thờ chính tòa vùng Lorraine, về phía Bắc và trung tâm nước Pháp, mà Chartres chiếm địa vị trị trổi vượt. Sự thay đổi này được đánh dấu bằng việc phục hồi khoa biện chứng. Khoa này lại được coi như giai đoạn cuối cùng của chu kỳ học vấn, cho nên có thể được tiếp tục trau dồi mãi mãi. Biểu tượng cho sự đổi mới này là thế giá của Gerbert thành Aurillac, cựu sinh viên Chartres, làm giáo sư trường Reims, rồi được bổ nhiệm làm giám hộ của hoàng gia trước khi được bầu làm giáo hoàng. Gerbert hay đức Sylvestre II là một con én cô độc. Nhưng nhờ con én này, nhiều trường thuộc nhà thờ chính tòa đã nghiễm nhiên trở nên những trung tâm thu hút các nhóm sinh viên nhiệt tình. Khoa biện chứng lúc này được dùng làm phương pháp học hỏi, và được các sinh viên hâm mộ đặc biệt, coi như môn chính yếu phải đạt tới. Vì thế nhiều giáo sư thời danh xuất hiện, họ giảng dạy từ trường này qua trường khác và cả tại các lớp ngoài khuôn viên nhà trường. Họ thu hút và lôi kéo sinh viên trong các cuộc ”du hành”, họ nhận tiền thù lao. Hầu hết các sinh viên và các giáo sư, trừ sinh viên luật khoa và y khoa, đều là những người thuộc hàng giáo sĩ và vì thế thuộc quyền pháp lý của Giáo Hội.
Biện chứng được phục hồi không phải là nhờ ở những bản văn mới có hay mới được khám phá ra. Nó chỉ dựa vào lý luận sơ lược của Aristote, được định nghĩa trong cuốn Nhập Môn danh tiếng của Porphyre, y nguyên như Boèce đã truyền đạt lại cho các học đường La tinh năm thế kỷ trước. Nhưng những bài học ngắn ấy đã chứa đựng những giá trị nội tại, từ lâu bị bỏ quên, mà nay giới trí thức Âu Châu đang cố gắng khai thác và đề cao. Từ hệ thống các công thức chết, khoa luân lý trở nên kỹ thuật và phương pháp áp dụng cho cho tất cả mọi hiểu biết. Các giáo sư thế kỷ XI đã có khả năng sử dụng một khí cụ mà Paschase Radbert và Scot Erigène đã không biết xử dụng. Nhưng, cũng như thời xưa ở Hy Lạp, khoa biện chứng, một khi du nhập thuyết duy lý, thì liều mình trở thành một hiểm họa cho Ðức Tin và quyền bính. Các nhà thần học và các giám mục đã phải đương đầu ngay từ buổi đầu, với một vấn đề từ nay làm cho các ngài gặp nhiều thử thách.
Một hậu quả nhãn tiền của tình trạng này là cuộc tranh luận thần học quan trọng đầu tiên trong Giáo Hội Tây Phương: nhân danh lý luận biện chứng, Bérenger đã chối sự hiện hữu thực sự của Ðức Kitô trong bánh rượu được truyền phép. Trường hợp Bérenger là điển hình nó bắt buộc thẩm quyền xiết chặt quan điểm thần học của mình. Thực vậy, thẩm quyền không ra mặt chống đối truyền thống hay niềm tin chung, nhưng đã gạt bỏ từ lâu cách tìm hiểu linh đạo của trường phái Âugustin mà người ta đã thấy chớm nở một thế kỷ trước nơi Aelfric, người Anh. Thẩm quyền này lại xem ra khuyến khích một lòng tôn sùng máy móc và thô kệch hơn, cho dù lâu dài về sau, lòng tôn sùng này đã cung cấp cho giáo thuyết về phép Thánh Thể một thành lũy chống xói mòn.
Lanfranc, nhà tư tưởng không có tầm vóc, cũng không có độc đáo lớn, đã được ca tụng như ánh sáng cao vời của thời đại. Học trò của ông là Anselme, lên kế vị ông ở Bec, và ở Cantorbery, cũng chỉ được một ít người coi như tôn sư và như văn gia. Nhưng Anselme, được người đương thời coi như một tu viện trưởng thánh thiện, rồi một giám mục đã trở nên nhà tư tưởng và nhà thần học trong số hai ba vị nữa của thời hoàng kim kinh viện. Ông không phải là người đưa ra lý thuyết mới và vẫn cho mình là theo truyền thống trực tiếp của Augustin. Anselme là người có một tư tưởng độc đáo và sâu xa, với trí tuệ sắc sảo, với tư tưởng và lời văn trong sáng, trong một loạt bài bình luận viết theo hình thức đối thoại. Ông diễn tả tất cả những điều mà trí khôn có thể hiểu biết và lãnh hội được về các mầu nhiệm cao cả của Ðức Tin Kitô giáo: sự hiện hữu của Thiên Chúa, thiên tính của Ðức Kitô, ý chí tự do của con người và sự tiền định. Tuy không nói rõ hết ý của mình, Anselme đã nêu bật vai trò thực thụ của biện chứng trong khoa thần học. Chưa ai vượt được ông trong phạm vi này. Thế nhưng, chứng cớ thời danh ông nêu ra để minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa đã không được người ta đồng loạt chấp nhận mà còn đưa ra tranh luận, lúc được chấp nhận, lúc bị chối bỏ, từ thời ông sống cho tới ngày nay. Thánh Thomas cũng xử dụng các kỹ thuật biện chứng và những định nghĩa của triết học một cách điêu luyện và trong nhiều bộ môn quảng bác hơn. Thánh Bonaventura đã hoàn bị chương trình thần học của thánh Augustin là vị hướng đạo của Kitô hữu trong cuộc hành trình về với Thiên Chúa. Nhưng cần nói thêm là không ai hơn Anselme, người đã trung thành phối hợp lý luận của con người với trực giác thiêng liêng và nhiệt tâm sùng bái.
Anselme chỉ nói và viết cho mấy sinh viên ở Bec và ở Cantorbery. Ông sống ở ngoài môi trường học đường của thời đại và không có một ảnh hưởng trực tiếp nào đối với học đường. Trong khi ông hy vọng liên kết biện chứng với thần học, thì những biện chứng gia như Roscelin, thuộc thuyết duy danh, họ cũng ly khai với quan niệm cổ truyền, vốn cho rằng thần học tự hạn chế vào việc học Kinh Thánh, để rồi dựa vào các giáo phụ và các công đồng mà rút ra những quan điểm và những kết luận (sententiae). Một phương cách kết hợp hai trào lưu quyền bính và lý trí đã được phát hiện hay ít ra được khai mào bởi nhà đại tư tưởng thứ hai lúc trào lưu kinh viện bắt đầu. Ðó là Abélard, tinh thần cũng tế nhị và cũng độc đáo như Anselme, mặc dầu sự nghiệp của ông bị thất bại bởi tính nết của ông khác hẳn với tính nết của Anselme. Ông là con người đóng kín, chỉ nghĩ đến mình và nóng nẩy, như nhiều người gọi ông là ”cái ngai của bất hòa”. Tính khí như vậy, ông bị lôi cuốn vào một loạt những sai lầm và tai biến.
Cũng như Bérenger, Abélard được đón chào như một bậc tiền phong, như vị tử đạo tiên khởi vì tự do tư tưởng. Khoa bình luận đã xếp ông vào thời đại ấy, như một người thành thực mộ đạo, nhưng có tinh thần của một biện chứng gia hay của một thủ lãnh các cuộc tranh luận hơn là một thần học gia hay một thầy chỉ dẫn đường đạo đức. Sau một loạt tranh luận với những người đã dạy ông về khoa biện chứng, như Roscelin hay Guillaune de Champeaux, ông tự coi mình như làm chủ tình thế, và đắc thắng quay về với khoa thần học. Dĩ nhiên ông đoạt được nhiều chiến thắng. Ông nhận ra và hiểu biết nhu cầu của rất nhiều sinh viên hăng say biện chứng, hăm hở giải thích theo trật tự, cho hợp lý toàn bộ giáo lý, để thay thế hay ít ra để kéo dài những bộ tuyển tập thiếu mạch lạc về Phúc âm hay giáo phụ đang lưu dụng. Cuốn Thần Học Nhập Môn của ông, được tái bản nhiều lần, là bước thứ nhất để đi tới những đại tuyển tập Tóm lược (summae) của thế kỷ XIII. Ông đã được Héloise mến chuộng và tôn sùng. Cho dù Abélard có nhiều tài năng trổi vượt mà không sao thành một nhà thần học tên tuổi, thì đó là chứng cớ ông cũng có nhiều giới hạn. Ông thiếu sâu sắc và khôn ngoan tâm linh cần thiết; ông không tìm cách thâm nhập tình cảm như Anselme để nhờ đó thấu hiểu các mầu nhiệm Ðức Tin; ông cũng không tìm cách thu tập những tài liệu đã được những nhà hiền triết tiền bối để lại; ông ưa xử dụng định thức của một tín điều như khởi điểm của một thượng tầng biện chứng đã được khởi thảo. Rồi khi bình luận, ông thiếu tinh thần bình tĩnh và vô tư của một đại tư tưởng gia. Luôn luôn ông tự đặt mình trong những tình huống không sao thoát ra được mà không bị tủi hổ, như trong cuộc bút chiến thời danh với thánh Bernard. Công việc nghiên cứu mới đây đã nhận thấy rằng các lỗi lầm của Abélard không phải là hữu ý, và minh chứng rằng ông có nhiều quan điểm rất gần với chính thống, đặc biệt trong những sách ông tái bản về sau. Thánh Bernard bao giờ cũng hăng say, hống hách và có biệt tài thi thố chiến thuật; ông không thể đánh giá nổi chí hướng khoa học trong những quan điểm của Abélard; Hơn thế, phương pháp và chí hướng của Abélard có nguy cơ làm cho người ít am hiểu xa rời căn bản tín lý, và do đó, dẫn tới hậu quả tương đương như hậu quả của thyết duy danh sẽ xuất hiện sau hai thế kỷ. Ðàng khác, Abélard một đàng không nắm vững mọi chi tiết của thần học, một đàng, khi bút chiến hay tranh luận lại thích xử dụng những từ ngữ và những quan điểm chưa ai biết tới. Thế nhưng, trí thông minh và sắc bén của ông đã lấy luận lý làm kỹ thuật trí thức và làm một khoa học để rèn luyện những tâm trí có khả năng. Ông đã không sợ đạp đổ những giải thích máy móc hay những quan điểm có tính cách ngu dân; về đạo đức học, ông cho sự lựa chọn cá nhân là quan trọng, đối lập với việc chấp nhận lề luật theo chữ đen và không cần suy nghĩ (có thể là chưa hiểu cho xác đáng), điểm này sẽ trở thành cổ điển vào đại thời kỳ kinh viện. Hơn nữa, về mặt kỹ thuật chuyên ngành, sự hoài nghi theo phương pháp đã được trình bày trong phương cách lý luận ”như thế và không thế” (sic et non), tuy không phải là một khám phá độc đáo, nhưng đã được toàn thể công nhận vì có lời ca tụng của Abélard, ít ra một phần nào đó.
Hơn bất cứ giáo sư nào khác, Abêlard đã góp phần làm cho Paris trở nên đô thị tuyệt hảo của các sinh viên văn khoa. Người đối thủ đã đầu hàng của ông, Guillaume de Champeaux, cũng góp phần vào việc nghiên cứu thần học của đô thị, ông đã sáng lập một trường học trong tu viện saint Victor. Ở đây, mấy giáo sư lỗi lạc, như Hugues và Richard, đã dùng biện chứng để giảng dạy cách thức phối hợp sự hiểu biết về các giáo phụ với quan điểm của Augustin. Tác phẩm của Hugues de saint Victor thuộc loại trước tác vào giai đoạn đầu của thần học kinh viện. Các học giả, khi chưa làm giáo sư đại học với chương trình và thời khóa biểu giảng dạy, đã có thể nghiền ngẫm giáo huấn cổ truyền theo ánh sáng khoa biện chứng.
Theo các tài liệu, di sản trực tiếp mà tân Âu Châu thế kỷ XI đã thừa hưởng được từ tư tưởng cổ xưa, là những văn bản chính yếu về khoa luận lý của Aristote do Porphyre và Boèce truyền lại và giải nghĩa. Phần còn lại trong hệ thống của Aristote thì hoàn toàn không được biết tới. Ðàng khác, người ta không có một bản văn nào của Platon hay của trường phái tân Platon, nhưng người ta biết một phần lớn tư tưởng của họ. Chẳng hạn những phương pháp và vụ kiện của Socrate, mấy tư tưởng chủ yếu trong những lý thuyết của Platon về chính trị hay về giáo dục, nhất là lý thuyết về những mô thức. Nhiều hay ít, người ta biết đến tất cả những điểm này. Ðoạn văn trong Timée về huyền thoại sáng thế viết bằng la ngữ. Người ta biết ít hơn về lý thuyết đầu tiên của tân Platon, nhưng các tác phẩm của thánh Augustin, tiến sĩ của Tây phương đã thấm nhuần nhiều tư tưởng Platon và Plotin, đến nỗi đã ảnh hưởng tới những quan điểm của hầu hết các nhà tư tưởng thế kỷ XII và XIII. Các sách của Denys l'Aréopagite đã nhuộm mầu cho tất cả nền giáo huấn huyền bí và ảnh hưởng tới thần học các thiên thần và các bí tích. Chắc chắn Augustin đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc qua trung gian những người kế tiếp ông và bắt chước ông, tới tất cả nền văn chương thời thượng Trung Cổ, tới mọi tâm tình tôn giáo và những hình thức suy niệm, tới các khoa tâm lý nội tâm, tới cách hành văn và sử dụng từ ngữ của đa số các văn gia. Về thần học và triết học, không phải chỉ có một mình ông đã gây nên ảnh hưởng lớn. Nhưng quan niệm của ông về vũ trụ, về con người và về vạn vật và nhất là cách hòa hợp tự nhiên với siêu nhiên, hay đúng hơn cách ông đón nhận đời sống con người như đời sống thực tế người Kitô hữu, vừa là con người đươc tạo dựng, vừa là con cái Thiên Chúa, tất cả những điều này đã thấm nhuần vào tư tưởng tôn giáo thời Trung Cổ, đến nỗi tư tưởng của Augustin không những chỉ là một sự giải thích cái khả năng đón nhận mà còn đã trở thành tư tưởng độc nhất được đón nhận nữa. Xét về mặt triết học, Augustin đã dựa trên tư tưởng của Platon theo lối giải thích của Plotin; quan niệm ”tổng hợp” trong đời sống Kitô của Augustin một phần lớn là giáo thuyết của Plotin, một thứ nhất nguyên thuyết. Vì thế, nó đã làm cho các nhà tư tưởng thời Trung Cổ, như những giáo sư ở Chartres vào đầu thế kỷ XII, chấp nhận các quan điểm của Platon.
Vào giữa thế kỷ XII, tinh thần ưa khảo cứu, đã có trong gia sản hai đại hệ thống pháp lý mới khám phá ra, nay lại hướng về nền văn minh Ả Rập ở Tây Ban Nha, lúc này sắp quy phục Kitô giáo. Và từ giữa thế kỷ, các học giả Tây phương ở Tây Ban Nha, và mấy người khác ở Sicile, đã bắt đầu sưu tầm và phiên dịch những tác phẩm triết học của các tư tưởng gia Batư, Ả Rập hay Do Thái như Avicenne, Avicebron, Averroès và Maimonide. Hơn nữa họ còn hăng hái phiên dịch từ tiếng Ả Rập những tác phẩm tới nay chưa ai biết của Aristote. Những tác phẩm này sau khi đã đi chu du qua Syrie, Ba tư và Ai Cập, và dưới nhiều ngôn ngữ, lại bắt đầu xuất hiện trong trào lưu tư tưởng Tây phương, phát xuất từ Tolède và các tỉnh khác ở Tây Ban Nha do người Kitô hữu mới chiếm lại được. Ở đây, các học giả phương Bắc đã bắt tay làm việc. Ðó là những giáo phẩm mới được bổ nhiệm, nhưng cũng có những nhà văn và nhà khoa học, những học giả ”lưu động” như Adélard de Bath và Gérard de Crémone. Vì vậy, các tác phẩm của Aristote và của người Ả Rập, đã lần lượt tới Paris và Oxford.