CHƯƠNG XVII
NHỮNG CƠ CẤU CỦA GIÁO HỘI
THỜI TRUNG CỔ
CHƯƠNG XVII
NHỮNG CƠ CẤU CỦA GIÁO HỘI
THỜI TRUNG CỔ
Trong hai thế kỷ, dưới triều đại giáo hoàng Sylvestre II và Innocent III, cả cơ cấu nội bộ và hoạt động đối ngoại của Giáo Hội đều được phát triển về mọi lãnh vực. Thời kỳ này có một tầm quan trọng chủ yếu, vì bên ngoài thấy có sự đoàn kết chặt chẽ và các giáo hoàng đã thực sự thi hành quyền mình. Ðối với mấy người đương thời và đối với nhiều người quan sát về sau, những thay đổi này được coi như hậu quả của một cuộc cách mạng. Ðối với những người khác và nhất là những người chủ trương tập trung quyền bính của Giáo Hội La tinh, thì thế kỷ XI chỉ là một sự phục hưng, tiếp nối một công trình đã bị bỏ rơi từ thế kỷ VI; đến thế kỷ XII, quá trình ấy lại tràn qua những xứ bên kia núi Alpes. Cả hai cách giải thích này, mỗi cách đều có một phần sự thật. Những nguyên tắc và phần lớn cơ cấu trí thức, thần học và hành chánh mà các nhà chức trách Giáo Hội xử dụng ở thế kỷ XI, thì đã có từ xưa và lâu nay vẫn được công nhận và tôn trọng. Nhưng những người xử dụng và phát triển các cơ cấu ấy, lại thuộc nhiều chủng tộc và văn hóa khác nhau, họ phải giải quyết tùy theo khả năng những vấn đề mới được đặt ra. Vì thế, có sự thật thầm kín xem ra nghịch lý: vì nhiều lý do, đầu thế kỷ XI đã đánh dấu sự chia rẽ giữa hai nền văn minh ở Âu Châu, và kim đồng hồ đã ngưng chạy vào thế kỷ VI, nay bỗng nhiên lại bắt đầu chạy. Trong một bối cảnh khác, thế kỷ XI và XII là một thời kỳ trăm hoa đua nở sau một mùa đông rét buốt, mùa lượm được những hạt do Charlemagne và các nhân viên của ông đã gieo trồng.
Cũng như các thời kỳ khác, đời sống Giáo Hội phải được học hỏi dưới hai phương diện khác nhau. Một đàng là sinh hoạt của tập đoàn tín hữu đông đúc tản mác khắp Âu Châu, từ đời này qua đời khác, trong dòng liên tục từ khi sinh cho tới lúc chết, họ đã sống trong cùng một tín ngưỡng, với những linh mục theo chung một nghi thức và cử hành những bí tích như nhau. Khác với các chức sắc và các văn nhân, những người này không bao giờ bị khuấy động bởi các trào lưu. Hơn thế, họ có một nhóm nhỏ, những người cầm đầu, chỉ chuyên lo soạn thảo các tín điều, các luật pháp và mọi thủ tục hành chánh, đó là Giáo Hội và những nhân viên thực thụ của Giáo Hội.
Trong một Giáo Hội có ít giáo dân và trong xã hội Tây phương vào năm 1000 còn hoàn toàn thôn dã, thì các thập niên và thế kỷ cứ âm thầm tiếp nối nhau. Vì thiếu thống kê, nên khó trả lời những câu hỏi rất sơ lược như: khi nào miền này hay miền khác đã toàn tòng và công khai theo Kitô giáo? Khi nào lãnh thổ này hay lãnh thổ khác đã hoàn toàn được tổ chức theo khuôn mẫu chúng ta gọi là giáo xứ? Hai câu hỏi này, đặc biệt câu thứ nhất, rất khó trả lời, bởi vì những cuộc xâm chiếm Ðức, Scandinavie, Hung Gia Lợi và các nước khác đã xóa hết vết tích truyền đạo và bắt buộc phải có một cuộc giảng Phúc âm mới. Một sử gia mới đây đã khẳng định: mãi tới thế kỷ XI Âu Châu mới hoàn toàn đón nhận Kitô giáo (1). Nhưng chỉ nói chung như vậy e không đúng. Nhiều miền ở Pháp, như thung lũng sông Rhône và một diện tích rộng lớn nằm ở phía Ðông Nam Paris, kể cả những vùng quần đảo Anh, đã theo Kitô giáo vào thế kỷ VII và có lẽ còn sớm hơn nữa. Vả lại, ngay sau năm 1000, vẫn còn những miền rộng lớn hoàn toàn thuộc về ngoại giáo; vẫn còn những tín ngưỡng và tập tục đã đâm rễ sâu vào tâm khảm dân chúng, qua mấy ngàn năm ngoại giáo. Chúng pha trộn vào những nghi thức Kitô hoặc có tồn tại song song, hoặc đã biến mất không còn ai nhớ đến. Nhiều khi các tập tục tôn giáo ấy mang tính cách hãi hùng, những hình dáng ma thuật, những oán thù chủng tộc hoặc những thứ tà giáo.
Cần có những chi tiết rõ rệt mới có thể thiết lập đích xác bản đồ mục vụ của hàng giáo sĩ. Nhưng nếu không đạt được trong chi tiết, người ta cũng có lý để nghĩ rằng những miền đông dân tại Pháp, Ðức và Anh đã có cơ cấu giáo xứ hoặc đúng hơn đã có nhà thờ và các linh mục: ở Pháp trước năm 800, ở Ðức kể từ giữa thế kỷ IX và ở Anh trong suốt thế kỷ IX. Cho dầu về sau, một phần nước Anh đã bị người Ðan Mạch xâm chiếm, cũng như nhiều miền ở Pháp cũng bị người Normand thôn tính. Như chúng ta đã thấy, phần lớn và có thể hai phần ba các nhà thờ nằm dưới quyền một chủ ông. Ðiều ấy có nghĩa là tại miền quê linh mục là một ”tuyên úy tư”. Dĩ nhiên ngài có một số việc buộc phải làm đối với chủ ông, nhưng theo nguyên tắc, ngài phục vụ các nhu cầu tâm linh của người trong làng trong xã. Linh mục được các hội đồng và kinh sĩ đoàn trao cho nhiệm vụ giảng dạy giáo dân của mình hiểu biết các điều phải tin, các kinh thường đọc, các nhân đức trong đạo và những giới răn chính yếu của Giáo Hội. Linh mục cũng phải cắt nghĩa Phúc âm trong Thánh Lễ và có bổn phận dạy cấp tiểu học cho những trẻ em sáng trí trong vùng. Chúng ta không biết chính xác những liên hệ của linh mục đối với những người trưởng thành. Thường thường ngài xuất thân từ cùng một giai cấp xã hội như họ, ngài có lực học thấp kém như họ và ngày ngày canh tác ruộng vườn như họ. Ngài cũng đi chợ mua bán và ngồi quán ”rượu” như mọi người. Ở thế kỷ IX và X, đa số các linh mục lập gia đình hợp pháp, hoặc sống chung với người nữ mà không ai dị nghị. Ở thời đó, hôn nhân được cử hành, không cần sự chứng giám của linh mục, người ta ít rước lễ và chưa có thói quen xưng tội. Do đó khó lòng mô tả được những công việc mục vụ của một cha sở thôn quê. Nhưng sử gia không được quên rằng việc của ông ở đây là nghiên cứu về các Kitô hữu đã được rửa tội và có lòng tin, rằng những vấn đề tâm linh và luân lý thì ở xã hội nào cũng giống nhau, rằng sự giúp đỡ của một người đứng đắn và những lời khuyên bảo họ nói ra bao giờ cũng được người ta quí trọng.
Về phương diện này, người ta có thể ghi nhận một chuyển biến trong thế kỷ XI và XII, bởi vì những cải cách dự liệu trong các công nghị và công đồng đã được phổ biến tới các giáo xứ và ảnh hưởng đến những ông chúa có lòng đạo. Việc giữ luật độc thân bắt đầu được phổ biến, dĩ nhiên là tiệm tiến. Càng ngày càng hiếm thấy một người con lên quản nhiệm giáo xứ theo di chúc của cha mình. Người nông dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dòng tu đang mọc lên như nấm. Theo luật lệ cổ truyền hay theo những cải cách mới, các trường hợp trở lại đạo của thời này đều do ”những ảnh hưởng tốt” (những bài giảng vững chắc, Sermons de pierre) của các tu viện. Việc phát triển giáo dục trong các nhà trường mới, việc gia tăng giáo dân ở thôn quê và nhu cầu đất đai để trồng trọt, tất cả phản ảnh sự phấn khởi của dân chúng chào đón các tu sĩ Citeaux và những ơn gọi mới, làm trợ sĩ trong các tu viện. Tất cả những sự việc nói trên, đặc biệt việc tăng thêm các dòng tu, đã có một ảnh hưởng quyết liệt trong sự khai triển tâm tình tôn giáo giữa những năm 1050-1150. Ðời sống tu trì từ nay mở ra đón tiếp mọi người có sức khỏe tốt. Trong hơn một thế kỷ, dòng Citeaux và dòng Prémontrés đã thu hút được những phần tử sốt sắng nhất trong dân chúng. Các phụ nữ cũng đi tu làm nữ tu hay nữ trợ sĩ trong các nhà dòng mới mở ở Fontevraull hay Sempringham. Người ta đã viết nhiều về những động lực của các vị sáng lập và nếp sống nội tâm của những tu viện mới này. Người ta có thể khẳng định rằng những động lực vào tu viện không luôn thuần túy tâm linh. Nhiều khi chỉ vì thói đua đòi, vì muốn tìm danh vọng, vì tin vào lời cầu nguyện cho mình khi còn sống và lúc đã qua đời. Ngay những người dâng tiền của cũng tính toán những điều đó. Hơn nữa, nhiều người xin vào nhà tập, vì muốn có một chỗ nương thân, niềm tin gần như mê tín vào nhịp sống tu trì hoặc chỉ vì sợ tội và những hậu quả của tội. Nhưng rất nhiều tu viện ở thế kỷ XII và cả những thế kỷ sau, còn lại những di tích hoang phế, cho phép chúng ta dễ tưởng tượng ra vẻ đẹp trang trọng của đời sống tu trì, làm chứng rằng số rất đông tu sĩ, nam cũng như nữ, đã tận hiến tinh thần và thể xác theo lý tưởng tu trì thật sự, đã chấp nhận mọi vất vả để theo tới đích con đường tận hiến mà không mong đền bù hay vì một lợi ích xã hội hoặc vật chất nào.
Trong thế kỷ XII, nhất là vào những thập niên cuối cùng, dân thành phố tăng lên nhiều. Cho tới nay, Ý là nước Kitô giáo độc nhất tại Tây phương có nhiều thành phố và sinh hoạt thành thị chiếm phần dân đông nhất. Trong những ”đô thành” cổ tại Ý (đã bắt đầu suy thoái vào khoảng từ năm 500 đến 1000) tổ chức Giáo Hội giống hệt như ở Roma. Tại mấy tỉnh ở miền Nam nước Pháp, Giáo Hội cũng được tổ chức như vậy. Trong mỗi thành phố, có một nhà thờ chính tòa đồ sộ với một giếng rửa tội và một loạt các nhà thờ vùng ngoại ô. Nhà thờ thường nằm giữa một nghĩa trang. Trong thế kỷ X và XI, các tỉnh miền Bắc Ý được mở rộng, kể cả những tỉnh trong thung lũng sông Rhône và miền Nam nước Pháp. Nhưng chẳng bao lâu hai vùng này đã bị những thành phố kỹ nghệ và thương mại Hòa Lan và Rhénanie cạnh tranh. Trong những thôn xã nhỏ là nơi có những nhóm giáo dân sống đoàn kết, ít phảng phất đời sống tu trì, thì lòng đạo đức của giáo dân mỗi ngày một bộc lộ công khai, nhưng không vì ảnh hưởng các dòng tu hay hàng giáo sĩ, và thường còn có mầu sắc chống giáo sĩ. Ðó là sự phát hiện đầu tiên ở Tây âu một trào lưu sau này sẽ làm nẩy sinh những dòng tu chính thống hay lạc giáo, như các tổ chức dòng Lollards, Bégards, những giáo phái Cải Cách và những Giáo Hội không theo quốc giáo trong miền Anglo-Saxons.
Ở Milan và ở Lyon, nhóm các ”kẻ bị sỉ nhục” và những người Vaudois đã dần dà bộc lộ những đặc tính riêng của họ: thích đọc kinh, cầu nguyện chung với nhau và làm các việc đạo ngoài cơ cấu phụng vụ; thèm khát nghe giảng và đọc Kinh Thánh bằng tiếng bình dân; tỏ vẻ khinh rẻ hàng tư tế và các bí tích trong đạo; muốn đặt lại vấn đề về Thánh Thể; yêu chuộng đức khó nghèo và và có vẻ giận ghét quyền giáo phẩm. Tại Ý và tại Pháp, nếu bỏ đi những yếu tố ”cathares” (lạc giáo), thì các nhóm này từ ban đầu không phải là những người nổi loạn hay theo dị giáo. Họ chỉ mong lấp đầy khoảng trống tâm linh trong đời họ và mong được các hàng giáo sĩ bất cứ ở đâu và thuộc cấp nào giúp đỡ. Trong nhiều nơi, nhất là tại Ðức và vùng Ðông nước Pháp, các kinh sĩ bắt đầu đáp ứng nhu cầu tâm linh của người thành thị. Người ta hy vọng các kinh sĩ đoàn đang phát triển mạnh trong thế kỷ XI, sẽ giúp cho giáo xứ thôn quê cũng được hưởng những ích lợi thiêng liêng lớn ấy, nhưng tiếc là hy vọng này đã bị các biến cố làm tan vỡ. Trong các nước khác, nhất là trong các tỉnh miền Bắc Scandinavie, người ta thấy nhiều nhà thờ tư nhỏ do các nhóm tiểu tư sản xây dựng. Những nhà thờ này, cuối cùng đã sáp nhập vào hệ thống giáo xứ.
Cũng vào thời này, có hai nhân tố đã đóng góp vào việc thay đổi cơ cấu của các Giáo Hội Trung Cổ: trước hết là khả năng rất lớn trong việc soạn thảo kế hoạch quản trị và hành chánh, sau là tinh thần tự tín cao độ, được coi như đặc tính của thời đại. Nhờ đó, những sáng kiến cá nhân dần dần đã trở thành những guồng máy đầy đủ bộ phận then chốt. Những cuộc tranh chấp giữa các hoàng đế và giáo hoàng về qui chế và uy thế của tòa Giáo Hoàng chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của một trào lưu rộng lớn, trong đó các tranh chấp chỉ có tính cách nhất thời thôi. Trong suốt bốn thế kỷ, trừ mấy giai đoạn khủng hoảng, tòa Giáo Hoàng chỉ như một nguồn quyền bính xa xôi và được kính nể, như một nhân tố hiệp nhất, đóng vai trò trọng tài hoặc ban phát mấy phẩm hàm cổ truyền. Sau giai đoạn dài đó, tòa Giáo Hoàng mới bắt đầu quan tâm thực sự đến việc quản trị Giáo Hội, mới nắm được trong tay các guồng máy hành chánh. Ðược thoát khỏi mọi bảo lãnh của Roma hay của hoàng đế, Giáo Hội Roma được tự do bầu giáo hoàng, và từ đó các giáo hoàng mới có thể dấn thân vào việc tổ chức quản trị Giáo Hội. Từ thế kỷ đầu, hay ít ra từ thời Constantin, Giáo Hội Roma luôn có một văn phòng thư ký và sở lưu trữ. Dưới triều các giáo hoàng đảm đang của thế kỷ V, rồi dưới triều đức Grégoire I, hai văn phòng này được phát triển rất nhiều. Thực ra chẳng ai biết r õvề phương pháp hoạt động của đức Grégoire. Ðiều chắc chắn, sau khi ngài tạ thế, và tiếp theo mấy thế kỷ, những vua chúa cai trị lãnh thổ của giáo triều đã thoát khỏi quyền kiểm soát của giáo hoàng. Nhưng sau khi phần đất thái thú Ravenne bị mất năm 751, giáo hoàng đã lấy lại được quyền kiểm soát phần đất công tước Roma. Vào thời Charlemagne, việc cai trị của giáo hoàng bị đặt dưới quyền giám sát của hai công chức nhà vua (missi). Rồi sau đó, giới quí tộc Roma lại nắm quyền thực thụ. Thế là vào thế kỷ X, Albéric đã lãnh quyền làm vương hầu. Khi ngài chết, các giáo hoàng đã tìm cách lấy lại thực quyền. Kể từ đó, các giáo hoàng cương quyết nắm giữ uy quyền, mặc dầu nhiều khi bị cản trở và bị lưu đầy, vì đột nhiên có một người quí tộc Roma nổi lên và vì những chiến thắng của các ngụy giáo hoàng. Trong cả thời gian này, phòng chưởng ấn và sở tài chính phải quán xuyến cả việc dân sự, cả việc Giáo Hội, phải chăm lo cả linh mục lẫn giáo dân. Thời này, các giáo hoàng thường được chọn trong những chức sắc cao cấp nhất và người có uy thế nhất lại là thủ thư viện (Bibliothecarius) và chánh văn phòng của giáo hoàng. Những chức sắc khác là trưởng phòng chưởng khế (Primicerius), thủ kho bạc (Vestacarius) và trưởng phòng thu thuế (Arcarius). Có một số các chức sắc lo việc quản trị nhà giáo hoàng, ban đầu là ban đại diện, cũng gọi là ”Vicedominus”. Tới thế kỷ XI, chức vụ này do hồng y tổng phó tế giữ. Phẩm trật phiền toái này vẫn tồn tại, mặc dầu triều giáo hoàng thăng trầm đổi thay. Nhưng các giáo hoàng đã nhanh chóng bị tước đoạt quyền quản trị về tài chính, các bá tước Roma tranh giữ hết và họ tìm cách thu nhiều hoa lợi. Khi đã thắng thế và được canh tân, tòa Giáo Hoàng chiếm lại các nguồn lợi của mình và lo quản trị hữu hiệu. Về điểm này, đức Léon IX có thể được coi như người tiên phong: ngài may mắn tìm được người phụ tá là Hildetrand, vừa cương quyết vừa có kế hoạch làm việc. Tới đức Grégoire VII, là tổng phó tế trước khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài mới là người thực sự đã cải cách nền tài chánh. Dưới triều của ngài, các nguồn lợi tức mới được thu hoạch thường xuyên và dồi dào. Nguồn lợi tức đầu tiên thuộc phần đất di sản và những lãnh thổ mà các vua và hoàng đế đã dâng cúng cho tòa Giáo Hoàng. Thứ đến là những đóng góp cổ truyền của một số giáo đoàn, trong đó có quỹ thánh Phêrô ở Anh là đáng kể nhất, và của một số vương hầu khác của Giáo Hội Roma. Tuy không quan trọng, nhưng cũng phải kể đến những loại thuế đánh vào các tu viện tới nay không phải nộp thuế. Sau cùng, phải kể tới những lợi nhuận quan trọng nhưng ”vô hình”, của các nhân viên làm việc trong giáo triều, dưới hình thức bổng lộc, quyền soạn văn thư và những đặc ân, kể cả những món tiền ”đút lót” cho các chức sắc có quyền thế. Kể từ thời này cho tới thế kỷ XIX, khi không còn các nước thuộc giáo triều, các giáo hoàng phải đảm nhận cả hai chức vụ nặng nề là giữ thăng bằng ngân sách thu chi, hầu bảo đảm nền hành chánh của giáo triều. Trong những thập niên sau khi đức Grégoire tạ thế, việc cải cách kinh tế được tiếp tục và một kỷ nguyên mới được mở ra dưới triều đức Urbain II với việc bổ nhiệm một tu sĩ Cluny làm trưởng ban tài chính của tòa Giáo Hoàng. Tu sĩ này cho áp dụng vào ngân sách giáo hoàng những phương pháp mà đại tu viện quen dùng, với mục đích tăng thu lợi tức trong các nước bị phân tán
Các giáo hoàng cải cách, đặc biệt đức Grégoire VII, đã dùng những phương thế cổ truyền để mở rộng quyền kiểm soát và cho bén rễ vào Giáo Hội mọi ảnh hưởng canh tân ngài chủ trương. Những giải pháp quan trọng nhất, trên phạm vi lý thuyết, là tu chính giáo luật và trên phạm vi thực tế, là thi hành giáo luật, là thành lập một ủy ban thanh tra việc thực thi các nghị quyết của tòa án.
Như chúng ta đã thấy, đức Grégoire VII và các cộng tác viên gần gũi của ngài đã dựa nhiều trên giáo luật cũ, coi như một uy thế đương nhiên, cho phép các ngài quan niệm và thi hành chương trình đã hoạch định. Ở thế kỷ XI, pháp luật cũng như thần học đều được nghiên cứu theo cách thức giáo phụ và hình thể văn chương. Một giám mục cương nghị như Burchard de Wormsn hoặc một nhà bút chiến cự phách như Anselme de Lucques, đều thu tập và gom góp trong những kho lưu trữ của quá khứ những gì họ cho là tốt hơn cả, và trong thời gian giữa ngụy Isidore và Yves de Chartres những tiến triển về mô thức và về phương pháp thì yếu kém. Nhờ đó, giáo luật đã nhanh chóng trở thành một khoa học, một kỷ luật và một nhân tố cực kỳ quan trọng trong sinh hoạt Giáo Hội.
Ðối chiếu với luật Roma được cập nhật hóa và công bố chính thức vào thời này, thì giáo luật không có một bản văn cổ điển nào tương đương với bộ luật của Justinien. Ðó là một bản tổng lược hơn là một lầu đài đồ sộ. Bản tổng lược này còn tồn tại mãi về sau. Giới luật gia rút ra từ Cựu ước và Tân ước, các sắc lệnh của tòa Giáo Hoàng, các nghị quyết của công đồng chung hay công đồng địa phương, các yếu tố mượn từ bộ luật Justinien, những đoạn văn vô tình trích từ các ngụy thư trong thế kỷ đầu và nhất là các sắc lệnh giả mạo, tất cả những tư liệu đó làm thành một bộ tổng lược đồ sộ. Trong những tài liệu ấy, có nhiều điều mâu thuẫn và nhiều tài liệu rất khả nghi. Lại nữa, với lời văn sáng sủa và những chú thích sâu sắc của Irnerius và các luật gia khác, bộ dân luật đã nhanh chóng trở thành một môn học trí thức và chuyên nghiệp mà trung tâm nghiên cứu lớn nhất là Ðại Học đường được xây cất tại Bologne. Các nhà giáo luật cần tới một kỹ thuật và một môn học tương tự. Chúng ta ghi nhận những cố gắng của nhiều giám mục thời danh để đạt tới mục tiêu đó. Nhưng công trình mà các giám chức thời danh chưa thành tựu thì đã được hoàn tất tốt đẹp bởi một tu sĩ thuộc dòng Camaldule: Gratien (khoảng 1140) hình như đã làm việc ở tu viện Saint Felix tại Bologne. Tác phẩm của ông, cuốn Một hài hòa giữa những luật mâu thuẫn (Concordia discordantium canonum), đã được miêu tả như ”một trong những tuyển tập được hoàn thành đúng thời gian và không gian, đã làm rung chuyển thế giới như một trận cuồng phong” (2). Tuy rất thích đáng, nhưng lời khen chưa công bằng đủ đối với Gratien. Vì không những ông có một phán đoán thật vững chắc cho phép ông tuyển chọn đúng đắn những đoạn văn cực kỳ quan trọng, không những tuyển tập của ông hoàn toàn hơn mọi sưu tập của các người có trước ông, mà ông còn là người đầu tiên nghiên cứu giáo luật tới tận cùng và xếp đặt theo một thứ tự hợp lý. Vì thế tác phẩm của ông không phải chỉ là một sưu tập thuộc giáo luật mà còn là một sưu tập thuộc kinh viện nữa. Ðây không chỉ là một tác phẩm để tra cứu mà còn là một tư liệu thảo luận và nghị quyết. Tác phẩm của Gratien là tất cả những cái đó, là sắc lệnh (Decretum) như người ta đã gọi. Nó giống như đứa em của nó là Cuốn tổng luận các chủ đề (Livre des sentences) của Pierre Lombard. Với năm tháng, giá trị của tác phẩm Gratien càng lẫy lừng. Bởi vì cuốn Sắc lệnh, sáng kiến hoàn toàn cá nhân, đã trở thành đồng nghĩa với Giáo Luật, đó là điều mà cuốn Tổng Luận các Chủ Ðề không bao giờ đạt tới. Dĩ nhiên phải được bổ sung, nhưng cuốn Sắc Lệnh được sử dụng và tồn tại mãi trong khi cuốn Tổng Luận các Chủ Ðề đã sớm bị mai một. Cho tới năm 1918, người ta vẫn dùng cuốn Sắc Lệnh không chỉ như cuốn thu tập các bản văn, mà còn là một thủ bản có cơ sở để chú giải và thảo luận cho các học giả mệnh danh là ”các sắc lệnh giả” trong suốt một thế kỷ. Hơn thế, cuốn Sắc Lệnh còn đóng ấn công nhận sự đích thực của một số các bản văn vốn bị coi là không đích thực hay ngụy bản. Vì khi Roma đón nhận và cho thi hành một ngụy bản tức là Roma hợp pháp hóa ngụy bản ấy.
Thế nhưng, về vấn đề giáo luật, phần thắng lợi không thuộc về một ai, càng không thuộc về Gratien. Khác với những bản văn Justinien, mà người ta kể như một di tích thánh của quá khứ, giáo luật còn có thể được thêm vào những bản văn mà Gratien không biết tới, hoặc những bản văn mà ông đã gạt bỏ hay những bản văn của các giáo hoàng đang cầm quyền. Giữa hai đức Grégoire thời danh, các vị giáo hoàng khác ít nói về luân lý hay kỷ luật, nhưng quyền giáo hoàng càng gia tăng, thì các sắc lệnh càng nhiều hơn. Các giáo lệnh, như người ta thường gọi, gửi đi cho một cá nhân, thì khác với những văn kiện được phổ biến công cộng, tức là những sắc chỉ quan trọng. Nhưng nếu chiếu chỉ còn được giữ trong sở lưu trữ của giáo hoàng một bản phụ, thì chắc chắn chúng chưa được ấn hành, chưa được công bố. Thế nhưng khi một sắc lệnh được phổ biến, thì nó có thẩm quyền trong tất cả các tòa án và thường là bất khả khiếu nại. Vì thế, các giám mục có tinh thần sáng suốt đã thu tập, đã pháp điển hóa những sắc lệnh các ngài nhận được và kể cả những sắc lệnh những người lân cận nhận được. Những bộ sưu tập riêng tư này (đa số được thực hiện tại miền Bắc nước Pháp và nhất là tại Anh) đã trở thành nồng cốt của những bộ sưu tập lớn nhất cho tới khi công việc góp nhặt và chú giải được kéo lên hàng kinh viện (hay hàn lâm viện) và được hoàn thành bởi những học giả thời danh tại Bologne như Bernard de Pavie (1191). Sau cùng, chúng được tòa Giáo Hoàng cho ấn hành như những sắc lệnh extra decretum vagantes (nghĩa là ở ngoài tác phẩm của Gratien) Giai đoạn giữa các năm 1130 và 1230 được ghi dấu bởi sự quan tâm trí thức cơ bản của phần lớn các giáo sư và nghiên cứu gia. Mối bận tâm này có thể là một sự kiện lịch sử. Nền học vấn của thời Trung Cổ vào hậu bán thế kỷ, đã đóng góp nhiều vào việc tái khám phá nguồn gốc của Giáo Luật và soi sáng lịch sử cho những thuyết gia về Giáo Luật.
Từ những thời xa xưa, tòa Giáo Hoàng đã ban cho hết các người công giáo quyền được khiếu nại tới Ngai Tông Ðồ, điều này làm cho giáo hoàng có quyền phán quyết tối hậu về hết các vụ kiện. Nhưng quyền này được thực thi rất ít vào thời thượng Trung Cổ, trừ ra với các vị giáo hoàng có nhiều ý chí cương quyết, như đức Nicolas I và chỉ trong những trường hợp đặc biệt và tranh chấp mà thôi. Từ đức Grégoire VII thủ tục này trở thành phổ thông hơn và được các giáo hoàng khuyến khích. Các ngài đòi phải khiếu nại tới Roma, nghĩa là các ngài dành quyền xét xử tất cả những trường hợp đã hay đang bị xét xử không đúng bởi một tòa hạ cấp. Số khiếu nại về Roma mỗi ngày một gia tăng và đó là những vụ tranh chấp về các văn tự tư hữu sản hay về các cuộc bầu cử. Ða số những vụ kiện này thuộc vào những thời kỳ, những nơi hoặc những người mà giáo triều không biết tới. Ðể quán xuyến những vụ việc này, người ta phải dùng tới một giải pháp đã bãi bỏ và sau này được phổ biến. Ðó là việc bổ nhiệm những quan tòa đại diện cho địa phương, họ sưu thu các chứng từ và tiếp nhận các thủ tục cho tới vụ việc được phân xử, lúc đó không còn kháng cáo được nữa. Giữa năm 1130 và 1230, phần nhiều các sứ vụ này được trao cho các giám mục địa phương, các tu viện trưởng hoặc các giám mục khác. Nhiều khi, phải mất nhiều thời giờ và công sức mới chu toàn nổi sứ vụ này. Dẫu sao, những vụ sôi nổi của thời đại, như vụ tranh chấp về quyền bính giữa công nghị tu viện Cantorbery và tổng giám mục của mình, bao giờ cũng kết thúc bằng việc khiếu nại tới Roma. Khi tới Roma, nếu vụ kiện không được xét theo thủ tục thường lệ, thì được đệ lên giáo hoàng, hoặc trong một buổi triều yết, hoặc trong một công đồng thu hẹp không chính thức, hoặc trong một hội nghị hồng y. Cho tới hết đời đức Innocent III, giáo hoàng bao giờ cũng chủ tọa những buổi hội thường, trong đó mỗi người được tự do phát biểu và sau khi các luật sư đã tranh cãi, thì ngài dựa vào những nguyên tắc giáo luật mà tuyên xử. Do đó, việc quán thông giáo luật rất quan trọng để có thể hoàn thành nhiệm vụ tại giáo triều và từ giữa thế kỷ XII đa số các hồng y và luật sư đều được tuyển chọn trong số các tiến sĩ Bologne. Với việc lên ngai giáo hoàng của Bandirelle, người thành Bologne, tức là đức Alexandre III, một thời đại trọng pháp luật của giáo triều được khai nguyên, vì trong thời đại này giáo luật vừa là dụng cụ làm chính trị ở cấp cao vừa là nền tảng để soạn thảo các nguyên tắc hành chính và quản trị.
Khi đã mở rộng các hoạt động về pháp lý, giáo triều còn thêm việc kiểm tra các cuộc bầu giám mục. Như chúng ta đã thấy, các nhà cải cách tấn công tục mại thánh trong những cuộc bầu cử ấy và trong việc nhà vua bổ nhiệm trực tiếp chức giám mục. Giải pháp lý tưởng, theo họ, là trở về thủ tục bầu cử cổ xưa, do hàng giáo sĩ địa phương, với sự tham dự của các chức sắc thuộc vùng lân cận. Vai trò của dân chúng, từ ban đầu rất được đề cao, nhưng sau bị bỏ rơi dần dần. Giải pháp lý tưởng chỉ được áp dụng từng lúc. Sau thỏa hiệp Worms, các vua thời danh của thế kỷ XII, đã đòi cho được sự có mặt của mình trong các cuộc bầu cử đó. Mặc dầu tự do đã được công bố, các vua mỗi ngày thêm lo sợ về những cuộc bầu cử ngược lại ý muốn của họ, nên họ tìm mọi cách giảm thiểu và bóp chẹt hết tự do và độc lập của Giáo Hội. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến hình thức giáo luật của những cuộc bầu cử đó, các giáo hoàng đã cương quyết tạo điều kiện để thu hồi các cuộc bầu cử bị tranh cãi về quyền xét xử của mình. Các ngài còn cương quyết lấy lại quyền trực tiếp bổ nhiệm chức giám mục cho dù phải nhượng bộ một số điều kiện. Nhưng vào đầu thế kỷ XIII, các quyền lợi đối lập giữa giáo hoàng và vua chúa đã làm sụp đổ lý tưởng bầu cử địa phương tự do đó.
Ðể củng cố quyền bính của mình tại những quốc gia xa xôi, sau khi được canh tân, giáo triều thường dùng hệ thống các sứ thần, hoặc lâm thời hoặc thường xuyên. Giải pháp này đã có từ những thời gian đầu của đế quốc Kitô giáo, nhưng đã bị bỏ rơi từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX. Ðức Léon IX đã cho phục hồi và trọng dụng. Sau đó, các giáo hoàng đặc biệt đức Grégoire VII, đã xử dụng hệ thống sứ thần rất nhiều. Những người được bổ nhiệm sứ thần như Pierre Damien và Humbert, các hồng y, các tu viện trưởng và nhiều giáo sĩ cấp dưới. Các giáo sĩ này được chỉ định đi giải quyết những vấn đề thông thường hoặc còn tranh chấp. Thường thường, như những sứ giả (missi) carolingiens, các sứ thần được cử đi từng hai người, để thăm viếng các vua chúa hay chủ tọa các hội nghị. Việc xử dụng các sứ thần là một trong những điểm nổi bật của triều đại đức Grégoire VII. Sứ thần là một người tin cậy, tận tâm, giám mục thực thụ của một giáo phận quan trọng. Các giáo hoàng kế vị đức Grégoire VII thường chỉ dùng các sứ thần trong một số trường hợp mà thôi, nghĩa là những sứ thần đặc nhiệm (legati a latere). Những vị này thường phải lưu trú ít ra một năm hay hơn ngay tại địa phương họ có sứ mệnh. Dần dần việc phái a latere (nghĩa là việc đại diện trực tiếp và riêng biệt cho các quyền lợi của giáo hoàng) được đồng phục và thường được trao cho một giáo sĩ cao cấp, mặc dầu sứ mệnh của ngài có thể đi từ một trao đổi ngoại giao (thường được thi hành bởi hai sứ thần) cho tới việc thanh tra hoặc cải cách một vùng hay một nước, việc triệu tập hội đồng, thanh tra các tu viện, truất phế hay bổ nhiệm tu viện trưởng và chuẩn bị cuộc bầu giám mục. Có khi, một sứ thần có thể cho chia cắt giáo phận, thành lập Giáo Hội địa phương tại một nước. Ðó là việc hồng y Brakespeare đã làm tại Scandinavie. Một khi được ủy nhiệm hoàn thành một công việc, vị sứ thần có thể kiêm nhiệm tất cả những chức vụ hành chánh và pháp lý của giáo hoàng liên hệ đến công việc được trao phó và bình thường lúc đó không ai có thể khiếu nại được nữa (remota appellatione). Trong hai thế kỷ XII và XIII, việc biệt phái sứ thần đã trở thành phương sách thong thường làm cho các điều luật và các tập tục địa phương hòa nhịp với những sắc lệnh mới nhất của giáo triều.
Giáo hoàng cũng như các giám mục ở những thành phố lớn, bao giờ cũng được quây quần bởi một nhóm giáo sĩ làm cố vấn. Thành viên có thẩm quyền nhất của nhóm này, linh mục hay phó tế, được gọi là ”chủ chốt”, chúng ta quen gọi là ”hồng y” (cardinales). Theo nghĩa thông thường nhất, tiếng này có nghĩa là ”chính yếu” hay ”chủ chốt”, nhưng người ta đã cho biết là từ ngữ này, lúc ban đầu được dùng theo nghĩa ”nhà đạo” ít người biết tới. Từ này thường được dùng trong khoa kiến trúc và ngành thợ mộc, nghĩa là ”ăn khớp”. Từ đó được áp dụng vào các thành viên giáo sĩ làm việc thường trực cho một nhà thờ tư. Tại Roma, vào thời đức Gregoire I, người ta dùng từ này để gọi các linh mục quản nhiệm những nhà thờ cổ xưa, hoặc các phó tế giữ chức vụ quan trọng khác. Sau đó, người ta có dùng từ đó để gọi các giám mục cai quản các thánh đường ngoại ô Roma hay có chức vụ quan trọng khác, như thay mặt giáo hoàng trong các cuộc ”rước chặng viếng” (processions stationales) hay các nghi thức phụng vụ. Ở những thời kỳ đầu, các giáo hoàng không dùng nhóm giáo sĩ được công nhận chính thức làm cố vấn tư cho mình. Mọi vấn đề quan trọng đều được thảo luận ở các hội nghị Roma hay ở các công đồng gồm có các giám mục thường trú trong lãnh thổ thuộc giáo triều và những người tạm trú tại Roma lúc đó. Công đồng được nhóm họp vào những thời gian không đều và ngừng lại mỗi khi quyền giáo hoàng bị lu mờ. Các giáo hoàng cải cách thường triệu tập công đồng với sự cộng tác của các giám mục. Những hội đồng hay công đồng này đã trở thành những dụng cụ loan truyền các quyết nghị của giáo triều về mặt chính trị. Về sau, vào thế kỷ XII, các giáo hoàng, khi có điều kiện triệu tập toàn cõi Âu Châu, đã xử dụng để ký hòa ước ngoại giao quan trọng và công bố các sắc lệnh cải cách. Loại hoạt động này đã kết thúc bằng công đồng chung Latran IV (1215). Từ đó, các giáo hoàng có khuynh hướng cai trị trực tiếp Giáo Hội với một mình giáo phủ Roma mà thôi.
Trong giai đoạn này, các giáo hoàng cũng có một nhóm nhỏ gồm các cố vấn tư. Kể từ triều đại đức Alexandre III, buổi nhóm họp của các vị cố vấn được gọi là hội nghị giáo chủ (consistoire). Từ cuối triều đức Innocent III, thành phần chính yếu của nhóm này gồm các giáo sĩ cao cấp mang tước hiệu hồng y. Ý nghĩa uyên nguyên đã bị bỏ quên và từ nay người ta dùng nó như đồng nghĩa với ”lãnh đạo” hoặc ”rất quan trọng”. Càng ngày nhóm này càng có nhiều ảnh hưởng, nhất là trong các cuộc bầu giáo hoàng. Ban đầu, chỉ hàng giáo sĩ và giáo dân Roma tuyển chọn giám mục Roma, và phải là người của họ. Trong đoàn giáo sĩ, các ”hồng y” làm thành một nhóm quan trọng, nhưng chưa hẳn là nhóm lãnh đạo chủ chốt. Nhóm lãnh đạo thường gồm có tổng linh mục và tổng phó tế của giáo đoàn Roma và có cả thủ thư viện hay thư ký của giáo hoàng nữa. Từ thế kỷ X, thường thấy các giáo hoàng được chọn từ các linh mục ”hồng y” hay các phó tế Roma. Do đó, việc thuyên chuyển một giám mục với thâm ý tạo cho ngài có điều kiện để được bầu làm giáo hoàng, là điều kiện bất thường nên chưa phải là bất hợp pháp. Các phó tế có khả năng thường được bổ nhiệm vào những chức vụ hành chính hoặc ngoại giao. Theo sắc lệnh ban hành năm 1059, quyền ưu việt của giám mục hồng y chỉ được khẳng định khi ngài được số phiếu quan trọng trong cuộc bầu giáo hoàng. Cũng theo sắc lệnh trên, lúc đó người dân Roma chỉ còn quyền hoan nghênh đón nhận và hoàng đế chỉ còn quyền biểu đồng tình, là quyền sau này cũng bị bãi bỏ. Tới nay, các ”hồng y”, trừ một số rất ít, thường là những người thuộc hàng giáo sĩ Roma hay ngoại ô Roma. Nhưng các giáo hoàng cải cách đã bổ nhiệm những giám chức và những tu sĩ thời danh như Humbert de Moyenmoutier, Pierre Damien hay tu viện trưởng Didier của Mont Cassin lên giữ chức ”hồng y ngoại ô Roma” và bổ nhiệm họ làm sứ thần hoặc có đặc nhiệm chương trình cải cách. Từ lúc này các ”hồng y” làm thành một khối chủ chốt có ảnh hưởng và hoạt động trong hành chánh của giáo triều; họ được mọi nơi kính nể. Vì giáo vụ đòi hỏi các hồng y phải thường trú tại giáo phủ Roma, nên giáo hoàng không chọn các giám mục cư trú ngoài địa hạt Roma làm các viên chức tại giáo phủ. Giai đoạn lịch sử đưa chức hồng y lên tới chóp đỉnh vinh dự là giữa triều đức Alexandre III và đức Innocent III: hồng y đoàn gắn bó làm việc với giáo hoàng; cứ mỗi tuần hay hai tuần một lần, hồng y đoàn họp với giáo hoàng để cùng ngài quyết định mọi đường hướng quản trị Giáo Hội.
Vào thế kỷ XII, việc tổ chức lại các cơ cấu của Giáo Hội, bắt đầu từ giáo triều, rồi từ đó lan dần tới hết các cơ cấu liên hệ. Cho tới nay, ranh giới các giáo phận và giáo xứ nhiều khi không r õ ràng. Lý do vì nhiều giáo phận thiếu guồng máy hành chánh hữu hiệu và bị xé mảnh bởi các nhà thờ tư và các quyền tài phán miễn trừ; vì các giáo xứ thiếu sự kiểm soát của giám mục và có nhiều ganh tị và sáng kiến tư. Nhưng dần dần, các ranh giới giáo phận được ấn định rõ rệt và việc phân chia địa hạt thành các xứ, các họ cũng được hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn những miền mênh mông rừng rú, sình lầy, núi non chưa thuộc về khu vực giáo xứ. Tỉnh thành chưa được hoạch định như các miền khác trong nước. Nhiều khi giáo xứ nguyên thủy quá rộng lớn, không thuận lợi cho công việc mục vụ; nhiều khi một vùng thuộc thành phố lại lúc nhúc những nhà thờ nho nhỏ.
Việc hành chánh đi đôi với việc tổ chức. Cho tới nay, các nhà thờ chính tòa có nhiều thứ nhân viên phục vụ. Tại nhiều nơi, các kinh sĩ theo mẫu Charlemagne hoàn toàn tan rã và, tuy đã cải cách vào thế kỷ IX, đây đó vẫn còn một nhóm các linh mục kết hôn sống cạnh nhà thờ chính tòa. Vào thế kỷ XI đã có một dự án canh tân đời sống cộng đồng độc thân, và dự án này đưa tới việc lập thành các kinh sĩ đoàn theo luật dòng tu, sau này trở thành dòng thánh Augustin. Vào cuối thế kỷ, các giám mục có sáng kiến mục vụ đã khởi công lập ra một nhóm kinh sĩ chuyên lo công việc hành chánh, quen gọi là ”bộ bốn” (quadrilatère): quản hạt, chưởng ấn, quản lý và nguyện đường trưởng. Tất cả đều có bổng lộc cân xứng. Các tổng phó tế và quản hạt ở thôn quê dần dần được sáp nhập vào giáo phận. Nhưng, càng tìm cách củng cố quyền hành và tổ chức hành chánh vững chắc, các giám mục lại vô tình tạo nên những bất hòa, mà trước hết là tranh dành ngay giữa các giám mục. Trong quá khứ, có một thứ phẩm trật trong hàng giám mục. Trong Giáo Hội Byzance, có một số các thượng phụ giữ quyền kiểm soát nào đó đối với những giám mục cai quản các miền xa xôi. Truyền thống dành cho họ quyền giám sát các cuộc bầu cử và chủ tọa các công đồng. Tại Tây phương, có mấy tòa, như tòa Lyon hay tòa Tolède được hưởng qui chế giáo trưởng nhưng quyền hạn chưa được qui định rõ rệt. Về sau, người ta thu tập một số tòa và đặt dưới quyền của một tổng giám mục như ở Reims, ở Cantorbery hay ở Salzbourg. Từ khi được đức Grégoire I thành lập, Cantorbery có tước hiệu ít khi dùng tới, là tòa Tổng Giám Mục. Từ Anh quốc, tước hiệu này đã chuyền qua Ðức quốc dưới triều đức Boniface, rồi được Roma công nhận và lan ra khắp Âu Châu. Khi Charlemagne qua đời, có một số các tổng giám mục rất nỗi tiếng, tiêu biểu là đức Hincmar. Họ đã thử nâng chức vụ tổng giám mục lên làm thủ lãnh tối cao của một vùng. Về sau nữa, vào thế kỷ XI, Lanfranc de Cantorbery muốn cho nguyện đường của ông trở thành tòa Tổng Giám Mục cai quản toàn bộ các đảo Anh quốc! Tại Ecosse và Ái Nhĩ Lan ông chỉ thành công với tư cách cá nhân. Còn ở các nước Galles thì qui chế này còn tồn tại mãi cho tới thời phân chia Giáo Hội và chính phủ Galles năm 1922. Lanfranc đã thành công trong việc áp đặt quyền tổng giám mục của mình trên các giám mục phụ thuộc và cả trên các giám mục tại Galles: tất cả phải thề phục tùng ngài theo giáo luật. Ðeo đuổi chính sách này, đức Lanfranc đã đòi được những quyền tổng giám mục trên miền York, nhưng đây là nguồn gốc của nhiều tranh chấp tai hại kéo dài trong mấy thế kỷ. Những cãi cọ tranh giành như vậy còn lây ra mấy nơi khác, như ở Hambourg. Nhưng nói chung, các tổng giám mục, trong thế kỷ XII, đã thành công trong việc thiết lập và củng cố quyền hạn của mình về mặt pháp lý, như quyền thanh tra, quyền triệu tập và chủ tọa các công đồng địa phương.
Quyền pháp lý trên các tu viện cũng là nguồn gốc sinh ra những tranh chấp khác. Với đức Grégoire I, đã phát sinh tập tục giáo triều cho một tu viện được ”miễn chuẩn” khỏi sự can thiệp hay thanh tra của giám mục. Ðó là như một thứ hệ luận của quyền xử dụng mà các giáo hoàng thường dùng để đòi các tu sĩ đi làm thừa sai, bảo vệ chính thống thuyết hay ủng hộ và cổ động phong trào cải cách. Nhiều khi, đặc ân miễn chuẩn ấy tạo thành một khoảng đất nằm lọt vào trong một giáo phận, ở đó tu viện trưởng có quyền pháp lý và có thể mời giám mục nào ngài ưng, đến để cử hành các nghi lễ giám mục khi cần thiết. Hiếm hơn, cũng có một vùng nhỏ bé như Mont Cassin ở Ý được miễn chuẩn. Cũng vậy, tại các nước miền Bắc, các vua ban cho các tu viện được quyền đặc miễn mọi thứ thuế, mọi thứ can thiệp, kể cả những can thiệp của giám mục. Chính sách này xem ra cần thiết, bởi vì tại nhiều nơi, các giám mục muốn chiếm đoạt nhà dòng này hay tu viện kia để đặt tòa của mình và chiếm các khu đất phụ thuộc để xây nhà thờ chính tòa. Có mấy tu viện, vào thời kỳ pháp luật còn mập mờ, đã tìm cách chống đối, nghĩa là nhận quyền giám hộ Thánh Phêrô và trở thành những tu viện chịu nộp bổng lộc. Cluny đã thi hành ngay sau khi thành lập, các nhà dòng khác như nhà thuộc quốc vương Eigenkloster ở Battle cũng chuyển từ chế độ miễn chuẩn thuộc nhà vua qua chế độ miễn chuẩn thuộc giáo hoàng. Vào thế kỷ XII, thấy nẩy sinh một số tranh chấp khá gay go giữa các nhà dòng và các giám mục muốn đặt quyền cưỡng đoạt. Vì thế, từ từ thiết lập những qui chế luật pháp để các nhà dòng đã được miễn chuẩn bởi nhà vua hay bởi giáo hoàng thì cũng được miễn chuẩn theo giáo luật. Trong triều đại lâu dài của đức Alexandre III, nhiều công thức và qui chế giáo luật được kết thành và ấn định. Mặc dầu các tu sĩ được các giáo hoàng khuyến khích đưa ra mọi lý lẽ, kể cả những lý lẽ không đáng tin, để đòi được quyền miễn chuẩn, các nỗ lực này đều vấp phải những chống đối mãnh liệt và những tranh chấp kéo dài suốt thế kỷ XIII và sau này nữa.
Vì Roma khuyến khích việc chạy tới mình để xin sự che chở, cho nên rất dễ hiểu: người ta cầu khẩn là vì Roma có lợi. Suốt thế kỷ XII, các nhà dòng, các kinh sĩ đoàn hoặc tư nhân đều đổ về Roma, đệ đơn xin giáo triều công nhận các quyền lợi, các tài sản và qui chế của họ. Ðể giải quyết những trường hợp khiếu nại mỗi ngày một nhiều, phòng chưởng ấn giáo triều cũng như hội nghị giáo triều, bó buộc phải tăng thêm số viên chức, tăng thêm sổ sách phiền toái về những chứng từ cần có, và dĩ nhiên, luôn có những giấy tờ giả mạo. Hoàng kim thời đại của giấy tờ giả mạo có lẽ là quãng giữa các năm 1070 và 1170. Trong thời này, pháp luật chưa được tôi luyện, cho nên người ta giải thích các công thức pháp luật một cách khác nhau, ai nấy đều tranh đấu để bảo vệ những quyền có thực hay giả tưởng của mình.
Nói chung, theo những sự kiện xẩy ra trong thế kỷ XII, thì có thể cho rằng ”quyền giáo hoàng đã thắng thế” và đó là nét đặc trưng của thời đại này. Nếu đức Grégoire VII đã qua đời tại chốn lưu đày, để Roma rơi vào một ngụy giáo hoàng, thì đức Innocent III đã thành công hơn tất cả các vị giáo hoàng khác: mọi người công nhận giáo hoàng là thủ lãnh của toàn thể Giáo Hội và của cả các quốc gia Âu Châu. Ngài đã chiêu mô nghĩa binh và tổ chức cuộc viễn chinh thứ nhất, đã tấn phong một hoàng đế, qui định việc cai trị nước Anh và soạn thảo những sắc lệnh được công đồng Latran chấp nhận. Nếu chúng ta coi thế kỷ này như tiếp diễn thế kỷ trước là điều sai lầm. Trên bình diện chính trị, tham vọng của giáo hoàng là không muốn có hai thế lực cai trị thế giới, mà chỉ có một thế lực hay một hoàng đế tối cao và duy nhất, đó là chính giáo hoàng. Tham vọng này luôn luôn bị các lãnh tụ phần đời chống đối, mặc dầu dưới triều đức Innocent III, thắng lợi hầu như trọn vẹn. Kể từ công đồng Latran IV, Giáo Hội là một guồng máy chặt chẽ, được tổ chức một cách hợp lý dưới sự điều hành của giáo hoàng. Nhưng trong phạm vi tâm linh, bước tiến không được liên tục cũng không hoàn toàn sinh hoa kết trái. Công trình cải cách của đức Grégoire cho thấy tinh thần canh tân đã làm nảy sinh nhiều dòng tu mới và ảnh hưởng ngay tới các nhà lãnh đạo, cũng như tới các giám mục, các vua chúa là những người từ bấy lâu chưa hoàn toàn chấp nhận những đường hướng cải cách. Ðây là một thế kỷ có nhiều bậc vĩ nhân và đại thánh. Về điểm này, không thế kỷ nào giữa các thế kỷ từ IV đến XVI có thể so sánh được. Thế nhưng trào lưu canh tân đã khựng lại vào giữa thế kỷ. Ðã từ lâu, việc đổi mới tâm linh không còn khởi sự từ trung tâm Giáo Hội nữa. Thế kỷ XII không phải là thế kỷ có các giáo hoàng danh tiếng. Ðức Alexandre III có lẽ là người độc nhất đáng được tước hiệu đó, nhưng ngài giỏi về pháp luật và có tài cai trị hơn là sống thánh thiện. Trừ đức Eugène III, không vị giáo hoàng nào đã chinh phục được lòng mộ mến của người đồng thời bằng sự thánh thiện trong các hoạt động của mình. Tài ngoại giao đã lấn chiếm sự nhiệt tình tông đồ. Chính trị được đặt vào hàng đầu những hoạt động của giáo triều. Những ai đi theo đường hướng của đức Grégoire đã tìm được một phương thế để đạt tới đích. Nhưng đích này trở nên u tối và bị che khuất bởi những phương tiện!