CHƯƠNG XVI
GIÁO HỘI Ở THẾ KỶ XII
CHƯƠNG XVI
GIÁO HỘI Ở THẾ KỶ XII
I. NƯỚC ANH (1066-1216).
Trong hết các địch thủ đã tấn công vào lũy trường thành của Kitô giáo suốt thời đầu Trung Cổ, phải kể đến những đoàn quân người Scandinaves. Họ là những đoàn quân phá hoại nhất, lâu dài nhất, ảnh hưởng tại hại nhất. Những nạn nhân đầu tiên thường gọi họ là dân Viking. Ðến nay, các sử gia vẫn chưa lường được con số và nhất là những khả năng thực tế và chính trị của dân Nã Uy. Tất cả những gì chúng ta biết về lịch sử cổ xưa của họ và về số mệnh sau này của các nước mà họ tràn tới, cũng chưa giúp chúng ta nhận định được những phần họ đã đóng góp vào việc kiến thiết Châu âu. Nhưng, những cuộc xâm chiếm của họ rộng rãi đến nỗi, mặc dầu có sự tranh giành đối lập, dân Nã Uy với dân Ðan Mạch, có thể cho rằng dân Viking đã tác tạo nên một quốc gia Scandinave bao trùm hết các đảo Anh và một phần lớn những miền thuộc duyên hải Pháp và Ðức. Chúng ta đã thấy dân Ðan Mạch xâm chiếm nước Anh, họ đã nhanh chóng bị thu hút và nhận được ở những kẻ mà họ đã đánh bại, một nền văn minh cao hơn họ. Sau một thế kỷ chiếm đóng, ”miền Danelaw” như người ta gọi lúc đó, đã trở thành một lãnh thổ theo Kitô giáo và hiếu hòa mà người ta đã có thể phân biệt được, nhưng về cơ bản thì vẫn không khác những miền lân cận Anglo-Saxon.
Giữa những người Scandinaves, có nhóm đông hơn cả, người ta gọi là người Normands. Thật khó tìm thấy trong lịch sử một nhóm người thứ hai có tầm vóc quan trọng như nhóm này, họ đã để lại những dấu vết sâu rộng, trên những địa trường mênh mông. Khởi thủy từ một miếng đất nhỏ bé nằm gối đầu trên hai bờ hạ lưu sông Seine, nhiều đoàn quân Normands trẩy đi xâm chiếm hầu hết các miền phì nhiêu tại Anh, tại miền Nam Ecosse, miền Nam xứ Galles và Ðông Ái Nhĩ Lan. Có những đoàn quân khác đi xâm chiếm đảo Sicile và miền Nam Ý. Ðoàn viễn chinh khác lại ồ ạt chiếm cứ Hy lạp, Chypre, Antioche và Palestine. Tại những xứ này, họ đã thiết lập những hình thức cai trị hiệu lực hơn hẳn tại các nước khác ở Tây phương. Những người như thế - ta không thể nói là một dân như thế - nhất thiết đã gây một ảnh hưởng lớn trên Âu Châu Kitô giáo. Trên thực tế, nếu không có người Normand, thì ở thời này đã không có các đoàn nghĩa binh và những nhà thờ chính tòa như chúng ta thấy.
Những người phương Bắc (Nor=bắc, man: người, Normand) tới định cư trong một miền độc nhất mang tên họ. Họ đã ồ ạt theo Kitô giáo. Kể từ đầu thế kỷ XI, miền Normandie cứ dần dà củng cố và đạt tới mức vững vàng về tổ chức Giáo Hội và chính trị. Vào thời Guillaume de Dijon, các tu viện được thiết lập và phát triển rực rỡ. Những gia đình quyền thế và thuộc dòng dõi bá tước đã cung cấp người cho các tu viện. Nhiều giám mục được chọn từ các tu viện. Người ta kiến thiết những nhà thờ đồ sộ, hoạch định qui chế kiểu mẫu và kích thước. Các giám mục và viện trưởng được lấy trong mạng lưới chế độ phong kiến, với sự thần phục công tước. Dưới thời Guillaume sau gọi là kẻ xâm lược, thì tổ chức và cải cách Giáo Hội được tiến triển rất khả quan. Khi công tước Guillaume chuẩn bị đánh chiếm nước Anh, lấy cớ đòi quyền kế vị Edouard le Confesseur, thì ông được phép lành của giáo hoàng Alexandre II và cũng nhận được từ giáo hoàng một lá cờ - có lẽ nhờ sự can thiệp tốt của Hildebrand sau này là đức Grégoire VII. Sau cuộc chiến thắng, ông ra tay cải cách Giáo Hội Anh mà các tu sĩ Normand cho là đã suy đồi. Ông triệu tới Cantorbery vị bề trên tu viện trực thuộc quyền của ông ở Caen là linh mục Lanfranc, nhà thần học danh tiếng ở Tây phương bấy giờ. Ngài chủ tọa các công đồng, cho thi hành giáo luật. Ngài thiết lập tòa án Kitô giáo và xây cất nhiều thánh đường. Một số đông các tu sĩ vượt biển Manche để thiết lập những tu viện mới, trở thành viện trưởng và chiếm hữu các lãnh thổ mới nhận được. Giáo Hội Anh đã xóa bỏ tính cách lỗi thời, là Giáo Hội của nhà nước rập theo mẫu Charlemagne. Hubert hay Damien lên tiếng khen ngợi công trình cải tổ tại Anh quốc, và công trình này được thực hiện mà không có can thiệp của giáo hoàng. Lanfranc và Guillaume cũng biết rõ phong trào cải cách đang được thực hiện vào giữa thế kỷ, nhưng không người nào theo đường hướng của đức Gregoire cách trung thực. Dựa vào những quyền riêng của tổng giám mục, Lanfranc tìm cách thiết lập một Giáo Hội canh tân, do công tước cai quản chặt chẽ và thống trị như thể chính ông là tổ phụ phương Bắc, ông cũng kiểm soát cả những Giáo Hội xứ Galles, Ecosse và Ái Nhĩ Lan nữa. Theo ông, giáo hoàng chỉ để ”Kính nhi viễn chi” mà thôi, Lanfranc không muốn tiếp nhận các sứ thần, còn Guillaume I thì vừa không chịu nhận các sứ thần vừa không muốn thấy các giám mục riêng của mình nhận mệnh lệnh của Roma hay thỉnh ý giáo hoàng.
Tình hình này kéo dài bao lâu còn có nhà vua và tổng giám mục. Dự tính của Lanfranc là thiết lập một thứ chế độ phụ quyền trên các đảo Anh, nhưng dự tính đó đã tan vỡ, bởi vì không thể thực hiện được và cũng không ai mong muốn như vậy. Thế nhưng sự nghiệp của Lanfranc còn tồn tại, nghĩa là việc tái tổ chức và canh tân Giáo Hội Anh. Cho dầu có mấy vụ tố cáo từ phía người Normand, chống các giám mục và các tu sĩ Anglo-Saxons, nhưng không có bằng chứng. Dầu sao cũng phải nhận rằng Giáo Hội Anh đã được hưởng nhiều điều tốt lành nhờ cuộc xâm chiếm của người Normand này. Trước hết, cuộc xâm chiếm đã nối dây liên đới giữa Anh và lục địa. Suốt ba thế kỷ, dân chúng đi lại dễ dàng, các trào lưu tư tưởng được phổ biến tự do. Nếu công việc của Guillaume thất bại, thì nước Anh đã có thể trở thành lãnh thổ của vương quốc Ðan Mạch.
Anselme đại nhân, kế vị Lanfranc đã bị kẹt giữa một hoàng triều khe khắt và một ông vua thiếu lương tâm. Thời làm tổng giám mục của ông đã có một kết thúc ít may mắn hơn vị tiền nhiệm, đã bị gián đoạn bởi hai thời gian đi lưu đầy. Dưới thời Henri I, ông phải đương đầu với một cuộc tranh chấp liên quan tới việc ”tấn phong” của ông. Năm 1107, cuối cùng các địch thù đành nhận một thỏa hiệp mở đầu cho hòa ước Worms năm 1122. Anselme chứng tỏ sứ mệnh đích thực của mình khi ngài viết những bức thư đầy trình độ tâm linh. Qua các thư tín và bút tích ngài để lại, người ta thấy rõ mức độ thánh thiện và khả năng trí thức của ngài.
Mặc dầu vẫn hạn chế, vua Henri I đã công bố bảo đảm tự do cho Giáo Hội. Dưới thời tao loạn của vua Etienne, một ông vua nhu nhược hơn, người ta cho rằng sự tự do được công bố phải bao gồm cả tự do cho trào lưu tập trung quyền bính mà Roma khởi xướng. Do đó, các sứ thần đã kinh lý qua Anh và triệu tập các công nghị. Người ta bắt tay vào việc nghiên cứu và cho thi hành giáo luật. Cũng đã có mấy cuộc tự do bầu giám mục. Một sự thay đổi đã đột xuất dưới triều Henri II, ông vua rất cương quyết và có khả năng, mặc dầu ông ít chú trọng tới đời sống tâm linh, thiếu hẳn những nguyên tắc đạo lý và tính tình hung bạo. Suốt đời, ông theo đuổi mục đích tập trung nền hành chính phong kiến và mọi sinh hoạt của Giáo Hội trong tay ông. Ông chủ trương dành lại mọi quyền bính mà tổ tiên ông đã thiết lập, nhưng đã bị mất đi vì những nguyên tắc canh tân của đức Grégoire. Trong số những quyền này, có quyền xét lại những vạ tuyệt thông do một giám mục hay giáo hoàng công bố, và quyền khiếu nại tới Roma, quyền bổ nhiệm các giám mục, quyền xét xử các ”linh mục có tội” nghĩa là quyền để cho nhà vua ra án phạt các linh mục đã thú nhận phạm một trọng tội tại các tòa án của Giáo Hội. Ðức tổng giám mục Thomas Becket, trước đây là bạn thân và chưởng ấn của nhà vua, vừa mới được vua bổ nhiệm tới Cantorbery (1162), ngài đã nêu lên những điều khoản trong giáo luật để chống đối những đòi hỏi của nhà vua và chủ trương thi hành quyền xét xử tuyệt đối và tối cao trên tất cả các linh mục (1). Tranh chấp này và những tranh luận khác, kể cả những khó khăn xẩy ra vì tính tình của mỗi thù địch, làm cho tổng giám mục từ chối những qui chế gọi là qui chế Clarendon (1164). Vì việc này, ngài bị bắt và bị lưu đầy suốt sáu năm tròn. Khi mãn thời đầy ải, ông được tá túc tại một ngôi nhà của vua nước Pháp và chỉ nhận được một sự nâng đỡ ôn hòa từ vua Alexandre III, vì ông này không muốn đoạn giao với vua Henri. Sau cùng, các thù địch đã hòa giải với nhau và đức tổng giám mục toàn thắng trở về Anh, nhưng mấy tuần sau ngài bị ám sát trong nhà thờ chính tòa của ngài do bốn hiệp sĩ hành động theo lệnh nông nổi của nhà vua. Người ta kể lại rằng nhiều phép lạ đã xẩy ra trên mộ đức Thomas Becket. Ngài được phong hiển thánh năm 1173 và mộ ngài trở thành một nơi hành hương quan trọng cho cả Âu Châu. Dư luận và cảm tình của quần chúng vẫn chưa nhất trí khi nói đến sự nghiệp và phong cách của hai nhân vật thù địch này. Henri thì cố chấp và hay thay đổi. Thomas Becket thì bồng bột và hiếu chiến. Mỗi người đều bênh vực sự việc của mình và nhiều hay ít đều có lầm lỗi. Thế nhưng, điều chắc chắn là vua Henri chủ trương kiểm soát các giám mục, điều này không thể phù hợp với giáo luật và với nguyên tắc tự do của Giáo Hội; còn đức Thomas, cuối cùng đã tử đạo vì sự tự do của quyền bính thiêng liêng.
Khi Thomas Becket được phong hiển thánh, sự việc ngài chủ trương lập tức toàn thắng: việc xét xử và lên án các linh mục phạm trọng tội hoàn toàn thuộc quyền tòa án của Giáo Hội. Nhưng từ điểm này, lại nẩy sinh nhiều điểm khác, và vì thế phải có một thỏa hiệp ấn định cho toàn bộ. Trong bốn chục năm tiếp sau, Giáo Hội Anh được hưởng thái bình bên ngoài, nhưng phải chịu nhiều rối loạn bên trong, vì những vụ tranh dành và kiện tụng giữa các giám mục và các tu viện. Một tranh chấp khác còn bùng lên dưới triều vua Gioan: ông này ngay vào buổi đầu, đã bổ nhiệm các giám mục mà không theo thủ tục giáo luật. Năm 1207 việc bầu người thực thụ lên tòa Cantorbery đã bị khiếu nại và phải đưa tới Roma. Ðức Innocent III liền bổ nhiệm hồng y Etienne Langton giữ ngai tổng giám mục. Vua từ chối và sau mấy lần dự tính hòa giải không thành, Anh quốc bị phạt ”vạ cấm chỉ” (sous interdit) (ngày 24 tháng 3 năm 1208) trong năm năm. Nhà vua chỉ nhượng bộ khi giáo hoàng ra lệnh truất phế ông và đặt Louis con vua nước Pháp Philippe Auguste, lên thay. Gioan chịu nhận làm chư hầu của đức Innocent III, nhận quyền bá chủ của giáo hoàng và hứa nộp thuế. Giáo hoàng hứa bảo vệ nhà vua và chống lại những kẻ muốn tranh dành ngôi vua, nhờ sự ủng hộ của sứ thần Pandulf. Lập tức lại xẩy ra vụ khác: các quận công, bá tước và giáo sĩ đã từng bị nhà vua áp bức trong và sau thời kỳ “bị vạ cấm chỉ”, liên minh với nhau dưới sự điều động của tổng giám mục Cantorbery để áp đặt những điều kiện của họ vốn có trong Ðại Hiến Chương (Magna Carta) thời danh năm 1215. Coi thường tính hung bạo và hay thay đổi của nhà vua, không biết tới những tục lệ và truyền thống của pháp luật và của chế độ phong kiến Anh, đức Innocent III đã treo chén tổng giám mục ra vạ tuyệt thông cho những kẻ ”phiến loạn” và tuyên bố hiến chương vô hiệu. Thế là tiếp đến một thời kỳ vô chính phủ và rối loạn, chỉ chấm dứt khi Gioan qua đời ngày 19 tháng 10 năm 1216. May có các sứ thần giáo triều là Guala và Pandulf, đã đóng vai trò giải hòa quan trọng và đã thiết lập được một chính phủ vững chắc dưới triều Henri III còn trẻ tuổi.
Dưới triều vua Gioan, Giáo Hội Anh đã đau khổ nhiều. Bị chia rẽ giữa lòng trung thành với nhà vua và sự thần phục giáo hoàng, các giám mục đã làm mất một phần lớn nguồn lợi tức và một số lãnh địa. Họ đã bị giải đi lưu đày và trong nhiều trường hợp, đã chết và để ngai trống trong mấy năm trời. Các dòng tu phải nộp những món tiền phạt khá lớn, bởi vì họ đã góp tiền để chuộc Richard I, ông vua Nghĩa Binh Thánh Giá. Vì bị phạt quá nặng, một số nhà dòng Citeaux đã phải cho giải tán. Ðang khi đó, các tu sĩ Cantorbery vì chống đối, nên đã phải chịu kiếp đầy ải nhiều năm. Sau cùng hết các tầng lớp xã hội đều đã đau khổ về tinh thần trong thời ”vạ cấm chỉ” chưa từng có trước đây, bởi tính cách lâu dài và rộng lớn của nó. Nói chung, thời kỳ tiếp theo đối với Giáo Hội, là một thời kỳ phát triển, thời kỳ cải thiện tổ chức và hành chính, thời kỳ canh tân tâm linh. Như vậy, đối với Anh quốc, thế kỷ XIII là thế kỷ đáng được lưu tâm tới hơn tất cả những thế kỷ thời Trung Cổ.
II. GIÁO HỘI PHÁP (900-1150).
Ở Ðức, sau sự phân chia đế quốc của Charlemagne, lịch sử của Giáo Hội luôn phải được cứu xét và đối chiếu với triều đại của các vua, các hoàng đế. Còn ở Pháp thì trái lại, ông hoàng ông chúa thấy các quyền hành của mình bị suy thoái nhanh chóng và khu vực ảnh hưởng của mình bị thu hẹp. Ðể ngăn chặn sự sụp đổ của quyền bính và những cuộc xâm lăng man rợ ở phía Bắc, Ðông và Nam, người ta không tìm thấy liều thuốc nào hơn là trao quyền đại diện cho các lãnh chúa địa phương. Ðiều này đem lại kết quả là thành lập một mạng lưới các chư hầu.
Vì thiếu quyền đời trung ương nên ảnh hưởng đoàn thể giám mục được củng cố rất mạnh. Từ dưới triều Charlemagne, và hơn nữa dưới triều các người kế vị ông, các giám mục - cá nhân và tập thể - đã điều khiển Giáo Hội cách đích thực hơn tất cả thẩm quyền địa phương nào hết. Những công đồng được triệu tập và những tranh luận được khơi động bởi Hincmar thành Reims và các người đồng thời, cho chúng ta thấy có một sự tương đồng khá lớn với những công đồng và những tranh luận phát sinh trong suốt những thế kỷ sau. Cũng vậy, trên bình diện nội bộ, Giáo Hội Pháp kể từ đầu thế kỷ IX, đã hoàn toàn được tổ chức và có phẩm trật hơn tất cả, với những tổng phó tế, quản hạt, giáo xứ phôi thai, hội nghị và công đồng giám mục. Sự thuần nhất tương đối này đã bị vẩn đục bởi sự suy thoái dần dà của quyền trung ương, sự phát triển chế độ phong kiến và quyền sở hữu của người đời, áp lực của các dòng tu. Tiền bán thế kỷ X, đối với Pháp, là một thời kỳ của tan rã và nguy khốn, trong đó đã phổ biến hóa chế độ phong kiến và giáo đoàn tư (tu viện hay cả đến tòa Giám Mục). Bình minh của một thời kỳ mới, trước hết đã ra mắt trong khu vực dòng tu, với Cluny ở Bourgogne và Gérard de Brogne mà ảnh hưởng dọi chiếu khắp nơi, kể từ miền Lorraine. Rồi phát hiện cuộc phục hồi Giáo Hội ở Normandie vào cuối thế kỷ X, với sự hồi sinh của các tòa Giám Mục và việc thiết lập những tu viện mới. Trong khi quyền nhà vua bị che lấp, thì đoàn giám mục lại đưa ra một hoạt động mới, nhóm họp công đồng và giảng ”hưu chiến vì Chúa”, tạm ngừng các cuộc tranh chấp phong kiến một thời gian nào đó trong năm. Ở Chartres và ở chỗ khác, các trường học thuộc tòa Giám Mục trở nên khá thịnh vượng. Kể từ vào khoảng 1030, nhà vua khẳng định lại quyền bính của mình. Một thời kỳ mới bắt đầu. Các bá tước, bị ảnh hưởng bởi trào lưu cải cách, cũng bắt đầu sáng lập tu viện và các tập đoàn kinh sĩ ban đầu là triều, rồi sau là dòng, và dâng cúng các nhà thờ tư của mình cho các nhà dòng. Trong suốt thời kỳ này, ít là gần một thế kỷ, sinh hoạt tu viện là liều thuốc chữa hết các bệnh. Người ta thiết lập các tu viện và các nhà dòng để làm trung tâm đọc kinh cầu khẩn. Những nhóm nhỏ gồm các tu sĩ (sau này các kinh sĩ cũng bắt chước) thường được dùng trong các nhà thờ tư. Họ có nhiệm vụ làm việc phụng vụ, đọc kinh cầu nguyện cho các điện đài và làng mạc. Nhờ việc lạc quyên làm chặt chẽ hơn thuế thập phân, người ta xúc tiến việc phân ranh giới đơn vị hành chánh giáo xứ càng ngày càng có phần quan trọng hơn, bao lâu hệ thống phụ thuộc còn phân tán các làng rộng lớn chia cho nhiều thái ấp. Ở cấp trên, Giáo Hội bắt đầu thành hình mà Giáo Hội còn duy trì suốt thời kỳ Trung Cổ, về sau nhà vua tái thiết tục lệ thời Charlemagne: thanh tra và chuẩn y nhiều cuộc bầu giám mục. Ông còn thêm những quyền nhà vua (regalia) và quyền phong kiến được tấn phong và hưởng bổng lộc một tòa Giám Mục hay một tu viện khi trống ngôi. Nhà vua, cũng như các công tước và bá tước, triệu tập và chủ tọa các công đồng, họ khuyến khích các giám mục đi thăm các điện đài hay triều đình của họ. Thế nhưng chế độ quân chủ còn tương đối yếu, trong khi đó, từ thập niên này tới thập niên khác, giáo triều mở rộng ảnh hưởng của mình. Suốt thế kỷ XI và XII, nói chung, hàng giám mục không khẳng định lại những quyền của mình trước những yêu sách của giáo triều như từ thời Hincmar, mà một sử gia hiện đại đã nói: việc này cho thấy đã hé mở cái ”thuyết Gallican của thế kỷ IX và X”.
Những đợt sóng cải cách Grégoire đã đánh chìm hết. Từ giữa thế kỷ thứ XI, các sứ thần rảo khắp nước với một tốc độ luôn luôn nhanh chóng hơn, họ nhóm họp các công đồng và kết thúc các cuộc tranh cãi. Dưới thời đức Grégoire VII, hoạt động này tăng gấp hai. Những sứ thần thường trú, hưởng toàn quyền và có tất cả tự do sáng kiến, họ thi hành cuộc thanh tra như thể giáo hoàng vậy. Về sau, nhất là dưới triều đức Urbain II, các sứ thần thường xử dụng quyền lập luật và hành chính, nhưng ít khắt khe hơn. Nhưng ảnh hưởng của giáo triều được tỏ ra cách quyết liệt, mấy lần trong năm chục năm, khi các giáo hoàng đặt chân lên đất Pháp, cho hội công đồng, giảng nghĩa binh, phái sứ thần tới hoàng đế và các vua chúa khác, rồi tiếp nhận những sứ giả họ gửi tới. Sứ thần Hugues de Lyon và các vị khác, họ đã dùng những nguyên tắc cải cách mà ghi dấu sâu sắc trên Giáo Hội. Giáo Hội trở thành cây gậy chính yếu chống đỡ giáo triều. Trong những thập niên cuối cùng thế kỷ XI, khởi đầu ở Châu Âu, hoàng kim thời đại ưu thế của Pháp. Trên đất Pháp đã ra đời hầu hết các dòng tu mới, làm cho Châu âu thay hình đổi dạng. Trong những ”đô thị” của Pháp, các trường học giám mục phát triển, cũng như ở Paris có trường học của các trường học, mẹ của nền học vấn nước Pháp đã cung cấp cho Giáo Hội rất nhiều vị thánh, nhiều giám mục, nhiều giảng thuyết viên và văn sĩ mà tên tuổi nổi bật trên các trang sách này. Nhân số tăng cường không đứt quãng, khiến các dòng tu không thiếu người xin gia nhập, nhất là không thiếu các nhóm thày trợ sĩ và tu viện cho các nữ tu. Một loạt các ông hoàng ông chúa có tài khác nhau, họ theo đuổi một đường lối chính trị chặt chẽ để thống nhất và cai trị một cách cương quyết, họ đã biết củng cố quyền hành và bành trướng lãnh thổ mà họ có thể kiểm soát. Trong một thời kỳ quyết liệt (1130-1151), viện trưởng Suger de Saint Denis đã làm cố vấn, và một phần cũng kiểm soát cho chính quyền. Ông là người đầu tiên trong đám những thủ tướng tiên khởi sẽ nắm giữ địa vị như thế trong lịch sử nước Pháp, đám người mà trong đó, sau này có những nhân vật thời danh như Georges d'Amboise, Richelieu, Mazarin và Henry.
Trong thời kỳ này, Giáo Hội Pháp đã tránh được những căng thẳng xảy ra ở Anh, ở Ý và trong đế quốc. Vua Louis VII là một người đạo hạnh và được trọng kính. Chỉ vào cuối thế kỷ, Philippe Auguste bắt đầu đòi và bênh vực những quyền lợi mà ông chủ trương là của ông. Dần dần, Paris trở thành trung tâm độc nhất có nhiều sinh hoạt trí thức, nước Pháp đang tới gần cương vị lãnh đạo mà nó sẽ đạt tới vào thế kỷ XIII trong sinh hoạt chính trị, văn hóa và tôn giáo.
III. NƯỚC ÐỨC, VÀ TÒA GIÁO HOÀNG (1125-1190).
Ở Ðức, suốt thế kỷ XII, đã phác họa những cơ cấu chung để tồn tại, mặc dầu nó di động trong suốt thời Trung Cổ. Về mặt kinh tế và xã hội, các tỉnh thành đã nhanh chóng trở nên giàu có hơn, đông dân cư hơn. Ðồng thời, nhiều thành phố đã trở nên như những ô cờ độc lập trong tấm khảm đế quốc. Trên mặt chính trị, các lãnh địa công hầu và lãnh địa bá tước được tăng thêm, theo chế độ thừa hưởng gia tài. Các quốc gia rộng lớn nhất trong những quốc gia do những ông vua hiếu chiến và tham vọng ấy cai trị, thì đã nhúng tay vào một cuộc chinh chiến để tìm đường bành trướng, mà một trong những bộ mặt của nó là chiếm đoạt được tước hiệu đế vương. Trên chóp đỉnh thì có hoàng đế, ông chuyên chú làm giảm thế lực toàn quyền của các chư hầu, tổ chức cho có trên có dưới trong các thành phần của đế quốc và kiểm soát Giáo Hội. Còn Giáo Hội thì quá phụ thuộc vào uy thế nhà vua trong những cuộc bầu giám mục và giúp nhà vua cai trị. Có mấy hoàng đế và trong số đó có hai người lớn hơn, họ tìm cách tái thiết chủ quyền tối cao của mình ở Ý và kiểm soát giáo triều. Họ bị lóa mắt bởi sự giàu sang và huy hoàng của nước Ý và nhất là đảo Sicile. Họ đã bị các giáo hoàng đánh đuổi với nhiều hay ít thành công. Do đó, khi người ta muốn làm lịch sử ngoại giao và binh bị thế kỷ XII và XIII, thì phải chú trọng trước hết tới những tranh chấp chính trị giữa Roma và đế quốc. Luôn luôn bị những cuộc phiến loạn bùng nổ trong đô thành ở Roma quấy rối, luôn luôn giáo hoàng buộc mình phải thương thuyết, tìm liên minh để đương đầu với thế lực của hoàng đế. Còn hoàng đế thì luôn luôn sẵn sàng lợi dụng mọi chia rẽ khi có cuộc bầu giáo hoàng, rồi hoặc khích động, hoặc che chở ly giáo này hay ly giáo khác.
Vua Henri V tạ thế sau ba năm ký hiệp ước Worms. Với ông, dòng họ nhà Sali đã chấm dứt. Các cử tri đã bỏ rơi người cháu của Henri V mà bầu cho Lothaire de Saxe. Cương nghị và có khả năng về những việc đời, nhưng khốn thay lại cố chấp, một ông vua đạo hạnh, hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận những hậu quả của hiệp ước Worms và mọi cải cách theo Grégoire. Dưới triều ông (1125-1137), nước Ðức đã sống và nhận tất cả các hoạt động giáo triều trước đây đã làm ở Pháp và ở Anh. Các cuộc bầu cử thì theo giáo luật, không phạm vào nạn mại thánh và thoát khỏi mọi kiểm soát ngoại cuộc. Ðặc ân và khoản trừ thì được xin và được nhận. Tòa Thánh được công nhận như tòa án thông thường của những vụ xử lớn và như tòa tối cao để xử mọi tranh chấp đưa lên chống án. Các sứ thần rảo khắp các xứ mà họ được phái tới để thi hành sứ mạng, dàn xếp các tranh chấp, chủ tọa các công đồng và các hội nghị hoặc cộng tác vào những công việc ấy. Khi Lothaire mất thì các cử tri một lần nữa lại chuyển nền quân chủ và bầu cho Conrad de Hohenstaufen (1137-1152), ông này theo cùng một đường lối như Lothaire. Khi ông mất, hơn một phần tư thế kỷ qua đi, trong đó nước Ðức cũng chịu những ảnh hưởng và những người của Giáo Hội đã cho thành lập những tổ chức như trong các nơi khác của Tây âu. Thế nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn lớn. Vì thiếu duy nhất chính trị cơ bản, cho nên các giám mục Ðức không sao biểu lộ được một sự trung thành duy nhất và một tinh thần liên đới, như đã có nơi các giám mục Anh và Pháp, theo những cách thức khác nhau. Nhưng đàng khác, ông vua nào muốn kiểm soát được sự phiến loạn của công dân, đều phải nể hàng giáo phẩm. Hơn nữa, huyền thoại của đế quốc Charlemagne hay Otton còn đó, để khích lệ kẻ cầm quyền tối cao nẩy sinh tham vọng. Ðiều gần như một đòi hỏi, đối với một vua Ðức, là khẳng định các quyền của mình.
Conrad được thay thế bằng người cháu trẻ tuổi là Frédéric I Barberoussu 1152-1190). Ông là một chính khách trong số những người sáng suốt nhất và cương nghị nhất, một trong những người tài khéo nhất về nghệ thuật binh đao được kể trong sổ các vua Ðức. Ông đã làm cho người ta quí mến và tôn sùng. Là nhà chính trị, ông biết cho lui quân khi tai họa đe dọa mà không bỏ các toan tính. Là vua, để giữ vững ngai vàng, ông phải đương đầu với một tranh chấp lâu dài và vất vả, để kiểm soát thần dân của ông và cai trị nước. Là lãnh tụ, ông hằng có trong trí óc hình ảnh Charlemagne. Nói cách khác, ông suy tưởng bằng những từ ngữ của ông vua phần đời, chứ không phải bằng những từ ngữ thuộc riêng một hoàng đế phần đạo. Ðối với ông, hoàng đế và giáo hoàng đều được Thiên Chúa chỉ định và các quyền bính của mỗi người đều được thi hành trong những lãnh vực riêng biệt. Vua Frédéric không đòi triệu tập công đồng để tuyên bố một giáo thuyết hay áp đặt những hình thức phụng tự. Nhưng theo con mắt ông, thì về hết các công việc ngoài sự cai trị, ông vua phải hành động chuyên chế. Ngay đầu triều đại, ông đã sao nhãng không để ý tới tinh thần và cả chữ đen của hiệp ước Worms. Ông bổ nhiệm và truất phế các giám mục. Ông chú tâm đến các cuộc bầu cử còn đang bị khiếu nại và cả những vụ tranh giành cãi cọ khác, và ông cấm không được đưa tới Roma; ông đòi cho được quyền regalia và quyền spolia đã rơi rụng từ lâu rồi.
Trước khi Barberousse lên cầm quyền, đời sống giáo đoàn đã bị khuấy động bởi một cuộc ly giáo. Số là khi Honotins II mất, những chia rẽ trong giáo triều gây ra hai việc bầu cử (1130), việc này có thể xẩy ra dễ dàng, bởi vì chưa có qui luật về thứ bầu cử theo đa số. Rất có thể cả hai phe đều vi phạm qui luật bầu cử thông thường, nhưng những đức tính tâm linh cao cả của đức Innocent II (thánh Bernard được triệu tập để cho ý kiến, vua Louis VI khẳng định những đức tính của ngài) đã cho biết là có sự ủng hộ của Pháp và Anh, và sau này của Tây Ban Nha và hoàng đế Lothaire III nữa. Roma và Ý đã chống đối trong một thời gian. Phải có hai chiến dịch của Lothaire và một của thánh Bernard, mới sửa đổi được hòa ước giữa Roma và Milan. Phải đợi tới khi Anaclet II (giáo hoàng đối thủ của đức Innocent II) tạ thế, cuộc ly giáo mới chấm dứt (1138).
Các giáo hoàng kế vị Innocent II đã sống quá ngắn ngủi. Rồi giáo hoàng thứ nhất có một chút danh tiếng là Eugène III (1145-1153), thuộc dòng Citeaux, là cựu tập sinh của thánh Bernard ở Claivaux. Ngài là người thánh thiện nhất và ít tinh thần trần tục nhất trong số các giáo hoàng thế kỷ này. Ngài cũng tỏ ra là một người cầm lái khôn khéo, được coi như người nhận cuốn ”Những suy tư gửi tới một giáo hoàng” (De Consideratione) của thánh Bernard. Tác phẩm đã trở nên một tác phẩm cẩm nang cho các nhà thần học muốn nghiên cứu về giáo triều và cho các nhà canh tân của mọi thời. Người ta còn nhớ tới đức Eugène III, năm 1147, chính ngài đã huy động Nghĩa Binh Thánh Giá lần thứ hai, rất tàn khốc và tai hại. Sau triều đại ngắn ngủi của đức Anastase IV kế vị đức Eugène, đến đức Adrien IV, giáo hoàng độc nhất gốc người Anh. Vì thuộc gia đình tá điền của tu viện Saint Alban, ngài không được gia nhập dòng và trở thành kinh sĩ triều ở Saint Ruf gần Avignon. Sau ngài được bổ nhiệm làm trưởng đoàn kinh sĩ Saint Ruf, và gặp nhiều khó khăn với các kinh sĩ. Vì thế, ngài bị gọi ra tòa án Rona. Chính nơi đây, đức Eugène III nhận thấy ngài có tài có đức và giữ ngài lại cho làm hồng y. Trong chức vụ này, ngài được phái đi làm sứ thần ở Scandinavie và ngài đã tái lập hàng giáo phẩm Nã Uy. Nhưng ngài không làm cho người Normands và người Goths ở Thụy Ðiển hòa hợp với nhau được. Mãi về sau họ mới chịu hoà giải với nhau. Những đức tính cương nghị và sự khôn khéo của ngài trong việc cai trị, đã là nguyên nhân khiến ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng năm 1154. Thấy mình đứng trước một tên địch thủ có tài ba lỗi lạc, đức Adrien tỏ ra mạnh dạn chiến đấu với Frédéric Barberousse. Ngài phong vương cho Frédéric, nhưng ngài nhắc lại mạnh mẽ những yêu sách có từ thời đức Gregoire VII. Ngài tìm cách loại trừ Frédéric ra khỏi mọi quyền can thiệp vào những công việc của Roma. Trước khi cuộc tranh chấp không tài nào tránh nổi có cơ hội bùng nổ lớn, thì đức Adrien tạ thế (1159), để lại dở dang một triều đại hứa hẹn hiển hách. Adrien IV được danh tiếng vì đã cho thực hiện ở Scandinavie thói quen góp tiền cho quỹ Thánh Phêrô. Thói quen này mới chỉ có tại Giáo Hội Anh. Ngài còn nổi tiếng vì đã thảo sắc lệnh Laudabiliter để ban cho vua Henri II quyền bá chủ Ái Nhĩ Lan. Chính ngài còn viết thư ca tụng tình bạn thâm sâu giữa đức Adrien và Gioan Salisbury.
Cuộc bầu cử tiếp theo cái chết của Adrien IV lại là một nguồn tranh chấp. Orlando Bandinelli, kinh sĩ nổi tiếng ở Bologne và vị cố vấn đệ nhất của Adrien IV trong cuộc tranh chấp giữa ngài với hoàng đế, đã được số phiếu quá bán. Nhưng Octavien, nhà quí tộc Roma thuộc phe hoàng đế, lại tìm được nhiều vai vế. Sắc lệnh bầu cử của hoàng đế Nicolas I đã giả định trước có đồng tình hòa thuận giữa các cử tri, nhưng cuối cùng không được ai ủng hộ. Người ta có thể tự hỏi không biết cuộc bầu đức Alexandre III có thực sự hợp pháp hay không. Tóm lại, kết quả là có tao loạn và có hai lễ tấn phong. Các người thuộc về cả hai phe yêu cầu hoàng đế Frédéric làm trọng tài, ông liền cho nhóm họp ở Pavie một công đồng mà đức Alexandre từ chối không công nhận. Nhưng không mấy ai quan tâm đến sự từ chối này. Do sự kiểm soát của hoàng đế, công đồng lên tiếng bầu cho phản giáo hoàng là Victor V. Thế là bùng nổ cuộc ly giáo làm chia rẽ Âu châu. Ðức Alexandre ra vạ tuyệt thông cho hoàng đế và vị phản giáo hoàng. Ngài vận động gắt gao tại Pháp, nên đã thuyết phục được tất cả, trừ nước Ðức của hoàng đế Frédéric. Nhưng Henri II vua nước Anh đã lục đục với Thomas Becket mấy năm, nay đe dọa không ủng hộ Ðức Alexandre. Victor IV chết bất thình lình (1164). Viên chưởng lý đầy can đảm của hoàng đế, là Rainald de Dassel đã triệu tập một nhóm giám mục của đế quốc, và những giám mục này đã bầu một người kế vị đức Victor IV một cách không đúng giáo luật. Người được bầu mang tên là Pascal III. Rồi trong một cuộc họp ở Wurzbourg (23 tháng 5 năm 1163) hoàng đế Frédéric lại bắt các nhân vật quan trọng thuộc quyền ông, đời cũng như đạo, phải thề từ chối đức Alexandre III. Mặc dầu địa vị của ông là bất hợp pháp, phản giáo hoàng Pascal III đã phong Charlemagne lên bậc hiển thánh (vị đại hoàng đế từ nay được ghi trong lịch sử Ðức). Cuộc tranh chấp giữa giáo hoàng Alexandre và hoàng đế Frédéric cứ tiếp tục mãi trong suốt hơn mười năm. Miền Lombardie là địa trường quan trọng nhất. Tranh chấp đã kết thúc với cuộc thất bại chung cục mà Frédéric phải chịu trước quân liên minh Lombards ở Legnano, tháng 5 năm 1176. Ít lâu sau, tháng 7 năm 1177, hoàng đế làm hòa với đức giáo hoàng tại Venise.
Vào buổi đầu của triều đại, đức Alexandre III đã mệt mỏi và đau khổ về cuộc kế vị khó khăn và vì sự tranh chấp lâu dài hai mươi hai năm. Nhưng chính những vụ việc này làm sáng tỏ các đức tính siêu nhiên và tài ba lỗi lạc của ngài. Triều đại của ngài là một trong những triều đại xuất sắc nhất của thế kỷ. Ngài đã là học trò của Abélard và Gratien, lại có đầy đủ khả năng về thần học cũng như về giáo luật. Ðức Alexandre là một trong những giáo hoàng thông thạo luật pháp kế tiếp nhau trong một trăm năm. Với 700 sắc lệnh và thư tín của ngài hiện nay còn giữ lại được, người ta thấy ngài đã đóng góp rất nhiều trong việc thiết lập kỷ luật trong Giáo Hội. Ngài đề cập đến hết mọi vấn đề: hôn nhân, của hồi môn, thuế thập phân, di chúc, khế ước có lời thề, cho vay ăn lãi, các quyền hưởng bổng lộc và nhiều quyền khác tương tự. Là môn đệ của Abélard, ngài phân biệt trong bài giảng dạy về luân lý, giữa sự không biết và sự sao nhãng, giữa không biết đáng tội và không biết không thể tránh được. Do hoạt động và thẩm quyền, ngài đã làm tăng lên hẳn những trường hợp khiếu nại đó đây đưa về Roma. Và như vậy, quyền bính của Roma tự nhiên được công nhận. Ngài rất quan tâm về vấn đề pháp lý, và ngài đã thực sự nổi bật trong phạm vi này. Chính ngài đã dành cho một mình giáo hoàng quyền phong thánh. Ngài vừa đơn giản hóa các thủ tục giáo luật việc giải phóng các tu viện vẫn phải chịu nộp thuế điền địa và những tu viện được miễn trừ vì nơi thờ tự thuộc sở hữu nhà vua. Ngài soạn thảo các quy luật miễn chuẩn. Ngài kiên trì tranh đấu chống quyền sở hữu của người đời trên các thánh đường. Ngài đã thành công trong việc này nhờ biết xử dụng các từ ngữ giáo luật và các lý luận sắc bén của Gratien, ông thày lỗi lạc của ngài. Những lý luận này còn giúp qui định những nguyên tắc thực tế trong việc canh tân Giáo Hội. Ðức Alexandre III nhận cho người bảo lãnh quyền giới thiệu người được hưởng một bổng lộc, nhưng không nhận cho người bảo lãnh quyền sở hữu trên ”nhà thờ ”. Một đại sử gia đã coi quyền sở hữu này và những tập tục mà các nhà dòng tu thường có để tự thế tục hóa, như sản phẩm lâu đời của chế độ ”nhà thờ tư nhân” (2).
Ðức Alexandre III là một người lương thiện và đã sống một cuộc đời không có gì đáng chê trách. Thế nhưng, ngài không có tính hăng say và đơn sơ của các thánh. Ngài đứng hàng đầu các đại giáo hoàng thời Trung Cổ. Chúng ta không biết rõ thân thế của ngài, ngoại trừ những gì biểu lộ ra trong các thư từ và sắc lệnh (3). Nhưng các đức tính và khả năng trí tuệ của ngài thì chúng ta thấy rõ. Sau khi đức Alexandre III tạ thế, lại có một loạt các triều giáo hoàng ngắn ngủi. Nhưng không có gì tàn khốc xảy ra trước khi vua Frédéric, chỉ huy Nghĩa Binh Thánh Giá, tử trận năm 1190.
Vương triều của vua Frédéric I và triều đại của đức Alexandre III là những bằng chứng cho thấy các biến cố chính trị quan trọng vào bậc nhất liên quan tới nước Ðức. Vào thời này còn có những biến chuyển sâu xa trong dư luận quần chúng. Trong cuộc chiến đấu lâu dài mà vua Frédéric cầm đầu để củng cố quyền hành của ông, thì việc xé lẻ các lãnh thổ công tước đã phát triển và lên tới chóp đỉnh với vụ bóc lột và tước đoạt mà Henri de Lion đã thực hiện. Biến cố này quả là quyết liệt vì ông đã ấn định bản đồ nước Ðức cho bẩy thế kỷ tiếp sau. Cũng vậy cuộc chiến thắng mà các công xã Bắc Ý đã làm được đối với đạo quân của hoàng đế tại Legnano, đã chỉ đường định hướng để vẽ bản đồ Nam Ý. Kể từ nay và cho tới lâu dài nữa, miền Lombardie không còn là phần đất của đế quốc nữa. Trong khắp Âu Châu, tranh chấp giữa đức Alexandre và vua Frédéric cho thấy rõ rằng đế quốc không còn có thể tự coi mình là tiêu biểu cho Kitô giáo Tây phương được nữa. Tại Pháp, miền Bourgogne và Anjou bây giờ liên minh thành một khối có tầm quan trọng và muốn dành quyền tự trị. Từ nay, hoàng đế không còn có thể nói nhân danh Kitô giáo nữa, ngay cả khi ông còn có thể hô hoán những lời hiếu chiến. Hơn nữa, hiện tượng bành trướng các dòng tu được tập trung và lòng tôn sùng giáo triều mà những nhà lãnh đạo thời danh đứng lên phất cờ hiệu, như thánh Bernard và thánh Norbert, đã làm cho Âu Châu thành một liên minh mới. Cũng vào thời này, khắp nơi trên đất Pháp người ta chấp nhận sự phân biệt theo đường lối cải cách của đức Grégoire, giữa đạo và đời, người tu hành và người thế tục. Người ta không thể làm khác hơn được nữa. Giáo sĩ thì tuyệt đối quay về Roma. Nhưng cuộc chiến mà các nhà cải cách phải đương đầu với những tay chúa tể phần đời đang chiếm hữu nhà thờ, thì quả thực mới thắng lợi được một nửa thôi. Không bao giờ các hoàng đế hay các vua chuyên chế như Henri II của nước Anh, lại chấp nhận từ bỏ hoàn toàn các quyền bổ nhiệm hàng giáo phẩm và quyền chiếm giữ tài sản của Giáo Hội.
IV. TÂY BAN NHA THỜI TRUNG CỔ .
Chúng ta biết rất ít về Giáo Hội Tây Ban Nha trong hai thế kỷ sau cuộc tranh luận về thuyết Nghĩa Tử . Nói chung, đã có tự do phụng tự và sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, việc chiêu mộ tân tòng và tuyên truyền đạo giáo vẫn bị coi là tội phạm. Nhưng hình như chính các vị tử đạo và hiển tu (mà huyền sử còn để lại), vì nhiều lý do, đã khích động và gây nên cuộc đàn áp. Dần dần các nước nhỏ được thành lập theo dọc bờ biển miền Nam, để rồi cuối cùng lan tới trung tâm Tây Ban Nha, miền Léon, Castille và Navarre. Vào thế kỷ IX, việc tôn sùng thánh Giacô bê thành hình (829) và được đặt tại Compostelle (866), nơi đây đã cung hiến một đại cung vương thánh đường năm 899. Từ nay các Kitô hữu miền Bắc liên tục lấn chiếm ranh giới Hồi giáo. Về phía người Maures, thỉnh thoảng họ đem quân chọc thủng vòng đai, nhất là dưới triều đại binh tướng có tên là Almanzor (Muhammad ibn Abi'Amcir), đặc biệt từ 956 tới 1002 và trong những trận chiến sát hại mà các Kitô hữu tham gia đánh lại nhau. Giữa thế kỷ XI, ba nước Caslille, Aragon và Navarre đã có rồi. Nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi đã vượt khỏi dãy núi Pyrénées, rồi cuộc hành hương tới Compostelle trở thành một hoạt động thu hút giáo dân. Việc này vừa là hậu quả vừa là nguồn gốc của phong trào sáng lập một loạt các tu viện dọc đường hành hương hay vùng kế cận. Kết quả, có sự trao đổi tài nghệ giữa các nhà kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật đủ môn. Dọc bờ biển Trung Hải, cũng phát hiện một chuỗi tu viện, trong số đó phải kể đến Cuxa. Nhờ những cuộc thăm viếng và hành hương, những nhà này có liên hệ chặt chẽ với nhau và với các tu viện bên Ý nữa. Về sau từ 1008, các thày dòng Cluny xâm nhập vào trong xứ và dần dần ảnh hưởng trên hầu hết các nhà dòng Tây Ban Nha. Có lẽ nhờ ảnh hưởng của Cluny nên dưới triều đức Alexandre II (1061-1073) có sự can thiệp của giáo triều vào các vụ việc của Tây Ban Nha. Mục đích chính yếu là cuộc cải cách chung của Giáo Hội. Người trách nhiệm công trình cải cách là sứ thần Hugo Candidus. Trong lần kinh lý thứ hai, chính ngài đã quyết tâm thay thế nghi thức Ả Rập bằng nghi thức Roma.
Chắc chắn, triều Roma vẫn còn nhớ tới ”ly giáo” nghĩa tử thuyết và ảnh hưởng của nó trong nhiều từ ngữ phụng vụ. Ngoài ra giáo hoàng còn muốn đồng nhất hóa và đồng đều hóa về phụng vụ trên cả Giáo Hội. Ban đầu người ta luyến tiếc các Kinh Lễ cổ kính, nhưng về sau người ta đã nhận ra đường lối cải cách của đức Alexandre là hợp lý. Chỉ trong mấy năm, Tây Ban Nha đã thực hiện được sự thống nhất hài hòa và toàn vẹn với Giáo Hội Roma trên bình diện giáo lý và thực hành. Những bất hòa và chia rẽ chỉ xảy ra trong các lãnh thổ Hồi giáo chiếm đóng. Các ông hoàng Kitô ở miền Bắc chuẩn bị xâm chiếm (1064). Cuộc xâm lăng này đã được chuẩn bị chu đáo, được ủng hộ và được phép lành của đức Alexandre II; người ta có thể coi nó như ”nghĩa binh” thứ nhất của giáo triều. Lãnh thổ chiếm được lập tức nằm dưới quyền tối thượng của giáo triều Roma. Ðức Grégoire VII lại đòi quyền bá chủ cả miền, hầu khẳng định lại một quyền tư hữu đã có từ xưa, có lẽ phát sinh từ việc hoàng đế Constantin dâng cúng. Nhưng ngài đã vấp phải sự chống đối của vua Alphonse VI miền Castille, muốn cai quản cả ba miền Aragon, Navarre và Catalgne. Về sau, đức Grégoire đã thành công tại Castille và xứ này đón nhận phụng vụ Roma. Năm 1085, mấy ngày sau khi giáo hoàng mất, vua Alphonse VI tái chiếm Tolède.
Ðức Urbain II tiếp tục chính sách của vị tiền nhiệm và thúc đẩy cuộc cải cách tiến thêm lên. Ngài được sự ủng hộ của các cộng tác viên, các tu sĩ Cluny trước đây vẫn nghi kỵ đức Gregoire VII. Nhưng các nguyện vọng của đức Urbain II đã thành mây khói bởi những vụ rối loạn nội bộ xảy ra ở Tây Ban Nha: vua Alphonse VII thất bại trước cuộc xâm lăng mới của người Hồi giáo và vụ tranh giành giữa hai tổng giám mục Tolède và Compostelle. Thế nhưng một đạo ”nghĩa binh” mới - có sự tham gia của Provence và Gênes đã hoàn hành cuộc tái chiếm Baléares và Saragosse. Từ 1147, thành phố Lisbonne và một phần lớn lãnh thổ Bồ Ðào Nha được giải phóng. Và cuộc giải phóng này còn dai dẳng mãi cho tới đầu thế kỷ XIII. Lúc đó đức Innocent III được các đạo quân từ Pháp ủng hộ, đã tổ chức một ”nghĩa binh” và quyết liệt đại thắng ở Las Navas de Tolosa (1212), giai đoạn tiên khởi để tiến tới việc giải phóng toàn cõi bán đảo. Cordoue thất thủ năm 1236 và Séville năm 1248, kéo theo Cadix năm 1241 và cuối cùng bị sáp nhập năm 1256. Valence bị chiếm năm 1258. Thế là trước cuối thế kỷ XIII, việc tái chiếm Tây Ban Nha kể là đã xong, trừ vương quốc Hồi giáo là Grenade mới được thiết lập.
Việc tái thiết Giáo Hội đi song song với việc tái chiếm lãnh thổ. Dần dà Tây Ban Nha giữ lại địa vị của mình trong Giáo Hội thời Trung Cổ. Các thày dòng Cluny và cả các tu sĩ khác rất đông trong các nước miền Bắc, ngay từ đầu thế kỷ XI. Tới thế kỷ XII, dòng Citeaux tới nhận những chỗ còn trống nhưng đã được chuẩn bị sẵn. Và vào đầu thế kỷ XIII, Dominique, linh mục Tây Ban Nha gốc Castille đã lập cho Giáo Hội một dòng mới và có thế lực. Người ta kiến thiết những thánh đường đồ sộ ở Avila, Salamanque, Zamora, Coimbre và các nơi khác. Từ khi chiếm được Tolède, Tây Ban Nha, trong một thời gian ngắn, cũng như Sicile, đã trở thành một ”la Mecque” đối với những người phương Bắc vốn hoạt động trong Giáo Hội, trong số đó có nhiều học giả. Họ muốn tìm kiếm những kho tàng cổ kính về tư tưởng và khoa học mà văn hóa Ả Rập đã chôn giấu. Từ khoảng 1140 và cho tới gần một thế kỷ sau, Tây Ban Nha giống như một địa trường săn bắn: các nhà dịch sách gửi đi hoặc đem chiến lợi phẩm về Paris, Montpellier, Oxford và các đại học đường khác ở phương Bắc! Chỉ khi nào các học giả Tây phương đã hấp thụ và khai thác hết các học thuật mới đó, Tây Ban Nha mới sáng lập các đại học đường riêng của mình. Ðại học Salamanque có từ 1255. Nhưng đại học này và cả những trường khác, đã không đạt tới cấp bậc danh tiếng quốc tế trước thế kỷ hoàng kim.
Khi tìm hiểu Tây Ban Nha, người ta gặp một vấn đề khó biết và khó giải quyết, đó là vấn đề quyền bá chủ của hoàng triều trên các xứ các miền khác nhau. Quan niệm phong kiến về quyền bá chủ, ngày nay người ta không biết đến, nên coi nó như quyền tối cao hay quyền bảo lãnh, hoặc ở giữa hai quan niệm này. Thật vậy, đức Grégoire VII cho rằng, vì là giáo hoàng nên ngài có quyền và có bổn phận kiểm tra Ðức Tin và phong hóa của hết các Kitô hữu trong đời sống công cũng như tư. Tất cả các vua chúa phải tâu trình các việc công và tư mình làm, vì luân lý và công bằng, khác biệt với hành chính và quyền tư hữu, có liên hệ mật thiết với nhau. Quyền bá chủ bao gồm bổn phận phải thừa nhận nghiêm chỉnh các quyền lợi nói trên của giáo hoàng, đồng thời phải hứa trung thành với giáo hoàng và bảo vệ lãnh thổ thuộc về ngài. Nhưng có nhiều cấp bậc bá chủ. Giáo hoàng là ông vua trực tiếp và độc nhất của phần lớn nước Ý. Trong đế quốc, ngài đòi hỏi được toàn quyền về tâm linh. Ngài là người che chở và hướng dẫn các vua ở một số nước mà việc Kitô giáo hóa chưa hoàn toàn, như Tây Ban Nha, Ðan Mạch, Hung Gia Lợi, Bohême và các nước khác nữa. Trong những nước này, quyền bá chủ có nghĩa là giáo hoàng được tự do cắt đặt hàng giáo phẩm và cho thi hành giáo luật. Chỉ trong một vài nước như Pháp và Anh của Guillaune, người xâm lăng, giáo hoàng không làm sao áp đặt quyền bá chủ của mình được.
Việc tái chiếm những lãnh thổ đã bị mất, dĩ nhiên mở rộng thêm diện tích của nước giáo hoàng và tạo thêm thế lực cho Kitô giáo. Nhưng cũng vì thế, lại thêm những vấn đề mới và khích động lại những vụ căng thẳng cũ. Người ta đã dùng từ ngữ cổ truyền ”tái chiếm” nhưng mới đây có mấy sử gia nhấn mạnh tới điều mà những thành kiến về chủng tộc ở thời trước đã làm cho quên đi, đó là, trong mười hai thế kỷ đầu của Kitô giáo, dân chúng Tây Ban Nha luôn thuộc nhiều chủng tộc khác nhau và nằm dưới sự đô hộ của Hồi giáo, nhưng Kitô giáo không bao giờ bị hoàn toàn tan rã. Hơn nữa, những người chiến đấu trong thời ”tái chiếm” bao gồm đủ dạng tiêu biểu cho các chủng tộc ở Tây Ban Nha. Sau khi đã thiết lập toàn quyền quốc gia thì sự pha trộn các chủng tộc vẫn được tiếp tục. Tại miền Bắc, những khu trại người Mozarabes sinh sống, nhiều người đã gia nhập Kitô giáo, nhưng chưa cần thiết phải thay đổi nghi lễ và các hệ tư tưởng. Vẫn còn những người Hồi giáo tự do, làm thành một yếu tố tôn giáo ngoại lai. Người Do Thái trốn khỏi các miền họ bị đàn áp hay những miền có nhiều người Hồi giáo sinh sống. Tất cả, họ đổ xô về những nơi mà ban đầu họ được tiếp đón và không gây thù hằn. Thế là, một lần nữa, những sự căng thẳng cũ rích từ thế kỷ VII lại bùng lên, tạo nên những hậu quả nặng nề về sau. Có mấy nhân vật thời danh của hàng giáo phẩm, như Paul de Sainte Marie, giám mục Carthagène rồi Burgos và con ông, còn danh tiếng hơn, Alphonse de Carthagène, là những người Do Thái hay ít ra có tổ tiên Do Thái, rồi hồng y Jean de Torquemada. Thế nhưng, các vua Tây Ban Nha khẳng định uy quyền của mình một cách cương quyết còn hơn các vua ở Pháp và ở Anh. Họ được nghị viện ủng hộ : cả nghị viện Anh, nghị viện Tây Ban Nha đã từ chối mọi hữu hiệu của các qui chế giáo luật. Mọi quyền nhà vua được hưởng, cũng như các đặc ân của hàng giáo sĩ đều được tăng thêm và mở rộng. Thế nhưng, khi cuộc Ðại Ly Khai xẩy ra, thì toàn cõi Tây Ban Nha đứng tách rời khỏi phe công đồng. Các giám mục và các thần học gia theo cổ truyền đứng vào phe giáo hoàng. Một thời gian khá lâu, Tây Ban Nha ủng hộ Pierre de Luna, người bản xứ, làm giáo hoàng ở Avignon với danh hiệu là Benoit XIII (1394-1423).
V. MIỀN SCANDINAVIE.
Những nhà truyền giáo tiên khởi Pháp và Ðức đến giảng Phúc âm ở Ðan Mạch và Thụy Ðiển, đều bị trục xuất hay chỉ thu lượm được những kết quả tạm bợ. Thế nhưng nhờ những nỗ lực của họ mà các nhà truyền giáo Anh, phần đông là tu sĩ, vào thế kỷ X và XI, đã thành công trong việc trồng cây Ðức Tin và thiết lập các tu viện tại Ðan Mạch và trên những hòn đảo nhỏ nằm gần bờ biển Tây Nam Nã Uy. Nhà dòng Evesham đã phái một đoàn tu sĩ tới Odense. Stavanger ngày nay còn giữ nhiều vết tích tôn sùng thánh Swithin de Winchester. Tại Thụy Ðiển, nhiều thừa sai đã tới hồ Malar và tới Sigtuna, nơi Anschaire đã lập một nhà thờ. Sau đó, Uppsala, trung tâm ngoại giáo, đã trở thành một lãnh thổ thuộc Kitô giáo, Ðan Mạch với các vua cai trị ở Tây Nam miền Scanie, đã trở thành một trong ba nước thuộc Scandinavie giống các vương quốc theo Kitô giáo. Ðã có một hàng giáo phẩm với trụ sở chính đặt ở Lund, và có cả một tổ chức giáo xứ. Trong thế kỷ XI, chế độ phong kiến, nhà thờ tư và quyền tiến cử (tiến cử để nhận bổng lộc) chưa có ở Scandinavie. Tại Nã Uy, nhà vua có một ít quyền. Nhưng ở các nơi khác, giám mục bổ nhiệm các linh mục, hoặc cộng đồng giáo xứ chọn lựa (nhất là ở Thụy Ðiển). Cải cách theo đường lối Grégoire bắt đầu vào đầu thế kỷ XII, một phần do ảnh hưởng các tu sĩ Citeaux. Sau khi tòa Tổng Giám Mục Hambourg Brème bị bãi bỏ, thì Lund miền Scanie được thừa hưởng các quyền tổng giám mục trên toàn cõi Scandinavie. Eskil, bạn thân của thánh Bernard, đã đưa các tu sĩ Citeaux tới Alvastra và Nydala, trước khi rút về Clairvaux và mất năm 1181. Một tổng giám mục thời danh khác lên kế vị, Absalon (1178-1201), ông sáng lập Copenhague và truyền bá các cải cách giáo luật.
Vì dân ở tản mác nên Nã Uy có một tổ chức thô sơ hơn. Từ Anh nhiều giám mục đã tới mang theo nhiều tập quán, rồi các tu sĩ dòng Citeaux đến lập nhà đầu tiên ở Lyse gần Bergen, ở Hovedo gần Oslo. Cơ cấu này đã hoàn toàn được canh tân và Giáo Hội Nã Uy được chính thức thành hình nhân dịp kinh lý thanh tra đáng ghi nhớ của hồng y Anh Nicolas Brakespeare năm 1152. Ngài đặt trụ sở tổng giám mục ở Trondheim. Ngài cho sáp nhập vào bốn tòa Giám Mục thuộc hạt những tòa ở Islande, các đảo Féroé , Orcades, Sodor và đảo Man. Ngài cũng thiết lập cuộc bầu giám mục theo giáo luật, cho giám mục quyền bổ nhiệm các linh mục và đặt tiền quĩ thánh Phê rô. Những cải cách này đứng vững nhờ vào sự khôn khéo của Eysten (dòng Augustin), tổng giám mục Nidaros (Trondheim 1161-1186). Nhưng rồi một loạt tranh chấp đã xẩy ra giữa hàng giáo phẩm và các vua, vì họ mưu toan lấy lại những quyền cổ xưa của họ. Kết quả, các giám mục bị bắt đi đầy và Nã Uy kinh lâm vào một cuộc tranh đấu giống như cuộc tranh đấu ở Anh mà đức Thomas Becket đã đương đầu với vua Henri II.
Thụy Ðiển, lạc hậu nhất trong ba nước, mãi lâu mới được Kitô giáo hóa ở miền trung tâm bao vây những hồ lớn, giữa Stockholm và thành phố Goteborg ngày nay. Thành phố Sigtuna mất ưu quyền khi đức Alexandre II ban phép lập tòa Tổng Giám Mục tại Uppsala ít lâu sau khi giám mục Eric ở Phần Lan chịu tử đạo (khoảng 1157). Giám mục tiên khởi của Thụy Ðiển là Etienne, người Anh, tu sĩ Alvastra. Từ đó, Giáo Hội Thụy Ðiển phát triển chầm chậm nhưng điều hòa, mặc dầu tòa Lund còn giữ một qui chế ưu quyền trong một thời gian khá lâu. Cho đến hết thời Trung Cổ, Scandinavie và miền Duyên Hải Phần Lan hoàn toàn theo Kitô giáo. Thế nhưng những tập tục ngoại giáo vẫn còn tồn tại trong các vùng rừng núi, ở những đảo xa xôi Féroé và Islande. Việc thiết lập tiệm tiến của chế độ quân chủ phong kiến đã gây nên những đụng độ từng giai đoạn giữa Giáo Hội và nhà vua. Nhưng tại Thụy Ðiển nói chung và nhất là ở Ðan Mạch, Giáo Hội được tự do hơn trong tất cả những nơi khác tại Tây âu. Tại Thụy Ðiển, tại các tu viện và các tòa Giám Mục, với những lãnh thổ rộng lớn, hàng giáo sĩ và tu sĩ đều giúp việc hành chính cho nhà vua, chống lại giới binh sĩ và giai cấp nông thôn. Ðảo Gotland, trở thành một nhượng địa phụ thuộc Ðan Mạch, là một đảo giàu có và rất nhiều dân cư. Ðảo này được xử dụng như kho chứa hàng cho việc giao thương của cả vùng Balte và Âu châu, cũng là hòn đảo nổi danh vị có nhiều nhà thờ và tu viện.
VI. NGHĨA BINH THÁNH GIÁ (1098-1274).
Nghĩa Binh Thánh Giá tại Ðông phương biểu dương một trào lưu hào hứng tôn giáo không ngờ trước và từ xưa tới nay chưa hề có. Phát sinh từ một lòng tin năng nổ, với mục đích đương đầu với một cuộc khủng hoảng công khai, nghĩa binh đã trở thành một biến cố được tái diễn từng giai đoạn trong suốt hai thế kỷ, như một hỏa diệm sơn phun lửa. Có lẽ nó là trào lưu lạ lùng nhất trong những trào lưu mộ đạo, được chứng tỏ trong hành động và với tinh thần nồng nhiệt. Ngày nay người ta coi đó như những đặc tính rất độc đáo của thời Trung Cổ. Cũng đúng thôi, khi người ta dùng từ ngữ mới ”nghĩa binh” để chỉ việc đưa những đạo quân đông đúc, gồm nhiều quốc gia khác nhau và tự nguyện tiến về xứ Palestine với mục đích khôi phục hay bảo vệ lãnh địa, nơi Ðức Kitô đã sống. Hiểu theo ý nghĩa rộng rãi, Nghĩa Binh Thánh Giá là cuộc phiêu lưu võ bị, được thực hiện với mục tiêu tôn giáo. Cuộc nghĩa binh thứ nhất có những dấu hiệu tiên báo: những cuộc viễn chinh do giáo hoàng ủng hộ và khuyến khích, với mục đích tái chiếm miền Bắc Tây Ban Nha chống lại người Hồi giáo, cũng như cuộc viễn chinh của người Normands để chiếm nước Anh và đã được phép lành đặc biệt của giáo hoàng. Vào sau thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, ý tưởng, lời nói và kỷ luật tôn giáo và binh bị của nghĩa binh đều được áp dụng vào mọi cuộc viễn chinh, để cầu thắng hay đẩy lui những kẻ nghịch thù của Giáo Hội, một hành động có tinh thần công lý khi nhiều khi ít, không đồng đều. Những địch thù này phải là những người ly khai như người Albigeois, ngoại giáo như ở Prusse hoặc tại các xứ Baltes, hay những kẻ xâm lăng như người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453 cho tới thế kỷ XVII. Bảy cuộc nghĩa binh đã là bảy lần di chuyển bằng đường bộ và đường biển của những lực lượng võ trang khổng lồ, tiêu biểu cho giới Kitô và được giáo hoàng ban phép lành. Do đó những cuộc nghĩa binh tạo nên một hiện tượng thuộc riêng thời Trung Cổ, biệt hẳn tất cả những thánh chiến khác và đứng ra ngoài lịch sử Giáo Hội.
Nguồn gốc nghĩa binh thứ nhất và những lý do vận động, cho tới nay, vẫn còn bị tranh cãi. Các tướng Normand và Pháp, được khuyến khích bởi những ân xá đức giáo hoàng hứa ban, họ đã tham gia vào việc tái chiến Tây Ban Nha. Họ đã chiếm được Tolède năm 1085. Cùng năm đó, Antioche rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã chiếm Jerusalem trước rồi (1071). Cùng năm 1071, trận quyết liệt tại Mantzikert đã thúc đẩy đức Grégoire VII vận động khối Kitô giáo Tây phương đem quân cứu viện Ðông phương và các nơi thánh. Rồi sau đó, năm 1084, hoàng đế Alexis I đã thỉnh cầu đức Urbain II cho quân đến cứu viện. Có thể đây là cơ hội trực tiếp, nếu không là lý do đích thực của dự tính nghĩa binh mà người ta đã đem ra bàn cãi tại Plaisance, rồi đưa ra công bố tại Clermond năm 1095. Nhưng chắc hẳn là giáo hoàng cũng đã thấy mối lợi mà ngài hy vọng được hưởng, để quay trở những giáo mác gươm đao Normand hay những dân khác đang làm xáo trộn Âu Châu, chống lại những kẻ thù của Giáo Hội. Là nhà chính khách, giáo hoàng cũng phải nhận ra cái cơ may mình có để cầm đầu giới Kitô giáo Tây phương. Ngài đã hô hào những người nghe ngài, hãy đi giải vây thành thánh khỏi tay dân ngoại. Lời kêu gọi của ngài được người ta nghe theo lập tức và với một hào khí vượt xa những ước lượng của ngài. Rồi khi phải bắt tay tổ chức, thì người ta đã đứng trước một sự đã rồi. Quyền chỉ huy tối cao được ủy cho Adhémar, giám mục Du Puy. Những tài sản của quân nghĩa binh vắng mặt được đặt dưới quyền giáo triều. Các quân nghĩa binh nhận được lời hứa rằng ”nếu họ quị ngã trong trận chiến, họ sẽ được tha hết mọi tội”. Nơi mỗi người chiến binh, chắc chắn còn nhiều lý do khác. Thế nhưng, trong đệ nhất nghĩa binh, nhiều người đã tự nguyện với ý muốn chân thành là chiến đấu cho Chúa và xông đánh các địch thù của Người. Có mô tả những diễn tiến của nghĩa binh ở đây cũng không lợi ích gì. Adhémar là một người khéo léo và khôn ngoan, và có những mục tiêu tâm linh. Mất ngài, là mất vị thủ lãnh độc nhất, đứng trên các đảng phái, có thể cứu vãn được những lý tưởng của nghĩa binh và tổ chức hành chính tôn giáo trong vương quốc Latinh-Jerusalem. Vương quốc này đã trở thành một quốc gia hoàn toàn phong kiến. Tổ phụ Jerusalem đã bị truất phế để đưa một tổ phụ latinh lên. Vì có những nhu cầu của mình, nên các nghĩa quân biểu lộ một nhiệt tình nham nhở, vừa thuộc võ bị vừa thuộc tôn giáo. Dòng tu quân đội phục vụ dưới hai dạng, lính canh giữ đền thờ và lính chăm sóc bệnh nhân. Và đó là trách nhiệm chính yếu bảo vệ vương quốc Latinh-Jerusalem.
Ðệ nhị nghĩa binh được tung ra vào dịp tiến quân của người Thổ và chiếm đóng Edesse ngày 25 tháng 12 năm 1144. Một lời cầu cứu đã được gửi tới đức Eugène III. Ngài liền đề nghị với vua Louis VII để tổ chức nghĩa binh, nhà vua và giáo hoàng liền nghĩ tới viện phụ Bernard. Viện phụ nhận công việc, cách miễn cưỡng như sau này ngài cho biết. Hành động nhân danh giáo hoàng, ngài công bố nghĩa binh tại Vézelay ngày 31 tháng 3 năm 1146. Thế là lại tái diễn những cảnh đã xẩy ra ở Clermond năm chục năm trước. Ðể cuộc vận động thành công, viện phụ Bernard đã đi một vòng nước Pháp, từ Languedoc cho tới Flandres. Giáo hoàng và nhà vua đã coi đây là một nghĩa binh Pháp. Người Ðức chỉ tham dự một phần rất nhỏ trong đệ nhất nghĩa binh. Nhưng được mời tới các xứ miền Rhénanie để chấm dứt một chiến dịch tư mà một thày dòng Citeaux hướng dẫn để chống lại người Do Thái, viện phụ Bernard liền khởi công giảng về Nghĩa Binh. Ngài đã thuyết phục được Conrad III để ông chỉ huy nghĩa binh đoàn. Bản tường thuật cuộc động binh hùng hậu (theo từ ngữ của viện phụ Bernard) với nhiều chuyện phi thường coi như những phép lạ này, đã làm thành một phần quan trọng của Sách Các Phép Lạ (Libermiraculorum), và cuốn Ðời Sống Thánh Bernard. Phong trào Nghĩa Binh đã là một thất bại tàn khốc. Nhưng bấy giờ người ta không chịu nhận thực tế cay nghiệt ấy. Và viện phụ Bernard còn đứng ra chiêu mộ một đạo quân mới, để lãnh thêm một thất bại. Viện phụ Bernard và phần lớn các cấp chỉ huy đã vất vả tìm mọi cách thanh minh sự thất bại của một công việc mà người trách nhiệm chủ yếu đã tỏ ra rất hăng say và hình như còn tự nhận có dấu hiệu chúc lành từ trời ban xuống. Viện phụ Bernard đã không ngần ngại đỗ lỗi cho nghĩa quân. Ngài tự so sánh với Maisen giữa dân Do Thái. Sử gia hiện đại chỉ có thể cho thấy: lòng nhiệt thành của nhà đại lãnh tụ tôn giáo đã vận dụng sức mạnh tinh thần rất lớn lao của mình để phái những đạo binh đi vào chỗ chết (hoặc vì bệnh tật, hoặc vì binh đao chiến trường).
Năm 1146 nhiều dấu hiệu cho thấy tai họa đã đến gần. Thế nhưng nó đã không xẩy ra và các vương quốc latinh còn cầm cự được bốn chục năm nữa, cho tới khi Saladin lên cầm quyền (1179). Nhưng chỉ mấy năm sau, tình hình trở nên khẩn trương: Năm 1187, bị thất trận tại Nazareth và tại Cornes de Hattin, các toán quân tinh nhuệ của các dòng võ trang bị giết hay bị bắt làm tù binh, giáo dân Kitô phải bỏ Jerusalem (1187) và bị đẩy lui mãi tới pháo đài Tyr. Thật là một biến cố làm chấn động cả Âu Châu. Giáo hoàng cho thay đổi mầu sắc của ấn tín. Samson, đại viện trưởng Bury saint Edmunds, mặc áo nhặm và ăn chay. Bị thúc đẩy bởi nhiệt tình tự nguyện, ba đại quốc vương trẩy đi Ðông phương: Conrad, Philippe và Richard. Nhờ trung gian của hai sứ thần, giáo hoàng lại hô hào lập nghĩa binh, đệ tam nghĩa binh. Ngài mở rộng kho tàng ơn toàn xá ban cho mỗi nghĩa binh, dù sẽ chết trên chiến địa hay sẽ còn sống sót. Ngài truyền cho các giám mục phải đóng góp tiền của. Tại Pháp và Anh, người ta lập thuế thập phân gọi là thuế Saladin mà các vua đòi phải có với sự ủng hộ của các giám mục. Lần này việc lãnh đạo quân nghĩa binh thuộc hoàng đế chứ không thuộc giáo hoàng. Nhưng sau khi hoàng đế Frédéric chết, không còn người chỉ huy tối cao nữa. Mặc dầu còn ghi danh trong sử sách và truyền thuyết, nghĩa binh đệ tam này chỉ thu được một thành công yếu ớt. Các Kitô hữu đã chiếm được một dải đất hẹp và dài thuộc miền duyên hải.
Nguyên do trực tiếp của đệ tứ nghĩa binh không phải do một biến cố tàn khốc nào đã xẩy ra ở Ðông phương. Ðây là sự nghiệp của một mình đức Innocent III mà thôi. Ngay vào những năm đầu triều đại, vị giáo hoàng này đã dồn hết nghị lực để thuyết phục các vua Âu Châu và hoàng đế Hy Lạp cùng nhau lấy lại Ðất Thánh cho Kitô giáo. Không còn cách nào khác, ngài trực tiếp kêu gọi và thúc đẩy các giám mục và giáo dân. Ngài đã thành công gây nên một chiến dịch mộ quân. Một đạo quân lớn được thành lập. Theo kế hoạch của giáo hoàng thì đạo quân này phải xuống tàu ở Sicile. Thay vì phải làm như thế, thì các tướng lãnh lại điều đình với Venise để vượt biển. Venise là thù địch của Byzance và các tướng lãnh người Ðức hay nghĩa quân đã có liên hệ tiếp xúc với một người đang mưu toan chiếm ngôi báu ở Ðông phương. Hoàng đế Alexis III xin giáo hoàng bảo đảm không để cho một trong các lãnh địa nào của ông bị tấn công. Ðức Innocent chấp thuận. Nhưng năm 1203, hạm đội nghĩa binh đậu ở Corfou đã quyết chũi mũi tàu tiến thẳng về Constantinople. Giáo hoàng phản đối, nhưng vô hiệu. Constantinople thất thủ ngày 17 tháng 7 và kẻ mưu toan tiếm ngôi đã trở thành hoàng đế lấy tên Alexis IV. Tám tháng sau, ông bị ám sát trong một cuộc nổi loạn. Kinh thành lại rơi vào tay nghĩa quân và bị phá bình địa không thương xót. Baudoin de Flandre được bầu làm hoàng đế latinh. Miền La Thrace, Hy Lạp và các đảo lại bị phân chia cho người Venise và các tướng lãnh khác. Nghĩa binh ngừng lại sau tội ác này. Qua nhiều thế kỷ, tội ác ấy vẫn còn làm ung độc những mối tương quan giữa Roma và Giáo Hội Hy Lạp, thậm chí cho tới nay, vẫn còn lảng vảng như một bóng ma trong trí óc nhiều Kitô hữu Ðông phương.
Ðức Innocent III không mất hết hy vọng. Ngay từ 1213 ngài ra sức vận động theo cổ truyền, để hô hào một nghĩa binh khác (đệ ngũ nghĩa binh): ân xá tha tội và che chở lại được tung ra. Cuộc khởi hành được ấn định vào ngày mồng 1 tháng 6 năm 1217. Ðức Innocent không sống được cho tới ngày đó, nhưng nghĩa binh cứ khởi hành. Họ đã không hưởng được những chiến thắng của họ và phải tự giải tán sau khi đã chiếm được thành Damiette. Bị rút phép thông công, hoàng đế Fréderic II đã không thể nhập vào đoàn nghĩa binh chính thức. Ông cho thành lập một đoàn nghĩa binh riêng năm 1228, đó là công việc hoàn toàn thuộc thế tục đem lại cho ông danh hiệu là vua thành Jerusalem.
Năm 1244, sau khi Gaza thất thủ, thành Thánh bị cướp khỏi tay người kitô. Mấy năm trước, đức Grégoire IX đã nỗ lực khích động tính ù lì nơi các vua Âu Châu, nhưng chỉ có mấy trận chiến nhỏ đem lại những kết quả bé mọn mà thôi. Tháng 12 năm 1244, vua Louis IX (thánh Louis) tự nguyện làm nghĩa binh, trong khi ông lâm bệnh nặng. Nhưng nghĩa binh của ông (đệ lục nghĩa binh) chỉ xuất chinh năm 1248, được đức Innocent IV trợ cấp kinh tế và tinh thần. Nhà vua vắng mặt khỏi Pháp sáu năm. Ông lần lượt lúc thắng lúc bại và có lần bị bắt làm tù binh trong một thời gian ngắn. Hai mươi năm sau, Mameluk Baibars, người chiến thắng miền Gaza, trở thành vua Ai Cập và tiến chiếm Césarée (1265), Jaffa và Antioche (1268). Biến cố này đã thúc đẩy thiết lập đoàn nghĩa binh cuối cùng (đệ thất), dưới sự điều động của vua Louis và quận công Edouard, người kế vị Henri Anh quốc. Vua Louis đã tắt thở trước khi cập bến Tunis. Sau khi đã thắng được mấy trận, quận công Edouard điều đình ngừng chiến trong mười năm tại Palestine. Mười hai năm sau, chiến tranh lại bùng nổ, hai thành phố lớn Tripoli bị thất thủ năm 1289 và Acre vào năm 1291. Thế là chấm dứt cuộc chiếm đóng của quân Pháp tại Ðông phương, chấm dứt tinh thần hăng say làm nẩy sinh từ ngữ và lý tưởng ”Nghĩa Binh Thánh Giá ”.
Các nghĩa binh hành quân ở Palestine và trong những vùng lân cận đã không tạo nên cho đời sống tôn giáo và trí thức thế kỷ XII và XIII những điểm độc đáo đáng kể. Ngoại trừ phạm vi thu hẹp về chiến thuật binh đao và ngành kiến trúc, các nghĩa binh hoàn toàn không để lại được những thành quả bền bỉ. Trong lịch sử nghĩa binh người ta không nhận thấy có một thể chế nào, một nguyên lý thuộc qui chế, thần học, chính trị và ngoại giao nào, cũng không có chuyện đổi mới hay một khai triển nào về các chiến thuật đặc sắc. Khi vận động cho đệ nhất nghĩa binh và khi tuyên bố giáo triều có thể là một lực lượng hiệp nhất các dân tộc, khả dĩ khơi động và nuôi dưỡng tinh thần hăng say của người Âu Châu, đức Urbain II đã thêm vào đường hướng canh tân của đức Grégoire một khía cạnh mới: nó đã gây ảnh hưởng oanh liệt trong nhiều thế kỷ. Nhưng ngài đã để lại cho giáo triều một trách nhiệm rất nặng nề, kéo dài hằng bao nhiêu năm: những trận đánh ác liệt gồm có cả cướp phá và xâm chiếm dưới danh hiệu nghĩa binh. Các nghĩa quân, thì có đủ loại động lực, từ lòng hy sinh bồng bột cho đến tinh thần hiếu chiến, ham hố danh vọng, tham lam của cải vật chất. Thời xưa người ta nói nhiều về những lý tưởng tôn giáo, phiêu lưu và lãng mạn của nghĩa quân. Ngày nay chúng ta cảm thấy ghê tởm trong những lời lẽ mà giáo hoàng và những cộng sự viên khác thốt ra để thúc đẩy giáo dân dấn thân vào những công cuộc mà chúng ta biết, đó là những thất bại nhớp nhúa và lưu huyết. Việc tái chiếm Palestine có thể được coi như một việc đáng làm. Nhưng những chiến thắng dành được do những đoàn quân sặc sỡ nhiều mầu, được chỉ huy bởi những tướng tá ganh tỵ nhau, lại không có chiến lược hợp lý và khoa học, thì chắc chắn phải dẫn tới chia rẽ và tàn khốc. Một chiến tranh tấn công mà không có chính nghĩa thì khó giữ được tư chất tôn giáo. Chỉ nên nhớ rằng các giáo hoàng thời danh, vào tầm vóc đức Urbain II và đức Innocent III, kể cả những người có những đức tính luân lý và tâm linh cao độ như thánh Bernard và thánh Louis, các ngài đã không nề mệt mỏi, không ngần ngại đem công đem sức yểm trợ và hiến cả đời sống họ cho sự nghiệp Nghĩa Binh Thánh Giá.
VII. CÁC CÔNG ÐỒNG
Trong thế kỷ XII, tại Tây phương một loạt các công đồng được tổ chức và sau này được công nhận như những công đồng chung của Giáo Hội Roma. Như chúng ta đã thấy, các hoàng đế và các giáo hoàng thỉnh thoảng đã triệu tập các cuộc hội họp để thảo luận và kiểm điểm những vấn đề thuộc giáo lý và kỷ luật. Ở thế kỷ XI, các giáo hoàng cải cách đã dùng nhiều công nghị và nhất là những công nghị thường xuyên Roma, để công bố chương trình và ấn định các án phạt. Thế nhưng, không một công nghị nào tự cho là có tính cách phổ quát. Ðây là một dấu hiệu của thời đại, trong thế kỷ XII, các giáo hoàng đã có thể triệu tập những công đồng và thành công trong việc tập hợp các giám mục và những giám chức khác thuộc Tây âu. Vào buổi đầu, các văn kiện công đồng thường chỉ loan báo và ghi nhận những hòa ước chính trị có liên hệ tới giáo triều, và phát biểu những điều khoản thuộc kỷ luật hơn là giáo lý.
Công đồng thứ nhất của thế kỷ XII là công đồng Latran, được đức Calixte II triệu tập vào Mùa Chay (1123). Lúc đó hiệp ước Worms (1123) đã có nhưng chưa được thi hành. Hơn 300 giám mục dự hội nghị. Công đồng đã nhắc lại và định rõ những biện pháp cải cách đã ban bố trong suốt bảy mươi năm vừa mới qua. Công đồng ban sắc lệnh: lên án nghiêm khắc nạn buôn thần bán thánh, việc người đời kiểm soát nhân sự và tài sản của Giáo Hội; bảo vệ khách hành hương và Nghĩa Binh Thánh Giá; cấm các tu sĩ ban hành các phép bí tích và cử hành thánh lễ công cộng cho giáo dân.
Sau công đồng chung có mấy công nghị địa phương, ở Londres (1125-1127), Rouen (1128), Tolède (1129), Clermond (1130), Reims (1131) và Pise (1135). Những công nghị này có mục đích phổ biến và áp dụng chương trình của công đồng chung vào các Giáo Hội địa phương.
Một công đồng thứ hai được triệu tập tại Latran do đức Innocent II năm 1139. Hơn 500 giám mục tới dự. Nhưng công đồng không quyết định điều gì mới, mà chỉ nhắc lại qui chế cải cách của những công đồng trước. Thực ra, bởi tính cách long trọng hay bởi nội dung của nó, công đồng này khác với công đồng nhóm họp ở Reims năm 1148 do đức Eugène III triệu tập và kết thúc bằng việc khẳng định toàn bộ các sắc chỉ đã được công bố từ thời đức Grégoire VII.
Công đồng Latran thứ ba được triệu tập năm 1179 do đức Alexandre III. Kết quả là chấm dứt những tranh chấp giữa giáo hoàng với các đối thủ của ngài và với hoàng đế, hầu vãn hồi hòa bình. Giữa 300 giám mục tham dự, có một số nhỏ từ các nước khác tới, và nổi bật nhất là Jean de Salisbury, giám mục Chartres. Ða số các sắc lệnh chỉ lặp lại những qui chế thời trước. Nhưng có một sắc lệnh, có lẽ là đề nghị của chính đức Alexandre III: sắc lệnh này đã quyết định rằng, nếu thiếu nhất trí trong các cuộc bầu giáo hoàng, thì từ nay về sau, người được hai phần ba số phiếu của các hồng y, phải được coi như trúng tuyển. Qui định này được chấp nhận thi hành, và dĩ nhiên là đã gạt ra ngoài nhiều cản trở lớn thường làm cho các cuộc bầu giáo hoàng thiếu trong sáng và gây tranh cãi. Nhờ đó, không còn có nạn phản giáo hoàng, cho tới cuộc ly khai năm 1378. Cuộc ly khai này có một nguyên cớ hoàn toàn khác. Ngoài ra, công đồng đã ấn định những điều kiện hữu hiệu cho hết các cuộc bầu phiếu vào các chức vụ trong Giáo Hội (đặc biệt về số tuổi buộc phải có : ba mươi cho giám mục, hai mươi lăm cho cha sở ), và cả những án phạt thích ứng. Một lần nữa, công đồng lên án nạn buôn thần bán thánh, thói tục giáo dân phân tán tài sản Giáo Hội. Bằng một sắc lệnh mới và quan trọng, công đồng chấp nhận cho mỗi nhà thờ chính tòa có một bổng lộc dành cho một giáo lý viên tự nguyện. Mọi giáo dân đều có thể là ứng viên của chức vụ này, miễn là có những đức tính và khả năng cần thiết. Sau cùng, công đồng ban hành thêm các sắc lệnh mới hay nhắc lại một số sắc lệnh cũ, nhằm qui định nhiều vấn đề thuộc xã hội Kitô. Trường hợp người Do Thái, người Hồi giáo và người lạc giáo cũng được cứu xét. Chúng ta sẽ nghiên cứu sau những sắc lệnh liên hệ đến người lạc giáo, vì chúng mang những biện pháp quan trọng và mới mẻ đối với thời đại bấy giờ.
Suốt thời làm giáo hoàng, đức Innocent đã đặt vào hàng đầu chương trình cải cách hay canh tân Giáo Hội và việc tổ chức một chiến đoàn nghĩa binh mới. Nghĩa binh mà ngài tổ chức, đã thất bại thê thảm năm 1204. Nhưng sau mấy năm, ngài trở lại với phương án hàng đầu của ngài. Ngài triệu tập công đồng Latran IV vào năm 1213 và phiên họp đầu tiên vào tháng 11 năm 1215. Trong chương trình nghị sự có nhắc đến Nghĩa Binh Thánh Giá, nhưng chủ yếu gồm những phương án rộng lớn nhằm canh tân mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội. Chúng ta không biết gì về thể thức diễn tiến của công đồng, chỉ biết rằng các sắc lệnh đã được chấp thuận trong phiên họp ngày 30 tháng 11 và đã đánh dấu một khúc quặt, đó là việc công đồng tách rời khỏi đường lối chính trị của giáo hoàng như chúng ta thấy ngày nay. Chúng ta có thể đưa ra một kết luận: phải trải qua nhiều buổi tranh luận sôi nổi trước trong các tiểu ban, rồi trong những buổi hội khoáng đại của các nghị phụ tại Roma, thì mới có một chương trình kỷ luật vừa rộng lớn vừa chặt chẽ và nghiêm chỉnh được đưa ra để tranh luận và sửa đổi. Không kể công đồng Trente, thì công đồng Latran IV đã và cho tới ngày nay, vẫn còn là công đồng chung có những phương án và cái nhìn rộng lớn nhất. Nhưng, khác với công đồng Trente, công đồng Latran IV ít đề cập đến các vấn đề tín lý. Ðiều khoản danh tiếng nhất là đoạn, lần đầu tiên trong nghị quyết chính thức, trong đó từ ”biến thể ” (transubstantiation) được áp dụng vào lễ Thánh Thể. Từ này được định nghĩa vắn gọn về Ðức Iin ở ngay đầu các sắc lệnh và tiếp theo là phần rất thời danh về việc xưng tội hằng năm và rước lễ Mùa Phục Sinh. Những sắc lệnh này và mấy sắc lệnh khác, trước hết đều ảnh hưởng nhiều tới thần học và tới việc lãnh nhận các bí tích. Công đồng này quan trọng, vì lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một công đồng được vị giáo hoàng thời danh, đã khởi sự lập luật cho đời sống kitô của người giáo dân. Những khoản luật và tín lý tiếp liền sau đấy đã khẳng định lại những giải pháp liên quan đến các người lạc giáo. Riêng về các linh mục, thì có một loạt sắc lệnh được công bố để kiểm tra đời sống của họ. Các cuộc bầu giám mục phải được tự do và theo đúng giáo luật. Việc huấn luyện và truyền chức linh mục, cũng như qui chế liên quan tới bổng lộc, đã được bàn giải khá chi tiết. Việc giảng thuyết trở thành bắt buộc. Việc cử hành nghiêm chỉnh các bí tích, đời sống và hoạt động của các linh mục, nhất là các linh mục giáo xứ, đều có qui chế riêng. Còn về các giáo sĩ dòng thì phải nhận hệ thống Citeaux về các công nghị chung trong dòng. Các giám mục phải đi kinh lý như thói xưa vẫn có. Không một dòng tu nào được thành lập trên cơ sở một luật mới. Qui chế hôn nhân được củng cố và hợp lý hóa. Thủ tục tòa án Giáo Hội được cải cách. Nếu nhìn tổng quát, những sắc lệnh của công đồng Latran chủ trương một sự đổi mới rất đặc sắc và đầy đủ về sinh hoạt tâm linh và cơ chế của Giáo Hội. Nhưng có một tương phản rõ rệt giữa tính cách cởi mở và thực tế của pháp chế do công đồng Latran công bố với sự thất bại trong những đề nghị năng động và thực tiễn, đã được công bố chậm hơn sau thời công đồng. Cũng như mọi sắc lệnh của thời Trung Cổ, sắc lệnh của công đồng Latran đã được phổ biến và áp dụng không đồng đều tại mỗi địa phương. Tại những nơi như nước Anh, các sắc lệnh được thi hành nghiêm chỉnh, nên đã giúp cho thế kỷ kế tiếp có nhiều thực hiện xuất sắc. Các khuynh hướng tập trung và chuyên chế quyền bính đã làm giảm tính cách mềm dẻo và tầm vóc quan trọng của những khoản luật do công đồng Latran IV ban hành, nhưng đó không phải là lỗi của đức Innocent III hay của các Nghị Phụ.