CHƯƠNG XV
CÁC THẾ KỶ DÒNG TU – 2
CHƯƠNG XV
CÁC THẾ KỶ DÒNG TU – 2
I. CÁC DÒNG TU MỚI (ÐẠI THỆ)
Việc phân chia lịch sử Âu Châu thành từng thời kỳ có điều bất tiện là làm cho nhiều tác giả và độc giả quên rằng sức hoạt động của nhân loại cứ tuần tự như tiến. Dù nó có tuôn như vũ bão tư núi Niagara xuống, chẳng hạn vào các năm từ 1517 đến năm 1789, thì cũng vẫn là một dòng nước ấy triền miên tiếp tục trước và sau các thác. Ẩn dụ trên chỉ có một ý nghĩa tương đối thôi. Thực ra, có những biến cố lịch sử cho thấy sức mạnh thể xác hòa hợp một cách êm thắm với sức mạnh trí tuệ để làm đột khởi lên những thiên tài thiêng liêng. Các nhà làm sử phải dè dặt về lối phát biểu chủ trương là một thời đại mới đã đột phát lên từ cảnh hỗn mang như một trò quỉ thuật.
Sức sống sôi động trí thức về mọi khía cạnh đã phát lộ ra tại miền Bắc nước Ý và miền Trung nước Pháp trong thế kỷ thứ XI. Vào các giai đoạn đầu, việc canh tân luân lý và thể chế bắt đầu từ nước Ý. Tại Pháp thì các nhân tố học đường và trí thức lại đi trước. Chỗ khác biệt ấy đã tiêu tan đi rất nhanh. Nhà chép sử Giáo Hội dĩ nhiên phải lưu tâm trước đến nước Ý là quê hương của các thánh và các vị cải cách trong thế kỷ XI. Ða số họ là linh mục dòng. Thời gian từ lúc giáo hoàng Sylvestre II cầm quyền (998-1002) cho đến khi thánh Bernard qua đời (1153) là thời kỳ đổi mới và phát triển thế giới dòng tu. Lịch sử tòa Giáo Hoàng cũng theo cùng nhịp độ ấy.
Mức phát triển đời sống dòng tu một cách kỳ diệu và độc đáo không phải là điều ngẫu nhiên; đã có nhiều dấu hiệu báo trước việc ấy. Ngay đầu thế kỷ X, Mont-Cassin đã thịnh vượng lắm rồi. Vào cùng thời kỳ ấy, nhà Subiaco đã giầu có và gây được nhiều ảnh hưởng là nhờ các tài sản Albéric, công tước Roma dâng cúng. Thời Odilon và Guillaume de Dijon, các nhà cải tổ của Cluny và nhiều vị khác đã hoạt động tại Farfa, tại Roma và ở miền Bắc nước Ý. Tuy lòng nhiệt thành đã có lúc phai nhạt, nhưng không thể nói là phong trào dòng tu tại Ý đã hoàn toàn xuống giốc, dù sau khi người Sarrazin đến tàn phá nhiều cơ sở. Các nhà dòng còn lại ở Roma và tại nhiều miền khác trong nước Ý vẫn giữ truyền thống lễ nhạc như trước vào cuối thế kỷ XI. Luật cổ truyền của thánh Benoit vẫn được áp dụng tại Ý.
Nhưng cũng vào thời kỳ ấy, một luồng tư tưởng hoàn toàn mới bắt đầu xuất hiện. Một số người có chủ trương sống đời tu nhiệm nhặt hơn theo lối độc ẩn sĩ. Họ đã lấy hứng hoặc từ các tổ phụ sa mạc, hoặc từ lối cắt nghĩa nhiệm nhặt lề luật của thánh Benoit. Các vị tiền bối trong phong trào này là những linh mục dòng người Hy Lạp đang sống tại miền Nam nước Ý khi người Sarrazin tràn tới, hay khi họ bị đuổi khỏi tây Tiểu á. Nhưng các vị lãnh đạo của họ (và chương trình) đều là người gốc Ý. Chẳng hạn, Romuald, Jean Gualbert và Pierre Damien. Romuald người Ravenne (khoảng năm 950 và 1027) là cha dòng Cluny. Ngài dự định chấn chỉnh lại nếp sống tu sa mạc với tất cả cảnh cô liêu và nhiệm nhặt theo như tục lệ đã có trước. Ngài đã để lại nhiều nhóm độc ẩn sĩ tại Fonte Avellana, tại Camaldoli, tại miền Toscane và trên dãy núi Apennins. Jean Gualbert, người Florence (khoảng 990-1073) cũng từ nhà Cluny ở San-Miniato, đã ghé qua Camaldoli trước, rồi đi lập tu viện ở Vallombreuse, là nơi các thày dòng sống nhiệm nhặt, cô liêu và giữ im lặng liên tục. Pierre Damien người Ravenne (1000-1072) đã sống đời độc ẩn sĩ nhiều năm tại Fonte Avellana trước khi dấn thân vào các cuộc họp và những hoạt động với các vị cải cách giáo triều. Nhưng ngài đã gây được nhiều ảnh hưởng trên đời tu dòng, qua những bài ngài viết để đả kích cái xã hội đồi bại của miền Bắc nước Ý. Ba nhân vật trên và những người kế tiếp đều có những đặc tính mới mẻ, không bao lâu đã trở thành mô phạm cho cả thời đại ấy. Các thầy dòng giữ lề luật dưới hình thức nhiệm nhặt, nghĩa là sống đời độc ẩn sĩ muốn tiến đến mức trọn lành, và đấy cũng là hình thức độc nhất để nên giống như Chúa Kitô. Về phương diện thể chế thì họ ưa chuộng đời độc ẩn sĩ hơn là lối sống tập ẩn sĩ, và giải thích cách chặt chẽ những lời khuyên của các thánh sống trong sa mạc Ai Cập. Ngoài việc truyền tụng lại tư tưởng của các vị lập dòng, hai nhà Camaldoli và Vallombreuse đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử dòng tu. Tại Camaldoli, một số độc ẩn sĩ thỉnh thoảng mới gặp nhau tại nhà nguyện hoặc trong phòng họp. Ðây là thể chế đầu tiên thời danh nhất đã được dòng Chartreuse truyền tụng lại. Các thầy dòng dung hòa đời độc ẩn sĩ và đời cộng đoàn một cách nhiệm nhặt và khéo léo. Vallombreuse còn truyền lại một khuôn mẫu đặc biệt khác nữa là lối sống kín cổng cao tường. Tất cả việc quản trị vật chất là ở nơi các thầy trợ sĩ (conversi). Mặc dù không biết nguồn gốc các thày trợ sĩ này đã có tự bao giờ, nhưng họ rất đắc lực kể từ đời Romuald cho đến ngày nay.
Hai lối sống tu mới mẻ như trên còn có điểm độc đáo khác. Chúng ta phát hiện điểm độc đáo này tại hai cơ sở Camaldoli và Vallombreuse. Tại Camaldoli, các độc ẩn sĩ sống trên sườn núi cao. Dưới thấp, có một cộng đoàn giữ kỷ luật nhiệm nhặt trong đời sống tĩnh mặc. Tại Vallombreuse, các thày dòng sống tương đối tĩnh mặc trên núi. Dưới chân đồi, có một tu viện cho các thầy dòng không có chức thánh, và một nhà để đón khách trọ. Vì kỷ luật quá nhiệm nhặt nên hai loại tu này không được phổ biến nhanh chóng. Tuy nhiên, sau chín thế kỷ, cả hai lối tu ấy vẫn còn tồn tại và được mến chuộng cách riêng tại Ý. Dù không có tài liệu chính xác, nhưng rất có thể hai lối tu ấy đã ảnh hưởng nhiều trên những sáng kiến mới tại miền Bắc núi Alpes.
Tại phía Bắc dãy núi Alpes, cũng như tại Ý, không phải ở đâu chế độ dòng tu cũng đều sa sút cả. Guillaume người Volpiano, cha dòng gốc Cluny đã phục hồi hẳn lại nhà dòng Sainte-Bénigne tại Dijon. Ngài đã biến nhà ấy thành nhà mẹ cả của một tu hội quan trọng. Ngài cũng phụ lực với công tước Richard II để phục hưng đời tu dòng tại miền Normandie. Nhiều dòng đại thệ khác quen giữ luật cổ truyền đã lập nhà tại Bec, La Chaise-Dieu, tại Molesme và tại Saint-Victor ở Marseille. Các nhà ấy còn phồn thịnh trong vòng hai thế kỷ sau. Cũng vào thời kỳ ấy, người ta đã sáng kiến ra mấy lối tu khác. Tại Muret, năm 1076, thánh Etienne đã sáng lập ra một hội dòng sống đời khắc khổ và nghèo khó đến nỗi có thể nói được là xơ xác. Tại Fontevrault, Robert người Abrissel, lúc đi rao giảng, lúc sống đời độc ẩn sĩ, đã lập ra hai nhà dòng song song áp dụng luật thánh Benoit một cách nhiệm nhặt. Các cha dòng làm tuyên úy và linh hướng cho các nữ tu trong đó có nhiều người thuộc hoàng tộc hoặc quí phái.
Hai nhà mới khác được thiết lập tại Muret và Fontevraul. Nhưng mục đích của hai nhà này không phải để làm thỏa mãn nguyện vọng khẩn trương: muốn canh tân đời tu dòng cổ truyền cho thích hợp vớinhững hướng đi của thời đại mới. Trong nhiều thập niên khoảng năm 1100, đã có nhiều cố gắng tìm tòi theo đường hướng ấy. Tại Savigny, trong thung lũng nằm giữa hai quận Bretagne và Normandie, linh mục Vital, một nhà giảng thuyết lưu động có tên tuổi, đã sáng lập ra một nhà dòng (1088) giữ kỷ luật của thánh Benoit rất nhiệm nhặt. Không bao lâu sau, Savigny đã trở thành nhà mẹ của một loạt nhà dòng Pháp và Anglo-Saxon. Mấy năm sau tại Tiron, Bernard gốc từ nhà Cluny lập ra một nhà dòng chuyên chủ về việc canh nông. Sau khi đã thành công trong việc lập một số nhà mới tại quận Galles ở Ecosse và tại Pháp, nhà dòng Tiron lại quay về với luật cổ truyền của thánh Benoit. Trong dãy núi gần Grenoble, Bruno, vị tôn sư cuối cùng của trường phái Reims, định cư tại Chartreuse với mấy bạn đồng nghiệp sống lối ”sa mạc” theo như đường lối của nhà Camaldoli mà có lẽ ngài đã tiếp xúc. Vị lập dòng này được gọi sang Roma. Ðến sau ngài lập một nhà tu kín tại Calabre rồi qua đời ở đấy. Nhưng nhà Chartreuse vẫn tiếp tục hoạt động và, theo nhiều giai đoạn, đã có những hiến chương tỉ mỉ, rồi kết cục được nhận vào qui chế dòng đại thệ. Ðời sống tại đây cũng giống như ở Camaldoli. Các thầy dòng cùng nhau dự một số nghi thức phụng vụ, và làm chung với nhau một số việc chân tay. Nhưng khác với Camaldoli là ở đây họ đã gây ”sa mạc” ngay tại chỗ. Nhiều căn nhà nhỏ được xây cất chung quanh hành lang hợp thành một toàn khu nhà dòng. Nhờ ở việc giữ nghiêm chỉnh luật dòng và cũng nhờ vào chính sách nghiêm khắc, chỉ nhận những phần tử có khả năng thích ứng về đàng thiêng liêng, về tâm lý và về thể xác. Chỉ duy nhà dòng Chartreuse là vẫn còn theo lối Trung Cổ, không chịu đi vào đường dễ dãi. Hiện nay các thầy dòng ấy vẫn còn là thành phần ưu tú và ít oi giữa các dòng đại thệ trong Giáo Hội.
Các dòng muốn thích ứng vào những nhu cầu của thời đại thì lại khác. Các cha dòng Citeaux và nhiều thứ dòng khác lúc đầu là những độc ẩn sĩ. Sau khi đã lập nên nhà dòng tại Molesme và nhận thấy nhà ấy không trung thành với ơn kêu gọi, họ đã đi đến cuộc cải tổ thứ ba tại Citeaux (1098), và nhà này đã trở nên mô phạm cho thời đại ấy.
Từ trước đến giờ, các nhà cãi cách không mấy hài lòng về nền phụng vụ khép kín và phiền toái theo quy chế thánh Benoit. Thật ra, các thầy dòng đầy thiện chí đã bị thu hút vào các việc tổ chức thông thường của một cơ sở lớn, của hợp tác xã canh nông, việc đón tiếp khách hành hương, việc thu hoa lợi, việc dự những nghi thức phụng vụ dài dòng. Cha viện phụ là một ông chúa trùm phong kiến và làm cố vấn cho triều đình. Bởi vậy các vị cải tổ tìm cách đi đến đời ẩn tu, và như vậy, họ muốn lập ra những cộng đoàn nhỏ và khó nghèo, khác với khung cảnh đồ sộ đại qui mô và những cơ sở giầu có ngày trước. Làm như vậy, hoặc sẽ thất bại hoàn toàn, hoặc sẽ tìm lại được nếp sống uyên nguyên. Bởi vậy các cha dòng Citeaux đã quyết định sống nghiêm khắc và bất khuất. Họ từ chối tất cả các tài sản ruộng đất, các nhà thờ, lâu đài, tòa án, địa tô, lộc phong kiến và các nô bộc. Các ngài lấy khẩu hiệu là giữ luật tối đa (ad apicem litterae). Họ khước từ không dùng các thứ đồ ăn, các áo quần và những đồ dùng không có ghi trong luật dòng. Họ cũng bỏ các nghi thức phụng vụ và những kinh kệ không ghi trong Luật. Như vậy, cùng một lúc họ bỏ đi rất nhiều giờ kinh nguyện nhỏ, các kinh cầu, kinh chung, rước kiệu và nhiều nghi thức do các thế hệ mộ đạo đã thêm thắt vào Opus Dei. Họ bỏ nhiều cái, nhưng vì là ánh sáng của thế kỷ ấy, họ không bỏ lễ hằng ngày và kinh nhật tụng cầu cho các Ðẳng. Như vậy, họ đã không ngần ngại thiết lập lại thế quân bình trong thời khắc biểu giữa việc chân tay và kinh nguyện chung, việc đọc sách thiêng liêng và lao động. Giống như nhà dòng Mont-Cassin ngày trước, họ trở thành một nhóm tự trị, tuân giữ một chu kỳ đơn giản về việc kinh sách và về việc chân tay. Như vậy là họ đã tiến thêm một bước. Họ chỉ xin đất đai hoang vu để khai thác. Họ phải tranh đấu để sống cho qua ngày. Hằng ngày họ chăm chủ làm việc chân tay, vì nó cần thiết cho sự sống hơn là vì muốn tu luyện chí khí. Về phương diện ấy thì họ đã đi xa hơn tục lệ trong dòng thánh Benoit, mặc dù họ vẫn giữ tinh thần dòng. Nhưng không bao lâu sau, họ đã rẽ hướng một cách độc đáo. Vì các thày dòng chỉ làm việc chân tay có mấy giờ một ngày, và lại nghỉ hẳn công việc vào ngày chủ nhật và ngày lễ trọng, vì thế không thể tăng gấp số người lên, cũng không thể canh tác và chăn nuôi súc vật ngõ hầu cung cấp thực phẩm cho một tu hội lớn. Các thầy dòng Citeaux không có nô bộc và không có tiền để trả lương cho người làm. Họ đã lập qui chế các thày trợ sĩ, theo kiểu nhà dòng Vallombreuse hay Hirsau. Nhưng họ lại xử dụng các thầy trợ sĩ theo một đường loại khác. Các thầy trợ sĩ theo cùng một qui chế giống như các cha dòng và là những phần tử của cộng đồng như các cha, chỉ trừ bổn phận phải hội họp và dự các giờ kinh chung. Ơn kêu gọi làm thày trợ sĩ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và xã hội khi đa số dân chúng còn làm việc đồng áng và lúc các gia đình còn đông con. Số thầy trợ sĩ Citeaux đông gấp mấy lần các linh mục kinh sĩ. Họ tiêu biểu cho sức lao động thời ấy. Họ khai phá được nhiều miền rộng lớn chưa thuộc vào qui chế phiền toái của các ông lãnh chúa, hoặc khai khẩn những mảnh đất nhỏ. Hằng tuần họ đi làm chung quanh các kho làm cách xa nhà dòng. Họ là những canh tác viên lưu động và uyển chuyển. Không bao lâu sau họ đã đưa nền kinh tế nông nghiệp và khế hoạch chăn nuôi của các thầy dòng áo trắng lên một mức độ cao.
Trong những cha dòng Citeaux đầu tiên, nhất là cha Etienne Harding người anh, là viện phụ thứ hai, đã tỏ ra có khả năng đối phó với những vấn đề do việc phát triển gây ra. Khẩu hiệu của họ là đồng phục. Mọi cái và mọi nơi phải giống hệt như nhau, từ việc phụng vụ, sách vở, cách dùng đồ đạc, nhà ở đến thời khắc biểu và kỷ luật. Người ta áp dụng hai phương sách cũng là hai phương sách Giáo Hội cổ đại đã dùng ngày trước nhưng bị sao nhãng từ lâu, đó là cuộc tổng hội hàng năm tại Citeaux để duyệt y lại quyền lập pháp và xử kiện, và việc kinh lý hàng năm của cha bề trên cả tại mỗi nhà dòng. Hiến chương căn bản ấy, dần dà đã được sắc động lại trong một văn kiện ngắn gọi là ”Hiến chương tình yêu” (Carta caritatis), là một trong nhựng tài liệu quí giá đã làm căn bản cho lịch sử của dòng, và phải được coi là ngang hàng với luật của thánh Benoit. Lúc đầu, hiến chương chỉ được chép ra cho một số thầy dòng rất hãn ngữ, nhưng không bao lâu, nó được đem áp dụng vào một tu hội đại thệ to lớn. Nhiều khoản kỷ luật đã được đem ra thực hành trong tất cả các tu hội có về sau.
Nhờ có tổ chức hiến pháp và kinh tế, và cũng nhờ vào sự thánh thiện của các vị lập dòng, nhất là thánh Bernard là viện phụ trứ danh tại Clairvaux, dòng Citeaux, lan tràn rất nhanh và được các xã hội dùng tiếng La tinh ham chuộng chưa từng bao giờ thấy; tình trạng ấy còn kéo dài trên một thế kỷ. Năm 1154, khi thánh Bernard qua đời, hội dòng đã có 345 nhà, trong đó có 66 nhà đã được chính thánh nhân thành lập. Năm 1300, con số các nhà đã lên tới 694. Trong thời kỳ hưng thịnh, các cha dòng Citeaux lập cơ sở của dòng tại những miền hẻo lánh hoang vu, họ đã khai thác một cách tài tình và kiên quyết. Tại tất cả các nước Âu Châu, những tu viện của họ đã trở thành những nơi thắng cảnh lôi cuốn các nhà khảo cổ và nhiều khách du lịch. Sau khi thành lập dòng được 30 năm, các thày dòng Citeaux đã trở nên đuốc sáng cho mọi giới kitô. Dòng này hợp thời hơn dòng Cluny và đã trở nên Hội dòng đại thệ và tổ chức hoàn bị hơn cả. Người ta quyết chí tránh cảnh ”chuyên chế” theo kiểu Cluny, và dành quyền tự trị cho mỗi nhà, nhà Citeaux khác không chen lấn vào đấy, đồng thời vẫn tuân giữ luật dòng giống hệt như nhau. Nhờ có cuộc tổng hội, các nhà vẫn giữ tình liên đới với nhau dưới một bộ chỉ huy chung. Dòng Citeaux đã trở nên một thân thể thống nhất và có kỷ luật, có một tinh thần và những sắc thái riêng biệt.
Ðường lối của dòng Citeaux đã đáp ứng vào thời đại, và thể chế Citeaux hoàn bị đến độ có nhiều người đã bắt chước. Trong các người rập mẫu theo đấy phải kể đến nhà đầu tiên của hội dòng gọi là kinh sĩ Prémontré, cũng gọi là các kinh sĩ áo trắng, vì mầu áo của họ. Năm 1119, thánh Norbert 1080-1134) từ quận Rhénanie đến lập nhà dòng này gần Laon, chuyên chú việc giảng thuyết và việc truyền giáo. Nhưng vì ngài là bạn của thánh Bernard và đã được đời tu dòng Citeaux hấp dẫn, thánh Norbert đã tiêm nhiễm lối sống tu viện cho các kinh sĩ. Các ngài áp dụng nhiều điểm của dòng Citeaux. Ngay từ lúc đầu đã có nhiều đối lập ý hệ tại mỗi nhà và giữa các nhà theo văn hóa Ðức hoặc La tinh. Các nhà theo văn hóa Ðức thì thiên về việc truyền giáo, còn các nhà dòng La tinh thì lại chú trọng hơn đến đời sống tu dòng và chiêm niệm. Nhưng các dị biệt đó chưa hề gây ra chia rẽ. Tại miền Trung Âu Châu và ở phía bắc Hollande, các cha kinh sĩ áo trắng đã tiến nhanh và thành công hơn cả các cha Citeaux. Họ đã thành công mỹ mãn tại những khu đồng chua nước mặn và ở rừng rú. Ở phía Ðông sông Rhin, có nhiều cha dòng Prémontré đã làm giám mục cho người Ðức. Trái lại ở Pháp và ở Anh, trong một thời kỳ khá lâu, họ không khác gì các cha Citeaux về lối sống, cũng như việc canh tác và mục vụ.
Bên cạnh hai chi nhánh dòng vừa kể, trong thời đại này còn xuất hiện mấy hội dòng khác nữa. Một hội chỉ có ở nước Anh, gọi là các cha Gilbertin. Thoạt tiên chỉ có dòng nữ do các cha kinh sĩ điều khiển. Có một số cha Gilbertin sống trong cộng đoàn nhỏ riêng biệt, còn đa số sống trong tu viện lớn. Cộng đồng nữ và cộng đồng nam sống hai bên nhà thờ và có khu hát riêng. Các thày trợ tá và những nữ tu trợ tá đã lập thành cơ sở đồ sộ có tổ chức và kỷ luật nghiêm chỉnh do Gilbert người Sempringham điều khiển. Dòng này chỉ phát triển riêng tại hai quận Lincoln và York. Năm 1147 cha sáng lập dòng đề nghị sáp nhập vào dòng Citeaux. Nhưng các cha dòng trắng lúc đó đang hoạt động đắc lực tại miền Savigny đã từ chối không sáp nhập.
Còn hai hội dòng có nhiều đức tính ” quân sự” tượng trưng cho thời ấy. Thứ nhất là ”Dòng Ðền Thờ” gọi là các Hiệp Sĩ Ðền Thờ, được lập ra với mục đích giúp đỡ khách hành hương đến viếng Thánh địa. Về sau, họ đã biến thành nhóm binh thiện nghệ trong Ðạo Binh Thánh Giá. Thứ hai là dòng Bệnh Viện Thánh Gioan (Hiệp Sĩ Bệnh Viện) chuyên về việc săn sóc các khách hành hương bệnh tật hay khỏe mạnh đi lại viếng Phương Ðông. Các thầy dòng quân sự của hai hội dòng này tuân giữ kỷ luật nhà binh. Họ phối hợp hai ơn kêu gọi binh bị và dòng tu đang thịnh hành lúc đó, và chỉ thích hợp cho thời kỳ ấy thôi. Tại Phương Ðông, họ sống theo lối võ trang trong những pháo đài xây cất kiên cố, trong đó nhà Krak của các hiệp sĩ là nổi tiếng hơn cả. Tại Âu Châu, nhất là ở miền Tây, họ lập ra cả một loạt nhà gọi là quân lộc, nghĩa là những trung tâm tuyển người, chuyên môn cai trị và canh tác, và cũng là bệnh viện hay nhà dưỡng lão của các thầy dòng. Các dòng ấy đặt dưới quyền cai quản của một vị tôn sư hay một vị thượng quân lộc. Họ tổ chức tổng hội cho cả dòng hay giữa các cố vấn. Mỗi địa phương họp thành từng tổ riêng. Khi bỏ xứ Palestine, họ mất cái chức vụ uyên nguyên. Dưới đây ta sẽ thấy các thầy dòng Ðền Thờ đã bị tấn công và bị tan rã như thế nào. Nhưng cái ý tưởng muốn có một dòng tu quân sự theo lối Trung Cổ đã nung nấu tinh thần các Quân Binh Thánh Giá tại miền khác ở Âu Châu, nhất là tại Tây Ban Nha và trong các phong trào đông tiến gồm những người Ðức và người Ba Lan, muốn lên đường chống lại người ngoại giáo.
II. CÁC CHA DÒNG AUGUSTIN.
Các sử gia đời Trung Cổ chú trọng đặc biệt đến việc phát triển và phổ biến các dòng tu, bất luận là mới thành lập hay đã có từ trước. Nhưng họ ít chú ý đến việc phát triển và phổ biến một dòng giáo sĩ, đông đảo và quan trọng hơn, tức là các kinh sĩ dòng hay kinh sĩ triều.
Danh hiệu ”kinh sĩ” theo nguồn gốc là tước hiệu dành cho các giáo sĩ trợ tá giám mục tại ”thành quốc”, khác với chức tuyên úy và những người đã chịu các chức nhỏ. Nhưng vào thời kỳ đầu đời Trung Cổ, từ ngữ ấy có một ý nghĩa khác. Ngay từ đời thánh Augustin thành Hippone, người ta đã cố gắng kêu gọi các giáo sĩ làm việc tại tòa Giám Mục sống đời cộng đồng theo kiểu các giáo dân đầu tiên, không kết bạn, gom góp tiền bạc để mua chung thức ăn và áo quần, nói chung là sống theo loại dòng tu. Trong thời kỳ suy mạt thì tổ chức này tan rã. Nhưng mỗi khi có cuộc cải tổ đứng đắn, người ta lại phục hồi lối sống ấy. Thánh Chrodegang người Metz (715-766) đã soạn thảo một bộ luật dựa trên luật của thánh Benoit và mấy tài liệu khác. Khi Charlemagne muốn cải tổ và thống nhất các loại giáo sĩ thì ông đã dùng bộ luật ấy để làm căn bản cho thể chế các kinh sĩ gọi là Institutio canonicorum và đem công bố tại công đồng Aix-la-Chapelle năm 816-817. Trong các vụ xâm chiếm và giữa những cơn phong ba chính trị của thế kỷ X, thể chế ấy đã tan rã cùng một lúc như mấy tổ chức khác của nhà Carolingien. Nhưng người ta vẫn còn giữ được hồ sơ và đường loại tổ chức. Dưới chế độ quân chủ, có rất nhiều tu hội kinh sĩ lớn xuất hiện, nhất là tại các thành phố. Ở thế kỷ X và XI, tại Pháp và tại Anh, đã có một phong trào phục hưng rất đáng kể. Nhưng các điều kiện kinh tế và xã hội đã góp phần phá đổ đời sống cộng đoàn và những dây liên hệ với giám mục tại các nhà thờ chính tòa. Mỗi kinh sĩ đều có hoa bổng riêng. Thế là tục lệ ngủ chung phòng và ăn chung bàn đã biến mất. Một trong những đối tượng của việc cải tổ tại miền Bắc Ý và ở miền Nam Pháp là phục hồi lại đời sống kinh sĩ. Nhiều nhà quan trọng như nhà Saint-Ruf gần Avignon và nhà Saint-Martin des Champs ở Paris được thành lập trước khi Léon IX lên ngôi Giáo Hoàng. Các nhà hữu trách lưu ý đến các kinh sĩ lúc Hildebrand yêu cầu công đồng Latran năm 1059 cứu xét về kỷ luật đời kinh sĩ. Người ta cho công bố một sắc lệnh khuyên răn ”nên trở lại đời sống tông đồ, nghĩa là nếp sống chung”. Thế là từ đấy có nhiều nhà kinh sĩ mọc lên tại Ý và tại Pháp. Ở phía Tây và phía Bắc Âu Châu, người ta nhận thấy không cần nhập cảng chế độ ấy ngay, vì đang có nhiều khó khăn trong vụ tranh chấp giữa chế độ quân chủ và tòa giáo hoàng, e lại thêm phiền toái.
Vào cuối thế kỷ XI, đa số các nhà kinh sĩ đều ở đô thị, và chuyên lo mục vụ. Không có một đường lối duy nhất và một nếp sống tương tự giữa các nhà ấy, ngoài các tôn chỉ công đồng Aix-la-Chapelle đã vạch ra. Nói chung, các ”kinh sĩ” vẫn họp thành những nhóm giáo sĩ sống tinh thần tông đồ theo kiểu các giáo dân đầu tiên. Trước khi đức Urbain II (1088-1099) lên ngôi Giáo Hoàng, đã có sự thay đổi lớn, vì một số nhà đã áp dụng luật của thánh Augustin. Roma đã dành nhiều quyền ưu tiên và đã phê phán nhiều lần về lề luật ấy. Nhưng mãi đến thế kỷ XII, luật này mới được công nhận như pháp điển kỷ luật độc nhất. Luật ấy đã bị lãng quên suốt 6 thế kỷ. Trong mấy năm gần đây, người ta đã phân tách và phê bình luật ấy về xuất xứ và hình thức. Về hình thức thì lề luật đã được phổ biến từ đầu thế kỷ XII, hiện nay các kinh sĩ Augustin và nhiều dòng khác vẫn áp dụng. Nếu chiếu theo bức thư (số 211) mà thánh Augustin đã viết cho em gái của ngài lúc đó đang điều khiển một nhà dòng nữ, thì đây là luật ”đầu tiên” thánh nhân hay một tác giả nào có trước đã soạn thảo ra cho các nam giới. Ðây không phải là một bộ luật hoàn toàn và đầy đủ. Trong những thủ bản có trước thế kỷ XII, lời nói đầu của luật diễn tả đời sống cộng đồng một cách ngắn gọn và nghiêm khắc, gọi là luật ”thứ hai”. Không bao lâu sau người ta đã bãi bỏ bản luật này vì không thể thực hiện được. Sau đấy đến bản luật ”thứ ba” dành cho nam giới, phong phú hơn vì có một số hiến chương dành cho từng nhà và từng tu hội. Sau cùng luật ấy được đưa ra thi hành. Hơn thế, vì cảm thấy cần phải dựa vào uy tín của một vị sáng lập thời danh và kỳ cựu, nên đa số các cộng đoàn kinh sĩ đã biến thành một hội dòng mệnh danh là đã có từ đời thánh Augustin, nhưng một số nhỏ vẫn xưng mình là kinh sĩ triều. Ngay từ khi phong trào mới thành lập, đã có nhiều loại nhà kinh sĩ khác nhau: kinh sĩ hội của các nhà thờ chính tòa, của các nhân viên làm việc tại một thánh đường, như tại các thành phố thịnh vượng (Stift) ở vùng Lorraine và bên Ðức, nhiều nhóm khác có liên hệ với lâu đài của vị đã sáng lập (cộng đoàn kiểu này thường gặp thấy tại miền Francie và ở Anh); và nhiều nhóm nhỏ khác tại nông thôn đã do một điền chủ lập lên cho một nhà thờ tư giầu có. Ngoài ra còn có những nhóm kinh sĩ sống nhiệm nhặt với một tổ chức rất hoàn bị, như các nhóm Victorins và Arrouaisiens. Nói chung, vì hoàn cảnh thời ấy và vì muốn rập mẫu theo đường lối các hội dòng khác, người ta có khuynh hướng coi các kinh sĩ như cha dòng, gọi là các cha Augustin hay là kinh sĩ áo đen, khác với các cha Norbertins mặc áo trắng. Có rất nhiều nhà lớn đã gần như đồng hóa với các nhà dòng thánh Benoit. Nhưng các kinh sĩ Augustin vẫn là tu hội, bớt nhiệm nhặt, bớt đóng kín và có những cơ cấu bớt khắt khe. Có thể nói được, là nhóm cực tả nếu đem so sánh với nhóm cực hữu là các cha Chartreux và Camaldoli. Dù vậy, ở thế kỷ XII đã có rất nhiều vị thánh và nhiều giám mục xuất tích từ các kinh sĩ ấy. Lại vì họ đông đảo và vì địa vị xã hội của họ nên các người đời ấy chú ý đến họ nhiều hơn là các sử gia đời chúng ta. Tại các miền trong nước Ðức, kinh sĩ đông hơn cả hai dòng Citeaux và Prémontré nhập một. Từ năm 1071 đến năm 1166, đã có tới 50 nhà được thành lập tại tỉnh Salzbourg. Nhân vật có công bênh vực và khuếch trương các cha dòng Augustin nhiều hơn cả là Cerhoh người Reichersberg (1093-1169).
III. NHÀ CLUNY
Giữa những cố gắng canh tân và phát triển như trên, các hình thức dòng tu cổ điển vẫn tiếp tục, và đôi khi làm thay chiều đổi hướng đời sống dòng tu. Chúng ta biết Odilon (994-1049) là người đầu tiên đã mang lại Cluny cơ cấu vững chãi của một dòng đại thệ; lúc ông làm viện phụ thì dòng này có 37 nhà phụ và lúc ông qua đời, con số ấy đã lên tớ 65. Thế nhưng, một biến cố bất ngờ vào năm 1049 đã mang lại cho nhà Cluny một hướng mới, đó là năm Hugues người Semur, một người quí tộc còn trẻ tuổi lên làm viện phụ. Ngài đứng đầu nhà dòng lớn này trong vòng 60 năm và đã làm cho nhà này vang danh tới cực độ. Cha Hugues là người đã đưa đẩy dòng này phát triển đến mức tối đa. Theo dự tính sơ lược của các sử gia thì lúc ngài qua đời, dòng này đã có tới 1184 nhà lớn nhỏ. Cluny càng thời danh thì mức phát triển càng mau lẹ. Ðược nhận làm thành phần của Cluny là một đặc ân, là được bênh đỡ và có bảo đảm. Cái uy thế này dựa trên chính con người của viện phụ Hugues. Ngài được gọi là ”Hugues đại nhân”, vì ngài là người minh triết, thánh thiện và gây được nhiều ảnh hưởng. Hơn các vị tiền nhiệm khác, ngài hết sức dấn thân vào các việc chấn chỉnh và kiểm soát. Nhưng cần phải nói ngay là đối tượng đầu tiên của ngài không phải để thiết lập một đế quốc mà để khuyếch trương tinh thần dòng hầu đến cải cách toàn diện. Hình như viện phụ Hugues có những dự án tuyệt vời về hết mọi phạm vi. Dưới đời ngài, nguyên cộng đoàn Cluny đã đông lên gấp ba và đạt tới con số 300 tu sĩ. Nhiều nhà cửa đã được xây cất để đáp ứng vào các nhu cầu. Ngài cho xây ngôi thánh đường thứ ba của nhà dòng, và theo dự trù của các kiến trúc sư thì nhà thờ này chỉ kém đền thánh Phêrô Roma sẽ xây vào thế kỷ XVI có mấy thước thôi. Dưới quyền điều khiển của Hugues, uy thế và danh tiếng nhà Cluny đã tới cao đỉnh tuyệt độ.
Thế nhưng mầm mống suy vi đã phát hiện ngay từ đời viện phụ Hugues. Cluny đã có và vẫn chủ trương duy trì tinh thần dòng tu. Ðiểm chủ yếu của toàn thể lâu dài Cluny là ”mọi người khấn vâng lời bề trên”. Theo nguyên tắc, tất cả các thầy dòng đều là phần tử của nhà mẹ. Ngoài cuộc đại hội dòng, Cluny không có tổ chức hiến chương nào khác. Không ai nghĩ đến việc lập các ủy ban đại biểu hoặc tổ chức phái đoàn. Toàn thể bộ máy ấy cứ tự mình điều động dưới sự kiểm soát của cha bề trên; ngài luôn đi lại từ nhà này đến nhà khác. Ðối tượng của thể chế Cluny là làm sao thoát được manh vuốt của chế độ phong kiến. Nhưng chính chế độ ấy lại lâm vào tình trạng bán phong kiến, vì các phần tử long trọng khấn hứa vâng lời sẽ trung thành và chấp nhận sự bảo trợ của vị bề trên. Như vậy phải gạt ra một bên óc sáng kiến và tính hăng say nồng nhiệt. Hơn nữa, chính viện phụ Hugues là nguyên cớ gây ra hai nhược điểm: càng ngày ngài càng nhận ồ ạt từng toán đông và thời gian huấn luyện các thày chỉ tượng trưng trong mấy ngày thôi. Ðời sống tại Cluny và hình như ở tất cả các nhà khác có vẻ ốc sạo, vì các thầy quá đông đúc mà nhiều người không có dấu ơn gọi tu dòng gì cả. Ngày viện phụ Hugues qua đời, người ta đã nhận ra rằng: vẻ huy hoàng tráng lệ đang che dấu một hiểm họa lớn. Viện phụ Pons, người thế vị viện phụ Hugues, rất thông minh nhưng tính tình thay đổi, lại gieo thêm chia rẽ và tàn bạo trong chính khuôn viên nhà dòng. Một người quí tộc trẻ tuổi khác, có năng lực và đầy nhiệt huyết, sau mang tên là Pierre le Vénérable (1132-1156) đã xoay chiều đổi hướng cho con tầu kia. Nhưng một khi đã bắt đầu suy vong lại phải chịu thêm sức cạnh tranh của nhiều hội dòng mới, thì ưu thế của Cluny sa lầy không cứu nổi. Lối sống và vẻ hào nhoáng bên ngoài của Cluny bị đả kích mãnh liệt bởi một đối thủ mới đang vươn lên lấn át dần mọi ảnh hưởng viện phụ Hugues. Khoa bút chiến giữa thánh Bernard và nhóm Cluny và đường lối biện giáo của Pierre le Vénérable đã dùng để trả lời, là một cuộc tranh luận cổ điển về các nguyên tắc đạo đức của Giáo Hội Tây phương. Hiện nay dư luận vẫn chưa ngã ngũ là ai đã thắng thế. Phải chăng người ta đã dựa trên lòng đạo đức để đả kích thái độ xả láng của các thầy dòng, hay là muốn dùng lập trường thanh giáo để lên án thứ đạo Kitô thiên tình cảm? Phải chăng chủ nghĩa Biệt phái đã trá hình dưới bộ mặt nhiệt tâm, hay là đức ái đã đội lốt da cừu chỉ vì muốn chiều nể và muốn sống dâm ô? Nói tóm lại, nhà sử học phải công nhận Pierre le Vénérable là một nhà cải cách thời danh, và lòng nhiệt thành uyên nguyên của các thày dòng Citeaux sau 50 năm cũng đã sút kém rất nhiều.
Ngay trước cuối thế kỷ XII, trào lưu dòng tu đã bắt đầu lắng xuống, tuy đây đó vẫn còn thấy lập thêm mấy nhà mới, nhất tại các nước Kitô La tinh, nhưng người ta đã bắt đầu chán ngấy tinh thần dòng tu. Trong vòng hai thế kỷ, từ đời đức Sylvestre II đến đời đức Innocent III, dòng tu và các tổ chức tương tự đã có những khuôn mặt mới về xã hội, về tôn giáo và về thể chế. Chung qui có thể nói được rằng cái gì trước kia được coi là giai cấp thì lúc này đã trở nên một ơn gọi. Ban đầu, thầy dòng có chức vụ can thiệp giúp xã hội và chu toàn nền phụng vụ. Bây giờ họ trở nên những người muốn tiến đến mức toàn thiện Phúc âm. Các thầy dòng Camaldules, dòng Chartreux, dòng Citeaux và dòng Prémontré trong thời kỳ hưng thịnh không thuộc thành phần xã hội phong kiến, họ tiêu biểu cho những người muốn có đời sống tĩnh mạc. Về tôn chỉ đạo đức, thầy dòng có đối tượng chiều dài là đời sống chiêm niệm, muốn đạt tới sự sống hiệp thông với Thiên Chúa. Về thể chế, dòng tu đi vào tổ chức thống nhất và vượt ra ngoài mầu sắc quốc gia. Những nét đặc thù như cuộc tổng hội dòng, việc đi kinh lược các nơi và các guồng máy cần thiết để thực hiện hai điểm nói trên đã được áp dụng rộng rãi. Không thể dựa vào các bản thống kê để ước lượng phong trào dòng tu đã gây ra được những trào lưu rộng lớn như thế nào. Nhưng nhờ những sự việc đã xảy ra tại nước Anh, là nơi còn lưu trữ được nhiều tài liệu hơn những nước khác, người ta có được một ý niệm về vấn đề ấy. Tại Anh, trong vòng một thế kỷ rưỡi, từ năm 1066 đến năm 1216, số tu viện từ 60 đã tăng lên tới 700. Số các thầy dòng, các nữ tu kín và các kinh sĩ từ con số 1.000 đã vọt lên 15.000. Trào lưu phấn khởi lớn lao ấy đã bắt nguồn từ niềm xác tín: lý tưởng tu hành, từ bỏ mọi sự và lòng đạo đức tiêu biểu cho đời sống kitô. Nói khác, người Kitô nhất thiết phải sống Phúc âm và làm việc tông đồ. Xác tín này phải được phổ biến cho hết mọi người Kitô, và nếu muốn, mọi người đều có thể thực hiện được với ơn Chúa. Cách sống xác tín như vậy đã bị lu mờ trong một thời gian lâu dài, đầy bạo lực, ngu dốt và bất an. Chính tình trạng này đã làm phát sinh ý thức về tội lỗi, về hình phạt, về nhu cầu phải có nơi nương náu, và phải sống theo kỷ luật. Ðời sống dòng tu đáp ứng được các nhu cầu ấy, đã trào ra như làn sóng bạc khổng lồ lan tràn trên khắp thế giới. Kinh lễ và các việc đạo đức trong tu viện có sức nuôi dưỡng lòng sốt sắng của người kitô hữu, nam và nữ, không vào tu viện và không thực hiện lời khấn nào. Chẳng những chỉ có các nam nữ tu sĩ, mà cho cả đến giáo dân thông thường cũng chịu ảnh hưởng của trào lưu ấy. Nói theo nghĩa rộng thì tinh thần dòng tu đã thấm nhập vào toàn thể thế giới Tây phương. Nhưng số tu sĩ càng thêm đông và nhà dòng càng giầu có thì nạn tục hóa lại làm cho tinh thần tu trì phai nhạt mau chóng. Trong một thời gian ngắn, giữa triều đức Innocent III và nạn dịch hạch, các dòng đại thệ vẫn còn giữ được mọi vẻ hào nhoáng bên ngoài, vì còn khăng khít với cái lý tưởng uyên nguyên. Nhưng một cách chung, các dòng tu không còn là mô phạm về lòng đạo đức và về lý tưởng tu trì đối với xã hội chung quanh.
Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy thành lập các dòng tu và những tu hội kinh sĩ là thuần tuý tôn giáo. Ðiều làm cho các hội dòng ấy bành trướng nhanh chóng cũng vì yếu tố tôn giáo đã hun đúc các vị lập dòng và những người đi theo. Thế nhưng cũng có những lý do kinh tế và xã hội thúc đẩy người ta đi tu một cách ồ ạt như chưa bao giờ thấy. Khi xã hội được an bình và có học vấn, thì người ta cảm thấy cần phải có học, phải ham chuộng đèn sách và sáng tác văn nghệ. Các gia đình càng đông con thì lại càng có nhiều ơn kêu gọi vào dòng và vào các lãnh vực khác. Cuối cùng, người ta cũng nhận thấy là số lượng các thầy dòng trợ sĩ Citeaux, xuất thân từ giới nông nghiệp giầu có (như tại miền Danelaw bên Anh) hay từ những gia đình nô bộc được giải phóng sống chung quanh các nhà dòng, có lợi cho nền kinh tế.
IV. BERNARD DE CLAIRVAUX VÀ PHÊRÔ ÐÁNG KÍNH.
Tiền bán thế kỷ XII là giai đoạn cuối cùng và cũng là lúc đã mang lại vẻ vang hơn cả cho thời đại người ta quen gọi là ”các thế kỷ dòng tu”. Vì thế không có gì lạ khi thấy xuất hiện một nhân vật có đời sống và những lời nói tiêu biểu cho lý tưởng dòng tu. Nhân vật đó là cha Bernard, tu sĩ dòng Citeaux và viện phụ đầu tiên của nhà Clairvaux. Trong vòng 30 năm ngài đã gây được giữa Giáo Hội Tây phương những ảnh hưởng lớn lao mà chưa người nào không có chức giáo hoàng mà đã đạt được, và còn hơn cả nhiều vị giáo hoàng tên tuổi nữa. Ngài thật là người của thời đại. Một thế kỷ trước, không có nhân vật tôn giáo nào, dù tên tuổi đến đâu, đã gây được ảnh hưởng lớn lao như thế tại Âu Châu đang rạn nứt và bán khai. Sau đấy một thế kỷ, con người có tầm vóc như Bernard đã ngăn cản và đương đầu với hệ thống chủ trương quyền giáo sĩ tập trung và hà khắc. Sau nhiều năm sống tại Citeaux và Clairvaux, là những trung tâm đã nắm được uy thế thiêng liêng của thế giới Kitô, trong một thời gian ngắn, Bernard đã đạt được mức trưởng thành nhân vị. Ngài chỉ dựa trên tự do tuyệt đối của một vị tu dòng để bắt tay vào việc, vì ngài sống trong một xã hội đang còn chấp nhận các nguyên tắc của ngài, mặc dầu người ta không đưa chúng ra áp dụng. Ngài bị nhiều người ghen ghét và có nhiều đối thủ, nhưng không ai có đủ mãnh lực chính trị và tiền của để bịt miệng ngài lại, hoặc cản trở các dự án ngài đưa ra. Ngài có nhiều đức tính lãnh đạo, như dòng dõi trâm anh thế phiệt, đời sống mực thước và nền đạo đức sâu xa, có biệt tài lợi khẩu, không ham hố chức quyền và của cải, gan dạ và tự tin vào mình, rất thành thực nhưng lại có kế hoạch tinh vi, rất trọng kính các cộng tác viên mà không dong túng nể vì, khi cần phải sửa sai một điểm nào đó.
Năm 1115, khi còn trẻ tuổi cha Bernard được cử làm bề trên sáng lập nhà Clairvaux. Sau mấy năm gặp khó khăn, ngài đã nắm được cái uy thế thiêng liêng cho tới khi ngài qua đời năm 1153. Trong suốt thời kỳ ấy, các nhà Citeaux và Clairvaux là những trung tâm đạo đức của toàn thể thế giới Kitô Tây phương. Viện phụ Bernard vừa là nhà cải cách, vừa là vị cố vấn sâu sắc, vừa khéo vận động, có tài giảng thuyết, là vị linh hướng uy tín và là nhà thần học xuất sắc. Khó tìm thấy một người như ngài trong lịch sử Giáo Hội. Trong khi làm bề trên một tu viện lớn tiêu biểu cho tất cả Âu Châu, và trong vòng 30 năm ngài đã lập thêm được 60 nhà nhánh, từ Northumberland đến Roma. Ngài luôn được mời gọi đi lại đó đây. Ngài đã dùng uy thế cá nhân để củng cố địa vị cho giáo hoàng Innocent II, ngài chủ mưu trong việc lên án Abélard và Arnaud người Brescia, và đã miễn cưỡng Gilbert de la Porrée phải phục đầu qui thuận. Ngài đương đầu với cộng đồng lớn Cluny, và nhờ có tinh thần hăng say, ngài đã thắng viện phụ Phêrô đáng kính; ngài khuất phục những người lạc đạo, giàn xếp các vụ truyền chức bị người ta công kích; ngài cưỡng ép các giám mục bất xứng phải từ chức; nhờ tài thuyết giáo, ngài đã làm cho nhiều người trở lại đạo, chẳng hạn như các sinh viên Paris; và nhờ các văn thư hoặc mức thánh thiện cá nhân, ngài đã chinh phục được người tên tuổi là Suger. Một mình ngài đã huy động nước Pháp và nước Ðức tham gia vào Nghĩa Binh Thánh Giá. Nhiều linh mục dòng của ngài đã được lên chức viện phụ, giám mục và hồng y, và cuối cùng bên cạnh một người con thiêng liêng trong chức giáo hoàng, ngài đã hướng dẫn và khiển trách. Ngài còn làm linh hướng cho nhiều vị thánh thuộc chi dòng khác như thánh Norbert và thánh Gilbert. Dòng Canh Giữ Ðền Thờ và dòng Prémontré đã lấy hứng theo tinh thần của ngài. Nghiên cứu kỹ lưỡng, người ta nhận thấy ngài đã gây được nhiều ảnh hưởng trên các giám mục, các hội dòng và các kinh sĩ khác; ngoài dòng Citeaux, ngài còn ảnh hưởng nhiều trên các nữ tu kín, nhiều giáo dân nam nữ, và nói chung, trên mọi thành phần xã hội thời ấy. Ngài là giáo phụ cuối cùng đã chép sách khảo luận về Tình Yêu Thiên Chúa, về Mầu Nhiệm Nhập thể và về Tự Do Ý Chí. Vì ngài có lòng sùng kính đặc biệt đối với đời dương thế và sự thương khó của Chúa Giêsu và của Ðức Maria, đối với các mầu nhiệm Truyền Tin và Sinh Nhật, đối với các Thiên Thần và các Thánh, nên ngài nổi tiếng là đã khai mở một đường lối đạo đức mới. Ngài là người đã giải thích sâu sắc nhất luật của thánh Benoit và còn là một nhà tự thuật huyền bí nhất của Âu Châu miền Tây. Gioan người Salisbury đã ca tụng ngài là một nhà giảng thuyết trứ danh nhất, kể từ đức Grégoire cả. Người ta còn coi viện phụ Bernard như một tác giả la tinh lợi khẩu nhất giữa đời đức Léon cả và Pétrarque. Ngài trổi vượt hơn tất cả các tác giả khác về văn thư mà thời ấy người ta quen dùng để diễn đạt tư tưởng. Giữa các tác giả đời Trung Cổ thì hiện nay người ta chỉ còn ham đọc một mình thánh Bernard. Là nhà lãnh đạo biệt tài, ngài dám lên tiếng đả kích và truy tầm những người đi sai đường, rồi sau khi đã tranh luận vũ bão với một ý chí cương trực, ngài lại thân thiện và giải hòa với họ theo tinh thần Phúc âm. Ngài có biệt tài biện luận, biết lợi dụng thời cơ và đôi khi dùng những phương pháp xem ra tàn nhẫn và hắc búa. Nhưng ngài lại có biệt tài thu hút thính giả bằng những hình ảnh và các điềm lạ không gặp thấy trong hạnh tích các thánh khác. Cả con người của ngài như nẩy lửa, như huyền diệu, đồng thời lại là một nhân vật nhã nhặn và hiền từ một cách cao thượng. Lúc sinh thời, có nhiều kẻ ghen ghét ngài, nhưng cũng có nhiều người khác bào chữa và ca tụng ngài hết lời. Các nhà chép sử có thể khám phá ra nhiều lý chứng để bài bác hoặc phê bình các việc ngài làm, nhưng không một ai chối cãi ngài là một thiên tài. Thật ra không ai sánh kịp với viện phụ Bernard. So với ngài thì các vị linh hướng thời danh đời Trung Cổ, cho cả đến thánh Grégoire và thánh Phanxicô, cũng không vẻ vang bằng. Trong cuối đời, và cho đến lúc chết, ngài gây ra những dư luận tương phản. Nhưng về phía văn hào, về mức thánh thiện và về phương thế làm việc thì ngài được liệt vào hạng những người xuất sắc nhất Âu Châu thời trước.
Tuy thua kém Bernard về thân thế, về tài hùng biện và về bề sâu thần học, Phêrô người Montboissier, cũng gọi Phêrô Ðáng Kính, là một trong những nhân vật đã gây nhiều ảnh hưởng tại Âu Châu thời ấy. Là viện phụ Cluny từ năm 1122 đến năm 1156, ngài là người đồng trà và là đối thủ với viện phụ Bernard. Khi còn là cha dòng 32 tuổi, ngài nhận trách nhiệm lèo lái con tầu lớn đang bị ngập lụt, và luôn luôn đấu tranh gần như thất vọng để bênh chữa luật lệ trước đà xa đọa luân lý. Ngài tranh luận với viện phụ Bernard nhiều lần. Trong nhiều bức thư người ta thấy hai bên mặc sức biện luận cho lập trường dòng của mình. Viện phụ Bernard được coi là một nhà cải cách lý tưởng, còn viện phụ Phêrô Ðáng Kính lại được coi là một người nhân hậu, không muốn đập đổ hay phá vỡ, nhưng có chủ trương khêu lại ngọn đèn còn bốc khói, hoặc uốn lại cây sậy đã dập nát, nhưng đồng thời ngài vẫn nhận quan điểm của viện phụ Bernard là chính đáng, và ứng dụng những phương pháp cải tổ vào Cluny. Tài lịch thiệp của Phêrô Ðáng Kính, sự thông cảm của ngài đối với Héloise và Abélard đã tiên báo những đức tính cao đẹp của một nhà văn như Fénélon. Ngài luôn luôn đi lại đó đây để thăm viếng các phần tử ở rải rác khắp nơi, hay để giàn xếp các công việc trần tục, hoặc lo về giáo triều. Ngài đi lại từ Roma sang nước Anh, rồi lại từ miền Bourgogne đến Tây Ban Nha. Ngài liên lạc bằng thư tín với tất cả các vị vua chúa và các giáo hoàng đời ấy. Nói đúng ra thì các thư tín của ngài không xuất sắc bằng các thư của viện phụ Bernard hay của thánh Gioan người Salisbury. Vì hai vị này đã lưu truyền lại những bút ký giá trị. Nhưng các bức thư của Phêrô Ðáng Kính vẫn có nhiều giá trị lịch sử chính trị và dòng tu thời ấy. Như vậy, trong vòng 30 năm, nhà Cluny với nhiều chi nhánh là một công trình khổng lồ trên thế giới Kitô, đồng thời nhà Citeaux là như một cây cổ thụ rập bóng trên khắp trái đất. Cả hai bên đều có những vị điều khiển lỗi lạc, không dính bén sự đời và không có tham vọng trần tục. Người ta chưa từng thấy hiện tượng ấy trong thế giới Kitô Tây phương, và cũng chưa thấy xuất hiện lần thứ hai nữa.