CN 7 PHỤC SINH - Năm B
17.05.2015
"Như Cha đã sai con đến thế gian,
thì con cũng sai họ đến thế gian."
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 1, 15-17.20a.20c-26).
Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói : "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng : "Ước gì một người khác nhận lấy chức vụ của nó ". Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh." Họ đề cử hai người : ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a. Họ cầu nguyện rằng : "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y." Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.
ĐÁP CA (Tv 102)
Chúc tụng Chúa trên cõi cao xanh.
Linh hồn tôi hỡi, hãy chúc tụng Chúa,
Và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng danh Người.
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa,
Và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
BÀI ÐỌC II
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ (1Ga 4, 11-16).
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta : đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng : Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 17, 11b-19).
Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện : "Lạy Cha, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
LỜI NGUYỆN THÁNH HIẾN.
Từ đầu đoạn văn, Ðức Giêsu tái kêu cầu Chúa Cha bằng cách gọi Ngài là "Cha chí thánh". Ý niệm "thánh" trong Cựu Ước bao hàm một khía cạnh tiêu cực là tách rời những gì phàm tục và một khía cạnh tích cực là biệt hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chúa Cha là Ðấng "Thánh", Ðấng toàn năng, hoàn toàn tách biệt khỏi "thế gian". Ngài là ánh sáng (1Ga. 1,5) còn thế gian là tối tăm. Ngài là tình yêu (1Ga. 4,8.16) còn thế gian bị thống trị bởi hận thù.
Ở đây, Ðức Giêsu nại đến sự thánh thiện của Chúa Cha là vì Người sắp cầu nguyện cho những môn đồ thuộc về Người được tác thánh, khỏi lây nhiểm thế gian tội lỗi (c.17). Trong lời nguyện thánh hiến của Ðức Giêsu, chúng ta nhận ra ba đối tượng : 1/ Gìn giữ các môn đồ trong đức tin (cc.11b-13). 2/ Che chở các môn đồ khỏi thế gian hư đốn (cc.14-16) và 3/ Tác thánh các môn đồ trong sự thật (cc.17-19).
Chính "trong danh Cha" mà các môn đồ phải được "gìn giữ". Hạn từ "gìn giữ" không có nghĩa là phòng vệ, phòng ngừa, nhưng còn là cũng cố bằng thử thách. Nếu Chúa Cha "gìn giữ" các môn đồ trong ánh sáng thánh thiện của Ngài, thì cũng là bằng cách ném họ vào trận chiến, chạm trán với sự thù nghịch của thế gian. Tình yêu huynh đệ trong Tin Mừng Thánh Gioan mang một ý nghĩa quyết định. Ý nghĩa và mục đích của hoạt động "gìn giữ" môn đồ của Chúa Cha là sự hiệp nhất của họ. Vì thế, các môn đồ cần phải biểu lộ sự hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con : "Ước gì chúng nên một trong Chúng Ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (c.21).
Thế gian ghét các môn đồ vì họ chẳng thuộc về thế gian. Thuộc về "thế gian" là bị đặt trong vương quốc tối tăm của sự dữ, là chịu khuất phục bởi lề luật hận thù và ích kỷ, là hành động gian tà và dục vọng. Các môn đồ không thuộc về thế gian vì Ðức Giêsu đã lôi kéo họ ra khỏi quyền lực thế gian. Trong câu : "Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ" vì thần dữ (ma qủy) là lãnh tụ, đầu mục của thế gian này.
Câu cuối đoạn văn, chúng ta nhận thấy Ðức Giêsu không nguyên nài xin Chúa Cha thánh hiến các môn đồ trong sự thật, mà còn tự thánh hiến mình. Phải chăng Ðức Giêsu nghỉ đến việc tự nộp mình cho tử thần vì các môn đồ khi nói : "Chính vì chúng mà con xin thánh hiến chính mình con". Ðức Giêsu tự hiến theo mẫu gương mục tử nhân lành, hiến mạng sống mình vì đàn chiên.
Nếu việc thánh hiến của Ðức Giêsu liên quan đến việc thánh hiến và sai phái các môn đồ, thì việc sai phải không thể xảy ra trước cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Giêsu (20,21). "Ðể chúng được thánh hiến trong chân lý", việc thánh hóa các môn đồ cuối cùng đặt nền tảng trên hy tế thập giá và trên việc Ðức Giesu vinh hiển ban Thánh Thần. Cuộc thánh hiến này là ân huệ thiêng liêng ban cho các môn đồ tư cách thi hành sứ vụ của họ. Việc thánh hiến các môn đồ trong chân lý bao hàm hành động của Chúa Thánh Thần, thì Thánh Thần này chỉ được ban sau cái chết và Phục Sinh của Ðức Giêsu (20,22).
Nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho Cộng đoàn phụng vụ chúng ta ơn chịu đựng cách bình thản và cương quyết chối từ hận thù, ghen ghét của thế gian. Khẩn cầu Ngài ban cho các vị lãnh đạo Giáo Hội và cho mỗi thành phần Dân Chúa ơn hiệp nhất bình an để chứng minh chúng ta là môn đồ đích thực của Ðức Kitô Phục Sinh giữa lòng thế giới hôm nay.
Lm. Giuse Trần Anh Dũng
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)
----------------------
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (2012)
ƯỚC GÌ CHÚNG NÊN MỘT NHƯ CHÚNG TA.
Từ đầu đoạn văn, Đức Giêsu tái kêu cầu Chúa Cha bằng cách gọi Ngài là "Cha chí thánh". Ý niệm "thánh" trong Cựu Ước bao hàm một khía cạnh tiêu cực là tách rời những gì phàm tục và một khía cạnh tích cực là biệt hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chúa Cha là Đấng "Thánh", Đấng toàn năng, hoàn toàn tách biệt khỏi "thế gian". Ngài là ánh sáng (1Ga. 1,5) còn thế gian là tối tăm. Ngài là tình yêu (1Ga. 4,8.16) còn thế gian bị thống trị bởi hận thù.
Ở đây, Đức Giêsu nại đến sự thánh thiện của Chúa Cha là vì Người sắp cầu nguyện cho những kẻ thuộc về Người được tác thánh, khỏi nhiễm phải thế gian tội lỗi (c.17). Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra ba đối tượng : 1/ Gìn giữ các môn đồ trong đức tin (cc.11b-13). 2/ Che chở các môn đồ khỏi thế gian hư đốn (cc.14-16) và 3/ Tác thánh các môn đồ trong sự thật (cc.17-19)
Chính "trong danh Cha" mà các môn đồ phải được "gìn giữ". Hạn từ "gìn giữ" không có nghĩa là phòng vệ, phòng ngừa, nhưng còn là củng cố bằng thử thách. Nếu Chúa Cha "gìn giữ" các môn đồ trong ánh sáng thánh thiện của Ngài, thì cũng là bằng cách ném họ vào cuộc chiến, cho chạm trán với sự thù nghịch của thế gian. Tình yêu huynh đệ trong Tin Mừng Thánh Gioan mang một ý nghĩa quyết định. Ý nghĩa và mục đích của hoạt động "gìn giữ" môn đồ của Chúa Cha là sự hiệp nhất của họ. Vì thế, các môn đồ cần phải biểu lộ sự hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Cha và của Con : "Ước gì chúng nên một trong Chúng Ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (c.21).
Thế gian ghét các môn đồ vì họ chẳng thuộc về thế gian. Thuộc về "thế gian" là bị đặt trong vương quốc tối tăm, là chấp nhận lề luật hận thù và ích kỷ của nó, là theo lề luật ấy mà sống và hành động. Các môn đồ không thuộc về thế gian vì Đức Giêsu đã lôi kéo họ ra khỏi thế gian. Trong câu : "Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ" vì thần dữ (ma qủy) là đầu mục của thế gian này.
Câu cuối của đoạn văn, chúng ta thấy Đức Giêsu không những nài xin Chúa Cha thánh hiến các môn đồ mình trong sự thật, mà còn tự thánh hiến mình. Phải chăng Đức Giêsu nghĩ đến việc tự nộp mình cho tử thần vì môn đồ khi nói : "Chính vì chúng mà con xin thánh hiến chính mình con". Đức Giêsu phải chết vì mục tử kiểu mẫu thí mạng sống mình vì đàn chiên.
Nếu việc thánh hiến của Đức Giêsu liên quan đến việc thánh hiến và sai phái các môn đồ, thì việc sai phải không thể xảy ra trước cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu (20,21). "Để chúng được thánh hiến trong chân lý", việc thánh hóa các môn đồ cuối cùng đặt nền tảng trên hy tế thập giá và trên việc Đức Giêsu vinh hiển ban Thánh Thần. Cuộc thánh hiến này là ân huệ thiêng liêng ban cho các môn đồ tư cách thi hành sứ vụ của họ. Việc thánh hiến các môn đồ trong chân lý bao hàm hành động của Chúa Thánh Thần, thì Thánh Thần này chỉ được ban sau cái chết và Phục Sinh của Đức Giêsu (20,22).
Nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho Cộng đoàn phụng vụ chúng ta ơn chịu đựng cách bình thản và cương quyết chối từ hận thù, ghen ghét của thế gian. Khẩn cầu Ngài ban cho các vị lãnh đạo Giáo Hội và cho mỗi thành phần Dân Chúa ơn hiệp nhất bình an để chứng minh chúng ta là môn đồ đích thực của Đức Kitô Phục Sinh giữa lòng xã hội hôm nay.
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1975)
---------------------
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Ðiển (2009)
« Lạy Cha, xin giữ các môn đệ trong danh Cha »
Tuần thứ 6 phục sinh vừa qua, giáo hội giúp người kitô hữu sống trong yêu thương, Chúa đã chuẩn bị, căn dạn các môn đệ, các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ còn ở trần gian này, tiếp tục loan tin mừng phục sinh trong tin yêu thương.
Tuần thứ 7 phục sinh, Thánh Gioan đã ghi lại lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, người Thầy cầu nguyện cho học trò, cho những ai theo Ngài. Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha mà cầu khẩn cho đoàn con còn ở trần gian này, cầu cho sự hiệp nhất trong danh Cha, hiệp nhất giữa các môn đệ, hiệp nhất trong cuộc sống ở thế gian, xã hội, gia đình, cộng đoàn. Điều gì làm cho các môn đệ sống trong hiệp nhất ? Chính sự thật làm cho các môn đệ sống trong sự hiệp nhất, sự thật luôn vững bền, sự thật luôn tồn tại, như lời Chúa Giêsu nói : « Ta là sự thật ». Chúa Giêsu là chân lý, đích đi tới cho mỗi người ở trần gian. Chúa Giêsu quay về với Chúa Cha trong lời kinh, trong sự phó thác ; vậy các môn đệ, những người theo Chúa, hãy hướng tâm hồn, thể xác về Thiên Chúa trong kinh nguyện hàng ngày. Chúa Giêsu cầu cùng Chúa Cha cho các kitô hữu, lời cầu của Chúa Giêsu là lời ban sự sống, lời cầu mà chúng ta vẫn thường đọc đó là : « Kinh Lạy Cha », Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện. Cầu nguyện là điều căn bản trong đời sống kitô hữu, qua cầu nguyện, mỗi người thêm sự kết hợp với Chúa, với người anh em, cầu nguyện dẫn chúng ta tới tha thứ cho nhau. Chúng ta nhiều lúc nghèo nàn trong kinh nguyện, lo ra, chia trí, nhưng có Chúa kề bên giúp vượt thắng và thánh hoá lời cầu xin của mỗi người.
Mỗi người được mời gọi đi vào trong kinh nguyện hằng ngày để cảm tạ Chúa Cha, hát lên bài ca. Cầu nguyện là nói lên sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn. Những lời kinh, bài hát mà chúng ta cùng đọc, chúng ta làm cho danh Chúa được cả sáng trên trần gian này. Mỗi lần cầu nguyện, nhân danh Chúa, xin giữ chúng con trong tay Cha để vượt thắng những cạm bẫy của thế gian này.
Chúa Thánh Thần nguồn sức sống, nguồn sự hiệp nhất, xin đến thêm sức mạnh cho mỗi người chúng con. Nhờ kết hợp trong Chúa, chúng con được mọi sự may lành và hạnh phúc làm con Chúa. Amen.
------------------
Đô. Mai Đức Vinh (2006)
Chủ yếu : Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ : Ngài không xin Chúa Cha đem các môn đệ ra khỏi thế gian, Ngài còn sai họ đi vào thế gian, Nhưng Ngài ký thác các môn đệ cho Chúa Cha, xin Người gìn giữ họ khỏi sự dữ, cho họ được tràn đầy hoan lạc, được nên thánh trong chân lý.
Suy niệm : Biết mình sắp ra đi, Chúa Giêsu âu yếm nhìn các môn đệ, thấy những khó khăn họ sẽ phải chịu và những yếu hèn họ mang trong mình, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho họ. Thật tâm tình, thật yêu thương, thật quan tâm đối với các môn đệ còn ở lại ! Thế gian đã ghét Ngài, giết Ngài... họ cũng sẽ ghét và giết các môn đệ ! Giết mục tử là làm tan nát cả đàn chiên... Như lời trối của người sắp ra đi mà quá thương mến đồ đệ còn ở lại, lời cầu xin hay lời tâm sự của Chúa Giêsu với Chúa Cha hôm nay thật tha thiết và khẩn khoản. Ngài ký thác các môn đệ cho Chúa Cha, xin Ngài gìn giữ họ, xin Người thánh hóa họ... Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ thật cao vời.
Áp dụng : Tình thương của Chúa Giêsu đối với bạn hôm nay không kém gì tình thương của Ngài đối với các môn đệ ngày xưa ! Chúa muốn bạn thuộc về Ngài trọn vẹn, Chúa muốn bạn cũng thuộc về Chúa Cha như Ngài. Hằng ngày bạn hãy dâng mình cho Ngài và nhờ Ngài dâng mình cho Chúa Cha : Bạn xin Ngài thánh hóa bạn trong chân lý.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, đọc bài Phúc Âm hôm nay, con cảm thấy Chúa đang cầu nguyện cho con. Xin cho những lời cầu của Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi con, xin cho con sống xứng đáng với những điều Chúa nguyện xin cho con.
Lời hay : Xin Cha thánh hóa chúng trong sự thật : Lời Cha là chân lý (Ga 17,17).