CHƯƠNG XIV
PHẦN THỨ HAI
CÔNG TRÌNH CẢI CÁCH
CỦA ÐỨC GRÉGOIRE
CHƯƠNG XIV
CÔNG TRÌNH CẢI CÁCH
CỦA ÐỨC GRÉGOIRE
Vì không nghiên cứu đầy đủ, cho nên các sử gia thường trình bày sai, và làm cho các độc giả cũng hiểu lầm về phong trào cải cách đã bùng lên trong Giáo Hội Tây phương và đã kéo dài suốt một trăm năm. Thường thường, trước đây, người ta chỉ chú trọng tới cuộc tranh chấp giữa đế quốc và tòa Giáo Hoàng, và đặc biệt hơn cả, tới một điểm trong cuộc tranh chấp đó: vấn đề tấn phong. Theo các sử gia người Ðức, chỉ chừng năm chục năm gần đây, cuộc tranh chấp ấy mới được miêu tả chính xác hơn như một phạm vi thuộc về phong trào cải cách luân lý, kỷ luật và hành chính, không những liên quan tới tòa Giáo Hoàng và giáo sĩ mà còn tới toàn thể xã hội nữa. Sâu xa hơn, phong trào cải cách tôn giáo và Giáo Hội rất quan trọng đó chỉ là một trong những khía cạnh của quá trình giải phóng Tây âu khỏi sự giám hộ trí thức phải chịu đựng cho tới nay, để tiến tới những bước đầu tự trị về lý thuyết và thực hành. Thực ra, đây là một thành tích của sinh hoạt mới, mà kết nạp vào những khía cạnh sinh hoạt khác, người ta gọi chung là cuộc phục hưng thế kỷ XI và XII. Việc tập trung quyền Giáo Hoàng, sự canh tân dòng tu, việc tu chính giáo luật và dân luật, đều là những khía cạnh thuộc về cùng một trào lưu tinh thần, hướng dẫn những sinh hoạt mới, làm phát triển các học đường, nghệ thuật Roma và ”Domesday Book”. Thế nhưng, những điều chúng ta vừa đề cập chưa cho chúng ta một cái nhìn bao quát về phong trào phục hưng rộng lớn này. Thế kỷ XI liên kết với giai đoạn trước, và giai đoạn sau. Cũng vậy, nếu vấn đề tấn phong chỉ là một phương diện của quá trình việc tục hóa Giáo Hội và Eigenkirchentum phổ quát thì sự bành trướng quyền Giáo Hoàng chỉ hiểu được nếu chúng ta nhớ rằng Tòa Roma đã có một truyền thống lâu dài trong quá khứ. Thực ra, tranh chấp giữa các hoàng đế và các giáo hoàng chỉ được hiểu đúng, nếu người ta quan tâm nghiên cứu lịch sử bang giao giữa giáo triều Roma với Charlemagne và với các hoàng đế của Roma Ðông phương, kể từ thời Constantin. Thực vậy, chỉ trong một giai đoạn ngắn ngủi ba hay bốn chục năm, công trình cải cách đã phát triển hoàn toàn viên mãn. Người thời sau đã lấy tên Hildebrand hay Grégoire đặt cho giai đoạn này, là giai đoạn tiến tới tột đỉnh dưới triều Grégoire VII. Giai đoạn này chỉ có thể được hiểu đúng nếu chúng ta coi nó như hậu quả trực tiếp của hơn bảy thế kỷ tranh chấp trên lý thuyết và thực hành. Hơn nữa, giai đoạn ngắn ngủi ấy đã làm thành một ranh giới phân chia lịch sử Âu châu. Giai đoạn ấy đã khai mở một cuộc tiến triển quan trọng và bền bỉ đến độ có thể đem so sánh với phong trào canh tân của thế kỷ XVI hay cuộc cách mạng Pháp thế kỷ XVIII. Cuộc canh tân dòng tu và việc phục hồi hoạt động suy tưởng sẽ được trình bày sau. Ở đây chúng tôi chỉ tham luận về những gì chúng ta có thể gọi là lịch sử chính trị về cuộc cải cách Grégoire.
Nếu nhìn trong mọi khía cạnh của nó, thì cuộc cải cách luân lý và tinh thần phát sinh lúc đó cho thấy đây là công trình hoàn toàn thuộc về các tu sĩ. Cũng đúng thôi, nếu người ta coi năm 910 là năm bắt đầu công trình cải cách, thì chính năm đó tu viện Cluny được thiết lập. Trước năm đó, kể từ những năm đầu cai trị của Louis le Pieux, một thế kỷ trước, đời sống tu trì nói chung đã suy thoái nhiều. Không có cuộc canh tân nào được tồn tại lâu dài. Với việc sáng lập chung, chúng ta được dự vào sự khai sinh một thể chế kéo dài suốt cả thời kỳ sáng tạo của Trung Cổ và được duy trì mãi cho tới khi bị quét sạch, cùng với những tàn dư của Âu Châu phong kiến, bởi cuộc cách mạng Pháp. Nhưng Cluny không phải là một hiện tượng lẻ loi. Việc sáng lập Brogne ở Lorraine miền nam mấy năm sau (914) và Gorze gần Metz hai chục năm sau Brogne (933), cho ta thấy rằng một tinh thần cải cách đích thực đang lộng thổi. Ðồng thời ở Nam Ý, đã phát hiện vị thánh tiên khởi thuộc một cộng đồng ẩn tu và độc tu. Thế nhưng, những nhà cải cách dòng tu không trực tiếp ảnh hưởng tới chóp đỉnh và các thành phần thuộc hàng giáo phẩm. Nếu ảnh hưởng của họ đã ra ngoài khung cảnh các cộng đồng tu trì, thì chỉ vì họ đã khởi thảo những nguyên tác sinh hoạt lệ thuộc vào luật dòng và vì họ đặt các tu viện thành những trung tâm gieo giống để rồi sau này, một thế kỷ sau, phát sinh những nhà cải cách đích thực. Những vị này đều là các tu sĩ. Họ đã tạo cho sự nghiệp của họ một ấn tích tu trì. Họ nhìn thế giới của họ theo quan điểm tu trì. Các phương dược họ đưa ra cũng có tính cách tu trì.
Chúng ta thấy rằng đức Sylvestre II đã có triều đại và giữ một địa vị lịch sử quan trọng rất giống như riều đại đức Adrien VI sau này. Tuy chỉ bốn năm trị vì, ngài đã tỏ ra là vị giáo hoàng cương nghị. Ngài bênh vực quyền lợi tòa Giáo Hoàng và có sáng kiến thiết lập hàng giáo phẩm Hung Gia Lợi và hàng giáo phẩm Ba Lan. Nhưng hoàng đế mất năm 1002 rồi theo sau một năm, giáo hoàng cũng mất, thế là chấm dứt mùa xuân sớm sủa đó. Vị tân vương, Henri de Bavière, lúc còn trẻ muốn đi tu, nay là một ông hoàng ngoan đạo và có ý thức về các bổn phận của mình, đến độ sau cùng, ông được tuyên phong hiển thánh. Thế nhưng, ông vẫn theo truyền thống là dùng vương quyền kiểm soát Giáo Hội Ðức và Lombard, kiểm soát các giám mục. Thực ra, thời Henri III cai trị là thời kỳ đã ổn định và nề nếp. Cai quản một nước Ðức thống nhất, nhà vua ngự trị trên giáo triều đang muốn cải cách, trong một tinh thần giống như Charlemagne xưa. Tại Roma, dòng họ nhà Tusculum nắm chính quyền, trong đó có một số giáo hoàng mà người nổi danh nhất là Benoit VIII. Vị này là một tướng lãnh có tài và đắc thắng vì đã chiếm lại được những lãnh thổ mà giáo triều đã mất và nhờ có hạm đội, đã đánh đuổi người Sarrazins ra khỏi hai hải cảng Gênes và Pise. Ðồng thời ngài là một giáo hoàng hoạt động, nhưng chịu nhận quyền và làm việc dưới sự kiểm soát của hoàng đế. Năm 1022, khi nhóm họp công đồng ở Pavie, thì hai hoàng đế của cộng đồng Kitô giáo, ngoài việc đưa ra những biện pháp liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và chính trị, còn công bố một luật tái chủ trương việc sống độc thân cho các linh mục. Các ông muốn áp dụng rộng rãi kỷ luật này, tức là bắt hết các giáo sĩ cấp dưới cũng phải sống độc thân. Thế nhưng, kỷ luật này đã được ban bố vì những lý do kinh tế và phong kiến. Nhưng lại một lần nữa, giáo hoàng và nhà vua đều mất sớm và gần như cùng một lúc (1024). Ðức Gioan XIX, vị giáo hoàng trẻ tuổi, kém sốt sắng, ăn ở phóng túng, nên đã phạm lại mấy gương xấu của thời xưa. Sau một thời chuyển tiếp đầy lộn xộn, trong đó cùng một lúc đã có tới ba người tranh giành chức giáo hoàng, thì xảy ra một sự thay đổi quyết liệt, là hoàng đế Henri III đã chỉ định Suidger, giám mục Bamberg (1046) lên ngai giáo hoàng lấy tên là Clément II, rồi Poppon (1047), giám mục Brixen lấy tên là Damase II. Việc này cho thấy rõ ai là kẻ nắm quyền hành chính thức. Nhưng việc này cũng chấm dứt những tham vọng và những tranh giành nội bộ của Roma. Mấy năm sau, khi Damase mất, thì Henri lại đề cử người họ hàng mình là Bruno, giám mục cải cách ở Toul lên ngôi giáo hoàng, lấy tên là Léon IX. Với ngài, một thời đại mới bắt đầu.
Vậy Giáo Hội giữa thế kỷ XI cần phải có một cuộc cải cách, nhưng theo mực thước nào? Cải cách đó phải được áp dụng làm sao? Những nhà cải cách tiên khởi là ai? Một công trình cải cách tâm linh đích thực có thể có do hai nguồn gốc: do những cá nhân có đức hạnh, có nghị lực, có sự khôn ngoan siêu nhiên trổi vượt, hoặc do một quyền bính sáng suốt và đầy nhiệt tình. Yếu tố sau cùng này hoàn toàn thiếu ở Roma cho tới 1049. Còn về việc cai trị hoàng đế bất lực không thể thay thế giáo hoàng như Justinien I và Charlemagne đã làm. Các vua chúa người Ðức thiếu tài năng và truyền thống. Các ông không bao giờ đòi hỏi, như Charlemagne đã đòi hỏi, quyền cai trị toàn thể Giáo Hội theo quan điểm ”Thiên Chúa ban cho hoàng đế có quyền trên toàn thế giới Kitô”. Họ chuyên chú cai trị một vương quốc nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các giám mục và các tu viện trưởng là những đại chư hầu nương tựa vào nhà vua. Nhưng sinh hoạt thiêng liêng của Kitô giáo, ít ra trên lý thuyết, thì thuộc về trách nhiệm của giáo hoàng. Ðàng khác, hiểu cách nào đi nữa, quyền hành của đế quốc không thể bao trùm trên cả thế giới Kitô giáo. Không những các hòn đảo nước Anh và một phần lớn nước Ý, mà cả nước Pháp và nhiều Giáo Hội quốc gia vòng đai, như Balan, Bohême, Hung Gia Lợi và Tây Ban Nha. Những nước này trực thuộc giáo hoàng, không qua trung gian nhà vua. Thời ấy, có mấy người phò nhà vua, tuyên truyền rằng các hoàng đế thuộc nhà Hohenstaufen đã kiểm soát toàn thể Kitô giáo Tây phương như Charlemagne đã làm. Ngày nay nhiều sử gia đã viết theo chiều hướng đó. Thực ra không phải như thế đâu. Vụtranh chấp giữa đế quốc và giáo triều, năm 1070 và còn gần năm chục năm sau, không phải là một trận chiến giữa hai đối thủ muốnlàm cho Âu Châu thành một lãnh địa thống nhất. Cho nên ông vua nào xuất sắc nhất cũng không thể khởi công làm một cuộc cải cách có tầm vóc rộng lớn được.
Ðiều rất hiển nhiên là phải canh tân giáo triều Roma. Cho dù, kể từ Duchesne, nhiều người thời ấy đã thổi phồng những gương xấu xẩy ra ở Roma, và sau này nhiều sử gia cứ ghi lại mà không kiểm chứng, chúng ta phải chân nhận rằng: sự bất xứng của đa số các giáo hoàng trong suốt hai trăm năm, cách thức họ nhúng tay vào những tranh chấp nội bộ Roma, sự bất lực trong việc lãnh đạo Giáo Hội, tất cả những vụ việc đó đã quá rõ ràng, không cần phải chứng minh thêm. Cuộc cải cách toàn bộ chỉ có thể tới từ chóp bu và chính chóp bu đó phải trong sạch, đức độ và có thế lực. Ðiều chắc hắn là lúc này hơn lúc nào khác, thế giới Kitô giáo cần một cuộc đổi mới, nhưng khó biết phải đổi mới theo đường hướng nào. Bởi lẽ, trong the ákỷ XI, đa số giáo dân Tây phương là những nông dân thất học và đầu tắt mặt tối, cách này hay cách khác với mảnh đất họ canh tác. Vào thời ấy, hầu hết giáo dân sống gần gũi một nhà thờ và một linh mục. Tất cả đều có thể tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Chúng ta không thể biết giáo dân đã áp dụng nền giáo dục kitô thô sơ vào đời sống như thế nào. Chúng ta cũng không thể nói hơn về đời sống đạo đức cơ bản hay về lối họ phụng thờ Thiên Chúa ra sao. Lý do đơn giản, trừ mấy thành quốc và đô thị ở nước Ý, chương trình cải cách không nhắm cải tổ đời sống thiêng liêng của xứ đạo, trái với cuộc cải cách vào cuối thời Trung Cổ. Vè việc cải tổ dòng tu, riêng trong các vấn đề nội bộ, thì đã có cải tổ trước rồi. Mặc dầu có những cá nhân nhiệt tình dấn thân vào đời sống xã hội để áp dụng và truyền bá đời tu trị nhiệm nhặt vào thế gian, chế độ dòng tu không phải là mối lo ngại lớn. Lý do là vì đa số các người đứng ra cải cách là những cha dòng đã nắm vững tu viện của họ, nên họ mới rảnh tay để lo cho các nhóm khác. Dưới đây chúng ta sẽ thấy mục tiêu của họ là biến Giáo Hội thành một dòng tu bằng cách bó buộc giáo dân phải giữ đúng kỷ luật và làm hết cách để các linh mục và giáo dân sống đạo sốt sáng theo kiểu nhà dòng. Thế nhưng còn các giáo sĩ trực thuộc quyền giáo hoàng: giám mục, linh mục và những người có chức nhỏ. Ðiều tai hại căn bản đời ấy là các linh mục bị chìm đắm trong xã hội phàm tục. Ðây là một sự thật phũ phàng của thời đại. Nếu không đầm mình trong vũng bùn phe phái tại giáo triều Roma, thì qúy vị lại sống nhu nhược dưới ách các ông hoàng nước Ðức. Chỉ trừ một số nhỏ, còn hầu hết các giám mục đều do các tể tướng đời bổ nhiệm. Họ làm giàu với những bỗng lộc nhà vua hay các chủ ông nào đó thí cho. Bị ràng buộc bởi những phận vụ phong kiến, họ dành phần lớn thời giờ vào các công việc hành chánh, phục vụ ông chủ phần đời của họ. Ðê tiện nhất là khi họ bỏ tiền mua chức vị. Trừ một số rất ít, hàng giáo sĩ hạ cấp phụng sự một quan thày lớn hay nhỏ. Ðể có bổng lộc sống căn bản, thường mỗi giáo sĩ phục dịch một nhà thờ được coi như một bất động sản có huê lợi, ăn chia với một hay nhiều chủ nhân. Phải nói thật, nếu đa số các giáo sĩ bị lâm lụy như vậy, không phải nguyên tại giáo dân có quyền chức muốn như thế. Bởi vì, trước thời canh tân, mọi tài liệu tranh chấp đều khẳng định và công nhận thần quyền trên thế quyền. Thế nhưng trong thời kỳ này, hàng giáo sĩ cả hai cấp đã không sống đúng đời sống riêng của mình, nghĩa là đã sống bừa bãi, thiếu kỷ luật, và không có gì khác biệt với đời sống thế tục. Thời đó, giáo hoàng cũng chỉ là một bá tước Roma, một tiểu vương, nhiều khi chỉ như tuyên úy và nô bộc của hoàng đế. Thường các giám mục rất giàu sang vì sinh ra trong dòng nam tước phong kiến. Các linh mục là những nông dân đã có gia đình, và nhiều khi là linh mục từ cha truyền con nối. Như vậy hàng giáo sĩ không phải là một giai cấp có tổ chức. Họ không có ý thức ”phải là men nồng và ánh sáng cho trần thế”.
Các nhà cải cách chĩa mũi dùi vào hai chứng bệnh phổ cập: bệnh ”mại thánh” (simonie) và bệnh ”dâm ô” (nicolaisme). Ðồng thời các ngài cỗ võ một đại phương được là phải có một tòa Giáo Hoàng độc lập và cương quyết, đứng ra áp dụng kỷ luật. Các thảm họa cũng như phương dược không có gì là mới lạ. Ðiều mới lạ là vào đúng lúc người ta ấn định lại nhiều vấn đề, thì nổi bật một ý nguyện chung muốn giải quyết toàn bộ các khía cạnh, chứ không phải chỉ quan tâm đến riêng từng trường hợp, ngõ hầu tìm ra hoặc kiến tạo một luật lệ và một tổ chức để thực hiện các phương án ấy. Trong vụ tranh đấu này, lần thứ nhất tại Âu Châu, thấy xuất hiện một lớp người có tổ chức, tức là hàng giáo sĩ hay giáo sĩ đoàn, đồng tâm nhất trí với các giám mục và các vị này lại gắn bó với giám mục Roma. Luật pháp và quyền lợi tách biệt giai cấp này khỏi khối giáo dân mà người ta đặt vào hàng thấp kém.
Bệnh buôn thần bán thánh đã có từ lâu đời kể từ khi mới có Kitô giáo. Bắt nguồn đó là niềm tin cố chấp cho rằng người ta có thể dùng tiền bạc để mua chuộc các ơn thiêng liêng. Về sau, người ta lại theo tật xấu này, dùng tiền bạc mua hay bán các chức vụ hay những tác động thiêng liêng và thuộc về bí tích. Mại thánh là tục lệ thông thường đưa lễ lạc biếu xén, cũng gọi là bổng lễ, khi được chỉ định hoặc khi xin xỏ một địa vị nào trong hàng giám mục hay linh mục. Lúc đầu, tội mại thánh bắt đầu từ việc lẫn lộn ân sủng với ma thuật nên đã được liệt vào trong những khoản lạc đạo. Lúc đó, khoa thần học bí tích hãy còn rất chập chững. Việc truyền chức thánh chưa được coi như tương đương với phép rửa tội. Có những người trong nhóm cải cách, đã thấy phổ biến ý kiến coi mọi dịch vụ mại thánh đều cản trở việc thông ban các quyền thiêng liêng, cũng như hết các chức vụ thuộc các bí tích, đã lãnh nhận do việc mại thánh thì đều vô hiệu. Người ta chưa hoàn toàn phân biệt thế nào là hợp pháp, thế nào là hữu hiệu trong việc xử dụng quyền thiêng liêng. Chúng tôi không thể nói gì về con số các việc mại thánh tương quan đến bổ nhiệm các giám mục. Trước thế kỷ XII, chúng tôi thiếu những thí dụ đích xác về việc mua các chức vụ giám mục bằng những số tiền lớn. Những trường hợp gây gương xấu nhất kể cả sự việc thường xảy ra nhiều nhất - hình như đã bị phát hiện khi các nhà cải cách lên tiếng tố cáo. Một kiểu mại thánh nhẹ tội hơn nhưng phổ biến hơn, đó là giám mục hứa đóng một số tiền ”đảm phụ” phong kiến khi ông nhận quản trị một miền; hoặc khi linh mục cấp dưới, nhận đóng một ”món tiền vào cửa” khi đến coi một nhà thờ. Hình thức mại thánh thứ nhất chỉ thành thói chung khi chế độ phong kiến hoàn toàn được hoạch định và phỗ biến. Nhưng, các nhà cải cách có nhiều việc phải làm, cho dầu họ thường thổi phồng hay hiểu lầm một số các thí dụ họ kể ra. Nói chung, điều họ chống đối là việc người đời chiếm đoạt các lãnh thổ và các chức vụ thuộc Giáo Hội và những hiệu quả xảy đến cho Giáo Hội như chèm ép, cướp bóc và đồi bại luân lý.
Từ ngữ ”dâm ô” (nicolaisme) để chỉ căn bệnh thứ hai không có nguồn gốc rõ ràng. Nó ám chỉ sự vô tiết dục của giáo sĩ. Sống trinh khiết và độc thân là thành phần kỷ luật cỗ xưa trong Giáo Hội Tây phương. Nhưng đã có những rạn vỡ trong điều này. Thật thế, ở Tây Âu, sau khi nền văn minh Roma sụp đổ, thì càng ngày càng thấy sao nhãng với giới luật ấy. Ở đây chúng ta vẫn còn thiếu bản thống kê. Các nhà cải cách thường hay nói quá lời. Nhưng chúng ta có nhiều bằng cớ chắc chắn cho thấy - điều đó không có gì là lạ trong một tổ chức thiếu kỷ luật - các giáo sĩ kết hôn hay sống đời vợ chồng là chuyện thường. Danh từ ”hôn nhân” không phải là không chính đáng. Vào thời đó, các chức thánh không làm thành cản trở giáo luật để vô hiệu hóa việc kết hôn. Hôn nhân không đòi hỏi phải có sự chứng giám và phép lành của một linh mục. Trong hết các nước, nhiều linh mục đã dấn thân vào những cuộc kết hôn bền bĩ và chấp nhận mọi hậu quả và quyền lợi pháp lý của việc hôn nhân. Như vậy, danh từ ”dâm ô” ám chỉ tất cả các hiệu quả khác ngoài phạm vi cá nhân. Nó đương nhiên đưa đẩy đến việc thừa tự các nhà thờ (dưới danh nghĩa hoa lợi) và làm phân tán tài sản Giáo Hội bằng lối dâng tặng hay thừa tự. Chế độ ấy cũng gây ra nhiều phiền toái xã hội và kinh tế, cách riêng trong thời đại này. Mặc dầu thân phận linh mục thuộc cấp tôi đòi hay nghèo khổ, nhưng chức vụ đã nâng họ lên một bậc nữa. Vị phu nhân thường sinh trưởng ở giai cấp tự do. Con cái của ông được ”theo chân mẹ”. Các lãnh chúa không có quyền trên con cái của người nông nô, và trên các tài sản của nhà thờ người nông nô nhận được theo lối tặng dữ hay thừa tự. Vì thế các lãnh chúa và các nhà cải cách thường liên minh với nhau vì những lý do kinh tài. Nhưng nói chung, khi nhà thờ nằm trong tay một chủ - đời hay đạo - và khi địa phận trở thành một lãnh thổ theo địa lý hay một nhóm các nhà thờ hơn là một đơn vị hành chính và mục vụ có tổ chức, khi địa vị của linh mục cũng giống như địa vị của những dân làng ít học vấn, thì linh mục muốn kết bạn hay sống chung với một người đàn bà và con cái, họ không thể dựa vào chức thánh để cải tổ xã hội được. Phải thêm điều này - theo những dẫn chứng của Pierre Damien và một vài tác giả khác - giữa nhân dân của các thành phố miền Bắc nước Ý và miền Provence, đã có biết bao cảnh trụy lạc và bất thường về phương diện thuộc tính. Nhóm cải cách có lý khi họ cho rằng tất cả những trụy lạc đó chỉ có thể thanh toán được nếu tạo được một hàng giáo sĩ trong sạch và có kỷ luật, với sự quản nhiệm của các giám mục không bị lệ thuộc vào các chúa trùm phần đời và đã được tự do lựa chọn từ bên trên, được tấn phong theo giáo luật, dưới quyền điều hành của vị giáo hoàng cương nghị, một giáo hoàng có khả năng quyết định và cho áp dụng kỷ luật cỗ truyền theo giáo luật Giáo Hội Roma. Các nhà cải cách như Wazon thành Liège và Pierre Damien, tất cả hầu như đã hoạt động và viết hầu hết các sách vào tiền bán thế kỷ XVI. Nhưng người ta có thể lấy năm 1049 làm thời điểm then chốt, trong đó những phương án riêng tư đã nhường chỗ cho hoạt động của Giáo Hội. Thực vậy, Léon IX đã tới Roma, đem theo chàng thanh niên Hildebrand. Tiếp sau là cả một đoàn lũ người Lorraine cùng một chí hướng, như Hugues Candida, Udon thành Toul, Frédéric miền Lorraine và Humbert người Moyenmoutier. Chẳng bao lâu, những người này đã được tấn phong hồng y. Chỉ một việc quốc tế hóa chức hồng y này cũng chứng tỏ có một chương trình quyết liệt; nhưng khi áp dụng vào thực tế thì chưa nhất luật. Tân giáo hoàng được bầu lên, điều khiển những tập đoàn của giám mục là một thầy sáu còn trẻ tuổi; suốt đời, ngài giữ được những tư cách của một đại sĩ quan trong việc di chuyển và lấy quyết định. Ngài bắt đầu làm việc ngay, khi ngài triệu tập một hội nghị tại Roma vào mùa Phục Sinh để tuyên bố những sắc lệnh cũ bài trừ nạn mại thánh. Thực ra, được Humbert nâng đỡ, đức Léon đã chủ trương những vụ phong chức do việc mại thánh đều vô hiệu và ngài muốn đòi phải phong chức lại. Nhưng hội nghị không muốn đi quá xa. Sau khi kết thúc hội nghị, giáo hoàng đã thực hiện nhiều chuyến du hành mục vụ, như đi tới Cologne, Aix-la-Chapelle, Trèves và Toul. Mùa Thu, ngài tới Reims, ở đây cho triệu tập một hội nghị để thanh toán các nạn mại thánh, rồi một hội nghị khác ở Mayence. Năm sau ngài đi miền Nam Ý và miền Trung. Ngài lên án Bérenger ở Roma. Ngài đi kinh lý Bắc ý, vượt dãy núi Alpes đến Toul và Augsbourg (tháng 2.1051). Mùa thu, ngài vẫn còn ở Trung Ý và mùa Xuân năm sau (1052) ngài ngược lên Bắc Ý lần thứ ba và hội kiến với Henri III ở Presbourg. Ðược Henri III khích lệ, ngài dẫn đầu một đạo binh hùng mạnh, vượt núi Alpes đón đánh quân Normands xâm lăng miền Nam Ý, đang đe dọa lãnh thổ giáo hoàng tại Bénévent. Ðạo binh của ngài bị đánh thảm bại. Chính ngài bị bắt tù và sau khi đã ký thảo hiệp với quân Normands và cử một phái đoàn đi Constantinople để hòa đàm về sự hiệp nhất đã bị rạn nứt, ngài tạ thế năm 1054.
Ðức Léon đứng trước ngưỡng cửa một thế giới mới. Là người đạo hạnh và có tinh thần siêu nhiên, nhờ những cuộc hành trình và chính sách đi kinh lý các Giáo Hội miền Alpes mà ngài đã là vị giáo hoàng đầu tiên, vừa cởi mở, vừa cập nhật, vừa cầm quyền cương nghị, đúng là một nhà cải cách Giáo Hội. Tuy là bạn thân của một hoàng đế đạo đức, ngài không giải quyết được và có lẽ ông chưa quán triệt những tệ hại do việc người thế tục kiểm soát các cuộc bầu giám mục. Nhiều người cho rằng ngài đã thiếu khôn ngoan khi đem quân đi đánh người Normands, cũng như khi phái Humbert đi Constantinople. Mặc dầu có tinh thần siêu nhiên, nhưng ngài chưa thực sự làm chủ các biến cố như đáng lý ngài phải là người cha tinh thần của tất cả các Kitô hữu.
Ðức Victor II (1054-1057), người họ hàng trẻ tuổi của hoàng đế, lên kế vị đức Léon. Ngài chấp nhận sự bảo trợ của hoàng đế và cùng với hoàng đế, chủ tọa các công đồng. Phần lớn thời gian trên ngôi Giáo Hoàng, ngài sống bên Ðức. Người kế vị ngài là đức Frédéric, bào đệ công tước miền Lorraine. Vị này là một nhà cải cách, vừa mới nhập dòng để khỏi bị hoàng đế gây khó dễ, vì đã tham gia vào phái đoàn năm 1054 đi Constantinople. Rồi, ngài được phong hồng y, sau đó theo giáo luật, lại được hàng giáo sĩ Roma bầu làm giáo hoàng, lấy tên là Etienne IX. Lúc đó hoàng đế Henri IV còn vị thành niên. Triều ngắn ngủi của ông (1057-1058) được đánh dấu bằng việc công bố một khảo luận của hồng y Humbert nhan đề Adrersus siomoniacos (Chống những kẻ buôn thần bán thánh), tác phẩm nổi bật hơn những tài liệu có trước chống tệ nạn này, bởi vì đã đưa ra hai phương dược rõ ràng. Thứ nhất, ngài đã khẳng định ”mại thánh là một lạc giáo”, cho nên các việc phong chức ”do mại thánh” đều vô hiệu. Vì thế hồng y Humbert đề nghị bãi bỏ hết các chức đã được phong và hết các bí tích đã ban dưới áp lực của tệ nạn này. Thứ hai, ngài hoàn toàn cho phục hồi việc bầu cử theo giáo luật, tức là thanh toán việc kiểm soát của người đời. Người ta nhận tổng quát bài khảo luận của đức Humbert là nguyên nhân trực tiếp của sắc lệnh bầu giáo hoàng năm 1059. Sau khi đức Etienne IX tạ thế hàng quí tộc Roma bầu giám mục thành Velletri, lấy tên là Benoit X. Ðức Hildebrand lúc đó đang ở trong phái đoàn tại triều hoàng đế, ngài liền trở về để tiến cử một người cải cách, đó là Gérand, giám mục thành Florence. Vị này trở thành đức Nicolas II và ngày 13 tháng 4 năm 1059, ngài công bố sắc lệnh thời danh, ban cho các giám mục hồng y với sự ủng hộ của các hồng y khác và sự chuẩn y của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Roma, có quyền và bổn phận bầu giáo hoàng. Còn về vua nước Ðức, thì từ nay chỉ đến chào ra mắt mà thôi. Dĩ nhiên là các giám mục Ðức phản kháng lên án giáo hoàng và hủy bỏ các sắc lệnh. Ðây là những loạt súng nổ đầu tiên trao đổi của một vụ tranh chấp lớn lao và lâu dài.
Nhưng giáo hoàng đã củng cố chỗ đứng của mình bằng thương thuyết liên minh với Robert Guiscard và tái công bố sắc lệnh bầu trong một hội nghị năm 1069. Ngài bỏ không nại tới dân thành Roma và vua Ðức, và còn đe dọa lên án nữa. Ngài nhắc lại sác lệnh về ”nạn mại thánh” và luật độc thân của hàng giáo sĩ do đức Léon IX công bố. Ngài ra chỉ thị thành lập các nhà kinh sĩ và nhắc nhở bổn phận phải làm việc tông đồ. Ngài cấm các tín hữu dự thánh lễ do các linh mục ”sống chung với phụ nữ” cử hành. Ở đây chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của Pierre Damien, bởi vì giáo hoàng đã theo quan điểm thần học trung dung của Damien về vấn đề tái phong chức. Kết cục, các giáo sĩ không được quyền nhận một nơi thờ tự do tay người đời trao phó. Người ta chưa chính xác biết: phương sách này có được chấp hành tuyệt đối và mau mắn hay không. Xét chung, người ta có thể nói rằng: hai triều giáo hoàng Léon IX và Nicolas II, đều tiến đến gần công trình mà chúng ta gọi là phong trào cải cách Grégoire. Việc đức Nicolas tạ thế sớm là một tai họa cho Giáo Hội. Sau một khoảng cách ba năm, đức Anselme thành Lucques được bầu theo giáo luật lấy tên là Alexandre II. Thế là, một công đồng Ðức họp ở Bale đã bầu Cadalus, giám mục thành Parma trước đây có một lần bị tố cáo về tội dâm ô (nicolaisme). Vào thời này Humbert cực đoan đã chết. Pierre Damien nỗ lực điều đình với triều vua Ðức. Hòa ước này được thực hiện nhờ hoạt động của đức Alexandre II, với một nhượng bộ: Ðức Alexandre đưa cuộc tranh chấp giữa ngài và Cadalus ra trước một ủy ban gồm có Godefroi de Lorraine và triều vua Ðức. Vào dịp này, Damien thảo một khảo luận bênh vực sự giao hảo chặt chẽ giữa giáo hoàng và nhà vua. Rồi ngài viết cho Annon, tổng giám mục thành Cologne, để gợi ý nhóm họp một công đồng, ngõ hầu cắt nghĩa những vấn đề đang xảy ra. Hildebrand kịch liệt phản đối gợi ý này. Và Damien đã tìm cơ hội trả lời Hildebrand và coi vị này như vị ”thánh Satan” của mình. Dầu sao, công đồng đã được triệu tập bình thường tại Mantoue năm 1064. Ðức Alexandre II hành sự với cương vị giáo hoàng và vua Ðức làm trọng tài cho giáo triều. Về các điểm khác, đức Alexandre II là một giáo hoàng cương nghị và cải cách. Ngài cứng rắn với các linh mục đàng điếm và phạm thánh, ngài cấm không cho giáo dân tham dự thánh lễ khi họ cử hành. Thế nhưng ở Ðức, dưới thời hoàng hậu Agnès đứng nhiếp chính, trong thời kỳ hoàng tử Henri IV còn vị thành niên, nạn mại thánh lại tái phát mạnh mẽ: Các tòa Giám Mục và tu viện đều là đối tượng thương mại ở đền vua. Tất cả những bổ nhiệm đều được thực hiện nhân danh nhà vua. Ðức Alexandre II tỏ ra thiếu cương nghị trong cách chống đối những tệ lạm đó. Mặc dầu đã tỏ ra yếu đuối và vô trách nhiệm như vậy, ngài cũng lo tập trung quyền hành khi sai phái đoàn đi Ý, Pháp, Anh, Tây và cả Ðức để giải quyết các công việc thuộc về quyền của mình. Ngài điều hành nghĩa binh Tây Ban Nha và cương quyết chống đối toan tính ly dị của Henri IV. Ngài cũng đòi quyền bá chủ miền Nam Ý, đảo Sicile và Tây Ban Nha. Vì thế giáo triều của ngài không phải là không quan trọng.
Ðức Alexandre II mất ngày 21 tháng 4 năm 1073. Ngày hôm sau, dân Roma hoan nghênh hồng y Hildebrand. Các hồng y họp lại và bầu phiếu chiếu theo giáo luật. Ðức Hildebrand sinh tại miền Toscane giữa 1015 và 1020, trong một gia đình bình dân. Ngài được giáo dục trong một tu viện Roma, và xin khấn dòng tại đây. (Có người bảo là tại Lorraine). Sau đó ngài phục dịch đức Grégoire VI. Năm 1046 ngài đi theo vị giáo hoàng đã bị vua Henri III truất chức và bắt đi phát vãng. Ít lâu sau, ngài trở về dưới giáo triều đức Léon IX và làm sứ thần tại Pháp. Ðức Nicolas II bổ nhiệm ngài làm tổng phó tế giáo hội Roma. Ngài trở thành cố vấn tín nhiệm của giáo hoàng. Nhờ vào tập biên niên giáo triều của ngài, chúng ta có thể bổ túc những lá thư và tư liệu do các nguồn khác, chúng ta có thể biết các phương pháp, các nguyên tắc, các lý lẽ và các lý tường của ngài rõ rệt hơn tất cả các giáo hoàng tiếp nhau lên kế vị đức Grégoire I. Chúng ta có thể nhận thấy ngài đã cương quyết dựa vào mọi lý luận để nhấn mạnh tới quyền lãnh đạo và quyền do Thiên Chúa ban cho tòa Roma. Người ta có thể ác cảm với đức Hildebrand, nếu người ta chỉ nhận thấy ngài cố chấp đòi cho được mọi nơi kính trọng, mọi người vâng lời tuyệt đối, nại cho mình quyền vô ngộ và chủ trương giáo hoàng không phải thưa trình với ai cả. Nhưng nếu đọc kỹ hơn chút ít thì thấy, ngoài những tham vọng kể trên, nơi ngài vẫn có một sự quân bình thiết yếu, đó là tinh thần siêu nhiên và đức độ đích thực, lòng yêu thương và đức khiêm nhường sâu sắc. Theo ngài, quyền Giáo Hoàng phải được hành xử để làm tiến triển đức công bằng, phải được hiểu như thánh ý Thiên Chúa và được thể hiện đúng theo các giới răn của Người. Công chính và hòa bình là những từ ngữ then chốt trong mọi lời tuyên bố của đức Hildebrand sau khi trở thành giáo hoàng Grégoire VII.
Dĩ nhiên vào buổi đầu giáo triều, đức Grégoire VII có một ý chí làm hòa và thiện hảo với mọi người. Ngài công nhận sự hữu hiệu của những bổ nhiệm phần đời, khi không có đút lót tiền bạc. Ngài tháo gỡ cho những người đã bị vạ tuyệt thông sau cuộc bầu cử ở Milan. Tại hội nghị đầu tiên Mùa Chay 1074, không sửa đổi, ngài lại cho công bố những sắc lệnh của những giáo hoàng tiền nhiệm chống nạn mại thánh và dâm ô. Ngài nhắc lại việc cấm dự thánh lễ do các linh mục ”dâm ô” cử hành. Tuy gặp sự chống đối, ngài thấy phải dùng đến những phương sách cương quyết hơn. Tại hội nghị Mùa Chay 1075, sau khi nhắc lại những sắc lệnh 1074, ngài tái công bố sác lệnh 1059 cấm không cho nhận một tu viện hay một tòa Giám Mục từ tay người đời. Nhưng lần này cũng như lần trước, sắc lệnh được công bố chưa có giá trị phổ cập (1). Có lẽ vì sác lệnh không có gì mới mẻ, chỉ trở về với giáo luật Roma đã có từ sáu trăm năm trước. Nhưng trong thực tế, đó là một cuộc cách mạng trên hai bình diện: Thứ nhất sắc lệnh đánh phá một thói tục đã có ít ra từ ba thế kỷ, theo đó, các hoàng đế, vua chúa phong kiến cứ tự tiện, tự do ban phát các tòa Giám Mục và các tu viện. Nếu chúng ta để ý tới sự luyến tiếc mà người Trung Cổ đã dành cho một quá khứ xa xôi, được mệnh danh là ”hoàng kim thời đại”, đến độ họ thấy phải phục hồi lại bằng mọi giá, thì việc bất thần cắt đứt với quá khứ còn nóng hổi, với tệ nạn thông thường như vậy, quả là một cuộc cách mạng trên khía cạnh chính trị. Thứ hai, những sắc lệnh đã bãi bỏ việc các hoàng đế chuẩn y việc bầu cử giáo hoàng theo giáo luật. Vì việc này không còn cần thiết và hợp thời nữa. Sự chuẩn y này đã được công nhận và được ban bố do các giáo hoàng từ thời hoàng đế Charlemagne. Chấm dứt thông tục lâu đời đó, tức là đi một bước quan trọng, tỏ ra rằng đức Grégoire đã có một giải thích hữu hiệu về những đặc quyền Giáo Hoàng của mình. Vậy, đây là thời điểm soạn thảo những văn kiện danh tiếng gọi là Dictatus papae (1074-1075). Dĩ nhiên, những văn kiện này không có giá trị như ”một tuyên ngôn” hay ”một phương án” (2), nhưng chắc chắn Dictatus đã trình bày các quyền bính của giáo triều mà đức Grégoire chủ trương và đem thi hành. Ðó là sự áp dụng thực tế và hợp lý quyền vô hạn mà Ðức Kitô đã trao cho Phêrô. Cho dầu mỗi câu văn đều lấy lại những sắc lệnh có trước làm nền tảng (tuy có những ”giáo lệnh giả” hơi đi quá xa, chứ không phải chỉ là một khẳng định đơn giản sắc bén về những vấn đề đã được công nhận), những ”công văn” đã khởi thảo một chương trình giáo thuyết, ngắn gọn và tỉ mỉ cho phép - nếu được đem ra thi hành - có được một sự tập trung quyền bính vững mạnh chưa từng nghĩ ra hay đạt tới.
Thực vậy, khi đem thi hành các văn kiện một cách hợp lý thì đó là làm cho triều đức Grégoire VII có một tầm quan trọng tuyệt đối. Việc tập trung quyền hành, dựa trên xác tín ”giáo hoàng có quyền phổ cập và trách nhiệm phổ cập”, được thể hiện dưới nhiều hình thức. Ðối với giáo phẩm, đức Grégoire VII giảm bớt tầm quan trọng của quyền thượng giáo chủ và của quyền tổng giám mục trong vấn đề phong chức các giám mục trực thuộc và việc chủ tọa các hội nghị. Các giám mục địa phận phải chịu quyền điều hành của Roma. Giáo hoàng tiếp tục và cho phát triển việc gửi các sứ thần toàn quyền, hoặc để thi hành những sứ vụ tạm thời và riêng biệt, hoặc để chu toàn những sứ vụ thường xuyên và thuộc một lãnh thổ. Hãy kể thí dụ: Hugues de Die, sau 1082, làm tổng giám mục Lyon, là người cương nghị, hăng say và đòi hỏi, ”Grégorien” hơn cả chính giáo hoàng. Nơi khác, thấy có Altmann de Passan (Ðức 1080), Anselme de Lucques (Lombardie 1081) và Aimé d'Oloron (Tây Nam Pháp 1075). Những vị này có một sức hoạt động phi thường. Chúng ta chưa có thể nói là những điều họ cương quyết phản kháng, đúng hay sai. Nhưng ít ra, trong nhiều trường hợp, giáo hoàng đã phải đích thân kiểm soát lại những bản án truất phế và tuyệt thông họ đã công bố; trong một thư gửi tới Hugues de Die, giáo hoàng nhắc tới đức khoan dung và sự thận trọng vốn có trong Giáo Hội Roma. Người ta không được bỏ quên văn kiện này khi muốn phê phán thân thế và hoạt động của đức Grégoire. Việc cải cách còn mang một đặc tính nổi bật của thời đại, đó là tranh luận và bút chiến. Các phái đoàn sứ thần không phải lúc nào cũng có khả năng dàn xếp các vụ việc một cách thỏa đáng, nhiều khi còn dùng đến những phương thức xảo trá, như trường hợp Hermam de Bamberg và Manassès de Reims.
Nếu mục tiêu đệ nhất của đức Grégoire là duy trì liên hệ tốt với vua Henri IV, nhưng ngài không sao thiết lập được một hòa ước hoàn hảo. Phần vì cá tính của hai lãnh tụ, phần vì nhà vua khăng khăng đối lập chương trình cải cách của giáo triều Roma, nên dù có khả năng về chính trị, cả hai bên đã không đạt tới một hòa ước nào. Sự tan vỡ đã xẩy ra ở tòa Giám Mục Milan. Sau nhiều cuộc bạo động, năm 1075, dân chúng đã yêu cầu bổ nhiệm giám mục khác thay Atto đã được bầu theo giáo luật. Vua Henri liền bổ nhiệm Tebaldo. Ðứng đầu ngọn sóng, sau khi đã giẹp cuộc nổi loạn ở Saxe chống chính phủ ông, nhà vua bất chấp những phản kháng của giáo hoàng và cho triệu tập một hội nghị ở Worms (tháng giêng 1076), trong đó các cố vấn và các giám mục bị tuyệt thông theo vua, nhất tề từ chối không dự hội nghị do đức Grégoire triệu tập, không chịu thi hành các sắc lệnh của giáo triều, họ còn đồng thuận truất phế ”ông dòng tu giả tạo Hildebrand”. Rồi Henri viết thư cho giáo hoàng, tự xưng là được Thiên Chúa chỉ định làm phó quản lý về mọi việc đời của Ðức Kitô và lãnh được một trong hai thanh gươm nói đến trong Phúc âm (x. Lc 2,33 và Mt 10,34...). Ðức Grégoire phúc đáp bằng cách ra lệnh định chỉ vương quyền của Henri (Mùa chay 1076), cho phép các công dân của nhà vua không phải thề trung thành nữa, và cuối cùng ra vạ tuyệt thông cho nhà vua. Việc sau cùng này chưa hề xảy ra trong lịch sử giáo triều. Các ông hoàng người Ðức đã tôn trọng vạ tuyệt thông do giáo hoàng ban ra, họ còn hoan hỉ là khác, vì được cơ hội nổi loạn. Họ liền hội nhau ở Tribur (10 tháng 10) và yêu cầu nhà vua phải tới Ausbourg, ngày mồng 2 tháng 2 năm 1077, để tự biện hộ trước sự hiện diện của giáo hoàng. Ðức Grégoire chấp nhận nghị quyết này và dù giữa mùa đông giá rét như cắt, ngài đã trẩy đi Ðức. Người ta hứa cho đội hộ tống nhưng họ không tới, vì có tin đồn Henri đang điều động binh sĩ về miền Nam. Giáo hoàng đã trốn trong một lâu đài rất hiểm trở thuộc về bà bá tước Mathilde, bà này suốt đời đã tỏ ra bênh vực giáo triều không điều kiện. Lâu đài Canossa tọa lạc (như ngày nay) trên một mặt áp núi Apennins. Một nhóm người tháp tùng Henri ra trình diện trước cổng lâu đài vào cuối tháng giêng để xin thống hối và ơn giải tội. Ðức Grégoire kéo dài vụ việc trong ba ngày. Rồi, hoặc là do lời khẩn khoản của Malhilde và giáo sĩ Hugues de Cluny - bà là người họ gần, còn giáo sĩ là cha đỡ đầu của vua trẻ tuổi - mà công việc đã hoàn thành, hoặc là vì - có thể là như vậy - với tư cách là cha thiêng liêng tối cao, đức Grégoire không thể từ chối lời khẩn xin của kẻ sám hối, đã tỏ ra những dấu hiệu bên ngoài thành thật, ngài liền nhượng bộ và tháo cởi hình phạt. Những người tháp tùng Henri (chứ không phải chính nhà vua) đã thề bảo đảm cách cư xử chân thành của vua Henri. Hiện nay người ta còn tranh luận về việc Henri có được hồi phục trong quyền chức nhà vua hay không. Nhưng hẳn là giáo hoàng chưa đi tới đó. Ðức Grégoire đã làm đúng nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Còn về mặt chính trị thì ngài đã để mất một thuận lợi lớn. Những người quí tộc Ðức thuộc phe đồng minh với ngài, đã coi thái độ của ngài như một sự phản bội. Không nhận vua Henri nữa, họ liền bầu người thay thế là Rodolphe de Souabe, mặc dầu các phái đoàn sứ thần giáo triều nỗ lực hòa giải để trì hoãn việc này. Thế là trong ba năm có lộn xộn, trong thời gian đó giáo hoàng không còn những hoạt động khởi sáng và để mất nhiều người đồng minh ở Ðức. Cuối cùng vua Henri còn đe dọa đem quân chiếm đóng nước Ý và bắt đức Grégoire. Giáo hoàng liền phản kháng và ra vạ tuyệt thông thứ hai (7 tháng 3 năm 1080), kèm theo án truất phế tiên đoán một tai họa và công nhận chức vua của Rodolphe. Việc này làm cho hầu hết các giám mục Ðức rời bỏ ngài, theo sau là các đồng sự bất mãn miền Lombardie, họ nhóm họp ở Brixen (25 tháng 6) và truất phế đức Grégoire. Họ bầu Guibert, tổng giám mục Ravenne làm phản giáo hoàng lấy tên là Clément III. Việc làm thứ hai này dĩ nhiên là không đúng giáo luật. Nhiều giám mục Ðức do dự. Nhưng khi vua Rodolphe chết trong một trận chiến ngày 15 tháng 2 năm 1080 thì không những Henri thoát được một người tranh quyền mình và lấy lại được tước hiệu cũ, mà trước mắt nhiều người còn thấy như có một phán xét của trời tỏ ra chống đối điều mà giáo hoàng đã tiên đoán một cách cả quyết. Từ nay, Henri được thong dong tiến xuống miền Nam. Một trận chiến văn vè đả kích bắt đầu. Vua Henri thực hiện hàng đầu những tham vọng của mình, đó là sự cai trị do quyền thừa hưởng qua di chúc và quyền Thiên Chúa ban. Như vậy, nhà vua đã tỏ ra chống đối những đòi hỏi khắt khe của giáo triều như đã đề cập tới trong bức thư thứ hai (bản văn cương lĩnh) đức Grégoire đã gửi tới Hermann de Metz. Giáo hoàng phải tới trú ẩn trong pháo đài Thánh Thiên Thần, còn nhà vua và các giám mục lại truất phế ngài một lần nữa và đặt Clement III lên ngai giáo hoàng (24 tháng 3 năm 1084). Ðức Clement lập tức đặt triều thiên lên đầu Henri (31 tháng 5). Hai tháng sau, người đồng minh của đức Grégoire là Robert Guiscard, cho quân chiếm kinh thành. Thành phố bị phá tan tành làm cho dân quay ra chống đức Grégoire. Một lần nữa, ngài đành bỏ Roma lại cho người đối thủ. Cuối cùng, ngài trốn tại Salerne và mất ở đó (25 tháng 5 năm 1085). Bấy giờ ngài còn rất can đảm và đã tháo cởi mọi án phạt cho thù địch mình, trừ vua Henri và vị phản giáo hoàng. Trước khi tạ thế, đức Grégoire đã di lối lại lời rất được phổ biến sau đây:”Tôi đã quí công bình và ghét bất công, vì thế tôi chết nơi lưu đày” (3).
Ðức Grégoire và vua Henri, cũng như Thomas Becket và một Henri khác, Henri Anh quốc, một thế kỷ sau, đều là những cừu địch trong một cuộc tranh chấp mà những ai nghiên cứu đều có cảm tình. Trong cả hai trường hợp, hầu hết mọi người đều nhận thấy lòng can đảm, sự trung thực trí thức và tinh thần siêu nhiên của con người thuộc Giáo Hội, cũng như nghị lực và tài cán chính trị của nhà vua, cùng sức mạnh của tập tục đã giúp cho nhà vua. Trong cả hai trường hợp, nhà vua làm cho chúng ta bớt lòng quí mến bởi tư cách bạo động và suy thoái đạo hạnh của ông, còn giáo hoàng hay tổng giám mục thì đánh mất thiện cảm của chúng ta, do những lời lẽ quá khắt khe và cực đoan, cũng như những tham vọng quá khích. Thế nhưng, đức Grégoire VII là một nhân vật lớn lao hơn Thomas Becket. Ông này không phải là một người canh tân. Tất cả những tham vọng của ông, hoặc chỉ có thể chứng minh được do mấy khoản giáo luật cổ xưa hay mấy lời tuyên bố của giáo triều, hoặc được hợp pháp hóa từ điều ông chủ trương là đã được kế thừa chức vụ và những lời đã hứa ban cho thánh Phêrô. Trước đức Grégoire, không ai nại tới quyền truất phế một nhà vua hay cho phép thần dân khỏi phải thề trung thành với nhà vua. Trước ngài, không ai đã hành động hẹp hòi và cố chấp như thế để thực hiện cho được các tham vọng của mình. Trên thực tế, đức Grégoire đã thiết lập và cho thực hiện một Giáo Hội hoàn toàn có tổ chức và tập trung quyền hành, tạo cơ cấu cho một cơ thể pháp lý và chính trị. Hơn nữa, mặc dầu trong các lời phán của giáo hoàng (Dictatus papae) không có gì hoàn toàn mới, nhưng những tuyên bố vang trời của đức Grégoire lúc đầu đã gây sự ngạc nhiên và, cũng như những tuyên bố khác, vừa độc đoán vừa cố chấp, làm cho độc giả trung bình thấy có đượm tính cách cứng rắn và lấy mình làm trung tâm không sao chịu nổi. Thế nhưng, chúng đã mất một phần cứng rắn khi người ta áp dụng một giải thích có kỹ thuật và xác đáng (4). Hẳn là đức Grégoire có tầm cỡ lớn khi người ta khảo sát ngài gần hơn. Hầu hết các lời ngài tuyên bố và các việc ngài làm thì đều do một nỗi lo âu hay một nguyên nhân thuộc tâm linh. Nếu giáo triều muốn được tự do không chịu sự bảo lãnh của nhà vua và giải phóng Giáo Hội thoát khỏi mọi kiểm soát của người đời và ra khỏi sự suy thoái của đạo lý, thì phải hành động thật khắt khe và rất cương nghị. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi xem đức Grégoire, trong nhiều lời lẽ và trong cách công bố những đe dọa ra vạ tuyệt thông, liệu ngài có bị lôi cuốn vào con đường phiêu lưu và không thực tế, như đức Boniface VIII đã có tham vọng. Dầu sao, đức Grégoire đã làm cho giáo triều tiến mà không còn thể lui lại nữa, tiến tới một Giáo Hội tự do không còn bị ai kiểm soát mình nữa, và đó cũng là thích hợp với các nhu cầu và quyền lợi của mình. Không có một người đồng thời nào đòi cho Quốc gia quyền tự nhiên hiện hữu hay quyền quyết định vận mệnh của mình đối lập với quyền Giáo Hội. Hoàng đế và giáo hoàng, cả hai đều ở trong Giáo Hội. Ðức Grégoire VII chưa chấm dứt cuộc tranh chấp giữa giáo quyền và vương quyền. Nhưng ngài đã giải thoát thần quyền khỏi mọi sự bảo trợ và cho quyền tự chủ đó không những được kéo dài suốt thời hạ Trung Cổ, mà còn lan qua những thế kỷ tiếp theo, trong những hoàn cảnh rất khác với những hoàn cảnh ở thế kỷ XI.
Theo quan điểm của những người đồng thời, thì những năm cuối cùng của triều đức Grégoire VII bị coi như những năm tai hại cho giáo triều và mục tiêu cải cách. Sau khi bị đuổi khỏi Roma, ngài đã chết tại nơi lưu đày. Nhà vua được vị phản giáo hoàng cho đăng quang và tự do hoạt động theo sở thích. Các nhà châm biếm ở cả hai phía đều rất hoạt động, cho ra những lý thuyết và đề nghị. Benzo d'Albé, thuộc phe nhà vua, đã cả gan gợi ý đưa nhà vua về đóng đô ở Roma bên cạnh một vì sẽ được đưa lên ngai giáo hoàng. Như vậy là có ý phục hồi đế quốc cổ xưa. Thế nhưng, công cuộc cải cách cũng không bị mai một. Các giáo triều Léon IX, Nicolas II và régoire VII đã vun trồng một tinh thần cải cách trên khắp Âu Châu. Nhiều giám mục và hồng y là những người xác tín theo gương đức Grégoire. Các dư luận ở những thượng tầng đã cứu vớt chương trình của đức Grégoire trong suốt những năm về sau.
Lúc này, bấp bênh và lưỡng lự còn ngự trị. Didier du Mont. Cassin được bầu theo giáo luật một năm sau khi đức Grégoire mất. Nhưng trong sáu tháng, ngài kiên quyết từ chối không nhận, rồi ông mới trở thành đức Victor III. Ngài là một người học thức nhưng nhu nhược. Sáu tháng sau ngài tạ thế và các hồng y bầu Eudes de Châtillon, giám mục Ostie, lấy tên là Urbain II. Vị tân giáo hoàng thuộc dòng dõi quí tộc. Trong một thời gian, ngài là học trò của thánh Bruno ở Reims rồi sau làm tổng phó tế. Sau đó ngài bỏ học vào dòng tu ở Cluny (1073-1077). Từ nơi đây, ngài được triệu về Roma. Người có đức hạnh lại có đặc tài về chính trị, ngài đặt cho mình một mục tiêu là cho thực hiện toàn bộ chương trình đức Grégoire, nhưng với tất cả sự khôn khéo và rộng lượng. Thế nhưng hoạt động ly khai của Henri IV đã thắng thế ở Ðức và chung quanh Roma là nơi ngự trị vị phản giáo hoàng. Ít chuyên chế hơn đức Grégoire, đức Urbain cương quyết, công bố lại án phạt tội mại thánh, nạn dâm ô và tấn phong người đời. Về điểm sau cùng này ngài chưa toan tính cho thi hành sắc lệnh và còn do dự về việc tái phong chức những người mại thánh. Thế nhưng ngài đã tỏ ra cương quyết trong việc cai trị Giáo Hội ngoài nước Ý. Ðặc biệt ngài ủng hộ việc giải phóng các tu viện và việc thiết lập các nhà cho các kinh sĩ dòng. Roma đáng được người ta tranh đấu cho mình. Ðức Urbain chiếm lại kinh thành năm 1089. Nhưng tức thì ông phải trốn tránh khi vua Henri IV chiếm đóng Ý năm 1090-1092 để tái lập Clément III lên ngai giáo hoàng. Vị này lại tự rút lui khi Henri ngược lên phía Bắc năm 1092. Trong khi đó, các luật gia và nhà bút chiến cứ tiếp tục ủng hộ công việc cải cách. Ðức Urbain II trở nên hoạt động hơn và nghiêm nghị hơn. Một đại công đồng được triệu tập tại Plaisance (tháng 3 năm 1095) và công bố: các chức do phản giáo hoàng truyền ban đều hoàn toàn vô hiệu như những chức các người bị vạ tuyệt thông. Tệ dâm ô và tội mại thánh một lần nữa bị kết án. Tháng 7 năm 1095, đức Urbain khởi hành sang Pháp để ủng hộ công việc cải cách. Ðiều này đã đem lại những hậu quả rất lớn và không ngờ. Giáo hoàng vừa nhận được lời kêu cầu cứu của Alexis, hoàng đế Ðông phương. Ngài cũng nhận thấy nghĩa binh Tây Ban Nha thu được kết quả. Ngài qua miền Le Puy, gặp Adhémar, giám mục địa phương, rồi tới Saint Gilles đàm đạo với Raymond IV, bá tước thành Toulouse. Ngài triệu tập một công đồng cải cách ở Clermond ngày 18 tháng giêng. Ở đây, lại một lần nữa, các sắc lệnh cải cách được công bố. Người ta cấm những ai được chỉ định đứng đầu một tòa Giám Mục hay một tu viện không được thề trung thành. Philippe de France từ lâu vẫn sống trong ngoại tình đã bị vạ tuyệt thông. Rồi ngày 27 tháng giêng, đức Urbain giảng một bài nổi tiếng phát động nghĩa binh, không phải chỉ để ủng hộ Alexis mà còn để tái chiến Giêrusalem. Số thính giả và lòng nhiệt huyết của họ không có nhiều như người ta thường thổi phồng. Nhưng dự định lúc ban đầu chỉ hướng tới người Pháp thì đã được chấp nhận. Philippe II, vì không có khả năng chỉ huy nên việc này đã được trao cho Adhémar, sứ thần của giáo triều. Nhiệt tình càng lan rộng, sôi sùng sục để rồi nên như cuồng loạn. Ban đầu người ta chỉ nghĩ tới thành lập một đạo binh duy nhất mà thôi. Nhưng rồi có tới bốn đạo binh, một cho miền Nam nước Pháp, một cho hoàng đế cương thổ, một cho lãnh địa nhà vua và một cho miền Nam Ý thuộc người Normand, không kể những đám dân chưa đủ võ khí. Trong các đô thị thuộc sông Rhin, quần chúng đã bắt đầu thi hành quyền nghĩa binh, tức là tàn sát người Do Thái.
Khởi đầu nghĩa binh ở Ðông phương hầu như là việc bất ngờ. Vẫn còn một yếu tố bí ẩn nào đó chưa phát hiện, bởi vì lời lẽ của giáo hoàng lúc ban đầu vẫn rất khiêm tốn. Ngài không có ý tạo thành sự tương phản trong cuộc tranh luận khiến ông đối lập với Henri, cũng không muốn gạt bỏ những người có thể sẽ gây xáo trộn. Thế nhưng ở đây đã có một tiền sử rất nặng nề và do đó khá bất ngờ. Giáo hoàng khuyến khích và khen thưởng một cuộc chinh chiến hệ trọng và không duyên cớ, sẽ kéo dài suốt hai thế kỷ và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Như vậy ngài cũng có thể khởi động những cuộc phiêu lưu binh bị khác đưa tới độc ác và đổ máu. Nhưng vào thời này, việc kêu gọi nghĩa binh dĩ nhiên là nâng thế giá cho ngôi giáo hoàng. Ngược lại với nhà vua, giáo hoàng có thể ảnh hưởng tới toàn Âu Châu.
Thế nhưng đức Urbain cứ kiên trì tiếp tục sự nghiệp của ngài trong khắp Tây phương. Ngài bắt đầu xử dụng các sứ thần, thiết lập một số giáo trưởng, củng cố quyền tập trung và hoạt động trực tiếp, cho công bố lại những sác lệnh chống việc tấn phong người đời và chống việc thần phục các ông chúa phần đời. Ngài củng cố kỷ luật một cách khác, nghĩa là đòi cho được quyền xét xử các vụ việc liên quan đến tu viện và nổ lực bãi bỏ chức vụ ủy nhiệm viên người đời (advocatus). Tháng 10 năm 1098, ngài chủ tọa một công đồng ở Bari, định nghĩa sự phát xuất Thánh Linh từ Chúa Cha và từ Chúa Con. Ngài mất ngày 29 tháng 7 năm 1099, sau một giáo triều lúc đầu không hứa hẹn nhiều, nhưng sau trở nên một trong những giáo triều quan trọng nhất thời Trung Cổ. Lần đầu tiên, một giáo hoàng đã tự đặt mình đích thân làm thủ lãnh Kitô giáo.
Hồng y Rainier lên kế vị Urbain II. Ngài là một tu sĩ người Ý lấy tên là Pascal II (1099-1118). Ngài khánh thành giáo triều bằng việc lên án những vụ tấn phong người đời. Như vậy, ngài đương đầu chống lại các ông chúa, ông hoàng Âu Châu. Trước khi tường thuật câu chuyện, nên tóm tắt lai lịch vấn đề. Ở giai đoạn đầu, những điểm chính yếu trong cuộc tranh luận giữa giáo hoàng và hoàng đế, đó là tham vọng của ông hoàng muốn bổ nhiệm các giám mục và, về sau, ít hay nhiều, đòi mỗi giám mục phải trả cho ông một món tiền. Thói tục lộ liễu này đúng thực là tội mại thánh, cho dù ban đầu, chỉ là việc người đời muốn kiểm soát Giáo Hội. Riêng về ngôi Giáo Hoàng thì thực ra tệ nạn đó biến mất kể từ khi đức Nicolas II thiết lập cuộc bầu cử (1059). Ngoài việc bầu cử tự do và hợp pháp, còn có vấn đề tấn phong. Giám mục và tu viện trưởng là những người thuộc chế độ phong kiến hay những điền chủ. Vì thế khi họ quản trị một lãnh thổ nào đó, họ phải thề trung thành với ông hoàng hay ông chúa đã cấp ban. Theo một tục lệ rất cổ, thì họ vừa nhận chức vụ vừa nhận đất đai do một ông hoàng hay ông chúa chủ sự tấn phong và trao ban nhẫn và gậy nữa. Trong giai đoạn đầu của tranh chấp, các nhà cải cách nhấn mạnh tới khía cạnh bất công khi người đời chủ tọa nghi lễ tôn giáo. Quan điểm này dễ hiểu và có thể bị phe phái ông hoàng phản công. Nhưng tự nó, nó không chống đối hệ thống phong kiến trong toàn thể cơ cấu. Song việc tấn phong và sự thần phục tự căn bản có thể là một phương thế, như mọi phương thế khác, để được sở hữu các lãnh thổ. Vì thế bao lâu người ta đem tập tục này phối kết việc trao chức vụ và trao lãnh thổ, bấy lâu người ta chưa thể đạt được thỏa hiệp. Trong suốt thời kỳ này, các luật gia và tranh luận gia đều phổ biến những lời đả kích của phe phái mình. Dĩ nhiên, đa số chỉ là những quan điểm bè phái và thường là cực đoan. Nhưng bao lâu cuộc tranh cãi còn gia tăng, thì dĩ nhiên, nhiều người còn nghĩ rằng cơ cấu phong kiến của xã hội phải được chấp nhận như một điều kiện sinh sống và như một thể chế chưa được giáo luật quy định. Vậy, phải tạo thành một thỏa hiệp. Nhà văn đầu tiên đã đề nghị một thứ lý thuyết khác với sự khoan dung thường có trong thực hành, đó là Guy de Ferrare (khoảng 1086). Rồi Yves de Chartres, kể từ 1090, đã đề cao một thỏa hiệp có kết quả và đáng được coi như một dấu hiệu tiên báo, đó là hiệp ước giữa Anselme và Henri I vua nước Anh. Thỏa hiệp này dựa trên đình lệ: việc tấn phong kèm theo việc trao đất đai và thề trung thành, đối với các giáo sĩ, tự nó không trái với giáo luật. Vấn đề chính yếu là phải phân biệt giữa chức vụ thiêng liêng và phong thổ trần thế. Thế nhưng, lúc này, đức Urbain II đã bác bỏ ý tưởng đó và cương quyết duy trì các phương pháp riêng của mình.
Ðức Pascal II, như chúng tôi đã nói, đã bắt đầu triều đại mình bằng việc kết án không dè dặt việc tấn phong do người đời. Như vậy là ngài mở lại một giai đoạn cứng rắn và mới mẻ của cuộc tranh luận. Nhưng Henri IV và con ông cùng tên, đã lao mình vào một trận chiến. Khi giáo hoàng mất năm 1106, nhà vua cứ tiếp tục hành động hoàn toàn trái giáo luật, trong việc bổ nhiệm các giám mục. Giáo hoàng lại lên án việc tấn phong tại công đồng Troyes (1107). Nhưng hầu như cùng lúc đó, cuộc tranh luận ở Anh và ở Pháp đã đi tới một thỏa hiệp trên căn bản giáo huấn của Yves. Lập tức cuộc đại tranh luận lại bùng lên. Henri V đang hăm hở nhận triều thiên hoàng đế, liền xin đi Roma. Mặc dầu vẫn giữ địa vị của mình, giáo hoàng nhận lời. Khi gần tới kinh thành, nhà vua nhắc lại những dự tính của mình. Pascal II đưa ra một giải pháp hết sức mới: Giáo Hội không đòi quyền mình trên những lãnh địa do nhà vua ban. Còn nhà vua thì không được quyền tấn phong nữa. Nếu người ta công nhận thì giải pháp này sẽ làm đảo lộn cơ cấu tôn giáo và xã hội ở Âu Châu và lôi theo những hậu quả không lường được trong lịch sử giáo triều và Giáo Hội. Giải pháp này chung kết công trình mà các nhà cải cách thời Trung Cổ đã mong muốn thực hiện. Nó sẽ cầm giữ Giáo Hội (và những phe phái phong kiến khác sẽ theo gương) đứng ra ngoài sự kiểm soát của người đời và hiệu quả còn quan trọng hơn nữa, ra ngoài nanh vuốt của Thần Tài. Thế nhưng đề nghị này không thể đưa ra thi hành được vì những lý do y hệt như trong thế giới hiện đại ngày nay, khi người ta đưa ra những đề nghị không thực tế, như đề nghị cho mấy nước hay hết các nước nên tự mình đi theo con đường giải trừ quân bị. Nếu đức Pascal II trước đây tự chứng tỏ một đời sống giống như thánh Phanxicô, thì ít ra đề nghị của ngài có thể là một thách đố của người thánh. Nhưng các công việc trước đây và sau này của ngài cho người ta thấy ngược lại: đó chỉ là một gợi ý phiêu lưu mạo hiểm và hầu như vô trách nhiệm vậy thôi. Nhờ vào một trực giác chính trị mau lẹ, Henri thử nắm lấy cơ may. Ông nhận với điều kiện là giáo hoàng phải được sự thỏa thuận của các giám mục. Ðức Pascal đồng ý và sự hòa hợp được thực hiện với điều kiện đó. Việc chuẩn y được dự tính vào đầu nghi lễ đặt triều thiên. Henri bằng lòng chối bỏ những regalia, thì cơn bảo táp nổi lên trong đền thánh Phêrô và trong chớp nhoáng biến thành bạo động. Các giám mục, cả những ông chúa phần đời đều không muốn nhận hòa ước này. Henri liền cho bắt giam giáo hoàng. Sau hai tháng bị tù đày, đức Pascal đầu hàng. Việc tấn phong tạm được cho phép. Giáo hoàng chịu phong cho Henri làm hoàng đế. Như vậy Henri đại thắng và lên đường trẩy đi Ðức, bỏ lại giáo hoàng đại bại và đau đớn. Nhưng Âu Châu và Giáo Hội không còn như một thế kỷ trước đây nữa. Có nhiều giám mục, không nguyên ở Pháp và Ý, là những người theo trào lưu Grégoire xác tín và cương quyết. Họ viết thư khuyên răn và trách móc đệ lên giáo hoàng. Giáo hoàng buộc lòng phủ nhận những cam kết đã làm khi bị cưỡng ép. Về phía hoàng đấ như sau này sẽ xẩy ra bảy trăm năm sau với hoàng đế Pháp, ông đã mất mát nhiều, không còn nhận được lòng nhân ái bởi vì đã dùng tới võ lực đối với đức Pascal. Yves de Chartres đã có công đóng góp; làm sáng tỏ vấn đề vì đứng ra làm trung gian kín đáo. Ở hội nghị mùa Chay 1112, giáo hoàng lại chấp nhận việc tấn phong. Tháng ba cùng năm đó, một công đồng được họp tại Latran, bãi bỏ đặc ân năm 1111 đã ban cho Henri (5). Nhà vua vì còn lo dẹp những công dân gây rối loạn, nên chỉ xâm chiếm nước Ý năm 1116. Giáo hoàng chạy trốn. Henri vội cho rút quân, không làm được việc gì lớn, còn đức Pascal lại trở về Roma và mất năm 1118.
Ðức Gelase II, người kế vị, mất sau một năm lên ngôi. Ðức Calixte II được bầu lên thay thế. Ngài là một người theo trào lưu cải cách Grégorien, nhưng rất kiêu căng, trước đây đã làm tổng giám mục Vienne. Vào thời này, cuộc tranh chấp trở thành một vấn đề thuộc từ ngữ và lý thuyết hơn là thực hành. Mỗi phe đều mong hòa bình làm cho mình ít mất mặt hơn cả. Người ta sắp sửa đi tới hòa hợp tại Mouzon ở miền Ðông Bắc nước Pháp, năm 1119, nhưng vì nghi ngờ, Henri đột nhiên làm cho giáo hoàng rút lui. Hòa ước chung cục chỉ đạt tới ngày 23 tháng 9 với chữ ký hiệp ước Worms. Việc bầu cử tự do (phải được thực hiện trước sự có mặt của nhà vua ở Ðức), từ nay phải được tiếp tục bằng việc tấn phong với vương trượng nhà vua và với sự thần phục của người được bầu. Thỏa hiệp này thực ra chỉ được giáo triều chấp nhận như một sự việc tạm thời thuộc lòng nhân ái (Misericordia) để điều hòa những tham vọng mà thôi. Nhưng với thỏa hiệp này đã chấm dứt cuộc đại tranh chấp đã làm náo động những tầng cao ngất của Giáo Hội suốt sáu chục năm. Ðây là một thỏa hiệp thực tế. Cuộc đại tranh chấp về lý thuyết liên quan tới tối thượng quyền thì vẫn chưa có giải pháp. Nó sẽ lại bắt đầu được đặt ra ba chục năm sau và được tiếp tục qua các thời đại dưới hình thức này hay hình thức khác. Nói một cách hời hợt, người ta có thể tưởng đây chỉ là một trận chiến mập mờ. Các ông vua thì cứ tiếp tục làm theo ý mình về những việc bổ nhiệm các giám mục và không cần biết tới các mệnh lệnh của giáo hoàng. Nhưng xét theo chiều dài, ít ra về thời Trung Cổ, thì giáo hoàng đã đạt được một chiến thắng quan trọng. Ngài đã thành công chống lại những tham vọng của vua, của hoàng đế chạm tới quyền thủ lãnh của mình. Ngài đã cho thiết lập quyền thiêng liêng đứng đầu Giáo Hội, đồng thời còn giữ nguyên vẹn tham vọng cai trị tất cả xã hội nữa. Trong những trận chiến về sau, Giáo Hội từ nay có thể còn đụng phải những phản kháng và chống đối, nhưng không còn bị coi thường nữa.