CHƯƠNG XIII
NỀN VĂN HÓA KITÔ
TẠI TÂY PHƯƠNG
CHƯƠNG XIII
NỀN VĂN HÓA KITÔ
TẠI TÂY PHƯƠNG
Những thế kỷ giữa đời đức Grégoire Cả và đức Grégoire VII là một giai đoạn có nhiều nét đặc biệt trong lịch sử trí thức và văn chương của Âu Châu. Người ta thấy trào lưu tư tưởng và khoa sư phạm thừa hưởng từ quốc gia Hy Lạp ngàn năm văn vật đã biến mất, và chớm nở phong trào đổi mới, dần dần phát triển trong nền văn minh Âu châu đời Trung Cổ. Khi thế giới cũ biến đi, người ta lại coi nó như thời kỳ vàng son. Từ trước đến nay, các tác giả kitô, hoặc đồng thanh tẩy chay nền văn hóa ngoại giáo, hoặc giữ thái độ bán tín bán nghi, bằng nhiều thể cách và trong những mức độ khác nhau, đối với nền văn hóa cổ điển đã gây dựng được những người như Jérôme, Augustin và Grégoire Cả. Ðiều khá phổ thông là người ta nghi kỵ mọi nền văn học đối nghịch với nếp sống kitô, có vẻ xa hoa hào nhoáng, có đời sống phóng khoáng. Truyện khác cũng phổ thông, là người ta luôn gièm pha sự nghiệp của nền văn hóa cổ, nhưng lại muốn tận hưởng những lợi lộc vật chất mà nền văn hóa ấy đã mang đến cho nếp sống hằng ngày. Nhưng đạo Kitô, một mình đứng mũi chịu sào để tranh đấu cho nền văn minh Tây phương, dưới một vòm trời đen tối, và trên mảnh đất còn hoang dã, tất nhiên phải nhìn nhận nền văn minh ngày trước với một con mắt mới. Lịch sử văn hóa của miền Tây Âu Châu từ năm 600 đến năm 1050 nỗi bật những mưu toan, tùy thời và tùy nơi, muốn làm sống lại những vẻ huy hoàng xa xưa, bằng cách huy động và xử dụng nền văn minh cổ đại. Thật là một điều kỳ lạ trong lịch sử văn học, vì đã có những mưu toan cóp nhặt nguyên văn các từ ngữ lối làm thơ và danh từ của nền văn hóa la tinh cổ, trong lúc những hoàn cảnh lịch sử đã đổi hẳn từ đời Virgile hay Juvénal. Sự việc đó thoạt tiên đã xảy ra tại Ái Nhĩ Lan, rồi đến Northumbrie, đến miền Wessex, miền Touraine, miền Bavière. Theo kiểu nói của Virgile: các mưu toan ấy đã thai nghén những áng văn tuyệt tác như hoa trái ngoại lai trổ ra trên những cành đã chiết vào một cây hoang dại, cành cây rất đáng qúy, vì vừa có lá xum xuê, vừa có hoa quả thơm ngon (1). Ðối với nền văn hóa cũ, các người tiên phong đổi mới có thái độ khác hẳn với thái độ của Jérôme và của Augustin. Ðối với những tác giả đời Trung cổ, các vị tiền bối là một hiện tượng: Họ có nhiều kiến thức, họ là những mô phạm sáng giá. Hy vọng lớn nhất của thời đại là bắt chước các vị tiền bối, hoặc sao lại nguyên văn của họ. Alcuin còn đi xa hơn nữa: ông cho rằng các nghệ thuật tự do không phải là sản phẩm của con người nhưng là của Thiên Chúa; Ngài đã tạo dựng nên chúng và đặt vào giữa tạo vật để con người nhìn nhận ra chúng và phát triển thêm lên. Những người đời trước đã đóng góp vào việc phát triển này. Ðến lượt giáo dân, họ phải tranh thủ thật hăng say và phải thắng thế. Trong một đoạn văn thời danh, Alcuin kê khai các bổn phận của nền nhân bản kitô: ban sáng, đạo Kitô được quảng hóa tại nước Anh; chiều tối, lại tiếp tục gieo vun ở nước Pháp. Nguyện vọng độc nhất của đạo Kitô là sáng lập trên nước Pháp một thành Athènes mới, hay nói cho đúng hơn, một thành Athènes mới lớn hơn thành cũ, thành cũ chỉ có khoa học và bảy mỹ thuật, mà thành Athènes mới thì có bảy ơn Ðức Chúa Thánh Thần (2). Vào thời kỳ nền học vấn và văn chương thi phú - có thể nói được là các năng khiếu biết đọc và biết viết - hầu như dành riêng cho các nhân vật trong Giáo Hội, cho thầy dòng và cho giáo sĩ, người ta có lòng tôn trọng văn chương và kiến thức một cách khác thường. Họ tự cho mình là đã chiếm đoạt được gia sản của người Ai Cập. Họ dùng kỹ thuật và văn vẻ của Virgile hay của Cicéron để khoác vào lối phát biểu Ðức Tin và lòng đạo đức. Như vậy lịch sử văn chương đời ấy là thành phần của lịch sử Giáo Hội. Trong những thế kỷ trước, các tác giả kitô chỉ nhẫn nại đóng góp vào nền văn chương đang suy sụp của đế quốc. Từ đây trở đi, Giáo Hội ”tiếp nối” các vị tiền bối, đưa ra gợi hứng và kiểm điểm mọi hình thức văn học.
Người ta có cảm tưởng là trung tâm đời sống mới sẽ là nước Ý hoặc miền nam nước Gaule. Thật sự không phải như vậy. Nền văn chương tựa như ngọn lửa đã bùng cháy tại Tây Ban Nha, rồi từ đây chạy vòng quanh thế giới Kitô, để sang Ái Nhĩ Lan, đến Northumbrie, đến Wessex, đến nước Ðức. Cuối cùng, ngọn lửa chạy quanh như trên, đã bắt gặp luồng lửa mãnh liệt hơn trong lòng đế quốc của Charlemagne.
Thời kỳ oanh liệt và vắn vỏi của Tây Ban Nha đời Wisigoth đã khai mào với việc Reccared I trở lại đạo năm 589 và chấm dứt với vụ xâm chiếm năm 711. Isidore (565-636) làm giám mục Séville từ năm 599 cho đến lúc mãn phần, là một nhân vật kỳ cựu và có tên tuổi nhất trong lịch sử thời ấy. Chắc chắn ông là một trong những người ”đã khai sáng ra đời Trung Cổ”. Tất cả các điều ông viết ra đều qui hướng vào bộ bách khoa toàn thư khổng lồ mang tên là bộ Từ Nguyên Học (Etymologies), gồm có lịch sử, y khoa, luật học, thần học, kiến trúc học, canh nông học, nghề hàng hải và cả cho đến các nghệ thuật nội trợ. Trong các phạm vi ấy, Isidore đã thu tập và diễn tả các kiến thức đời trước một cách khách quan, nhuộm mầu luân lý và tôn giáo. Ngài là nhà bách khoa toàn thư cuối cùng trong số những người xuất thân từ thành Alexandrie và thành Varron. Tác phẩm của ngài là một kho tàng quí báu, được biết bao nhiêu tác giả trong thế kỷ VIII suy tư, bắt chước, thậm chí sao chép lại. Nhờ có kiến thức thần học và về Thánh kinh, Isidore đã chiếm được một địa vị đặc biệt ngoài khung khổ giáo lý của Giáo Hội, và được đặt chung hàng với Bède và Richard người Saint-Victor trong địa đàng của Dante. Anh của ông là Léandre cùng quê ở Séville và bạn ông là Braulio người Saragosse không nổi tiếng như ông. Nhưng Julien người Tolède (+ 690) là tác giả của một tác phẩm khác ở đời Trung cổ gọi là cuốn Prognosticon là cuốn sách đã thành cổ điển trong nhiều thế kỷ, bàn về vận mệnh của linh hồn (locus classicus) sau lúc qua đời. Giữa thế hệ sau thì có Eugène và Ildefonse người Tolède, có Beatus đã chú giải sách Khải huyền và Valère, người đã để lại cho chúng ta cuốn Hành trình của Ethérie (Peregrinatio Aetheriae). Thảm họa bất ngờ năm 711 đã làm gián đoạn phong trào đang thúc đẩy Âu châu xúc tiến. Dù sao chăng nữa, dưới đời vua Sisebut, lúc người Do thái bị trục xuất hoặc bị cưỡng ép phải theo đạo, và cũng là lúc có áp lực tự miền đông Hy Lạp và từ nước Syrie, người ta biết trước được vận mệnh của nước Tây Ban Nha. Nhưng nước này đã ảnh hưởng mãnh liệt trên nền văn chương Ái Nhĩ Lan; như vậy, nền phụng vụ Mozarab và cả bộ Hisperica famina đã được luân chuyển từ miền Finisterre sang tới vùng Bantry Bay (3).
Ái Nhĩ Lan đã chứng kiến thời đại các thánh và các nghệ sĩ trước khi có cuộc di dân. Thánh Columba qua đời năm 597 tại Iona và thánh Colomban qua đời năm 615 tại Bobbio không dính líu gì tới thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu. Khi các ngài qua đời thì loạt di cư thứ nhất đã chấm dứt. Ái Nhĩ Lan đã góp phần vào nền văn chương La tinh đời Trung Cổ với các tác phẩm của Adamnan và những bài thơ của Seđulius. Nhưng hải đảo này đáng được gọi là mẹ của kiến thức, vì lẽ các thầy dòng Ái Nhĩ Lan đã gầy dựng lên nhóm trí thức từ Grande-Bretagne tới, và hơn nữa, vì họ đã phổ biến các sách chép tay và óc hiếu học từ Hébrides đến Ratisbonne và Bobbio. Cho dù người ta có quá đề cao vốn kiến thức uyên bác và sâu rộng trong ngành cổ điển của họ, ngoài các sách tự vựng và cách ngôn, không có bằng chứng gì để bảo là người Ái Nhĩ Lan thông thạo tiếng Hy Lạp. Họ rất ham chuộng thơ La tinh và đã phổ biến rất nhiều các sách La tinh cổ điển. Dù vậy, nếu miền Bắc Bretagne và mấy tu viện miền Tây Nam đã đón nhận văn hóa Ái Nhĩ Lan, phong trào văn chương Anglo-Saxon vẫn thăng tiến, đó là nhờ ở lục địa. Benoit Biscop người Northumbrie đã cho nhập cảng các sách và các tục lệ Roma và Gaulois vào, và Théodore tổng giám mục người Sicile đã mang nền giáo dục Hy Lạp vào Cantorbéry, họ đã mở các trường đầu tiên tại Northumbrie và Wessex. Tại Northumbrie, các thày dòng ở Jarrow-Wearmouth, rất thân thiện với các giáo sĩ Celtes ở Lindisfarne, đã cho dịch ra những tác phẩm văn chương và nghệ thuật rất giá trị. Trong quận Wessex, Aldhelm người Malmesbury là một giáo sư nổi tiếng đã hun đúc lòng ái mộ văn chương, và đã truyền bá sâu rộng văn chương tại miền Nam nước Anh. Còn một ngôi sao nữa của thời kỳ ấy là vị đáng kính Bède, tức là thầy dòng ở Jarrow. Là một nhân vật phi thường vào thời kỳ ấy, ông có tên tuổi vị đã viết nhiều về niên lịch; ông còn nổi tiếng trong việc giải nghĩa Thánh Kinh; ông để ý đến nghĩa đen hơn là đến lối chú giải phúng dụ. Trong những năm cuối cùng, ông được người ta biết đến nhiều nhất nhờ bộ Giáo sử ông viết. Ông có tài xử dụng các tài liệu cách khéo léo và phê bình nguồn gốc của mỗi tài liệu, và ông diễn tả rất tài tình, với lối văn La tinh trong sáng, có nhiều thành ngữ, mặc dù thiếu vẻ tu từ (4). Tác phẩm của ông giá trị nhất tại Tây phương, trong lúc tiếng La tinh đã bắt đầu suy sụp và trước phong trào phục hưng tại Ý. Tuy được biên soạn trong khung cảnh nhà tu, bởi một thầy dòng ít đi lại đó đây, các tác phẩm của ông Bède được phổ biến rất nhanh chóng. Ông có một số đồ đệ, trong đó phải kể đến Egbert là tổng giám mục vùng York, nơi ông đã mở trường. Các giới thân cận với Egbert đều có lời văn trong sáng và ý thức lịch sử, phản chiếu cá tính thầy dạy của họ. Văn La tinh thời ấy không có vẻ ép gượng hoặc kiêu kỳ (ngoại trừ có Aldhelm). Trong thế hệ sau, những bức thư của Boniface người Dévon, của các bạn ông và của những người trao đổi văn thư đều có giọng văn sáng sủa và chân thực.
Dầu vậy, các tác giả nói trên không thuộc số những người khai sáng phong trào phục hưng Carolingien. Trong các học trò của Egbert tại York, có Alcuin (735-804) là người đã giữ chức giám đốc các trường trong tỉnh ấy và phụ trách thư viện mà ông diễn tả lại rất tỉ mỉ và đầy hứng thú. Trong thời ở Roma, vào năm 781, Alcuin gặp Charlemagne tại Parme, và nhận lời giữ chức giám đốc trường hoàng triều ở Aix-la-Chapelle. Tuy là người ít học, Charlemagne rất ý thức về văn hóa và cương quyết canh tân việc học hành. Trong vòng 8 năm, Alcuin đứng đầu phong trào phục hưng; người ta gọi ông là ”tổng trưởng nha học chính” hay nói đúng hơn là ”bộ trưởng trí thức của Charlemagne” (5). Sau một thời gian ngắn sống tại nước Anh, ông trở về ở hẳn nước Gaule và làm bề trên danh dự nhà dòng Tours; chính ông là đầu não bán chính thức của nền phục hưng Carolingien. Ông được một người ”mọi rợ tên tuổi” thường xuyên viết thư khuyến khích ông làm việc trí thức.
Gọi Alcuin là ”thủ tướng trí thức” là đúng, vì hoạt động và ảnh hưởng của ông vượt quá phạm vi học chính, và vì ông đã gây được ảnh hưởng trực tiếp theo một đường hướng riêng, rộng lớn hơn ảnh hưởng của một giáo sư luận lý và văn chương. Ông được chỉ định để phác họa ra lối viết chính tả chính thức. Với tư cách là người phụ trách các công văn của triều định và của các viện tu, ông phổ biến một lối chữ viết xinh đẹp và sáng sủa gọi là chữ nhỏ Carolingien. Trong một lãnh vực khác, Charlemagne trao cho ông trách nhiệm phát hành bộ Thánh Kinh đã được sửa đổi lại để làm bản dùng chính thức, và nhiều sách phụng vụ khác. Nhiệm vụ này đòi phải sửa đổi lại môn thánh ca bằng cách dựa vào những ca khúc lên đền và ca đối xướng của Roma, và cho thêm vào nghi thức của Roma một số chi tiết của lễ điển Gallican. Với tư cách là giám đốc trường hoàng triều, rồi bề trên tu viện Tours, ông đã huấn luyện được những đệ tử thời danh ông gửi đi các nơi để quảng bá phương pháp dạy học. Sau cùng, mỗi khi cần phải công bố một điểm giáo lý truyền thống nào, hoàng đế lại hỏi ý kiến Alcuin. Khi nhóm nghĩa-tử (adoptianiste) Tây Ban Nha, lúc phe bài ảnh thánh, hoặc khi những người Byzantin phản đối tiếng Filioque làm cho Charlemagne nổi giận, thì Alcuin gợi ý những lời khiển trách, hay chính ông viết bài để bình luận. Có thể nói, Alcuin thiếu phán đoán và có hơi ác ý trong vấn đề ảnh thánh và từ Filioque. Ðối với người thuộc phái nghĩa-tử thì Alcuin là người cố chấp. Có lẽ khả năng thần học của ông chưa được đánh giá đúng mức. Các bài ông viết cho thấy ông rất thông thạo về khoa giáo phụ và về các công đồng, và ông rất thận trọng trong việc lựa chọn các đoạn trích để biện hộ cho tư tưởng của ông. Alcuin không phải là một sử gia tên tuổi như Bède. Ông cũng không phải là một nhà tư tưởng lỗi lạc. Nhưng ông rất hăng say và liên tục truyền bá các sách đời và đạo đúng vào thời kỳ có những hoàn cảnh lịch sử quyết liệt và thuận lợi. Người ta phải coi ông như một trong những vị ân nhân lớn của nền văn minh Âu Châu. Có thể nói: họa hiếm lắm mới có một người như ông, nắm được hết các khía cạnh của một nền văn hóa và đem thích ứng vào những mô thức khác nhau. Hơn tất cả các người khác, Alcuin là cha đẻ ra văn khoa và nền văn chương Pháp trong đời Trung Cổ, và tất cả những ngành văn chương khác.
Ðối tượng chính của Charlemagne là sáng tạo ra một khoa sư phạm để huấn luyện các giáo sĩ thành những công chức trong đế quốc. Các chiếu chỉ và các công đồng luôn luôn nói đến hai thứ trường: trường giám mục ở các tỉnh có nhà thờ chính tòa, và trường dòng ở mỗi tu viện đón nhận ngoại trú. Thấp hơn nữa, có các trường họ đạo do các linh mục coi xứ đảm nhiệm, mục đích đào tạo các trẻ được gia đình đưa đến gửi gắm. Về nội dung việc dạy học thì Alcuin đã chép một cuốn khái luận tóm tắt truyền thống về nhà trường và về những nhân vật tên tuỗi của thời kỳ kế tiếp sau đời Constantin. Cuốn sách này chỉ ghi lại một chặng đường chứ không có gì mới lạ. Trong đế quốc Roma, cấp trung học và có khi cả cấp đại học chỉ chú trọng đến khoa văn chương và môn tu từ. Khó lòng đánh giá đúng mức ảnh hưởng của khoa tu từ trên nền văn chương La tinh và đến sau, trên tiếng La tinh trước thời kinh viện. Từ thời đại Ba Tư và đời Juvénal là thời kỳ có những người mô phạm hoa mỹ lúc họ nói về luân lý, cho đến đời Bernard và Hildebert, khoa tu từ có mặt khắp nơi trong các tác phẩm văn xuôi cũng như văn vần. Nhưng quan niệm phải huấn luyện làm sao để biết nói công khai và để có tài hùng biện tại tòa án đã bị bác bỏ từ lâu rồi. Mục đích việc dạy học là giúp dùng nền văn hóa đời trước để biết giải nghĩa Thánh Kinh và các thánh giáo phụ. Chương trình học đã thừa hưởng được từ Roma: bảy nghệ thuật tự do (trước kia là chín) là văn phạm, luân lý, tu từ, hình học, số học, thiên văn học và âm nhạc. Ba môn đầu họp thành bộ trivium, bốn môn sau gọi là quadrivium; nhưng bộ sau đã được bãi bỏ từ nhiều thế kỷ rồi. Trong hệ thống của Alcuin, chỉ có văn phạm và tu từ là được khuếch trương. Các môn khác, nếu còn dạy, thì chỉ được dạy dưới hình thức văn chương, hay như bài tập để luyện trí nhớ.
Ðối tượng và sự thành công của Charlemagne và của Alcuin là huấn luyện được một hàng giáo sĩ có học lực, biết đọc và biết viết. Ba mươi năm sau khi hoàng đế qua đời, người ta nhận thấy các cơ sở đặt ra thật vững chãi. Trong lịch sử nền văn hóa Âu Châu, điểm thành công lớn nhất trong thời kỳ thứ nhất là việc sáng chế ra kỹ thuật viết tay và chép lại giống hệt như bản mẫu. Cho dù nền phục hưng Carolingien không thực hiện được điều gì khác mà chỉ khai thác kỹ thuật tài tình ấy, thì cũng đã đánh dấu một chặng đường rồi. Thật ra còn có nhiều điểm khác nữa. Nền phục hưng đã đào tạo một số giáo sĩ thông thạo các tác phẩm văn chương còn hiện hành trong Giáo Hội Tây phương. Phong trào cũng tạo được tinh thần học hỏi nơi người giáo dân.
Công việc của Alcuin cho thấy Charlemagne rất quan tâm đến việc mời gọi các nhân tài. Gặp họ ở đâu là ông xử dụng họ tại đó. Hai phần tử của ”hàn lâm viện” Aix-la-Chapelle, sau đời Alcuin đã gây được nhiều ảnh hưởng cũng là người từ xứ ngoài tới. Paul Diacre là người Lombard. Ông đến tu tại dòng Mont-Cassin và đã nổi tiếng về việc chú giải luật dòng của thánh Benoit. Biết nhiều thứ tiếng, ông đã biên soạn cuốn lịch sử người Lombard và đời sống của đức Grégoire Cả. Hơn nữa, ông thu thập một bộ sách trích những bài giảng của các thánh giáo phụ được tận dụng suốt thời trung cổ. Ông cũng đặt ra một trong những bài ca vãn trứ danh, bài Ut queant laxis (để họ có thể mở rộng) kính thánh Gioan Tiền hô. Người thứ hai là Théodulf ở Orléans thuộc dòng giống Wisigoth bị đuổi khỏi Tây Ban Nha. Ông này lưu tâm đến nhiều vấn đề và rất am tường văn chương và mỹ thuật. Ðược Charlemagne tín nhiệm và giao cho tòa Giám Mục ông mang tên, ông được trưng dụng vào các phái đoàn ngoại giao và vào những cuộc bút chiến về ý thức hệ. Cùng với Alcuin, ông đã soạn thảo Livres carolins. Ông đã soạn nhiều ca vãn đến nay còn được xử dụng, như bài Gloria laus et honor (Chúa đáng được vinh hiển, ca tụng) trong phụng vụ ngày lễ Lá.
Thế hệ sau gồm những người đã trực tiếp hay gián tiếp theo học với Alcuin hoặc quen thân với ông. Tại tu viện Ðức ở Fulda, ông Raban Maur, đệ tử gần của Alcuin đáng mang danh hiệu là ”trưởng giáo trường đạo nước Ðức”. Ông đã dạy văn chương cho Loup người Servat và cũng là thày dòng tại Ferrières. Reichenau trên hồ Constance (Ðức) đã là nơi dưỡng già của Walafrid Strabon, là thi sĩ và là nhà văn trong lối thư tín. Như vậy, Raban là nhà bách khoa và nhà thần học, Loup là người luôn luôn đi mượn sách và chép lại hầu hết các thủ bản, Walafrid người mô tả tỉ mỉ các cây cối trong vườn nhà dòng và Eginard người viết về đời sống của Charlemagne. Tất cả họ là những người có tên tuổi thuộc thế hệ thứ hai. Mỗi người mỗi vẻ, tất cả các ông ấy lại là những nhà nhân bản, sưu tầm thơ phú cổ, không để thất lạc. Thuộc vào một loại khác, nhưng cũng mang nhãn hiệu văn hóa Carolingien, còn có những người như Hincmar, nhà tranh luận tràng giang đại hải, và nhóm các tác giả vô danh đã viết Các Chiếu Chỉ giả và Giáo Lệnh giả.
Trong những năm vừa qua, nhiều người đã viết bài đả kích hoặc tán dương giá trị của nền phục hưng Carolingien. Nếu hỏi cho cùng, cái gì đã được phục hưng? Trong nền phục hưng này, điều gì đáng ca tụng và có giá trị lâu bền. Người ta bảo rằng thời đại của các nhà bác học Carolingien không có gì là độc đáo cả, vì chỉ chấn chỉnh nền văn hóa cổ theo đường lối kỹ thuật; cái thực chất của thời đại ấy chỉ ở trong mấy lối hành văn không mấy sâu sắc về thần học và triết học, và sau thời kỳ ấy, Âu Châu vẫn nằm trong tối tăm như trước, và có lẽ còn tăm tối hơn trước nữa. Chúng tôi đồng ý là nền phục hưng Carolingien không sáng tác ra được áng văn chương nào quan trọng, cũng không có luồng tư tưởng độc đáo, và triều đại của Charlemagne đã không khai mào kỷ nguyên mới về phạm vi trí thức. Nền phục hưng Carolingien chỉ ở cấp dưới, cấp văn phạm và tập làm văn La tinh, về phương pháp, hệ thống và việc học chỉ có thế. Trong trình độ và lãnh vực ấy, ảnh hưởng của nền phục hưng Carolingien tồn tại lâu bền. Nó đã tạo nên cho khoa sư phạm, cho cơ cấu tổ chức học chánh một hướng đi còn kéo dài trên ba thế kỷ nữa.
Nền phục hưng Carolingien thời danh là nhờ danh thơm của người khởi xướng, hơn hẳn thời kỳ của Périclès và nhà Médicis. Nếu hoàng đế không trực tiếp hoạt động và không suy nghĩ thì không có sự đổi mới. Nói theo kỹ thuật quản trị, Charlemagne không phải là người có học thức, nhưng là người quý trọng văn hóa và biết trước nhu cầu trong một Giáo Hội và riêng trong đế quốc, cần phải có những người trí thức. Và chính ông cần có các cố vấn, các nhà lập pháp và đa số công chức trong đế quốc. Bởi vậy ông đã ra những chỉ thị thời danh để ấn định, ít là về nguyên tắc, một hệ thống dạy học ở cấp giáo xứ, ở tu viện và tại nhà thờ chính tòa. Cũng vị vậy mà ông đã sáng lập ra trường hoàng triều và tạo ra một nhóm trí thức tên tuổi, đã từ bên kia dãy núi Alpes, bên kia bờ biển và dãy núi Pyrénées, tìm vào đế quốc, như Alcuin, Paul Diacre và Théodulf. Các ông ấy và nhiều người khác nữa, đã được hoàng đế mời gọi hoặc họ đã tự nguyện họp thành một Hội Nghị như kiểu một hàn lâm viện, và như một ủy ban, để làm cố vấn cho vị lãnh đạo về hết mọi vấn đề: chính trị, thần học và giáo dục, xã hội...
Tất cả những nét độc đáo ấy làm cho cuộc đổi mới Carolingien khác với những cuộc đỗi mới văn hóa có trước thế kỷ XI. Thoạt tiên, dưới ảnh hưởng các tư tưởng và đường lối tuyên truyền của Alcuin, sáng tác văn chương, dựa trên việc tìm hiểu và bắt chước các vị tiền bối, được coi như một công việc hay và đáng khích lệ. Nền văn hóa kitô chẳng những phải được ngang hàng với những cái đã có trước, mà cần trổi vượt hơn thế nữa, vì có Thiên Chúa soi sáng cho. Thầy dòng ngồi viết lách thì hơn đi xới đất (6). Người ta nghĩ là các tín hữu cũng có thể đóng góp vào công trình và tư tưởng của thế giới hy-la, là thế giới đã có nhiều giá trị nhân bản, đó là điều mới lạ và đã gây được nhiều ảnh hưởng. Thứ đến, tổ chức các người biên chép (scriptoria) tại tất cả các tu viện trong đế quốc, đã phát triển rất nhiều. Họ hệ thống hóa các văn kiện cổ điển và giáo phụ họ biên chép và trình bày các văn kiện ấy bằng một lối chữ đẹp và dễ đọc gọi là chữ Carolin, và đã mang đến cho các thư viện Âu Châu những bộ sách kiệt tác lớn, người ta có thể khảo cứu và bắt chước theo. Những sách viết tay trong thế kỷ XI đã lưu trữ đầy đủ các bản văn của nhiều tác giả cổ điển La tinh. Ðây là một cuộc cách mạng, tuy nhỏ bé và hạn hẹp, nhưng cũng có thể so sánh được với đà tiến triển do phát minh nghề in đã mang đến cho văn hóa và việc học vấn. Ðiều thứ ba là các giáo lệnh của Charlemagne và các sách chép tay thực hiện tại những tu viện sau này sẽ gợi hứng cho những cuộc đổi mới khác, và cung cấp các tài liệu vào việc ấy. Các cuộc bút chiến trong thời Hincmar cho thấy rõ rệt: công cuộc của Alcuin và các bạn ông thật giá trị. Cũng như tất cả các cuộc đổi mới khác, cuộc đổi mới Carolingien đã suy sụp ngay đầu thời kỳ Trung Cổ, vì nó không có nền tảng trong các cơ cấu chính trị. Ngay trong những nền văn minh đã được phát triển mạnh mẽ, các cơ cấu chính trị là điều cần thiết để duy trì mọi thể chế, cũng như mọi công trình đổi mới.