CHƯƠNG XII
VIỆC PHỤNG TỰ CÔNG KHAI VÀ
CHƯƠNG XII
VIỆC PHỤNG TỰ CÔNG KHAI
VÀ LÒNG MỘ ÐẠO
Ðời sống thiêng liêng theo lối Trung Cổ, dưới hình thức phụng tự công cộng và riêng tư, và các kinh đọc, dần dà đổi hướng vào thời kỳ này, tuy nhiên người ta vẫn trung thành với nền giáo lý truyền thống và việc phụng vụ đã có từ lâu. Chung qui, có thể nói được từ đời đức Grégoire cả cho đến đời đức Innocent III, lòng đạo đức cốt cách biểu hiện dưới hình thức nghi lễ, trong đó lễ Misa là quan trọng nhất, rồi đến những nghi thức Tuần Thánh, các ngày đền tội, việc đọc Thánh Vịnh và kinh Nhật Tụng. Các nghi thức ấy được cử hành công khai tại các nhà thờ lớn, trong các nguyện đường của dòng tu thì kín đáo hơn. Ðành rằng nghi thức ở trong tu viện khác rất nhiều với nghi thức tại các nhà thờ lớn ở Roma, và các nghi thức địa phương, tất cả các nghi lễ đều tương tự cùng loại như nhau. Như vậy các cử chỉ và tập tục của loại nghi thức này thâm nhập vào loại nghi thức khác rất dễ dàng. Ðời sống phụng vụ chính đáng chỉ được diễn ra tại các nhà thờ chính tòa, hoặc các đền thánh và các dòng tu. Khi cuộc canh tân đời Grégoire tìm cách ảnh hưởng đến các giới khác ngoài lớp giáo sĩ và thầy dòng, giáo dân rập theo lối đạo đức và phụng vụ của dòng tu. Các giờ kinh nguyện được xếp đặt trong một tập sách nhỏ gồm kinh nhật tụng của các thầy dòng và của kinh sĩ, đại để như kinh nhật tụng nhỏ kính Ðức Mẹ, kinh nhật tụng cầu cho người chết, các kinh cầu, các thánh vịnh đền tội hay các ca khúc lên đền thánh. Dưới đây ta sẽ thấy : sau đời Innocent III, các việc đạo đức thường do các dòng tu điều khiển, và càng ngày càng thích ứng vào nhu cầu của giáo dân và ở nơi đô thị.
Lễ Misa cũng gọi là hy lễ tạ ơn, bao giờ cũng giữ phần chính yếu trong phụng vụ và trong đời sống đạo đức. Ðầu thời Trung Cổ, mỗi miền đều có một nền phụng vụ thánh thể đơn giản gồm những phần chính yếu của thánh lễ theo nghi thức Tây phương, Trung Cổ và hiện đại. Ðến thời kỳ vàng son của phụng tự và với phong trào sáng tác âm nhạc phụng vụ, chính Roma đã đề ra một nền phụng vụ phức tạp và nhiệm nhặt dùng vào chu kỳ hàng năm tại các nhà thờ thuộc quyền giáo hoàng. Các chỉ thị (ordines) của Roma ấn định rõ phải cử hành lễ trọng làm sao; lễ điển này dần dà đã trở nên luật chung của lễ trọng (năm 1964) trong sách lễ Roma. Khi có lễ trọng, các bài đọc và bài Phúc âm, kinh nguyện Thánh Thể kể từ chữ Thánh thánh cho đến lời nguyện sau rước lễ, cũng như các lời nguyện chung, các lời nguyện thầm, vẫn giữ y nguyên hình thức cũ từ nhiều thế kỷ, và đọc suốt cả năm phụng vụ, từ mùa Vọng cho đến lễ Hiện xuống. Các sách bí tích gọi là sách đời Léon, đời Gélase và đời Grégoire, đã quảng diễn lễ ấy, và cho thêm vào các lời nguyện và các kinh Tiền Tụng đã có tại Roma từ thế kỷ V cho đến thế kỷ VIII. Sách các bài đọc và các bài Phúc âm đã được ấn định vĩnh viễn vào khoảng năm 750. Trong những thế kỷ sau, nhiều nghi thức phụng vụ mới đã xuất hiện tại các ”thành quốc” ở Ý. Tại Roma, trong các thánh đường lớn, người ta cử hành lễ hát có ban nhạc hòa tấu. Hội hát gồm các thầy dòng chuyên chủ luyện tập. Tại mấy nước bên kia dãy núi Alpes lễ cũng như thế. Trong phụng vụ Tây phương, lễ Misa được cử hành giữa dân chúng để họ tham dự vào nghi thức dâng bánh rượu và và rước kiệu; Roma có những lời nguyện và nhiều kinh Tiền Tụng riêng, vắn tắt, thâm thúy về tín lý, khẳng định, nhưng rất cảm động. Các kinh Tiền Tụng quảng giải một câu Thánh Vịnh, hoặc một đoạn Thánh Kinh có liên hệ tế nhị với nền giáo lý Ðức Tin, hoặc với mầu nhiệm cử hành ngày hôm ấy. Trong khuôn khổ lễ còn có nhiều việc đạo đức khác sau này đã được tách rời ra. Ngoài lược đồ các kinh, nghi thức dâng bánh rượu và việc chịu lễ, còn có bài giảng sau Phúc âm, các bài hát phụng vụ trong buổi lễ và các kinh cầu, có cuộc rước kiệu và nhiều kinh khác đọc trước lễ.
Cùng với thời gian, tại nhiều ”thành quốc” và ở mấy miền khác nhau, người ta đã thêm thắt mấy chi tiết vào phần cốt cách của phụng vụ Tạ Ơn tức là Kinh Nguyện Thánh Thể hình như đã có từ đời các Tông Ðồ. Chính tại Roma, giáo hoàng Serge I (687-701) đã dựa theo nghi thức Ðông phương mà cho chen vào nghi thức thánh lễ kinh Kyrie eleison, tác động bẻ bánh, kinh Agnus Dei. ”Lễ hàng” (Messe basse) là lễ không có thầy Năm và thầy Sáu, chỉ thông dụng từ năm 600. Ðến thế kỷ sau, người ta mới dùng bánh lễ hình tròn, mầu trắng và không có men, và những miếng bánh tròn nhỏ cho giáo dân rước lễ, để thay thế cho những cái bánh lớn và rượu người ta đem cúng trong nghi thức dâng bánh rượu. Năm 751, vua Pépin cho áp dụng lễ Misa theo kiểu Roma trong nước của vua. Những bài hát do Roma sáng tác, được Chrodegang người Metz xử dụng đã lan tràn sang mấy nơi khác trong nước Franc như ở Rouen. Mấy chục năm sau, Charlemagne xin giáo hoàng Adrien I gửi cho ông một cuốn các phép bí tích của Roma. Giáo hoàng phải tìm mãi mới gửi sang cho hoàng đế một cuốn các phép bí tích theo nghi thức Grégoire áp dụng trong nhà thờ giáo hoàng. Người ta thêm thắt vào đấy ít nghi thức của lễ điển Franc rồi đem ra áp dụng tại nguyện đường hoàng triều ở Aix-la-Chapelle. Lễ điển đã từ đấy lan tràn trong khắp đế quốc Carolingien để rồi, khoảng năm 1000, lại quay về Roma và trở nên cuốn sách lễ dùng khắp Giáo Hội Công Giáo. Có thể nói được rằng, từ thế kỷ V đến thế kỷ VII, Roma là trung tâm sáng tác phụng vụ, nhưng sau đó, đến lượt Giáo Hội miền Gaule đã khuếch trương nền phụng vụ. Roma đã góp nhặt phụng vụ của các nơi, tổng hợp lại rồi mang phổ biến trên khắp Giáo Hội Tây phương.
Các nhà phụng vụ Gaulois có khuynh hướng kéo dài các nghi thức ra và gây thêm súc cảm. Người ta cho xông hương nhiều lần. Nghi thức công bố Phúc âm có thêm nhiều vẻ long trọng. Người ta cho vào khuôn khổ lễ những kinh mới, để diễn tả những tâm tình và những ý nguyện trước kia được suy tư trong im lặng. Bởi vậy các kinh Deus qui humanae substantiae đọc lúc dâng chén thánh, kinh Suscipe sancta Trinitas đọc trước kinh Tiền Tụng, hai kinh Domine Jesu Christe và Perceptio corporis tui đọc trước khi linh mục rước lễ, và kinh Placeat đọc trước khi ban phép lành cuối cùng đã được thêm vào nghi thức lễ. Dần dà người ta cũng đọc thêm nhiều kinh khác trước và sau lễ. Nhiều kinh ấy vẫn còn được duy trì để dọn mình trước lễ và để cám ơn sau lễ trong sách lễ Roma. Các sách theo lễ qui Celte còn thêm nhiều kinh khác, trong đó chỉ còn kinh tôi thú tội còn sót lại cho đến năm 1964. Một số thánh Vịnh khác được cho thêm vào, như kinh Judica đầu lễ hiện nay đã bỏ, kinh Lavabo lúc rửa tay, và kinh Dirigatur trong khi xông hương. Trong một thời gian khá lâu, các Giáo Hội miền có nhiều điểm dị biệt trong những phần phụ thuộc về nghi lễ. Hiện nay lễ điển của Milan còn khác nhiều, và lễ điển của Lyon khác chút đỉnh, sánh với lễ điển của Roma. Một số dòng tu, như dòng Chartreux và Ða-minh, vẫn còn giữ mấy chi tiết mượn từ địa phương. Sau đấy còn có những điều thêm thắt khác nữa như việc giơ bánh lên sau khi truyền phép chưa được chính thức chấp nhận tại Paris trước năm 1210, việc rửa tay sau khi chịu lễ và bài Phúc âm thánh Gioan ở cuối lễ ; ngoài ra còn thêm tục lệ làm dấu Thánh Giá, hôn bàn thờ và bái quì nhiều lần. Ða số những cử chỉ thêm thắt mới kể trên đây, hiện nay không còn trong lễ điển Roma nữa.
Cho đến cuối thế kỷ XI, các bài đọc trong buổi lễ được in thành ba cuốn sách, một là sách các Bí Tích có phần lễ qui và phần chung cho mọi lễ; hai là sách các bài đọc Thánh Thư và Phúc âm; ba là đối xướng thư gồm Ca Nhập Lễ và các phần hát chung. Dần dà người ta đã ghép ba cuốn vào một cho tiện việc làm lễ tư. Thế là sách lễ bắt đầu ra đời. Về áo lễ thì các y phục hàng ngày đã dần dà trở nên áo lễ chính thức. Năm mầu phụng vụ được ấn định dưới đời đức Innocent III, mặc dầu sau đó còn mấy điểm phụ thuộc khác nữa.
Thời kỳ từ chủ nhật lễ Lá cho đến lễ Phục Sinh, đến sau mang tên là Tuần Thánh, là tuần phụng vụ đặc biệt đã tiến triển tương tự như nghi thức lễ hàng. Nghi thức trong ngày lễ Lá có nhiều xuất xứ khác nhau. Tục lệ rước Lá có từ Giêrusalem là nơi xuất tích nhiều nghi thức và nhiều tục lệ trong Giáo Hội. Nhưng nghi thức làm phép lá với những kinh riêng đọc trong dịp ấy thì sau này mới xuất hiện tại Tây Ban Nha và tại nước Franc. Người ta đã thấy tục lệ ấy tại Bobbio vào thế kỷ VIII và tại Bavière vào thế kỷ IX. Trong nghi thức Franc, chỉ có đọc kinh. Nghi thức bằng tiếng Ðức thì có lễ Misa kèm theo. Tại Roma, mãi thế kỷ XI mới thấy xuất hiện hình thức rút gọn hiện nay còn dùng trong Giáo Hội. Tục lệ gõ cửa (đã bỏ trong nghi thức mới) với ca vãn Gloria laus et honor của Théodulf người Orléans là tục lệ của nước Gaule. Vào khoảng năm 1000, người ta bắt đầu hát bài Thương Khó, nhưng mãi bốn thế kỷ sau, phần dân chúng (turba) mới được chen thêm vào giữa ba người hát. Vì vậy mà trong các sách lễ trước đấy, không có phần nào dành cho dân chúng cả.
Tuần Tam Nhật từ thứ Năm đến thứ Bảy tuần thánh là phần nòng cốt đã có từ rất lâu đời trong lễ điển Roma. Ngày thứ Sáu tuần thánh, nhất là trong nghi thức đã sửa đổi hiện nay, vẫn có lệ đọc kinh cầu và nhiều bài đọc mà không có phụng vụ Thánh Thể. Tục lệ suy tôn Thánh Giá rập theo mẫu Giêrusalem đã có từ thế kỷ VII. Quãng 50 năm sau, người ta mới cử hành phụng vụ Hilạp với bánh đã truyền phép trước. Nghi thức đã được hoàn bị và ấn định hẳn tại hai miền Gaule và Tây Ban Nha khoảng năm 900. Ðến sau mới có lệ giấu cất Thánh Giá và Mình Thánh Chúa rồi sáng ngày Phục Sinh mới đưa ra. Tại khắp Tây phương, tục lệ trên đã được thay thế bằng việc kiệu long trọng Thánh Thể và ban phép lành sau lễ ngày thứ Năm tuần thánh. Nhưng nghi thức uyên nguyên cách đây ít lâu vẫn còn duy trì tại mấy miền nước Ðức và nước Áo. Phần trung tâm ngày thứ Bảy tuần thánh, được cử hành cả ngàn năm về trước, đã được thay thế bằng nghi thức Vọng Phục Sinh. Ðây là dấu vết của phụng vụ canh thức giữa các ngày thứ bảy và chủ nhật, và phong phú hơn đêm vọng lễ Sinh Nhật. Các bài ”tiên tri” đã được đọc từ rất lâu đời. Có lẽ đây là một cách tiếp tục giờ kinh đọc trong Giáo Hội sơ khai trước giờ làm lễ. Các bài tiên tri ấy báo trước giờ kinh Ca Ngợi ban sáng. Về sau giờ kinh sáng bị bãi bỏ vì giờ kinh đã chẵn một tiếng đồng hồ rồi. Và đây là trường hợp độc nhất trong lịch phụng vụ về ngày thứ Bảy tuần thánh. Phụng vụ cổ kính này hiện nay khởi sự bằng việc làm phép Lửa mới và cây Nến Phục Sinh, là tục lệ từ nước Gaule du nhập vào Roma cuối thế kỷ VIII.
Sau khi phụng vụ Thánh Thể đã được ấn định chu đáo, kinh nhật tụng mới được phát triển. Thế nhưng việc ca hát Thánh Vịnh và đọc những bài rút ra từ Kinh Thánh vẫn là phần nòng cốt của phụng tự Kitô. Tại Roma, phần nòng cốt uyên nguyên vẫn là việc hát Kinh Chiều, nghi thức vọng lễ và Kinh Sáng (hiện nay gọi là Kinh Ca Ngợi). Việc phát triển một nền phụng vụ song song đã tiến hành rất mau lẹ giữa các giới dòng tu. Người ta đã thêm vào đó ba giờ nguyện ”ban ngày” gọi là ”ba giờ nhỏ”. Rồi cuối thế kỷ V lại thêm Kinh giờ nhất, và sau cùng là Kinh Tối.
Vào thế kỷ VIII tại Roma có chừng năm mươi tu viện, trong đó mười chín nhà dòng liên đới chặt chẽ với một hoàng đường. Bởi vậy nghi lễ tu viện cứ dần dà lấn át nghi lễ của Roma, nhưng đồng thời cũng lại áp dụng nhiều nghi thức của lễ điển ấy, như trong kinh nhật tụng của ba ngày tuần thánh. Dù sao mỗi bên vẫn giữ lại cá tính của mình, chẳng hạn như cách bố cục Thánh Vịnh và các bài đọc. Trong cả hai lễ điển người ta đọc kinh nhật tụng hằng tuần trước, rồi mới đến kinh nhật tụng của lễ ngày ấy. Cho đến thế kỷ đầu trong thời kỳ này, lịch phụng vụ rất là đơn giản. Về lễ ngoại lệ thì chỉ có lễ Sinh Nhật rồi đến lễ tương đương là lễ Hiển Linh rập theo Giáo Hội Ðông phương, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống. Vào cuối thế kỷ VII, dưới đời giáo Hoàng Serge I là vị giáo hoàng Hy Lạp đầu tiên (687-701), người ta bắt đầu mừng nhiều lễ Byzantin về Ðức Mẹ, như lễ Sinh nhật của Ngài (ngày 8 tháng Chín), ngày lễ đầu năm trước kia vẫn coi là lễ riêng của Ðức Mẹ, lễ Ðức Bà dâng Chúa Giêsu vào đền thánh (ngày 2 tháng hai), lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), và lễ Ðức Trinh Nữ Maria hồn xác lên trời (15 tháng tám). Lịch phụng vụ Roma đã phát triển rất nhiều trong thế kỷ VIII. Ðã từ lâu vẫn có lệ mừng lễ các thánh tử đạo tại nguyện đường nghĩa địa có hài cốt của các ngài. Vào giữa thế kỷ VIII, người ta nghênh đón các hài cốt ấy vào thành quốc và chỉ định những nhà thờ để tôn kính riêng các ngài. Từ đó có tục lệ mừng lễ các thánh tử đạo tại Roma, và không bao lâu sau thì cả tòa Giáo Hoàng cũng tham gia vào lễ các nhà thờ ”chặng đường” (églises des ”stations”) là nơi tụ họp để đi rước kiệu với giáo hoàng. Những lễ kính các thánh tử đạo người Roma vẫn còn nắm phần quan trọng trong lịch phụng vụ Roma. Cũng vào thời kỳ ấy, một số các thánh tử đạo khác, khá nổi tiếng từ lâu vì có cuộc tử đạo phi thường, có ngày tôn kính riêng. Trong số ấy phải kể tên thánh Tông Ðồ Anrê, thánh Laurent, thánh Cécilia, thánh Sébastien, thánh Anrê, thánh Gioan và thánh Phaolô.
Thế kỷ V và VI là thời kỳ tại Roma, người ta soạn thảo các sách Bí Tích và các sách Bài Ðọc, trong đó các lời nguyện chung là những áng văn tuyệt tác về tín lý và về âm điệu, đến nay vẫn còn được ca ngợi. Thế kỷ VII là thời kỳ những nhà chuyên môn phụng vụ đã sáng tác ra những bài đối xướng và những ứng ngữ dùng trong phụng vụ hằng ngày; đó là những công trình tuyệt tác không đời nào sánh kịp. Các tác giả đời mới không tài nào đạt được mức phong phú của kinh nhật tụng mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Thương Khó và mùa Phục Sinh. Các bài Thánh Kinh được lựa chọn một cách chu đáo. Tiếng Latinh xem ra đáp ứng hoàn toàn với nền thi phú Do Thái. Các mầu nhiệm Kitô đã gây hứng sâu xa mà vẫn giữ vẻ kín đáo. Hơn thế nữa, các nghi lễ phụng vụ đã gây xúc động tối đa nhờ các lời văn chính xác và điêu luyện. Trong mỗi vấn đề, người ta xử dụng những từ ngữ chủ chốt để làm nổi bật ý nghĩa của một bài Thánh Kinh hay của một giờ kinh, theo đúng lối hành văn của Eschyle hoặc Shakespeare. Trong các ngày chay tịnh cũng như những ngày hoan lạc, kinh phụng vụ đã làm nổi bật lên sắc thái riêng của mỗi Mùa. Các tác giả vô danh kia đã lần lượt tiếp tay nhau trong gần một thế kỷ để sáng tác kinh nguyện lễ Cầu Hồn. Họ đáng được chúng ta ghi ơn vì họ đã sáng tạo cả một chu kỳ phụng vụ phong phú hạng nhất trong truyền thống Kitô.
Các tu viện hoàng đường tại Roma và mấy thành quốc Tây phương đã gây được nhiều ảnh hưởng, nhưng không mấy lâu bền. Các tu viện ấy được lập lên tại Roma để lo riêng về phụng vụ, không có quyền hành gì và bổn phận gì trong xứ đạo; họ biệt lập với linh mục phụ trách nhà thờ và vị này cũng không có quyền hành gì trên các nhà dòng cả. Do giáo hoàng bổ nhiệm, bề trên nhà dòng thường là một giáo dân chuyên chủ việc quản trị tiền của. Các thầy dòng thường giúp việc giáo hoàng, và cũng tương tự như các kinh sĩ của nhà thờ lớn. Vào thế kỷ VII, ba nhà dòng lớn hơn cả cộng tác với đền thánh Phêrô ở Vatican. Từ nhà thờ này, được coi như ”đầu não thế giới” và là ngôi sao của khách hành hương, nghi lễ Roma đã lan tràn đi khắp Âu Châu. Benoit Biscop người Wearmouth (năm 680) và Chrodegang người Metz (754) là hai vị bề trên dòng, vì yêu chuộng nghi lễ Roma, đã cho áp dụng nguyên vẹn nền phụng vụ Roma vào nhà thờ của họ. Chrodegang, Remedius người Rouen và Pépin dụng công phổ biến nền phụng vụ ấy ra khắp Giáo Hội Gaule. Nền phụng vụ Roma có biến đổi ít nhiều từ nhà thờ này đến nhà thờ khác, và qua đời nọ đến đời kia. Nhưng Amalaire một nhà phụng vụ trứ danh dưới đời Carolingien đã ấn định cho nền phụng vụ ấy một khuôn khổ lâu dài.
Khi các nhà thờ Roma nghinh đón hài cốt các thánh tử đạo về và cử hành lễ kỷ niệm của các ngài tại đó, người ta đọc kinh nhật tụng riêng của mỗi vị thánh. Kinh nhật tụng kính các thánh được thêm vào với kinh nhật tụng của mỗi ngày. Sau dần kinh nhật tụng của mỗi ngày đã bị lơ là, nhất là vào mấy ngày lễ lớn, như lễ hai thánh Phêrô và Phaolồ. Ðến thế kỷ XIII, kinh nhật tụng mỗi ngày cũng bị chìm vào các lễ ấy. Theo lời của một nhà lịch sử trứ danh, thì giữa các năm từ 650 cho đến năm 1050, kinh nhật tụng Roma đã đạt tới mức toàn thiện không đâu sánh kịp và được duy trì lâu dài như vậy (1).
Thứ tự các thánh vịnh và các bài đọc, như chúng tôi đã nói trên kia, đã giữ y nguyên trong suốt thời kỳ Trung Cổ. Nếu có thay đổi gì trong hai nền phụng vụ triều và dòng thì chỉ là rút ngắn các bài đọc. Nhưng giữa hai lễ điển ấy vẫn có những điểm khác biệt từ lâu đời cần phải bàn đến. Kinh nhật tụng Roma trong nhiều thế kỷ không có ca vãn. Chính thánh Ambroise thành Milan là người đầu tiên đã cho thêm ca vãn vào nghi thức kitô. Từ lâu đời ca vãn không có vị trí trong nghi thức phụng vụ. Chính thánh Ambroise đã soạn thảo nhiều ca vãn vừa khó vừa hay với những vần thơ lối cổ điển. Các ca vãn được đưa lần đầu tiên vào nền phụng vụ theo kỷ luật của thánh Benoit. Hiện nay chúng vẫn giữ y nguyên hình thức cũ trong các kinh nhật khóa hàng tuần và trong các giờ nhỏ ngày lễ cũng như ngày trong tuần. Trong các tu viện và ở mấy nhà thờ triều, người ta cũng cho thêm vào mấy bài ca và mấy tiết thơ do các văn sĩ kitô đã sáng tác sau đời Constantin. Có lẽ bài ca Pange lingua của Venace Fortunat là bài đầu tiên có tiết điệu khác được đem xử dụng. Nhưng dưới thời phục hưng Carolingien thì không biết đã có thêm bao nhiêu bài mới. Những ca vãn không theo tiết điệu cổ điển cũng được chấp thuận. Có thể kể tên mấy ca vãn nổi tiếng: Ut queant laxis với lối thơ mười một âm tiết trong bài lễ thánh Gioan tiền hô, của Paul Diacre, ca vãn Nocte surgentes của ngày chủ nhật, ca vãn Ecce jam noctis, Iste Confessor rất phổ thông, ca vãn bất hủ Urbs beata Jerusalem bằng văn vần lối thơ tro-sê và ca vãn Roma félix trong điệu giăm-bích. Hình như các bài ca vãn trên đã xuất hiện lần đầu tiên trong nhà thờ các xứ đạo. Nhưng từ năm 1000 trở đi thì chúng được thông dụng khắp nơi, mặc dầu theo nguyên tắc, các hoàng đường lớn không chấp nhận các ca vãn ấy. Trước cuối thế kỷ XIII, kinh nhật tụng Roma không có bài ca vãn nào cả.
Cũng nên thêm mấy nhận xét về thời kỳ lịch sử này. Kinh Tin Kính người ta bảo là của Athanase hình như đã được đặt ra tại Tây Ban Nha khoảng năm 580 và được cho vào Kinh giờ nhất của nhật tụng ngày chủ nhật tại Bâle năm 838, dưới đời giám mục Hayto. Tại Cluny, kinh ấy được đọc hằng ngày dưới đời đức Ulric (1070). Kinh nhật tụng Ðức Mẹ (gọi là nhật tụng nhỏ) xuất hiện đầu thế kỷ XI; thánh Phêrô Damien là người đã góp phần phổ biến kinh ấy. Nhưng Roma lại không tán thành. Lúc đầu, kinh nhật tụng người chết, không dính líu gì với lễ an táng và nghi lễ an táng đã có từ trước. Roma đã sáng tác ra kinh nhật tụng ấy trong thế kỷ VIII để dùng trong đêm ”canh thức” đám tang; rồi chẳng bao lâu sau, nó đã trở thành kinh nhật tụng phổ thông khắp nơi. Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời đã được sáng tác tại Cluny do thánh Odilon đôn đốc (ngài qua đời năm 1049). Người ta thêm thắt nhiều thánh vịnh và nhiều kinh mới vào nhật tụng của dòng: như các thánh vịnh lên đền trước giờ ban chiều, các thánh vịnh thống hối trước kinh giờ nhất, thánh vịnh thân nhân (Familiares) để cầu cho cha mẹ và các ân nhân, và những kinh nhật tụng rất ngắn trong ngày lễ Các Thánh, ngày lễ kính Thánh Giá và mấy ngày lễ khác.
Như vậy, sau khi được tuần tự khai triển trong vòng sáu thế kỷ, nền phụng vụ quanh năm, những nghi thức cử hành vào các ngày và các dịp đặc biệt, các kinh nhật tụng được khuyến khích đọc theo lòng mộ đạo và các kinh cầu, đã đạt tới mức phong phú cao độ vào đầu thế kỷ XI, trước tiên trong Giáo Hội Roma, rồi đến Giáo Hội Gallican và các tu viện. Những sáng tác phụng vụ ấy đã hun đúc lòng đạo đức của giáo dân trong gần hai thế kỷ, và giữ y nguyên khuôn khổ cũ cho đến cuộc cải cách của giáo hoàng Sixte V, và cho đến các vụ thay đổi tận căn của năm mươi năm mới đây. Những hướng cải cách phụng vụ mới đây đã đạt tới tuyệt đỉnh tiến hóa nhờ vào việc dùng tiếng địa phương, và việc phục hưng thánh lễ đồng tế mà công đồng Vatican II đã cho phép.
Rất khó lòng trình bày đầy đủ lòng sùng kính Thánh Thể trong thời Trung Cổ, vì các tài liệu, các huấn giáo và những lời khuyên răn quá tản mát và không ăn khớp với nhau. Dù vậy vẫn có thể chia các tín hữu ra làm ba loại: các dòng chiêm niệm nam nữ, các giáo sĩ không có bổn phận dâng lễ và các giáo dân.
Về phía các tu sĩ ở miền Trung nước Ý thì ở giữa thế kỷ VI, hình như các tu viện tuân giữ luật Regula magistri: mỗi chủ nhật, linh mục đến nhà nguyện dâng lễ và truyền phép đủ số bánh để mỗi ngày bề trên cho cộng đoàn rước lễ (2). Có điều chắc chắn, theo tinh thần luật dòng thánh Benoit, việc năng rước lễ và rước lễ hằng ngày là một thông lệ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy linh mục dâng lễ mỗi ngày. Vào thời kỳ Carolingien, Théodulf người Orléans căn dặn nên rước lễ hằng ngày. Vào thế kỷ XI, các tu sĩ nước Anh giữ luật Regularis concordia (khoảng năm 970) buộc rước lễ hằng ngày. Một thế kỷ sau, hiến chương do Lanfranc soạn thảo cho các thầy dòng Cantobery lại không nói gì đến việc rước lễ. Năm mươi năm sau, luật Sixte khuyến khích các tu sĩ không có chức thánh nên rước lễ hằng tuần mà đặc biệt ngày chủ nhật. Vào thời kỳ ấy, người ta đã truyền chức thánh cho các thầy dòng phải giữ giờ kinh nguyện chung. Các bộ tập quán nhà dòng cho phép làm lễ hằng ngày. Thật ra, trong thế kỷ XI, có bằng chứng cho thấy các linh mục làm nhiều lễ một ngày chỉ vì lòng đạo đức. Vào giữa thế kỷ XIII, khi nói đến các nhân đức của thánh Thomas d'Aquin, người ta bảo nhà thần học dâng lễ hằng ngày. Các linh mục coi xứ phải làm lễ các ngày chủ nhật và lễ trọng. Các tu sĩ được khuyến khích năng đi rước lễ. Nhưng thật ra không biết rõ thực trạng thời ấy như thế nào.
Còn giáo dân thì sao? Theo bằng chứng của thánh Bède (khoảng năm 730), giáo dân tại Roma rước lễ hằng ngày. Ngài đã khuyên đệ tử của ông là Egbert ở York, giữ theo tục lệ ấy. Nhưng dưới thời Carolingien, các công đồng miền đã ra những chỉ thị khác nhau và về những điểm tùy phụ. Năm 813, tại Tours, người ta ấn định là phải rước lễ ba lần trong năm (lễ Sinh Nhật, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống). Tại Aix-la-Chapelle (năm 836) người ta khuyên nên rước lễ các ngày chủ nhật. Trong thế kỷ XI và XIII, có luật buộc phải rước lễ mỗi năm ba lần, và có khi thêm lần thứ bốn vào ngày thứ Năm Tuần Thánh. Công đồng thứ IV tại Latran, thay vì canh tân thì hình như đã thụt lùi, vì chỉ đề cao nguyên việc rước lễ mùa Phục Sinh mà thôi. Nếu quan sát các điều khuyên răn mà không để ý đến các chỉ thị và các công đồng chung, thì người ta thấy rằng Phêrô Damien khuyên các giáo dân đạo đức nên rước lễ hằng ngày. Ðức Grégoire VII, trong một bức thư hiếm có gửi cho con đỡ đầu là bà bá tước Mathilde, khuyên bà nên chăm chỉ rước lễ và rước lễ hằng ngày. Cũng như nhiều vị khác, ngài đã nại đến uy tín của thánh Gioan Chrysostome và của các giáo phụ khác. Ngài trưng ra câu nói thông dụng của thánh Augustin: ”không nên ca tụng mà cũng không đàm tiếu người rước lễ hằng ngày”. Phêrô Lombard lại khuyên nên rước lễ hằng ngày. Thánh Thomas, cũng như thánh Albert và thánh Bonaventure, lại đưa ra một giáo huấn mà sau này đã trở thành truyền thống, là đối với các giáo dân sùng đạo sống theo sự hướng dẫn của một vị linh hướng, thì việc chịu lễ hằng ngày là điều hợp pháp và đáng khích lệ. Thánh Thomas và mấy vị khác, lý luận là phép Thánh Thể, chiếu theo kinh Lạy Cha, là bánh hằng ngày, nên không được rước lễ quá một lần trong ngày. Các ngài không dùng những lý luận phụng vụ thông thường, chủ trương rằng: bất cứ ai đi dự lễ, đều có thể rước lễ, trừ phi đang mắc tội nặng. Như ta đã thấy, thế kỷ XIII đã làm phát triển lòng sùng kính đối với phép Thánh Thể dưới hình bánh rượu. Nhưng điều đó không vị tất thúc đẩy người ta đi rước lễ nhiều hơn. Có những bằng chứng khác cho thấy là trong thế kỷ XIV và XV, người ta chẳng những không năng rước lễ, mà còn rước lễ ít hơn. Tác giả ”Sách gương phúc” dành hẳn một thiên bàn về lòng sùng kính phép Thánh Thể đến sau thành cổ điển: đó là chủ trương vào thời kỳ ấy, người ta năng đi rước lễ, chứ không rước lễ hằng ngày. Chúng ta biết là vào đầu thế kỷ XVI, nhiều người, như Thomas More, chỉ rước lễ mỗi khi gặp điều bất trắc quan trọng.