CHƯƠNG XI
BỘ GIÁO LUẬT TỪ DENYS LE
PETIT ÐẾN YVES DE CHARTRES
CHƯƠNG XI
BỘ GIÁO LUẬT TỪ DENYS LE
PETIT ÐẾN YVES DE CHARTRES
Lúc Giáo Hội kitô đã trở nên một giáo đoàn công khai và có tổ chức dưới đời Constantin I, người ta dần dà cảm thấy phải có một khuôn khổ pháp lý để xác định quyền bính và các hoạt động khác. Tại các tỉnh miền Ðông thì nhu cầu ấy được giải quyết rất nhanh khi người ta thấy cần thiết. Thật ra các đại công đồng và những công nghị miền đã công bố những luật lệ để trấn yên đời sống của Giáo Hội. Mặt khác, các bộ luật và những chiếu chỉ của triều đình, nhất là từ thế kỷ VI trở đi, nhìn nhận Giáo Hội như tổ chức nòng cốt của xã hội và đã ra những khoản luật dành cho Giáo Hội một qui chế ưu biệt. Từ đó trở đi, tại Ðông phương, mỗi khi nói đến tổ chức và hoạt động của Giáo Hội thì giáo luật đã trở nên thành phần của bộ dân luật do chính hoàng đế hay do công đồng được hoàng đế chấp nhận công bố.
Tại Tây phương, tình thế lại khác. Cũng như ở Ðông phương, các đại công đồng hay công nghị miền giải thích và quảng bá các tục lệ cũ. Nhưng từ thế kỷ IV trở đi, các giáo hoàng đã gây được uy thế bằng cách gửi các công văn hay thư chung để quyết định, hay để trả lời những điều người ta hỏi (điều đó dần dà đã đổi thành các ”giáo lệnh”. Văn kiện cổ kính nhất còn giữ được là tài liệu của đời giáo hoàng Sirice vào các năm 384-398). Các thế hệ sau đã thừa nhận giá trị các quyết định ấy, bao lâu chúng chưa bị các chỉ thị khác bãi bỏ. Hơn nữa, trong các văn thư, các giáo hoàng khẳng định quyền tối thượng của mình về vấn đề kỷ luật và luân lý, và đặc ân được can thiệp vào các vụ kiện tụng của những Giáo Hội khác.
Trong một thời gian lâu dài, nguồn mạch quyền giáo luật vẫn chưa được minh định. Dưới triều đại của Théodoric, người đã chứng kiến mức phát triển hùng mạnh của giới Roma về triết lý, phụng vụ và kỷ luật, một phong trào phục hưng giáo luật đã phát triển. Phong trào ấy đã kết tinh vào công việc của một cha dòng người Scythe tên là Denys le Petit (Dionysius exiguus). Ông đã sưu tầm các chỉ thị của công đồng và các giáo lệnh vào cuốn sách gọi là Dionysiana. Sách này đã làm nền tảng cho bộ giáo luật Tây phương về sau. Trong nhiều thế kỷ kế tiếp, tại Ðông phương cũng như Tây phương, bộ giáo luật đã dò dẫm theo nhiều đường lối khác nhau. Tại Ðông phương, bộ luật của Justinien đã thu hút và hệ thống hóa tất cả các thể chế dân sự cũng như tôn giáo. Tại Tây phương, các bộ luật Roma được đem ra áp dụng tại Ý và tại nước Gaule. Nhưng phong trào ấy đã bị gián đoạn lúc nền văn minh Roma sụp đổ. Tuy giáo hoàng Grégoire I đã công bố nhiều chỉ thị và đã gây ra tiền lệ trong mấy phạm vi, ngài không phải là người đã thống nhất hóa bộ giáo luật. Vào thời kỳ này, các bộ luật Roma do Denys hay các nhà giáo luật khác thu thập, cũng như nhiều bộ luật Gaulois khác, vẫn còn là những mớ tư liệu lộn xộn. Chỉ nguyên có Giáo Hội Tây Ban Nha, mới nổi bật sắc thái thống nhất và Ðức Tin truyền thống, mới liên tục tổ chức các công đồng và công bố những bộ luật, như cuốn Hispania (khoảng năm 633) với nhiều bản dịch khác nhau. Nhiều bộ sắp đặt các tiết mục theo nguồn tư liệu, và trong mỗi tiết, lại rất chú trọng đến thứ tự niên đại. Như vậy, giáo luật đi dần đến một tổng hợp pháp lý dựa theo lý trí. Vào thời đầu đờiTrung Cổ, bộ luật Tây Ban Nha nổi tiếng là phong phú nhất. Bộ sách ấy gồm có những khoản luật của các công đồng và nhiều tư liệu khác không được Denys xử dụng.
Cũng vào thời kỳ ấy, rất nhiều sách vở nói về các việc đền tội tại Giáo Hội Celte, là nơi quyền của giám mục không mấy phổ thông và là nơi người ta coi lý tưởng dòng tu như tiêu biểu cho đời sống đạo đức. Theo nguyên tắc, các sách nói về việc đền tội không liên hệ gì với các khoản luật. Mục đích của tác giả là để giúp linh mục ngồi tòa giải tội, nhất là để cho ngài biết phải sửa phạt theo loại nào, và phải bắt đền tội làm sao. Nhưng vì chưa có những chỉ thị chính thức, các sách nói về việc đền tội bao trùm cả các mục luân lý và kỷ luật, chẳng hạn như vấn đề huyết tộc và ngăn trở hôn phối, các vụ kết hôn bất hợp pháp, những thể lệ về việc lãnh nhận các bí tích. Vì các sách đền tội ấy đáp ứng vào những nhu cầu hiện hữu của một Giáo Hội nhiệm nhặt và năng rước lễ, nên những người di cư từ hải đảo đã phổ biến chúng vào lục địa cùng một lúc với lý tưởng dòng tu Celte. Ðây chỉ là những ý kiến cá nhân nên chúng rất khác nhau, trong cả những vấn đề quan trọng, và có khi còn đối lập với nền giáo lý và đường lối thực hành tại Giáo Hội lục địa, chẳng hạn như người đã kết bạn mà vô tội thì được phép ly dị và lập gia đình lại. Bởi vậy, vào cuối thời Mérovingien, giới răn và lối xử sự thực tế rất lộn xộn tại Âu Châu, ở phía Bắc và phía Tây dãy núi Alpes. Trái lại ở Roma, ở Milan và tại những ”thành quốc” cổ khác, người ta vẫn tôn trọng giáo luật cũ. Tại nước Gaule thì người ta cho lưu hành những bộ giáo luật đã được sửa chữa ít nhiều, cùng với bộ luật Hispana và các sách đền tội. Vì không còn tục lệ họp công đồng chung hay công nghị miền, và vì tổ chức tòa giám mục không còn chặt chẽ, nên tình thế càng thêm rối ren. Charlemagne lưu ý đến tình trạng ấy; ông coi đó như những căn cớ làm mất trật tự trong đế quốc. Hoàng đế xin đức Adrien I giúp đỡ trong việc này. Năm 774, giáo hoàng gửi cho hoàng đế một bản luật Dyonysiana. Năm 802 hoàng đế cho công bố luật ấy tại Aix-la-Chapelle để áp dụng trong cả đế quốc. Món quà Dyonysiana đánh dấu một chặng đường dài. Từ đấy trở đi, đế quốc Carolingien đã tìm ra cơ sở giáo luật trong một cuốn luật ngắn và thực tiễn, tóm tắt kỷ luật cũ của Roma. Bên cạnh bộ luật Dyonysio-Hadriana, còn có bộ luật Hispana soạn thảo trong thế kỷ VII với nhiều điều phụ thêm, đó là cuốn Dacheriana, rút từ tên của nhà xuất bản trong thế kỷ X, tức là Luc d'Achery. Hai nguồn tài liệu trên đã cấu kết nên nền pháp lý Tây phương và Roma.
Khi bộ luật trên vừa được phổ biến rộng rãi trong đế quốc Carolingien, thì lại thấy xuất hiện những bộ sách mệnh danh như những tập Giáo lệnh giả (Fausses Décrétales) hay Giáo lệnh ngụy-Isidoriennes (1). Mỗi người đánh giá các tác giả ấy một cách khác nhau. Dù sao các tập Giáo lệnh giả vẫn là bằng chứng mạnh mẽ về trình độ trí thức của các tư tưởng gia thế hệ thứ hai thời Carolingien. Các bản văn ấy đã lần lượt được thanh lọc khỏi những thành kiến thủ cựu, tranh chấp, dã sử. Chỉ có thể hiểu được các văn kiện ấy khi đã am tường những hoàn cảnh thai nghén chúng ra. Ðối với Charlemagne, đế quốc là thành quốc của Thiên Chúa trên trái đất do chính Thiên Chúa quản trị và có hàng giáo sĩ phục vụ. Dưới quyền yếu kém của Louis le Pieux, quan niệm ấy lại được các giáo sĩ có học lực và ý thức về thời đại nghiên cứu lại. Từ đó mới có sự thay đổi chiều hướng quan trọng: hoàng đế bắt đầu phục vụ các giám mục và nhất là các tổng giám mục, vì các ngài là những vị thủ lãnh thực thụ trong thành quốc của Thiên Chúa. Thế nhưng vấn đề chính yếu và trực tiếp được hàng giáo sĩ đặt ra trong thời kỳ nhiễu nhương ấy là duy trì chính bản thân các giáo sĩ và tài sản của Giáo Hội, để thoát vòng chuyên chế của giáo dân. Vả lại các giám mục cũng ý thức về mức đe dọa của các tổng giám mục nhiều thế lực. Một số nhỏ giáo sĩ hoạt động và có khả năng đề xướng một bộ dân luật và giáo luật để bổ khuyết cho các luật lệ sẵn có. Công việc của họ gồm bốn bộ sách chính: đó là bản dịch thêm thắt và bóp méo bộ luật Tây Ban Nha gọi là Hispana d'Autun vì nó khởi điểm từ một thủ bản thời danh, cuốn Capitula d'Angilramne, cuốn Chiếu chỉ giả và cuốn Giáo lệnh giả. Cuốn Capitula d'Angilramne là một tập khái luận ngắn gọn, bàn về tố tụng hình sự cho các giáo sĩ mà người ta bảo Adrien I là tác giả. Cuốn Capitula giả dĩ nhiên là do Benoit người Mayence biên soạn. Cuốn này thêm thắt nhiều điều vào lề luật của Charlemagne và của Louis le Pieux, cốt để tăng gia quyền hành và tự do cho các giáo sĩ, và để bổ khuyết các chiếu chỉ trung thực do Anségise biên soạn theo như ý ông muốn. Cuốn Giáo lệnh giả là tập quan trọng nhất và gây nhiều ảnh hưởng hơn cả, người ta bảo là do Isidore Mercator (tức là Isidore người Séville) đã biên soạn. Cuốn này bàn về tự do của Giáo Hội, nhưng thực ra là nói nhiều hơn về các năng quyền của giám mục giáo phận, và nhân đó, nói đến quyền hành của giáo hoàng là vị nắm giữ tài thẩm hoàn toàn, trực tiếp, tối hậu, tổng quát và cá nhân trên toàn thể Giáo Hội. Các năng quyền ấy được đem trình bày trong hai loạt thư ngụy tạo, bảo là của các giáo hoàng đời trước, từ đời đức Clément I đến đời đức Miltiade và từ đời đức Sylvestre I đến đời đức Gioan III. Nội dung của bốn bộ luật trên không đồng đều nhau; có những phần tương đối trung thực với những đoạn trích được chú giải cho rõ nghĩa hơn; có những phần thì bịa đặt hoàn toàn. Vì thời ấy không có người nào bình luận các văn kiện trên, hay đặt nghi vấn về các tác giả, về lý do tại sao họ đã biên soạn như vậy, hoặc về niên đại của chúng, nên các nhà sử học có óc phê bình tha hồ nêu lên các giả thuyết. Một khi am tường các hoàn cảnh thời ấy thì lúc phân tách nội dung, người ta có thể biết chúng được biên soạn vào thời điểm nào. Có giả thuyết cho là một nhóm giáo sĩ muốn giải tỏa Giáo Hội khỏi vòng lấn át của các lãnh chúa, và đồng thời muốn cứu vãn kỷ luật của Giáo Hội khỏi những khuynh hướng dị thường của nền Kitô Celte. Họ nhấn mạnh đến quyền dành cho giáo sĩ được xét xử trước tòa án tôn giáo, và quyền của các giám mục được khiếu nại sang Tòa Thánh, khi có sự bất bình với vị tổng giám mục của mình. Một trong những điểm nổi bật về tư tưởng của họ là đề cao quyền bính, về các đặc quyền và về quyền tối thượng của Ðức Thánh Cha. Có điều chắc chắn là các giới tại Roma không tham dự vào việc soạn thảo mấy tài liệu ấy, và họ cũng không nghe biết gì về vấn đề này cả. Người ta đề cao chức giáo hoàng và nhấn mạnh đến các đặc quyền của Tòa Thánh với dụng ý bao che hàng giáo sĩ khỏi bị thế quyền đang bành trướng lấn át.
Không có bằng chứng chắc chắn cho biết các văn kiện ấy xuất xứ từ đâu. Sau khi đã đồng ý là Roma không dính dấp vào những tập đó, các nhà nghiên cứu hiện đại giả định ba nơi được coi là đất dụng võ của các tác giả: Reims, Le Mans và triều đình Aix-la-Chapelle. Tại Reims, một loạt bút chiến của Hincmar, vị tổng giám mục tên tuổi, cho thấy cuốn Giáo lệnh giả là hữu ích. Thành phố Le Mans là một địa phận đang bị công tước Nominoe người Breton lấn át. Hoàng triều thì đang thu dụng một số giáo sĩ thông thái và ý thức về phong trào tục hóa. Ða số các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng vụ việc đã xảy ra đặc biệt tại Reims. Nhưng không đủ lẽ để gạt bỏ triều đình. Bất cứ họ là ai, các tác giả chỉ là một nhóm nhỏ, làm việc rất nhanh chóng, có đủ tài liệu văn chương và giáo luật, có phần trung thực, có phần ngụy tạo. Họ là những người có nhiều óc phán đoán trong việc lựa chọn các văn kiện và trong lối hành văn. Nếu cuốn Các Chiếu Chỉ đã dựa theo những văn kiện có trước để cấu thành, đem sửa chữa và thay đổi ngày tháng, thì bộ Décrétales là hoàn toàn bịa đặt. Tác giả sách này đã dụng ý khoác cho nó một bộ mặt thật, bằng cách dựng đứng lên những tài liệu liên hệ đến thần học và các môn khác, mà thật ra chúng không dính líu gì với chủ đề. Ðọc kỹ nội dung, người ta nghĩ rằng tập này đã được soạn thảo vào khoảng năm 850.
Một khi đã nắm được các hoàn cảnh lịch sử thời ấy, người ta có thể nói rằng các văn kiện ngụy tạo kia đã thành công mỹ mãn, đã được trọng dụng trong bảy thế kỷ tiếp theo. Nhiều tác giả hiện đại đặt vấn nạn về những tài liệu ngụy tạo khác, phổ biến cùng một thời đại. Nhưng một khi các văn kiện ấy được lưu hành, thì không ai dám chỉ trích, vì thời ấy là như vậy. Không có bằng chứng gì để nói các văn kiện ấy không đạt được mục đích đầu tiên, là bảo vệ hàng giáo sĩ trong thời đế quốc đang suy mạt trên nhiều bình diện, và Roma không biết lợi dụng đủ thời cơ quí giá ấy. Quả thực, Hincmar và Nicolas I đã xử dụng tác phẩm của Isidore một cách khôn khéo. Dù sao mấy bộ sách ấy đã dần dà được phổ biến. Riêng cuốn Giáo lệnh được người ta chép đi chép lại nhiều lần. Có điều chắc chắn là các giới Roma không phải là tác giả của các văn kiện ngụy tạo, nên họ xử dụng chúng rất chừng mực. Mãi hai thế kỷ sau, nhóm người thân cận của giáo hoàng và có đầu óc canh tân mới khai thác nhiều các tài liệu trên trong việc tranh đấu bảo vệ quyền lợi giáo sĩ. Kể từ đó, chính các giáo hoàng cũng dùng các văn kiện giả của Isidore. Vào thời kỳ ấy không ai minh chứng được rằng chúng là ngụy tạo và cũng chẳng ai đặt vấn nạn. Những đoạn hấp dẫn, độc đáo và không rõ xuất tích, lại được chép ra và phổ biến khắp nơi, được chen thêm vào các sách đã có sẵn, trước khi được đức Gratien công bố thành giáo luật.
Toàn bộ các văn kiện ngụy tạo trên đã thành một bộ sách lớn và có nhiều thành công nhất trong thờiTrung Cổ. Bộ sách đã được xuất bản không phải để bao che các tham vọng của tòa Giáo Hoàng, như người ta vốn nói. Các văn kiện ngụy tạo đó không tạo thêm một quyền lợi nào cho tòa Giáo Hoàng, ngoài những quyền bính đã được minh định từ trước bởi các giáo hoàng tên tuổi, tức từ Léon I cho đến Nicolas I. Mặc dù ngừơi ta thấy các văn kiện ấy tại Roma ngay từ năm 854, và đã được Anastase người thủ thư viện xử dụng, chúng không gây ảnh hưởng nào trên các luồng tư tưởng và các biến cố. Người ta vẫn bảo rằng: các tác giả dụng tâm củng cố nền giáo lý truyền thống và quyền tối thượng của ngôi giáo hoàng, hầu duy trì quyền lợi riêng của họ. Họ đã không sáng nghĩ ra ý thức hệ, ”nhưng chính những chiếu chỉ họ đã bịa đặt làm chứng họ có ý thức hệ”. Trước và sau khi các chiếu chỉ ngụy tạo được công bố, tòa Giáo Hoàng vẫn biện minh quyền lợi của mình một cách cương quyết mà không dựa vào ai cả. Thế nhưng, có nhiều điểm về thủ tục kiện tụng, chẳng hạn như quyền mọi người được khiếu nại sang Roma, việc gia tăng đặc ân về tòa án (Privilegium fori), tức là quyền các giáo sĩ được xét xử bởi tòa án đạo, việc che chở các tội nhân cho khỏi bị hành hung hay khỏi bị tước đoạt tài sản trước khi có án lệnh, thì sắc lệnh giả chẳng những đã xác nhận mà còn làm cho chúng trở thành tục lệ giáo luật.
Trong vòng hai thế kỷ, kể từ khi có các văn kiện giả của Isidore cho đến thời cải cách đời Grégoire, một số sách quan trọng khác đã ra đời. Chúng giống nhau về chỗ dài dòng văn tự, thiếu trật tự, góp nhặt được đến đâu là xử dụng hết. Có thể kể tên bộ sách tặng Anselme (Collectio Anselmo dedicata)khoảng năm 885-990 gồm những đoạn mạo danh, với chủ đích bênh vực giáo hoàng, hoàn thành tại Milan hay gần đó; còn có bộ của Abbon người Fleury (khoảng 990) cũng theo khuynh hướng ấy; nhưng nhất là tập Chiếu chỉ (Decretum) của Burchard giám mục thành Worms (biên soạn vào các năm 1008-1012). Ðây là một bộ sách giầy cộm và đã gây nhiều ảnh hưởng, góp nhặt từ khắp phía, nhất là từ tập Chiếu chỉ giả. Chính Burchard đã sửa đổi tập chiếu chỉ giả và thêm thắt rất nhiều vào đấy. Tác giả đứng vào địa vị một nhà cải cách quan tâm nhiều đến nền tự do của Giáo Hội, đồng thời với tư cách là bạn của Otton III và Henri II; Burchard vừa đề cao quyền tối thượng của giáo hoàng về phương diện giáo lý và thẩm quyền, nhưng đồng thời lại bảo chính bản thân của giáo hoàng thì không mấy quan trọng. Ngài chủ trương giám mục địa phận là dường cột của xã hội về tinh thần và về thế quyền. Trong khi tố giác nạn tục hóa, ngài chấp nhận quyền sở chủ của giáo dân trên các nhà thờ (Eigenkichen). Thật ra Burchard là một nhà cải cách thành thực, muốn canh tân các thể chế xã hội từ bên trong. Sách của ông có rất nhiều khía cạnh chủ quan. Tác giả đã bỏ qua hết các tài liệu nói về quyền tối thượng của Roma. Những đoạn nào không hợp ý ông thì ông bỏ đi, sửa đổi hay thêm thắt vào. Thế nhưng con người của ông, địa vị của ông trong đế quốc và tầm mức cuốn sách đã quảng cáo cho các điều ông viết, suốt một thế kỷ.
Thế hệ sau Burchard đã chứng kiến một cuộc biến chuyển sâu xa. Các nhà cải cách sau này mệnh danh là ”Nhóm canh tân Grégoire” (Parti de la Réforme grégorienne) góp nhặt trong kỷ luật cũ của Roma những công thức và những đoạn văn làm nòng cốt cho chương trình của họ. Họ khảo cứu tất cả các công văn tại nước Ý để thu thập các điều mà các giáo hoàng và các công đồng đã công bố. Việc sưu tầm này đã giúp khám phá ra rất nhiều tài liệu để soạn thảo và phê bình môn dân luật và giáo luật theo trình độ đại học. Trong số các tài liệu đã khám phá ra, phải kể đến những cuốn sách Authenticum, Pandectes và Novelles của Justinien. Nhưng đối tượng đầu tiên của các nhà cải cách là muốn thu thập hồ sơ để giải quyết các vấn đề của thời ấy, như quyền tối thượng của giáo hoàng, nền độc lập của Giáo Hội và vấn đề độc thân của các linh mục. Trước và sau khi lên làm giáo hoàng lấy tên là Grégoire VII, hồng y Hildebrand đã thúc đẩy một số vị đồng nghiệp sưu tầm tài liệu và soạn thành sách. Một trong những bộ đầu tiên là cuốn ”Toàn bộ 74 tiêu đề” (Collection des 74 titres)(khoảng năm 1050) là cuốn thu góp các tài liệu để biện hộ cho quyền lợi của giáo hoàng, trong đó có nhiều đoạn do đức Grégoire cả lựa chọn và lấy trong tập Chiếu chỉ giả. Về sau cuốn sách này được liệt chung vào nhiều bộ sách khác. Còn có nhiều bộ sách sưu tầm tỉ mỉ hơn nữa. Trong các bộ này có thể kể tên các sách của Anselme người Lucques (khoảng năm 1083), của hồng y Deusdedit (khoảng năm 1087) và của Bonizo giám mục thành Sutri gần Plaisance (1085). Hai tác giả trên là những vị gắn bó với cuộc cải cách của Grégoire. Bonizo có óc quá khích. Tác phẩm của Anselme thì loại trừ tất cả các yếu tố liên quan tới văn hóa Celte, Franc và Germanique khỏi giáo luật và cho vào đấy các sắc lệnh của Roma trước kia chưa được xử dụng. Anselme thẳng thắn nêu ra những lời tuyên bố của giáo hoàng lên án việc mại thánh, cấm các linh mục lập gia đình và không chấp nhận cho tư nhân làm chủ các tài sản tôn giáo. Hồng y Deusdedit thì tập trung vào địa vị tối thượng, vào các năng quyền và tài sản của Roma. Cuốn Lời quyết định của giáo hoàng (Dictatus papae) mà Grégoire dùng làm chương trình cải cách, dựa vào công trình của các tác giả nói trên và có lẽ ngài đã nâng đỡ họ.
Mặc dầu đã gây được nhiều ảnh hưởng, những bộ sách vừa kể trên không giập tắt hẳn được mọi chống đối. Nhiều người vẫn tiếp tục dựa theo Burchard và các người đi trước ông, hay trưng dẫn những bản văn có xu hướng bảo hoàng để chống đối. Các nhà giáo luật gây ảnh hưởng nhiều tại miền Bắc nước Ý, tại Pháp và ở phía Tây nước Ðức. Phe của giáo hoàng cũng như phe của hoàng đế và ít người trung lập chép nguyên văn các bộ sách trên mà không để ý trình bày với tính cách khoa học. Chẳng hạn như Lanfranc là giáo sư tại Bec và là nhà cải cách mà không đứng hẳn về phe giáo hoàng hay phe của hoàng đế; ông soạn cuốn sách thông dụng gồm các tài liệu lấy trong bộ Dionysio-Hadriana và cuốn Pseudo-isidoriennes để dùng vào việc canh tân Giáo Hội Anh.
Vào cuối thế kỷ lại có sự thay đổi với Yves người Chartres (làm giám mục từ 1091 đến 1110). Chúng ta sẽ nói đến đức cha Yves nhiều hơn ở một đoạn sau. Trong những năm mới lên chức giám mục, (khoảng các năm 1093 đến 1094) ngài đã soạn mấy cuốn sách. Ðầu tiên là cuốn Chỉ thị (Decretum) góp nhặt rất nhiều từ các tư liệu của Burchard, từ các văn kiện pháp luật Carolingien và từ nhiều nguồn tư liệu khác nữa. Ngài cũng dựa theo các nguồn tư liệu ấy soạn ra cuốn bách khoa giáo luật, vắn gọn, theo phương pháp khoa học và rất được trọng dụng, mang tên là Panormia (khoảng năm 1095). Yves nổi tiếng về nhiều phương diện. Theo bẩm sinh và theo lựa chọn, ngài là một người ôn hòa. Theo nguyên tắc thì ngài làm việc như một chính trị gia. Với những mối bận tâm cụ thể trong xã hội thời ấy. Ngài chủ trương phải tôn trọng lẫn nhau và tương trợ giữa quyền đời và quyền đạo, và như vậy, cần biết nhân nhượng trong những điểm ngoại phụ. Giáo hoàng Urbain II đương chức thời ấy cũng đề ra những kết luận tương tự, khi ngài xử dụng quyền miễn xá và nhìn nhận có thứ luật bất biến, có thứ luật tu chính được. Thời kỳ ấy, trào lưu thần học của Pháp bàn về các Bí Tích cũng góp phần nhiều vào phạm vi giáo luật. Với những phương pháp biện chứng và phê bình, các trường phái bắt đầu ấn định những nguyên tắc tổng quát cho các khoản luật và gạt bỏ những mâu thuẫn giả tạo. Ðiều chắc chắn, đức cha Yves đã xử dụng phương pháp sic et non (quyết đoán) một hai thập niên trước khi có bước mở đầu trứ danh của Abélard. Bộ dân luật đã tiến triển rất nhanh vào thời kỳ ấy. Người ta dùng kỷ luật lý trí để tổ chức kỹ thuật và dạy học. Các khuynh hướng lịch sử thời ấy, những yêu sách trong việc đổi mới tòa Giáo Hoàng và các tòa Giám Mục trong khắp đế quốc, những vụ tranh chấp giữa các luật gia, tình trạng lộn xộn của các tài liệu, tất cả những cái ấy kêu gọi đi đến việc lý trí hóa. Gratien là một linh mục dòng và là giáo sư tại Bologne, đã tìm ra câu giải đáp cho các nhu cầu trên.