CHƯƠNG X
NỀN THẦN HỌC, 600 - 1050
CHƯƠNG X
NỀN THẦN HỌC, 600 - 1050
Người ta vẫn tưởng thời kỳ từ đời giáo hoàng Grégoire I cho đến phong trào phục hưng thần học cuối thế kỷ XI, là thời kỳ khô chồi về lý trí và thần học. Thật ra, từ đời Grégoire Cả cho đến Anselme không có nhà thần học nào xuất sắc. Ít lâu sau năm 1000, trước khi trường phái thần học Chartres thắng thế, khoa thần học vẫn chưa có một hệ thống rõ rệt. Nhưng thời kỳ ấy đã có nhiều vụ tranh chấp thần học ghi ấn tượng vĩnh viễn trên nền tín lý Tây phương, và đạo Kitô đã chịu ảnh hưởng sâu rộng của các biến chuyển ấy. Thoạt tiên, trong vòng bốn thế kỷ, bí tích Giải Tội đã được ấn định trong hình thức chúng ta thấy ngày nay, và đã lan tràn khắp Giáo Hội Tây phương, rồi đến việc xuất hiện tục lệ ân xá vào cuối thời kỳ ấy, là vấn đề liên hệ đến phép Giải Tội.
Thật khó khăn khi phải viết về lịch sử của bí tích Giải Tội. Không có phép bí tích nào đã phát triển về hình thức một cách quyết định như thế. Kỷ luật đền tội của Giáo Hội cổ xưa được đem áp dụng tại Roma một cách công khai và trịnh trọng. Người ta áp dụng luật đền tội vào những tội rất nặng và chỉ cấp chứng chỉ được tha tội một lần thôi. Hối nhân chỉ được thâu nhận vào cộng đồng Giáo Hội một lần thứ hai nữa và cũng là lần chót. Dần dà tục lệ ấy đã bị đào thải. Nó được thay thế bằng việc xưng tội tư kín và lặp lại nhiều lần. Cả tội nặng cũng như tội nhẹ đều được tha hết. Như vậy việc giải tội đã trở nên một trong những công việc mục vụ chính yếu của cha sở. Ðã phải mất gần năm thế kỷ (500-1000) tục lệ ấy mới tiến triển và ổn định hẳn. Ðây là một trong những giai đoạn lạ thường nhất trong cách sống đạo đức của người công giáo. Dựa theo các tài liệu đứng đắn và xa xưa, người ta được biết tại Giáo Hội Tây phương cổ đại, chỉ có một hình thức tha tội độc nhất (trong vấn đề này, tục lệ đã được ấn định nhanh hơn tại Ðông phương nhưng không rõ rệt như vậy): đó là việc xưng tội hằng năm của các tội nhân vào dịp Mùa Chay. Họ là những người đã phạm hai thứ tội giết người và ngoại tình. Ðối với các tội ấy, ngoài việc ăn chay và phải hạ mình cách công khai, linh mục có thể buộc người ta phải làm việc đền tội nặng nhẹ tùy nghi. Kỷ luật ấy chỉ áp dụng được tại những cộng đồng bé nhỏ và khi người ta có lòng thành thực, như ở Ý và ở Phi châu trước đời Constantin. Cũng như nhiều tục lệ khác, lối xưng tội ấy vẫn còn tiếp tục theo một biến thể khác, cho dù khi mọi người đã tuyên xưng Ðức Tin, và cả khi rất đông người không đồng đều về mức đạo đức đến hội họp nhau trong những nhà thờ tại các thành quốc. Cả trong những trường hợp ấy, dĩ nhiên người phạm các tội nặng ngày trước chỉ được Giáo Hội cổ truyền tha sau khi đã làm việc đền tội công khai. Thật ra, không nhất luật buộc phải đền tội như vậy. Số người phạm tội nặng mà không dự việc đền tội chung càng ngày càng đông. Cho dù có hoàn hảo mấy đi nữa, lối xưng tội ấy có nhiều điều bất tiện; người ta chỉ được tha công cộng có một lần mà thôi, và khi đã tái phạm lần thứ hai thì phải đợi đến giờ chết mới được tha nữa; các giáo sĩ lại không được tha như vậy. Người ta thích thói quen xưng tội kín hơn. Thói quen này ra đời cùng một lúc với tục lệ xưng tội công khai. Thế nhưng không có tài liệu nào minh chứng điều ấy. Bởi vậy nói rằng thói quen xưng tội riêng đã có từ thế kỷ thứ IV và thứ V không chắc là đúng hẳn.
Chính chế độ tu trì nhiệm nhặt tại Ai Cập đã thay đổi chiều hướng. Người ta cho rằng xưng các tội riêng với một linh mục hoặc với cha bề trên dòng là điều có công phúc. Việc hướng dẫn đường đạo đức đã tạo nên tục lệ ấy, trước hết tại Ðông phương, rồi về sau lan tràn tới đời sống tu viện tại Tây phương. Một điều chắc chắn là thói quen này đã thành hình tại Ái Nhĩ Lan. Trong Giáo Hội Celte, địa vị xã hội của các cha dòng quan trọng đến độ, người ta biết đến các cha dòng hơn biết đến các giám mục địa phận. Tại đây không có tục lệ xưng tội công cộng theo lối Roma. Trong các viện tu đều có bản kê khai phân biệt đâu là những điều có tội, đâu là những khoản chỉ thuộc về kỷ luật. Các cha dòng hướng dẫn đàng đạo đức cho giáo dân. Họ đưa những việc đền tội theo kiểu dòng tu áp dụng cho giáo dân thường (theo cuốn sách việc đền tội). Khoảng năm 700, tục lệ Celte ấy đã được đem áp dụng tại Giáo Hội Anglo Saxon một cách rất hoàn bị. Tục lệ này được đón nhận dễ dàng trong một xã hội đã quen áp dụng giá biểu phức tạp về các tội ăn cắp, giết người, đả thương hay về những tội ác khác. Cả giáo sĩ và giáo dân đều xưng tội giống nhau. Các sách ”đền tội” ấn định đường lối xưng tội rất rõ ràng. Tổng giám mục Théodore cho áp dụng tục lệ ấy tại Anh quốc. Ngài là cha dòng Hy Lạp, mặc dù ngài đã đi thẳng từ Roma tới. Ông quen biết hệ thống tương đương như vậy tại Tiểu Á. Tất cả ba ông Bède, Egbert và Alcuin đã tranh đấu để việc xưng tội riêng được chấp nhận. Giữa các nhà cải cách Carolingien, Alcuin là một tông đồ hăng say về tục lệ ấy. Thật ra tục lệ ấy đã lan tràn và phổ thông tại lục địa nhờ công trình của thánh Colomban và các thầy dòng Ái Nhĩ Lan. Dù vậy, các nhà cải cách Carolingien vẫn có khuynh hướng bảo thủ về phụng vụ. Họ muốn vãn hồi tục lệ xưng tội công cộng của Giáo Hội Roma. Bằng chứng điển hình về trào lưu này là việc Louis le Pieux đã phục hồi tục lệ xưng tội công cộng. Khi nhận xét về thư mục thống hối, các nhà cải cách đã nhấn mạnh đến chỗ thiếu sót của quyền bính, đến quá nhiều lối xử sự khác nhau và đến thái độ phóng túng. Trong một thời kỳ, người ta chủ trương các tội công khai thì phải xưng tội công khai, các tội thầm kín thì có thể xưng thầm kín. Các giáo hoàng và những công nghị miền đã gửi những bức thư chung để tìm ra mấy tạm ước giữa hai khuynh hướng. Một điều hiển nhiên là không thể áp dụng tục lệ xưng tội chung cho toàn thể Âu Châu, vì nhiều khi dân chúng chỉ mang tên kitô hữu theo hình thức thôi. Cho nên, vào thế kỷ IX, lúc người ta có ý định đổi mới thì việc xưng tội kín đã thắng thế. Không còn ai nghĩ đến việc xưng tội công cộng nữa. Dần dà người ta có thói quen đến xưng tội với một linh mục, hoặc xưng tội công khai với giáo hoàng hay là với giám mục để lãnh nhận việc đền tội nặng nhẹ tùy theo loại tội. Vào thế kỷ thứ X, miền Tây Bắc Âu Châu đã có tục lệ buộc giáo dân xưng tội trong Mùa Chay và rước lễ vào mùa Phục Sinh. Tại các tu viện, có luật buộc phải năng xưng tội riêng, còn trước kinh sĩ hội thì chỉ thú những lỗi kỷ luật, hay hành động gì sinh gương xấu. Vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, lúc kỷ luật các phép bí tích đã được ấn định đầy đủ, chỉ còn tranh luận cho biết đâu là những yếu tố căn bản của bí tích Hòa Giải, và bí tích ấy cần thiết đến độ nào. Sắc lệnh trứ danh của công đồng Latran IV (utriusque sexus) năm 1215 buộc hằng năm phải xưng các tội nặng trước khi đi rước lễ trong mùa Phục Sinh. Ðây là việc hợp thức hóa một tục lệ đã có từ lâu đời. Công đồng này quan trọng về thần học và mục vụ vì đã nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý.
Tục lệ năng xưng tội riêng có từ hai thế kỷ đã mở đường đến tục lệ về ân xá. Mức tiến triển về ân xá đã bị việc đền tội chi phối, mặc dù trên phương diện thần học, ân xá khác việc đền tội. Nền tảng thần học của ân xá ở tại quyền tháo gỡ dành cho Phêrô, cho các đấng kế nghiệp cũng như cho các vị đại diện của các ngài. Họ có quyền múc ra tự kho tàng các ân sủng của Ðấng Kitô, của Mẹ Ngài và của các Thánh để tha các hình phạt tội nhân đáng lý phải chịu. Tội đã được tha sau khi ăn năn thống hối và xưng tội, nhưng ân xá vẫn còn giữ hiệu lực. Thực ra tục lệ ân xá đã có từ lâu đời: ngay trong việc thay đổi các hình phạt kê khai trong bản các việc đền tội áp dụng tại Âu Châu sau đời Charlemagne. Các hình phạt dính với tội phạm được thay thế bằng những việc đền tội loại khác, có thể nhẹ bớt hơn, như phải đi dự lễ, phải bố thí và cầu nguyện. Trong thế kỷ X, các giám mục miền Nam nước Pháp hoặc miền Bắc Tây Ban Nha thường tha vạ cho khách hành hương đến Compostelle hay đến nơi khác, mà không để ý đến loại tội khách hành hương đã phạm. Các hình phạt được thay thế hẳn bằng lối đổi chác ấy sau khi người ta đã ấn định một việc làm hay một lời cầu nguyện được coi như tương đương với số ngày phải đền tội. Tục lệ đã được thịnh hành khi người ta dùng ”ân xá” như một sức mạnh thúc đẩy chiến đấu cho Ðức Tin. Tại Tây Ban Nha và tại Ðông phương, việc giáo hoàng Urbain II tha tất cả các hình phạt cho Ðạo Binh Thánh Giá được coi như một khẳng định chung kết. Sau đó, lẽ dĩ nhiên, các giáo hoàng khác vẫn tìm cách duy trì lối ”đổi chác” này. Các ngài xác định là các giám mục chỉ được phép tha những khoản nhẹ thôi. Thật ra, từ thế kỷ XII cho đến đời chúng ta, vấn đề ân xá là tục lệ thông thường trong cách sống đạo đức, và cũng là một vấn đề đã gây nhiều lúng túng (đó là chưa nói đến các hình thức lợi dụng). Quả nhiên, ân xá cũng tựa hồ như ơn bí tích: một việc từ thiện hoàn tất với ý ngay lành không bao giờ nói được là vô dụng. Nhưng ai là người có quyền định đoạt các độ lượng sốt sắng cần thiết để được tha thứ hoàn toàn? Hơn nữa, mỗi khi được hỏi đến, các giáo hoàng và các nhà thần học luôn luôn cả quyết là ân xá chỉ liên hệ đến các hình phạt tội trạng gây ra, chứ không xóa bỏ trách nhiệm của tội nhân; đó là những lối phát biểu không mấy rõ ràng của các người tiêu biểu cho giáo quyền. Bởi vậy từ thế kỷ XI trở đi, giáo dân chất phác hay lẫn lộn và coi ân xá như một thứ bùa ngải, hoặc như hộ chiếu để vào thiên đàng.
Còn một vấn đề quan trọng khác đã gây nhiều tranh luận vào thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu. Ðó là: có cần phải truyền chức lại cho các linh mục đã chối đạo hay đã phá giới, để họ tiếp tục thi hành chức vụ linh mục như trước hay không? Trước thế kỷ XII, tại Tây phương người ta vẫn chưa thừa nhận bảy bí tích và chỉ có bảy bí tích mà thôi, và mỗi bí tích khác nhau về bản tính và về công hiệu. Nói riêng, vào thời kỳ ấy, nền thần học cổ điển vẫn chưa nói rõ là các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức có in dấu riêng. Trong Giáo Hội cổ xưa, người ta đã bàn cãi gay gắt và lâu dài về việc phải rửa tội lại (và đến sau là việc phải truyền chức lại) cho những người đã chối đạo, hoặc đi theo tà giáo. Thánh Cyprien là người đầu phe chủ trương phải rửa tội lại. Về bí tích Rửa Tội, cuộc tranh luận đã kết thúc khác với chủ trương của ngài. Nhưng vấn đề truyền chức lại thì còn kéo dài lâu đời tại Ðông phương cũng như tại Tây phương. Hình như thánh Augustin đồng ý với quan điểm mà về sau đã trở thành quan điểm của người Chính thống. Trái lại, một số người chủ trương phải truyền chức lại cho những người đã phản bội, vì người ta nghĩ rằng các quyền thiêng liêng cao cả không thể tồn tại sau khi người có chức thánh đã phản bội hoặc đã bị vạ tuyệt thông. Quan điểm của Roma không rõ ràng và dứt khoát. Câu châm ngôn của đức Innocent I chủ trương ”người ta không thể cho điều mình không có” (nemo dat quod non habet) (nghĩa là một giám mục đã bị rút phép thông công không còn quyền chuyển đạt chức linh mục) đã được phe chủ trương phải truyền chức lại trưng dẫn trong nhiều thế kỷ. Thỉnh thoảng vấn đề lại được đặt ra nóng bỏng tùy theo cách giải thích rộng rãi về mức độ lạc đạo. Chẳng hạn như ở nước Anh, sau công đồng Whitby, người ta đã đặt vấn nạn về việc truyền chức của các người theo tục lệ Celte. Théodore nghiêng theo tục lệ đã có tại Roma và Ðông phương, áp dụng chính sách truyền chức lại. Egbert vẫn tiếp tục đường lối ấy; tục lệ ấy đã được ghi chép trong cuốn các việc đền tội theo lối người Anh. Vào thời kỳ ấy, Roma đã trải qua không biết bao nhiêu vụ tranh chấp, bao nhiêu việc sinh gương xấu, bao nhiêu vụ truyền chức giáo hoàng bất hợp lệ. Tình thế ấy đã thúc đẩy phe thắng thế phi bác phép truyền chức của phía bên kia và bảo phải truyền chức lại (chẳng hạn sau đời ngụy giáo hoàng Constantin II vào các năm 767-769 và giáo hoàng Formose 891-896). Vấn đề được đặt ra trong các vụ phanh phui đen tối của Hincmar, khi ông thắc mắc về các giáo sĩ đã do Ebbon truyền chức và được ông trưng dụng sau khi ông được phục hồi trong chức giám mục. Phong trào canh tân ở thế kỷ XII lại đem vấn đề ra thảm xanh. Việc buôn thần bán thánh và ăn chơi quá độ được coi như những hình thức lạc đạo; một khi linh mục hay giám mục mắc vào các khoản ấy thì phải áp dụng các hình phạt theo giáo luật. Các vị mắc những tội ấy và đã bị rút phép thông công có còn là linh mục hoặc giám mục nữa hay không? Nếu họ vẫn là linh mục hay giám mục, thì phải kết luận là những người lạc đạo vẫn có chức thánh và vẫn còn các phương tiện để thánh hóa. Trong những vụ tranh chấp trên về tư tưởng, các nhà thần học không đồng ý kiến với nhau, và các giáo hoàng cũng xử sự lúng túng. Phêrô Damien nhà tiến sĩ về môn này và Deusdedit vừa là hồng y vừa là nhà giáo luật, chủ trương không được truyền chức lại. Humbert cũng là hồng y và giáo luật gia, sau lên làm giáo hoàng tên là Alexandre II và Anselme người Lucques thì cho là phải truyền chức lại. Còn Léon IX, Grégoire VII và Urbain II thì lúc thế này lúc thế khác. Càng đi sâu vào cuộc tranh chấp, và một khi khoa thần học đã xúc tiến, người ta đã đưa ra nhiều biện pháp tế nhị. Một phe muốn cưỡng ép các người rối đạo được phục hồi phải chịu nghi thức đặt tay lại mà không bàn đến việc xức dầu và các lễ nghi khác. Có trường phái lại chủ trương là các bí tích Truyền Chức ”trong Giáo Hội” vẫn thành phép, nghĩa là khi một giám mục lạc đạo đã được phong chức như vậy thì ngài vẫn giữ y nguyên các năng quyền của chức giám mục, và ngài vẫn có quyền truyền chức cho người khác. Những vụ truyền chức “ngoài Giáo Hội” thì không thành phép, nghĩa là một linh mục hoặc giám mục đã được giám mục lạc đạo truyền chức cho thì không được truyền chức cho kẻ khác và không được dâng lễ . Giữa thế kỷ XII, vấn đề vẫn chưa được giải quyết rõ ràng, ngay lúc Gratien và Phêrô Lombard soạn chép các sách thủ bản. Nhưng trong thực tế thì ít có việc truyền chức lại.
Cũng vào thời kỳ ấy, vấn đề gây ra nhiều hậu quả quan trọng có lẽ là vấn đề từ Filioque. Kinh Tin Kính Nicée được công bố lần thứ nhất tại Constantinople năm 381 có nói rằng: ”Tôi cũng tin Ðức Chúa Thánh Thần là Ðấng quản trị và mang lại sự sống, ngài bởi Ðức Chúa Cha mà ra”. Kinh Tin Kính ấy được xử dụng trong vòng bốn thế kỷ tại Roma và tại Constantinople. Nhưng ởTây Ban Nha, nhất là từ giữa thế kỷ thứ VI trở đi, (Lần thứ nhất tại công đồng Tolède năm 589), người ta đã thêm chữ Filioque vào. Ðể chống đối các giáo dân ở Ý và ở Tây phương, các giáo dân tại Tây Ban Nha và ở Ðông phương đọc kinh Tin Kính ấy trong buổi lễ. Bởi vậy lời thêm Filioque và nhiều tục lệ Tây Ban Nha khác nữa đã lan tràn sang nước Gaule rất sớm. Người ta không biết rõ chữ Filioque được thu dụng vào đúng lúc nào tại nước Gaule. Không nên coi việc dùng chữ ấy như một dấu hiệu muốn khiêu khích tranh chấp. Thật ra các nhà thần học sống ở thời kỳ đầu và ở giữa kỷ nguyên giáo phụ, tại Ðông phương cũng như ở Tây phương, vẫn coi Ngôi Con cũng như Ngôi Cha là nguồn mạch của bản ngã ngôi Thánh Thần. Trong khi Ðông phương dùng cụm chữ “từ Ngôi Cha qua Ngôi Con” thì Tây phương lại nói ”từ Cha và Con”. Nói cách khác, các nhà thần học Ðông phương và Tây phương, ngay trước thời kỳ tranh chấp, vẫn cho rằng tiếng Filioque tự bản là một trong những lối phát biểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chứ không phải là lời lạc đạo. Thế nhưng Giáo Hội Ðông phương vẫn luôn luôn coi công thức năm 381 là vĩnh viễn. Hễ thêm thắt điều gì vào đấy là có chuyện xáo trộn. Phải công nhận là các người Tây Ban Nha vì sơ xuất đã gây ra duyên cớ để người ta chỉ trích. Thế mà tại Roma là nơi đọc kinh Tin Kính trong buổi lễ, vẫn không thay đổi lập trường. Cuộc gián đoạn tai hại sẽ không xảy ra nếu Charlemagne, vì bất bình với hoàng hậu Irène, không trao cho các nhà thần học của ông trách nhiệm biện hộ là người Hy Lạp sai nhầm. Alcuin và các cộng sự viên của ông, vì đã quen với chữ Filioque từ lâu, nhấn mạnh là chữ ấy còn thiếu trong bản tuyên dương Ðức Tin Hy Lạp của công đồng Nicée II, là công đồng chưa được Roma phê chuẩn. Nhưng giáo hoàng Adrien I đã trả lời để biện hộ cho quan niệm truyền thống cổ đại, mặc dầu chữ ấy chưa được thêm vào. Không bị nao núng, các nhà thần học Francs vẫn giữ y nguyên lập trường cũ khi xảy ra vụ tuyệt giao giữa Byzance và Aix-la-Chapelle. Tại công đồng Cividale năm 796, các ông lên án người Hy Lạp về việc xuất phát của Thánh Linh và về chữ Filioque. Ít lâu sau, vào năm 809, Charlemagne bảo các nhà thần học của ông mà vị hướng dẫn là Théodulf người Orléans, chép các sách yếu luận để biện hộ cho chữ Filioque đã có từ lâu trong kinh Tin Kính đọc tại nguyện đường ở Aix-la-Chapelle. Théodulf chăm chủ vào việc ấy và góp nhặt giả tạo một loạt bản văn của các tác giả La tinh và Hy Lạp. Một công đồng được triệu tập tại Aix-la-Chapelle để gửi phái đoàn sang Roma, thỉnh cầu giáo hoàng ra lệnh thêm chữ Filioque vào kinh Tin Kính dùng tại Roma, để các người Hy Lạp đừng dựa vào lập trường cũ mà gạt bỏ chữ ấy. Ðức Léon III trả lời là ngài hoàn toàn đồng quan điểm với các nhà thần học hoàng triều, nhưng ngài không muốn khiêu khích bằng việc thay đổi kinh quen dùng tại Roma. Ðể bù lại, ngài đề nghị bãi bỏ việc đọc kinh Tin Kính tại các nhà thờ Tây phương trong buổi lễ. Hoàng đế không chấp nhận điều ấy, nhưng giáo hoàng cương quyết giữ lập trường và vì vậy, đã tránh được vụ xung đột giữa Giáo Hội Ðông phương và Giáo Hội Tây phương trong một thời gian.
Alcuin, Théodulf và mấy ông khác đã dùng những văn kiện thần học đời Charlemagne như tiếng nói chính thức của triều đình để đả kích những điểm các ông cho là sai lạc ở ngoài biên giới Franc. Trái lại, các cuộc tranh luận của thế hệ sau là giữa các tư nhân, hoặc giữa các nhóm của hàng giáo sĩ Pháp hay Ðức. Các cuộc tranh luận ấy dần dà cứ tan rã mà không đưa tới một quyết định chính thức nào.
Cuộc tranh luận đầu tiên liên hệ đến phép Thánh Thể, và nhất là về cách thế Chúa Kitô hiện diện trong bánh đã truyền phép. Cuộc tranh luận này có nhiều điểm hay, vì đây là lần đầu tiên được đặt ra những vấn đề làm bận tâm các nhà thần học trong nhiều thế kỷ. Khởi điểm tình cờ của cuộc tranh luận này là tại Paschase Radbert làm viện phụ ở Corbie. Ngài đã soạn tập khái luận về phép Thánh Thể cho các thầy dòng người Ðức tại Corvey là chi nhánh của nhà dòng Pháp. Trong cuốn sách này, ngài nhấn mạnh đến thực tại hiện diện của Chúa Kitô dưới những dáng vẻ bề ngoài. Ðây chính là mình Ðức Kitô sinh bởi Trinh Nữ và được hiến tế trên thập giá, bây giờ được dâng làm hy lễ một lần nữa. Về điểm này, Radbert diễn tả minh bạch hơn các nhà thần học trước kia khi bàn về giáo lý cổ điển đã thông dụng tại Tây phương. Nhưng ông đã đi xa hơn khi diễn tả thân thể Chúa Kitô như chiếm một chỗ bé nhỏ trong bánh thánh, và hiện diện bằng một sự biến cải hay một lối sáng tạo lạ thường. Ông đã bị các người đồng thời như Raban Maur và Ratramne là cha dòng Corbie đả kích. Radbert trả lời là ông không có ý chứng minh Chúa Kitô hiện diện trong không gian và một cách vật chất. Nhưng ông nhất định chủ trương thực thể tuyệt đối của Chúa Kitô trong bánh thánh, và cũng là chính Chúa Kitô sinh bởi Trinh Nữ.
Dưới đây chúng ta sẽ thấy (1), hai thế kỷ sau, cuộc tranh chấp này lại bùng dậy dưới khía cạnh khác. Lúc đó tư tưởng thần học tương tự như tư tưởng của Radbert đã thắng thế. Trái lại Ratramne, theo trào lưu Augustin, đã gây nhiều ảnh hưởng trên Aelfric tại nước Anh. Năm thế kỷ sau, các nhà Canh Tân mới khám phá ra Aelfric là người của thời Trung Cổ, đã tiên báo phong trào của họ.
Một cuộc tranh chấp khác đã gây ra nhiều vụ bàn cãi căm go và đã kéo dài vì cả hai bên đều cương quyết giữ vững lập trường. Ðó là vấn đề tiền định do Gottschalk chủ xướng. Ông bất hạnh này thuộc dòng Tận Hiến tại Fulda, là nơi ông đã kết thân với Walafrid Strabon và Loup de Servat. Ông xin được tháo gỡ lời khấn dòng, nhưng sau đó, suốt 40 năm, ông phiêu lưu tranh chấp khắp đó đây, kể cả trong tu viện hay trong nhà tù. Ðến đâu, ông đều bị người ta tố cáo về các tư tưởng nguy hiểm của ông trong vấn đề tiền định. Từ khi công đồng Vienne thu tóm các kết luận về vụ tranh chấp với Pélage, vấn đề này vẫn chưa được sáng tỏ. Thật ra các quan điểm của Gottschalk là chính quan điểm của thánh Augustin. Ông chủ trương có tiền định được hưởng phúc hay bị luận phạt. Ông cho rằng vì tội nguyên tổ con người đã mất tự do không thể làm điều lành. Ông phi bác chủ trương là Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi, và chỉ có những người được tiền định mới được thừa hưởng ân phúc của hy lễ Thập Giá. Raban Maur lên tiếng phản đối ông. Năm 848, Gottschalk bị công nghị Mayenne lên án. Tiếp đến, ông bị Hincmar thành Reims ra mặt truy tố gay gắt đến độ ông lại bị công đồng Quierzy lên án và phạt vạ năm 849.
Các vụ tranh chấp trên không làm cho các tác giả thời ấy chán nản. Paschase Radbert, mượn danh hiệu của thánh Jérôme, viết một bức thư dài, tổng lược mọi tư tưởng của thời đại về việc Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Tuy lúc đó, người ta biết tác giả thật là người đương thời, nhưng đến thế kỷ X, người ta lại lãng quên và tưởng văn kiện ấy là của thánh Jérôme. Người ta đem bản văn vào phụng vụ và sau đó, những người có lòng sùng kính Ðức Mẹ còn trích dẫn và chú giải rộng rãi bản văn. Gioan Scot Erigène là người độc nhất tại Tây phương đời ấy am tường tiếng Hy Lạp đã dịch các tác phẩm của Denys l'Aréopagite. Sau đấy ông giải thích vũ trụ bằng những từ ngữ của thuyết tân Platon. Thuyết này tuy có nhiều lầm lỗi đáng tiếc về kỹ thuật, về sinh ngữ và về thần học, nhưng vẫn là một cố gắng độc nhất, giữa Augustin và Nicolas người Cues, dám đưa hệ thống triết lý, hay đúng hơn, quan niệm tổng quát về thế giới thừa hưởng được của Plotin, để diễn tả toàn bộ nền thần học kitô. Các nhà thần học thời nay đồng thanh công nhận: Tự thâm tâm, Erigène vẫn trung thành với truyền thống, mặc dầu các lối diễn tả của ông còn nhiều vụng về, không nghiêm chỉnh đủ. Vì thế nhiều tư tưởng gia đã hiểu lầm ông và nêu tên ông trong số những người quá chạy theo tư tưởng của Aristote. Vì thế ông bị lên án như người lạc đạo.
Trong đoạn này chúng ta chưa bàn giải đến ba vụ tranh cãi khác. Vụ tranh cãi về hai ý chí của Ðức Kitô. Vụ tranh cãi về lòng sùng kính ảnh tượng liên hệ nhiều hơn đến Giáo Hội Ðông phương. Chúng ta sẽ khảo cứu đến vụ này trong một đoạn khác. Còn vụ tranh cãi thứ ba là về thuyết nghĩa tử (adoptianisme), phổ biến đặc biệt tại Tây Ban Nha sẽ được bàn đến khi nói đến xứ ấy.