CHƯƠNG IX
CÁC THẾ KỶ DÒNG TU, I
CHƯƠNG IX
CÁC THẾ KỶ DÒNG TU, I
Người ta quen gọi thời đại lịch sử Âu Châu kéo dài từ khi thánh Benoit qua đời (khoảng năm 548) cho đến lúc thánh Bernard mãn phần (1154) là ”Kỷ nguyên Dòng Tu” (Les Siècles monastiques) hay ”Những thế kỷ Biển Ðức” (Les Siècles Bénédictins). Người ta cũng gọi thánh Benoit người Nursie là cha của Âu Châu. Các lối phát biểu ấy xem ra có vẻ quá đáng, nhưng thực sự nó là lối phát biểu đáp ứng thực tại lịch sử. Khác với hai thời kỳ trước và sau, trong vòng năm thế kỷ, các khuynh hướng tu trì, cá nhân hoặc cộng đồng, đã cấu tạo lên nét đặc trưng vĩnh viễn tại lục địa cũng như ở hải đảo. Các thầy dòng gây ảnh hưởng về hết mọi phương diện: đạo đức, trí thức, phụng vụ, mỹ thuật, hành chánh và kinh tế; họ làm thay đổi cục diện và điều khiển mức phát triển xã hội. Trước thời kỳ ấy, chế độ dòng tu tại Âu Châu chỉ là một hiện tượng thuần túy tôn giáo, và chỉ gây được ảnh hưởng tùy từng miền. Sau thời kỳ ấy, ảnh hưởng đời sống tu lại suy thoái cho đến khi có cuộc đại cải cách. Trái lại vào thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu đây, đời tu viện không những chỉ đáp ứng vào ơn gọi của một thiểu số muốn xa cách thế tục mà còn là một nếp sống đã quyến rũ cả một khối đông đang có ảnh hưởng trong xã hội. Trong thực tế, các thầy dòng vì có độc quyền về học vấn và về tôn chỉ đạo đức, đã gây ảnh hưởng trong đời sống Giáo Hội hơn hàng giáo sĩ triều. Bằng lối xử sự và trong cách lập luận, họ đã ấn dấu vào thế giới Kitô Tây phương, họ mang đến cho các giáo sĩ và giáo dân một tâm trạng và một lý tưởng. Họ cũng ảnh hưởng trên lớp nông dân và giới nô bộc. Trong suốt thời kỳ ấy Quy luật của thánh Benoit là luật chung cho tất cả các thầy dòng. Tác giả của Quy luật được coi như tổ phụ và là chủ tất cả các thầy dòng trong một thời đại mà các chủ nhân trần thế và thượng giới rất được đề cao.
Dù vậy, các thế kỷ chịu ảnh hưởng Quy luật của thánh Benoit không phải là một thời gian liên tục. Có thể chia các thời kỳ ấy ra làm bốn giai đoạn quan trọng. Vào thời kỳ thứ nhất, tức là thời kỳ trước triều đại Charlemagne, chế độ dòng tu đã dần dà lan tràn từ nước Ý và từ miền Nam và Tây Nam nước Gaule cho đến những miền khác hiện nay gọi là nước Pháp và nước Thụy sĩ. Còn nước Anh thị đã đón các thầy dòng từ miền Gaule, từ Roma hay từ các miền Celtes tới. Rồi Anh lại sai các vị truyền giáo đi lập nhiều viện tu tại miền Rhénanie và Bavière. Nét đặc trưng của thời kỳ ấy là việc bành trướng các tu viện giầu có về đất đai.
Trong thời kỳ thứ hai, có nhiều cố gắng tập trung đường lối tu trì. Hiện tượng tục hóa lan tràn khắp nơi và phong trào tu dòng nguội lạnh dần dần, hai hiện tượng này đi đôi với nhau. Dự án của Charlemagne muốn tập trung các nhà dòng trong đế quốc để Quy luật dòng được tôn trọng và con của ngài là Louis le Pieux thực hiện chương trình này. Khuôn mẫu đời sống hằng ngày và nền phụng vụ ông phác họa cho tất cả các tu viện trong đế quốc đã tồn tại suốt ba thế kỷ. Tiếp đến là thời suy mạt của chế độ dòng tu và trào lưu tục hóa của thế kỷ thứ IX.
Thời kỳ thứ ba có nhiều điểm canh tân làm cho chương trình cải cách Âu Châu thêm sâu rộng. Phong trào cải tổ Cluny giống như hạt cải đã trổ thành cây to. Sau đó, có những cuộc cải cách tương tự tại miền Lorraine, tại Anh, tại Normandie, tại Ðức và tại phía Nam nước Ý. Trên toàn thể các miền ấy, chế độ dòng tu theo truyền thống Bénédictin tiến triển tới mức độ cao về phụng vụ, và đã có nhiều sáng tác quan trọng về văn hóa và mỹ thuật.
Trong thời kỳ thứ bốn, tại Ý và Pháp còn xuất hiện một nếp tu trì mới mang danh là độc ẩn sĩ và hợp ẩn sĩ. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này trong một đoạn khác.
Vào thế kỷ thứ VI, lịch sử đời sống tu dòng tại Tây phương đã dài hai thế kỷ, nghĩa là từ lúc thánh Martin lập ra nhà dòng Ligugé (gần Poitiers) và nhà dòng Marmoutier (gần Tours) vào các năm 360 và 372. Hai nhà dòng Lérins (410) và Marseille (415) đã nổi tiếng, vì nhà Lérins từng đào tạo nhiều vị giám mục và nhà Marseille có thánh Gioan Cassien. Trong thế kỷ thứ VI, nổi bật nhất là thánh Césaire d'Arles (khoảng năm 500), một vị tôn sư ẩn dật khác (khoảng năm 520), và thánh Benoit viện phụ nhà dòng núi Cassino (khoảng năm 535) đã viết Quy luật dòng tu. Nhiều tu viện được thành lập trên ven bờ Ðịa Trung hải từ Catalogne đến Calabre, đồng thời các thánh đường tại Roma và mấy ”thành quốc” khác hồ hởi đón rước các cộng đồng tu sĩ. Tại nước Gaule, Fleury (thế kỷ thứ VI), thánh Bénigne de Dijon (550) và thánh Rémi thành Reims (khoảng 550) bắt đầu xuất hiện. Cũng có một số nhà dòng được xây cất tại các trung tâm hành hương như ở Poitiers, Tours và Paris, hoặc do chính triều đình xây lên. Ða số các nhà dòng không tuân thủ tỉ mỉ và trọn vẹn một kỷ luật như nhau. Nhiều tu viện sống theo nền phụng vụ và những tập tục lâu đời của các thầy dòng trong miền và trong giáo phận. Trái lại, ở các nước vùng Celtiques - như Ái Nhĩ Lan, miền Galloway và quận Galles - qui chế dòng tu là thành phần cốt cán trong tổ chức giáo triều do các thầy dòng phụ trách. Các tu viện là những trung tâm duy nhất chuyên nghề dạy học và huấn luyện tu đức. Bởi vậy các nhà truyền giáo hay những người di dân Celtes cho nhập cảng đường lối đạo đức và văn hóa của họ vào Âu Châu lục địa. Năm 600, miền Armorique (Bretagne) bị người di cư từ Grande Bretagne đến chiếm cứ; từ đó các nhà truyền giáo tiến về phía Ðông. Vào cuối thế kỷ thứ VI, thánh Columba (521-597) sáng lập nhà dòng trứ danh Iona (563) là nơi xuất thân của các nhà truyền giáo đi giảng đạo tại các đảo miền Tây và miền Bắc, và sau cùng đến miền hạ Ecosse và miền Northumbrie.
Cũng vào thời kỳ ấy, thánh Colomban (540-615), sau một thời kỳ chuẩn bị lâu dài tại Bangor, đã vượt qua biển Manche đến miền Armorique. Từ đó ngài đi đến Vosges, ở đây ngài biến một trạm nước suối đổ nát của người Roma (Luxovium) thành nhà dòng tức là tu viện Luxeuil, một trong ba nhà dòng ngài cai quản. Sau nhiều lần mạo hiểm và mấy cuộc hành trình truyền giáo sang Thụy Sĩ, ngài vượt qua dãy núi Alpes và sáng lập nhà dòng Bobbio (613) trên dãy núi Apennins, phía Bắc Gênes. Ngài qua đời tại đấy năm 615. Là người khắc khổ, tràn đầy nghị lực và nhiệt huyết, thánh Colomban thông truyền Ðức Tin và lòng đạo đức cho các thầy dòng, các vua chúa và phái thượng lưu ngài tiếp xúc. Suốt 500 năm sau khi ngài qua đời, các thế hệ đồ đệ của ngài - từ viện phụ các nhà dòng cho đến con cháu của những vị đã nâng đỡ ngài - đã tiếp tục phổ biến truyền thống của Luxeuil. Trong các nhà dòng ấy nổi bật lên thì có Jumièges (654), Fontenelle (thánh Wandrille 649) và Saint-Ouen (645); các nhà dòng nữ cũng có những nhà thời danh như Faremoutiers (khoảng năm 625), Jouarre (630) và Chelles (653). Trong các cơ sở trứ danh được thành lập vào thời kỳ ấy, có Corbie tại miền Picardie 657), Saint-Trond (660), Stavelot và Malmédy (649), Lobbes (tại miền Hainaut 660), và nhà dòng Saint-Pierre và Saint-Bavon tại Gand (660-670). Các cơ sở ấy thành hình nhờ động lực và ảnh hưởng của thánh Colomban; các tu viện ấy giữ theo Quy luật của thánh Colomban. Nhưng dần dần, khoảng từ năm 630 trở đi, thì Quy luật của thánh Benoit trổi vượt: Ban đầu người ta tuân giữ cả hai Quy luật Benoit và Colomban, đến sau luật Benoit đã thắng thế. Vào cuối thế kỷ VIII, người ta chỉ còn giữ Quy luật của thánh Benoit. Chính cuộc điều tra của hoàng đế Charlemagne làm chứng người ta nói chỉ biết đến Quy luật thánh Benoit mà thôi.
Hai yếu tố làm cho Quy luật thánh Benoit được ưu thế là thiên tài phối hợp các phương pháp hướng dẫn đường thiêng liêng và khéo léo ứng dụng vào đời sống cụ thể thường ngày. Trước năm 800 chưa có việc bắt buộc phải tuân giữ Quy luật này. Không có tài liệu nào chính xác cho biết Quy luật ấy đã xâm nhập vào nước Gaule như thế nào. Truyền thuyết kỳ cựu cho biết Quy luật ấy đã được thánh Maur là đồ đệ của thánh Benoit đưa vào Fleury. Lịch sử kể lại như sau: từ khi di chuyển hài cốt của thánh Benoit về Fleury năm 673 thì nhà dòng này trở nên một trung tâm rất phồn thịnh tại nước Pháp (1). Tinh thần của thánh Colomban khác hẳn với tinh thần của thánh Benoit, mặc dầu các người chịu ảnh hưởng của tinh thần trên đã sống tại nước Gaule từ trên một thế kỷ rồi. Nhiệm nhặt, khắt khe và cá tính, luật Colomban biến đời tu dòng thành một cuộc chiến đấu, kêu gọi thầy dòng từ bỏ mình và hoàn toàn tùng phục bề trên. Quy luật thánh Benoit lại nhấn mạnh đến đức khiêm nhượng, đến khía cạnh cộng đồng gia đình và tình cha con trong các mối giao tiếp, và đến quyền lợi của cá nhân; chú trọng đến bác ái xã hội, đến tình thông cảm, đến tiến bộ trong đàng đạo đức bằng việc làm và bằng lời cầu nguyện. Các định hướng ấy làm nẩy nở nếp sống mới trong nhà dòng. Hơn nữa Quy luật thánh Benoit phác họa các cơ cấu quản trị đơn sơ và thích ứng. Ðấy là những lý do làm cho luật này thành công mau lẹ và lâu dài.
Theo các tài liệu của thế kỷ VI, một khi đời sống tu viện đã thành phổ cập và đi vào qui chế, thì tu viện thông thường không phải là ”cái tiểu vũ trụ” chỉ biết có Quy luật. Thoạt tiên tu viện là một cộng đồng nhỏ, đa số gồm các giáo dân chuyên chú về công việc nội trợ, về thủ công và về canh tác. Ðến sau đa số là giáo sĩ. Nét đặc trưng của nhà dòng lúc ban đầu là cầu nguyện và làm việc; phần phụng vụ đơn giản và không mấy quan trọng. Về sau mới sáng kiến ra thời khóa biểu hằng ngày, trong đó lễ hát là phần trọng yếu; người ta hội họp trong nhà thờ, đọc kinh và hát những giờ phụng vụ. Các nông nô lo việc canh tác ruộng vườn, các gia bộc chuyên lo thủ công nghệ và làm tất cả những việc vặt trong các cơ sở đồ sộ. Công việc cổ điển của đời tu dòng là chép nhặt và trang trí các thủ bản, sáng tác những bản văn mới và dạy học. Nhiều sách lễ nhạc và những bộ nói về tập quán, để giải thích và đặt ra các định hướng của Quy luật. Ðời sống tu viện là một lời đáp lại ơn gọi của những cá nhân xa lánh thế tục để cùng các bạn đồng hành chia sẻ một đường hướng thiêng liêng, đến sau trở thành đời sống khấn hứa. Ðời sống này hàm súc vai trò xã hội, là chức vụ trong thế gian và vì thế gian.
Nhiều sử gia cho rằng chế độ dòng tu theo truyền thống Bénédictin đã từ miền Trung nước Ý lan tràn lên miền Bắc. đó là điều không đúng. Núi Cassino đã rơi vào tay người Lombards năm 581; không có bằng chứng nào cho biết các thầy dòng và Quy luật của nhà dòng này đã gây ảnh hưởng tới Roma (2). Trong thành quốc, các nhà dòng tại những thánh đường lớn hưng thịnh được hơn một thế kỷ rồi suy mạt dần; các nhà dòng ấy được chấn chỉnh lại bởi các người tị nạn và ngoại kiều Ðông phương từ năm 650; họ sáng lập hoặc đến chiếm cứ một số nhà dòng ở trong thành Roma hoặc tại miền phụ cận; mặt khác nhiều nhà dòng sống theo lối Hy Lạp đã mọc lên tại miền Apulie và Calabre. Không có nhà dòng kiểu Bénédictin nào được thành lập tại Ý trước thế kỷ VIII. Nên nhớ là lúc nhà dòng núi Cassino được trùng tu lại năm 720, thì Willibald người Anglo-Saxon, đã đưa nếp sống của ông đến đấy. Như vậy là miền bắc đã trả nợ cũ đối với Roma rồi.
Thật ra trong khi ảnh hưởng của Colomban và của tinh thần tu Celte sắp bị trào lưu đạo đức cổ truyền của Âu Châu thu hút, thì nước Anh của người Anglo-Saxon lại mang đến một luồng khí mới mẻ và một linh động hơn.
Các vị truyền giáo được đức Grégoire cả gửi đến nước Anh và những người đến tiếp tay sau này đều là những thầy dòng Roma. Nhưng không có bằng chứng rõ ràng là họ đã mang theo và áp dụng Quy luật của thánh Benoit. Chắc chắn họ đã lập nhà dòng thánh Phêrô và Phaolô (và sau nữa là nhà dòng thánh Augustin) ở Cantorbery. Hình như trong một thời kỳ, họ đã phục vụ với tính cách là giáo sĩ tại nhà thờ chính tòa Kitô. Ðến sau, các nhà dòng nam và dòng nữ dần dà mọc lên tại các miền Essex, Kent, Sussex, Wessex và tại lưu vực sông Tamise. Nhưng chúng ta không biết các nhà dòng ấy đã xuất tích từ đâu. Chỉ biết, các dòng nữ sống theo nếp sống từ Gaule. Ðó là dựa vào lối xây cất các cơ sở, chẳng hạn như nhà Streanaeshalch (Whitby) là một trường hợp điển hình; nơi đây bà mẹ Hilda điều khiển các các nữ tu và cả các thày dòng. Không bao lâu sau, trào lưu dòng tu từ Celte lan tràn tới miền Northumbrie; trào lưu này khởi sự từ Melrose, rồi từ Iona. Một số nhà dòng khác được thành lập, như các nhà dòng Lindisfarne và Ripon, bởi hai giám mục Aidan và Cuthbert, là những thầy dòng truyền giáo tên tuổi. Wilfrid là cha dòng xuất thân từ tu viện Ripon, về sau bị lưu đày, rồi lên chức tổng giám mục York, là người đầu tiên đã đem Quy luật dòng vào nước Anh. Nhưng vị du nhập đời sống tu Bénédictin vào nước Anh là Benoit Biscop, một người đồng thời với Wilfrid. Biscop đã lập ra các nhà dòng Wearmouth và Jarrow, nhà này đến sau là nơi sinh sống của Beda le Vénérable. Sau khi đã sống một thời gian tại đảo Lérins và đi hành hương Roma nhiều lần, Biscop cho nhập cảng vào Anh những tục lệ của mấy dòng khác nhau; nhưng giữa các tục lệ ấy, Quy luật vẫn giữ phần chủ chốt. Wilfrid và Biscop là những người đồng thời với tổng giám mục Théodore là người được Adrien, một cha bề trên dòng tại Napoli, tháp tùng sang Anh năm 669. Sau Biscop, Adrien lên cầm đầu nhà dòng thánh Augustin ở Cantorbery; từ đây trở đi và trong vòng một thế kỷ, tức là hoàng kim thời đại của Giáo Hội Anglo-Saxon, hai trào lưu tu dòng phát triển mạnh mẽ tại những miền đông đúc dân cư ở Anh. Hai trào lưu này sáp nhập với trào lưu Celte. Nhưng tại miền Bắc, theo những tục truyền mà Cuthbert đã thiết định tại Lindisfarne, tinh thần tu dòng đã tạo nên nếp sống khổ hạnh và hoạt động mỹ thuật. Ở miền Nam, tinh thần Ái Nhĩ Lan tại Glastonbury và Malmesbury chỉ gây được ảnh hưởng trên các người dùng tiếng La tinh và có lẽ trên niên lịch của Aldhelm và các bạn đồng thời với ông. Vào thời kỳ ấy, các tu viện thường bé nhỏ nhưng rất phồn thịnh về hoạt động văn chương và mỹ thuật. Phong trào dòng tu này đã gây nhiều ảnh hưởng tại Âu Châu nhờ hoạt động truyền giáo của hai nhà Northumbrie và Essex. Từ Ripon miền Bắc đi xuống còn có Willibrod vị tông đồ của miền Frise, giám mục Utrecht và là người sáng lập nhà Echternach, cùng với Suitbert và mấy vị khác nữa (690-739). Xuất thân từ Wessex thì có các nhân vật, Winfrith (Boniface), Wigbert và Lull. Cha mẹ của ông này và mấy đồ đệ là các thầy dòng ở Nursling, Glastonbury Malmesbury, cùng đi hoạt động với một nhóm các bà đạo đức. Tất cả những người nói trên và một số thừa sai khác đã đưa Quy luật thánh Benoit cùng với Ðức Tin và văn hóa Kitô đến các tỉnh ranh giới miền Bắc và miền Ðông các vương quốc Franc.
Thời kỳ khuếch trương dòng tu thứ nhất này - khởi điểm từ phía Nam và phía Ðông nước Gaule - chấm dứt năm 719. Ðây chính là năm người Ả Rập bắt đầu xâm chiếm lưu vực sông Rhône và lưu vực sông Loire, và cũng là năm người ta đem áp dụng, dưới đời Charles Martel, chính sách tục hóa và chiếm cứ các nhà dòng. Chính Charlemagne đã áp dụng phương pháp ấy. Những người sáng lập ra các dòng tu hay là con cháu của họ vơ vét hoa lợi - chỉ để lại cho cộng đồng cái tối thiểu để sống - và chiếm đoạt quyền chỉ định các cha bề trên. Tục lệ ấy đã đưa đến những hậu quả như sau: các bề trên điều khiển nhà dòng là giáo dân thường hoặc có chức giám mục. Tư sản của nhà dòng kiệt quệ dần đi hoặc là bị mất hết. Quá trình ấy vẫn còn tiếp tục dưới đời Charlemagne. Ông không phải là vị sáng lập mà cũng không phải là ân nhân của các nhà dòng. Nhưng luật pháp ông qui định lại áp dụng trên các thầy dòng; họ bó buộc phải tuân giữ Quy luật của thánh Benoit cách nhiệm nhặt về mọi khoản, nghĩa là phải đảm nhiệm việc dạy học các trẻ ngoại trú của các trường liên hệ với nhà dòng. Nhiều nơi đã không tuân giữ các qui định pháp lý ấy. Con của Charlemagne là Louis le Pieux đã giao cho Benoit người Aniane trách nhiệm bắt các nhà dòng thực thi các chỉ thị.
Thánh Benoit người Aniane đã sáng lập một nhà dòng nhiệm nhặt trên bờ địa trung hải phía tây Marseille; nhà dòng này đã sản xuất ra nhiều nhà khác. Charlemagne tán thành ý kiến của Benoit và cậy nhờ ngài sửa chữa qui luật dòng tu. Ðến sau Louis le Pieux lúc mới chỉ nắm được quyền tại miền Aquitaine cũng lại nhờ vả như vậy nữa. Khi lên làm vua, Louis gọi Benoit vào triều đình và lập cho ngài nhà dòng ở Inde hay Cornélimunster gần Aix-la-Chapelle (815) để dùng nhà này như thí điểm huấn luyện các người cải cách. Sau đấy ít lâu, các nhà dòng trong đế quốc nhóm họp một công đồng lớn tại Aix-la-Chapelle (tháng 7 năm 817) để châu phê cuốn sách nói về các qui chế dòng (Capitulare monasticum). Một hay hai năm sau, Louis ấn định chia các lợi tức của nhà dòng làm hai phần, một phần cho vị bề trên, một phần cho cộng đồng, cùng đích của phần thứ hai là để tránh cho bề trên giáo dân hay giám mục không chiếm đoạt được. Dần dà khoản luật chia đôi này được áp dụng khắp nơi. Sau cùng, Benoit người Aniane soạn thảo một loạt luật dòng (Codex Regularum) và thêm phần chú giải để làm sáng tỏ luật dòng. Louis muốn nhà dòng Inde đảm nhiệm việc huấn luyện các bề trên dòng và cung cấp các thanh tra cho triều đình. Nhà dòng này đã trở nên mô phạm độc nhất cho các nhà dòng trong đế quốc chủ trương chỉ có một hiến chế dựa theo Quy luật dòng.
Ý đồ lớn lao đó cũng như nhiều dự án táo bạo khác của nhà Carolingien không được thực hiện. Benoit qua đời sớm (821). Ðế quốc bị xé thành nhiều mảnh, các vụ xung khắc chính trị đã đánh tan cái mộng tập trung. Chưa đến lúc các nhà cải cách và các vua chúa có thể thiết lập được ngành hành chánh khả dĩ duy trì một tổ chức đại qui mô. Dầu vậy việc cải tổ của Benoit người Aniane đã góp phần quan trọng trong lịch sử dòng tu. Nó đã gây ra một tiền lệ. Các người đời Trung Cổ sau đó đã nhận ra là việc bắt chước còn trung thực hơn là bản mẫu. Trong vòng hai thế kỷ, các người cải cách dòng tu đã dựa theo cương lãnh của đại hội năm 717 và cuốn Ordo qualiter (cuốn Danh mục tóm tắt những điểm chung kết mục vụ của đại hội năm 817). Các ông đã dùng cuốn Ordo qualiter như sách thủ bản và như kim chỉ nam. Còn một điểm quan trọng hơn là các thầy dòng trong đế quốc đồng thuận và trung thành tôn trọng Quy luật duy nhất. Bởi vậy tất cả các hình thức cải tổ, về cơ cấu và về mọi mặt đều qui hướng vào tinh thần hiệp nhất giữa các thầy dòng. Ảnh hưởng của Benoit còn sâu xa hơn nữa về phương diện trí thức và cảm tình. Lần đầu tiên, tất cả các thầy dòng ở miền Tây Âu Châu đều công nhận chỉ có một quan thầy và một tổ phụ độc nhất là thánh Benoit; họ tự coi mình như thành phần gia đình của vị thánh này (familia S. Benedicti). Trong vòng ba thế kỷ, các tác giả thầy dòng - và sau họ là các sử gia cận đại - đều thấm nhuần quan niệm ấy đến nỗi họ tưởng các đường hướng tu đức chuyên biệt của thế kỷ XI là sản nghiệp của các thế kỷ VII và VIII. Họ dựng nên một thần thoại cho rằng truyền thống Bénédictin đã giữ được mối liên tục từ đời cha bề trên dòng Mont-Cassin cho đến thời kỳ Charlemagne.
Sau khi đế quốc bị xé mảnh lần thứ nhất, tại Pháp lại diễn ra một thời kỳ tục hóa. Ít lâu sau người Normands tàn phá rất nhiều miền. Hiện tượng tục hóa làm cho người ta mất tự do lựa chọn. Các nhà dòng bị đánh thuế nặng, phải phục dịch các lãnh chúa, và nếu không bị phân tán thì phải nộp thuế rất nặng nề. Tại tất cả các nước miền Tây Âu Châu trong đế quốc, các nhà dòng bị tan rã hoặc lâm vào cảnh cùng cực. Tại nước Ðức và trên lãnh thổ hiện nay là Thụy sĩ, tình hình bớt thê thảm hơn. Các nhà dòng tại đây mới được thành lập. Chúng đã trở nên tòa Giám Mục hay những trung tâm nổi tiếng về văn minh. Vào thế kỷ IX, các nhà dòng ấy đã thay thế ngọn đuốc sáng của nước Pháp, và trong một thời gian đã nối tiếp phong trào phục hưng Carolingien. Nhà Fulda tại Franconie, nhà Corvey tại Saxe, nhà dòng thánh Gall tại Souabe và nhà Reichenau trên bờ hồ Constance đã giữ địa vị quan trọng. Trong một thời gian, các nhà ấy đã trở nên những trung tâm văn hóa và trí thức nổi tiếng hơn ở miền Bắc nước Ý nhiều. Tại một trong những nhà ấy, Smaragdus đã chép và chú giải Quy luật. Khác với các nhà dòng Pháp, các nhà dòng Ðức đã đóng góp vào việc phát sinh một loại thi phú bình dân. Ðiểm đặc biệt của các miền này là nhà dòng chiếm hẳn một khu đất rộng mông mênh có nhiều nô bộc và tá điền ở chung quanh. Các nhà ấy cũng có nhiều cơ sở lớn. Ngoài nhà thờ và khu biệt tu ra, còn có những phòng công vụ như trường học, bệnh viện, tòa án, nhà cho khách qua đường, cho người hành hương và cho các ông bà già ăn trọ. Việc người Hung Gia Lợi đến xâm chiếm miền Bavière và mức phát triển cơ sở (Eigenkloster) của lãnh chúa và giám mục đã tiên báo bước suy tàn của chế độ dòng tu, nhưng mãi đến đầu thế kỷ X, các nhà dòng mới bị tan rã.
Một biến cố ít được các người thời ấy lưu ý, đã làm cho trào lưu dòng tu pháp phục hưng: việc công tước Guillaume miền Aquitaine sáng lập ra nhà dòng Cluny ở miền nam quận Bourgogne. Vị cải tổ tên là Bernon lên làm bề trên nhà Cluny. Phong trào Cluny giống các phong trào cải tổ khác về hết mọi phương diện. Ðiểm độc đáo của nhà dòng này - cũng là điểm sau này làm cho óc mạo hiểm thành tựu - là nhà dòng hoàn toàn độc lập đối với quyền địa phương của một lãnh chúa hay của một giám mục. Cluny trực thuộc quyền giám hộ nhà thờ thánh Phêrô tại Roma. Tình thế ấy lúc đầu chỉ có cái lợi tiêu cực là giữ được tự do. Sau khi tòa Giáo Hoàng lấy lại được uy thế, nhà dòng Cluny có nhiều quyền ưu tiên. Nhưng nhà Cluny phát triển rất vững chắc dưới quyền điều khiển của những vị bề trên thánh thiện, có khả năng, và các ngài đều sống lâu cả. Cha Odon (927-942) vị bề trên đầu tiên muốn đưa cải cách đến miền Bourgogne và sang Ý, nhất là tại Roma là nơi Albéric đang thống trị. Chính cha Odon là người thứ nhất đã móc nối liên lạc giữa các bề trên nhà Cluny và hoàng gia nước Ðức, và liên lạc đó còn tồn tại lâu dài. Maieul (948-994) tiếp tục công cuộc cải cách tại miền Bourgogne và tại Ý. Ngài xin Guillaume người Volpiano biến nhà dòng thánh Bénigne tại Dijon thành một trung tâm cải cách. Từ trước tới đây, không có liên lạc phụ thuộc gì giữa các nhà dòng được cải cách với nhà dòng Cluny. Vị sáng lập ra ”Dòng đại thệ” Cluny là Odilon (994-1049). Nhờ công trình của ngài, số các nhà dòng phụ thuộc Cluny tăng lên gấp đôi. Hơn nữa Odilon ấn định các nguyên tắc chung là những nhà này phải tự tổ chức lấy. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả các nhà muốn theo đường lối của Cluny phải hoàn toàn vâng phục nhà mẹ trung ương, và vị bề trên nhà ấy. Việc quản trị rất là đơn giản. Tất cả các nhà dòng phụ thuộc, ngoại trừ một số nhỏ trung tâm đặc biệt, bỏ tên xưng là nhà dòng để đổi thành tu viện. Các nhà ấy được thâu nhận vào tổ chức của Cluny nếu chấp nhận tất cả lề lối của nhà này, và nếu các thầy dòng khấn hứa vâng lời đức viện phụ Cluny là người được chỉ định bề trên cho các nhà nhánh. Hằng năm các nhà ấy nộp cho Cluny một số lệ phí nhỏ cũng như Cluny phải đóng cho Roma số tiền gọi là Sensus. Phẩm trật đi theo hệ thống dọc. Như vậy nhà Charité tùy thuộc nhà Cluny, Lewes (Anh quốc) trực thuộc nhà Charité, Castle Acre (Norfolk) thuộc nhà Lewes, và Bromholm tùy Castle Acre. Không có hệ thống liên lạc ngang giữa các nhà tương đương với nhau như kiểu các dòng tu đời trước. Các kỷ luật liên hệ đến toàn bộ là do cha bề trên và cộng đồng Cluny ấn định. Không có tổng đại hội lập pháp. Ðức viện phụ Cluny không hề ủy quyền cho ai và cũng không đặt ai làm đại diện cho ngài. Bởi vậy ngài luôn luôn vắng mặt tại nhà mẹ để đi thăm các nhà nhánh hoặc các cơ sở phụ thuộc, để cải tổ và để thâu nhận các nhà mới vào đại gia đình. Ngoài ra ngài còn phải lo về các công việc của Giáo Hội Roma và của hoàng đế. Như vậy tổ chức Cluny có vẻ phong kiến. Bề trên nhà Cluny giữ vai trò tương tự như ông vua hay như hoàng đế. Lời khấn vâng lời của các thầy dòng đối với ngài tương tự như một nghi lễ thần phục.
Hugues đại nhân (1049-1109) tiếp tục nguyên vẹn đường lối quản trị tu viện của Odilon và còn áp dụng mau lẹ hơn nữa. Ông phổ biến cách đại qui mô từng đặc tính trong tổ chức Cluny, lối giữ luật tỉ mỉ, lối kiến trúc vĩ đại, gây thêm nhiều tổ chức chi nhánh được quản trị chu đáo. Từ con số 70 nhà, tổng hội dòng đã đạt tới ít là 1200 nhà, riêng số các thầy dòng tại Cluny từ 50 đã lên tới 700. Nhà thờ Cluny được xây lại hẳn. Trước kia đã to lớn, bây giờ còn đồ sộ hơn. Ðây là nhà thờ lớn nhất trong thế giới Kitô thời đó. Trong gần suốt thế kỷ XI, Cluny là trung tâm đạo đức của cả thế giới kitô Tây phương. Vào thời kỳ ấy, rất ít giáo hoàng có khả năng ở lại Roma lâu dài và các kẻ thù cũng không để cho các ngài yên thân. Bởi vậy Cluny đã phổ biến cho cả một thời đại ”sứ điệp” của Cluny là việc phụng vụ dâng lên Thiên Chúa: đọc các giờ kinh chung, Opus Dei của thánh Benoit, được phong phú hóa và tạo nên nền phụng vụ chính thức, trong đó có lễ trọng, hát Thánh Vịnh du dương, thêm nhiều giờ nguyện và kinh cầu nữa. Tất cả nền phụng vụ trên do một cộng đồng đông đảo cử hành trong một nhà thờ rộng lớn, nguy nga với những đồ trang trí lộng lẫy bằng vàng hay bạc quí báu, với đồ lễ bằng lụa thêu kim tuyến, toàn bộ vô số đèn và nến sáng trưng. Từ lâu, công việc chân tay bị loại bỏ khỏi đời tu hằng ngày. Kể ra có ít hoạt động văn chương và thần học tại Cluny. Nhưng về mỹ thuật thì Cluny có nhiều nghệ sĩ, nhất là trong việc trang trí chữ sách chép tay. Các nhà dòng thuộc Cluny đã sáng tác một lối kiến trúc và trang trí bắt đầu là các nhà dòng, rồi từ đấy lan tràn đến các nhà thờ được xây cất dọc theo lộ giao thông cho khách du lịch hay hành hương.
Vì Cluny đã trở nên một trung tâm cải cách trên một thế kỷ trước khi tòa giáo hoàng củng cố lại quyền bính, nên các sử gia đã tìm cách ước lượng xem nhà dòng lớn này đã đóng góp thế nào trong cuộc đấu tranh để đế quốc khỏi đoạt quyền sở hữu của nhà dòng, và để triều đình đừng lấn át. Chung qui, có thể nói được là Cluny đã không tranh thủ cho một sự nghiệp nào, ngoài việc tìm cách tự giải phóng, và giải phóng các nhà phụ thuộc khỏi quyền của lãnh chúa hay của giám mục. Với tư cách là trung tâm cải tổ dòng tu, Cluny có nhiều ảnh hưởng đối với tòa Giáo Hoàng đang tìm cách tự canh tân. Trong vụ tranh chấp giữa giáo hoàng và hoàng đế, cả hai bên đều trân trọng hỏi ý kiến cha bề trên Hugues. Hơn thế, Cluny còn là tổ chức cung cấp nhân sự cho tòa Giáo Hoàng.
Cluny là một trung tâm cải cách quan trọng nhất nhưng không phải chỉ có một mình Cluny mà thôi. Cluny chỉ ảnh hưởng trên các miền Roma. Tại Lorraine và trên phần đất hiện nay là nước Bỉ, cũng có nhiều cải cách, và cải cách đầu tiên là của Gérard người Brogne gần Namur (923). Trong những nhà Gérard người Brogne cải tổ, phải kể đến hai nhà lớn tại Gand là nhà thánh Phêrô và nhà thánh Bavon. Nhiều nhà dòng Normand khác mới được thành lập như nhà thánh Wandrille và nhà núi Saint-Michel. Quan trọng hơn nữa còn có việc cải tổ của Gioan người Gorze, gần Metz (933); cải tổ này lan rộng trên nhiều nhà miền Lorraine. Cũng như Cluny, Gorze được thời danh là vì đã kéo dài các kinh phụng vụ. Cuộc cải cách này có vẻ nhiệm nhặt hơn ở Cluny, ít là vào thời kỳ cuối. Khác với Cluny, về cách đối xử với những cộng đồng ưng thuận cải tổ kỷ luật, Gorze để cho các nhà ấy tự trị, miễn là tuân thủ quy luật chung. Phong trào này loang dần ra và được áp dụng vào 150 nhà dòng tại Ðức và miền Lorraine. Trên thực tế, dù không muốn, việc thành công của Gorze đã làm suy giảm thế lực của Cluny trong đế quốc. Gorze được Otton đại nhân và Otton II nâng đỡ. Khác với những nhà cải cách theo đường hướng Cluny, những nhà cải cách theo đường hướng Lorraine vẫn thuộc quyền sở hữu của giáo dân sáng lập. Các nhà ấy không trực thuộc quyền Roma, nên vẫn thuộc quyền của giám mục địa phận. Bởi vậy các nhà dòng này ảnh hưởng trên hàng giáo sĩ triều hơn các nhà cải cách theo đường hướng Cluny. Nhiều cha dòng được chọn làm giám mục, và họ đã gây được ảnh hưởng lớn, nếu chưa phải là ảnh hưởng trực tiếp trên phong trào cải tổ Lorraine. Phong trào này chuẩn bị cho việc cải cách tại Roma, và sau đó đã cộng tác rất nhiều vào việc cải tổ, cũng như cung cấp cho Giáo Hội Roma nhiều nhân vật thời danh, trong đó phải kể đến Bruno de Toul, sau là giáo hoàng Léon IX và hồng y Humbert người Moyenmoutier. Hình như Hildebrand đã tu tại Toul hay gần đấy, khi ông vượt qua núi Alpes với đức Grégoire VII mới bị cách chức. Cũng nên nói qua về các nhà dòng Hy lạp hay Basilien tại miền Nam nước Ý. Vào thế kỷ X: dưới ảnh hưởng của thánh Nil người Calabrais (qua đời năm 1005) hai dòng này bành trướng nhiều về phía bắc. Căn cứ xa nhất của họ là Grottaferrata đối diện với Roma. Các nhà dòng thánh Basile và thánh Saba cũng tăng gấp đôi con số các nhà đã có trong thành quốc.
Một đặc điểm của thời đại Bénédictin và thực ra cũng là truyền thống dòng tu của mỗi thời đại, là các trung tâm đạo đức và cải tổ đột khởi đó đây một cách bất ngờ như những đám cỏ bốc cháy trong mùa hè. Có những phong trào đã gây được thành quả lâu dài. Chúng ta đã bàn đến các trung tâm loại ấy xuất phát từ nước Anh Anglo-Saxon: tại đây các nhà dòng nam và dòng nữ được thành lập - như Westminster, Glastonbury, thánh Albans, Abingdon và nhiều nhà khác - và đã thành những cơ sở đáng kính trên năm thế kỷ, trước khi các nhà dòng ấy tan rã. Chế độ dòng tu Normand thế kỷ X và XI cũng vậy. Các người xâm lăng từ miền Bắc đến định cư tại lưu vực sông Seine và tại miền ven bờ bể phụ cận đã áp dụng rất nhanh chóng những tục lệ tôn giáo của miền Tây Âu Châu. Nhà dòng kỳ cựu nhất đã được thành lập tại Jumièges khoảng năm 940. Sau đó, nhiều nhà dòng khác được các người Lorrains thành lập, như trên kia đã nói, vào các năm 961-963, và còn nhiều nhà khác nữa được thành lập sau năm 1001, nhờ sự đôn đốc của cha Guillaume người Dijon thuộc nhà Cluny, tại Fécamp và các miền phụ cận. Người ta gọi nhân vật tên tuổi này là Guillaume người Fécamp: ông là người đầu tiên viết nhiều tác phẩm đạo đức vào thời kỳ ấy. Ông đã mang sinh lực đến cho các nhà dòng Normand. Các nam tước quận Normand cũng thi nhau lập thêm các nhà dòng mới. Lúc công tước Guillaume đến nước Anh, tại đây đã có 27 nhà dòng nam rồi. Các nhà dòng ấy không những làm thơm danh cho quân Normandie, mà còn chỉnh đốn lại đời sống tu dòng tại nước Anh là nơi có nhiều dòng tu mới mọc lên. Các nhà dòng này đã đào tạo nhiều vị bề trên danh tiếng và đem lại sinh khí cho các nhà cũ xưa. Ðiều đáng chú ý hơn cả là phong trào này đã khuyến khích sáng tác mỹ thuật và văn chương, và thích xây cất cơ sở đồ sộ. Vì các nhà dòng Normand sống ngoài vòng ảnh hưởng của Cluny nên đã duy trì được tinh thần độc lập của lối tu trì của người Anh. Bởi vậy các nhà dòng Bénédictin trên quần đảo Anh quốc là những nhà biệt lập có lối cai trị riêng của họ. Các nhà dòng thuộc ảnh hưởng Cluny thành lập sau cuộc chinh phục chỉ còn thưa thớt, bé nhỏ và không gây được ảnh hưởng gì. Phong trào phục hưng tại miền Normandie và tại Anh quốc trong thế kỷ XI cũng như phong trào phục hưng Mont-Cassino vào thời kỳ ấy đã đào tạo được nhiều nhân vật mở đường hướng mới về đời tu, chuyên chủ về trí thức, về văn chương và mỹ thuật. Thí dụ, nhà Le Bec tại Normandie cùng với Lanfranc và Anselme, nhà Mont-Cassino với Didier, hai nhà này đã trở thành những trung tâm thời danh về văn hóa.
Còn một trung tâm phục hưng đời tu cổ truyền trong thế kỷ XI nữa là trung tâm Hirsau thuộc giáo phận Spire. Ðược cha Guillaume sáng lập ra và làm bề trên từ năm 1069 đến năm 1091, nhà Hirsau theo khuynh hướng Cluny. Tài liệu được biết đến và đầy đủ hơn cả về nền phụng vụ hằng ngày tại Cluny là cuốn Tập quán của Ulric. Cuốn sách này được biên soạn dưới quyền điều khiển của cha Guillaume. Nó được Hugues đại nhân ở Cluny gửi đi cho Ulric và cho phép ông này tự tiện sửa chữa những điểm cần thiết để thích ứng vào những hoàn cảnh đặc biệt của Hirsau. Nhà dòng này và các nhà chi nhánh không thuộc về tổ chức Cluny. Nhưng đức Grégoire VII đã chọn Hirsau, Cluny và nhà Saint-Victor tại Marseille làm trung tâm cho chương trình cải tổ. Sau khi lên ngôi ít lâu, Rodolphe, người Souabe và là vua đối lập, đã đến sống tại Hirsau. Bởi thế, cha Guillaume đã bị một giám mục bảo hoàng cưỡng ép phải đi khỏi Hirsau. Ngài đến tránh nạn tại nhà dòng Schaffhausen.
Hirsau có tên tuổi trong lịch sử dòng tu vì một lý do khác nữa: nghe biết nơi đây nổi tiếng, nhiều giáo dân đơn thường, trẻ trung và thuộc phái quí tộc, đã đến xin mặc áo dòng với tư cách là ”thầy dòng giáo dân” conversi. Họ không phải là các ”thầy trợ tá” theo kiểu Citeaux sắp thành lập, mà là ”các thầy dòng giáo dân” hay ”người để râu” theo như kiểu đã có tại Cantorbéry dưới đời Lanfranc. Vì ”thiếu học lực” họ không được chịu chức linh mục. Họ chuyên lo các việc thông thường tại nhà thờ và trong nhà dòng. Sự kiện này cho thấy khuynh hướng chung là muốn đời sống tu lan rộng hơn nữa. Ðó là tiền sử về tu hội giáo dân (Confrérie laique). Chúng ta đã theo dõi lịch sử đời tu cổ truyền Bénédictin cho đến cuối thế kỷ XI. Trước đó ít lâu, chế độ tu dòng Bénédictin hầu như đã giữ độc quyền tại miền Tây Âu Châu. Người ta chỉ biết đến đường tu trì này. Ðường tu này có lúc thịnh lúc suy, có thời kỳ sốt sắng, nhiệm nhặt, có giai đoạn khô khan, buông thả. Nơi này trổ bông, chỗ khác héo tàn. Có những trung tâm đạo đức xuất hiện rồi lại tan rã. Thật ra, trong thế kỷ cuối cùng của thời kỳ oanh liệt, nhiều nhóm đã bùng lên - trong đó phải kể Cluny quan trọng và tổ chức quy củ nhất - phổ biến và duy trì những hướng sống đặc biệt. Nhưng tổ chức của Cluny đã rạn nứt và không cầm cự nổi khi số nhà quá nhiều. Các nhóm khác lại không xúc tiến nổi các dự tính vì mối liên lạc giữa các nhà nhánh quá lỏng lẻo. Tất cả các nhóm ấy đều bị những nhà cải cách cấp tiến và có thế lực đả kích. Họ không hề được coi như những nhóm tượng trưng cho đời sống tu dòng. Tuy thế lối tu dòng cổ truyền vẫn tồn tại. Con cháu của những nhóm ấy hiện nay vẫn quây quần thành những cộng đoàn tự trị và tuân giữ Quy luật của thánh Benoit một cách ôn hòa hơn. Không phải những người cải cách mà chính họ mới là những người duy trì và mang tên là thầy dòng Bénédictins.