CHƯƠNG VIII
ROMA VÀ CONSTANTINOPLE
CHƯƠNG VIII
ROMA VÀ CONSTANTINOPLE
Trong cuốn thứ nhất của bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội này, chủ đề quan trọng nhất sau khi hoàng đế Constantin trở lại đạo, là khai triển tuần tự nền giáo lý Kitô đang phải đương đầu với những người lạc đạo như Arius, Sabellius, Nestorius và Pélage. Tuy không biết ý nghĩ riêng của họ ra sao, nhưng chúng ta thấy rõ các ông đã phát biểu những quan điểm và dùng những công thức không phù hợp với truyền thống Ðức Tin của các Tông Ðồ. Trong phần thứ nhất cuốn thứ hai này, chủ đề ấy đã nhường buớc cho một chủ đề khác bàn về việc cai trị trong Giáo Hội và về việc thống nhất Kitô giáo. Cụ thể là việc củng cố quyền của giáo hoàng, và những rạn nứt giữa hai Giáo Hội Ðông phương và Tây phương. Trong khi gây ra nhiều hiệu quả quan trọng cho Ðông phương và Tây phương, những khuynh hướng này có nhiều liên hệ với nền thần học của các thế kỷ trước, đồng thời là hậu quả trực tiếp của những xung đột mới và của những phát triển chính trị và xã hội. Chúng đã mang lại cho hai khối Kitô Ðông phương và Tây phương những đặc tính và những lối suy tư dị biệt mà người ta nghĩ có thể tránh được nếu các sự việc đã xảy ra cách khác.
Suốt thế kỷ tiếp sau khi đức Grégoire I qua đời, các mối giao tiếp giữa Roma và Constantinople bên ngoài không có tiến triển khả quan, nhưng cũng không đoạn tuyệt. Nói về các nguyên nhân của tình trạng ấy, thoạt tiên cần nhớ là thời gian cầm quyền của các giáo hoàng quá vắn vỏi, và bản lĩnh của các ngài không mấy vững chắc; thứ đến là vì nhiều vị giáo hoàng và các cố vấn của các ngài đều mang quốc tịch Hy Lạp và Syrie; người ta còn kể đến những tai ương giáng xuống trên đế quốc trong thế kỷ ấy. Chính các tai ương này đã thúc đẩy Roma gián đoạn với đế quốc Ðông phương về chính trị và ngoại giao, đó là điều Constantinople không muốn. Thế nhưng các cuộc giao tiếp đã đưa đến đoạn tuyệt, và cả đôi bên đều giữ một kỷ niệm cay đắng về thời kỳ ấy. Một đàng, những tai ương giáng xuống Ðông phương như việc mất Ai Cập, Syrie và Arménie đã làm mất quân bình về dân số và chính trị mà thời trước vẫn có giữa Ðông phương và Tây phương. Ranh giới quyền bính của hoàng đế Byzance bị thu hẹp lại. Tình thế mới này đã làm cho Constantinople thêm kiêu hãnh về tình tự dân tộc và thúc đẩy Justinien, một hoàng đế dễ thay đổi và thiếu tự tín, áp đảo quyền lực trên giáo phụ, trên Giáo Hội, trên nghi lễ và Ðức Tin. Về phía Tây phương, các mối giao tiếp giữa Roma và Constantinople thật rắc rối! Người ta vẫn chưa quên được việc Martin I bị lăng nhục và việc Serge I bị bắt cóc hụt. Khi chạy loạn từ miền Balkans bị người Slaves chiếm đóng hay từ các miền bị người Ả Rập xâm lăng, người Hy Lạp và người Syrie đã gây được cảm tình giữa Roma và Ðông phương. Nhưng tình hình chính trị nước Ý và các mối giao tiếp lỏng lẻo giữa Roma và đế quốc đã làm cho hai bên xa cách nhau về quyền lợi, mất dần sự trung tín hỗ tương. Dù muốn dù không, các giáo hoàng cũng liên lụy trong vụ tranh chấp; buổi đầu các ngài còn được người ta tạm kính nể; về sau, vì muốn thẳng thắn duy trì Ðức Tin truyền thống, các ngài đã bị thóa mạ, bị kết tội, bị hành hung, có khi bị giết chết. Các vụ tranh chấp có tính cách tàn bạo như vậy đã gây hoang mang, ác cảm giữa các giới tại Roma. Tuy vậy, lòng trung thành truyền thống đối với hoàng đế và mọi kỷ niệm về tình xưa nghĩa cũ vẫn còn mạnh mẽ đủ để phục hồi lại, ít ra ở bên ngoài, các mối giao tiếp giữa Roma và Constantinople.
Hòa hảo chưa được đầy hai mươi năm thì một vấn đề tôn giáo tại Ðông phương lại làm cho mối giao hòa tan vỡ. Ðó là cuộc tranh luận về lòng sùng kính các ảnh tượng quen gọi là phong trào bài ảnh thánh. Vấn đề đã do hoàng đế Léon III người Isaurien khơi dậy. Toàn thể thế giới Kitô mang ơn ông, vì ông đã cương quyết xua đuổi được người Ả Rập đến bổ vây thành Constantinople (717-718). Như vậy, ông đã cứu vãn ”nền tảng mọi sự” của Giáo Hội và của nền văn minh Tây phương, ông cũng làm cho chính phủ và nền văn hóa Byzantin giữ được thế quân bình trong bảy thế kỷ. Tám năm sau, sau một cuộc tuyên truyền lâu dài và mánh lới, sau khi bó buộc giáo phụ phải từ chức và dẹp tan những vụ chống đối căm go của giáo hoàng Grégoire III, hoàng đế cấm tôn sùng ảnh tượng và ra lệnh phải phá hủy ảnh tượng trên toàn thể lãnh thổ ngài cai trị. Giáo hoàng Grégoire III nhân danh toàn thể nước Ý và Giáo Hội Roma phản kháng kịch liệt. Bởi vậy hoàng đế gia tăng thuế má tại miền nam nước Ý, chiếm các đất đai của giáo hoàng tại miền Calabre và Sicile (khoảng năm 732), xé lẻ tất cả nước Hy Lạp và bán đảo Balkan (Êpire, Illyrie và Macédoine), cũng như đảo Sicile và miền nam nước Ý ra khỏi quyền Roma và cho sáp nhập vào quyền Constantinople.
Con của hoàng đế Léon III là Constantin V lên nối ngôi. Vì bận bịu phải dẹp loạn nhiều nơi trong đế quốc, ông không rảnh tay để cương quyết can thiệp vào vụ tranh chấp, ông nối lại các mối bang giao với tòa Giáo Hoàng; Nhưng năm 754 ông cho nhóm họp gần Chalcédoine một công đồng chỉ nguyên có các giám mục thuộc miền ông cai trị. Công đồng này có tính cách truyền thống, chỉ trừ một điều quan trọng là cấm sản xuất, cấm tàng trữ và cấm tôn sùng các ảnh tượng, bất kỳ là công khai hay riêng tư; công đồng ra những hình phạt nặng về đàng thiêng liêng cho những ai không tuân lệnh; nhưng công đồng lại cấm chỉ (sau đây sẽ thấy) không được dùng võ lực và không được phá hủy ảnh tượng khi không có phép chính thức. Sau Constantin V, con ông là Léon IV lên kế vị. Dưới triều đại ông này, và nhất là dưới đời hoàng hậu quả phụ Irène, tình thế lắng dịu hẳn xuống. Sau khi đã bàn hỏi với giáo hoàng Adrien I và đã vất vả giàn xếp, đại công đồng thứ bảy được nhóm họp tại Nicée năm 787. Giáo lý truyền thống về việc sùng kính ảnh tượng được công bố rõ rệt. Ðiều đó làm cho các nhà thần học Roma thỏa mãn.
Tuy nhiên, việc công nhận chính thức và việc phổ biến văn kiện của công đồng bị đình trệ vì một chuyện kỳ khôi xẩy ra trong triều đình của Charlemagne. Số là văn kiện của công đồng gửi đến Aix-la-Chapelle, đã bị dịch sai hẳn, xuyên tạc sự thật, và nhiều điểm quan trọng lại được trình bày trái hẳn với chủ trương của người Hy Lạp. Bởi vậy Charlemagne đã tưởng rằng công đồng năm 787 đi ngược truyền thống những khoản luật năm 754; ngài vận dộng các cố vấn thần học nói chung, Alcuin và Théodulf nói riêng, để đả kích một cách hệ thống những điểm sai lạc của người Byzantin, trong một cuốn sách nói về ảnh tượng quen gọi là Livres carolins. Ðúng vào lúc ấy, các vụ thương thuyết giữa triều đình Ðông phương và Tây phương về việc cưới hỏi giữa hoàng đế Constantin V và con gái của Charlemagne bị gián đoạn. Khi tấn công người Hy Lạp, Charlemagne muốn củng cố quyền bính và giáo lý truyền thống của Tây phương. Sau khi nhóm họp công đồng Francfort năm 794 để bác bỏ công đồng Nicée, hoàng đế cho gửi Livres carolins đi. Giáo hoàng Adrien I khước từ không châu phê bản án của công đồng Francfort; thế nhưng ngài cũng ngần ngại không muốn chấp nhận các quyết định của công đồng Nicée. Giáo Hội Ðông phương lại bị khủng hoảng vì có vụ thay đổi chính quyền.
Cũng trong thời ấy, một chuyện khác còn thê thảm hơn, đó là vụ tranh chấp về chữ Filioque đang đi đến độ quyết liệt. Chúng ta đã bàn đến ở trên (1). Chỉ cần ghi nhận rằng nhờ trí thông minh và tinh thần ôn hòa của hai giáo hoàng Adrien I và Léon III, mọi vấn đề sôi động đã lắng xuống và không có vụ đoạn tuyệt.
Những nghiên cứu hiện đại (nhất là của F. Dvornik) đã làm sáng tỏ cuộc tranh luận về từ Filioque, và đã chứng minh rằng Photius, người mà Giáo Hội truyền thống vẫn coi như một vị thánh và một nhà thần học lỗi lạc, không phải là một nhân vật hung dữ như các người Tây phương vẫn hình dung trước đây. Dù sao cuộc tranh chấp liên lụy đến ông đã nắm phần then chốt trong các biến cố xảy ra tại Constantinople suốt ba mươi năm trời; các biến cố ấy đã phân tách hẳn lịch sử các mối giao tiếp giữa Ðông phương và Tây phương. Trong thời kỳ ấy, tại Roma cũng như ở Constantinople, nhiều nhân vật trứ danh đã dụng tâm làm cho sống lại và cập nhật hóa mọi truyền thống đã có từ trước; trong những năm về sau, cả hai bên chỉ lặp lại những phát biểu ấy thôi. Về phía Photius, ông buộc lòng phải kiểm điểm rồi đả kích những yêu sách của Roma về quyền tối thượng giáo luật và về chủ trương độc quyền của giáo hoàng; ông tìm tòi, khám phá và trình bày tất cả các điều truyền thống mà Ðông phương, các thánh và những tiến sĩ đã nói trong thần học về Chúa Ba Ngôi, chủ trương là Chúa Thánh Thần không nhiệm xuất từ Ngôi Cha và Ngôi Con. Ðức Nicolas I lại bị các biến cố chính trị thúc đẩy; ngài đã nhận được những báo cáo sai lạc của phe chống đối Photius; ngài lấy làm phấn khởi khi thấy có nhiều chia rẽ tại Ðông phương; ngài bị ảnh hưởng của Anastase, thủ thư viện và cũng là ”tổng trưởng ngoại giao”, một người lỗi lạc đã giúp ngài, nhưng có lúc đã lấn át quyền hành. Ngài cương quyết áp dụng những yêu sách về quyền tối thượng của giáo hoàng. Ngài trình bày Giáo Hội Roma như mẫu mực và như người mẹ của cả thế giới Kitô. Trong các cuộc tiếp xúc giữa hai Giáo Hội, óc cạnh tranh và giọng điệu cay chua chen lẫn vào việc phát biểu giáo lý; một đàng vì tại Photius rất sáng suốt về chính trị và thần học, và cũng vì ông đã thành công ở Bulgarie, một đàng vì tại Nicolas I có thái độ cứng rắn và độc đoán. Những vụ hành hung bạo lực và các thủ đoạn tại triều đình Constantinople đã sinh nhiều gương mù gương xấu. Nhưng điều phải nói là tư cách tàn ác của Anastase người thủ thư viện (cũng như của cha mẹ ông tại Roma), nhất là khi ông giây mình vào chính trị của giáo hoàng, hoặc khi ông xúi giục ngài phải nói thế nọ thế kia. Với những hành động và những văn thư đổi chác trong các năm đen tối, hai Giáo Hội Tây phương và Ðông phương đã dựng nên một hàng rào ngăn cách giữa các Giáo Hội, hiện nay vẫn còn là một trở ngại cho tinh thần hiệp nhất.
Với cá tính của ông và những điều ông viết ra, giáo phụ Photius đã gây ảnh hưởng lâu dài trên tư tưởng chính trị và thần học trong Giáo Hội Constantinople. Dầu vậy vẫn chưa có đoạn tuyệt về bang giao giữa Ðông phương và Tây phương trong vòng mấy chục năm nữa, vì thời gian cầm quyền của các giáo hoàng quá vắn vỏi, và vì các ngài bị giảm uy thế nên ta có rất ít tài liệu về mối bang giao giữa hai bên. Vào cuối thế kỷ, một biến cố không mấy quan trọng đã khêu gợi lại cuộc bang giao rồi cũng trở nên đen tối (899-923). Ðó là vụ kết hôn lần thứ bốn của hoàng đế Léon VI. Theo giáo luật Byzantin, kết hôn lần thứ hai thứ ba không phải là điều hay nhưng vẫn thành sự. Nhưng pháp luật không chấp nhận việc kết hôn tới lần thứ bốn. Léon VI đặt giáo phụ Nicolas một người có tinh thần chiêm niệm, trước sự việc đã rồi và yêu cầu ngài nhìn nhận lễ thành hôn. Hoàng đế kêu gọi bốn giáo phụ khác - trong đó có giám mục Roma - nhìn nhận việc kết hôn. Serge III trả lời bằng cách tuyên bố là theo giáo lý truyền thống của Tây phương thì không có luật nào cấm kết hôn nhiều lần, miễn là các cuộc kết hôn phải kế tiếp nhau. Thế là Nicolas bị cách chức ngay. Ðến đời hoàng đế sau thì ngài lại được phục hồi trong chức giáo phụ; ông cắt liên lạc với Roma trong một thời gian. Sau cùng hai bên lại tiếp xúc với nhau. Dù sao giai đoạn này đã cộng phần làm sáng tỏ những chỗ dị biệt giữa Ðông phương và Tây phương; nó củng cố lập trường của các giáo phụ trong ý chí muốn hoạt động và quyết định riêng rẽ. Chúng ta biết rất ít về những việc đã xảy ra trong thế kỷ sau giữa Roma và Constantinople. Cả các giáo phụ cũng như các giáo hoàng đều cầm quyền trong một thời gian ngắn, và không vị nào nổi bật về tư cách hay xuất sắc về tài năng và tư tưởng. Ðó là chưa kể đến những vị lên ngôi không hợp lệ hoặc bị cưỡng ép phải lên cầm quyền. Thực tế, vào khoảng năm 1000, các cuộc giao tiếp bị gián đoạn, mặc dầu không có văn kiện nào xác nhận tình trạng này.
Vận mệnh của đế quốc Ðông phương và của tòa Giáo Hoàng đã thay đổi chiều hướng. Nhiều hoàng đế tại Constantinople đã lên đường chinh chiến một cách vẻ vang. Các ngài thu hồi lại Tiểu Á, một phần đất Syrie, nước Bulgarie và một phần miền nam nước Ý. Thế là máu tự hào dân tộc và của triều đình lại bùng lên. Từ đấy trở đi, giáo phụ Constantinople tự coi mình như vị thủ lãnh của một Giáo Hội gồm cả Bulgarie và Nga Sô. Các cuộc chinh chiến tại Ý lại gây đố kỵ với Tây phương. Tòa Giáo Hoàng, ngay trong khi ở dưới quyền bảo trợ của người Ðức và cả sau khi đã dành được độc lập, lúc nào cũng ráo riết đòi quyền tối thượng. Các người Ðông phương, dựa vào thế lực chấn hưng mới và vào phong trào văn hóa trần tục, cho rằng Tây phương là thô bỉ và man ri. Tòa Giáo Hoàng sau khi lấy lại được tự tín và nhờ việc trợ lực của những vị truyền giáo kiên cường, đã cho Ðông phương là suy mạt và lạc đạo. Chúng ta không thể hiểu được điểm chung kết, tất nhiên và đột ngột đã xảy ra ở giữa thế kỷ thứ XI, nếu chúng ta không quan tâm đến những thay đổi tâm trạng của cả hai bên và đến những ảnh hưởng sâu rộng của ý thức hệ cứ thổi phồng những quyền lực mà mỗi bên đắc thủ được. Giáo phụ Michel Cérulaire (1043-1058) là người nhiều tham vọng và tàn bạo, ông nhất quyết khẳng định nền tự trị của ngôi tòa ông và phong phú những chỗ hèn kém của người La tinh đối với người Byzantin. Thật ra những biến chuyển chính trị tại miền nam nước Ý do cuộc xâm lăng của người Normand gây liên lụy đến giáo hoàng và hoàng đế, và thúc đẩy hai bên liên kết với nhau. Thế mà Cérulaire lại dung túng các vụ hành hung và những tác động phạm thánh tại các nhà thờ và nhà tạm La tinh ở Constantinople. Viện cớ là lễ điển của Giáo Hội Roma không thể đi đến thống nhất, ông công bố bản tuyên ngôn công kích lễ điển ấy. Chẳng may trách nhiệm trả lời những tố giác ấy lại được ủy thác cho hồng y Humbert quê ở Moyenmoutier, một người cá tính bốc đồng và thiếu chín chắn. Ông hoàn tất sứ mệnh bằng cách lặp nguyên lại tất cả các yêu sách của Roma.
Dầu vậy, còn có những lý do chính trị làm cho tình thế bớt căng thẳng: Hai bên trông đợi viện trợ của nhau để chống lại người Normand. Chẳng may hồng y Humbert được chỉ định cầm đầu phái đoàn giáo hoàng để phục hồi lại thống nhất giữa hai Giáo Hội. Một bên, vị giáo chủ khéo ngoại giao nhưng lại chống đối mọi hình thức giàn xếp; một bên, vị hồng y cứng rắn và mù quáng nên điều mà Cérulair mong muốn đã xảy đến ngay sau khi Humbert tới kinh đô. Hai đối thủ mạ lị lẫn nhau và Humbert mở cuộc bút chiến gay gắt. Cùng thời gian, giáo hoàng Nicolas qua đời, làm cho phái đoàn mất uy tín và có lẽ mất tất cả các năng quyền giáo luật để đàm phán. Hồng y Humbert nhận thấy đã đến lúc phải đình chỉ cuộc thương thuyết. Trước khi bỏ thành phố ra đi, ngài vội vã để ”tờ ra vạ tuyệt thông giáo chủ Cérulair trên bàn thờ của thánh đường Sophia”. Hoàng đế cố tìm cách triệu tập cả hai bên lại để nối tiếp cuộc hội đàm nhưng không thành. Giáo chủ Cérulair nhóm họp một công đồng để lên án hành động của phái đoàn Roma; rồi ông công bố bản tuyên ngôn dài kể lại lịch tất cả những mối bất đồng giữa hai Giáo Hội, và giới thiệu giáo chủ như vị thủ lãnh toàn thể Giáo Hội Byzantin. Ngay lúc đó, giáo chủ Cérulair bị thất sủng và qua đời ít lâu sau. Nhưng cộng đồng Dân Chúa và các cấp lãnh đạo (dĩ nhiên không phải tất cả các giám mục và các thầy dòng) đã hoàn toàn tán đồng tư tưởng của ông. Tại Roma các nhà cải cách cứ điềm nhiên tiến hành và hăng say chuẩn bị chương trình theo quan điểm của mình. Các ngài làm như không chú ý bao nhiêu đến công việc mới xảy ra. Thực tình, nếu nói một cách tuyệt đối và kỹ thuật thì cuộc đoạn tuyệt năm 1054 chưa có tính cách quyết định. Các người Hy Lạp và La tinh tại nhiều miền vẫn còn giữ giao hảo với nhau. Nhưng nếu nhìn vào quá khứ thì biết các biến cố năm 1054 đã đưa đến chỗ dứt khoát. Nếu nhìn nhận là hành động cá nhân đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử lâu dài và bi đát của cuộc ly gián này, thì phải nói giáo chủ Cérulaire và hồng y Humbert đã mang trách nhiệm nặng nề. Trong lịch sử đạo Kitô, có thể so sánh năm 1054 với năm 1517, mặc dù các nhân vật chủ chốt năm 1054 không có ý thức về ý nghĩa của vụ việc đã xảy ra, và các ngài chỉ lưu ý đến kỷ luật giáo triều và đến ngoại giao hơn là đến nền thống nhất của thế giới Kitô.
Nhìn cách tổng quát bốn thế kỷ tiếp theo sau khi Grégoire cả qua đời, nhà làm sử có thể suy tư về toàn bộ vấn đề. Tiên vàn là ngay từ lúc đầu, đạo Kitô La tinh và đạo Kitô Hy Lạp khác nhau thật sự và rất sâu xa về các thể chế, về vũ trụ quan, về cách suy nghĩ và về quan điểm chính trị. Cuốn sách thứ nhất trong bộ lịch sử này đã nhấn mạnh đến điểm ấy. Không thể chủ trương rằng các mối dị biệt tất nhiên phải đưa đến ly khai. Thật ra chúng ta nhận thấy có những dị biệt địa phương, chẳng hạn như các dị biệt giữa nền Kitô Celte và nền Kitô lục địa, hay những dị biệt giữa các Giáo Hội cổ xưa theo nghi thức Hy Lạp, Giáo Hội qui hiệp (uniate) và Giáo Hội Roma. Các dị biệt ấy đã mai một đi hoặc còn tồn tại nhưng không phá hủy sự thống nhất. Thật ra, cần phải có thời gian người ta mới nhận ra sự hiện hữu đích thực của các sức ly tâm trong nhiệm thể của Chúa Kitô. Vậy thử hỏi trong trường hợp này các mầm mống chia rẽ nằm ở đâu? Thoạt tiên là việc xen lấn của triều đình kể từ đời Constantin đại nhân: kể từ đó, người ta tưởng hoàng đế có sứ mệnh che chở, có quyền gây ảnh hưởng trên đời sống của Giáo Hội, và có quyền trên Giáo Hội. Thứ đến là việc rời kinh đô chính trị và hành chính từ Roma sang Constantinople. Rồi đến mức suy mạt kinh tế và văn hóa của Tây phương. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng lâu dài, đời sống cộng đồng của Giáo Hội bị lệ thuộc vào số mệnh của hoàng đế và bị hoàng đế kiểm soát. Tất cả mọi người đều phải trung thành với hoàng đế, và ngài dành ưu tiên cho một số người. Hoàng đế tự ý thay thế cộng đồng Giáo Hội để định đoạt các vấn đề bên ngoài như việc tổ chức công đồng và ra luật pháp. Bởi vậy, các Giáo Hội tản mát khắp nơi, các giáo phụ - một khi đã được thừa nhận - dư luận Kitô và cho cả đến tòa Giáo Hoàng Roma cũng không làm được cái gì cụ thể để gây dựng lên một trung tâm độc lập, ngõ hầu khôi phục lại nền thống nhất, hoặc chủ trương một đường lối cai trị chung. Một điều dĩ nhiên là giám mục đế đô có địa vị rất quan trọng, nên hoàng đế tìm cách khai thác và kiểm soát chức vụ ấy. Sau một thời gian, lòng trung thành của Tây phương đối với đế quốc cứ giảm sút dần, rồi hết hẳn. Tòa Giáo Hoàng có những mối liên lạc với đế quốc mới này, cho dù thấy mình và toàn thể Giáo Hội Tây phương đang bị đe dọa sáp nhập hoàn toàn vào đế quốc, giống như đế quốc Ðông phương đã làm đối với Giáo Hội Ðông phương. Bởi vậy những mối chống đối ngoại giao đưa đến ly khai thật bi đát, không tài nào tránh được. Các người Hy Lạp thừa hiểu là Roma đã chọn lệ thuộc vào quyền ngoại lai: các cuộc chiến thắng của Hồi giáo cũng góp phần vào việc chia rẽ, vì chúng làm giảm bớt đối lực của các giáo phụ Ðông phương. Vì thế các hoàng đế tại Macédoine lên đường chinh phục và mở rộng thế lực của giáo phụ Constantinople và cổ võ tinh thần truyền giáo.
Nói riêng về phương diện lịch sử thì truyền thống về sự thống nhất Kitô rất vững chắc, truyền thống về quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô đã có từ rất lâu đời và được mọi giới công nhận. Nhưng các biến cố đã minh chứng rằng sự yếu đuối và óc chia rẽ của loài người quá mãnh liệt làm cho người ta quên nhìn đến ích chung. Trong thế giới khép kín của thế kỷ IX và XI - khép kín tới độ không lưu tâm đến những di chuyển của người Hồi giáo, người Hung Gia Lợi và người Normands - trong thời kỳ đạo Kitô nắm giữ phần then chốt về trí thức, trong thời kỳ việc giao thương giữa Ðông phương và Tây phương ít oi và chậm chạp, thì các dị biệt về pháp luật, về lễ điển cũng như những lời tố giác lạc đạo thật nguy hiểm và đáng ghê sợ. Ðáng ghê sợ, vì chúng tạo nên óc đố kỵ, các vụ hành hung dã man, những lần phạt vạ lẫn nhau, những bản tuyên ngôn cuồng dại. Chắc chắn đã có nhiều sai lỗi trầm trọng xét về phương diện cá nhân cũng như cộng đồng: những lạm dụng quyền bính vô trách nhiệm và võ đoán của các hoàng đế đối với Roma và với hàng giáo sĩ, cuộc tranh chấp nhất thời nhưng trầm trọng chung quanh vụ bài ảnh thánh, tình trạng yếu nhược và trụy lạc của tòa Giáo Hoàng, các bè phái ở Roma và tại nước Ý, những lời khiêu khích cố chấp và lố bịch của Anastase người thủ thư viện hay của hồng y Humbert người Moyenmoutier, óc thiển cận và thiếu bác ái của các giáo hoàng Roma và các giáo phụ thành Constantinople sau khi đức Grégoire Cả qua đời. Tất cả những vụ việc ấy đã góp phần đưa đến tai họa ”đoạn tuyệt” giữa Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Ðông phương. Ðiều không tránh được - nhưng vẫn là điều đáng tiếc - là cuộc tranh chấp lâu dài này (trừ mấy lần người ta đã dùng đến võ lực) đã diễn ra giữa giới ngoại giao cao cấp nếu chưa phải là giữa giới chính trị, bằng những thư văn mà khi chưa tới tay người đọc, nội dung của văn thư đã bị đảo lộn và xuyên tạc. Còn điều khác cũng khó tránh là nền thống nhất kitô đã bị thương tổn vì mấy biến cố nhất thời hay vì lập trường cá nhân.
Ðàng khác, nhà sử học hiểu rằng không phải sự tách biệt sâu xa về vấn đề Ðức Tin và luân lý đã làm cho biến cố đoạn tuyệt thành không thể tránh. Ðức Tin, cách giữ đạo và lòng sùng đạo của những người thánh thiện tại Tây phương hay tại Ðông phương đều giống hệt như nhau về căn bản. Nhưng các vấn đề về quyền hành và tài thẩm của giáo triều - tức là những vấn đề được đặt ra trong vòng chín thế kỷ vừa qua, kể từ năm 1054, đã đóng vai trò chủ yếu và xem ra khó giải quyết hơn cả - không được đặt ra rõ ràng trước đời đức Nicolas I và giáo phụ Photius. Nếu mỗi bên tỏ ra có óc minh triết và tinh thần trách nhiệm, thì các quyền hành thừa hưởng từ Phêrô trong Giáo Hội Roma - tức là quyền cai trị, quyền định tín, quyền chủ tọa và quyền lên tiếng - sẽ tuần tự được trình bày bình tĩnh và tế nhị hơn, tùy theo các nhu cầu của Giáo Hội và với sự thỏa thuận của đôi bên. Về phương diện lịch sử, chắc chắn là khi mất uy thế và tự đồng hóa mình với vận mệnh của đế quốc Tây phương, tòa Giáo Hoàng đã mất hẳn Ðông phương và làm tiêu tan những mối thiện cảm còn vớt vát được. Mặt khác, Giáo Hội Chính thống, nhờ có óc khuếch trương - điều này bù lại việc mất mát các tỉnh miền Tây Á châu - đã giữ được tinh thần truyền giáo hăng say và biết xác tín vào tương lai, là hai dữ kiện không hề thấy trong nhiều thế kỷ. Kể từ đó, Giáo Hội Chính thống bênh vực thế giới Kitô Ðông phương theo đường lối khác. Họ không thua kém Roma về lãnh thổ và về số giáo dân. Sau thời kỳ giữa Charlemagne và đời giáo hoàng Grégoire VII, những vụ tranh chấp giữa các giới cao cấp đã gây ra nhiều chia rẽ đến độ trong các thế kỷ nối tiếp, không tài nào vãn hồi được sự thống nhất bằng việc cam kết giữa hoàng đế và giáo hoàng nữa.