CHƯƠNG VII
GIÁO HỘI BYZANTIN
CHƯƠNG VII
GIÁO HỘI BYZANTIN
1.THẾ GIỚI KITÔ PHƯƠNG ÐÔNG THẾ KỶ VII.
Thế kỷ thứ VII đã đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử đế quốc Ðông phương La tinh. Ðã có nhiều thay đổi quan trong trong đời sống Giáo Hội Byzantin. Các biến cố chính trị và quân sự xảy ra trong đế quốc và bên kia biên giới phía Ðông và phía Ðông Nam đã làm thay đổi bản đồ tôn giáo miền kitô Ðông phương, và đã mang lại cho Giáo Hội Byzantin một bộ mặt văn hóa mới trong suốt đời Trung Cổ. Người Ba Tư đã chiến thắng tại Syrie, tại Arménie, tại Palestine và ở Tây Tiểu Á; họ lại chiếm được cả Ai Cập (611-619). Cùng lúc ấy người Avars và Slaves chiếm các tỉnh miền Balkans của đế quốc. Tất cả các sự việc trên tiên báo đế quốc Roma Ðông phương đã đến ngày tận số. Jérusalem bị chiếm đóng và bị tàn phá (5-5-614), người ta đưa gỗ Thánh Giá về Ba Tư. Ðiều này làm cho các người Byzantin cảm thấy bị xúc phạm. Bởi đấy, họ gây hấn và chuẩn bị một cuộc chiến tranh tôn giáo. Nhờ ở những cải tổ chính trị và binh bị của hoàng đế Héraclius (610-641), Byzance được khôi phục lại. Giáo Hội đã yểm trợ rất nhiều phong trào cải tổ này bằng việc đóng góp tiền của vào chiến tranh, và khích lệ tinh thần ái quốc của dân chúng. Về điểm lịch sử này, chúng ta có nhiều bằng chứng giá trị qua bản dịch trứ danh của giáo phụ Serge năm 626, lúc người Ba Tư, người Avars vào Slaves đến đánh miền Constantinople. Byzance lấy lại được các tỉnh hoàng triều ở Á châu và Phi châu (622-628). Thánh giá được rước về Jérusalem cách khải hoàn. Nhưng việc hồi phục này chỉ là tạm bợ. Bốn mươi năm sau khi người Byzantin đã thắng người Ba Tư, các đạo binh Ả Rập xâm chiếm các tỉnh hoàng triều Syrie, Mésopotamie, Arménie và Ai Cập. Mặc dầu người Ả Rập đã bị xua đuổi khỏi tường thành Constantinople trong hai cuộc đụng độ giữa Byzance và vua Omeyyade năm 678 và 718, hầu như tất cả các tỉnh miền Ðông trong đó có các tòa Giáo Phụ Alexandrie, Jérusalem và Antioche bị người Hồi giáo chiếm giữ. Ðến sau Antioche được giải phóng một thời gian (từ năm 769 đến năm 1085); nhưng hai tòa Giáo Phụ Alexandrie và Jérusalem không bao giờ nằm lại dưới quyền Byzance nữa.
Sở dĩ người Ả Rập xâm chiếm dễ dàng như vậy là vì dân chúng, nhất là tại Ai Cập, không còn cảm tình với chính phủ trung ương Constantinople về vấn đề tôn giáo nữa. Họ theo môn phái Nhất Tính vào trong vòng hai thế kỷ vừa qua không cách nào làm cho họ thần phục giáo lý của Chalcédoine. Sau đấy nhiều tác giả Nhất Tính tố giác giáo dân đã đón tiếp người Ả Rập như những đạo quân giải phóng. Abulfarage, một nhà văn trong thế kỷ thứ XIII, đã viết về việc xâm chiếm Syrie như sau: ”Thiên Chúa đã trả thù bằng cách dùng người Ả Rập để giải phóng chúng tôi khỏi ách người Roma. Việc được thoát ách tàn bạo và lòng ghen ghét của người Roma đối với chúng tôi không phải là một việc nhỏ” (1). Một nhà văn Éthiopien, Gioan người Nikion, năm mươi năm sau khi Ai Cập bị chiếm cứ, đã viết: ”Lúc đó tôi đang ở trong thành phố Alexandrie thì bỗng nhiên thấy có thái bình và an ninh sau một thời lo sợ bị bắt bớ bởi người phản đạo” (2). Chắc chắn là những nhận định trên nhuộm mầu bè phái và có phần trả oán. Nhưng không thể nào chối cãi, vì mối thù tôn giáo và chính trị đối với người Melkites thành Constantinople, nên người phái Coptes và người Syrie đã chấp nhận dễ hơn quyền bính mới của người Hồi giáo.
Cuộc chiến thắng của người Ả Rập tại các tỉnh miền đông đế quốc đã cáo chung những mưu toan mà các hoàng đế, trong vòng hai thế kỷ trước, đã dùng để lôi kéo các cộng đồng Nhất Tính, hoặc để cưỡng ép họ nhận nền giáo lý của công đồng Chalcédoine. Sau khi đã thắng người Ba Tư, Héraclius đã lám hết cách để giữ sự trung tín của các người phái Nhất tính miền Arménie, tại Syrie và Ai Cập, là những người trước kia đã được chủ cũ Ba-tư nuông chiều. Ngài khởi sự truyền bá thuyết ”duy năng độc nhất” (monoénergisme) là thuyết đức Serge, giáo phụ thành Constantinople, đã nghĩ ra trong những năm đầu triều đại của hoàng đế. Với chủ trương đấng Kitô có hai bản tính nhưng chỉ có một sức sống động, thuyết này xem ra trung độ, đứng giữa truyền thống và phái Nhất Tính. Thoạt tiên Héraclius thắng thế, cả giáo hoàng Honorius I cũng tán đồng lập trường của ông. Năm 633 hình như toàn thể đế quốc chấp nhận giáo thuyết của Chalcédoine. Nhưng sự tán đồng dựa trên lập trường thần học hàm hồ và chỉ vì chính trị, không được lâu bền. Giáo lý của Serge bị cha dòng Sophronius (sau này lám giáo phụ thành Jérusalem) và thánh Maxime, người xưng đạo, đả kích công khai. Nhưng Héraclius một mực tin tưởng chỉ có thống nhất tôn giáo mới cứu vãn đế quốc khỏi các người man ri đang đe dọa xâm chiếm các tỉnh miền Ðông. Thay đổi lập trường thần học - có lẽ là vì ảnh hưởng của Serge -, hoàng đế bỏ thuyết Duy năng độc nhất càng ngày càng ít người theo để nhận một lý thuyết mới chủ trương rằng Ðấng Kitô tuy có hai bản tính nhưng chỉ có một ý chí. Bằng một đạo luật mang tên là Ekthesis (638), hoàng đế tìm cách cưỡng ép tất cả Giáo Hội phải chấp nhận thuyết Nhất Tính. Ðiều đó đã gây nên những hậu quả tai hại. Phái Nhất tính từ khước điểm giáo lý ấy, cho là quá thiên về Chalcédoine. Người Ả Rập cứ ào ào chiến thắng miền Cận Ðông. Sau khi Héraclius qua đời năm 641, thì xảy ra vụ bắt bớ những người theo thuyết Chalcédoine. Việc này đã gây ra vụ bất bình giữa Roma và Constantinople. Trừ giáo hoàng Honorius, tòa Roma khước từ thuyết Nhất Tính. Ðể tránh tuyệt giao với Roma, năm 648 hoàng đế Constant II công bố sắc chỉ Typos, cấm tiếp tục bàn cãi về ”các sức hoạt động” và về ”ý chí” trong Ðức Kitô. Nhưng sắc chỉ Typos không có hiệu lực. Công đồng Latran do giáo hoàng Martin I triệu tập năm 649 long trọng lên án thuyết Nhất Tính để báo thù, hoàng đế đã huy động tất cả một chương trình bạo hành. Năm 653, giáo hoàng bị bắt, bị giải sang Constantinople và bị lên án vì tội phản bội. Sau khi bị xỉ nhục và hành hạ đủ thứ, đức Martin bị đày tới Cherson miền Crimée, và ít lâu sau ngài qua đời ở đây. Cha dòng Maxime đứng đầu ”nhóm Hy Lạp phản thuyết Nhất tính” và là nhà thần học nổi tiếng nhất thời ấy, cũng phải chịu cùng một số phận. Ngài bị bắt tại Roma, bị đưa sang Constantinople để lãnh án. Không có cách gì lám cho ngài chấp nhận sắc chỉ Typos. Dù bị tù tội, phát vãng và tra tấn, ngài cũng không chịu đầu hàng. Vị xưng đạo này đã qua đời năm 662 trong khi đi đày tại Lazica.
Thế nhưng tại Byzance dư luận rất xôn xao chán nản về những thái độ hung ác của Constant II. Hơn nữa, nhà cầm quyền Byzantin cũng bắt đầu chán ngấy về những vụ chia rẽ tôn giáo trong đế quốc. Lúc này người Ả Rập đã hoàn toàn bình định các tỉnh miền đông, nên không còn lý do nhượng bộ thuyết Nhất Tính về chính trị nữa. Vụ xung đột với Roma đã làm cho các đồ đệ của thánh Maxime hoang mang, lo sợ. Nhưng vụ khủng hoảng Nhất Tính vẫn chưa giải quyết được vì tình trạng chiến tranh. Năm 674 và 678, người Ả Rập đã chiến thắng Byzance một cách oanh liệt. Năm 678, khi người Ả Rập miễn cưỡng giải vây thành Constantinople, người ta nhất định chiến đấu để cứu vãn cho kỳ được thế giới kitô Ðông phương. Việc hoàng đế Constantin IV thắng Hồi giáo, việc Léon III xua đuổi người Ả Rập khỏi tường thành Constantinople năm 718, cũng như việc Charles Martel toàn thắng tại Poitiers năm 732 đã gây nên những thành quả lâu dài trên lịch sử đạo Kitô.
Kể từ đó, người ta rảnh tay để suy tính đến việc hòa giải tôn giáo. Ðại công đồng thứ VI do Constantin IV nhóm họp tại Constantinople với sự ưng thuận của giáo hoàng, đã lên án thuyết Nhất Tính và quảng diễn các khoản tín lý của Chalcédoine, cũng như giáo điều về hai ý chí trong Ðức Kitô như sau: ”Theo lời giảng dậy của các thánh phụ, chúng tôi minh định là trong Ðức Kitô có hai ý hướng tự nhiên và hai tác động tự nhiên không thể chia lìa, không thể đổi thay, không thể phân tán và cũng không trà trộn. Hai ý hướng tự nhiên ấy không phản trái nhau như những người rối đạo chủ trương. Nhưng ý hướng nhân loại của ngài không chống đối, mà phục tùng ý định của Thiên Chúa toàn năng” (3).
Công đồng phạt vạ những giáo sĩ tên tuổi chủ trương thuyết Nhất Tính trong đó có đức Honorius và giáo phụ Serge, nhưng không nhắc đến tên hai vị hoàng đế đã nâng đỡ lạc giáo là Héraclius và Constant II. Lúc này, quyền bính hoàng đế vẫn còn đè nặng trên Giáo Hội.
Ðại công đồng thứ sáu đã diễn tiến trong một khung cảnh khác hẳn với thế giới Ðông phương năm 600. Về phía Ðông, Byzance đã mất các miền Syrie, Palestine và Ai Cập. Sau những trận giao tranh quyết liệt chưa từng thấy, đế quốc đã giải vây thành Constantinople khỏi tay người Ả Rập, thoát cơn ác mộng ”bị tiêu diệt”, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Trong thế kỷ VII, thời cuộc đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của các tỉnh miền Balkans thuộc đế quốc Ðông phương. Sau những cuộc xâm lấn của người Avars và Slaves trong thế kỷ VI, phần lớn bán đảo Balkans đã về tay người Slaves. Dưới cơn hồng thủy của các người man ri ngoại đạo, đa số các cộng đồng Kitô và các tòa Giám Mục tại bán đảo bị xâm phạm và bị tàn phá, ngoại trừ quận Thrace lúc đó thuộc quyền Giáo Hội Roma. Trong vòng hai thế kỷ VII và VIII, hầu như tất cả bán đảo Balkans, kể cả quận Macédoine, Hy Lạp và Péloponnèse, không thuộc quyền chính trị của Byzance nữa và bị tách rời khỏi thế giới kitô.
Các cuộc xâm lăng Ả Rập và Slaves đã gây ra hai hậu quả quan trong trong việc phát triển Giáo Hội Byzance sau này. Việc mất các tỉnh miền Ðông đã gia tăng thế lực của giáo phụ thành Constantinople. Thoát ly được những ganh đua của đối thủ cố cựu là Alexandrie và Antioche, dựa vào qui chế của công đồng thứ hai chấp nhận mình đứng liền sau Roma, tự dành cho mình từ thế kỷ VI tước hiệu là giáo chủ phổ thế, giám mục của kinh đô Byzantin đương nhiên trở thành chúa trùm cả thế giới Kitô Ðông phương. Ðàng khác những cuộc xâm lăng Slaves đã gây ra một thứ bình phong man ri giữa hai thế giới Kitô Ðông phương và Tây phương trong nhiều thế kỷ. Việc đạo Kitô bị tiêu diệt tại miền Illyrie và phương tiện giao thương khó khăn thiên nhiên giữa Roma và Constantinople, với quyền bá chủ của người Ả Rập tại miền Ðịa Trung hải là những yếu tố làm cho hai Giáo Hội Ðông phương và Tây phương càng ngày càng xa cách nhau. Thế kỷ VII đã đánh dấu một khúc rẽ quan trọng trong việc xa cách này. Tiếng La tinh, sinh ngữ chính thức của triều đình, đã được thay thế bằng tiếng Hy lạp vào thời kỳ ấy, và bị người Byzantin quên rất nhanh. Cả những câu lạc bộ trí thức tại Constantinople cũng không biết Tây phương là gì và không lưu ý đến nữa. Các thủ tục pháp lý và hành chánh cũng như những tham vọng bá chủ chính trị của triều đình vẫn còn ăn sâu trong tâm khảm những người vọng nhớ Roma (Rhomaioi). Nhưng về sinh ngữ, về văn hóa và về tôn giáo, Byzance đã trở nên một vương quốc theo văn hoá hy lạp trong thế kỷ VII.
Bây giờ ta thử xem đời sống thường nhật của Giáo Hội Ðông phương trong thế kỷ VII như thế nào? Chúng ta hãy gác ra một bên những cuộc tranh chấp thần học và đường lối chính trị của các hoàng đế, để khảo sát đến những loại người cấp dưới, nghĩa là đến đời sống của các linh mục thường, đến việc phát triển dòng tu, đến lối sống của các giáo dân trí thức tại kinh đô, và đến Ðức Tin của dân chúng tại các thành phố nhỏ. Các tài liệu của chúng ta, tuy không đầy đủ, đã được rút ra từ các sách hạnh thánh và các khoản luật của công đồng mang tên là In Trullo hay Quinisexte. Công đồng này do Justinien II triệu tập năm 692 tại Constantinople, đã được Giáo Hội Ðông phương coi như là thành phần cơ bản của Ðại công đồng VI. Nhưng Roma bác bỏ công đồng này vì nó đã lên án mấy tục lệ của Tây phương và khẳng định lại khoản luật 28 của công đồng Chalcédoine.
Các tài liệu của công đồng In Trullo cho thấy đời sống giáo sĩ và giáo dân trong xã hội Byzantin không mấy tốt đẹp. Ngoài những tục lệ xấu xa công đồng đã thẳng thắn lên án, người ta thấy nền luân lý kitô xa đọa, nhiều tập quán dị đoan và theo lối ngoại giáo. Nhưng bên cạnh thảm trạng suy đồi của hàng giáo sĩ trong một xã hội chưa hoàn toàn kitô hóa, người ta thấy diễn ra trong thế kỷ VII những hoạt động tông đồ của Giáo Hội giữa những hoàn cảnh bi đát. Thoạt tiên người ta ghi nhận: mức tiến triển của nền phụng vụ Byzantin đã dựa trên mấy truyền thống khác nhau để đi đến hình thức trung cổ; lòng sùng kính Mẹ của Thiên Chúa càng ngày càng biểu lộ trong nền phụng vụ; sự phát triển mạnh mẽ môn ca vãn Hy lạp bằng những vần thơ tuyệt diệu đề cao các kinh nghiệm thần học trong quá khứ; tiêu biểu hơn cả là qui luật thống hối của thánh Anrê người Crète (660-700); những gương mẫu đạo đức diễn tả trong hạnh tích các thánh được tất cả mọi tầng lớp xã hội Byzantin tìm đọc, học hỏi và ca tụng. Cuốn Pré spirituel (Nhập môn tu đức) của Gioan Mosch (hay Moschus) với những mẫu chuyện về các thầy dòng và các độc ẩn sĩ tại Palestine, tại Ai Cập và ở những nơi khác ca tụng nhân đức khổ hạnh, đức bác ái và lòng hâm mộ truyền thống đạo đức. Mặc dù tác giả chỉ có ý soạn thảo sách này cho dân chúng, và chỉ diễn tả lối sống ở cuối thế kỷ VI và đầu thế kỷ VII, cuốn sách này rất được dân chúng ham chuộng (4). Một cuốn tiểu sử bình dân khác, tường thuật đời sống của thánh Gioan Aumonier, giáo phụ thành Alexandrie ở đầu thế kỷ VII; ngài có lòng yêu các kẻ nghèo khó và hay bênh đỡ những người bị áp chế; điều đó cho thấy dân chúng thành Byzance rất ham chuộng đức bác ái và có lòng từ tâm (5).
2. CHIẾN DỊCH BÀI BÁC ẢNH TƯỢNG
Cơn lốc bài trừ thánh tượng đã chia Giáo Hội Byzantin làm hai phe không thể hòa giải trong vòng hơn một thế kỷ (726-843). Biến cố này đã gây nên một loạt bạo động và bắt bớ, một tình trạng bất ổn về chính trị và an ninh trong xã hội Byzance. Nói chung, nó đã đun đẩy Giáo Hội Ðông phương đến một khúc quặt quyết định về lịch sử. Ðây là một hiện tượng phức tạp mà sử gia vẫn chưa nắm được những nét chủ chốt. Người ta không biết rõ xuất xứ cuộc khủng hoảng này, cũng không đồng ý kiến nhau về những yếu tố chính trị trần tục đã khai mào, mở rộng và kết liễu biến cố đau thương này. Chúng ta cũng không nắm được nền tảng giáo lý mà phe bài trừ ảnh thánh đã nêu lên, vì các văn kiện của phe này đã bị tiêu hủy hoàn toàn trong hai dịp khác nhau, khi tạm phục hồi việc tôn sùng ảnh thánh năm 787, và khi phục hồi vĩnh viễn năm 842. Dù sao, các nhà sử học hiện đại vẫn có thể luận ra những nguyên nhân và sự diễn tiến của biến cố bài trừ ảnh thánh. Vì thế, ngày nay người ta có thể tường thuật một cách hợp lý và khách quan về vụ tranh chấp này.
Nhưng không dễ gì và cũng không thể gỡ được hết các mối giây chằng chịt lộn xộn. Cuộc khủng hoảng đã mang một bộ mặt xã hội và kinh tế khá rõ nét vào giai đoạn thứ hai (815-842) và trong thế kỷ VIII. Phe bài trừ ảnh thánh được sự hỗ trợ của dân chúng sống chung quanh kinh thành, của các tiểu thủ công và nhất là của các binh sĩ trung thành với hoàng đế Constantin V, người bài trừ ảnh thánh. Ông bài trừ ác liệt khi còn sống và để lại ảnh hưởng lâu dài sau khi đã chết. Phái dân nghèo nơi thành thị xem ra trung thành với việc sùng kính. Người ta vẫn coi việc bài trừ ảnh thánh như một phong trào có khuynh hướng đả phá dòng tu; nhưng không có đủ bằng chứng. Thật ra, trong thời kỳ bài trừ đợt nhất, nhiều thầy dòng hăng hái biện hộ các ảnh tượng, và vào cuối triều đại của Constantin V, nhiều vị được phúc tử đạo hoặc đã công khai tuyên xưng Ðức Tin. Hơn nữa, lúc phong trào bài trừ tái diễn năm 815, cha Théodore và các thầy dòng tu viện Stoudios ở Constantinople đã đứng ra cầm đầu phong trào bảo vệ ảnh thánh. Nhưng không có bằng chứng chắc chắn để bảo rằng phe bài trừ ảnh thánh đã mạt sát chế độ dòng tu trước năm 760. Sau năm 815, nhiều nhà dòng đứng về phe bài ảnh thánh. Hơn nữa người ta nhận thấy rằng các hoàng đế có ý bài trừ ảnh thánh để cưỡng ép các thần dân tuân theo quan niệm thần học của họ. Ðó là triết lý chính trị Byzantin chủ trương cưỡng ép Giáo Hội phải phục tùng chính phủ. Chính sách này đến sau không thành tựu vì phe bài ảnh thánh đã thất bại. Chẳng hạn như quan điểm của Léon III là người đã gửi thư cho giáo hoàng Grégoire II và nói: ”Trẫm là hoàng đế và là linh mục” (6). Ðấy cũng là lập trường của Léon V khi ngài tuyên bố với các giám mục năm 814: ”Trẫm cũng là con của Giáo Hội, và với tư cách là môi giới, sau khi đã nghe cả đôi bên, trẫm sẽ ấn định đâu là sự thật” (7).
Mặc dầu những vấn đề trên có tầm mức quan trọng trong bối cảnh tranh luận bài trừ ảnh thánh, những câu hỏi chủ yếu cần tìm hiểu vẫn nằm trên bình diện giáo lý. Một cách chính yếu, cuộc tranh luận đã qui tụ vào các đối tượng của Ðức Tin và vào bản chất của việc phụng tự kitô giáo, cá nhân hay cộng đoàn. Gốc tích và nền tảng của chủ trương bài ảnh thánh là sự đố kỵ với tất cả các hình thức mỹ thuật tôn giáo, thứ đố kỵ mà một phần Giáo Hội cổ xưa đã thừa hưởng từ hội đường và từ những điều cấm kỵ hình ảnh trong Cựu ước (xem sách Xuất hành 20,4). Vào thế kỷ VIII, lòng đố kỵ trên bùng lên tại miền Tiểu Á là nơi Hồi giáo nói chung không ưa thích các lối trình bày theo hình thức người phàm. Chắc chắn hoàng đế Léon III đã bị các giám mục trong miền Tiểu Á chi phối. Nhưng truyền thống phản đối di tích đạo như vậy đã mai một từ lâu rồi. Lòng tôn sùng ảnh thánh trình bày Ðức Kitô hoặc các thánh đã có từ thế kỷ V, được phổ biến vào cuối thế kỷ VI, và trở nên hình thức tôn sùng độc đáo của người Byzantin vào thế kỷ VII. Tiếc là cách thức tôn sùng bình dân này đã làm cho nhiều người không còn phân biệt thế nào là hình ảnh, thế nào là chính đấng mình tôn sùng. Và như vậy không biết đâu là tôn sùng trung thực, và đâu là dị đoan. Lòng đố kỵ mà một số giáo sĩ trong Giáo Hội Byzantin - thường là những vị thông thái nhất - đã có đối với việc tôn sùng quá quyến dũ ây, đã được truyền thống các giáo phụ ghi nhận. Tỉ như trong lá thư Eusèbe người Césarée đã gửi cho hoàng hậu Constantia. Trong lá thư này, tác giả đồng ý kiến với Origène đả phá giá trị thần học của tất cả bức vẽ về Ðức Kitô. Lập trường của phe bài trừ ảnh thánh được củng cố bằng chứng lý: Sở dĩ có ảnh thánh là vì người ta sợ ngẫu tượng ngoại giáo. Ðến sau, sự sợ hãi này đã được hoàng đế Constantin V giải tỏa: hoàng đế chủ trương hình ảnh trung thực phải đồng bản tính với nguyên mẫu, vì thế các lối trình bày dung nhan Ðức Kitô đều lạc đạo, vì chúng phân chia hay đồng hoá hai bản tính của Ngài. Phái chủ trương tôn sùng ảnh thánh phi bác hai mệnh đề trên. Họ bảo rằng hình ảnh khác với nguyên mẫu về yếu tính, và việc tôn sùng hình ảnh không có tính cách ngẫu tượng hơn việc sùng kính hoàng đế khi dành vinh dự cho các bức chân dung của ngài. Cũng cần lưu ý là khi biện hộ cho giá trị tượng trưng của các ảnh tượng, phái chủ trương duy trì ảnh thánh đã dùng những chứng lý của các nhà văn ngoại giáo trong thế kỷ II và III. Họ phân biệt các bia tượng dựng lên để tôn vinh các thần khác với chính bản thân các thần, vì chỉ có các thần mới được tôn kính. Nhưng chứng lý cốt yếu của phái biện hộ ảnh tượng nằm trong giáo điều nhập thể đã được công đồng Chalcédoine minh định, và mặc nhiên được khoản 82 của công đồng In trullo thừa nhận. Giáo điều này, lần đầu tiên, đã được trình bày rất sáng sủa và mạch lạc trong tiền bán thế kỷ VIII bởi thánh Gioan Damascène là nhà thần học trứ danh nhất thời ây. Theo ngài, các ảnh tượng chẳng những chỉ là ”những bài giảng thầm lặng”, là ”những sách cho người không biết chữ”, những ”lưu niệm các mầu nhiệm về Chúa”, mà còn là những dấu bề ngoài cho thấy chất liệu có thể được thánh hóa qua việc nhập thể. Vì cái vô hình và không thể diễn tả đã trở nên hữu hình và được diễn tả trong thân xác, nên các hình ảnh Ðức Kitô dưới bộ mặt hữu hình và nhân loại, là biểu hiệu đích thật của Thiên Chúa. Mối liên hệ cốt yếu được thánh Gioan Damascène nhận định, giữa ý nghĩa của hình ảnh và điểm thần học nhập thể, và việc ngài phân biệt thế nào là ”tôn thờ” dành riêng cho một mình Thiên Chúa và thế nào là ”cung kính” đối với các hình ảnh của Chúa Kitô và các thánh, đã dẫn đến các quyết định tín lý của công đồng thứ VII, và cho tới nay, vẫn còn là nền tảng của khoa giảng thuyết và của khoa mỹ thuật thánh trong Giáo Hội truyền thống.
Phe bài trừ ảnh thánh được các nhà cầm quyền Byzance tiếp tay năm 726, lúc hoàng đế Léon III công khai tuyên bố ngài phản đối việc tôn kính các ảnh tượng. Theo lệnh của hoàng đế, người ta đã tiêu hủy một bức tranh Chúa Kitô rất được sùng kính. Việc này đã làm cho kinh thành nổi loạn. Cùng lúc ấy, các người Hy Lạp ra mặt chống đối những mưu đồ bài ảnh thánh của Léon III. Năm 730 cuộc khủng hoảng càng thêm trầm khi hoàng đế Léon ra chiếu chỉ cấm tôn sùng các ảnh tượng và truyền phải tiêu hủy tất cả các ảnh đạo đi. Chương trình bài trừ ảnh thánh của hoàng đế đã trở nên một đạo luật. Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp để làm kiệt quệ phe đối lập. Người ta dùng võ lực đến tháo gỡ các ảnh tượng trong các nhà thờ, bôi xóa các bức vẽ trên tường, xung công các đồ thờ phượng và đồ lễ, xúc phạm và thiêu hủy các hài cốt thánh. Tuy không có những tiểu tiết chính xác về việc bắt bớ những người tôn sùng ảnh thánh dưới đời Léon III (băng hà năm 741), chúng ta biết chắc chắn có nhiều người bị xử tử, bị chặt chân tay và bị đưa đi đày. Giáo phụ Germanos nhất định không ký vào chiếu chỉ năm 730, đã bị cưỡng ép từ chức. Phong trào bài trừ ảnh thánh đã đạt đỉnh cao nhất dưới triều đại của Constantin V (741-775) tức là con của Léon III. Là một nhà cầm quyền lỗi lạc như chính cha của ông, lúc đầu Constantin tỏ ra rất dè dặt và chỉ áp dụng chính sách bài trừ sau khi đã củng cố địa vị bằng cách tuyên truyền khéo léo và đã đặt các giám mục theo như ông muốn. Khác với đường lối của người cha, ngài chủ trương những lập trường thần học quá khích và đem diễn tả rất rành mạch. Năm 754, hoàng đế triệu tập tại Constantinople một công đồng trong đó có 338 vị giám mục tới họp; công đồng này đồng thanh lên án việc sùng kính ảnh thánh, ra lệnh phá hủy các đồ đạo, phạt vạ những người đứng đầu phái đối lập, trong đó có nhà thần học trứ danh là Gioan Damascène. Theo kiểu nói của các người truyền thống, đây là một ”công đồng không có đầu” bởi vì không có một giáo phụ nào đã tới dự (cả giáo hoàng cũng như các giáo phụ Ðông phương không gửi đại biểu tới, và tòa Constantinople lúc đó đang trống ngôi); công đồng này đã viện ra những lý lẽ thần học để bài bác ảnh thánh. Chính phủ của Constantin V vì được hàng giám mục Byzantin ủng hộ, đã cho công bố những đạo luật theo kiểu công đồng. Các nhà cầm quyền thẳng tay cho đập phá các đồ đạo mỹ thuật và càng ngày càng bắt bớ dữ dội những người tôn sùng ảnh thánh, nhất là khủng bố các thầy dòng là những người lúc đó gắn bó với ảnh tượng hơn cả. Nhiều thầy dòng đã tị nạn đến các miền ranh giới đế quốc là nơi vẫn còn theo chính thống (l'orthodoxie), chẳng hạn miền Crimée và miền nam nước Ý.
Sau này những người chính thống nhìn nhận rằng: triều đại của Constantin V đã bách hại và lạc đạo tới mức độ dữ dằn nhất. Chẳng những đã bài bác các ảnh tượng và bắt bớ những người trung thành với ảnh thánh mà thôi, chính phủ của hoàng đế còn cấm cầu xin với các thánh, hủy diệt các Xương thánh và cấm cả việc sùng kính Mẹ Thiên Chúa nữa. Tất cả những thái độ quá khích ấy chỉ chấm dứt khi hoàng đế băng hà. Léon IV (775-780), người kế vị Constantin, mặc dù vẫn có óc bài ảnh thánh, đã áp dụng một lối chính trị ôn hòa, một phần tại vợ của ông là Irène rất sùng ảnh tượng. Người ta thôi bắt bớ các thầy dòng. Sau khi Léon IV băng hà, Irène nắm quyền chấp chính vì con là Constantin VI còn nhỏ dại. Lúc này phe tôn sùng ảnh tượng ra mặt hạ bệ các công chức đối địch. Nhưng vẫn chưa đi đến toàn thắng vì còn thiếu chiến thuật dương đông kích tây. Năm 766 hoàng thái hậu Irène triệu tập một công đồng tại Constantinople nhằm khôi phục lòng sùng kính ảnh tượng, nhưng đã bị nhóm sĩ quan trung thành với Constantin V giải tán. Irène phải đem những đạo binh trung thành từ Thrace về dẹp quân phản loạn tại kinh đô, lúc đó truyền thống mới toàn thắng. Năm 787 một công đồng gồm 350 giám mục được nhóm họp tại Nicée dưới quyền chủ tọa của giáo phụ Byzantin Tarasios. Công đồng này phi bác những quyết định của công đồng năm 754, công bố rằng bài trừ ảnh thánh là một điều rối đạo, và long trọng phục hồi việc tôn sùng ảnh thánh. Ðịnh nghĩa chung kết của công đồng này – mà thế giới Kitô Ðông phương quen gọi là đại công đồng VII - đã ấn định về việc kính ảnh thánh như sau: ”Chúng tôi ấn định: các hình thức trình bày thánh giá châu báu và đầy ơn ích, cũng như tất cả các hình ảnh thánh, bất luận là ảnh vẽ, là tranh ghép mảnh hoặc bằng bất cứ chất gì, phải được trình bày trong các thánh đường, trên các đồ đạo và trên áo lễ, trên các tường và các tranh vẽ, trong các nhà tư và ở công lộ, bất luận hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Ðức Kitô Chúa chúng ta, hay hình Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ của Thiên Chúa, hình các thiên thần, hình các thánh và những người công chính. Càng năng nhìn ngắm những ảnh tượng ấy người ta càng tưởng nghĩ đến những gương mẫu uyên nguyên và càng thêm lòng yêu mến các vị ấy, càng tỏ ra lòng tôn kính các ngài qua cái hôn, mà theo đức tin của chúng ta, đó không phải là một việc thờ lạy đích thực, chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa thôi. Cũng như trước Thánh Giá quí trọng và ban ơn thánh, người ta có thể đốt hương và thắp đèn nến trước sách Phúc âm và tại các đền thánh khác theo như thói quen đạo đức của tổ tiên chúng ta” (8).
Phục hồi việc tôn sùng các ảnh thánh, bà Irène vẫn chưa nhổ hết gốc rễ chống cự của phe đối nghịch. Vì thế, năm 813, Léon V lên ngôi và cai trị trong vòng ba mươi năm, phong trào bài trừ ảnh thánh lại trở nên giáo thuyết chính thức của đế quốc. Có thể nói được thời kỳ này lại quay về đường lối chính trị tôn giáo của Léon III và của Constantin V. Một công đồng nhóm họp tại thánh đường thánh Sophia luận bác đại công đồng thứ bảy và đã ra lệnh hủy diệt các ảnh tượng (815). Cùng năm ấy, giáo phụ Nicéphore, nhà thần học đứng đầu phe sùng kính ảnh tượng bị truất chức. Dưới triều đại Léon V (813-820) và nhất là dưới triều đại Théophile (829-842), có nhiều vụ bắt bớ, cách riêng giữa các thầy dòng ở Stoudios. Nhưng phong trào bài ảnh thánh thứ hai này không hăng say và quyết liệt như thế kỷ trước. Người ta chỉ bắt bớ qua loa và theo từng thời kỳ. Công đồng năm 815 tuy có minh thị lên án các ảnh tượng nhưng lại khước từ không đồng hóa ảnh tượng với ngẫu thần. Lý luận của cả hai bên vào thời kỳ này chỉ lập lại các lý luận thần học của thế kỷ VIII. Lúc hoàng đế Michel III lên ngôi (842), các lực lượng bài trừ ảnh thánh đều tan rã cả. Sau cùng, việc tôn sùng ảnh tượng lại được phục hồi bởi công đồng họp tháng ba tại Constantinople do nữ hoàng Théodora chủ xướng. Lúc này bắt đầu một phong trào hòa bình là điều rất cần thiết cho Giáo Hội và cho xã hội Byzantin: cả hai bên đã bị xâu xé vì sự ngoan cố và vì cuộc tranh chấp ảnh thánh bằng võ lực. Công Ðồng này (843) vẫn còn được các Giáo Hội Chính thống kỷ niệm vào ngày chủ nhật đầu Mùa Chay, gọi là ”Lễ Chính thống” (Fête de l'orthodoxie). Ðối với Giáo Hội Ðông phương, công đồng ấy đã kết liễu ”thời kỳ loạn công đồng” và tiên báo lịch sử trung cổ của Giáo Hội Byzantin.
3. NHỮNG HẬU QUẢ DO CUỘC TRANH CHẤP ẢNH TƯỢNG.
Cuộc tranh chấp về ảnh thánh đã ảnh hưởng đến lịch sử Giáo Hội Ðông phương dưới nhiều khía cạnh. Nó đã gây ra nhiều hậu quả lâu dài về mỹ thuật, về chế độ dòng tu và về các tương quan giữa Giáo Hội và chính phủ. Hơn nữa, nó đã trở nên một trong những mốc điểm lịch sử quan trọng giữa hai Giáo Hội Byzantin và Roma.
a) Tranh vẽ, xương thánh và môn ca vãn thánh.
Mối liên quan nội tại giữa các hình ảnh và giáo lý về Ðức Kitô được công đồng thứ bảy ấn định và được kỷ niệm trong lễ Chính thống, đã thúc đẩy mỹ thuật tôn giáo Byzantin đón nhận lối trang hoàng mới trong các nhà thờ suốt ba thế kỷ tiếp theo. Các bức tranh ghép kính và những bức vẽ trên tường trong các nhà thờ từ nay được thực hiện với những nguyên tắc thần học vững chắc và được liên kết với những nghi thức phụng vụ, tùy theo lối kiến trúc của các thánh đường. Thuyết tượng trưng thánh kinh, những lối chú giải về phép Thánh Thể và lối bài trí có hệ thống, các hình vẽ trang hoàng đều muốn nêu bật hình ảnh tiêu biểu của vũ trụ. Trên các vòm và các hậu cung thánh đường thường diễn tả cảnh thiên đàng với hình vẽ Ðức Kitô vinh quang, Mẹ Ngài và các Thiên Thần; trong các hốc tường và các cửa kính thường vẽ những mẩu đời dương thế của Ðức Kitô; thấp hơn nữa và ở cấp ba và cuối nhà thờ, thường trình bày hạnh tích các vị thánh. Tất cả theo hệ thống từ trên xuống dưới, từ trời tới đất, làm liên tưởng đến những khoản giáo lý nền tảng của đạo Kitô, và đến những biến cố chính về năm phụng vụ. Toàn thể Giáo Hội Byzantin đời Trung Cổ là một bức thánh họa.
Sau năm 843, mỹ thuật tôn giáo bình dân tại Byzance phát triển mạnh và không còn hạn chế vào những bức ảnh ghép kiếng và những bức họa trên tường nữa. Lòng tôn kính các bức hình vẽ và sự tôn sùng các xương thánh đã đạt tới mức độ cao chưa bao giờ thấy. Người ta cho rằng toàn thể xã hội chính trị đã hưởng tràn đầy ơn siêu nhiên và ơn phù trợ của các xương thánh được giáo dân tôn kính, nhất là những xương thánh được toàn quốc biết đến. Nói riêng, Constantinople có những xương thánh nổi tiếng nhất hoàn cầu, như hài cốt của thánh Stéphanô vị tử đạo tiên khởi, đầu của thánh Gioan tiền hô, hình Ðức Kitô ”không do tay loài người vẽ” mà người ta bảo là của vua Abgar thành Edesse tặng và được đưa về Constantinople năm 944. Dân chúng thành Constantinople tin tưởng rằng các hài cốt ấy bênh đỡ thành quốc và đế quốc một cách rất linh nghiệm. Hơn thế, Constantinople đặt hết vinh dự của mình, và lúc có quốc biến thì đặt tin tưởng, vào các vị bảo hộ vô hình như Sự Khôn Ngoan Thần Linh (Divine Sagesse) nơi thánh Sophia, như Mẹ Thiên Chúa mà người ta vẫn còn giữ được cái áo trong nhà thờ Blachernes có tường thành vây chung quanh. Người ta coi chiếc áo ấy như khăn choàng vai của thành quốc. Ðối với tất cả các giới Kitô Ðông phương, và cho đến khi đế quốc Ðông phương tan rã, chỉ có Jérusalem mới cạnh tranh được với mức đạo đức ở Constantinople. Thế giới Kitô Ðông phương coi Constantinople như ”con mắt đức tin của kitô hữu”, ”thành quốc thế giới ngưỡng mộ”, ”Jérusalem mới đích thực” (9).
Trong thế kỷ IX nền phụng vụ Byzantin đã phát triển đến tột đỉnh. Nền phụng vụ Byzantin, khai triển từ thế kỷ V, lúc ấy đã thực hiện được những nét chính yếu mà ngày nay vẫn còn được áp dụng. Một số lớn thánh ca đã được sáng tác trong thời kỳ bài ảnh thánh, nhất là bởi thánh Gioan Damascène và Théodore người Stoudios. Những thánh ca ấy đã đặt nền tảng cho các sách phụng vụ của Giáo Hội Chính thống, trong đó phải kể Triodion, Pentekostarion và bản dịch mới của Oktoechos. Các cuốn ấy đã được thu thập thành sách tại nhà dòng Stoudios trong thế kỷ IX. Sau cuộc thất bại của phe bài ảnh thánh, các thầy dòng là những người chuyên chủ việc chấn hưng phụng vụ, đã góp nhặt một số lễ điển của Jérusalem. Từ đó về sau, lễ điển chính thức của Constantinople và của đế quốc là do sự tổng hợp các lễ điển Byzantin và Palestine. Vào thời kỳ ấy, truyền thống phụng vụ của Byzance cũng theo cùng một khuynh hướng hệ thống hóa và đồng phục như chúng ta đã thấy khi nói về hệ thống trang trí các nhà thờ Byzantin sau thời kỳ bài ảnh thánh. Ðây cũng là thời điểm ấn định lâu bền các thánh ca kitô mà Ðông phương đã cẩn thận sưu tập vào các sách hợp tuyển thánh ca.
b) Chế độ dòng tu Byzantin.
Cuộc thất bại của phe bài trừ ảnh thánh đã làm cho phong trào dòng tu Ðông phương trăm hoa đua nở. Vào thế kỷ IV, đời sống khổ tu đã thay thế việc tử đạo và được coi là thể hiện tuyệt vời của lý tưởng thánh thiện kitô. Cả hai lối đạo đức trên đã hòa đồng với nhau trong thời kỳ bài trừ ảnh thánh. Quả thật, các thầy dòng đã phải chịu đau khổ rất nhiều vì lý tưởng Chính thống. Như vậy, không có gì lạ, sau khi việc tôn sùng ảnh thánh được phục hồi, lý tưởng dòng tu đã gây thêm nhiều ảnh hưởng và thu hút xã hội Byzantin cách đặc biệt. Thánh Théodore (759-826) viện phụ nhà dòng Stoudios tại Constantinople là người đã đóng vai trò chủ yếu trong việc phục hưng chế độ dòng tu giữa thế giới Kitô Ðông phương. Ngài đã chỉnh đốn, củng cố và ấn định đời sống ẩn sĩ rất cặn kẽ. Thánh Théodore đã đề ra những khoản luật rút ra từ quy luật của thánh Basile. Những khoản luật này đã hướng dẫn nhiều qui chế dòng tu trong đế quốc Ðông phương, và tại miền chính thống theo văn hóa Slaves. Từ khi được đế quốc công khai khen ngợi và bênh vực năm 843, chế độ dòng tu đã được những đặc ân quá đáng: nhiều nhà dòng ham muốn có nhiều ruộng đất là điều hoàng đế không ngăn cản được; việc đó đã gây thiệt hại cho ngân khố của triều đình và làm suy giảm uy thế của dòng tu. Các vị giáo sĩ có tinh thần đổi mới đã thất vọng về mức sa sút về kỷ luật dòng tu, nhất là trong thế kỷ XI và XII. Ngay trong thời kỳ còn đang bài bác ảnh thánh, người ta đã thấy xuất hiện một phong trào có thế lực và tổ chức chặt chẽ, đa số là các thầy dòng. Ảnh hưởng của phe này còn tồn tại mãi cho đến khi lịch sử Byzantin chấm dứt; phe này chủ trương cắt nghĩa giáo luật theo lập trường thủ cựu tối đa; họ phản đối việc học các môn đời và nhất định không nhân nhượng, mặc dù các môn ấy không có điều gì nghịch với giáo lý cả. Dĩ nhiên không phải tất cả các thầy dòng đều đứng về phe ”chí sĩ” ấy; nhưng phe ấy có rất nhiều thế lực trong các vấn đề của Giáo Hội. Chung qui, chế độ dòng tu đã giữ vai trò sống động và có óc sáng tác trong Giáo Hội Chính thống đời Trung Cổ: vào thời đại nào các giám mục cũng xuất thân từ dòng tu. Các thầy dòng đã có công nhiều trong việc soạn thảo các bản kịch, trong nền văn chương, trong thánh ca và trong truyền thống phụng vụ của Giáo Hội. Các ngài hướng dẫn đàng thiêng liêng rất đắc lực và nâng đỡ tinh thần giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội, từ hoàng đế cho đến các thường dân; các ngài là những nhân chứng sống động về kỷ luật luân lý đạo Kitô và về đời sống bí tích của Giáo Hội. Họ duy trì lối cầu nguyện chiêm niệm được các độc ẩn sĩ và các tu viện trong thế giới Byzantin mến chuộng; lối cầu nguyện với những nền tảng thần học mới đã gây được ảnh hưởng lớn lao trên đời sống kitô tại miền đông Âu châu vào cuối thời Trung Cổ. Không có nơi nào mà tinh thần dòng tu đạt tới mức cao độ như ở Núi Athos. Nơi đây, năm 963 cha dòng Hy Lạp Athanase đã lập ra nhà dòng Grande-Laure trên sườn đồi phía Nam của bán đảo ít người biết đến, vươn ra biển Egée, phía Bắc nước Hy Lạp; các độc ẩn sĩ đã đến ở đấy từ thế kỷ IX. Chế độ hợp ẩn sĩ được thánh Athanase sáng lập với sự bảo trợ của hoàng đế Nicéphore Phocas đã khai mào cho một loạt tu viện lần lượt mọc lên với những thầy dòng gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Hy Lạp, Géorgiens, Bulgares, Nga Sô, Serbes và cả người Amalfites nữa. Họ tượng trưng cho ba lối tu dòng điển hình của thế giới Kitô Ðông phương, là chế độ hợp ẩn sĩ, chế độ độc ẩn sĩ và chế độ trung gian có các chòi riêng (tức là những chòi nhỏ của các độc ẩn sĩ quây quần chung quanh một vị giáo tập). Ngoài ra còn thấy xuất hiện ở cuối thế kỷ XIV một kiểu tu khác chủ trương để các thầy dòng tự chọn lấy lối tu cá nhân của mình. Trong suốt thời Trung Cổ và mãi còn cho đến thời kỳ hiện đại ”núi thánh” là nơi tụ hợp các quốc tịch khác nhau theo Chính thống giáo. Không ai hơn các thầy dòng trong việc duy trì và truyền bá lòng đạo đức.
c) Giáo Hội và quyền bính của hoàng đế.
Hai việc xảy ra cùng một thời điểm: là phục hồi lại chế độ dòng tu (843) và cuộc thất bại của phe bài ảnh thánh. Còn mang một ý nghĩa khác nữa chúng ta phải nói đến. Ðó là việc các thầy dòng (với ơn kêu gọi chủ trương nước Trời không phải ở đời này) đã tranh đấu trong cuộc khủng hoảng bài ảnh thánh để duy trì nền tự ntrị thiêng liêng. Hơn các giới khác, các thầy dòng do thánh Théodore Studite hướng dẫn cương quyết chống lại các hoàng đế chủ trương bài trừ ảnh thánh, và tự cho mình có quyền quy định nền giáo lý của Giáo Hội. Những yêu sách này, cũng như các vụ chống đối, không phải là chuyện mới lạ tại Byzance. Nhưng cả hai phe đã trở nên gây cấn và xử dụng võ lực trong vụ bài ảnh thánh. Ngay cả việc Léon III tự xưng mình là ”hoàng đế và là linh mục” thì cũng là chuyện đã có trước tại Byzance rồi. Cũng nên nhớ: giáo hoàng Léon cả đã nhìn nhận quyền chủ tọa Giáo Hội của hoàng đế (Praesidium Ecclesiae) (10). Tuy không thể hiểu các điều khẳng định ấy theo nghĩa đen, vì hoàng đế kitô không bao giờ nhận mình có quyền cử hành các phép bí tích và vì những định lý tôn giáo của triều đình chỉ có hiệu lực miễn cưỡng sau khi đã được giám mục chấp thuận. Có điều chắc chắn khác, là các hoàng đế Roma ở Ðông phương, kể từ Constantin, vẫn tự coi mình như những phó quản lý của Thiên Chúa và phát ngôn viên chân lý mặc khải. Nhưng Giáo Hội Byzantin vẫn coi việc các hoàng đế áp đảo hàng giám mục để dành quyền quy định về giáo lý là điều lạm dụng không thể chấp nhận được. Ðể phản kháng các hoàng đế bài trừ ảnh thánh, muốn cưỡng ép Giáo Hội tùng phục ý muốn và lối sống đạo của họ, thánh Théodore Studite chỉ trình bày lại các quan điểm đã được các thánh Gioan Damascène, Maxime và Gioan Kim khẩu chủ trương vào thời trước.
Sau cuộc thất bại của phe bài trừ ảnh thánh, Giáo Hội Byzantin đã nắm được quyền tự lập về giáo lý. Nếu chỉ bàn sơ qua thì thật khó lòng diễn tả cách tường tận mối bang giao giữa hoàng triều và các giám mục tại Byzance trong thời Trung Cổ, và càng không nói lên được hết các khía cạnh phức tạp của các vấn đề. Có thể nói được, sau năm 842, hoàng đế vẫn tiếp tục giữ vai trò tuyệt đối và linh thiêng trong xã hội Byzantin; các khoản tín lý và kỷ luật của Giáo Hội phải được hoàng đế duyệt y trước, mới có giá trị. Nói chung hoàng đế có quyền truất phế một giám mục hay một vị giáo chủ bất kham. Nền tự trị của Giáo Hội bị thương tổn vì hoàng đế quá công khai bênh đỡ Giáo Hội. Nhưng cần nói thêm, là lúc lãnh vương miện, hoàng đế đã công khai cam kết sẽ bênh vực Ðức Tin truyền thống, đã nhìn nhận các tín điều của Giáo Hội vẫn được công đồng phác họa và đem công bố. Vì thế, những vụ can thiệp cuối cùng của các hoàng đế về giáo lý đã bị Giáo Hội gạt bỏ, vì Giáo Hội chủ trương duy trì Ðức Tin truyền thống nguyên vẹn. Thực ra, can thiệp như thế, các hoàng đế không có ý lấn át Giáo Hội, nhưng muốn đưa ra những giải pháp ôn hòa để duy trì hòa bình và thống nhất trong lãnh thổ - hay để thỉnh cầu viện binh của Tây phương. Những cuộc khảo cứu mới đây về xã hội Byzantin cho thấy nhãn hiệu hoàng đế kiêm chức giáo chủ mà các nhà sử học trước đây quen dùng để nói về lối chính trị lấn át của hoàng triều đối với Giáo Hội là chuyện không hoàn toàn đúng. Ðể minh chứng điều đó không đúng, có thể nêu ra ba dữ kiện cốt yếu sau đây: 1. Mặc dầu có sự trà trộn giữa thần quyền và thế quyền tại Byzance, Giáo Hội vốn chủ trương là các yêu sách chính trị không thể xung công sứ mệnh thánh hóa và hoàn thiện của Giáo Hội. 2. Tự tại, quyền tối thượng của hoàng đế bị hạn chế vì nó lệ thuộc vào luật của Thiên Chúa, vào giáo lý truyền thống và vào những yêu sách từ tâm mà chức vụ của ngôi đòi hỏi; Ngoại tại, quyền tối thượng của hoàng đế lại bị hạn chế bởi thần quyền của giám mục, bởi uy thế luân lý của một đấng thánh hay của một vị khổ tu; 3. Sau cùng, theo quan niệm hy lạp, hoàng đế là ”luật sống động”, và tuy ngài là tiêu biểu cho quyền ấy ở dưới trần gian, nhưng ”tranh thánh tượng trưng quyền quân chủ của Thiên Chúa” vẫn được nhìn nhận tại Byzance. Trong thực tế, các mối bang giao giữa Giáo Hội và chính phủ biến chuyển rất mau lẹ: ngay sau những vụ lấn át của hoàng triều vào nội bộ Giáo Hội thì đến cuộc xung đột về ảnh thánh; rồi vào thế kỷ thứ IX, sau khi đã phục hồi lại việc tôn sùng ảnh tượng thì có hiệp định năm 843. Hiệp định ấy đã được tóm lược trong cuốn Epanagogé, tức là bộ luật được sưu tập năm 880 dưới triều đại của Basile I. Ngài tuyên bố: ”Vì công đồng gồm nhiều thành phần và nhiều chi thể theo lối loại suy về từng cá nhân, những thành phần hay chi thể lớn hơn và cần thiết hơn cả chính là hoàng đế và giáo phụ. Bởi vậy, sự thỏa thuận trong mọi vấn đề và hòa hợp giữa hoàng quyền và giáo quyền (Sacerdotium) là cần thiết để mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thân xác và cho linh hồn các thần dân” (11).
Chủ thuyết về mối liên lạc hòa đồng giữa giáo quyền và hoàng quyền trên đây không phải là một điều mới lạ. Người ta thấy trong cuốn Epanagogé có một đoạn song song giống hệt như lời nói đầu khoản VI trong bộ luật bổ sung của hoàng đế Justinien được công bố một thế kỷ trước. Công thức này biểu lộ lối suy tư của người Byzantin và thích hợp với thời kỳ sau vụ bài ảnh thánh hơn là với thế kỷ VI. Sau cuộc thất bại của phe bài ảnh thánh, mỹ thuật trong triều đình Byzantin cũng thay đổi theo cùng một nhịp điệu như mối giao liên giữa thần quyền và thế quyền. Trước thế kỷ thứ IX, những bức tranh vẽ trong triều đình thường trình bày vẻ tự cao tự đại của hoàng đế; sau năm 843, người ta thường vẽ hoàng đế đang quì gối cầu xin trước Ðức Kitô hoặc đang lãnh triều thiên nơi tay Ngài. Người ta thích diễn tả cử chỉ đạo đức của hoàng đế hơn trình bày thái độ chiến thắng của ngài. Tóm lại, nghệ thuật Byzantin đời Trung Cổ phản chiếu ảnh hưởng của Giáo Hội trên nền văn hóa Byzantin về nhiều phạm vi.
d) Byzance và Roma trong thế kỷ VIII.
Cuộc tranh chấp về ảnh tượng đã làm cho Byzance và Roma xa nhau thêm nữa. Trong vụ tranh chấp, các giáo hoàng chủ trương tôn sùng ảnh tượng và lên án các quan niệm lạc đạo của hoàng đế Ðông phương theo danh xưng vẫn có chủ quyền trên ngôi Giáo Hoàng. Nhóm duy trì ảnh thánh, nhất là các thầy dòng ở Stoudios, nhìn nhận Roma như cơ quan bảo vệ truyền thống. Bởi vậy không lạ gì các hoàng đế bài ảnh thánh áp dụng lối chính trị nghịch với tòa Giáo Hoàng. Khoảng năm 782, hoàng đế Léon III rút quyền giáo hoàng Roma trên các tỉnh Calabre, Sicile và Illyrie (là quận gồm bán đảo Balkans trừ Thrace) và giao cho giáo chủ Constantinople. Cử chỉ đó làm Roma không bằng lòng với Byzance. Hơn nữa, vì nhận thây lực lượng quân sự Byzantin tại Ý yếu kém đến nỗi quân Lombards đã chiếm được quận Ravenne (năm 751), giáo hoàng đã đi cầu viện với người Franc. Sau đó là vụ thương thuyết giữa giáo hoàng Etienne I và vua Pépin năm 754, chuẩn bị cho Charlemagne lĩnh vương miện (năm 800) từ tay giáo hoàng và ám chỉ tòa Giáo Hoàng không nhìn nhận đế quốc Byzantin nữa.
Tuy đã có những vụ xung khắc về quyền bính, đã có những khác biệt trong quan điểm chính trị và trong vụ ảnh thánh, hai Giáo Hội Byzantin và Roma vẫn còn gắn bó với nhau về nhiều phương diện như cùng chung một nhiệm thể. Lúc đó ai cũng xác tín khối Kitô Ðông phương và khối Kitô Tây phương gắn bó với nhau thành một nhiệm thể duy nhất. Tính cách phức tạp trong các mối liên hệ giữa hai Giáo Hội - những mối liên hệ đôi khi có vẻ đối kháng, nhưng cách chung lại rất gắn bó với nhau - đã bộc lộ rõ rệt trong cuộc tranh cãi vào các năm từ 858 đến năm 880, trong đó có tên của giáo phụ Photius.
4. CUỘC TRANH CÃI CỦA PHOTIUS.
Sau vụ tranh chấp về ảnh tượng, mặc dầu đã có hòa ước năm 843, Giáo Hội Byzantin còn bị điêu đứng ít ra trong một thế kỷ nữa. Phe ”cực đoan” và phe ”khoan hồng” chúng ta đã bàn đến trước đây, lại chống chọi nhau về thái độ phải có đối với các giáo sĩ bài ảnh thánh muốn qui thuận Giáo Hội. Phe cực đoan chủ trương phải rất mực nghiêm túc với các giáo sĩ bài ảnh thánh. Phe khoan hồng cho rằng phải lấy bác ái và lương tri mà xóa bỏ các lầm lỗi quá khứ. Năm 847, giáo phụ Ignace được hoàng hậu Théodora đề cử lo việc phân xử, và ông thiên về phe cực đoan. Nhưng sau vụ đảo chính truất phế Théodora năm 856, giáo phụ Ignace buộc lòng phải từ chức. Năm 858 Photius được bầu lên làm giáo chủ thành Constantinople. Lúc đó còn là một giáo dân, ông là giáo sư đại học Constantinople và là trưởng phòng chưởng ấn của triều đình. Chỉ trong một tuần lễ, ông đã chịu đủ các chức thánh. Photius là một nhà bác học và có bản tính ôn hòa. Xét về khả năng, có lẽ ông là người xuất sắc nhất trong các giáo phụ Byzantin. Sau khi được bầu lên chức giáo chủ, ông gửi thư cho giáo hoàng để báo về việc nhậm chức của ông. Ðồng thời, hoàng đế Michel III yêu cầu giáo hoàng gửi các đặc sứ tới Constantinople để dự một công đồng đang triệu tập có ý lên án những người bài ảnh thánh vì họ vẫn còn đe dọa Giáo Hội Byzantin. Nhưng vì có lời khẩn khoản của các đặc sứ, công đồng năm 861 đã thỏa thuận bàn luận ngay về vụ tranh chấp giữa Ignace và Photius. Sau khi các đặc sứ ưng thuận, công đồng đã nhận Photius là giáo phụ hợp pháp. Nhưng vì nhóm thân Ignace tới Roma báo cáo xuyên tạc, giáo hoàng Nicolas I đã khước từ không chấp nhận ý kiến của các đặc sứ. Một công đồng được tổ chức tại Roma tuyên bố việc bầu Photius không hợp giáo luật, ra vạ cho ông và đặt Ignace lên chức giáo phụ (863). Nhà cầm quyền Byzantin không biết gì về câu chuyện ấy cả. Tại Constantinople người ta phẫn nộ về việc giáo hoàng xen lấn vào nội bộ của Giáo Hội Byzantin. Như vậy là đã xảy ra vụ đoạn tuyệt công khai giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Constantinople.
Các mối bang giao giữa hai bên đã trở nên gây cấn mau lẹ vì những biến cố tại Bulgarie. Năm 862 ông hoàng Bulgarie là Boris, được các nhà truyền giáo Byzantin rửa tội; các ngài cũng khuất phục được các thần dân trở lại đạo. Năm sau, vua Boris đã xin giáo hoàng thiết lập hàng giáo phẩm trong nước ông, tưởng rằng như vậy thì các mối liên lạc với Giáo Hội Tây phương sẽ tốt đẹp hơn. Một phần đất Bulgarie ngày trước thuộc giáo phận Illyricum; tòa Giáo Hoàng vẫn chưa quên được về chỗ mất mát ấy. Vì thế nhân dịp này, đức Nicolas muốn thiết lập giáo quyền trên lãnh thổ của vua Boris, và tức khắc sai các giáo sĩ Roma đến giảng đạo tại Bulgarie. Byzance phản ứng lại, đó là chuyện dễ hiểu. Phía Nam nước Bulgarie - miền Bắc quận Thrace – chưa bao giờ thuộc quyền của Roma cả. Bây giờ, với sự hiện diện và hoạt động của các thừa sai Tây phương, ảnh hưởng chính trị Franc lăm le ngay ngưỡng cửa Constantinople. Chính phủ Byzantin bắt đầu lo ngại. Hơn thế, giáo quyền Byzantin hoảng hốt khi thấy giáo sĩ Roma buộc phải thêm chữ filioque vào kinh tin kính Nicée.
Năm 867, trong một thông điệp gửi cho các giáo phụ Ðông phương, Photius tố giác chữ filioque là lạc đạo (12). Cùng năm ấy, một công đồng được nhóm họp tại Constantinople, có hoàng đế chủ tọa, đã ra vạ và truất phế giáo Hoàng Nicolas I. Giữa cơn khủng hoảng trầm trọng này, một cuộc rối loạn thay đổi thời cuộc tại Constantinople. Hoàng đế Michel III bị ám sát. Basile I, người đã giết hoàng đế Michel, lên thế vị, buộc Photius phải từ chức và đặt Ignace lên lám giáo chủ (867). Mối thông hiệp với Roma lại được phục hồi. Năm 869-870, một công đồng nhóm họp tại Constantinople ra vạ cho Photius. Nhưng các đại biểu của giáo hoàng Adrien II có mặt tại công đồng đã phải đương đầu với phe thân Photius. Các ngài không ngăn cản nước Bulgarie trở lại với Giáo Hội Byzantin; thật ra vua Boris đã trở mặt một cách rất khéo léo. Thảm kịch kéo dài mãi, nhưng rồi cũng chấm dứt và đôi bên lại giải hòa với nhau. Số là, năm 877 Ignace qua đời và Photius lên ngôi tòa giáo phụ. Cả hai phe đều giữ thái độ ôn hòa, giáo hoàng Gioan VIII vì nhận thấy quyền tối thượng của Roma được bảo đảm, nên thừa nhận Photius. Tuy ông không nhìn nhận những điều người ta cho rằng ông đã lầm lỗi trong quá khứ, Photius tỏ ra thần phục Tòa Thánh và bằng lòng không nhắc đến yêu sách của Giáo Hội Byzantin về vụ Bulgarie nữa (13). Năm 879-880, một công đồng mới lại nhóm họp tại Constantinople có các đại biểu của giáo hoàng tới dự. Công đồng này công nhận Photius là giáo phụ hợp pháp, bác bỏ tất cả các quyết định của công đồng năm 869-870, và trong khi công khai bàn đến chữ filioque một cách ôn hòa, công đồng lên án việc thêm chữ ấy vào kinh Tin Kính Nicée. Roma châu phê tất cả các quyết định đó. Trong khi ngồi tòa giáo phụ kỳ thứ hai (877-886) Photius hoàn toàn giữ các mối giao hảo với Tòa Thánh; hòa bình được vãn hồi trong toàn thể khối kitô. Ðến sau, Photius lại bị hoàng đế Léon VI cách chức một lần nữa; ông rút vào bóng tối mặc dầu ông vẫn tiếp tục bút chiến và viết lách về thần học. Người ta không biết ông qua đời vào lúc nào.
Việc hai bên không hiểu nhau, những lối thịnh nộ bất nhẫn và việc tranh chấp giáo quyền trong vụ Photius, tất cả liên quan đến hai vấn đề rất quan trọng và quyết liệt, từ đó về sau luôn chi phối các cuộc tranh luận giữa Giáo Hội Byzantin và Giáo Hội Roma, đó là quyền tối thượng của Roma và chữ filioque. Bây giờ phải nghiên cứu về hai điểm ấy.
5. BYZANCE VÀ QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA GIÁO HOÀNG.
Vụ tranh chấp Photius đã trở nên quan trọng trong lịch sử là vì vào thời kỳ ấy đã xảy ra cuộc đoạn tuyệt đầu tiên giữa Roma và Constantinople, mà lý do là sự khác biệt giữa quan niệm về quyền tối thượng của Roma và lập trường của Giáo Hội Ðông phương về bản tính của năng quyền và trong việc quản trị Giáo Hội. Ðó là thứ quyền tối thượng do đức Léon cả và đức Gélase đã định nghĩa, rồi được đức Nicolas I xác nhận lại cách rõ ràng. Giáo Hội Ðông phương đã công nhận Roma có quyền tối thượng trên tất cả các giám mục khác và giáo hoàng là giám mục thứ nhất trong thế giới kitô. Từ thế kỷ thứ IV, quyền tối thượng của Roma đã được đa số các vị giáo sĩ Byzantin minh nhiên thừa nhận. Các ngài không hề định nghĩa rõ rệt cái bản tính của quyền tối thượng ấy, thứ quyền tối thượng mà người Byzantin bảo là tại vì Roma nằm trong cố đô của đế quốc Roma và vì tòa này duy trì nguyên vẹn giáo lý truyền thống, hơn là tại vì Roma khai sinh từ đời các thánh Tông Ðồ. Nhưng theo họ, đây chỉ là một thứ quyền tối thượng danh dự, mà theo khoản III của công đồng Sardique (343), Roma có thẩm quyền phân xử mỗi khi giáo sĩ bị quyền địa phương lên án, và muốn khiếu nại sang Roma. Ðàng khác, người Byzantin không hề thừa nhận, và công đồng Sardique đã bác bỏ, cái quyền mà đức Nicolas I muốn dành lấy: Giáo hoàng có quyền gọi đến Roma bất kỳ một giáo sĩ nào và phán quyết lại các vấn đề then chốt thuộc Giáo Hội địa phương. Từ đó về sau, người ta phê bác cái quan niệm Roma về quyền tối thượng, chủ trương là giáo hoàng có quyền tuyệt đối trên toàn thể Giáo Hội Kitô. Họ lấy làm phẫn uất khi thấy đức Nicolas I đứng ra phân xử vụ tranh chấp giữa Photius và Ignace, và họ cho đó là hình thức xen lấn không hợp giáo luật của giáo phụ này vào nội bộ của giáo phụ khác. Trên đây là thái độ di truyền mà Giáo Hội Chính thống vẫn có đối với giám mục Roma, thái độ đã được diễn tả cách hùng biện năm 1136 trong một bức thư của Nicétas, tổng giám mục Nicomédie, đã gửi cho một giám mục ở Tây phương: ”Hỡi bạn rất thân mến, chúng tôi không từ chối quyền tối thượng của Giáo Hội Roma trên giáo phụ anh em, và chúng tôi công nhận là Giáo Hội Roma được ngồi chỗ danh dự nhất trong công đồng. Nhưng Giáo Hội Roma đã tự tách mình ra khỏi chúng tôi vì kiêu hãnh, lúc tòa tự cao tự đại ấy đã tiếm địa vị quân chủ không phải là của mình. Làm sao chúng tôi có thể chấp nhận những sắc lệnh đưa ra tuyên bố mà không hỏi ý kiến chúng tôi trước, hoặc không hề cho chúng tôi hay biết. Nếu ngài giáo hoàng cứ uy nghi chẫm chệ công kích chúng tôi, và làm như thể truyền lệnh từ trên cao xuống, nếu ngài muốn lên án chúng tôi và cai trị chúng tôi cùng các Giáo Hội chúng tôi mà không bàn hỏi chúng tôi trước, chỉ theo sở thích riêng của ngài, thì còn gì là tình huynh đệ, hay là tình cha con giữa chúng ta nữa ? Như thế chúng tôi chỉ là những tôi mọi chứ không phải là con cái trong Giáo Hội, và tòa Roma không phải là người mẹ hiền đối với con cái, mà là một nữ chúa khắc nghiệt và kiêu hãnh như thể đối với các nô lệ. Tôi xin lỗi bạn vì đã nói như vậy về Giáo Hội Roma, vì tôi sùng kính Giáo Hội ấy y như bạn. Nhưng tôi không thể theo Giáo Hội ấy với bạn về hết mọi sự, và tôi không nghĩ là Giáo Hội ấy có quyền bắt người khác theo mình trong hết mọi sự” (14).
Thái độ trên là nét đặc trưng của các vị tên tuổi trong Giáo Hội Byzantin. Họ đã nói một cách thành thực trong thời kỳ các mối chia rẽ giữa Ðông phương và Tây phương chưa kết thúc bằng cuộc ly khai vĩnh viễn. Lý do vì liên kết quyền tối thượng của giáo hoàng vào cách cai trị quân chủ trong toàn thể Giáo Hội là điều trái với các quy luật và truyền thống. Lòng tôn kính đối với Tông Tòa Roma và với vị cầm quyền có thể dung hòa với giáo lý bất khả ngộ của Giáo Hội do các giám mục là đại diện của Giáo Hội trình bày, chứ không phải bởi một vị giám mục, mặc dù là ngài có trách nhiệm trên hết. Ðức Tin vào quyền bình đẳng căn bản của tất cả các giám mục có nền tảng trong nền giáo lý mà thánh Ignatio người Antioche đã trình bày, theo đó thì ở đâu có giám mục đại diện chức linh mục của Ðức Kitô cử hành thánh lễ trước giáo dân, thì ở đấy có Giáo Hội thật sự.
Thế nhưng, người Byzantin xác tín rằng, theo giáo luật và truyền thống các giáo phụ thì họ có quyền từ chối tham vọng của các giám mục Roma muốn áp dụng thánh thẩm trực tiếp trên các Giáo Hội Ðông phương. Nhưng họ không có lập trường vững chắc khi muốn tìm cách định nghĩa bản tính của quyền tối thượng, và của các mối liên hệ giữa các Giáo Hội Ðông phương và Tòa Thánh Roma. Trong cách phản ứng lại những yêu sách của Roma, người Byzantin tỏ ra do dự, đôi khi thiếu mạch lạc. Trong khi đối phó với giáo thuyết Roma vừa sáng sủa vừa hợp nguyên tắc, họ đưa ra những luận đề không mấy vững chắc về Giáo Hội học. Quan sát lối phản ứng của các nhân vật trong Giáo Hội Byzantin trước các yêu sách của tòa Giáo Hoàng, chúng ta thấy họ thiếu mạch lạc, một đàng tại vì họ chú trọng đến thực tại bí tích của Giáo Hội hơn là đến cơ cấu pháp lý, đàng khác theo kiểu Byzance, họ liên kết chặt chẽ quyền thiêng liêng với ý niệm về đế quốc, do đó, nhiều người Byzantin cho là các yêu sách của Roma nghiêng về chính trị hơn là về Giáo Hội học. Thật ra, hình như mãi đến thế kỷ XIII, người Byzantin vẫn chưa hiểu rõ bản tính các luận đề Roma và họ cho rằng các luận đề ấy là do thâm ý các giáo hoàng muốn gia tăng thế lực cá nhân của mình. Họ phản ứng lại các yêu sách của Roma về quyền tối thượng giáo triều bằng ”thuyết ngũ hùng” (théorie de la pentarchie). Thuyết này đã có từ thế kỷ VI, được phổ biến trong thế kỷ IX và trình bày trọn vẹn trong thế kỷ XI. Theo thuyết này, năm vị giáo chủ đều quản trị Giáo Hội cùng một lúc, đó là các giáo phụ Roma, Constantinople, Alexandrie, Antioche và Jérusalem. Nhưng thuyết ấy cũng lại lẫn lộn quyền tối thượng và thứ quyền mà các nhà thần học Byzantin khước từ đối với Roma. Thật khó lòng dung hòa ”thuyết ngũ hùng” với chủ trương biệt lập mà các Giáo Hội Slaves đã áp dụng vào cuối thời Trung cổ.
6. TỪ ”FILIOQUE”.
Khi phản đối các yêu sách thần học của Roma, người Byzantin đã không rõ ràng và thiếu lý tắc. Cũng vậy, trong vụ tranh chấp về từ filioque, họ diễn tả tư tưởng không dứt khoát và thiếu mạch lạc. Việc thêm từ filioque vào kinh Tin Kính Nicée cốt để nhấn mạnh đến việc Chúa Thánh Thần nhiệm xuất, không phải riêng từ Ngôi Cha mà cả từ hai Ngôi Cha và Con. Hình như đã được Giáo Hội Tây Ban Nha thực hiện lần đầu tiên vào thế kỷ VI với mục đích đề phòng thuyết Nhất tính của người Wisigoths. Từ Tây Ban Nha tục lệ ấy đã lan tràn sang nước Pháp và nước Ðức và đã được hoàng đế Charlemagne chấp nhận; ngài cho đấy như một thứ khí giới để phản đối người Hy Lạp mà ngài cho là lạc đạo. Dù vậy, trước thế kỷ thứ XI, Roma vẫn chưa thừa nhận chữ filioque. Các giáo hoàng chủ trương không cho chữ ấy vào, vì tuy không sai về giáo lý, nó cũng làm thay đổi nguyên văn kinh Tin Kính đã được toàn thể thế giới Kitô chấp nhận. Nhưng các vị thừa sai của Roma ở Bulgarie cứ dùng chữ ấy dù biết nó bị công kích; đó là khởi điểm cuộc tranh chấp thần học giữa hai thế giới Kitô Hy Lạp và La tinh trong đời Trung Cổ; nó làm cho Giáo Hội Chính thống và Giáo Hội Roma càng ngày càng xa nhau hơn. Giáo Hội Byzantin phản đối từ filioque về hai phương diện. Thứ nhất, vì các công đồng chung đã ấn định rõ ràng cấm chỉ không được thay đổi kinh Tin Kính. Chỉ có công đồng khác mới hủy bỏ được quyết định ấy. Thứ hai, vì theo người Byzantin, từ ”filioque” ở đây sai về thần học. Trong cuốn ”Khai tâm về Chúa Thánh Thần” Photius minh chứng là giáo điều này đảo lộn thế quân bình mỏng manh và huyền bí về đơn nhất tính và tính cách bất đồng trong lòng Chúa Ba Ngôi. Ở đây chúng ta không thể tóm lược hay báo cáo về cuộc tranh chấp phức tạp và chuyên môn này. Chỉ nói đại cương: khi hai phe diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi bằng những danh từ thần học, cả người La tinh cũng như người Hy Lạp thường đứng về hai khía cạnh khác nhau. Các người La tinh thì nhấn mạnh đến yếu tính là nguyên ủy độc nhất của đơn nhất tính trong Chúa Ba Ngôi, và dựa vào yếu tính để nghiên cứu các mối liên hệ giữa Ba Ngôi; còn các người Hy Lạp thì lại ưa bắt đầu bằng chỗ khác biệt của ba ngôi vị (hypostases), và từ đấy mới nghiên cứu đến đơn nhất tính chủ yếu. Dưới mắt các nhà thần học Ðông phương, cả hai quan điểm đều chính đáng, miễn là mức tương đương mầu nhiệm giữa yếu tính chung và các ngôi vị khác biệt, đừng có vì quá chú trọng đến yếu tính mà sao nhãng các ngôi vị. Các người Hy Lạp cho rằng giáo thuyết của filioque chủ trương Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Ngôi Con cũng như Ngôi Cha cốt cách là ở lối diễn dịch thiếu nền tảng tín điều về sự đồng bản tính của Cha và của Con; nó giảm thiểu ưu thế quân chủ của ngôi Cha, nó dựa vào yếu tính chung trong Thiên Chúa đến nỗi làm thương tổn sự cách biệt của các ngôi vị, và hàm chứa một nền thần học trong đó thực tại mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi bị lu mờ bởi quan niệm triết lý về yếu tính.
7. CUỘC TAN VỠ NĂM 1054.
Vấn đề từ filioque đã giữ vai trò quan trọng trong vụ tranh chấp giữa hai Giáo Hội Roma và Byzantin, vụ tranh chấp này đã đưa đến cuộc tan vỡ năm 1054. Người ta thường gán cho cuộc tan vỡ này một danh xưng không mấy thích hợp là ”cuộc đại ly giáo”. Còn những lý do của cuộc tan vỡ thì rất nhiều và rất phức tạp. Mặc dầu mỗi người có một ý kiến riêng về những vấn đề giáo lý liên hệ đến cuộc tranh chấp, hiện nay người làm sử không thể phủ nhận lời khẳng định của chân phước giáo hoàng Gioan XXIII rằng: ”cả hai bên đều có trách nhiệm về cuộc chia cắt thế giới Kitô ra làm hai khối”. Trong những hậu quả trực tiếp do cuộc khủng hoảng giữa thế kỷ XI gây ra, phải kể đến những mưu toan tòa Roma dùng để cưởng ép phải theo một nền phụng vụ duy nhất tại các Giáo Hội Hy Lạp miền Nam nước Ý, là miền đã bị người Normands chiếm cứ dần dần khỏi đế quốc Ðông phương; mặt khác giáo phụ Byzantin cũng dùng những biện pháp bắt các Giáo Hội Roma tại Constantinople phải tuân theo những tục lệ Hy Lạp. Ngoài ra, càng ngày càng có thêm sức chống đối giữa những tham vọng của Tòa Roma mới được canh tân và những thâm ý của Giáo Hội Byzantin muốn duy trì nền tự trị truyền thống của mình, vì Giáo Hội này càng ngày càng kiêu hãnh về cái uy thế được chính phủ hùng mạnh và văn minh nhất thế giới Kitô ủng hộ. Léon thành Ochrida, vị cầm đầu Giáo Hội Bulgarie, hình như bị Michel Cérulaire là giáo phụ Constantinople xúi dục, đã viết một bức thư mạ lỵ hết lời những tục lệ La tinh, nhất là việc dùng bánh không men để làm lễ. Ðể đối phó, giáo hoàng Léon IX đã gửi sang Constantinople một phái đoàn đặc sứ do hồng y Humbert cầm đầu (1054). Với những cử chỉ đóng hề, những giọng điệu khiêu khích cùng những lối trịch thượng trắng trợn, hồng y Humbert phải chạm trán với vị đối thủ là Michel Cérulaire, giáo phụ Constantinople, không thua kém về cố chấp và ngạo nghễ theo lối úp mở. Ngày 16 tháng 7 năm 1054, tại Constantinople đã diễn ra màn kịch trong đó hồng y Humbert và các người phái đoàn đặt trên bàn thờ thánh đường Sophia sắc lệnh đánh vạ tuyệt thông giáo chủ Michel Cérulaire và những người cộng tác. Ðây là một thảm trạng quá ư bi đát. Sau vụ rắc rối ấy, hoàng đế Constantin IX truyền phải đốt sắc lệnh phạt vạ đi và người ta đã họp công đồng tại Constantinople để long trọng đánh vạ lại hồng y Humbert và các người trong phái đoàn đặt trên bàn thờ.