CHƯƠNG VI
NGUỒN MẠCH QUYỀN BÍNH
CHƯƠNG VI
NGUỒN MẠCH QUYỀN BÍNH
Ðã có một thời kỳ, tất cả thế giới Kitô gồm những phần đất do các vua và các giáo hoàng quản trị, và ít là tại Tây phương, tôn giáo và hàng giáo sĩ đã gây ảnh hưởng chính trên những phần đất ấy. Các nhà trí thức tiêu biểu thời Carolingien đã nhiều lần suy nghĩ để phân biệt các mối tương quan giữa linh mục và nhà vua. Sau đó, đến thời kỳ toàn thể Âu châu trở nên rối ren trong vấn đề này.
Từ khi Constantin trở lại đạo, quyền tối thượng trong Giáo Hội - dưới chế độ cộng đoàn giám mục ở phía đông đế quốc cũng như trong chế độ giáo hoàng tại Roma - phải giải quyết một vấn đề mới, tức là mối giao tiếp giữa một giáo dân chuyên chế và giáo quyền. Ngay từ ban đầu, vấn đề này hầu như không giải quyết được là vì ông hoàng đầu tiên đặt ra vấn đề lại là ông hoàng trở lại đạo đã chờ đến giây phút cuối cùng mới xin vào đạo Công Giáo để làm một phần tử y như các phần tử khác. Ông là ngưới chiến thắng, đã mang lại cho Giáo Hội một qui chế mới, nền tự do và quyền ưu tiên; ông là một thiên tài và là người hoạt động, đã biết chia sẻ quyền bính tự nhiên của một vị chúa trùm Ðông phương thời ấy, đang được coi như một người có ơn đoàn sủng và được Thiên Chúa chúc lành.
Trước khi Constantin trở lại, Giáo Hội chỉ là một nhóm thiểu số trong lòng đế quốc Roma mênh mông. Theo giáo lý của thánh Phaolô và thánh Phêrô (1), trong hết mọi sự, giáo dân phải tùng phục nền dân quyền hợp pháp và vẫn tự túc hoàn toàn. Lúc hoàng đế xin đón nhận Ðức Tin Kitô, Giáo Hội vẫn tiếp tục coi ngài như một nhà cầm quyền ngoại lai, như một vị thẩm phán, chỉ thay thế Thiên Chúa trong phạm vi trần tục, miễn là ông cai trị công minh theo đúng pháp luật. Giáo Hội lại càng không thể chấp nhận tư tưởng coi ngài là một ông hoàng, đại diện của Thiên Chúa và có quyền linh thiêng. Sự đối đầu cứ dần dà thành hình và không bao giờ xóa hẳn được, đó là sự đối đầu giữa Giáo Hội và chính phủ. Thật ra, có thể minh chứng là việc Constantin trở lại đã mang đến cho Giáo Hội những hậu quả tai hại lâu dài chẳng kém gì những lợi ích trực tiếp. Ngay từ lúc đầu, hoàng đế đã coi mình như có bổn phận thiết yếu phải giúp Giáo Hội đạt tới các mục đích Giáo Hội đang theo đuổi trên thế giới. Từ giúp đỡ đi đến cai trị là một bước rất ngắn. Trong một thời gian khá lâu, một mình hoàng đế có quyền nhóm họp công đồng chung. Chỉ mình ngài có uy thế để ra ý kiến và chỉ thị cho các vị cầm đầu Giáo Hội. Cả khi hoàng đế có ý ngay lành, ông cũng không thể tránh hết cạm bẫy: đề cao ý chí xây dựng hòa bình và thống nhất của một vị thủ lãnh quốc gia hay của một lãnh chúa mà coi thường lòng yêu chuộng chân lý và tinh thần kỷ luật của linh mục hoặc của nhà thần học. Vào thế kỷ V, sự đối đầu trên đã đạt tới đỉnh cao nhất với Justinien I. Ðịa vị của người bảo trợ đã biến thành địa vị của người có quyền bính. Danh từ tân thời Cesaropapisme có vẻ lỗi thời và thật ra Justinien, theo nguyên tắc, vẫn để quyền giảng dạy thiêng liêng cho giám mục thành Roma. Nhưng thực tế, ngài xử sự như một người được Thiên Chúa chọn, như vị cai trị, như nhà lập pháp độc nhất và tuyệt đối trong Giáo Hội, và trên toàn thể đế quốc. Các hoàng đế tiếp sau ngài không có biệt tài trà trộn, không có óc cương nghị, không có thế lực và may mắn như Justinien. Hơn nữa, nhiều khi các ngài đã có thái độ độc đoán và tàn nhẫn không phù hợp với quan niệm đúng đắn về chức vụ của mình. Dầu thế, tại Constantinople, các hoàng đế vẫn tự coi mình như những người được Thiên Chúa chọn, có trách nhiệm về luân lý và đạo đức trong toàn thể đế quốc; đối với các ngài, đế quốc và thế giới Kitô cũng là một.
Trong việc thi hành quyền bính, vị hoàng đế mới theo đạo và các vị kế tiếp ông, dường như đã làm lu mờ tính cách duy nhất về uy quyền trong Giáo Hội. Nhiều yêu sách của vua chúa về quyền bính đã thúc đẩy các giáo hoàng Roma lên tiếng tố cáo những yêu sách ẩy phản lại quyền tôn giáo, và suốt dòng lịch sử, các giáo hoàng càng ngày càng minh định: quyền của các ngài là do bởi lời hứa và sứ mệnh đã được trao phó cho Phêrô. Các quan điểm trên đã được công khai hóa từ đời giáo hoàng Gélase I và Justinien I. Giáo hoàng đề cao chức thánh như uy quyền tuyệt đối trong xã hội, còn các việc trần tục là thuộc quyền bính của hoàng đế. Ba mươi năm sau, hoàng đế tự coi mình như vị bá chủ thế giới Kitô, còn giáo sĩ chỉ có sứ mệnh duy trì và nuôi dưỡng tinh thần các tín hữu. Như vậy, một bên giáo hoàng cương quyết sát nhập hoàng đế vào Giáo Hội trong đó giáo hoàng là chủ chăn. Còn bên kia, hoàng đế, theo thực tế chứ không phải theo nguyên tắc, tự xử sự như ”linh mục-vương giả” (prêtre-roi) theo truyền thống các vua chúa phương Ðông cổ đại và theo Cựu ước.
Vấn đề chưa được sáng tỏ dưới đời giáo hoàng Grégoire I. Ngài rất nể vị hoàng đế, nhưng đồng thời, ngài lại hết sức tập trung quyền bính tại Tây phương vào ngôi Giáo Hoàng. Khi ngài lên làm giáo hoàng, mọi vấn đề còn lu mờ. Thật ra đức Grégoire đã coi hoàng đế như lãnh chúa nhưng đồng thời lại coi các vua Tây phương như con cái của mình, mặc dù các ngài có quyền trên giáo hoàng. Sau khi đức Grégoire qua đời hơn một thế kỷ các giáo hoàng vẫn công nhận là hoàng đế có quyền dân sự trên giáo hoàng và trên các phần đất mà giáo hoàng cai trị nhân danh hoàng đế. Các giáo hoàng dùng niên đại theo nhiệm kỳ của hoàng đế và tuyên thệ trung thành tại Constantinople.
Trong khi tình hình giữa giáo hoàng và hoàng đế còn đang gay go thì lại có sự đối đầu giữa tòa giáo chủ Constantinople và giám mục Roma. Tòa thượng phụ của thành quốc hoàng triều được thành lập sau các nơi khác nhưng có vinh dự vì ở sát gần dinh chính phủ, và vì nhờ một quyết định của công đồng Constantinople (381): tòa Constantinople đứng liền ngay sau tòa Roma. Càng ngày thế lực của tòa Constantinople càng bành trướng. Các hoàng đế sẵn sàng nâng cao uy thế của tòa Thượng Phụ Constantinople đối với Roma với thâm ý để tòa Thượng Phụ này tùng phục các quan điểm của các ngài. Ðường lối ”chính trị-tôn giáo” đó gây nhiều phấn khởi, khiến các thượng phụ tự xưng là ngang hàng hay còn ở trên ngôi Giáo Hoàng. Như vậy, ít là từ thế kỷ VI trở đi, các yêu sách của tòa Giáo Hoàng gặp phải hai đối thủ một lúc: hoàng đế và thượng phụ thành Constantinople. Sau cuộc chiến thắng của người Hồi giáo, tất cả các thượng phụ đều từ bỏ đường lối chính trị tranh đấu quyền hành trong Giáo Hội. Ðiều đó làm suy yếu vị trí của Roma, mặc dù theo nguyên tắc, Roma xem ra thắng thế.
Mặt khác, các giáo hoàng đã có thói quen coi bán đảo Ý ở phía Nam tông tòa Milan, coi châu Phi và có lúc cả Tây Ban Nha miền Nam nước Gaule, như là một tỉnh tôn giáo trong đó giáo hoàng có quyền kiểm soát gián tiếp . Ðối với các giáo hoàng, thế giới Tây phương là một lãnh vực trong đó giáo hoàng làm gì cũng được. Như vậy miền Tây Châu âu được người ta coi như (đó là ý nghĩ của người Byzantin) một tòa Thượng Phụ Tây phương rộng lớn. Thật ra miền ấy được chia làm hai phần; một bên là tỉnh Roma trong đó các giám mục trực thuộc quyền giáo hoàng và nhận dây choàng vai (pallium) từ tay ngài để chỉ sự phục tùng ngài; bên kia là một phần đất Kitô khác rộng lớn hơn ở phía Bắc dãy núi Alpes, trong đó các tổng giám mục của ”thành quốc” hay của các miền tự trị, tấn phong các giám mục và nhóm họp công đồng. Năng quyền của tổng giám mục là năng quyền riêng của ngài trong Giáo Hội ngài đảm nhiệm. Roma chỉ can thiệp khi có sự khiếu nại, hay khi tổng giám mục gặp phải vấn đề gì rất quan trọng. Mặt khác, các Giáo Hội được giáo hoàng đảm nhiệm việc truyền giáo, thoạt tiên là Giáo Hội Anh, rồi đến Giáo Hội Ðức, thường được coi như những chi nhánh của Roma. Augustin, Willibrod và Boniface đã nhận được dây choàng vai từ tay giáo hoàng và thề hứa trung thành với ngài. Tục lệ này đã được Boniface đưa vào Giáo Hội Franc nhưng không lâu bền. Charlemagne đã thành công mỹ mãn hơn vì những lý do khác: theo lời ngài yêu cầu, các tổng giám mục đã nhận dây choàng vai như biểu hiệu vinh dự. Như vậy, muốn hay không muốn, ngài đã đưa các tổng giám mục vào quĩ đạo Roma, đến nỗi từ đó trở đi, phải có một tác động của giáo hoàng thì các tổng giám mục mới có đầy đủ năng quyền. Các nhà sử học rất có lý khi kêu gọi người ta chú ý đến tính cách điển hình và đến những hiệu quả bất ngờ trong việc đức Grégoire gửi phái đoàn truyền giáo sang Anh: đó là mối liên lạc chặt chẽ giữa Giáo Hội Anglo-Saxon và tòa Giáo Hoàng. Sau này, mối liên lạc đáng khen ấy đã lan rộng ra tất cả các miền được Boniface và các vị truyền giáo cộng tác viên của ngài từ Anh đến; về sau, còn lan sang tất cả Giáo Hội non trẻ nước Ðức nữa.
Ðối với những người chỉ biết Giáo Hội Công giáo trong thời hiện đại thì mối liên lạc ấy là chuyện bình thường. Nhưng tình hình chính trị trước đời Trung Cổ không thể chấp nhận như vậy. Sở dĩ các mối liên lạc chặt chẽ ấy bền vững lâu dài tại Anh là vì ở đó có nhiều chia rẽ, và không có một vua nào hùng mạnh dám đứng ra chống đối. Tại lục địa miền Franc và Ðức, người ta đã có những khái niệm khá rõ ràng về quyền của nhà vua thì các giáo hoàng không thể tự tiện đưa sáng kiến. Tại miền Franc, một nền quân chủ hùng mạnh đã được thiết lập với Pépin và các vị nối ngôi ông, thuộc nhà Carolingien. Vì tổ chức triều đình đòi hỏi và vì quan niệm của người Franc về nền quân chủ, quyền trong Giáo Hội là ở trong tay vua. Trong một xã hội đơn sơ chất phác, có tiếng là theo đạo Kitô mà người ta lại ít học, giáo sĩ là giai cấp độc nhất có văn hóa; nền văn chương duy nhất phát xuất từ hàng giáo sĩ, một ông vua cương nghị, dĩ nhiên nhận thấy trách nhiệm chính phủ của mình là lo cho đời sống Giáo Hội và quản trị Giáo Hội về mọi mặt. Về phương diện ấy, thời kỳ cai trị lâu dài của Charlemange đã trở nên mô phạm cho nền quân chủ Franc, cho đến lúc cuộc đại cách mạng nổi dậy.
Charlemagne dùng các linh mục làm cố vấn, trong đó Alcuin là người trứ danh hơn cả. Họ là những người chẳng những ủng hộ đường lối chính trị của vua, màcòn củng cố nền tảng ý thức hệ để biện hộ và thúc đẩy đường lối ẩy trở thành giáo luật. Tư tưởng của các ngài đã đưa đến cái người ta gọi là thuyết Augustin. Từ ngữ này không vì tất ám chỉ về thuyết chính trị mà tác giả là Augustin, đã trình bày trong cuốn Thành quốc của Thiên Chúa, nhưng thực sự là một thuyết chính trị liên kết chặt chẽ tự nhiên với siêu nhiên trong các hoạt động trần tục cũng như đạo đức, liên kết quyền của Thiên Chúa với quyền của con người theo lối diễn giải tư tưởng của Augustin. Ngưới ta thừa biết Charlemagne đã khâm phục và ưa đọc các tác phẩm của Augustin. Ngài nghĩ rằng mình đã được Thiên Chúa chọn để quản trị Thành quốc của Thiên Chúa. Ðối với ngài, nhiệm vụ của giáo sĩ là cầu nguyện cho dân Chúa và cử hành các phép bí tích. Nhiệm vụ của hoàng đế đã được diễn tả rành mạch trong chương trình trứ danh – mặc dù nó đã được Alcuin soạn thảo nhưng cũng phản ảnh quan niệm của hàng giáo sĩ và của triều đình - nói lên tư tưởng trung thực của nhà Carolingien. Ðây làmột lời tóm kết: ”Về đối ngoại, trẫm có bổn phận phải bênh vực Giáo Hội Chúa Kitô về mọi mặt, cho khỏi các tư tưởng lạc đạo và khỏi những chống phá của lương dân; còn đối nội, trẫm phải củng cố Ðức Tin bằng lối phát biểu rõ ràng và bằng đức vâng phục. Phần các giáo sĩ, các ngài có bổn phận giơ tay cầu khẩn Thiên Chúa theo kiểu Maisen, để lời cầu nguyện của các ngài nâng đỡ cánh tay trẫm, và để cho dân kitô toàn thắng mọi kẻ thù ở khắp mọi nơi và trong mọi thời” (2).
Muốn theo dõi các sự kiện và những hoạt động chính trị của Charlemagne, độc giả cần phải nhận định trước là Tây phương lúc đó không có qui chế hành chánh và văn phòng làm việc như hoàng đế Ðông phương, và nếu Constantinople không có những điều kiện làm việc như vậy thì các luật lệ và các chương trình không có hiệu lực. Trong chính phủ Byzance cũng như trong nước Pháp thời tân tiến, một văn phòng vững chắc và có thế lực vẫn duy trì nổi bộ máy hành chánh khi vị lãnh đạo chính phủ tỏ ra bất lực hay là bị lật đổ. Ðộc giả cũng thừa biết rằng: Charlemagne và các cộng tác viên của ông, trong đời sống tư, không phải là những mô phạm về luân lý kitô và ngược lại rất ham hố chức quyền, giàu sang. Nói vậy, nhưng Charlemagne vẫn được coi là một ông hoàng xuất chúng, vì ngài vốn quan tâm lo cho Giáo Hội tiến triển. Bộ luật lớn công bố dưới đời ngài bao trùm mọi khía cạnh về đời sống Giáo Hội. Charlemagne triệu tập các công đồng để cải tổ, và ngài chọn các vị thanh tra trong hàng ngũ giáo sĩ để đi thanh tra toàn thể đế quốc. Các vị tổng thanh tra đi từng hai ngưới; thường một trong hai có chức linh mục, cũng có khi cả hai đều là giám mục. Luật pháp dưới đời Charlemagne ấn định quyền của các giám mục và của đất đai nhà chung, quan tâm đến việc huấn luyện các giáo sĩ và cách cử hành phụng vụ, bênh vực các nhà thờ nhỏ, người quản nhiệm và tài sản của mỗi nhà thờ. Pháp luật đề cao sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và phòng ngừa mọi gương xấu. Các chiếu chỉ thời Carolingien luôn dựa trên giáo luật, vì thế khi thi hành, đã trở thành những quy luật cải cách trong vòng hai thế kỷ tại nước Gaule. Ngoài ra, hoàng đế còn quan tâm nhiều về giáo lý. Người ta nhận thấy mối ưu tư của hoàng đế đặc biệt trong việc diễn tả các tín điều ngài muốn đề nghị với toàn dân, theo nguyện vọng của các linh mục cố vấn, như ba trường hợp sẽ bàn đến sau đây; Hoàng đế cũng thẳng thắn phản đối những điều ngài cho là nghịch đạo.
Trong các điểm chính, Charlemagne tiếp tục đường lối chuyên chế vua cha đã khởi sự, và dần dà ngài đã nắm được tất cả các quyền hành pháp như một ông hoàng rất có khả năng và óc thực tế. Tuy ngài không có học lực theo kiểu nói chuyên môn, ngài là người rất mực thông minh. Người ta không biết rõ có phải các linh mục cố vấn đã đưa ra những tư tưởng căn bản cho đường lối chính trị công bố đời Carolingien hay không. Ðiều chắc chắn là các cố vấn của hoàng đế, nhất là Alcuin đã đóng vai trò chủ chốt.
Về cuối đời, Charlemagne đã muốn phục hồi lại hình ảnh của đế quốc Roma Tây phương. Bằng chứng là ngài gọi các cơ sở ngài xây dựng tại thành phố Aix-la-Chapelle là Palatium và Lateranum và gọi thành phố này là ”Tân Roma”. Charlemagne muốn áp dụng vào Giáo Hội Tây phương tất cả các quyền hành mà hoàng đế Ðông phương muốn dành dật. Bốn năm trước lễ đăng quang, năm 800, hoàng đế tự xưng mình là ”chúa và là cha, là vua và là linh mục, là thủ lãnh tất cả các kitô hữu”. Nhiều người khác xưng hô ngài là đại diện và là quản lý của Ðức Kitô, là ”giám đốc (rector) dân kitô”. Alcuin, Théodulf và nhiều người khác đã rút nền tảng ưu biệt của nền quân chủ từ chức vụ mà Saul và các người kế vị ông đã thi thành giữa dân tộc Do Thái: Charlemagne là vị Maisen mới, Ðavít mới, là linh mục và là vua. Hoàng đế có tất cả các quyền ẩy không phải vì ngài đã nhận được từ lễ tấn phong lên chức thánh, nhưng chính là nhờ ở địa vị làm hoàng đế và sau là nhờ ở việc tôn vương, ngài có quyền thánh thẩm của linh mục, bởi đấy ngài được cắt đặt các nhân viên vào chức giáo sĩ, được triệu tập các công đồng, và làm cho các đạo luật trở nên miễn cưỡng về Ðức Tin và về luân lý. Khi giáo hoàng phong chức hoàng đế cho Charlemagne năm 800, có hai chủ đích liên quan đến vụ này đã giải thích nghi thức khác nhau. Ðối với giáo hoàng, Charlemagne được xưng hô là vì bênh vực và là quán quân của Tòa Thánh. Ðối với Charlemagne thì nghi thức đặt vương miện chỉ xác nhận cái địa vị ngài đã có từ trước là chức vụ mà hoàng đế Roma đã có sẵn tại Tây phương, và như vậy quyền của ngài theo nguyên tắc, ở trên tất cả các tín hữu Tây phương. Từ đó trở đi, thực tế đã có hai hoàng đế. Theo nguyên tắc thì đây là quyền lưỡng diện đối lập với quyền chính phủ tập đoàn, không thể đi đôi với các yêu sách của hoàng đế thành Roma mới và của giáo hoàng tại thành Roma cũ.
Dù sao, những yêu sách mà các nhà thần học của Charlemagne đưa ra, không được giáo hoàng và các người cùng theo một đường lối chấp nhận. Chúng cũng bị bác bỏ như những yêu sách của Justinien. Người ta đã làm ngơ trước hai loại yêu sách ẩy để chờ ngày giải quyết dứt khóat. Thực ra vào thời kỳ này, giáo hoàng đã lên tiếng đòi lại quyền tối thượng bằng cách dựa trên Lời Chúa đã hứa với Phêrô hơn là dựa trên yêu sách cổ truyền và võ đoán.
Chúng ta thấy, nhờ vào những biến cố may rủi, các giáo hoàng đã chiếm được thế quyền tại miền nam nước Ý. Tòa Giáo Hoàng tưởng rằng thế quyền lúc ấy sẽ mang lại nhiều tước vị cao cả. Vào hậu bán thế kỷ V, có những văn kiện được lưu hành ngoài rìa tòa chưởng ấn của giáo hoàng. Người ta gọi là những văn kiện ấy là Symmaque vì chúng xuất hiện tại Roma dưới đời vị giáo hoàng này (498-514). Tài liệu phổ biến hơn cả là tập Huyền thoại của thánh Sylvestre. (Legenda Sancti Sylvestri). Ngưới ta cho đó là tiểu sử của thánh Sylvestre I, nó thuật lại rằng, chính vị giáo hoàng này đã chữa Constantin I khỏi bệnh và đã ban phép Rửa Tội cho ông. Sau đó, hoàng đế đã trao cho giáo hoàng quyền tối thượng trên Giáo Hội và tặng cho ngài thành phố Roma, còn hoàng đế đi chọn nơi khác lập kinh đô mới. Căn cứ vào câu chuyện này người ta tung ra huyền thuyết thiên vị hơn nữa, gọi là Món quà tặng của Constantin. (Donation de Constantin) Theo tập ”Món quà tặng”, Constantin đã trao ban cho giáo hoàng tất cả các y phục và các huy hiệu hoàng đế, cả lâu đài và thành quốc Roma, cùng tất cả các tỉnh nước Ý, các thành quốc Tây phương và các ốc đảo tên tuổi rõ ràng. Nhờ cử chỉ ấy, giáo hoàng đã trở nên vị hoàng đế thứ hai, nắm giữ tại Tây phương tất cả các quyền hành tương tự như hoàng đế ở Ðông phương. Hơn nữa, tác giả Món quà tặng còn ám chỉ: Constantin đã bỏ Roma ra đi để giáo hoàng có quyền tối thượng; nói cách khác, Constantin đã trở nên hoàng đế tại Constantinople theo sự đồng ý của giáo hoàng. Phép ban hay sự đồng ý này có thể bị thu hồi.
Ngưới ta không biết tập giả mạo Món quà tặng kia đã có từ lúc nào. Chắc chắn là nó đã có vào mẩy năm đầu thế kỷ XI. Khoa phê bình hiện đại cho thấy văn kiện ấy đã được thảo ra với chủ đích biện minh cho việc đức Etienne II cầu cứu Pépin (754); đồng thời để chứng minh rằng đất mà người Lombard chiếm đoạt, chính là đất mà trước kia Constantin đã dâng tặng giáo hoàng (nói như vậy là che dấu sự kiện lịch sử: trước đó không lâu, phần đất ấy còn thuộc về đế quốc Ðông phương). Theo tương truyền, rất có thể văn kiện ấy đã do phòng chưởng ấn giáo hoàng soạn thảo, nhưng không chắc giáo hoàng đã đóng góp vào việc đó. Dù gây được ảnh hưởng tốt hay xấu, tập Món quà tặng ngày càng được tôn trọng và trở nên khí cụ hữu hiệu của tòa Giáo Hoàng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng: trước hai tập Huyền thoại và Món quà tặng, đã có một truyền thuyết cổ kính và hợp với truyền thống hơn. Theo truyền thuyết này, thì quyền lực của giáo hoàng đã xuất phát từ thánh Phêrô. Ðã từ lâu và đặc biệt từ thời đức Grégoire Cả, ít là trong một số vấn đề, và ở mấy lãnh vực, các giáo hoàng đã xử sự như những vị có uy quyền độc nhất về lương tâm và về lãnh thổ - tuy không rõ ràng - vượt trên tất cả các vị cầm quyền khác. Các giáo hoàng đã ấn định hình thức phát biểu Ðức Tin trong các công đồng; phải có sự đồng ý của các ngài thì những khoản tín lý của Công Ðồng mới có giá trị phổ biến; đại diện của giáo hoàng cao hơn mọi cử tọa trong các cuộc tranh luận và lời của họ luôn là lời chung kết. Các giáo hoàng lên tiếng về hết mọi vấn đề giáo lý và kỷ luật, và có uy thế phân xử mọi vụ việc đệ trình lên các ngài. Tuy miễn cưỡng, nhiều trường hợp cả Giáo hội Ðông phương cũng nhìn nhận giáo hoàng có ưu tiên giải quyết các vụ phản kháng (3). Các giáo hoàng đã gửi sứ thần đi miền Gaule và các nơi khác. Các ngài có đại diện tại Constantinople. Các ngài đã đương nhiên dùng quyền của mình để thiết lập Giáo Hội tại Anh. Dù vậy, trong vòng hai thế kỷ tiếp sau đời Grégoire I, nhiều khi giáo hoàng đã bị các hoàng tử và vua chúa lấn át, hay làm ngơ, không nhìn nhận vị trí của các ngài; hoạt động của các ngài đôi khi bị phản kháng, bị ngăn cách hay bị chống đối; cũng có lúc mọi hoạt động của ngôi Giáo Hoàng bị tê liệt vì vị đương kim thiếu nghị lực hoặc thiếu hiểu biết. Mặc dù tòa Giáo Hoàng không đưa sáng kiến nào tại lãnh thổ Franc, dưới nền hành chánh hùng mạnh của Pépin và của Charlemagne, nhưng ở những nơi khác, như tại Anh và các miền phụ cận, tại Frise, tại Saxe tại Bavière, tòa Giáo Hoàng hoạt động hết sức thong dong. Giáo hoàng bảo trợ các hoạt động, cắt đặt người cầm quyền, công nhận hoặc thay đổi các quyết định của Boniface, của các cộng sự viên với ông và của những người kế tiếp.
Ðọc lại lịch sử các giáo hoàng, chúng ta thấy, đôi khi có vị đã biết khai thác rất nhanh chóng và hữu hiệu khả năng của ngôi tòa, có vị lên tiếng và hoạt động một cách bất ngờ như chưa từng thấy, không phải lạm quyền nhưng dựa theo một quan niệm rất sâu rộng về bản tính quyền bính ngài đang nắm giữ. Chẳng hạn đức Nicolas I (858-867) là vị cầm quyền trong thời kỳ các giám mục miền bắc Francie đang tranh đấu để dành lại sự độc lập đối với hoàng triều. Ngài can thiệp bên trong và bên ngoài khung khổ vương quốc Carolingien, dường như ngài có quyền trực tiếp và trọn vẹn trên mỗi giám mục nói riêng và trên các tổng giám mục của họ nữa. Ngài hủy bỏ các cuộc bầu cử và các quyết định không nghiêm chỉnh, ngài đích thân nghe người ta khiếu nại với ngài và đưa các vụ kiện ra trước giáo triều Roma. Trong vụ li dị của Lothaire, ngài tỏ ra mình là thẩm phán tối cao về luật pháp và về luân lý, ngay đối với vua chúa. Ngài còn dùng đến quyền ra vạ tuyệt thông nữa. Ðiểm này rất quan trọng. Tại Tây phương cũng như tại Ðông phương, các giáo hoàng sẵn sàng ra vạ tuyệt thông - nghĩa là cấm thông hiệp với Giáo Hội Roma là Giáo Hội hoàn vũ - những người cố chấp không vâng lời (bất kỳ họ thuộc vào hạng nào và ở chức vụ nào). Nhưng không phải vị giáo hoàng nào cũng đã làm như thế. Trong vòng bốn thế kỷ, đã có những lúc quyền giáo hoàng bị gián đoạn và trong hai thới kỳ khá lâu, nhiều vị giáo hoàng tỏ ra bất lực, hoặc thiếu óc sáng kiến, thiếu hoạt động, hay vì đã liên lụy vào các vụ tranh chấp bè phái của các gia đình quý tộc tại Roma.
Một việc bất ngờ là Nicolas đã phải giải quyết vụ Photius mà chúng ta sẽ bàn đến sau này. Ngay từ lúc đầu, ngài đã xử sự lối trịch thượng và lên án Photius là giáo phụ tiếm quyền. Nghe theo lời của một người thù địch với Photius, giáo hoàng đả phá các sứ thần Photius gửi đến và cho là họ lạm quyền. Trong một bưc thư gửi cho hoàng đế, giáo hoàng đưa ra một số yêu sách mà từ xưa đến bấy giờ chưa từng được áp dụng tại Ðông phương, như việc giáo hoàng có quyền triệu tập về Roma cả hai bên nguyên và bị để ngài xét xử, mặc dầu chưa có ai khiếu nại với ngài. Về ngôi Giáo Hoàng, Nicolas khẳng định mạnh mẽ hơn cả đời Grégoire VII. Ðược đặt làm hoàng tử trên cả thế giới, các giáo hoàng thu tóm tất cả Giáo Hội vào con người của các ngài; tất cả các kitô hữu phải vâng phục giáo hoàng; ngoài Giáo Hội Roma ra không có đạo Kitô; giáo hoàng là thủ lãnh các giám mục; vua chúa nào xử dụng tòa giám mục như quyền sở hữu của mình là lạm quyền; giáo hoàng là môi giới giữa Chúa Kitô và loài người; các quyền hành của hoàng đế và của các giám mục bắt nguồn từ ngôi Giáo Hoàng. Người ta cho rằng những lần nói quá lời và đi xa hơn tư tưởng, đức Nicolas đã chịu ảnh hưởng của một người bạn thân là Anastase thủ thư viện. Ông này là một nhân vật khả nghi, có lúc đã ham lợi, muốn được bầu làm giáo hoàng, rồi bị rút phép thông công, bị truất chức linh mục. Vì những lời nói sỗ sàng và công việc ẩu tả của ông mà những cuộc thương thuyết với Constantinople và với Hincmar thành Reims trở nên gay go. Người ta còn cho rằng nhiều lần ông đã dùng các giáo lệnh giả (4) như những văn kiện biện hộ của ông. Hơn thế, trong nhiều bức thư, Anastase đã dùng những lời lẽ cứng cỏi, có vẻ hung hãn và lý luận như một người không có lương tri. Sau đó, đức Grégoire VII và đức Boniface VIII cũng có giọng điệu tàn nhẫn như vậy. Luận điệu này chỉ hiệu nghiệm khi người xử dụng nó thật là cương trực. Sau đời các vị giáo hoàng kế tiếp đức Nicolas, như dưới đời đức Adrien II và đức Gioan VIII, người ta không thẩy lối hành văn ấy nữa trong vòng hai thế kỷ. Nhưng các thư từ và những sắc lệnh của mẩy giáo hoàng cương nghị ấy vẫn còn nằm trong ngăn kéo tòa Giáo Hoàng để khi cần đến thì lại được lôi ra làm vũ khí.
Sau khi Otton đại nhân đã khôi phục được đế quốc, các vua chúa vẫn tiếp tục theo giáo thuyết về quyền bính của hoàng triều, nhưng khác một chỗ là giáo thuyết ẩy lúc này đã bị tục hóa quá nhiều. Tất cả quyền hành pháp đều ở trong tay nhà cầm quyền dân sự; ngoại trừ vua Henri II, không một vua người Ðức nào tự coi mình như cha và như chủ của Giáo Hội Tây phương. Việc thay đổi quan điểm này rất tế nhị nhưng là một sự thật. Nói kiểu khác, người ta coi Charlemagne như một ông hoàng được Thiên Chúa kén chọn để hướng dẫn dân ngài, tức là hướng dẫn Giáo Hội. Thực ra các hoàng đế Ðông phương và Tây phương đều nhìn nhận đế quốc của họ có tính cách phổ thế. Trái lại các vua chúa người Ðức chỉ cai trị nước Ðức trong đó có lãnh thổ của giáo hoàng, và giáo hoàng phải thề hứa trung thành với các vua. Các vua khẳng định họ có quyền điều khiển các giám mục là những chúa lãnh phong kiến và cả tòa Giáo Hoàng là Giáo Hội riêng của hoàng đế. Cũng có thời kỳ, mấy hoàng đế, đặc biệt như Conrad II, được người ta gán tặng tước hiệu là đại diện của Thiên Chúa hay của Ðức Kitô. Nhưng đấy chỉ là kiểu nói suy tôn mà thời đại bấy giờ quen dùng để đề cao các công trình vua chúa đã thực hiện hơn là để nói về con người của họ. Hoàng đế Ðức không được Thiên Chúa chỉ định để thay thế Ðức Kitô như người chủ và vị thủ lãnh của Giáo Hội. Phải nói rằng: trong khi dùng vương quyền thể hiện một số công trình, ngài được coi là đại diện cho Ðức Kitô. Như vậy, nếu dựa vào phương cách hoạt động để suy diễn ra một lý thuyết hoặc trình bày một chương trình, thì đế quốc Carolingien đã xâm lấn thần quyền của Giáo Hội nhiều hơn các vua người Ðức. Nhưng thực tế, các vua người Ðức đã đe dọa quyền tự do thiêng liêng của Giáo Hội nhiều hơn hoàng đế Charlemagne. Hoàng đế này xử sự như người của Giáo Hội để duy trì những cái mà ông cho là lợi ích tối cao của Giáo Hội. Các hoàng đế người Ðức, cả những vị có tiếng là đạo hạnh, chỉ chú trọng ưu tiên đến lợi ích thế tục trong nước của họ; còn lãnh thổ của giáo hoàng, dù rộng lớn đến đâu, cũng chỉ là một phần trong nước của họ thôi.