CHƯƠNG V
CÁC CUỘC THĂNG TRẦM CỦA
NGÔI GIÁO HOÀNG, 604-1049
CHƯƠNG V
CÁC CUỘC THĂNG TRẦM CỦA
NGÔI GIÁO HOÀNG, 604-1049
Từ thế kỷ III trở đi, lịch sử ngôi Giáo Hoàng không bao giờ có những trang đen tối như trong bốn thế kỷ tiếp sau đời giáo hoàng Grégoire I, và nhất là lịch sử của giáo hoàng từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ X. Trong hai thời kỳ này, và còn kéo dài cho đến thế kỷ IX, các giáo hoàng kế vị nhau một cách dồn dập; chẳng hạn từ năm 604 cho đến năm 701, đã có 6 đời giáo hoàng; từ năm 816 đến năm 900 đã có 20 vị lên ngôi; và từ năm 900 đến năm 1003 có 33 vị, nghĩa là trong vòng ba thế kỷ nói chung, mỗi đời giáo hoàng không được tới 5 năm. Bởi vậy tường thuật lại cả một loạt đời các giáo hoàng không có nghĩa lý gì; hơn nữa các văn liệu thời kỳ ấy để lại cũng rất nghèo nàn. Các nhà sử học trong thế kỷ vừa qua đã cố gắng rất nhiều để phục hồi lại niên đại, để ghi ngày tháng các sự việc và các tài liệu quan trọng, xác định lại các thời kỳ về hoạt động mỹ thuật và phụng vụ tại Roma. Nhưng các tài liệu viết về lịch sử về hạnh tích và về thần học do Roma để lại, hoặc các tài liệu viết về thành phố này thật ít ỏi. Bởi vậy không nên ngạc nhiên khi thấy có nhiều vị giáo hoàng không để lại dấu vết gì lâu dài về chính trị hay về con người của các ngài, để soi lối cho hậu thế. Grégoire II và Grégoire III (715-741) được coi như hai vị thánh; Adrien I (772-795), Nicolas I, Adrien II (858-872) và Sylvestre II (990-1003) là những nhân vật xuất chúng về tư cách cá nhân cũng như về đường lối mục vụ và chính trị.
Nói riêng đến Roma, khoảng thời gian bốn thế kỷ được chia ra làm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất (604-715), các giáo hoàng vẫn tiếp tục đường lối cũ. Theo pháp lý Giáo Hội Roma vẫn còn là thành phần của đế quốc. Roma vẫn liên kết chặt chẽ trong các hoạt động thần học và trong nhiều phương diện khác với Giáo Hội Tây phương. Thành quốc Roma đã lấy lại được các lãnh thổ bị chiếm đoạt trong các cuộc xâm lăng và bao vây trong thế kỷ VI. Giữa thế kỷ VII, bao nhiêu người tứ xứ di dân để tránh Hồi giáo Ðông phương đã trốn về Roma. Giáo sĩ thuộc đủ mọi giống nòi, và từ năm 686 đến năm 752, trừ có Grégoire II, tất cả các giáo hoàng đều là người Hy lạp miền nam nước Ý hay là người Syrie. Nhiều vị giáo hoàng được quý mến và được người ta gán cho danh hiệu là ”thánh”. Năm 752 khi giáo hoàng Zacharie qua đời thì lại bước sang một thời kỳ khác; thời kỳ này trùng hợp với lúc chức thái thú Byzantin de Ravenne mất quyền và là lúc Pépin lên cầm quyền tại Pháp. Trong thời kỳ thứ hai (715-800) các giáo hoàng nhiều khả năng đã lần lượt phải đương đầu với tình hình bất thường tại Ý và ở Tây phương. Tại miền bắc Ý, các cuộc chiến thắng của người Lombards đã tiêu diệt các cứ điểm cuối cùng của Ðế quốc Ðông phương, và hăm dọa lãnh thổ kế cận của giáo hoàng.
Tại nước Gaule, việc lên ngôi của Charles Martel và các vị kế tiếp đã thiết lập cho Tây phương một nền tảng quyền bính vững chắc; các ông mạnh thế bảo vệ giáo hoàng mỗi khi cần đến. Trong gần một thế kỷ, bước diễn tiến tuần tự đã đưa đẩy đến việc thiết lập Ðế quốc Tây phương năm 800.
Vào thời kỳ thứ III (800-888), các giáo hoàng đã lần lượt chứng kiến cảnh hưng thịnh và cảnh đổ nát của đế quốc Carolingien; ở thời kỳ này, Giáo Hội Franc công khai hoạt động, thảo luận và giải quyết các vấn đề phụng vụ và thần học; Ngôi Giáo Hoàng đã gây được ảnh hưởng trên Giáo Hội Franc bằng cách khuyên dụ Giáo Hội này giữ thái độ ôn hòa và phải phục tùng một vị lãnh đạo tối cao. Thời kỳ này chấm dứt khi đế quốc Carolingien sụp đổ và cũng là lúc các gia đình cự phách tại Roma và những vùng lân cận công khai hoạt động, tạo nên một mối đe dọa kéo dài về sau.
Trong thời kỳ thứ IV cũng là thời kỳ cuối cùng, quyền phổ biến của ngôi giáo hoàng bị phai nhòa. Trung tâm chính trị đã rời sang Ðức là nơi các vua (và sau là các hoàng đế) đã thi hành quyền bính trên các giám mục và gây ảnh hưởng trên ngôi Giáo Hoàng. Việc hoàng đế chỉ định nhiều giám mục Ðức vào chức giáo hoàng đã làm giảm thế lực của các gia đình Roma. Một vị giáo hoàng nhiệt thành với công việc cải tổ, có cơ hội lập lên cho Giáo Hội một chính phủ độc lập và hùng mạnh.
Dưới đời đức Grégoire I, trong thực tế giáo hoàng đã nắm giữ quyền dân sự tại Roma. Bộ dân luật Justinien công nhận là trong ”thành quốc”, giám mục có nhiệm vụ xét xử, quản trị ngân khố và chính thức bảo trợ dân. Riêng tại Roma, các giáo hoàng thu hoa lợi lúa mì tại Sicile, Sardaigne và Corse; các ngài là chủ ngân hàng và đóng thuế cho hoàng đế. Grégoire đã chu toàn các nhiệm vụ ấy. Có hai biến cố đã làm cho giám mục Roma trở nên rất hùng mạnh: Một là vị Grégoire đã trở nên một địa chủ giầu có nhất trên bán đảo, vì ngoài các tài sản đã thừa tự được, ngài còn được người ta dâng cúng rất nhiều đất đai ở Sicile, ở Sardaigne và tại miền nam nước Ý. Theo huyền thuyết về gốc tích các tài sản ấy, những đất đai miền Orvieto ở phía bắc và ở Terracina phía nam được coi như sản nghiệp của thánh Phêrô. Thế rồi năm 584, hoàng đế trao cho vị thái thú Ravenne quyền trực tiếp trên nước Ý. Khi Grégoire nhận thấy ông thái thú không dùng quyền cách hiệu nghiệm, ngài trực tiếp cung cấp mọi nhu yếu cho dân chúng. Từ đó trở đi, các giáo hoàng bá chủ hoàn toàn tại Roma về đời cũng như đạo, nhưng theo nguyên tắc, hoàng đế vẫn là chúa trùm. Các giáo hoàng phải tổ chức đạo binh để giữ cho ”cộng hòa thánh Phêrô” khỏi bị người Lombards xâm chiếm và để triều đình khỏi lạm dụng.
Quận thái thú Ravenne được sáp nhập vào sản nghiệp của thánh Phêrô bằng một dải đất hẹp vắt qua dãy núi Apennins và gồm có tỉnh Perouse rồi kéo dài theo lưu vực sông Tibre cho đến Todi. Quân Lombards đến chiếm tất cả các đất đai thuộc quận thái thú. Năm 753 giáo hoàng cầu cứu Pépin đánh đuổi người Lombards. Pépin gửi viện binh tới và giáo hoàng đã toàn thắng. Năm 756, sau một cuộc thương thuyết chính trị mà chúng tôi không am tường tiểu tiết, giáo hoàng đã chiếm hữu được, hay theo các tài liệu của tòa Giáo Hoàng, đã thu hồi lại dải đất dọc bờ bể Adriatique, bắt đầu từ ranh giới quận Vénétie và gồm hai quận Ravenne và Pentapole, trong đó có các thành phố Rimini, Pesaro, Fani, Sinigaglia và Ancône; về sau lại sáp nhập thêm Bologne nữa. Tuy về sau, được nới rộng thêm hay bị cắt xén ít nhiều, tất cả các phần đất này được duy trì an toàn cho đến giữa thế kỷ XIX; đó là nước của giáo hoàng trong lịch sử Trung cổ và hiện đại. Như vậy, quyền của giáo hoàng được củng cố, không phải vì có âm mưu dự trù trước hay vì ham vọng chính trị, nhưng vì các hoàn cảnh đã miễn cưỡng và tuần tự thúc đẩy, nhưng nhất là vị hoàng đế Ðông phương không đủ khả năng cai trị nước Ý cách thỏa đáng. Vào thế kỷ VIII thế quyền của tòa Giáo Hoàng rất hùng mạnh và cứ giữ đà ấy trong suốt đời Trung cổ và còn sau này nữa. Ngôi Giáo Hoàng là tiêu biểu cho một thành lũy ngăn cản ngoại xâm, một căn bản thế lực và của cải, một trách nhiệm nhiều khi gây lúng túng cho những người phải lấy quyết định, và làm cho những người thi hành quyền bính, không được thiên vị, phải sống như những người cha của tất cả thế giới Kitô Tây phương, đồng thời không được sao nhãng những nghĩa vụ thiêng liêng.
Tình trạng giáo hoàng có cả hai quyền đời và đạo đã đưa đến những hậu quả tất nhiên. Roma thấy xuất hiện hai giai cấp không gặp thấy ở nơi nào khác: một bên là phái công chức có chức thánh hay không có của Giáo Hội Roma, một bên là phái quí tộc của thành quốc; nhiều vị giáo hoàng và công chức xuất thân từ phái quí tộc này, nhưng phái này lúc thì sát cánh với giáo hoàng tại chức, lúc thì đối nghịch hay kình địch ra mặt. Trong vòng ba thế kỷ, nhiều vị giáo hoàng do ban chưởng ấn bầu lên không phải là người sinh trưởng tại Roma và cũng không thuộc dòng giống của họ; lịch sử tòa Giáo Hoàng cho thấy nhiều vị công chức rất là xuất sắc; nhưng trước thế kỷ XI vẫn chưa có những văn phòng phức tạp. Trước thời kỳ này, các hồng y không có nhiều ảnh hưởng cho lắm (1). Dù sao, ngay từ đầu đã có một đoàn công chức khổng lồ gồm cả những giáo sĩ có vợ con; họ là những nhân viên quản trị các thánh đường lớn hay các nhà thờ của dòng tu, hoặc những chuyên viên tài chính của nước Giáo Hoàng. Phái quí tộc Roma bắt nguồn từ những gia đình nghị sĩ và các công chức của triều đình Théodose; phái quí tộc này đã dần dà biến thành nhóm thượng lưu phong kiến của thành quốc và tại miền Campanie. Nhưng giai cấp xã hội này khác hẳn các giai cấp tương tự khác sống tại các thành quốc đời Trung cổ. Giới quí tộc Roma khăng khít giữ các tước hiệu là con cháu của các ông hoàng triều đình, mà thực ra không có quyền hành chính trị gì cả. Dọc suốt đời Trung cổ, nhiều người trong phái quí tộc này đã được bầu lên chức giáo hoàng hay làm việc trong phòng chưởng ấn, nhưng luôn luôn họ là thành phần đe dọa, vì họ hay cạnh tranh và dùng đến thủ đoạn bên cạnh tòa Giáo Hoàng; họ xúi bẩy người ta gây hấn hoặc phản loạn trong chính phủ giáo hoàng. Mỗi khi có cuộc bầu giáo hoàng, họ và các chư hầu của họ thường dùng vũ lực để gây ảnh hưởng trong việc lựa chọn; tình thế này cứ kéo dài trong nhiều thế kỷ, làm cho ngôi Giáo Hoàng trở nên mồi ngon giữa các vụ tranh chấp bè nọ phái kia, hay giữa những nhân vật có thế lực.
Từ giữa thế kỷ VI cho đến khi tòa Giáo Hoàng được rời về Avignon, nghĩa là 800 năm sau, Roma là thành quốc Giáo Hoàng và trở nên thời danh nhờ vào phần mộ của các thánh Tông Ðồ hơn là vào cảnh huy hoàng của thời trước (2). Trong vòng một nghìn năm, các kiến trúc sư và các nghệ sĩ đã thi thố tài năng trong công trình xây cất và trang trí các thánh đường hay các cơ sở tôn giáo. Cũng vì Roma là thành quốc độc nhất tại miền Tây châu Âu giữ được nền quân chủ thường hằng và cũng vì Roma giầu có trong đời Trung cổ, nên Roma đã trở thành một kho dự trữ và một viện bảo tàng với nhiều kiệt tác về kiến trúc cũng như về các phương diện nghệ thuật tôn giáo và văn hóa khác của mỗi thời đại và mỗi kiểu mẫu. Mặc dù đã phải tranh đấu căm go, từ phía trong cho đến phía ngoài, mặc dù nhiều khi phải phá các cơ sở cũ cho thêm quang đãng hay để lấy vật liệu xây cất cơ sở khác, thành quốc đã và vẫn còn chi chít những kiến trúc nổi bật của mỗi thế hệ trong kỷ nguyên kitô; Mặc dầu có nhiều cơ sở đang xây dở dang đã phải phá đi hay bỏ cuộc, Roma vẫn là thành quốc chi chít các nhà thờ và đất thánh, vẫn luôn là thành quốc hấp dẫn khách hành hương.
Hơn một thế kỷ sau khi Grégoire I qua đời, miền trung nước Ý kể cả lãnh thổ giáo hoàng theo nguyên tắc vẫn còn lệ thuộc hoàng triều. Nhưng chỉ mấy chục năm sau cuộc bang giao giữa Ý và hoàng đế trở nên bất ổn và các mối liên hệ dần dần tan rã. Vào đầu thế kỷ VIII, từ Roma trở lên miền bắc nước Ý được chia làm ba miền chính trị: nước Giáo Hoàng, quận thái thú Ravenne ở phía bắc dãy núi Apennins và nước Lombard ở phía Tây bắc. Các hoàng đế thay nhau bạc đãi giáo hoàng đang cầm quyền, cai trị một nước như họ. Hành động tiêu biểu của đường lối chính trị xấu xa này là việc Léon người Isaurien mưu sát đức Grégoire III. Hơn nữa, các hoàng đế đánh thuế nước Ý rất nặng và tìm hết cách để tha hóa giáo hoàng và dân chúng. Liutprand, vua người Lombard có lòng đạo đức nhưng tính khí kỳ cục (712-744); ông đưa quân đến dọa nạt thái thú Ravenne và nước Giáo Hoàng. Giáo hoàng Grégoire III cầu cứu với Charles Martel nhưng ông từ chối. Mấy năm sau, Etienne II lại bị Aistulf người kế vị Liutprand đe dọa chiếm một phần lớn lãnh thổ, cho cả đến Roma nữa. Giáo hoàng cầu cứu với Pépin. Ðây là lần thứ nhất trong lịch sử, năm 744 ngài sang tận nước Pháp ở Ponthion quận Marne. Pépin nhận lời sang viện trợ. Ông cho quân sang đánh hai lần và cưỡng ép Aistulf phải điều đình và trả lại các phần đất cho giáo hoàng (756). Như vậy là quyền của giáo hoàng được chính thức nhận ở phía bắc Roma; biến cố này trùng hợp với cuộc chiến thắng của các người bài ảnh thánh tại Constantinople và đánh dấu một giai đoạn. Tòa Giáo Hoàng thiết lập lại các mối bang giao với hoàng đế Ðông phương và với Giáo Hội Byzantin; các mối bang giao này đôi khi có gián đoạn nhưng vẫn còn tồn tại trong vòng ba thế kỷ nữa. Sau đó là bước quyết liệt. Tòa Giáo Hoàng đã thoát ách của hoàng đế ở Tân Roma, đã rũ sạch những cách vỗ về bó cẳng; ngài lập một vương quốc tại Ý và đi cầu cứu với vua người Franc. Như vậy không lạ gì sau một loạt các giáo hoàng người Hylạp liên tiếp lên ngôi (từ năm 685 đến năm 752), đức Etienne II là giáo hoàng đầu tiên (trừ Grégoire II) thuộc dòng giống Ý. Hai mươi năm sau, Ðức Adrien I, vừa lên ngôi giáo hoàng, đã gặp nhiều vấn đề khó khăn; ngài cầu cứu với Charlemagne mới lên cầm quyền. Ngài hứa sẽ cho giáo hoàng tất cả nước Ý, từ Mantoue cho đến các phần đất Byzantin phía nam. Nhưng hứa rồi lại bỏ đấy. Dầu vậy, năm 767, những phần đất mới ở phía bắc Viterbe và gần Farfa được sáp nhập vào nước của giáo hoàng.
Việc tòa Giáo Hoàng lệ thuộc vào nền quân chủ Franc đã mang lại nhiều hậu quả rất quan trọng. Ba thế kỷ về trước, để cản trở các hoàng đế muốn cai trị Giáo Hội, các giáo hoàng đã soạn thảo ra luận đề là hoàng đế phải gắn bó với Giáo Hội, có nhiệm vụ bênh đỡ và phục quyền giáo hoàng. Luận đề trên càng ngày càng mất ý nghĩa vì những lý thuyết và những hoạt động của các hoàng đế (như Justinien I), và vì lối chính trị phiêu lưu của các hoàng đế đến sau; các ông hoàng không còn kiêng nể Roma nữa; họ vừa đề cao vừa khai thác tòa thượng phụ Constantinople. Sau một thế kỷ rưỡi chung sống khó khăn với đế quốc, tòa Giáo Hoàng quay về phía Tây phương. Lúc Pépin nhận lời cứu viện, giáo hoàng đi một bước quyết liệt là tặng cho vua người Franc tước hiệu Patricius của người Roma. ”Patricius” là tước hiệu của một số công chức tại triều Byzantin. Dưới hình thức mới này và với đường lối khen tặng, từ nay có một sắc thái mới lạ; nó có nghĩa là ”lãnh chúa” hay ”bảo trợ” và ”người Roma”. ”Người Roma” đây không chỉ riêng những người sống tại Roma mà còn bao gồm tất cả những người thuộc quyền bính của Giáo Hội Roma. Cùng với việc khen tặng tước hiệu và nghi lễ phong vương chưa từng thấy, giáo hoàng không những mang đến cho tước vị Patricius Romanorum một mầu sắc tôn giáo mà còn tỏ ra quý chuộng tước hiệu ấy. Tước hiệu do giáo hoàng khen tặng lại mặc thêm vẻ oai nghiêm, nhờ một nghi thức độc đáo. Như vậy giáo hoàng bắt đầu chiếm lại vị trí và nhiệm vụ mà hoàng đế Ðông phương đã bỏ trống vì bất lực.
Charlemagne nhận được tước hiệu Patricius năm 754 trong lễ đăng quang. Năm 774 hoàng đế hứa với giáo hoàng Adrien I là sẽ trả lại cho Giáo Hội Roma tất cả phần đất đã bị chiếm cứ và được kê khai trong danh sách tặng phẩm của Pépin. Khi Charlemagne lên làm vua người Lombards, ông không giữ lời hứa nữa vì cho rằng nó không hợp thời. Thật ra, hoàng đế muốn dùng Aix-la-Chapelle làm hoàng thành thay thế cho Roma cũ. Trong một thời gian, thành phố này không chỉ có các cơ sở hành chánh của Tây phương, mà còn là một trung tâm phục hưng nổi tiếng về trí thức và về dòng tu. Nhưng tình hình chính trị của thế giới Tây phương đã thay đổi đường hướng cách sâu đậm và lâu dài sau vụ đăng quang của Charlemagne được coi là một biến cố bất ngờ.
Các nhà sử học vẫn chưa đồng ý với nhau, vì không có đủ bằng chứng, về những hoàn cảnh lễ đăng quang của Charlemagne, ngày lễ Sinh nhật năm 800. Biến cố ấy sau này đã mang lại một ý nghĩa rất quan trọng trong đường lối chính trị và tôn giáo ở Âu châu. Ðức Léon III, vị giáo hoàng đương kim là một người tầm thường và cũng khả nghi về thanh danh, đã bị các người chung quanh lật đổ. Charlemagne tới Roma để điều tra về các tội trạng người ta gán cho giáo hoàng và để vãn hồi trật tự; giáo hoàng khước từ không chịu ra tòa và rồi sau khi tuyên thệ mình vô tội, lại được trắng án (3). Hai ngày sau, tức là ngày lễ Sinh nhật, giáo hoàng đặt triều thiên trên đầu Charlemagne; trong khi hoàng đế quì cầu nguyện trên mộ của vị thủ lãnh các Tông Ðồ, dân chúng tung hô ngài là Augustus nghĩa là hoàng đế của người Roma. Lúc đó giáo hoàng ”suy tôn” hoàng đế. Làm như vậy là ngài diễn lại nghi thức Byzantin trong nghi lễ phong vương. Biến cố ấy có lẽ là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử chính trị đời Trung cổ, và còn là một bí mật lịch sử. Ai đã mưu toan công việc này? Ai đã đưa tổ chức ấy đến thành công? Người ta không có bằng chứng để nói đức Léon III đủ chí cương trực và khôn khéo chính trị để làm như vậy. Dù sao, sáng kiến phong vương xem ra tự ngài, và đường lối hành động ấy làm cho Charlemagne sửng sốt. Nhưng không ai có thể tin rằng Charlemagne không nghe biết gì trước về các việc này. Người ta cho rằng (nhưng không hoàn toàn chắc chắn) đấy là một thủ đoạn: giáo hoàng và các cố vấn muốn lợi dụng lúc tòa Constantinople trống ngôi, dứt khoát tách rời ngôi Giáo Hoàng khỏi hoàng đế Ðông phương và để thiết lập tại Tây phương, hay để di chuyển về Tây phương, một đế quốc có người cầm quyền theo như quan niệm của giáo hoàng, vừa là tôi tớ vừa là vị bảo trợ của Giáo Hội Roma. Cũng có thể là Charlemagne muốn di chuyển đế quốc sang Tây phương bằng việc kết hôn chính trị với nữ hoàng Irène mới bị truất phế. Dù sao hoàng đế cũng chấp nhận sự việc đã rồi và sau đấy ngài được chính hoàng đế Ðông phương công nhận ngài là hoàng đế Tây phương. Nhưng hoàng đế lại không công khai chấp nhận các lời lẽ giáo hoàng dùng để chỉ định nhiệm vụ của ngài. Giáo hoàng đã tuyên bố hoàng đế là tôi tớ của Giáo Hội Roma. Có một điều khác biệt lớn giữa Ðế quốc Ðông phương và Ðế quốc Tây phương: tại Ðông phương, tước hiệu hoàng đế, theo nguyên tắc, không có tính cách cha truyền con nối. Trong việc kế vị, hoàng đế có một người phụ tá cũng là người kế vị như ở Roma thời trước. Khi có cơn khủng hoảng thì ai đang cầm quyền thực sự (de facto) lên nắm chính quyền, còn tại Tây phương, nhờ ở tài ngoại giao khôn khéo và sự nhẫn nại của tòa Giáo Hoàng, quyền kế vị hoàn toàn tùy ở giáo hoàng và ngài trao vương miện cho ứng viên. Một khi lý thuyết này đã được ấn định, không ai có thể viện lý chỉ trích hay đặt lại vấn đề. Mãi hơn bốn thế kỷ sau mới thiết lập được một đoàn cử tri có đủ mọi quyền quyết định. Sau khi đoàn cử tri đã quyết định thì có lễ đăng quang ngay, hay ít ra được giáo hoàng phê chuẩn. Nhưng trong thời kỳ ấy, tước hiệu hoàng đế và chức vụ của ngài khác hẳn nhau về qui chế và về tầm quan trọng chính trị. Thật ra Charlemagne là người đầu tiên đã phá đổ cái hình thức công nghị của đế quốc. Theo tục lệ Franc, hoàng đế đã chia đất nước cho các con và như vậy ngài phá cái tham vọng nắm toàn lãnh thổ. Khi các con của hoàng đế tiếp tục nền chính trị ấy và tranh dành nhau đâu là phần đất của mỗi người, đế quốc Carolingien mất hẳn phổ biến tính và truyền thống. Trong thực tế, quyền hành và uy thế của hoàng đế cứ giảm sút dần đi, để rồi năm 899 tước hiệu hoàng đế trong một thời kỳ không còn là một thực tại nữa. Khi nhà Otton khôi phục lại được quyền bính, tòa Giáo Hoàng áp đặt lý thuyết và các điều kiện trên khá dễ dàng. Tuy nhiên, sau đó nhiều vị giáo hoàng tên tuổi còn phải tìm cách biện hộ.
Việc đế quốc Carolingien bị phân tán và những mối bất bình giữa những nhân vật không mấy quan trọng, đã làm cho hai thế lực đang thống trị Giáo Hội có thời cơ củng cố lại đoàng hoàng các yêu sách ngày trước. Dưới đây chúng ta sẽ trình bày tường tận hơn đường lối của các giám mục triều đình, và nói riêng là của Louis le Pieux và của các vị kế tiếp ông (4). Các giám mục này gián tiếp ủng hộ ngôi giáo hoàng. Nhưng vị trí của tông tòa sau này mới được sáng tỏ là nhờ ở những giáo hoàng có khả năng và ưa hoạt động.
Trong các giáo hoàng tên tuổi phải kể đến đức Nicolas I (858-867). Người ta gọi ngài là kiến trúc sư của ngôi giáo hoàng đời Trung cổ và là vị giáo hoàng thời danh nhất kể từ Grégoire I (5). Trong cách ăn nói và làm việc, về hết mọi phạm vi, từ những liên hệ với Constantinople, với Ravenne, với Hoàng đế cho đến cả các giám mục oanh liệt nước Pháp, Nicolas luôn khẳng định: Roma giữ một địa vị tối cao, và năng quyền của Giáo Hội bao trùm trên hết các phần tử của Giáo Hội, giáo dân cũng như giáo sĩ. Mối liên lạc trực tiếp đã có từ lâu giữa giáo hoàng và nhà cầm quyền bên Ý, tại Sicile, ở Phi châu và ở lưu vực sông Rhône đã thành lỏng lẻo vì người Byzantin đến chiếm đóng, vì quân Lombards quấy nhiễu và nhất là vì tính cương quyết của các vua người Franc, kể từ đời Charles Martel trở đi. Mối liên lạc trên đã mang một hình thức khác, đầu tiên là tại Anh, rồi tới những miền mà Boniface đã chinh phục vào đạo kitô. Theo lẽ ra, Nicolas muốn tiếp tục đường lối chính trị ấy tại những nước con cháu của Charlemagne cai trị. Lại có vụ ly dị kéo dài của Lothaire II, một trong những vụ rắc rối hôn nhân làm xao xuyến dòng lịch sử Âu châu. Còn có vụ tranh chấp lâu dài với Hincmar thành Reims, vị giám mục tên tuổi bị người ta xử trịch thượng không chút nể nang. Tất cả những vụ ấy cho thấy thái độ của giáo hoàng đối với các vua chúa và các giám mục, khác hẳn với thái độ của các giáo hoàng dưới thời Charlemagne.
Ðức Adrien II vị kế nghiệp đức Nicolas cũng tiếp tục đường lối chính trị ấy nhưng mềm dẻo hơn. Từ đây trở đi và theo bước diễn tiến của đế quốc Carolingien, ngôi giáo hoàng bước sang một thời kỳ đen tối mà hậu quả đầu tiên là Gioan VIII bị chết trong một cuộc nổi loạn (882). Năm năm sau, vị hoàng đế cuối cùng có quyền thực sự là Charles le Gros bị truất phế. ông qua đời năm 888 và đế quốc bị thanh toán một cách nhục nhã. Ba năm sau đức Formose lên ngôi giáo hoàng (891-996). Ngài bị nhiều người thù ghét. Người ta kể lại là đức Etienne VII, vừa lên ngôi giáo hoàng đã cho quật xác đức Formose mới chỉ cầm quyền được mấy ngày và tuyên án là vị cố giáo hoàng đã phạm nhiều khoản giáo luật, và quăng xác xuống sông Tibre. Trong vòng tám năm, tám vị giáo hoàng đã liên tục lên kếvị Etienne. Chưa bao giờ ngôi giáo hoàng bị nhục nhã bằng thời kỳ này. Các giáo hoàng là những nạn nhân của các gia đình quí tộc đầy tham vọng, đang tranh dành nhau tại Roma và ở đất quận công.
Dù sao cũng nên nhớ đến những mẩu chuyện thêm thắt không mấy tốt đẹp về ngôi giáo hoàng trong vòng hơn một thế kỷ, nhất là vào tiền bán thế kỷ X. Ðây là những chuyện đồn đại thiếu óc phê bình, đầy thiên kiến và ác ý hẹp hòi. Chẳng hạn những tác giả nghịch đạo như E. Gibbon, mà ngay cả mấy sử gia công giáo như Baronius và L. Duchesne cũng vội vã chấp nhận những chứng cớ thiếu nền tảng. Thật ra, vào cuối thế kỷ thứ IX, đất công tước Roma bị quấy nhiễu và bị người Sarrazins tàn phá một phần, và ở phía bắc thì bị các công tước Lombard đe dọa. Chính Thành quốc cũng bị các gia đình quí phái tương tàn và xâu xé. Dù vậy, nền hành chính của giáo hoàng không lúc nào thôi hoạt động, và các lễ nghi tôn giáo vẫn tiếp tục. Vinh quang của Roma đã đi vào quá khứ. Roma đã trở nên tiều tụy nếu đem so sánh với thời kỳ hoàng đế ngày trước, mà cả với Constantinople và Cordoue về tiền của, về dân sự, về đời sống thương mại, về trí thức và về văn minh xa hoa. Dù vậy Roma vẫn là duy nhất trong thế giới Kitô Tây phương. Giầu có về các nhà thờ và các thánh đường, về các nghi thức phụng vụ cổ truyền, vì có hai nền hành chính giáo hoàng và chính phủ và có nhiều truyền thống. Người dân Roma vẫn rất hãnh diện về Thành quốc của họ, và họ coi Roma như đứng đầu thế giới (caput mundi) vì những vinh dự thời quá khứ và vì có ngôi Giáo Hoàng. Là thày của hết mọi người và không phải tùng phục ai, Roma vẫn chiếu sáng nhờ máu của các thánh tử đạo và vẫn lôi kéo khách hành hương từ khắp nơi trong thế giới Kitô đổ về. Các tường thành và những công trường mênh mông của Roma là những công trình tuyệt tác. Trên hữu ngạn sông Tibre, gần đồi Vatican và Ðền Thánh Phêrô, có những bệnh viện và học viện của các dân tộc miền bắc âu, Saxons, Frisons, Francs và Lombards và những dinh thự của đại biểu các hoàng đế. Phía bắc thì có thôn xóm hiện nay vẫn gọi là Borgo. Dưới nữa sát bờ sông, có khu mới và đức Léon IV (847-855) đã xây tường thành chung quanh để khỏi bị người Sarrazins xâm phạm, hiện nay còn mang tên vị giáo hoàng này. Phía bên kia sông có những nhà thờ chen lẫn vào các dấu tích cũ và vườn nho. Chung quanh các đồi, từ dinh Quirinal đến núi Aventin còn san sát những đền thánh, những dòng tu và các cơ sở của công chức tòa Giáo Hoàng gần đền Latran. Trong tất cả các nhà thờ lớn có các thày dòng cử hành phụng vụ; giáo hoàng, các thày sáu và các giám mục trong Thành quốc dự những cuộc rước và các lễ làm tại các nhà thờ phân chặng. Còn nhiều nhà dòng nam hay dòng nữ ở chen giữa hay chung quanh các hồ tắm và các lâu đài cổ. Mặc dù nhiều giáo hoàng thời ấy không có đủ sáng kiến ngoại giao và không hết mình điều hành Giáo Hội, tòa Giáo Hoàng vẫn còn tồn tại với công hàm, với các luật gia giầu kiến thức cổ truyền. Các công chức tòa Giáo Hoàng, tuy đã một phần mất ý thức về trách nhiệm cá nhân hoặc là về các phạm vi khác, họ vẫn không quên rằng họ là những người tiêu biểu cho giáo lý và kỷ luật của toàn thể thế giới la-tinh.
Thời kỳ hỗn loạn thứ nhất đã chấm dứt lúc nghị viên Théophylacte lên cầm quyền. Ông là một người quí tộc đã được Serge III trao cho trách nhiệm tài chính và binh bị. Trong vòng năm mươi năm, ông và con cháu của ông đã thống trị Roma thực sự, mặc dù các giáo hoàng, như đức Gioan X, đôi khi đã đòi trả lại một ít quyền hành. Théophylacte đã chia sẻ quyền bính với vợ là Theodora có nhiều khả năng, với Marozia là con gái của ông. Chị này có lúc đã là nhân tình của Serge, rồi sau lần lượt kết hôn với Albéric hầu tước Spolète, với Guy người Toscane và sau cùng với Hugues người Provence tức là vua nước Ý (Regnum Italicum). Từ năm 928 trở đi, Marozia đã cầm quyền thực sự tại Roma trong ít năm. Nhờ vậy, bà đã có dịp chọn con bà đã có với Serge III lên làm giáo hoàng tên là Gioan XI. Quyền thống trị của bà chấm dứt lúc Albéric là người con khác của bà phản loạn, năm 932 đứng ra cầm quyền và bắt bà phải vào một nhà dòng. Thế là chấm dứt mấy năm mà các nhà sử học tân thời đã dựa theo Baronius mà gọi là ”nền hành chính khiêu dâm”. Danh từ này có phần quá đáng và đã dựa theo một loạt bài bình luận của Liutprand là người không đáng tin cậy hoàn toàn. Albéric trị vì tại Roma trong vòng 32 năm với tư cách là nghị sĩ và là hoàng tử người Roma, đứng đầu phái quí tộc binh bị. Trong thời kỳ ấy, giáo hoàng không có một quyền hành gì về dân sự. Chính nghị sĩ chỉ định và điều khiển các giáo hoàng. Dù vậy các giáo hoàng cũng là người có khả năng và tương xứng với địa vị. Dưới đời Albéric, tại Roma và trong đất công tước đã có nhiều cải cách trong giáo triều. Thoạt tiên, Albéric ủng hộ các dòng tu. Nhiều nhà dòng trong Thành quốc đã bị tục hóa và không còn giữ luật của thánh Benoit nữa. Năm 936 Albéric cho gọi Odon người Cluny sang Roma; vị bề trên tên tuổi này đã cải tổ lại nhiều nhà dòng và cho áp dụng luật dòng thực sự. Các cố gắng của ông và của Albéric cũng không làm cho nhà dòng Farfa chỗi dậy được. Nhiều nhà dòng nam và dòng nữ khác được thành lập tại Roma và trong những miền phụ cận. Nhà dòng cố cựu Subiaco đã lấy lại được vị trí như cũ.
Ðức Albéric qua đời năm 954. Con của ông là Octavien lên kế vị. Chàng thanh niên chưa đầy 18 tuổi được đặt lên chức giáo hoàng lấy tên là Gioan XII. Ðời giáo hoàng của ông cũng đánh dấu được một thời kỳ; nhưng điều đó không phải là nhờ tính nết hay là tài hoạt động của ông. Henri I (919-936) quận công miền Saxe và là vua nước Ðức đã củng cố lại được vương quốc và nhờ cố gắng riêng ông đã trở nên một hoàng tử hùng mạnh nhất Âu-châu. Con của ông là Otton le Grand là quốc vương đầu tiên đã cầm đầu thực sự trên khắp nước Ðức (triều đại của ông đã kéo dài từ năm 936 đến năm 973). Nhờ cuộc chiến thắng tại trận Lechfeld năm 955, ông đã dẹp tắt được tất cả các mối hăm dọa của người Hung Gia Lợi. Trước đấy, năm 952, ông đã sang qua bên kia dãy núi Alpes để thanh toán các vụ rắc rối tại Ý, và tuy ông có thỉnh cầu nhưng không nhận được triều thiên hoàng đế. Năm 960 Gioan XII một vị giáo hoàng trẻ tuổi có khả năng nhưng ăn chơi đĩ điếm đã cầu cứu với Otton như là vị bảo trợ, để xin ông cứu viện nước Giáo Hoàng. Biến cố này còn nhiều điều ẩn khuất không tìm ra manh mối. Hoàng đế tới Roma đầu năm 962 và ngày mồng 2 tháng Hai ông nhận được triều thiên là hoàng đế của các người Roma. Giáo hoàng tưởng như vậy là sẽ được độc lập tại chỗ và được hoàng đế xác nhận các quyền về sản nghiệp gia truyền và còn được nhiều đất đai vượt quá lời hứa hẹn năm 774. Các giáo hoàng và các lãnh chúa tại Roma đọc lời hứa trung thành. Otton giữ quyền tối thượng tại nước tòa thánh; hai vị đại diện của giáo hoàng và của hoàng đế đều ở tại Roma. Như vậy nhờ hoàn cảnh đưa đẩy, Otton đã lãnh vương miện theo kiểu Charlemagne mà ông muốn bắt chước. Nhưng biến cố này lại có một ý nghĩa khác. Lý do thứ nhất là Otton có thời danh đến đâu cũng không phải là Charlemagne, mặc dù nước Ðức là một khối vững chắc - điều mà đế quốc Carolingien không nắm được, - mặc dù cả một loạt vua chúa người Ðức đã lãnh nhận vương miện hoàng đế. Thứ đến là các quan điểm chính trị đã thay đổi. Charlemagne tự coi mình như Ðavít của Do Thái Kitô và giáo hoàng là như linh mục. Otton và các vị kế nghiệp ông thì lại lưu ý ngay đến việc quản trị trần thế trong vương quốc. Các giám mục là chư hầu của ông và tòa Giáo Hoàng thì là một thứ (Reichskirche), sáp nhập vào đế quốc. Sau cùng, đối với đế quốc của Charlemagne thì nước Ý là phần đất xa xăm và khá tự trị, trái lại đối với các vua người Ðức thì Ý, tuy hay chống đối, nhưng vẫn là thành phần của Vương quốc: Ý là trục chính trị tại Âu châu.
Sau khi nhận vương miện được mười tám tháng, hoàng đế trở sang Roma theo lời mời của những người đối thủ với giáo hoàng Gioan XII. Bị lên án về nhiều thứ tội công và tư, có khoản đích đáng, có khoản vu vơ, giáo hoàng không chịu ra tòa lĩnh án. Dầu vậy, ngài cũng bị truất phế. Hoàng đế đặt một công chức trong Bộ lên ngôi Giáo Hoàng lấy tên là Léon VIII. Ðây là một tiền lệ nguy hiểm không phù hợp với truyền thống và phản giáo luật, đụng chạm đến truyền thống Roma và ngôi giáo hoàng. Trong dịp này hoàng đế công bố một hiến chương, trong đó cómột điều khoản đòi giáo hoàng, sau khi được tuyển chọn, phải tuyên thệ tùng phục hoàng đế. Các lãnh chúa Roma cũng phải tuyên thệ như vậy và phải lĩnh ý kiến của hoàng đế mỗi khi bầu giáo hoàng. Cả hai loại tuyên thệ này là hoàn toàn mới lạ mà người ta đã tạo ra thành hiến chương. Năm 962, Otton công bố lời tuyên thệ trung thành mà dân Roma đã đọc năm 824, để lập ra các hồ sơ uyên nguyên về tiền lệ (6). Ðức Gioan XII trở về Roma tranh đấu nhưng không bao lâu, ngài qua đời. Người ta đã bầu Benoit V lên ngôi mà không hỏi ý kiến hoàng đế. Ngài lập tức trở lại bao vây Roma và đặt đức Léon VIII đang bị phát vãng, lên ngôi Giáo Hoàng lại. Nhưng rồi Otton lại đặt Gioan XIII, một người đáng kính, lên ngôi Giáo Hoàng. Nhưng khi vị hoàng đế tên tuổi này băng hà thì các giáo hoàng, do triều đình và do Roma đặt lên, tranh dành quyền nhau; đã có nhiều vụ ẩu đả dã man. Ðức Benoit VII (974-983), một trong những giáo hoàng khá hơn cả được hoàng đế đặt lên, cai trị thành phố rất cương nghị, và sau khi đã bàn tính với hoàng đế, ra một sắc lệnh cấm chỉ việc mua bán chức thánh. Ngài cũng bắt tay cải tổ dòng tu là việc đã bắt đầu từ trước; trong việc này ngài dùng cha Maieul, bề trên dòng Cluny và là người, hình như trước kia vào năm 974, đã từ chối không nhận chức giáo hoàng. Cha Maieul cải tổ nhà dòng thánh Phêrô ngoại thành. Giáo hoàng cũng lập dòng thánh Alexis trên đồi Aventin, là nhà dòng gồm có các thầy người Hy Lạp và người La Tinh sống theo hai luật của thánh Basile và thánh Benoit. Nhà dòng này đã đào tạo được những linh mục đạo đức và thông thái như thánh Bruno, người Querfurt và thánh Adalbert, tổng giám mục thành Prague. Ðã từ lâu Roma không còn tiêu biểu về tinh thần đạo đức nữa. Việc lập ra nhà dòng thánh Alexis là một bước đầu tiên trong việc cải tổ đại qui mô dòng tu tại miền Trung nước Ý. Nhưng ánh hừng đông vẫn chưa chiếu rọi từ phía tòa Giáo Hoàng. Mặc dù được đặt dưới quyền của các vua và các hoàng đế nước Ðức, tòa Giáo Hoàng trong một thế kỷ nữa vẫn bị hai dòng họ Crescent và Tusculum chi phối. Vào cuối thế kỷ, Gioan thuộc nhà Crescentius điều khiển Roma trong nhiều năm với tước vị lãnh chúa, trong khi ấy thì giáo hoàng Gioan XV chỉ lo riêng về giáo triều thôi. Trong phạm vi này ngài tỏ ra là người rất hoạt động; ngài đem các hồng y, các giám mục và các viện phụ là những vị không để lại quyền thừa tự, vào thay thế cho các công chức người đời có chức cha truyền con nối. Như vậy là giáo hoàng dần dần rút quyền của các giáo dân thuộc phái quí tộc Roma trong giáo triều để trao lại cho các giáo sĩ trực thuộc quyền Tòa Thánh; đây là điều kiện bất khả kháng (sine qua non) để cải tổ lại tòa Giáo Hoàng và có những nhân viên tận tụy phục vụ. Vào cuối thế kỷ, tòa Giáo Hoàng may mắn thoát ra khỏi nạn bè phái, trước tiên là nhờ thời kỳ Roma được cai trị một cách sáng suốt dưới quyền nhiếp chính của hoàng thái hậu Théophano (989-991) và thứ đến là nhờ các năm phục hưng dưới quyền của vị giáo hoàng thông thái và sáng suốt Sylvestre II (999-1003). Giáo hoàng này đã được Otton III là học trò cũ chọn lên. Trong khi ngài làm giáo hoàng thì các tập tục cũ và những đường hướng mới trà trộn với nhau, chứng tỏ hừng đông phục hưng vẫn chưa ló diện. Vì thế, ngay khi giáo hoàng và vị bào trợ, quá vãng, họ Crescent lại lấn át quyền giáo hoàng, cho đến lúc nhà Tusculum lên cầm quyền và tuyển chọn đức Benoit VIII lên ngôi Giáo Hoàng. Vị giáo hoàng này xử sự như một vị nam tước hiếu chiến và đã thành công. Ngài ngăn chặn được người Sarrazins đang tiến vào từ phía bắc; ngài đã phong vương cho Henri II và cùng với hoàng đế tổ chức công đồng tại Pavie năm 1022. Vị giáo hoàng sau cùng và cũng là giáo hoàng tệ nhất của nhà Tusculum là Benoit IX (1032-1044); ông là một thanh niên vô luân lý và độc ác, đã dùng lối mại thánh để lên chức giáo hoàng, rồi lại đòi một hưu bổng kếch xù mới chịu từ chức, để đức Gratien người đạo đức lên ngôi, lấy tên là Grégoire VI. Người ta đệ trình công việc này lên hoàng đế Henri III, lập tức ông đặt giám mục thành Bamberg làm giáo hoàng lấy tên là Clément II. Cả giáo hoàng và hoàng đế cùng nhau công bố sắc lệnh cấm chỉ việc buôn bán chức thánh, nhưng chưa đầy một năm, Clément qua đời. Ðức Poppon, giám mục Brixen lên thế vị tên là Damase II, nhưng chỉ cầm quyền không đầy một tháng. Henri buộc lòng phải chỉ định giáo hoàng đến lần thứ ba, và đã chọn cha Bruno người Toul lên chức lấy tên là Léon IX (1048): đây là lần thứ nhất sau hai thế kỷ, tòa Giáo Hoàng được một vị cầm đầu có khả năng, cương nghị và đạo đức.