CHƯƠNG IV
CÁC GIÁO HỘI MIỀN TÂY ÂU
CHƯƠNG IV
CÁC GIÁO HỘI MIỀN TÂY ÂU
1. GIÁO HỘI MÉROVINGIENNE
VÀ GIÁO HỘI FRANQUE (604-888).
Lịch sử của Giáo Hội Franque từ năm 600 đến lúc Pépin băng hà (768) được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trong khi các vua Mérovingiens lần lượt bị mất quyền chức, thì lối sống cũ của các giáo sĩ cũng lu mờ dần; nhưng đó đây còn thấy mấy trung tâm tôn giáo, chẳng hạn như nhà dòng thánh Denis gần Paris. Giai đoạn thứ hai là thời kỳ các ông thị trưởng xử dụng quyền bính; trong giai đoạn này, đời sống của các giáo sĩ bị lấn át hoàn toàn: các tòa giám mục và các tu viện bị phân tán; không còn nghe nói đến các cuộc họp tôn giáo hay cộng đồng nữa. Ðiển hình là ông thị trưởng Charles Martel: một trong nhiều thị trưởng được tiếng là người đã giải phóng Giáo Hội Tây phương, nhưng mặt khác, ông khét tiếng là người chiếm đoạt các nhà dòng và các tòa giám mục. Vào giai đoạn thứ ba, dưới triều đại Carloman và Pépin, đã có một phong trào chấn hưng trung thực về kỷ luật, và một ý chí muốn khôi phục thực sự. Pépin là vị sáng lập ra nước Franc. Ông là người đầu tiên đề nghị ra các mục tiêu, các chí hướng và các phương thức mà con ông là Charles có bổn phận phải hoàn tất.
Như vậy, vào thời kỳ chuyển tiếp giữa thế giới Roma và nền quân chủ Franc, Giáo Hội nước Gaule thay đổi qui chế dần dần: trước đó, Giáo Hội vẫn tiếp tục nền Kitô Roma dọc theo các đại lộ và các sông tại miền Gaule phía nam. Giáo Hội này đã trở thành Giáo Hội miền và Giáo Hội theo lãnh thổ, trực thuộc quyền cai trị của nhà vua. Trong các thế kỷ trước, việc tổ chức và cai trị trong Giáo Hội Tây phương đã được qui định bởi các giám mục sống tại những ”thành quốc” hay các đô thị. Các giám mục ấy mặc sức thu thuế và điều khiển hàng giáo sĩ trong địa phận, và xử dụng các tài sản của nhà thờ. Chính phủ trung ương càng yếu nhược thì các giám mục càng tập trung thêm được quyền bính. Các ngài có nhiều tài sản và có địa vị vững chắc. Ðương nhiên các ngài thay thế cho nền dân quyền không có chủ và đã thành những người cầm quyền xứ sở. Các ngài vẫn tiếp tục giữ vai trò này dưới thời các vua Mérovingiens, lúc đầu là những vị không có tài sản và thiếu tổ chức hành chính cần thiết cho một xã hội tân tiến. Trong vòng gần một thế kỷ, đã thành hình một mẫu giám mục nhất định, xuất thân từ các gia đình giầu sang và văn hóa của thời kỳ cuối Ðế quốc; họ đã chu toàn cả hai phương diện đời đạo một cách thỏa đáng. Họ cai quản các ”thành quốc” bảo vệ pháp luật và lo lắng cho dân chúng khi gặp tai ương như lụt lội, hạn hán, dịch tễ... Khoảng năm 700, Giáo Hội đã chiếm cứ được tới một phần tư đất ruộng canh tác. Là những người có khả năng và được coi như có linh ứng, các giám mục đáng được nhà vua tín nhiệm, và đương nhiên, các ngài có nhiều giao hảo với các quan chức cao cấp của triều đình. Về phương diện chính trị và xã hội, không có gì phân cách giữa các giám mục Roma và các giám mục Franc. Vào thời kỳ trước đã có những liên lạc chặt chẽ giữa Giáo Hội Roma và các Giáo Hội miền nam nước Gaule. Arles là cơ sở của vị Ðại Diện Tông Tòa. Ðôi khi ngài được bổ đi làm đặc sứ, và kể từ đó công đồng miền họp dưới quyền một vị tổng giám mục không có hiệu lực nữa. Nhờ vậy, Roma luôn có thêm uy thế, nghĩa là quyền tối thượng về tín lý và về luân lý. Tại địa phương, dần dần nhiều nhà thờ được xây cất, dọc theo đại lộ và sông ngòi, rồi đi sâu vào miền thôn quê. Trong các ”thành quốc” cũ lúc đầu có một trung tâm tôn giáo, đó là nhà nguyện giám mục nằm sát tòa của ngài. Vì thế, trong nhiều thổ ngữ Roma hay Germanique, người ta gọi nhà nguyện đó là Dom, Duomo. Các nơi tụ họp tôn giáo khác, như đền thành xây cất bên cạnh mộ các thánh hay nhà nguyện của nghĩa địa đều trực thuộc quyền giám mục. Các ngài cũng trực tiếp kiểm soát các linh mục phụ trách những nhà thờ do tòa giám mục xây cất. Dần dần về sau hệ thống giáo xứ mới được hình thành, tuy nhiên tại nhiều cương thổ và nhiều làng vẫn còn nhà thờ tư nhân. Ðể nuôi linh mục và để chu cấp cho việc phụng tự, người ta đem bánh rượu đến dâng cúng, nhất là vào dịp lễ Phục Sinh và các lễ trọng. Cho tới cuối thế kỷ VIII mới có thuế thập phân hoa lợi. Nhưng đến khi các ông chủ nhà thờ tư lạm dụng, giữ lại hết cho mình các bổng lộc nói trên, thì các Công Ðồng truyền buộc phải cung cấp cho linh mục một căn nhà và một phần đất. Tại các miền thôn quê, linh mục thường là một người nhu mì và là con thứ dân, được chủ miền chỉ định. Vào cuối thế kỷ VII, phần lớn nước Gaule đã theo đạo Kitô, nhưng không phải đâu đâu cũng đã có đạo, nhất là tại các miền đồng quê hẻo lánh, sình lầy hay rừng rú. Các người Celtes đến chiếm cứ miền Bretagne chưa có ai ở. Bên ngoài các ”thành quốc” lớn và các tu viện, đời sống tôn giáo rất đơn giản. Linh mục phụ trách suốt đời một nhà thờ riêng; ông chỉ cần có một số kiến thúc nông cạn, có khi chỉ biết đến kinh Tin Kính các Tông đồ và kinh Tin Kính công đồng Nicée, mấy kinh đọc thông thường, luật lệ về hôn nhân và luật lệ về loạn luân. Công việc của linh mục là dâng lễ ngày chủ nhật, các lễ trọng và ban phép Rửa Tội. Vào thời kỳ ấy chưa có lệ bó buộc các đôi tân hôn đến xin linh mục làm phép hôn phối, nhưng nhiều đôi đã đến xin nghi thức này. Hình như linh mục chỉ liên lạc với bề trên của mình mỗi năm một lần vào dịp hội Tuần Thánh, tại nhà thờ chính tòa; dịp ấy ngài lĩnh dầu thánh để về làm các phép bí tích cho cả năm. Việc giám mục đi kinh lược là việc họa hiếm, chưa thành thông lệ. Chắc chắn là các tập tục ngoại đạo còn tồn tại đó đây một thời gian khá lâu, nhất là những hình thức dị đoan và các phép phù thủy thừa hưởng được của người Celtes và người Roma. Trong thời kỳ ấy giám mục nào ý thức về nhiệm vụ của mình, thì các ngài dành một phần thời giờ vào việc rao giảng và làm tông đồ. Theo tục lệ và giáo luật, chỉ có một mình giám mục mới có quyền và có bổn phận công bố các khoản đức tin; nhưng các bề trên dòng và các linh mục có tinh thần tông đồ cũng đi giảng cho các dân ở miền xa xôi chưa được ánh sáng văn minh chiếu dọi.
Trình độ văn minh giảm sút dần. Công việc kiểm soát mà Roma đã quen làm từ trước trở thành thưa thớt. Mức sống xã hội càng ngày càng thêm chênh lệch. Một phái quí tộc gồm những người hiếu chiến và những đại điền chủ xuất hiện. Trong khi đó, các dòng tu sa sút và đi vào thân phận nông nô. Tiếp theo bầu không khí yên hàn của Ðế quốc vào thời kỳ chót và việc định cư tiệm tiến của những người đi chiếm đất đai, là các mối tranh chấp để dành dật uy thế giữa những người này. Trong đó có nhiều giám mục thuộc thành phần thế lực và mang tinh thần phiến loạn. Nhiều khi họ dùng lối mua chuộc để được thăng chức, chiếm cứ các tu viện và củng cố địa vị. Tinh thần kỷ luật giảm sút thê thảm. Nhiều vị giám mục đã trở thành lãnh chúa của trần thế, chiếm đoạt các tài sản của Giáo Hội. Chính họ hăng say chống đối người Sarrazins và giao tranh với Charles Martel. Thời kỳ Martel cai trị (719-741) có nhiều nét đặc trưng của chế độ phong kiến bắt đầu xuất hiện. Ðể trang bị cho một số lãnh chúa và các kỵ binh, người ta đã phân phát cho họ một lúc vừa vũ khí và đất đai. Khi nhận hai “quà tặng” này, các lãnh chúa và kỵ binh phải tuyên thệ trung thành. Ðàng khác để có phương tiện thưởng công và bồi đắp cho các chư hầu, người ta phải nhường đất đai của Giáo Hội và các tu viện cho giáo dân chuyên chế. Các ông này thu hoạch lợi tức và khi phải cấp dưỡng các thày dòng thì họ làm như bố thí để các ngài khỏi chết đói. Trong vòng mấy chục năm giữa thế kỷ VIII, các giám mục nước Gaule thường tìm cách kiêm nhiệm nhiều nguồn lợi và chiếm đoạt các nhà dòng. Năm 742, thánh Boniface đã gửi thư cho giáo hoàng báo cáo là không còn thấy các tổng giám mục và người ta cũng không biết công đồng là gì. Các nhà thờ thì trở thành tư sản của một số giáo dân.
Các con của Charles Martel đã cứu vãn một phần đất Giáo Hội do Boniface quản lý. Dưới quyền bảo trợ của Carloman, Boniface nhóm họp một loạt công đồng quốc gia tại miền bắc nước Gaule và miền Rhénanie (722, 744, 745 và 747). Qui chế tổng giám mục (tước hiệu mà Boniface đã du nhập từ nước Anh để thay thế chức giám mục tổng quản) được đặt ra, và bó buộc mỗi năm phải có công nghị giáo phận. Chính Boniface là người, như trên kia đã nói, chủ trương nồng nhiệt quyền tối thượng của giáo hoàng. Lập trường này không làm thương tổn quyền bính nhà vua, nhưng ảnh hưởng nhiều tới hàng giáo sĩ. Pépin người được các nhà chép sử hiện đại coi như đã có sáng kiến khôi phục nhà Carolingien, không có khôn khéo và chính trị như con trưởng của ông. Quả thật, ông đã tỏ ra rất cương nghị và nhìn xa thấy rộng trong việc điều khiển giáo hội; ông là bạn của giáo hoàng mà không phải phục tùng ngài trong mọi sự. Ông đã nhóm họp nhiều công đồng quan trọng để canh tân như công đồng Verneuil và Compiègne (755-757). Các công đồng này thực ra có tính cách của một vương quốc hơn là của một liên tỉnh. Pépin thu bớt quyền sở hữu chủ của giáo dân lại và cho các nhà thờ thuê đất ruộng. Ông thiết lập quyền tuyệt đỉnh của các giám mục trong địa phận và thiết lập các tòa tổng giám mục.
Nhưng đó mới chỉ là cải tổ từng phạm vi và ở ít nhiều nơi, nếu đem so sánh với việc cải tổ có tính cách toàn diện của Charlemagne. Từ năm 768 đến năm 814, ông vua tên tuổi này đã hết sức cố gắng thiết lập và quản trị một cộng đồng Kitô lớn lao. Dưới đây (1) chúng ta sẽ phân tách các nguyên tắc và những chủ trương của ông trong việc canh tân rộng lớn này. Charlemagne luôn luôn xừ sự như một vị lãnh đạo tối cao của Ðế quốc Kitô, hay đúng hơn, của Giáo Hội, với nguyên tắc pháp lý ông nêu ra, bất chấp về lịch sử và địa lý. Trong chương trình này, ông kêu gọi các giáo sĩ đến làm cố vấn và làm cộng tác viên. Người ta có lý khi coi giáo sĩ như những bộ trưởng đảm trách các lãnh vực cải tổ. Mỗi khi tình thế đòi hỏi, ông dựa vào bộ Giáo luật của ”Denys người bé nhỏ” (Dionysius Exiguus) đã được Adrien I tu chính và bởi đó, người ta gọi là luật dionysio-hadriana. Ông đã nhận được bộ Luật này từ tay giáo hoàng năm 774. Sau khi đã bàn hỏi với nhiều nhân vật, với hội đồng tôn giáo và với các công nghị, ông đưa ra những quyết định liên hệ đến các học thuyết hay các vấn đề thực tế cần sửa đổi. Ông hành động như một người có quyền đương nhiên. Ông không phân biệt vấn đề dân sự và vấn đề tôn giáo, cũng không để ý đến điều đó trong khi chọn lựa nhân viên, hoặc trong việc ấn định các phương thức và chương trình hoạt động. Trong khi dùng các biện pháp cũng như trong những lời tuyên bố, ông lấy quyết định theo tư cách cá nhân và tự coi mình như một kitô hữu đem hết thiện chí thực hiện những gì ông cho là luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên ông luôn coi giáo hoàng như điểm tựa tối thượng về tín lý, và về luân lý. Trong nhiều vấn đề, ông coi giáo hoàng là vì trọng tài về luật pháp. Như vậy, vào khoảng năm 800, Charlemagne điều khiển thường xuyên và trọn vẹn các vấn đề trong Giáo Hội, trên toàn lãnh thổ thế giới Kitô Tây phương, ngoại trừ các quần đảo Anh. Trước hoặc sau ông, không có nhân vật nào đã điều khiển thường xuyên, tích cực và tại nhiều nơi, như Charlemagne đã điều khiển Giáo Hội trong lãnh thổ Franc và Germanie, điều khiển trên lý thuyết và trong thực hành, tức là ấn định các đối tượng với quyền bính thực sự. Không nên quên rằng với giới hạn của con người, ông và các người cộng tác chỉ hành động tới một mức độ nào đó thôi. Còn nhiều vấn đề, nhiều lãnh vực họ chưa hoàn thành được, vì thiếu tổ chức, vì địa lý xa xôi, vì phương tiện văn phòng và hành chánh quá đơn sơ, thấp kém. Còn nhiều vấn đề Charlemagne không am tường và nắm vững đủ để có thể dự tính đúng. Ông chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ những điều ông nghĩ ra và muốn áp dụng. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, trong nửa thế kỷ hoạt động liên tục, ông đã cải tổ và hướng dẫn nền luân lý kitô theo như ông đã nhận định và xác tín. Người ta có thể đánh giá mức độ thành công của ông, hay ít ra theo những nhận xét của các thần dân ông, như sau: trong vòng nửa thế kỷ, không còn ai ta thán về các thảm họa và những trụy lạc trong Giáo Hội, không còn thấy những thói xấu và gương mù như trước nữa.
Trừ những trường hợp đặc biệt, Charlemagne thường chỉ định các giám mục. Nhưng ông để các ngài hoàn toàn tự do trong địa phận về mọi phạm vi. Lúc đó chưa có hệ thống rõ ràng về các giáo tỉnh, và hoàng đế cũng không nghĩ đến việc thiết lập hệ thống ấy. Tại nhiều nơi có tổng giám mục do giáo hoàng bổ nhiệm nhưng cũng có một vị ”giám quản ngôi tòa” (ex officio) như ở Reims, Bourges và Mayence. Charlemagne không kêu cầu đến hai quyền bính ấy khi ông muốn khiếu nại điều gì, vì làm như vậy là đề cao quyền lợi của họ: ông chỉ muốn dùng họ như những vị cộng tác để bắt các giám mục vào khuôn khổ. Tin tưởng vào các vị ấy, ông dùng họ như các cố vấn và phát ngôn viên của ông mỗi khi phải tranh luận về luật lệ cho giáo sĩ trong các đại họa hay các công đồng, có giáo dân tham dự hay không. Luật lệ này gọi là chỉ dụ hay chiếu chỉ liên quan đến tất cả các khía cạnh trong cộng đồng Kitô: luân lý, kỷ luật, phụng vụ, kinh tế và giáo huấn. Các văn kiện trên đã được những người thời ấy thu thập và lưu trữ. Thật ra các luật lệ ấy chỉ được áp dụng cách hời hợt và tùy từng giai đoạn. Nhưng vẫn là có luật lệ. Trong vòng hai thế kỷ sau tại Tây phương, các luật lệ ấy đã được coi như khuôn vàng thước ngọc trong mọi cố gắng cải cách. Việc thi hành các luật lệ ấy và những thể chế phát sinh ra đã tạo ảnh hưởng trong suốt thời kỳ Trung cổ và còn cho mãi đến thời kỳ tân tiến.
Charlemagne đã dùng quyền để xử dụng các tài sản của Giáo Hội. Một đàng ông bó buộc phải đóng góp thập phân thuế hoa lợi để nuôi giáo sĩ, một đàng ông tuyên bố ”ông có quyền tuyệt đối trên tài sản của Giáo Hội”. Ông dùng quyền ấy để chia đất đai thành từng khoảng, và như vậy ông đã làm phát triển hệ thống phong kiến. Dưới triều đại của ông, Giáo Hội đã trở nên rất giầu có, ở Pháp còn hơn bên Ðức nữa. Trong các địa chủ giầu có hơn cả, phải kể đến các tu viện Francs, mặc dù chính hoàng đế không dụng tâm xây dựng các trung tâm tôn giáo.
Charlemagne không chỉ bận tâm về việc cai trị và về hành chính trong Giáo Hội, ông còn tự coi mình có sứ mệnh duy trì tín lý và biện hộ Ðức Tin để dân chúng khỏi lầm lạc. Trong ba cuộc tranh luận thần học lớn, tức là tranh luận về việc tôn sùng ảnh thánh, về thuyết dưỡng tử (Adoptianisme) và về giáo thuyết Thánh Thần nhiệm xuất, ông đã xử sự như một vị bênh đỡ Ðức Tin. Ðược các giám mục và các cố vấn nâng đỡ, ông tuyên xưng đức tin theo như ông nhận định. Quả thật trong ba vụ tranh chấp, Charlemagne và các chuyên viên của ông đã tỏ ra không hiểu rõ tình thế và không am tường thần học, nên cuối cùng chính giáo hoàng phải lấy quyết định. Sự kiện này không làm cho ta quên rằng: theo các văn kiện ông soạn thảo và theo những quyết định của các công đồng ông triệu tập, thì hoàng đế đã xử sự như một vị thẩm phán đương nhiên, có bổn phận bảo vệ Ðức Tin truyền thống. Dù sao chăng nữa, Roma vẫn giữ được tính cách độc lập và Charlemagne không hề ra mặt chống đối tòa giáo hoàng hay tìm cách lấn át. Bởi vậy, về phương diện chính trị, các sử gia không thể gán cho Charlemagne nhãn hiệu ”cesaro-papisme” (vừa là hoàng đế vừa là giáo hoàng), cũng không thể sánh ông với các lãnh tụ độc tài của các thời đại khác. Muốn đặt nhãn hiệu và muốn so sánh, tiên vàn phải am hiểu vấn đề, phải biết phác họa lại các sự kiện và các quan niệm trong thời kỳ ấy. Cho dù gán ghép cho ông nhãn hiệu nào, người ta phải nhìn nhận đường lối kiểm soát Giáo Hội của Charlemagne đã trở nên một tiền lệ và khuôn mẫu cho cả thời Trung cổ. Thật ra, trong nhiều trường hợp, đường lối ấy chỉ lặp lại những tập tục đã có trước. Nhưng con người và thiên tài của Charlemagne, ranh giới mênh mông của Ðế quốc, nhân đức và mức thành công tương đối trong công việc, tất cả những điều ấy đã làm cho triều đại của ông được vẻ vang tột bậc. Trong thời ấy, chẳng những Giáo Hội miền đã biến thành Giáo Hội hoàng triều, chẳng những Charlemagne là một danh nhân cai quản giáo hội Tây phương, mà chính ông còn trở nên một nhân vật thần thoại, một huyền thuyết gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử các nước Tây Âu.
Một vị hoàng đế lỗi lạc như vậy không dễ có người kế vị đủ tài năng tiếp tục công trình của ông. Giả sử một ông hoàng nào có thể sánh vai với Charlemagne về thông minh và chí khí, thì ông hoàng ấy cũng khó tiếp tục duy trì một guồng máy khổng lồ đã rạn nứt do hoàng đế kiến tạo nên. Các cơ cấu hành chánh và cai trị của các xã hội văn minh thường biến mất bởi những cuộc cách mạng và bởi các chế độ độc tài. Louis le Pieux thiếu cả tư cách lẫn tài ba. Từ đó đế quốc Carolingien bắt đầu rạn nứt. Thế nhưng vị nối ngôi Charlemagne đã qui hướng các sở thích và các khả năng vào sinh hoạt tôn giáo và vào đời sống tu viện. Trong những phạm vi khác, Louis le Pieux lại có lối đạo đức điên khùng và tự hủy. Năm 822 ông đã bị hàng giáo sĩ khiển trách và bắt phải đền tội công khai vì đã hành hung đứa cháu nổi loạn tên là Bernard (điều mà ông rất ít có). Một nhóm giám mục đã được huấn luyện trong các công đồng của Charlemagne đứng ra chỉ huy mọi vấn đề trong Giáo Hội. Chính họ và các người kế vị họ đã cai trị Giáo Hội Franc trong vòng năm mươi năm. Ðối với các vị tiền nhiệm của họ trong vòng năm mươi năm về trước và những vị kế tiếp sau, họ là những người có học thức, đã được Alcuin và các đồng nghiệp của ông huấn luyện. Trong các giám mục ấy người ta cũng gặp thấy những nhà biện luận nổi tiếng như Hincmar, những người chuyên viết các Giáo lệnh giả và các Chiếu chỉ giả về tôn giáo.
Các biến cố chính trị xảy đến sau khi Louis le Pieux đền tội đã làm cho các sử gia quên lãng sinh hoạt trí thức của các giám mục thời ấy; họ cũng không lưu ý đến những vấn đề các ngài đã diễn đạt mà ta phải công nhận là dài dòng, không làm hài lòng những người ưa thích các văn kiện thần học thông thái sẽ có sau này. Thế nhưng hoạt động trí thức của các giám mục cũng rất đáng kể: Nó chứng tỏ sắc thái kỹ thuật tuyệt hảo nổi bật trong các trường do Alcuin thiết lập; nó phi bác các lối phán quyết dễ dãi của những ai cho rằng tư tưởng xây dựng đã khuất dạng từ thời Boèce đến đời Bérenger. Trong giới trí thức bấy giờ, có lẽ nổi nhất là ông Jean Scot Erigène, gốc Ái Nhĩ Lan, có tầm hiểu biết sâu rộng; ông thông thạo tiếng hy-lạp, uyên thâm tư tưởng tân-Platon và hội đồng bác học hy-lạp, nhất là có tài biện chứng xuất sắc. Uy tín của Tây phương càng rõ rệt hơn nữa nhờ có những nhà biện luận sáng giá trong hai vụ tranh chấp thần học lớn thời ấy: hai ông Paschase Radbert và Raban Maur trong vụ tranh luận về sự hiện diện của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, các ông Jean Scot, Hincmar, Florus de Lyon trong vụ tranh luận về ơn sủng và về tiền định mà Gottschalk, một linh mục dòng, đã khởi xướng (2). Phải nói thật, trong những vụ tranh luận này không thiếu những tư tưởng lạc đạo. Hơn thế những vấn đề tranh luận dần dần bị lơ là, vì cả hai bên đều thiếu kỹ thuật phân tách thần học và khả năng định nghĩa rõ ràng những vấn đề bàn cãi. Dầu sao, hai vụ tranh luận ấy rất quan trọng và là điểm báo trước các sự việc khác. Thoạt tiên, điều này ít người nghĩ đến, là các người có văn hóa Carolingien đã đọc tác phẩm của các giáo phụ la-tinh và nhận định ra đâu là điểm cốt yếu. Hơn thế nữa, các vấn đề họ nêu ra về phép Thánh Thể và về ơn thánh cũng là những vấn đề sau này được bàn cãi nhiều và gây ra nhiều lúng túng, nhiều tư tưởng bất đồng. Cách chung, người ta có thể chia các nhà tranh luận thành hai loại: những người theo chân thánh Augustin cho đến cùng và những người nhận ra các khó khăn và rẽ lối tìm giải pháp khác. Từ đó xuất hiện hai luồng tư tưởng tồn tại suốt bốn trăm năm, rồi trong bốn thế kỷ tiếp theo, vẫn còn ảnh hưởng trong các trường phái và các tu viện tại Pháp và Hòa Lan, được mệnh danh là thời kỳ ”Sùng kính tân thời” (Devotio moderna).
Vào thời kỳ từ hiệp định Verdun (843) đến khi Charles le Gros qua đời (888), giữa bầu không khí sôi nổi về thần học, về giáo triều và về chính trị, nhân vật sáng giá nhất, được nhắc đi nhắc lại, là giám mục Hincmar người thành Reims. Có lẽ ông là giám mục Tây phương nổi tiếng hơn cả trong các thế kỷ phân cách các người Tây Ban Nha trứ danh thế kỷ VII và các người Ðức của Ðế quốc Otton. Xuất thân từ một gia đình thế giá và được huấn luyện tại tu viện thánh Denis, ông đã chịu chức linh mục và làm cố vấn cho Charles le Chauve. Nhờ đặc ân của vua, ông được đặt làm tổng giám mục địa phận Reims lúc 40 tuổi. Là nhà thần học sâu sắc và nhà giáo luật thông thạo, ông đã trải qua bốn mươi năm đời giám mục với biết bao chuyện rắc rối tiếp nối nhau; ông luôn phải đối đầu với các giáo hoàng, với vua chúa, với các nhà thần học và với các giám mục khác. Vừa lên cầm đầu địa phận, ông đã gặp chuyện khó rồi: Số là Ebbon người tiền nhiệm của ông bị nhà vua và giáo hoàng ra lệnh truất phế, cứ tìm cách đòi lại quyền và có lúc ra như thành công. Trong thời kỳ tại chức ông được một nhóm linh mục (gọi là linh mục của Ebbon) ủng hộ mà Hincmar đã tuyên bố các linh mục ấy chịu chức bất thành. Hincmar làm chủ được tình thế vì ông có nhân cách và óc thông minh. Suốt cả đời ông phải chiến đấu để tranh thủ cho quyền tổng giám mục. Không ngờ một ngày nào đó ông phải đương đầu với các giám mục thuộc hạt, họ kháng cự muốn khiếu nại sang Roma, với những giáo hoàng trực tiếp quan tâm về giáo lý. Hincmar viết rất nhiều nhưng lộn xộn. Qua các khái luận ông viết về vụ tranh chấp trong vấn đề tiền định và về các cuộc tranh chấp khác gửi sang Roma, người ta nhận thấy ông có khả năng thực sự, có phán đoán ngay thẳng, có suy tư, có tinh thần mềm dẻo, có tài ngoại giao và chính trị. Nhưng đồng thời lại có nét tự cao tự đại. Nhược điểm này đã làm cho ông gặp những khó khăn liên tiếp và có vẻ khôi hài. Theo ý chúng tôi, sau khi dẹp xong vụ các linh mục Ebbon như một cơn hôn mê, ông không tài nào tránh va chạm với người cháu mang tên như ông đã được ông đặt làm giám mục dưới quyền ông tại Laon. Ngài Bossuet thế kỷ IX này có nhiều chỗ vụng về và hay kiếm chuyện, nhưng ông đã biết đưa vụ tranh chấp tầm thường lên một độ cao hơn và có một ý nghĩa. Giữa các người đương thời, ông là một nhân vật tên tuổi nhất sau Nicolas I. Dù đã già ông vẫn là người biết tùy cơ ứng biến cho đến lúc chết. Ông qua đời trong khi chạy trốn các người Scandinaves tấn công và đe dọa phá nhà thờ chính tòa, một tuần sau khi giáo hoàng Gioan VIII bị ám sát tàn nhẫn, và chỉ mấy năm trước khi Charles le Gros con thăng hà (888). Năm 888 là niên đại chấm rứt Ðế quốc của Charlemagne.
Thế kỷ kế tiếp, sau khi quyền hoàng đế bị sụp đổ tại Francie, là một thời kỳ đày thảm họa về mọi mặt trong lịch sử Âu-châu đời Trung cổ. Quyền hành bị phân tán vào tay các công tước, các triều đình và các giám mục. Tại các tu viện, những giáo dân chúa trùm lên thay thế các viện phụ đã có từ trước. Bởi vậy, tài sản của Giáo Hội bị phá tán hay bị chiếm đoạt. Các giáo dân viện phụ đã chiếm đoạt phần đất đai dành để cấp dưỡng các thầy dòng. Hơn thế, người Vikings lại đến tàn phá mấy miền phì nhiêu hơn cả, phá phách nhiều nhà dòng, khiến các thầy phải đi đày ải hoặc phải chết. Bởi đấy nhiều người tưởng chế độ dòng tu sẽ bị tiêu diệt hẳn, và không còn kỷ luật tôn giáo nào nữa. Sở dĩ nền văn minh Tây phương cổ truyền đã được cứu vãn tại Pháp là vì người ta có tinh thần mềm dẻo và tài thích ứng đặc biệt. Người Vikings bị xua đuổi, hay ít là bị quây khu tại miền Normandie và mấy nơi khác. Cũng như người Danois tại Anh quốc, người Normands hung dữ đã được bầu khí tôn giáo và chính trị của quê hương mới thấm nhập rất mau lẹ.
2. GIÁO HỘI ANGLO-SAXON TỪ NĂM 663 ÐếN NĂM 1066.
Trên đây chúng ta đã nói qua đến việc Phúc Âm hóa miền Grande-Bretagne, tức là nước Anh bây giờ. Biến cố chủ chốt trong việc truyền giáo này là công đồng Whitby năm 663 để duy trì cả hai truyền thống Roma và Celte. Một khi nguyên tắc đã được chấp nhận thì chỉ việc đem ra thi hành và áp dụng khắp nơi. Ðây là công trình của Théodore de Tarse và Benoit Biscop. Hai ông này bắt tay vào việc sau công đồng Whitby mấy năm.
Năm 669 tổng giám mục thành Cantorbéry sang Roma để chịu tấn phong sau khi được tuyển chọn. Ông qua đời tại đó. Theo tục lệ giáo triều thì giáo hoàng có quyền đặt người thế vị. Vitalien chọn Adrien một cha dòng Châu Phi uyên bác đang làm bề trên một nhà dòng miền Naple. Adrien ngần ngại và đề nghị bầu Théodore, một cha dòng Hy Lạp thông thái quê ở Cilicie đang sống tại Roma; có lẽ ông đến đấy là để trốn tránh người Hồi giáo mới đến xâm chiếm xứ sở ông. Théodore lại muốn đưa Adrien đi theo mình. Giáo hoàng ưng thuận. Như vậy một người thuộc văn hóa hy lạp và là nhà thần học, 65 tuổi, được phái đi để tổ chức một Giáo Hội gồm nhiều thành phần chưa hề quen biết và tạp nham, và nhiều nơi còn ở tình trạng truyền giáo. Quyết định của Roma thật sáng suốt và táo bạo. Sau một thời gian thí nghiệm, người ta đã thấy những thành quả vượt mức dự tính. Vị giám mục già ngoại quốc đã mang lại cho Giáo Hội Anh một bộ mặt riêng và vãn hồi được trật tự. Ngài gây được ảnh hưởng lớn nhờ việc lập những trung tâm dạy học và nghiên cứu, đem lại nhiều hiệu quả tốt làm cho thế hệ sau được hưởng một thời đại hoàng kim.
Théodore lại có cơ may thứ hai, là đem theo Benoit Biscop khi tới nước Anh. Ông này là người Northumbrie, đã sáng lập một nhà dòng ở Wearmouth (quận Durham) và đã từng sống tại nhiều nhà thờ và nhiều tu viện ngoại quốc trước khi đi hành hương đến Roma. Chính lúc Adrien định phái Théodore đi Cantorbéry thì Biscop đang ở Roma; người ta đề nghị ông đi làm thông ngôn cho vị tổng giám mục. Théodore chu toàn sứ mệnh truyền giáo rất nhanh chóng tại Anh. Ngài phân chia ranh giới và lập các địa phận, triệu tập các công đồng để ấn định giáo lý và kỷ luật, phân xử các vụ tranh chấp giữa các phe đảng và giữa các cá nhân. Trong những cộng tác viên có những tâm hồn cao thượng và thánh thiện phi thường, như Cuthbert, một độc ẩn sĩ Ecosse quê tại Farne Island, rất nổi tiếng về khổ hạnh và thành công trong khoa rao giảng; Ông được đặt làm giám mục Lindisfarne và sau đó đã trở nên vị bổn mạng miền Northumbrie. Giám mục Wilfrid người Ripon, một vị truyền giáo nồng nhiệt, khó tính, lợi khẩu qua đời với tước hiệu giám mục thực hiệu York, là tòa giám mục trống ngôi từ đời Mellitus. Ceadda một người Celte đã lên làm giám mục Lichfield. Sau cùng, Erconwald, một người thánh thiện mà Théodore đã đặt làm giám mục Luân-đôn.
Théodore dồn hết năng lực vào việc giáo huấn trong địa phận. Dưới đời Adrien, tu viện thánh Augustin tại Cantorbéry là trung tâm dạy tiếng la-tinh và hy-lạp cho cả miền nam nước Anh; trung tâm văn hóa này bành trướng khắp miền Wessex, từ Malmesbury quê của Aldhelm, đến các tu viện quận Devon và cho mãi tới các miền chung quanh Winchester Winfrith (Boniface), nhiều bạn của ông và nhiều người liên lạc thư tín với ông quê tại miền này. Théodore đã chép cuốn giải nghĩa Thánh Kinh và một cuốn sách thời danh về bí tích Hòa Giải. Chính tại Northumbrie, mỹ thuật và nền học vấn đã bành trướng rất mạnh. Benoit Biscop từ lục địa đi lại về đấy nhiều lần để thu thập các sách vở, các tài liệu phụng vụ, các xương thánh và các đồ mỹ nghệ. Cũng từ đó, ông dẫn đi theo nhiều người thợ xây, thợ làm kính màu và Gioan, ca sĩ Roma nổi tiếng. Ðược dân chúng ủng hộ, người giúp tiền bạc, kẻ cho vật liệu, kẻ khác góp phần xây cất, ông đã thiết lập tu viện ở Wearmouth và ở Jarrow. Nhờ có nền phụng vụ và các bài thánh ca đem tới từ Roma, hai tu viện này sinh hoạt tương tự như dòng Biển Ðức. Năm 690 ông qua đời vừa lúc hoàn tất tại miền cực bắc nước Anh một tu viện nam và một tu viện nữ, có đủ phương tiện cần thiết để học hỏi.
Năm 690, năm Théodore tạ thế, là thời điểm Giáo Hội Anh sống yên ổn và trật tự về mọi mặt. Người ta có thể xếp vị tổng giám mục này vào số những người kế vị suất sắc của thánh Augustin.
Giữa các trẻ em được cha mẹ đem đến hiến dâng giúp việc Chúa trong thời Benoit Biscop làm giám mục, có một em tên Bède. Lớn lên và được đào tạo vững chắc, Bède hiến thân cầu nguyện, lo việc giáo dục và viết sách báo, sống trong một nhà dòng của giám mục. Về sau được bổ nhiệm làm việc tại một nhà thờ nhỏ ở miền duyên hải cách xa quận Northumbrie, giữa giáo dân thế hệ thứ hai và thứ ba, Bède đã là một nhà văn nổi tiếng tại miền Tây Âu châu. Không bao lâu, cả lục địa biết đến ông vì ông đã soạn ra bộ lịch và có tài giảng thuyết. Ngoài ra, ông còn chép tiểu sử về những nhân vật đã sống trước đời ông trong tu viện và soạn sách ”Lịch Sử Giáo Hội” về dân tộc ông. Cuốn sử này là một công trình nổi bật nhất trong các tác phẩm văn chương Âu châu thời ấy, vì cách trình bày minh bạch và lưu ý nhiều đến khía cạnh nhân bản.
Giáo hội mà ông Bède trình bày, chưa có tổ chức hoàn bị, chưa có hệ thống giáo triều và các thể chế hành chánh. Dầu vậy, người ta thấy có những linh mục can đảm, cương nghị, đáp ứng các nhu cầu của giáo dân, và thành công trong việc rao giảng Phúc Âm khắp nơi trong nước. Tuy nói đến vài nét về sự man rợ, dốt nát và các thứ dị đoan ngoại giáo còn sót lại thời ấy, ông cho thấy giữa cộng đồng Kitô có những dấu chỉ hiển nhiên về đạo đức, về mức trưởng thành nhân bản, về nền học vấn và về đời sống thánh thiện, đọc kinh xem lễ hằng ngày, năng chịu các phép bí tích. Tóm lại là tất cả những điểm làm người ta thán phục đạo Kitô, như chúng ta thường thấy mọi thời trong lịch sử của Giáo Hội. Tất cả từ tu sĩ nam nữ, từ vua chúa đến nông dân, mọi người đều sống tốt lành và đơn sơ. Bède đã kể lại đời sống của một số người gương mẫu, như giám mục Cuthbert, cha tu viện trưởng Ceolfrid, mẹ bề trên Hilda, các nhân vật trong hoàng tộc, các vị ẩn sĩ và cả ông Caedmon, người thi sĩ chăn bò. Ngoài ra, ông không quên diễn tả tỉ mỉ và hấp dẫn về thời kỳ nông dân và những tá điền ngoại giáo, đa cảm và chất phác, đón nhận và tìm hiểu mọi khía cạnh về đời sống kitô, và có lúc đã đạt tới mức thánh thiện cao độ. Ðây không phải là những chuyện huyền hoặc bịa đặt, vì chúng ta có bằng chứng trong lá thư nói rõ ràng và cương quyết, ông đã gửi cho một học trò là Egbert, giám mục tại York, để báo động về tình hình đen tối của Giáo Hội địa phương thời ấy. Hơn thế, nhiều người đồng thời và những người kế vị Bède tại miền Est-Anglie và trong quận Wessex, cũng để lại những bản văn chứng tỏ: thời ấy đã đạt tới mức độ cao về mỹ thuật, về văn chương và về sự thánh thiện. Xem như vậy, chúng ta biết rằng con cháu của thế hệ mà ông Bède diễn tả, đã nỗ lực truyền giáo hầu tạo nên và quảng bá nhiều tập tục lành mạnh, cũng như đã phát triển mức độ văn minh qua biên giới ngoại quốc.
Thời đại hoàng kim của Giáo Hội Anglo-Saxon chỉ kéo dài được hơn một trăm năm, từ lúc Théodore tới cho đến khi các người Vikings ùa vào càn quét miền Northumbrie. Ngoại trừ Bède, các thánh tu viện trưởng và nhiều nhà uyên bác, miền bắc nước Anh còn đào tạo được nhiều nhân vật tài ba khác, đặc biệt là các nghệ sĩ. Cuốn trích lục Phúc âm của Lindisfarne và nhiều tác phẩm có tô những hàng chữ độc đáo bên ngoài, đều là của các tác giả Anglo-Saxon thời ấy, mặc dù họ đã viết theo cảm hứng từ những sách Celtes đã có trước đó. Hình như vào thời kỳ này người ta đã chạm trổ những thánh giá lớn như ở Bewcastle, ở Dumfries và tại mấy nơi khác. Các mẫu hình tạc trên thánh giá rập kiểu từ các tác phẩm đông phương và cổ điển, nghĩa là theo lối chạm vẽ Celte và thơ phú Anh. Tiếp tay thế hệ sau, thế hệ của Egbert, học trò của Bède và là người đã sáng lập ngôi trường và tủ sách của giáo phận York, còn có Alcuin. Ông này giã từ nước Anh, phục vụ triều đình Charlemagne, mang theo ngành mỹ thuật và nền học vấn phồn thịnh tại quê hương ông.
Trong thế kỷ này, Giáo Hội Anh được thống nhất dưới quyền điều khiển và các truyền thống Roma, đã gây được nhiều uy tín trong khắp xứ sở. Lối phân chia giáo triều dựa trên một hệ thống kiểu nhà dòng minster, tiếng la tinh là ”monasterium”. Có những nhóm thầy dòng hoặc linh mục sống chung và chia nhau đi rao giảng, phục vụ giáo dân tại các nhà thờ, nhà nguyện trong vùng; hoặc giảng đạo giữa trời, quây quần chung quanh cây Thánh Giá lớn của một miền, với diện tích chừng 18 cây số. Bước tiến triển từ chế độ cộng tu này sang hệ thống giáo xứ rất chậm chạp và không để lại một dấu tích lịch sử nào. Tại Anh cũng như ở nhiều nơi khác, chế độ nhà thờ và các dòng tu của tư nhân rất thịnh hành trong đời ông Bède. Cũng như ở nhiều nơi khác, thường hay xảy ra việc những nhà dòng nhỏ thay đổi qui chế dần dần để biến thành dinh cơ của một ông quan triều đình, hay một địa chủ mang cả vợ con đến đấy ở. Tại Anh cũng như tại miền tây bắc nước Gaule thường gặp thấy mẫu ”nhà dòng kép” như sau: sát liền một nhà dòng nữ chiêm niệm có bà bề trên thuộc dòng họ của vua hay thuộc phái quí tộc, rồi lại có một nhà dòng nam bên cạnh. Các cha dòng này vừa là tuyên úy cho nhà dòng nữ, vừa đi giảng đạo cho các miền chung quanh. Tất cả các cha cũng như các chị dòng đều thuộc quyền ”bà mẹ bề trên quý tộc”. Nhiều bà mẹ như Hilda người Withby, Etheldrède người Ely và Milburg người Wenlock là những bà tháh thiện, có nhiều khả năng cộng tác vào việc mở rộng văn hóa và tôn giáo. Ðời sống thịnh vượng đó đã bị phong tỏa và ở nhiều nơi đã bị hủy hoại vì các người Vikings thường đến càn quét và sau cũng đã chiếm cứ. Họ đổ bộ miền duyên hải Northumbrie lần đầu tiên vào năm 793.
Vào hậu bán thế kỷ IX, các cuộc xâm lăng và những nhóm cướp gốc Danois áp buộc Giáo hội phải thu nhỏ lại, nhiều nơi chỉ còn sống sót một số linh mục với những giáo dân đơn sơ chất phác. Trong một văn kiện thời danh (3) vua Alfred ta thán: tất cả các đồ quí báu đã bị đập phá, nền văn hóa không còn dấu tích. Chế độ tu viện trước kia đã có những cơ sở vững chãi tại miền Northumbrie và quận Fenland (Est-Anglie) cũng bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngay tại miền nam nước Anh, các tu viện chỉ còn lại một nhóm giáo sĩ, nhiều khi sống chung với gia đình. Nước Anh Anglo-Saxon và Giáo Hội bản xứ đã được vua Alfred le Grand cứu vãn. Ngoài các biệt tài chinh chiến và điều khiển, Alfred rất có lòng sùng đạo, và rất muốn hồi phục sản nghiệp văn hóa đời trước còn lại. Nhờ những thành công chính trị và những uy tín cá nhân, ông được người ta ca ngợi như một trong những quân vương trứ danh nhất đời Trung cổ. Alfred cùng với con ông là Édouard và cháu là Athelstan, không những đã chiến thắng người Danois bằng vũ khí, họ còn thực hiện nền thống nhất của người Anh dưới quyền các vua miền Wessex. Vua người Danois tên là Guthrum xin theo đạo, và trong một thời gian ngắn, xứ sở được phân chia, người Anh chiếm Vessex và Mercie, người Danois chiếm miền Danelaw và phía đông. Giữa tất cả các biến chuyển ấy, cộng đồng Kitô nhỏ bé vẫn tồn tại với linh mục của họ, rồi dân chúng quận Danelaw đã trở lại đạo nhanh chóng. Chỉ một thế kỷ sau cuộc chiến thắng của Alfred, tại phía đông và phía bắc cũng thành hình một Giáo Hội lớn mạnh với các truyền thống như ở phía nam và phía tây.
Nhưng tôn giáo đã bị xiết chặt lại. Chỉ còn một ít dấu vết thiêng liêng lờ mờ. Không còn thấy bóng các tu sĩ và kinh sĩ dòng nữa. Hầu hết các giáo sĩ đi lập gia đình. Roma không còn quan tâm liên lạc, vì người ta không chú ý đến những gì xảy ra bên kia dãy núi Alpes. Chỉ một mình vua có quyền hành, vua là nhân tố độc nhất giải quyết các vấn đề đời và đạo. Quả thật, có thể so sánh Giáo Hội Anh thế kỷ VII với Giáo Hội Anglican dưới thời Elizabeth. Trong tình trạng ấy, chỉ còn các thầy dòng có thể được coi là lớp người khả dĩ cải tổ đời sống luân lý và phục hồi nền văn hóa. Tuy dè dặt, Alfred đã muốn ra tay cải tổ, bắt đầu từ Athelney, nhưng không thành công. Phải đợi đến năm 940, Dunstan mới khôi phục nhà Glastonbury và bắt đầu đi gieo hạt giống mới. Vào thời kỳ đó các cuộc cải tổ Cluny và Brogne cũng khởi sự tại lục địa. Dunstan cùng với Ethelwold và Oswald người Danois là hai bạn đồng nghiệp của ông trong dòng và trong chức giám mục, đã đứng ra cải tổ lại hoàn toàn chế độ dòng tu. Dưới đời vua Edgard (959-975) phong trào này đã là nhân tố phục hồi lại hàng giáo sĩ. Ðã có tới sáu chục nhà dòng nam và nhà dòng nữ được thành lập. Ðó là những tu viện có tên tuổi trong lịch sử Giáo Hội Anh quốc thời sau như Westminster, thánh Albans, Abingdon và Peterborough. Ba nhân vật cải tổ dòng tu đã được đặt làm giám mục: tức là Dunstan ở Luân-đôn (sau gọi là Cantobéry), Ethelwold ở Winchester và Oswald ở York và Worcester. Việc học vấn và mỹ thuật lại được phát triển mạnh; và trong vòng năm mươi năm, đa số các giám mục là những cha dòng kỳ cựu. Những kết quả khảo cổ mới đây, cho thấy thời kỳ ấy có nhiều nhà thờ và nhiều nhà dòng hơn là các sử gia đã ước tính từ trước đến giờ (4). Phong trào đổi mới này có nhiều đặc tính của người Anh, nhưng cũng rập theo khuôn mẫu cải tổ dòng tại lục địa. Dần dà cuộc cải tổ cũng ảnh hưởng đến giáo sĩ triều. Bước tiến bộ trên lại bị gián đoạn lần nữa vì có nhiều đợt xâm lăng; đã có lúc ông vua cai trị nước Anh là người Danois. Nhưng những người xâm lăng đã trở lại đạo và đời sống Giáo Hội chỉ bị gián đoạn trong một thời kỳ ngắn. Ở đầu thế kỷ XI, Giáo Hội Anh vẫn tiếp tục sinh hoạt theo truyền thống. Chưa hề thấy có các vấn đề đạo và đời xen lẫn nhau như ở đây. Dưới mắt các nhà sử học, việc đó có những nguyên nhân rõ ràng. Ðối với những người khác thì đây là một chuyện nghịch thường: xứ này khăng khít trung thành với tòa Phêrô, nhưng lại muốn chứng tỏ mình có sự độc lập, đến nỗi các vua gốc Normandie coi việc giữ đạo sòng phẳng là một phương sách tuyệt diệu để chống đối lại những yêu sách của tòa giáo hoàng. Tuy vậy, không hề có vết tích chứng tỏ có sự xung khắc giữa nhà vua và giáo hoàng. Thật ra, vì giáo hoàng không có ý và không hề muốn trực tiếp kiểm soát các vấn đề của Giáo Hội Anh, nên vua bó buộc phải xử dụng quyền tối thường để lấy các quyết định thực sự. Trong những vấn đề quan trọng, vua bàn hỏi ý kiến của các vị kỳ mục là tất cả các giám mục và các bề trên dòng. Hội đồng cố vấn này quyết định các vấn đề trong Giáo Hội cũng như về dân sự. Tất cả các giám mục đã được tuyển chọn qua hội đồng cố vấn ấy. Và trong vòng hai thế kỷ trước khi người Normandie đến chiếm cứ, tất cả các vấn đề liên hệ đến một công đồng cấp tỉnh hay có tính cách quốc gia, đều được giao cho ban cố vấn này nghiên cứu. Ở cấp dưới thì giám mục có địa vị vinh dự trong triều đình hay trong các cuộc họp của quận. Ở cả hai nơi, người ta trao cho giám mục trách nhiệm các vụ kiện tụng và các vụ tranh chấp về tôn giáo. Trong toàn thể pháp luật do vua ban hành, người ta nhận thấy có những đặc điểm này: các điều luật liên hệ đến vấn đề tôn giáo trong xứ đạo và trong nước được công bố mà không hỏi ý kiến của các giám mục; các điều luật về thập phân thuế, về việc đóng góp cho giáo hoàng và về các ngày chúa nhật và các lễ trọng được trà trộn với những luật về quyền sở hữu và về các tội ác. Ít khi các giám mục can thiệp theo đường hướng của nhà vua, trong những trường hợp mâu thuẫn cần phải có tranh luận công cộng. Thật ra tranh luận công cộng không có ích lợi gì, vì tổ chức cấp tỉnh và địa phận còn rất lỏng lẻo, và cũng vì các giám mục rất ít liên lạc với các linh mục. Nhưng vào thời kỳ này, sánh với các nước Bắc Âu, nước Anh có thể tự hào vì được các giáo hoàng ưu ái đặc biệt. Họ giữ liên lạc mật thiết với các giáo hoàng trong hai vấn đề: một là các tổng giám mục người Anh hay đi lại công cán thường xuyên tới Roma để lãnh áo và huy hiệu giáo phẩm; hai là có luật trên toàn lãnh thổ bắt buộc giáo dân góp quĩ thánh Phêrô và nộp sang Roma để tỏ dấu thần phục và trung thành. Như vậy vào thời kỳ đầu lúc Edouard, người xưng đạo, cầm quyền, nước Anh vẫn còn giữ đường lối thủ cựu, trong khi các vua chúa, các giáo hoàng, giáo sĩ và giáo dân, hết thảy đều lên tiếng và tìm cách đòi lại quyền lãnh thổ của mình. Những sự việc đó vẫn chưa được rõ ràng tại nước Anh. Ngay ở Luân-đôn và tại miền đông nước Anh, có rất nhiều nhà thờ và hàu hết là của tư nhân hay của một nhóm người nào đó. Ranh giới cai trị của giáo xứ và của địa phận cũng không rõ ràng. Giám mục chỉ có một văn phòng nhỏ hẹp. Những thành quả nghiên cứu cho biết: kỷ luật và các thủ tục giáo luật thời ấy được tuân giữ cặn kẽ hơn người ta vẫn tưởng từ trước tới nay. Nhưng làn gió khôi phục thời Grégoire chưa thổi tới nước Anh. Trong những năm trước khi Guillaume người chiến thắng tới, người ta không biết nước Anh thuộc về lục địa hay chỉ là một tiền đồn của miền Scandinavie.
3. GIÁO HỘI ÐỨC (754-1039).
Trong tiến trình tổ chức Giáo Hội Ðức, Boniface đã quan tâm đặc biệt đến việc thành lập các tu viện; như tu viện ở Fritzlar và Fulđa trong quận Hesse, Niederaltaich và Benedictbeuren tại quận Bavière và còn nhiều nhà dòng nữ chiêm niệm lớn lao như Tauberbischofsheim và Heidenheim của Walburge. Như vậy có hai nhận định như sau: nhà dòng Ðức không phải chỉ là trung tâm giáo dục, mỹ thuật và thủ công mà thường là tòa giám mục; giám mục vừa tu trong dòng vừa làm thừa sai. Nghĩa là trong việc Phúc Âm hóa nước Ðức, giám mục vừa là người đại diện chế độ, vừa là người huấn luyện về đức Tin. Có lẽ Boniface và các bạn đồng nghiệp đã mang đến cho tu viện chức vụ ấy, vì muốn theo truyền thống Anh là truyền thống gắn liền các mối liên lạc giữa dòng tu và các giám mục địa phận truyền giáo, như đã gặp thấy ở Winchester, Cantobéry và Ripon. Nhưng chế độ tòa giám mục tại Ðức lại có một hình thức đặc biệt. Hệ thống này xem ra rất thành công lúc đầu. Nhưng sau một thời kỳ thì có những vấn đề mới khi các giám mục được vua chỉ định; những vị giám mục này có ít thiện cảm với các thầy dòng; bởi vậy họ tìm cách chiếm đoạt các dòng tu cũng như hoa lợi, và họ dùng các nhà dòng làm tòa giám mục hay làm trung tâm hành chính, hoặc họ tước đoạt hẳn nhà dòng. Dưới thời Charlemagne, tổ chức giáo xứ rất thịnh hành tại quận Bavière. Và trong thế kỷ IX, trên cả nước Ðức đã có qui chế giáo xứ. Như chúng ta đã thấy trên kia, một giáo xứ thường là một cộng đồng Kitô khác với Giáo Hội ”thành quốc” của chế độ Roma. Trong cộng đồng thành quốc, các giáo dân quây quần chung quanh giám mục và các linh mục, và hợp thành một khối, trong đó mỗi phần tử đều có quyền lợi: mỗi phần tử được bầu cử giám mục và phải dự giờ kinh phụng vụ chung. Trái lại trong giáo xứ miền thôn quê ở phía bắc Pháp và ở Ðức, phần đông giáo dân là nông dân hay tá điền của một nông chủ phong kiến, không có quyền lợi gì mà chỉ có nghĩa vụ, chẳng hạn nghĩa vụ phải đóng thập phân thuế và phải dâng cúng lễ vật. Giáo Hội được phân chia ra làm nhiều thành phần khác nhau: giáo sĩ và giáo dân, giáo sĩ cấp trên và giáo sĩ cấp dưới. Lối phân chia trật tự này được củng cố thêm nhờ cuộc cải cách của Grégoire.
Giáo Hội Pháp là hậu thân của Giáo Hội Gaule vào thời cuối Ðế quốc, còn Giáo Hội Ðức thì phần lớn được thành lập theo lối mới. Chúng ta đã thấy lịch sử truyền giáo miền tây và miền trung nước Ðức là công trình của một loạt các vị thừa sai người Anglo-Saxons. Boniface và các bạn đồng nghiệp cũng như các người kế vị của họ, đã thành công mỹ mãn. Họ đã cảm hóa hay đã củng cố Ðức Tin của các dân tộc sống trên một giải đất dài từ quận Frise đến quận Bavière, qua các quận Hesse, Thuringe, Bade và Wurtemberg. Các ngài đã mang đến cho những miền rất khác nhau này một hệ thống tòa giám mục và các dòng tu, dùng làm trung tâm văn hóa và sinh hoạt kitô.
Việc truyền giáo cho những sắc tộc chưa đón nhận Ðức Tin hay đã bỏ đạo, đang sống trên nước Ðức, đã diễn tiến theo một nhịp độ và một chiều hướng khác hẳn với quá trình truyền giáo tại nước Gaule. Người ngoại giáo nhận được Ðức Tin là nhờ có những vị truyền giáo lưu động; nhiều vị khác đã gây được ảnh hưởng từ các trung tâm giáo sĩ hay từ các nhà dòng lập nên giữa khối dân ngoại đạo. Hơn nữa nước Ðức có nhiều vùng rừng núi với những cây cao rậm rạp, nhất là tại miền Bavière và Souabe. Ngay từ lúc đầu đã có mối liên lạc chặt chẽ giữa giám mục và giáo dân hơn tại nước Gaule. Chính các giám mục gieo trồng Ðức Tin, và một khi đã gieo trồng, các ngài lo cho Ðức Tin lớn mạnh. Hơn nữa, theo chân Boniface và những vị truyền giáo đầu tiên, các giám mục xác tín rằng Giáo Hội và tất cả các vị tông đồ được gửi đi đều nhận quyền tối thượng của Roma. Lòng trung nghĩa ấy sẽ là một truyền thống bền bỉ tại Giáo Hội Ðức; nó in sâu vào tâm thức hơn qua các vụ tranh chấp giữa hoàng đế và giáo hoàng. Qua hai ba thế hệ giáo dân, các tu viện vốn là các trung tâm hành chính cho những thành phố nhỏ, đã trở nên quan trọng trong việc phát triển. Trong vòng ba thế kỷ, tại các miền biên giới phía đông và phía bắc, phong trào chinh phục và trở lại đạo kế tiếp nhau một cách dồn dập nhanh chóng như chưa từng thấy tại một nơi nào khác ở Tây phương, ngoại trừ Tây Ban Nha, nhưng ở đây, các điều kiện lại khác hẳn. Dù sao chăng nữa Ðức Tin càng ngày càng ăn rễ sâu, và qua thế kỷ này đến thế kỷ khác đã tiêm nhiễm cho dân chúng lòng mộ đạo mạnh mẽ và chất phác. Hai đặc tính này cho tới nay vẫn còn nơi đám nông dân và lao động tại hai miền Bavière và Tyrol.
Tổ chức giáo xứ đã được thiết lập tại Ðức khá nhanh chóng. Kinh sĩ hội của Louis le Pieux cấp cho mỗi nhà thờ thập phân thuế, một ngôi nhà và một thửa đất. Nhờ vậy, vào thế kỷ IX, các giáo xứ đã thành hình rõ rệt. Năm 850 người ta tính trong nước Ðức có 2500 xứ đạo. Các xứ đạo nhỏ quây quần chung quanh xứ đạo chính (5). Hệ thống giám mục phụ tá đã thịnh hành. Các vị này hoạt động hoàn toàn tự do hay chỉ trong một phạm vi đã được quy định rõ. Việc giảng dạy là nhiệm vụ của linh mục coi sóc giáo xứ; hình như linh mục chính xứ tại Ðức, ngay từ ban đầu đã là những người thông thạo về giáo lý, về thần học hơn các linh mục tại Gaule. Linh mục coi xứ giải tội và cứ chiếu theo bảng kê trong sách hòa giải mà áp dụng việc đền tội. Theo một số văn kiện thời ấy, thì các loại thần và các điều dị đoan vẫn còn tồn tại ở Ðức cũng như ở nước Gaule. Quả nhiên, trong vòng nhiều thế kỷ, sau khi đã trở lại đạo, dân miền đồng quê Âu-châu vẫn còn ngấm ngầm giữ lại nhiều tập tục và nhiều quan niệm ngoại giáo. Người ta nhận xét: các miền rừng rú nước Ðức vẫn còn giữ nhiều di tích ngoại giáo hơn các miền núi đồi tại Pháp và Anh. Nói chung, các giai cấp xã hội không cách biệt nhau nhiều như ở bên Pháp và Ý. Nói về cấp bậc thì ở dưới có dân chúng và ở trên có hàng giáo sĩ và phái quí tộc. Hai loại người này ít lâu sau đã trở thành một đẳng cấp. Ngay từ lúc đầu các giám mục Ðức thời ấy là những nhân vật quan trọng hơn các giám mục Pháp, vì địa phận của họ rộng lớn hơn. Có một thời, địa phận Cologne, Mayence và Salzbourg chiếm tất cả phía đông sông Rhin của nước Ðức. Ðến sau các tòa giám mục miền đông như tòa Magdebourg, gây được nhiều ảnh hưởng tại các miền đã chiếm cứ. Nhờ vậy các giám mục gia tăng thế lực: mỗi chiến công lại mang về một luồng sinh khí mới và sau khi đã bình định, quyền hành của các ngài được mở rộng thêm. Như chúng ta đã thấy ở trên, vừa chiếm được miền Balte, người ta đã chia phần lớn đất đai cho các giám mục.
Ðà thăng tiến của 5 lãnh địa công tước là Lorraine, Franconie, Saxe, Souabe và Bavière đã gây nên cho vua một vấn đề mới mà nước Pháp không biết đến: Chỉ sau một thời gian ngắn, mỗi công tước đã tự coi mình như một ông hoàng. Otton I đã thay đổi tình thế này. Ông bó buộc các công tước phải tùy phục quyền ông, và tuyên bố ông có toàn quyền cắt đặt các giám mục, trừ các giám mục miền Bavière; ông coi các tòa giám mục như những thái ấp mà người được ủy nhiệm phải tùng phục ông. Các tòa giám mục được coi ngang hàng với các lãnh thổ bá tước, và các giám mục ngang hàng với công tước. Với đường lối ấy, các giám mục được thu dụng vào việc phục vụ nền quân chủ và làm giảm bớt quyền hành của các công tước. Nhưng với qui chế chư hầu ấy, các giám mục đã mất đi một phần tự do. Họ trở thành những nhân vật chính trị quan trọng vì họ quản nhiệm các lãnh thổ của công tước và nhiều khi bà con của họ được các vua hay các hoàng đế chọn nắm giữ những tòa giám mục quan trọng hơn cả. Giáo Hội lúc này gặp nhiều khó khăn. Thực ra về tài sản, giám mục phải phục vụ vua. Bởi vậy đã có tục làm ”lễ tựu chức”. Gậy mục vụ là dấu chỉ thánh thẩm, trước kia được trao trong lễ tấn phong, bây giờ lại trao trong nghi lễ thần phục. Như vậy hệ thống giáo truyền bị trói buộc vào chế độ phong kiến. Cái gì của tòa giám mục cũng là của Ðế quốc. Các giám mục bám níu vào đất đai hơn nữa, vì vua nhượng bộ cho các quyền miễn trừ, nghĩa là quyền được thu thuế cầu đường, thuế kiện tụng, thuế chợ v.v. Người ta có lý khi nói: Giáo Hội Ðức đang biến thành Giáo Hội quốc gia trong khi Giáo Hội Pháp vẫn giữ tính cách là Giáo Hội miền. Thế nhưng các hoàng đế Ðức không bao giờ ban hành luật lệ cho Giáo Hội như kiểu Charlemagne đã làm. Giáo Hội Ðức đã trở nên Giáo Hội quốc gia một phần nào, nhưng Giáo Hội ấy lại không hề có thái độ gì lập dị đối với các Giáo Hội Tây phương khác, cả về tín lý cũng như về phụng vụ. Như trên kia đã nói, các giám mục vẫn giữ truyền thống coi Roma như nguồn gốc các quyền bính. Roma điều khiển đường lối chính trị và thái độ của các giám mục Ðức trong cuộc tranh luận lớn giữa Ðế quốc và tòa giáo hoàng.
Năm 911, sau khi vua cuối cùng của nhà Carolingien nước Ðức băng hà, quận Lorraine và bốn lãnh thổ công tước họp thành những đơn vị rất thuần nhất về chủng tộc và về qui chế. Các miền này là cơ cấu chính gốc của nước Ðức tương lai. Nền quân chủ được dân bầu lên vẫn còn tồn tại nhưng vua nước Ðức tên là Conrad I (911-918) không xử dụng nổi quyền hành trên khắp xứ sở. Với Henri, người kế vị ông và là công tước quận Saxe (918-936), một thời đại mới xuất hiện: thời đại này đã đào tạo nên một số vua có năng lực và thời danh của các nhà Saxon và gốc pháp. Trong vòng hai thế kỷ các vua ấy bá chủ lục địa và chu toàn đầy đủ nhiệm vụ phòng thủ, củng cố và mở rộng bờ cõi của triều đình và của thế giới Kitô giáo.
Sau khi đã thu phục được ba phần đất công tước khác và đã sáp nhập miền Lotharingie vào nước Ðức, Henri I dấn thân vào đường chính trị hiếu chiến, kéo dài mãi về sau tại biên giới phía bắc và phía đông của vương quốc. Ðó là cuộc Ðồng tiến (Drang nach Osten) bó buộc các dân bị chinh phục và những người đồng minh phải theo đạo Kitô. Henri I khai mào lối chính trị giao hảo với giáo hoàng bằng cách giao tặng cho giám mục Toul những quyền hành của một vị bá tước phong kiến. Otton le Grand con của ông (936-973) cũng tiếp tục một đường lối chính trị y như thế. Ông bắt các công tước phải thần phục ông bằng cách phải cắt cử những người ông lựa chọn. Ông củng cố cái lầu đài rạn nứt và có nhiều yếu tố ly tâm này bằng cách tặng cho các giám mục và các tu viện trưởng đất đai và quyền miễn thuế, để họ thoát ly khỏi chính quyền địa phương, đồng thời mời họ tham gia việc triều đình với lời thề trung thành và với một số bổn phận. Cả giáo sĩ cấp trên và cấp dưới đều được thu dụng vào hết mọi chức vụ của chính phủ, vào các ban cố vấn và được gửi đi làm đặc sứ trong những vấn đề chính trị khó khăn. Các ngài cũng được độc quyền mở trường dạy học. Người ta giao cho nhiều giám mục và nhiều viện phụ lãnh thổ công tước để thu lợi tức cho vua. Theo đường hướng chính trị ấy và dựa vào tục lệ đã có sẵn, vua thẳng thắn thi hành quyền chỉ định phải thề hứa trung thành, làm lễ trao quyền thái ấp và các chức vụ trần thế khác. Tục lệ này đã có từ năm mươi năm về trước tại Tây phương dưới thời Louis người Ðức. Sử gia thường coi đường lối chính trị này như một hiện tượng mới. Thực ra đây là lối chính trị của Charlemagne và các vị kế tiếp ông. Ðường lối ấy đã thành hình dễ dàng ở khắp nơi và trở nên cần thiết cho cả Âu châu đến nỗi không ai lưu ý đến nữa, và cũng không ai lên tiếng chỉ trích, nhất là khi quyền bính của giáo hoàng đã bị lu mờ.
Sau khi đã thành công trong mấy giai đoạn đầu và sau các cuộc chiến thắng, đặc biệt là tiêu diệt đạo binh của người Magyars ở Lechfeld, Otton lại xuất quân chinh phục miền bắc nước Ý. Ông có nhiều lý do để hành động: trước tiên là người Ðức vốn có tham vọng nới rộng bờ cõi bằng cách xâm chiếm đồng bằng phì nhiêu bên kia dãy núi Alpes, điều mà người Normand cũng ao ước từ trước; thứ đến là Otton muốn lãnh thổ giáo hoàng lọt vào khu vực ông kiểm soát; sau cùng là ông nuôi hy vọng phục hồi danh hiệu Hoàng đế Tây phương mà theo truyền thống chỉ giáo hoàng mới có quyền ban tặng. Năm 962 Otton làm lễ đăng quang. Lúc này thế lực đôi bên bị đảo ngược: hoàng đế không còn là người bênh vực giáo hoàng mỗi khi giáo hoàng cần đến, nhưng hoàng đế trở nên một vị chúa trùm có quyền quản trị cả giáo hoàng Roma.
Triều đại của Otton II ngắn hơn và không vẻ vang bằng (973-983). Con của ông là Otton III (983-1002) gây được nhiều ảnh hưởng hơn. Ông đã thừa hưởng được từ Otton le Grand lối chính trị khôn khéo và mẹ ông tức là hoàng hậu Théophano, người Byzance, đã di truyền cho ông một trí khôn sắc bén mà các vua chúa Pháp và Ðức đều không có. Ông dự tính thiết lập tại Tây phương một Ðế quốc vạn năng, tiếp nối Ðế quốc Roma cũ và tìm cách khuất phục hay tiêu diệt hẳn Ðế quốc Roma giả tạo Constantinople. Theo quan niệm ấy thì giáo hoàng là linh mục hay là giám mục thứ nhất, và cũng như trong vương quốc Ðức, tất cả các nhà thờ lớn đều là nhà thờ tư của vua. Như vậy Roma sẽ là nhà thờ tư tiêu biểu cho Ðế quốc Roma (nghĩa là đế quốc Kitô). Bởi vậy Otton lúc thì kính nể lúc lại bất chấp giáo hoàng, truyền lệnh cho giáo hoàng và đến chủ tọa các công đồng do giáo hoàng triệu tập. Nhưng vì quyền lợi và vì có khuynh hướng tự nhiên, Otton III vẫn là người bênh vực đáng tin cậy của Giáo Hội, là bạn của nhiều thánh nhân, là người che chở của các vị thừa sai; ông còn sẵn sàng cho Giáo Hội Balan và Giáo Hội Hung Gia Lợi quyền độc lập giáo triều đối với nước Ðức.
Otton III không có con nối vị. Henri là quận công Bavière lên cầm quyền với nhiều khó khăn. Ông đã được huấn luyện để trở nên giáo sĩ và vẫn là một giáo dân trung thành. Còn hơn bất cứ ai, ông thẳng tay xử dụng các quyền hành của vua trên Giáo Hội, nhất là quyền chỉ định các giám mục, quyền cách chức họ nếu cần, quyền phân chia và sáng lập các địa phận. Một ví dụ điển hình, ông lấy sáng kiến lập thành phố Bamberg năm 1007. Ông cấp phát ruộng đất và quyền miễn trừ cho các nhà dòng mới được tu sửa và các giám mục ông tin cậy. Ông đến chủ tọa các công đồng và lấy quyết định trong vấn đề phụng vụ. Dầu sao, Henri cũng là đại ân nhân của Giáo Hội. Kế vị Henri là Conrad II (1024-1038). Ông này là cháu chắt của Otton le Grand. Ðây là một vị hoàng tử nghiêm khắc, quyết định nhanh chóng và công minh, không có lòng đạo đức như Henri. Ông chỉ định tất cả các chức phận trong hàng giáo sĩ và đòi mỗi vị được chỉ định phải nộp cho ông một khoản tiền. Theo thực tế và rất cụ thể ông dùng các giám mục như công chức. Dưới triều đại của ông, Giáo Hội Ðức gần giống như Giáo Hội quốc gia. Conrad cấm khiếu nại sang Roma khi chưa xin phép ông. Ông chủ tọa các công đồng, lập ra các lễ buộc và luật ăn chay và tự xưng là vị Ðại diện của Chúa Kitô. Tại Ý, ông chủ tọa các công đồng với giáo hoàng Benoit IX. Con của ông là Henri III (1039-1056) bớt cứng rắn hơn, thông minh hơn và cũng có lòng đạo hơn. Ông chỉ định các giám mục, thường là chọn các giáo sĩ và các cha viện phụ đã giúp việc tại nhà nguyện của vua. Ông triệu tập và chủ tọa các công đồng. Nhưng tại miền bắc nước Ý, tình thế bắt đầu thay đổi, đòi Henri III phải ra tay cải tổ nhiều vấn đề.
Dưới các triều đại kế tiếp của những ông hoàng Ðức có khả năng lỗi lạc, tại Âu châu đã chớm nở một phong trào xã hội khá tổ chức. Những áp lực và những mối căng thẳng cứ tiếp tục nung nấu vương quốc hay Ðế quốc cũng như những cuộc chinh chiến không ngừng ở các biên giới, không làm chúng ta quên tài khôn khéo của các ông hoàng đã có những sáng kiến và cách điều khiển một nền chính trị táo bạo trong mọi sinh hoạt lớn của Giáo Hội và của Nhà nước. Hơn nữa, chúng ta phải nhìn nhận vẻ huy hoàng văn hóa và phồn thịnh vật chất đã được thể hiện tại triều đình, ở các tòa giám mục và trong các tu viện, dưới triều đại của Otton và của các vị kế nghiệp ông. Chúng ta cũng không quên lãng những nghị lực cải cách của các hoàng đế. Nước Ðức thời ấy đã nêu bật một gương mẫu về tư tưởng và chính trị ảnh hưởng rất nhiều trên các chế độ quân chủ về sau. Giáo Hội Ðức trên bình diện thượng cấp đã tiếp tục và phát triển một phần những truyền thống Carolingien. Giáo Hội này đã sáng tác ra nhiều tập tục mới bổ túc vào những cái đã có tại Âu châu: chẳng hạn việc chỉ định các giám mục, lựa chọn những vị đã phục vụ trong nhà nguyện của vua, nhưng mỗi vị lại phải đóng một số tiền lớn, việc vua triệu tập công đồng, việc cấm khiếu nại sang Roma.
4. NƯỚC TÂY BAN NHA 711-800.
Trong các năm 711-713, nước Tây Ban Nha đã bị tàn phá bởi những cuộc xâm lăng khổng lồ và kinh sợ: nhiều người bị giết, bị bắt làm nô lệ hay bị cưỡng ép phải theo đạo của ông Tiên tri. Dù vậy, một so ángười chịu thần phục vẫn còn giữ được đất ruộng, vẫn tin tưởng và sống đạo như trước. Ðấy là những người Mozarabes sau này sẽ đóng góp nhiều vào lịch sử xứ sở. Tại những miền hẻo lánh và núi rừng ở phía tây bắc, tức là quận Asturie và Galicie, người ta vẫn cầm cự kháng chiến, và phong trào này cứ càng ngày càng lan rộng và thêm thế lực. Dưới đời Alphonse I, vua công giáo (739-757), phong trào kháng chiến đã lan tràn trên một dải đất dọc theo duyên hải và trong suốt miền núi gọi là vương quốc Asturie, rộng chừng bảy mươi cây số, và khởi sự từ phía cùng Tây bắc dãy núi Pyrénée. Ðấy là giai đoạn đầu trong việc khôi phục.
Một năm trước khi Alphonse thăng hà, các tướng lãnh Hồi giáo chạy từ Phương đông tới đã lập ra vương quốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Cordoue. Tiếp đến, đoàn quân viễn chinh của Charlemagne mang tên là ”Bước tiến của Tây Ban Nha” (Marche d”Espagne), chiếm lại được một phần lãnh thổ kitô cũ. Trong khi ấy, Giáo hội Mozarabes vẫn được tổ chức với những truyền thống như ngày trước dưới quyền tổng giám mục thành Tolède.
Cuối thế kỷ VIII ông già Elipand điều khiển tòa tổng giám mục, phải đương đầu với một người tên là Migétius. Ông kỳ khôi này chủ trương một tư tưởng người ta cho là mới lạ: Ðức Giêsu con vua Ðavít là một ngôi trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Tư tưởng này có phần hợp với truyền thống trong ý nghĩa và trong lối phát biểu hay không, người ta không xét đến, chỉ biết rằng nó đã gây hoang mang giữa các người Tây Ban Nha có óc thủ cựu. Trong một công đồng họp ở Séville, Elipand dùng đền truyền phải tuyên xưng Ðức Giêsu làm người, con của Ðức Maria, đã có bản tính y như bản tính của chúng ta ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, nghĩa là trước khi thành một nhân vị Ngài đã được nhận làm dưỡng tử, bởi Con Thiên Chúa tức Ngôi Lời; bởi vậy xét về bản tính loài người, Ðức Giêsu là dưỡng tử của Thiên Chúa. Công thức này cũng như công thức ngược lại của Migétius ở trên, xem ra được giải thích hợp với truyền thống. Nhưng nó đã bị đả kích bởi hai cha dòng quận Asturie. Một trong hai cha này là Beatus đã nổi tiếng nhờ cuốn chú giải sách Khải Huyền, đã được tất cả các họa sĩ đời Trung cổ rập theo để làm sáng tỏ các văn bản của sác h ấy. Beatus và bạn đồng dòng của ông là Etherius tố giác một cách gay gắt, nhưng hoàn toàn sai rằng Elipand đã theo tà thuyết ”dưỡng tử”. Tà thuyết này (được gán cách bất công cho Nestorius) cốt tại chủ trương đấng Giêsu trong phép rửa tội đã trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa Cha. Trái lại Beatus và Etherius thì ra như chủ trương Ðức Giêsu không hoàn toàn có bản tính nhân loại. Bởi vậy họ đã tố giác Elipand với giáo hoàng Adrien là ông lạc đạo.
Adrien trả lời bằng cách gửi một bản tường trình thần học vắn tắt để lên án tính cách hàm hồ của từ ”dưỡng tử”. Mặt khác, Elipand vận động, nhờ Félix người Urgel, một vị giám mục thuộc hạt uyên bác, chấp nhận từ ”dưỡng tử” (Urgel là một thành phố mới được người Franc chiếm cứ lại). Xét về văn mạch, Felix chấp nhận từ ấy, thế là ông bị thưa lên tới Charlemagne. Bị cưỡng ép phải trình diện trước mặt vua tại Ratisbonne, ông rút quan điểm của ông lại, nhưng ông bị gửi sang Roma và giáo hoàng thấy ông hoàn toàn không có gì đáng trách. Trong khi ấy, các giám mục Tây Ban Nha nhất trí tấn công Beatus và Etherius; hai ông này vẫn tiếp tục chủ trương cụm từ sai lạc ”dưỡng tử” mà cólẽ họ cho là đồng nghĩa như ”bản tính nhân loại được chọn làm “dưỡng tử”; hai ông xin Charlemagne ủng hộ; Vua khiếu nại sang giáo hoàng. Giáo hoàng gửi cho các giám mục Tây Ban Nha một bức thư thứ hai có tính cách tín lý hơn, thơ kết thúc bằng một lời phạt vạ. Cũng thời kỳ ấy Charlemagne triệu tập các giám mục trong Ðế quốc tại Francfort, trong số các giám mục tham dự có Alcuin, Benoit người Aniane và nhiều nhân vật trứ danh khác. Người ta đã chiều theo ý vua, lên án từ ”dưỡng tử” và gửi đến cho các giám mục Tây Ban Nha một bản văn bài bác ho.ï Bản văn gồm hai phần, một phần dựa vào Thánh Kinh, một phần (có lẽ do Alcuin soạn) dựa vào lối phân tách biện chứng pháp để trình bày tín lý truyền thống một cách tỉ mỉ và vững chắc. Sau khi trở về Urgel, Felix lại giữ chủ trương luận đề thứ nhất của ông; thế là Alcuin bắt buộc phải soạn thảo một bản tường trình ngắn khác dựa trên các giáo phụ, tiếp sau là một phát biểu tín lý tuyệt diệu, trong đó ông phân tách thế nào là ơn thông hiệp giữa bản tính loài người với bản tính Thiên Chúa, và thế nào là ơn dưỡng tử của con người trần thế. Bức thư này được gửi đi cùng một lúc với bản phúc trình dài của Felix. Felix bị đòi đến Aix la Chapelle và bị bắt buộc phải từ bỏ lập trường. Dưới đời LéonIII (798) một công đồng nhóm họp tại Roma khẳng định lại giáo lý truyền thống một lần nữa và phạt vạ thêm. Sau một thời kỳ, Felix qua đời trong khi bị lưu đày tại Lyon. Dù thế Alcuin cũng chưa hết chuyện với các giám mục Tây Ban Nha. Ðầy hận thù vì cách người ta đối xử với Felix, Elipand lại dựa vào nền phụng vụ Mozarabe để biện hộ cho từ ”dưỡng tử”. Ðiều đó thúc dục Alcuin phản ứng mãnh liệt nhưng không có lý luận gì mới. Kể từ đó, Tây Ban Nha bị rơi vào bóng tối và sau nhiều thế kỷ mới lại chỗi dậy được. Nhân vụ tranh luận thần học này, Alcuin và các bạn của ông đã có dịp đọc lại các giáo phụ và chứng tỏ khả năng trí thức của họ. Qua việc sưu tầm mới đây về cuộc tranh luận thần học nói trên và về các vụ tranh luận khác cũng vào thời kỳ ấy, người ta thấy các cố vấn của Charlemagne và của Louis le Pieux, - nhất là Alcuin - có khả năng trí thức và thần học cao độ, khác với những nhận định của các sử gia trước đây ba mươi năm. Thông thạo về giáo phụ và là những nhà có tư tưởng sắc bén, các ngài là nhóm trí thức đầu tiên không thuộc dòng giống Roma.
5. CHẾ ÐỘ NHÀ THỜ TƯ
Trong nhiều thếkỷ ở giữa triều đại của Grégoire I và Grégoire VII, nền kinh tế của Giáo Hội đã trải qua nhiều biến đổi lớn lao tại miền tây Âu chÂu. Các biến chuyển ấy đã khơi ngòi nhiều vụ tranh chấp trong thế kỷ XI, và nhiều biến chuyển vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội hiện nay.
Tại những miền được ánh sáng văn minh của Ðế quốc Roma chiếu dọi, Kitô giáo đã phát triển từ những nhóm giáo dân sống trong các ”thành quốc”. Các cộng đồng này quây quần chung quanh giám mục, rồi đến các linh mục, các thày sáu và các giáo sĩ cấp dưới. Trong vòng nhiều thế kỷ, người ta không tổ chức chiến dịch gì để lôi kéo vào đạo các người canh tác và những người chăn nuôi súc vật sống tại miền thôn quê gọi chung là nông dân, pagani (từ pagani bởi từ pagus có nghĩa là miền đồng ruộng hay là bởi từ heathen tức là người miền núi); nông dân đồng nghĩa với lương dân nghĩa là những người không có niềm tin (infidèles). Ít là cho đến cuối thế kỷ V, Giáo Hội thường dùng lối truyền bá đạo từ ”thành quốc” này sang ”thành quốc” khác, rồi sau mới từ thành phố nọ sang thành phố kia, và đi dọc theo các trục lộ giao thông chính. Sau đó giám mục cắt đặt các linh mục đến ở tại những thành phố nhỏ và tại các làng. Hệ thống giáo xứ ở Gaule và các nơi khác khởi sự từ đấy.
Muốn mời gọi dân chúng ở các vùng quê trở lại đạo, nhất là ở Phi châu, ở bán đảo Tây Ban Nha - Bồ Ðào Nha (la peninsula ibérique) và ở miền nam nước Gaule, người ta đã dùng một phương thế khác: những người giàu có dựng nên trong cơ sở của họ các nhà nguyện tư. Tục lệ này gặp thấy khắp nơi, từ Tiểu á đến châu Phi và phương Tây. Nhà thờ tư được quản trị theo dân luật và giáo luật. Những chỉ dụ của Justinien (Novellae) công nhận: quyền tư hữu của nhà thờ tư; với sự chấp thuận của giám mục, người sáng lập ra nhà thờ có quyền chỉ định linh mục phụ trách; linh mục được chỉ định có quyền quản nhiệm nhà thờ. Trái lại, Gélase I đã ban hành luật lệ khắt khe đối với những ai muốn xây cất nhà thờ tư tại Ý và tại miền bắc Phi châu. Kể từ đấy, phải có phép Roma mới được xây cất nhà thờ; người đứng xây nhà thờ có quyền chọn linh mục, nhưng phải từ bỏ các quyền về nhà thờ ấy, ngoại trừ quyền ra vào và quyền giới thiệu linh mục dự tuyển. Từ lúc khởi thủy, tất cả mọi thứ trong nhà thờ của ”thành quốc” lớn đều thuộc giám mục. Sau khi đế quốc đã chính thức công nhận Giáo Hội, quyền sở hữu được chuyển sang cho mỗi nhà thờ và mỗi cộng đồng, còn giám mục thì giữ quyền quản trị. Luật Roma thừa nhận các ”pháp nhân” (personae morales) cũng như các cộng đồng tu trì, và các trường học; như vậy là nhà thờ ”thành quốc” được liệt vào phạm trù pháp lý chung. Khi người ta bắt đầu xây cất nhiều nguyện đường, giáo luật cũng thừa nhận các nguyện đường ấy như pháp nhân cóquyền sở hữu, có các ưu tiên không thể chuyển nhượng được. Việc người sáng lập ra nhà thờ và các người thừa kế của họ có quyền ưu tiên lựa chọn linh mục, chẳng qua chỉ là hợp pháp hóa tục lệ đã có sẵn; tuy thế điều qui định này có những hiệu quả rất lâu dài. Dù vậy gần một thế kỷ sau, khuynh hướng lập lại trật tự dưới đời Gélase I đã thắng thế. Vào thế kỷ VI, hệ thống giáo xứ bắt đầu xuất hiện tại Ý, tại Tây Ban Nha và miền nam nước Gaule; về sau cũng được hình thành tại nước Anh, tại miền bắc và miền đông nước Ðức. Các công đồng lên tiếng qui định tổ chức tài chính như sau: giáo sĩ coi xứ được thu hoa lợi của bất động sản và của các cơ sở phụ thuộc; tất cả các bổng lễ phải chia thành ba hay bốn phần, một phần của giám mục, ba phần dành cho các hoạt động chung. Mỗi năm giám mục đến kinh lược giáo xứ một lần; và hằng năm vào dịp lễ Phục sinh, có công nghị giáo phận, giám mục phân phát dầu thánh cho các linh mục đem về dùng khi cử hành các phép bí tích trong cả năm. Sau này người ta lập ra thuế thập phân để linh mục có phương tiện sống.
Ðà tiến triển tuần tự này thừa hưởng được từ giáo luật, đã bị ngưng đọng và tê liệt bởi những khuynh hướng phá rối và ăn mảnh tại Tây Âu sau nhiều cuộc xâm lăng vũ bão. Lúc này quyền trung ương không còn nữa; các cộng đồng mất hết quyền tư hữu và quyền quản trị; Giáo Hội và chính phủ không còn nền hành chánh tập trung hầu giúp các công chức xử dụng quyền bính. Bởi vậy, đã nảy ra chế độ liên lạc riêng tư giữa cá nhân và giữa địa phương. Các nhà sử học không đồng ý nhau về nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu đã gây ra việc thay đổi trên. Các nhà bác học Pháp coi đấy như một tỉ dụ về khuynh hướng tự nhiên của tư nhân và của những người thấp kém muốn tìm cách để các vị bề trên có quyền trực tiếp bênh vực mình, và để trở nên người thụ ủy của họ. Các nhà bác học Ðức lại cho rằng biến chuyển này là do ảnh hưởng của truyền thống Ðức chủ trương các lãnh chúa và các ông hoàng phải làm chủ các nhà thờ tư và linh mục quản nhiệm. Như vậy người ta áp dụng nguyên tắc pháp lý Ðức vốn dành cho ông ”chúa trùm” tất cả những gì đang có trên phần đất của ông (superficies solo cedit) Nguyên tắc này đối nghịch với luật Roma vốn khẳng định tư sản của Giáo Hội thuộc về bàn thờ đã được cung hiến (fundus sequitur altare). Dĩ nhiên, hai quan niệm pháp lý và hai hình thức áp lực xã hội này đã bành trướng tùy theo từng miền. Còn phải thêm vào đấy khái niệm của người Pháp về Giáo Hội miền (Landeskirche) và về giám mục trong phần đất thuộc nhà vua, ngược với khái niệm của Roma về giám mục của ”thành quốc” trong Giáo Hội hoàn vũ. Dù sao chăng nữa, có những khuynh hướng sâu xa đã đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ; quyền bính đi từ người này đến kẻ khác. Mối liên lạc giữa các phần tử cùng một phẩm trật giảm sút dần; các tổng giám mục và các giám mục mất quyền trực tiếp trong giáo khu và trong giáo phận. Ở cấp bậc dưới, cấp bậc nhà thờ tư và cấp bậc linh mục, chỉ còn một điều quan trọng là mối liên lạc giữa tư nhân và quyền tư sản. Khó lòng nhận định rõ: hiện tượng tục hóa chung ở thế kỷ VII và VIII đã dựa vào đâu để thúc đẩy và hoàn tất bước tiến hóa ấy. Ðiều chắc chắn, quan niệm nhà thờ địa phương là của một người và của linh mục, nếu linh mục là ”người” của vị ”chúa trùm”; quan niệm này rất thịnh hành từ năm 600 và không đầy một thế kỷ sau, đã trở thành quan niệm phổ biến, được mọi nơi công nhận. Như vậy, chế độ nhà thờ tư (Eigenkirchentum) đã được thiết lập và thành nét đặc trưng chung cho cả Tây Âu trong vòng bốn thế kỷ. Tập quán đã có sẵn, rồi luật lệ mới đến sau, cũng như thể chế ”phong kiến” đã thành hình vào thời kỳ ấy. Dần dần người ta coi nhà thờ (và đôi khi tu viện và toà giám mục) như bất động sản, có thể đưa ra mua bán, di tặng hay đổi chác; cũng có thể coi đấy như của thừa tự hay di tặng. Các hoa lợi của nhà thờ có thể được chia làm nhiều phần và dành riêng cho một người. Một người bà con hay một cơ sở tôn giáo có quyền thu thuế thập phân và các của dâng cúng do giáo luật ấn định. Linh mục thường là nông nô của địa chủ có thể được coi như một chư hầu và chức vụ của ông là một ân bổng hay một lối trả công (benéficium). Từ ”ân bổng” còn gặp thấy trong nhiều tiếng nói Âu châu để chỉ riêng chức vụ giáo triều. Bằng chứng là chức vụ đã được xử dụng theo nghĩa chung ấy. Ai cũng có quyền có nhà thờ, hoặc một tư nhân, một nhóm người, một nhà dòng, một giám mục hay một ông vua. Giám mục và bề trên tu viện lại có thể có những nhà thờ ở xa địa phận hay khu vực mình ở. Lâu dần quan niệm này đã làm cho người Âu châu quên đi ý tưởng trước kia rất thịnh hành vào cuối thời Ðế quốc. Vừa mới được khai sinh ra, qui chế giáo xứ đã bị hạn chế hay bị bóp chẹt. Các nhà thờ giáo xứ tại Pháp, tại Anh và ở những nơi khác mất qui chế lệ thuộc trực tiếp các giám mục. Chế độ nhà thờ tư đã gặp thấy tại Tây Ban Nha Wisigothe vào thế kỷ VI. Còn tại Gaule, trước khi Clovis trở lại đạo, chế độ nhà thờ tư đã thịnh hành tại miền Francie dưới đời Carloman và Pépin, để trở nên thông thường dưới đời Charlemagne. Vào thế kỷ IX, bước diễn tiến này ảnh hưởng đến di sản chung của Giáo Hội Roma, vì thế, Tòa Thánh đã miễn cưỡng bắt các tu viện và các nhà thờ đang qui phục đền thánh Phêrô tuân theo chế độ ấy.
Dầu vậy, tại đó đây cũng có những cố gắng để mang lại cho tình trạng ấy một bộ mặt pháp lý. Năm 746 Pépin yêu cầu giáo hoàng Zacharie cho ông biết phải xử sự thế nào đối với các nhà thờ tư. Giáo hoàng đã trả lời theo lời lẽ cổ truyền: giám mục địa phương phải cung hiến nhà thờ tư và cắt đặt linh mục đến coi sóc; nhà thờ tư không được hưởng những quyền lợi như nhà thờ giáo xứ. Tòa Thánh không duy trì lâu dài lập trường cứng rắn ấy. Dưới đời Charlemagne đã có dự tính về một thỏa ước. Quyền trao tặng, chuyển nhượng và bán nhà thờ được công nhận; mỗi nhà thờ phải có thể lãnh nhận tiền của dâng cúng bất khả nhượng và mỗi linh mục phải có số lương bổng tối thiểu, một ngôi nhà thờ và một khoảng đất. Luật cấm linh mục không được trả tiền để mua chức vụ; bất cứ linh mục coi nhà thờ tư nào cũng phải đón tiếp giám mục khi ngài đến kinh lược và phải dự hội đồng địa phận vào dịp lễ Phục Sinh. Dưới đời Louis le Pieux, phe canh tân do Agobard người Lyon cầm đầu, cố gắng đi xa hơn nữa: linh mục phải là người tự do không vướng mắc một phận vụ nào khác; việc chỉ định linh mục phải được giám mục chấp thuận. Nhưng khi nền quân chủ mất quyền kiểm soát, tất cả phương àn phục hồi các thể chế giáo luật ngày trước đều thất bại. Năm 826, giáo hoàng Eugène II công nhận tính cách hợp pháp của nhà thờ tư. Không ai có thể tước đoạt quyền của người đã sáng lập ra một nhà dòng hay một nhà nguyện theo thông lệ; với điều kiện là phải được giám mục phê chuẩn, chủ nhân được hoàn toàn tự do trong việc chọn linh mục phụ trách mà không cần phải có đất nhượng. Về phía giáo luật thì chỉ còn vớt vát được một điểm là linh mục phải làm lễ nhận chức trước chủ đất và nhận giáo vụ qua giám mục. Kể từ đó, không ai dám tự quyền đứng ra cải cách; và thực tế toàn thể Giáo Hội dần dà bị lôi cuốn vào chế độ phong kiến, ngay các giám mục cũng bị quyền hành của lãnh chúa khống chế. Ngay từ lúc bắt đầu cải tổ lại Cluny, đã có khoản luật qui định: ”Nhà thờ phải được giao phó với nếp nhà ở của linh mục, với thửa đất ấy, với thuế thập phân, với đất đai, vườn nho, đồng cỏ, tường vây, các nông nô và nói chung là tất cả những cái gì thuộc về nhà thờ. Một nhà sử học đã ghi lại: quyền sở hữu một nhà thờ biến rất nhanh thành quyền sở hữu một thửa đất (6).
Sau dần người ta mới định nghĩa rõ hơn thế nào là bản tính kinh tế và vật chất của thứ dịch vụ ấy. Việc trao phó nhà thờ đã trở nên khế ước và phải trao trả bằng tiền mặt. Sau khi nhận được nhà thờ, chủ mới thu hoạch thuế thường niên và được hưởng những bổng lộc và đồ trao tặng; nhà thờ là của riêng ông: ông có quyền chuyển nhượng lại cho người khác như ông muốn; ông cũng thâu hoạch một phần lớn thuế thập phân. Linh mục chỉ còn được thừa hưởng một mảnh đất, một phần nhỏ thuế thập phân, và các tặng phẩm. Ông có bổn phận trả lệ phí và phải phục vụ chủ đất. Thật ra nhà thờ đã trở thành một tài sản, một bất động sản người ta có thể đem xử dụng như các tài sản khác. Người ta cũng có thể chia gia sản ấy cho người hàng dọc hay hàng ngang; một cá nhân có thể là sở hữu chủ một nửa hoặc (một phần mười hai) nhà thờ; hoặc làm chủ gian giữa nhà thờ, làm chủ bàn thờ, chủ thuế thập phân, hay được hưởng một phần của người ta đem đến dâng cúng.
Cũng vào thời kỳ ấy, nhà thờ với các cơ sở phụ thuộc kể cả linh mục, đều thuộc quyền lãnh chúa, và được liệt kê vào hàng danh dự. Chính nhà thờ là một ân bổng và là thứ ân bổng cao quí hơn cả (honor ecclesiasticus). Linh mục thề hứa trung thành với chủ đất, phục vụ ông về mặt thiêng liêng, như dâng lễ và ban phát các phép bí tích, cũng như trong các việc giấy tờ, chưởng khế và quản trị. Linh mục có thể có các chư hầu cấp dưới; Cấp trên của linh mục là giám mục được coi như lãnh chúa địa phương (Eigenkirchen), có quyền khai thác các họ đạo ấy giống như một ông trưởng thái ấp. Lúc người hưởng lộc qua đời, nhà thờ cũng như các thái ấp đều bị tước đoạt (=)), và trong khi trống ngôi thì nhà thờ thuộc về quyền người bá chủ. Hệ thống nhân sự của một họ đạo rất mập mờ. Các nhà thờ được xếp theo ba loại, nhà thờ giám mục, nhà thờ dòng tu hoặc nhà thờ kinh sĩ, và nhà thờ của một lãnh chúa người đời.
Trong những trang trên đây chúng tôi đã đề cập đến khía cạnh vật chất của bước diễn tiến làm cho nhà thờ, nhà dòng hay tòa giám mục trở nên nguồn lợi dưới nhiều hình thức và theo nhiều trình độ khác nhau, tức là trở nên ”tư sản” của một nhân vật, bất kỳ họ là người quí tộc, là phần tử của một nhóm nông dân, là công tước hay là vua. Việc sưu tầm lịch sử thường nghiêng về khía cạnh khác, khía cạnh của đại điền chủ, khía cạnh của hoàng đế hay của vua, là những người có quyền chỉ định và đứng chủ lễ trao quyền. Ðấy là hai khía cạnh của một hoàn cảnh tức là ”Giáo Hội dưới quyền các giáo dân”, là hoàn cảnh đã khơi mào cuộc cải cách trong thế kỷ XI.