CHƯƠNG III
BYZANCE VÀ CÁC GIÁO HỘI ÐÔNG ÂU
CHƯƠNG III
BYZANCE VÀ
CÁC GIÁO HỘI ÐÔNG ÂU
Phần lớn các cộng đồng Kitô hình thành thời đầu Trung cổ tại những miền nói tiếng Slave, tại bán đảo Balkans, tại những nước ở trung độ và hạ vực ven sông Danube và tại Nga Sô, trực tiếp hay gián tiếp, đều do các vị truyền giáo Byzance gây dựng nên. Vào thế kỷ X, các dân tộc ở những miền này đã trở lại đạo hết, ít ra là giới cầm quyền. Năm 1000, tại Ðông âu đã xuất hiện một cộng đồng dân tộc, trong đó các nhà cầm quyền và nhóm trí thức đã thống nhất phần nào, vì họ chủ trương một nền Kitô Ðông-Âu và theo cùng một văn hóa xuất tích từ Byzance. Việc các nước Ðông-Âu trở lại, sức phát triển nền văn hóa kitô của họ là hiệu quả sức cố gắng truyền giáo mà Giáo Hội Ðông phương đã theo đuổi từ thế kỷ VI, mặc dù có lúc bị ngưng trệ hay gián đoạn. Những chỉ thị chung về sự cố gắng ấy đã được ban hành dưới triều đại Justinien (727-765).
1. NHỮNG CHỈ THỊ CHUNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIÁO SƠ KHỞI CỦA GIÁO HỘI ÐÔNG PHƯƠNG.
Vào thế kỷ VI, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Ðông phương đã được liên kết với các ý đồ chính trị ngoại giao của Hoàng triều. Cả hai bên đều tìm thấy động lực và ý thức hệ biện minh trong ba nguyên tắc căn bản:
a) Niềm xác tín thừa hưởng được từ Roma cổ đại: Ðế quốc phải được phổ quát và bao trùm toàn thể thế giới văn minh, trong đó các dân tộc phải phục tùng Hoàng đế thành Constantinople.
b) Tư tưởng phát xuất từ quan niệm Hy-lạp là các dân man ri còn sống ngoài Oikouméné, phong trào phổ quát văn minh, một ngày nào đó họ sẽ được hội nhập vào cộng đồng văn minh của cácRhomaioi.
c) Niềm tin thừa hưởng từ truyền thống Do thái-Kitô cho rằng các Rhomaioi đã được hoàng đế Constantin hiến dâng để phụng sự đấng Kitô họp thành dân lựa chọn mới, có sứ mệnh mang Phúc Âm đến cho hết mọi dân tộc trên thế giới.
Như vậy, hòa bình Roma (Pax romana) trùng họp với hoà bình kitô (Pax christiana), các quyền lợi của Ðế quốc trùng hợp với sức phát triển Ðức Tin. Ðiều đó cắt nghĩa tại sao nhiều hoàng đế rất quan tâm đến bổn phận phải làm cho các dân man ri trở lại đạo, và tại sao phong trào truyền giáo Byzantin, từ thế kỷ VI, được nhận định và thích ứng cho phù hợp với các nhân tố chính trị và tôn giáo trong mỗi triều đại. Như vậy mỗi nhà truyền giáo Byzantin có hai trách nhiệm: ngài là một vị tông đồ được phái đi để mở rộng nước Chúa, đồng thời cũng là sứ giả của Ðế quốc Roma-Ðông phương. Vì thế mỗi khi đến với người man ri, ông được tháp tùng cách uy nghi bệ vệ như một vị đế vương trần thế. Dây liên kết giữa nền ngoại giao và công trình Phúc Âm hóa ở ngoại quốc đã được thể hiện ngay chính tại Constantinople. Các cuộc đón tiếp dành cho những ông chúa trùm man ri ngoại giáo nhằm hai mục đích giàn xếp rất khéo léo: một bên cho họ thấy cảnh lộng lẫy huy hoàng của Ðế quốc, đồng thời tìm cách đánh động tâm hồn người ta bằng các phụng vụ kitô nghiêm chỉnh, diễn ra trong các thánh đường nguy nga hơn cả, chẳng hạn nhà thờ chính tòa thánh Sophia với lối kiến trúc hết sức lộng lẫy.
Dây liên lạc mật thiết giữa chính phủ và Giáo Hội trong sứ mệnh chung là bành trướng quyền tối cao của nền quân chủ kitô nhiều lúc cũng gây bất lợi cho cả đôi bên. Nhiều dân tộc man ri sống khăng khít với những tư tưởng ngoại giáo không dễ gì đã tùng phục quyền hành Byzantin. Một số dân tộc khác vì ái mộ nền độc lập chính trị của mình, không muốn một ảnh hưởng nào xúc phạm đến, và vì thế, không muốn chấp nhận quyền thiêng liêng của Constantinople. Năm 528 có ông vua người Huns tên là Grod sẵn lòng chịu phép rửa tội tại thành phố Bosporus miền Crimée. Vì ông là con đỡ đầu và là đồng chí của hoàng đế Justinien, nên người ta tưởng lúc ông trở về bản quán sẽ bênh vực các quyền lợi chính trị của Ðế quốc. Trong việc này giới ngoại giao Byzantins đã hoạt động quá hấp tấp, khiến các thần dân của Grod lo sợ sẽ bị bó buộc trở lại đạo Công giáo. Do đó, họ nổi loạn và giết vua của họ đi. Ðế quốc phải phái một đạo binh đến bình phục miền nam Crimée, nhưng mưu đồ kitô hóa người Huns trong miền này đã thất bại (1).
Dù thế, chương trính truyền giáo đã được triều đình nâng đỡ nhiều lần. Khoảng năm 530 một vị giám mục người Arménien tên là Kardutsat cùng đi với một số linh mục đến giảng đạo cho người Huns sống tại miền khô chồi phía bắc dãy núi Caucase. Trong vòng bảy năm chung sống với họ, ngài đã giúp cho nhiều người trở lại và phiên dịch nhiều sách ra tiếng Huns, có lẽ là Thánh Kinh và nghi lễ phụng vụ. Hoàng đế Justinien gửi tiếp tế cho các vị ấy bột, rượu, dầu, các đồ lễ bằng vải gai và nhiều chén thánh. Người kế vị Kardutsat giữa cộng đồng Huns là Maku, cũng là giám mục Arménien. Theo một nhà văn gốc Syrie thời ấy, vị truyền giáo tên tuổi này ”đã xây cất nhà thờ bằng gạch, trồng cây cối, gieo nhiều thứ hạt, làm nhiều phép lạ và đã rửa tội được nhiều người” (2). Ông cho chúng ta có một bản thống kê đầy đủ các đặc tính của một phong trào truyền giáo đã thành công giữa người miền núi khô chồi, nhờ sự bảo trợ của triều đình Byzance: như tinh thần Phúc Âm trung thực, việc dịch Thánh Kinh và nghi thức phụng vụ ra tiếng bản quốc để giúp các người ngoại đạo dễ cải đạo; như sự nâng đỡ chính trị của hoàng triều; như những cố gắng của các vị thừa sai giúp những người du mục trước chỉ biết chăn nuôi chiên cừu, nay biết cách khai khẩn đất đai và trồng cấy mùa màng; như những cố gắng giúp cộng đồng xây dựng nền móng vững chắc về tôn giáo và văn hóa; như các thừa sai đã khéo léo dùng kỹ thuật đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của giáo dân; như ban ngoại giao Byzantin đã xử sự rất mềm dẻo và tinh ý đối với các thừa sai Arméniens theo phái Nhất tính, phục vụ người Huns trong Ðế quốc truyền thống. Nhờ bản thống kê này, chúng ta biết được tình hình các cuộc truyền giáo về phía bắc Ðế quốc như thế nào.
Việc trà trộn các động cơ chính trị và tôn giáo lại gặp thấy trong cách tổ chức truyền giáo được Hoàng đế Heraclius bảo trợ. Khoảng năm 626, hai dân tộc Croates và Serbes đến định cư tại miền núi Balkan có mục đích bảo vệ phần đất của triều đình khỏi bị người Avars lấn chiếm. Hoàng đế đã xin Roma phái các vị truyền giáo đến giảng đạo cho hai dân tộc này (3). Nhưng họ chỉ trở lại cách hời hợt, vì thế các thừa sai đã phải giảng đạo lại cho hai miền Serbie và Croates vào thế kỷ IX. Dầu vậy, nhờ việc chấp nhận đạo Kitô, họ đã sống trung thành với Ðế quốc một thời gian. Mối đe dọa của các người Avars bùng nổ trong những hoàn cảnh bi đát, lúc Constantinople bị bao vây năm 626, cắt nghĩa tại sao Héraclius phải cố gắng duy trì mối thân thiện với các người miền núi phía nam Nga Sô: vừa ngoại giao mềm dẻo với họ, vừa tìm cách lôi kéo vào đạo Kitô. Héraclius đã ký thỏa ước với người Thổ Nhĩ Kỳ Onogours (cũng gọi là Bulgares) là dân tộc, nhờ sự bảo trợ của Byzance, đã dựng nên một nước bao trùm từ dãy núi Caucase đến sông Don và có lẽ đến cả miền hạ lưu sông Dniepr nữa. Lễ rửa tội của vua người Onogours là Kowat năm 619 đã củng cố thêm việc giao hảo này và vua Kowrat (+ 642) đã thành vương hầu của hoàng đế. Thật ra ông đã là kitô hữu từ buổi thiếu thời, lúc ông sống tại kinh đô Byzance (4).
Trong vòng hai thế kỷ, từ 650 đến 850, công trình truyền giáo của Giáo Hội Byzantin bị ngừng trệ. Bán đảo Balkanique đã bị các người Slaves ngoại đạo lấn chiếm hầu hết; nơi đây đã xảy ra cuộc giao tranh hầu như tuyệt vọng với người A-rập; vụ tranh chấp về ảnh tượng lại gây thêm phá hoại; toàn thể mặt trận tranh đấu để sống còn đã làm tiêu hao tiềm lực của Ðế quốc, làm giảm sút lòng đạo đức của Giáo Hội, và làm tê liệt nền ngoại giao. Dù sao trong suốt thời kỳ đen tối ấy, người Byzantin vẫn ý thức là cái bổn phận tôn giáo và bước thắng lợi chính trị vẫn ở trong việc rao giảng Phúc Âm cho các người ngoại đạo. Trong thế kỷ VIII họ tìm cách lôi kéo vào đạo các người Khazars đang chiếm giữ miền khô chồi phía nam Nga-sô. Mưu toan này đã thất bại vì các ông chúa trùm Khazars nhận thấy đường lối trung lập theo Ðức Tin Do thái thích họp hơn là các dấn thân chính trị do nền kitô Byzantins chủ xướng. Cũng nên nhớ là các chính phủ đả phá ảnh tượng tại Constantinople, sau đã bắt bớ và đày ải các người biện hộ ảnh tượng, đã không ngần ngại lợi dụng họ để truyền bá đạo Kitô giữa những người Khazars mới thu phục được.
2. CYRILLE VÀ MÉTHODE - TRUYỀN GIÁO MORAVIE
Giữa thế kỷ thứ IX, một phong trào truyền giáo của Giáo Hội Byzance đã bùng dậy và đi đôi với cố gắng ngoại giao của triều đình. Cả hai bên đã giữ liên hệ mật thiết với nền phục hưng chính trị và văn hóa vào năm 843, sau khi nhóm bài trừ ảnh thánh thất thế. Cả đôi bên đạo đời đã đạt được mức oanh liệt vào các năm 870: nền văn minh Byzance đã vượt ra xa khỏi ranh giới phía bắc Ðế quốc, đã đi sâu vào Ðông Âu và Trung Âu, và đã khuất phục được một phần lớn thế giới Slaves. Phong trào này đã được đánh dấu bằng danh thơm của hai vị thừa sai trứ danh người Byzance là Cyrille và Méthode.
Cyrille (tức là Constantin, cái tên người ta quen gọi ông trước khi ông khấn dòng mấy tuần lễ vào cuối đời) và Méthode sinh quán tại Thessalonique Cha của hai ông là một công chức cao cấp Byzance. Méthode là anh, sau mấy năm làm tỉnh trưởng tại miền Slave, có lẽ là quận Macédoine, khoảng năm 840 ông vào tu tại một trong các nhà dòng ở núi Olympe miền Bithynie; đây là trung tâm tu viện thứ hai trong Ðế quốc, sau Constantinople. Còn Constantin lại là một nhà bác học. Ông theo trường đại học Constantinople và về sau lên kế vị giáo trưởng Photius. Ông lên chịu chức tại thành phố này. Khoảng năm 851, ông cầm đầu phái đoàn đi thăm triều đình vua Ả-rập; và năm 860/861 ông lại dẫn đầu phái đoàn tôn giáo đi gặp các người Khazars. Năm 862 Ratislav, ông hoàng miền Moravie gởi đại sứ tới Constantinople; ông xin ký giao hảo chính trị với hoàng đế Michel III và yêu cầu hoàng đế gửi đến miền Moravie một vị truyền giáo biết nói tiếng Slave. Với hai đề nghị này Ratislav muốn tìm cách duy trì nền độc lập chính trị trước Louis người Ðức là vua miền Bavière, và muốn thực hiện văn hóa cho xứ sở. Chính phủ Byzance nhận thấy có lợi cả về thiêng liêng lẫn vật chất trong việc bành truớng thế lực tại Ðông Âu, đã ký hòa ước với Ratislav và cắt cử Constantin và Méthode điều hành việc truyền giáo tại Moravie. Xuất xứ từ Thessalonique là thành phố nói hai thứ tiếng, hai anh em này thông thạo tiếng Slave là tiếng nói của miền Macédoine bên cạnh. Trước khi rời khỏi Byzance, Constantin đã sáng chế ra một bản chữ cái để giáo dân dùng về sau. Hiện nay người ta đồng thanh công nhận đây là bản chữ cái glagolitique, một sáng kiến rất độc đáo, mà chữ viết gọi là cyrilique là tên dòng của Constantin; những bản chữ cái Bulgare, Serbe và Nga Sô đã rập theo bản chữ cái ấy; sau này các môn đệ của Méthode đã thích ứng lối viết cyrilique ấy với vần onciale hy lạp để viết ra tiếng slave. Nhờ có bản chữ cái mới và sự giúp đỡ của các nhà ngôn ngữ học byzantin, Constantin đã dịch một số bài Phúc Âm khởi sự bằng các lời của thánh Gioan: ”Thoạt tiên đã có Ngôi Lời”.
Như vậy một thứ tiếng văn chương mới đã được sáng tác, gọi là tiếng Slavôn, dựa trên tiếng địa phương slave của miền Macédoine. Tiếng này có nhiều mầu sắc nhà đạo, lại vì nó có nhiều chỗ giống các loại tiếng slave trong thời ấy nên được các dân tộc slave hiểu dễ dàng. Suốt thời Trung cổ, tiếng slavon là tiếng quốc tế thứ ba tại Âu châu và là tiếng phụng vụ của các người Slave tức là người Bungare, người Nga Sô và người Serbe. Nhờ Byzance, các dân tộc này mới biết tôn giáo và phần lớn các tác phẩm văn hóa.
Các đại sứ Byzantins đã tới Moravie vào mùa xuân năm 863. Ðược Ratislav làm hậu thuẫn và được mấy giáo sĩ nói tiếng slave tháp tùng từ Constantinople, Constantin và Méthode dấn thân vào việc truyền giáo. Miền Moravie đã được nghe nói về đạo Kitô vào tiền bán thế kỷ IX bởi các vị thừa sai người Francs từ Salzbourg và Passau tới. Cũng rất có thể là các cha dòng Ái Nhĩ Lan đã từ miền Bavière đến giảng đạo tại miền này vào thế kỷ VIII. Nhưng các thừa sai byzantins đã hoàn tất công việc của những vị trước bằng cách đưa đến miền Moravie Kinh Thánh và phụng vụ dịch ra tiếng địa phương. Hình như Constantin đã dịch ra tiếng slavon các kinh phụng vụ byzantin, trong đó có phụng vụ của thánh Gioan Kim khẩu, và một công thức lễ la-tinh các người Moravie đã quen biết. Theo một số học giả, công thức này được gọi là nền phụng vụ thánh Phêrô, đã dịch từ tiếng la-tinh sang tiếng hy-lạp, có thêm mấy chỗ cần thiết theo nghi thức byzantin. Ðối với người Byzantins, việc dịch các nghi lễ ra tiếng địa phương là điều hợp tình hợp lý: vì nhiều dân tộc thuộc cộng đồng Kitô Ðông phương, như người Arméniens, người Géorgiens và người Coptes, đã dùng tiếng riêng của họ trong phụng vụ từ lâu rồi. Trái lại trong Giáo Hội Tây phương, tiếng latinh là tiếng độc nhất được công nhận trong phụng vụ. Thế là các giám mục người Francs nghi kỵ về kinh nghiệm mục vụ của Constantin và Méthode. Hơn thế, các ngài còn oán trách hai anh em truyền giáo đã vượt quá phạm vi giáo sĩ. Cuộc tranh luận tại Moravie giữa hai phe người Francs và Byzantins sôi nổi một thời kỳ, giáo hoàng phải dùng quyền để can thiệp. Phỏng ba năm rưỡi sau khi tới Moravie, Constantin và Méthode đi xuống miền nam truyền chức cho mấy đồ đệ (5). Dọc đường họ gây được thiện cảm với ông hoàng Slave tên là Kocel đang cai trị miền Pannonie. Ông hoàng học tiếng slavon, ông gửi gắm hai vị truyền giáo chừng năm mươi người thần dân để làm đồ đệ các ngài. Trong khi hai vị sống tại Venise, Constantin lại công khai biện hộ cho tiếng bản quốc, đối lập lại với các linh mục la-tinh tại đấy. Theo một sử gia thời ấy, các linh mục la-tinh trình bày ”ngụy thuyết ba thứ tiếng”, với thâm ý cho rằng chỉ có tiếng Do thái, Hy-lạp và La-tinh mới là ngôn ngữ phụng vụ. Có lẽ là từ Venise mà Constantin và Méthode đã được giáo hoàng Nicolas I mời tới Roma. Các ngài tới kinh thành thánh vào mùa đông năm 867/868
Khi phải lấy quyết định về hai vị truyền giáo này, giáo hoàng mới lên ngôi là Adrien II đứng trước một tình trạng khó xử: mọi người đều biết Constantin và Méthode là bạn thân của giáo trưởng Photius mà tòa Roma không chấp nhận, đồng thời, Roma chưa hay tin tòa Constantinople của Photius bị đảo chính (24.9.867) và giáo trưởng Ignace lên kế vị. Mặt khác, hai anh em này là những vị đã nổi tiếng; các ngài lại mang theo hài cốt vẫn được coi là của thánh Clément thành Roma. Các ngài cũng được các ông hoàng người Slave miền Trung âu là Ratislav và Kocel ủng hộ. Nhận thấy các thành quả tốt đẹp mới thu được tại Bulgarie, giáo hoàng muốn lợi dụng dịp này tách hai miền Moravie và Pannonie khỏi quyền bính của hàng giáo sĩ người Francs và cho hai miền này trực thuộc quyền Roma. Như vậy là giáo hoàng Adrien II ủng hộ Constantin và Méthode hoàn toàn. Ngài quyết định phong chức linh mục cho các đồ đệ của hai vị, cho làm lẽ bằng tiếng slavon tại bốn nhà thờ cả ở Roma, và các sách phụng vụ bằng tiếng slavon phải được lưu trữ tại nhà thờ Ðức Bà Cả. Sau cuộc chiến thắng của cả một đời lăn lộn, Constantin mắc bệnh nặng. Ngài qua đời tại Roma năm 869, hưởng thọ 42 tuổi, sau khi đã vào tu dòng và mang tên là Cyrille. Thi hài của ngài được chôn cất tại thánh đường thánh Clément.
Từ nay, tương lai của cộng đồng Kitô-Slave tùy thuộc ở Méthode và giáo hoàng. Vì có lời thỉnh cầu của Kocel, giáo hoàng Adrien II gửi Méthode sang Pannonie, mang đến cho Ratislav và cháu của ông là Swatopluk một bức thư cho phép các ngài được dùng phụng vụ Slave tại miền họ đảm nhiệm. Cuối năm 869 Méthode trở lại Roma và được tấn phong chức tổng giám mục Pannonie; rồi ngài trở về địa phận truyền giáo Moravie có tòa giám mục ngay trung tâm Sirmium. Xử sự như vậy là giáo hoàng có ý bù lại việc mất Bulgarie, trước kia tùy thuộc Giáo Hội Byzance. Nhưng nền tảng làm hậu thuẫn cho công trình truyền giáo của Méthode tại Trung Âu không được lâu dài. Quyền bính của Méthode tại Moravie và Pannonie đụng chạm đến các đặc quyền của giáo sĩ người Francs miền Ðông. Nhân lúc Louis người Germanie thắng thế, bắt Ratislav phải nhường quyền cho cháu là Swatopluk. Một công đồng địa phương do tổng giám mục Salzbourg chủ tọa, lên án Méthode về tội chiếm đoạt quyền giám mục; vị thừa sai này bị giam giữ hai năm rưỡi tại một tu viện miền Bavière. Phải đợi tới năm 873, sau khi biết vị tổng giám mục bị đày đọa như thế nào, giáo hoàng Gioan VIII mới ra lệnh cho vua Bavière và cho các giám mục phải thả Méthode ra.
Nhưng Méthode lại phải đương đầu với thử thách khác. Giáo hoàng Gioan VIII ra lệnh cấm không cho cử hành phụng vụ slave trong địa phận truyền giáo. Ngài lo ngại vì nền phụng vụ này, cuộc tranh chấp với hàng giáo sĩ Francs có thể nên trầm trọng. Thế nhưng Méthode vẫn không biết gì về việc lên án kia. Trong vòng mười hai năm trước khi qua đời tại tòa tổng giám mục Pannonie, ngài vẫn tiếp tục xây dựng Giáo Hội Slave bằng việc dùng tiếng bản xứ. Ngài dịch thêm những đoạn Thánh Kinh trước kia chưa được dịch, các nghi lễ phụng vụ, cuốn giáo luật byzantin và nhiều đoạn văn của các Giáo phụ; ngài huấn luyện một số giáo sĩ nói tiếng Slave. Công việc truyền giáo của ngài luôn luôn bị đe dọa, phần vì Swatopluk tỏ ra lạnh nhạt, phần bị các giáo sĩ Francs đố kỵ, tìm mọi cách phá rối. Họ báo cáo lên giáo hoàng rằng: khi đọc kinh Tin Kính, Méthode đã bỏ chữ Filioque. Năm 880, Méthode lại sang Roma một lần nữa: ngài minh oan trước giáo hoàng Gioan VIII là ngài vốn theo giáo lý truyền thống, đồng thời ngài xin giáo hoàng công nhận nền phụng vụ Slave là hợp pháp. Trong sắc lệnh Industriae tuae (880) giáo hoàng tuyên bố: ”Chắc chắn không có điều gì nghịch với Ðức Tin và nền giáo lý khi dùng tiếng Slave để hát lễ, đọc các bài Tân ước và Cựu ước đã được phiên dịch và chú giải đàng hoàng, hay hát trong các giờ phụng vụ. Vì Ðấng dựng nên ba tiếng chính Do-thái, Hy-lạp và La-tinh, Ngài cũng đã dựng nên các thứ tiếng khác để người ta ca tụng và làm sáng danh Ngài”.
Sau này, các nhà cầm quyền Byzantins, khi đã giao hảo với tòa giáo hoàng, đều tán dương việc Gioan VIII nâng đỡ Méthode và ca ngợi công việc của ông. Khoảng năm 882, theo lời mời của Basile I, Méthode đến Constantinople. Ngài được Hoàng đế và giáo trưởng Photius đón tiếp rất nồng hậu, và được nhà cầm quyền Moravie chấp thuận cho ngài trở lại miền này. Nhưng vào những năm cuối đời, cho dù viết lách nhiều bài giá trị, ngài cũng bị lu mờ đi, vì gặp những chuyện thất bại. Sau khi Gioan VIII qua đời năm 882, tòa Giáo hoàng không tiếp tục đỡ đòn cho Méthode trước phe người Ðức tại Moravie nữa. Ngay sau khi Méthode vừa mới qua đời năm 883, giám mục Wiching kẻ thù và là đối thủ số một của Méthode chạy ngay sang Roma, và xin được giáo hoàng Etienne V lên án nền phụng vụ Slave. Mấy tháng sau, các môn đệ thân tín của Méthode, trong đó có Gorazd mà ông đã chọn lên làm người kế vị, bị bắt và bị đuổi khỏi miền Moravie.
Mặc dầu bấy giờ đã có những mầm mống đối nghịch giữa Ðông phương và Tây phương, công trình truyền giáo mà hai thánh Cyrille và Méthode đã thực hiện giữa một cộng đồng kitô, xem ra còn có tinh thần và sự hiệp nhất. Tinh thần truyền giáo ấy đã là nhân tố hòa đồng ba yếu tố chính, Byzance, Roma và Slave, là những yếu tố đã kết tinh ra nền văn minh châu Âu đời Trung cổ.
Là công dân của Ðế quốc Roma tại Ðông phương, Cyrille và Méthode đã trung thành hoàn tất hai nhiệm vụ: thừa sai của Giáo Hội Byzantin và đặc sứ của Ðế quốc. Các nhà cầm quyền Byzance vẫn tiếp tục ủng hộ công việc của các ngài. Khi đến Constantinople lần cuối cùng, theo lời đề nghị của hoàng đế, trước khi trở về Moravie, Méthode đã để lại đấy một linh mục và một thầy phó tế với các sách phụng vụ bằng tiếng Slave. Sau khi ngài qua đời, nhiều môn đệ của ngài bị người Moravie bắt bán làm nô lệ. Nhưng hoàng đế Byzance sai người đến Venise chuộc lại các vị ấy, rối phái đi giảng đạo tại Bulgarie. Hẳn là vào cuối thế kỷ IX, các nhà cầm quyền Byzantin đã tiếp dụng các linh mục nói tiếng Slave và thu thập những sách phụng vụ slavon để giúp họ đi giảng đạo tại miền Balkans và Nga Sô. Việc hàng giáo sĩ Francs làm hết cách để tiêu diệt Giáo hội nói tiếng slave tại miền trung Âu, không làm cho chúng ta quên rằng, trong một thời gian, chính giáo hoàng đã đón nhận và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của Cyrille và Méthode. Hai vị truyền giáo byzantins và nhiều người đồng hương khác của họ đã công nhận quyền tối thượng của giám mục Roma trền toàn thể thế giới Kitô, xưng hô ngài là Apostolicus như thường đọc thấy nơi sách viết bằng tiếng slavon về Cyrille và Méthode, trong thế kỷ IX. Riêng phía các người Slave, họ đã thừa hưởng từ hai anh em này nền tảng văn hóa Kitô đời Trung cổ: đó là Kinh Thánh, Phụng Vụ Byzantin đã được dịch ra một thứ tiếng gần giống tiếng của họ, và nhờ tiếng slavon họ đã tiếp xúc với nền văn chương giáo phụ hy-lạp và văn hóa byzantin; thứ tiếng này đã hun đúc nên nền văn chương quốc gia về đạo đức cũng như về thế tục; sau cùng còn phải kể đến quan niệm độc đáo mà các nhà văn slave sống thời kỳ đầu đời Trung cổ, đã thừa hưởng được từ Cyrille, Méthode và các đồ đệ của họ. Theo đó, mỗi dân tộc được cung hiến cho Thiên Chúa, họ xử dụng tiếng địa phương và các đoàn sủng riêng tư để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.
Mặc dầu có sự đố kỵ liên tục của hàng giáo sĩ Francs và sau năm 885 của Roma, công trình của hai anh em Cyrille và Méthode tại miền Trung Âu châu vẫn luôn ngời sáng trong hai thế kỷ. Nền văn chương và phụng vụ slavon vẫn còn thịnh hành tại miền Bohême và Croatie tới cuối thế kỷ IX. Chủ trương tập trung của Roma và việc chỉ dùng một thứ tiếng phụng vụ đời ấy đã làm cho văn chương và phụng vụ slavon mai một đi. Nhưng tương lai của cộng đồng Kitô-Slave dùng tiếng địa phương lại ở phương trời khác. Sau khi Méthode qua đời, các đồ đệ của ông bị người Moravie trục xuất đã chạy sang Bulgarie. Xứ này có sứ mệnh cứu vẫn nền văn hóa slave, và sau khi khai triển và làm cho nền văn hóa ấy thêm phong phú, họ đã lưu truyền lại cho những người Slave khác tùng phục quyền Giáo Hội Ðông phương, tức là Giáo Hội chính thống Nga-sô và Serbie hiện nay.