26.04.2015
Chúa nhật IV Phục Sinh hôm nay được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về Vị Mục Tử Nhân Lành là chính Chúa Giêsu. Vì sao lại gọi là Chúa Chiên Lành hay Vị Mục Tử Nhân Lành? Lý do rất đơn giản là vì Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc của dân Do Thái thời bấy giờ là hình ảnh người chăn chiên. Vì đời sống của người dân Do Thái là gắn liền với những đàn súc vật và những đồng cỏ, nên để họ hiểu cách dễ dàng mối tương quan giữa Chúa và dân của Người, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người chủ chăn và đàn chiên. Còn nếu Chúa nói vào thời hôm nay, ở nơi chúng ta thì chắc là Chúa phải dùng hình ảnh hàng đoàn công nhân nới các công sở, xí nghiệp đổ ra đường vào các giờ tan ca. Hình ảnh này cũng nói lên một tương quan, nhưng chắc là nó còn xa vời lắm, vì nó phần lớn chỉ là tương quan hà khắc giữa một bên có tiền, có quyền và một bên là vì đồng lương. Còn tương quan giữa người mục tử và đoàn chiên mà Tin Mừng nói đến hôm nay, đó chính là một tương quan tình yêu.
Quả thật, chính bằng mối tương quan yêu thương mà Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái: “Tôi chính là mục tử nhân lành”. Lời khẳng định đó chắc hẳn phải xuất phát từ trái tim yêu thương của Chúa Giêsu để ta được gắn kết với Người và trở nên đoàn chiên, được Người là Chúa chiên lành chăm sóc, che chở. Người đã trở thành mục tử nhân lành đã hy sinh cả mạng sống mình cho đoàn chiên là chính chúng ta.
Khi xưng mình là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu còn như muốn bảo đảm trong mối tương quan yêu thương với đoàn chiên, Người sẽ chu toàn trách nhiệm đối với đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Không như những người làm thuê, vì chiên không thuộc về anh, nên khi kẻ thù của chiên là sói đến thì anh đã bỏ chạy và để chiên bị sói vồ lấy. Trái lại, Chúa Giêsu yêu thương và có trách nhiệm đối với những chiên thuộc về Người. Người coi các con chiên như chính mình nên cũng chẳng cần được trả công. Người nào làm việc chỉ để được trả lương dựa trên công việc của mình thì chỉ nghĩ đến tiền bạc, và khi không có tiền bạc hay khi đã có thứ tương tự bù lại, thì họ cũng chẳng cần. Còn ở đâu có cảm thức về sự “thuộc-về”, như đoàn chiên thuộc về chủ chăn thì ở đó cũng có tình yêu, và ở đâu có tình yêu, ở đó người ta làm việc trong niềm hân hoan vui sướng và không kể gì đến công xá.
Tin Mừng trong ngày chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay làm nổi bật lên mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên, giữa Đấng chăn chiên nhân lành và đàn chiên được Người yêu thương, hay đúng hơn là mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những ai đã nghe tiếng Người, đã theo Người và đã thuộc về Người. Một tương quan tình yêu làm cho Vị Mục Tử và đoàn chiên nên một.
Trước hết, tình yêu ấy được biểu hiện bằng sự hiểu biết. Có lẽ không như các ông chủ, các giám đốc, thường chỉ biết đến công nhân qua những con số, qua sản phẩm công nhân làm ra. Còn về chính người công nhân, những con người lao động thí ít ông bà chủ hay giám đốc nào biết đến hoặc để ý đến đời sống của họ. Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, Người biết chúng ta, biết từng người trong chúng ta là chiên của Người, là đoàn chiên thuộc về Người. Không giống như các ông chủ, Người không dựa trên tương quan là ông chủ chỉ biết trả lương là xong, hay chỉ bằng lý trí để biết đến người khác. Sự hiểu biết của Người đối với chúng ta là xuất phát từ chính con tim đầy tràn yêu thương của Người.
Chúng ta cũng có thể cảm nhận được cái biết bằng con tim là thế nào. Một khi yêu ai, thương ai thì thường người ta trở nên vô cùng nhạy bén bằng sự cảm nhận của con tim. Cho dù giữa đám đông, người ta vẫn có thể nhận ra đối tượng yêu thương của mình cách nhanh chóng; cho dù không thấy mặt, nhưng chỉ nghe tiếng nói, thậm chí chỉ nghe thấy tiếng bước chân thôi, thì đã bắt đầu chỉnh trang để chuẩn bị gặp người yêu; cho dù chưa mở miệng nói câu nào, nhưng chỉ cần một cử chỉ, ánh mắt hay một cách nào đó thì đã biết được đối tượng của mình đang vui hay buồn, có chuyện hay không có chuyện rồi. Quả đúng là cái biết bằng con tim yêu thương nó nhạy bén. Nó không chỉ biết bề ngoài, nhưng là biết cả trong tâm hồn, biết đến những tâm tư tình cảm.
Suy ngẫm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng đọc thấy tình yêu thương bằng con tim của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, biểu hiện qua sự hiểu biết như thế nào. Người nói: “Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi”. Người không chỉ biết đến đoàn chiên, nhưng từng con chiên Người biết rất rõ. Đọc trong Tin Mừng chúng ta sẽ thấy, trước một đám đông vất vưởng như chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu biết họ và đã chạnh lòng thương. Gặp bà goá thành Naim, Người biết đến nỗi đau mất đứa con duy nhất của bà, Người đã làm cho con bà sống lại. Với người phụ nữ tội lội đã quỳ dưới chân Chúa Giêsu, lấy nước mắt tưới chân Chúa và lấy tóc mình mà lau (Lc 7,38), Người đã biết rất rõ chị và đã tha thứ cho chị. Ta sẽ gặp thấy rất nhiều trong Tin Mừng, trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, tình yêu được diễn tả qua việc Người biết rõ đến mỗi người chúng ta và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta.
Trong tương quan tình yêu giữa Vị Mục tử nhân lành và đoàn chiên ta còn nhận thấy một sự quan tâm, lo lắng xuất phát từ con tim yêu thương của Vị Mục Tử Nhân Lành. Chính vì yêu thương Người đã quan tâm, lo lắng mà chăm sóc cho đoàn chiên và cho từng con chiên. Người chăn chiên bao giờ cũng để ý, lo lắng và chăm sóc trước hết cho những con chiên đau yếu. Người chăn chiên sẽ bồng, sẽ ẵm, sẽ vác lên vai những con chiên không tự mình đi được.
Chúa Giêsu, Vị Mục tử nhân lành cũng quan tâm, lo lắng, chăm sóc đến chúng ta là những chiên của Người như thế. Nếu bị thương, Người sẽ băng bó cho lành, nếu đi lạc, Người sẵn sàng đi tìm về và khi tìm được rồi thì Người vui mừng, vác lên vai mà mang về, mở tiệc ăn mừng. Chính vì yêu thương mà Người biết chúng ta, từ sự hiểu biết đó Người có cách nâng đỡ chúng ta theo từng hoàn cảnh, nếu chúng ta biết nhận ra Người, để cho mình được thuộc về Người. Người yêu thương, chăm sóc, vỗ về chúng ta, như những chiên đau yếu, là để chúng ta được lớn lên, được trưởng thành hơn trong đời sống đức tin mà đi theo Người. Người yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ bằng một tình yêu vô vị lợi, không hề có một điều kiện nào đằng sau đó.
Chúng ta cũng vẫn nhận ra giữa chúng ta có những sự yêu thương chăm sóc nhưng lại ẩn đằng sau một điều kiện nào đó. Sự yêu thương chăm sóc đó không xuất phát từ một tình yêu vô vị lợi, nhưng xuất phát từ một tình yêu chiếm hữu, một sự ích kỷ. Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, không chăm sóc chúng ta như thế, Người muốn chúng ta được tự do chọn lựa theo Người. Chính Người đã không ngần ngại chấp nhận những phiêu lưu, rủi ro, chấp nhận hy sinh cả mạng sống, để cứu chiên khỏi bất cứ mối nguy hiểm nào đang đe dọa chúng. Như thế, Vị Mục Tử Nhân Lành đã không hề tháo lui, cho dù mạng sống có bị đe dọa. Người mục tử nhân lành yêu thương con chiên hơn cả chính mình, chính tình yêu đã thúc bách Người làm cho chúng ta mọi sự. Vì thế Người đã sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình cho chúng ta là đoàn chiên của Người.
Đến đây, ta lại nhận ra một chiều kích khác để bày tỏ mối tương quan tình yêu của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành đối với đoàn chiên, đó là sự hy sinh. Sự hy sinh chính là dấu chỉ chắc chắn nhất để diễn tả tình yêu. Nếu tình yêu vắng bóng sự hy sinh thì đó sẽ chỉ là tình yêu nơi đầu môi chót lưỡi. Nếu tình yêu mà không có sự hy sinh thì đó chỉ là một thứ tình yêu hời hợt bên ngoài. Nếu tình yêu né chánh sự hy sinh thì rất có thể đó chỉ là một tình yêu tính toán so đo. Tình yêu và sự hy sinh luôn song hành và cùng lớn lên. Nếu một khi càng yêu nhiều thì người ta càng hy sinh nhiều. Nếu có sự hy sinh vô vị lợi thì hẳn là phải có một tình yêu chân thành, mãnh liệt xuất phát từ con tim. Nếu sự hy sinh không kể gì đến những khó khăn thì tình yêu ấy hẳn là đã làm cho đôi bên nên môt.
Quả thật, Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành đã quả quyết rằng “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Chúa Giêsu, Người đã thực hiện điều đó, Người đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho chúng ta. Người tự hiến mạng sống mình để ta được sống, được sống dồi dào và hạnh phúc. Người đã biết đến từng người chúng ta, đã nâng niu chăm sóc ta, và đã đón nhận cái chết thập giá là để cho chúng ta được sống sự sống Phục sinh của Người. Người đưa chúng ta đến những đồng cỏ non, Người ban lương thực dồi dào cho chúng ta là chính Lời Người, là chính Mình và Máu Thánh Người.
Mừng lễ Chúa Chiên Lành hôm này, chúng ta cần phải ý thức đến tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành đã dành cho chúng ta là đoàn chiên của Người. tiếp nối sứ mạng mục tử của Người hôm này là Đức Giáo Hoàng, các đức Giám Mục, các Linh Mục là các mục tử trong Hội Thánh. Chính vì thế hôm nay chúng ta cũng được kêu gọi cầu nguyện cho các mục tử trong Hội thánh và cầu nguyện cho ơn kêu gọi dấn thân trong đời sống thánh hiến, trở nên những tu sĩ, linh mục.
Trong đời sống gia đình, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô, Vị Mục tử nhân lành, mà noi gương, bắt trước tình yêu của Người. Cả chúng ta nữa, chính mỗi người chúng ta cũng phải trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ cũng là mục tử của con cái. Thầy cô cũng là mục tử của học trò. Các ông bà chủ hay giám đốc là mục tử của công nhân. Bác sĩ cũng là mục tử của bệnh nhân … Và mỗi người chúng ta cũng cần thi hành vai trò mục tử đối với anh chị em xung quanh ta. Mỗi chúng cần biết bắt trước khuôn mẫu tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành. Đây thật là một khuôn mẫu của tình yêu, một tình yêu có sự hiểu biết bằng con tim, một tình yêu có sự nâng niu, lo lắng, và chăm sóc tận tình, một tình yêu săn sàng hy sinh, quên mình cho người mình yêu. Yêu không chỉ là “chết trong lòng một ít”, nhưng là sẵn sàng chết cả cuộc đời vì nhau và cho nhau. Amen.
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Lễ Chúa KiTô Vua - Ngày 24/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 10/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 03/11/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 27/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 20/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 13/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 05/10/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 29/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 22/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 15/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 08/09/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 01/09/2024
SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 21/07/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 30/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 23/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 16/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B - Ngày 09/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA - NĂM B - 02/06/2024
LỜI CHÚA & SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM B - 26/05/2024