CHƯƠNG I
CHÍN THẾ KỶ GIÁO HỘI
CHƯƠNG I
CHÍN THẾ KỶ GIÁO HỘI
Tuy lâu dài thật (từ năm 604 đến 1500, từ khi Grégoire Cả qua đời cho đến cuộc đại ly giáo), nhưng thời kỳ chúng ta nghiên cứu có mối thống nhất thật sự. Thời kỳ này tương đương với cái mà đa số những sử gia trong mười thế kỷ vừa qua quen gọi là thời kỳ Trung cổ trong lịch sử phương Tây. Thật ra, cụm từ ”thời kỳ lịch sử” bao giờ cũng là một lối đóng khung để dễ trình bày và dễ phán đoán. Theo chiều sâu, dòng lịch sử vẫn giữ tính cách liên tục. Các cuộc khởi nghĩa chỉ làm xáo động bộ mặt bề ngoài. Bất cứ thời kỳ nào, dài hay vắn cũng bị chấn động liên tục. Thế nhưng, những thế kỷ kế tiếp, sau khi quyền bính của Roma bị sụp đổ tại phía đông Ðế quốc (vì Ðế quốc có liên lụy với đà suy mạt của nền văn minh ”cổ điển”) và việc thế giới tân tiến xuất hiện dưới quyền các chính phủ quốc gia, vẫn có một số đặc tính chung. Chúng tạo thành một khối đã được lịch sử nghìn năm do nền văn minh Hy-La hun đúc lên. Dưới mắt những người có óc tân tiến, đây là một toàn bộ khác biệt.
Như vậy, trong vòng chín thế kỷ, các dân tộc miền bắc và miền trung châu Âu di chuyển về phía đông và phía nam, tới ranh giới đế quốc Roma, đã lập thành một xã hội kiểu mẫu về chính trị và văn hóa; sau dần mới xuất hiện lục địa châu Âu với những sắc thái khác nhau như chúng ta thấy ngày nay. Trong suốt thời kỳ ấy, phần đông dân chúng tại lục địa cũng như ở hải đảo đều làm nghề canh nông. Hơn nữa, ở đây xã hội cũng chia thành giai cấp điền chủ lớn hay nhỏ, giai cấp thống trị và bóc lột kẻ khác, rồi tất cả đều phải thần phục một ông chúa hay một vị vua. Về lịch sử Giáo Hội, đây là thời kỳ đạo Kitô lan tràn khắp châu Âu, từ biển Ðại Tây Dương đến sông Oural và từ Groenland đến đảo Acores. Nền thống nhất về tôn giáo tại miền tây Âu-châu không phải là một đặc tính độc nhất của thời kỳ Trung cổ trong lịch sử Âu-châu; cũng không phải chỉ có sự thống nhất ấy mới làm cho thời Trung cổ khác hai thời kỳ trước và sau. Còn một điều quan trọng hơn cả là ngôi giáo hoàng Roma đã được coi như nguồn mạch giáo lý. Chính tư tưởng và lối phát biểu tư tưởng của ngôi giáo hoàng cũng càng ngày càng bộc lộ ý muốn đòi quyền huấn giáo và kỷ luật. Trên thực tế, từ lâu Tòa Thánh đã xử dụng hai thứ quyền ấy. Như vậy, không phải chỉ có miền tây Âu-châu đời Trung cổ, ít ra cho đến thế kỷ XIV, đã thực hiện được thống nhất tôn giáo với những địa phương tính, mà toàn thể xã hội phương Tây đã nhìn nhận là Ðức Tin và quyền bính bắt nguồn từ Tông tòa và vị giám mục Roma.
Thế nhưng, tuy đời Trung cổ đã thực hiện được sự thống nhất với những đặc thái chung, có nhiều biến chuyển đã diễn ra trong bối cảnh tổng quát ấy. Không phải là một điều tưởng tượng khi nghĩ mấy chục năm ở giữa thời kỳ này (1000-1050) đã trở nên như cái bản lề chuyển tiếp. Trong vòng bốn thế kỷ, sau khi Grégoire Cả qua đời, phương Tây đã biến chuyển rất chậm chạp. Ðời sống trí thức và văn chương rất cầm chừng và có vẻ ứ đọng. Ðã có rất ít thay đổi trong lối tổ chức chính trị và trong kỹ thuật hành chánh. Mấy sáng kiến trong thời kỳ ấy như việc đóng móng chân ngựa, cương ngựa kéo xe, bàn đạp chân ngựa, bàn quay len, không làm cho nền kinh tế phát triển bao nhiêu. Ngay trong bình diện vật chất, không một ai nghĩ đến công trình lớn lao như bức tường Hadrien, những hồ tắm Caracalla, hoặc như cầu sông Gard. Nhưng từ năm 1000 trở đi thì đã có những thay đổi về nhiều phương diện. Các trường học xuất hiện, các nhà tư tưởng và văn nhân ra mắt. Ngôi tòa Roma cũng như phong trào tu viện được sửa đổi và cải tổ lại. Những kiến trúc sư và những nhà xây cất trứ danh bắt đầu ra mắt. Tất cả xã hội đời ấy đều đi vào phục hưng. Và vì yêu chuộng những vẻ hùng vĩ và tuyệt vời, người ta đã xây khắp nơi trong xứ những thánh đường nguy nga và những nhà dòng rộng lớn. Ðây là một nền văn minh trăm hoa đua nở với rất nhiều công trình vĩ đại. Một thế giới bắt đầu khai sinh trong phục hưng, biết nhìn nhận giá trị của quá khứ và ưa thích nhiều sáng tác mới mẻ. Nếu trong các thế kỷ trước, tư tưởng, việc chế ngự thế giới vật chất và đường lối chính trị thường bị gián đoạn, thì trong thời kỳ thứ hai đời Trung cổ, mọi cái đã thăng tiến và mang lại kết quả tốt đẹp, và cuối cùng đã làm phát sinh nhiều công trình tân tiến.
Hai giai đoạn của thời kỳ này chỉ khác nhau trong những điều ngoại phụ. Từ năm 604 cho đến giữa triều đại của Charlemagne (năm 800 là một niên đại thuận tiện), người ta chưa thể biết trước tương lai của cộng đồng Kitô La-tinh sẽ ra sao. Hầu như suốt thế kỷ VII, cái trục chính của thế giới kitô đã bị tàn phá và bị chinh phục bởi những người ngoại giáo từ phía đông và phía tây nam tiến vào. Thời kỳ đó, nền độc lập và sự tự do của Giáo Hội Roma bị hoàng đế Ðông phương tấn công dữ dội. Cũng vào thời kỳ ấy, nền văn học cổ lai thay vì được củng cố và được dùng như nền móng để xây dựng thì đã bị thất thiệt và phá hoại nhiều. Người ta không biết cuộc phục hưng trí thức và đạo đức bao giờ mới phát huy và phát huy từ đâu. Triều đại của Charlemagne đã thấy xuất hiện một hình thức riêng biệt về văn học, về nghệ thuật và về lối kiến trúc dùng làm mô phạm trong hai thế kỷ, mặc dầu các sức tàn phá ngoại giáo và man ri đã chớm nở đó đây liền ngay sau đời của ông. Cũng vào thời kỳ ấy Ðế quốc kitô của người Roma hay Ðế quốc Tây phương được hình thành. Ban đầu Ðế quốc ấy bào chữa ngôi giáo hoàng, nhưng về sau, khi quyền bính rơi vào tay các ông hoàng người Ðức, hệ thống chính quyền trong Ðế quốc đã chống đối thần quyền. Dầu vậy về phương diện chính trị và trí thức, xã hội không giữ nổi mối liên tục để tiến tới trật tự và thế quân bình, phải đợi tới giữa thế kỷ XI mới tìm thấy.
Có thể nói rằng giai đoạn thứ hai của thời kỳ này được chia ra làm hai phần và những biến chuyển trong giai đoạn này đã có ngay từ tiền bán thế kỷ XIV. Lấy năm 1349 làm mốc đánh dấu những thay đổi về tình thế có lẽ quá vắn gọn và hơi muộn màng, nhưng lý do vì năm đó có nạn dịch hạch lớn và cũng là năm nước Pháp gặp nhiều tai họa. Từ trước đến đây, tư tưởng, mỹ thuật, dân quyền, các thể chế, các chính phủ cứ tuần tự phát triển càng ngày càng phức tạp và trở nên hữu hiệu hơn. Vào giữa thế kỷ XIII, nước Pháp hầu như đã đạt tới mức tuyệt đỉnh dưới đời vua thánh Louis (1226-1270). Giáo hoàng đã thắng thế trong cuộc tranh chấp với Hoàng đế. Quyền của giáo hoàng được công nhận, cũng cố và ngang nhiên điều khiển phương Tây trong vòng một thế kỷ, từ Innocent II đến Boniface VIII (1193-1300), nhất là về chính trị, giáo hoàng càng ngày càng tỏ ra yêu sách. Vào thời ấy, các hoạt động mỹ thuật, tư tưởng thần học và triết lý, phong trào các dòng tu đã đạt tới mức rất cao. Nhưng từ năm 1300 đến năm 1350, các cơ sở văn hóa đó bắt đầu bị lung lay. Một luồng gió chỉ trích và chủ nghĩa cá nhân thổi mạnh làm tan rã mọi tổng hợp trí thức nói trên. Các giáo hoàng đến định cư tại Avignon. Sau đấy ít lâu lại xảy ra cuộc Ðại Ly giáo. Tất cả các biến cố ấy đã xẩy ra như những đòn chí tử đập vào ngôi giáo hoàng đang chia rẽ từ bên trong. Bệnh dịch hạch tái xuất và chiến tranh tàn sát dân chúng, mang lại những hậu quả trầm trọng về dân số và về tâm lý, làm cho con số các giám mục và các tu sĩ sụt hẳn xuống, về số lượng cũng như về phẩm cách. Văn học, nghệ thuật, triết lý và khoa vạn vật học thay đổi chiều hướng, tiên báo một viễn cảnh trí thức và đạo đức khác hẳn đường lối ngày trước. Tinh thần quốc gia bùng dậy khắp nơi: tại mỗi miền, tại mỗi nước, người ta hăm hở đòi độc lập và đòi có chính phủ quốc gia riêng. Nhưng trong vòng một thế kỷ, những phong trào này khựng lại hay chỉ hoạt động ngấm ngầm, vì quyền hành của ngôi giáo hoàng đã được củng cố và có thêm phương tiện vật chất. Nhưng đời sống của giáo sĩ dần dà sa sút và đi đến thoái hóa trong nhiều năm. Các nhà cổ ngữ học đã được thấm nhuần văn hóa Roma dựng nên một viễn tượng văn hóa mới, song song với những cuộc khám phá mới mẻ của người Bồ Ðào Nha và người Tây Ban Nha. Tất cả báo trước một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ. Và nó đã bùng nổ tại nước Ðức là nơi không ai ngờ trước. Từ đó trở đi, nền thống nhất Kitô giáo phương Tây bị tan rã thực sự và kéo dài lâu về sau.