CHƯƠNG XIV
HƯỚNG TỚI VIỆC
CẢI ÐẠO CHO BẮC ÂU
CHƯƠNG XIV
HƯỚNG TỚI VIỆC
CẢI ÐẠO CHO BẮC ÂU
Cũng như thường xảy ra trong lịch sử nền văn minh, việc thời Cổ đại chuyển sang Trung cổ đã làm đổi đời về phương diện địa lý đối với các trung điểm văn hóa. Trong khi nước Ý bị tiêu hao đi dưới cảnh tàn sát của những cuộc xâm lăng Lombards, trong lúc truyền thống Roma là truyền thống đã ăn rễ từ lâu đời tại miền nam nước Gaule nay đang tắt dần, thì đời sống mới lại xuất hiện nơi khác. Cuộc phục hưng đầu tiên được ghi nhận là tại Tây Ban Nha: sau khi nước Suève bị phá hủy (585) và vua Reccarède đã cải đạo (587), nền thống nhất chính trị và tôn giáo tại bán đảo Ibérique được thành hình; nhờ sự vẫn hồi trật tự và những sức thúc đẩy từ Byzance và châu Phi, người ta đã bắt đầu canh tân nền học vấn tại các nhà dòng và giữa hàng giám mục.
Phong trào này xuất hiện từ nửa thế kỷ VI với Juste người Urgel, Apringius thành Beja, một người chú giải cuốn Diễm tình ca một người chú giải sách Khải huyền; sau này vào khoảng các năm 580-600, có Eutrope thành Valence, Licinien thành Carthagène, sau cùng có Léandre thành Séville (584-608). Vinh dự lớn nhất của ông này là đã giáo dục em trai là Isidore (+ 636), người kế tiếp ông (+ 636) và tác giả cuốn bách khoa, vừa là sưu tập thu tóm các tài liệu trong gia nghiệp bác học đời thái cổ, vừa là tiểu luận nhằm tới một tổng luận mới. Trong suốt thời Trung cổ, sưu tập này được coi như một trong những thủ bản nền tảng của văn hóa tây phương.
Việc sáp nhập miền Aquitaine vào nước Franc, sau khi nước này chiến thắng người Wisigoths tại Vouillé (507) đã mang đến những hiệu quả tốt đẹp cho miền bắc nước Gaule, miền chúng ta từng thấy điêu đứng kiệt quệ bởi những cuộc xâm lăng liên tiếp và tàn bạo. Miền nam giúp các tỉnh miền bắc và miền đông trong việc kiến thiết, nhất là việc tổ chức lại các Giáo Hội. Phong trào này, kể từ Nantes cho tới Maestricht, sẽ phát triển trong thế kỷ VII nhưng đã khởi sự từ thế kỷ trước: dưới đời thánh giám mục Nizier, hình như ngài là người Limousin, giáo hội Trèves đón nhận những giáo sĩ từ miền Auvergne, và kêu gọi các thợ thủ công người Ý tới; các cuộc truyền giáo và việc sáng lập ra những nhà dòng tại miền sông Rhin, từ hồ Constance đến sông Moselle dưới quyền điều khiển của các thánh Goar và Fridolin là những người từ miền Aquitaine tới, nằm vào các năm 500. Trước đấy, thánh Fridolin đã làm viện phụ tại nhà dòng ở Poitiers.
Một phong trào khác phát triển mạnh mẽ từ miền Aquilée, khoảng năm 580, bắt tay trùng tu những tòa giám mục ở lưu vực sông Drave tại miền Carinthie. Họ gặp thấy tại chỗ những linh mục đã được các giám mục Gaule truyền chức, bởi vậy đã xảy ra cuộc tranh luận về tài thẩm phải đệ sang để thánh Grégoire giải quyết. Ðây là bằng chứng gián tiếp về hoạt động truyền giáo của hàng giáo sĩ Franc tại nội địa miền Germanie. Một số thợ Phúc Âm từ các đảo nước Anh tới đã thế chân phong trào này một cách bất ngờ; nhưng về vấn đề này cần phải trở lại quá khứ.
Chúng ta đã gác qua một bên miền nước Anh trong tình trạng điêu tàn do cuộc xâm lăng Anglo-Saxon gây lên. Các văn kiện từ năm 457 đến năm 604 không hề nhắc tới thành phố Londres; tại miền Ðông nước ấy, Kitô giáo trên thực tế đã biến mất vì những người xâm lăng ngoại giáo tràn đến ; trái lại việc một số người Bretons rút lui về các miền tây hình như đã tạo một thời cơ thuận tiện để Kitô giáo ăn sâu vào đấy. Nước sơn Roma của các dân tộc này rời rụng khá mau, những đặc tính xen-tíc lại xuất hiện vĩnh viễn, đạo Kitô chẳng những được duy trì mà còn phát triển tại miền Cornouailles và xứ các người Galles. Về phương diện phân phối địa lý, các bi ký kitô của những thế kỷ V-VII tìm thấy tại miền này, cũng có tại nhiều tại tỉnh khác bên ngoài những thành phố đã có trong thời kỳ Roma. Ðây là thời kỳ mới, khai mào cho lịch sử đà phát triển dân gian và giáo hội tại miền này. Tuy những văn kiện liên hệ đến họ không lấy gì làm chắc chắn, nhìn vào bản sắc các vị thánh tiêu biểu cho giáo hội trên, nhất là ở thế kỷ VI, thì biết đây là một giáo hội thuộc loại hoàn toàn khác (đối chiếu với thời kỳ Roma), một giáo hội nghiêng nhiều về đời tu viện và mang những đặc tính xen-tíc rõ rệt. Chẳng hạn giáo hội của thánh Illtud (+ khoảng 527-537), của các đồ đệ hoặc người kế nghiệp ông như thánh Gildas (+ 570), thánh David thành Mênêvia (+ kh. 601 và vẫn còn là vị thánh được tôn sùng, vị quan thầy của Xứ các người Galles), thánh Xamson qua đời khoảng năm 565-573 là giám mục-viện phụ thành Dol, tại miền Bretagne, nơi người di dân đã từ đảo lớn tiến vào, mang theo với họ đức tin kitô và những truyền thống riêng về tổ chức giáo quyền và về đường lối đạo đức.
Như người ta biết, thánh Patrice tông đồ miền Ai Nhĩ Lan xuất thân từ nước Anh. Những bước đầu của nền kitô giáo tại đảo này, miền đã thoát ách thống trị Roma, ta không được biết cách rõ ràng, nhưng điều không thể bàn cãi là thánh Patrice nắm giữ địa vị quyết định trong việc cải đạo của miền này. Sinh ra trong một gia đình kitô cựu truyền như ta biết, lúc mười sáu tuổi, ông bị quân cướp từ Aí Nhĩ Lan tiến vào, bắt đem đi, ông sống tại đó sáu năm trong thân phận tôi đòi. Sau đó, trốn thoát ông chạy về lục địa là nơi ông hoàn tất việc huấn luyện tôn giáo, có lẽ là tại Auxerre với thánh Amatre và người kế vị ông là thánh Germain. Sau khi về được bản quán, ông cảm thấy Thiên Chúa kêu gọi đi truyền bá Phúc Âm cho miền Ai Nhĩ Lan. Từ đấy, ông tận tụy với miền này và được phong làm giám mục để phục vụ tại đó. Hình như đời hoạt động tông đồ của ông nằm vào các năm từ 432 đến 461. Khó lòng hồi phục nổi các giai đoạn và những cuộc thăng trầm của việc kitô hóa miền này. Phong trào Kitô giáo đã phải đương đầu với các tế sư là những người nắm giữ một truyền thống văn hóa, tuy không được viết ra, nhưng không phải vì vậy mà kém phần phong phú về các giá trị riêng biệt.
Truyền thống này, trong đó biểu hiện một dân tộc tính cường tráng, cùng với tình trạng tương đối lẻ loi trong cách phát triển nền Kitô giáo Ái Nhĩ Lan, cắt nghĩa tại sao đoàn thể kitô này, lúc xuất hiện công khai vào thế kỷ VI, đã có những đặc tính rất riêng biệt, chúng làm cho giáo hội này khác hẳn với tất cả các miền khác thuộc Tây phương la-tinh: có thể nói không sai, đây là một giáo hội xen-tíc.
Giáo hội này có những tục lệ riêng biệt, một số tục lệ ấy sau này đã dẫn đến những vụ tranh chấp gay go: hình thái khác biệt của lối cắt vòng tóc, việc trung thành với niên kỷ cổ để tính ngày lễ Phục Sinh... Nhưng sự kiện điển hình hơn cả là lý tưởng tu viện đã thành công một cách cực kỳ mỹ mãn; chế độ tu viện đã phát triển tại Ai Nhĩ Lan một cách khác thường: cũng như ngày trước tại Aicập, các nhà dòng chi chít nhau, nào dòng nam dòng nữ, nhiều khi có hằng nghìn tu sĩ. Một sự kiện khác đáng được chú ý hơn: trong lúc trên toàn thể thế giới kitô, nhà thờ giám mục là như tế bào chủ yếu trong việc tổ chức tôn giáo, thì tại Ái Nhĩ Lan và nói chung tại những nước xen-tíc khác, chính tu viện hầu như độc quyền nắm giữ địa vị này. Tài thẩm của tu viện lan tràn tới các miền phụ cận; đôi khi viện phụ có chức giám mục; nếu không phải là giám mục, ngài có một hay nhiều giám mục tu trong dòng dưới quyền điều khiển của ngài để cử hành phụng vụ.
Môi trường độc đáo này đã thành khung cảnh cho nền văn hóa nảy nở một cách đặc biệt: cũng như trong các giáo hội ngoại bang ở phương Ðông, một khi đã ăn rễ sâu tại Ai Nhĩ Lan, Kitô giáo phát huy một nền văn hóa trí thức. Trước tiên là văn học la-tinh: cũng như sự việc đã xảy ra trên toàn diện phương Tây, kể cả miền Germanie, tiếng la-tinh vốn là ngôn ngữ phụng vụ độc nhất tại nước xen-tíc. Hình như tiếng ga-ê-lic đã có những chữ thanh nhã (có bản mẫu tự, ogham, nhưng chỉ dùng để chép những bi ký vắn). Vào thời kỳ kitô, người ta dùng mẫu tự la-tinh để viết ngôn ngữ ấy, và trong thế kỷ VI đã xuất hiện những pho sách lớn đầu tiên bằng văn chương Ái Nhĩ Lan có gợi hứng kitô giáo; mãi tới thế kỷ sau mới xuất hiện nền văn chương trần tục có gợi hứng cổ truyền. Các tế sư vẫn còn tồn tại trong nghiệp đoàn các ”thi sĩ”, filid, và những người hát rong. Ðồng thời một nền văn chương kitô diễn tả bằng tiếng la-tinh cũng phát triển.
Cũng vậy, đời sống tu trì đòi buộc phải có một mức độ hiểu biết tối thiểu tiếng bác học này, dầu chỉ để xem và đọc Thánh Vịnh. Ðiều quan trọng phải ghi nhận là khác hẳn với những miền Roma trên, ở đây người ta học la-tinh như một ngoại ngữ, khác hẳn với tiếng bản xứ. Bởi vậy được áp dụng lối sư phạm riêng biệt, với lối dạy nhanh gọn: học xong bản mẫu tự, người ta tìm cách đọc thử ngay mấy câu Thánh Vịnh, với một phương pháp vừa tương tự như kiểu dạy Coran ngày xưa, vừa giống như những kỹ thuật tân tiến chúng ta gọi là ”phép đọc tổng quát”.
Không nên quá đề cao trình độ sơ khởi của lối giáo huấn và của nền văn hóa này. Tuy nhiên phải nói ngay: thoạt tiên người ta tìm cách thỏa mãn những nhu cầu khẩn cấp trong đời sống tu viện, và đây là một khởi điểm, một mầm mống phát sinh ra tính hiếu học dựa trên những kiến thức quảng bác và vững chãi hơn. Bởi vậy vào cuối thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, miền Ái Nhĩ Lan đã xuất hiện như một trung tâm văn minh chiếu sáng vào châu Âu lục địa, lúc đó hầu như đã hoàn toàn trở lại trạng thái man di hóa; Ái Nhĩ Lan là một trong những trung điểm chính yếu phát huy sự phục hưng Carolingien và cùng với sự phục hưng này là toàn bộ sự phát triển văn hóa tại Tây phương trong đời Trung cổ và Cận đại.
Trước khi là ”Hòn đảo các tiến sĩ” (Insula doctorum), Ái Nhĩ Lan đã là ”Hòn đảo các Thánh” (Insula sanctorum): đảo Ái Nhĩ Lan lấy làm hãnh diện vì đã sản xuất ra được một loạt thánh nhất là vào các thế kỷ V và VI. Có thể kể tên mấy vị như thánh Enda là người đã đến lập nghiệp tại đảo Aran khoảng năm 520, các vị đồng thời với ngài như thánh Finnian thành Clonard và thánh nữ Brigid thành Kildare, hay thánh Finnian thành Moville, thánh Brendan thành Clonfert, thánh Ciaran thành Clonmacnois, thánh Coemgen thành Glendalough (tất cả đều thuộc dòng tu được thành lập vào các năm 540)... Tốt hơn, cố gắng nhận ra bầu không khí độc đáo làm nên khung cảnh cho đường lối đạo đức của các ngài vì nó đem lại cho Giáo hội Xen-tic một địa vị riêng biệt trong toàn bộ thế giới kitô.
Ðược nung nấu bởi một tính tình hăng hái dễ nghiêng chiều về quá khích, nét đặc trưng của nền đạo đức này là thiên nhiều về đời sống khổ hạnh, qui hướng vào việc hãm mình và tu đức. Mặc dầu khác nhau về khí hậu và về môi trường, người ta gặp thấy tại đây cùng một bầu khí có nhiều tài ba thiêng liêng, cùng những kỳ công, đôi khi cùng những cực đoan y như nơi các thánh phụ của Sa mạc tại Ai-cập hoặc Ðông phương. Bởi vậy người ta gặp thấy tại Ái Nhĩ Lan một số tục lệ tương tự tục lệ chế độ tu trì Ðông phương: khó nghèo, nhà ở thô sơ, ít ngủ nghỉ và ăn uống; đôi khi người Ái Nhĩ Lan tuân giữ một lối chay tịnh tuyệt đối và thực hành một kiểu ăn chay kỳ cục ”phản đối người nào đó” để bó buộc đối phương phải trả lại quyền lợi cho mình hoặc để đạt tới ý định; họ khước từ việc tắm tiêu khiển, thậm chí cả việc tắm vệ sinh; trái lại họ thực hành lối dìm mình lâu trong một cái hồ giá buốt; có nhiều lối hãm mình khác nhau ra như bất chấp hoặc thách thức cả thiên nhiên; họ ưa tĩnh tâm, ở cô độc, giữ yên lặng, tuyệt để vâng lời vì giáo tập hay viện phụ. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một bầu khí hơi căng thẳng (những tuyệt đích của thuyết khổ hạnh được coi như thực sự tương đương với việc tử đạo) hầu như tàn nhẫn. Chỉ có khuynh hướng độc đáo về sự kỳ dị và phi thường của thiên tài Xen-tíc mới làm lắng dịu bầu khí ấy.
Không tham vọng làm bản thống kê ca ngợi, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận hai tục lệ điển hình nhất trong lối đạo đức ái-nhĩ-lan, bởi lẽ chúng đã tác động sâu xa vào thế giới kitô la-tinh. Trước tiên việc xưng tội và xưng tội nhiều lần. Lối xưng tội này lúc đó còn trong tình trạng phôi thai (tại Tây Ban Nha công đồng chung Tolède năm 589 đã tố giác tục lệ ấy như là chuyện kỳ cục) nhưng rất thịnh hành trong các nhà dòng tại Ái Nhĩ Lan. Việc cáo lỗi định kỳ, thậm chí thường ngày là điều đòi hỏi của chế độ thông thường trong việc đào luyện tu đức. Ðây không phải chỉ là điều hiện nay các tu sĩ còn thực hiện dưới danh hiệu là ”cáo lỗi, kiểm điểm” và ”bày tỏ lương tâm” với vị bề trên, nhưng là cách liên kết việc thú tội vào bí tích thống hối thực thụ. Ðây là một điều mới lạ và dần dần trở nên thông thường, cũng áp dụng cho giáo dân đến xin bề trên dòng hay xin các linh mục cho biết phải đền tội mình làm sao.
Tục lệ này đã thấy phản ảnh trong loại văn chương kỳ cục của các sách nói về việc thống hối (loại văn chương này cũng xuất xứ từ Ái Nhĩ Lan). Các sách này định sẵn, một cách rõ rệt hầu như pháp lý, việc đền tội phải đòi buộc tội nhân, tùy theo các tội nặng nhẹ và tư cách của họ (người ta thẳng nhặt với tu sĩ và giáo sĩ hơn với giáo dân) và mức độ ý chí: chẳng hạn không kể những hãm mình và việc lành phúc đức khác, người ta buộc phải ăn chay với bánh và nước lã trong vòng nhiều năm nếu là tội giết người hay tội ngoại tình, ăn chay một ít ngày nếu là những tội nhẹ hơn. Một hệ thống bù trừ kỳ lạ cho phép thay thế một hình phạt lâu dài bằng một hình phạt khác vắn hơn nhưng nghiêm nhặt hơn. Chẳng hạn một năm ăn bánh với nước có thể được thay thế bằng ba ngày (và ba đêm) không được ngủ nghỉ và phải đọc kinh hay ca vịnh liên tiếp trong một đền thánh hay nơi ”đền tội” của một vị thánh, ví dụ đền thánh Patrice tại đảo Lough Deig.
Ðối với chúng ta ngày nay các tục lệ ấy nhiều khi xem ra thực nghiêm khắc: thế mà lục địa đã khám phá và thâu dụng hình thức thống hối ấy như một giải pháp may mắn và đáng ghi ơn, bởi vì nó ứng hợp vào một yêu sách mục vụ sâu xa cần giải quyết. Chúng ta biết về sau công giáo la-tinh đã thừa hưởng một trong những đặc trưng của nền đạo đức Ái Nhĩ Lan ngày xưa: việc xưng tội thông thường và liên kết bí tích thống hối với việc hướng dẫn thiêng liêng.
Ngoài ra một trong những lối thực hành khổ hạnh được các tu sĩ xen-tíc ham mộ là việc phát vãng tự nguyện, họ gọi là peregrinari pro Christo hay pro amore Dei: từ bỏ quê hương và người thân, đến sống trong một môi trường không quen biết đang nhiều ít có óc đố kỵ, và cống hiến cảnh tha hương đó để phụng sự đấng Kitô, nghĩa là trong thực tế, dấn thân vào việc Phúc Âm hóa những dân xa lạ này. Sau khi đã gạt bỏ những thành tố thuần túy nhân loại, tính thích phiêu lưu, thay đổi tâm lý, thì đây quả là một lý tưởng tôn giáo rất phong phú. Dân chúng rất ngưỡng mộ lý tưởng này, đến nỗi ngay tại lục địa, người ta đã biến từ Scotti trước kia người Romano-bretons dùng để gọi tên những quân cướp phá rối trên biển Ái Nhĩ Lan, sang một ý nghĩa tốt trùng với ”các vị truyền giáo lưu động xuất thân từ hải đảo”.
Sức bành trướng thiêng liêng này đã tràn lan sang Anh, sang cả Gaule và Germanie. Các tu sĩ Ái Nhĩ Lan trước tiên lo giảng cho các người Pictes, bộ lạc xen-tic sống tại miền Ecosse hiện nay. Vùng này từ trước chưa hề tiếp xúc với miền Bretagne Roma: người ta thấy thánh Ninian đã lập nhà dòng Candida casa (ở Whithorn miền Galloway) bên ngoài tường Hadrien. Nhưng niên đại theo truyền thuyết (397) hình như cổ quá, có lẽ phải đặt biến cố này vào khoảng các năm 500. Ngoài ra người ta vẫn còn bàn cãi cho biết trung tâm này chiếu giãi được bao nhiêu năm.
Trái lại chúng ta biết là thánh Columcille, sau khi sáng lập nhiều nhà dòng tại chính Ái Nhĩ Lan, đã rời đảo quê hương năm 583-585, đến định cư tại một đảo nhỏ ở phía tây miền duyên hải Ecosse, đảo Hi hay Iona. Ðảo này sau trở nên thịnh vượng và thành một trung điểm truyền giáo, gây nhiều ảnh hưởng tại suốt miền bắc đảo lớn và mãi cho tới các đảo Orcades. Sau cùng, ảnh hưởng này lại vòng lại mà ảnh hưởng chính người Anglo-Saxon, mà người Bretons lúc đó quá bận tâm chống đối nên không nghĩ đến việc cải đạo cho họ. Chính một tu sĩ đảo Iona, thánh Aidan khoảng năm 655 đã tới lập nhà dòng Lindisfarne tại một đảo nhỏ đối diện với Northumberland, theo lời thỉnh cầu của vua Oswald. Vua này đã trở lại trong lúc bị đi phát vãng tại miền xen-tic kitô. Lindisfarne đã trở nên ”thánh đảo” thứ hai làm căn cứ để Phúc Âm được truyền bá vào cho những người Germanie chiếm đóng nước này.
Nhưng không chỉ nguyên một đảo này đã gây ảnh hưởng trên họ: từ năm 597, một nhóm thừa sai do thánh Grégoire cả trực tiếp gửi từ Roma đã đặt chân trên đất Kent. Ngài không phải là giáo hoàng đầu tiên lo đến việc truyền giáo cho những đảo miền bắc. Tập biên niên ký của Prosper thành Aquitaine, khá nắm vững tin tức vì biên soạn tại chính Roma, cho bhết năm 431 giáo hoàng Célestin đã truyền chức cho thầy phó tế Palladius đi làm giám muíc đầu tiên tại Ái Nhĩ Lan. Tuy nhiên, người ta không biết gì hơn nữa về Palladius này, vì không thấy văn kiện nào nói đến ông, người ta muốn đồng hóa ông với thánh Patrice, nhưng không có gì xác đáng. Cuộc truyền giáo này có thành tựu hay không? Không ai hay biết.
Sáng kiến của thánh Grégoire mang lại nhiều kết quả hơn. Ngài gửi đến đấy không phải cho người Xen-tic mà cho người Anglo-Saxon một toán thừa sai dưới sự hướng dẫn của một tu sĩ thuộc dòng ngài đã sáng lập tại chính nhà cha mẹ ngài ở Coelius, thánh Augustin, giám mục tiên khới Canterbury. Trước các ông, đã có người đi tiên phong chuận bị đường lối là công chúa người Francs, kitô hữu và công giáo, hoàng hậu Berthe, chắt của Clovis, vợ của vua Ethelbert miền Kent. Không bao lâu sau ông này cải đạo năm 597 và cùng với một số đông thần dân.
Phong trào lan tràn ra nhanh chóng: ngay từ năm 605, thánh Augustin đã thành lập được hai tòa giám mục thuộc hạt Canterbury tại Londres và Rochester. Ðây mới là cuộc hưng đạo đầu tiên : còn cần gia tăng nền tảng sơ khởi bằng một phái đoàn truyền giáo mới do giáo hoàng Vitalien tổ chức năm 668-669. Vì thiếu thông cảm hỗ tươlg nên hai khuynh hướng truyền giáo Xen-tíc và Roma không cộnc tayc hữu hiệu với nhau trong một thời gian lâe. Dù sao nhờ sức đồng qui của hai cố gắng ấy, nên từ năm 600, các người Anglo-Saxon bắt đầu trở lại.
Trong thời kỳ ấy, nhờ những lần đi đi lại lại gây ảnh hưởng, các Scotti đã tới lục địa để bổ sung và củng cố công drình Phúc Âm hóa. Người tên tuổi đáng ghi nhớ ở đây là thánh Colomban. Xuất xứ từ tu viền của thánhComgall tại Bangor, cùng với mười hai bạn đồng hành khác, năm 590-591 ông lên đường tới nước Gaule, định cư tại miền Bourgogne của vua Gontran. Tại đây, ông đã lần lượt lập ba nhà dòng gần Annegray, Luxeuil và Fontaine; nhà Luxeuil đã phát triển mạnh mẽ. Nhờ uy tín cá nhân của ông, nhất là vì ông đã soạn thảo Bộ luật và cuốn Về phép thống hối nhiệm nhặt và nghiêm khắc theo đúng đường lối Ái Nhĩ Lan, thánh Colomban đã gây được một ảnh hưởng lớn lao đối với các tu sã đế. xin người hướng dẫn và đồi với rất nhiều giáo dân đến kêu cầu ngài để được hòa giải với Thiên Chúa.
Sau hai mươi năm, vua và bà của vua tức là Brunehaut hung dữ, tức giận Colomban vì ông quyết duy trì những yêu sách luân lý kitô để phản đối họ. Họ bắt ông đi phát vãng. Lúc người ta bỏ ông xuống tầu tại Nantes để đem ông đi các đảo, ông đã trốn thoát được. Băng qua miền Neustrie của vua Clodaire II và miền Austrasie của vua Theđodebert, ông tới các xứ miền sông Moselle và sông Rhin. Ðến đâu ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt và thu lượm được nhiều ơn gọi, nhất là tại miền Brie phía đông Paris. Một số nhà dòng mới được thàfh lập, hoặc chính ông, như nhà dòng Bregenz trên bờ hồ Constance, hoặc do sự nghiệp của các môn đệ ông đã để lại dọc đường, như thánh Gall. Ông này sau khi tháp tùng tôn sư từ Bangor, đã chia tay để đi lập một nhà dòng hiện nay còn mang tên của ông. Công việc của thánh Colomban không phải chỉ nhằm phục hồi hoặc làm phấn chấn đức tin giữa các đoàn thể kitô ông lui tới, ông còn lưu tâm đến việc rao giảng Phúc Âm cho những dân ngoại giáo còn khá đông giữa các người Germains, và nhất là giữa các người Alamans sống tại các miền Alsace và Thụy sĩ hiện nay. Những người này rất ít tiếp súc với các vị truyền giáo do triều đình Mérovingiens phái đến. Ðóng góp vào những cố gắng khác cùng theo một chiều hướng, việc giảng dạy của thánh Colomban và của các môn đệ ông đã có công lớn trong việc cải đạo của dân tộc này tuy rằng mãi lâu về sau sự nghiệp ấy mới được hoàn thành.
Là lữ hành của Chúa Kitô cho đến giờ phút cuối cùng, thánh Colomban sẽ rời bỏ Bregenz, băng qua dãy núi Alpes đi tới miền Apennin-ligure để lập nhà dòng Bobbio, thành lũy của công giáo đối diện phe Arius của người Lombards, ông qua đời tại đấy năm 615.
* * *
Quyển thứ nhất này chia tay với độc giả giữa một phong trào đang bành trướng rất mạnh: với người Anglo-Saxon và người Alamans thật ra đã khởi sự cuộc cải đạo của những dân tộc Germanie, định cư bên lề các nước thuộc Roma. Phong trào này sẽ kéo dài trong nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ về sau: sau khi hoàn thành, việc cải đạo của miền Bắc Âu-châu sẽ mang đến cho miền Tây Âu-châu một bộ mặt nhất định. Hiệu quả của phong trào này là xê dịch cái trục thế giới kitô la-tinh đến một vị trí khác.
Thời Cổ đại cho chúng ta thấy thế giới kitô được thiết lập và sống động chung quanh miền Ðịa Trung Hải. Ðến thời Trung cổ, địa bàn của thế giới kitô Tây phương một cách nào đó xích về phía bắc và phần lớn là đất liền. Việc người Ả-rập xâm chiếm miền Maghreb rồi miền Tây Ban Nha, chắc hẳn sẽ làm nổi bật hiện tượng đó, nhưng hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện với cuộc xâm lăng Vandales, là lúc Phi châu-Roma tan rã và giáo hội tại đấy mất dần mòn. Lịch sử kitô giáo thời Cổ đại đối với chúng ta, nhiều lần đã xuất hiện như sôi động bởi cuộc đối thoại và đôi khi đi đến chống đối giữa các Giáo Hội Ðông phương và La-tinh. Việc miền bắc Âu-châu cải đạo, các ảnh hưởng Germanic và Xentic (các ảnh hơởng trên bắt nguồn từ những cuộc xâm lăng, các ảnh hưởng dưới từ công cuộc truyền giáo của các người Scotti), tính cách phân kỳ riêng rẽ về đường lối mà người Hy-lạp vằ người La-tinh theo đuổi đã biến đổi thứ câng thẳng biện chứng trên thành những đề tài đối thoại mới giữa người Xen-tic và người lục địa, giữa ngưðøi Germanic và người Roma. Ðối chiếu với Kitô giáo Cổ đại, những đề tài ấy có thể góp phần để mang lại cho Kitô giáo Trung cổ những sắc thái riêng biệt.