CHƯƠNG XII
KẾT THÚC THỜI KỲ GIÁO PHỤ
TẠI TÂY PHƯƠNG
CHƯƠNG XII
KẾT THÚC THỜI KỲ GIÁO PHỤ
TẠI TÂY PHƯƠNG
Tại tất cả các miền mà cơ cấu hành chánh, kinh tế và xã hội trong thế giới Roma không bị làn sóng xâm lăng khuấy động quá đáng, thì một khi cơn giông tố đã qua, đời sống lại tiếp tục như cũ. Và trong khuôn khổ còn toàn vẹn này, đời sống Giáo Hội lại tiếp tục theo chiều hướng như thế kỷ IV. Ðiều này nghiệm đúng tại phần còn lại của miền Illyricum, tức quận Dalmatie, tại phần đất châu Phi do người Vandales chiếm đóng, và tại miền chu vi bán đảo Ibérique (người Wisigoths tập trung nhiều hơn cả tại meseta lục địa, xưa kia gọi là miền Castille). Ðúng hơn cả thì đây là tình thế tại miền Gaule, về phía nam sông Loire, và sau hết là tại Ý.
Nếp sống Roma vẫn tiếp tục, tuy giảm thiểu phần nào: Thời kỳ suy mạt đã bắt đầu. Nhưng đừng tưởng hiện tượng này xảy ra khắp mọi nơi, hoặc sức phân hóa theo cùng một nhịp độ. Ðược chọn làm hoàng cung từ năm 402-404, những lầu đài Ravenne hiện nay còn đó để làm chứng nền văn minh cổ đại ấy vẫn sống động tại Ý vào các thế kỷ V và VI, và ảnh hưởng của nó thật phong phú, ít ra về phương diện mỹ thuật. Thành phố Ravenne được vẻ vang thêm nhờ cuộc lưu cư của bà Galla Placiđia (423-450) trong khi bà giữ quyền nhiếp chính, được chọn làm kinh đô nước Ý dưới đời vua Theodoric và các vị kế tiếp ông (493-535), rồi làm kinh đô từ năm 540 dưới ách thống trị Byzance. Thành phố Ravenne quả là một chứng tích để nhận ra dòng liên tục của một truyền thống luôn luôn thịnh hành trên hơn một thế kỷ (nói chung, từ giữa thế kỷ V đến giữa thế kỷ VI). Lúc đó chưa có chuyện đoạn giao với những thế hệ trước. Tại Ðông phương cũng vậy, vẫn còn là thời kỳ cổ đại Kitô, vẫn là một Spatantike.
Chính ngay tại Roma, bao nhiêu cuộc tàn phá do các biến cố gây ra: nào cướp bóc (410, 455, 472), nào bị bao vây và đầu hàng nhiều lần (536, 537-8, 545-6, 547, 550, 552). Tưởng rằng như thế, mọi cái sụp đổ hoàn toàn. Nhận định trên đây đúng, nếu để ý nghiên cứu những tàn tích của các nhà thờ được xây cất, được trùng tu hoặc trang bị vào thời kỳ ấy. Các thế kỷ V và VI được đánh dấu bằng những bức khảm nổi vĩ đại nhất, như khải hoàn môn Ðức bà được giáo hoàng Xyste III (432-440) cung hiến liền ngay sau công đồng Êphèse, như cung thánh nhà thờ thánh Côme và Damien do giáo hoàng Felix IV (526-530) sửa chữa lại, ngài cũng biến đổi thành nhà thờ, một số nhà ngoại giáo nằm dọc Thánh Lộ (Voie Sacrée).
Ðời sống vẫn tiếp tục, Giáo Hội vẫn phải đảm đương các trách nhiệm như trước, mà việc quan trọng nhất là tăng cường việc Phúc Âm hóa phương Tây. Trong thế kỷ V còn có nhiều người ngoại giáo chưa trở lại, không riêng tại các quận, các tỉnh xa xôi, mà ngay cả các thành phố lớn và chính Roma nữa. Mỗi khi có cuộc khủng hoảng thì lại thấy người ngoại giáo xuất hiện. Khi Alaric đến xâm lăng (408-410), người ta muốn vẫn hồi tục lệ cúng thần, vì cho rằng việc từ bỏ tôn giáo của ông cha là căn cớ sinh ra các tai họa đang đổ xuống trên quê hương Roma. Nhận định sai lầm này trầm trọng đến nỗi thánh Augustin đã phải chép tác phẩm vĩ đại Ðô thị của Thiên Chúa (413-427) để trả lời cho họ. Khoảng năm 495, giáo hoàng Gélase còn phải lên tiếng phản đối tục làm lễ Lupercales. Khi thành phố bị bao vây vào các năm 537-538, có người ngỏ ý phải mở lại đền Janus.
Nhưng khối ngoại giáo chống đối tan rã dần. Việc các gia đình nghị viên tên tuổi đón nhận kitô giáo, đã khởi sự từ thế kỷ IV như trên kia đã nói, vẫn tiếp tục. Vào đầu thế kỷ VI, phái thượng lưu văn hóa và xã hội kể như đã được chinh phục hoàn toàn. Người tutor và bố vợ của Boèce, cũng công giáo như ông, là chắt của Symmaque đại nhân. Ông này trước kia là lãnh tụ của đảng ngoại giáo, đối lập với thánh Ambroise. Nhờ con người của Boèce, chúng ta có thể nhận định rõ phần tinh túy kitô của những người Roma cuối cùng này: Họ đón nhận tôn giáo cách sáng suốt, dinh dưỡng bằng khoa triết lý, trung thành với truyền thống cổ điển, có đức tin trung thực, hoàn toàn thấu hiểu những vấn đề thần học và giáo luật trong Giáo Hội thời ấy.
Hiện tượng này còn gặp thấy tại các tỉnh: hình như để đối phó với làn sóng man di đang trào lên, một mặt trận chung Kitô và văn hóa đã hình thành. Chức nghiệp của một học giả như Sidoine Apollinaire thật điển hình: sinh quán tại Lyon vào năm 430, trong một gia đình qúi phái, cha và ông nội đã làm giám đốc tòa án thượng cấp, là con rể của một trong những vị hoàng đế Roma cuối cùng (Avitus, 455-456), ông cũng là quận trưởng Roma (468). Thuộc gia đình công giáo lâu đời, lúc đầu có phần nguội lạnh, sau trở nên chín chắn, ông gia nhập hàng giáo sĩ, cuối cùng ông làm giám mục tại thành phố của người Avernes. Trong khuôn viên thành phố, ông có một tư dinh đẹp đẽ khang trang (471 - kh. 486). Ông lần lượt chứng kiến việc thành phố Lyon rơi vào tay người Burgondes (470-474), miền Auvergnes bị người Visigoths xâm nhập (475). Chỉ vì ông là người của Giáo Hội nên giữa các cơn phong ba bão táp này, ông đã giữ được lòng sắt son với những truyền thống mà ông có ý duy trì cho đến cùng. Như vậy, ở Tây phương, chúng ta không gặp thấy có phong trào phản kháng tương tự như sức đối lập cố chấp của những người cuối cùng thuộc phái tân-Platon trường phái Athènes.
Xét về chủ yếu, các vấn đề cần giải quyết, đối với phái thượng lưu hay với quần chúng, đối với thành thị hay với thôn quê, đều giống nhau: phải đả phá nền ngoại giáo còn sót lại, cố kết bằng những thủ tục cổ truyền hơn là bằng những tín ngưỡng có ý thức, và đang đi dần đến chỗ dị đoan. Các hình thức dị đoan này có nguy cơ tái hiện vì đã xâm nhập giữa hàng ngũ tín hữu. Vì thế, bấy giờ đã có nhiều bài giảng phòng ngừa dị đoan, chẳng hạn vào các năm 440, trong một bài giảng ngày lễ Sinh nhật, thánh giáo hoàng Léon đã công kích những giáo dân, trước khi bước vào đền thánh Phêrô tại Vatican, còn quay cổ lại cung kính vái chào mặt trời đang mọc theo lối ngoại giáo.
Giáo Hội không chỉ đả phá phiến diện theo lối tiêu cực, Giáo Hội cũng biết bảo tồn nhiều truyền thống lâu đời. Sau khi đã tìm cách thích ứng và chuyển hóa những truyền thống ấy, Giáo Hội lại dùng chúng để cổ võ lòng đạo đức. Chẳng hạn những cuộc rước kiệu trước kia của người Roma gọi là ambarvalia đã được thay thế bằng rước kiệu Cầu mùa trong ba ngày mà thánh giám mục Mamert (+ kh. 470) cho tổ chức trong địa phận Vienne của ngài. Vị giám mục này là anh cả của triết gia Claudien Mamert, một trong những người tiêu biểu cho nền văn hóa hy lạp tại Tây phương.
Công trình Phúc Âm hóa hay việc làm cho người ta trở lại theo chiều sâu, đã nổi bật trong thế kỷ V và VI. Khởi xướng lên công trình này là những giám mục tên tuổi, vừa là chủ chăn vừa là thày dạy, trong phạm vi này các ngài nối nghiệp các giáo phụ của thế kỷ IV. Tại Roma, nổi bật nhất và đáng được hậu lai tặng cho danh hiệu ”đại nhân” là thánh Léon cả (440-461). Một đàng bằng thư tín, ngài nêu bật địa vị của ngài trong thiên chức giáo hoàng, ngài dùng quyền hành can thiệp tại Ðông phương cũng như tại Tây phương, để nói lên khía cạnh tín lý và kỷ luật, mặt khác, ngài dùng các bài giảng chứng tỏ ngài là giám mục luôn bận tâm đến việc giáo huấn bổn đạo. Các bài giảng của ngài thường vắn tắt, gọn gàng và chặt nghĩa, chuyên chủ đầu tiên đến giáo lý, giống như khoa thần học thu gọn vào những điểm chính yếu (người ta có cảm tưởng ngài vừa quan tâm đến phương diện giáo dục, muốn cân nhắc giáo lý làm sao cho hợp với trình độ và nhu cầu của thính giả, vừa có ý làm liên tưởng đến tình hình lịch sử lúc đó: thời kỳ khai sinh và sáng tác đã chấm dứt, tín lý hình như đã được ổn định rồi). Thánh Léon diễn tả tư tưởng thần học dưới hình thức rất đơn sơ, với một thể văn xuôi chảy và sáng sủa, bằng nhiều thành ngữ đẽo gọt rất tài tình; cách diễn tả của ngài có nhiều chỗ làm nhớ đến phụng vụ, hơn thế ngài còn xử dụng cách tinh nhuệ và kín đáo những phương pháp điêu luyện trong khoa tu từ học cổ điển (phản đề, đối chiếu, vần thông, thi tiết). Cho đến nay, các độc giả đều cảm phục về nội dung phong phú và hình thức hữu hiệu của các bài thánh nhân viết; các sử gia còn ghi nhận nhiều giá trị riêng trong các áng văn dụng tâm giản dị của thánh giáo hoàng. Thể văn kín đáo ấy tiêu biểu một lối phản ứng đáng chú ý, và mang lại nhiều vinh dự cho thánh Léon, trái với giọng tu từ thiếu chừng mực, lối cầu kỳ đáng ghét, ngôn ngữ giả tạo, quá chuyên môn của các nhà văn học thời bấy giờ. Chúng là một trong những triệu chứng chắc chắn cho biết họ đã lâm cảnh suy vi.
Chúng ta lại gặp thấy cùng một mối quan tâm trong việc giảng thuyết, trong lối huấn luyện tín lý, cùng một khuynh hướng đơn giản hóa các vấn đề, ngay trong khoa thần học (những lối cầu kỳ tế nhị của Ðông phương thì khác xa), trong những tác phẩm của các giám mục Ý thuộc thế hệ trước như Maxime thành Turin (+ trước 423), hay những vị đồng thời như Phêrô Chrysologue thành Ravenne (kh. 432/440-450), hoặc sau này, nơi các giới khác, trong tác phẩm của Césaire thành Arles (503-542) bên Gaule, hoặc của Martin thành Braga (561-580) tại Galice. Hai ông sau cùng là những nhà tổ chức dầy kinh nghiệm trong phạm vi mục vụ của họ: triệu tập và hướng dẫn nhiều công đồng, quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề củng cố và gia tăng các cơ cấu Giáo Hội, phát triển song song với các sinh hoạt truyền bá Phúc Âm hóa.
Tất cả các ngài đều năng nổ dùng lời rao giảng để truyền bá phúc âm theo chiều sâu, để nâng cao mức độ tôn giáo của các tín hữu, để bài trừ những tập tục dị đoan đang làm lợi cho nếp sống ngoại giáo còn sót lại. Cuộc tranh đấu khó khăn này sẽ kéo dài trong nhiều thế kỷ và mang lại kết quả nhiều ít tùy hoàn cảnh. Chung cục, một số tục lệ ấy đã được bãi bỏ: chẳng hạn tục đeo mặt nạ có hình các giống vật kế sau những lễ ngoại giáo vào dịp đầu năm (hiện nay tại Bắc Phi vẫn còn sót lại một phần tục lệ này mặc dầu miền này đã theo Hồi giáo). Một số tục lệ khác vẫn còn nhưng đã biến đổi thành địa phương tính: chúng ta vẫn còn giữ tục lệ tặng quà và chúc tuổi ngày mồng Một tháng Giêng, tục lệ này cũng xuất phát từ ngoại giáo và từng bị các nhà giảng thuyết đả kích kịch liệt. Trong các sinh ngữ miền Tây Âu, chỉ riêng có tiếng bồ-đào-nha đem áp dụng tục lệ tôn giáo là điều thông dụng tại miền Hylạp, để chỉ định các ngày theo thứ tự trong tuần, thay vì dùng tên những thần tinh tú của tuần chiêm tinh: ngày của Mặt trăng, ngày của Hỏa tinh...
Số các tòa giám mục đã tăng lên nhiều. Chẳng hạn phần đất nước Gaule ở ven bờ Ðịa Trung Hải (hai tỉnh miền Narbonne, phía nam miền Vienne và quận Alpes duyên hải) đã có tới hai chục tòa giám mục vào cuối thế kỷ IV, lại tăng thêm 10 trong thế kỷ V, 10 trong thế kỷ VI. Nguyên bán đảo Ibérique vào thời này, có tất cả sáu mươi chín tòa giám mục.
Phong trào Phúc Âm hóa các miền thôn quê, trên kia đã nói là còn ở giai đoạn phôi thai, thời này tiến hành rất nhanh. Vì thế, chương trình khẩn trương là xây cất nhà thờ thôn quê, hoặc tại các thị xã, trước kia vào thời ngoại giáo, đã có trung tâm mục vụ, hoặc tại những làng cũ, hoặc giữa những xóm làng tân tạo đang phát triển trong cương thổ lớn với cơ cấu theo lối trung cổ. Ðây là một hiện tượng mới mẻ khác hẳn với cơ cấu cổ truyền của Giáo Hội, từ thuở đầu vẫn tập trung vào các đô thị và quây quần chặt chẽ chung quanh tòa giám mục của mình.
Cũng như tại Ðông phương, họ đạo thôn quê chưa có một qui chế rõ rệt. Nhiều công đồng miền đã giúp chúng ta theo dõi đà diễn tiến đưa đẩy đến việc phân chia các họ đạo. Chẳng hạn tại miền nam nước Gaule, có các công đồng Riez 439, Vaison 442, Agde 506, Arles 524, Vaison 529... Cùng một hiện tượng như thế tại Tây Ban Nha, từ công đồng Tolède I (400) cho đến công đồng Tolède III (589). Dần dà số các họ đạo đã gia tăng rất nhiều. Chúng ta có thể kiểm điểm một cách rõ rệt về miền Galice: năm 569, địa phận Braga có hai mươi chín họ đạo, địa phận Portucale kế cận có hai mươi bốn họ đạo.
Linh mục quản nhiệm một nhà thờ thôn quê, lúc đầu chỉ có những quyền hành theo giáo luật hay những nguồn lợi tài chính được minh định chặt chẽ. Trong một thời gian khá lâu, người ta vẫn còn tìm cách tập trung tất cả giáo dân về nhà thờ giám mục, hay ít ra về nhà thờ trung ương vào các dịp lễ trọng.
Miền Bắc và miền Trung nước Ý có một tổ chức độc đáo và phức tạp hơn, gọi là pieve tức là một cấp trung gian giữa tòa giám mục và họ đạo mới thành lập: các nhà thờ thôn quê trong một quận họp thành một ”cộng đồng họ lẻ” lệ thuộc vào một nhà thờ chính, và chỉ tại nhà thờ chính này mới được cử hành bí tích Rửa Tội.
Trên một cấp bậc cao hơn, các giám mục họp thành từng giáo tỉnh dưới quyền điều khiển của vị tổng giám mục. Nguyên tắc thì không ai bàn cãi nhưng phạm vi tài thẩm của ngài thì đôi khi bị đặt vấn đề, hoặc vì tham vọng cá nhân, hoặc vì những cuộc sửa đổi hành chính dân sự ảnh hưởng đến các lãnh thổ của Giáo Hội. Chẳng hạn tại miền nam nước Gaule, quyền thế của tòa Arles, nơi tòa án Trèves đã tị nạn tới đấy cuối thế kỷ IV, trở nên quan trọng hơn tòa tổng giám mục cũ tại Vienne. Mặc dầu công đồng Turin (398) đã ấn định về nguyên tắc tổ chức, tình hình giáo quyền của các giám mục miền này bị đặt vấn đề nhiều lần trong thế kỷ V, bởi vậy đã có những cuộc tranh luận gay gắt làm nhiều giáo hoàng phải can thiệp, từ Zosime (417-418) cho đến Hilaire (461-468).
Toàn thể Giáo Hội la-tinh qui tụ chung quanh tòa Roma. Mối liên lạc trên xem ra còn lỏng lẻo, nếu đem so sánh với hiện tượng tập trung ngày nay, hay với thực trạng mà các thượng phụ đông phương vào thế kỷ V và VI. Tuy nhiên, ngay từ thời đó, quyền tối thượng của Roma được thừa nhận cách minh nhiên và mau lẹ, về hết mọi phương diện: tín lý, kỷ luật, tài thẩm.
Mặc dù hoàn cảnh lịch sử lúc đó không thuận tiện, thúc đẩy bước tiến triển này là sự nghiệp của các giáo hoàng, các ngài ý thức về thế lực của mình, suy tính làm sao để thế lực ấy được thừa nhận và tôn trọng, kể từ Innocent I (401-417) cho đến thánh Grégoire cả (590-604). Không thể kể tên hết mọi vị, nhưng ít nữa cũng cần ghi nhận ở đây tên của thánh Léon (440-461) và của Gélase (492-496): mặc dầu thời kỳ cầm quyền tương đối ngắn ngủi, chúng ta còn giữ lại được của các ngài chừng 150 bức thư hoặc những đoạn viết lẻ tẻ. Vì lưu tâm đến hết mọi nhu cầu của Giáo Hội, các ngài không ngần ngại can thiệp nhiều lần, đôi khi đi sâu vào chi tiết trong việc phân giải. Giáo Hoàng Célestin gửi một bức thư cho các giám mục miền Provence (428) để lên án tục lệ giáo sĩ mang y phục riêng. Hình như tục lệ này xuất xứ từ tu viện, do các giám mục gốc tích đảo Lérins du nhập vào. Nên ghi nhận việc lên án này là bằng chứng thứ nhất chúng ta nắm được về vấn đề y phục của giáo sĩ. Từ trước đến đấy, theo như giáo hoàng mong muốn, hàng giáo sĩ chỉ khác giáo dân ”về kiến thức, đạo hạnh, truyền thống chứ không phải về áo quần”, doctrina non veste, conversatione non habitu, mentis puritate non cultu (26).
Khỏi cần nhắc đến địa vị quyết đoán của Roma trong các vấn đề về Kitô học hay về khuynh hướng Pélage. Riêng về phương diện tài thẩm, việc kháng tố lên tới tông tòa như cơ quan tối thẩm là một nguyên tắc không ai bàn cãi. Thực ra, vì các Giáo hội địa phương có khuynh hướng tự nhiên muốn giải quyết lấy những khúc mắc nội bộ cho nên hiếm có việc chống án. Ðôi khi người ta có cảm tưởng rằng vì quá mãn nguyện khi có dịp xử dụng quyền thế, giáo triều Roma có khuynh hướng bênh vực phe đến khiếu nại với mình và cho họ có lý, mà không chịu nghe đối phương. Ðiều này nhiều khi đã làm cho những nố phản kháng hay vụ kiện bùng nổ thêm. Chẳng hạn vụ linh mục phi Châu, Apiarius thành Sicca Veneria, bị giám mục của ông rút phép thông công vì hạnh kiểm bất xứng đã kéo dài từ năm 417-418 cho đến 426 và lần lượt làm bận tâm các giáo hoàng Innocent, Boniface và Célestin.
Việc xử dụng quyền bính ngày càng gặp nhiều khó khăn do những cuộc chính biến. Sau cuộc xâm lăng năm 406 các mối liên lạc giữa tòa giáo hoàng và miền bắc nước Gaule theo thực tế đã bị gián đoạn; ngay với cả những tỉnh miền Ðông-nam, còn theo tôn chỉ Roma và về chính trị còn lệ thuộc nước Ý, các cuộc giao thông cũng không dễ dàng. Người ta nhận thấy rõ điều ấy mỗi khi có biến cố trầm trọng, như cuộc khủng hoảng Nhất tính. Thánh Léon đã lưu ý thông đạt cho hàng giám mục miền Provence (ngày mồng 5 tháng năm 450) bản văn của Tập sách gửi Flavien trứ danh của ngài. Vì thư trả lời của công đồng Arles tới Roma muộn quá nên các đại biểu Roma không xử dụng được nó trong công đồng Chalcédoine như giáo hoàng mong muốn: giấy báo đã nhận thơ của thánh Léon đề ngày 27 tháng giêng năm 452. Có điều kỳ lạ, là trong bản hồi âm này ngài ủy nhiệm các giám mục Gaule chuyển đạt kết quả mỹ mãn của công đồng cho hàng giám mục Tây Ban Nha, như thể là chính ngài không thể trực tiếp loan tin cho họ. Nhờ những bức thư này người ta mới nhận thấy việc giao thông lệ thuộc vào việc đi ad limina của một vị giám chức nào đó. Trong trường hợp trên, việc tổng giám mục Embrun tới Roma nhân khi có vụ tranh chấp về tài thẩm; lại cũng một vị giám mục Grenoble đã chuyển đạt tới Milan Cuốn sách gửi Flavien.
Bởi vậy, nhiều lần Roma đã tìm cách cứu vãn tình trạng này: Năm 412, giáo hoàng Innocent đã đặt Thessalonique như một giáo phận đại diện Tông toà để gián tiếp thi hành quyền bính của Tông tòa tại các tỉnh Hylạp thuộc giáo phận này. Cũng tùy theo hoàn cảnh, đôi khi Roma đặt một Khâm mạng thường xuyên như trung gian hiệp thông và thi hành quyền bính giữa Roma với những giáo tỉnh khác nhau tại một miền.
Tại nước Gaule dọc theo bờ Ðịa-trung-hải, Arles đòi giữ chức vụ ”đại diện Tông Tòa”. Nhờ mưu mô của Patrocle, giáo hoàng Zosime chấp thuận việc ấy năm 417, nhưng quyền trưởng giáo của Arles đã mai một ngay từ năm 419. Với tính tình cương nghị, thánh Léon thẳng thắn chống đối việc thánh Hilaire lấy sáng kiến định mở rộng quyền bính của ông ra ngoài ranh giới địa phận. Ðược hồi phục khoảng năm 462, rồi năm 514 (để thăng chức cho thánh Césaire), một lần nữa vào năm 595, dưới đời thánh Grégoire cả, thể chế này không gặp thời cơ để tồn tại: nguyên do, một phần tại các cuộc thăng trầm chính trị trong một nước đang bị xâu xé giữa các người Wisigoths, Ostrogoths, Burgondes và Francs. Sau khi nước Gaule được thống nhất dưới nhà Mérovingien, chính giám mục Lyon đứng đầu và mang danh hiệu là trưởng giáo chủ (570, 580...), nhưng không thi hành những chức vụ của một vị đại diện cho giáo hoàng.
Tại Tây Ban Nha, một thứ quyền đại diện tương tự như trên được ủy thác cho giám mục Séville, do các giáo hoàng Simplicius (468-483), Felix (483-492), rồi sau là Hormisdas (514-523). Giáo hoàng này phân định rõ lãnh thổ của đương sự là hai tỉnh Bétique và Lusitanie. Hình như ngài cũng ủy thác những chức vụ tương đương như vậy cho một giám mục miền Tarraconaise. Nhưng đây chỉ là một sự ủy thác tạm thời, không được nhìn nhận trong tương lai, nhất là từ khi Giáo Hội Tây Ban Nha tiến dần tới một giáo hội quốc gia thống nhất chung quanh tòa Tolède. Từ địa vị là tòa giám mục thuộc hạt Carthagène, tòa Tolède trở thành tòa tổng giám mục năm 527; sau khi vua Reccarède trở lại, vị giám mục kinh đô, đảm nhiệm tòa Tolède, trở thành giáo chủ thực sự trên cả nước Tây Ban Nha. Tuy nhiên mãi tới năm 647 danh hiệu ”giáo chủ” mới xuất hiện.
Các thế kỷ V và VI cũng cho thấy rằng chế độ tu viện đã phát triển lên rất mạnh. Về phương diện này truyền thống đã khai mào trong thế kỷ trước vẫn tiếp tục không có sự thay đổi đặc biệt. Những tâm điểm đã có trước, nay bắt đầu lập thêm các chi nhánh: từ đảo Lérins, chế độ tu viện lan tràn tới miền Vienne-Lyon, rồi từ đấy phát đi tới quận Jura (Conda, hiện nay là Saint-Claude, 450) và miền Valais (Agaune, hiện nay là Saint-Maurice, 515). Một số tâm điểm mới xuất hiện: chẳng hạn riêng ở Tây Ban Nha, có Asan tại Aragon do thánh Emilien sáng lập và trở nên thời danh nhờ thánh Victorien (+ 558), có Dumio, Braga tại miền Galice do thánh Martin thành lập vào các năm 550.
Thánh Martin thành Braga sinh ra tại Pannonie và trùng tên với bề trên và quan thầy của ngài là thánh Martin thành Tours, ngài đã nhận ra ơn gọi vào dòng và trở nên tông đồ trong thời kỳ lưu ngụ tại Palestine. Cũng giống như tại miền Provence, chế độ tu viện tại Ibérique bắt nguồn từ sáng kiến trực tiếp của các tu sĩ Ðông phương đầu tiên. Thánh Martin vừa dịch vừa thúc đẩy việc dịch những Apophtegmes của các Cha thánh sa mạc. Nhờ có một số ảnh hưởng khác nữa nên đường hướng tu viện này đã phát triển mạnh, nhất là nhờ sự cộng tác của những người tị nạn từ châu Phi tới. Một điều đáng lưu ý, năm 569 viện phụ Donat cùng với bảy mươi tu sĩ mang theo một thuyền sách tới miền Valence, mấy năm sau lại có viện phụ Nanctus đến cư ngụ tại Mérida. Hình như ảnh hưởng kỷ luật của thánh Augustin đã du nhập vào Tây Ban Nha theo con đường ấy.
Ảnh hưởng ấy cũng chưa cắt nghĩa thỏa đáng một hiện tượng khá phổ biến: vì sao đường hướng tu viện đã góp phần vào việc tuyển trạch các giám mục. Lý do tại hoàn cảnh lịch sử: các tập tục man di càng tăng gấp, nền văn hóa càng suy sút, thì việc tuyển chọn các giám mục càng trở nên khó khăn. Muốn có một giám mục đạo hạnh tốt và văn hóa cao, càng ngày người ta càng kêu gọi đến các tu sĩ: trong vòng hai thế kỷ, đảo Lérins đã trở nên lò đào tạo các giám mục. Vị sáng lập tu viện Lérins là thánh Honorat, đã kết thúc cuộc đời tại tòa Arles (427-430); trước hoặc sau ông đã có ba môn sinh giữ chức vị ấy; sau này còn một số tu sĩ khác cũng được chọn làm giám mục, trong đó có thánh Césaire cả (503-542). Ðảo Lérins đã gây ảnh hưởng trên toàn thể miền Ðông-Nam nước Gaule: vào khoảng giữa thế kỷ V, người ta thấy có thánh Eucher tại Lyon, hai con của ngài là Salonius tại Genève và Véran tại Vence. Hiện tượng ”nhiều tu sĩ làm giám mục” cũng diễn ra tại châu Phi, tại Tây Ban Nha. Riêng Roma, vị chủ trương bảo thủ, mãi sau mới chấp nhận ”việc chọn tu sĩ làm giám mục”: mãi cuối thế kỷ VI mới thấy một cựu tu sĩ lên chức giáo hoàng, và là giáo hoàng thời danh: đó là thánh Grégoire cả (590-604).
Sau khi trở nên giám mục, các tu sĩ này vẫn duy trì lý tưởng tu trì của họ như trước: họ vẫn giữ tâm hồn tu sĩ thuần chất, ngay cả trong y phục của họ. Hình như họ thường qui tụ (chúng ta không có bằng chứng đích đáng về điểm này) chung quanh mình một số giáo sĩ để sống chung. Có nhiều bằng chứng về sự kiện họ phát triển chế độ tu viện với tư cách là những vị sáng lập hay soạn thảo luật dòng.
Phải nói thật, ”đầu mùa trăm hoa đua nở” này đã diễn ra trong một bầu khí hơi lộn xộn. Cũng như ở phương Ðông, mỗi tu viện chấp thuận một đường lối tổ chức và tinh thần tùy theo vị sáng lập; bởi vậy đã có quá nhiều thứ luật lệ. Hiện còn giữ được tới hai mươi quy luật khác nhau. Không phải bản luật nào cũng độc đáo cả; những văn kiện ấy góp chép lẫn nhau rất nhiều, ấy là chưa kể đến việc phiên dịch và thích ứng các kỷ luật đông phương. Trong nhiều trường hợp, rất dễ nhận định những điểm vay mượn hay xuất xứ của chúng: chẳng hạn hai quy luật cho dòng nam và dòng nữ của thánh Césaire, cả hai đã được chuyển hóa từ luật của thánh Augustin và có lễ từ truyền thống đảo Lérins nữa, cả hai cũng lại gợi hứng cho một loạt quy luật khác do Aurélien thành Arles soạn thảo, như Regula Tarnantensis, Regula Ferreoli. Ðó là chưa nói đến ảnh hưởng của chúng tại Ý và Tây Ban Nha.
Giữa các quy luật dòng được sọan thảo trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy, nổi bật một quy luật thời danh nhất và phong phú nhất, đó là quy luật do thánh Benoit thành Nursie. Ngài là tu sĩ tại Subiaco, rồi tại Mont-Cassin là nơi hình như ngài đã soạn ra luật ấy vào khoảng năm 540. Hiện nay còn nhiều cuộc tranh luận gay go về những liên hệ giữa kỷ luật này với các bản văn khác, nhất là với Regula Magistri vẫn được coi là bí mật. Cho dù chúng liên hệ theo chiều hướng nào đi nữa, nếu đem so sánh hai bên thì sẽ thấy nổi bật lên tính độc đáo và công trình của bộ Kỷ luật trên: chừng mực và gọn gàng, mực thước và quân bình, kêu gọi đi đến bền đỗ, vâng lời, đời sống cộng đồng. Theo truyền thống, thánh Benoit được tôn sùng như vị thủy tổ các tu sĩ Tây phương. Như vậy là đúng, nhưng cần phải chỉnh đốn tước hiệu ấy với hai nhận xét sau đây :
1) Mặc dầu Quy luật Biển-đức đã được phổ biến tại Ý ngay từ lúc đầu, đà tiến ấy bị khựng lại bởi những biến cố do cuộc xâm lăng của người Lombards gây nên: núi Cassino bị tàn phá năm 577 và các tu sĩ phải tị nạn đến Latran; mãi tới thế kỷ VII quy luật ấy mới du nhập vào miền Gaule, hình như mãi sau mới vào Tây Ban Nha. Sau thời kỳ Carolingien và nhất là nhờ cuộc cải tổ của thánh Benoit thành Aniane (+ 821), Quy luật ấy mới được phổ biến rộng rãi và trở nên một trong những đặc tính nổi bật của chế độ Tu viện Tây phương.
2) Quy luật này chắc chắn mang nặng tinh thần tây phương, nếu không được coi là sản nghiệp của truyền thống pháp lý Roma. Nhưng Benoit còn là một vị thánh theo tiêu chuẩn đặc biệt Ðông phương: chính ông cũng là người làm phép lạ, có thần khí, có tài ba thiêng liêng theo truyền thống Antôn đã khai mở trước. Ðừng quên rằng Quy luật dành riêng cho ”người mới nhập tu viện”, chỉ đoạn cuối cùng, tức đoạn LXXIII, mới mở ra một viễn tượng lớn hơn: sau thời gian tập tu, initium conversationis, ngài khuyên nhủ những người muốn đạt tới tới đỉnh toàn thiện phải tự đặt mình vào trường phái của các Cha thánh đời trước, phải nghiên cứu các bài giảng thuyết, các Quy chế của Gioan Cassino, hạnh tích của những Cha thánh trong sa mạc và Quy luật của thánh Basile.
Xét theo chiều sâu: Không riêng thánh Benoit mà nói chung chế độ tu viện tại các xứ ven bờ Ðịa-trung-hải trong thế kỷ V và VI, vẫn còn rập theo lý tưởng tu trì thừa hưởng được từ đời Cổ đại. Lý tưởng này được định nghĩa bằng việc xa lánh thế tục, và những giá trị giả tạo của trần thế mà đứng hàng đầu là văn hóa trí thức (thật ra đây là thứ văn hóa trụy lạc của nhiều văn sĩ thời ấy). Phải đợi đến thế kỷ VII-VIII trở đi, mới bừng sáng chế độ tu viện bác học và khai hóa, một đặc tính của Tây phương thời kỳ Trung cổ.
Người ta cũng nhận thấy có sự liên tục như thế về phương diện đạo đức và về đời sống tôn giáo: lòng sùng kính các vị tử đạo và các thánh nói chung vẫn phát triển theo chiều hướng của thế kỷ IV; giữa các vị thánh được sùng kính, như tại phương Ðông, nổi bật nhất luôn là đức Trinh nữ Maria. Vào đầu thế kỷ IV tại Roma, vẫn chưa có thói quen phân biệt các nhà thờ bằng tên một vị thánh; người ta còn lấy tên ”người hằng tâm hằng sản” để chỉ các nhà thờ ấy. Vì thế có trường hợp một nhà thờ mang thực hiệu ”thứ hai-mươi-lăm”, hay một họ đạo thành phố, được thành lập dưới đời giáo hoàng Innocent (401-417), có nhà thờ Saint-Vital, mà ban đầu chỉ gọi là titulus Vestinae. Trái lại, chừng ba mươi năm sau, ngay sau công đồng Ephèse như trên kia đã nói, giáo hoàng Xyste III cho trùng tu và trang trí nguy nga đền thánh trên đồi Esquilin, ngài đã thẳng thắn cung hiến thánh đường mới này cho Mẹ Thiên Chúa với câu: Virgo Maria, tibi Xystus nova tecta dicavi (27).
Tục lệ trên phổ biến nhanh chóng đến nỗi vào cuối thế kỷ VI, hết thảy những người khởi xướng xây cất các nhà thờ thực hiệu cũ ngày trước đều được gán cho tước hiệu là ”thánh” cả: như vậy titulus Sabinae đã trở thành nhà thờ bà thánh Sabina, nhà thờ mà giáo hoàng Máccô đã sáng lập trong thời kỳ nhiệm chức ngắn ngủi của ngài (336) được gọi là nhà thờ Thánh Máccô...
Lòng sùng kính các thánh bao giờ cũng bày tỏ bằng việc tôn trọng hài cốt của các ngài. Dĩ nhiên có nhiều hình thức lợi dụng: tìm mọi cách để mua tậu và làm chủ hài cốt thánh, hoặc đi hành hương tới các thánh đường mang dấu vết của các ngài.
Như trên đã nói, người phương Tây tiếp tục thăm viếng những thánh đường tại phương Ðông; Roma và các hang toại đạo cũng đón tiếp rất nhiều khách hành hương. Nhà thờ chính tòa Monza tại miền Lombardie duy trì một loạt ve đựng dầu đã sẻ được từ những đèn thắp trước lưu niệm (mémoriae) của nhiều vị tử đạo Roma (mỗi ve đều có mang nhãn hiệu nói lên xuất xứ của nó). Loạt ve này do một linh mục có lòng sùng kính các thánh đã mang về tặng hoàng hậu người Lombardie tên là Theodolinda vào các năm 590-604.
Cũng như sẽ còn xảy ra vào đầu thế kỷ thứ XIX, có lúc người ta nhầm tưởng tất cả giáo dân được chôn cất trong mộ động đều là những vị tử đạo thực sự. Cũng vì vậy mà lòng sùng kính ấy đã phản ảnh mức sa sút chung về văn hóa. Ðể thỏa mãn tính hiếu kỳ của các tín hữu và khách hành hương, vào lúc này đã xuất hiện một loạt văn chương huyền thoại, do những người viết truyện các thánh bịa đặt ra một cách kỳ cục, nhất là đối với các vị thánh trước kia chỉ được biết đến tên và một vài chi tiết (địa điểm ngôi mộ, ngày tháng kính nhớ).
Chúng ta còn có nhiều bằng chứng khác để khẳng định những thiếu sót về ý thức lịch sử, những hành động thiếu đứng đắn và ít lương tri: chẳng hạn sau khi vụ bầu giáo hoàng Symmaque bị đả kích và đẩy tới cuộc ly giáo, xảy ra vào các năm từ 498 đến 507, những người thuộc phe cánh của Symmaque đã cả gan chép ra những chuyện hoàn toàn giả mạo để bào chữa cho ông. Vấn đề đặt ra là: phải chăng khi giáo hoàng bị tố cáo về một số tội phạm và mấy điều tai tiếng (hình như đây là một điều vu khống), thì ngài có thể bị đưa ra trước tòa các giám mục hay không? Ðể quả quyết ”thủ tục trên không thể chấp nhận được”, các ngụy thư của phe Symmaque dựng đứng lên rằng: vấn đề đã được nêu ra và đã được giải đáp bởi nhiều vị giáo hoàng trước, vì thế nên đã có tập Constitutum Sylvestri tức nghị định của một công đồng ma nhóm họp tại Roma dưới đời Constantin, với sự hiện diện của hoàng đế sau khi ngài chịu phép rửa tội và được chính giáo hoàng làm phép lạ cho khỏi bệnh phong cùi.
Không nên dừng lại quá nhiều ở những lối phát biểu kỳ cục ấy của một nền văn hóa đang suy đồi. Vì chính trong thời ấy, có một công trình rất đáng hoan nghênh về mọi khía cạnh, đó là việc khởi thảo nền phụng vụ Roma. Nhờ đó, nền phụng vụ mau đạt tới mức trưởng thành, từ đời Carolingien trở đi nó bắt đầu xâm nhập vào toàn cõi phương Tây và trở nên nền phụng vụ chung cho toàn thể Giáo Hội la-tinh Tây phương, ngoại trừ mấy yếu tố địa phương còn sót lại (như ở Milan, Lyon, Tolède).
Dĩ nhiên vào thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu, việc bành trướng phụng vụ chưa thành đạt và cũng chưa thể tiên đoán ra sao. Mặc dầu các giáo hoàng đã làm hết sức để các giáo hội khác nhau chấp nhận đường lối Roma, nhiều truyền thống phụng vụ lúc đó đang thịnh hành, có nhiều điểm dị biệt, như truyền thống Phi châu, Tây Ban Nha (thay vì gọi truyền thống này là ”mozarabe”, người ta gọi là ”Wisigothique”), Gallican và sau cùng là những truyền thống miền Bắc Ý và miền Trung Ý. Một bức thư giáo hoàng Innocent gửi cho giám mục Gubbio, không đầy 120 cây số về phía bắc Roma, làm chứng rằng: vào đầu thế kỷ V, miền Ombrie vẫn chưa chấp nhận Lễ điển của kinh đô. Hình như ngay tại Roma cũng chưa nhất thống hoàn toàn, còn phải phân biệt phụng vụ giáo hoàng và phụng vụ của các linh mục ”biệt hiệu”. Lúc này còn đang là thời kỳ sáng tác, tương tự như một bụi cây đang mọc xum xuê, chưa được cắt tỉa đầy đủ.
Ðến đây, chúng ta thử tìm hiểu qua về lễ Thánh thể. Ðiều hiển nhiên, nếu để ý nghiên cứu chúng ta sẽ thấy cuốn sách lễ Roma đã được bố cục qua nhiều giai đoạn phiền tạp. Mỗi thời đại đều để lại trong đó một dấu tích riêng. Phần đóng góp của các giáo sĩ trong Ðế quốc Carolingien rất quan trọng, đến nỗi có thể nói được rằng ”đây là nền phụng vụ Roma-Franc”. Dù sao, các yếu tố cấu thành và phần lớn công trình soạn thảo là sự nghiệp của các thế kỷ V và VI tại Roma.
Cách phối trí và bản văn chính yếu của phần chung thánh lễ gọi là Lễ qui, đã được ấn định dứt khoát vào thời kỳ này. Thực ra, công việc đã được thực hiện từ lâu rồi, bây giờ là lúc phải khởi thảo bản văn chung kết. Tất cả các vị giáo hoàng tên tuổi thời kỳ ấy như thánh Léon, Gélase, Symmaque, Vigile, thánh Grégoire, đều góp phần bằng việc sửa đổi chỗ này, thêm một câu vào chỗ khác. Có thể nói được, kể từ năm 600, công việc đã hoàn thành, các thế kỷ sau chỉ thay đổi đôi ba chữ thôi.
Lễ la-tinh đã mặc một hình thức riêng. Các Giáo Hội Ðông phương vẫn còn tự do lựa chọn giữa nhiều nền phụng vụ. Phần Lễ qui đã cố định, ngoại trừ một số Communicantes và Hanc igitur riêng biệt dành cho những ngày lễ trọng và một số kinh Tiền tụng. Song song với phần lễ chung, có phần lễ riêng, vì thế phải chọn lựa các bài đọc, phải soạn thảo các lời tổng nguyện. Cuốn độc thư Roma cổ nhất hiện còn giữ được cho chúng ta biết đường lối phân phối các đoạn trích Tân Ứơc và Thánh Thư, dùng trong năm phụng vụ ở thế kỷ VII. Người ta nhận thấy rằng phần chính yếu đã được lựa chọn theo tục lệ hiện hành, nhưng có nhiều thay đổi hơn, những lời ”ám chỉ xa gần” đọc thấy trong các bản văn, nhất là trong những bài giảng của thánh Léon, giúp ta đoán biết truyền thống đã được cố định sớm hơn nhiều. Chúng ta có nhiều tài liệu về các lời tổng nguyện. Người ta còn giữ được mấy cuốn ”Bí Tích chỉ nam” cổ thời, cuốn đầu tiên gọi là Leonianum, cho biết bản sưu tập thực hiện ngay sau năm 550. Sách này cho biết nhiều giáo hoàng trong các thế kỷ V và VI đã góp phần, như thánh Léon, Gélase v.v. Bản sưu tập này nêu bật tính cách phong phú dồi dào của giai đoạn sáng tác, về sau người ta cắt bớt đi rất nhiều. Chẳng hạn cuốn bí tích chỉ nam của giáo hoàng Léon góp lại tới 267 kinh tiền tụng khác nhau. Trong những cuốn bí tích chỉ nam đến sau, cuốn của giáo hoàng Gélase (cuối thế kỷ VII) chỉ giữ lại 53 kinh, cuốn của giáo hoàng Grégoire chỉ giữ lại 14. Phương thức chọn lọc trong sách lễ Roma được ấn hành sau thế kỷ thứ XII còn hạn chế nhiều hơn nữa. Ai cũng biết biết điều đó. Thế nhưng trong những sách lễ ấy, người ta đếm được 175 đoạn trích lại từ cuốn bí tích của giáo hoàng Léon, và được duy trì hầu như nguyên vẹn cho đến đời chúng ta. Ngoài ra, hình thức văn chương của những lời nguyện ngày trước đã được dùng làm mẫu mực cho lời nguyện được soạn thảo về sau. Kết luận, những đặc tính và đường hướng chung của sách lễ Roma đã được ấn định vào thời kỳ này.
Ngoài tầm quan trọng lịch sử, còn phải ghi nhận giá trị nội tại, cả về phương diện văn hóa lẫn tôn giáo, của công trình lớn lao này. Các nhà sử học chuyên về ngôn ngữ và nền văn chương la-tinh thường không lưu ý tới. Ðáng lẽ họ phải tán dương nền phụng vụ Roma như kỳ công cuối cùng (mà không phải là thua kém nhất) của nền văn minh cổ điển.
Tiếng la-tinh phụng vụ là một biến dạng độc đáo của tiếng la-tinh văn chương, và như vậy nó là một ngôn ngữ bác học, văn hoa (Thật ngây ngô nếu coi đây như một âm hưởng trực tiếp của sinh ngữ thông dụng vào thời đại ấy). Ðây là thứ ngôn ngữ thuộc truyền thống tôn giáo đã khéo léo trưng dụng tính trầm tĩnh Roma để diễn tả điều linh thánh, theo lối quan niệm rất Roma về sự thánh trong đó có thành phần chuyên đoán và pháp lý; ngôn ngữ bác học này không quên sót môn tu từ hy-lạp đã được các trường phái phổ biến ra, kèm theo lối kết cấu phong phú của Cixéron, với lối dùng biền ngẫu uyển chuyển đối đáp, chọn lọc, tiết điệu, toàn bộ hình như luôn luôn được kiến tạo một cách đơn giản. Nó lại trung thành với thiên tài biệt hữu của tiếng la-tinh đến nỗi các lời tổng nguyện đương nhiên đi sát với thứ văn kỳ đảo dùng trong những kinh cổ đại nhất của đạo gia truyền giữa đám nông dân miền Latium. Sau cùng là thứ ngôn ngữ có âm điệu phong phú và biến chuyển, có lối hành văn riêng biệt cho kinh Tiền tụng mà nét độc đáo nhất là đọc lên người ta cảm thấy ngay giọng văn hùng biện, thể văn gợi cảm và rất súc tích thần học. Thể văn này còn duy trì tài ứng khẩu đã lâu đời được áp dụng trong giây phút long trọng của phụng vụ. Thể văn này đối lập với văn điệu cân nhắc, hầu như đẽo gọt, dùng trong các phần khác của Lễ-qui. Phần tương phản còn biểu hiện hơn thế nữa nếu đem so sánh loại văn ấy với lối soạn thảo các lời tổng nguyện, là những câu mài dũa và thường thiên về văn chương, với lối kết cấu chặt chẽ nhưng phiền tạp, nói chung là bác học hơn.
Nhưng phụng vụ không phải là việc góp nhặt đơn giản một số bản văn, còn phải lưu ý đến những kết quả kỳ diệu hàm súc trong lễ la-tinh, lễ này được quan niệm như lễ nghi nói với toàn thể dân chúng, động viên toàn khối đại chúng. Người Roma vốn có biệt tài điều khiển dân chúng, và về phương diện này, phụng vụ đã bén rễ theo truyền thống hoàng cung, truyền thống các nghi lễ trần tục. Chính các nghi lễ này đã nhuộm mầu linh thánh (không có điều gì là hoàn toàn trần tục trong bầu khí chủ trương tôn giáo tính mới), nhuộm mầu truyền thống mà người ta quen gọi lầm là ”phụng vụ” hoàng cung (các cuộc yết kiến hoàng đế trong Ðệ nhị Ðế chế cũng xử dụng khung cảnh đại thánh đường), hay ”phụng vụ” trường đua ngựa với những lối rước xách riêng biệt. Giáo Hội đã trưng dụng mọi kỹ thuật ấy, cho nên không lạ gì, ban đầu lễ Misa có tới ba lần rước trọng thể, một lần trong kinh Nhập lễ, một lần lúc dâng bánh rượu, một lần khi rước lễ. Cả ba lần đều hát thánh vịnh, nhưng hiện nay chỉ còn lại câu đối xướng.
Sau cùng, nếu đem so sánh với các nền phụng vụ Ðông phương, chúng ta sẽ thấy nổi bật lên tính cách độc đáo của lễ Roma về phương diện thuần túy tôn giáo: gọn gàng, đơn giản, uy nghiêm mà vẫn không kém vẻ hùng tráng; trong đó không thiếu ý nghĩa linh thánh. Nhưng nó biểu hiện dưới một hình thức khác với phụng vụ Ðông phương: nghiêm nghị, kín đáo, nổi bật mầu sắc truyền thống quí phái của Roma. Ðiểm này càng rõ nét hơn khi các yếu tố giáo luật, xã hội và văn hóa xác định danh giới giữa giáo sĩ và giáo dân.
Càng nhận thức được tầm mức quan trọng của phụng vụ, người ta càng phải thận trọng khi đề cập đến một tình trạng suy mạt còn khả nghi: sử gia không thể đưa ra những phán đóan tiêu cực thuần túy và đơn phương về giai đoạn tranh tối tranh sáng, giai đoạn được định nghĩa cách quá dễ dàng như giai đoạn của các thời đại đen tối tại Tây-âu chúng ta.