CHƯƠNG XI
PHẢN HƯỞNG CỦA
CÁC CUỘC XÂM LĂNG MAN DI
CHƯƠNG XI
PHẢN HƯỞNG CỦA
CÁC CUỘC XÂM LĂNG MAN DI
Trong khi những cuộc tranh chấp trường kỳ này tiếp diễn thì cũng có cuộc chuyển mình lịch sử lớn lao đẩy Tây phương bước vào thời Trung cổ, rồi thời đại Tân tiến. Ðế quốc Roma phải nhường chỗ cho một loạt vương quốc do các người Germaniques xâm lăng dựng lên, kéo theo một làn sóng di dân vĩ đại Volkerwanderung, với nhiều diễn biến chính trị và xã hội sâu rộng, đã đặt cơ sở hình thành các nước Âu-châu ngày nay. Dĩ nhiên các biến cố lịch sử này đã hoàn thành với nhiều cảnh xót xa, đau khổ và đổ nát: các miền thôn quê bị tàn phá, bị bỏ hoang vì dân chúng chạy trốn, nhường chỗ cho những người dân khác đến chiếm đóng canh tác, các thành phố bị chiếm đi chiếm lại. Nếu chỉ nói đến các đô thị mà thôi, thì nguyên thành phố Trèves, từ năm 405 đến năm 440, đã bốn lần thất thủ và bị tàn phá, trước khi rơi vào tay người Francs khoảng năm 464-465. Thành phố Sirmium cũng đã thay chủ bảy lần từ năm 427, lúc bị cắt liên lạc với phương Tây vì đường đất quá xa và phương Tây đã nhượng thành phố này cho triều đình Constantinople, cho đến khi thành phố ấy bị người Avars tàn phá vào năm 582. Từ những thảm cảnh ấy, chúng ta có thể hình dung ra những hậu quả tai hại về đời sống tôn giáo. Ðương nhiên phải phân biệt rõ từng miền và từng trường hợp:
1) Tại những miền tiếp cận với Ðế quốc, nơi Kitô giáo chưa ăn rễ sâu là bao nhiêu, lại bị tàn phá thảm khốc bởi các cuộc xâm lăng, người ta thấy Giáo hội bị tạm thời đình trệ nếu chưa phải là bị xóa bỏ hoàn toàn. Những cuộc khảo cổ cho thấy rằng các miền bị man di hóa này chỉ còn sót lại vài dấu tích phụ thuộc và nhỏ bé của kitô giáo, hầu như không thể nhận ra: tựa như mấy cục than còn hơi nóng dưới đống tro tàn.
Ðây là trường hợp miền Pannonie ngày trước, tức đồng bằng nằm giữa sông Danube và sông Drave: nơi đây đã tiêu hao đi biết bao nhiêu nhân lực trước khi dân Hung Gia Lợi xuất hiện vào thế kỷ thứ X. Trường hợp tương tự khác: xế về phía tây một chút, ở phía nam sông Danube và vắt ngang sông Rhin, các tỉnh cũ miền Norique và miền Rhétie, sau này được dân Bavarois và dân Alamans khai khẩn. Tất cả các miền trên sau này mới trở lại Kitô giáo nhờ công trình Phúc Âm hóa, và phải đợi tới thế kỷ VII trở đi mới nom thấy kết quả. Kitô giáo cũng khuất dạng tại miền Bắc-hải, trong đồng bằng Flamand, vì thật ra Kitô giáo chưa hoạt động gì đáng kể tại đây. Ngay trên hải đảo, sau gọi là nước Anh, người Celtes đã biết đến văn hóa Roma ít nhiều và đa số là kitô hữu, đã tự rút lui hay bị tan rã bởi những làn sóng xâm lăng của dân anglo-saxons.
Một tài liệu hiếm có, Cuộc đời của thánh Séverin, do môn sinh của ông là Eugippius biên soạn năm 511, giúp ta hiểu những biến cố đã xẩy ra theo dọc sông Danube, từ Ratisbonne hay Passau đến Vienne, giữa các năm từ 453 đến 488. Tài liệu này diễn tả cách linh động tình trạng thiếu an ninh tại miền giới tuyến này, đồng thời cho thấy dân chúng Roma và Kitô trên hữu vực sông Danube có một đời sống thật căm go. Phải làm thế nào để có thể sống qua ngày bên cạnh những người láng diềng man di hiếu động. Ðó là người Ruge, người Germains đông phương đã xung phong và trà trộn vào hàng ngũ của Attila, cư ngụ tại miền này sau khi đế quốc phù du ấy tan rã.
Vừa tìm ra được một hiệp định sơ bộ, modus vivendi, một thứ quyền bảo hộ đối với họ, thì lại xuất hiện những thù địch mới. Ðó là người Alamans, trước kia lập nghiệp tại miền Rhétie, nay bị người Thuringe chèn ép, họ tìm đường tiến về phía đông, tràn sang bên kia sông Isar, rồi đến bên kia sông Inn. Người Roma rút lui từ hết thành phố này đến làng mạc khác và tới cầu an với những người giữ quyền bảo hộ. Nhưng chính những người này cũng gặp thời gian đen tối: phân chia gia tộc, thất bại trong bước đường nam tiến.
Nước Ý lúc đó nằm trong tay một tướng lãnh đánh thuê, người Germanie, tên là Odoacre, năm 476, đã bình định hoàn toàn Ðế quốc Roma phương Tây. Chính ông phản ứng mãnh liệt, tiêu diệt hầu như toàn diện người Ruges, và ra lệnh cho dân Roma tị nạn sang Ý mang theo hết của cải. Trong những báu vật được các tu sĩ dòng thánh Séverin đem theo, có hài cốt của đấng sáng lập; các thầy di tản đến gần cửa vào thành Naples.
Biến cố này không chỉ xẩy ra một lần, suốt hai thế kỷ V và VI, còn có mấy lần di tản tương tự. Ðó là nguyên nhân khiến miền Illyricum kitô tiêu hao dần mòn, dân chúng trong miền một phần bỏ đi nơi khác, các giáo đoàn tan rã và dần dần bị xóa tên. Vì thế, người ta di chuyển hài cốt của thánh Démétrios từ Sirmium đến Thessalonique năm 412-413, hài cốt của thánh nữ Anastasie đến Constantinople năm 453-458, các hài cốt của thánh Hermogène (hay Hermagoras) và của các bạn ông từ Sirmium và các miền phụ cận về Aquilée, xương của thánh Pollion thành Cibalae về Roma, Roma cũng lại đón nhận bốn vị tử đạo từ miền Pécs, thánh Quirin từ Savaria về miền nam Pannonie. Cuộc di dân vẫn còn tiếp tục, lúc biển người man di ùa tới, hăm dọa miền duyên hải Dalmate, lúc người Avars tàn phá đô thị Salone khoảng năm 614, dân chúng hoảng hốt di tản ra các đảo hay đến nép thân sau tường thành kiên cố gần đấy của Dioclétien tại Split; đức giáo hoàng Gioan IV (600-642) ra lệnh cho dời những hài cốt của các vị tử đạo ở Salone và của thánh Maur thành Parenzo tại miền Istrie về Roma và đặt trong nhà nguyện xinh xắn kính thánh Venance tại Latran.
2) Tình hình ở các miền nằm ngoài vùng vừa nói trên, xem ra lại khác. Chẳng hạn miền Carinthie, miền tả ngạn sông Rhin, miền Ðông-bắc nước Gaule (giữa biên giới miền Wallonie hiện nay và sông Seine), một phần đất miền Normandie, miền Bretagne. Tại các miền này, những thảm họa do cuộc xâm chiếm, việc định cư của các dân tộc mới, Germanie hay Celte (lúc này miền Armorique trở thành Bretagne vì dân từ các đảo tới định cư) chắc chắn đã gây xáo trộn cho đời sống của Giáo Hội trong một thời kỳ khá lâu. Bằng chứng là nhiều chỗ không có giám mục một thời gian lâu trước thế kỷ VI. Tuy khó khăn và sa sút, đời sống kitô tại đây không lúc nào bị gián đoạn. Tại nhiều địa điểm, như Strasbourg, Trèves, Mayence và Xanten, khoa khảo cổ học chứng minh sự liên tục này với những bằng chứng cụ thể: dân chúng vẫn tiếp tục lui tới, hành hương các thánh đường và các nghĩa trang, từ thời Roma cho đến đời Carolingien. Các thành phố có phần sa sút nhưng vẫn tồn tại và trong các thành phố vẫn còn những nhóm dân theo nếp sống Roma, mấy nhóm khác lại duy trì các truyền thống như trong Ðế quốc cũ, và riêng kitô giáo vẫn được coi là có truyền thống cao quí nhất. Trong một khung cảnh lịch sử khó khăn như vậy mà kitô giáo còn tồn tại, đó là dấu chứng việc rao giảng Phúc Âm của thế kỷ IV đã thu hoạch được nhiều thành quả vững chắc.
Cũng cần ghi nhận một sự việc có hậu quả quan trọng về sau: đó là vai trò chủ chốt của những người lãnh đạo Giáo Hội trong thời kỳ nhiều nhương do các cuộc xâm lăng gây nên. Lúc Ðế quốc Roma suy mạt và tiêu hao từng phần và đa số các cơ cấu căn bản của nền văn minh cũ đã sụp đổ theo, thì hầu như chỉ còn mình Giáo Hội tồn tại và dân kitô đã tin tưởng, nương tựa vào Giáo Hội để khỏi bị mai một.
Thật đáng chú ý, vai trò phiền toái mà tác giả cuốn truyện thánh Séverin đã gán cho ông: ông có bản lãnh thiêng liêng rất cao, hay làm phép lạ. Tất cả đem lại cho ông nhiều uy tín, khiến ông thành người lãnh đạo dân Roma miền Norique. Vì không còn hình thức dân quyền nào nên vai trò của ông đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo; không những ông hoạt động để củng cố đức tin và lòng sùng đạo, ông giảng dạy đức bác ái, khuếch trương đời sống tu trì, ông còn phải quan tâm đến việc tôn trọng trật tự và kỷ luật, có khi phải pha mình vào cả những hoạt động cảnh sát, nhất là luôn luôn đi thương thảo với các tướng lãnh người man di, bất kỳ họ là ngoại giáo hay theo tà thuyết, hết thảy họ đều cảm phục uy thế của ông.
Trường hợp thánh Séverin là đặc biệt, bởi vì ông là một tu sĩ, ông không có chức thánh. Nhưng không phải là trường hợp duy nhất, còn có những trường hợp đặc biệt tương tự, chẳng hạn bà thánh Geneviève de Paris (khoảng năm 422-502). Bà đã đảm nhiệm một chức vụ phức tạp mà bấy giờ các giám mục nắm giữ tại nhiều nơi. Biết bao nhiêu lần các ngài đã tổ chức kháng chiến, đứng ra làm trung gian với quân xâm lăng, chẳng hạn khi Attila đột kích vào nước Gaule (451) và nước Ý (452) thì có thánh Aignan tại Orléans, thánh Loup tại Troyes, chính thánh giáo hoàng Léon đại nhân tại Roma.
Thật mâu thuẫn, có lúc người của Thiên Chúa lại đóng địa vị người cầm quân đánh giặc: đó là trường hợp được kể lại trong tiểu sử thánh Germain thành Auxerre. Ông là nhân vật xuất chúng nhất giữa hàng giám mục Gaule vào tiền bán thế kỷ V (418-448), vì trong cuộc chinh phạt chống phái Pélage tại Anh, ông đã cầm đầu những người Bretons khi họ hay tin người Saxons và người Celtes sắp liên minh từ Ecosse đột kích vào Bretagne. Ông đã toàn thắng vì ông vừa có tài chiến thuật vừa biết dùng tinh thần tôn giáo để khích động tinh thần hăng say của binh sĩ (trận Alleluia, lễ Phục sinh năm 429?).
Sau này, khi đã thắng người man di và đã thanh toán xong những vụ hiềm khích ban đầu, các giám mục lại trở về với địa vị làm trung gian bên cạnh các vua người Germanie đang cầm quyền trong xứ sở. Các ông giữa vai trò bảo vệ pháp luật và bênh đỡ dân chúng như các ngài đã xử sự trong thế kỷ IV, mỗi khi bộ máy chính quyền hành xử khắt khe.
3) Những điều vừa nói trên đây cũng lại gặp thấy ở mấy miền khác tại Tây phương, tuy rằng những nơi ấy không xảy ra những xáo trộn trầm trọng, các vụ xâm lăng không phiền toái và ít gây tai hại, dân số bớt thay đổi, người man di sống trật tự hơn. Cũng nhờ vậy, nền văn minh Roma còn tồn tại qua nhiều thế hệ, tuy có suy mạt nhưng vẫn hiện hữu. Các thành phố vẫn còn những cơ cấu thị xã tối thiểu, vẫn còn một số gia đình quí tộc, duy trì nếp sống của Ðệ nhị Ðế chế với truyền thống và văn hóa cố kết với nhau. Sau cùng, Kitô giáo luôn là thành phần cơ bản của gia nghiệp Roma này.
Ðây là trường hợp miền Ý (miền Provence cũng chia sẻ một số phận như vậy trong nhiều năm), nơi Ðế chế còn tồn tại cho tới năm 476; ngay cả khi người Ostrogoths đến chinh phục (489-493) miền này, họ cũng tôn trọng mọi sản nghiệp bản xứ. Vua của họ là Théodoric đại nhân (+ 526) đã thụ giáo như con tin tại Constantinople và đã được hoàng đế ban cho nhiều chức vị cao. Kể từ năm 455, dân Ostrogoths đã xâm chiếm và định cư tại những tỉnh miền Danube, họ có dịp tiếp xúc với lối sống Roma (tuy nhiên, những tiếp xúc này nhiều lần đã diễn ra trong khói lửa).
Trước đó ít lâu, một thời kỳ tập sự tương đương (vào các năm 380-400) đã thuần thục hóa người Wisigoths. Sau khi càn quét miền Ý, họ đặt nền thống trị tại miền nam xứ Gaule (413-418/507), rồi năm 456, họ chiếm cứ Tây Ban Nha, lúc đầu còn mượn danh nghĩa Ðế quốc, đến sau đã giữ lại cho mình phần đất ấy, rồi lần lượt đổi Toulouse lấy Barcelonne và chọn Tolède làm thủ đô thay thế Toulouse.
Chính sách cai trị của người Burgondes tương đối bớt khắt khe vì một hoàn cảnh tương tự: trước khi đến lập nghiệp tại miền Sapauđia (443) và ở rải rác chung quanh Genève và Lyon, họ đã chiếm cứ miền Mayence và Worms trên bờ sông Rhin từ năm 407. Sau cùng hình như người Vandales đã bỏ qua không thôn tính miền tây châu Phi thuộc Roma, từ Cirta (Constantine) đến biển Atlantique (Ðại-tây-dương). Miền này lại quay về với tình trạng man di như trước. Nhưng không phải vì thế mà Kitô giáo đã khuất dạng hẳn: nhờ có mấy bi văn mà chúng ta biết Kitô giáo vẫn còn dai dẳng tại đây cho đến khi người Ả-rập xâm chiếm miền này. Nhưng tại miền ”Phi-châu bị bỏ quên này” (24), Kitô giáo đã bước sang giai đoạn suy vi, tương tự như ở những miền lâm cảnh hẩm hiu nhất chúng ta đã nói đến ở trên. Trái lại, tại những miền mà từ năm 442, người Vandales đặt nền thống trị, cũng là những miền đã chịu ảnh hưởng Roma nhiều hơn cả, thì văn minh bản xứ vẫn được các người xâm lăng tôn trọng và dần dần họ hấp thụ văn hóa Roma. Người Vandales thiết lập tại đấy một nền trật tự không thua kém thời kỳ Ðế quốc là bao nhiêu.
Tình hình này không tạo thuận lợi cho Giáo Hội: các người Germains càng chịu ảnh hưởng Roma nhiều, càng thấm nhuần Kitô giáo nhiều. Thật ra tất cả các dân tộc này, trừ người Francs, cũng như những người đến miền sông Danube sau cùng (như một số người Lombards), lúc họ đến chiếm cứ các miền la-tinh thì họ đã theo Kitô giáo rồi. Nhưng, như ta đã biết và như hai công đồng Rimini và Séleucie vào cuối triều đại Constance đã nhận định, thì Kitô giáo của họ là thứ Kitô giáo do Wulfila rao giảng, nghĩa là Kitô giáo theo tà thuyết Arius. Vì họ thành tâm sống trung kiên và hăng say truyền bá đức tin tà giáo, nên đã xảy ra nhiều khó khăn giữa các chủ quyền mới và dân chúng công giáo từ đây thuộc quyền họ.
Mãnh liệt nhất là những đụng độ tại châu Phi. Người ta đã gọi đó là ”cuộc đấu tranh liên miên” (25). Không phải chỉ có vấn đề tôn giáo mà thôi: chính quyền Vandales luôn luôn đối đầu với Ðế quốc (ngày mồng 2 tháng 6 năm 455, Genséric chiếm đóng Roma và cướp phá thành phố bất kể lời van xin của thánh giáo hoàng Léon, là người được Attila nể vì hơn Genséric). Các nhân vật chính quyền thuộc phái Arius cho rằng dân công giáo thông đồng với giặc và mỗi khi bị bắt bớ, lại cầu cứu quân giặc đến giải phóng. Là những chính trị gia có khả năng hoạch định một đường lối liên tục và chín chắn như Genséric (428-477), con ông và là người kế vị ông tức Huniric, vua thứ bốn người Vandales tức Thrasamund, dụng tâm áp dụng trong lãnh thổ của họ một đường lối thống nhất tôn giáo để làm hậu thuẫn cho kế hoạch thống nhất quốc gia theo đường lối các vị hoàng đế kitô ngày trước. Xác tín vào thuyết Arius, họ tìm cách thu hút dân chúng tin theo thuyết này: do đó đã xảy ra nhiều cuộc bắt đạo tàn bạo trong nhiều năm với mấy thời kỳ khoan hồng, nhất là dưới đời Gunthamund III (485-496). Mưu kế bách hại thật là khéo léo, vừa bắt bớ xong lại có cuộc tuyên truyền khuất phục, lại dùng đến áp lực tinh thần. Họ tìm cách làm tê liệt đạo công giáo bằng việc xung công các nhà thờ, phát vãng các giám mục, ngăn cản việc truyền chức giám mục mới. Một trong những hành động đầu tiên của Genséric ngay sau khi chiếm đóng Carthage (439) là truất phế giám mục Quodvultdeus: trong hai mươi bốn năm tòa giám mục đô thành bị trống ngôi (456/7-480/1).
Ðường lối chính trị này rốt cục đã thất bại. Thay vì giảm bớt, lại gia tăng lòng thù ghét của người công giáo đối với dân Vandales. Cho dù Hildiric, vị vua cuối cùng, đã tỏ thái độ khoan hồng, ông cũng không làm quên được bao nỗi thống khổ dân chúng đã chịu đựng trong các triều vua trước; dân chúng coi đạo binh mà hoàng đế Justinien gửi tới Phi-châu do Bélisaire chỉ huy, như đoàn quân giải phóng (533).
Các giám mục tận lực dấn thân, đứng lên điều khiển hoặc ủng hộ phong trào chống đối do phe công giáo chủ trương trong giai đoạn khó khăn này. Giữa các nhà thần học và cũng là các nhà minh giáo, thì Fulgence, giám mục Ruspe (+ 523) đứng hàng đầu. Vai trò của ông vượt ra ngoài khung khổ Phi châu: trong thời gian bị phát vãng (502-515,517-523), đến Cagliari trên đảo Sardaigne, ông sáng lập lên một tu viện (trước khi làm giám mục ông đã là tu sĩ), ông hoạt động tông đồ ráo riết, trao đổi thư tín với các đan sĩ Scythes, can thiệp vào cuộc tranh luận bán-Pélage như trên kia đã nói, cố gắng duy trì lại truyền thống khắt khe nhất của Augustin. Ông không phải là trường hợp duy nhất: người ta thấy có nhiều người bị phát vãng hay dân tị nạn khác, giám mục hoặc tu sĩ, cũng đã làm cho xứ sở nơi họ đến trú ngụ được tấn phát, như miền Campanie, Provence, Tây Ban Nha. Ðây là một vinh dự cho Giáo Hội châu Phi, nhưng cuộc di cư này cùng với những hiệu quả của cuộc bắt đạo và của việc phục hồi tình trạng man di, đã làm cho Giáo Hội này suy yếu nhiều. Justinien và những vị kế tiếp ông phải cố gắng lắm để tái tạo tinh thần cho cộng đồng kitô suy vi này.
Tại những miền Tây phương khác, thuyết Arius không gây hại bao nhiêu. Các vụ đụng độ ít tàn nhẫn hơn. Có lẽ vì từ nhiều thế hệ, dân chúng đã thấy nhiều người man di xung vào quân đội của triều định như những lính thuê, và sau trở nên đơn vị nồng cốt của quân đội. Nhiều người man di khác nấn ná ở lại thôn quê, gây dựng cơ nghiệp, làm giấy giao kèo để có vườn đất hoặc giả định như có giao kèo để trở nên người ”đồng minh”, Foederati. Như vậy giữa hai chế độ có một thời kỳ chuyển tiếp: trước kia người ta vẫn coi người Germanie như một đạo binh ngoại lai tới chiếm đóng, chèn ép những người la-tinh tại các tỉnh quê hay theo văn hóa Roma. Có nhiều khác biệt cơ bản giữa hai cộng đồng này: tiếng nói, phong tục (quần áo, thực phẩm...), quyền lợi (trong một nước, người Roma và người man di không giữ chung một luật lệ). Phải lâu lắm hai cộng đồng mới hòa nhập với nhau để làm thành những dân tộc của châu Âu tân tiến. Sự khác biệt về tổ chức tín ngưỡng, tuy rất dễ nhận diện, cũng là một trong những trở ngại cho công trình hợp nhất này.
Chắc chắn đã có nhiều đụng độ, chẳng hạn với người Wisigohts miền Aquitaine hay miền Tây Ban Nha. Ðường lối xử sự của vua Euric (466-484) đối với người công giáo có nhiều điểm làm liên tưởng đến các vua Vandales: Khi chiếm cứ được một tỉnh mới nào, lập tức ông cho đi lưu đầy những vị tên tuổi trong hàng giám mục. Chẳng hạn giám mục Fauste thành Riez sau khi miền Provence bị sáp nhập, giám mục Simplicius thành Bourges và Sidoine Apollinaire, giám mục Clermont, sau khi miền Auvergnes bị chiếm đóng (475). Hình như ông cũng chống đối việc đặt người mới lên thay thế các giám mục qua đời. Ðường lối này làm cho Giáo Hội hao mòn dần giống như ở châu Phi.
Chỉ vì chủ mưu chính trị mà có những biện pháp gắt gao như vậy: các giám mục nhiều khi đã thủ vai chủ chốt trong phong trào chống đối; mấy vị lại thuộc những gia đình quí tộc lớn có liên hệ chặt chẽ với Ðế quốc. Nhất là trường hợp Sidoine Apollinaire. Nhưng cả trong vương quốc Toulouse hay vương quốc Tolède, có tình trạng bất an, có những nỗi khó khăn nhất thời, nhưng không có vấn đề bắt đạo.
Ða số các vua Wisigohts đều đối xử khoan hồng với thần dân công giáo: chẳng hạn Amalaric cho phép triệu tập công đồng chung Tolède, năm 527. Cuộc khủng hoảng đáng chú ý sau này mới xẩy ra dưới đời Léovigild (567-586): con trưởng ông là Hermenegild giữ quyền nhiếp chính tại miền Andalousie đã trở lại đạo công giáo do ảnh hưởng của bà vợ là một công chúa người Franc, và ảnh hưởng của Léandre giám mục tên tuổi thành Séville; ông đã cất quân chống đối vua cha, đã bại trận và bị xử tử. Ðương nhiên là sau đó có cuộc phản ứng nhóm Arius: một công đồng do các giám mục phái Arius (580) triệu tập, muốn tìm cách lôi cuốn hàng giám mục công giáo, nhưng không mấy thành tựu.
Nhưng khi lên chấp chính được ít lâu (587) người con thứ, kế vị Léovigild, là Reccarède trở lại đạo công giáo cùng với một số khá đông nhân vật và giám mục ngừơi Goths. Nhưng không vì thế mà thuyết Arius khuất dạng, thuyết ấy còn xuất hiện dưới đời Vitéric (603-610), sau đó ít lâu mới thật sự mai một. Công đồng Tolède thứ III long trọng nhóm họp năm 589, khai mở một thời đại mới trong lịch sử nước Wisigoths. Nét đặc trưng của thời đại này là sự cộng tác chặt chẽ theo tiêu thức trung cổ giữa Chính phủ và Giáo Hội. Sự cộng tác này thể hiện nổi bật nhất vào dịp có những công đồng miền thời danh: từ năm 633 đến năm 702, mười lăm công đồng khác sẽ được nhóm họp tại Tolède, thành phố được coi như thủ phủ chính trị và tôn giáo.
Trong thời kỳ này người Suèves hợp với người Vandales, tràn tới Tây Ban Nha, nhưng bị người Wisigoths đẩy lui đến miền Tây-bắc bán đảo Ibérique. Lúc tới nơi họ còn là người ngoại giáo, họ xin trở lại công giáo, và hình như Rechiarius là vua công giáo đầu tiên của ho ï (448-457). Nhưng đến sau họ lại theo thuyết Arius. Mãi tới năm 556, dưới đời vua Charriaric, họ mới trở lại công giáo hoàn toàn, nhờ công trình hữu hiệu của một vị tông đồ thời danh, là thánh Martin thành Braga. Vị này, ban đầu là tu sĩ tại Galice, rồi lên làm giám mục giáo phận Dumio (556) và sau cùng làm tổng giám mục thành Braga (khoảng năm 570/1-579). Tiểu vương quốc Suève bị sáp nhập vào với Nước Wisigoth từ năm 585.
Tại miền Gaule, người Burgondes cũng có thái độ khoan hồng tương tự. Hình như buổi đầu họ đã tiếp xúc với đạo công giáo khi họ định cư lần thứ nhất tại miền sông Rhin. Nhưng vào cuối thế kỷ V, khi lập nghiệp tại miền sông Rhône, họ đã theo thuyết Arius rồi. Các giám mục tại chỗ, nhất là thánh Avit thành Vienne (khoảng năm 494-518), đã gây được nhiều ảnh hưởng tới hoàng gia: dưới đời Gondebaud (+ 516), nhiều công chúa đã theo đạo công giáo, về sau, con ông là Sigismond lên nối ngôi cũng trở lại. Cái chết thảm hại của vua Gondebaud do những người đối thủ thuộc dân Francs chủ mưu (523), làm cho dân chúng mủi lòng và sùng mộ ông như một vị tử đạo. Ông có lòng đạo đức thật nhưng, cũng giống như tất cả các vua man di, ông có tính hung bạo và ác nghiệt: ông phải đền chuộc về tội hạ sát chính con của ông.
Một người cháu gái của vua Gondebaud, sau này là thánh nữ Clotilde, đã kết hôn với vua của người Francs, là Clovis. Nhờ ảnh hưởng của bà và của thánh giám mục Rémi thành Reims, vua Clovis đã xin chịu phép rửa tội. Cũng như thường lệ, theo gương ông, một số đông cận thần và dân chúng đã dần dần trở lại, trước hoặc sau năm 500. Là những người ngoại giáo trực tiếp theo đức tin công giáo, người Francs và vua của họ đã gây được nhiều cảm tình đối với những dân Gaule-Roma, bấy giờ sinh sống tại miền bắc nước Gaule và cả những người sống tại các tỉnh miền nam mà vua Clovis sẽ lần lượt chinh phục được: miền Aquitaine từ tay người Wisigoths năm 507, nước Burgonde năm 532-534, miền Provence từ tay người Ostrogoths năm 536.
Sau hết tại Ý, sự có mặt của những người Germains, bất kỳ họ là lính thuê, là người xâm lăng hay bảo hộ, đã không làm thay đổi tình hình tôn giáo một cách trầm trọng. Bao lâu còn tồn tại thì đế quốc vẫn trung thành với đường lối chính trị truyền thống: lấy đạo công giáo làm tôn giáo quốc gia.
Sau năm 476 dưới triều đại Odoacre, rồi từ năm 489 trở đi, dưới quyền cai trị của người Ostrogoths, các thánh đường tại Ý không bị tổn hại gì đáng kể. Chính sách khoan hồng đối với người công giáo, lối giao hảo nể vị đối với ngôi giáo hoàng biểu lộ rất ý nghĩa rằng vua Théodoric đại vương của họ (+ 526) có một đường lối cai trị khôn ngoan. Mối tranh chấp từ năm 484 giữa giáo hội Byzance và giáo hội La-tinh chung quanh vụ Hénotique và Acace, làm cho vua vững dạ hơn về phương diện chính trị. Sau khi mối giao hảo giữa Roma và Constantinople (519) được vãn hồi, tình thế lại đổi khác và phái quí tộc Roma đang sẵn khuynh hướng chống đối chủ quyền Ostrogoths, lợi dụng cơ hội để hướng về phía hoàng đế Ðông phương: Hiểu rằng, chính trong hoàn cảnh này mà nhà hiền triết Boèce, vừa được vua Théodoric bổ nhiệm vào Bộ Lễ (522) đã bị thất sủng và bị giết (523), thì hợp lý hơn là nói do cuộc phá đạo bất thần của nhóm Arius.
Hình như vua người Ostrogoths tự cảm thấy có liên hệ với thuyết Arius là thuyết được công nhận như một thứ quốc giáo của các người Germains xung phong phụng sự đế quốc. Vì thế vua Theodoric muốn ép đức giáo hoàng Gioan I đi Constantinople là điều đình bênh vực nhóm Arius. Tiếc là giáo hoàng Gioan I đã thất bại trong sứ mệnh được trao phó, và vì thế ngài bị vua Théodoric bắt giam và chết rũ tù năm 526. Sứ mệnh thật kỳ khôi: một vị giáo hoàng phải đi can thiệp và biện hộ cho phái Arius đang bị hoàng đế Justin nghiêm thẳng đàn áp. May là vua Théodoric băng hà vào chính năm 526, nên tình thế lắng dịu xuống. Cần phải ghi nhận: Cassiodore, một nhân vật điển hình khác thuộc giai cấp trí thức Ý thời ấy, đã khéo vận động để được thế chân Boèce trong chức giám đốc Bộ lễ, rồi lại lên giữ chức chánh án tòa thượng thẩm từ năm 533 đến năm 538: thế là công cuộc khôi phục của Justin đã bắt đầu (535).