Trong lúc công cuộc truyền giáo tại Ðế quốc tiến bộ, các tổ chức Giáo Hội dĩ nhiên cũng phát triển song song. Chúng ta đã bàn về địa vị quan trọng của đời sống tu viện; hàng giáo sĩ cũng gia tăng cách đặc biệt. Thử đan cử một trường hợp lớn hơn cả: tại Constantinople, nhân viên của nhà thờ chính tòa thánh nữ Sophia (kể cả các chi nhánh phụ thuộc) lên đông quá, đến nỗi năm 535 hoàng đế phải tìm cách hạn chế vào con số 425, trong đó có 60 linh mục, 100 thầy phó tế, 90 thầy phụ phó tế, 100 thầy đọc sách, 40 nữ phó tế, 25 ca viên. Tại các thành phố lớn và những nơi đông người hành hương, lúc này có rất nhiều đền thánh. Dưới mỗi tòa giám mục, có một loạt nhà thờ thôn quê tương tự như các xứ đạo của ta: nguyên một địa phận Cyr của Theodoret có tới 800 nhà thờ.
Ban đầu, các phó giám mục cai quản những nhà thờ này. Họ có hầu như hoàn toàn phẩm chức giám mục. Nhưng vì họ có chiều hướng lấn át thẩm quyền của vị đứng đầu địa phận, nên vào những thế kỷ V-VI, người ta tìm cách để các linh mục thường lên thay thế, gọi là các vị định kỳ hay ”kinh lược” mà chính danh xưng đã nói lên tính cách lệ thuộc.
Chế độ độc đáo hơn cả mà phương Ðông đã phát triển trong hai thế kỷ chúng ta nghiên cứu là chế độ thượng phụ giáo chủ, có quyền trên các giám mục và tổng giám mục. Chính Aicập đã đi tiên phong về hình thức một tòa giám mục hành xử quyền bính trên cả một miền rộng lớn. Alexandrie có khuynh hướng muốn mở rộng quyền kiểm soát cho mình. Vì thế, để ngăn ngừa những thể thức lấn quyền của Alexandrie, công đồng chung Constantinople (381) đã chia phương Ðông ra làm bốn khu vực thần quyền: Ai-cập, phương Ðông (từ Sinai đến Cilicie), miền Pont và Asia (tức miền nội địa) và tây Tiểu Á.
Ðể thỏa mãn những yêu sách đã được nêu lên, công đồng Êphèse năm 431 và công đồng Chalcédoine năm 451, ấn định quyền tự quyết cho giáo hội Chypre và tách rời giáo quyền Antioche khỏi các tỉnh miền Palestine, miền từ đây về sau thuộc quyền Jerusalem. Sau cùng, quyền bính của Constantinople được gia tăng rất rộng, kể từ đây nó bao trùm toàn miền Tiểu-á và thay thế cho quyền bính vừa của Ephèse vừa của Césarée thuộc Cappadoce. Thế là từ đây toàn thể thế giới kitô được chia ra làm năm miền thượng phụ (tước hiệu và nội dung của chúng sẽ được hiến pháp của Justinien chính thức thừa nhận): Roma, Constantinople, Alexandrie, Antioche, Jerusalem; toàn thể phương Tây, theo ranh giới năm 314, nghĩa là từ miền Macédoine đến Hylạp, tùy thuộc tòa Roma, tòa này cai quản những tỉnh miền đông địa hạt Thessalonique qua môi giới của vị tổng giám mục thành ấy.
Cách tổ chức mới này phản ảnh tầm quan trọng ngày càng lớn của Constantinople trong đời sống Ðế quốc và do đó, trong đời sống Giáo Hội: lý do thúc đẩy hoàng đế can dự vào nội bộ của Giáo Hội là vị có nhiều giám mục và giáo sĩ cao cấp, mặc dầu có những biện pháp ngăn ngừa để họ bớt đi chu du, lấy làm hãnh diện được lên triều đình và nấn ná ở lại đấy ít lâu; sự hiện diện của các vị này làm thành một thứ ”công đồng thường trực” để hoàng đế cứ việc dựa vào đây mà khởi thảo những quyết định về phương diện tôn giáo và bảo các ông ấy phê nhận.
Việc Constantin quyết liệt lập đối xứng hai thành phố tân và cựu Roma đã cho thấy một bằng chứng thỏa đáng để biến đổi một tình trạng thực tế thành sự đãi ngộ pháp lý. Xác định quyền ”tối thượng vinh dự” được công đồng năm 381 thừa nhận, khoản 28 luật công đồng Chalcédoine qui đ̣nh rằng: về phương diện dân sự, kinh thành đã có tất cả những quyền ưu tiên như kinh đô cũ, thì về phương diện tôn giáo cũng phải có tất cả những quyền bính như thế, và vẫn ”đứng thứ hai sau Roma” (18). Khoản luật 28 này dĩ nhiên làm dấy lên nhiều phản kháng từ các đặc sứ Roma, và từ thánh giáo hoàng Léon, và sẽ không bao giờ được Léon và các vị kế tiếp chấp nhận. Như vậy là chính đáng, vị công đồng này trong hai khoản luật khác cũng qui định rằng Constantinople có thể đóng vai trò tòa thượng thẩm để xử các vụ tôn giáo trên toàn lãnh thổ phương Ðông. Như vậy, vị thượng phụ phương Ðông có quyền bính tại miền này y như quyền tông tòa tại phương Tây; cứ như thế, Giáo Hội có khuynh hướng dần dà đi đến một chế độ tay đôi, quyền tối thượng danh dự dành cho Roma bấy lâu nay dần dà mất cái nội dung thực chất, đặc biệt về phương diện tài thẩm.
Trên đây mới chỉ là một khuynh hướng. Vì đôi khi các giáo sĩ bị Constantinople lên án, còn khiếu nại sang tới giáo hoàng và phán quyết của giáo hoàng đã giải đáp dứt khoát vấn đề. Như trường hợp xảy ra dưới đời Grégoire đại nhân vào các năm 593-596. Nhưng cuộc phân tranh ngấm ngầm đã công khai bùng lên vào năm 587, lúc thượng phụ Gioan người ăn chay, tự gán cho mình một tước hiệu hàm hồ, đầy khoa trương, tước hiệu ”thượng phụ thống nhất” nghĩa là phổ biến (tước hiệu này nhiều vị trước đã tự xưng rồi). Ông tự cho mình có thẩm quyền và đứng ra xét xử tại tòa án của ông vụ thượng phụ thành Antioche. Giáo hoàng Pélage II phản đối kịch liệt, vị kế tiếp ngài là thánh Grégoire cũng phản đối như thế, nhiều lần Ðức Grégoire đã can thiệp với thượng phụ cũng như với hoàng đế và các vị kế tiếp tại hai tòa ấy, nhưng không có hiệu quả (595, 597, 598, 599, 603).
Càng ngày Constantinople càng tỏ ra lạnh nhạt với Roma. Constantinople đã khai thác sự hiện diện của hài cốt thánh Anrê mà hoàng đế Constance đã cho rước về đấy năm 357. Constantinopletung ra cái tin là mình đã hiện hữu từ đời các thánh tông đồ, với chủ mưu đặt mình ngang hàng hoàn toàn với Roma. Ấy là chưa nói Constantinople còn có cái gì hơn cả Roma nữa: theo lời kể trong Phúc Âm của Gio-an 1, 40-41, thánh tông đồ Anrê đã chẳng phải là ”người được gọi đầu tiên”, prôtoklètos, trước cả chính thánh Phêrô là gì? Tại chính phương Ðông, uy thế của Constantinople thật dễ đề cao, vì bấy giờ các tòa giáo chủ truyền thống khác đã bị suy nhược nhiều do những vụ tranh chấp kitô học và cuộc ly khai của mấy giáo hội. Làm sao vị giáo chủ bất hạnh người Melchite thành Alexandrie là người đang phải dựa vào cảnh sát của triều đình để được yên thân trong một nước chống đối mình, có thể ngang hàng với vị giáo chủ của đế đô được!
Tựa như hai anh em lớn lên trong cảnh xa cách và đã quen thuộc với lối sống riêng rẽ, thời gian càng trôi qua thì hai Giáo hội Ðông phương và Tây phương càng cách biệt nhau hơn. Ðiểm này dễ nhận ra trong mọi lãnh vực đời sống kitô và thoạt tiên là phạm vi phụng vụ. Thử lấy ví dụ nền phụng vụ Byzance, suốt thời Trung cổ, nền phụng vụ này đã lần lượt đào thải hết mọi nghi lễ bằng tiếng Hylạp, đến nỗi các chi nhánh phụng vụ khác nhau chỉ còn sót lại trong những ngôn ngữ Ðông phương của các giáo hội ly khai.
Suốt thế kỷ V, và nhất là thế kỷ VI, người ta thấy một loạt canh tân được thêm thắt mãi vào, dần dà chúng đã đổi hẳn bộ dạng của phụng vụ. Chẳng hạn từ các năm 535/536 trở đi, trong nghi thức lễ trọng, sau khi đã rước các vị chủ tế vào, người ta cho hát bài Monogenès được Justinien đưa vào phụng vụ, đôi khi ông còn cho mình là tác giả bài đó. Không bao lâu trước công đồng Chalcédoine (451), trước khi đọc những bài Thánh Kinh mà sau đã ấn định là hai bài, Thánh Thư và Phúc Âm, người ta cho hát ba lần câu Trisagion ”Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa hùng mạnh, Thiên Chúa bất diệt”, mà Phêrô Thợ da đã giải nghĩa rộng theo chiều hướng Nhất tính. Nên phụng vụ Roma dùng hát câu này dưới hình thức song ngữ trong lúc thờ kính Thánh Giá ngày thứ sáu tuần thánh; cũng vào ngày thứ sáu ấy, trước khi thờ kính Thánh Giá, có kinh nguyện giáo dân với nhiều ý nguyện khác nhau: cho Giáo Hội, cho hàng giáo phẩm, cho mỗi loại giáo dân v.v. họa hoằn lắm người la-tinh mới dùng, nhưng kinh này là thành phần cốt yếu của nền phụng vụ phương Ðông và được đọc theo lối kinh cầu: thầy phó tế xướng lên các ý nguyện, dân chúng thưa kyrie eleison (Xin Chúa thương xót chúng con).
Từ năm 574, mặc dù giáo chủ Eutykhios còn tỏ thái độ dè dặt (ông cho rằng chưa phải là lúc hát ca tụng vua hiển vinh vì lúc đó chưa truyền phép), người ta khởi sự hát kinh tuyệt diệu Khêroubikon”chúng ta huyền nhiệm tượng trưng cho các vị kêrubin...”, để làm nổi bật lên cái phần hiện nay gọi là rước trọng thể, rước đoàn người mang chén lễ và bánh đã dọn sẵn trong phòng mặc áo, prothésis, ở phía trái cung thánh (nhưng trong thế kỷ VI, việc sửa soạn này chưa có tính cách long trọng với những nghi thức dài dòng như sẽ thấy trong nghi thức proskomidi ngày nay).
Sau đó đến kinh nguyện Thánh Thể thuần túy hay kinh anaphore, tức là kinh Lễ Quy của chúng ta. Năm 565, hoàng đế Justinien đã tìm cách, nhưng không kết quả, đả kích khuynh hướng đọc các lời nhỏ tiếng đến nỗi không nghe thấy gì hết, đây là một dấu chỉ chắc chắn cho thấy lễ nghi càng ngày càng mang tính cách linh thánh. Tuy dù trong những nét chính, kinh truyền phép này đã được ấn định từ lâu đời, nó cũng biến chuyển dần dần: lời tường thuật việc thiết lập Thánh Thể được rút vắn dần để làm nổi bật kinh epiklèse, lời nguyện dâng Chúa Thánh Thần xin ngài ngự xuống biến đổi bánh và rượu hiến dâng thành mình và máu Chúa Kitô.
Trước kinh Lạy cha, được thêm vào một kinh mới cầu cho những người quá cố và kẻ còn sống. Ðã có nhiều tranh cãi về nội dung kinh diptyques này: năm 415, Roma chỉ nhận thông hiệp lại với Constantinople nếu họ bằng lòng nhắc đến tên thánh Gioan Kim Khẩu mà Roma cho là đã bị truất phế oan uổng vào năm 404.
Nhưng nếu cứ phân tách từng điểm một như thế, độc giả không lĩnh hội được cái bầu không khí đặc thù của nền phụng vụ phương Ðông, cùng với thời gian các đặc tính chung cứ càng ngày càng thêm tỏ rõ; chúng ta nên ghi nhận ba điểm sau này :
1) Chúng tôi đã nói đến khuynh hướng uy linh, ý nghĩa của thánh thiêng, lòng kính cẩn đến run sợ trước tính linh thánh của các mầu nhiệm. Constantinople sẽ còn giữ mãi lời giải tán ở cuối phần đầu lễ :”Anh chị em dự tòng, hãy ra đi”. Thế nhưng trong thực tế, lời đó không còn lý do tồn tại từ khi mọi nơi đều rửa tội cho trẻ em. Phụng vụ vẫn tiếp tục coi đó như để nhấn mạnh tính cách cốt lõi và rất được chú trọng thuở ban đầu, của một cuộc cử hành huyền nhiệm dành riêng cho những người đã được khai tâm và hoàn toàn xứng đáng. Một đặc tính nữa là trước khi rước lễ, người ta giơ Mình và Máu Chúa lên và đọc : ”những ai thánh thiện thì được đón nhận của thánh”. Lúc này vẫn chưa có hàng rào ảnh thánh ngăn cách cung thánh khỏi phía kia nhà thờ, nhưng đã có những bức màn che treo vào cái trục dựa trên các cột để tùy lúc kéo ra kéo vào. Người ta còn nhớ những bức họa rất lộng lẫy tại đền bà thánh Sôphia, một bên có hình Chúa Kitô đang ban phép lành cho Justinien, một bên là Ðức Maria với Theodora.
2) Một đặc tính khác không phải đối lập nhưng là bổ túc cho đặc tính trên: đó là ý nghĩa cộng đồng, bi tráng của phụng vụ trong đó đại chúng có vai trò riêng. Bởi vậy, luôn tôn trọng chức vụ dành riêng cho phó tế là người làm môi giới giữa vị chủ tế hay các vị đồng tế với dân chúng. Phó tế điều khiển kinh sách, đốc súc sự chú ý của dân chúng, ra hiệu để người ta biết lúc nào là cốt yếu của buổi lễ; có thể liên tưởng đến lời mời gọi đầy ý nghĩa lúc sắp sửa đọc Phúc Âm: ”Ðây là lời khôn ngoan, hãy đứng lên!”.
3) Sau cùng, và đây là điểm khác biệt với tính giản dị khắc khổ của lễ điển Roma: người Byzance ngày càng bộc lộ lòng ham chuộng vẻ long trọng, lộng lẫy, huy hoàng tương tự như các lễ nghi tại triều đình Constantinople. Ðây là một đặc tính thừa hưởng được từ Ðệ nhị Ðế chế, và được củng cố thêm.
Cảnh huy hoàng lộng lẫy càng rõ rệt tại những thánh đường lớn với cách kiến trúc góp phần làm cho nó nổi bật lên. Các thế kỷ V và VI tại phương Ðông là một thời kỳ có nhiều sáng tác nghệ thuật: người ta vẫn còn xây những thánh đường theo chiều dọc (phần dưới có khán đài dành riêng cho nữ giới). Nhưng khi có trào lưu martyria, tức những đền xây cất để kính các vị tử đạo là những di sản của các lăng tẩm tròn hoặc có nhiều góc theo lối kiến trúc tang chế, người ta dần dà đi đến lối xử dụng bình đồ trung ương có bốn mặt cân đối, điểm này giải đáp được chỗ khó khăn trong việc xây cất vòm tròn. Ðền mới kính thánh nữ Sophia xây cất từ năm 532 đến năm 537 đã chứng tỏ điều ấy, nóc tròn khổng lồ bị sụp năm 558 đã được trùng tu vào năm 562. Ðây là thời cơ để hoàng đế Justinien lúc đó đã về già có dịp khánh thành lại đền thờ.
Các thánh đường lớn này càng ngày càng được trang bị nguy nga lộng lẫy: nền lát đá hoa, tường chung quanh và các vòm tròn có những bức khảm nổi. Tất cả các nghệ thuật đều góp phần để nền phụng vụ Byzance được phát triển, nền phụng vụ này đã tạo nên trong lòng những người man di một ấn tượng sâu xa lúc họ tới chứng kiến. Hình như đây là một cái gì hơn cả những hình ảnh đơn sơ và hình ảnh tiên báo một nền phụng vụ vĩnh cửu trên thiên đình.
Vì thiếu tài liệu nên hiện nay chúng ta không thể ước lượng tầm quan trọng dành cho ca nhạc vào thời kỳ này, nhưng ít ra chúng ta cũng có dấu chứng qua những lời lẽ dùng trong thơ gợi cảm (theo nghĩa hẹp nghĩa là thứ thơ vần đặt ra để hát thực sự) dùng trong phụng vụ và á phụng vụ, loại thơ này bắt đầu thịnh hành từ thế kỷ VI. Người ta đề cao thánh Romain, người vừa làm thơ vừa sáng tác thánh nhạc nổi tiếng vào thời này. Ngài sinh ra tại Syrie, sinh sống tại Constantinople vào tiền bán thế kỷ. Những bài hát theo tiết cú của ông gọi là Kontakia cũng theo một thể văn tươi sáng thường gặp thấy trong các bài thuyết giáo Byzance, với hình ảnh phong phú, lời lẽ rườm rà làm cho người đã quen với hương vị tây phương hơi bỡ ngỡ. Chẳng hạn như bài vịnh akathiste, bài ”Người ta đứng mà hát”) kính đức mẹ Maria, được đương nhiên công nhận như sản phẩm tinh túy của loại văn phong phú này (nhưng khó lòng ấn định tác giả và niên đại của nó: một trong những giả định cho nó là của thánh Romain).
Ngoài giá trị nội tại, thứ văn chương tôn giáo này còn nói lên một ý nghĩa lịch sử: chính nhờ nó, người ta nhận ra nền đạo đức Byzance, lòng nhiệt thành, tính cách phong phú của nó. Người ta sẽ nhầm lẫn biết bao về đời sống nội tâm của giáo hội Ðông phương này nếu chỉ để ý đến những cuộc tranh luận thần học đôi khi quá khô khan vì tính cách chuyên môn của giáo hội này !
Trong các thế kỷ V và VI, lòng đạo đức này đã phát triển theo những nét chính mà thế kỷ trước phác họa lên: người ta vẫn có lòng sùng kính các vị tử đạo như trước, và lúc này là lòng sùng kính các thánh nói chung, vẫn tin tưởng vào sự phù trợ của các ngài, vẫn tin các ngài có quyền làm phép lạ, vẫn quí chuộng các xương thánh, vẫn đến hành hương tới những nơi được coi là linh thiêng vì có xương thánh hay có kỷ niệm của một nhân vật được tôn sùng.
Tiền bán thế kỷ V đã được đánh dấu tại phương Ðông bằng một số khám phá thời danh, hay những vụ tìm thấy hài cốt thánh từ trước đến đấy chưa được biết đến. Thường các cuộc phát minh này được thực hiện trong những hoàn cảnh người ta cho là có phép lạ, chúng tạo nên một phong trào hiếu kỳ và sùng mộ. Chẳng hạn vào đầu thế kỷ, tại miền tây Alexandrie ở ven sa mạc, người ta khám ra hài cốt của thánh Ménas. Hài cốt này đã lôi cuốn dân chúng lũ lượt kéo đến hành hương, khiến hoàng đế Arcadius (+ 408) phải xây cất một thánh đường lớn để tiếp đón dân chúng. Về sau hoàng đế Zénon (474-491) trang bị lại và cất thêm nhiều nhà phụ thuộc khác.
Năm 415, người ta đã tìm thấy gần Jerusalem hài cốt của thánh Étienne vị tử đạo đầu tiên. Không bao lâu sau cuộc khám phá này đã vang dội khắp thế giới kitô. Một phần hài cốt được di chuyển đến tận miền Numidie và Tây Ban Nha. Năm 452, tại một tu viện ở Êmèse người ta cho rằng đã tìm thấy sọ của thánh Gioan Tiền Hô. Vào các năm tiếp sau công đồng Ephèse, lòng sùng kính các thánh Côme và Damien từ trước đến đấy còn giữ tính cách địa phương, đã được phát triển mạnh mẽ, mộ của các ngài vẫn được duy trì trong địa phận riêng của Théodoret. Ðối với toàn thể phương Ðông, hai thánh này đã trở nên những vị thánh chữa bệnh tuyệt diệu, những lương y ”miễn phí”, anargyres. Lòng sùng kính thánh tử đạo Serge thành Rosâpha cũng lan tràn như thế tại địa phận Hierapolis: đền thờ ngài ở giữa sa mạc mà dân chúng từ rất xa cũng tổ chức hành hương kéo đến để kính viếng, còn có những cuộc hành hương bất ngờ như cuộc hành hương của Khosrau II, vua trên các vua, mặc dầu ông theo đạo Mazdé. Cũng vào đầu thế kỷ V, Thessalonique đón tiếp hài cốt của vị thánh tử đạo thành Sirmium là thánh Demetrios, ngài được suy tôn làm quan thầy thành phố lớn này, một đền thờ nguy nga được xây cất để kính ngài (412-413) và rất được dân chúng hâm mộ lui tới hành hương.
Các nơi thánh địa tại Palestine vẫn còn tiếp tục thu hút dân chúng, và trong các ”thánh tích” thì quí báu nhất, được sùng kính nhất vẫn là Thánh Giá thật. Người ta tiếp tục phân phát các mảnh thánh giá này đi khắp thế giới kitô, kinh đô nhận được nhiều mảnh. Cũng vì vậy mà nhiều nhà thờ tại Constantinople đã thu thập được một bộ các ”thánh tích” quí, mà nếu kể ra, thì người đương kim có óc phê bình sẽ ngạc nhiên lắm, thế nhưng thời ấy chẳng ai đặt vấn đề. Như cái gậy của Maisen, kèn đồng thành Jéricho, giếng người nữ Samaria... Từ triều đại Léon trở đi, (457-474) nhà dòng Blakhernes tự hào vì nắm được di vật trứ danh là khăn trùm xác hay maphorion của đức trinh nữ hiển vinh Maria.
Một sự kiện lớn đáng ghi nhận là giữa óc sùng kính thông thường đối với các vị tử đạo và các thánh, lòng tôn sùng đối với Mẹ Ðức Kitô lúc này được đề cao và giữ ưu thế. Công đồng Êphèse đã cho chúng ta thấy, vào niên đại ấy, dân kitô và toàn thể Giáo Hội đã có lòng sùng kính Theotokos như thế nào. Phong trào này cứ bành trướng mãi giữa các thế hệ sau và được bộc lộ bằng nhiều cách: di vật, đền thờ, các lễ phụng vụ.
Về phương diện phụng vụ, dĩ nhiên Jerusalem và Palestine là những khởi điểm, nhưng Constantinople cũng như toàn đế quốc phương Ðông lần lượt chấp nhận những canh tân đó: năm 534 Justinien phổ biến lễ Ðức mẹ dâng mình trong đền thờ (thật ra người Byzance ưa nói đến Hypapante, ”cuộc tương ngộ” giữa ông già Siméon với Chúa Hài Ðồng: đây là một lễ của Chúa thì đúng hơn là lễ của Mẹ Ngài). Lễ cung hiến nhà thờ mới của Thánh mẫu tại Jerusalem (543) trở nên lễ Dâng Mình của Ðức Mẹ, lễ này xuất xứ không phải từ các Phúc Âm điển qui mà là từ các ngụy thư. Người ta cũng mừng lễ sinh nhật của Ðức mẹ mà không biết nó xuất hiện chính xác vào niên đại nào. Vào cuối thế kỷ, hoàng đế Maurice ra lệnh cho toàn đế quốc mừng lễ Ðức Mẹ Yên Nghỉ (Lễ Mông Triệu) vào ngày 15 tháng 08, lễ này hiện nay chúng ta còn giữ.
Song song với những phát triển phụng vụ này đến phong trào văn chương trăm hoa đua nở. Phong trào này đã khởi sự từ cuối thế kỷ VI và đạt tới tột đỉnh vào hai thế kỷ VII và VIII: các bài ca thánh, các bài giảng về Ðức Trinh Nữ biểu lộ một lòng sùng kính hàm xúc nhiều ý thức tín lý, với lời văn hùng hồn, tha thiết, với bầu nhiệt huyết dồi dào, với lòng sốt sắng táo bạo đầy hấp dẫn. Dưới hình thức này, hình thức thi văn hơn là một lối thần học lý trí thuần túy, khoa Thánh Mẫu học Byzance đi trước khoa thánh mẫu học của phương Tây la-tinh cả mấy thế kỷ. Phải đợi đến thế kỷ thứ XII phương Tây mới theo kịp phương Ðông về khoa Thánh Mẫu học và thế chân nó.
Lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ và các Thánh, tử đạo hoặc hiển tu, xuất hiện trong thực tế qua những tập tục cổ truyền hay mới mẻ, như việc di chuyển và phổ biến các xương thánh đến độ cắt chúng ra từng mụn nhỏ. Chẳng hạn hài cốt của thánh Étienne: nhờ sự can thiệp của hoàng hậu Pulchérie mà nhà thờ Daphnè đã nhận được toàn vẹn cánh tay phải, trong khi nhà thờ Hippone tại Phi châu chỉ nhận được chút xíu tro bụi exiguus pulvis, nhưng cũng lấy làm vinh dự lắm. Nếu không tìm ra được những xương thánh thực thụ thì khách hành hương cũng hăm hở mang theo về nhà những vật lưu niệm đã động chạm đến hài cốt thánh cách nào đó: như mảnh vải, lọ sành hoặc lọ bạc nhỏ đựng dầu các đèn thắp tại martyrion, hoặc hơn nữa là một chút dầu thơm người ta đã khéo léo rót vào chính hòm xương rồi lại hứng lấy, sau khi dầu ấy đã chảy qua các hài cốt.
Trong tất cả những hình thức trên của nền đạo đức Ðông phương, hình thức ý nghĩa nhất có tương lai về sau, là lòng sùng kính các ảnh thánh gọi là i-côn. Về điểm này người ta nhận thấy đã có những chứng cứ đầu tiên trong thế kỷ V, đến cuối thế kỷ VI, lòng sùng kính này đã phát triển một cách bất ngờ với Justin II (565-578) và sau đời ông. Hình như từ lúc mới xuất hiện lần đầu (chúng ta nắm được tài liệu từ các năm 230) nghệ thuật kitô, nhờ sản nghiệp của hội đường Hy-lạp hóa, đã khai mở một khoa thánh tượng, trình bày trên tường các lầu đài những kiểu mẫu hoặc cảnh trí mượn từ Thánh Kinh. Ngoài phận vụ trang trí và giáo dục, những lối trình bày này hàm súc một giá trị linh thánh hóa.
Tất cả những gì xuất hiện lúc này đều mang một mầu sắc mới mẻ, cụ thể hơn, trực tiếp hơn. Ðừng cho là người ta sùng kính ngẫu tượng như những người nham hiểm bài thánh tượng trong thế kỷ VIII: kinh nguyện, lòng tin và hy vọng của tín hữu bao giờ cũng vượt xa hơn biểu tượng để đạt thấu tận con người hay đến mầu nhiệm được trình bày. Nội dung của hình ảnh mới là đối tượng việc sùng kính.
Một điều kỳ lạ là hình thức tôn sùng này không xuất phát từ Kitô giáo nhưng là kết quả của việc chuyển biến sang bình diện tôn giáo những cử chỉ tôn nghiêm trước chân dung chính thức của hoàng đế hiển trị trong Ðệ nhị Ðế chế, các chân dung này được coi như thay thế chính sự hiện diện của hoàng đế. Vì thế, ngày tiếp nhận các chân dung, có rước xách linh đình, y như lúc hoan hỷ đón rước chính hoàng đế, adventus Augusti. Hình ảnh hoàng đế được người ta sùng kính thực sự và tất cả những tập tục, hay đúng hơn những nghi lễ, sau này được cử hành trước các I-côn thì trước kia đã được thực hành trước chân dung hoàng đế: cung kính vái chào hầu như cúi lạy, màn trướng, hương nến.
Ðiều này đáng chú ý, theo như người ta thuật lại thì những hình ảnh kitô được sùng kính đầu tiên là chân dung các người được suy tôn ngay lúc họ còn sống. Chẳng hạn, từ năm 360 trở đi (ít là theo bằng chứng có sau đời thánh Gioan Kim Khẩu) có trường hợp Mélèce thành Antioche, bị Constance, vì ghen ghét truyền thống, cho đi phát vãng và biến ông thành vì tuyên xưng đức tin; rồi trường hợp ông Siméon Tu cột. Về lối kỹ thuật, những ảnh các vị tử đạo lại trực tiếp liên hệ đến tục lệ người Aicập xử dụng các bức chân dung trong tang chế. Ðiển hình nhất về điểm này, có bức ảnh bán thân của hai thánh Serge và Bacchus, tìm được tại Sinai và hiện nay đã được di chuyển về Kiev. Ðây là một trong những bức i-côn cổ kính nhất, cùng với bức ảnh tuyệt vời về Ðức Mẹ tại nhà thờ Maria Nuova trên hội nghị trường Roma.
Cũng như trong nhiều cải cách khác, khó lòng xác định những phát biểu lòng sùng kính này đã bắt đầu từ lúc nào. Như trên đã nói, lòng sùng kính này đã thành phổ thông từ năm 570; và cũng vào thời kỳ ấy người ta thấy xuất hiện nhiều ảnh làm phép lạ (”không phải do tay người làm ra”), nguồn mạch sinh ơn hộ phù thiêng liêng cho các thành thị, lầu đài, và cả quân đội. Trong những i-côn thời danh nhất, có hình Chúa Kitô mà thành Êdesse đã cầu khẩn để đánh đuổi quân thù Sassanide (hình như ảnh này đã phù hộ thành phố trong cuộc bao vây năm 544, như người ta kể lại vào các năm cuối thế kỷ VI) và ảnh mang từ Camouliana ở Tiểu Á về. Ảnh này đã được tôn kính tại miền đó vào các năm 560, đến sau được di chuyển về Constantinople. Hình như cũng là ở trong thế kỷ VI, lúc người ta cho đặt hình Chúa Kitô bên trên cửa lớn tại hoàng cung và bị đập phá theo lệnh của Léon III người gốc Isaurie. Việc đập phá tượng này khai mào cuộc khủng hoảng bài thánh tượng năm 727. Một điều chắc chắn là Tibère II (578-582) đã cho tạc hình Chúa Cứu Thế uy nghi vào bức khảm nổi trên trần công đường.
Ðã chấm dứt thời kỳ có những dè dặt đối với các hình ảnh đầu tiên vào cuối thế kỷ IV. Trong thời này, có một vài người, nhân danh truyền thống, không muốn đón nhận các ảnh tượng, như Êpiphane thành Salamine hay như thánh Augustin thuộc đế quốc Tây phương. Vị này, năm 388, còn gán ghép các picturarum adoratores vào loại giáo dân dị đoan hơn là sáng suốt. Tại phương Ðông, một người thợ thủ công sùng đạo hay một thầy dòng thường đặt tại cửa hàng hay phòng riêng một ảnh thánh có màn che phủ, đàng trước là một ngọn đèn hay cây nến cháy, tất cả được săn sóc cẩn thận... Từ đấy đã bước vào thời kỳ Byzance thuần túy, phương Ðông nhất quyết theo một đường lối từ đây sẽ là đường lối riêng của mình, đường lối có nhiều khía cạnh khác với đường lối mà phương Tây đã lựa chọn vào thời ấy. Vì thế, đến lúc chúng ta quay trở lại trình bày con đường của phương Tây.