CHƯƠNG VIII
ÐẾ QUỐC ÐÔNG PHƯƠNG
VỚI TƯ CÁCH LÀ ÐẾ QUỐC KITÔ
CHƯƠNG VIII
ÐẾ QUỐC ÐÔNG PHƯƠNG VỚI TƯ CÁCH LÀ ÐẾ QUỐC KITÔ
Trước khi chấm dứt phần này, chúng ta thử nhận định một lần nữa xem đâu là điểm mới lạ nhất trong đường lối phát biểu kitô giáo hay lối phát biểu tín ngưỡng của các nước tại Ðông phương vào các thế kỷ V và VI. Trong hai thế kỷ này, thời kỳ byzance thứ nhất đã đạt tới tuyệt đỉnh phong trào mà Ernst Stein đã gọi là Fruhbyzantinisch (15), nghĩa là thời kỳ từ Dioclétien đến Heraclius (để phân biệt với hai thời kỳ khác, Mittel và Spatbyzantinisch, tức thế kỷ VII-IX, XII-XV). Như trên kia đã nói, điểm khác biệt nhận thấy đầu tiên giữa phương Ðông và phương Tây bị người man di xâm chiếm, là tính liên tục từ đời này với đời trước: tại đây không có dứt đoạn giữa đời Thượng cổ và đời Trung cổ, thời nọ nối tiếp thời kia một cách tuần tự. Các thế kỷ V và VI tiếp tục công việc của thế kỷ IV, đế quốc được thiên hạ tiếp tục gọi là đế quốc Roma trở nên đế quốc Kitô.
Ðối với ngoại bang, đế quốc này vẫn đảm nhiệm việc bảo trợ tôn giáo của đấng Kitô: chẳng hạn năm 532 trong bản hòa ước mà Khosrau I đồng ký, Justinien đưa ra điều kiện yêu cầu vị Vua trên hết các vua Sassanide bảo đảm tự do tín ngưỡng cho các giáo dân trong nước, hình như Constantin trước kia cũng nêu ra yêu sách này. Công việc truyền giáo tại miền nam đế quốc mà trên kia chúng ta đã bàn đến cũng được tương đối phát triển tại biên giới phía bắc: cùng trong năm 528, vua dân Hérules, một dân tộc dòng giống Germanie định cư tại miền nam sông Danube, và vua của người Huns miền Crimée đã tới Constantinople để chịu phép Rửa Tội, chính Justinien lúc đó đứng ra làm người đỡ đầu cho hai vua này.
Công cuộc truyền giáo trong lãnh thổ vẫn tiếp tục: như trên kia đã thấy, còn phải hoạt động nhiều để dân chúng miền thôn quê trở lại, ngay tại những tỉnh Kitô giáo đã lan tràn và phát triển từ rất lâu đời như những tỉnh miền Tiểu-Á, miền Asia thực thụ, Carie, Lydie, Phrygie. Khoảng năm 542 Justinien trao cho cha dòng Gioan Amida, sau là tổng giám mục theo phái Nhất tính tại Ephèse, trọng trách giảng Phúc Âm tại các miền này. Cuộc truyền giáo trên đã thu thập được nhiều thắng lợi: gần bảy mươi ngàn người ngoại giáo đã được rửa tội, chín mươi sáu nhà thờ được xây cất, mười hai nhà dòng được thành lập. Các kết quả này một phần nhờ ở sự ủng hộ và lòng quảng đại của hoàng đế: mỗi người lúc trở lại đạo nhận được một đồng vàng, ngân khố đài thọ trên năm mươi phần trăm tổn phí xây cất và trang bị các nhà thờ. Ngoài ra lại có những luật pháp càng ngày càng nghiêm khắc đối với những người ngoại giáo như phái Mani và mọi hình thức tà giáo khác, nhóm Samarie, nhóm Do Thái. Trong đế quốc ngoại giáo các nhóm này trước kia được trọng đãi bao nhiêu thì từ đời Constantin trở đi lại bị hạn chế bấy nhiêu.
Các biện pháp cứng rắn này vấp phải một thí điểm đặc biệt nơi giới thượng lưu hay giữa nhóm ưu tú quí tộc và văn hóa. Họ là những người chung đúc nên sào huyệt phản kháng thứ hai của tinh thần ngoại giáo. Người ta biết đã có nhiều vụ kiện lớn lao xẩy ra một cách tàn nhãn theo thông lệ (tống ngục, tra tấn, dùng lửa làm tội tình) được phanh phui tại Constantinople năm 527 để phản đối phái Mani, năm 529 và năm 545-546 để phản đối người ngoại giáo. Dính líu vào các vụ này có những công chức cao cấp, cận thần của chính hoàng đế, có những người đàn ông và đàn bà tên tuổi, những người trí thức: giáo sư, luật sư, bác sĩ. Chẳng những ở đô thị mà thôi, nhiều vụ kiện tụng tương đương đã xảy ra tại miền Asia, tại Syrie năm 562 và về sau nữa. Cũng để áp dụng chính sách trên, năm 529 đã có lệnh đóng cửa trường phái Tân Platon tại Athènes, vì mọi người đều biết trường phái này đã biến thành một tâm điểm cuồng tín ủng hộ nền ngoại giáo và huyền bí học.
Nhưng nên chú trọng đến những bước tiến mà niềm tin mới đã thực hiện được hơn là bận tâm về mấy lối tín ngưỡng còn sót lại trong các giới trí thức. Hơn cả Athènes, chính Alexandrie mới đáng nêu lên để làm đề tài nhận xét. Mặc dầu được khởi sự từ rất sớm, việc kitô hóa nước Ai-cập vẫn chưa vào đâu, trong thế kỷ VII và cả thế kỷ VIII vẫn còn nhiều người ngoại giáo, ngay tại kinh đô là nơi có những câu lạc bộ trí thức cũng vậy. Nhưng kitô giáo vẫn tiến đều: dù có những vụ xẩy ra một cách tàn nhẫn (vụ công chúng hành hung nữ triết gia ngoại giáo Hypatie năm 415, và một sinh viên kitô khoảng năm 485-487), các trường phái triết lý đua nở tại đây vẫn giữ thái độ trung lập đối với tôn giáo. Cho dù mãi tới thế kỷ VI các giáo sư vẫn là người ngoại giáo, nhưng ngay từ đầu thế kỷ V họ phải giảng giải thế nào để các người dự thính công giáo có thể tiếp nhận được. Dần dà họ thích ứng lý thuyết của họ theo chiều hướng các sinh viên công giáo và sau cùng, vào chính năm 529, một người kitô hữu thực thụ, là ông Gioan Philopon mà lịch sử thuyết Nhất tính đã nêu tên lên, đứng ra điều khiển phong trào, minh định lập trường và đả kích những khuynh hướng ngoại giáo của thuyết tân Platon do Proclus chủ trương tại Athènes.
Cùng với Philopon, tất cả trường Alexandrie đã đi vào chiều hướng kitô. Thực ra từ hai thế hệ trước, trường này đã đào tạo những người tiêu biểu quan niệm kitô có tên tuổi như Ênée thành Gaza (ông chép sách vào khoảng năm 490). Họ là các triết gia thực thụ dám ra mặt bàn luận đến những vấn đề khó khăn được đặt ra khi đối chiếu đức tin kitô với hệ thống tân Platon, như nguồn gốc của linh hồn, thân xác sống lại, việc sáng tạo hay sự trường cửu của vũ trụ. Tuy là một trung tâm phụ thuộc nhưng rất hoạt động, Gaza đã đào tạo được mấy người khác nữa tượng trưng cho trường phái này. Hình như tác giả bí mật hiên ngang gán cho mình danh hiệu Denys Bác học, là người thuộc thành phần của giới Palestine này, giới đã được chuẩn bị về văn hóa Hylạp và thuyết Platon. Nhờ danh hiệu ấy, ông đã gây được nhiều ảnh hưởng lớn lao tại phương Ðông dọc suốt thời Trung cổ và nhất là tại phương Tây là nơi tác phẩm của ông được phổ biến trong thời Carolingien.
Nơi nhà tư tưởng gia lỗi lạc, thâm thúy, đôi khi tối nghĩa này, tất cả đều xuất sắc. Ôâng đã táo bạo sử dụng rất nhiều quan điểm trong thuyết tân Platon của Proclus và mạnh dạn nghiên cứu những điều bí quyết đáng sợ nhất trong khoa huyền bí học. Tuy nhiên, có thể coi trường hợp ông như tiêu biểu cho một hiện tượng rất phổ thông, tức là cách suy tư cao sâu về tôn giáo trong thời kỳ Byzance thứ nhất này. Những vụ bút chiến giải giẳng do cuộc tranh cãi về Nhất tính đã chứng tỏ điều ấy. Khoa thần học trong các thế kỷ V và VI đã đạt tới mức rất chuyên môn và phản chiếu sinh khí của nền văn học thời đại. Ðược như thế là vì đã có nhiều phần tử ưu tú trí thức và quí tộc xin gia nhập Giáo Hội.
Chắc chắn trào lưu trên tuy đã khai mào từ thế kỷ IV và ngày càng tự khẳng định. Khuynh hướng này cho thấy những đặc tính mới: có sinh lực tự nhiên có tấn phát, tấn phát luôn bao hàm biến chuyển. Nên ghi nhận hai biến chuyển sau đây:
1. Việc áp dụng những phương pháp luận lý của Aristote. Từ khi mới phát triển, thuyết tân Platon luôn tìm cách trở về với Aristote và nhất là với cuốn Organon. Porphyre đã chẳng phải là tác giả cuốn Phạm trù chỉ nam sẽ được dùng như sách thủ bản nền tảng để bước vào khoa triết lý là gì ? Hầu hết những bộ Commentaria in Aristotelem Groeca, xuất phát từ trường Alexandrie, đều có sự đóng góp riêng của Gioan Philopon và các môn sinh, cũng là người kitô như ông, chẳng hạn như Etienne, David, Elie. Trong thế kỷ trước, khoa thần học cũng đã bắt đầu xử dụng các kho tàng quí báu nhưng đầy nguy hiểm, như đã thấy trong tác phẩm của nhóm Tha tính. Ðến thế kỷ V và VI, việc xử dụng trên đã trở nên thông thường giữa nhóm Nhất tính cũng như giữa các người theo phái Chalcédoine đối thủ của họ, hay giữa những người ”tân Chalcédoine”.
2. Dù sao luận chứng của giáo quyền cũng có giá trị quyết định. Ngoài luận chứng Thánh Kinh, còn có luận chứng của những người tiêu biểu đủ tư cách của truyền thống Giáo Hội, nhiều khi được đặt lên hàng đầu. Xét đại cương, có thể nói được rằng: trong các vụ tranh cãi thần học ở bốn thế kỷ đầu, người ta đã dựa vào những câu Thánh Kinh để bàn cãi; người Byzance lại dựa vào luận chứng giáo phụ để biện bác. Thay cho những cuốn sưu tập Thánh Kinh, các Testimonia là một loạt văn kiện tín lý đúc kết theo đề tài những trích dẫn các tác giả có thẩm quyền. Trong chú giải Thánh Kinh cũng có hiện tượng tương tự: đã có cuốn Dây chuyền móc những đoạn ngắn trích dẫn từ các chương chú giải của các Giáo Phụ thời danh hơn cả vào một câu Kinh Thánh.
Nhiều người có vẻ miệt thị khi phê phán về cách thức trích dẫn này (lối trích dẫn ấy có nhiều bất lợi: những đoạn trích dẫn bị cắt xén, đôi khi xuyên tạc ý chính, hàm hồ về xuất xứ hoặc chủ tâm cưỡng đọat. Như thế, là thánh Cyrille, ”người tiêu biểu nhất của các giáo phụ” (16) đã kết thúc thời kỳ sáng tác tư tưởng kitô. Tiếp thời kỳ vàng son của các giáo phụ là thời kỳ kinh viện chẳng có gì độc đáo cả. Ðây là một cách nhìn sai lạc, coi thường những điều các nhà thần học Byzance, với một kỹ thuật tinh vi, đã biết thực hiện đưa tới tiến bộ, nhất là trong việc phân tích các ý niệm trừu tượng về bản tính, về ngôi thứ, về nhân vị. Ngoài ra còn phải lưu ý đến vấn đề do tính liên tục mà quyền thống tín lý và văn hóa đặt ra: người Byzance không thể không kể mình là người đi sau, là kẻ kế nghiệp. Cũng như đối với chính chúng ta hay với bất cứ nền văn minh nào đã ăn rễ sâu vào quá khứ mà còn muốn duy trì cái sản nghiệp dồi dào và không ngừng tăng trưởng, họ buộc lòng phải dùng đến lối văn biên tập, đến kiểu toát yếu. Các nhà thần học của họ đã phải lập lên các hồ sơ giáo phụ, cũng như họ đã dựng lên những hồ sơ đồ sộ về các quyết định và tài liệu khác của các công đồng, những quyết định và những tài liệu, cũng giống như Ed. Schwartz đã thu thập công trình của giới học giả thế kỷ XVII và XVIII vào bộ sách Acta Conciliorum Oecumenicorum.
Như vậy phải nói là có sự phong phú, có chín chắn chứ không thể nói là suy vi. Ðấy là về tư tưởng và nói chung về văn hóa kitô trong thời kỳ Byzance thứ nhất này: truyền thống cổ đại đã trở nên vĩnh cữu và hùng mạnh thêm lên. Người ta thấy xã hội kitô của các thế kỷ V và VI cũng có những nét đặc trưng như trong thế kỷ trước. Lối giáo dục học đường thừa hưởng được từ nền văn minh ngoại giáo vẫn tồn tại, khiến cho giới thượng lưu trí thức và phái quí tộc được đào tạo cho có nhân bản vững chắc. Ngoại trừ các nhà dòng ra, vẫn chưa có trường học thuần túy công giáo. Hiến pháp năm 425 của hoàng đế Theodose II sáng lập trường đại học Quốc gia tại Constantinople và tổ chức hoạt động theo đường lối cổ truyền: học các nền văn chương trần tục, Hy-lạp và La-tinh, văn phạm và tu từ, triết lý, luật khoa.
Về mọi phương diện, giới học giả Byzance không thua kém các bậc tiền bối thời kỳ Hy-lạp hóa hay trong Ðệ nhất Ðế chế. Các kiến trúc sư xây cất nhà thờ bà thánh Sophia, là những người canh tân táo bạo như Isodore thành Milet, Anthemios thành Tralles. Họ nghiên cứu, sáng tác, chú giải tác phẩm của những nhà toán học thời danh Hy-lạp Archiméde và Êuclide. Thực ra Anthemios trước kia là môn sinh của Ammonios tại Alexandrie cũng như Gioan Philopon hay Boèce người la-tinh.
Công chúa như Juliana Anicia (+ 528) xuất thân từ dòng tộc hiển thánh Théodore, có một quyển sách viết tay thật đẹp, tô mầu riêng cho bà, sao lại khái luận trứ danh về tính chất y học của Dioscoride thành Anazarbe. Cuốn Anthologie còn duy trì lại bản văn những bi ký lộng lẫy bà cho chép thành thơ sáu chữ để ca tụng lối trang trí huy hoàng của bà tại các nhà thờ thánh Polyeucte thành Constantinople hay nhà thờ thánh nữ Euphémie thành Chalcédoine. Khoảng năm 512 chúng ta lại gặp thấy bà Juliana này giữa những người khởi xướng phong trào yểm hộ lập trường Chalcédoine, chính tại triều đình của hoàng đế Anastase, phong trào này chống đối chính sách thân phe Nhất tính của hoàng đế.
Ðặc điểm thứ hai là phái thượng lưu Byzance đã đưa nền văn hóa, óc hiếu kỳ, bẩm tính nhân loại phong phú riêng của họ ra để phụng sự đức tin. Tại phương Ðông không hề thấy có tình trạng chia rễ giữa các giáo sĩ và giáo dân như ở phương Tây. Cũng giống như trong thế kỷ IV, các giáo sĩ và giáo dân đều hăng say với những vấn đề tôn giáo, nhiều khi cả hai bên đều thấu triệt vấn đề như nhau. Chính một luật sư là Eusèbe, như đã nói trên kia, là người đầu tiên lên tiếng tố giác các lời phạm thượng của Nestorius; chính một công chức cao cấp, bá tước Irénée, đã quyết liệt biện hộ cho Eusèbe (cả hai ông sau lên làm giám mục, một người tại Dorylée, một người tại Tyr, đã không làm thay đổi vấn đề).
Có đem đặt các hoàng đế vào khung cảnh văn hóa đó, mới thẩm định đúng vai trò của các ngài, như Theodose II hoặc Marcien đã đóng, tại công đồng Ephèse hay Chalcédoine, mới hiểu tại sao Zénon, Justin, Justinien và những vị kế tiếp đã lấy sáng kiến giải quyết các vấn đề Nhất tính hoặc các vụ rắc rối khác. Trước khi tự coi mình như hoàng đế, các ngài đã xử sự như những người đại diện cho nhóm thượng lưu trí thức kitô là lớp người tự cảm thấy mình có trách nhiệm trước tiên trong những vấn đề hệ trọng, những vụ xâm phạm đến sự lành mạnh hay đến sự an bình của Giáo Hội.
Chúng ta hãy khảo sát trường hợp lớn nhất, hay được biết đến hơn cả, trường hợp Justinien. Không thể nói trường hợp này hoàn toàn do ảnh hưởng các giáo sĩ cố vấn đã lần lượt tác động lên. Ông là một nhà thần học nghiêm chỉnh. Người ta còn nắm giữ nhiều tiểu luận tín lý do chính ông viết, các tác phẩm này khá độc đáo và giá trị (chẳng hạn khi bàn về Nhập thể, ông khéo léo áp dụng ý niệm tế nhị về ”Ngôi vị kép”). Các tiểu luận này đã đánh dấu một chặng đường khá quan trọng trong việc khởi thảo ra thuyết tân Chalcédoine.
Dĩ nhiên Justinien và những vị đồng hàng với ông còn là các vị hoàng đế, hoàng đế kitô: tính cách tôn giáo của vị vương quốc cứ càng ngày càng thêm rõ rệt. Từ Léon (459), bắt đầu có tục lệ giáo chủ đội triều thiên cho hoàng đế trong lễ đăng quang; từ Zénonide, vợ của Basilisque người tiếm vị (475), hoàng hậu cũng được đội triều thiên như thế. Tiếp sau lễ đăng quang lại có việc tuyên thệ đức tin truyền thống, và Anastase là người thứ nhất đã tuyên thệ (491) vị giáo chủ hoài nghi lòng trung thành của ông đối với truyền thống Chalcédoine.
Bộ luật lớn của Justinien trong đó ông thu thập tất cả những gì mà thiên tài pháp lý Roma đã đóng góp, cuốn Corpus Juris Civilis, mở đầu bằng một lời nguyện : ”Nhân danh đấng Giêsu Kitô Chúa chúng ta” và phần thứ nhất trong cuốn I của Bộ luật, đã dành cho việc định nghĩa chính thức về Chúa Ba Ngôi tối cao và về Ðức Tin Công Giáo.
Hoàng đế Byzance ở thế kỷ V và VI là người thừa kế Constantin, Constance và Théodose: họ vẫn giữ cái lý tưởng quân quyền và linh thánh, chuyển hóa chính thể chuyên chế của Dioclétien sang lãnh vực kitô. Là chủ tể thế giới, hoàng đế tự cảm thấy có trách nhiệm trước Thiên Chúa về lợi ích thiêng liêng của các thần dân y như (và còn hơn) lợi ích thế tục. Ðiểm làm cho ngài khác các vị tiền nhiệm của thế kỷ IV, là ngài đã can thiệp vào các vấn đề thuần túy tôn giáo với nhiều thẩm quyền hơn. Trong lúc ngài xử sự như thế, không ai có cảm giác là ngài xâm lấn vào một phạm vi không thuộc thẩm quyền, nhưng lại cho rằng như thế là ngài chu toàn phận sự một cách thấu đáo hơn.
Phải nói rằng toàn thể bộ pháp luật lấy gợi hứng từ tinh thần Phúc Âm. Nhờ đó các khỏan về hình luật và thuế khóa trở nên nhân đạo hơn. Hoàng đế cũng quan tâm về bình diện thuần túy Giáo Hội, qui định và giám sát việc quản trị tài sản của Giáo Hội, các bất động sản của dòng tu, các tổ chức từ thiện lúc đó đã phát triển mạnh hơn trước. Hơn thế, hoàng quyền còn ra những luật lệ tỉ mỉ về thủ tục gia nhập hàng giáo sĩ, việc tuyển chọn giám mục, việc khấn dòng và kỷ luật tôn giáo. Trong Giáo Hội Byzance, tương đương với bộ Giáo Luật của chúng ta, có bộ sưu tập những văn kiện do hai nguồn cung cấp: các đạo luật của triều đình và các khoản luật của các Công Ðồng hoặc những tài liệu khác của hàng Giáo Hội. Bởi vậy người ta dùng danh từ Nomocanon để chỉ những cuốn sưu tập các tài liệu này. Tuy mãi thế kỷ XI danh từ trên mới được thông dụng, nhưng phương pháp sưu tập như vậy đã có từ thế kỷ VI, với hai cuốn sưu tập hỗn hợp đầu tiên: bộ ”XIV tiết mục” (giữa các năm 577 và 582) và bộ ”Năm mươi tiết mục”, biên soạn dưới triều đại hoàng đế Maurice (582-602).
Sau cùng, với rất nhiều uy quyền, hoàng đế can thiệp chẳng những về phương diện tín lý như trên kia đã nói, mà cả vào công việc quản trị, vào đời sống hằng ngày của Giáo Hội nữa: hoàng đế bổ nhiệm, thuyên chuyển hay truất phế các giám mục và giáo chủ mỗi khi thấy cần thiết. Ðiều này thật hiển nhiên tại Constantinople: dưới đời hoàng đế Anastase, Euphemios rồi Macedonios đã lần lượt bị thải hồi (495-511) vì bị coi là quá thiên về thuyết Chalcédoine; trái lại dưới đời Justinien thì Anthimos (536) lại bị cách chức vì lơ là với thuyết ấy; vào cuối triều đại, lúc về già hoàng đế còn cách chức Eutychios vì ông này đã không chịu theo thái độ thần học điên khùng của ngài (565); sau khi Tibère II (lúc đó còn là Cesar nhiếp chính trong đế quốc) đã đăng quang, Eutychios lại được phục chức năm 577.
Ðã có sự thâm nhập lẫn nhau, không phải để lấn át, nhưng để liên đới chặt chẽ, giữa hai bình diện, thiêng liêng và trần thế, mà phương Tây bảo phải phân biệt. Vì nếu hoàng đế can thiệp sâu rộng vào đời sống Giáo Hội như đã thấy, thì dĩ nhiên ngài đòi hỏi Giáo Hội phải cộng tác làm sao để các thể chế của chính phủ được xuôi chạy. Các giám mục công khai được ủy nhiệm giữ một địa vị trong nền hành chánh, chẳng hạn hành chánh của thành phố. Nhưng dần dà vai trò này vượt ra ngoài khuôn khổ đã được ấn định ban đầu, là quan tâm đặc biệt về phương diện luân lý (bào chữa những người yếu thế, tố giác các lạm dụng). Cụ thể, bản hiến pháp ra năm 530 đã quyết định đặt giám mục ”đứng đầu toàn diện nền tài chánh thị xã, kể cả việc tiếp tế và giao thông công chánh” (17).