CHƯƠNG VII
CHẾ ÐỘ TU VIỆN
ÐÔNG PHƯƠNG
TRONG THẾ KỶ V VÀ VI
CHƯƠNG VII
CHẾ ÐỘ TU VIỆN
ÐÔNG PHƯƠNG
TRONG THẾ KỶ V VÀ VI
Cùng với việc phát triển các giáo hội ngoại lai, có chế độ tu viện đua nở. Ðiều đó đúng tại Êthiopie, nơi đây Hạnh tích thánh Antôn, Kỷ luật của thánh Pakhôme thuộc loại những sách được dịch ra đầu tiên; đúng với Mésopotamie Sassanide, nhờ tác phẩm của một người có óc tổ chức là Abraham thành Kashkar (491/501-586); đúng với miền Arménie là miền các nhà dòng mà trước tiên là nhà dòng Etchmiadzin, đã trở nên những trung tâm gây ảnh hưởng về tu đức cũng như về văn hóa; sau cùng đúng với miền Géorgie là nơi chế độ tu viện đã phát triển đặc biệt nhờ ”Mười ba cha thánh” từ Syrie tới, tương đương như ”Chín vị thánh” của nước Êthiopie (khoảng năm 550 ?).
Chế độ tu viện cũng đã phát triển đặc biệt trong lòng đế quốc Roma. Trên kia đã nói là chế độ này bén rễ sâu từ thế kỷ thứ IV. Các thầy dòng có mặt khắp nơi tại các tỉnh phương Ðông, từ Ai-cập là nơi chế độ này khai sinh và còn là tâm điểm hoạt động, cho tới miền Thrace sau này: Năm 518 tại Constantinople và những miền phụ cận có ít ra sáu mươi bảy nhà dòng nam, không kể các cộng đồng nữ. Số nhà dòng mỗi ngày một gia tăng, đó là điều dễ nhận thấy khi họ lên tiếng can thiệp vào những vụ tranh chấp Kitô học: các đoàn đại biểu do các dòng tu cử tới đến dự các công đồng lớn hay tại triều đình, qui tụ hằng chục, hằng trăm thầy dòng. Người ta nói hai trăm thầy dòng tháp tùng Sévère thành Antioche lúc ông ở Palestine lên Constantinople lần thứ nhất vào năm 508. Trong những cuộc xuống đường gây huyên náo, đôi khi đổ máu, tại các thành phố có hai phe thần học tranh chấp nhau, người ta thấy có hằng nghìn thầy dòng tham dự, chẳng hạn trường hợp tại Jerusalem năm 453, tại Antioche dưới đời Phêrô người Thuộc da (năm 471 và kế sau), nhất là tại Alexandrie nơi luôn có xáo trộn. Các thầy dòng đã giữ một vai trò chủ chốt, ngay từ đời Êutychès, trong vấn đề Nhất tính và các vụ lôi thôi nó gây ra: trên kia chúng tôi đã nói sơ qua về những vụ tranh chấp rất gay go tại Constantinople giữa nhóm Acémètes và các thầy dòng Scythes.
Trong hai thế kỷ này, những trung tâm tu viện đáng chú ý hơn cả là các trung tâm Palestine và Syrie. Tiếp theo các thiên phóng sự và những giai thoại được truyền tụng trong thế kỷ IV về các Cha Thánh trong sa mạc Ai-cập, là cuốn Historia philotheos do Theodoret đại nhân thành Cyr biên soạn từ năm 437 đến năm 449, tường thuật về Antioche và các miền phụ cận, rồi đến cuốn Ðồng cỏ thiêng liêng của Gioan Moschos (615-619). Ông này nghiên cứu riêng về những thầy dòng định cư từ Jerusalem đến Biển Chết, đồng thời kể lại những liệt truyện của Cyrille thành Scythopolis (giữa thế kỷ thứ VI).
Về nội dung cũng như về khuynh hướng, các văn kiện này giống hệt những sách đã chép trước kia, lý do là vị tinh thần tu viện Syrie-Palestine cho ta thấy họ muốn trở về truyền thống uyên nguyên: cũng như ở Ai-cập, mô phạm lý tưởng của các tâm hồn quảng đại vẫn là lý tưởng đời tu biệt lập, là tinh thần anh dũng trong đường khổ hạnh; người ta vẫn thi đua công trạng, tìm đến một cái gì triệt để.
Ðiển hình hơn cả là trường hợp các ”vị thánh tu cột” (saints stylites), nhất là trường hợp thánh Simon Tiền, vị thánh đầu tiên và có tên tuổi nhất nhóm. Sinh quán tại Cilicie khoảng năm 390, ông khởi sự đời tu trong một cộng đoàn qui tụ khoảng một trăm thầy dòng. Vì muốn tiến mãi trên đường khổ hạnh, ông bước vào đời ẩn tu. Ba năm ông náu mình trong một phòng nhỏ, suốt mùa chay hãm mình phạt xác không ăn của gì. Rồi đi sống biệt lập 5 năm trong một khu riêng biệt trên đỉnh ngọn đồi, dùng xích sắt buộc mình lại cho đến khi có vị giám mục nói cho ông biết: với ý chí của ông, không cần đến xiềng xích như thế! Hai năm sau, ông lại ngồi trên một cây cột. Tiếp đó, lần lượt ba cây cột ngày càng cao hơn. Sau hết ông dựng một cây cột cao hơn mười bảy mét và sống trên đó ba mươi năm cuối cùng trước khi qua đời (429-459).
Rõ ràng cuộc thăng tiến kỳ lạ trong đó thánh nhân có vẻ cứ tiến cao mãi vượt trên thế tục để gần gũi Thiên Chúa hơn. Nhưng theo nguyên tắc đây là một phương sách để ông xa lánh các người khác. Vì, với những chiến công anh dũng, người biệt tu dĩ nhiên lôi kéo óc hiếu kỳ, lời tán thưởng và lòng sùng kính của dân chúng. Từ bốn phương, người ta đua nhau đến để xin ông cầu nguyện, bào chữa, làm phép lạ, xin cho khỏi bị áp chế, xin lời chỉ giáo (chính vì căn cứ vào tâm trí quân bình, vào sức khoẻ, vào cách hướng dẫn thiêng liêng mà người ta có thể nhận biết cách thỏa đáng đường thánh thiện trung thực qua những thái độ đặc thù của một nhân vật như thế). Thực ra cây cột của thánh Simon đã trở thành đối tượng của rất nhiều cuộc hành hương, ông chết rồi hành hương còn tiếp tục gia tăng sau khi người ta xây chung quanh cột ấy một thánh đường lớn hình chữ thập mà hiện nay còn nhận ra nhiều di tích đồ sộ (Kala'at Sem'ân).
Syméon đại nhân cũng có một số người bắt chước và ganh đua, như Daniel Tu cột, từng đến thăm Syméon hai lần. Ông bắt đầu đời cộng tu trước, sau mới đi ẩn tu, rồi sống trên nhiều cột kế tiếp tại Anaplous trên eo biển Bosphore từ năm 460 đến năm 493. Ông là cố vấn của hoàng đế, của hoàng hậu, của nhiều bậc quyền quí. Tiếp đến là Simon Hậu, người Antioche, hình như đã Tu cột từ lúc lên bảy tuổi cho đến lúc bảy mươi lăm tuổi và qua đời năm 592, ông cũng là vị hướng dẫn thiêng liêng và làm nhiều phép lạ.
Không chỉ nguyên có hình thức kỳ dị ấy mà thôi. Người ta còn nói đến hình thức ẩn tu trong hang hốc, giữa mồ mả, trong một cây rỗng, thậm chí trong một cái cũi treo lủng lẳng. Có những người đứng im lìm liên tiếp nhiều ngày nhiều tuần, cho tới khi kiệt sức, có những người gọi là boskoi, chỉ sống bằng rau cỏ và củ cây...
Bên cạnh các độc ẩn sĩ trên người ta còn gặp thấy, và đây là trường hợp thông thường, những tu sĩ sống đời cộng đoàn. Các cộng đoàn này chia làm nhiều loại khác biệt nhau: không có một kỷ luật thống nhất, mỗi nhà dòng sống theo tôn chỉ vị sáng lập đã phác họa ra. Tuy nhiên người ta có thể phân biệt ra hai loại chính: loại coenobion theo đời sống hoàn toàn cộng đoàn như kiểu thánh Pakhôme hoặc thánh Basile, và loại laura giống tiêu chuẩn nguyên thủy của Scété. Bình thường, sau khi qua một thời kỳ tập thử, tu sĩ nào được công nhận xứng đáng, được sống đời cô lập, năm ngày đầu tuần ở nguyên trong phòng nhỏ hay tại khu ẩn sĩ, ngày thứ bảy và chủ nhật thì tụ họp nhau lại để cử hành phụng vụ.
Trứ danh hơn cả là dòng tu do thánh Euthyme đại nhân (377-473) sáng lập. Từ biên giới Arménie, ông tới Palestine và lập lên tại đây nhiều tu-đạo-viện (laura) tại những vùng trũng trong sa mạc Juđa, trong số đó có tu-đạo-viện sáng lập khoảng năm 405-406 mang tên ông và nhà nguyện của tu viện được đức thượng phụ Juvénal thành Jerusalem làm phép khánh thành năm 428-429. Thánh Êuthyme còn có nhiều ảnh hưởng trên những người Ả-rập du mục đã sáng lập các bộ lạc Paremboles ở phía tây sông Jourdain, cũng như trên các phần tử thượng lưu quí tộc tại Jerusalem, chẳng hạn như hoàng hậu Êudokia, vợ góa của Theodose II. Ngoài ra còn có những tu đạo viện do môn đệ của ông là thánh Saba (439-532) sáng lập. Ông này quê quán tại Cappadoce, tới lập dòng tại Palestine, ông đã sáng lập ra tu-đạo-viện cả (473) hiện nay vẫn còn, và sau khi xảy ra cuộc ly khai giữa lòng cộng đồng trên, ông lập ra Tân tu-đạo-viên (507). Năm 493 thượng phụ thành Jrusalem đề cử ông làm đại tu trưởng, bề trên cả, cho tất cả các tu-đạo-viện tại Jerusalem. Thánh Saba còn gây nhiều ảnh hưởng bên ngoài giới tu viện: vào thời kỳ cuối đời, người ta thấy ông tới triều đình Constantinople hai lần (521, 531), để dùng uy tín xin chính phủ hoàng gia áp dụng những biện pháp nâng đỡ dân chúng và nhất là giảm bớt thuế má.
Ảnh hưởng trên cũng có lợi cho truyền thống: thánh Saba và trước ông là thánh Euthyme đã tỏ ra rất mực trung thành với công đồng Chalcédoine và có lẽ nhờ ở các ông mà miền Palestine và nhất là các thầy dòng tại đấy, nói chung ít bị đầu độc bởi tà giáo và cuộc ly khai Nhất tính, hơn các miền khác ở phương Ðông, từ Syrie cho đến Ai-cập. Vì đã dính líu vào những vụ tranh chấp thần học quan trọng làm xáo trộn giáo hội thời kỳ ấy, các thầy dòng Ðông phương đã gặp những vấn đề riêng, những khó khăn, những tà thuyết ngay giữa các thày dòng.
Tà thuyết đáng lưu ý hơn cả (vì những sai lạc thuần lý của tà thuyết này liên hệ chặt chẽ với đời sống khổ hạnh và thần bí) là tà thuyết của phái Messalien hay Euchites. Hai từ này, từ trước phát xuất do tiếng syriac, từ sau do tiếng hylạp, đều có chung một nghĩa: ”những người chuyên chủ cầu nguyện”. Bị Amphiloque thành Iconium, người nổi tiếng tại Cappadoce đả kích khoảng năm 390, rồi bị công đồng Ephèse lên án, thuyết Messalien vẫn gây họa suốt thế kỷ V và sau đấy nữa, chẳng những tại các tỉnh Ðông phương thuộc đế quốc Roma, mà còn giữa những người theo phái Nestorius trong đế quốc Sassanide. Trong những người cổ võ giáo thuyết này, người ta nói đến tên ông Syméon, quê quán tại Mésopotamie.
Khởi điểm của nó là một kinh nghiệm chua xót: mặc dầu đã nhận thánh tẩy, con người vẫn cảm thấy những khuynh hướng xấu xa thúc đẩy đi vào đường tội. Vì không phân biệt được theo đường lối cổ điển phương Tây giữa tội nguyên tổ và dục vọng, phái Messalien giải thích sự kiện ấy bằng cách chủ trương có một quỉ sứ ở trong linh hồn. Ðể đuổi qủy, để vĩnh viễn trấn át các dục vọng và đạt tới apatheia hạnh phúc, phải nhờ đến đời sống khổ hạnh nhiệm nhặt, và nhất là đến việc cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ, không gián đoạn mà thánh Phaolô khuyên răn (1Ts 5,17). Cũng vì có dục vọng nên người ta mới cảm thấy đau khổ. Phái Messalien còn cho rằng khi Chúa Thánh Linh xâm nhập và nung nấu một tâm hồn đã được tẩy uế và trở nên thanh cao, thì chính thân xác cũng phải cảm thấy sự hiện diện của Ngài, lúc đó sẽ xảy ra những hiện tượng minh mẫn, những biểu hiện xuất thần. Bởi vậy, các đối phương gán cho họ nhiều danh từ mỉa mai như ”cuồng tín”, ”ca nhân” (hay nhảy múa), đồng thời họ còn bị liệt vào loại lười biếng, phóng đãng, thậm chí đến trác táng. Nhưng trong các lối châm biếm này khó lòng nhận được đâu là chỗ điển hình sai lạc của một khuynh hướng huyền bí giả tạo, đâu là những vu khống người khác tiên thiên dựa vào những nguyên tắc của họ mà diễn dịch ra.
Với hình thức khôn khéo ôn hòa và nhờ sự bảo trợ họ bày ra để làm hậu thuẫn (như việc bảo trợ của Macaire đại nhân là một trong những vị anh hùng tại Scété trong thế kỷ IV), tư tưởng và những cách thực hành của nhóm Messalien được phổ biến vào tinh thần đạo đức phương Ðông. Ảnh hưởng của họ đã tác động nhiều trong việc phát triển thuyết hésychasme ra đời đầu thế kỷ VII tại núi Sinai với thánh Gioan Climaque (qua đời khoảng năm 649), và về sau thịnh hành tại đồi Athos. Vả lại mọi thuyết huyền bí đều có nguy cơ trượt từ tính cách hữu thể sang tâm bệnh và đi dần đến ảo ảnh tình cảm.
Còn có biến cố khác là cuộc khủng hoảng do phe Origène thời Justinien. Tuy những tư tưởng mạo hiểm của Evagre người miền Pont bị kiểm duyệt khắt khe ngay sau khi ông qua đời (399) bởi vì hơn cả chính Origène, Evagre mới thật là người bị Epiphane thành Salamine, thánh Jérôme và Theophile thành Alexandrie kịch liệt đả kích vào các năm 397, nhất là năm 400-402. Nhưng các giới tu viện vẫn còn nặng lòng với tác phẩm thuần túy khổ hạnh của Êvagre. Văn phẩm này quả thật quí giá, vì là một tổng luận thực thụ tóm kết một cách cụ thể tất cả quan niệm về đường lối đạo đức của các Cha thánh tại sa mạc. Mặc dầu người ta đã hết sức đề phòng (những câu châm ngôn và các giai thoại làm chứng về việc đề phòng đó), vẫn không sao tránh khỏi việc dân chúng đến một lúc nào đó đã tò mò tìm xem cho kỳ được mấy văn kiện khác của tác giả, chẳng hạn những Ðoạn ngộ đạo trình bày lối trực quan lắt léo dưới hình thức bí truyền phát triển từ tư tưởng của Origène, đi trệch truyền thống và hầu như chẳng có gì ăn khớp với kitô giáo trung thực (các tạo vật có lý tính đã sa đọa trước khi có vũ trụ, cách biệt giữa Ngôi Lời và Ðấng Kitô v.v.).
Vào đầu thế kỷ VI, thuyết Origène do Evagre truyền bá được đề cao công khai tại Palestine, trong những nhà dòng do thánh Saba sáng lập. Năm 519, bề trên của Tân tu-đạo-viện phải loại bốn thầy dòng vì họ chủ tương giáo thuyết khả nghi đó. Một trong những bạn của họ, là Léonce thành Byzance, đã tháp tùng thánh Saba tới Constantinople năm 531. Bị thầy dạy bỏ rơi, Léonce ở lại kinh đô và pha mình vào những cuộc âm mưu cũng như những vụ bút chiến chống đối phái Nhất tính. Sau khi thánh Saba qua đời (532) đã xảy ra cuộc xáo trộn rồi đi đến bạo động: bị đả đảo tại tu-đạo-viện cả, thuyết Origène đã thắng thế tại Tân tu-đạo-viên. Một trong những người đứng đầu phong trào, Theodose Askidas, cũng lên Constantinople (536), nơi đây ông trở thành một trong những cố vấn thần học được Justinien tín nhiệm hơn cả, và một trong những người hoạch định chính sách ”tân chalcédoine” của hoàng đế. Nhưng lúc đó ông cũng không tài nào thắng nổi các đối phương tại triều đình, những người này đã khuất phục được thầy phó tế Roma, sau làm giáo hoàng là Pélage và cả hoàng đế nữa. Hơn thế, tháng Giêng năm 453, hoàng đế công bố một sắc lệnh lên án mười đề án của phe Origène.
Tuy được giáo hoàng và toàn thể hàng giám mục chuẩn y, án lệnh này không được các giới Origène tại Palestine chấp nhận nên tình thế lại càng rối ren hơn nữa. Theo thông lệ, trong khi kéo dài cuộc tranh luận, nhóm này đã tách ra làm hai khuynh hướng (547): nhóm quá khích mang tên Isochristes (tới định kỳ chung thủy, số phận các linh hồn đã được tham dự vào Thiên Chúa tính sẽ nên ”ngang hàng với đấng Kitô”), và nhóm ôn hòa hay Prôtoktistes (ít ra họ còn chủ trương những ưu tiên về quyền tối thượng của đấng Kitô). Nhóm sau đã liên kết vào với chính thống (552).
Justinien cảm thấy phải can thiệp một lần nữa: không chờ đợi cho đến lúc khai mạc Công Ðồng chung V, hoàng đế yêu cầu các giám mục đang hiện diện tại Constantinople chuẩn phê mười lăm mục tuyệt thông mới, để đích danh tấn công nền giáo lý của Evargre (tháng ba/tháng tư năm 553). Năm sau nhóm Origène mất căn cứ của họ là Tân tu-đạo-viện và bị trục xuất khỏi Palestine.
Nếu quá nhấn mạnh đến những khó khăn nội bộ của chế độ tu viện, người ta dễ dàng lãng quên thực tại cốt yếu, đó là sự hiện diện và ảnh hưởng của các thầy dòng giữa dân kitô. Một lần nữa vào thời kỳ này, lại thấy các thầy dòng nhan nhản khắp nơi. Sau đây là điều nhà khảo cổ học đã nhận thực về tình hình tại miền bắc Syrie: ”Các nhà dòng thuộc quận Antiochène trong thế kỷ V và VI là những hiệp hội nông nghiệp nằm dọc các con đường. Họ lăn lộn rất nhiều với đời sống thôn dã, bởi vì họ nắm giữ vai trò kinh tế trong miền, vì họ có nhà thờ và đặc biệt họ có những nhà hành lang. Theo ý kiến của G. Tchalenko, nhà hành lang thường dùng làm nơi hội họp, làm xưởng thợ, làm phòng ăn và nơi trú ngụ bác ái. Cả nhà thờ lẫn hành lang đều mở cửa đón nhận giáo dân dễ dàng (14)”. Nhưng nguyên một việc các thầy dòng sinh sống tại chỗ và giúp đỡ dân chúng về phạm vi vật chất, chưa phải là điều quan hệ nhất. Các thầy dòng còn tham dự vào những công việc cứu tế công cộng. Trên kia, chúng tôi đã nói tổ chức này xuất hiện vào thế kỷ IV. Tới thế kỷ thứ V và thứ VI, người ta thấy phát triển lên một qui chế độc đáo gọi là diaconie, lúc đầu là một chức vụ và cách phục vụ bác ái của một nhà dòng, đến sau biến thành cơ quan hầu như tự lập, sau cùng, cả cộng đồng tu viện đã chuyên biệt hẳn vào việc cứu tế xã hội ấy.
Vai trò thuần túy tôn giáo của họ lại càng cao quí hơn nữa: giữa một xã hội kitô hay ít ra muốn xưng mình là kitô, nhưng bị tinh thần thế tục và lòng nguội lạnh hăm dọa, người tu sĩ hiện diện để tuyên chứng cho lý tưởng Phúc Âm bằng một đời khắc khổ và khước từ mọi thỏa hiệp, cho lời kêu gọi phải nên toàn thiện, cho con đường chật hẹp, cho sự điên rồ của Thánh Giá. Nhưng lý tưởng ấy cũng biểu hiện sức sung mãn đời sống thiêng liêng, óc nhiệt thành, ân sủng tràn đầy của Thánh Linh. Hình như tôn chỉ tu viện Ðông phương nhấn mạnh đặc biệt đến sự hiện diện của Chúa Thánh thần: tu sĩ là một người ”chuyên chủ về tinh thần”, một ”hòm chứa đựng tinh thần”. Người tu sĩ minh chứng sự hiện diện của Chúa Thánh thần qua các đặc sủng nhận được và đó là một chức vụ cao quí nhất người tu sĩ cần phải để tâm chu toàn trong Giáo Hội.