SỐ PHẬN
CÁC GIÁO HỘI NGOẠI QUỐC
CHƯƠNG VI
SỐ PHẬN
CÁC GIÁO HỘI NGOẠI QUỐC
Các cuộc xâu xé này đã gây nên những hậu quả không kém tai hại cho các Giáo hội bên ngoài Ðế quốc Roma, từ miền Êthiopie đến miền Caucase: những Giáo hội này đã trở thành ”Giáo hội ly khai” ngay từ cuối thế kỷ V.
I. GIÁO HỘI NƯỚC BATƯ TRỞ THÀNH GIÁO HỘI NESTORIUS
Như chúng ta đã gác qua một bên giáo hội người Syrie phương Ðông mà đa số là người thuộc những tỉnh Do Thái của đế quốc Sassanide, từ năm 410 giáo hội này có một cơ cấu lưỡng cực: Về tổ chức giáo quyền thì thuộc Séleucie-Ctésiphon, về phương diện trí thức họ chịu ảnh hưởng trường phái Edesse nằm trong lãnh thổ Roma. Giống hệt như Antioche, tòa Edesse đã bị các khuynh hướng Kitô học khác nhau tại Syrie tranh dành vào đầu thế kỷ V: khoa thần học của thánh Cyrille lúc được nhóm này ủng hộ, lúc lại bị nhóm kia đả đảo. Kế vị Rabboulâ, người cương quyết theo chủ trương Cyrille nhất là vào những năm cuối đời giám mục (415-435/436) là Hibâ (hay Ibas), người tính nết hung hăng, là một trong những nạn nhân của vụ Ba chương. Vì ông có khuynh hướng đối lập nên trong lúc ông đứng đầu trường phái các người Batư, đã bị Rabboulâ cho đi phát vãng.
Trường phái này vẫn một lòng tha thiết với truyền thống “Antioche”, cũng gọi được là truyền thống ”Nestorius” do Narsai hướng dẫn (437-457). Nhưng vì khuynh hướng đối lập cứ mỗi ngày thắng thế tại Syrie (cả những người thuần túy theo chủ trương Chalcédoine, như trên kia đã thấy, cũng càng ngày càng tỏ ra trung thành với giáo lý của Cyrille), nên lập trường của ông hết thế đứng. Năm 457 Narsai vượt ra ngoài biên giới và đến lưu cư tại Nisibe (đã được nhường lại cho người Ba-tư từ năm 363) và lại mở trường ở đấy. Chung cục trường Êdesse bị hoàng đế Zenon đóng cửa năm 489. Quyết định này một phần do hoạt động của Philoxène thành Mabbug, là cựu sinh viên của trường. Trên kia chúng ta đã nói đến vai trò của ông trong việc khuếch trương nhóm Nhất tính.
Dưới sự hướng dẫn của Narsai là người đã sống hơn kém trăm tuổi và qua đời năm 502, lại nhờ sự yểm trợ của Barsaumâ, giám mục sở tại và là người nhiệt thành với lập trường phản Cyrille, trường phái Nisibe được chỉnh đốn lại hoàn toàn và gây ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới kitô Sassanide. Trường phái này đã góp phần giúp Kitô học của ”Nestorius” nắm phần thắng lợi, và sau này được công đồng chung của các giáo hội thuộc đế quốc Ba-tư nhóm họp năm 486 tại Séleucie chính thức chấp nhận lần cuối cùng.
Ở đây thiết tưởng phải nhắc lại điều chúng tôi đã nói trên kia về thuyết Nhất tính của Sévère. Nên coi từ Nestorius như một nhãn hiệu sử học truyền thống quen dùng chứ không bảo đảm đúng giá trị nội dung của nó. Thực ra, ngoài việc họ khước từ không chịu lên án con người Nestorius, nhận định rõ được ranh giới tà thuyết của các giáo hội Batư này không phải là điều dễ dàng. Tốt hơn, để cho các nhà thần học minh định những công thức họ tuyên xưng về sự cách biệt giữa hai bản tính trong Ngôi Lời nhập thể hoặc chưa đủ mức hay nguy hiểm đến độ nào. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng nét đặc trưng trong lập trường của họ là tuyệt đối trung thành với giáo lý của Theodose thành Mopsueste, người họ coi như tôn sư phải theo trong mọi điều, nhất là như người Thông ngôn (đây là tên đệm tiếng sy-ri-ac được gán cho ông) bất hủ về Thánh Kinh.
Ðiều người ta nhận thấy trước tiên, đây không phải là một tà thuyết được công bố rõ ràng cho bằng cái ý chí muốn ly khai. Xem chừng người ta ý thức nhiều về chí hướng ấy: những tài liệu căn bản, chứa chấp nhiều ác ý của phái Nhất tính quả quyết rằng Barsauma đã nịnh bợ giải thích để vua Sassanide tên là Peroz (457-459/484) nhận định ra lợi ích chính trị nếu ngài chấp nhận để các kitô hữu trong các quốc gia của ngài đoạn giao với giáo hội thuộc Ðế quốc Roma tức là kẻ thù theo huyết thống. Nhân cơ hội ấy, ông xin thế quyền yểm trợ ông trong việc chống đối nhóm Nhất tính là những người, sau khi ăn rễ sâu vào các bộ lạc ả-rập tại sa mạc Syrie như trên kia đã nói, đã thu được ít nhiều thắng lợi tại miền thượng Mésopotamie.
Nhưng các chiến thuật tiên liệu ấy không đủ công hiệu để lòng hiềm thù thâm sâu của đạo Mazdé là quốc giáo thực thụ của chính phủ Sassanide bị chinh phục. Bởi vậy đã xảy ra nhiều cuộc bắt bớ (chẳng hạn vào các năm 420, 421-422, 445-447...). Các cuộc bắt đạo này vẫn tiếp tục đè nặng trên giáo hội các người Syrie phương Ðông là giáo hội có nhiều vị tử đạo. Họ chỉ được hưởng chế độ khoan hồng thực thụ trong quãng thời gian ngắn ngủi mỗi khi diễn biến chính trị ngoại giao buộc nhà vua dè dặt đối với đế quốc Roma. Chẳng hạn, dưới đời Bahrâm V, sau lúc Ardabu là đại tá của Theodose II thắng trận (422), hay ở thời kỳ đầu triều đại Khosrau II là người đã nhờ hoàng đế Maurice để chiếm đoạt ngai báu (590-591). Ngược lại, mỗi khi mối tranh chấp giữa hai quốc gia đối lập trở nên gay go, bách hại lại bùng nổ, chẳng hạn dưới đời Khosrau I và Justinien (540-545), hoặc đời Khosrau II và Heraclius (năm 602 và kế sau, tòa katholikos lại trống ngôi trong nhiều năm, 609-628).
Giáo hội Ba-tư cũng chịu nhiều đau thương nội bộ: nào chọn người rồi bị phế bác, nào ly khai, hỗn loạn. May thay, giáo hội này đã được một thời chấn hưng bởi vì katholikos Mar Abâ (540-552) là người rất cải tiến. Tuy gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, ông đã vãn hồi được trật tự và kỷ luật. Mặc dầu có nhiều trở ngại, Kitô giáo chẳng những vẫn được duy trì mà lại phát triển mạnh giữa lòng xã hội Sassanide, đã có những cuộc trở lại trong giới chính quyền và trong hoàng tộc, hay chính giữa hàng giáo sĩ Mazdé.
Cuộc truyền giáo vẫn xúc tiến tại miền núi Kurdistan là nơi hiện nay vẫn còn những cộng đồng Nestorius cuối cùng (các người Assyrie). Việc truyền giáo còn mở rộng về phía Á-châu lục địa và trong nước Ấn-độ. Nhóm người Hung hepthalite, lập nghiệp trên bờ sông Amou-Daria, đã có giám mục cầm đầu từ năm 549 do Mar Abâ phái đến. Nhà du lịch Cosmas người Alexandrie, từng đi tàu trên Ấn-độ-dương vào các năm 520-535 (bởi vậy ông có tên đệm là Indicopleustès), làm chứng có một giáo hội được tổ chức tại đảo Socotora và một nhóm kitô hữu gốc Ba-tư ở tận Tích-lan. Giáo hội Syromalabare vẫn còn phồn thịnh tại miền Kêrala (Nam Ấn-độ) có lẽ đã xuất tích từ cuộc truyền giáo của nhóm Nestorius; cũng có thể đây là do từ các nhóm di cư trốn tránh cuộc bắt đạo. Sở dĩ có truyền thống liên đới giáo hội Syromalabare với thánh tông đồ Thomas có lẽ vì Giáo hội này là một ngành xa xăm của giáo hội Êdesse.
Cùng với thời gian, giáo hội Nestorius càng ngày càng tách biệt với thế giới Kitô: để nối tiếp sự nghiệp công đồng năm 410, năm 420 giáo hội Ba-tư vẫn còn cố gắng tôn trọng nền kỷ luật mà các công đồng thế kỷ thứ IV đã quyết định tại miền Hy-lạp, nhưng từ năm 424 họ tuyên bố độc lập về giáo luật đối với các giáo hội phương Tây. Ðôi khi còn có những vụ tiếp xúc nhưng chỉ có tính cách cá nhân, chẳng hạn vào các năm 525-532/533 tại triều đình Constantinople có nhóm đại diện cho các người Syrie phương Ðông. Từ đây, giáo hội Nestorius biến chuyển theo một nhịp độ riêng: kể từ năm 484, Barsaumâ vận động để các giám mục được lập gia đình. Ðây chỉ là một lối nhượng bộ trước những tục lệ quốc gia, để nhờ đó Giáo Hội Ba-tư còn may mắn cầm cự nổi trong những điểm chính yếu trước áp lực do quốc giáo gây nên, chẳng hạn như việc chống đối các cuộc tình duyên loạn luân do thuyết Mazdé cổ vũ. Bảo vệ nền luân lý kitô trong điểm này là một trong các mối băn khoăn lớn của cuộc phục hưng do Mar Abâ chủ xướng. Trên bình diện thần học và nhất là về Kitô học, mỗi bên đều bám riết lấy lập trường riêng: lúc Hénana, một trong những giáo sư của trường phái Nisibe, tỏ ý muốn thừa nhận một nền giáo lý ôn hòa tương tự như truyền thống công giáo, ông bị rút phép thông công vào năm 585 và các đồng chí của ông đã bị truy nã tàn nhẫn.
Ngoài ra, trên lãnh thổ Ba-tư, từ đời Philoxène thành Mabbug đến đời Giacôbê Baradée, nhóm Nhất tính tìm mọi cách tuyển mộ tín đồ. Dù cố gắng đến đâu, nhóm Nestorius cũng không trừ diệt nổi phe đối nghịch, cũng như tại Ðông phương Roma, họ tổ chức thành giáo hội ly khai với hệ thống giám mục và các dòng tu riêng biệt, đa số quây quần tại miền bắc Mésopotamie. Hàng giáo phẩm song hành này được thống nhất hóa dưới quyền điều khiển của một tòa tối thượng mà chính Baradée đã thiết lập từ năm 559 tại Takryt trên sông Tigre. Ðến thế kỷ VII, vì chấp chính tòa này mang tước hiệu là maphriana.
II. MIỀN ARMÉNIE VÀ MIỀN CAUCASE TRONG CUỘC TRANH LUẬN GIỮA PHÁI NHẤT TÍNH VÀ CHALCÉDOINE
Thái độ của giáo hội Arménie và các giáo hội phụ cận còn phức tạp hơn. Cần phân biệt rõ các thời kỳ và địa giới. Vào hậu bán thế kỷ V, tất cả các lực lượng của cộng đồng Kitô miền Arménie bị thu hút cả vào việc cầm cự cố thủ và sau cùng đã thành công trước áp lực Sassanide và cuộc bắt bớ của đạo Mazdé. Trong thực tế, Giáo hội này không nhúng tay vào những vụ tranh chấp Kitô học: chúng tôi chỉ thấy một việc đáng nêu lên là cuộc vận động lên tới Proclus thành Constantinople vào năm 435.
Từ năm 505-506, hàng giám mục Arménie càng ngày càng tỏ thái độ nghi kỵ thuyết Nestorius và những gì dính líu đến thuyết ấy. Nguyên nhân, vì nhóm người phản Chalcédoine đã hoạt động ráo riết và thắng thế tại Constantinople, dưới triều đại Anastase, họ còn nấp dưới danh nghĩa sắc lệnh Hénotique; nhưng nhất là vì nhóm Nhất tính từ Mésopotamie và từ Syrie tiến đến đã tuyên truyền ráo riết. Tuy gặp mấy trào lưu chống đối, khuynh hướng phản Chalcédoine ngày càng mạnh, vào giữa thế kỷ thứ VI, người ta minh thì bài xích công đồng Chalcédoine và Pho sách của Léon và chen thêm vào kinh Trisagion câu ”chịu đóng đinh vì chúng tôi”. Có thể nói, kể từ lúc này thuyết Nhất tính đã trở nên thành phần cấu tạo gia nghiệp của giáo hội quốc gia này.
Người ta nhận thấy điều ấy lúc hoàng đế Maurice, sau khi được Khosrau II nhượng bộ cho miền tây Arménie (562), tìm cách khuất phục toàn thể miền này trở về truyền thống Chalcédoine. Tuy chỉ có hai mươi mốt vị giám mục trực thuộc quyền ông chấp nhận đi theo, ông đã có thể tạo nên một giáo hội ly khai. Và đây là cuộc ly khai đầu tiên xẩy ra trong lịch sử giáo hội thật thống nhất của miền Arménie (591-592/610-611). Những lời đề nghị của hoàng đế bị các giám mục khác qui tụ quanh đức katholikos thành Dvin đả kích. Ðáng chú ý là vị này đã trả lời cách mỉa mai: ”Tôi không vượt biên giới để ăn bánh sữa và uống nước ấm” (lời nói ám chỉ những nghi thức thánh thể thuần túy byzance) (13). Xem như vậy đủ biết người Arménie dựa vào mọi cái, từ nền Kitô học cho đến phụng vụ, để củng cố nét đặc trưng của họ đối với Constantinople.
Cũng như Arménie, nửa thế kỷ sau (499) miền Géorgie cũng bị rơi vào ách Sassanide. Về phương diện tổ chức giáo hội, cũng như Giáo hội các người Albanie (hay Aghouans), Giáo hội Géorgie đã liên minh với giáo hội Arménie, nhưng vẫn duy trì một thứ tự trị nào đó (công đồng Dvin, 505-506).
Cũng dưới triều đại hoàng đế Maurice, lúc miền Géorgie nhờ sự ủng hộ của Byzance thu hồi được nền tự trị, Kvirion vì katholikos của Géorgie đã nhân cơ hội này tách mình ra khỏi Arménie, về phương diện giáo luật cũng như thần học. Vua miền Géorgie kết thân với Byzance về phương diện chính trị thế nào thì vị katholikos cũng xử sự như thế về phương diện tôn giáo, ông trở lại với truyền thống Chalcédoine. Bởi vậy, năm 608-609, cùng với người Hy-lạp ông bị rút phép thông công bởi vì katholikos Arménie, ông này vẫn được cộng đồng kitô (hiện nay không còn nữa) miền Albanie thuộc Caucase tín nhiệm. Nhưng đối với Arménie đây vẫn chưa phải là một lập trường rứt khoát.
Không nên chỉ thu gọn lịch sử các giáo hội phương Ðông này vào những cuộc tranh luận Kitô học kẻo vô tình giảm thiểu những phong phú của họ. Mãi đến thế kỷ V, việc phát triển văn hóa mà chúng tôi đã nói đến sơ qua mới thành hình trong những nét chính (Masrop, người sáng chế ra mẫu tự Arménie, qua đời khoảng năm 440), đó là tiếng Arménie đã trở thành ngôn ngữ văn hóa, là tác phẩm của những ”dịch giả thánh”, Thánh Kinh, các Giáo phụ, các bộ Giáo luật (không bao lâu sau được công đồng quốc gia bổ khuyết bằng những huấn thị kỷ luật mới), cấu tạo nên một nền phụng vụ riêng, sau cùng là khai mở một nền văn chương độc đáo. Chưa tới giữa thế kỷ thứ V mà nền văn chương ấy đã sản xuất ra được một kiệt tác, đó là bộ ”tổng luận hộ giáo” nhằm đả kích riêng đạo Mazdé, do giám mục Eznik thành Kolb chủ biên. bộ sách ấy chiếm một chỗ quan trọng trong lịch sử. Ca nhạc và kiến trúc cũng góp phần làm nổi bật nguồn phong phú của nền văn hóa Arménie, trong đó thể hiện được cả đặc tính quốc gia và gợi hứng kitô: vào đầu thế kỷ VII đã xuất hiện những nhà thờ với nóc tròn, hình như đây là xuất xứ xa xăm của nghệ thuật rô-măng chúng ta.
III. GIÁO HỘI ETHIOPIE PHÁT TRIỂN TRONG KHUÔN KHỔ THUYẾT NHẤT TÍNH
Chuyện giáo hội do thánh Froumentios sáng lập cũng tương tự như trên: đối với giáo hội này, hai thế kỷ V và VI là thời kỳ hiển hách trong việc ăn rễ, bành trướng và khai hoa văn hóa. Cuộc phát triển này xem chừng tiến chậm hơn, chẳng hạn việc dịch Thánh Kinh sang tiếng Ge'ez, hình như vào hậu bán thế kỷ V mới khởi sự và mãi thế kỷ VII mới hoàn tất. Cũng vào thời kỳ ấy người ta bắt đầu dịch những đoạn văn về đời sống tu viện và những điểm thần học chính yếu, đồng thời phụng vụ quốc gia và nghệ thuật kitô cũng khai hoa.
Vì Giáo hội Ethiopie lệ thuộc chặt chẽ vào giáo hội Ai-cập (phải đợi đến năm 1951 thì Alexandrie mới hết cắt đặt chức abouna, chức thủ lãnh Giáo hội Abyssinie) nên không lạ gì khi thấy giáo hội ấy đương nhiên ngả về thuyết Nhất tính. Cuốn sách căn bản trong tủ sách thần học của họ là cuốn thơ văn các giáo phụ, quen gọi là Qerlos. Sách này đặt dưới quyền bảo trợ của thánh Cyrille (nó mở đầu bằng ba đoạn ngài đã chép để chống đối nhóm Nestorius). Không phải chỉ có ảnh hưởng riêng của Ai-cập: giáo hội Êthiopie cũng mừng kỷ niệm ”chín vị thánh” từ Ðế quốc Roma tới Êthiopie và đã ”chấn chỉnh đức tin” tại đó: hình như là một nhóm thầy dòng Syrie, có lẽ theo thuyết Nhất tính, đã tị nạn tới Ethiopie trong cơn bắt đạo của người công giáo. Nhưng nguyên cách người phái Nhất tính tuyển mộ tín đồ cũng đủ cắt nghĩa vì sao họ đã tới đấy (có lẽ vào cuối thế kỷ V?).
Những cuộc tiếp xúc ngoại giao của các vua Ethiopie, sau khi trở lại Kitô giáo hoàn toàn, đã chắp nối với triều đình Justinien tại Constantinople kể từ năm 525. Ðây là những dịp thuận tiện để chấn chỉnh lại với truyền thống. Tiếc là trong thực tế mọi cố gắng về phương diện này của hoàng đế Justinien đều bị ngăn trở bởi Theodora là người rất hoạt động và bào chữa nhóm Nhất tính ra mặt.
IV. KITÔ GIÁO (PHÁI NHẤT TÍNH) PHÁT TRIỂN TẠI MIỀN NUBIE VÀ MIỀN NAM Ả-RẬP
Lúc các dân tộc bán du mục tại miền Nubie nằm dài từ Abyssinie đến Ai-cập (miền hiện nay gọi là Soudan) trở lại, cũng xảy ra cuộc thi đua ảnh hưởng như thế. Ðó là những bộ lạc Blemmyes, Alodes, Nobades, đầy máu hiếu chiến, gây nhiều khủng bố cho các dân kế cận, vốn là dân ngoại giáo lâu đời. Sau khi có lệnh chung đóng cửa các đền ngoại giáo, họ tưởng các hoàng đế kitô sẽ làm ngơ cho việc sùng kính thần Isis tại đền trứ danh Philaé, gần biên giới miền thượng lưu, trước thác lớn nhất của sông Nil. Nhưng khoảng năm 535, Justinien nhất định chấm dứt thái độ khoan hồng này. Ít lâu sau có hai phái đoàn truyền giáo tới đấy, một nhóm là công giáo một nhóm là Nhất tính, cốt để tìm cách khuyên dụ các người Nobades. Bà Theodora chặn hẳn phái đoàn được Justinien nâng đỡ, chỉ có phái đoàn Nhất tính được hoạt động, và sau khi cộng đồng kitô được lập thì một giám mục được phái đến đấy do thượng phụ thuộc phái Nhất tính là Theodose thành Alexandrie, ông này tuy bị phát lưu nhưng vẫn hoạt động tại Constantinople. Hầu hết các dân tộc tại miền Nubie cũng trở lại Kitô giáo trong những hoàn cảnh tương tự.
Tại xứ các người Himyarites (Yémen), phái đoàn truyền giáo kitô luôn gặp nhiều trở ngại, vừa từ dân ngoại giáo miền nam Ả-rập vừa từ đạo Do Thái vì đạo này đã có nhiều người tân tòng tại chỗ. Nhưng cuộc truyền giáo cũng gặp nhiều thuận lợi, một phần nhờ các nỗ lực ngoại giao của Justinien đang lo lắng ngăn cản ảnh hưởng Sassanide tại biên giới và các miền duyên hải Biển Ðỏ, phần vì người Ethiopie đang xâm nhập dần dần vào miền này. Sau khi đạt được nhiều chiến thắng vẻ vang, nước Abyssinie với kinh đô là Axoum cố gắng mở rộng ảnh hưởng tại miền Ả-rập, thương mại trước rồi chính trị sau. Hình như cuộc viễn chinh thứ nhất đã xảy ra vào cuối thế kỷ V. Sau khi một người trưởng tộc Ả-rập mới trở lại đạo Do Thái, nổi loạn và tàn sát nhiều giáo dân, vua Ethiopie sai một đạo binh hùng hậu đến dẹp yên người Himyarites và thiết lập nền đô hộ tại đó (525-526). Qua nhiều cuộc thăng trầm, nền bảo hộ này kéo dài cho đến khi người Ba-tư chinh phục miền Yémen (570).
Nhân cơ hội ấy đạo Kitô đã phát triển và được một thiểu số khá quan trọng trong dân chúng tin theo, nhất là tại miền Nadjran là nơi Kitô giáo đã đụng độ thê thảm với Hồi giáo đang chớm nở (vụ Mubâhala, ”thách thức qua môn thần đoán”, năm 631) (Thần đoán là ”phép thử tội ở thời Trung cổ, ví như đốt lửa, trụng nước sôi tội nhân để xem có tội hay không” - Ðào Duy Anh). Sức mạnh và nhược điểm của đoàn Kitô giáo Ả-rập này, xuất xứ từ phái Nhất tính và có nhiều liên hệ với họ, còn để lại những âm vang đáng kể và bị bóp méo trong cuốn Coran. Theo truyền thống Hồi giáo, vị Tiên tri sinh vào ”năm con voi”, năm có cuộc hành quân của vua Abyssinie, người kitô tên là Abraha, thất bại. Bấy giờ, Abraha đang thống trị tại miền Yémen và muốn xâm chiếm La Mecque và đền Kaba (570, nhưng nếu biến cố này có trong lịch sử thì nó đã xảy ra ba mươi năm về trước).