CHƯƠNG V
PHÁI NHẤT TÍNH
VÀ PHÁI TÂN CHALCÉDOINE
CHƯƠNG V
PHÁI NHẤT TÍNH
VÀ PHÁI TÂN CHALCÉDOINE
Là một khối óc hoạt động, là nhà bút chiến không mỏi mệt, là nhà tư tưởng sâu sắc, Sévère thành Antioche, trong thời kỳ tại chức lâu dài với nhiều giai thoại mâu thuẫn, đã tự khẳng định là linh hồn của phong trào đối lập với Chalcédoine, nhất là ở Syrie thuộc Palestine. Ngay trước khi nhận chức giám mục, ông đã như phát ngôn viên của phong trào, hướng dẫn đoàn đại biểu các thầy dòng Palestine đến triều đình Anastase và ở lại đấy từ năm 508 đến năm 511. Bị Justin cách chức, ông trốn sang Aicập là nơi ông gây được nhiều ảnh hưởng: đây là mười năm phát vãng đầy hứa hẹn (518-527/528), vì trong thời kỳ ấy ông soạn thảo một phần lớn các tác phẩm văn chương của ông. Chúng ta lại gặp thấy ông tại Constantinople vào các năm 531-532 và 536, ông được Theodora yểm trợ, ông ra mặt bào chữa thuyết Nhất tính trước mặt Justinien. Bị lên án lần nữa, ông kết liễu cuộc đời trong khi đi lưu đày tại Aicập (536-538). Nhờ sức hoạt động cương trực tại Syrie, Sévère thành Antioche không chỉ phục hồi nguyên trạng cho phái của ông, ông còn chuẩn bị để phái này có căn bản giáo lý, ông đã ấn định khoa thần học cho phái. Có thể nói rằng thuyết Nhất tính lịch sử, thuyết còn tồn tại cho đến ngày nay, là thuyết Nhất tính của Sévère.
Cần phải nhận định rõ nội dung tín lý của danh từ này, tuy theo truyền thống nó là của nhóm chống đối Chalcédoine, nhưng ý nghĩa của nó rất mập mờ. Lập trường tín lý do Sévère chủ trương và cùng với ông hoặc sau ông bởi đa số thành viên, thực ra khác xa tà thuyết chính cống và trắng trợn mà danh từ này làm ta liên tưởng tới. Về lập trường tế nhị và rất khó lĩnh hội cách đầy đủ này, thoạt tiên người ta nhận ra phần tiêu cực: Sévère và các người đồng chí hướng kịch liệt bài xích Tập thư của Léon, định tín của Chalcédoine và những điều các văn kiện trên xác nhận về hai bản tính. Họ cho rằng các lối xác định ấy có mầu sắc Nestorius, hoặc đồng hóa chúng với thuyết ấy. Phần tích cực biểu hiện ra bằng việc trung thành triệt để theo nghĩa đen, và toàn vẹn với học thuyết của thánh Cyrille. Trong khi trung thành cách ngoan cố với danh từ của thánh nhân, nhóm Sévère vẫn tiếp tục đồng hóa ”bản tính” với ngôi vị và với nhân vị. Còn đi xa hơn, và ở đây chúng ta nên ghi nhận yếu tố gợi hứng thiêng liêng thúc đẩy họ, tư tưởng của họ phát triển từ việc chiêm niệm Ngôi Lời hằng sống, họ luôn suy niệm về Ngài, về Thiên Chúa tính của Ngài mỗi khi muốn diễn đạt từ Chúa Ba ngôi đến việc Nhập thể, từ Con Thiên Chúa đến đấng Giêsu Kitô. Thoạt tiên người ta ca tụng tính thống nhất trong đấng Kitô. Hai bản tính nơi ngài chỉ có thể xác nhận theo lý thuyết chứ không theo thực tế.
Nhưng Sévère thành Antioche không đi xa đến nỗi chấp nhận những điểm quá khích của Eutychès mà ông cho là có mầu sắc tà thuyết như Nestorius. Ðiều đáng chú ý là trong khoa bút chiến ông lần lượt đả kích một người theo Chalcédoine như Gioan nhà văn phạm và cả những người tân Eutychès như Sergius hay Julien thành Halicarnasse. Như vậy, tà thuyết ấy, nếu còn gọi được là tà thuyết, rút cục chỉ là một khuynh hướng xem ra nguy hiểm, nhưng nếu đem phân tích kỹ càng thì nội dung cụ thể của khuynh hướng không có gì đáng kể. Sử gia có phần ngạc nhiên và cho là đáng tiếc khi nhận thấy trong những cuộc giằng co tàn nhẫn gây chia rẽ giữa Giáo hội như loại này, nội dung chính yếu của tà thuyết không trầm trọng cho bằng tâm địa cố chấp trong ý tưởng cá nhân, cho bằng óc bè phái và tính ngoan cố muốn dậm chân trong tình trạng ly khai.
Tại Aicập tình hình còn phức tạp hơn nữa: khuynh hướng phản Chalcédoine mà chúng ta tiếp tục gọi vắn tắt là ”thuyết Nhất tính” hầu như đã dành được phần thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 482 cho đến năm 537, hoàng quyền đã bỏ ý định buộc họ phải đón nhận sự hiện diện của một vị giáo chủ theo khuynh hướng Chalcédoine. Không còn phải chống đối địch thủ bên ngoài, phái này đi đến phân tán, ít là tại Alexandrie, vì nhiều lý thuyết cạnh tranh được phổ biến. Ðây là một trong những khía cạnh của phong trào khai hoa nền văn hóa rất đặc sắc tại Alexandrie vào thế kỷ VI. Trên bình diện triết lý, phong trào được đánh dấu bằng việc phục hưng thuyết Aristote, nhất là ngành biện chứng và luận lý. Người ta đem các khả năng mới mẻ thừa hưởng được trong lãnh vực trên để xây dựng khoa thần học, tại thành phố rộng lớn này, là trung điểm sống động của nền văn chương hy-lạp nằm bên rìa xứ Copte. Trong những cuộc tranh luận sôi động này nhiều khi bị thúc đẩy đến chỗ tế nhị quá đa, chúng ta nhận diện ra cái truyền thống hay gây lộn của những triết gia hy-lạp. Giới Nhất tính đã phân tán ra thành một loạt giáo phái mẹ rồi đến giáo phái con: tính ra có tới hai mươi giáo phái.
Có những nhóm bất khuất theo Dioscore, họ không nhìn nhận Timothée Aelure, vị giáo chủ hợp thức hóa từ năm 454, họ bất mãn vì ông đã hòa giải mấy giáo sĩ theo khuynh hướng Chalcédoine. Nhóm Acéphales (chính nhóm này lại chia làm ba nhóm nhỏ khác vì ly khai nội bộ) là nhóm không tha cho Phêrô Nói Ngọng và những người kế vị ông vì đã thừa nhận sắc lệnh Hénotique. Nhóm Eutychès tiên khởi (những người theo Eutychès ngay buổi đầu 517-518) có khuynh hướng quá khích, đã thành hình trong trường phái của Julien thành Halicarnasse. Những người trung thành với Julien thường gọi các thành viên nhóm này là aphtartadocètes (vì họ tuyên bố thân thể của Ngôi Lời nhập thể ”không bị hư nát”) hoặc phantasiastes (bởi vì họ cho thân xác ấy chỉ có h́nh thái trong lý tưởng, là một ”ảo tưởng”). Từ nhóm Acéphales lại nảy ra hai phe đối lập: một đàng chủ trương thái độ ôn hòa mà Sévère thành Antioche ủng hộ (thân xác của đấng Kitô được sức toàn năng của Ngôi Lời gìn giữ cho khỏi hư nát), một đàng là thuyết tân Eutychès thực thụ, chủ trương thân xác của Chúa chẳng những không thể hư nát mà còn ”không được dựng nên” (bởi vậy người ta gọi nhóm này là Actistètes).
Chính nhóm Sévère mà các người đối thủ gọi một cách khinh bỉ là Phtartolatres (bởi vì họ thờ cái hay hư nát) lại chia ra một ngành nữa gọi là agnoètes. Những người này cho rằng: chắc chắn có những điều mà đấng Kitô trong nhân loại tính ”không biết được” (từ Arius đến các người theo thuyết duy tân, những người có óc phiêu lưu vẫn thắc mắc về vấn đề kiến thức nhân loại của đức Kitô).
Có điều còn đáng chú ý hơn, là giữa các người dụng tâm tìm tòi, cuộc tranh luận về vấn đề thuần túy Kitô đã đặt lại vấn đề Ba ngôi mà người ta tưởng đã được xây dựng hoàn chỉnh rồi. Ðành rằng chỉ có một ”bản tính” trong Ngôi Lời nhập thể, nhưng phải chăng (vì danh từ của phe Cyrille vẫn còn ý nghĩa mập mờ) nên phân biệt ba bản tính trong chính Ba ngôi, ba yếu tính vì có ba ngôi vị? Ðây là tà thuyết sau được gọi là thuyết tam thần xuất hiện khoảng năm 557. Thuyết này đã trở nên quan trọng vào các năm 560 là nhờ trí sắc bén của một người như Gioan Philopon, tên đệm là ”không biết mệt mỏi”, ấy là nếu từ ”Philopon” không có nghĩa là thành viên của hội đoàn các giáo dân đạo đức ”tận tâm tận lực” phụng sự Giáo hội. Philopon thông minh, hoạt động sôi nổi, vì khoảng năm 570 ông viết một khái luận về thể thức việc sống lại (hàm ý nghĩa vật chất sẽ bị tiêu diệt) đã gây ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt và tạo ra sự chia rẽ ngay trong giáo phái của ông. Việc đả kích thuyết tam thần sẽ làm phát sinh ra một tà giáo khác là nhóm tứ thần (bản tính của Thiên Chúa bên cạnh bản tính của ba ngôi, thế là ba ngôi lại trở thành bốn...). Các cuộc chia rẽ này đôi lúc làm cho thuyết Nhất tính yếu đi. Khoảng năm 556 có bốn giáo chủ tranh nhau tòa Alexandrie, chưa kể đến giám mục chính danh theo khuynh hướng Chalcédoinien được Justinien phục hồi. Tình hình rối ren tại Alexandrie và những cố gắng, bắt đầu từ năm 575, nhằm cứu vãn tình thế đã gây mối bất bình giữa hai giáo hội Nhất tính Aicập và Syrie, nó kéo dài cho đến cuối thế kỷ. Nhưng dưới một bình diện khác, việc khởi xướng ra nhiều lý thuyết lại là hiện thân sức sống động, sự phong phú về nhân tài cũng như về tư tưởng của giáo phái ấy.
Trước tình hình trên, dĩ nhiên về phía công giáo, các nhà thần học và các chính trị gia tự hỏi phải tìm cách nào để chấm dứt vấn đề. Sự thống nhất cưỡng ép từ ngoài áp đặt theo kiểu sắc lệnh Hénotique chỉ tổ gia tăng cuộc rối loạn: giải pháp duy nhất là quay về bình diện tín lý. Bởi vậy có một khuynh hướng muốn xích gần tới lập trường các người ly khai và tìm đường gặp gỡ họ, nhất là vì, như trên kia đã nói khi bàn đến Sévère thành Antioche, khoảng cách chia rẽ giữa họ với truyền thống đúng nghĩa, thì rất nhỏ.
Ðã có lần người ta gán cho thái độ mới này cái tên hơi hàm hồ là thuyết tân Chalcédoine. Nói cho đúng thì đây là thuyết hậu Chalcédoine, là một cuộc xét lại cán cân thần học, hay đúng hơn, là một cố gắng để đi đến bản văn đã được ”kiểm lại và sửa chữa” về công đồng (11) (những thăng trầm như thế là chuyện rất thường trong lịch sử tín lý của Giáo Hội). Sau vụ tấn công năm 451, có nên xác nhận lại để cho người ta thấy đây không phải là một vụ trả đũa của các nạn nhân trong công đồng Ephèse?
Thực ra chúng ta thấy tất cả các nhà bút chiến công giáo chống đối Sévère thành Antioche đều tìm cách cắt đứt liên hệ với phe Nestorius, cũng như chính Sévère tìm cách cắt dây liên đới với Eutychès. Người ta nhận thấy điểm này trong văn kiện của Leonce thành Byzance, là người đã thực hiện được nhiều diễn tiến khả quan trong việc định nghĩa ý niệm về Ngôi vị (”cái một mình có thể tồn tại được”), và đem áp dụng ý niệm ấy vào khoa thần học về Ngôi Lời nhập thể. Trong khi vẫn tôn trọng uy tín của công đồng Chalcédoine và định tín của nó, khuynh hướng mới này trong lối phát biểu đã thu dụng rất nhiều điểm trong nền giáo lý của thánh Cyrille, trong lối đạo đức và trong thuật ngữ của ông (Mười hai khoản ra vạ...):
1) Cái ấn tượng lớn lao Sévère thành Antioche đã để lại lúc ông lưu cư lần thứ nhất tại Constantinople (509-511) là hình như đã góp phần vào bước tiến triển của phong trào này, nếu không phải chính nó đã phát sinh ra phong trào. Có điều này mâu thuẫn là phong trào ấy đã xuất hiện ngay sau lễ đăng quang của hoàng đế Justin (519), là dịp làm cho đường lối thiên Chalcédoine thắng thế, nhờ sự vận động ào ạt của một nhóm thầy dòng người Scythes đang hiện diện ở Constantinople. Họ tưởng rằng đã tìm ra công thức “Théopaschite”, do Proclus canh tân hay đúng hơn đem thích ứng), Unus de Trinitate. ”Một trong Ba Ngôi đã chịu đau khổ cho chúng ta về thân xác”, và như vậy là đã giải quyết xong vấn đề. Với tinh thần hăng say pha chút luộm thuộm, họ quyết chí làm mọi cách để các nhà cầm quyền công giáo nhìn nhận công thức này. Cuối cùng, không được giáo hoàng Hormidas tiếp (520), họ trở về Constantinople và tiếp tục chống đối nhóm Acémètes là những người được lôi kéo bảo vệ đức tin theo chiều hướng Chalcédoine. Ðôi bên xỉ vả nhau thậm tệ: bị nhóm Acémètes buộc tội là thiên Eutychès, các thầy dòng Scythes trả miếng bằng cách tố giác họ theo thuyết Nestorius chính cống.
2) Nhận thấy đường lối chính trị liên minh là hợp lý, một phần nhờ ảnh hưởng của bà Theodora vào các năm 532-533, tân hoàng đế Justinien triệu tập một cuộc hội thảo đối kháng giữa các đại diện của phe truyền thống và phe Sévère. Sự ngoan cố của phe Sévère đã làm cho cuộc hội thảo thất bại. Nhưng ngay sau đó, hoàng đế lại xác tín phải xích lại gần phe đối lập thêm một bước nữa. Ngày 15 tháng 3 năm 533, ông công bố một bản tuyên dương đức tin đã được soạn thảo với chủ đích hết sức lấy lòng phe Nhất tính: không nhắc gì đến Chalcédoine và đến hai bản tính, để phát biểu tín lý kitô học. Lần này ông thu dụng cái công thức đã bị bác bỏ mười ba năm về trước, Unus de Trinitate. Nhờ ông vận động nên năm sau giáo hoàng Gioan II chấp nhận các công thức Théopaschite và lên án nhóm Acémètes ngoan cố không nhận nó (ngày 25 tháng 3 năm 534). Ðiều đáng chú ý là người ta đã trân trọng ghi thêm hai quyết định này vào đúng chỗ khi tái bản cuốn Dân luật Justinien, công bố cuối năm 534 (12). Cũng nên ghi nhận rằng, trong một văn kiện đồng thời gửi đến cho các nghị viên Roma, trong các uy thế trưng ra để biện hộ cho đường lối của mình, giáo hoàng Gioan II nhắc đến một khoản, và đây cũng là khoản quan trọng nhất, trong XII khoản ra vạ của thánh Cyrille ”Ai không tuyên xưng Ngôi Lời đã chịu đau khổ trong thân xác thì bị mắc vạ...”). Ðây là lần thứ nhất một văn kiện bị tranh cãi lâu năm được Giáo hội Roma chấp nhận chính thức và rõ ràng.
3) Chẳng bao lâu Justinien nhận thấy ý định muốn giàn hòa của ông luôn luôn va chạm với tinh thần cố chấp của phái Nhất tính, ông bèn dùng phương pháp cứng rắn hơn và ra lệnh cho cảnh sát thẳng tay đàn áp họ, đồng thời ông vẫn nuôi hy vọng là những người phản loạn sẽ tự giác. Bị thúc đẩy không nguyên bởi hoàng hậu mà còn bởi các thầy dòng phe Origène từ Palestine tới và đang tìm cách minh oan sau khi bị lên án kỳ ấy, ông định thử một lần nữa để người ta nghiêm chỉnh nhìn nhận mối dị biệt giữa lập trường Chalcédoine và thuyết kinh tởm Nestorius. Nhóm Nhất tính lập tức viện chứng (như trên kia đã thấy về cuộc tọa đàm năm 532-533) là công đồng Chalcédoine đã phục hồi ba nạn nhân của nhóm cường đạo Ephèse, là Theodose đại nhân thành Mopsueste, người mở đường cho Nestorius, là Theodoret, bạn của Nestorius, sau cùng là Ibas thành Edesse, đồ đệ của hai ông Theodose và Theodoret. Ông Ibas đáng trách hơn cả vì là tác giả một Bức thư gửi Maris, trong đó ông chỉ trích thánh Cyrille và các khoản ra vạ của ngài cách thậm tệ.
Năm 543-544 Justinien công bố một sắc lệnh tín lý mới, lên án cái người ta quen gọi là Ba chương, nghĩa là tập thu tóm các đoạn văn được gán ghép, nhiều khi rất giả tạo, cho ba tác giả trên. Nhưng đồng thời ông cam đoan trung thành với công đồng Chalcédoine nên cuộc vận động này không lay chuyển nổi nhóm Nhất tính mà ông muốn khuất phục. Ðã thế, nó lại đưa đẩy Giáo Hội vào một cuộc khủng hoảng rối ren và đau xót.
Ðược các giáo phụ phương Ðông chấp nhận cách miễn cưỡng, án lệnh về Ba chương thoạt tiên gặp sức phản kháng kịch liệt từ phía phương Tây. Vì không bị thuyết Nhất tính hăm dọa hay dụ hoặc, phương Tây vẫn đương nhiên trung thành với tín điều đã được thánh Leon và công đồng Chalcédoine minh định.
Nhất quyết cưỡng ép giáo hoàng Vigile chấp nhận, Justinien ra lệnh bắt cóc giáo hoàng, đưa về giam giữ tại Constantinople (tháng 1 năm 547). Phải lưu lại đấy hơn bảy năm, ngài bị cận thần của hoàng đế làm áp lực cách vô nhân đạo, lúc dùng lời dụ dỗ, khi đe dọa. Ðã cao niên và đau yếu, giáo hoàng bất hạnh Vigile cầm cự ít lâu rồi nhượng bộ (Judicatum ngày 11 tháng 4 năm 548). Rồi sau giáo hoàng lại đàm phán, đoạn giao với hoàng đế (tháng 8 năm 551), trốn tránh tới Chalcédoine và long trọng cải chính (thông điệp ngày mồng 5 tháng 2 năm 552). Bị đưa về lại Constantinole, ngài nhượng bộ thêm một lần nữa. Nhưng công thức ngài khởi thảo (Constitutum ngày 14 tháng 5 năm 553) bị coi là không rõ ràng đủ, nên ngài lại phải nhượng bộ thêm nữa trước ý định của hoàng đế và soạn thảo một công thức khác theo như ý ông (Constitutum ngày 23 tháng 2 năm 554).
Thực ra muốn chiều ý hoàng đế, chẳng những phải tuyên bố rằng, cả một loạt văn kiện, đã được sửa đổi khéo léo và có luận điệu như Nestorius, có tính cách tà giáo cụ thể, mà còn phải ngược dòng quá khứ, ra vạ chính bản thân Theodose thành Mopsueste là người đã chết êm thắm trong Giáo Hội hơn một trăm hai mươi năm về trước. Trong khoảng thời gian ấy, để thành tựu ý định, hoàng đế đã công bố một sắc lệnh giáo lý thứ hai (tháng 6 năm 551), đã cho triệu tập và nhóm họp một công đồng tại Constantinople. Ðây là công đồng thế giới thứ V (từ ngày mồng 5 tháng 5 đến ngày mồng 2 tháng 6 năm 553).
Các nhà thần học vẫn còn đặt vấn đề về giá trị các văn kiện Vigile đã ký và về uy tín của một số quyết định tại công đồng thứ V là công đồng, theo lời đề nghị của Justinien, đã kể Vigile như bị truất chức từ ngày 26 tháng 5, thế mà vẫn không ra vạ cho ngài và cũng không tuyệt giao với tông tòa, viện lẽ phải phân biệt tông tòa với giáo hoàng đang tại tòa inter sedem et sedentem.
Bất luận thành thực hay bị cưỡng ép, là một phần hay toàn bộ, việc giáo hoàng Vigile phê chuẩn đại công đồng V và sau khi ngài qua đời (tháng 6 năm 555), vị kế nghiệp là Pélage cũng làm như vậy, liền sau đó đã đưa đẩy Giáo Hội Latinh vào cảnh xâu xé trầm trọng như ta sẽ thấy. Pélage là người trước khi lên cầm quyền đã biện hộ Ba Chương một cách lợi khẩu và cương quyết. Tại Ðông phương, trên bình diện giáo lý, phần đóng góp của vụ Ba chương không có gì quan trọng: người ta cẩn thận đề phòng trước mối đe dọa của thuyết Nestorius. Nhưng thật ra chính lúc ấy nó không làm thương tổn gì đến khoa thần học hylạp. Vì quá thiên về truyền thống của thánh Cyrille, đến sau Ðông phương đã gặp nhiều trắc trở: trong khi nhấn mạnh quá về Thiên Chúa tính của Ngôi Lời nhập thể, người ta vô tình sao nhãng đến độ có thể nói đã cắt xén nhân loại tính đầy đủ của Ngài đi. Những tà thuyết xuất hiện vào đầu thế kỷ VI làm chứng điều này: chẳng hạn thuyết nhất cơ, thuyết nhất ý và những vụ chống đối gay go các thuyết ấy phát động lên.
Về phương diện pháp lý, tuy Justinien đã xuất công tận lực mà không thu hoạch được kết quả gì. Một khi đã không áp dụng cho phái Nhất tính án lệnh minh thì của công đồng Chalcédoine, còn họ nhất quyết tranh đấu cho kỳ được ít là điều ấy, thì mối hy vọng chiêu hồi họ vào Giáo Hội công giáo đã tiêu tan. Justinien nhận ra điều ấy, ông lại ra lệnh cho cảnh sát áp dụng chính sách bắt bớ và khủng bố họ.
Sau một triều đại dài (527-565), lúc về già hoàng đế vẫn cố chấp muốn coi mình như một nhà thần học và lại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới. Mặc dầu xưng mình là trung thành với công đồng Chalcédoine, ngài vẫn muốn cưỡng ép Giáo Hội phải thừa nhận khuynh hướng bị tấn công nhiều nhất của phe cực tả trong phái Nhất tính, tức khuynh hướng chủ trương thân xác của Chúa Kitô không bị hư nát,. Khi ngài qua đời, sáng kiến ấy cũng mai một theo, dầu vậy nó cũng gây ra nhiều xáo trộn giữa lòng Giáo Hội. Các vị kế nghiệp ông lâm vào một tình trạng khó khăn vì vấn đề Nhất tính vẫn chưa giải quyết xong. Các ông này cũng chẳng biết xoay xở thế nào hơn. Justin II quay lại với chính sách đấu dịu bằng cách công bố một sắc lệnh hợp nhất, Hénotikon mà trước kia Zénon đã áp dụng (567). Nhưng vì phái Nhất tính vẫn giữ thái độ bất khẳng nên sau cùng ông đã đi đến biện pháp bắt bớ họ (571-578). Thái độ tương đối ôn hòa của Tibère II (578-582), chính sách khoan hồng công khai của Maurice (582-602) cũng không thu được kết quả khả quan.
Trong thời kỳ ấy, nhất là kể từ các năm 540, nội bộ của nhóm Nhất tính đã thay đổi sâu xa: trong nhiều năm phe này chỉ được xem đơn thuần là một khuynh hướng thuộc nội bộ của Giáo Hội và có lúc tùy hoàn cảnh đã chiếm cứ được tòa giám mục này ít lâu, hoặc điều khiển nhà dòng khác, hay nắm ưu thế tại một miền nhất định; giờ đây nhóm này đã trở nên một giáo hội thực thụ, Giáo Hội riêng rẽ: thống nhất đã bị bẻ gẫy.
Việc Justin và sau đấy Justinien đàn áp nhóm Nhất tính, tuy không bài trừ được họ hoàn toàn, nhưng cũng giáng cho họ những miếng đòn điêu đứng. Các thủ lãnh bị truất phế, bị phát lưu, đã lần lượt khuất dạng; những vụ truyền chức linh mục vội vã hầu như lén lút, cũng không cung cấp đủ người thay thế các kẻ quá vãng: phe đảng bị lụi tàn vì thiếu giám mục và linh mục. Tình thế được cứu vãn là nhờ ở lối hoạt động cương nghị và bền chí của một người tên là Giacôbê Baradée (tiếng syrie có nghĩa là ”người hành khất”).
Vì có lời yêu cầu của vua người Arập Glassanides là một kitô hữu thành thực nhưng theo phái Nhất tính và của Theodora, năm 542-543, Baradée được Theodose thượng phụ thành Alexandrie truyền chức giám mục cho. Theodose này đã bị cách chức năm 537 nhưng nhờ hoàng hậu bao bọc nên vẫn còn ở lại Constantinople. Giacôbê Baradée ra công tận lực khôi phục phái Nhất tính đang đi đến tan rã. Cải trang làm người hành khất (bởi vậy mà ông có tên đệm ”hành khất”), ông rảo khắp Ðông phương, đi từ Tiểu Á đến Aicập, truyền chức cho nhiều người mà không bị công an phát giác. Ông vội vã tới Alexandrie, triệu tập một hội đồng các giám mục đang hiện diện tại đó, tìm cách cứu vãn nhóm Nhất tính Aicập đang ở tình trạng rối ren.
Sau chừng mười hai năm hoạt động ông bước vào giai đoạn quyết định và tìm cách lo liệu để nhóm ly khai có một hàng giáo phẩm tự trị và đầy đủ, tuyển lựa đúng qui tắc. Ông thu xếp phong chức giám mục cho hai người đồng hành với ông tại Aicập để cả ba cùng nhau có quyền truyền chức hợp lệ cho các tổng giám mục và giám mục khác. Nhờ vậy nên năm 560 ông đã cắt đặt tại Antioche một vị thượng phụ Nhất tính để phục hồi truyền thống bị gián đoạn sau đời Sévère đại nhân (qua đời năm 538, nhưng bị cách chức từ năm 518). Ba năm sau ông cũng lại truyền chức cho một người kế vị thứ hai như thế. Theo truyền thuyết, ngoài hai vị thượng phụ kể trên, ông đã truyền chức cho hai mươi bảy giám mục trong đó mười hai vị thuộc Aicập, và mười vạn linh mục (nhưng cần trừ hao cái giọng điệu khoa trương theo kiểu phương Ðông này). Ông tiếp tục hoạt động không hề nản chí, ngay trước khi qua đời (578) ông còn tìm cách để hai nhóm ly khai Aicập và Syrie giao hảo với nhau. Tuy không thể bổ sung tất cả các cấp bậc, ông đã đặt nền móng cho một giáo hội Nhất tính tự trị, cắt đứt hoàn toàn với công giáo chính thống: để nhớ ơn ông, cho đến nay giáo hội này vẫn còn mang tên là giáo hội Jacobite.