CN 3 PHỤC SINH - Năm B
19.04.2015
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 3,13-15. 17-19).
Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng : "Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp ; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em."
"Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Đức Giê-su."
ĐÁP CA (Tv 4)
Đáp : Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng tôi !
Khi tôi cầu nguyện, Chúa nghe, lạy Chúa công bình của tôi,
Chúa đã giải thoát tôi trong cơn khốn khó,
nguyện xót thương và nghe tiếng tôi cầu !
BÀI ÐỌC II
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ (2,1-5).
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha : đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa. Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa : đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Luca (24,35-48).
Khi ấy, hai môn đệ từ làng Emmaüs trở về, thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói : "Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo : "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Trần Anh Dũng
ÐỨC GIÊSU HIỆN RA CHO CÁC SỨ ÐỒ
Do đâu mà các sừ đồ thiếu đức tin ? Sự thiếu đức tin này có sâu xa không ? Ðâu là vai trò các dấu chỉ và nhiều lần hiện ra đối với việc phát sinh đức tin của các sứ đồ ?
Từ khi mai táng Ðức Kitô, các môn đồ không tin nữa, họ còn từ chối tin khi các phụ nữ đến báo tin là ngôi mộ trống trơn và các thiên thần đã hiện ra nói với các bà mà bảo rằng Người đang sống (c.17).
“Buổi sáng ngày thứ nhất”, các môn đệ đã không tin vào Ðức Giêsu. Thật vậy, họ đã không tin đến nỗi đã chẳng nhận ra Ngài khi Ngằi hiện ra cho họ. “Mắt họ bị che không nhận ra Người” (c.16), nhận xét này thật đúng đối với các sứ đồ đang tụ họp tại căn phòng Tiệc Ly; cũng như đối với hai môn đệ trên đường về làng Emmaus...
Các dấu chỉ không vô ích, trái lại đóng một vai trò quyết định trong việc khai sinh đức tin. Các dấu chỉ rất can thiết để nhận ra được Ðức Giêsu sau khi Người sống lại, tùy theo sự kiện nội tâm của mỗi người mà các dấu chỉ trong sáng nhiều hay ít. Ðối với người phụ nữ tội lổi nhiều lòng yêu mến, chỉ cần Ðức Giêsu gọi đích dành bà “Maria” là đủ (Ga. 20,16). Ðối với môn đồ Gioan thì chỉ cần ngôi mộ trống (Ga. 20,6) hay mẻ cá lạ lùng (Ga. 21,4-7). Ðối với các sứ đồ, can phải có nhiều dấu chỉ rõ ràng hơn nữa : thấy các vết thương ở hai tay và cạnh sườn, động chạm đến xác thân Người và ngay cả con cá, miếng bánh nướng mà Ngài ăn trước mặt họ (24,39-43)...
Sự cần thiết của các dấu chỉ bắt nguồn từ sự kiện : việc “nhận ra” Ðức Giêsu không phải như là việc nhận ra một người nào đó, song là một hành vi đức tin (cc.34.41). Ðây là một nhân thức chẳng dừng lại ở nhân tinh của Ðức Kitô. Nếu điều này đã đúng vào thời gian sứ vụ tại thế của Người thì lại càng đúng hơn nữa sau sự biến đổi của cái chết và cuộc phục sinh (2Cor. 5,16).
Tạm kết thúc các nhận xét về giáo huấn thần học chất chứa trong đoạn văn này, bằng cách nhấn mạnh đến một ý tưởng Thánh sử Luca rất tha thiết : sở dĩ Ðức Giêsu lần lửa để ban cho các sứ đồ rất nhiều bằng chứng về sự sống lại của Người là vì đức tin của mọi thế hệ mai sau sẽ phải xây dựng trên chứng từ của các sứ đồ và đặc biệt của tông đồ trưởng Phêrô.
Giữa các sứ đồ, Phêrô rõ ràng chiếm một chổ đứng riêng. Luca ghi lại một lời tiên báo của Ðức Kitô vai trò của Phêrô sau thảm kịch khổ nạn : “Simon, Simon, này Satan đã đòi cho được các ngươi để sàng cho một trận như sàng lúa, nhưng ta đã cầu xin cho ngươi; ngõ hầu lòng tin của ngươi không bị tiêu diệt. Phần ngươi, một khi trở lại, hãy cũng cố anh em ngươi” (22,31-32).
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (viết theo Nil Guillemette, SJ.,
"Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B", GHHV. Thánh Piô X, Ðà Lạt, 1975)
------------------------
Lm. Nguyễn Thanh Điển (2012)
Nhân chứng Phục Sinh
Phục Sinh là mùa của nhân chứng, là thời gian Chúa Giêsu hiện ra và củng cố đức tin các tông đồ. Ánh sáng Phục Sinh chiếu toả và dẫn chúng ta hiểu lời Chúa. Chúa đã sống lại như lời loan báo qua các tổ phụ, các tiên tri. Mùa Phục Sinh là dịp thuận tiện kể lại những biến cố xảy ra tại Thành Thánh Giêrusalem và nhất là biến cố Chúa Giêsu sống lại vinh quang.
Các tông đồ nhân chứng về Thầy Giêsu, họ kể lại toàn cảnh đau thương, sợ hãi. Các ông đã chứng kiến cảnh Thầy Giêsu bị bắt, kết án và đem đi đóng đinh. Các tông đồ hoang mang vì Thầy bị giết, hoang mang nơi ngôi mộ trống. Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra trấn an các ông : « bình an cho anh em ». Chúa Giêsu đã sống lại hiển vinh và đã tỏ cho các phụ nữ, cho các môn đệ, hai môn đệ đường Emau, nhất là tỏ ra cho ông Thomas thấy vết đinh ở chân tay và cạnh sườn. Đấng Phục Sinh đã mở lòng trí các tông đồ để các ông hiểu những lời đã loan báo. Chúa sống lại và loan báo cho anh em sẽ gặp Thầy tại Galilée. Hôm nay, trên bờ biển, Đấng Phục sinh cùng ăn với các môn đệ. Đấng Phục sinh đưa các tông đồ hiểu sâu xa về điều đã loan báo, hiểu những nhân chứng trong cựu ước, hiểu các tổ phụ, các tiên tri mà Chúa đã dùng để nói về Đấng Phục Sinh.
Các tông đồ được mời gọi nhân chứng những dữ kiện biết trước, các ông không có ngỡ ngàng, không chờ đợi một cách vô nghĩa. Các tông đồ hiểu trước tiên những lời giải thích kinh thánh và tiếp đến là những dữ kiện đã được loan báo trong lich sử mà Chúa Cha đã cho biết trước. Chúa Giêsu đến để hoàn thiện những loan báo mà Chúa Cha yêu thương nhân loại và tỏ ơn cứu độ cho nhân loại. Các tông đồ bị đe doạ, bị hiểu lầm, bị bách hại, bị thử thách nhiều phen. Các ông xin với Chúa: thêm lòng tin và sự bình an cho chúng con. Ngày hôm nay, xin Chúa củng cố và ban Thánh Thần để đổi mới tâm trí chúng. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta hiểu ý nghĩa Thánh Kinh. Hai môn đệ trên đường Emau, được Đấng Phục Sinh giả thích lời Chúa. Cầu nguyện hàng ngày của chúng ta, đó là mở trái tim, chiêm ngắm lời Chúa, chiêm ngắm Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Các môn đệ đã được diễm phúc chiêm ngắm và thấy vinh quang của Chúa. Chúng ta đang trong mùa Phục Sinh, Chúa mời gọi mỗi người đi vào đọc lời Chúa, hiểu lời Chúa một cách sâu rộng hơn. Chúa đã chết và sống lại thật như lời đã hứa, mừng vui lên với Đấng chiến thắng khải hoàn, alléluia.
Xin Chúa Giêsu ánh sáng đích thực, ánh sáng sinh ra bởi ánh sáng chiếu soi tâm trí chúng con. Xin Chúa cho chúng con trở thành những nhân chứng sống động để nhân chứng cho những người khác để họ biết Chúa là đấng chân thật, đã chết và sống lại hiển vinh. Xin cho chúng con tràn trề ánh sáng Phục Sinh của Chúa. Xin cho chúng con làm một với Chúa ngay trong cuộc sống hôm nay và ngày sau được sống lại với Chúa trên Thiên Quốc. Amen.
------------------------
Đ.ô. Giuse Mai Đức Vinh (2006)
Chủ yếu : Lần thứ ba Chúa Giêsu Phục hiện ra với các Tông Đồ để trấn tĩnh họ bằng lời chúc bình an, để củng cố đức tin của họ bằng việc tỏ cho họ thấy các dấu đanh và thương tích Ngài đã chịu, nhất là bằng những lời khẳng định : «Thầy đây ! Hãy rờ mà xem... Nơi Thầy đã ứng nghiệm mọi điều nói trong luật Maisen, trong lời của các Ngôn Sứ, là Đức Kitô phải chết và sẽ sống lại ngày thứ ba... Vậy các con hãy đi giảng về sự thống hối và hãy làm chứng về Thầy ».
Suy niệm : Các Tông Đồ sống trong lo âu, hãi hùng ư ? Chúa đến ban cho họ sự bình an ! Các Tông Đồ còn hoài nghi về sự sống lại của Chúa ư ? Chúa hiện ra nguyên vẹn với mọi dấu đanh và chỉ cho các Tông Đồ nhìn thấy tận mắt ! Các Tông Đồ còn chưa hiểu được mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu ư ? Chính Ngài đã hiện ra và khẳng định với họ : mọi điều Thánh Kinh phải được nên trọn nơi Ngài : Ngài phải chết, nhưng rồi sau ba ngày sống lại trong vinh quang ! Các Tông đồ còn ngu ngơ, chưa biết phải làm gi ? Chúa hiện ra và truyền dạy các ông phải đi rao giảng sự thống hối và làm chứng về Ngài.
Áp dụng : Bạn thấy không, sau Chúa Giêsu, Giáo Hội muốn chúng ta hồ hởi sống đức tin vào Chúa Giêsu
Phục Sinh, để từ đó, chúng ta có thể dấn thân làm chứng về Ngài, về sự sống lại của Ngài. Đức tin sống động cần có việc làm, và việc làm cơ bản là tuyên chứng đức tin bằng chính cuộc sống cụ thể mỗi ngày !
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin cho con phấn khởi sống niềm tin và lấy chính đời sống mỗi ngày làm chứng cho sự sống lại vinh quang của Chúa. Amen.
Lời hay : Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là điên dại để hạ nhục những kẻ khôn ngoan (1Cr 1,27).