CHƯƠNG IV
PHONG TRÀO
PHẢN ÐỐI CHALCÉDOINE
CHƯƠNG IV
PHONG TRÀO
PHẢN ÐỐI CHALCÉDOINE
Quả thực, thay vì mang đến một kết luận cho vấn đề do Êutychès đặt ra, công đồng Chalcédoine đã khai mào một cuộc khủng hoảng trường kỳ liên tiếp trong thế kỷ V và VI, và còn kéo dài mãi về sau. Nó vẫn chưa chấm dứt khi người Arập xâm nhập vào thế giới Kitô Ðông phương và các cuộc xâu xé công đồng ấy gây ra trong thân thể Giáo hội vẫn chưa được hàn gắn, vì một phần lớn Giáo hội Ðông phương hồi này còn ở tình trạng chia rẽ. Nguyên do chia rẽ là vì các Giáo hội ấy vẫn tiếp tục từ khước không chấp nhận những quyết định năm 451.
Cho dù hoàng quyền lúc đó có yểm hộ không điều kiện đi nữa cũng chưa đủ bảo đảm rằng các giới giáo sĩ trong Ðế quốc đông phương đã thỏa thuận. Ngay tại những khóa họp trong công đồng, cử chỉ trâng tráo của đoàn đại biểu các thầy dòng Constantinople, thái độ xâu xé giữa các giám mục Aicập đã bộc lộ sức phản kháng đối với Chalcédoine và cho thấy nó từ đâu tới.
Thoạt tiên là Aicập: chúng ta biết Giáo Hội này có một nền thống nhất vững chắc, trung thành với truyền thống của mình, Giáo Hội Aicập hầu như đồng thanh đứng về phía Dioscore, mặc dầu ông đã bị lên án. Cho dầu Marcien cho ông đi phát vãng tận cuối miền Paphlagonie, dùng võ lực đặt một người theo truyền thống lên thế vị ông, huy động quân đội dẹp loạn ngoài đường phố, nhưng vẫn vô ích: toàn khối dân chúng vẫn trung thành với vị giáo chủ bị truất phế. Ngay sau khi ông qua đời (454), các người đồng đảng đã thành tựu trong việc truyền chức cho một người cùng phe nhóm là Timothée, tên đệm là ”con mèo”. Người đứng ra tranh thủ với ông đã bị hạ sát tức khắc. Nhưng rồi Timothée cũng bị lưu đầy. Vị giáo chủ truyền thống do hoàng đế dùng uy tín cắt đặt lên cũng chẳng được bảo đảm lâu dài. Vừa khi có dịp thuận tiện, lúc Basilisque người tiếm vị tranh dành ngôi thứ với Zénon, Timothée lại trở về ngôi cũ (475). Khi ông qua đời (477), một người đầu đảng khác lên thế vị là Phê-rô, tên đệm là ”người ngọng”, nhà cầm quyền cũng phải nhân nhượng để câu chuyện lắng xuống (482-489).
Hình như tại Alexandrie có một nhóm theo chủ trương Chalcédoine (Phe Arius cũng đã liên kết được một số đồng đảng để đối lập với Alexandre hay với Athanase). Nhóm này xuất hiện năm 482, lúc người cầm đầu của họ, là Gioan Talaia được người đồng đảng phong chức giám mục cho, tìm cách chống đối lại Phêrô Monge. Nhưng vì thiếu sự ủng hộ của hoàng đế, Talaia không đứng vững, ông phải chạy trốn sang Roma. Khuynh hướng chống đối Chalcédoine một phần nào xuất hiện như tôn giáo quốc gia của dân Aicập. Uy thế của nhóm này không bị đặt thành vấn đề giữa đại chúng trong nước, vì dân chúng ít biết đến phong trào hy-lạp-hóa và còn trung thành với sinh ngữ cốp cổ (la vieille langue copte). Tại chính Alexandrie, truyền thống Chalcédoine chỉ gây được cảm tình giữa phái thượng lưu nói tiếng Hylạp, phái này sau cùng đã bị người ta coi như ngoại lai đối với xứ sở, thân cận với giới hữu quyền, ít là trong lúc quyền bính còn tỏ ra trung thành với nền giáo lý mà công đồng năm 451 đã ấn định.
Tuy không gặp được sự yểm hộ chung ở khắp nơi như thế, phong trào chống đối không chỉ giới hạn tại Aicập, nó còn xuất hiện tại Palestine là nơi ngay sau công đồng Chalcédoine, giáo chủ chính thống Juvénal thành Jerusalem bị truất phế và người khác được đặt lên thay thế, với sự trợ lực của quân đội, phải giao tranh thực sự với toán quân thầy dòng (453). Tuy tại chức không được bao lâu, người tiếm vị đã có thời giờ để điều hành và thiết đặt hầu như khắp nơi các giám mục ông tự lựa chọn, chẳng hạn Phêrô người Ibérie là con của vua công giáo đầu tiên tại Géorgie, đã được giáo dục như con tin tại Constantinople. Ông Phêrô trước tiên là thầy dòng tại Jerusalem rồi sau tại Gaza, ông đã được phong làm giám mục Maiouma. Lúc bị xua đuổi ông chạy trốn sang Aicập và chúng ta thấy ông từ sa mạc tiến ra để phong chức cho Timothée Aelure. Cho tới mãn phần (488) ông là một trong những người hoạt động hăng say của phe nhóm.
Phe đối lập cũng có người tiêu biểu ngay tại Syrie là miền quây quần chung quanh Antioche. Vào năm 430 miền này đã đồng thanh chống lại nền thần học của thánh Cyrille. Nhưng lúc này tình thế đã thay đổi: thuyết của Nestorius hầu như đã tan vỡ rồi; sau này chúng ta sẽ thấy nó hồi sinh, nhưng đã bị đẩy lui vào bóng tối và sau cùng bị loại trừ ra khỏi biên giới đế quốc.
Có lẽ phương Ðông Syrie đã không đồng loạt liên kết với phong trào đối lập. Nơi đây nhóm theo Chalcédoine và phái Nhất tính đối chọi nhau với nhiều đột biến và tàn bạo. Tình trạng lộn xộn này diễn ra trong thời kỳ tại chức của vị giáo chủ thứ nhất thành Antioche là Phêrô, người thuộc da và người thiên về thuyết Nhất tính. Từ năm 464-465 cho đến khi ông qua đời (490) ông chiếm cứ tòa giám mục cả thẩy bốn lần, ba lần bị xua đuổi, ba lần ông dùng mưu mô dựa trên huyên náo để phục chức. Một trong những đối thủ của ông là người thuộc chính thống, bị người phái Nhất tính nổi giận ám sát cách dã man.
Cho dù gặp được tại Syrie nhiều người theo hơn tại Aicập, truyền thống của Chalcédoine đối với Syrie xem ra vẫn bị coi như của một đảng phái dựa vào quyền bính trung ương. Ðây là đảng của người ”Bảo hoàng”, tiếng hylạp gọi là basiliques, tiếng Syrie gọi là melkites (tên gọi này vẫn còn). Bởi đó thuyết Nhất tính càng ăn rễ sâu hơn: một trong những giám mục tên tuổi được Phêrô, người Thuộc da, thiết đặt, đã cùng với Phêrô tuyên truyền cho thuyết Nhất tính này. Nhưng kế tiếp ông là một trong những người lãnh tụ chính của phe chống đối, mang danh là Philoxène hay đúng hơn là Aksenaya, tổng giám mục tại Mabbug từ năm 485 cho đến khi ông bị đi đày (518-519). Ðiểm đặc biệt, ông là người thuần túy Syriac, nên toàn thể tác phẩm của ông về tín lý cũng như về tu đức, đều chép bằng tiếng Xêmít này. Ðiều đó giúp ta hiểu tại sao các nhà sử học cận đại đôi khi nêu lên câu hỏi, cũng như họ đã làm về trường hợp nhóm Donat châu Phi: Phải chăng phe đối lập công đồng đã mượn dịp này để bày tỏ mối hiềm thù và óc phản loạn của những người bất mãn với chính quyền hoàng đế, là phong trào đề kháng quốc gia của những người Côpte và người Syrie không tán thành nền văn minh hylạp?
Nếu chỉ để ý đến khía cạnh thuần túy tôn giáo, thì chắc chắn khoa thần học được chính quyền chuyên chế, quân đội và công an ủng hộ, không luôn mang lại toàn những điều hay. Giáo hội Chalcédoine, Menkit lệ thuộc quá nhiều vào các thành phần nói trên đến nỗi nhiều khi Giáo Hội xem ra quá chính thức, quá liên minh với trần thế, ra như được công chức hóa. Các giám mục nói chung thì ngoan ngoãn tuân phục những thay chiều đổi hướng của triều đình Constantinople về chính sách tôn giáo. Cụ thể là có hằng năm trăm, có lẽ tới bảy trăm đã mau mắn ký vào bức Thông điệp trong đó Basilisque phi bác công đồng Chalcédoine (475). Trước đó không lâu, vào thời Marcien và Léon, hầu hết các vị này đã tỏ ra mình là người công giáo; Cũng vậy, lúc chính thống lật đổ người tiếm vị và phục hồi chủ quyền cho Zénon, chính các vị này lại xưng mình là người công giáo!
Hoàng kim thời đại các giáo phụ đã chấm dứt với thế hệ thánh Cyrille và Theodoret. Còn phải đợi một thời kỳ lâu nữa, thế kỷ thứ VII, với thánh Maxime hiển tu, mới gặp lại giữa hàng ngũ công giáo, một số người tương đương như các vị đại Tiến sĩ, các nhà chủ xướng linh đạo, các bậc thánh nhân. Trong thế kỷ V và VI, đây là một thực tế và cũng là một tai họa, nhiều nhân vật tên tuổi và cương nghị đều thuộc hàng ngũ của nhóm Nhất tính. Chẳng hạn Phêrô người Ibérie, Phêrô người Thuộc da, Philoxène, về sau lại thấy Sévère thành Antioche, Giacôbê Baradée, là những ”nhân vật cứng cát vào hạng nhất mà những người theo chủ trương Chalcédoine không đủ khả năng đối đáp” (10).
Dù có phê phán thế nào đi nữa về nền thần học của họ, nhóm Nhất tính vẫn được coi như một trung điểm phồn thịnh về đời sống tôn giáo. Họ khuếch trương lòng sùng đạo, đời sống nội tâm, sáng kiến phụng vụ, lòng quý chuộng các phép bí tích. Lịch sử còn ghi lại bao kỷ niệm về những cuộc canh tân phụng vụ Phêrô người Thuộc da đã dùng như phương thế để tuyên truyền: trong bài hát Trisagion (Thiên Chúa thánh, Thiên Chúa hùng mạnh, Thiên Chúa bất tử...), ông điền thêm vào câu ”Ngài đã bị đóng đinh vì chúng tôi”, là câu đã thành khẩu hiệu đặc trưng của học thuyết này. Cũng nhờ ông mà kinh Tin kính, một canh tân thật hay và trường cửu, đã được đưa vào lễ trọng. Có lẽ đây cũng là sáng kiến của giáo chủ Timothée thành Constantinople (511-518), người đồng khuynh hướng Nhất tính. Người ta bảo sáng kiến này có chủ mưu bút chiến: trở lại với kinh tin kính Nicée - Constantinople, là ngỏ ý không biết đến hay không chấp nhận kinh Tin kính mới hơn của Chalcédoine. Một điểm hay cần lưu ý là các ngài đã có công nghiên cứu về kitô giáo và về lối thực hành tín ngưỡng giữa các bộ lạc Ảrập trong sa mạc Syrie, để tìm cách đơn giản hóa việc cho rước lễ, lối cử hành phụng vụ giữa các người du mục lúc không có nhà thờ, hoặc thiếu cả bàn thờ cố định.
Như thế là đủ hiểu khuynh hướng này đã lôi cuốn được những tâm hồn đạo đức nhất, đã thành tựu đặc biệt tại các tu viện. Các tu viện đã cung cấp cho phái Nhất tính nhiều phần tử nồng nhiệt và quả cảm, nhiều lúc có thể thu tóm tình thế vào sự đối lập giữa hai phe, phe công giáo và phe chống Chalcédoine, phe các giám mục và phe các thầy dòng. Tuy nhiên không nên quá đơn giản hóa vấn đề: trừ trường hợp ở Aicập, thuyết Nhất tính không bao giờ thực hiện nổi nhất trí, dù là giữa các thầy dòng. Chẳng hạn ở Palestine, chúng ta thấy một số tu viện vẫn trung thành với chính thống, như tu viện thánh Êuthyme vào các năm 450, tu viện thánh Saba vào đầu thế kỷ VI. Cũng tại Constantinople truyền thống Chalcédoine được sự ủng hộ nhiệt liệt trong cộng đồng Acémètes ”những người không nghỉ ngơi”, có ý ám chỉ đến việc họ giữ laus perennis.
Những điều nói trên cho thấy rằng các định tín năm 451 đã gặp nhiều đối lập quan trọng. Như trên kia đã thấy, cho dù các hoàng đế có thay phiên nhau xử dụng mọi quyền bính, huy động mọi lực lượng nắm trong tay, thậm chí có lúc dùng tới bạo lực, để dẹp tan mọi đối lập, bảo toàn và củng cố truyền thống, cưỡng ép những người chống đối phải nhìn nhận các giám mục chính giáo, hay phục chức cho những người bị truất phế, mọi hành động đều không đem lại kết quả.
Chính sách thẳng tay này mà hoàng đế Marcien áp dụng còn được các vị kế nghiệp ông tiếp tục hoặc khôi phục lại: như Léon và Zénon (ít là cho đến năm 482), như Justin I và Justinien (với những sắc thái và những biến đổi chúng ta sẽ bàn đến khi nói về triều đại lâu dài của ông (527-565)), và như Justin II sau năm 571 v.v. Ðôi khi các ảnh hưởng ngược chiều trong chính địa bàn quyền bính đã kìm hãm hoặc làm hỏng chính sách đàn áp ấy. Chẳng hạn ảnh hưởng của đại tá Aspar người hùng, dòng giống Alains, dưới đời Léon; ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàng hậu Theodora, dưới thời Justinien, vì quá lưu luyến với phái Nhất tính, bà đã chống đối lại chính chồng bà.
Như thế mới hiểu rằng, đứng trước sự đối kháng ngoan cường và sau này trở thành bất khuất, hoàng đế có lúc đã nao núng tâm hồn và, trong khi thay đổi thái độ một cách đột ngột, đã lần lượt tìm đến biện pháp trao đổi, xích gần lại đối phương và nói đúng hơn, là đi đến liên kết, nhất là khi hố tín lý chia rẽ các người truyền thống và ly khai không đến nỗi quá rộng để không thể lấp đầy được.
Chính hoàng đế Léon có lúc đã nghĩ đến việc, nếu không phải là đặt lại vấn đề công đồng Chalcédoine, thì ít ra là, thăm dò ý kiến hàng giám mục về công đồng này (tháng 10 năm 457). Mọi người hầu như nhất trí phải trung thành với công đồng. Có sự biến đổi đặc biệt đầu tiên dưới đời Zénon, người Isaure, sau khi đã hoạt động để phục hồi lại truyền thống trong những năm đầu lúc ông mới củng cố được thế lực (476), thì năm 482, ông công bố một sắc luật đoàn kết, Hénotikon, nhờ ảnh hưởng của Acace giáo chủ thành Constantinople. Ông này là người thường bị chao đảo khá nhiều: trong khi lên án cả Eutychès lẫn Nestorius như nhau, văn kiện ca tụng việc tưởng niệm thánh Cyrille với mười hai nghị án của ông và chỉ nói đến công đồng năm 451 một cách gián tiếp và với vẻ miệt thì (sau khi đã phát biểu tín lý một cách mập mờ, sắc lệnh lên án những người ”tại Chalcédoine hay ở nơi khác” không theo cùng một chủ trương). Văn kiện kết thúc bằng lời mời gọi thống nhất chung quanh kinh tin kính của Nicée được công nhận như định tín chính thức duy nhất của Giáo Hội.
Zénon rồi đến Anastase (491-518) người kế nghiệp, trong vòng 36 năm cố gắng kết hợp toàn thể Ðế quốc vào cái văn kiện hàm hồ trên. Ðược các nhóm Nhất tính hăng say nhất đón tiếp với nhiều dè dặt và nghi kỵ, tức là các người Alexandrie, các tu viện tại Aicập và Palestine, sắc lệnh Hénotique lại bị phái chủ trương nhiệt liệt theo Chalcédoine cho là không thể chấp nhận. Ngay tại Aicập cũng có người chủ trương như thế, như trên kia đã thấy, lúc bàn về Gioan Talaia, tại Constantinople thì có nhóm Acémètes, tại Antioche thì có giáo chủ Calandion (nhưng, vì liên lụy vào một cuộc âm mưu nên năm 484, ông bị truất phế, thế là Phêrô người Thuộc da được tái chức). Sau cùng và nhất là với Felix III là nhân vật cương nghị, Roma duy trì tín điều đã được thánh Léon ấn định và long trọng lên án sắc lệnh Hénotique và Acace. Vì thế đã xảy ra cuộc ly giáo, một trong những vụ ly giáo quan trọng nhất, đã chia rẽ Constantinople và Roma trước năm 1054: cuộc ly giáo này còn kéo dài 34 năm (484-519) cho đến khi hoàng đế Justin đăng quang và truyền thống được phục hồi.
Hình như đa số các giám mục Ðông phương, theo thường lệ, đã răm rắp tuân phục ý định của hoàng đế. Nhưng nền thống nhất dành dật theo kiểu này chỉ có hình thức. Chính sắc lệnh thống nhất còn mông lung và có thể đem cắt nghĩa nhiều kiểu khác nhau, đã tạo dịp cho những khuynh hướng tín lý khác nhau xuất hiện.
Người ta thấy rõ điều ấy dưới triều đại của Anastase, một vị hoàng đế tên tuổi đã thành tựu trong chính sách đối nội và đối ngoại hơn là về phương diện tôn giáo. Chính ông là người công khai ủng hộ phái Nhất tính. Và vì thế, ông đã lần lượt truất chức các người kế nhiệm (496-511) Acace thành Constantinople, bởi vì các ông này, chẳng những không lên án những người tiền nhiệm mà còn chấp nhận sắc lệnh Hénotique, cho dù thâm tâm vẫn lưu luyến với giáo lý Chalcédoine. Tại Syrie cũng như tại Palestine, các tòa Antioche và Jerusalem lúc này đã sang tay các giám mục thực hiệu, tuy dưới cái vỏ Hénotique, họ thường tỏ ra đi sát với truyền thống hơn những vị tiền nhiệm. Họ phải đương đầu với người hùng còn sót lại của thế hệ trước là Philoxène thành Mabbug (đa số những người chủ chốt hồi đầu trong thảm kịch này, ba ông Phêrô Ibérie, Phêrô người Thuộc da, Phêrô Nói Ngọng và Acace, đã chết từ năm 488 đến năm 490). Sau nhiều biến chuyển, chung cục Philoxène đã thắng thế: năm 512 giáo chủ thành Antioche bị truất chức và người lên thay thế là tu sĩ bác học Sévère. Tại hội đồng thành Tyr năm 515, ông này đề cao lối giải thích rõ ràng chống đối Chalcédoine của sắc lệnh Hénotique, phản kháng khuynh hướng ôn hòa đã tự do phát biểu từ trước tới nay.