CHƯƠNG III
TỪ CÔNG ÐỒNG ÉPHÈSE (431) ÐẾN CÔNG ÐỒNG CHALCÉDOINE (451)
CHƯƠNG III
TỪ CÔNG ÐỒNG ÉPHÈSE (431) ÐẾN CÔNG ÐỒNG CHALCÉDOINE (451)
Những kiểu nói quá khích như trên đã gây ra lập tức nhiều phản ứng phẫn nộ ngay tại Constantinople, giữa hàng giáo sĩ và giáo dân (chúng ta đang ở Byzance, là nơi người ta hăng say chú trọng đến thần học cũng như đến toàn thể văn hóa), và tại Roma là nơi ít thấu hiểu về vấn đề (thư của Nestorius viết về Roma, phải đợi tới mấy tháng mới được trả lời vì không tìm được người thông ngôn đủ khả năng phiên dịch), tại Aicập nhất là tại Alexandrie là nơi thánh giám mục Cyrille không đội trời chung với Nestorius. Nguyên do là vì đã sẵn có mối hiềm khích cố hữu giữa hai tòa Alexandrie và Constantinople, hay là vì cái tính hăng say và áp chế muốn dương vây. Nhưng việc chống đối phát sinh từ một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là những quan điểm khác nhau về thần học.
Ðối lập hai khoa thần học của Alexandrie và của Antioche như hai truyền thống giáo lý song hành và liên tục từ đời nọ sang đời kia hay từ thế kỷ này đến thế kỷ khác như người ta quen chủ trương, là một điều nông nổi. Thực ra về vấn đề Kitô học, như chúng ta thấy, trước kia đã phát xuất tại Antioche với Diodore và Théodore thành Mopsueste, bây giờ lại phát xuất từ Alexandrie với Cyrille. Vì thế việc chống đối tuy mới mẻ nhưng có những căn nguyên sâu rộng.
Vụ Nestorius tạo cơ hội thuận tiện để thánh Cyrille phát triển những tư tưởng mà trước đó ông đã đưa ra các nguyên tắc chính yếu. Tư tưởng này qui hướng cả về một trực giác trung tâm: Ðối với ông chủ thể trong việc nhập thể là Ngôi thứ Hai của Chúa Ba Ngôi. Nền Kitô học lấy Thiên Chúa làm tâm điểm này phát triển từ việc nghiên cứu Ngôi Lời của Thiên Chúa, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngôi Lời đã hạ mình xuống đến tận thân phận nhân loại. Ðứng trước học thuyết của Nestorius, phản ứng đầu tiên của ông được phát biểu như sau: ”Nếu đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta là Thiên Chúa, thì có lẽ nào đức trinh nữ sinh ra Ngài lại không phải là mẹ Thiên Chúa”, Théotokos? (4). Sự việc có trước và cơ bản là thiên chúa tính của Ðức Kitô. Ðiều này đối với thánh Cyrille là một quan niệm căn bản, hầu như luôn ám ảnh ông. Hơn thế, đức tin và lòng sùng kính công giáo đã chẳng luôn coi đó như một điều cốt lõi sao? Có thế mới hiểu được rằng truyền thống trường tồn của Giáo Hội bao giờ cũng coi thánh Cyrille như vị tiến sĩ tuyệt hảo về việc nhập thể, tuy rằng đường lối hoạt động của ông có vẻ tàn nhẫn, cách phát biểu của ông có phần cứng rắn, và chẳng mấy chốc đã trở nên lỗi thời và hàm hồ vì tư tưởng thần học diễn tiến mau lẹ.
Ðể khởi thảo ra giáo thuyết của mình, thánh Cyrille sẽ dùng những tài liệu ông nắm được do truyền thống giáo sĩ chuyển đạt lại, trước hết là những trước tác của Athanase là người tiền nhiệm của ông; nhưng công trình ấy đã có từ gần một thế kỷ, chỉ góp trực tiếp ít ỏi vào những vấn đề được đặt ra trước và sau năm 430. Ðiểm này cho thấy nền Kitô học Alexandrie, hay nói đúng hơn nền kitô học của thánh Cyrille, có một cái gì không nói được là ngẫu nhiên nhưng là mới mẻ, bởi vì thánh Cyrille, gặp đâu dùng đó, đã tự tiện xử dụng mà không để ý phê bình những ngụy thư Apollinaire được lưu hành dưới danh nghĩa của thánh Athanase hay của những nhân vật tên tuổi khác. Vì nhầm tưởng đấy là của Athanase nên Cyrille đã trưng dụng cái công thức trứ danh của Apollinaire Mia phusis, mà ông cho là cách phát biểu tuyệt vời sự ”thống nhất hữu thể” (đây là nghĩa ông đem gán cho từ phusis không nên dịch là ”bản tính”, bằng không sẽ sa vào tà thuyết nhất tính), điều mà chúng ta gọi là sự thống nhất Ngôi vị trong Ngôi Lời nhập thể, nhưng ý niệm này chỉ được nhìn nhận dứt khoát từ thế kỷ VI thôi. Nếu thánh Cyrille là người thứ nhất đã dùng một thành ngữ rất được trọng dụng sau này tức là ”hợp nhất ngôi vị”, thì đây chỉ có nghĩa là hợp nhất ”hiển nhiên, thực thụ” chứ không phải theo nghĩa chuyên môn mà sau đấy sẽ được dùng để chỉ về ”thống nhất Ngôi vị”. Dù sao đề tài về sự thống nhất bất khả ly tán giữa Thiên Chúa và con người trong việc Nhập Thể cũng là một nét độc đáo và chủ yếu của ông.
Có thế mới hiểu được rằng ông đã hăng say và tàn nhẫn trong phản ứng đối với Nestorius: thánh Cyrille đã mau cảnh giác các tu viện tại Aicập về những sai lầm; ông viết nhiều bức thư dài cho đối thủ, thư vừa có tính cách ngoại giao vừa là tiểu luận tín lý; ông gửi thư cho triều đình Constantinople để hướng dẫn và lôi cuốn hoàng đế, cho các công chúa là những người rất có thế lực trên tư tưởng và tâm tình của Theodose người nhu nhược, cho Pulchérie là chị của Theodose II, cho vợ Theodose là Eudokia. Cũng như cuộc khủng khỏang Arius vào thời thánh Athanase, mọi cái đều do Roma và Alexandrie quyết định: Cyrille gửi đến cho giáo hoàng Celestin hồ sơ đầy đủ về vụ này, dịch sẵn sang tiếng la-tinh. Trong một hội đồng tại Roma (ngày 11 tháng 8 năm 430) giáo hoàng lên án Nestorius, đe dọa truất phế ông nếu ông không chịu rút tư tưởng lại, chính thánh Cyrille được ủy nhiệm thi hành bản án ấy.
Cyrille không phải là người có tính do dự: tự nới rộng quyền về sứ mệnh được ủy thác, ông soạn thảo một hồ sơ dài được hàng giám mục Aicập vốn có tính thuần thục kiểm nhận tức khắc. Bản hồ sơ trình bày quan niệm Kitô học của ông với những lời lẽ chuyên môn tỉ mỉ và phần cuối thu tóm nền giáo lý ấy lại trong mười hai mệnh đề hay khoản vạ tuyệt thông. Tất cả các công thức này hiện nay đã trở nên sản nghiệp thần học của Giáo hội. Nhưng trước khi được thu dụng như thế, các công thức ấy đã phải chờ đợi hơn một thế kỷ, trong khi đó, những cuộc tranh luận đã lần lượt mang đến nhiều bổ sung cần thiết, nhiều chỗ giải thích, hãn chế, đối lập.
Mùa thu năm 430 các công thức trên vẫn còn được coi như ý kiến cá nhân với những điểm cần phải được bàn cãi, nhất là đối với những người đại diện cho trường phái Antioche. Họ cho rằng các công thức ấy có vẻ cộc lốc và gây hấn, còn nhiều chỗ hàm hồ và có thể gây nguy hại. Bởi vậy đã có những vụ tấn công kịch liệt không chỉ riêng từ Nestorius mà cũng từ các nhà thần học tên tuổi như Andrê thành Samosate, Theodoret thành Cyr.
Theo chỉ thị của Roma, chẳng những người ta buộc Nestorius rút các tư tưởng của ông lại mà ông còn phải chấp nhận vô điều kiện nền thần học đối phương. Thế là ông trở nên ương ngạnh và ra mặt oán trách (từ 30 tháng 11 đến ngày 6 tháng 12 năm 430). Tình trạng này đã gây nên một cuộc xáo trộn toàn diện: thư đi thư về như dệt cửi; Roma, Alexandrie, Constantinople gửi hết thư này đến thư khác cho những giám mục có tên tuổi; người ta gia tăng những cuộc vận động và mánh lới với triều đình. Người người đều cho rằng cần phải có một công đồng để giải quyết dứt khóat vấn đề và ngay từ ngày 19 tháng 11, Theodose II đã triệu tập một công đồng cho năm tới tại Ephèse, đó là đại Công Ðồng Giáo Hội III.
Với tài khéo xoay xở và với chí cương quyết đôi khi hơi tàn nhẫn, thánh Cyrille phá tan những mối hy vọng mà các bạn của Nestorius đặt vào Công Ðồng này. Trước thái độ khất lần của các giám mục Syrie và Cilicie quây quanh Gioan thành Antioche, có lẽ vì họ lần khân không muốn tham dự việc lên án một người đại biểu cùng khuynh hướng, Cyrille ra mặt lấn át và ngày 22 tháng 6 năm 430 Công Ðồng đã khai mạc, không chờ các người phương Ðông và những đặc sứ của Roma, họ tới Ephèse, toán chậm năm ngày, toán khác chậm hai tuần lễ. Nestorius khước từ không chịu trình diện, ông bị lên án và mất chức. Sau khi tới nơi, các đặc sứ của giáo hoàng đã chuẩn y (ngày 11 tháng 7) một quyết định hoàn toàn trùng hợp với lời phán quyết đã ra trước đấy mười một tháng tại Roma. Nhưng trong khi ấy các người phương Ðông ra mặt chống đối, họ tổ chức phong trào phản công đồng, đòi truất phế chính Cyrille và người liên kết với ông là Memnon, giám mục Ephèse. Phe đa số của Cyrille, lúc này đã lên tới gần hai trăm giám mục, đối đáp bằng cách ra vạ Gioan thành Antioche và ba 34 người còn trung thành với ông.
Tình thế lại càng trở nên lộn xộn vì trong số các công chức do triều đình phái đến tham dự công đồng, có người đứng về cả hai phe để can thiệp, rồi chính hoàng đế cũng dây mình vào vụ ấy, vì cả hai bên đều cầu cứu hoàng đế. Tình trạng thật mâu thuẫn: trong vòng mấy tuần lễ, một bên là Nestorius, một bên là thánh Cyrille và Memnon, cả hai bên đều bị coi như đã mất chức, bị quản thúc tại gia và bị canh giữ. Cuộc thương thuyết vẫn tiếp tục, các mưu mô lại gia tăng và theo thông lệ đời ấy, người ta tìm cách mua chuộc đút lót những nhân vật có ảnh hưởng tại triều đình.
Còn có chứng tích khác của thời đại : cuộc huyên náo đã lan tràn đến đại chúng, đôi khi đưa đến bạo động; còn hơn cả thời Arius, dân công giáo và nhất là các dòng tu cảm thấy có liên đới và hăng nồng theo dõi các cuộc tranh luận tín lý. Ðể cho yên truyện, Theodose II xem ra nghiêng về phía đa số nhưng lại không lên án các người phương Ðông và ông giải tán công đồng với những lời lẽ nghiêm nghị, ông cho rằng thất bại trong việc giải hòa là một điều đáng tiếc (tháng 10 năm 431).
Ai nấy lại được tự do và trở về tòa cũ, trừ một mình Nestorius là bị truất chức. Có người khác lên thay thế ông và ông rút lui vào một tu viện gần Antioche. Việc ông hiện diện tại một nơi như vậy sẽ gây nên nhiều giông tố khác: bốn năm sau ông bị đày vào tận đáy sa mạc Aicập và qua đời (khoảng năm 450) trong cuộc phát lưu hà khốc này.
CÔNG ÐỒNG ÉPHÈSE
Ðược giáo hoàng Sixte III mới lên ngôi là người có tinh thần hòa giải yểm trợ, chẳng bao lâu hoàng đế lại cố gắng vẫn hồi trật tự. Qua môi giới của một công chức có uy tín, các cuộc thương thuyết lại diễn ra giữa các lãnh tụ của hai phe, Gioan thành Antioche và Cyrille thành Alexandrie. Các cuộc thương thuyết này kéo dài và gặp nhiều trắc trở, vì hai vị giám mục tên tuổi này đáng được truyền tụng, họ bỏ qua những mối chia rẽ cố hữu cũng như những cuộc tranh chấp tàn bạo đã đối lập hai bên tại Ephèse, các ông đã theo đuổi thương lượng cho đến khi có sự thỏa thuận chung kết, hai bên trao đổi văn thư để thừa nhận, mỗi bên đều lặp lại cùng một bản tuyên bố đức tin chung (tháng 4 năm 433). Bản tuyên bố của thánh Cyrille thật là thời danh khởi đầu một cách đầy ý nghĩa như sau: ”Chớ gì các tầng trời hãy vui mừng và trái đất hãy reo hò ca hát (Tv 96,11), bức tường ngăn cách chúng tôi lúc này đã được phá đổ (Ep 2,14)” (5).
Hai bên đều tương nhượng để đi đến thỏa thuận: bên này Antioche chấp nhận việc lên án Nestorius và giáo thuyết nguy hiểm của ông (không thấy nói rõ hơn và người ta đoán biết tại sao); bên kia thì thánh Cyrille không buộc người khác phải nhìn nhận những quan điểm cá nhân của ông và bằng lòng chấp thuận, như lối phát biểu đức tin của Giáo Hội, bản kinh Credo do Antioche biên soạn. Thực ra, kinh này là bản tuyên dương đức tin mà các giám mục phương Ðông tụ họp để phản đối Công Ðồng, đã gửi đến hoàng đế Theodose tháng 8 năm 431.
Ðôi khi người ta gọi bản tuyên dương này là ”Kinh tin kính của Ephèse” và như thế là đúng. Bởi vì, nó hoàn bị hơn những bản báo cáo về các buổi hội huyên náo của chính công đồng nhiều, nó làm chứng về bước diễn tiến trong việc khởi thảo ra tín điều và đúc kết phần đóng góp của cuộc khủng hoảng này về phương diện giáo lý. Tuy là do người Ðông phương soạn thảo, bản tuyên dương đức tin này không lấy hứng hoàn toàn theo chiều hướng Antioche. Nó nói lên sự cố gắng đáng chú ý về lối tổng hợp của hai nền thần học đối lập: chữ ”phối hợp” chưa rõ nghĩa đã nhường chỗ cho tiếng unitio ”hợp nhất” của thánh Cyrille. Nhưng danh từ này lại được xác định với hình dung từ ”không pha trộn” để cứu vãn sự phân biệt giữa hai bản tính (6).
Cũng như trong bất cứ cuộc dàn xếp nào, việc đoàn kết năm 433 không làm toại nguyện phái cực đoan của hai bên: Cyrille phải ra công trấn tĩnh các người thuộc phe ông còn lo ngại vì đã nhượng bộ như thế. Các lời giải thích của ông cho thấy rằng nếu vì muốn duy trì hòa bình mà ông tỏ ra không quá yêu sách đối với những người khác, trong thâm tâm ông vẫn bám sát lấy lập trường giáo lý đã biểu hiện trong các khoản ra vạ. Về phía kia, Gioan thành Antioche phải huy động tài ngoại giao và nhẫn nại thuyết phục từng người bạn của ông; lại buộc lòng phải cho đi phát vãng mấy người quá khích. Chúng ta hãy ghi nhận một giai thoại về mấy cuộc xáo trộn lung tung này : người kế vị thứ hai của Nestorius tại tòa Constantinople, là Proclus. Trước lời chất vấn của ba linh mục Arménie, năm 435, đã buộc lòng đề xướng trong một bản trần thuật dài về đức tin, một công thức Kitô học mới, là công thức sẽ giữ một vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về sau: ”Chúng tôi tuyên xưng việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, một (giữa các Ngôi vị) trong ba ngôi” unum de Trinitate (7). Công thức này ít dè dặt hơn các công thức trong kinh tin kính năm 433, được phái nhất tính gọt sửa khéo léo (họ thay thế tiếng ”nhập thể” bằng tiếng ”bị đóng đinh”), công thức ấy sẽ được dùng để tuyên truyền cho giáo lý của họ: sau này chúng ta thấy chính thống lại thu dụng công thức ấy.
Chỉ sau ít năm là đã có cuộc thay đổi thế hệ: năm 440, tại Roma thánh Léon lên thay thế Xyste III, Gioan thành Antioche qua đời khoảng năm 441-442, thánh Cyrille mất năm 444. Phiền một nỗi là Dioscore người lên thay thế ông chẳng nhương chỉ thừa hưởng nguyên những khuyết điểm của ông mà còn tệ hơn nữa. Tại Constantinople, Flavien kế vị Proclus năm 446. Giữa những người gây lên cuộc khủng hoảng Nestorius chỉ còn lại một mình Theodoret đại nhân (tới năm 457-458, nếu không phải là cho tới 466-468). Ðến lượt hoàng đế Theodore II băng hà năm 450, Pulchérie, một người đàn bà cương nghị lên chấp chính tại Ðông phương và liên kết với Marcien.
Các cuộc tranh luận kitô học lại bùng lên năm 447 và 448 nhân cuộc phản kháng tư tưởng của một người còn sót lại về thế hệ Ephèse, ông thuộc phe phản Nestorius, một tu sĩ dòng tuổi tác thành Constantinople, tên là Êutychès, tu trưởng hay là bề trên một tu viện qui tụ hơn ba trăm thầy dòng. Ông mạnh thế tại triều đình và có liên lạc với tất cả những giới chủ trương nền thần học của Cyrille mà không chịu nhượng bộ trong cuộc dàn xếp năm 433. Như vậy người ta mới hiểu vì sao Theodore là người đầu tiên lên tiếng đả kích ông trong ba cuốn sách của bộ ”Eranistes” (447).
Với Êutychès, tà giáo gọi là nhất tính ra đời, sóng đôi và đối lập với thuyết của Nestorius. Chủ trương của Eutychès có thể tóm tắt là quá nhấn mạnh đến Thiên Chúa tính trong việc nhập thể, đến nỗi làm thương tổn yếu tố hoàn toàn nhân loại. Sau khi đã trừ hao những chỗ vụng về, các điểm bút chiến quá đáng và những lối giải thích thiên lệch, rất khó lòng nhận định để biết khuynh hướng này, thúc đẩy quá xa, đã lôi cuốn Êutychès vào tà thuyết thực sự từ lúc nào. Ðiểm chính yếu ông bị tố giác là ông chủ trương nếu đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã được thành hình ”từ hai bản tính”, nếu có hai bản tính trước khi hợp nhất, thì trong sự hợp nhất chỉ còn lại có một bản tính. Do đó, người ta đã giải thích theo nghĩa đen và quá khích công thức của Apollinaire và của Cyrille: ”Bản tính của Ngôi Lời nhập thể thì độc nhất”. Hình như ông đã ngại chấp thuận phần thứ hai của công thức rất quân bình trong kinh tin kính Ephèse ”Ðồng bản tính với Chúa Cha về thiên tính, đồng bản tính với chúng ta về nhân loại tính”.
Bị tố giác với giám mục Constantinople bởi cùng một nhân vật là người đầu tiên, năm 428, đã lên tiếng phản đối Néstorius, tức là Eusèbe, bấy giờ được bầu làm giám mục Dorylée (lúc nào trong Giáo hội cũng có những thám tử cho chính thống, nên liên tưởng đến địa vị của Epiphane thành Salamine trong thế kỷ trước). Êutychès ḅ lên án ngày 22 tháng 11 năm 448 bởi một hội đồng nhóm họp tại kinh đô. Ông kháng tố tức khắc: Nhờ sự yểm hộ của Dioscore thành Alexandrie và của hoạn quan Chrysaphios là người bảo trợ ông và rất có thế lực trước mặt hoàng đế, ông được Theodose II chấp thuận cho triệu tập (ngày 30 tháng Ba năm 449) một công đồng chung khác, vì ý nghĩa tượng trưng công đồng này phải nhóm họp tại Ephèse.
Lúc này xảy ra một biến cố rất mực quan trọng, đó là vụ can thiệp của thánh giáo hoàng Léon. Hình như trong trường hợp hóc búa về vụ Nestorius, Roma đã phải miễn cưỡng chấp nhận những trung gian không đủ thẩm quyền và thiếu óc vô tư, nên đã rút được bài học kinh nghiệm từ đấy. Một phần cũng ở tại cái bản ngã cương nghị của vị giáo hoàng tên tuổi như thánh Léon (440-461). Ngài không theo thông lệ cắt cử đặc sứ thay thế, ngài xác định lập trường về chính nội dung của vấn đề (ngày 13 tháng 6 năm 449) trong một bức thư gửi cho giám mục Constantinople gọi là Pho sách gửi Flavien rất thời danh. Ðây là tài liệu được xây dựng với một kiến thức sâu rộng về vấn đề và phát biểu một cách minh bạch và chính xác đến nỗi hai năm sau, bản văn này được dùng để soạn thảo định tín mà Giáo Hội đã duy trì như lối phát biểu hoàn bị nhất trong tín điều Kitô học.
Giai thoại đau thương là ”nhóm cường đạo Ephèse” đã làm đình trệ việc giải quyết vụ tranh chấp. Các bạn của Eutychès đã chuẩn bị công đồng dự tính một cách thật chu đáo: Chẳng hạn Theodoret đã được lệnh không cho phép tới dự và Dioscore được chỉ định chủ tọa công đồng ấy. Xử dụng những phương pháp mau lẹ theo kiểu thánh Cyrille và với tính khí hung hăng, Dioscore bỏ ngơ văn kiện của giáo hoàng đi, đe dọa nhóm đa số, bịt miệng những người đề kháng và với đường lối ấy ông phục quyền lại cho Êutychès, truất phế các đối thủ của ông ấy như Flavien, Eusèbe, Theodore và cùng với ông này, những đại diện tên tuổi của trường phái Antioche, tất cả đều bị buộc tội là theo phe Nestorius (tháng 8 năm 449).
Mặc sức cho các nạn nhân kêu ca! Cho dù giáo hoàng, hàng giám mục miền Gaule và miền Ý được giáo hoàng cấp báo, và cả đến triều đình Tây phương (Valentinien III vừa là anh em họ vừa là con rể của Theodose II) lên tiếng phản đối những phương pháp vũ phu kia, tất cả đều vô hiệu: hoàng đế tại Constantinople vẫn không thay đổi ý định. Cuộc thăng hà đột ngột của ngài (ngày 28 tháng 7 năm 450) đã gây ra một trong những biến đổi bất ngờ thường gặp thấy trong các chế độ độc tài: Chrysaphios bị cách chức và liền đó bị xử tử, Marcien và Pulchérie cam kết với giáo hoàng là họ vẫn trung thành, các giám mục thuộc phe họ vội vã đứng vào lập trường mới. Theo lời yêu cầu minh bạch của các hoàng đế, một công đồng chung sẽ được triệu tập và nhóm họp tại Chalcédoine, gần Constantinople từ ngày mồng 8 tháng 10 đến ngày mồng 1 tháng 11 năm 451.
Hơn năm trăm giám mục tới dự công đồng này, từ tất cả các tỉnh thuộc Ðế quốc Ðông phương, từ Ai-cập đến miền Illyrie, cuộc tập họp huyên náo đến nỗi những công chức được phái đến để phối trí các cuộc tranh luận khó lòng giữ nỗi trật tự. Phế bác các công văn của nhóm cường đạo dễ như không. Flavien được long trọng phục chức tuy ông đã quá cố, Dioscore vẫn khư khư với thuyết nhất tính nên đã bị truất phế. Mãi đến lúc công đồng gần kết liễu mới giải quyết xong trường hợp Theodoret, người ta cưỡng ép ông phải công khai lên án Nestorius người đồng môn với ông, điều mà ông vẫn luôn luôn khước từ, cả sau năm 433.
Hai phe vẫn chống đối nhau: là cuộc trả đũa vụ cường bức năm 449, công đồng Chalcédoine không có ý chống đối công đồng Ephèse năm 431 như phái nhất tính rêu rao sau đó. Tất nhiên công đồng nghe đọc và châu phê Pho sách của giáo hoàng Léon, đồng thời tuyên bố ”nội dung chính yếu của pho sách” phù hợp với tư tưởng của thánh Cyrille. Người ta tưởng niệm đến ông và hoan hô ông nhiệt liệt. Bởi vậy sau nhiều trắc trở mới đi đến thỏa thuận phát biểu một kinh Tin Kính mới. Kinh này do một ủy ban soạn thảo và đã được chấp thuận.
Chủ yếu của Kinh Tin này lặp lại chính những lời lẽ ở trong Pho sách gửi Flavien với những minh định bổ túc, nó tuyên xưng: ”Một đấng Kitô Con duy nhất, là Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, không pha trộn, không thay đổi, không phân ly, không tách biệt, hợp nhất mà không làm thương tổn sự cách biệt về bản tính trong việc hợp nhất, trái lại đặc điểm của mỗi bản tính được duy trì và qui tụ trong cùng một con người và cùng một ngôi vị”(8).
Bản kinh Tin kính này đã được công bố ngày 25 tháng 10 năm 451 trong một cuộc họp long trọng trước sự hiện diện của hoàng đế. Người ta tung hô hoàng đế và hoàng hậu như những ”đuốc sáng của đức tin truyền thống”: nhờ chư vị mà hòa bình thống trị khắp nơi! Marcien là Constantin mới, Pulchérie là Hélène mới” (9). Những kiểu nói khoa trương loại này khá thông dụng trong Ðệ nhị Ðế chế. Phần lịch sử kế tiếp sẽ cải chính mạnh mẽ bầu nhiệt huyết gia tạo ở trên.