Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót
12.04.2015
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
BÀI ĐỌC I
Bài trích sách Tông Đồ Công Vụ (4,32-35).
Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.
ĐÁP CA (Tv 117)
Đáp : Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm,
vì đức từ bi của Người muôn thuở.
Hỡi nhà Israel hãy xướng lên,
Hỡi nhà Aaron hãy xướng lên :
"Đức từ bi của người muôn thuở".
BÀI ÐỌC II
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ (5,1-6).
Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa : đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người... Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.
TIN MỪNG
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (20,19-31).
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : "Chúng tôi đã được thấy Chúa !" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin". Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" Rồi Người bảo ông Tô-ma : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"
Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Pt Tạ Đình Chung
Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót
Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngắm về lòng thương xót của Thiên Chúa, theo như Chúa Kitô đã truyền dạy cho thánh nữ Faustina Kowalska : « Ta muốn có một ngày lễ kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót. Ta muốn bức tranh mà con sẽ vẽ lại, được làm phép một cách thực sự long trọng vào ngày chủ nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Ngày chủ nhật này phải là ngày lễ kính nhớ Lòng Thương Xót vô biên của Ta ». Thế nhưng trong khuôn mặt của Tôma đầy nghi ngờ Chúa Kitô Phục Sinh và đòi hỏi chứng cớ cụ thể để tin, có điểm gì liên quan đến mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa mà chúng ta tôn vinh trong ngày Ðại Lễ hôm nay ? « Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin ».
Kể ra thì yêu sách của Thômas không phải là không chính đáng ! Vì làm sao ta có thể liều lĩnh bỏ cả đời tin theo một người được xem như đã sống lại nếu không có một số chứng cớ tối thiểu ? Ðiều cảm động ở đây là Chúa Kitô đã nhận lời thỉnh cầu của Thôma khi Người mời gọi Thôma đưa ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người. Người đã cho Thômas một chứng cớ hiển nhiên là Người đã thật sự sống lại. Nhưng cùng lúc, Người ra lệnh cho Tôma đừng cứng lòng nữa, mà hãy tin.
Ông đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Phục Sinh thì ông đâu cần phải tin nữa ! Thật ra khi Chúa mời gọi ông đừng cứng lòng nữa mà hãy tin, không phải tin vào sự việc Chúa sống lại nhưng tin vào ý nghĩa của biến cố Chúa chịu nạn, chịu chết và Phục Sinh. « Chúng tôi đã được trông thấy Thày ». Từ « thấy » thánh Gioan dùng không phải để ám chỉ cái nhìn của thị giác, cái nhìn sự vật hữu hình của con mắt nhưng để chỉ một sự cảm nghiệm mới của người tín hữu nhờ ơn tác động của Thánh Thần mà bài Tin Mừng ám chỉ qua việc Chúa Kitô thổi hơi trên các ông và bảo : « Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần ».
Ðiều mà các môn đệ đã thấy được, cảm nghiệm được là hiểu được Lòng Thương Xót Vô biên của Thiên Chúa đã chiến thắng, và qua các ông trao ban cho Giáo Hội đặc ân hòa giải tha thứ : Các ông được mời gọi chia sẽ ân huệ mà các ông là những người đầu tiên đã lãnh nhận. Thôma được Chúa mời gọi hãy tin vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, hãy bỏ cái mặc cảm tội lỗi ông có từ ngày Chúa chịu nạn chịu chết để đón nhận đời sống mới trong Thánh Thần : « Bình an cho anh em ! ». Chúng ta cũng cần nhớ lại ở đây lời Chúa Kitô đã nói với thánh nữ Faustina : « Nhân loại sẽ không có được sự bình an trong tâm hồn nếu không tin tưởng kêu van Lòng Thương Xót Thiên Chúa.» (Journal, p.132), nghĩa là tin tưởng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chiến thắng mọi tội lỗi, mọi cái chết. Và Thomas thốt lên lời tuyên xưng đức tin tốt đẹp nhất trong các Sách Tin Mừng : « Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con ! » ông đã nhận ra được Con Thiên Chúa đã toàn thắng thế gian khi đổ tràn Lòng Thương Xót của Người vào trong Máu và Nước vọt ra từ Cạnh Sườn như hai dòng ánh sáng mà thánh nữ Faustina đã thấy xuất phát ra từ cạnh sườn Chúa Kitô để soi sáng thế gian.
-------------------------
Lm. Giuse Trần Anh Dũng (2012)
SỨ ĐIỆP ĐỨC KITÔ ĐƯỢC ỦY THÁC CHO GIÁO HỘI.
Nhờ khía cạnh hấp dẫn thú vị, giai thoai về Tôma làm cho chúng ta chú tâm đến nó. Tuy nhiên, bản văn ghi lại hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh : một cho các môn đồ và một cho Tôma. Sự chen lẫn này có lý do của nó và hai trình thuật đều soi sáng cho nhau.
Còn hơn thế nữa, Đức Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các môn đồ và sai họ đi truyền giáo vào chình chiều ngày phục sinh. Cách trình bày của Tin Mừng Gioan xem ra mâu thuẫn với trình thuật của Tin Mừng nhất lãm Maccô Luca và Matthêu; chắc chắn biến cố này nói lên một chủ ý quan trọng của Tin Mừng thứ tư.
Thành thử các yếu tố chính của bản văn xoay quanh "đức tin" và có thể được tìm hiểu dưới ba khía cạnh :
1. Thái độ của Tôma trước tiên cho thấy, dù được tiếp nhận "đức tin" qua sứ đồ đoàn (cộng đoàn), đức tin vẫn là một hành động đơn thuần cá nhân. Thành ngữ "nhóm mười hai" hội nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, khung cảnh của phụng vụ cộng đoàn sơ thủy, nói lên tầm quan trọng của sứ đồ đoàn trong việc khơi dậy đức tin, chính nhờ chứng từ của họ mà Tôma đã tự vấn (c.25) và đã được đặt trên con đường "nhận ra" Đức Giêsu.
2. Đức tin là một cuộc tiếp xúc với Đức Giêsu-Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan luôn nối kết hai hạn từ : "thấy" và "tin". Đức tin của Tôma gói trọn tất cả kinh nghiệm của cá nhân ông; ông đã "thấy" Đức Giêsu khi Người còn sống theo nghĩa "thấy" thông thường và Tôma đã "thấy" Người theo nghĩa đã "nhận biết Người" trong đức tin sau khi Người phục sinh : "Lạy Chúa của con và là Thiên Chúa của con" (c.28).
3. Đức tin là sự đi vào trong bình an và hạnh phúc, hoa quả của cuộc khổ nạn vinh hiển. "Bình an", thành ngữ thông thường diễn tả việc ban các phúc lành của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu phục sinh ban tặng cho các môn đồ của Người (c.26). Niềm tin phát sinh từ một sáng kiến nhưng không của Đức Giêsu phục sinh, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi con người nổ lực thực hiện một hành vi tự nguyện để tiếp nối sáng kiến đó. Vì thế, bản văn bảo ông Tôma đã "tin" và đấy là điều làm cho ông "hạnh phúc".
Nhiều khi chúng ta trách Tôma sao không tin lời các bạn sứ đồ, nhưng lẽ ra phải trách cứ các sứ đồ mới đúng. Lý do là họ nói : "Chúng tôi đã thấy Chúa, đã nhận được Thánh Thần, đã được sai đi..." thế mà đã tám ngày sau vẫn còn ngồi ì một chỗ, cửa đóng kín và run sợ; thì thử hỏi các ông tin Chúa sống lại ở chỗ nào ? Vì thế, Tôma đầu cần gì phải lý luận xa xôi, cứ nhìn vào các sứ đồ kia thì đủ mà nghĩ rằng làm gì có chuyện sống lại và hiện ra với các ông. Cho nên câu Chúa nói như để trách sự cứng lòng của Tôma : "Phúc cho những ai không thầy mà tin" còn có thể hiểu như một câu gián tiếp kết tội "lòng tin không việc làm" của các sứ đồ. Dùng luận cứ chứng minh cho đức tin là tốt, nhưng tốt hơn và cần thiết hơn là hành động cho người khác cảm nghiệm được lòng tin của mình.
Sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô đã tìm hết cách để các môn đồ nhận ra Người và tin vào người. Chúa sẵn sàng làm tất cả để họ tin : hiện ra, đàm đạo, ăn uống, chỉ các vết thương, cho phép đụng đến các dấu đinh...Mục đích duy nhất của lòng ưu ái, nhân nhượng, khoan dung ấy là : "Chớ cứng lòng nhưng hãy tin", vì có tin mới được sống đời đời : "Phúc cho những ai không thấy mà tin". Đức tin của người tín hữu dựa trên chứng từ của các môn đồ tiên khởi mà ngày nay được Cộng đoàn Giáo Hội truyền lại.
(viết theo Nil Guillemette, SJ., "Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B",
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1975)
--------------------------
Đ.ô. Giuse Mai Đức Vinh (2006)
Chủ yếu : Thánh Gioan tường thuật hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần thứ nhất, Chúa trấn an các ngài, ban cho các ngài Thần Khí và quyền tha tội. Lần thứ hai, Chúa củng cố niềm tin của các môn đệ và những người còn hoài nghi về việc Ngài đã sống lại, như Thomas.
Suy niệm : Giữa lúc các Tông Đồ còn xao xuyến, lo sợ, hoài nghi, thất vọng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra và chúc bình an cho họ. Sự hiện diện của Chúa là niềm vui, là sức mạnh, là an bình cho họ. Sau lời chúc bình an, Chúa còn ban cho các Tông Đồ hai hồng ân thật lớn : Thần Khí và quyền tha tội. Chúa đến với họ thật đúng lúc, Chúa ban cho họ quá điều họ mong ước ! Thế nhưng, buồn thay cho kẻ vắng mặt ! Thomas không tin lời chứng của anh em, ông muốn nhìn tận mắt, rờ tận tay ! Chúa muốn đánh tan sự cứng lòng tin của Thomas và sự hoài nghi còn rớt lại nơi nhiều người khác. Vì thế Chúa lại hiện ra lần thứ hai, tỏ cho họ thấy rõ mọi vết thương và đấu đanh... rồi Chúa kết luận «Phúc cho những ai không thấy mà tin». Lời này phấn khởi chúng ta «là những người không thấy, nhưng tin và tin vững vàng Chúa Giêsu đã sống lại»
Áp dụng : Bạn và tôi, chúng ta có thể múc lấy ít là ba bài học ở đây : - Đem sự bình an của Chúa Giêsu đến cho những người đau khổ, buồn phiền... ; - Xác tín vào quyền tha tội Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và quý mến Bí Tích Hòa Giải ; - Luôn tin tưởng đón nhận giáo huấn đức tin qua Giáo Hội.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì nhiều lần Chúa đã đến trấn an con khi con buồn phiền, đau khổ ; nhiều lần Chúa đã đến củng cố đức tin của con khi con hoài nghi về Bí Tích Hòa Giải, về quyền tha tội và quyền giáo huấn Chúa đã ban cho Giáo Hội. Quả thật, Chúa mới là niềm vui và bình an của đời con, không có ơn Chúa không thể sống đức tin ngay trong chính Giáo Hội. Con biết Chúa luôn đồng hành với con, luôn nâng đỡ đức tin của con. Con cúi đầu tạ ơn Chúa. Amen.
Lời hay : « Phúc cho kẻ không thấy mà tin » (Ga 20,30).