CHƯƠNG II
A. CÁC NƯỚC ÐÔNG PHƯƠNG
NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN KITÔ HỌC ÐẦU TIÊN, TỪ APOLLINAIRE ÐẾN NESTORIUS
A. CÁC NƯỚC ÐÔNG PHƯƠNG
CHƯƠNG II
NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN KITÔ HỌC ÐẦU TIÊN, TỪ APOLLINAIRE ÐẾN NESTORIUS
Từ vấn đề Ba ngôi do thuyết của Arius đặt ra, vấn đề cơ cấu ad intra về thực tại của Thiên Chúa, trong thế kỷ V và VI, Ðông phương đã bước sang một vấn đề có thể gọi đúng đắn là vấn đề Kitô học. Trong Ngôi Lời nhập thể, phần từ Thiên Chúa và phần từ loài người sáp nhập với nhau thế nào để cấu thành một Giêsu duy nhất? Hai vấn đề này dần dà sau mới được tách biệt. Theo thời gian buổi đầu chúng chồng chéo lên nhau và trộn lẫn vào nhau; có thể nói được rằng giai đoạn đầu của những cuộc tranh luận dai dẳng liên hệ đến phương thế nhập thể, đã khởi sự từ những mối bất bình phát xuất trong chính hàng ngũ những người theo Nicée vào năm 362. Ðiểm này chúng tôi đã nêu ra đúng lúc trên kia, khi các vị hiển tu nhóm họp công đồng chung quanh Athanase tại Alexandrie.
Muốn thấu triệt vấn đề tự nguồn gốc, phải trở lên xa hơn nữa. Trước kia đã có một nền Kitô học của phe Arius. Nhóm tha tính (và trước nữa là những đồ đệ đầu tiên của Arius) đã gán cho Ngôi Lời Thiên Chúa cái địa vị nguyên ủy sống động mà linh hồn thường giữ nơi con người. Ðiều này giúp hiểu phần trách nhiệm của Ngôi Lời về những yếu đuối của Chúa Giêsu được nhắc đến trong các đoạn Phúc Âm (ngài đói, khát, mệt nhọc, ngồi trên giếng với người phụ nữ xứ Samarie, đã khóc trước mồ Lagiarô run sợ khi nghĩ đến sự chết...). Theo như họ định nghĩa thì đây là lối kiểm điểm có vẻ thực nghiệm về địa vị thấp kém của Ngôi Lời đối với Thiên Chúa và với tính bất biến của ngài. Như vậy, đấng Kitô chỉ có một tính nhân loại bất toàn, què quặt, ngài chỉ là một thân xác không có linh hồn hay nếu có chăng nữa, một linh hồn không có lý trí.
Truyền thống Nicée đã đặt vấn nạn về điểm này đúng lúc, như người ta thấy trong tác phẩm của Eustathe thành Antioche. Nhưng Apollinaire thành Laodicée đã góp phần vào chính quan điểm nhân loại học của phái Arius này. Cùng với ông, bắt đầu một loạt tà thuyết Kitô học và những phản ứng dây chuyền chúng tạo ra. Ông cương quyết tán thành quan điểm của Nicée (đây là một việc đáng chú ý tại miền Syrie, nếu họ chưa hoàn toàn theo phái Arius cả thì ít ra cũng bỏ lửng tiếng homoousios). Apollinaire là người đồng minh trung tín của Athanase, là học giả, đã bào chữa nền văn hóa kitô trong khi chống đối Julien bội giáo, là nhà giải nghĩa thánh kinh nổi tiếng (thánh Jérôme lấy làm vinh dự vì đã là môn sinh của ông). Nhưng hình như vô tình ông đã chịu ảnh hưởng các phạm trù của phe Arius: trong việc Nhập thể, ông hình dung như Ngôi Lời đã được xác định là hoàn toàn đồng bản tính với Thiên Chúa, như kết hợp với một bản tính nhân loại bất toàn và, trong con người hợp nhất là Giêsu Kitô, Ngôi Lời giữ vai trò giống như vai trò linh hồn đối với thân xác, hay như trí khôn trong thể xác và linh hồn. Ðây là linh hồn thực vật hay động vật nếu đem qui chiếu vào tam đoạn pháp của thư thứ nhất gửi giáo dân Thessalonica 5, 23, hay là vào công thức nhị phân luận mà thánh Phaolô quen dùng.
Nhưng, và chính từ chỗ này mà vấn đề đã thay đổi chiều hướng, điểm then chốt của lý luận không còn nhằm biện minh cho các yếu đuối nhân loại của đấng Kitô, nhưng nhằm ngay vào khoa nhân loại học. Ðối với Apollinaire, hữu thể nhân loại không thể nào được miễn trừ khỏi tội, bởi vì xác thịt thì yếu đuối và áp đảo tự do của con người, ít ra cũng hàm xúc khả năng phạm tội. Ðể đấng Kitô khỏi có tội, phải có một linh hồn hay một trí khôn Thiên Chúa đến hướng dẫn cái thân xác ngài đã mặc lấy trong khi nên giống như chúng ta. Ðối với Apollinaire, vấn đề là tìm cách giải thoát đấng Kitô khỏi nhị nguyên tính đau thương của chúng ta, bởi vì chúng ta bị giằng co bởi các khuynh hướng đối lập giữa thể xác và tinh thần. Bởi vậy ông nhấn mạnh đặc biệt đến sức thống nhất trong Con Người Thiên Chúa. Apollinaire là cha đẻ ra cái công thức sẽ đóng một vai trò lớn trong những cuộc tranh luận sau này: ”bản tính (thực trạng cụ thể) của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể thì duy nhất” (1). Vì không chịu phân rẽ, tách rời hai yếu tố đang hợp nhất với nhau trong hiện tượng nhập thể, nên ông minh thị tuyên bố chẳng những là ”có giao lưu thuộc tính” mà cả sự thánh thiện, tính cách đáng tôn thờ của thân xác Ðức Kitô, và như thế đôi khi ông có vẻ tự mâu thuẫn.
Tư tưởng của Apollinaire được phổ biến khá rộng rãi. Người ta biết ông có cả một nhóm môn sinh, trong đó có nhiều giám mục: nhân vật hoạt động trong nhóm này là Vitalis chúng ta đã gặp tại Antioche, một trong bốn hoặc năm giám mục đối thủ tranh dành nhau cái giáo hội tang thương này, cũng là một trong ba người cùng với Mélèce và Paulin đã viện dẫn đức tin Nicée và còn giữ thông hảo với Damase. Dĩ nhiên phe của Apollinaire sau đó đã chia ra làm nhiều khuynh hướng, có nhóm ôn hoà, nhóm khác lại thúc đẩy luận lý hệ thống đến triệt để. Ðây là trường hợp Polémon, người đã công khai chủ trương thuyết synousiasme, đồng hóa hoàn toàn Bản tính của Ngôi Lời với xác thịt đã được thần hóa của Ngài.
Chính thống lên tiếng phản ứng mãnh liệt để chống đối điều không thể không coi như một tà thuyết. Hình như năm 362, hội đồng các vị Hiển tu quá bận tâm đến vấn đề khẩn yếu do thuyết Arius đặt ra, nên không kịp thời dẹp đi các bất đồng đang chớm nở trong chính lòng phe chủ trương theo Nicée. Lời chung kết của hội đồng, cho dù có dè dặt và hữu ý mông lung đi nữa, người ta cũng thấy biểu lộ, ít là cách ẩn tàng, cái lý lẽ lớn sau này luôn luôn đối lập với thuyết của Apollinaire: nơi con người, chỉ có cái gì đã được đảm lãnh bởi đấng Kitô, mới được cứu rỗi.
Từ năm 374, cuộc tranh luận bước sang giai đoạn gay gắt. Êpiphane thành Salamine, người chuyên môn săn các tà thuyết, đến mở cuộc điều tra tại Antioche, không bao lâu đã bị cảm hóa. Sau một giai đoạn để Vitalis du hoặc, giáo hoàng Damase long trọng lên án những sai lầm của Apollinaire tại hội đồng Roma năm 377. Án lệnh này sau được lặp lại ở Alexandrie (378), ở Antioche (379), ở Constantinople trong đại công đồng năm 381. Dựa theo các đạo luật của những năm 383-384, 388, hoàng đế Théodose sử dụng thế quyền giúp đàn áp tà thuyết.
Thuyết của Apollinaire còn kéo dài cho tới các năm 420, nhưng từ lúc này nó đã rút lui vào hoạt động ngấm ngầm: phe này vẫn tìm cách lưu hành và cổ động đọc các tác phẩm của những người chủ xướng ra thuyết ấy, nhưng lại bảo là tác phẩm ấy là của những vị được tôn trọng hơn cả, như Grégoire người làm phép lạ, như giáo hoàng Jules thành Roma, như chính Athanase. Thái độ trâng tráo của họ làm nhiều người nhầm lẫn, thoạt tiên phải kể đến chính thánh Cyrille thành Alexandrie.
Người ta phản ứng lại thuyết của Apollinaire trước tiên bằng những biện pháp kỷ luật, vì thuyết này đã là cơ hội phát sinh một phong trào giáo lý sôi nổi. Trong số những người đối lập với tà thuyết này, thoạt tiên phải kể đến các vị tiến sĩ miền Cappadoce: Grégoire thành Nysse, Grégoire thành Nazianze, người anh em họ của ông này là Amphiloque thành Iconium. Cuộc bút chiến chống thuyết này cũng lan tràn sang tới Aicập, như người ta thấy trong khái luận của một môn sinh Athanase. Thuyết Apollinaire đã gây nên những hậu quả quan trọng nhất tại Antioche.
Hình như chính mối bận tâm muốn chống đối các sai lầm của Apollinaire đã thúc đẩy Diodore thành Tarse nói lên quan điểm quen được gọi cách tổng quát là nền kitô học Antioche. Quan điểm này sẽ là nét đặc trưng của các giới thần học Syrie trong đầu thế kỷ V. Nhưng phải lưu ý rõ ràng rằng quan điểm ấy chưa xuất hiện tại Syrie trước đời ông Diodore (ngặt nỗi, rất khó lòng xác định nó đã xuất hiện vào chính lúc nào trong thời kỳ hoạt động lâu dài của ông). Trước khi chấm dứt thời gian giám mục ở Tarse miền Cilicie (từ năm 376 cho đến trước khi ông qua đời ít lâu, vào năm 394), ông đã sống tại Antioche là nơi, thoạt tiên với tư cách là một giáo dân, rồi sau là linh mục, ông bộc lộ lập trường những người chống đối các giám mục phái Arius do hoàng đế Constance dùng uy thế áp đặt, như Léontios (344-357/358) và Euzoios (361-376). Diodore thuộc nhóm trung thành với giám mục Mélèce là người bị đi phát vãng lâu dài, và như vậy, ông là một trong những phần tử nòng cốt của tổ chức chúng ta gọi là phái tân truyền thống.
Cũng như ông kiên trung chống đối phe Arius trong việc biện hộ cho Thiên Chúa tính trọn vẹn của Ngôi Lời, Diodore quyết tâm chống lại Apollinaire bằng cách xác nhận nhân loại tính đầy đủ đã được Ngôi Lời đảm lãnh trong việc nhập thể. Ðiểm này thúc đẩy ông phân biệt rất rõ ràng trong đức Kitô, đấng là Con của Thiên Chúa và đấng là Con của đức Maria, và qua bà là Con của Ðavít. Phân biệt không nhất thiết là phân rẽ, nhưng trong việc này vẫn có một mối nguy hiểm, và chính Diodore cảm thấy điều đó, nên sau khi đã xác nhận sự phân biệt, ông thấy cần phải xác quyết thêm: ”Nhưng không có hai Ngôi Con” (2), nhưng ông không giải thích được cách thỏa đáng sự thống nhất này.
Các môn sinh và những người kế nghiệp Diodore vẫn theo một lập luận trong vấn đề kitô học. Thực sự ông Diodore là người đứng đầu trường phái: có học lực uyên thâm, là một nhà văn hoạt động, có lúc ông tỏ ra có tài minh giáo (Julien bội giáo đã làm vinh dự cho ông khi nhìn nhận ông là một đối thủ phải lưu ý), có lúc ông là người giải nghĩa thánh kinh (cùng với ông đã xuất hiện trường phái Thánh Kinh Antioche mà nét đặc trưng là giải theo nghĩa đen, dè dặt đối với lối thích ứng thiêng liêng), có lúc ông là nhà tu hành hướng dẫn khoa tu đức hay là nhà thần học. Môn sinh nổi tiếng nhất của ông là thánh Gioan Kim Khẩu, một nhà diễn giảng dè dặt, thường dụng ý tránh lãnh vực hóc búa về Kitô học; những công thức rất mực quân bình của thánh nhân đã đi trước thời đại hằng nửa thế kỷ và dọn đường cho nhiều định tín sau này.
Trong vấn đề kitô học, người tiếp nối thực thụ của Diodore là Theodore thành Mopsueste, ông này lúc đầu là linh mục tại Antioche rồi sau làm giám mục tại miền Cilicie (392-428). Ðời sống bác học và mục vụ lâu dài của ông không gặp cảnh giông tố, khác với đời sống của người đồng môn và bạn hữu là Gioan Kim Khẩu. Trái lại, di sản tinh thần của ông sẽ gặp nhiều nỗi phong ba. Qua đời một cách êm thắm trong Giáo Hội vì có nền học vấn và có nhiều tác phẩm, nhất là về phương diện thánh kinh. Nhưng sau này ông sẽ bị coi như có trách nhiệm về những lời phạm thượng và lên án mà Nestorius, môn sinh của ông, phải gánh chịu; hơn thế, một trăm hai mươi lăm năm sau khi ông qua đời, người ta còn ra vạ cho ông (553). Vì có những cuộc tranh luận này nên các tác phẩm của ông không được duy trì, đa số đã thất lạc hoặc được di truyền lại một cách khả nghi. Âm hưởng những vụ tranh chấp đời trước hiện nay còn phảng phất trong những bài phê phán của các học giả đương kim vì họ rất khác ý kiến nhau khi họ nhận định về ông.
Theo những gì có vẻ bảo đảm nhất thì Théodore đứng vào lập trường của Diodore là thầy ông và ban đầu, cả hai đều chủ tâm đối lập lại nền kitô học lệch lạc của phái Arius và phái Apollinaire. Vì thế ông nhấn mạnh đến việc phân biệt hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại của Ngôi Lời nhập thể. Nỗi khó khăn được nêu lên lúc này, mà ông cố sức đề phòng còn hơn cả Diodore, là tìm cho biết hai thành tố ấy, phần nọ và phần quid kia, đúc kết thế nào mà lại thành một và là cùng một Ngôi vị quis. Théodore nhất định không nói đến hai Chúa và hai Con. Danh từ ông quen dùng để phát biểu lối giải đáp, danh từ mà nền thần học hậu lai cho là không thể chấp nhận, là chữ ”phối hợp”. Ông thường giải nghĩa (phải chăng đây là tại ý tưởng mập mờ không rõ hay là tại danh từ kia có nghĩa hàm hồ) với những hình dung từ suy tôn: sự phối hợp ”chính xác”, ”tuyệt diệu và cao cả”, ”khôn tả và đời đời bất khả ly tan” (3). Theo như ngôn ngữ thông thường, danh từ này thực ra gợi lên ý tưởng đoàn tụ của hai sự vật khác nhau, chẳng hạn như việc đoàn tụ của người nam và người nữ đang kết thành một xương thịt trong hôn nhân, hơn là chỉ về tính thống nhất bởi đấy mà ra. Dầu sao Theodore cũng cố gắng cứu vãn lại điều chúng ta gọi là giao lưu thuộc tính, gán cho con người những tước hiệu của Con Thiên Chúa (ấy là nếu không gán những yếu đuối của con người cho Ngôi Lời). Nhưng mối lo ngại chính yếu của ông là bảo đảm tính nhân loại trọn vẹn của đấng Kitô, là chủ trương ngài đảm lãnh tất cả những gì cần phải được cứu rỗi. Bởi vậy ông bị buộc suy nghĩ ít về mầu nhiệm Thiên Chúa đã hạ mình xuống với chúng ta hơn là chủ tâm làm nổi bật cái con người được đảm lãnh lên, các vinh dự nó hưởng thụ, vận mệnh rực rỡ của nó.
Những điều nói trên giúp chúng ta hiểu được đà diễn tiến về phương diện khởi thảo tín lý. Ðến sau, người ta lo ngại không biết lối trình bày này có tôn trọng đúng mức tính cách duy nhất của việc Nhập Thể, hay lại liều mình đồng hóa việc Nhập Thể với sự hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn của người giáo hữu đã được thánh hóa nhờ ơn bí tích (giáo lý của Theodore quả đã triển khai cả một nền đạo đức về phép Rửa Tội và phép Thánh Thể). Bởi vậy, những thành ngữ Theodore quen dùng hơn cả sau này bị nghi ngờ, cho dù đây là những hình ảnh dựa theo uy tín của chính những lời trong Phúc Âm: Ngôi Lời ”ở với” chúng tôi (Gn 1,14) trong ”đền thờ” nhân loại của ngài (Ga 2,21).
Sự ”phối hợp” này cho dù thâm sâu đến đâu đi nữa, liệu có thoát khỏi mối nguy cơ chia đôi Ðức Kitô ra không? Người ta có quyền nêu lên câu hỏi này với thuyết Theodore (các sử gia vẫn chưa đồng ý nhau về điểm này). Cứ theo những cách phát biểu thái quá của Nestorius, là môn sinh của Theodore, thì phải trả lời là có.
Làm thầy dòng gần Antioche rồi chịu chức linh mục và đã lừng danh về môn giảng thuyết tại thành phố này, Nestorius được hoàng đế Theodose II cho mời tới tòa kinh đô Constantinople là tòa luôn luôn bị tranh giành. Ngay sau khi lên cầm quyền (ngày mồng 10 tháng tư năm 428), Nestorius đã tỏ ra là người cố chấp và hung hăng, thích hoạt động nhưng luộm thuộm (ông nghĩ cần phải can thiệp với giáo hoàng Célestin để bào chữa cho phái Pélage đã bị lên án); ông công khai ra mặt chống đối những người tà giáo lúc đó nhan nhản tại kinh đô, yêu cầu hoàng đế can thiệp và chính ông áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với họ. Hành động như vậy, ông chỉ làm tăng thêm số người chống đối đang lăm le bắt bẻ những chỗ vụng về của ông.
Ông có nhiều điểm vụng về: các bài giảng ông cho người khác đọc hay chính ông đọc, trình bày một cách trắng trợn và gây hấn những kết luận táo bạo nhất của các nhà thần học tại Antioche về sự phân biệt giữa hai bản tính. Ông chủ trương không thể cả quyết rằng trong cuộc Thương khó, Ngôi Lời đã chịu đau khổ, và nhất là ông phủ nhận tước hiệu ”Mẹ Thiên Chúa” Theotokos của Ðức Maria. Ông bảo đây là một kiểu nói không chính xác, bởi vì bà chỉ sinh ra một con người, hay ít ra đây là kiểu nói nguy hiểm có vẻ che giấu các sai lầm của phe Arius và phe Apollinaire. Ông ra mặt mạt sát tước hiệu này đã được giới kitô mộ đạo quen dùng (nó được biết đến tại Aicập từ cuối thế kỷ III). Với những kiểu nói gây hấn tương tự (người ta kể lại ông không chịu gọi đứa bé hai hay ba tháng trong con người của Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa), nhất là với việc tấn công từ Theotokos đã làm cho người ta cực kỳ khó chịu và làm bùng nổ cuộc khủng khỏang. Ðây không phải là lần cuối chót khoa Thánh Mẫu học dùng làm tiêu chuẩn kiểm điểm sức lành mạnh của một nền thần học và phát giác ra các mầm mống lạc giáo.