CHƯƠNG I. THẾ KỶ V VÀ THẾ KỶ VI.
HỐ CHIA RẼ MỞ RỘNG
GIỮA ÐÔNG PHƯƠNG
VÀ TÂY PHƯƠNG
CHƯƠNG I
HỐ CHIA RẼ MỞ RỘNG
GIỮA ÐÔNG PHƯƠNG
VÀ TÂY PHƯƠNG
Từ trước tới đây chúng ta mới nghiên cứu lịch sử Kitô giáo một cách bao quát, như một tổng thể, chưa phân tích tỉ mỉ những mối dị biệt địa phương: tức là phần dành cho các giáo hội non trẻ thiết lập trong cuộc truyền giáo giữa các nước man ri (và, như đã thấy, phần này khá hạn chế), phần cốt lõi của lịch sử này đã diễn ra trong khuôn khổ đế quốc Roma và phản chiếu sức thống nhất mãnh liệt của đế quốc, thống nhất về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Nhưng ngay từ thế kỷ IV đã xuất hiện những triệu chứng tan rã: càng ngày nền hành chính và có khi cả chính phủ bị các đế vương xâu xé, mỗi người thống trị một miền Ðế quốc, từ lúc Dioclétien từ chức cho đến khi Théodose thăng hà, nghĩa là trong non một thế kỷ (305-395), người ta nhận thấy thế giới Roma chỉ đoàn tụ dưới quyền thống nhất của một vị trong vòng hai mươi hai năm và mấy tháng. Thực ra cái ý niệm cổ của Roma về tình liên đới đã giúp duy trì thống nhất của đế quốc dưới bình diện là thực thể pháp lý. Theo nguyên tắc, những đạo luật do một hoàng đế ban hành thì cũng được các ông khác thừa nhận, nhưng đàng sau bộ mặt tán thành lại có những đường lối chính trị độc lập và có khi đối chọi lẫn nhau. Chẳng hạn về phương diện tôn giáo, như trên kia đã thấy, Constant và em của ông là Constance ở Tây phương la-tinh, Valentinien và em của ông là Valens tại Ðông phương đã có thái độ khác hẳn nhau đối với những vấn đề mà thuyết Arius đặt ra. Ðến đời các con của Théodose hay nói cho đúng hơn, các bộ trưởng của họ, như Stilicon tại Ý, Rufin, Eutrope... tại Constantinople, từ năm 395 đến năm 408, hai nửa của đế quốc chẳng những là chia rẽ mà còn chống đối nhau, có lúc đi đến tranh chấp công khai. Sau đời các ông này, thống nhất chỉ được thu hồi một cách rất tạm thời (trong vòng bốn tháng vào năm 423) hoặc là một cách giả tạo.
Bộ mặt hiến pháp nầy không tài nào dấu nổi thảm kịch chính trị diễn ra trong thế kỷ V là thời kỳ xảy ra cái họa chia rẽ dứt khoát: hai nửa của orbis romanus đã phản ứng rất khác nhau trước biến cố lớn lao như cuộc xâm lăng giéc-ma-nic. Người ta có cảm tưởng là Ðế quốc Ðông phương, bị lay chuyển quá sớm và quá dữ dội (hoàng đế Valens tử trận trong cuộc thất trận ở Andrinople năm 378) seơ đi đến tan rã trước sức tấn công kia. Nhưng không phải thế, với kinh đô Constantinople, theo tục truyền đế quốc này mang danh là Byzance, đã tự vệ nổi và tồn tại cho tới năm 1453, mặc dầu đã phải luôn luôn chiến đấu trên hai biên thùy, tại Âu châu và ở Asia.
Có thể đặt bước đầu tiên của phong trào phục hưng quốc gia vào các năm 400-401. Về nội bộ, nhóm chống đối ảnh hưởng của những người lính thuê lúc này thắng thế; về đối ngoại, một đường lối chính trị ích kỷ nhưng mềm dẻo đã chuyển hướng sức đe dọa của người Wisigoths mà Alaric lãnh đạo về phía nước Ý và Tây phương. Từ trước tới nay nhóm này đã càn quét bán đảo Balkan và nước Hylạp. Ðây là một bài học qúy và vào cuối thế kỷ Ðế quốc Ðông phương lại theo đường lối ấy để tránh được nhóm Ostrogoths của Théodoric, nhóm này cũng lại đi chinh phục nước Ý (488-493).
Thời kỳ này, như người ta biết, Ðế quốc Tây phương sụp đổ trước sức tấn công của người man ri. Ngày 31 tháng Chạp năm 406, biên giới sông Rhin bị bật tung cũng như số phận biên giới sông Danube, vào thế hệ trước. Miền Gaule và toàn thể các miền la-tinh đã chứng kiến nhiều cuộc xâm lăng liên tiếp. Người đồng thời đau đớn trước biến cố tượng trưng là vụ Alaric chiếm đóng và cướp bóc chính thành phố Roma vào năm 410. Nhưng đây chỉ là một giai thoại giữa một loạt tai ương dun dủi thế lực Roma vào tròng đô hộ của những người chiếm đóng, và trong thực tế đã phân tán nền thống nhất của hoàng triều ra làm nhiều nước tự trị.
Có lẽ cho tới năm 476 Ðế quốc Tây phương trên danh nghĩa vẫn còn giữ một tước hiệu, nhưng đã trở nên món đồ chơi trong tay một giám hộ người man ri đứng đầu quân đội và một mình bá chủ cả nước. Nếu trong lúc đó và về sau, mấy vua giéc-ma-nic vẫn nhìn nhận chủ quyền hữu danh vô thực của hoàng triều Ravenne hay Constantinople và vẫn cai trị thay họ, thì đây chỉ là một phương thế để củng cố tính cách hợp pháp của mình và gia tăng uy tín, đồng thời vẫn không thiệt thòi gì về quyền bính thực sự họ nắm giữ. Năm 486, khi mấy tỉnh miền Gaule, trên lý thuyết vẫn còn là của Roma, nhưng đã rơi vào tay người Francs và Ðế quốc đã mất hẳn toàn thể phương Tây. Trong thế kỷ VI, Justinien cố gắng bền bỉ lắm mới thu phục lại được châu Phi bị người Vandale chiếm đóng, một phần nhỏ Tây Ban Nha và bán đảo Ý: đây là một cuộc thu hồi thực sự khó khăn và chỉ có giá trị tạm thời. Vấn đề vừa tạm thanh toán xong (462) thì một cuộc xâm lăng mới đe dọa, cuộc xâm lăng người Lombards đã lại xuất hiện tại biên giới Ý (568).
Miền đã chịu đựng nhiều sự xáo trộn hơn cả do các vụ xâm lăng gây nên là miền giữa sông Danube và biển Adriatique, tức là miền Illyricum, xuyên suốt thế kỷ III và IV đã từng là một chiến lũy của Roma, một lò sản xuất binh hùng tướng mạnh và các hoàng đế. Ngặt một nỗi, vị trí địa lý của miền này là một địa điểm tiến quân, hay một rẻo đất các người xâm lược buộc phải xuyên qua. Bởi vậy miền này lần lượt đã thấy các dân Giéc-ma-nic, Thổ-nhĩ-kỳ và Slave, Wisigoths, Ostrogoths, Huns, Skires, Ruges, Gépides, Hérules..., Lombards, Bulgares, Antes, Sclavènes, Avars... tuốn đến, hội tụ lại và đôi khi rút về đấy. Miền này đã trở nên cầu nối giữa Ðông phương với Tây phương: sau bao nhiêu biến đổi nó đã quị sụp từ năm 380, chỉ còn có hai mố cầu là vững chãi. Những cái gì của Roma còn sót lại ở quãng giữa để rút cả về miền duyên hải Dalmatie. Thực ra cái kẽ hở chia cắt có vẻ vật chất giữa hai phần thế giới Ðịa Trung Hải này trùng hợp với một hiện tượng vĩ đại khác, đó là sự đoạn tuyệt về thống nhất văn hóa là yếu tố trước kia đã từng kết hợp các nước hy-lạp và la-tinh vào giữa lòng văn minh hoàng triều Roma.
Khi đối chiếu các nền văn minh, các sử gia rất nhậy cảm về một số khía cạnh độc đáo thực sự, nên họ nhấn mạnh đến sự thống nhất của nền văn minh hy-la, die hellenistichromische Kultur, vào thời kỳ cuối đời Cộng hòa và vào mấy thế kỷ đầu của Ðế quốc: văn hóa la-tinh đã xuất hiện như một cành ngang đã phát triển muộn từ gốc cây hùng tráng là văn hóa hy-lạp. Trong thời kỳ Cicéron, người có văn hóa tất nhiên phải biết tiếng hy-lạp; nhưng đà phát triển và chẳng bao lâu sự rạng rỡ của nền văn chương la-tinh đã đương nhiên hãn ngữ tiếng hy-lạp lại, cũng như trong thời cận đại tiếng la-tinh đã nhường bước khắp nơi cho các nền văn hóa quốc gia. Văn hóa hy-lạp bắt đầu thoái bộ từ cuối thế kỷ I như tác phẩm của Quintilien cho thấy. Ðầu thế kỷ V, việc giải thoát khỏi nền văn chương la-tinh là một truyện đã hoàn tất. Lại một hiện tượng khác thúc đẩy theo chiều hướng này: những đe dọa của người man ri làm Ðế quốc kiệt quệ đồng thời xô đẩy nền văn hóa Tây phương vào một cảnh suy đồi toàn diện.
Dĩ nhiên văn hóa hy-lạp đã không thoái bộ một cách đồng nhất: một số môi trường xã hội hoặc văn hóa vẫn còn cầm cự được khá lâu, nhất là giới quí tộc, y sĩ, triết lý. Trong các yếu tố cầm cự phải kể đến Kitô giáo là thứ đạo phương Ðông mà giới tượng trưng ưu tú là các nhà thần học chuyên môn. Nhưng sự phân hóa càng ngày càng rõ rệt: nói theo lối tượng trưng, có thể hình dung độ chênh lệch ở giữa thánh Ambroise và thánh Augustin.
Qua đời năm 397, trong cùng một lòng trung thành và niềm hy vọng, thánh Ambroise đã dung hòa quê hương Roma và vào đức tin kitô. Có điều này đáng chú ý là vào cuối đời, khi biên thơ cho bà Frigitil, nữ hoàng của người Marcomans để trả lời về đạo kitô, ông đã tìm cách thu hút bà và dân tộc của bà vào quỹ đạo Roma. Xuất thân từ một trong những gia định thế giá tại Roma, ông đã hấp thụ một nền giáo dục cổ truyền do giới ấy duy trì lại. Vì thuộc phái quí tộc nên ông đã biết tiếng hy-lạp, vì thế khi cần phải chuyển hướng vào ngành thần học, điều đó đã giúp ông am tường một cách dễ dàng chẳng những các vị tôn sư cổ điển như Philon, Origène, mà cả những tác phẩm của các văn gia phương Ðông đương thời. Chính ông đã viết cuốn De Spiritu sancto (381) bằng cách phóng lại những khái luận của Didyme thành Alexandrie, của thánh Basile (375), của thánh Grégoire thành Naziance (380).
Giữa ông và thánh Augustin, trẻ hơn ông mười lăm tuổi, có một cách biệt xã hội rất rõ rệt. Khởi sự từ một địa vị thấp kém hơn nhiều, Augustin đã hưởng thụ một nền giáo dục thấp kém hơn, thực dụng hơn, ông không học cao và không thành thạo tiếng hy-lạp, đó là chuyện thường vào thời ấy, sự thiếu sót này không cản bước ông hành nghề giáo sư tu-từ-học cách vẻ vang, như đã thấy ở trên. Nhưng khung cảnh lịch sử đã biến đổi thật là mau lẹ! Thánh Augustin qua đời năm 430 trong lúc Hiponne thành phố giám mục của ông bị người Vandales bao vây. Việc Roma thất thủ lần thứ nhất năm 410 đã thúc đẩy ông suy tư về ngẫu tính triệt để của mọi quê hương trần thế và viết lên những nguyên tắc thần học kitô về lịch sử trong cuốn Xã hội của Thiên Chúa (413-427). Chỉ biết duy có văn hóa la-tinh và là người tự học (không biết nên nói mặc dầu, hay phải nói bởi tại, chỗ thua thiệt ấy) thánh Augustin miễn cưỡng một phần nào đã phải đi đến chỗ độc đáo.
Thật ra, nhờ tài năng thiên phú, chính ông sẽ khởi thảo ra khoa thần học thuần túy Tây phương về Mầu Nhiệm Thiên Chúa trong cuốn De Trinitate (399-419), cho dù Tertullien và Hilaire thành Poitiers đã góp công như những người tiên phong về phạm vi này. Trên bình diện lịch sử văn hóa, công trình của Augustin hình như nối tiếp và hoàn tất các tác phẩm đầu tiên mà Cicéron và Virgile đã khai mào: với ông và một phần lớn là nhờ ở ông mà giáo hội la-tinh đã dành dật lại được lối tự chủ giáo lý và Tây phương đã đạt tới mức trưởng thành.
Từ đây trở đi, các liên hệ giữa người Hy-lạp và La-tinh càng ngày càng thêm lỏng lẻo. Các người Hy-lạp không hề có hào hứng tìm hiểu những người họ cho là man ri, trừ mấy người thuộc về ba giới rất hạn chế là quân nhân, luật học và triều đình Constantinople. Nhưng suốt những thế kỷ V và VI, người ta thấy văn hóa hylạp dần dần thu hút họ. Về phía người la-tinh, có những cuộc giao tiếp ngược dòng là vì hoàn cảnh đặc biệt (trường hợp các thầy dòng Scythes, là những người xuất xứ từ tỉnh Dobrogea nói tiếng la-tinh và đến ngụ cư tại Constantinople) hay vì những ơn kêu gọi khác thường (ơn kêu gọi của các triết gia cuối cùng như Claudien Mamert trong thế kỷ V tại miền Gaule, của Boèce tại Ý trong thế kỷ VI), hay vì họ là kũ thuật gia, là chuyên viên về tương quan văn hóa. Giữa thánh Ambroise và thánh Augustin thì có thánh Jérôme là một ví dụ rất điển hình về điểm này: ông là một người la-tinh nhưng được huấn luyện tại Ðông phương, định cư hẳn tại Bethléem từ năm 386, ngoài môn bút chiến, ông chuyên chủ việc phiên dịch và thích nghi tư tưởng.
Trong những điều kiện như vậy lạ gì mà hai nửa giáo hội lại chẳng dần dà mỗi bên một ngả sống theo vận mệnh của mình. Chắc chắn chưa có chuyện tuyệt giao quyết liệt, mặc dầu không thiếu chi những mối bất hòa nhất thời. Chẳng hạn việc gián đoạn thông hảo trong vòng mười một năm liên tiếp giữa hai tòa Roma và Constantinople, sau khi thánh Gioan Kim Khẩu bị truất phế cách bất thường (404-415), rồi sau lại trong vòng ba mươi lăm năm vì tại các hoàng đế Zénon và Anastase (484-519) áp dụng chính sách hòa hoãn đối với phái nhất tính.
Cũng như trên bình diện chính trị và văn hóa, những triệu chứng đầu tiên của bước tiến hóa phân kỳ này đã biểu hiện ra lâu năm trước thế kỷ V. Trong giai đoạn khủng hoảng Arius kéo dài, nói chung, người ta nhận thấy một bên là phương Ðông, một bên là Roma với phương Tây (có cả Aicập của Athanase) đã phản ứng khác nhau. Một đàng thì nặng lòng về mối nguy hại Sabellius, phe kia lại lo ngại trước tà thuyết hạ phục. Từ công đồng Tyr (335) cho đến hội đồng Antioche (379), lúc nào hai bên cũng ở trong tình trạng đối lập, đôi khi đến chỗ ly khai, chẳng hạn như dịp công đồng Sardique năm 343, một cơ hội hụt để đoàn tụ toàn diện hàng giám mục trong Ðế quốc: các giám mục Ðông phương khước từ không chịu đến hội với các vị đồng nghiệp Tây phương và đi nhóm họp một phản hội đồng tại Philippopolis.
Thế nhưng các cuộc tiếp xúc vẫn còn là thông thường trong thế kỷ IV. Cuộc khủng khoảng Arius là một cơ hội hoà hợp. Ðã có biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc phong phú! Nào là công đồng, đặc sứ... còn phải nhắc đến trường hợp thông thường các người phải đi phát vãng vì đã đón nhận Arius, miền Illyricum đã trở nên trung điểm của thuyết ông ta. Athanase đã thắt chặt liên lạc với Tây phương tại Roma, tại Trèves, và phổ biến lý tưởng về tu trì mới tại các nơi. Trái lại, biết bao giám mục la-tinh bị phát vãng tới Ðông phương, đã gặp tại đây những hoàn cảnh bất ngờ để học hỏi, để suy nghĩ và hành động: như Hilaire thành Poitiers, Eusèbe thành Vercelli, Lucifer thành Cagliari.
Ngoài ra, mặc dầu họ có những quan điểm rất khác nhau đi nữa, vấn đề làm bận tâm cả đôi bên vào thời kỳ ấy vẫn là vấn đề ba ngôi. Trái lại, những cuộc tranh luận thần học trong thế kỷ V và VI đã gây xáo trộn và chia rẽ trong Giáo Hội là những vấn đề riêng biệt của hai nền văn hóa. Những vấn đề Kitô học, những tà giáo chúng tạo nên như thuyết của Apollonius, Nestorius, thuyết nhất tính là những vấn đề thuần túy Ðông phương. Ngược lại, thuyết của Pélage đã xuất hiện như tà giáo đầu tiên của Tây phương (nếu coi thuyết của Priscillien như không đáng kể). Các người Hylạp không bao giờ đặt thành vấn đề đối lập giữa thánh Augustin với Pélage hay với Julien d'Eclane, là vấn đề ám ảnh và như thể tạo nên tâm hồn (Psychè) người Tây phương.
Dĩ nhiên cần uyển chuyển trước những khẳng định tổng quát như thế: đã có những tiếp xúc trên bình diện cá nhân và giáo lý giữa những người biện hộ thuyết của Pélage và thuyết của Nestorius. Vai trò của ngôi giáo hoàng càng ngày càng được công nhận, buộc các nhà thần học la-tinh phải nghiên cứu đến những vấn đề tranh luận tại Ðông phương: có khi quyền thế Roma sẽ can thiệp vào lúc quyết liệt, như sẽ thấy về thánh Léon trong công đồng Chalcédoine (451). Sau khi Justinien thu phục lại được xứ sở, Roma và Carthage lại bị đặt dưới quyền hoàng đế tại Constantinople, quyền này có khuynh hướng tùy tiện can thiệp vào lãnh vực tôn giáo trong những vụ tranh chấp, tạo cơ hội cho những cuộc tiếp xúc mới. Nói chung qui, nhờ có nhân tố liên lạc nói trên, đã không bao giờ có đoạn giao hoàn toàn trong các tương quan tôn giáo hay văn hóa giữa Tây phương la-tinh và Ðông phương hy-lạp.
Nhưng tất cả các sự việc này, quen được lịch sử nêu ra và nhấn ý nghĩa, chỉ là mấy nét sửa sai tùy phụ trong bức tranh toàn diện chúng tôi đã phác họa trên kia. Có điều này chắc chắn là hai nửa thế giới kitô cứ càng ngày càng cách biệt nhau dọc thế kỷ này. Thay cho nền thống nhất Roma là điểm đặc trưng của thời Thượng cổ, sẽ là sự chia rẽ giữa Ðông phương byzantin và Trung cổ la-tinh. Không phải chỉ có chống đối giữa các nhà thần học nhưng là tất cả một kiểu thức sống kitô đang thay đổi: qui chế giáo hội, phụng vụ, lý tưởng tu trì, lối đạo đức của đại chúng, kiểu hội nhập đạo Kitô vào đời sống hằng ngày, hết mọi phương diện đều đi đến chỗ phân kỳ. Vậy nên chúng tôi thấy đủ lý do để đề khởi với độc giả một thiên khảo sát về mỗi bên.