CHƯƠNG IX
HOÀNG KIM
THỜI ÐẠI CÁC GIÁO PHỤ
CHƯƠNG IX
HOÀNG KIM
THỜI ÐẠI CÁC GIÁO PHỤ
Trong tất cả những biện pháp đố kỵ Julien đã cho công bố, điều mà các giáo dân cho là hiểm hóc hơn cả là đạo luật học chính ra ngày 17 tháng 6 năm 362 cấm các kitô hữu dạy văn chương cổ điển và mỉa mai thải hồi ”bọn người Galilée về với giáo hội của họ để họ chuyên lo giải thích Mátthêu và Luca (19)”. Nhờ có Ammien, người ta biết rằng chính dư luận ngoại giáo cũng cho là đạo luật ấy quá đáng. Thực ra việc đối lập triệt để như thế giữa “nền văn minh Hylạp” và Kitô giáo, không còn phù hợp với thực tế nữa và đã bắt đầu tan rã. Khâm phục những giá trị nhân loại hơn là lưu ý đến những mối nguy hại hiển nhiên, Giáo Hội Kitô bắt đầu tỏ ra dung thứ, đến sau đã chấp nhận hoàn toàn nền giáo dục và lối huấn luyện cổ truyền.
Thái độ của Julien ở vào thời kỳ này đã trở nên thoái hóa và nói theo nghĩa hẹp là ngoan cố. Từ nay trở đi không còn sự đối lập giữa phe ưu tú trí thức và đức tin kitô nữa. Các ông lãnh chúa kitô, giáo sư kitô, văn nhân kitô đã được công nhận như những nhà trí thức cùng một tước hiệu với các người đồng nghiệp ngoại giáo khác. Hơn thế nữa, cái căn bản trong đường lối giáo huấn, nền học vấn họ thụ hưởng được trong lối giáo dục cổ điển đã góp phần giúp họ phụng sự tôn giáo mới. Nhờ có những lối chuyển hóa và áp dụng bất ngờ, họ đã có thể nhận được một sức sống mới. Lúc mà văn hóa của nhóm văn nhân ngoại giáo đang rơi vào tình trạng ứ đọng (chỉ trừ phần nào trong bình diện triết lý) với lối xử sự suy vong, thì thế kỷ IV chứng kiến sức khai hoa của một nền văn hóa kitô, hợp truyền thống vì các yếu tố nó xử dụng, độc đáo trong lối tổng hợp.
Ðời sống tinh thần, đoạn tuyệt với những nguồn gốc thâm sâu của hữu thể, đã suy yếu dần đi qua những biểu hiệu cầu kỳ vụ hình thức. Từ đây trở đi, cảm hứng tôn giáo đang đôn đốc đời sống nội tâm sẽ mang đến một luồng sinh lực mới. Sinh lực này biểu lộ dưới những hình thức bất ngờ: trong các hoạt động văn hóa căn bản, thay vì nghiên cứu và suy tư Homère và Virgile, người ta nghiên cứu và suy tư về Thánh kinh; thay vì diễn thuyết công cộng, khoa thuyết giáo trở nên loại văn thịnh hành nhất; thay thế cho những nhu cầu trước kia phát sinh ra tuồng kịch thì có những sắc thái huy hoàng của phụng vụ; không một tình tự thơ mộng nào mà không biểu dương cách huyền diệu dưới hình thức nở rộ các ngụy thư và những liệt truyện.
Thực ra khoa chú giải Thánh Kinh đã thừa hưởng được những kỹ thuật mà trường ngữ pháp học đã chỉnh đốn lại tỉ mỉ, chủ yếu là để cắt nghĩa các thi hào cổ điển. Cũng vậy, thuyết giáo cứu vãn lại sản nghiệp của môn tu từ, tranh luận thừa kế khoa biện chứng, và khoa thần học phục hồi kho tàng triết lý. Ðây không phải là một lối chuyển hóa thuần túy và đơn độc, nhưng là việc sáng tác mới mẻ: Nếu Marius Victorinus (ấy là chỉ kể đến gương của ông) đã khéo léo xử dụng kiến thức sâu rộng sẵn có về thuyết tân-Platon và nhất là về tác phẩm của Porphyre để khởi thảo khoa thần học Ba Ngôi ngõ hầu bào chữa tín điều của Nicée, thì đây còn là công trình của cả một loạt chuyển hóa mang lại cho học thuyết của ông một biến thể mới về học thuyết tân-Platon, hoàn toàn khác với học thuyết các thầy dạy ông và của các đối thủ ngoại giáo. Thật ra ông đã sáng tác ra thuyết tân Platon kitô theo kiểu la-tinh mà sau này thánh Ambroise, nhất là thánh Augustin sẽ khai thác các kho tàng châu báu ấy và làm cho chúng phát triển một cách phong phú.
Hơn thế nữa, đứng trước nền ngoại giáo đã kiệt quệ cùng với thời gian hay đã bị liên lụy vì a tòng theo thần bí, chính đạo kitô tiêu biểu cho đường lối hoạt động, yếu tố hướng thượng, phương châm chỉ am của Zeitgeist, của bầu không khí văn hóa của thế kỷ. Mặt khác cũng cần nhấn đến mối liên lạc tất nhiên giữa xã hội học và văn hóa: Cứ theo thống kê mà nói, Kitô giáo đang thắng thế. Như vậy, không có gì là lạ nếu lý tưởng mới trong nền văn hóa kitô đã qui tụ được đa số các nhà trí thức uyên thâm nhất đời ấy.
Hậu bán thế kỷ IV đã chứng kiến đà khai hoa của một hiện tượng gọi được là hoàng kim thời đại các giáo phụ. Chính lúc này xuất hiện những tác gia và những nhà tư tưởng tên tuổi nhất của thời cổ kitô, đa số các majores doctores tại Ðông phương Hylạp cũng như tại Tây phương la-tinh, được cả hai giáo hội sùng kính. Vậy không có gì ý nghĩa bằng việc liên kết tên và niên đại của các ngài: Nói chung, họ ra chào đời vào các năm 330-350, nghĩa là họ tạo thành một nhóm thuần nhất giữa hai thế hệ kế tiếp sau thời kỳ Giáo Hội được an bình. Tất cả đều đồng thời với nhau, họ giao tiếp với nhau, gây ảnh hưởng lẫn nhau, họ thành một nhóm đặc biệt. Một đàng họ khác với các người đi trước, với thế hệ trước: Chẳng hạn như với Athanase hay Hilaire là những nhà thần học chuyên môn, bị giới hạn trong vòng kỹ thuật của họ. Một đàng, họ khác với những người kế nghiệp, và bắt đầu là thế hệ mới, chẳng hạn Cyrille, hay Théodoret chúng ta sẽ gặp sau này, là thế hệ cũng đáng được kính trọng tương tự như họ. Các giáo phụ ở thế kỷ IV và đầu thế kỷ V tiêu biểu cho một thời đại quân bình quí giá nằm giữa một sản nghiệp chưa đến độ suy vong và đã được hấp thụ hoàn toàn, và bên kia là một nguồn cảm hứng kitô đã tới mức trưởng thành đầy đủ.
Tất cả các vị này đều có bản lĩnh lớn lao và vững chắc. Tuy họ có những cá tính rõ rệt, cuộc đời của các ngài nói lên nhiều điểm tương đồng đến nỗi có thể liều lĩnh phác họa một hình ảnh tổng quát, một mẫu lý tưởng về các giáo phụ (lúc cần đến, sẽ nêu lên những nố ngoại lệ để bổ khuyết cho phương pháp quá hệ thống này):
1/ Vì kitô giáo đã thực hiện được nhiều tiến bộ giữa lòng xã hội Roma, hiệu quả dĩ nhiên là các giáo phụ xuất thân từ giới ưu tú của xã hội này và đôi khi họ thuộc các tầng lớp cao sang nhất. Như thánh Ambroise là con của vị tổng tư lệnh cận vệ binh, thánh Gioan Kim Khẩu là con ông tổng trưởng quốc phòng. Ðó là hai chức vụ dân sự và quân sự cao cấp nhất của phẩm trật triều đình. Ở đây có một ngoại lệ đáng lưu ý là trường hợp thánh Augustin, ông xuất thân từ một gia đình thuộc cấp nghị viên hay cố vấn thị sảnh, đang bị sưu cao thuế nặng của Ðệ nhị Ðế chế đè nén, nói theo kiểu cận đại thì là giới trung lưu đang tiến dần xuống giai cấp vô sản.
2/ Chính ngoại lệ này lại cho thấy nhiều điều: tham vọng và sự tận tụy của cha mẹ ông, sự nâng đỡ của một mạnh-thường-quân đã góp phần giúp chàng trai tài ba này được hưởng thụ một nền giáo dục cao quí, nền giáo dục của phái thượng lưu. Nhờ vậy mà thánh Augustin đã chen chân được vào nghề giáo sư là nghề mở đường thăng tiến xã hội cho ông: là người hãnh tiến về văn hóa, ông cũng lại là người hãnh tiến qua văn hóa nữa. Bởi vậy ông được xếp vào loại chung, là xuất thân từ phái quí tộc hay nói chung là từ gia đình trung lưu ở tỉnh nhỏ. Tất cả các giáo phụ đều có một nền học vấn uyên thâm chắc chắn. Thánh Basile và bạn của ông là thánh Grégoire thành Nazianze đã bỏ miền Cappadoce, nơi các ông sinh trưởng, để đi theo học lâu năm với những giáo sư thời danh nhất tại đại học Athènes. Thánh Jérôme, sinh quán tại Dalmatie, ở về phía bắc Trieste, được dự những lớp diễn giảng tại Roma của nhà ngữ pháp học Donat. Tại Antioche, thánh Gioan Kim Khẩu là dự thính của nhà tu từ học Libanios. Họ là những giáo sư ngoại giáo thật nhưng rất mực nổi tiếng. Tuy không được Julien bội giáo chấp nhận hoàn toàn, nền đại học đời ấy đứng trung lập, các sinh viên được tự do chọn lựa giáo sư, không cần xét đến vấn đề tôn giáo.
Cốt lõi của nền giáo dục này là khoa văn chương, nhưng đỉnh điểm của nó là nhẫn nại, kiên cường nghiên cứu kỹ thuật diễn đàn: chúng ta hiện ở vào thời kỳ mà “Trào lưu ngụy biện thứ hai” đang vọng về cao trào tu từ cổ điển. Tất cả các giáo phụ đều là những tác gia tên tuổi, nhất là nếu chúng ta đem đặt các ngài vào cái lý tưởng của thời đại họ sống; dầu sao tất cả các ông đã dùng lối văn chương tuyệt phẩm của mình để phụng sự tư tưởng.
Không còn là ngoại lệ nữa, chúng ta hãy nghiên cứu về các biến thể: Thánh Jérôme, chuyên gia khoa ngữ văn thánh và nghiên cứu Thánh Kinh, sẽ học thông thạo tiếng hy-lạp hơn đa số các người đồng thời nói tiếng la-tinh như ông, chẳng hạn như thánh Augustin (nếu thánh Ambroise thành thạo tiếng hy-lạp thì đó là nhờ vào cái ưu thế ông thuộc phái quí tộc). Thánh Jérôme còn có thêm một chiến công họa hiếm nữa là biết tiếng do-thái. Tất cả các nhà văn học đời ấy đều tiếp xúc với triết lý, nhưng giữa các người hy-lạp chỉ có thánh Grégoire thành Nysse là triết gia thực thụ, về bẩm sinh cũng như về văn hóa. Trong hai tước hiệu này thì Augustin giữa các người la-tinh hẳn có quyền giành được tước hiệu thứ nhất, nhưng ơn kêu gọi khác thường làm ông thành một nhà tư tưởng mà không được hưởng thụ một nền giáo dục căn bản tương đương như nền giáo dục của Grégoire. Về phương diện triết lý, thánh Augustin là người tự học.
3/ Tất cả các giáo phụ đã được thấm nhuần đức tin công giáo từ khi lọt lòng mẹ, hoặc là vì toàn thể gia ình của họ đã trở lại, có khi từ mấy thế hệ trước, như trường hợp thánh Basile và anh em của ông, hay ít ra vì bà mẹ là kitô hữu. Cái địa vị mà các bà mẹ công giáo này nắm giứ trong việc giáo dục và bước tiến triển thiêng liêng của mỗi ông nhiều lúc thật lớn lao: Ai cũng biết vai trò của bà thánh Monica đối với thánh Augustin. Chúng ta còn có thể đan cử nhiều ví dụ khác, như mẹ của thánh Ambroise hay mẹ của thánh Gioan Kim Khẩu tức Anthousa, góa chồng từ lúc hai mươi tuổi mà không chịu tái giá, cốt để tận tụy hoàn toàn vào việc giáo dục con của bà. Ðiều này làm cho Libanios ngoại giáo thán phục. Rồi thánh Macrine, chị cả của thánh Basile, đã tận tụy giáo dục em trai là thánh Grégoire thành Nysse. Bà ở bậc đồng trinh và kết liễu cuộc đời trong một tu viện.
4/ Sau khi học xong, hầu hết các ông đã bắt tay vào một chức nghiệp trần tục, đa số làm nghề giáo sư theo đúng số phận dành cho các học trò ưu tú : như trường hợp Basile, hai ông Grégoire, thánh Augustin.
300 350 400
_I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I__I
Q. 295 ____________ 328 ___________ 373
Athanase d'Alexandrie
Q. 329 _____________ 370___________379
Basile de Césarée
330 _______________ 372 ___________390
Grégoire de Nazianze
Q. 332 ____________ 371 _____________ 394
Grégoire de Nysse
345 _____________________________ 399
Evagre de Pontique
Q. 344/354 __________________________ 398-407
Jean Chrysostome
Q. 350 _____________________ 392 ________ 428
Théodore de Mopsueste
Q. 365 _____________________________ 535
Jean Cassien
Q. 354 ______________ 395 ___________ 430
Augustin d'Hippone
Q. 347 _________________________ 419
Jérôme
Q. 339 __________ 374 _______ 397
Ambrosie de Milan
316 __________ 370 __________ 397
Martin de Tours
Q. 305 _______ 366 _________ 384
Damase de Rome
Q. 315 ____ Q. 360 _______ 365
Hilaire de Poitiers
(Trên đây là niên đại lên chức giám mục)
HOÀNG KIM THỜI ÐẠI CỦA CÁC GIÁO PHỤ
Khác lạ có trường hợp của thánh Grégoire thành Nysse và của thánh Théodoret thành Mopsueste. Hai ông này sau khi đã thí nghiệm đời giáo sĩ hoặc đời sống tu viện, lại trở về thế gian: Grégoire thành Nysse, nhà thần học tương lai về đức đồng trinh, đã lập gia đình. Có những trường hợp đặc biệt, như trường hợp thánh Martin, vì là con của cựu chiến binh nên bó buộc theo ngành quân sự, hay trường hợp thánh Ambroise mà gốc sinh ra đã được hướng về những chức phận cao trọng của nền hành chính. Chúng ta sẽ gặp ông lại ông trong chức vụ consularis, nghĩa là chức tỉnh trưởng miền Ligurie, mà Milan là tỉnh lỵ và có hoàng cung, vào dịp ngài được tuyển chọn làm giám mục.
5/ Ngoài những trường hợp bất thường (kể cả trường hợp thánh Augustin rất nổi tiếng trong nghề giáo sư. Trong vòng mười ba năm, nghề này đã thuyên chuyển ông từ Thagaste, thành phố chôn nhau cắt rốn của ông, đến Carthage, Roma và Milan. Suốt thời gian này, ông phải chịu đựng nhiều cuộc biện luận nội tâm, qua trăm nghìn thắc mắc giáo lý. Mãi dần về sau ông mới trở lại với đức tin của tuổi thơ ấu): Giai đoạn thứ nhất trong cuộc đời của họ không kéo dài lâu quá. Nó đã bị gián đoạn bởi một cuộc quy hồi (conversio) theo nghĩa của Pascal, lúc họ nghe và theo đuổi ơn gọi lên bậc toàn thiện. Chính vào lúc này, thường là quãng ba mươi tuổi, người ta thấy họ xin chịu phép rửa tội, điều mà trước kia họ vẫn trì hoãn theo như tục lệ khá thịnh hành đời ấy, vì người ta rất quan tâm đến các đòi hỏi dấn thân của phép Rửa Tội.
Ðối với những người sống trong thế kỷ IV, đời sống toàn thiện thường gặp tại sa mạc: Tất cả các giáo phụ đã ở viện tu trong một thời gian lâu hay chóng và đã thực hiện đời khổ hạnh cách nhiệm nhặt, trong khi tiếp xúc với những vị tôn sư dẫn đàng thiêng liêng. Như trên kia đã thấy, nhiều vị giáo phụ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử chế độ tu trì.
Chỉ có một ngoại lệ của luật chung này, nhưng nó lại rất đặc sắc, trường hởp thánh Ambroise: Ðược phái đến với tư cách là một quan tòa nhân hậu Roma, để vãn hồi trật tự đám quần chúng sôi nổi đang vận động tìm giám mục cho tòa khuyết vị tại Milan, ông khuất phục được dân chúng với một uy tín to lớn đến nỗi mọi người đều nhất trí chọn ông. Ðược dân chúng suy tôn làm giám mục, ông chịu phép rửa tội sau khi được triều đình chấp thuận, và tám ngày sau được truyền chức, bất chấp các khoản giáo luật đã ấn định là không được truyền chức giám mục cho một người ”tân tòng”. Trường hợp Grégoire thành Nysse cũng ngoại lệ: vì có vợ, ông không thể bắt đầu đời viện tu, nhưng sau khi vợ qua đời, ông lại vào tu dòng, lúc đó ông đã làm giám mục từ mười ba năm rồi.
6/ Ðược huấn luyện trong cảnh trầm mặc mà suốt đời các ông vẫn luyến tiếc. Tuy nhiên chỉ sau ba hoặc năm năm ra khỏi đấy và, để đáp ứng lời Giáo Hội kêu gọi, các ông nhận ra hiến thân để từ đây hoàn toàn phục vụ Giáo Hội.
Ðiều đó cũng đúng với thánh Jérôme là người không có chức giám mục và suốt đời ở bậc thầy dòng. Ban đầu ông cũng đã thí nghiệm đời sống biệt tu trong một thời kỳ vắn (374-376) tại sa mạc Chalcis gần Antioche ; sau đấy ông rời khỏi sa mạc để bổ túc nền học vấn theo phương pháp khoa học tại chính Antioche, Alexandrie, Constantinople, rồi ông trở sang Roma là nơi ông giữ một vai trò chủ động bên cạnh giáo hoàng Damase, trước khi rút lui vĩnh viễn, như trên kia đã nói, về nhà dòng của ông tại Bethléem (384-414). Ðược Paulin thành Antioche truyền chức linh mục cho khoảng năm 379. Không bao giờ ông tự coi mình như bị ràng buộc vào một Giáo hội riêng biệt: phải chăng đây là lối tự vệ của một nhà trí thức nặng lòng muốn duy trì tự do trong đường học vấn? Có lẽ thế, nhưng chính các môn ông chuyên chú, phiên dịch, chú giải, bút chiến, cho chúng ta thấy ông vẫn ý thức phục vụ các nhu cầu của Giáo Hội phổ biến, trong bình diện thiên chức riêng của ông, ông vẫn tuân phục cùng một lời kêu gọi đó.
Nếu thực có một ngoại lệ thì đó là trường hợp của Evagre người Pont mà số mệnh đã đi ngược chiều với số mệnh thường gặp. Như chúng tôi đã nhắc đến, ông khởi sự trong hàng giáo sĩ địa phận rồi sau mới vào ẩn thân tại sa mạc Scété. Nơi đây, tính bối rối của ông thúc đẩy ông đi đến cảnh tu trì nhiệm nhặt hơn, ông nhất định không chịu ra mặt để lãnh chức giám mục. Nhưng nào ai có thể liệt vào hàng các giáo phụ cái tâm hồn phiêu lưu, thiên hẳn về tà giáo như thế ?
Theo đúng nghĩa hẹp, các giáo phụ không trốn tránh trách nhiệm. Các ngài đã làm giám mục và là những giám mục tên tuổi, yêu mến và trung thành với Giáo Hội đã cắt đặt họ lên. Ðiều này đúng thực về Grégoire thành Nazianze, mặc dầu đời hoạt động phức tạp của ông đã phản chiếu một tâm trạng hay thay đổi. Cho dù ông đã được bạn ông là Basile giáo chủ Constantinople gọi ông lên chức giám mục với cái biệt hiệu của một làng xứ Cappadoce là Sasimes, chẳng ai biết đến, và cho dù ông có giữ tòa Constantinople ít lâu (379-381), ông vẫn tỏ ra xứng đáng duy trì cái tên đệm mà lịch sử gán cho ông vì ông đã thi hành chức vụ giám mục lâu hơn cả tại Nazianze với tư cách là giám mục phó rồi (năm 374) ông đã lên kế vị cha đẻ của ông là Grégoire cha.
Sau hết hoạt động của các giáo phụ đã diễn ra trên bình diện giám mục, tuy dù đa số có qua một thời kỳ tập sự khá lâu trong chức linh mục. Có lẽ phải trừ trường hợp thánh Gioan Kim Khẩu, đời giám mục của ông vắn vỏi và đầy xao động (398-404, vào cuối đời ông đã bị phát vãng); ông gặp phải tòa Constantinople là nơi có rất nhiều khó khăn. Thành quả mỹ mãn nhất của ông là mười hai năm linh mục ông sống tại giáo hội Antioche, nơi đây ông nổi tiếng về khoa thuyết giáo (386-397).
7/ Dưới đây chúng ta sẽ nói đến các nỗi gay go trong phận vụ giám mục. Nhưng theo khái niệm cổ truyền về giáo phụ, chính là yếu tố văn hóa và đời sống đạo đức chiếm địa vị ưu tiên. Thọat tiên, các giám mục này là những tác gia, những nhà hùng biện (hai phía cạnh trên cũng là một ở thời kỳ mà lời nói còn giữ ưu tiên đối với văn viết), những vị thuyết giáo, những tư tưởng gia về tôn giáo.
Sự nghiệp của các ông thật là vĩ đại và được cụ thể hóa qua một loạt thể văn nhiều đặc trưng: trước hết, văn thuyết giáo bao giờ cũng chồng chất nội dung tín lý và có nhiều dẫn chứng và chú giải Thánh Kinh; có lối chú giải Thánh Kinh thuần túy, diễn giải các sách thánh theo lối khoa học và áp dụng vào đời sống đạo đức; có khoa thần học là môn, ở vào thời kỳ cổ đại và còn trải qua nhiều cuộc tranh luận, thường hiện thân dưới hình thức bút chiến. Rất ít khái luận tín lý được chép ra ngoài mục đích đả kích một tà giáo hiểm độc hay ”bài xích” một người chủ thuyết. Có nhiều thư tín mà chủ yếu là hương dẫn đàng thiêng liêng. Lý thuyết của các ông về đời sống nội tâm, dù là trong một khái luận ex professo, không bao giờ đi quá xa thực tế.
Bản danh mục vắn tắt trên đủ để làm nổi bật những nét chính và tính độc đáo của nền văn hóa kitô ấy, doctrina christiana mà thánh Augustin đã biên soạn thành hiến chương trong một cuốn thủ bản mang cái đầu đề trên, khởi sự năm 397 và ba mươi năm sau mới được chỉnh đốn và hoàn tất. Chính nền văn hóa tôn giáo ấy, xoay quanh đức tin và đời sống đạo đức, mà Giáo Hội từ đây đem cung cấp cho các tín hữu ưu tú, giáo sĩ hoặc giáo dân, tu sĩ hay người thế gian. Chúng ta đừng lầm lẫn về điểm này: trong khi đặt nền tảng cho lối văn chương ấy và làm cho nó nổi bật hẳn lên, nếu các giáo phụ là những người của Giáo Hội (theo đúng nghĩa tân tiến nhất trong tiếng này) thì tư tưởng của các ngài cũng phải được các tín hữu có khả năng nghiên cứu các vấn đề thiêng liêng, chú trọng tới. Không gì xa lạ với cái lý tưởng của tôn giáo tính mới đã hun đúc nền văn minh thế kỷ IV cho bằng ý niệm Trung Cổ về một nền văn minh dành riêng cho hàng giáo sĩ, hoặc lối phân chia tân thời giữa bình diện các giá trị thuần túy trần tục và bình diện dành riêng cho phần linh thánh trong chính lòng văn hóa.