CHƯƠNG VIII
TIẾN BỘ CỦA ÐẠO KITÔ
TRONG LÒNG ÐẾ QUỐC
CHƯƠNG VIII
TIẾN BỘ CỦA ÐẠO KITÔ
TRONG LÒNG ÐẾ QUỐC
Tiến bộ không kém phần quan trọng trong nội địa đế quốc Roma. Từ đời Lactance hoặc đời Eusèbe tới đời thánh Augustin, suốt thế kỷ IV người ta thấy bùng lên một tình cảm hân hoan chiến thắng khắp nơi, khắp nơi ngoại giáo lùi bước, đức tin vào Chúa Kitô trở thành (thực tế đã trở thành rồi) tôn giáo của toàn thể thế giới Roma. Chẳng bao lâu nữa số người không theo đạo chỉ còn lại một nhóm nhỏ; để khuất phục họ, một nền thần học lịch sử nông cạn, vội vàng coi việc thành công bất ngờ này của việc rao giảng Phúc Âm như là một phép lạ. Các giáo dân thời ấy, như hiện nay người ta nói, vẫn có ý thức là họ đi theo chiều hướng lịch sử.
Khúc quặt quyết định đó là việc các hoàng đế trở lại, từ Constantin và các con của ông cho đến Théodose. Còn hơn cả ân huệ của hoàng đế thể hiện ra dưới hình thức xây cất và trợ cấp thánh đường, miễn trừ sưu thuế và dành quyền ưu tiên cho hàng giáo sĩ, có những khoản luật càng ngày càng khe khắt để hạn chế ngoại giáo, và chính gương của hoàng đế được Thiên Chúa cắt đặt để làm chóp bu cho quyền hạ giới mới thật là sự tuyên truyền cho đạo Kitô: Khuynh hướng độc tài trong Ðệ nhị Ðế chế chúng ta đã nói đến, lúc này hoạt động để mang lại ích lợi cho giáo dân; toàn thể xã hội đang đi dần đến tan rã ý thức rõ rệt là thống nhất phải được hiện thân dưới hình thức thống nhất tôn giáo, và những lý lẽ trước kia, dưới đời Dioclétien, đã biện hộ cho các thần của Roma cổ thì lúc này quay cả vào để phụng sự tôn giáo mới.
I. TÂY PHƯƠNG LATINH.
Vào những các năm 400-410, Giáo hội đã ăn rễ chặt vào hết các tỉnh của đế quốc. Bước tiến bộ này biểu hiện rõ nhất tại Tây phương la-tinh là nơi, như ta đã thấy, còn bao nhiêu cái phải làm vào đầu thế kỷ. Chẳng hạn tại miền bắc Ý, khoảng năm 300 mới chỉ có độ năm hay sáu tòa giám mục: Ravenne Aquilée, Milan... Khoảng năm 400 thì người ta đã đếm được tới năm chục tòa, nghĩa là trong thực tế, hết mọi đô thì khá lớn đều có giám mục.
Tại miền Gaule cũng vậy; năm 314 người ta mới thấy có hai mươi hai tòa giám mục, thế mà vào cuối thế kỷ đã có bảy mươi và, cũng như ở Ý, hệ thống giáo phủ bao trùm khắp xứ Gaule.
Chúng tôi không có đủ tài liệu để xác định tương tự cho miền Tây Ban Nha. Nhưng tại đây việc thiết lập Giáo Hội cũng nằm dài từ Andalousie và bao trùm trên hết bán đảo. Cứ xem con số các giám mục đã đóng góp trong những vụ tranh chấp Ba Ngôi thời ấy, đủ biết nền Kitô giáo ibêríc đã sống động từ lúc này. Người ta thấy các giám mục miền này có mặt trong hết mọi khuynh hướng thần học, từ phía tả thiên về Arius với Potamius, giám mục tiên khởi Lisbonne, cho tới phe cực hữu của Lucifer de Cagliari với Grégoire thành Elvire, nhà giảng thuyết nổi tiếng. Với đại nhân Ossius thành Cordoue còn phải kể đến thầy phó tế Calcidius, người đã dịch và giải nghĩa cuốn Timée của Platon. Vào cuối thế kỷ, chúng ta gặp Pacien thành Barcelone, nhà thần học về thống hối.
Có sự kiện đặc thù xuất hiện tại Tây-ban-nha là tà thuyết Priscillien rất độc đáo. Bởi lẽ tà thuyết, sản phẩm phụ của óc sáng tạo thần học, bao giờ cũng là một triệu chứng của sức hoạt động. Tuy rất khó định nghĩa được tà thuyết này (tân ngộ đạo, thiên khải luận, bốc thơm khổ hạnh?), nhưng quan sát sức tàn bạo của những phản ứng nó gây ra cũng đủ biết đó là thuyết hệ trọng. bị hai công đồng Saragosse (380) và Bordeaux (384) ra vạ, người khởi xướng ra nó, Priscillien, đã bị hoàng đế tiếm vị là Maxime lên án và bị xử tử tại Trève năm 385. Ông là người tà giáo thứ nhất bị thế quyền xử tử.
Làn sóng kitô đến tấn công tận biên thùy Ðế quốc: hình như tại quận bá tước Cumberland hiện nay, nhưng hơi chếch về phía nam tường thành Hadrien một chút, thánh Patrice đã ra chào đời khoảng năm 389. Ngài là tông đồ tương lai của miền Ái Nhĩ Lan, xuất thân từ một gia đình Roma-Breton, theo đạo Kitô từ ít nhất đã hai thế hệ (cha của ngài là phó tế, ông của ngài là linh mục).
Về phía lục địa, nhiều bản văn và những di tích kỷ niệm làm chứng rằng đạo Kitô đã có mặt và hoặt động ráo riết từ cửa sông Rhin cho đến cửa sông Ðanube, và dọc theo hai sông này là những sông, từ thế kỷ III, lại đánh dấu bờ cõi thế giới Roma: chẳng hạn ở Xanten là nơi từ cuối thế kỷ IV đã phát triển lòng sùng kính thánh tử đạo Victor, nhờ đấy mà Colonia Trajana đã nhận được cái tên mới hơn (Xanten, ad Sanctos), chẳng hạn như ở Bonn, ở Cologne, Mayence, Worms, Spire... Phía sau, trên sông Moselle, thì Trèves dùng làm cung điện nhà vua từ đời Constantin cho đến đời Maxime, là trung tâm Giáo Hội của các xứ miền sông Rhin này.
Trên bờ sông Danube cũng thế, như ở Ratisbonne, Passau, Lorch, Carnuntum ở phía đông thành Vienne, Aquincum (Buđa) v.v., cho tới các tỉnh la-tinh ở phần đất liền, Hy Lạp ở miền duyên hải thuộc tỉnh tiểu Scythie (Dobrogea). Về phương diện tôn giáo và hành chính thì thành Sirmium trên sông Save cũng tương đương như Milan và như Trèves trên sông Danube.
Các điều nói trên chỉ ứng dụng cho Tây phương la-tinh là nơi phong trào phúc âm hóa còn chậm tiến và cần phải được bồi bổ ngay. Nhưng sức tiến bộ truyền giáo không kém phần khả quan tại Ðông phương hy-lạp: Nhan nhản các nơi đều có tòa giám mục, nhiều nơi dân chúng trở lại từng loạt, nhiều tỉnh từ trước đến nay, về phương diện đời sống Giáo Hội cũng như về mức độ văn minh, mới chỉ đóng một vai trò mờ nhạt, đã được nâng lên hàng đầu. Chẳng hạn ở giữa lòng Tiểu Á, vào hậu bán thế kỷ IV, tỉnh Cappadoce cung cấp cho giáo hội một loạt giám mục tên tuổi thuộc số nhà thần học trứ danh.
Tuy nhiên phong trào cải đạo của toàn thể các dân Roma chưa tới mức hoàn bị vào các năm 400-410: Trong hết mọi miền của Ðế quốc vẫn còn gặp thấy một thiểu số ngoại giáo khá quan trọng tùy nơi, họ cương quyết không tòng phục tôn giáo mới. Về điểm này việc phân tích địa lý phải nhường lời cho khoa xã hội học: Nền ngoại giáo sống sót này là thực tại của hai giai cấp xã hội, một bên là phái nông dân, một bên là giới quí tộc và trí thức.
II. CÔNG CUỘC TRỞ LẠI CỦA NÔNG THÔN
Một điều chắc chắn là không phải toàn thể các người ở thành phố đều đã trở lại hết. Vào cuối thế kỷ và nhờ ở sự yểm hộ càng ngày càng gia tăng của hoàng luật, nếu các giáo dân có chiếm cứ những đền miếu còn sầm uất, thì đa số là cốt để phá hủy chúng đi. Việc này đã không dễ dàng gì và nhiều khi phải huy động đến võ lực: Chẳng hạn như việc chiếm cứ đền trứ danh Sérapéum thành Alexandrie năm 389, như việc giám mục Porphyre thành Gaza tiêu hủy đền thành hoàng Marnas cùng bảy đền khác vào năm 402 (miền Phénicie vẫn còn là một căn cứ hậu cần của nền ngoại giáo. Khoảng năm 406, thánh Gioan kim khẩu đã phái đến đấy một đoàn truyền giáo và gây lên nhiều phản ứng mãnh liệt). Tại Tây phương thì năm 399 có trường hợp đền Juno Caelestis thành Carthage... Nhưng gay go vẫn là việc bài trừ dứt khoát những vụ cúng tế ngoại giáo còn khá phổ biến, và hoàn tất công trình kitô hóa. Tại thôn quê phong trào kitô hóa vẫn còn chậm chạp.
Ða số dân thôn quê mới chỉ được ảnh hưởng sơ sài của việc bành trướng nền văn hóa cổ, vì hiện tượng này thoạt tiên diễn ra tại thành phố. Về cốt lõi, đời sống tôn giáo của họ được dinh dưỡng bởi một căn bản cổ xưa từ các tín ngưỡng cha truyền con nối, đã ăn rễ rất lâu đời trong quá khứ, có lẽ từ thời kỳ đồ đá: Việc thờ cúng các sức mạnh thiên nhiên, cụ thể hóa qua những nghi thức cổ truyền, thường được liên kết với những nơi người ta cho là có cái gì linh thiêng, như núi, rừng hoặc cây thánh, giếng thần.
Dưới ảnh hưởng Hylạp hay Roma, các tín ngưỡng ấy thường khoác lấy cái mặt nạ mượn từ đa thần giáo chính thức nhưng mang những tên khác nhau, như Saturne (tại Phi-châu) hay Mercure (tại Gaule), như Artemis hay Cybèle, hết thảy đều là dư âm của thứ tôn giáo cổ xưa. Trong lúc nền ngoại giáo cổ điển hầu như mất dần cái bản thể theo đà tan rã Hylạp và trước việc nảy nở thứ tôn giáo tính mới, thì chỉ còn có cái căn bản cũ sống động đôi chút. Thực tế, các vị truyền giáo mà chúng ta theo dõi hoạt động trong mấy chục năm cuối thế kỷ thứ IV đã tấn công vào chính cái căn để này, lúc phong trào Phúc Âm hóa, trước kia còn hãn ngữ tại thành thị, nay dứt khoát tấn công vào các miền thôn quê.
Ở đâu cũng gặp những vấn đề giống nhau, cũng thấy áp dụng những phương pháp tương tự, vì thế bài tường thuật các chiến công này rốt cục sẽ thành một lối nhai lại về thánh nhân liệt truyện: Ở đâu cũng có truyện ”hạ bệ tượng thần, đốn chặt rừng thánh, thiêu rụi chùa miếu, xây cất, nhiều khi là trên cùng một địa điểm ấy, nhà thờ hay nhà nguyện, dựng bàn thờ lên tại chỗ và làm phép rửa tội cho đại chúng... (17)”.
Vị truyền giáo có tên tuổi hơn cả trên đất Gaule là thánh Martin thành Tour (370/2 - 397). Hiện tượng này tương tự như hiện tượng thánh Antôn. Ông được thanh thế một phần lớn là nhờ ở một biến cố văn học, đó là thành tích gặt hái được do những văn kiện của Sulpice Sévère (397-403/404) người chép tiểu sử ông. Các văn kiện này tường thuật lại việc ông đi rao giảng phúc âm tại những quận đồng quê trong giáo phận, mặc dầu lắm lúc gặp sức đối kháng khắt khe của các dân làng: Muốn phá hủy một tượng thần, nhiều lần ông phải dùng đến uy tín và phép thần thông để yểm hộ lời giảng. Một khi người ta đã trở lại, còn phải kéo dài và ổn định các hiệu quả. Có lời truyền lại rằng thánh Martin đã sáng lập được sáu họ đạo nông thôn, đa số ở chung quanh địa hạt giám mục của ông.
Khác với điều chúng ta đã gặp thấy tại Ai-cập, tại Phi-châu và tại bắc Ý, các giáo phận miền Gaule (và miền bắc nước Ý) còn quá rộng lớn nên nhà thờ giám mục tại thành phố không thể thỏa mãn hết nhu cầu phụng vụ cho toàn thể dân chúng kitô được. Phong trào kitô hóa các miền thôn quê thúc đẩy đến việc thành hình những họ đạo nông thôn và làm chúng phát triển theo từng đợt vì mãi về sau mới thiết lập nổi hệ thống (nguyên trong giáo phận Tour, các vị kế nhiệm thánh Martin phải theo đuổi cố gắng của ông trong vòng ba thế hệ), và nền tự trị của họ đạo theo giáo luật cũng dần dà mới thực hiện được. Hình như các họ đạo này thường được thiết lập tại những làng lớn hoặc ở các trung tâm khác trong miền, trung tâm hành chính, thương mại hay tôn giáo. Hơn một lần nhà thờ kitô đã thay thế đền miếu ngoại giáo, thế nên việc gia nhập đạo Kitô không cắt quảng dòng liên tục của đời sống trong nước. Nhưng thánh Martin không phải là một trường hợp lẻ loi: chúng ta nắm được những bằng chứng về hoạt động giống hệt như thế của nhiều giám mục khác vào cùng thời kỳ, chẳng hạn như hoạt động của thánh Victrice thành Rouen, là tông đồ của xứ các người Morins và Nerviens (gọi là miền Flandre), như hoạt động của thánh Simplice thành Autun hoặc hoạt động của thánh Vigile thành Trente, ở miền núi Alpes juliennes. Tại đây, năm 397 một phái đoàn gồm ba giáo sĩ do thánh Vigile phái đến thung lũng Non đã bị tử đạo từ tay các người nhiệt tín miền núi.
Những vấn đề tương tự được đặt ra, những phương pháp giải đáp cũng giống như vậy tại miền Hylạp, nơi đây phong trào Phúc Âm hóa đã bắt đầu trước và xúc tiến hơn ở Tây phương, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Thực ra, cho dù đã khởi đầu vào các năm 400-410, công việc chưa có gì gọi là hoàn tất và còn phải tiếp tục trong thế kỷ sau.
Vào cùng những năm 380-390, chúng ta gặp thấy một người trùng tên với thánh Martin ở tít tận phía bên kia thế giới Roma trong con người của tu sĩ Jonas. Ông này cũng là một cựu chiến binh nhưng thuộc dòng giống Arménie và là thủy tổ của nhà dòng Halmyrissos ở phía tây thành Constantinople. Trong hạnh tích thánh Hypatios, môn sinh ông, có chép rằng: ”Mỗi khi ông được tin ở đâu người ta thờ một cây hoặc một đồ vật khác tương tự, ông lập tức cho kéo cả đoàn tu sĩ môn sinh tới, và sau khi đã chặt cây ấy, ông đốt nó đi, thế là dần dà dân chúng trở thành giáo dân. Thật ra đức thầy Jonas, cha linh hướng của Hypatios, đã văn minh hóa miền Thrace theo đường lối ấy, và làm cho dân chúng miền ấy trở thành kitô hữu (18)”.
III. PHÁI QÚY TỘC VÀ NHỮNG NGƯỜI VĂN NHÂN.
Ở đầu cùng phía kia trong bậc thang xã hội, chúng ta gặp thấy những gia đình đại điền chủ là giới theo thường lệ vốn cung cấp đa số công chức cao cấp cho Ðế quốc. Mặc dầu mới tấn phát lên (một số lớn mới phát sinh từ các biến động xã hội trong thế kỷ III), các gia đình này tự cảm thấy có liên đới và muốn dây phần về cái di sản lịch sử quá khứ của Rôma (gia đình bên ngoại bà thánh Paule, một trong những con thiêng liêng của thánh Jérôme, chủ trương là họ thuộc dòng tộc nhà Scipions và Gracques) và trong các truyền thống, họ vẫn theo nền ngoại giáo là quốc giáo ngày trước. Càng nhận thấy cái di sản kia bị đe dọa và mất dần bản chất trong tiến trình lịch sử thì người ta lại càng kính cẩn bám víu vào các truyền thống này.
Ðây là trường hợp riêng của các giới nghị sĩ. Sau khi đã bị các hoàng đế bỏ rơi, thành Rôma cổ về phương diện hành chính chỉ còn địa vị của một thị xã hay cùng lắm là đại diện cho miền. Dọc suốt thế kỷ IV, chúng ta có cảm tưởng là giới này ngấm ngầm chống đối đường lối chính trị của các hoàng đế kitô. Phong trào đối lập này công khai bùng nổ từ năm 379, lúc hoàng đế trẻ tuổi Gratien từ chối không chịu mang tước hiệu là Tư tế trưởng (Pontifex Maximus) theo kiểu các vị tiền nhiệm mà bắt đầu là Auguste, và tách lìa ngoại giáo ra khỏi chính phủ. Các nghị viên ngoại giáo phản kháng việc dẹp bỏ bàn thờ chiến thắng vốn trang bị và thánh hóa phòng hội (382 ; vấn đề này sẽ lại được nêu ra vào các năm 384, 389, 392, 402,403). Chúng tôi có tài liệu rành mạch về giới nghị sĩ của các năm 380: giới này lại được đề cập tới ở thế hệ sau trong cuốn Saturnales của Macrobe, một bằng chứng khác về sức chống đối trường kỳ của nền ngoại giáo.
Chính vì biết rõ giới này, tường tận đến độ có thể dựng lại gia phả của họ, chúng ta có thể theo dõi mức xâm nhập dần dà của đạo Kitô vào giới này là giới đã giữ óc đố kỵ lâu đời. Bởi vì đến lượt, giới này cũng phải nghiêng theo. Chẳng hạn như gia đình quý tộc Coeionii Albini: các nữ tu thánh thiện do thánh Jérôme hoặc bạn của ông là Rufin linh hướng, như bà thánh Marcella và bà thánh Paule (cũng gọi là các thánh nữ Mélanie), là bà con hoặc có thông gia với gia đình quí tộc ấy. Những cuộc trở lại đầu tiên, thực hiện vào giữa thế kỷ, gồm các bà Marcella, Asella em của bà. Nói chung giới nam vẫn còn ở lại ngoại giáo như ông chú của các bà này kết duyên với một bà vãi của thần Isis; trái lại, một người anh em họ của các bà tức nghị viên Pammachius, đã thành kitô hữu, rồi thành đan sĩ. Ðến thế hệ sau, giới nam chấp nhận kết hôn với phụ nữ giáo dân và nhờ có các bà này, tôn giáo mới thích ứng rất nhanh. Bởi vậy, từ năm 400 trở đi Kitô giáo nắm giữ ưu thế: chỉ các người trưởng nam đầu ngành còn giữ truyền thống của ông cha một thời gian nữa thôi. Nhưng tất cả các người chung quanh của họ, bà con, thông gia, bạn hữu lúc này đã trở lại Kitô giáo cả, và chính các ông, lúc đã về già hay trên giường hấp hối, cũng xin chịu phép rửa tội.
Việc kháng cự của các nghị viên ngoại giáo thành Roma có tính cách trí thức. Vì nền học vấn uyên thâm cũng là thành phần trong các truyền thống của phái quí tộc. Các vị lãnh tụ của giới này thường là những văn gia, họ đón nhận và gợi hứng cho các văn nhân ngoại giáo la-tinh cuối cùng: cùng với Prétextat, Symmaque, Nicomaque, Flavien, Rutilus Numatianus, còn phải kể thêm ngữ pháp gia Donat, sử gia Ammien Marcellin, các người bí mật ngụy tạo ra cuốn Tiểu sử Auguste (trừ phi họ thuộc vào thế hệ sau).
Cùng trong chiều hướng ấy, tại miền nói tiếng Hylạp, nền ngoại giáo duy trì những pháo đài cuối cùng giữa các giới trí thức, bất luận họ là những triết gia tân Platon (các môn sinh và những người kế nghiệp Jamblique, qua đời năm 330, vẫn khăng khít liên minh với nền ngoại giáo và cả với những hình thức ít lý trí hơn cả của nó) hay những người truyền bá khoa ngụy biện, những giáo sư tu từ học và những nhà diễn giả hoa mỹ, như Himérios tại Athènes, Thémistios tại Constantinople là nơi ông đã được nhiệt liệt tán tụng, như Libanios tại Antioche (lần lượt qua đời vào các năm 386, 388, 393).
Thế nhưng giới này dù bướng bỉnh đến thế, cũng bắt đầu đón nhận Phúc Âm: Himérios có người đồng nghiệp và là đối thủ tại Athènes, trung tâm đại học sống động nhất thời ấy, là Prohairesios, một giáo dân đầy xác tín. Khoảng năm 355, người la-tinh đồng môn của họ tại Roma, nhà tu từ học trứ danh, Marius Victorinus, cũng cải đạo lúc về già, một tuổi già còn đầy nhiệt huyết. Vì thế ông chuyên nghiên cứu thần học để phụng sự đức tin. Ba mươi năm sau, mùa thu năm 386, một giáo sư thời danh khác, cũng xuất xứ từ Phi châu như ông, đó là giáo sư tu từ thực thụ tại thành phố Milan cũng lại theo chân ông trở lại Kitô giáo: đó là thánh Augustin.
Mối liên hệ hữu cơ giữa ngoại giáo và nền văn học cổ điển đã phải rất dàn dà mới tháo gỡ xong: Ðiều này sẽ nhận thấy rõ ràng trong trường hợp nổi bật của hoàng đế Julien. Người ta biết những động lực tiêu cực nào đã làm ông xa cách kitô giáo: Ðối với một kẻ sống sót về vụ tàn sát năm 338 trong đó ông thấy cha, chú, anh em họ hàng, bị thiệt mạng thì đây là tôn giáo của những người đã giết bà con ông, tôn giáo của những người bách hại ông và của các giám mục. Các người của Giáo Hội ông lui tới là những vị giám chức triều đình như Eusèbe thành Nicomédie, người bà con xa và là người giám hộ đầu tiên của ông, hay những nhà thần học trừu tượng như Aèce, thuộc khuynh hướng tha tính, đã nhận ông từ tay César Gallus, anh cùng cha khác mẹ của ông, trách nhiệm giáo dục ông.
Nhưng nếu nghiên cứu những lý do tích cực đã lôi cuốn ông vào nền ngoại giáo, chắc chắn là tại khá lâu trước khi ông bắt gặp thuyết tân-Platon và bị những người bịp bợm của thuyết ấy làm mê hoặc. Ông đã khám phá vẻ huy hoàng trong nền văn học cổ điển mà người hướng dẫn ông, hoạn quan Mardonios cũng là kitô hữu, đã cho ông thấy trong vòng sáu năm lúc ông bị phát vãng tại pháo đài Macellum: Trường hợp bội giáo của Julien là thí dụ đầu tiên sử gia kitô giáo gặp thấy (còn nhiều vụ khác sẽ xảy ra vào thời tân tiến hay cận đại) trong các phong trào phục hưng tân-ngoại giáo, mà việc khám phá ra nền văn chương và mỹ thuật thời cổ đại đã nhiễm truyền sang. Ðối với Julien, Kitô giáo, đạo của các ngư phủ xứ Galilée, là một tôn giáo dã man, đáng khinh bỉ trong tư cách một tôn giáo, nếu đem so sánh với nền ngoại giáo đã có những văn kiện cao thượng từ đời Homère.