CHƯƠNG VII
CUỘC BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO
BÊN NGOÀI THẾ GIỚI ROMA
CHƯƠNG VII
CUỘC BÀNH TRƯỚNG
CỦA KITÔ GIÁO
BÊN NGOÀI THẾ GIỚI ROMA
Các cuộc phát triển trên kia dẫu có đa dạng và phong phú, chế độ tu viện vẫn còn là một hiện tượng nội tại của Giáo hội. Ðang khi Giáo Hội vừa không quên thiên chức của mình tức là tôn giáo phổ biến, vừa không quên sứ mệnh truyền giáo. Thực ra các năm từ 310 đến 430 đã cho ta chứng kiến những bước tiến lớn trong phong trào phúc âm hóa thế giới. Không nên lầm lẫn ngày tháng: đây chưa phải là một cuộc truyền giáo có tổ chức chính thức, điều khiển từ trên bởi giáo quyền (về điểm này phải đợi tới năm 596, đời thánh Grégoire cả và đoàn truyền giáo ngài phái đến với các người Anglo-Saxon). Vào thế kỷ IV, phong trào truyền giáo có nhiều điểm bộc phát hơn và, có thể nói được là tổng quát hơn. Tuy nhiên ta còn thấy, những kết quả rầm rộ nhất vẫn là do sáng kiến cá nhân quyết định trong những hoàn cảnh rất khác nhau.
Về điểm này, một đoạn văn của Eusèbe thành Césarée đáng ta đọc lại và nghiền ngẫm. Trong bộ Sử ký Giáo Hội của ông, ông đặt xen đoạn này vào bài tường thuật các điều ở đầu thế kỷ II. Nhưng ta phải coi đấy như một bức họa đã được lý tưởng hóa về phong trào truyền giáo nói chung mà Eusèbe hình dung ra bằng cách quan sát các điều đang xảy ra trước mắt vào thời đại ông, trong vòng ba mươi năm đầu thế kỷ thứ bốn. Ông viết: ”Vào thời kỳ ấy nhiều giáo dân cảm thấy tâm hồn mình được Ngôi Lời Thiên Chúa thúc đẩy sống bác ái cao độ để vào đường trọn lành. Họ bắt đầu thực thi lời khuyên nhủ của đấng Cứu Thế bằng việc phân phát của cải cho kẻ khó nghèo. Rồi từ bỏ quê hương, họ đi chu toàn sứ mệnh của người truyền giáo, với nguyện vọng giảng dạy cho những người chưa hề nghe nói đến đức tin, và truyền đạt cho họ các sách Tin Mừng của Thiên Chúa. Họ chỉ dụng tâm thiết lập các nền tảng đức tin trong một xứ xa lạ, rồi họ cắt đặt những người chăn chiên khác, và ủy nhiệm cho các ông này việc săn sóc những người họ mới chinh phục về với đức tin. Sau đó họ lại trẩy đi các miền khác và quốc gia khác mang theo ân điển và sức yểm trợ của Thiên Chúa”... (15).
Trước tiên chúng ta ghi nhận những bước tiến bộ đã thực hiện được bên ngoài Ðế quốc Roma.
I. TẠI ÐẾ QUỐC SASSANIDE
Chúng ta đã thấy giữa các Giáo Hội ngoại bang, Giáo hội ăn rễ chặt chẽ vào đầu thế kỳ IV là Giáo hội của người Syrie phương Ðông tại miền Mésopotanie Sassanide. Giáo hội này phát triển dọc suốt thế kỷ IV, mặc dầu các điều kiện chính trị cứ càng ngày càng gây khó dễ. Bị chủ quyền Iran nghi kỵ như những người phá vỡ thống nhất tôn giáo giữa các thần dân vì lẽ theo tôn giáo ngoại lai. Giáo dân còn bị ngờ vực hơn nữa kể từ lúc, với cuộc thái bình của Giáo Hội và việc hoàng đế trở lại, đạo Kitô được coi như tôn giáo chính thức của đế quốc Roma. Chúng ta còn nắm được một văn bản bức thư Constantin gửi cho vị đồng chức ở bên kia sông Euphrate, vị ”Vua trên hết các Vua”, căn dặn ông nên có thái độ nhân hậu đối với các kitô hữu (16). Không rõ bản văn này thực hư như thế nào, cũng không chắc là Constantin đã vận động theo chiều hướng ấy, nhưng điều đó không cần thiết để biết rằng: các cộng đồng kitô này, đối với vua Sassanide, là như đoàn quân thứ năm phục vụ Roma ngay trên lãnh thổ Ba Tư.
Hơn nữa, thế kỷ này lại chứng kiến chính thể lâu dài của Shaphuh II (309-379), một trong những vua tên tuổi của hoàng triều, một vua thuần túy Sassanide, và là đối thủ tàn nhẫn của Roma. Ông quyết tâm coi đạo Mazdé là quốc giáo. Suốt thời kỳ thứ hai của triều đại ông, kể từ năm 339-340, thiểu số kitô bị ông bắt bớ tàn nhẫn. Cuộc bắt đạo này có ý tiêu diệt một cách phương pháp cái cơ cấu của Giáo hội bằng việc tấn công riêng những phần tử của hàng giáo sĩ, những người đàn ông, đàn bà đã khấn sống bậc đồng trinh. Ba người trọng nhiệm tại tòa giám mục Séleucie-Ctésiphon đã kế tiếp nhau chịu tử đạo. Sau đó tòa trung ương này bị trống ngôi trong gần bốn mươi năm (phỏng chừng các năm 348-388).
Bị càn quét dữ dội, Giáo Hội ”Ba-Tư”, để tồn tại, đã phải tựa vào những cộng đồng nói tiếng Syrie được thành lập từ lâu đời, đang phồn thịnh tại những miền thượng Mésopotamie và thần phục quyền Roma (từ năm 297 và sau các cuộc chiến thắng của Galère, biên giới của đế quốc đã tiến sang tới bên kia sông Tigre). Cần nhấn mạnh địa vị phong phú khác thường mà trường phái của các người Ba-tư đã nắm giữ, trường phái này lúc đầu đặt tại Nisibe, rồi năm 363 rút về Edesse sau khi Julien bội giáo, bại trận. Trường này nổi danh đặc biệt là nhờ công cuộc giáo huấn của thánh Ephrem (khoảng 306-373).
Ðây là một sáng kiến độc đáo qui tụ những đặc tính của chủng viện cho giáo sĩ và của trường đại học kitô. Trong đế quốc Roma, Kitô giáo giống như đã được tháp vào cây hùng tráng là nền văn hóa cổ điển, và có thể trưng dụng những tiện ích của các trường học đời như trường hy-lạp và la-tinh, vì chỉ có hai trường đó thôi. Tại miền Mésopotamie Do Thái, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện một loại cao đẳng giáo huấn, được tổ chức để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội. Hình thức giáo dục này, xử dụng tiếng bản xứ, đã góp phần để khuếch trương một nền văn hóa quốc gia.
Một khi đã qua cơn giông tố, chính một giám mục miền biên giới này là Mârutâ thành Maipherqat, đã điều khiển việc chấn chỉnh Giáo Hội Ba Tư. Là nhân viên của nhiều tòa đại sứ Roma bên cạnh Yezdegerd I (399-420) là người kế vị thứ bốn của Shapuh II, ông được Yezdegerd đón tiếp rất nồng hậu. Có lẽ vì vua đang bận tâm chống đối những lấn át của hàng giáo sĩ Mazdé, nên vua quyết định áp dụng một chính sách khoan hồng đối với các thần dân kitô. Nhờ vậy, Mârutâ đã triệu tập được tại Séleucie, năm 410, một công đồng gồm chừng bốn mươi giám mục. Công đồng này long trọng chấp nhận các quyết định tín lý và kỷ luật của công đồng Nicée, như vậy công đồng thắt chặt mối thông hiệp với giáo hội phương Tây”. Ngoài ra, giám mục Mârutâ còn thiết lập trật tự và hàng giáo phẩm trong toàn thể Giáo Hội Batư: mỗi xứ đạo có một nhà thờ, mỗi địa phận đều có giám mục, mỗi tỉnh có một tổng giám mục; đứng đầu trên toàn quốc gia, có ”đại giáo chủ và như thủ lĩnh các giám mục”, tức Tổng Giáo Chủ Séleucie-Ctésiphone. Mãi về sau, vào khoảng các năm 421-456, ông này mới nhận được tước hiệu là katholikos. Ðược phục hồi như thế, giáo hội của đế quốc Ba-Tư đã tự chuẩn bị để đối phó với những cuộc bắt đạo mới thế kỷ V, còn trong lúc này vẫn tiếp tục hoạt động truyền giáo. Ngay từ năm 410, người ta thấy Giáo Hội Batư đã thiết đặt các giám mục cho tới tận các đảo Bahrein trong vịnh Batư và tại miền Khorassan về phía Trung Á. Ðược biết sức cố gắng này đã biểu dương tại suốt lục địa châu Á mênh mông để cuối cùng đã lan tràn tới nước Trung Hoa vào thế kỷ VII.
II. MIỀN ARMÉNIE
Từ đầu thế kỷ IV, một giáo hội ngoại biên thứ hai đã bắt đầu phát triển ở phía bắc giáo hội nói trên: Giáo Hội Arménie. Là nguyên nhân bất hòa giữa hai đế quốc lớn Rôma và Iran trong nhiều thế kỷ, miền Arménie không lúc nào thoát được ảnh hưởng, có khi là chế độ bảo hộ, của một trong hai đế quốc trên. Cuộc trở lại kitô giáo của miền này đáng được nhắc đến với ít nhiều tiểu tiết vì nó cho thấy nhiều đặc trưng mà chúng ta sẽ gặp thấy ở nơi khác: Ðây là công trình của một người, một vị đại nhân, thánh Grégoire Thần Thông.
Sinh từ một dòng giống quí phái, có họ hàng với hoàng gia ngày trước, ông bị phát vãng, được rửa tội, được huấn luyện vào đời sống kitô, trên lãnh thổ Roma, tại Césarée miền Cappadoce. Sau này ông lại trở về đây để chịu chức. Trở về Arménie, ông thành công trong việc làm cho vua Tiriđate trở lại đạo, có lẽ vào các năm 280 hay 290. Phát xuất từ vua và từ phái quí tộc, tôn giáo mới lan tràn mau chóng giữa toàn thể các dân tộc. Hàng giáo sĩ ngoại giáo, lúc đầu còn hiềm tị, đã trở lại toàn bộ và vẫn giữ được niên bổng lãnh thổ dồi dào. Giáo Hội Arménie cũng được tổ chức chặt chẽ chung quanh một tòa trung ương mà dĩ nhiên do thánh Grégoire quản nhiệm, và sau ngài đến dòng tộc ngài (giáo hội này không áp dụng chế độ độc thân, ngay giám mục cũng vậy).
Một cuộc trở lại mau chóng như thế không tài nào tránh khỏi những hậu quả không tốt. Ðôi khi người ta thấy tái hiện những tập tục ngoại giáo, những vụ tranh chấp giữa vua và vị katholikos, lúc bởi lý do luân lý, lúc bởi lý do chính trị. Nếu Tiriđate coi việc gia nhập đạo công giáo như một phương thế để tách khỏi phái Sassanide, thì nhiều lúc, người ta lại sợ ông vì đấy mà liên kết quá chặt chẽ với hoàng đế cũng là kitô hữu, tại Constantinople. Nhưng càng đi xa vào thế kỷ IV, đời sống kitô càng ăn rễ sâu vào dân tộc Arménie. Những bước tiến bộ này là kết quả đặc biệt nhờ sự hoạt động bền bỉ của các vị giám mục tên tuổi như Nersès (364-374) và Shahak (390-420/439). Các ngài đã thúc đẩy đến mức trưởng thành công trình mà thánh Grégoire đã khởi sự. Thánh nhân là ông tổ hai hoặc ba đời của các ngài.
Năm 365, Nersès đã triệu tập tại dinh thự ở Ashtishat, một công đồng toàn quốc thứ nhất để phác họa cho giáo hội non trẻ này các khoản kỷ luật cần thiết. Dưới đời Shahak, vào các năm đầu thế kỷ V, nhà bác học Meshrop đã mang lại cho tiếng nói Arménie một bản tự mẫu độc đáo, làm cho tiếng nói này thành một ngôn ngữ văn hóa, văn hóa quốc gia nhưng nhất là văn hóa kitô. Ông dịch Kinh thánh, các điều chú giải và những tổng luận giáo phụ, sau cùng và nhất là dịch phụng vụ ra tiếng Arménie. Từ đây, giữa quốc gia và giáo hội Arménie đã có một sự phối hợp, tạo nên sức mạnh để đương đầu nổi với mọi hình thức tấn công trong nhiều thế kỷ. Chẳng hạn, từ năm 450 trở đi, vua Ba Tư là Yezdegerd II, muốn theo đường lối các vị tiền nhiệm tên tuổi như Shapuhz I và II, định tâm phổ biến thuyết Mazdé và tìm cách liên đới nước Arménie vào thuyết ấy, nhưng thất bại.
III. CÁC XỨ MIỀN CAUCASE
Chúng ta thấy, tại các giáo hội phương Ðông này, việc phát triển Phúc Âm liên kết với đà tiến triển văn hóa, với việc thăng tiến ngôn ngữ và tinh thần quốc gia như thế nào. Lúc đạo kitô tiến về phía đông bắc Arménie và bắt tiếp xúc với Albanie miền Caucase (hiện nay là Azerbaidjan), cũng ông Meshrop ấy ít lâu sau đã hoạch định ra bản mẫu tự khác để viết tiếng bản xứ và xử dụng nó trong việc phục vụ Giáo Hội.
Chúng ta lại gặp những hiện tượng tương tự tại một tâm điểm kitô khác xuất hiện một cách độc lập. Lần này là phía tây-bắc Arménie, giữa dân tộc mà người thời cổ gọi là dân Ibères, miền Géorgie ngày nay. Cũng như nước Arménie, miền này không lúc nào ngớt bị tranh dành giữa ảnh hưởng hoặc bảo hộ, từ phía người Roma (297-370) hay từ phía người Iran (363-378).
Việc trở lại đạo lần này là công trình của một phụ nữ. Không chắc chắn lịch sử đã giữ đúng tên bà, nhưng dân chúng sùng kính bà dưới danh hiệu là thánh nữ Nino, rất có thể là bởi chữ ”nonne” (bà dòng), hay là thánh Christiana, ”bà công giáo”. Ðây là một người nữ tỳ, bị quân cướp bắt trong lúc những người man ri đi càn quét tại một miền thuộc Roma. Bà được giao cho một hoàng gia xứ Géorgie, nơi đây bà chiếu tỏa lòng đạo đức và chữa được nhiều bệnh tật nhờ lời cầu nguyện. Một khi vua Mirian trở lại đạo, có lẽ vào năm 330, thì toàn dân dĩ nhiên cũng theo. Người ta xin Constantinople phái đến một giám mục và mấy linh mục. Thế là một Giáo Hội được tổ chức và không bao lâu đã thành tự trị. Tại đây cũng lại một bản mẫu tự riêng, bản khutsuri, được đặt ra hoàn toàn theo lối mới hay là thích ứng vào một lối chữ đã có trước. Bản mẫu tự này dùng để viết tiếng Géorgie. Thế là một nền văn chương quốc gia kitô được kiến tạo. Dĩ nhiên nền văn chương này khởi sự bằng việc dịch các sách thánh và những bản văn phụng vụ.
IV. CÁC NƯỚC Ả-RẬP
Ðừng quên rằng Phúc Âm phần nào đã đi sâu vào các chi tộc du mục trong các vùng sa mạc của đế quốc Roma và nhiều ít họ hướng theo quỹ đạo ảnh hưởng ấy. Thường thì uy thế của một biệt tu sĩ nào đó sống ẩn dật tại các miền của họ thúc đẩy chi tộc này, bộ lạc khác trở lại, chẳng hạn người ta thường nhắc đến trường hợp dân Sarrazin của nữ hoàng Maouwia và của biệt tu sĩ Maisen là giám mục của họ, khoảng năm 374 tòa Pharan đã được thiết lập cho ông tại bán đảo Sinai. Nhưng các cuộc trở lại như trên vẫn còn ít ỏi, không phát sinh được những giáo hội quốc gia thực sự.
Việc truyền bá đạo Kitô tại miền Arabie chính cống lại còn lẻ tẻ hơn thế nữa. Các thương gia Roma đi lại những hải cảng trong Biển Ðỏ cũng chinh phục được mấy người tân tòng. Còn đoàn sứ thần do hoàng đế Constance ủy phái vào các năm 350 đến với vua người Himyarites (ngày nay là Yémen) để xin vua ủng hộ việc truyền giáo Kitô, tuy có được tiếp đón nồng hậu nhưng xem ra không có kết quả gì.
Người ta muốn biết rõ hơn về con người của sứ giả được Constance chọn, tên là Théophile người Ấn-độ, một nhân vật kỳ lạ xuất thân từ một đảo xa xôi mà chúng tôi rất tiếc không xác định rõ ràng được: Biển Ðỏ hay Ấn-độ dương? Ðược gửi đi từ lúc nhỏ để làm con tin bên cạnh hoàng đế Constantin. Ông được giáo dục trong văn hóa Roma, trở lại Kitô giáo, và được Eusèbe thành Nicomédie phong chức phó tế và sau đấy được các người cùng phe bầu lên làm giám mục. Ông kết liên với hình thức triệt để nhất của thuyết Arius, tức là nhóm tha tính. Nhóm này trọng kính và tôn sùng ông như một người làm phép lạ. Nhân dịp đi công cán tại miền nam Arabie, hình như ông có ghé về thăm đảo nơi ông chôn nhau cắt rốn và các miền phụ cận trong Ấn-độ dương. Tại các miền này ông có gặp những người kitô, nhóm này giữ luật rất nhiệm nhặt, nhóm khác lại buông thả: tất cả các điều trên thật khó lòng xác định cho đúng.
V. NƯỚC ÉTHIOPIE.
Trong thời kỳ này, tại phía nam Biển Ðỏ, đã khai sinh một Giáo Hội khác, một đoàn Kitô mới, đó là dân tộc Abyssinie. Ðây là một trong những kết quả nghịch lý nhất và phong phú nhất trong việc truyền giáo của thế kỷ IV. Hai người thanh niên quê quán tại Tyr thuộc Phénicie, tên là Froumentios và Aidesios, lúc đi tháp tùng thầy giáo trong một cuộc hành trình thám hiểm, đã sống sót lại sau khi đoàn tùy tùng bị thổ dân tàn sát tại bờ biển Somalis. Cả hai bị bắt làm nô lệ và tới được triều đình vua xứ Éthiopie mà kinh đô lúc đó là Axoum. Chẳng bao lâu sau họ đã chiếm được những địa vị tín cẩn trong triều đình: Người thứ nhất làm bí thư, người thứ hai giữ chức tiến tửu. Sau khi vua thăng hà, uy thế của họ lại càng gia tăng: hoàng hậu giao cho họ việc giáo dục hoàng tử hay là mấy hoàng tử gì đó. Nhân cơ hội này, họ truyền bá đức tin kitô ra chung quanh. Sau khi cả hai được môn sinh của họ là vua Ezânâ cho phép hồi hương, Froumentios thuật chuyện lại cho Athanase, đang làm giám mục Alexandrie biết về những viễn cảnh truyền giáo tại nước Axoum và thúc đẩy ngài gửi đến đấy một giám mục. Athanase nhận thấy không có ai khác thích hợp vào việc này cho bằng chính Froumentios (biến cố này không rõ nhằm đúng vào lúc nào trong kỳ nhậm chức của Athanase, giữa các năm từ 328 đến 356).
Có thể giả định là một khi đã trở lại nước ấy với chức giám mục, Froumentios càng ngày càng thành công trong sứ mệnh. Nhưng lịch sử các cuộc phát triển đầu tiên của Giáo Hội Abyssinie đã bị lu mờ hoàn toàn. Hình như vua Ezânâ đã đi xa hơn giai đoạn khoan hồng đối với đạo kitô và cuối cùng đã trở lại. Nhưng có thể một số vua kế vị đã quay lại với nền ngoại giáo. Mãi vào thế kỷ V, dân tộc Ethiopie mới chính thức trở lại đạo và lúc đó mới thực chắc chắn.
Dù ngay từ đầu thế kỷ IV, tiếng nói dân tộc là tiếng Ge'ez đã áp dụng lối viết chuyển hóa theo bản mẫu tự a-ra-bíc phía nam nhưng chữ viết thật rành mạch (tiếng Ethiopie là ngôn ngữ xê-mi-tíc độc nhất viết đủ các mẫu âm). Mãi nhiều thế hệ sau, cũng như tại Arménie, mới thực hiện nổi công việc phiên dịch và biên soạn để cung cấp cho giáo hội Ethiopie, như các giáo hội phương Ðông khác, một bản dịch Thánh Kinh, bản dịch phụng vụ và nền văn học kitô.
Ðược thánh Athanase truyền chức cho, Froumentios đã cương nghị thiết lập giáo hội của ông theo đúng truyền thống Nicée. Sau đó hoàng đế Constance tìm cách đưa đẩy ông vào khuynh hướng thiên phe Arius mà ngài muốn cổ võ, nhưng vô hiệu. Cuộc vận động chính trị theo chiều hướng ấy hình như là một trong những đối tượng của vụ công cán Théophile người Ấn-độ vào các năm 356-357. Xem chừng như thuyết Arius đã gặp nhiều thuận lợi hơn tại các nơi khác.
VI. NGƯỜI GERMAINS VÀ WULFILA.
Những cuộc di chuyển dân chúng đưa tới các vụ xâm chiếm lớn và từ thế kỷ III, đã đẩy một nhóm bộ lạc giéc-ma-níc, thuộc dân tộc Goths, tới định cư trong các đồng bằng ven bờ Bắc Hải, khoảng giữa sông Danube và sông Dniepr. Công cuộc phúc âm hóa các dân tộc này đã khởi sự từ những căn cứ kitô miền Crimée hay miền Dobrogea. Nhưng ở đây cũng thế, các thành tích quyết liệt hơn cả đã do sáng kiến của một người là Wulfila. Cuộc đời ông cũng cho thấy những đặc tính chung như số phận của các vị truyền giáo tên tuổi chúng tôi vừa kể lại ở trên.
Ông là con cháu của các giáo dân gốc Cappadoce bị quân Goths bắt cóc vào dịp càn quét miền Tiểu-Á, năm 257-258 và bị họ giải đi tới bên kia sông Danube. Sau hai thế hệ, Wulfila (tên của ông đặc biệt giéc-ma-níc) có thể là một người lai, rất thành thạo tiếng nói và phong tục người Goths mà cũng không quên tiếng hy-lạp, tiếng la-tinh và nhất là không quên đạo Kitô. Ông chu toàn chức vụ giáo sĩ như người đọc sách và hình như đã bắt tay vào việc tông đồ lúc người ta gửi một đoàn sứ giả đến Roma, khiến ông có dịp tiếp xúc với các vị cầm quyền trong Giáo hội. Việc này xảy ra dưới đời Constance năm 341, nhân dịp công đồng Encaenies, trong lúc phong trào phản Nicée đang tung hoành tại phương Ðông. Ðược Eusèbe thành Nicomédie phong chức giám mục, và dĩ nhiên là ông đứng vào khuynh hướng thần học đang thắng thế lúc đó. Hình như ông qua đời vào năm 383, trước khi được lôi kéo lại với truyền thống qua ảnh hưởng của Théodose: Wulfila và giáo hội ông sáng lập vẫn chủ tương thuyết Arius, theo định hướng của công đồng về tương tự thuyết tại Constantinople năm 360 mà ông có tham dự.
Trở lại xứ Goths, Wulfila nhiệt tình dấn thân hoạt động truyền giáo và thu lượm được nhiều kết quả. Ông áp dụng phương pháp tương tự như những phương pháp chúng ta đã thấy áp dụng ở những nơi khác. Thay vì chữ runique các người Germains vẫn có nhưng họ rất ít xử dụng và nhất là chỉ dùng vào môn quỉ thuật, Wulfila mang đến một bản mẫu tự rành mạch hơn. Ông dùng mẫu tự ấy để chép ra bản dịch đa số các sách thánh ông thực hiện. Người ta còn giữ lại được nhiều đoạn quan trọng của bộ Thánh Kinh Gothique này, một công trình thời danh về tiếng Gothique.
Wulfila kết liễu cuộc đời của ông tại miền Mésie trước kia là một tỉnh của Roma, ở phía nam sông Danube. Ông lánh mình đến đấy hình như để trốn thoát một trong những cuộc bắt đạo có ý đồ, nhưng vô hiệu quả, hãn ngữ bước tiến bộ của đạo Kitô giữa các người Goths; cũng có thể vì ông đã theo một nhóm trong dân tới định cư trong lãnh thổ Roma. Chỉ biết rằng, bị dân Huns dồn ép phía sau càng ngày càng quyết liệt, dân Wisigoths, rồi sau lại đến lượt dân Ostrogoths, đột nhập vào lãnh thổ Roma và ở lại đấy luôn. Lúc đầu ở tại miền bắc Balkans, về sau là miền Illyrie, và chờ đợi cơ hội tiến về phía tây.
Chúng ta còn nhớ là thuyết Arius đã ăn rễ sâu vào miền Illyricum ngay từ chính thời Arius, đời Ursace và Valens. Hình như các giáo hội thành hình nhờ việc giảng dạy của Wulfila, đã gặp tại đấy những cán bộ trí thức. Họ góp phần củng cố để các giáo hội này có một truyền thống giáo lý riêng của mình.
Thật ra chúng ta giữ được rất ít dấu tích về nền văn chương kitô bằng tiếng giéc-ma-níc (mấy đoạn rải rác của tập chú giải về Phúc Âm thánh Gioan và của một cuốn lịch phụng vụ). Trái lại, công nghiệp vĩ đại hơn và đáng chú ý hơn, chính là công nghiệp của các giám mục phái Arius nói tiếng la-tinh, tức là các môn đệ hay người kế vị của Wulfila như Auxence thành Durostorum, Palladius thành Ratiaria (hai thành phố trên ranh giới sông Danube), hay như Maximin là người có vinh dự đối lập với thánh Ambroise tại Milan và sau đấy tại Phi-châu, với thánh Augustin.
Dần dà phong trào trở lại cứ lan rộng ra và đạo Kitô, cần nhắc lại là dưới hình thức tương tự thuyết, đã trở nên một thứ tôn giáo quốc gia của đa số các dân giéc-ma-níc. Sự kiện này không phải chỉ đúng riêng cho những người đã sống lâu hay chóng trong khu vực có nhiều xáo trộn tại miền đồng bằng hạ lưu Danube, mà cả cho những người sinh sống khá xa cái tâm điểm uyên nguyên này, như các người Vandales mà một ngành của họ, ngành Silings định cư tại miền hiện còn giữ tên của họ, miền Silésie, trước khi tiến về biên giới sông Rhin.
Trong các dân tộc lần lượt chiếm đóng và chinh phục những tỉnh miền tây đế quốc Roma, chỉ có người Francs và một phần người Lombards là thoát khỏi sức giải tỏa này. Cho dù bản tuyên dương đức tin Ba Ngôi của các giáo hội giéc-ma-níc có tính cách tà giáo, đừng quên rằng họ đã sống đạo Kitô của họ một cách thành thực và rất sâu đậm. Sau đây sẽ thấy: chính lòng yêu mến của các dân này đối với tôn giáo quốc gia của họ sẽ là nguyên nhân gây nhiều nỗi khó khăn và tranh chấp với người công giáo họ bị khuất phục trong những nước họ thiết lập trên lãnh thổ cũ của Ðế quốc.
Như vậy người ta có thể ước lượng được sức giãi chiếu của Kitô giáo trong thế kỷ IV: Từ sông Rhin đến miền Caucase, từ biển Caspienne đến miền Ethiopie, cả một dẫy giáo hội và những cộng đồng Kitô mới thành lập, quây tụ theo một hình cách cung khổng lồ, giương ra quá các nước miền Ðịa Trung hải và cắm mốc cho phong trào kitô hóa thế giới.