CHƯƠNG VI
NGUỒN GỐC VÀ
NHỮNG PHÁT TRIỂN ÐẦU TIÊN CỦA CHẾ ÐỘ TU VIỆN
CHƯƠNG VI
NGUỒN GỐC VÀ
NHỮNG PHÁT TRIỂN ÐẦU TIÊN CỦA CHẾ ÐỘ TU VIỆN
Mặc dầu các cuộc tranh luận trên có kịch liệt đến đâu, mặc dầu hậu quả của chúng rất trầm trọng, cũng không nên nghĩ rằng suốt thế kỷ IV Giáo Hội Kitô bị thu hút cả vào vấn đề thần học về Ba Ngôi; thật ra trong những năm từ 310 đến 410, người ta đã chứng kiến nhiều phát hiện khác về sức sống của Giáo hội. Thoạt tiên là việc hình thành và phát triển nhanh chóng một chế độ mới: chế độ tu viện.
Ở đây chúng ta phải lùi lại quá khứ và tìm đến thời đại Dioclétien: Nếu việc đồng trinh tận hiến đã có từ lúc kitô giáo mới xuất hiện, chế độ tu trì, thể chế độc đáo không thể nhầm lẫn với chế độ trước (nói đúng hơn: không được biến hóa chế độ kia thành chế độ này) đã xuất hiện hầu như để chuyển tiếp việc bắt đạo, về phương diện ý thức hệ cũng như về thời gian biểu.
Bao lâu mối hăm dọa bắt đạo hãy còn, thì việc tử đạo, ân điển tối cao, thường tượng trưng cho đỉnh mức thành tựu trên đường thăng tiến thiêng liêng của một linh hồn được kêu gọi tới cõi toàn thiện. Vừa lúc có thái bình và khi đạo Kitô được thế giới đón nhận, Giáo Hội đã yên ổn giữa thế gian với khá nhiều tiện nghi, nên đã có những giám mục triều đình quá hoa mắt về các ân huệ của hoàng đế và muốn đem trùm cho qui chế của tân Ðế quốc kitô một vẻ xa hoa vay mượn từ cảnh huy hoàng của nước Thiên Chúa trong tình trạng thế mạt! Những phong trào trở lại nhiều khi hời hợt và vụ lợi nơi dân chúng cũng như trong phái thượng lưu, đã gây nên một tình trạng sa sút về mối chiều kích thiêng liêng ngay giữa lòng Giáo Hội.
Trong những hoàn cảnh ấy, việc xa lánh thế tục dĩ nhiên được coi như một điều kiện nếu chưa phải là tất yếu, ít ra cũng là thuận tiện để tiến lên đời sống trọn lành: Ðây là cái ý tưởng sau này sẽ biểu lộ ra giữa các giới tu viện Ái Nhĩ Lan vào thế kỷ IV bằng cách phân biệt lạ lùng giữa việc tử đạo đỏ, tử đạo đẫm máu trong cuộc bắt đạo, với tử đạo trắng hoặc xanh, thể hiện bằng một đời sống xả kỷ và hãm mình đền tội.
Cô độc, khổ hạnh, chiêm niệm: chế độ tu viện kitô đem ra thực hiện một trong những tiêu chuẩn lý tưởng đã ăn rễ sâu nhất trong chính cái cơ cấu của bản tính nhân loại. Lịch sử đối chiếu các tôn giáo cho thấy có một cái gì tương đương như thế trong các nền văn minh rất khác nhau, tại Ấn-độ, Trung Á, Trung Hoa và có lẽ châu Mỹ trước đời Colomb. Trái lại có điều này kỳ lạ là từ trước đến lúc này, chế độ tu viện đã vắng bóng tại miền Ðịa Trung Hải cổ điển. Một giải pháp có tính cách liên tục tách rời chế độ tu viện Kitô ra khỏi những chế độ Do Thái đã có trước, như phái Esséni tại Qumran, các y sĩ trị bệnh ở Alexandrie mà Philon đã miêu tả hoặc lý tưởng hóa. Phân tích ra mới thấy rằng việc người ta tìm cách nối kết chế độ tu viện vào mấy dữ kiện hiếm hoi đã biết về Aicập đời Ptolémée, là không có nền tảng chắc chắn.
Chế độ tu viện xuất hiện tại Aicập vào cuối thế kỷ III, các người tiêu biểu đầu tiên của nó là những người sống độc thân hay ẩn sĩ. Về bản chất thì công thức họ đem áp dụng không phải là điều mới lạ: Lối sống độc ẩn, nguyên văn gọi là ”lên sa mạc”, nói theo kiểu tân thời thì là đi ”lập bưng” là giải pháp thông dụng tại Aicập đời ấy của những người có một lý do nào để trốn tránh xã hội, như tội nhân, đạo tặc, trốn nợ, lậu thuế, mọi thứ người không thích ứng được với xã hội. Trong thời kỳ bắt đạo, nhiều giáo dân đã dùng biện pháp này để lánh nạn, như trường hợp ông bà của thánh Basile tại Cappadoce. Còn biệt tu sĩ đã chọn cách sống ”lên sa mạc” này chỉ vì những lý do thiêng liêng.
I. THÁNH ANTÔN, TỔ PHỤ CÁC BIỆT TU SĨ.
Chế độ tu viện đi vào lịch sử với thánh Antôn, ”người cha của các biệt tu sĩ”, ngài qua đời năm 356, lúc trên trăm tuổi (hình như trong sa mạc người ta sống lâu). Lịch sử và văn học lịch sử thường không thể tách rời nhau: không thể tách rời con người của ông ra khỏi tiểu sử mà thánh Athanase đã chép, có lẽ vào năm 360 và không bao lâu sau đã được dịch sang tiếng la-tinh hai lần, cuốn liệt truyện này gây nên một ảnh hưởng lớn lao và đã góp phần không nhỏ vào việc truyền bá lý tưởng mới và khêu gợi lên nhiều ơn kêu gọi. Sách này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự quyết định trở lại của thánh Augustin. Trong cuốn Thú tội (Confession), ông làm chứng về sức cải hóa sách ấy đã gây nên trong chính bản thân ông hay trong mấy người bạn của ông.
Vừa kể chuyện và tả cảnh, cuốn tiểu sử này trình bày thánh Antôn như một người nông dân Aicập có nguồn gốc giản dị, hầu như không biết chữ nghĩa: đối diện với những người trí thức mới trở lại muốn chuyển dịch vào đạo Kitô cái truyền thống quí phái họ học được từ những vị thầy ngoại giáo, giống như lý tưởng Phanxicô sẽ thực hiện trong thế kỷ XIII, chế độ tu viện sẽ xác định lại cái ưu thế của những người chất phác, cấu thành một trong những khía cạnh của sứ điệp Tin Mừng.
Là kitô hữu từ lúc mới sinh và có lòng mộ đạo, Antôn dấn thân vào đời sống cô độc lúc khoảng mười-tám hay hai-mươi tuổi, nhân một buổi vào nhà thờ nghe đọc lời của Chúa bảo người thanh niên giầu có: ”Nếu anh muốn thành người toàn thiện thì hãy đi, bán tất cả những cái anh có, phân phát cho kẻ nghèo rồi trở lại và theo Ta”. Biệt tu sĩ thoạt tiên là một giáo dân cẩn trọng những lời khuyên của phúc âm và thực thi các điều ấy từng chữ.
Sau khi đã cắt đứt liên lạc với thế tục, Antôn dấn thân vào đời sống cô độc. Cuộc đời dài của ông chia làm ba chặng, mỗi chặng lại đi sâu vào cô độc thêm một mức nữa. Thoạt tiên ông sống tại miền phụ cận trực tiếp với làng ông sinh trưởng để có dịp nương tựa vào những điều chỉ giáo của một cụ già giầu kinh nghiệm hơn (đây là điểm chủ yếu: đời sống của người ở bậc cô độc là một trường học gay go và không thể bỏ qua thầy dạy). Rồi trong vòng chừng hai mươi năm sau, ông sống trong một cái chòi lính bỏ hoang mà người Roma đã xây một loạt như thế giữa sông Nil và Biển Ðỏ. Sau cùng, ông đi sâu hơn nữa vào sa mạc.
Ðời sống ông theo đuổi thoạt tiên xuất hiện như một đời sống đền tội càng ngày càng nhiệm nhặt hơn. Khác hẳn với bản tính khổ hạnh của phái Platon và các người ngộ đạo, tinh thần khổ tu kitô bắt nguồn từ lời nhận xét đầy kinh nghiệm của các giáo phụ. Chúng ta thấy Clément thành Alexandrie và thánh Augustin diễn tả vấn đề tương tự như nhau: ”Người nào muốn tận hưởng tất cả những cái được phép thì sớm muộn sẽ đi đến buông thả và phạm điều cấm kỵ”. Dĩ nhiên là mọi cái còn tùy thuộc bối cảnh văn minh: các biệt tu sĩ Aicập, các người nông dân cốp, đã khởi đầu từ một mức sống thấp kém đến nỗi lòng say mê hãm dẹp dục vọng nhiều khi thúc đẩy họ đi đến những chỗ thái quá mà chúng ta khó quan niệm được về việc hạn chế tiện nghi, trong việc ăn uống và ngủ nghỉ. Bất luận dùng phương thế nào, miễn sao thành đạt việc chế ngự hoàn toàn các dục vọng. Ðó là điều mà Evagre người Pont, lý luận gia của sa mạc, sẽ tìm cách xác định bằng một danh từ chẳng may có nghĩa đôi là apatheia.
Ðường khổ hạnh này không chỉ giới hạn vào một khía cạnh nội tâm, khía cạnh tâm lý như thế: Người cô độc tiến sâu vào sa mạc để đương đầu với những sức mạnh của sự dữ và nhất là với ma quỉ, với chước cám dỗ, với các vụ tấn công của chúng. Bởi vậy trong sách Tiểu sử của Antôn có nhiều đoạn nói đến hoạt động của ma quỉ là những điều tuy dù có gây thích thú trong óc tưởng tượng của một người như Breughel, đã làm cho nhiều độc giả đương kim khó chịu, nhưng phải vượt qua tính cách biến ngôn để khám phá ra tầm vóc thần học thâm thúy trong đó.
Lao động chân tay, thức khuya và cầu nguyện. ”Cầu nguyện không ngớt” như thánh Phaolô nói: ”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” như chính Chúa đã căn dặn trong Phúc Âm. Bao giờ cũng thế, biệt tu sĩ phải lấy làm đầu các lời khuyên răn ấy và cố chí thực hiện theo nghĩa đen, đi sát gần đời sống giống như đời sống của các thiên thần. Bởi vậy đời sống ẩn sĩ sẽ dành nhiều giờ để đọc Thánh Kinh hay đúng hơn, để hát Thánh Vịnh (thường là thuộc lòng) lặp đi lặp lại nhiều lần và suy gẫm tường tận. Việc cầu nguyện sẽ tiếp tục trong chiêm niệm và chiêm niệm sẽ mở đường vào một kinh nghiệm cao thượng hơn. Quả nhiên khổ hạnh kitô, trừ trường hợp sai lệch hoặc thái quá, tự bản thân không phải là mục đích, nhưng chuẩn bị và hướng dẫn con người toàn diện vào kinh nghiệm thần bí, và lệ thuộc nó như phương tiện với mục đích.
Ðối với người ngoại giáo trong thế kỷ IV (để khỏi nói đến những người ngoại giáo đương thời), biệt tu sĩ có vẻ như một người điên dại, chán đời, quên rằng con người sinh ra cốt để sống cho xã hội và vì nền văn minh. Ðó là chính những lời lẽ Julien, bội giáo sẽ dùng (13). Nhưng không phải thế, biệt tu sĩ vẫn là con người và ông đưa cả nhân loại tính vào sa mạc với ông; là kitô hữu, ông vẫn còn giữ và cảm thấy mình có liên đới với toàn thể Giáo Hội.
Một điều đáng chú ý là thánh Antôn chỉ bỏ sa mạc để trở lại Alexandrie hai lần trong suốt đời ông: Lần thứ nhất trong cuộc bắt đạo của Dioclétien, cốt để nâng đỡ tinh thần quá cảm của các vị tuyên xưng dấn thân liều mình tử đạo; lần thứ hai vào lúc người ta nao núng nhất trong cuộc tranh chấp của phái Arius, hầu dùng ảnh hưởng cá nhân mà yểm trợ các giám mục, giúp đỡ các ngài bênh vực giáo lý chính truyền. Nên ghi nhận mối giao hảo giữa hiện tượng ngôn sứ và chức linh mục biểu hiện cách tượng trưng trong việc thánh Athanase, là giám mục và là tiến sĩ, đã dụng tâm chép tiểu sử thánh Antôn và tuyên truyền cho chế độ tu viện.
Cũng còn phải nhấn mạnh đến chức vụ quan trọng thuần túy giáo điều của các biệt tu sĩ mà khởi sự là thánh Antôn. Chúng ta thấy ông chôn mình trong sa mạc để tìm kiếm một đối tượng có vẻ hoàn toàn cá nhân, mức toàn thiện riêng, sự thánh thiện. Nhưng Thiên Chúa chấp nhận sự thánh thiện này vì ngài ban cho nó những đoàn sủng để nó có một đường lối giải sáng riêng biệt và tác động vào các giáo dân khác như một cực thu hút và như thứ men. Là điều nghịch thường hay là một cuộc chuyển hướng, vị ẩn sĩ lôi kéo nhiều khách thập phương (chúng ta sẽ gặp lại điểm này khi bàn đến các cuộc hành hương), họ đến để xin ông cầu nguyện, xin ơn khỏi bệnh phần hồn hay phần xác, xin chỉ giáo, xin dạy gương lành. Có người sau khi trở về thế gian mang theo cảm phục và phấn khởi. Một số người khác, được gương lành lôi cuốn, xin ở lại bên cạnh người ẩn sĩ và xin hướng dẫn để cố sức thực hiện lối sống như ông.
Như vậy ngay từ lúc sinh thời của thánh Antôn và dần dà sau khi ông qua đời, chế độ tu viện đã lan tràn khắp thế giới kitô, làm cho thân thể giáo hội thêm phần phong phú qua một hình thức mới về ơn kêu gọi lên bậc thánh thiện. Dĩ nhiên theo thời gian, chế độ tu viện đã qua nhiều biến thể. Ngay chính trong thế kỷ IV, chế độ này đã chia ra làm bốn ngành, mỗi ngành tương ứng với một giai đoạn phát triển.
II. NHỮNG NHÓM ÐỘC ẨN SĨ.
Ðây là một hình thức kỳ cựu và sơ sài nhất trong cách tổ chức: các đồ đệ lúc tới xin thụ giáo với một vị thánh nhân già cả tự kiến tạo cho mình một phòng nhỏ ở bên cạnh ngài; họ đông hay ít tùy hoàn cảnh; có biết bao nhiêu kiểu phối hợp khác nhau giữa tĩnh mịch và đời sống cộng đồng. Theo nguyên tắc mỗi tu sĩ sinh sống, làm việc và nguyện gẫm một mình tại phòng riêng; mọi người chỉ tề tựu để đọc kinh chung, hoặc hằng ngày vào những giờ đã ấn định (kinh nguyện chung trong nhà dòng đã thành hình rất sớm), hoặc hằng tuần để cử hành phụng vụ long trọng vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Những người được công nhận là có khả năng sống biệt lập hơn nữa thì lại bớt dự phụng vụ chung.
Ðây là hệ thống đã được phác họa ngay từ thuở sinh thời của thánh Antôn, vì các môn sinh thiêng liêng của ông thỉnh cầu hai lần nên ông miễn cưỡng phải chấp nhận mặc dầu ông ưa yên tĩnh hơn. Từ miền trung Aicập là nơi thánh Antôn chào đời và sinh trưởng, hệ thống ấy lan tràn ra khắp nước Aicập, phía nam tới miền Thébaide, phía bắc thì ở những ven châu thổ mà dân chúng đã bỏ hoang hay ở các miền phụ cận: tổ chức thời danh nhất (hiện nay vẫn còn) là tổ chức trong sa mạc Scété và Wâdi-n-Natrun ở phía tây châu thổ.
Ðược sáng lập năm 330 và nổi tiếng vì nhờ có Macaire đại nhân, (từ năm 382 cho đến khi ông qua đời năm 399), Scété đã đón nhận Evagre người Pont, một nhân vật rất đặc biệt: là người giữ chức đọc sách của thánh Basile tại Césarée và là thầy phó tế tháp tùng thánh Grégoire thành Nazianze đến Constantinople, nơi ông sẽ nổi tiếng về khoa giảng thuyết, Evagre, mặc dầu đã qua hai thầy huấn luyện, vẫn là một nhà thần học khả nghi về truyền thống. Là môn sinh của Origène, Evargre hăng say phát triển và thúc đẩy đến độ thành tà giáo những khuynh hướng đáng nghi ngờ nhất của thầy dạy ông. Vì thế không lạ gì thuyết Origène đã bị lên án ngay cuối thế kỷ IV và sau này vào thế kỷ VI lúc người chủ xướng đã qua đời. Trái lại khoa tu đức của ông, đúc kết tất cả những kinh nghiệm thâm niên của các vị ẩn tu thời danh, có giá trị tuyệt diệu và sẽ gây ra một ảnh hưởng sâu rộng. Số người học thức rất hiếm hoi tại sa mạc. Vì thế địa vị lịch sử của Evagre là hệ thống hóa lối giáo huấn này và qui định cho nó thành một học thuyết.
Khoa minh triết của những biệt tu sĩ tại Aicập cũng được truyền đạt lại dưới một hình thức trực tiếp hơn qua những bài Cách ngôn hợp tuyển đầy thi vị. Trong đó cả một nền tu đức được gói gọn vào một giai thoại gồm có mấy dòng, một câu, hoặc ba chữ, chẳng hạn như câu phương châm sau của thánh viện phụ Arsenios đầy thi vị trong nguyên văn hy-lạp: ”Rút đi, im lặng, đừng có ngo ngoe (14)”. Hay trong những thiên phóng sự dài mà các người du lịch tường thuật về các cuộc đàm thoại giữa họ và mấy vị ẩn tu trứ danh. Ba thiên phóng sự nổi tiếng nhất là Lịch sử các biệt tu sĩ biên soạn vào khoảng năm 400. Tác phẩm này là của một người giấu tên đã đi du lịch vào khoảng các năm 394-395 và đã được Rufin thành Aquilée phổ biến ra bằng tiếng la-tinh theo bản phỏng dịch; có cuốn Lịch sử đề tặng Lausos của giám mục Palladios người Galate (419-420). Ông ký ngụ tại Scété (vào khoảng các năm từ 388 đến 399). Có những Thể chế và những bài Diễn văn mà Gioan Cassien, vị ẩn sĩ gốc tích Roumanie, đã chép lúc cuối đời tại Marseille vào các năm 420. Hai văn kiện này tường thuật lại những kỷ niệm đã thu thập được ba bốn chục năm về trước trong một cuộc hành trình dài tại miền hạ lưu Aicập. Tất cả các tác phẩm trên phản chiếu rất trung thực đường lối giáo huấn của Evagre tại Scété, hai cuốn đầu nói rất thẳng thắn, sách của Cassien còn e dè khôn khéo.
III. CHẾ ÐỘ TU CỘNG ÐỒNG CỦA PAKHÔME
Dù rất thích ứng với bản tính người Aicập, hình thức tổ chức trên vẫn còn quá lỏng lẻo, vẫn chứa những mối nguy hại về đường tu đức (nó khuếch trương chủ nghĩa cá nhân) cũng như về đường vật chất (lúc nhân số các biệt ẩn sĩ trở nên đông đảo). Với thánh Pakhôme xuất hiện một hình thái tu viện mới, do phản ứng, hình thái tu viện này chú trọng đến ”đời sống cộng đồng” koinos bios, chế độ cộng tu. Sau khi đã tự huấn luyện trong vòng bảy năm vào đời sống cô độc, năm 323 ông sáng lập cộng đồng thứ nhất trong một làng bỏ hoang ở Tabennêse tại miền thượng Aicập.
Cộng đồng này đã phát triển nhanh chóng và vì thủy tổ đã hoạch định cho nó một tổ chức rất rõ rệt: Thoạt tiên có một kỷ luật; đây là kỷ luật tu viện thứ nhất gồm 194 mục ấn định tỉ mỉ nhịp điệu đời sống thường nhật của tu sĩ, việc làm, kinh nguyện chung, hãm mình. Có một bức tường ngăn vây kín, ngoài nhà nguyện và các cơ sở phụ thuộc ra, tu viện Pakhôme gồm có một dãy nhà qui tụ chừng hai chục tu sĩ sống chung dưới quyền điều khiển của một tu hội trưởng và một vị phó. Ba hay bốn nhà như thế hợp thành một bộ tộc, toàn thể vâng phục một vị bề trên. Ngài cùng với vị phó bề trên chăm lo điều khiển đời sống thiêng liêng của cộng đồng và làm sao để các công việc chung thường là rất quan trọng tiến hành điều hòa (lò bánh, nhà bếp, trạm y tế v.v.). Muốn cho các công việc ấy xuôi chạy, hằng tuần các nhà phải gửi đến một số tu sĩ cần thiết.
Trước thành công trong sáng kiến ấy, chẳng bao lâu sau thánh Pakhôme bó buộc phải lập thêm một nhà dòng thứ hai theo cùng một tiêu chuẩn ấy ở một làng bỏ hoang khác trong miền, Pbôou; rồi nhiều nhà khác tiếp theo. Lúc ngài qua đời, năm 346, thánh Pakhôme đã lập được chín nhà dòng nam và hai nhà dòng nữ. Một trong hai nhà nữ đã được chính em gái của ngài là Maria thành lập khoảng năm 340 gần Tabennêse. Dưới đời các vị sau, sức bành trướng vẫn tiếp tục, lôi kéo chú ý của toàn thể nước Aicập. Vào cuối thế kỷ đã xuất hiện một nhà dòng thánh Pakhôme gần cửa ngõ thành Alexandrie, ở Canope, đây là nhà dòng Ðền tội trứ danh, nhà Metanoia.
Toàn thể các nhà dòng này hợp thành tu hội đặt dưới quyền điều khiển của một vị bề trên cả ở tại Tabenêse và sau dời về Pbôou. Ngài là người chỉ định bề trên cho mọi nhà dòng. Hằng năm các vị này hội chung với bề trên cả hai lần, vào dịp Phục sinh và ngày 13 tháng 08. Họ phải nộp bản báo cáo về bước điều hành của nhà dòng liên hệ cho vị tổng quản lý là người phụ lực bề trên tổng quyền trong việc điều hành các khoản liên hệ đến toàn thể tu hội.
Mức quan trọng kinh tế của chế độ này cũng gia tăng theo nhịp điệu phát triển chế độ: Các nhà dòng Pakhôme đã qui tụ hằng nghìn thầy dòng, có khi tới hằng vạn. Về phương diện nhân công, theo tiết nhịp mùa màng, họ đóng góp một phần lớn vào nền canh tác Aicập. Mọi khi đến mùa gặt, người ta thấy họ đổ ra từng đoàn và làm việc tản mát tại lưu vực sông Nil. Tại đây, chỉ trong vòng mấy ngày, họ thu hoạch đầy đủ những cái cần thiết để cộng đồng sống suốt cả năm và các tài nguyên cần thiết cho mọi hoạt động bác ái.
Nếu công trình của chính thánh Pakhôme xem ra được nung nấu bởi một óc khôn ngoan và ôn hòa đáng chú ý, mức phát triển về nhân số chắc chắn sẽ là căn cớ thúc đẩy các vị khuếch trương chế độ tu viện trong tương lai đi vào một kỷ luật nhiệm nhặt, nhấn mạnh vào kỷ luật đến độ đi tới khắt khe. Ðây là trường hợp đặc biệt của Shenouté, người hung hăng chúng ta thấy đứng đầu Bạch tu viện, cuũng tại miền thượng Aicập, bắt đầu từ năm 388.
IV. CỘNG ÐỒNG BASILE
Suốt thời kỳ cổ đại Kitô, Aicập lúc nào cũng xuất hiện như phần đất lựa chọn của chế độ tu viện. Nhưng không phải chỉ riêng có miền này mới biết đến chế độ ấy. Tuy rằng dựng lại niên đại xác thực của những giai đoạn đầu tiên trong việc phát triển này là điều khó khăn, chúng ta thấy chẳng bao lâu chế độ mới này đã lan tràn dần dà ra tại phương Ðông. Tại Palestine ngay từ đầu thế kỷ với thánh Hilarion thành Gaza. Người ta ghi nhận việc sáng lập phỏng vào năm 335 nhà dòng của thánh Epiphane, ông lên làm giám mục Salamine tại đảo Chypre năm 367 và cho tới lúc qua đời năm 403, đã giữ vai trò cần thiết nhưng bạc bẽo trong Giáo Hội: người săn đuổi tà thuyết.
Tại Syrie cũng thế, đặc biệt trong những miền nhiều ít sa mạc, gần Antioche, rồi tại Tiểu Á mà người tiên phong là Eustache, lên làm giám mục Sébaste tại miền Arménie thuộc Roma khoảng năm 356. Nhân vật phức tạp này đã dính líu vào những vụ tranh chấp về thuyết Ba Ngôi, ấy là chưa kể đến những kiểu tranh cãi nồng nhiệt trong đó ông tuyên truyền cho thuyết khổ hạnh của ông, mà nhiều người cho là thiếu kín đáo. Kết cục phong trào đã lan tràn, có hơi muộn, sang tới tận Constantinople là nơi Isaac người Syrie sáng lập năm 382 nhà dòng đầu tiên, nhà dòng Dalmate, mang tên của viện phụ thứ hai.
Một bước tiến bộ quyết định đã do thánh Basile thực hiện khoảng năm 357. Basile chịu phép Rửa Tội xong là chọn ngay đời tu viện và, sau một cuộc hành trình quan sát đưa ông sang tới Aicập, ông đã lập nghiệp trong một tài sản gia đình ở Annêsi tại miền rừng núi Pônt. Ông tìm cách tụ họp mấy người bạn trong đó có thánh Grégoire thành Nazianze. Ông không giữ được Grégoire lâu, vì ông này tính tình hay thay đổi không ở lại đấy được. Dù vậy, dần dà ông đã tụ họp được một cộng đồng thực thụ và sẽ trở nên mô phạm cho nhiều cộng đồng khác.
Tuy đời sống tu viện của thánh Basile có phần vắn vỏi (lãnh chức linh mục để giúp Césarée miền Cappadoce, ông định cư vĩnh viễn tại đấy năm 365 trong khi chờ đợi lên tòa chủ giáo trưởng vào năm 370), vai trò lịch sử của ông rất đáng chú ý nhờ ở công nghiệp tổ chức và óc lập pháp của ông. Các luật lệ ông soạn chiếu tỏa rộng lớn và thực ra nó mang đến một quan niệm mới mẻ về chế độ tu viện.
Từ đấy, người ta hữu ý nhấn mạnh đến đời sống cộng đồng, được quan niệm như cái khung khổ thông thường để phát triển đời sống thiêng liêng. Chế độ độc tu sĩ đã giảm bớt một phần. Ðể thay thế vào những gương anh dũng trong Cựu ước mà các độc tu sĩ đầu tiên rất ham chuộng, ơn kêu gọi của Abraham, việc thăng thiên của Elia, thánh Basile đề cao như lý tưởng cái khung cảnh đời sống của các giáo dân đầu tiên tại Jerusalem diễn tả trong sách Công vụ. Bởi đấy đã được nhấn mạnh đến đức vâng lời, đến bổn phận phải từ bỏ ý riêng, tín thác vào tay vị bề trên.
V. THÁNH JÉRÔME VÀ VIỆC TRUYỀN BÁ LÝ TƯỞNG KHỔ HẠNH VÀO MÔI TRƯỜNG ROMA.
Ðến lượt Tây phương cũng biết đến chế độ tu viện: Ngay từ lúc đi lưu đầy tại Trêves, rồi sau tại Roma, thánh Athanase đã bắt đầu nói cho người ta biết về sự hiện hữu của chế độ tu viện. Nhưng ở đây tên của thánh Jérôme đáng được nêu lên nhiều nhất. Sau ba năm huấn luyện trong sa mạc Chalcis gần Antioche (375-377), ngài đến ở Roma bên cạnh giáo hoàng Damase. Chính tại đây việc truyền bá lý tưởng khổ hạnh của ông thu được nhiều kết quả, đặc biệt giữa một số phụ nữ, góa bụa hay đồng trinh, thuộc dòng quí phái nhất trong giới nghị viên.
Tuy có kết quả nhưng cũng có đối lập: như trong mọi canh tân khác của đời sống Giáo Hội, lúc xuất hiện tại Roma, chế độ tu viện đã gây nhiều nghi kỵ đưa đến những tranh cãi làm thánh Jérôme phải trổ tài bút chiến hơn một lần (nhờ đấy mà khoa Thần Học Kitô, về Thánh Mẫu học, về Hôn Nhân hay về Ðức Ðồng Trinh đã tiến triển); cũng vì vậy nên đã xảy ra nhiều giông tố.
Thánh Jérôme phải rời bỏ Roma năm 385. Tiếp sau ông, nhiều nữ tu khác được ông huấn luyện cùng chung một số phận. Sau một cuộc hành hương miễn cưỡng tại Syrie và tại Aicập, thánh Jérôme đến định cư tại Bethléem bên cạnh nhà dòng mà các nữ tu ngài huấn luyện trước kia đã lập, dưới quyền điều khiển của thánh nữ Paola, sau này chính con gái của bà là Eustochium sẽ lên thay thế. Một bà qúy phái Roma rất nổi tiếng cũng đến định cư tại Jerusalem, đó là thánh nữ Mélanie. Mẹ của bà là người đã sáng lập một nhà dòng cho các biệt nữ tu la-tinh mà tuyên úy là Rufin thành Aquilée. Ông này gần như là người đồng hương và là bạn cố tri của thánh Jérôme. Về sau Jérôme và Rufin đã giận nhau thê thảm trong vụ tranh cãi về thuyết Origène do tên phiến loạn Epiphane (339-402) khơi ngòi lên.
VI. NHỮNG NHÀ DÒNG GIÁM MỤC TẠI TÂY PHƯƠNG.
Trong lúc đó chế độ tu viện tiếp tục lan tràn: Tại Ý (chúng ta thấy chế độ ấy rất thịnh hành tại Milan chung quanh thánh Ambroise), tại Phi châu, tại Tây Ban Nha, tại Gaule (khoảng năm 360 thánh Martin lập nghiệp tại Ligugé gần Poitiers). Phong trào tu viện la-tinh đầu tiên này lấy hứng trực tiếp từ những nguồn gốc Ðông phương, qua dịp hành hương và thăm viếng các vị khổ tu tại Aicập, qua việc phổ biến các bản dịch về đời sống của các biệt tu sĩ, qua những câu châm ngôn và những kỷ luật. Thánh Jérôme dịch kỷ luật của Pakhôme, Rufin dịch kỷ luật của Basile. Nhà dòng Lêrins mà thánh Honorat lập khoảng năm 400 trên bờ biển miền Provence là một gương mẫu của các cộng đồng vừa mới thành lập theo kiểu mẫu Aicập. Chính là để cống hiến cho giới tu sĩ mà Jean Cassien, người sáng lập ra hai nhà dòng tại Marseille, sẽ chép ra như trên kia đã nói, các Ký sự của ông về Ai-cập.
Với Eusèbe, làm giám mục Vercelli tại miền Piémont phỏng từ năm 345, đã xuất hiện một cái gì khác hẳn và có nhiều tính độc đáo hơn. Ông là người hăng say với truyền thống công đồng Nicée, nên ông đã bị hoàng đế Constance cho đi lưu đầy năm 355. Vụ việc này giúp ông có dịp đi tham quan phương Ðông là nơi ông kết thân với Evagre thành Antioche, người thứ hai đã dịch cuốn Ðời sống thánh Antôn. Sau khi lên chức giám mục, Eusèbe còn muốn là một tu sĩ, ông qui tụ chung quanh ông các phần tử trong hàng giáo sĩ để cùng với họ sống đời cộng đồng theo tiêu chuẩn khổ hạnh.
Một số giám mục khác cũng theo gương Eusèbe, như trường hợp thánh Augustin tại châu Phi. Ông này đã chọn đời sống tu viện cùng một lúc với việc ông xin chịu phép rửa tội. Nhưng cộng đồng thứ nhất ông qui tụ chung quanh ông, lúc ông trở về thành phố Thagaste (388), nơi ông chôn nhau cắt rốn, có nhiều điểm độc đáo nhưng không lâu bền: Ðây là một tu viện cho người trí thức trong đó công việc khoa học và triết lý phải đi đôi với đời sống tu sĩ; như vậy, trên bình diện kitô đã thực hiện được ước mộng xưa kia Plotin ấp ủ, về một cộng đồng các tư tưởng gia.
Sau khi được kêu gọi gia nhập hàng giáo sĩ Hippone (391), thánh Augustin hình như đã từ bỏ cái mộng đẹp về đời ẩn dật và trầm tư mặc tưởng, nhưng không từ bỏ ơn kêu gọi khổ hạnh. Khi còn là linh mục, ông qui tụ chung quanh ông một số giáo sĩ; mấy năm sau khi đã thành giám mục (395), ông lập lên một nhà dòng giám mục, buộc hết cả hàng giáo sĩ phải có óc từ bỏ của tu viện và nhất là phải khấn ở khó khăn. Mấy bài giảng của ông còn lại cho thấy ông đốc suất để đức khó khăn được tuyệt đối tôn trọng.
Tuy hơi khác nhưng cũng tương tự, thánh Martin sau khi miễn cưỡng phải từ bỏ cảnh ẩn tu để lên làm giám mục thành Tours (370-371), không từ bỏ cuộc đời ông đã theo đuổi tại Ligugé, chẳng những cho chính mình ông mà còn cho cả các môn sinh. Vì thế, ông đã quy tụ một cộng đồng do ông điều khiển, nếu không phải là chính tại tòa giám mục như các cộng đồng trên, thì ít ra cũng gần đấy, tại Marmoutiers. Cũng như cộng đồng Hippone là nơi đào tạo nên hàng chục giám mục, đây là một trung tâm huấn luyện giáo sĩ đã giải tỏa ra khắp miền. Những công trình sáng tạo này và một số khác nữa (có thể kể ra hành động tương đương của thánh Paulin thành Nole tại miền Campanie, của thánh Victrice thành Rouen tại miền bắc Gaule) đã gây được những hiệu quả lớn lao trong tương lai, mở đường đi đến những cộng đồng kinh sĩ dòng và đến cái hiện tượng xâm nhập hỗ tương giữa lối sống của giáo sĩ triều và các yêu sách đời tu viện là một đặc thái của Giáo hội Tây phương.