CÁC BIẾN CHUYỂN TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG ARIUS
CHƯƠNG V
CÁC BIẾN CHUYỂN TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG ARIUS
Nhiều giám mục đông phương đã chấp nhận ý niệm ”đồng bản tính” với nhiều do dự dè dặt. Hình như ý niệm này đã thông dụng tại Tây phương (trong tiếng la tinh Tertullien đã nói đến đơn nhất tính của bản thể), đã trở nên chính thức tại Aicập từ khi giáo hoàng Denys khiển trách Denys thành Alexandrie. Ý niệm này đã làm nảy sinh nhiều vấn nạn. Người ta cho rằng ý niệm này mang đặc tính thiên về vật chất nếu chưa phải là duy vật (trong ngôn ngữ thông dụng, từ homoousios dùng để chỉ hai đồ vật, chẳng hạn như hai đồng tiền, làm bằng cùng một loại kim khí). Lối dùng khả nghi mà những người tà giáo, bắt đầu là phái ngộ đạo, đã dùng, và có lẽ mới mẻ hơn cả là Phaolô thành Samosate, đến đời ông thì việc dùng từ ấy trong thuyết ba ngôi đã bị lên án cách nghiêm khắc.
Những vụ tranh luận gắt gao phát triển giữa các giới trong Giáo Hội liền sau khi có công đồng Nicée lại càng làm cho các tư kiến đó không sẵn sàng khuất phục.
Những người bào chữa cho từ homoousios (là từ khả nghi đối với nhiều người), lại góp thêm ý kiến làm cho nó trở nên đáng sợ hơn: Marcel thành Ancyre khi chỉ trích những luận điệu của một người tuyên truyền là Astérios, có khuynh hướng theo Arius, hay ít ra mập mờ. Eusèbe thành Césarée, lấy làm khó chịu về lối biện minh của Marcel mà ông cho là theo khuynh hướng Sabellius, và ông đã viết một khái luận dài để phản đối. Nhưng Eustache thành Antioche lại lên tiếng buộc tội Eusèbe xuyên tạc đức tin của công đồng Nicée. Eusèbe phản bác và nói ông có ý ngay lành và quật lại Eustache là người theo phái Sabellius. Khắp nơi toàn những vụ kiện cáo và tố giác lẫn nhau. Thế nhưng, vụ lộn xộn mới ở vào giai đoạn đầu!
Thu gọn lại một cách sáng sủa và rành mạch bài tường thuật về những bước tiến triển của cuộc khủng hoảng Arius trong thời kỳ lộn xộn từ năm 325 đến năm 381 là điều cực kỳ khó khăn. Thực tại lịch sử có một cơ cấu đa âm cần phải nhận ra, đồng thời phối hợp tất cả những khía cạnh khác nhau lại. Có yếu tố thời gian và cũng có yếu tố không gian: các thế hệ kế tiếp nhau và những vấn đề đã biến đổi. Chúng ta sẽ nhận thấy có một sự chống đối hầu như liên tục giữa Tây phương la tinh (với Ai-cập), thản nhiên y cứ vào định tín của Nicée, và Ðông phương hy lạp có nhiều băn khoan hơn, hết sức lo lắng về những mối nguy hại do phái Sabellius gây nên, mối nguy hại mà hai mươi năm sau, Tây phương mới khám phá ra.
Ý tưởng đã vậy, lại thêm vấn đề con người: các vấn đề con người thường khi pha vào làm cho phức tạp thêm các vấn đề giáo lý và, như chúng tôi đã nói, thời đại này lại có rất nhiều bản lĩnh cương nghị: Lúc Athanase lên cầm quyền tại Alexandrie, ngày mồng 8 tháng 6 năm 328 thì từ homoousios đã gặp được nơi con người của ông một nhà vô địch bất khuất. Nhưng chính óc cương trực của ông và, phải công nhận điều này, tính khí cường bạo đã tạo nên cho ông nhiều tay đối lập và nhiều lúc họ đã đặt ông vào những hoàn cảnh hiểm hóc. Hơn nữa, còn có cái mà chúng ta gọi là cơ cấu lưỡng cực của xã hội kitô: một đàng các giám mục tranh luận, các công đồng tìm cách định nghĩa, nhưng đàng khác còn có hoàng đế là người can thiệp vào để ủng hộ bên này, phát vãng hoặc cách chức kẻ kia. Mỗi khi thay ngôi hoàng đế, hay lúc ngài sửa đổi ý kiến, là đời sống của Giáo hội cũng tức thời bị liên lụy.
Núi cao trên 1000 th.
BẢN ÐỒ GIẢI THÍCH THUYẾT CỦA ARIUS
Ðể bài trình bầy được sáng sủa, chúng tôi sẽ sắp đặt theo lịch sử các ý tưởng, theo đà diễn biến giáo lý. Về phương diện này, người ta có thể nhận định đà phát triển của cuộc khủng hoảng trong bốn giai đoạn.
I. PHẢN ỨNG CHỐNG ÐỐI NICÉE TẠI ÐÔNG PHƯƠNG.
Sau những lời lên án của Nicée phản bác các thành ngữ quá khích hơn cả của Arius hay là do người ta gán cho ông, sau lúc ông hàng phục (hoàng đế cho rằng việc hàng phục ấy đã đủ), đối với nhiều giám mục Ðông phương, không còn vấn đề trên bình diện thần học nữa. Trái lại, thực tại và tính cách trầm trọng của tà thuyết Sabellius, mà người tiêu biểu rất mực hoạt động là Marcel thành Ancyre, lưu ý các ngài và xem ra biểu lộ một cái gì khả nghi về từ ”đồng bản tính”. Như vậy mới hiểu được tại sao có mặt trận chung phản đối Sabellius. Mặt trận này tập trung những khuynh hướng rất khác nhau và tiêu biểu một sức mạnh phi thường.
Linh hồn của mặt trận này là Eusèbe thành Césarée (các người cận đại chỉ lưu ý nhiều đến tác phẩm lịch sử rất quí giá của ông, nhưng vai trò của ông trên bình diện thần học cũng rất đáng chú ý). Rồi Eusèbe thành Nicomédie lúc ông đi phát vãng về, ông này thật là một lãnh tụ đảng phái, một người hoạt động, tài tình trong việc nghĩ ra mưu kế, tự hào về địa vị của mình tại triều đình.
Liên minh này, ngay từ lúc chớm nở đã tiêu biểu cho đa số, không mấy chốc đã nhúng tay vào việc phản công và mưu tính đào thải một cách hệ thống khỏi Ðông phương những người chủ trương truyền thống đã ấn định công thức Công đồng Nicée: từ miền Palestine đến miền Thrace, ít nhất có mười tòa giám mục thấy vị chấp chính của mình bi- truất chức và có người khác lên thay thế. Chính sách truất phế này gặp một vài khó khăn, vì thế, chỉ từ năm 326 đến năm 335, đã có một loạt hội đồng nhóm họp (đôi khi khó lòng xác định niên đại của các biến cố này, chẳng hạn như việc truất phế Eustache hay Marcel). Nhờ có hội đồng Tyr-Jerusalem và vụ ”cướp bóc” thành Tyr (tháng bảy - tháng chín năm 335) mà chính sách này đã toàn thắng với việc cách chức Athanase thành Alexandrie, bản án này không bao lâu sau được hoàng đế chuẩn y và ngài ra lệnh phát lưu ông.
Có điều này đáng chú ý: trừ trường hợp Marcel thành Ancyre, các vụ tố tụng tường thuật theo lối này ít căn cứ vào lý lẽ thần học, mà vào những điều tố giác hay những điều vu khống có tính cách thuần túy cá nhân, hoặc luân lý và chính trị. Eustache bị cáo về tội ngoại tình theo bằng chứng của một cô gái điếm và, đây mới là chuyện nặng hơn, vì ông đã phao đồn những tin bôi nhọ xuất xứ của hoàng thái hậu Hélène. Athanase thì bị buộc tội là đã tàn nhẫn với những người cố chấp trong phái Mélèce (đây hẳn là đã có một nòng cốt sự thật, nhưng người ta thêm thắt vào vì cần như vậy để thắng thế); để thúc đẩy Constantin thẳng tay trừng trị, người ta xét cần phải thêm vào một lẽ nữa là, Athanase khoe đã thành công trong việc phản đối chuyên chở lúa miến từ Alexandrie sang đô thành Constantinople. Ðúng hay sai không rõ, rút cục người ta cho là đúng, những điều dẫn chứng ấy đã ru ngủ lương tâm phe chiến thắng: Sau khi Giáo hội Roma nghe báo cáo về vụ này (338-339) và muốn đặt lại vấn đề truất phế các người đồng hướng Nicée, nhóm Ðông phương khước từ không chịu để người ta kháng tố, cho rằng các án lệnh này đã được công bố rất đường đường chính chính.
II. MẶT TRẬN CHUNG CHỐNG ÐỐI PHE SABELLIUS
Mặt trận chống lại nhóm Sabellius đã toàn thắng tại Ðông phương và hình như trong vòng hơn hai mươi năm không ai chủ tâm đặt lại vấn đề. Chắc chắn là tình thế không bao giờ được hoàn toàn ổn định, và nhiều lần còn bị náo động vì các biến cố chính trị. Chẳng hạn: việc Constantin băng hà (338) và việc đại xá tạm thời sau đó; những biến chuyển trong các mối giao tiếp (342-346), giữa các hoàng tử trẻ tuổi là người chia nhau cai trị Ðế quốc, ít khi thỏai mái, thường là căng thẳng. Tại Tây phương đang chủ trương thuyết của Nicée thì Constant cũng là người theo Nicée; tại Ðông phương, Constance II, tuy đôi khi theo đường lối uyển chuyển cốt để giữ thế quân bình, nhưng trong thực tế lúc nào cũng chịu ảnh hưởng của các nhà thần học nghiêng về Arius.
Việc tái chiếm các tỉnh la-tinh từ tay người tiếm vị Magnence là người đã hạ sát Constant, lôi cuốn Ðế quốc đã nhất thống hóa (351-353), vào cái từ đây trở đi gọi là lập trường chính thức tại Ðông phương. Các công đồng ngoan ngoãn ghi nhận ý định của hoàng đế (Arles 353, Milan 355, Béziers 356). Chỉ còn một số người đủ can đảm chống lại cảnh ức chế và dám tuyên chứng lòng trung thành với công đồng Nicée. Những người này bị phát lưu tức khắc: như Lucifer thành Cagliari, Hilaire thành Poitiers giáo hoàng Libère, cụ già Osius thành Cordoue.
Ðã lần lượt qua đời: Arius năm 335, Eusèbe thành Césarée năm 340, Eusèbe thành Nicodémie cuối năm 341. Một thế hệ mới nhập cuộc. Chúng ta gặp thấy, tại miền Illyricum, những người khác đứng ra đại diện cho thuyết hạ phục: như Ursace thành Surgidunum và Valens thành Mursa là những người đã có nhiều ảnh hưởng trong cách xử trí của Constance, nhất là sau năm 351. Một người tiêu biểu khác cho phái Sabellius là Photin thành Sirmium mà các người Tây phương đã lên án ngay từ năm 345, vì họ có ý chặn đường trước, hoặc vì đối với ông họ rảnh tay hơn đối với Marcel thành Ancyre là thầy dạy của Photin.
Nét đặc trưng của giai đoạn thứ hai này, là cố gắng chỉnh đốn lại nền giáo lý nhưng không thành công. Ðối diện với Tây phương còn đang duy trì giáo lý của công đồng Nicée, Ðông phương tìm mọi cách thay thế kinh tin kính của công đồng Nicée bằng một định tín họ cho là thỏa đáng hơn: Trong vòng mười năm (341-351), ít ra có bảy công thức đã được đề nghị kế tiếp nhau. Nguyên một việc phải đưa vấn đề ra mổ xẻ tới bằng ấy lần cũng đủ cho thấy người ta vấp phải một nỗi khó khăn khôn tả. Nói cho đúng ra, những công thức này không có chiều hướng Arius. Công thức thứ nhất trong bốn công thức liên hệ đến công đồng Encaenies (lê ”cúng hiến” đại thánh đường thành Antioche, năm 341) bắt đầu một cách đầy ý nghĩa bằng câu: ”chúng tôi không để cho Arius xỏ mũi” (8). Những công thức này không đối nghịch hẳn với truyền thống đã được công đồng Nicée phán định, nhưng theo chiều hướng những người bảo thủ năm 325, và muốn tránh xác định rõ mức độ giống nhau giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời. Việc lên án các sai lầm của Sabellius thì thật rõ ràng.
Từ giai đoạn này sang giai đoạn kia không thấy có dấu gì gọi được là tiến triển. Về phương diện này đáng chú ý hơn cả là có bản ekthèse macrostiche (”trần thuật tỉ mỉ”) được một công đồng khác chấp thuận năm 345 tại Antioche. Bản này gồm chừng 1400 chữ, cho dù chồng chất những hình ảnh và những lời ra vạ, nó vẫn còn luẩn quẩn ở ngoài chứ chưa thật sự đi vào vấn đề. Càng ngày người ta càng cương quyết bài xích những công thức của thuyết Arius tuyệt đối như: ”Ngôi Con từ hư vô mà ra”, ”có một lúc đã không có Ngôi Con”. Nhưng lại còn phải hỏi có ai đã thực sự xác nhận những công thức đó hay không ? Hơn nữa, người ta chỉ biết về phe theo công đồng Nicée qua những lời lẽ thái quá rành rọt như: thuyết tam thần, nhiều vị bất khả nhiệm sinh. Tuyên bố ”Ngôi Con không thể tách rời khỏi Ngôi Cha”, (một công thức như thế xem ra có thể đem cắt nghĩa theo lối truyền thống), không phải là dìm truyền thống đi, hay nói cho đúng, không có ý khước bỏ từ chuyên môn ”đồng bản tính”, homoousios. Ðây là một cách châm chước hoặc che đậy những hình thức của hạ phục thuyết.
III. PHÁT TRIỂN THUYẾT THA TÍNH VÀ CUỘC CHIẾN THẮNG CỦA THUYẾT TƯƠNG TỰ.
Tín lý nước đôi không thể kéo dài mãi được. Thái độ một chiều chúng ta thấy thống trị tại Ðông phương từ trước tới nay đã bộc lộ rõ rệt: Mặt trận chung phản Sabellius bó buộc phải nổ tung vì có sự nhập cuộc, ở phía cùng bên kia cái quạt giáo lý, của một thứ học thuyết tân Arius còn triệt để hơn chính giáo thuyết của Arius, đó là thuyết tha tính (anoméisme) của Aèce và của môn sinh ông là Eunome.
Niên đại xuất hiện của thuyết này có thể đặt vào năm 350 lúc người ta bất cẩn nhận Aèce vào chức phó tế làm cho dân chúng Antioche xôn xao. Aèce liên kết với gia sản của phái Sylloukianistes cổ là những thầy dạy ông, một nền giáo dục triết lý vững chắc nghiêng nhiều về thuyết Aristote, một lối xử dụng biện chứng rất tinh vi và một óc hăng say hầu như quá độ với biện chứng ấy. Aèce chủ trương một lập trường rõ ràng: đồng hóa bản tính Thiên Chúa với ý niệm bất khả nhiệm sinh hiển nhiên của Ngôi Cha, bởi thế, Ngôi Con, chẳng những không đồng bản tính với Ngôi Cha chút nào hoặc không giống ngài, mà xem ra lại khác ngài hoàn toàn, anomoios. Vì thế, người ta gọi nó là thuyết tha tính (anoméisme). Một lập trường gẫy gọn như thế (Eunome xem ra không góp phần để làm dịu nó xuống) tạo nên một cuộc va chạm đối lập và việc hình thành một phe thứ ba. Chính phe này không bao lâu đã bị phái mảnh ra làm nhiều khuynh hướng trước đà sinh sôi nảy nở, hay nói đúng hơn, trước sự tiến bộ trong lối phân tích thần học. Chối bỏ từ anomoios đã vậy rồi, nhưng còn phải cho biết giống nhau tới mức độ nào mới được chứ? Một cánh hữu không ngần ngại tiến rất xa: đối với phe này Ngôi Lời giống Ngôi Cha về hết mọi sự, không biến đổi, và nhất là về bản thể, ngài có một bản thể y hệt như Chúa Cha, homosiousios. Như vậy, chỉ hơn kém có một nét nhỏ nữa là đã chẳng đi sát với lập trường của công đồng Nicée về từ ”đồng bản tính” là gì ? Từ nhóm những người chủ trương homosiousios này mà người cổ vũ là Basile thành Ancyre (người đã được chọn khoảng năm 335 để thay thế Marcel: xem như vậy thì đủ biết đoạn đường đã đi!), đã xảy ra nhiều cuộc ly khai vì họ thấy nó cứ càng ngày càng xích lại gần truyền thống Nicée. Vẫn còn phần nào chủ trương theo hạ phục thuyết, họ giữ lại công thức mập mờ: Ngôi Con tương tự Ngôi Cha, homoios. Bởi đấy họ mang tên là phái Tương tự. Sau này Acace, môn sinh và là người thừa kế Eusèbe thành Césarée, là thủ lĩnh của phái này.
Ðó là tình trạng huyên náo và lộn xộn trong mấy năm cuối của triều đại Constance (357-361): nếu ta thấy các công đồng cứ tăng gấp thêm lên, nhất là gần hoàng cung ở Sirmium trên bờ sông Danube, thấy công thức này kế tiếp công thức khác và thấy các khuynh hướng cứ chống đối nhau mãi, thì nguyên do không chỉ vì các phe nhóm đối lập nhau trên bình diện thần học, nhưng nhất là vì tính do dự của hoàng đế. Tại Ðông phương là nơi có nhiều mối chia rẽ, hoàng đế không thể không chọn một phe, tất cả vấn đề là ngài sẽ liên kết với khuynh hướng thần học nào.
Trong vòng hai năm kim của cán cân vẫn dao động: công thức của công đồng Sirmiumm năm 357 thiên hẳn về hạ phục thuyết (phe của Ursace và Valens vẫn dẫn đầu); qua năm 358, Basile thành Ancyre lại thắng thế ở Sirmium (chính công thức của ông được coi như am hợp với truyền thống, đã được giáo hoàng Libère chấp nhận lúc ngài đã kiệt sức vì nhiều năm lưu đầy); kinh ”Credo có mang niên đại” cũng được soạn thảo vào năm sau tại Sirmium (ngày 22 tháng 5 năm 359) đã thúc đẩy tiến thêm một bước nữa.
Nhưng gió lại sắp sửa đổi chiều : các khuynh hướng đối lập còn chống chọi nhau mãnh liệt một lần chót trong mấy tháng sau tại hai công đồng Rimini (cho Tây phương) và Sélencie ở Isaurie (cho Ðông phương). Nhưng cần phải có quyết định từ cấp hoàng đế: Rốt cuộc, Constance đã liên kết với thuyết tương tự của Acace và một công đồng họp tại Constantinople, ngày 01. 01. 360, đã long trọng công bố quan điểm từ nay trở đi phải được coi như đức tin chính thức của Ðế quốc; vì có lời khuyên nhủ hay bị cưỡng bách, hàng giám mục cũng liên kết vào đấy, còn những ai không tuân phục, tất nhiên sẽ mất chức hay bị lưu đày.
Quyết định quan trọng này chấm dứt thời kỳ khởi thảo giáo lý: kinh tin kính ”khuynh hướng tương tự” năm 360 xác định cho cái có thể được gọi là thuyết Arius lịch sử. Từ nay thuyết này được chủ trương bởi những cộng đồng và những dân tộc chống lại truyền thống công giáo và kinh tin kính của Nicée.
Chẳng bao lâu lại tái hiện cuộc rối ren với việc đăng quang của Julien Bội giáo. Ông này theo chính sách khoan hồng tài tình và nham hiểm, như đã thấy khi nói về thuyết Donat. Thật ra cuộc đại xá toàn diện này là cơ hội để các đảng phái bị Constance làm tan rã, phục hồi lại lực lượng. Ðây là trường hợp nhóm tha tính đã bị truy nã từ năm 358; đây lại là trường hợp những người truyền thống, như Athanase cùng với các giám mục theo công đồng Nicée, mới đi lưu đầy về như ông. Họ triệu tập tại Alexandrie một công đồng các vị tuyên xưng đức tin để tìm phương kế, theo đường lối ôn hoà, thanh toán những hiệu quả của thời kỳ bấp bênh và lộn xộn.
Tình thế có lúc cực kỳ phức tạp. Chẳng hạn tại Antioche khủng hoảng gây ra do việc truất phế Eustache kéo dài 85 năm (từ năm 327-330 cho đến năm 412-415). Năm 362 thì cuộc khủng hoảng ấy phiền toái đến cực độ: Năm đó giáo đoàn Antioche có cả thảy năm cộng đồng đối chọi nhau! Thoạt tiên chúng ta thấy phái Nicée triệt để vẫn trung thành với kỷ niệm của Eustache, họ cấu thành giáo hội ly khai, đứng đầu là Paulin người đã chịu chức giám mục từ Lucifer Cagliari, một nhân vật quá khích của nhóm Nicée, chống đối mọi hình thức giàn xếp và kết cục ông ly khai và đoạn tuyệt với Roma.
Rồi đến Mélèce bị nhóm trên ngờ vực, cho là thiên về Arius: ông đã chẳng được di chuyển về Antioche mùa đông năm 360-361 với cuộc chiến thắng của thuyết tương tự là gì? Nhưng đây là một người thuộc phái tương tự thiên hữu, rất lãnh đạm với đường lối thần học của hoàng đế, nên vừa mới nhận chức đã bị Constance bắt đi lưu đầy; không bao lâu chúng ta sẽ gặp thấy ông giữa hàng ngũ phái tân truyền thống.
Euzoios, giám mục chính thức lên thế vị ông là người theo phái Arius thực thụ ngay từ phút đầu. Khi còn là phó tế, ông đã bị Alexandre thành Alexandrie rút phép thông công cùng một trật với Arius. Sự việc này chưa làm thỏa mãn những người theo phe tha tính thuần túy: Từ Constantinople, những người điều khiển phái Aèce và Eunome đã phái đến Antioche một nhân vật tên tuổi của họ là Théophile, người Ấn-độ, với nhiệm vụ thu hút Euzoios vào phe mình, bằng không, sẽ đứng lên thay thế.
Từ năm 362 lại xuất hiện một khuynh hướng khác gợi hứng từ vị giám mục kế cận, Apollinaire thành Laodicée là người triệt để theo công đồng Nicée về thuyết Ba ngôi, nhưng không may khuynh hướng này đã phát triển và biến thành một giáo thuyết đáng nghi ngờ về Kitô học. Mười lăm năm sau, khoảng 376-377, khuynh hướng này có giám mục riêng của họ tại Antioche, đó là Vitalis, người lập nên tòa riêng đối diện với ba tòa khác.
Lúc này ta lại gặp thấy cái cơ sở đa âm của đối tượng lịch sử: các vấn đề giáo lý thay phiên nhau như một tấu khúc. Vấn đề Arius chưa được dứt khoát, thì lại khơi ngòi nhiều vụ tranh cãi khác tương quan với vụ Arius. Trong khi tranh luận về Thiên Chúa tính của Ngôi Con, người ta bó buộc phải đặt ra vấn đề Thiên Chúa tính của Thánh Linh. Ðây là trường hợp khoảng năm 360 tại Aicập (chúng ta biết điều này là nhờ ở cách đối đáp của thánh Athanase) và vào những năm 370-380 tại Tiểu-Á là nơi tà giáo Pneumatomaque (phủ nhận Thánh Linh) lan tràn giữa hàng ngũ phe tương tự, gây nên một lý do chia rẽ khác (Basile đại nhân thành Césarée chỉ trích tà giáo này). Hình như chính trong vụ bút chiến đả kích thuyết kitô học lệch lạc của phái Arius, mà Apollinaire đã quan niệm ra hệ thống của ông: Trong việc nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa giữ vai trò nguyên ủy chủ yếu mà linh tính nắm giữ trong một người. Ðiều này, theo vấn nạn của truyền thống, cắt xén và làm cho nhân loại tính của đấng Kitô trở nên bất toàn.
IV. TỪ VALENS ÐẾN THÉODOSE
Nhưng thuyết Arius vẫn chưa chịu thua. Cũng may là triều đại Julien quá ngắn ngủi (361-363), nên cuộc phản ứng ngoại giáo không đủ thời giờ nghiên cứu phương sách tàn phá. Triều đại của Valentinien (364-375) trùng hợp với thời kỳ khôi phục và ổn định: Tại Tây phương, hoàng đế này, bản thân là kitô và theo công đồng Nicée, nhưng ít ưa dấn thân vào những vụ tranh chấp thần học, hình như chỉ chủ tâm nhiều đến việc thu thập mọi lực lượng của Ðế quốc để đối phó với quân man ri. Trên bình diện tôn giáo, ngài giữ thái độ hiếu hòa và khoan hồng. Tại những tỉnh la-tinh, ngoại trừ miền Illyricum, truyền thống công đồng Nicée còn nắm được hầu hết các giám mục, và hoàng đế vẫn để tại chức mấy giám mục phe tương tự mà Constance đã dùng uy thế cắt đặt lên.
Trái lại ở Ðông phương, em của ông là Valens mà ông đã liên kết một tháng sau (364-378) lại xử sự giống Constance và cùng với những lý do tương tự, như vị hoàng đế thần học. Cũng như Constance, ông tự coi mình như người phái tương tự ôn hòa, theo tôn chỉ đã được ấn định tại Constantinople năm 360. Vì thế, ông đã gây nhiều khó dễ, chẳng những cho nhóm tha tính thuyết, mà cả cho nhóm tương tự thuyết và các người theo công đồng Nicée. Hậu quả, lại xảy ra những cuộc tấn công, dọa nạt, truất phế và phát vãng các giám mục. Lúc đó Athanase, tuy đã cao niên, còn bị trục xuất khỏi Alexandrie lần thứ năm...
Chúng ta có thể tóm lược cuộc tại chức đầy sôi động của ông, phản ảnh cho cả một thời kỳ: tuy là dị thường, cuộc tại chức này không phải là duy nhất, cuộc tại chức của Phaolô thành Contnantinople, một người khác theo chủ trương Nicée, cũng không kém phức tạp (334-336; 342-350).
____________________________________________________
Athanase, sinh năm 295, dự công đồng Nicée với tư cách là phó tế của Alexandrie năm 325, làm giám mục thành phố này năm 328
Phát vãng lần I, đời Constantin, từ ngày 11 tháng 7 năm 335 cho đến ngày 22 tháng 11 năm 337, cư ngụ tại Trèves;
Phát vãng lần 2, đời Constance, từ ngày 16 tháng 4 năm 339 cho đến ngày 21 tháng 10 năm 346 ; cư trú tại Roma;
Phát vãng lần 3, cùng đời Constance, từ ngày 9 tháng 2 năm 356 cho đến ngày 21 tháng 2 năm 362 ; tại sa mạc Aicập;
Phát vãng lần 4, dưới đời Julien, từ ngày 21 tháng 10 năm 362 cho đến ngày mồng 5 tháng 9 năm 363 ; cùng nơi trên;
Phát vãng lần 5, dưới đời Valens, từ ngày mồng 5 tháng 10 năm 365 đến ngày 31 tháng 01 năm 366; cũng tại sa mạc Aicập, qua đời ngày 2 tháng 5 năm 373
____________________________________________________
Athanase qua đời trong tuổi già và đầy vinh hiển. Một thế hệ khác đã lên thay thế. Ngoài ông ra, các người khác đã và sẽ trường kỳ chống đối thuyết tương tự. Các vấn đề đã biến chuyển, người ta cũng vậy. Biến cố quyết liệt xảy ra dưới triều đại Valens là việc hình thành một phái có thể gọi được là phái tân truyền thống, xích gần lại phía các người Nicée và cuối cùng sáp nhập làm một.
Phái này không tuyển mộ được nhiều thành viên giữa các người tương tự thuyết. Theo họ, ý niệm homoiousios, hình như có sự mâu thuẫn nội tại, như Marius Victorinus, nhà triết học Roma mới trở lại, đã chất vấn từ năm 358. Chung cục là một vụ bế tắc. Phái này triệu tập lên từ chính lòng phe hữu của tương tự thuyết (Ngôi Con hoàn toàn giống như Ngôi Cha về hết mọi sự) chẳng hạn Mélèce thành Antioche và nhất là các tiến sĩ trứ danh người Cappadoce, Basile thành Césarée là người thủ lãnh và ưa hoạt động, bạn của ông là Grégoire thành Nazianze, nhà nhân bản và là văn gia tuyệt hảo, em của ông này là Grégoire thành Nysse, triết gia táo bạo và huyền bí.
Có thể nói mức sung mãn đức tin công giáo đã đúc kết được sản nghiệp khá cao quí của phái Nicée, họ rất thận trọng trước hạ phục thuyết, và trước phái tân truyền thống, là những người đã chuyển đạt phần tinh túy nhất trong phong trào phản Sabellius của các người Ðông phương. Thái độ dè dặt đã từ lâu bộc lộ tại Ðông phương đối với các người theo công đồng Nicée không còn lý do hiện hữu, kể từ khi họ bắt đầu xa cách lập trường của Marcel thành Ancyre và kịch liệt lên án Photin thành Sirmium. Còn phải làm thế nào để khuất phục người ta tin tưởng nền thần học mới này không có gì nguy hiểm. Dưới mắt những người la-tinh, nhóm tân truyền thống này còn bị những người vốn nhiệt tâm trung thành với đức tin theo công đồng Nicée ngờ vực. Như Paulin thành Antioche, đối thủ của Mélèce, như Phêrô thành Alexandrie người kế vị Athanase. Họ không ngần ngại liệt kê nhóm tân truyền thống trên vào loại thân nhóm Arius, vì có nhiều nguồn gốc khả nghi.
Nhất là phải làm sao lướt thắng các trở ngại đang ngăn cản đôi bên tìm hiểu lẫn nhau, vì ngôn ngữ bất đồng (từ lúc này người La-tinh không còn hiểu rõ tiếng hy-lạp nữa, người Hylạp không bao giờ tiếp xúc nhiều với tiếng la-tinh), vì bầu không khí trí thức, vì truyền thống thần học. Trong khi nghiên cứu, thuật ngữ biến chuyển rất nhanh chóng, các từ vay mượn trong lối dụng ngữ thông thường hay trong danh từ triết lý dần dà đã mặc lấy trong mỗi môi trường một ý nghĩa thần học xác thực.
Vấn đề là làm thế nào để người ta nhìn nhận tính cách đồng qui của những công thức đôi bên đã phác họa nhằm tóm tắt giáo lý về Chúa Ba ngôi: một ousia, ba ngôi vị đối với các người Cappadoce, còn đối với người la-tinh thì una substantia, tres personae: Lối diễn đạt thứ nhất hình như bị các người la-tinh nghi ngờ là thiên về thuyết Arius hoặc thuyết Tam thần; đối với các người Cappadoce, lối diễn đạt sau có vẻ thiên về thuyết Sabellius. Hai bức thư mà thánh Jérôme lúc đó đang sống ẩn tu trong sa mạc Syrie thuộc khu vực Antioche gửi cho giáo hoàng Damase (376-377) cho chúng ta ý niệm về các lúng túng ấy: có nên công bố ba ngôi vị không? Phải chăng ngôi vị không đồng nghĩa với ousia, với bản thể, với bản tính? Hơn nữa, phải theo vị nào trong ba giám mục phe Nicée, vì cả ba đều tự xưng là còn giữ thông hiệp với Roma? (9).
Thánh Basile đã hết sức giúp vượt khỏi mối hiểu lầm này và cổ võ công trình tối thiết là thống nhất Giáo hội. Lên chức giáo chủ thành Césarée tại Cappadoce năm 370, ông khởi đầu các cuộc thương thuyết ngay từ năm sau, thoạt tiên với Athanase, rồi trực tiếp với giáo hoàng Damase. Những cuộc thương thuyết này lâu dài và khó khăn, nhiều lúc như thất vọng. Chưa đạt tới đích, Basile đã qua đời ngày 01 tháng 01 năm 379. Nhưng tình thế đã chín mùi và chưa hết năm ấy, một công đồng được tổ chức tại Antioche với sự tham dự của 153 giám mục Á đông, trong đó có tất cả những vị chủ xướng lên phong trào tân truyền thống. Các ngài chấp nhận đức tin của giáo hoàng Damase và đứng vào lập trường của Giáo Hội Tây phương.
Cái tầm quan trọng và hiệu lực của phong trào này đến sau lại được củng cố do những biến chuyển từ cấp bậc hoàng đế. Valens vừa nới thả áp lực với phe tương tự huyết, đã bị thiệt mạng trong cuộc bại trận tại Andrinople, khi ông tìm cách chống lại cuộc xâm lăng của người Goths (ngày 30 tháng 5 năm 378). Kể từ ngày 19 tháng 01 sau đấy, người kế vị ông tại Ðông phương là đại tá Théodose dòng giống Tây Ban Nha, một kitô sốt sắng và xác tín vào truyền thống Nicée theo tôn chỉ của một người tây phương tốt. Bởi vậy ông đã uốn nắn đường lối chính trị về phía tôn giáo: Ngày 28 tháng 02 năm 380 ông công bố tại Thessalonique một sắc lệnh cưỡng buộc tất cả các thần dân phải theo truyền thống công giáo, đã ấn định bằng lối qui chiếu vào tòa của Phêrô, vào vị đương chức là giáo hoàng Damase và giám mục thành Alexandrie, người liên kết với giáo hoàng.
Dĩ nhiên ý định của hoàng đế kéo theo một biến chuyển rõ rệt: Chẳng hạn vừa mới tới Constantinople, Théodose đã loại trừ ngay Démophile người phái Arius khỏi tòa giám mục, và đặt vào đấy Grégoire thành Nazianze, người mà từ trước đến giờ mới chỉ là vị thủ lĩnh của cộng đồng truyền thống bé nhỏ tại đô thành. Nhưng ông này cũng không ở lại đấy lâu, vì tính ông hay bối rối và quá tế nhị, không đương đầu nổi với những mưu cơ đầu tiên người ta bày ra để hại ông trong công đồng mà Théodose triệu tập, cốt để vãn hồi truyền thống. Ðây là đại công đồng thế giới thứ hai triệu tập tại chính Constantinople năm 381.
Thực ra truyền thống và phong trào liên minh khái quát chung quanh truyền thống không vì thế bị ảnh hưởng. Chính năm 381, trước và sau công đồng, rồi tiếp theo những cuộc hội đàm đối kháng cuối cùng, trong đó những người tiêu biểu cho các khuynh hướng khác nhau tranh luận, vào các năm 383, 384, 391. Hơn thế, một loạt sắc lệnh mới của Théodose bày tỏ ý định của hoàng đế muốn xử dụng uy thế của ngài để ủng hộ nền thống nhất tôn giáo, cần được vãn hồi theo tôn chỉ của công đồng Nicée.
Trong lúc đó Giáo hội Tây phương cũng ghi được những bước tiến triển song song, nhờ sức hoạt động của các vị lãnh đạo cương nghị, như giáo hoàng Damase (366-384), như thánh Ambroise (374-397) giám mục thành Milan, cho dù tình hình chính trị lúc đó rất là lộn xộn. Nhiều người tiếm vị, nổi lên chống đối lại các con thừa kế của Valentinien. Théodose sẽ phải can thiệp để bào chữa hoặc trả thù cho các người đồng liêu của ông. Vào cuối triều đại, chỉ trong mấy tháng, ông đã thu phục toàn thể Ðế quốc dưới quyền độc nhất của ông (từ ngày mồng 8 tháng 9 năm 394 đến ngày 17 tháng 1 năm 395).
Trong các nước la-tinh này, vấn đề chủ yếu được đặt ra cho truyền thống là tiêu hủy sào huyệt của thuyết Arius đã thiết lập tại Illyricum từ lúc Arius bị phát vãng tới đấy và nhất là từ thời Ursace và Valens. Mặc dầu được sự ủng hộ của Hoàng thái hậu Justine, nhiếp chính của con nhỏ tuổi là Valentinien II, tại triều đình Sirmium rồi đến triều đình Milan (373-383-387), sào huyệt này dần dà đã bị tiêu diệt nhờ công trình bền bỉ của thánh Ambroise, trong công đồng ngài triệu tập, và nhất là nhờ những ảnh hưởng ngài đã gây được vào các năm từ 376 đến 383 trên Gratien người anh cả, một trong hai hoàng đế tại Tây phương. Việc can thiệp của Théodose là hành động đi đến kết thúc: bị Maxime tiếm vị và đẩy lui vào thế cùng, Justine và con của bà chạy tới nấp bóng Théodose. Trong cuộc chinh phạt năm 388, ông chiếm lại Tây phương cho hai mẹ con bà Justine, ông bãi bỏ những biện pháp khoan hồng mà Valentinien II đã ra trước kia đối với phái Arius.
Từ đây, tại Tây phương cũng như tại Ðông phương, thuyết Arius (để duy trì cái tên cổ truyền gán ghép cho giáo phái tương tự) bị thất bại hoàn toàn: Thần dân nào trong đế quốc Roma còn chủ trương thuyết Arius sẽ bị liệt vào tình trạng bất hợp pháp, trừ khi những người đó hoạt động bí mật. Ðồng thời nhiều pháp lệnh được công bố mỗi ngày một khe khắt đối với nền ngoại giáo còn sót lại; những vụ quật khởi chính trị cuối cùng của nền ngoại giáo cũng bị đập tan. Ðạo kitô, hay đúng hơn, đạo công giáo truyền thống, đã trở nên tôn giáo chính thức của toàn thể thế giới Roma, vào cuối triều đại Théodose.
Ðừng tưởng rằng chỉ những nhà thần học chuyên môn, những giám mục hay những công đồng mới lo lắng đến việc thống nhất giáo lý. Các tầng lớp dân chúng cũng đã say sưa theo dõi vấn đề giáo lý này. Ðể việc truyền bá được dễ dàng, Arius đã tóm lược nền thần học của ông trong một bài hát có những câu vè phổ thông; người ta truyền lại rằng các thủy thủ, các người xay lúa và các khách lữ hành thường quen hát. Hơn một lần các vị tiến sĩ truyền thống cảm thấy có bổn phận phản kháng lối lợi dụng những cuộc tranh luận về một mầu nhiệm linh thánh như cơ cấu nội tại của chính hữu thể Thiên Chúa. Một điều hiển nhiên là trong các cuộc tranh luận ấy, con người hy-lạp đem chuyển dịch vào bình diện kitô cái hứng thú về lối biện minh tế nhị và say sưa mà những cuộc tranh luận trường kỳ trước kia dưới thời ngoại giáo đã làm cho họ bén mùi. Bằng một lối diễu cợt, Grégoire thành Nysse nhắc đến tích truyện người đổi tiền, khi nghe hỏi về giá bạc thì hắn phun nhả một thiên luận thuyết về tính thụ nhiệm sinh và bất thụ nhiệm sinh; khi vào hiệu bánh, người ta bảo cho anh biết: Ngôi Cha lớn hơn Ngôi Con; tại giếng tắm, nếu anh hỏi đã vào tắm được chưa thì anh sẽ được nghe thuyết minh là Ngôi Con từ hư vô mà ra (10) !
Với giọng điệu nghiêm nghị hơn, Grégoire thành Nazianze lưu ý người phái tha tính đừng quá tự tín vào các tam đoạn luận của họ, không phải hết mọi người có thể đủ khả năng bàn luận về Thiên Chúa, họa may chỉ những ai đã đi sâu vào con đường thánh thiện (11). Nhưng các tính đam mê này đã ăn rễ quá sâu: tháng 2 năm 386, lúc hoàng hậu Justine muốn giành giật một trong những thánh đường lớn tại Milan để dùng vào việc Tế lễ theo phái Arius, thánh Ambroise đã huy động các đam mê đó, ngài ra lệnh cho giáo dân ngày đêm canh giữ thánh đường đang bị tranh dành. Ngài là người khéo xách động quần chúng, ngài biết duy trì bầu nhiệt huyết của họ. Theo lời tường thuật của thánh Augustin lúc đó đang có mặt tại Milan và sắp sửa trở lại, vào dịp này thánh Ambroise đã cho du nhập vào giáo hội la-tinh các tục lệ dân chúng hát thánh thi và thánh vịnh theo lối Ðông phương (12).