CHƯƠNG IV
ARIUS VÀ CÔNG ÐỒNG NICÉE
CHƯƠNG IV
ARIUS VÀ CÔNG ÐỒNG NICÉE
Sau cuộc bại trận và đầu hàng của Licinius (mùa thu năm 324), Constantin nhận thấy các giới Kitô Ðông phương cũng gay gắt chia rẽ nhau như trường hợp các người Phi châu vào năm 313. Cùng một bối cảnh đại diện lại: Hoàng đế ủy nhiệm Osius thành Cordoue, chuyên viên giáo vụ của nhà vua, đi điều tra vụ này tại Alexandrie và miền Tiểu Á, cũng như ngài đã ủy nhiệm ông đi nghiên cứu về thuyết Donat tại Carthage. Trước tính cách phức tạp của vấn đề, lần này ngài sẽ kêu gọi đến việc triệu tập một công đồng.
Ðã từ mấy năm hoặc là mấy tháng (năm 318, hay là chỉ có từ tháng 7 năm 323), một linh mục thuộc giáo hội Alexandrie, hình như là người phản động của phong trào ly giáo Mélèce, tên là Arius, gay gắt chống đối giám mục của ông là Alexandre. Cuộc chống đối này quan trọng bởi vì có liên hệ đến khoa thần học về Chúa Ba Ngôi. Những vấn đề nêu lên như ta đã thấy, đã từng là đầu đề của các cuộc tranh luận gay gắt giữa các thế hệ trước trong giáo hội Alexandrie cũng như tại nhiều nơi khác của thế giới kitô, nhất là vào những năm cuối cùng của đời giám mục Denys (260-264/5).
Giai đoạn đầu, thuyết Arius cho thấy tính chất của một cuộc tranh cãi nội bộ trong giáo hội Alexandrie, giữa hai khuynh hướng thần học đối lập nhau mà cả hai đều thuộc vào truyền thống giáo hội này. Có một điều trái khoáy là hình như cũng một ông Denys đã lần lượt tiêu biểu cho cả hai khuynh hướng. Mặc dầu, từ nhiều tư liệu khác nhau, chúng ta biết ông đã từng là học trò hay ít nữa, đã tự coi như môn sinh của vị tử đạo Lucien, linh mục tại Antioche. Arius lại ra mặt bào chữa ”khuynh hướng hạ phục” (tendance subordinatianiste) mà trước đây Denys thành Alexandrie đã thừa nhận trong vụ bút chiến ông phản đối các người phe Sabellius miền Cyrénaique và về điểm này, Denys đã bị khiển trách nghiêm khắc bởi giám mục Roma là người trùng tên với ông. Bởi vậy trong khi điều chỉnh lại lập trường, Denys đã nhấn mạnh đến tính đồng đẳng bản thể giữa Ngôi Cha và Ngôi Lời.
Một tà thuyết, ở khởi điểm, thường là sự thâu nhận mạnh mẽ một khía cạnh trung thực nhưng phái mảnh của mặc khải, khía cạnh này đem phát triển cách độc phương chày kíp sẽ biến dạng và làm thương tổn thế quân bình của toàn diện nền thần học. Hình như Arius bị ám ảnh bởi một điều: bảo toàn trong thuyết Ba Ngôi tính độc đáo và những quyền ưu tiên của Ngôi Cha, ”một mình được agennetos”, nghĩa là không bị nhiệm sinh, nhưng cũng lại (người ta không phân biệt rõ ràng giữa hai phân từ chuyển hóa của tiếng sinh ra, và của tiếng chuyển biến) không bị ”chuyển biến”, nhập vào hữu thể, duy mình ngài vĩnh hằng, duy mình ngài không có nguyên ủy, tóm lại chỉ mình ngài là Thiên Chúa thật, bởi vì và đây là điều chính yếu, duy mình ngài là tự hữu, là nguyên ủy của mọi hữu thể. Kiểu nhấn mạnh này thúc đẩy Arius tương đối giảm giá Ngôi Lời: chính ngài ”không vĩnh hằng, không đồng vĩnh hằng với Ngôi Cha là Ðấng không bị tạo dựng như ngài (theo tự-nghĩa là : không được sinh ra, không bị chuyển biến) như ngài, bởi vì Ngôi Con đã nhận được sự sống và hữu thể từ Ngôi Cha” (7).
Bởi vậy nên có những thành ngữ mà thuyết truyền thống cho là phạm thượng, như ”ngài không có trước khi được sinh ra”. Chắc Arius không đi xa đến đỗi nói cách minh bạch như cuộc bút chiến sẽ gán ghép cho ông: ”Ðã có một lúc kia không có Ngôi Lời”. Ông tìm cách diễn tả một ưu thế hữu thể học (supériorité ontologique) hơn là nói lên một tính tiên thủ niên biểu (antériorité chronologie). Nhưng cho dù ông đề phòng đến đâu đi nữa, nói rằng việc sinh ra của Ngôi Lời đã thể hiện ”trước khi có thời gian, trước mọi thế kỷ”, nhận định là ngài đã được ”tạo thành” (Cn. 8,22, câu này thuần túy của Arius), ngài là một tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa không thể đồng hóa với bất cứ vật nào trong các loài thụ tạo. Theo đó, khuynh hướng hạ phục thuyết quả là minh bạch: thuyết Arius không phải là một điều những người chống đối thuyết ấy bày đặt ra.
Không mấy chốc đã có cuộc phản ứng: Trong Giáo hội Aicập do giám mục thành Alexendrie nắm chắc trong tay, người ta không thể ở yên trước truyện tấn công vào nền thần học được vị thủ lĩnh của giáo hội này cổ võ. Alexandre thành Alexandrie liền triệu tập một công đồng gồm gần một trăm giám mục miền Aicập và miền Libye, công đồng này ra vạ cho các sai lầm của Arius và lên án tuyệt thông cho ông và những người theo phe, một nhóm nhỏ gồm năm linh mục, sáu phó tế và hai giám mục, thuộc các miền phụ cận phía tây Ai cập, là Théonas thành Marmarique và Secundus thành Ptolémais miền Cyrénaique.
Vụ này không hạn hẹp riêng tại Aicập: Vì không chấp nhận án vạ, Arius đã tìm sự yểm trợ từ bên ngoài, tại Palestine (cũng như ngày trước Origène đã hành động trong trường hợp tương tự, bên cạnh nhà bác học Eusèbe thành Césarée, nhà minh giáo và là người kế vị Origène), tại các miền khác ở Ðông phương và tại miền Tiểu Á với những người từng là môn sinh như ông của Lucien thành Antioche: Chúng ta nắm được thư của Arius gửi đi cầu cứu với một trong các giáo chủ Sylloukianistes là Eusèbe thành Nicomédie, một nhân vật có rất nhiều thế lực, là tiêu biểu loại giám mục tham vọng và hiếu động của Ðệ nhị Ðế chế (ông vừa được bổ nhiệm từ tòa thứ nhất, Beyrouth, đến nơi có hoàng dinh; hình như ông qua đời tại tân đô thành Constantinople mới được thành lập trong kỳ ấy, sau khi được thăng bổ lần thứ hai đến tòa này). Nhờ sáng kiến của họ, mấy công đồng hàng tỉnh miền Bithynie và Palestine không bao lâu sau đã lên tiếng chống đối quyết định của công đồng Alexandrie và phục chức cho Arius.
Ðến lượt các sáng kiến ấy lại gặp sức chống đối từ những miền tiếp cận với khu vực của các ông: Macaire thành Jerusalem ra mặt chống đối giám mục Césarée; Tại miền Phénicie và Cilicie là nơi Arius đã có những đồng chí, lúc này xuất hiện các đối thủ: như các giám mục thành Tripoli và nhất là giám mục Antioche là nơi khoảng năm 323-324, Eustache đại nhân đã lên thay thế cho Philogone; Ðể đối đáp với nhóm Bythinie quây quần chung quanh ông Eusèbe thì tại miền Galatie, Marcel thành Ancyre (nay là Ankara) ra mặt hoạt động, không bao lâu sau ông bị tình nghi. Trong khi ấy Alexandre không chịu thua kém: ông thông đạt và biện hộ lập trường của ông trong mấy thông điệp hoặc thư cá nhân ông gửi đến cho những giám mục thuộc miền Hylạp, cho Sylvestre thành Roma... Náo động lại loang ra: trước một tình trạng đã nhanh chóng trở nên phức tạp như vậy, dĩ nhiên Constantin cảm thấy bó buộc phải tổ chức một đại công đồng.
Lúc này Constantin đã lên bá chủ toàn thể Ðế quốc, cái Ðế quốc nặng óc kiêu hãnh Roma không đếm xỉa chi đến đối phương Sassanide và thản nhiên tự đồng hóa mình với thế giới văn minh, nên công đồng này sẽ là công đồng ”thế giới” phổ quát, công đồng chung thứ nhất của lịch sử. Nhưng hơn kém ba trăm vị giám mục tụ họp tại Nicée gần Nicomédie, ngày 20 tháng 5 năm 325, không đại diện đồng đều cho những tỉnh khác nhau, mặc dầu hoàng đế đã tạo mọi điều kiện dễ dãi cho các giám mục, ban phép để các ngài được đặc quyền xử dụng euectio, quyền dùng bưu chính của triều đình. Người ta nhận thấy các nghị phụ không thực hiện nổi tỉ lệ cần thiết, vì có những trở ngại vật chất; trong số các nghị phụ, hơn một trăm đến từ miền Tiểu Á, chừng ba chục từ miền Syrie-Phénicie, gần hai mươi vị từ Palestine hay Aicập; tây phương la-tinh hầu như không có người đại diện, ba hay bốn giám mục từ tây phương tới hình như là những vị đang hiện diện trong triều đình vì một lý do cá nhân, như trường hợp Osius thành Cordoue; giáo hoàng Sylvestre cử hai linh mục Roma tới đại diện; việc ngài vắng mặt có khi chỉ là một sự tình cờ, nhưng nó đã tạo nên một tiền lệ: trong những công đồng chung sau này tòa Roma thường cử đại biểu đến theo kiểu ấy.
Chúng ta có thể hình dung các khuynh hướng thần học thời ấy theo hình cái quạt mở rộng: Về phe cực tả có nhóm nòng cốt bé nhỏ của Arius thuở ban đầu, được các đồng chí Sylloukianistes quây quần chung quanh Eusèbe thành Nicomédie yểm hộ. Xa hơn nữa là một nhóm hơi thiên tả, mà Eusèbe thành Césarée là phát ngôn viên, tập hợp những người chủ trương hạ-phục-thuyết ôn hòa theo truyền thống Origène, cùng với những người có thể gọi được là phe bảo thủ, tức là những nhà thần học thiếu tự tín hay nhút nhát (chúng ta sẽ gặp khuynh hướng này nhiều lần trong những công đồng sau), băn khoăn về nền thống nhất nhiều hơn là về tính cách xác thực và bởi đấy, chống đối hết mọi hình thức mới, chỉ bận tâm bám bíu lấy giáo thuyết cổ truyền đã hấp thụ, thứ giáo thuyết diễn đạt với những danh từ thuần túy thánh kinh. Nghiêng về phe hữu thì có những người đã phát giác mối nguy hại của thuyết Arius, đó là Alexandre thành Alexandrie (tháp tùng ông có Athanase phó tế và là người kế vị ông sau này) và Osius thành Cordoue, người xem ra đóng một vai trò rất hoạt động. Ủng hộ cho các ông này, có phe cực hữu mà họ cho là một chỗ nương tựa không gây nguy hiểm: đó là Eustache thành Antioche và nhất là Marcel thành Ancyre; riêng ông này có thái độ phản đối Arius triệt để, nên việc ông hăng nồng và độc phương bám víu vào nguyên tắc cổ truyền về nền ”thượng quyền” của Thiên Chúa, làm cho ông sa vào tà thuyết trái ngược và đối xứng. Ðối phương của ông không lầm khi họ liệt ông vào số những người theo thuyết mô thức (modalisme) minh nhiên hay ám tàng, là thuyết sai lầm của Sabellius ngày trước.
Lối phân tích trên vẫn chưa trình bày minh bạch được tầm quan trọng tương đối của những phe nhóm khác nhau; đã có nhiều người đồng loạt phê bác các điểm sai lầm của Arius. Không lưu ý đến thái độ dè dặt của phe ”bảo thủ”, công đồng đã chấp thuận như nền tảng bản tuyên bố đức tin do Eusèbe thành Césarée soạn thảo, nhưng thêm vào bản văn còn hơi mông lung này mấy xác nhận rành mạch quyết đáp hơn: Chưa thỏa mãn về lời công bố Ngôi Con ”là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi ánh sáng” công đồng minh định Ngài là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành (homoousios), đồng một bản tính với Chúa Cha của ngài.
Việc trưng dụng từ homoousios này mà sau đấy phải huy động đến bao nhiêu cuộc tranh luận gay go để duy trì lại, đã đánh dấu một niên đại đáng ghi nhớ trong lịch sử tín lý đạo Kitô. Lúc cho xen vào bản tuyên bố đức tin một danh từ mới không có nguồn gốc Thánh Kinh nhưng có tính bác học như thế, công đồng Nicée thừa nhận cố gắng thần học để diễn giải điều mặc khải là một điểm phong phú, và xử dụng uy thế của mình để phê chuẩn bước tiến bộ mới thực hiện được trong lối cắt nghĩa nội dung đức tin. Với bước tiến bộ này, Giáo Hội đã nhất quyết dấn thân vào một đường lối mới, sẽ dẫn đưa đến các ”định tín” long trọng trong thời đại chúng ta, như tín điều về Trinh khiết hoài thai, về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng, về Ðức Mẹ hồn xác lên trời.
Mặc dầu không có thẩm quyền về thần học, hoàng đế Constantin quả thật đã góp phần đưa các cuộc tranh luận đến kết quả mỹ mãn và nhanh chóng, bất kể ngài dùng khuyên nhủ hay dọa nạt. Nói tóm lại, hoàng đế đã huy động toàn diện thế lực và quyền bính của ngài để công việc được kết quả. Chỉ có hai giám mục, hai giám mục liên kết với Arius mà chúng tôi đã nói đến, khước từ không chấp nhận tiếng ”đồng bản tính” và những khoản ra vạ giải thích về tiếng ấy. Cùng với Arius, hai vị này bị lưu đày. Ba tháng sau, Eusèbe thành Nicomédie và hai giám mục lân bàng khác muốn rút lại chữ ký, cả ba cũng bị lưu đày vào mùa thu năm 325. Thế là hoàng đế có thể tự hào đã mãn nguyện: vấn đề xem ra đã giải quyết xong. Nhưng đâu có phải thế, chẳng bao lâu sau cuộc tranh cãi lại bùng lên.