CN PHỤC SINH - Năm B
05.04.2015
BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ (10,34a.37-43).
Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói : "Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội".
ĐÁP CA (Tv 117)
Đáp : Đây là ngày Chúa đã làm ra, Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
BÀI ÐỌC II
Lời Chúa trong thơ của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côlossê (3,1-4).
Anh em thân mến, anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
CA TIẾP LIÊN
Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô chiên lễ Vượt qua
Chiên Con máu đổ chan hòa
Cứu bầy chiên lạc chúng ta về đoàn.
Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội
Đã đứng ra môi giới giao hòa
Tôi nhân cùng với Chúa Cha
Từ đây sum họp một nhà Cha Con.
Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến
Cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự sống đã chết đi
Giờ đây hằng sống trị vì oai linh
Ma-ri-a hỡi ! Xin thuật lại
Trên đường đi đã thấy gì cô?
Thấy mồ trống Đức Ki-tô
Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn.
Thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện
Y phục và khămn liẹm xếp rời
Sẽ đón các ngài tại xứ Ga-lin.
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô thất đã phục sinh
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an (20, 1-9).
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu".
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Đ. ô. Mai Đức Vinh
Nhân chứng Phục Sinh
Chân phước Thomas More, thủ tướng Anh quốc bị tống giam vì không chịu chối đạo. Nghe ông bị kết án tử hình, bà vợ đến thăm và hỏi chồng: “Tại sao anh không lo cứu lấy sự sống của anh, vì em nghĩ anh còn có thể sống ít ra 20 năm nữa?” – Chân phước Thomas trả lời: “Em đề nghị cho anh một hành động hết sức điên rồ! Để sống 20 năm mà phải hy sinh sự sống vĩnh cửu! Em không biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại thật, và Ngài sẽ cho chúng ta sống lại với Ngài đó sao? Trong Tân Ước, có rất nhiều nhân chứng và lời chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, em hãy về tìm đọc và đọc cho các con nghe nữa…”
Quả vậy, những bài Thánh Kinh hôm nay là những lời chứng đáng tin của các chứng nhân uy tín trong Tân Ước:
• Trước tiên là lời chứng của chứng nhân Phêrô, người theo ra mồ thị sát thật hư, lời chứng làm cho cả nhóm mười hai chưng hửng, ‘vì họ chưa hiểu rằng, theo Thánh Kinh thì Chúa Giêsu phải sống lại từ cõi chết’. Thánh Phêrô đi theo Chúa ngay từ buổi đầu, và được Chúa đặt làm đầu Giáo Hội, ‘lo làm vững đức tin của mọi người’. Thay mặt cho các Tông Đồ, thánh Phêrô đã cả quyết: ‘Chúa Giêsu là Đấng người ta đã giết chết treo trên Thập giá. Nhưng ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, và Ngài đã hiện ra với chúng tôi. Chúng tôi là những nhân chứng… (bài đọc một).
• Thứ đến là những lời chứng của bà Madalêna mà thánh Gioan ghi lại một cách khách quan và sống động như chúng ta đọc được trong bài Tin Mừng hôm nay. Lời chứng của bà Madalêna đã thúc đẩy Gioan và Phêrô chạy vội(04. 04. 2009)
• Sau cùng là lời chứng hay đúng hơn là lời khẳng định của thánh Phaolô với giáo đoàn Côlôsêô: “Chúa Giêsu đã sống lại, lên trời đang ngự bên hữu Chúa Cha, vậy nếu anh chị em đã sống lại với Đức Kitô, thì anh chị em hãy lo tìm kiếm những sự trên Trời..” (bài đọc hai).
Nếu chúng ta có thể cật vấn bà Madalêna ‘bà đã thấy gì khi bà ra thăm mộ từ sáng sớm tinh sương’, bà sẽ trả lời thẳng thắn ngay: “Tôi đã thấy mồ trống của Đức Kitô, và vinh quang của Đấng Phục sinh, thấy các thiên thần, thấy khăn liệm và y phục. Tôi thấy Đức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh…” (Ca Tiếp liên).
Không chỉ có các chứng nhân thế giá của Tân Ước, mà ngay trong Cựu Ước, thánh vương Đavít đã tuyên chứng sự sống lại khi ngài tung hô kỳ công của Thiên Chúa:
Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực,
Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên.
Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống
Và tôi sẽ loan truyền kỳ công của Chúa…
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,
Lại trở nên tảng đá góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
Công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta…
(Tv 117, 16-17+22-23)
-------------------------------------
PTVV Ignaxio NGUYỄN VĂN THẠCH (12.04.2009)
Hôm nay thật là mừng và vui biết mấy ! Mừng và vui, không những cho tất cả những anh chị em, hôm nay được lãnh nhận các Phép Bí Tích Khai tâm : Rửa Tội, Thêm Sức và Phép Thánh Thể; Mừng và vui không những cho toàn thể Kitô hữu chúng ta trên khắp hoàn cầu, từ nơi đô hội thị thành cho đến vùng xa xôi hẻo lánh. Nhưng nhất là mừng và vui cho cả toàn thể nhân loại, bởi vì « Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết ».
Tin Mừng theo thánh Gioan, hôm nay ghi rõ : "Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết" (Ga 20, 9). Thánh Máccô long trọng công bố : « Đấng bị đóng đinh đã trỗi dậy rồi ». (Mc 16, 6) Chính từ ngày Đức Giêsu phục sinh, toàn bộ lịch sử của Người : đời sống, cử chỉ, hành động, sự việc, lời nói của Người mới hiện thành một tổng hợp, hằng sống, vượt khỏi thời gian và không gian. Biến cố Phục Sinh đã làm cho các thánh Tông Đồ, các môn đệ Chúa hiểu biết được tầm mức thật của mầu nhiệm : Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.
Sự Phục Sinh là bằng chứng, có tính cách hoàn toàn và vĩnh viễn, cho biết Chúa Giêsu Ktô chính là Thiên Chúa làm người để cứu rỗi, giải thoát loài người chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cái chết. Như thánh Phaolô đã tuyên xưng : « 14 Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (1 Cr 15, 13). Và chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. 20 Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết ! » ( 1 Cr 15, 19)
Chính niềm tin cốt yếu này của người Kitô hữu chúng ta lại được thánh Phêrô long trọng công bố trước dân ngoại vào ngày Lễ Ngũ Tuần Do Thái, tức là ngày Lễ Hiện Xuống của chúng ta : "Người là Đấng người ta đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường,41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại". (Cv 10, 39-41) Cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô là một sự cố đã được viết vào lịch sử loài người với một thời điểm xác định, trong một môi trường xác định.
Nhưng Phục Sinh cũng còn là một mầu nhiệm. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi bà Maria Mađalêna bỡ ngỡ tột cùng trước ngôi mộ trống, liền chạy đi tìm Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, để thốt lên : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, không biết họ để Người ở đâu ? ". Còn Phêrô thì ông lưỡng lự suy nghĩ, vì "Ông vào trong mộ và thấy những giây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ". Phêrô thấy là không thể nào có chuyện "người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ" được, như Maria Mađalêna ước đoán, vì khăn liệm còn đó và lại được cất xếp hẳn hòi. Nhưng khi người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến vào, "ông thấy và ông tin".
Mầu nhiệm Phục Sinh chính là sự can thiệp cứu rỗi, toàn năng, đầy uy quyền, hoàn toàn tự do và nhưng không của Thiên Chúa vào lịch sử loài người chúng ta. Hành động kỳ diệu, tuyệt vời cao cả của tình yêu hằng hữu và siêu thể của Thiên Chúa, quả thật, vượt quá mọi lý trí, mọi tâm thức và mơ ước của loài người. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, là một ân huệ tối cao của tình yêu Thiên Chúa, một ân huệ chỉ có thể lãnh nhận được khi con người chúng ta để cho Thiên Chúa yêu thương mình, nghĩa là khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Phục Sinh với tất cả niềm tin yêu. Niềm tin yêu vào Đấng Phục Sinh và Hằng Sống đã làm phát khởi Giáo Hội. Kể từ ngày Lễ Hiện Xuống, trong Thánh Thần Chúa Phục Sinh, Giáo Hội bắt đầu sứ mệnh là tiếp tục công trình cứu rỗi, bắt đầu thực hiện các phụng vụ, các bí tích, các tín điều, các kỷ luật và mọi phát triển của Giáo Hội trong trần thế. Hai mươi lăm năm sau, niềm tin yêu ấy đã lan rộng, trong bách hại, mà không cần đến một quyền uy nào của loài người, đã không cần đến một khoa học nào, một khôn ngoan nào của loài người ; đã lan rộng khắp mọi nơi, từ vùng Địa Trung Hải, đến xứ Syrie, đến miền Tiểu Á của Hy Lạp cho đến tận Rôma.
Từ đấy, với niềm tin yêu, niềm hân hoan và hy vọng vô tả và đến từ cao vời đó, đã trào dâng lên trong biết bao tâm hồn, làm thay đổi tất cả những tư tưởng, tất cả những tình cảm, tất cả cuộc đời, của những ai chịu Phép Rửa Tội, cho dù họ là người bé nhỏ vô danh hay là bậc thông thái nổi tiếng.
Từ đấy, chúng ta có thể công bố Tin Mừng về vinh quang của Chúa Giêsu Kitô chí tôn (1, Tm 1, 11) cho mọi người thiện tâm. Và cũng từ đấy, chúng ta có thể hân hoan mừng Lễ Phục Sinh theo lời Người truyền dạy, "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Nhớ đến Chúa Giêsu Kitô vì Người đã Phục Sinh và Hằng Sống, vì Người đã trao ban chính Thân Thể Người cho mỗi một người kitô hữu chúng ta, để làm chúng ta nên một, nên một Giáo Xứ, nên một Giáo Hội, nên một Thân Thể của Chúa Giêsu Hằng Sống, hôm qua, hôm nay và đời đời. Halêluia ! Halêluia !