CHƯƠNG II
BẮT ÐẠO LẦN CUỐI CÙNG VÀ HÒA BÌNH CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG II
BẮT ÐẠO LẦN CUỐI CÙNG VÀ HÒA BÌNH CỦA GIÁO HỘI
Người ta có thể đoán được rằng: lòng gắn bó của Dioclétien đối với những truyền thống tôn giáo của Roma ngày trước và lý tưởng hăng say về sự kết hợp hay thống nhất mà chính thể ông theo đuổi, không tài nào tránh khỏi sự va chạm giữa đế quốc ngoại giáo này và đạo Kitô. Thật đáng chú ý những nguyên do của sắc lệnh ban hành ngày 31 tháng 3 năm 297 chống phái Mani, là giáo phái, cũng giống như chống đạo Kitô ngày trước, bị buộc tội ”có những hành vi tội phạm, maleficia, và hơn nữa lại là thứ đạo gây nhiều liên lụy vì có nguồn gốc hoặc liên lạc với Iran. Lý lẽ sắc lệnh viện ra có thể đem áp dụng cho đạo Kitô, một thứ tôn giáo mới đoạn tuyệt với truyền thống quốc gia Roma: ”Ai đặt lại vấn đề những gì đã được ấn định trước kia thì sẽ phạm tội hình sự...” (4).
Nhưng trong hai mươi năm đầu của triều đại Dioclétien, các giáo dân không bị quấy nhiễu quá mức. Giữa các năm 284 và 303, chỉ thấy nêu lên mấy trường hợp lẻ tẻ về quân nhân tử đạo mà thật ra khó lòng giải thích được cho rành mạch. Phải chăng đây là những người đặt vấn nạn lương tâm còn giữ lòng trung thành với lý tưởng bất bạo động của các thế hệ kitô đầu tiên, hay là nạn nhân của chế độ mới về việc trưng binh cưỡng ép quân dịch? Hay là một lối phản ứng lại những biến chuyển hiện hành về việc cúng tế hoàng đế mà nội dung tôn giáo từ trước đến nay vẫn còn mập mờ, nhưng lúc này đã trở nên hiển nhiên và bó buộc các binh sĩ phải tích cực tham gia vào việc sùng bái thần tượng? Có thể là những vụ việc ấy đã đưa đẩy đến biện pháp hạn chế đầu tiên để chống lại giáo dân, loại trừ họ khỏi quân đội (ít ra là khỏi cấp chỉ huy), như Eusèbe đã thuật lại (302?), đã khai mào cho cuộc bắt đạo lớn.
I. SẮC LỆNH BẮT ÐẠO VÀ VIỆC THỰC THI SẮC LỆNH
Lần bắt đạo này, tuy có hệ thống và lan tràn rất rộng, vẫn còn tính cách bất ngờ: trong vòng ngót một năm (từ 23 tháng 2 năm 303 cho đến tháng Giêng, tháng Hai năm 304), bốn sắc lệnh liên tiếp đã xác định mức độ nghiêm khắc. Sắc lệnh thứ nhất chủ yếu gồm việc cấm chỉ tế lễ: tịch thu các sách và bình thánh, đập phá các nhà thờ. Nhưng trước đấy các giáo dân đã bị khu trừ khỏi những chức vụ công cộng và đã bị truất phế về một số quyền công dân. Rồi chẳng bao lâu hoàng đế lại đi đến việc tấn công thẳng vào chính thân con người: sắc lệnh thứ hai truyền phải bắt những ”vị lãnh tụ trong Giáo hội” (xin hiểu là tất cả các phần tử trong hàng giáo sĩ, kể cả các giáo sĩ cấp dưới). Biện pháp lâm thời đó đương nhiên sẽ đi đến sắc lệnh thứ ba: phóng thích những người bị giam giữ nếu họ ưng thuận làm lễ rưới rượu và dâng đồ cúng tế. Ðây là ”một lối trắc nghiệm” áp dụng từ đời Trajan, để phát hiện ai là người Kitô giáo và buông tha những kẻ chối đạo. Những cuộc chống đối giải thích vì sao có sắc lệnh thứ tư: cũng như dưới thời Dèce, tất cả các công dân của Ðế quốc bị bó buộc phải cúng tế các thần. Người ta dọa nạt, dùng những hình khổ dữ dội nhất, như xử tử, cho sư tử ăn thịt, hay phát vãng đi các hầm mỏ... Ðó là những hình phạt độc dữ không kém gì những trại tiêu diệt của thời đại dã man ngày nay.
Cũng như các lần khác, rất khó lòng xác định cho tường tận những lý do thúc đẩy Dioclétien dấn mình vào con đường chính trị như thế: Có thể giả định ông đã bị những áp lực của các giới ngoại đạo cuồng tín. Các sử gia đồng thời như Lactance hay Eusèbe, đều nhấn mạnh đến vai trò của César Galère. Nhưng một khi bước thứ nhất đã qua, đường lối cố nhiên của chế độ độc tài cũng đủ để cắt nghĩa đà leo thang (crescendo) của việc bắt đạo: Mọi mệnh lệnh phát xuất từ hoàng đế, bất kỳ là võ đoán hay nông nổi, cũng được thổi phồng lên bởi cái uy thế quyền tối thượng, mọi phản kháng xâm phạm đến uy thế ấy đều bị đập tan như một phản bội, một lối lăng mạ thần thánh. Sau đây là một bằng chứng điển hình về cái tâm trạng ấy: chúng ta nắm được tờ biên bản về vụ cảnh sát, chiếu theo sắc lệnh bắt đạo thứ nhất, ập vào nhà thờ Cirta (tức là Constantine tại bắc Phi) ngày 19 tháng 5 năm 303, lúc thầy phó phụ tế Silvanus, sau một hồi khất lần và ngập ngừng, ưng thuận nộp cho quan tòa một cái hộp và một cây đèn, cả hai đều bằng bạc, ông nghe thấy thư ký của tòa thị chính thốt ra một câu cứng cõi: ”Mày mà không tìm ra thì đã mất mạng”, mortuus fueras, si non illa invenisses (5).
Bởi tính cách trầm trọng của nó, bởi các hậu quả gián tiếp đôi khi dai dẳng nó kéo theo, về sau cuộc bắt đạo của Dioclétien đã làm nao núng đời sống Giáo Hội. Mức tàn bạo và thời gian dài vắn của cơn giông tố này rất khác nhau tùy theo từng miền. Tại miền Gaule và Bretagne đặt dưới quyền vị César Constance Chlore, là thân phụ của hoàng đế tương lai Constantin, chỉ có sắc lệnh thứ nhất liên hệ đến các thánh đường mới được áp dụng và hình như cũng còn rất lỏng lẻo. Tàn nhẫn nhưng mau chóng (cả thảy ngót hai năm) là cuộc càn quét tại những tỉnh trực thuộc quyền Auguste Maximien: Tại Ý là nơi giáo hội Roma trống ngôi gần bốn năm không bầu nổi người kế vị giáo hoàng Marcellinus đã qua đời trong cuộc cấm cách, nhưng hình như không phải là tử đạo. Phi châu là miền chúng ta có tài liệu minh xác hơn cả (người ta có rất ít tài liệu chắc chắn về Tây Ban Nha hay các tỉnh miền thượng sông Danube). Không chắc gì những sắc lệnh nghiêm nhặt nhất trong bốn sắc lệnh đã được ban hành hay đã được áp dụng một cách triệt để tại các miền này: Vì sắc lệnh thứ nhất đã thừa đủ để gây ra nạn nhân, quí hồ chỉ một vị thẩm phán chủ tâm thực thi sắc lệnh đó một cách gay go, hoặc là giáo dân hứng chí thừa cơ biểu lộ sự nhiệt tâm của mình.
Người ta thuật chuyện một vị tử đạo người Sicile tên là Euplous de Catane, trình diện để bị bắt trước công đường của tổng đốc, trong tay cầm cuốn Phúc âm. Hình như đã xảy ra đủ mọi trường hợp, kể từ những vị tử đạo tình nguyện cho đến những tâm hồn yếu bóng vía, chối đạo vì phòng xa. Ấy là chưa nói đến những người tinh khôn: Mensurius giám mục Carthage sẽ khoe ông chỉ nộp những sách rối đạo thông thường chứ không nộp sách Thánh Kinh vào ngày kiểm soát, dies traditionis.
Tại phương Ðông thì trái lại: cuộc bắt đạo đã diễn ra nghiêm khắc hơn và kéo dài tới mùa xuân năm 313, với mấy thời kỳ thực sự có dung tha. Các hoàng đế kế tiếp nhau trị vì tại Aicập, Syrie và miền Tiểu Á, ngày càng tỏ ra gay gắt với đạo Kitô. Năm 305, Dioclétien thoái vị, thì người ngoại giáo tên là Galère lên kế tiếp cùng với danh nghĩa Auguste, và Maxcimin Daia là César mới lên phò tá, còn cuồng tín hơn nữa. Với ông Daia, vào những năm cuối cùng, cuộc bắt đạo được thực thi cách hệ thống và người ta đã dùng những phương pháp tuyên truyền theo một phương thức có thể nói được là tối tân: Tổ chức những cuộc biểu tình ”tự động”, bắt buộc phải dùng tại trường học bản ngụy-Công Vụ của Philatô, là sách thóa mạ Ðức Giêsu.
Trái lại ở Tây phương tình trạng rất khác nhau: có những người ngoại giáo dễ dãi, vì muốn tống cổ các can phạm đi cho rảnh, đã dùng võ lực bắt các giáo dân ương ngạnh cúng tế và buộc họ phải giữ im lặng; có những giáo dân khôn khéo hoặc nguội lạnh vượt được nhà giam hay như việc đã xảy ra trong đời Dèce, giàn xếp xin chứng thư giả là mình đã cúng tế; khốn nỗi cũng có từng loạt người như thường thấy, đã chối đạo; nhưng cũng có những vị tử đạo đã phải chịu đựng tất cả sự bạo hành tàn khốc của thời kỳ dã man mới này, rất tinh vi trong lối áp dụng hình khổ điêu luyện. Bức họa tỉ mỉ của Eusèbe thành Césarée, người đã chứng kiến, còn lưu lại trong cuốn Các Vị Tử Ðạo tại Palestine, cho thấy rõ tính man rở của lý hình, và tinh thần anh dũng của các nạn nhân. Người ta tranh luận nhiều về con số các vị tử đạo: dĩ nhiên là không thể so sánh cuộc bắt đạo này với hằng triệu nạn nhân của các vụ diệt chủng tân thời, nhưng cũng không được phép thu gọn tổng số vào mấy trường hợp cá nhân thuật lại trong các tài liệu chúng ta biết; các trường hợp cụ thể chỉ được lựa chọn như những trường hợp đáng ghi nhớ hơn cả.
Cho dù có tàn bạo đi nữa, việc càn quét có lúc phải nghỉ để lấy hơi. Sáu ngày trước khi từ trần, hoàng đế Galère phải nhìn nhận chỗ thất bại của chính sách này và ngày 30 tháng 4 năm 311, ông công bố tại Nicomédie một sắc lệnh khoan hồng, soạn thảo cách miễn cưỡng (vì trong đó ông lấy làm tiếc là rất nhiều giáo dân cố chấp, điên rồ, khước từ không chịu trở lại với tôn giáo của thành Roma ngày trước). Nhưng sắc lệnh không được áp dụng chặt chẽ, và chưa đầy sáu tháng sau, Maximin Daia đã khơi lại cuộc bách hại mới. Cuộc bắt đạo này, như ta đã thấy, còn tàn bạo gấp đôi nhưng không mấy lâu dài: Ngay cuối năm 312, Maximin Daia đã trở lại hầu như hoàn toàn với chính sách khoan hồng, và sau đấy vãn hồi an ninh cho tôn giáo. Lý do, vì có đe dọa và vì những miếng đòn từ các đồng liêu và đối thủ của ông tại Tây phương, tức Constantin và Licinius.
Ðây không phải là nơi tường thuật tỉ mỉ các biến cố phức tạp đã đánh dấu phần còn lại của Ðế quốc vào các năm 306-312. Hệ thống kế nghiệp mà Dioclétien nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ đem ra áp dụng được một lần (305) rồi không bao lâu đã tan rã. Hình như có một lúc, vào đầu năm 310, đế quốc có bảy vị hoàng đế, đa số đều bị những ông khác coi như kẻ tiếm vị: Ðó là Constantin được công bố lên ngôi năm 306 sau khi cha của ông là Constance băng hà; rồi đến Maximien, bố vợ của ông, là người đã hai lần lấy lại được tước hiệu bị chiếm đoạt năm 305; rồi con của ông này là Maxence, anh hùng nhất khoảnh tại Ý, nhưng lúc này không còn quyền hành gì tại Phi châu vì tại đây Domitius Allexander đã khởi nghĩa xưng vương; tại miền Illyrie (nước Nam Tư hiện nay), Licinius là người độc nhất giữ được uy thế bên cạnh và đối diện với Constantin cho đến năm 324; tại miền Balkans và Tiểu Á thì có Galère; tại Syrie và Aicập thì là Maximin Daia.
Ðiều cần ghi nhận: khác với hai ông sau hết, tất cả các hoàng đế ”Tây phương” đều có thái độ khoan dung đối với đạo Kitô và sau cùng họ đã ủng hộ đạo này. Nếu sắc lệnh khoan hồng năm 311 của Galère còn tỏ vẻ dè dặt, như ta đã thấy, thì trái lại Maxence có một cử chỉ khoáng đại hơn nhiều. Chẳng những ông đã thực sự trả lại tự do hoàn toàn cho giáo dân sinh sống tại các tỉnh ông cai trị (Ý và Phi-châu vừa mới thu hồi được), ông còn trả lại cho giáo dân những bất động sản đã tịch thu trong thời cấm đạo.
II. THÁI ÐỘ VÀ CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA CONSTANTIN.
Mọi sự chuẩn bị cho Constantin đi xa hơn: triều đại của ông (306-338) chứng kiến một chuyển biến có lẽ quan trọng nhất trong các biến chuyển mà lịch sử Giáo Hội đã trải qua từ trước đến nay. Sử gia muốn tìm cách liên kết những quyết định chính trị tối hệ của vị hoàng đế này với biến chuyển nội tâm và những xác tín cá nhân của ông. Khốn nỗi là đưa ra những giả thuyết về vấn đề này dễ hơn là thiết lập những sự kiện chính xác và có bảo đảm.
Constantin trước kia là người ngoại giáo, người ngoại giáo sáng suốt và khoan hồng theo đường lối của cha ông, và vì thế, sau ông đã trở lại đạo Kitô, đó là chắc chắn. Nếu ông đã chờ cho đến lúc sắp chết mới xin và mới chịu phép rửa tội, đó là một điều trùng hợp với tục lệ thông thường đời ấy và có thể cắt nghĩa được bởi những đòi hỏi khắt khe của nghề hoàng đế: Dù chỉ nói riêng đến những tội trạng công khai hơn cả, Constantin đã lần lượt phải gánh chịu trách nhiệm về cái chết của bố vợ, của ba anh em rể, của con trưởng nam và của vợ ông. Ðiều đó cho thấy rằng tìm ra cho biết vào năm nào ông bắt đầu nhận đức tin Kitô là cả một vấn đề. Phải chăng đây là một biến chuyển tiệm tiến? Hay là một cuộc trở lại bất thần? Vào lúc nào và khởi sự từ biến cố nào?
Có nên tin rằng ngay từ sau trận chiến quyết liệt tại cầu Milvius, trong đó Maxence tử trận (12 tháng Mười năm 312), quân đội của Constantin đã bắt đầu mang phù hiệu kitô trên các lá chắn hay không? Câu truyện này được thêm thắt dần dần qua một truyền thuyết, đã được nghe kể lại giữa các giới kitô của triều đình từ các năm 318-320, nghĩa là sáu hoặc tám năm sau biến cố. Ðối với chúng ta ngày nay, rất khó lòng nhận định từ những chứng cứ lịch sử này đâu là cái cốt lõi của sự thực, của các biến cố liên quan. Lý do là vì phần cốt lõi đã được bao bọc trong một lớp vỏ chồng chất nào là khoa tu từ, nào là lối lý tưởng hóa mạo diện hoàng đế, nào là nỗ lực muốn lôi kéo người ta vào Kitô giáo, nào là sự phấn chấn, hồ hởi trước biến cố kỳ diệu.
Với sự khôn ngoan, chúng ta không nên theo đuổi một đối tượng khó lòng kiểm chứng: Ðối với lịch sử, điều quan trọng không phải là những xác tín thâm sâu của Constantin, nhưng là đường lối chính trị của ông, và đây mới là điều chúng ta có thể nhận ra thấu đáo được. Ngày 15 tháng sáu năm 313 là ngày kế liền sau cuộc chiến thắng trên Maximin Daia, Constantin tự do tiến vào các tỉnh miền Asia, Licinius, người đồng liêu và tới lúc này cũng là người đồng minh của ông, ký một nghị định với những lời lẽ rất nhân đạo cho phép các giáo dân được hoàn toàn tự do tế lễ, ra lệnh trả lại tức khắc tất cả các tài sản đã tịch thu. Licinius hành động như vậy để minh xác một quyết định mà ông đã đồng thuận với Constantin ngay từ đầu năm, nhân dịp các ông hội nhau tại Milan, vào ngày lễ thành hôn của Licinius với Constantia là em cùng cha khác mẹ của Constantin.
Bản thân của Licinius vẫn còn là ngoại giáo và, vào cuối triều đại, trước khi bị Constantin đoạn tuyệt và đào thải, đã quay về những biện pháp gây rắc rối cho giáo dân, nếu chưa phải là ông bắt đạo công khai, vì ông nghi ngờ giáo dân có cảm tình với đối phương của ông.
Một điều không thể nghi ngờ là, ngay từ sau ngày chiến thắng Maxence, Constantin đã biểu lộ mối thịnh tình đặc biệt đối với Kitô giáo. Chúng ta thấy ông tỏ rõ lập trường ngay từ những tháng đầu năm 313 tại các tỉnh châu Phi ông mới thu phục. Thêm vào những biện pháp quảng đại mà Licinius đã ấn định sau này, Constantin còn thêm nhiều đặc ân cho hàng giáo sĩ của Giáo Hội Công Giáo, dâng tặng tiền của, miễn trừ sưu thuế.
Ðường lối chính trị này, ngoài đôi lúc suy giảm, cứ gia tăng mãi cho đến cuối triều đại của ông. Trên nguyên tắc, chủ thuyết công khai là khoan hồng, tự do đối với các hình thức tế tự, nhưng còn thiếu chút nữa thì cán cân mới được thăng bằng giữa ngoại giáo và Kitô giáo. Các phù hiệu kitô đầu tiên xuất hiện trên tiền tệ ngay từ năm 315 là những khí cụ tuyên truyền tuyệt hảo. Các hình vẽ cuối cùng của ngoại giáo biến hẳn vào năm 323. Giáo Hội Công Giáo nhận được một qui chế pháp lý ưu thế: các lời phán quyết của tòa án giám mục, cả về những vấn đề hoàn toàn dân sự cũng được chính phủ công nhận là có giá trị; các nhà thờ được hưởng quyền thừa kế, điều này làm phát triển thêm tài sản của các nhà thờ lên.
Các nơi thờ phượng tăng thêm nhiều. Có lẽ vào lúc này tiêu chuẩn kiến trúc các thánh đường đã được áp dụng khắp nơi: đồ án chữ nhật chia ra từng căn hàng dài bởi những hàng cột lớn và có cung thánh phía cuối. Không bao lâu đã đếm được hơn bốn mươi thánh đường tại Roma. Lòng quảng đại của Hoàng đế và của hoàng gia (hoàng thái hậu, thánh Helena, các chị em của Constantin là người kitô) góp phần vào việc kiến thiết và việc trang trí cho thánh đường nguy nga đồ sộ, chẳng hạn thánh đường Latran tại Roma (cung điện kế bên sẽ dùng làm tư thất, hình như đã được nhượng lại cho đức giáo hoàng ngay từ năm 314), đền thánh Phêrô trong vườn Vatican, đền các Thánh Tông Ðồ (hiện nay là đền thánh Sébastien) trên đường Apia, đền thờ thánh nữ Agnès... Tại Jerusalem, có toàn bộ tuyệt mỹ của đền thờ Mộ Thánh. Tại kinh đô mới, thành Constantinople (cung hiến năm 330), bên cạnh những đền ngoại giáo được trùng tu hoặc xây mới, nhiều nhà thờ Kitô, trong đó có nhà thờ Mười hai Thánh Tông Ðồ, là nơi Constantin đã chuẩn bị một ngôi mộ cho mình.
Hứng khởi kitô còn lan sang lãnh vực pháp chế và cả đến từ vựng dùng trong các hiến pháp của nhà vua. Lần đầu tiên, giáo dân được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng nhất: chức lãnh sự năm 323, chức đô trưởng Roma năm 325, chức trưởng pháp đình năm 329. Ðồng thời cũng xuất hiện những biện pháp đầu tiên để hãn ngữ các tập tục ngoại giáo: năm 318 có lệnh cấm các cuộc cúng tế tư riêng, pháp thuật, bói toán tại tư gia. Sau cùng, và việc này mới hệ trọng vì nó bảo đảm tương lai, Constantin cho các con theo giáo dục kitô: chắc chắn là người ta có đủ lý do để coi chính ông như vị hoàng đế kitô đầu tiên. Có lẽ phải kể đến phần lý tưởng hóa mà truyền thống byzantin đã lưu lại về hình ảnh của ông: hoàng đế rất thánh thiện, được coi ngang hàng với các tông đồ. Công việc truyền thuyết đã bắt đầu ngay từ thế hệ tiếp sau khi ông thăng hà, với cuốn Ðời sống của hoàng đế Constantin phát hành dưới tên Eusèbe, nhưng có lẽ một trong những vị kế tiếp Eusèbe tại tòa Césarée đã hiệu chính lại. Nhưng, còn hơn ông nữa, các con và những người thừa kế ông đã tìm cách thực hiện lý tưởng của vua cha: Người ta nhận thấy điểm này trong trường hợp người con trẻ tuổi nhất và kế vị cuối cùng của triều đại, là hoàng đế Constance II (333-361). Giống như vua cha đã làm khi trước, Constance II tập trung toàn thế giới Roma dưới quyền của mình.
Ðến đây chúng ta đã bước vào một chặng đường hoàn toàn mới mẻ của lịch sử kitô giáo: Ðây mới thật là thái bình của Giáo Hội. Tất cả các mối trở ngại, thuộc phạm vi pháp lý hay vật chất, từ trước đến nay đã cản trở việc Phúc Âm hóa đều được bãi bỏ; từ nay việc Phúc Âm hóa được tự do tiến hành với kết quả ngày càng gia tăng. Trong hết mọi miền của Ðế quốc Roma, người ta trở lại đông đúc, ngay từ quần chúng, và giữa các giới từ trước đến nay vẫn ương bướng; khắp nơi đều thấy mọc lên những tòa giám mục mới; hoạt động thần học thật sống động. Ðường lối chính trị của nhà vua, dưới muôn mặt, tìm cách hỗ trợ tôn giáo mới. Nhờ gương lành nhà vua, gương lành có hiệu lực phi thường trong chế độ quân chủ sâu đặm này, tất cả đều thúc đẩy đến việc Kitô hóa toàn diện Ðế quốc Roma.
Phong trào chỉ bị đình trệ và khuynh đảo trong vòng mấy tháng của triều đại người kế vị Constantin, là một người cháu của Constantin tức hoàng đế Julien bội giáo (361-363). Sau khi trở về ngoại giáo, dĩ nhiên ông tìm cách lôi cuốn Ðế quốc vào ngoại giáo với ông. Nhưng đây là thứ ngoại giáo theo một kiểu thức kỳ lạ, rất khác với nền ngoại giáo của Roma ngày xưa, thứ ngoại giáo mang nặng ảnh hưởng triết lý của thuyết Tân-Platon và nhất là có những yếu tố mờ ám, phi lý mà thuyết này cứ hăng say cổ võ, đó là ma thuật, gọi hồn.
Ðây chỉ là một giai thoại không lâu bền: các vị hoàng đế đến sau sẽ lại là những hoàng đế kitô càng ngày càng tỏ ra nhiệt tâm và xác tín. Nếu lối chính trị cầm chừng của Valentinien đã đánh dấu như một chặng đường bằng, một cố gắng ổn định tình thế sau khi thanh toán mưu đồ của Julien (lúc ông lên ngôi, năm 364, ông đã công bố quyền tự do tín ngưỡng đồng đều cho hết mọi người) Valens em của ông cũng là người đồng nhiếp chính, Gratien con của ông, và nhất là Théodore đại nhân, người thế vị các ông này, vẫn tiếp tục cuộc thăng tiến đã được Constantin và Constance khởi sự. Do đó, càng ngày Ðế quốc lại càng trở thành đế quốc kitô. Kitô giáo dưới hình thức chính thống của nó, trong thực tế đã trở nên tôn giáo của Nhà Nước. Các người lạc giáo bị xua đuổi (381), ngoại giáo sau cùng đã bị cấm, các đền thờ của họ bị đóng cửa hoặc thiêu hủy (391).