CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI
LM. ĐINH ĐỒNG THƯỢNG SÁCH
CỬ HÀNH
BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Bí tích Hôn Phối có thể được cử hành dưới hai hình thức:
1) Không có Thánh lễ
2) Có Thánh lễ
I. KHÔNG CÓ THÁNH LỄ, lược đồ như sau:
1) Nghi thức tiếp đón:
1. Chủ tế chào đón đôi dự hôn tại cửa nhà thờ.
2. Đôi dự hôn tiến vào nhà thờ, đến ghế ngồi.
3. Chủ tế mở đầu buổi lễ.
2) Phụng vụ Lời Chúa:
1. Bài đọc 1
2. Thánh vịnh (hay Hát một bài thay Thánh Vịnh)
3. Bài đọc 2 (tùy ý: có thể bỏ)
4. Alleluia, Phúc âm.
5. Bài giảng.
3) Cử hành Bí Tích:
1. Chủ tế mời hai người làm chứng tiến lên.
2. Chủ tế đặt câu hỏi; Đôi dự hôn trả lời.
3. Chủ tế yêu cầu đôi dự hôn giao hứa.
4. Đôi dự hôn "thề hứa" với nhau.
5. Chủ tế chuẩn nhận lời hứa.
6. Chủ tế làm phép nhẫn.
7. Đôi tân hôn trao nhẫn cho nhau.
8. Lời nguyện của đôi tân hôn.
9. Kinh lạy Cha.
10. Chủ tế đọc lời "chúc hôn".
11. Lời nguyện giáo dân.
4) Nghi thức kết thúc
1. Chủ tế chúc lành cho đôi tân hôn và cộng đoàn.
2. Đôi tân hôn dâng gia đình cho Đức Mẹ (tùy ý).
3. Đôi tân hôn và người làm chứng ký vào sổ hôn phối.
4. Đôi tân hôn ra về cùng hai họ.
II. CÓ THÁNH LỄ.
Lược đồ diễn tiến như khi cử hành "Không có Thánh Lễ", trừ phần sau, PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
1. Đôi tân hôn dâng lễ vật trên bàn thờ.
2. Kinh nguyện Thánh Thể.
3. Chủ tế đọc lời "chúc hôn" (sau kinh Lạy Cha).
4. Đôi tân hôn lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa.
I) Thắc mắc:
1) Tại sao bạn muốn làm "Phép cưới" tại nhà thờ?
2) Phải làm gì để có được Phép cưới ấy?
3) Phép cưới ấy được diễn ra như thế nào?
4) Phép Giao là gì? Có khác phép cưới không?
Chắc đó là một vài thắc mắc mà đa số các bạn có thể đặt ra trước một biến cố lớn của cuộc đổi đời: đang "độc hành", bước vào đường "song hành", với một người "xa lạ", nhưng đầy quyến rũ, hứa hẹn một khung trời hạnh phúc nhiều cỏ lạ hoa thơm... cho đến suốt đời.
II) Giải đáp:
1) Tại sao bạn muốn làm Phép cưới tại nhà thờ?
Một nhà báo, với cái nhìn khách quan, đã hạ bút: Một đám cưới, nếu chỉ được tổ chức tại một nhà hàng để nhà gái, nhà trai nói dăm ba câu cảm ơn quan khách, rồi tiếp theo là mấy ông bạn trai bước lên bục gỗ chúc tụng một vài câu khôi hài rẻ tiền, tục tĩu, kế đó là nhạc trỗi lên thình lình như trống ngũ liên, mấy cô mấy cậu ca sỹ cầm micro mà rống lên như con lợn bị chọc tiết. Và sau cùng là hai họ và quan khách cúi đầu xuống mà ăn uống nhồm nhoàm, thiết tưởng chẳng có gì ta phải xúc động mà nhớ mãi.
Nhưng đây là một đám cưới trang nghiêm trong giáo đường, có:
Cha thay quyền Chúa trao duyên thắm
Miệng nhẩm kinh ban trọn phúc lành
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang dịu dàng đầm ấm, khác hẳn với âm điệu của những bạn nhạc rock loạn cuồng. Tiếng vị linh mục thầm thì câu kinh khác hẳn với tiếng phàm phu tục tĩu chúc nhau:
"yêu nhau dài lâu, yêu nhau đậm sâu" để rồi: "đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái".
Chiếc nhẫn cưới cũng vậy. Nếu được trao trong một buổi lễ trang nghiêm ở giáo đường, nó sẽ có giá trị thiêng liêng gấp ngàn lần chiếc nhẫn được trao cho nhau giữa mùi xào nấu, mắm tôm, xì dầu phàm tục. Dưới những ngọn nến lung linh, giữa màu hoa trắng trinh bạch, giữa không khí trang nghiêm của ngôi thánh đường cổ kính, buổi lễ kết hợp duyên tình do "Cha thay quyền Chúa" chắc chắn sẽ đẹp hơn và gắn bó hơn buổi lễ ghép đôi dưới con mắt chứng kiến của chiếc thủ lợn quay. (VNTP số 351/1999)
Với lối viết trào lộng, ông nhà báo dẫu sao cũng đưa độc giả vào ý chính mà ông nhắm tới: "Một đám cưới trang nghiêm trong giáo đường, có:
Cha thay quyền Chúa trao duyên thắm
Miệng nhẩm kinh ban trọn phúc lành
... sẽ có giá trị thiêng liêng gấp ngàn lần... chắc chắn sẽ đẹp hơn và gắn bó hơn..."
Và sau đây là ý nghĩ của một số học viên tham dự khóa "Chuẩn bị hôn nhân" tại Giáo Xứ Việt Nam Paris (1998) về câu hỏi "Tại Sao?"
- "Đối với tôi, nếu không được phép của Chúa, Mẹ, không được cầu nguyện trước mặt Chúa, trước khi giao cuộc đời mình cho một người khác thì ngày cưới của tôi không còn ý nghĩa. Suốt đời tôi sẽ cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó, sẽ thấy không được bình an trong vòng tay của Chúa Mẹ".
- "Vì muốn thề nguyền chung sống, tạo dựng một mái ấm gia đình trước sự chứng nhận của Thiên Chúa, thông qua phép Bí tích Hôn phối...
vì muốn tuân theo lời dạy của Thiên Chúa và Hội Thánh là: Thương yêu nhau suốt đời (bất khả phân ly), chung thủy (một vợ một chồng)".
- "... Vì muốn tình yêu của chúng tôi được Thiên Chúa chúc phúc... được thêm sự hiệp ý cầu nguyện của Giáo Hội (gia đình hai họ, bạn bè, những người thân quen)... Chỉ trong nhà thờ, trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội, chúng tôi mới chính thức trở nên vợ chồng qua Bí tích Hôn phối. Nhờ Bí tích Hôn phối này, chúng tôi mới đủ sức mạnh trong ơn nghĩa Chúa để sống suốt đời chung thủy, yêu thương và chịu đựng, tha thứ những thiếu sót của nhau".
- Tôi muốn cưới ở nhà thờ vì tôi cần tình yêu thương của Thiên Chúa và Giáo Hội… vì tôi muốn nguyện tình yêu của tôi ở trong lời Thiên Chúa dạy..."
- "Vì chúng tôi là người Công giáo. Làm lễ cưới trong nhà thờ để xin Chúa chúc phúc và làm chứng cho tình yêu chúng tôi trăm năm hạnh phúc và được giữ mãi tình yêu của Chúa lớn dần trong gia đình..."
Những "ý" chính xuất hiện qua vài câu trả lời trên có thể cô đọng lại như sau:
... Vì là người Công giáo, tin ở Chúa, không những tôi mong muốn, mà còn thấy rằng cần thiết được Chúa chứng giám, ban ơn qua Bí tích Hôn phối để cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc, bền vững... được chính thức trở nên vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội...
Những ý ấy được minh giải một cách long trọng trong Nghi Thức Hôn Phối khi linh mục chủ sự ngỏ lời với đôi tân hôn:
"... Anh chị đến nhà thờ để tình yêu anh chị được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng. Thật vậy, Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này, và Chúa dùng bí tích đặc biệt làm cho anh chị được phong phú và kiên cường để anh chị luôn luôn trung tín với nhau và đảm nhận những trách nhiệm khác của hôn nhân, cũng như Người đã dùng phép Rửa tội để thành hiến anh chị..."
Tóm lại: Không có "phép cưới nhà thờ", nghĩa là không có phép "Bí tích Hôn phối" hợp lệ, hai người ở với nhau, hay chỉ cưới "phần đời", không thành vợ chồng Công giáo, mất nguồn ân sủng đặc biệt dành cho cuộc sống lứa đôi.
2) Phải làm gì để có được Phép cưới ấy?
Vì là một Bí tích, nên cần được chuẩn bị xa, gần để lãnh nhận một cách nghiêm chỉnh và có hiệu quả, với tất cả sự thành tâm, thiện ý và thiện chí của đôi bên. Sau đây là những điều kiện cần và những việc chính:
A. Những điều kiện cần thiết:
a) Cả hai phải là Công giáo: nếu một bên Công giáo một bên không, phải có phép chuẩn.
b) Phải đủ tuổi: nam 16, nữ 14. Tuy nhiên nên theo luật nơi đương sống (thường là 18 tuổi trở đi)
c) Tự do không bị ép buộc lấy nhau.
d) Tuyên bố ưng thuận lấy nhau theo nghi thức Giáo Hội trước mặt linh mục và 2 nhân chứng.
e) Không mắc ngăn trở nào về Bí tích Hôn nhân
B. Những việc chính khác:
a) Từ 3 đến 6 tháng trước khi kết bạn, hai người phải liên lạc với linh mục đặc nhiệm về vấn đề hôn phối, để tùy hoàn cảnh và nhu cầu linh mục giúp học hỏi thêm về giáo lý và cách riêng về Bí tích Hôn phối.
b) Có thể học hỏi giáo lý hôn phối với một linh mục đặc nhiệm vấn đề hôn phối, hoặc với một linh mục quen thân của một trong hai người.
c) Vì hôn nhân của kytô hữu là Thánh Bí Tích, nên cần có ơn nghĩa thánh mới lãnh Thánh Bí Tích này cách xứng đáng và hữu hiệu. Do đó, việc xưng tội là cần thiết cho lễ thành hôn.
C. Nghi lễ thành hôn theo giáo luật.
a) Theo luật chung Hội Thánh, nghi lễ hôn phối phải cử hành trong họ đạo của một trong hai người. Họ đạo bên nữ có quyền trước họ đạo bên nam. Thực tế thì tùy hai bên thương lượng với nhau.
b) Khi có lý do chính đáng cũng được xếp đặt với linh mục đặc nhiệm hôn phối để cử hành nghi lễ nơi khác.
c) Linh mục chứng giám lễ thành hôn, theo luật chung Hội Thánh, là linh mục hữu quyền tại địa điểm cử hành nghi lễ. Thường là linh mục chánh xứ hoặc linh mục đặc nhiệm vấn đề hôn nhân.
d) Nếu muốn một linh mục quen thân chứng giám nghi lễ, thì linh mục này phải được ủy quyền do linh mục chánh xứ hoặc linh mục đặc nhiệm hôn nhân tại địa điểm cử hành nghi lễ ban cho.
e) Phải có hai người đứng đắn (Kytô hữu hay không) chứng giám với linh mục.
D. Thủ tục hành chánh.
a) Mọi người phải có một tờ trích lục rửa tội mới được cấp trong vòng ba tháng (xin nhớ: trích lục, chứ không phải bản sao).
b) Mọi người phải có một trích lục khai sinh mới được cấp trong vòng ba tháng. Một tờ phóng ảnh của trích lục vừa nói trên cũng được.
c) Mọi người phải ký, dưới sự chứng giám của linh mục lo nghi lễ hôn phối, một tờ cam kết theo mẫu địa phận làm sẵn.
d) Mọi người phải có một tờ lý lịch theo kiểu mẫu của địa phận làm sẵn.
e) Trước khi cử hành nghi lễ thành hôn Công giáo, phải trình cho linh mục chứng giám hôn phối tờ giá thú do Tòa Đại Sứ Việt Nam hay do Tòa Thị Chánh cấp cho.
f) Luật nước Pháp cấm nhặt linh mục không được chứng giám nghi lễ thành hôn tôn giáo trước lễ thành hôn ở tòa đời.
g) Lễ thành hôn phải ghi vào sổ họ đạo thuộc nơi đã cử hành nghi lễ.
h) Đồng ký vào sổ ấy là:
Đôi Tân Hôn
Hai nhân chứng kytô hũu
Linh mục chứng giám nghi lễ.
(Lời bảo: Lịch PVTK 1999/GXVN/Paris)
Đ. Chuẩn bị cho buổi lễ:
- Chọn bài: cho các phần Nhập lễ, lời nguyện, chúc hôn, phép lành cuối lễ và nhất là các bài Kinh Thánh đọc trong lễ.
- Các bài ca dùng trong lễ cưới.
- Lo làm lời nguyện giáo dân. Lời cầu của đôi tân hôn.
- Tập cách thức theo lễ nghi để buổi lễ được trang trọng.
- Tập đọc những phần vụ trước cho rõ ràng (những lời thưa, những lời giao ước, những cam kết, lời cầu v.v...)
- Chỉ định người đọc sách: cần tập luyện cho rõ ràng, nghiêm chỉnh.
- Tìm người cắm hoa, trang hoàng cho một buổi lễ đáng nhớ.
- Tìm thợ chụp hình, quay phim: nên tìm những người quen với lễ nghi Công giáo để tránh làm chia trí cộng đoàn, biết "ghi chụp" những phần cần thiết.
3) Phép cưới ấy được diễn ra như thế nào, cử hành ra sao?
Bí tích Hôn phối có thể được cử hành dưới hai hình thức: Có Thánh lễ và không có Thánh lễ. Nhưng dù dưới hình thức nào thì cũng gồm bốn phần chính:
A. Phần tiếp đón
B. Phần Lời Chúa
C. Phần Bí Tích
D. Phần kết thúc
A. Phần tiếp đón.
Linh mục chủ tế, đại diện Giáo Hội ra đón, ngỏ lời chào mừng, đôi tân hôn ở cửa nhà thờ rồi dẫn đôi tân hôn vào nhà thờ. Có thể đôi tân hôn song song cùng tiến vào. Có thể 'chú rể' đi trước với bà thân sinh. Rồi đến lượt 'cô dâu' với ông thân sinh... vào ngồi phía tay trái 'chú rể'. Cả hai hoặc một trong hai có thể ngỏ lời chào kính cộng đoàn, hoặc đọc một bản văn nào có ý nghĩa. Sau đó, linh mục nhân danh Giáo Hội, chào đón đôi tân hôn và cộng đoàn, kết thúc bằng Lời Nguyện thứ nhất (có thể chọn một trong 4 lời nguyện có sẵn).
B. Phần lời Chúa.
Có thể đọc: nhiều là ba bài, ít là hai bài, chọn trong 28 bài (gồm 8 bài Cựu Ước, 10 bài Phúc Âm và 10 bài trong các sách khác của Tân Ước). Xem nguyên bản văn trong phần 'phụ lục' (cuối bài viết này).
Sau bài đọc 1: Có thể đọc Thánh vịnh hay hát một bài thế vào miễn sao có ý nghĩa thiêng liêng, hợp với ý bài đọc càng tốt.
Nếu không có bài đọc 2, thì cả cộng đoàn đứng lên hát Alleluia, trước khi linh mục đọc Phúc âm và diễn giải.
C. Phần Bí Tích.
Hai người làm chứng tiến lên hai bên "cô dâu chú rể" (cùng đứng trước vị linh mục chủ sự). Linh mục chủ sự hỏi:
- Anh chị thân mến, anh chị đưa nhau tới đây, để trước mặt người đại diện Hội Thánh, cũng như toàn thể cộng đoàn, mối tình của anh chị được công nhận và mặc lấy một giá trị thiêng liêng, được ơn trên làm cho trở nên cao đẹp vững bền. Nhờ vậy, anh chị có thể vẹn nghĩa thủy chung và đảm nhận những trách nhiệm khác của cuộc đời đôi bạn. Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, tôi xin hỏi anh chị:
- Anh T và chị T, anh chị sắp kết hôn với nhau, anh chị có thật sự tự do, hay là bị ép buộc?
* Thưa thật sự tự do. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)
- Một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?
* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)
(Có thể bỏ câu hỏi sau đây, nếu thấy không thích hợp, thí dụ: trường hợp hai người đã quá tuổi).
- Anh chị có sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?
* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)
Lời ưng thuận
Chủ sự mời cô dâu chú rể nói lên sự ưng thuận:
Anh chị đã ưng thuận kết hôn với nhau, thì giờ đây, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, anh chị hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận ấy.
Cô dâu và chủ rể nắm tay phải của nhau.
Chú rể nói:
* Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.
Cô dâu nói:
* Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.
Sau khi nghe đôi bên nói lên sự ưng thuận, chủ sự nói:
Trước mặt Hội Thánh, anh chị vừa nói lên sự ưng thuận kết hôn với nhau. Xin Chúa thương xác nhận lời ưng thuận ấy, và xin Người tuôn đổ hồng phúc trên anh chị.
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
* Thưa: Amen
Làm phép và trao nhẫn cưới.
Nếu xét thấy không tiện, có thể bỏ việc làm phép và trao nhẫn. Còn nếu giữ, thì chủ sự chọn một trong ba mẫu:
Chủ sự đọc:
Xin Chúa + thánh hóa những chiếc nhẫn cưới này, để anh chị trao cho nhau làm biểu hiệu tình yêu và lòng chung thủy. Amen
Chú rể xỏ nhẫn vào ngón thứ tư tay trái của cô dâu, và tùy nghi nói: (người ngoài Kitô giáo có thể không đọc những chữ: "Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần"
* Em T, xin em nhận chiếc nhẫn này làm biểu hiệu tình yêu chung thủy của anh. Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Cô dâu xỏ nhẫn vào ngón thứ tư tay trái của chú rể, và tùy nghi nói:
* Anh T, xin anh nhận chiếc nhẫn này, làm biểu hiệu tình yêu chung thủy của em. Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Lời nguyện giáo dân và lời nguyện cho đôi tân hôn.
Lời giáo đầu:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy cầu nguyện, và nài xin Chúa chúc phúc cho đôi tân hôn này. Chúa đã tác hợp cho họ nên vợ nên chồng, thì xin Người cũng thương phù trì che chở.
Ý cầu nguyện:
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho đôi tân hôn: xin cho anh (ông) T và chị (bà) T biết tôn trọng nhau và quên mình để chung sức xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho bà con hai họ và bạn bè của đôi tân hôn: xin Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái và ban cho họ được muôn phúc lành.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang sống trong bậc vợ chồng: xin cho họ luôn hòa thuận thương yêu nhau và biết giáo dục con cái nên người để gia đình được yên vui hạnh phúc.
4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho đại gia đình Hội Thánh: xin cho Hội Thánh luôn phục tùng Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, để nhờ đó, có thể đem sức sống của Thiên Chúa đến cho mọi người.
Lời nguyện cho đôi tân hôn
Chủ sự dang tay đọc:
Lạy Cha chí thánh, Đấng tạo thành vũ trụ càn khôn, Cha đã dựng nên người nam và người nữ giống hình ảnh Cha, lại muốn cho đời sống lứa đôi của họ được tràn đầy ơn phúc. Cúi xin Cha thương đến chị (bà) T, hôm nay đã cùng anh (ông) T, cử hành bí tích hôn nhân để nên duyên vợ chồng. Xin tuôn đổ muôn vàn phúc lộc xuống cho chị (bà) và người bạn trăm năm: Ước chi họ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi, có con cháu làm vui cửa vui nhà, và làm cho Giáo Hội được thêm phong phú.
Lạy Cha, xin cho hai anh chị (ông bà) hằng biết ngợi khen Cha khi vui, tìm đến Cha lúc buồn; khi vất vả, được vui mừng vì có Cha hiện diện ủi an, lúc ngặt nghèo, cảm thấy Cha gần bên nâng đỡ. Xin cho họ biết siêng năng họp mặt với cộng đoàn dân thánh mà cầu khẩn danh Cha, biết làm chứng cho Cha trước mặt người thế. Và khi đã hưởng thọ an nhàn, được cùng với thân bằng quyến thuộc về sum họp một nhà trên thiên quốc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa Chúng con.
Chú ý: Những ý cầu nguyện trên chỉ là một trong những mẫu đã làm sẵn. Các đôi dự hôn nên tự làm cho mình để phù hợp hơn với ý sở nguyện.
Sau "Phần lời nguyện giáo dân", là "Phần kết thúc". Nhưng nếu có Thánh lễ thì đôi tân hôn có thể:
- Dâng lễ vật (Bánh lễ, Rượu lễ v.v...) lên bàn thờ.
- Chọn (1 trong 3) Lời nguyện trên lễ vật và Kinh Nguyện Thánh Thể.
- Sau Kinh Lạy Cha: chủ tế đọc 'Lời chúc hôn' (nếu trước đó chưa đọc)
- Rước Mình, Máu Thánh Chúa: dưới hai hình thức (nếu muốn).
- Chọn (1 trong 3) Lời Nguyện Hiệp Lễ.
Kết thúc nghi lễ
Nghi lễ kết thúc bằng kinh Lạy Cha (hoặc một lời nguyện của linh mục, nếu trên đây đã bỏ không đọc lời nguyện cho đôi tân hôn) và công thức ban phép lành thường dùng cuối thánh lễ, hoặc một trong ba lời chúc lành cuối lễ.
Lời chúc lành cuối lễ
Xin Thiên Chúa là Cha hằng hữu gìn giữ anh chị (ông bà) luôn hòa thuận yêu thương nhau. Xin Đức Kitô ban cho anh chị (ông bà) được bình an và cho gia đình hằng yên vui đầm ấm.
* Amen
Chúc anh chị (ông bà) (được hồng phúc có con nối dõi tông đường), được bạn hữu mến thương giúp đỡ, và sống hòa hợp với mọi người.
* Amen
Chúc anh chị (ông bà) trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian: luôn rộng lòng đón tiếp người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón anh chị (ông bà) vào nhà Cha trên trời.
* Amen
Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con + và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
* Amen
Sau "Phần chúc lành", đôi tân hôn có thể đến "dâng mình" cho Đức Mẹ, rồi lên ký vào sổ trên Bàn Thờ, chụp ảnh kỷ niệm, vui vẻ ra về. Với niềm phấn khởi trong trí, sự ấm áp trong tim và nụ cười trên môi... văng vẳng bên tai lời thề son sắt "... khi thịnh vuợng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe... yêu thương và tôn trọng nhau... suốt đời
SUỐT ĐỜI
Trước Bàn Thánh Chúa: một lời thề
Tay bắt, tim rung, tai lắng nghe:
Thịnh vượng giàu sang "ý chẳng đổi"
Gian nan khốn khó "lòng không chê"
Ốm đau bệnh hoạn "nguyền bên cạnh"
Mạnh khỏe khang an "quyết cận kề" I
Chung thủy yêu thương "trong hợp nhất"
Suốt đời tôn trọng "nghĩa phu thê"
4) Phép giao là gì? Có khác phép Cưới không?
Để trả lời, bạn có thể đọc lời giải thích sau đây, trích trong "Thư Chung Hôn Phối" của Đức Giám Mục Phêrô Maria Đông (Hà Nội) đã dọn năm 1913 (vẫn có giá trị cho đến ngày nay)
"... Trong địa phận ta đã quen dùng tiếng làm phép Giao và tiếng làm phép Cưới mà phân biệt hai cách làm phép nhất phu nhất phụ. Vậy khi dùng tiếng làm phép Giao thì phải hiểu rằng làm phép nhất phu nhất phụ cách đơn theo sách Các Phép mà thôi. Còn tiếng làm phép Cưới thì phải hiểu là làm phép nhất phu nhất phụ trọng thể hơn, theo các sách các phép cả sách lễ về lúc làm lễ cưới. Song le khi nói rằng làm phép nhất phu nhất phụ ai ai phải nhớ rằng: vốn tính phép ấy ở tại một sự hai người giao đi giao lại trước mặt Thày Cả mà quyết lấy nhau làm vợ chồng ngay từ bấy giờ; còn các lễ phép và các lời cầu nguyện Thày Cả làm bấy giờ chỉ có ý xin Đức Chúa Trời thêm ơn cho vợ chồng mới.
Ấy vậy sự giao đi giao lại là sự rất can hệ và phải làm cho ý tứ chắc chắn, làm khỏi hồ nghi về sau; nhân vì lẽ ấy lề luật chung trong đạo buộc phải giao lấy nhau trước mặt Thày Cả và ít là hai người làm chứng..."
Theo đó: Phép Giao và Phép Cưới là một, nhưng cử hành khác nhau: hoặc đơn giản (Phép Giao), hoặc long trọng (Phép Cưới). Nghĩa là không có Thánh Lễ hoặc có Thánh Lễ. Việc chính để thành "nhất phu nhất phụ" (một vợ một chồng) vẫn là lời giao hứa đôi bên trước mặt linh mục (Thày Cả) và hai người làm chứng.
Phần phụ lục
Để các bạn có thể dễ dàng lựa chọn những bài đọc Sách Thánh dùng trong lễ cưới, các bài sau đây đã được đề nghị.
I/ Bài đọc 1 Chọn 1 trong 8 bài sau:
Bài 1: Lời Chúa trong sách Sáng Thế (ST 1, 20-28.31a)
Thiên Chúa phán: "Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất".
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa chúc phúc cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất".
Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra: rất là tốt đẹp!
Đó là Lời Chúa.
Bài 2: Lời Chúa trong sách Sáng Thế. (ST 2, 18-24)
Đức Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó".
Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.
Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà; vì đã được rút từ đàn ông ra". Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
Bài 3: Lời Chúa trong sách Sáng Thế (ST2 4, 48-51, 58-67)
Hồi ấy, người lão bộc của Ông Áp-ra-ham nói với Ông La-ban: "Tôi đã phủ phục xuống thờ lạy Đức Chúa và chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham, chủ tôi, đã dẫn dắt tôi đi đúng đường, để cưới con gái người anh em họ hàng của chủ tôi cho con trai ông ấy. Vậy bây giờ, nếu quý ông muốn tỏ ra có tình có nghĩa với chủ tôi, thì xin cho tôi biết. Bằng không, thì xin cũng cho tôi biết để tôi còn liệu cách này cách khác".
Ông La-ban và ông Bơ-thu-en trả lời: "Việc này Đức Chúa đã xe định, chúng tôi không thể nói thuận hay nghịch nữa. Rê-bê-ca đang ở trước mặt ông đây: ông cứ đưa nó về. Nó sẽ thành vợ của con trai chủ ông, như Đức Chúa đã phán".
Sáng hôm sau, họ gọi cô Rê-bê-ca ra và hỏi: "Rê-bê-ca, có muốn đi với ông này không?" Cô trả lời: "Có".
Thế rồi họ tiễn cô Rê-bê-Ca, người em của họ, đi cùng với người vú nuôi của cô, người lão bộc của ông Áp-ra-ham và những người đi theo ông. Họ chúc phúc cho cô Rê-bê-ca rằng:
"Chúc em sinh vạn sinh ngàn
Giống dòng chiếm cứ cửa thành địch quân".
Cô Rê-bê-ca cùng với các tớ gái đứng dậy, cỡi lên lạc đà mà đi theo người lão bộc. Ông nhận ra cô Rê-bê-ca và ra đi.
Khi ấy cậu I-xa-ác đã bỏ vùng giếng La-khai-Roi, và đang ở trong miền Ne-ghép. Cậu I-xa-ác ra ngoài đồng dạo mát lúc chiều tà. Ngước mắt lên, cậu thấy một bầy lạc đà đang tiến đến.
Ngước mắt lên, cô Rê-bê-ca thấy cậu I-xa-ác, cô bèn từ trên lưng lạc đà nhảy xuống và hỏi người lão bộc: "Người đang đi ngoài đồng tiến về phía chúng ta là ai đó?".
Người lão bộc trả lời: "Chủ tôi đấy!" Cô bèn lấy chiếc khăn che mặt. Người lão bộc thưa lại với cậu I-xa-ác tất cả những gì ông đã làm. Cậu I-xa-ác đưa cô Rê-bê-ca vào lều và kết hôn với cô; cô trở thành vợ cậu, cậu yêu thương cô và khuây khỏa được nỗi buồn mất mẹ.
Đó là Lời Chúa.
Bài 4: Lời Chúa trong sách Tô-bi-a. (TB 7, 9c-10-11c-17)
Khi ấy, ông Ra-gu-ên mời cậu Tô-bi-a ngồi vào bàn tiệc. Cậu nói: "Cháu sẽ không ăn uống gì ở đây hôm nay, nếu chú không chấp thuận điều cháu xin và không hứa gả em Xa-ra, con gái của chú, cho cháu".
Ông Ra-gu-ên còn lưỡng lự, chưa trả lời về điều cậu Tô-bi-a xin, thì thiên sứ nói với ông: "Ông đừng ngại gả con gái cho cậu này, vì cô ấy phải làm vợ cậu này, là người kính sợ Thiên Chúa, chính vì thế mà người khác đã không lấy được cô ấy".
Bấy giờ ông Ra-gu-ên nói: "Tôi không hồ nghi là lời tôi cầu nguyện và than van khóc lóc đã vọng tới Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Tôi tin rằng Người đã đưa ông bạn và cháu tới nhà tôi, là để con tôi được kết hôn với người trong họ, theo luật Mô-sê. Vậy bây giờ cháu đừng hồ nghi là chú sẽ không gả em cho cháu".
Ông cầm lấy tay phải của con gái, đặt vào tay phải cậu Tô-bi-a và nói: "Xin Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp ở với các con. Xin Người phối hợp các con, và đổ tràn đầy phúc lành của Người xuống trên các con".
Rồi họ lấy giấy làm tờ giá thú. Sau đó họ vào bàn tiệc, vừa ăn vừa chúc tụng Thiên Chúa.
Đó là Lời Chúa.
Bài 5: Lời Chúa trong sách Tô-bi-a. (TB 8, 5-10)
Tối hôm cưới, cậu Tô-bi-a nói với cô Xa-ra: "Chúng ta là con cháu các thánh và chúng ta không thể kết hôn với nhau như những người dân ngoại không biết Thiên Chúa". Vậy cả hai người đứng dậy cùng nhau khẩn khoản cầu xin cho được an lành.
Cậu Tô-bi-a nói: "Lạy Chúa là Thiên Chúa tổ phụ chúng con thờ, trời đất, biển cả, suối nước sông ngòi và muôn loài thọ tạo trong đó, phải chúc tụng Chúa. Chúa đã lấy đất làm ra ông A-đam, và đã cho ông một trợ tá là bà E-và.
"Giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì mê sắc dục mà con nhận em con đây làm vợ, nhưng chỉ vì muốn có một dòng dõi để nhờ đó danh Chúa được chúc tụng đến muôn thuở muôn đời".
Cô Xa-ra cũng nói: "Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, xin thương xót chúng con, và cho vợ chồng chúng con được cùng nhau sống an lành cho đến tuổi già".
Đó là Lời Chúa
Bài 6: Lời chúa trong sách Diễm ca. (DC 2, 8-10.14-16a; 8, 6-7a)
Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang đến, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi. Người yêu của tôi tựa hồ linh dương, chẳng khác gì nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng, sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song. Người yêu của tôi lên tiếng bảo: "Dậy đi, bạn tình của anh, người đẹp của anh, ra đây nào! Bồ câu của anh! Em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo, nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng". Người tôi yêu là của riêng tôi và tôi của riêng chàng.
Tôi nói với chàng: "Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh". Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
Đó là Lời Chúa
Bài 7: Lời Chúa trong sách Huấn Ca. (Hc 26, 1-4, 13-16)
Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may, dành cho những người kính sợ Đức Chúa: Giàu hay nghèo. lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười. Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc, vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày. Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục. Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời; không chi quý giá bằng người tiết hạnh. Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp, đẹp như mặt vầng hồng, trên chốn cao xanh của Đức Chúa.
Đó là Lời Chúa.
Bài 8: Lời Chúa trong sách ngôn Sứ Giê-rê-mi-a. (Gi 31, 31-32a.33-34a)
Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: Này sắp đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dân họ ra khỏi đất Ai-cập.
"Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: 'Hãy học cho biết Đức Chúa', vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa".
Đó là Lời Chúa
II/ BÀI ĐỌC 2 (chọn 1 trong 9 bài sau đây)
Bài 1: Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma. (Rm 8, 31b-25.37-39)
Thưa anh em,
Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?
Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.
Đó là Lời Chúa
Bài 2: Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma. (Rm 12, 1-2.9-18)
Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.
Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải, lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.
Đó là Lời Chúa.
Bài 3: Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. (1Cr 6, 13c-15a. 17-20)
Thưa anh em.
Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.
Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.
Đó là Lời Chúa
Bài 4: Lời Chúa trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. (1Cr 12, 31-13, 8a)
Thưa anh em,
Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được nói ơn tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.
Đó là Lời Chúa
Bài 5: Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô. (Ep 5, 2a.25-32)
Thưa anh em,
Anh em hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ và yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: "Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt".
Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.
Đó là Lời Chúa
Bài 6: Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-Xê. (Cl 3, 12-17)
Thưa anh em,
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Đó là Lời Chúa.
Bài 7: Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ. (1Ph 3, 1-9)
Anh Chị em thân mến,
Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa.
Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng. Như bà Xa-ra, bà đã vâng phục ông Áp-ra-ham, và gọi ông là "ông chủ". Chị em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào.
Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở.
Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.
Đó là Lời Chúa.
Bài 8: Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ. (1Ga 3, 18-24)
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta. Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban Cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta.
Đó là Lời Chúa.
Bài 9: Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ. (1Ga 4, 7-10)
Anh em thân mến,
Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngườí đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
Đó là Lời Chúa
III/ TIN MỪNG (chọn 1 trong 10 bài sau)
Bài 1: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5, 1-12a)
Thấy dân chúng từ các nơi kéo về đông đảo, Đức Giêsu lên một ngọn núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo đói, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao".
Đó là Lời Chúa
Bài 2: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5, 13-15)
Hôm ấy, trên một ngọn núi kia, Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà.
Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt Thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời".
Đó là Lời Chúa.
Bài 3: Tin Mừng. Mt 7, 21.24-29
(Có thể đọc bài ngắn trích trong bài dài)
Người khôn xây nhà trên đá tảng.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.
Hôm ấy, trên một ngọn núi kia, Đức Giêsu nói với môn đệ rằng: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá".
(hết bài đọc ngắn, bài đọc dài vẫn tiếp tục)
"Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ".
Đó là Lời Chúa
Bài 4: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu. (Mt 19, 8-6)
Một hôm, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?"
Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: 'Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: 'Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt'.Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt".
"Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".
Đó là Lời Chúa
Bài 5: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu. (Mt 22, 35-40)
Một hôm, có người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?".
Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".
Đó là Lời Chúa.
Bài 6: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô. (Mc 10, 6-9)
Một hôm, Đức Giêsu nói với mấy người Pha-ri-sêu rằng: "Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".
Đó là Lời Chúa.
Bài 7: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an. (Ga 2, 1-11)
Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến".
Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc trăm hai mươi lít nuớc. Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông.
Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ."
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Đó là Lời Chúa.
Bài 8: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an. (Ga 15, 9-12)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em".
Đó là Lời Chúa.
Bài 9: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an (Ga 15, 12-16)
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì, Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
Đó là Lời Chúa.
Bài 10: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an. (Ga 17, 20-26)
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.
Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con".
Đó là Lời Chúa
Những bài đề nghị trên đây, các bạn có thể chọn hay không chọn. Trong trường hợp không chọn, các bạn có thể tìm các bài khác trong Sách Thánh. Miễn sao, các bạn nên chú tâm vào việc quan trọng này.
NHIỆM LẠ
Đây giây phút lương duyên đầy thi vị
Đẹp như trời tinh khiết buổi thái sơ,
Đây giao hòa, cõi thực giữa cõi mơ,
Xin thành kính dâng lên Nguồn Chí Ái.
Đường tương lai trước mặt đang rộng trải
Chúng con đi mang âu yếm trong lòng,
Tay nắm tay tính chuyện tát Bể Đông,
Xin được lãnh ơn thiên linh cao cả.
Từng lời nói, từng cử chỉ, tấc dạ,
Từng tia nhìn, từng khóe mắt, nụ cười,
Cả những lúc thinh lặng đến rợn người
Xin biến hóa thành tình ca muôn điệu.
Gặp những phút lỡ lầm đến khó hiểu,
Những vụng về, sơ xuất, trái ý nhau,
Những nghi ngờ, thoi thóp trái tim đau
Xin giữ trọn sắt son niềm chung thủy.
Bao ngang trái khác biệt vẻ kỳ dị
Sẽ long lanh biến sắc trong hy sinh,
Giữa bao dung lượng thứ quên thân mình,
Hoa yêu đương không nếm mùi tàn tạ.
Cúi lạy Chúa Nguồn Tình Thiêng Nhiệm Lạ,
Giúp chúng con sống trọn nghĩa thương nhau,
Luôn khắng khít như giao hứa ban đầu,
Mỗi hơi thở thơm tho mầu duyên thắm.
CUNG CHI