CHƯƠNG XIV
GIAI ÐOẠN CUỐI THẾ KỶ III
CHƯƠNG XIV
GIAI ÐOẠN CUỐI THẾ KỶ III
Hậu bán thế kỷ III là một thời kỳ chuyển tiếp trong mọi lãnh vực. Trên bình diện chính trị, một thời kỳ hỗn loạn bắt đầu xuất hiện sau nhà Sévère, các thể chế cổ truyền Roma sụp đổ và một chế độ mới đang được chuẩn bị. Nền văn minh Hy-La, khởi sự từ Alexandrie, trước kia đã thống trị trên đa số phần đất có người ở, nay tự cảm thấy bị hăm dọa tứ bề, trước những phong trào dân tộc hùng mạnh. Người Goths trên sông Danube, người Batư tại Ðông phương đang tấn công vào các biên giới Hy-La. Các phong trào tự trị chớm nở tại Aicập, bên Phi châu, ở nước Gaule. Giáo hội cảm thấy liên lụy vào các biến cố ấy. Nhưng đồng thời uy thế của Giáo Hội lại tăng lên. Giáo hội trở thành sức mạnh tinh thần lớn nhất của Ðế quốc. Giáo hội đã sẵn sàng để thay thế cho môi trường ngoại đạo cổ xưa, và đôn đốc để nền văn minh mới được thành hình.
I. TỪ DÈCE ÐẾN AURÉLIEN.
Người cuối cùng của nhà Sévère là Alexandre bị ám sát năm 235. Kể từ đấy, một thời kỳ loạn ly bắt đầu bùng nổ, mọi quyền hành tập trung vào tay các tướng lãnh, họ ra công duy trì kỷ luật của Ðế quốc. Nhiều ông sẽ bắt bớ các kitô hữu vì họ cho rằng nhóm này là nguyên nhân gây chia rẽ. Maximin, người kế vị Alexandre, là một đại tướng can trường, nhưng có cái nhìn thiển cận. Ông giết hại các thành phần ưu tú của xã hội Roma. Giữa đoàn thể giáo dân, ông tấn công các giám mục (H.E. VI,28). Vào thời kỳ này giáo hoàng Pontien bị phát vãng. Sau một thời gian vắn do nhà Gordien nắm chủ quyền, Philippe, người Ảrập lại đi vào đường lối chính trị khoan hồng. Chúng ta đã thấy ông có liên lạc thư tín với Origène. Có thể rằng ông là người kitô giáo. Dưới triều đại ông, một cuộc bắt đạo tàn nhẫn đổ xuống trên đầu các giáo dân tại Alexandrie. Nhưng cuộc bắt đạo khởi điểm bằng một trong những cuộc tàn sát địa phương, không ăn nhằm gì với chính sách của triều đình (H.E. VI,40).
Dèce là hoàng đế thứ nhất thuộc dòng giống Illyrie, lên kế vị Philippe. Dưới thời của Dèce, lần đầu tiên bùng nổ các cuộc bắt đạo do sắc chỉ của triều đình Roma ban hành. Năm 250, để củng cố nền thống nhất Roma chung quanh tôn giáo, Dèce truyền lệnh cho hết mọi công dân phải tham dự vào một cuộc tế lễ toàn diện. Cuộc bắt đạo này là cuộc bắt đạo chúng ta đã nói đến lúc bàn về Cyprien. Rất nhiều kitô hữu phản bội và cử hành lễ cúng. Một số người khác tìm cách xin chứng chỉ, libellus, sau đấy họ được tha bổng. Nhưng có nhiều người đã chịu tử đạo. Ðây là trường hợp giáo hoàng Fabien và linh mục Hippolyte (20 tháng Giêng năm 250). Denys thành Alexandrie, Cyprien thành Carthage trốn tránh để khỏi bị bắt. Origène bị tống ngục và bị tra tấn. Một bức thư của Denys thành Alexandrie gửi Fabius thành Antioche là một tài liệu chủ chốt về cuộc bắt đạo tại Alexandrie (VI,41-42).
Năm 251, Dèce tạm ngưng cuộc bắt đạo. Chính lúc này người ta cử người kế vị giám mục Fabien, vì tòa Roma đã trống ngôi một năm. Thắng Novatien, Corneille được tuyển chọn vào lúc vấn đề các người lapsi được đặt ra cách sôi nổi. Nhưng Dèce bị tử trận trong bãi lầy Abrittos tại miền Dobrogea, trong lúc chiến đấu với quân Goths. Vibius Trebonianus Gallus tự xưng hoàng đế và liên kết với con của mình là Veldummianus Volusianus. Năm 252, cuộc bắt đạo lại tái diễn. Giáo hoàng Corneille bị phát vãng. Ngài qua đời năm 253 trong lúc đi đày. Lucius, kế vị ngài cũng lại bị phát vãng. Denys thành Alexandrie làm chứng rằng cuộc bắt đạo sau này cũng xảy ra tại Aicập (H.E. VI,1). M. Aemilianus đánh tan Gallus tại Mésie. Nhưng rồi chính ông lại bại trận và bị Valésien giết.
Valérien lên trị vì từ năm 253 cho đến năm 260. Triều đại của ông bắt đầu đánh dấu bằng cuộc hòa hoãn đối với các kitô hữu. Nhưng sự kiện lại thay đổi vào năm 257. Denys liên đới việc đổi hướng này với ảnh hưởng tác động trên hoàng đế do vị tổng trưởng bộ Tài chánh là Macrien. Hai lý do làm cho ông này gay gắt với các tín hữu. Một đàng, ông là một phần tử quan trọng trong các hội đoàn ngoại giáo bên Aicập. Denys giới thiệu ông như ”vị tổng hội trưởng các thầy phù thủy Aicập” (H.E VII,10,4). Ðây là một đặc điểm mới bắt đầu xuất hiện. Septime Sévère và Dèce đã nhân danh tôn giáo truyền thống của Ðế quốc để bắt bớ các tín hữu. Ðặc điểm mới bắt đầu xuất hiện với Macrien, là phong trào huyền bí ngoại giáo, hun đúc bởi lòng thù ghét Kitô giáo. Ông là người sống đồng thời với Porphyre, là người đã được tiêm nhiễm môn quỉ thuật và đã tấn công các kitô hữu trong một tác phẩm thời danh. Trường hợp của Hiéroclès sau này cũng vậy. Chính phong trào huyền bí ngoại giáo này ít lâu sau lại xuất hiện với Julien và là hình thức đối lập cuối cùng giữa ngoại giáo và Kitô giáo.
Nhưng những lý do ý thức hệ này không phải là căn cớ duy nhất. Là phù thủy tại Aicập, Macrien còn là tổng trưởng bộ tài chánh. Thế mà dưới triều đại Valérien, tình trạng kinh tế của Ðế quốc rất trầm trọng. Các tổn phí binh bị thật khổng lồ. Ngân khố buộc phải lạm phát. Tổng số kim loại quí bảo đảm cho tiền tệ càng ngày càng sụt xuống. Thế là tiền tệ bị mất giá. Nhà cầm quyền phải ấn định giảm giá tiền tệ. Nhưng còn phải làm thế nào để có tiền vào. Như H. Grégoire đã viết, Macrien là ”một nhà chính trị thứ nhất đã trưng dụng phong trào phản kitô giáo để làm đầy công khố” (1). Ðây lại còn là một bằng chứng khác để biết bất động sản của Giáo Hội quan trọng đến chừng nào và trong đoàn thể giáo dân đã có một cấp quí tộc giầu có. Rất dễ nhận ra là cuộc bắt đạo đã nhằm thẳng vào những vị giáo sĩ cao cấp và các kitô hữu có quyền hành.
Năm 257, sắc lệnh thứ nhất được công bố, cấm chỉ việc thờ phượng Kitô giáo và những cuộc hội họp tại các nghĩa trang, và bó buộc các giáo sĩ phải cúng trước thần. Ðây là lần thứ nhất việc thờ phượng Kitô giáo bị ngăn cấm. Năm 258 một biện pháp thứ hai truyền phải xử tử tức khắc các phần tử thuộc hàng giáo sĩ khước từ không chịu dâng hương, và phải tịch thu những tài sản của các giáo dân qúi phái. Cuộc bắt đạo này đẫm máu không kém cuộc bắt đạo của Dèce. Tại Aicập, Denys thành Alexandrie bị tống giam ở Kephô và nhiều giáo dân bị tử đạo (H.E. VII,11). Eusèbe cũng nói đến các người tử đạo tại Palestine, tại Carthage. Cyprien bị bắt ngay sau khi có sắc lệnh thứ nhất và bị xử tử với sắc lệnh thứ hai. Chúng ta còn giữ được các văn kiện chính thức vụ án của ông. Tại Roma, Syste II đã chịu tử đạo cùng với các thầy phó tế của ngài (2). Bên Tây-ban-nha, giám mục Fructueux thành Tarragone bị xử tử với hai thầy phó tế.
Năm 260, Valérien bị Shahpuhr II bắt làm tù và bị giết. Con của ông là Gallien đã được ông liên kết từ năm 253, giữ chức hoàng đế một mình. Các con của Macrien tự xưng là hoàng đế. Nhưng đều bị quân đội hạ sát, một người tại Ðông phương, một người trên sông Danube. Nhờ đấy Gallien vãn hồi được trật tự trong Ðế quốc và bảo vệ bờ cõi trước áp lực của các dân man rợ. Ngay từ năm 260, ông công bố sắc lệnh khoan hồng đối với các giáo dân. Chúng ta biết nội dung của sắc lệnh này là nhờ một bức thư của Denys thành Alexandrie: sắc lệnh này được công bố tại Aicập, năm 262. Sắc lệnh này ban phép được tổ chức việc thờ phượng trong các nhà thờ sắp được trả lại cho các giáo hữu. Một sắc lệnh khác cho phép họ được xử dụng các nghĩa trang. Các sắc lệnh của Gallien có tầm quan trọng rất lớn. Chúng chưa thừa nhận Kitô giáo là một religio licita. Nhưng chúng là sự nhìn nhận trong thực tế. Mặt khác, quyền tư hữu của Giáo hội cũng được mặc nhiên công nhận.
Ðường lối chính trị của Gallien vẫn được các vị kế tiếp ông, là Claude (268-270) và Aurélien (270-275) noi theo. Aurélien tìm cách cổ vũ việc thờ độc thần mặt trời là hình thái cuối cùng của việc thờ kính hoàng đế. Nhưng ông có lòng khoan hồng với các tín hữu. Dưới triều đại ông xảy ra một giai thoại chứng minh Nhà Nước thừa nhận Giáo Quyền: Giám mục Antioche là Phaolô thành Samosate, sau khi đã bị giáo quyền truất phế, khước từ không chịu rút lui khỏi tòa giám mục. Người ta đệ trường hợp này lên Aurélien lúc ông chiếm cứ lại Antioche từ tay nữ hoàng Zénobie. Ông quyết định rằng tòa giám mục thuộc về ”những ai còn giữ thông hiệp với các vị theo giáo thuyết Kitô ở Roma và tại Ý”.
Ðây cũng là một hình thức công nhận có một nền giáo quyền hợp pháp. Và hơn nữa chúng ta có một bằng chứng về tiêu chuẩn của sự hợp pháp ấy, là sự thông hiệp với Giáo Hội Roma. Không có một tỉ dụ nào khác cho thấy rõ ràng hơn rằng, liền trước thế kỷ III, Giáo Hội là một thực tại mà chính phủ không thể không biết đến. Constantin sau này cứ việc phê chuẩn bằng pháp lý một tình trạng đã được chấp nhận vào thời đại này. Máu của các vị tử đạo đã mạnh mẽ góp phần kiến tạo một dân kitô.
II. GIÁO HỘI TẠI ÐÔNG PHƯƠNG.
Vào cuối thế kỷ III, Giáo Hội đã ăn rễ chặt chẽ tại Tây phương. Nhưng trừ Roma và Carthage, Giáo Hội chưa vượt ra ngoài môi trường của những thành phố lớn. Hơn nữa, Giáo Hội mới chỉ bắt đầu xâm nhập vào các phạm vi văn hóa và mới phát biểu bằng tiếng la-tinh. Trái lại, tại Ðông phương, Giáo Hội, với hai thế kỷ sau lưng, đã bành trướng một cách khác thường. Miền Asia, miền Cappadoce, miền Syrie, nước Palestine, xứ Aicập phần lớn đã biết Kitô giáo rồi. Hơn nữa Kitô giáo đã có một quá khứ văn chương và thần học. Origène đã mang đến cho tư tưởng kitô một ánh sáng chói lọi khác thường. Chúng ta thấy tại tất cả các Giáo Hội đã hiện hình những nhân vật xuất sắc. Về điểm này, Eusèbe là một nguồn tin trực tiếp rất mực quí giá. Nhờ ông chúng ta mới có phương tiện hiểu biết về môi trường kitô của thời đại.
Ở giữa thế kỷ III, Alexandrie có vị giám mục thời danh là Denys. Ông kế tiếp Héraklas trong chức giám đốc trường dạy giáo lý khoảng năm 231, lúc Héraclas lên làm giám mục. Vả lại lúc ông này qua đời năm 248, ông kế ngôi Héraclas tại tòa Alexandrie. Ông giữ tòa này cho tới năm 264. Chúng ta đã thấy ông phải trốn tránh Dèce, ông bị bắt dưới đời Valérien, đã có liên lạc với Etienne trong vấn đề làm phép rửa tội lại. Vừa là giám mục lớn, ông cũng còn là một văn gia có giá trị. Những đoạn văn trong tác phẩm của ông chúng ta còn giữ được nhờ ở Eusèbe, rất quan trọng về nhiều phương diện. Thoạt tiên chúng cho ta biết mấy luồng tư tưởng của thời đại. Eusèbe đã lưu truyền cho chúng ta mấy đoạn trong khái luận của ông, Bàn về bản tính, trong đó ông đả kích phái Epicure. Có thể liên kết sự kiện này với việc Arnobe, người Phi châu ít lâu sau cũng lại tấn công thuyết Epicure nữa (3). Tất cả các việc trên cho thấy sức sống của triết thuyết ấy vào cuối thế kỷ III.
Một khái luận thứ hai của Denys, Bàn về các mối hy vọng, đáng được lưu ý hơn nữa. Eusèbe thuật lại cho chúng ta biết sách đó đã được soạn thảo trong những trường hợp nào. Giám mục Arcinoe là Nepos, đã viết một cuốn sách Ðả kích trường phái dụ ngôn, trong đó ông biện hộ cho thiên niên thuyết trước kia được hầu hết các văn gia Kitô giáo chủ trương trước Origène. Thuyết ấy còn được biện hộ ít lâu sau Nepos bởi Méthode thành Olympe, cũng là đối thủ của Origène, và trong thế kỷ IV, bởi Apollinaire thành Laodicée. Người ta có lẽ để tự hỏi, phải chăng vào thời đại Nêpos, việc phục hưng những niềm hy vọng thiên nên thuyết có liên hệ với ý tưởng là tận thế đã gần kề, cũng là ý tưởng đã được gợi lên bởi những cuộc bắt đạo tàn nhẫn của Dèce và của Valérien? Trường hợp này sau lại tái diễn với Commodien, nhân lúc có cuộc bắt đạo của Dioclétien (4). Sách Khải Huyền chép cho các giáo dân bị bắt bớ dưới đời Néron và Domitien, đã lấy lại được thời sự tính của nó.
Denys, học trò của Origène (H.E. VI,29,4) theo thâm tâm không sẵn sàng chấp nhận quan điểm quá vật chất về những niềm hy vọng, là quan niệm của Nêpos. Giữa lúc ấy thì Nêpos qua đời, Denys mở cuộc tranh luận với Arsinoe để khảo sát và đả kích những lý lẽ của nhóm môn sinh ông Nêpos, làm họ phải đầu hàng trước các lý lẽ của ông. Trong khái luận ấy, thoạt tiên Denys trình bày các lý luận để đả kích thiên niên thuyết. Phần thứ hai là một cuộc tranh luận để biết sách Khải Huyền có đúng thực là của Gioan hay không. Eusèbe đã lưu truyền lại cho chúng ta phần tranh luận này (H.E. VII,25). Nó làm chúng ta nhớ tới cuộc tranh luận của Origène về nguồn gốc Bức thư gửi giáo dân Dothái. Người ta nhận thấy Denys đã được huấn luyện rất chu đáo. Ông kết luận bằng việc phủ nhận Gioan là tác giả của sách Khải Huyền.
Phần quan trọng nhất trong tác phẩm của Denys mà nhờ Eusèbe chúng ta biết, là bộ thư tín của ông. Nó gồm nhóm thứ nhất là các Thư Phục Sinh. Eusèbe cho chúng ta biết ”Denys soạn các thư vào dịp lễ trọng, ông dùng kiểu nói cao kỳ vào dịp lễ Phục Sinh” (H.E. VII,20). Mục đích của các bức thư này là để báo trước về ngày tháng mừng lễ Phục Sinh. Ðây là một lối huấn dụ mùa chay. Denys là người thứ nhất đã để lại cho chúng ta những mẫu loại thư ấy. Tục lệ này còn tiếp tục tại Alexandrie. Chúng ta nắm được các Thư Phục Sinh của Athanase, của Phêrô thành Alexandrie, của Cyrille thành Alexandrie.
Bên cạnh các Thư Phục Sinh, chúng ta còn giữ được các đoạn trích dẫn các thư Denys gửi cho Roma, chúng làm chứng về mối tình mật thiết giữa Denys và Giáo Hội của ông.Bức thư gửi Fabien (H.E. VI,42,41,44) là một sử liệu bậc nhất về cuộc bắt đạo tại Alexandrie năm 248. Nó cũng đề cập tới vấn đề hòa giải các người lapsi. Rồi đến một bức thư Eusèbe gán cho cái tên là Thư Phó Tế (diaconikè) do Hippolyte viết (VI,45,5). Từ này chỉ gặp thấy nguyên có một lần. J.M. Hanssens cho rằng nó đối lập với Bức Thủ Thư (idia). Từ ngữ ấy có ý chỉ bức thư đã được gửi qua môi giới của Hippolyte. Nhưng ông Hippolyte này là ai? Hanssens cho rằng đây là linh mục Roma đối thủ của Calixte (5). Như vậy thì Hippolyte đã làm môi giới giữa Alexandrie và Roma. Và đây là một chứng cớ để biết ông xuất xứ từ Aicập. Nhưng việc xuất xứ này không lấy gì làm chắc chắn. Vậy có lẽ đây là một Hippolyte khác, là thầy phó tế tại Alexandrie được phái sang Roma. Dính líu tới vụ Novatien thì có một bức thư gửi cho Corneille, hai thư khác gửi cho người Roma, Về Hòa Bình, Về phép giải tội, một bức thư gửi các vị tuyên xưng đạo tại Roma và liên kết với phái Novatien, một bức thư khác cho cùng những vị tuyên xưng đạo ấy sau lúc họ thần phục (46,5). Thêm vào hồ sơ này còn phải kể đến Bức thư cho Novatien (VI,45) (6). Denys còn viết một thư cho Etienne (H.E.,VII, 5, 1-2), cho Xyste (H.E. VII,5,4-6; 9) cho Denys (VII,7,6), và sau cùng cho linh mục Roma tên là Philémon (7).
Ðiều ích lợi là các thư của Denys cho chúng ta thấy ảnh hưởng của Giáo Hội trong những vấn đề lớn của thời ấy: các cuộc bắt đạo, các vụ tranh luận thần học, các vấn đề kỷ luật của hàng giáo sĩ. Những thư ấy còn nói lên mối băn khoăn về sự thông hiệp giữa các Giáo Hội địa phương, và với Giáo Hội Roma. Chúng là biểu hiệu thông thường của tình liên đới chung trong Giáo Hội trước khi có những đại Công Ðồng trong Giáo Hội. Sau cùng chúng nói lên rằng: Denys là một nhân vật đặc sắc, ông vừa có nền học vấn uyên thâm, vừa có óc thùy mị và hiếu hòa, vừa thận trọng khôn ngoan trong các vụ can thiệp. Chúng ta thấy ông giữ địa vị môi giới giữa Roma và Antioche, môi giới này sẽ còn là một trong những truyền thống của Giáo hội Aicập trong các thế kỷ sau. Denys qua đời năm 264 trong lúc có công đồng tại Antioche. Bức thư cuối cùng của ông là bức thư gửi cho các Nghị Phụ Công Ðồng (H.E. VII,27,2).
Denys không phải là một nhân vật độc nhất có tên tuổi đã được Alexandre trình bày vào cuối thế kỷ thứ III này. Người ta biết rất ít về hai người kế vị ông trên tòa giám mục là Maxime và Théon. Nhưng người ta biết rõ, ông có những người kế vị rất thời danh tại Huấn Ðường. Chúng ta chỉ biết về Théognoste qua Photius là người đã tóm tắt các bài Hoạt tả của ông ấy. Ông là người thừa kế tư tưởng của Origène trong những vấn đề táo bạo hơn cả, nhất là trong quan điểm về vấn đề vật chất. Photius tán tụng văn thể của ông. Pierius làm giám đốc trường Giáo Lý từ năm 282, dưới đời Théonas. Eusèbe ca ngợi đời sống khó nghèo và những kiến thức triết lý của ông. Jérôme nói ông có một Bài giảng về Ôsée, đọc trong đêm áp lễ Phục sinh (7).
Bên cạnh Alexandrie, xứ Palestine thời ấy còn có những nhân vật vĩ đại. Origène đã dạy học tại Césarée vào những năm cuối đời và đã lập tại đấy một tủ sách. Năm mươi năm sau, Eusèbe, giám mục Césarée, đã xử dụng các tài liệu ấy và gặp thấy những người kế tiếp tư tưởng của Origène. Khoảng năm 260, giám mục là Théotecne mà Eusèbe nói là môn sinh của Origène (VII,14). Dưới đời người kế vị ông là Agapius, Eusèbe đã gặp Pamphile tại Césarée. Ông này sinh quán tại Phénicie, đã được thụ giáo tại Alexandrie với Pierius. Ông định cư tại Césarée là nơi ông được Agapius truyền chức linh mục cho. Ông mở một trường dạy thần học để tiếp tục truyền thống của Origène. Nhất là ông đã lập nên một tủ sách khổng lồ, là nơi Eusèbe và sau đấy Jérôme đã tra lục được những tài liệu giúp các ông duy trì lại đến đời chúng ta rất nhiều văn kiện của những thế kỷ kitô đầu tiên. Pamphile đã soạn một tập Minh Giáo bào chữa cho Origène, mà cuốn thứ nhất đã được Ruffin dịch ra tiếng latinh.
Tại Syrie, giáo đoàn Laodicée xem ra có liên lạc mật thiết với Alexandrie khoảng năm 260. Bấy giờ, giám mục Alexandrie là Eusèbe. Eusèbe thành Césarée cho ta biết ông quê quán tại Alexandrie (H.E. VII,32,5). Ông đã làm phó tế tại thành phố này (11,26) và được người ta lưu ý tới dưới đời Valérien vì ông nhiệt thành phụng sự các giáo dân bị cầm tù (11,24). Tới Antioche để dự công đồng năm 264, ông được các người thành Laodicée yêu cầu ông làm giám mục của họ, nhân dịp lúc Socrate qua đời (32,5). Người kế vị ông là Anatole, cũng là người dòng giống Alexandrie (32,6). Tại Alexandrie trước đấy ông đã nổi tiếng rất nhiều vì ông thông thạo tất cả các khoa học đời, như toán pháp, hình học, thiên văn học, vật lý học, biện chứng pháp, tu từ học (32,6). Ðây là những tài liệu quí giá làm chứng việc phục hưng thuyết Aristote vào thời kỳ ấy. Chúng ta sẽ gặp phong trào phục hưng này tại Tyr, với tác phẩm của người ngoại giáo tên là Porphyre tại Antioche với tác phẩm của Lucien. Eusèbe đã truyền lại cho chúng ta một đoạn trích dẫn quan trọng của Anatole về vấn đề niên đại của lễ Phục sinh (32,14-19). Ông này lúc trước đã làm giám mục phó tại Césarée (14-21).
Cũng đứng trong vòng ảnh hưởng của Origène, vào thời kỳ này còn có các giám mục miền Cappadoce và miền Pont. Firmillien lên làm giám mục Césarée khoảng năm 230. Eusèbe cho chúng ta biết ông có lòng ”quí chuộng Origène đến nỗi ông đã mời ông ấy tới xứ mình” (H.E. VI,27). Kỳ trú ngụ này chắc chắn vào lúc Origène bị xua đuổi khỏi Alexandrie, khoảng năm 230. Ðến sau Firmillien có tới Césarée để tu nghiệp (VI,27). Trong vụ Novatien, Firmillien đứng về phe ông này (VII,5,4). Ông mời Denys thành Alexandrie tới dự công đồng Antioche năm 252 (VII,46,3). Chúng ta còn giữ được của ông một bức thư rất nặng lời gửi Cyprien để phản đối Corneille. Nhưng sau cùng ông liên kết theo lập trường Roma (VII,5,2). Ông có mặt tại công đồng Antioche năm 264 (VII,28,1). Ông qua đời năm 268 tại Tarse, trên đường đi dự một công đồng khác bàn về vấn đề Phaolô thành Samosate, nhưng trước đấy ông đã có lập trường phản đối ông này (VII,30,4).
Một môn sinh khác của Origène cũng làm giám mục Néo-Césarée thời ấy, tại miền Pont. Grégoire cũng gọi là Théodore (VI,33) trước kia là học trò của Origène tại Césarée. Chúng ta còn giữ được của ông bản Gửi lời cám ơn Origène, là một tài liệu quí giá về nền giáo huấn của vị tôn sư thành Césarée. Phédime, giám mục Amasée tại miền Pont, ít lâu sau năm 238 đã truyền chức để ông lên làm giám mục Néo-Césarée. Ông là vị tông đồ lớn miền Pont và nhất là ông đã làm cho ông bà của Basile và của Grégoire thành Nysse trở lại. Grégoire này đã viết bài tán tụng ông. Nhờ có ông mà hai anh em người Cappadoce được hấp thụ tư tưởng của Origène. Ông có mặt tại Công Ðồng Antioche năm 264 (VII,28,1) và qua đời ít lâu sau đó. Grégoire thành Nysse đã để lại cho chúng ta một Bản thuyết lý đức tin với nhiều giá trị. Ông là người đồng thời với Denys thành Alexandre, với Firmillien thành Césarée. Thế hệ các giám mục này là những người được huấn luyện theo trường Origène và là những vị sáng lập thời danh của nhiều Giáo Hội. Quả là một trong những thế hệ đặc sắc nhất của lịch sử Kitô giáo.
Trong khi Alexandrie chiếu sáng vào miền Palestine, miền Phénicie, miền Cappadoce và miền Pont, thì Antioche bắt đầu xuất hiện như một tâm điểm văn hóa Kitô giáo có sắc thái riêng biệt. Suốt nữa đầu thế kỷ III, chúng ta hầu như không biết gì về Giáo Hội Antioche. Nhưng vào cuối thế kỷ, chúng ta thấy xuất hiện những nhân vật khác thường, Dorothée, Malchion, Lucien. Dorothée, vừa là người chuyên chú xuất sắc về tiếng Do Thái, vừa thành thạo các khoa hy-lạp, được Aurélien đặt lên trông coi xưởng máy nhuộm cánh kiến thành Tyr (H.E. VII, 32,2-4). Malchion, linh mục tại Antioche và cũng là giáo sư tu từ học tại các trường ở Antioche, và về điểm này ông là người đi trước Libanios (VII,29,2). Lucien cũng là linh mục tại Antioche, là người rất thành thạo các khoa đạo (IX,6,3). Hình như ông cũng biết cả tiếng Do Thái và những môn học Hylạp như Dorothée. Chính trong nhóm học trò của ông, một số sẽ là những người đầu tiên theo phái Arius. Họ tự xưng mình là phái ”Collucianisme”. Ông chịu tử đạo dưới đời Dioclétien (8) (VIII,13,2).
Các nhân vật khác nhau này trình bày lên những nét chung biểu lộ các đặc tính rồi ra sẽ là những đặc tính của trường Antioche. Trong khi các ông trường phái Alexandrie nối tiếp các khuynh hướng của nền Dothái-Hylạp và thuyết Platon huyền bí của nó, thì các người trường phái Antioche tỏ ra thực tế hơn. Nhờ cuộc tiếp xúc với thế giới Araméen Ðông phương, các ông này gần giáo sĩ Do Thái hơn. Nhiều người trong họ biết tiếng Do Thái. Ðiều này mang đến cho khoa giải nghĩa Thánh Kinh của họ nhiều tính cách khoa học hơn. Họ cũng biết cả lối giải nghĩa Thánh Kinh Do Thái. Mặt khác phe ngoại giáo thành Antioche thiên về văn chương hơn là về triết lý. Các giáo dân thành Antioche sẽ thấm nhuần các môn học Hylạp, như văn phạm, biện chứng pháp, hình học. Họ sẽ dùng các môn ấy để trau dồi khoa giải nghĩa Thánh Kinh. Ðặc biệt, họ sành sỏi về khoa biện chứng pháp, như người ta nhận thấy trong tác phẩm của Malchion. Họ cũng có khiếu về khoa tu từ học nữa. Nhưng họ sẽ hoài nghi với những lối suy luận triết lý trong lúc thành Alexndrie vẫn còn là một tâm điểm lớn của nền thần học suy luận và của lối giải nghĩa Thánh Kinh theo dụ ngôn, Antioche đang tiến triển về khoa Thần Học Mục Vụ và về lối giải nghĩa Thánh Kinh theo óc khoa học.
Nhưng bên cạnh các học giả này, Antioche trình diện vào cuối thế kỷ III, một nhân vật rất đặc sắc, thuộc một loại khác hẳn. Ðó là ông Phaolô người thành Samosate. Năm 260, lúc Valérien thăng hà, tình thế tại Syrie rất bi thảm. Shapuhr hăm dọa miền này. Quietus, một trong các con của Macrien, tự xưng là hoàng đế tại Emèse và khước từ không nhận Galien. Lúc này hoàng tử thành Palmyre là Odaenath, nhận tước hiệu là vua. Ông thắng đoạt Shapuhr trước Clésiphon, lấn át được Quietus tại Emèse và đặt quyền thống trị từ Aicập đến Asia. Giám mục Antioche là Démétrien, đã bị Shapuhr cho đi phát lưu năm 260. Ngài được thay thế bởi Phaolô người thành Samosate. Ông này kết thân với triều đình Palmyre và hình như ông được tuyển trạch cũng là nhờ uy thế của Odaenath, và nhất là của vợ ông ấy là Zénobie. Một khi thành giám mục, ông vừa kiêm chức giám mục, vừa giữ chức giám thu (H.E. VII,30,8) nghĩa là chức bộ trưởng bộ Tài chánh. Eusèbe trách cứ ông lợi dụng các chức vụ để làm giầu. Ông cho thấy Phaolô quen lấy dáng điệu của ông hoàng, đi đâu cũng có lính tráng hộ vệ, đặt một ngai lớn cho mình trong nhà thờ, tổ chức những lễ nghi tôn giáo trong cảnh xa hoa đài các. Thật ra Phaolô nổi tiếng là đã du nhập các tục lệ miền đông Syrie vào Antioche.
Ngoài ra Phaolô còn bị tố giác là chủ trương những tư tưởng ngụy đạo, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Ông bị hai Công Ðồng thành Antioche, năm 264 và 268 buộc tội. Nhưng nhờ uy thế của Zénobie, góa chồng từ năm 267, ông vẫn chiếm cứ tòa giám mục. Triều đình của Zénobie lúc đó là một trung tâm hiển hách, nơi đây ngoài Phaolô ra còn có nhà tu từ học Longin nữa. Nhưng năm 272, Aurélien chiếm đoạt Palmyre. Nước Palmyre sụp đổ. Lúc đó Phaolô biến mất trong lịch sử. Thoạt tiên ông là một bằng chứng về sức phản kháng của nền Kitô-Do Thái trước phong trào Roma hóa. Ông cũng tượng trưng cho một thời đại trong đó thế lực phần đời của Giáo Hội đang độ phát triển, và các giám mục dễ bị cám dỗ lạm dụng quyền hành đang nắm giữ trong tay. Cũng vào thời kỳ ấy Cyprien trong cuốn De lapsis tấn công những giám mục len lỏi tìm cách làm quản lý cho các đại điền chủ.
Còn một miền cuối cùng nữa mà người ta ngạc nhiên không thấy Eusèbe đả động đến chút nào. Ðó là miền Asia, nghĩa là phía tây Tiểu Á. Là trung tâm rất sống động của việc phát triển Kitô giáo vào thế kỷ II, miền Asia xem ra tiếp tục một cuộc sống lẻ loi trong thế kỷ III. Eusèbe không kể tên một vị giám mục nào ở Smyrne, ở Ephèse hoặc ở Milet. Chúng ta chỉ biết rằng dưới đời Dèce có cuộc tử đạo của Pionius tại Smyrne và của Carpus tại Pergame. Dù thế, có một nhân vật mà chúng ta còn giữ được mấy văn kiện và là người tượng trưng cho Asia một cách phi thường vào cuối thế kỷ III, đó là Méthode, giám mục Olympe, tại miền Lycie (9). Tác phẩm thời danh nhất của ông, cuốn Yến tiệc của mười Trinh Nữ, cho thấy ông là người thừa kế những người Asia tên tuổi của thế kỷ II. Ông là một nhà văn điêu luyện, thấm nhuần tư tưởng Platon và Homère (10). Ông là nhà khổ hạnh đề cao bậc đồng trinh. Vì theo chủ trương thiên niên thuyết, ông suy cứu về thời kỳ sau hết: các lập trường của ông giống những lập trường của Népos bên Aicập. Không còn lạ gì nữa khi biết trong khái luận Về sự Sống Lại, ông là một trong những đối thủ lớn của Origène và vì thế Eusèbe không nói gì tới ông cả.
III. NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN THẦN HỌC.
Cuối thế kỷ III là thời kỳ quan trọng trong lịch sử các tín điều về Chúa Ba Ngôi. Mọi cố gắng bất toàn trong cách phát biểu các chủ đề Thánh Kinh cũng như truyền thống đang chống đối nhau. Chính vì thế mà chúng ta thấy diễn ra những cuộc tranh luận mà các Công Ðồng của những thế kỷ kế tiếp theo sẽ chấm dứt. Thật ra rất khó lòng chỉ vẽ rành mạch được các ranh giới của những khuynh hướng khác nhau. Mỗi bên đều có những hình thái chính thống, nhiều hay ít. Cuối cùng cũng còn tùy theo miền mà các giám mục lưu tâm đến mối nguy hại này hay nguy hại khác. Như vậy cuối thế kỷ III đã báo trước một tình trạng mà chúng ta thấy kéo dài dọc suốt cuối thế kỷ IV. Ðây là thời kỳ khai mào những cuộc tranh chấp lớn lao, là một trong những cục diện chính của thời kỳ ấy.
Chúng ta đã thấy các cuộc tranh chấp này khởi xướng tại Roma dưới đời các giáo hoàng Victor, Zéphyrin và Calixte. Epigone, học trò của Noet thành Smyrne đã truyền bá thuyết Thượng Quyền. Khoa thần học của ông nhấn nhiều đến độc nhất tính trong bản thể của Thiên Chúa đến nỗi phủ nhận việc Ngôi Con có một cuộc hiện hữu riêng biệt. Cléomène, môn đệ của ông xem ra chủ trương một lý thuyết có vẻ chính thống hơn. Một sự kiện có thực là Zéphyrin và Calixte đã bào chữa cho ông. Hippolyte là người cho chúng ta tài liệu về thời kỳ này, đã phản đối ông, nhưng lại không cho chúng ta biết ông chủ trương như thế nào. Hình như chúng ta có một âm hưởng trong giáo thuyết mà Hippolyte gán cho Calixte (11). Ðúng lúc này, Sabellius xuất hiện. Ông là người Cyrénée miền Pentapole (H.E. VII,6). Ông tới Roma dưới đời Zéphyrin và ông là môn đệ của Cléomène. Theo Hippolyte, ông được Calixte, lúc còn là phó tế, khuyến khích. Ðây là một điều rất có thể, vì Calixte chắc chắn có cảm tình với thuyết Thượng Quyền. Nhưng sau khi được bầu làm giáo hoàng năm 217, Calixte lên án Sabellius. Hippolyte coi đấy như một mánh lới của Calixte. Ðiều đó không có gì là chắc chắn. Với Sabellius, thuyết Thượng Quyền mặc lấy một hình thái rõ rệt ngụy đạo. Chẳng may là chúng ta không còn giữ được một tài liệu nào về giáo thuyết riêng của cá nhân ông.
Vụ này lại nổ bùng lên bốn mươi năm sau. Năm 257, tại miền Cyrénaique các giáo thuyết của Sabellius bắt đầu có ảnh hưởng. Lúc đó Sabellius đã qua đời rồi. Nhưng hình như sau khi bị lên án tại Roma, ông đã trở về quê hương, và dựng lên một trường phái. Các người miền Cyrénaique bất đồng tư tưởng nhau về vấn đề này. Một số giám mục được phái Sabellius thuyết phục và không dám nói đến Ngôi Con. Cả hai phe đều gửi tài liệu đến cho Denys thành Alexandrie (H.E.VII,6). Ông này soạn một tập trần thuật về vấn đề và gửi một bản sang Roma cho linh mục Philémon. Mặt khác ông cũng viết thư cho Ammon, giám mục Bereniké miền Cyrénaique về cùng một vấn đề ấy và cho mấy giám mục khác trong miền. Những bức thư đầu tiên này không thuyết phục nổi các giám mục phái Sabellius. Lúc này Denys lại gửi một bức thư mới nữa cho Ammon và Eupator trong đó ông trần thuyết tỉ mỉ hơn về sự cách biệt giữa Ngôi Cha và Ngôi Con mà phái Sabellius lẫn lộn (12). Các người miền Cyrénaique đệ vấn đề này sang xin Roma xét xử. Ðây là Denys, người vừa lên kế vị Xyste và cũng là Denys thành Alexandrie đã có liên lạc bằng thơ tín lúc ông còn là linh mục thường (VII,7,6).
Việc kháng tố sang Roma này có ý nghĩa lịch sử về quyền tối cao của Roma trong vấn đề tín lý. Nhưng nó cũng còn là một mưu cơ khôn khéo nữa. Quả nhiên truyền thống thần học Roma trong vấn đề Ba Ngôi nghiêng về khuynh hướng thuyết Thượng Quyền, nghĩa là nhấn đến độc nhất tính trong bản thể của Thiên Chúa. Nếu Calixte đã lên án Sabellius thì ông lại ủng hộ Cléomène. Trái lại ông tranh chấp với Hippolyte. Ông này đứng trong truyền thống của Justin chủ trương là Thiên Chúa độc nhất đã sinh ra Ngôi Lời, là ngôi trước kia đã có tại Ngôi Cha trong trạng thái vô hình, và Ngôi Cha đã thông truyền cho Ngôi Con một cuộc hiện hữu biệt lập cốt để dùng vào việc tạo dựng. Như vậy Ngôi Lời có một hiện hữu khác biệt với hiện hữu của Ngôi Cha. Nhưng Ngài có hiện hữu này là nhờ ở một động tác tự do của Thiên Chúa. Tại Alexandrie, Origène đã chủ trương một thuyết tương tự, lúc nói về sự sinh ra tự do của Ngôi Lời và lúc nhấn đến cấp dưới của Ngài đối với Chúa Cha. Hình như ông đã gặp trở ngại với giáo hoàng Fabien và đã phải tìm cách tự biện hộ. Thế mà Denys thành Alexandrie lại là học trò của Origène. Ðây là cùng một cuộc tranh luận đã hồi phục và đối lập hai lối diễn tả cùng chưa thỏa đáng về tín lý Ba Ngôi.
Nhờ có Athanase, chúng ta biết các giám mục miền Cyrénaique đã chỉ trích Denys thành Alexandrie như thế nào. Ông phân tách Ngôi Con khỏi Ngôi Cha và làm cho Con xa cách Cha. Ông quả quyết là Ngôi Con chưa có trước khi sinh ra, và như vậy có một lúc nào không có Ngài. Vậy Ngài không có từ đời đời; nhưng đến sau mới ngẫu phát ra. Như vậy Ngôi Lời là một tạo vật (poiéma) và là một sản phẩm (génèton). Ngài khác biệt với Cha về yếu tính, như cây nho khác người trồng nho hay là con tàu khác người thợ mộc. Sau cùng, theo lời của Denys, họ cáo gian là ông đã bảo Ðấng Kitô không cùng chung bản tính (homoousios) với Thiên Chúa. Chắc chắn rằng những điều tố giác này, cho dù chúng đã thúc đẩy Denys củng cố lập trường của ông, đã tấn công vào những nhược điểm như Basile sẽ thừa nhận. Denys thành Roma triệu tập một hội đồng tại Roma, hội đồng này lên án các điều bị tố giác. Ngài gửi cho các người Cyrénaique một bức thư để trình bày cách thế đả kích thuyết Sabellius, trong đó ngài không nói đến giám mục thành Alexandrie, nhưng lại gửi riêng cho ông này một bức thư cá nhân. Phúc đáp lại thư này, Denys đã trả lời bằng tập Phản chứng và biện hộ mà Eusèbe và Athanase còn lưu giữ lại cho chúng ta nhiều đoạn quan trọng.
Tập Phản chứng và biện hộ của Denys thành Alexandrie chỉnh đốn lại những lối phát biểu có thể bị coi là chưa đúng trong lý thuyết của ông. Ông tiếp tục chủ trương có Ba Ngôi, nhưng chối cãi không nhìn nhận là Ba Ngôi cách biệt nhau. Ông yêu cầu giải thích những lối so sánh đã bị chỉ trích bằng việc đối chiếu với những kiểu so sánh khác, như so sánh suối với sông, rễ với thân. Ông nhận thực ông có bài bác tiếng homoousios vì không có trong Thánh Kinh. Nhưng ông tố giác những người gièm pha đã phớt lờ những đoạn thuyết minh mà trong đó, ông đã quả quyết cùng một lý thuyết. Ông nói đã dùng tiếng poiéma cho Ngôi Lời theo chiều hướng nào và minh định rằng không có lúc nào mà lại không có Ngôi Lời. Nói chung, Denys thành Alexandrie tuyên xưng ông hoàn toàn đồng ý với giám mục Roma về nội dung nhưng vốn duy trì từ vựng của ông và nhãn quan riêng biệt. Người ta nhận thấy tầm quan trọng của cuộc tranh luận này. Một mặt là các sai lầm, thuyết Thượng Quyền một bên, thuyết Hạ Phục một bên, bị các giám mục lên án. Mặt khác, những dị biệt của các trường phái thần học Roma và Alexandrie về vấn đề Ba Ngôi càng thêm khẳng định. Dầu vậy vẫn còn những vấn đề chưa biện minh được mà thuyết Arius sẽ làm nổ tung ra và đòi phải được xác định.
Một cuộc tranh luận, song song với cuộc tranh luận giữa các giám mục miền Cyrénaique và Denys thành Alexandrie, sẽ diễn ra tại Antioche (13). Nhưng kết thúc của nó lại khác hẳn. Chúng ta đã nói đến Phaolô thành Samosate là người, năm 260, kế vị giám mục Démétrien, lên cầm đầu Giáo Hội. Cuộc nhậm chức của ông trùng hợp với ảnh hưởng Ðông phương của nữ hoàng Zénobie. Ông quê tại Samosate, trên sông Euphrate. Ông là một người thuần túy Ðông phương. Người ta nhận thấy ông có những tục lệ của người miền đông Syrie. Một trong những điều người ta trách cứ ông là thói virgines subintroductae là tục lệ đã có trong Giáo Hội Syrie cổ (H.E. VII,30,11). Ông mang vào lối đọc Thánh Vịnh hai bè, đổi phiên một bên là các trinh nữ và một bên là nam giới (30,10) là tục lệ nhập cảng từ miền đông Syrie. Ông lên án những bài ca ngợi đấng Cứu Thế, cho đấy như là một điều cải cách. Ông đả kích Origène (30,9).
Việc bổ nhiệm ông xem chừng đã khơi ngòi cho phong trào đối lập của giới Hylạp hóa tại Antioche là những người đã chịu ảnh hưởng triết lý Hylạp. Chúng ta đã thấy trong các người tiêu biểu cho phe ấy, có Lucien và Malchion. Mục tiêu họ chọn để tấn công là chủ thuyết thần học của Phaolô. Eusèbe tố giác ông chia sẻ tà thuyết của Artemon (H.E. V,28,1); VII,30, 16-17). Tại Roma vào thế kỷ III, thuyết này tiếp nối thuyết của Théodote người Byzance. Nhưng hình như đây chỉ là một biện pháp bút chiến thôi, bởi lẽ thuyết của Artemon không phải là mẹ đẻ của thuyết Phaolô. Thuyết của Phaolô hình như tương tự thuyết chúng ta đã gặp thấy trong tác phẩm của Bérylle thành Bostra: nó vừa nhấn đến đồng nhất tính của Thiên Chúa vừa nhấn đến nhân tính của Ðấng Kitô. Quan điểm thần học của thuyết này về sự sinh ra của Ngôi Lời không được chặt chẽ. Nó dễ bị người ta tố giác cho đó là thuyết hình thái hay thuyết nghĩa tử. Những điều đả kích này bộc lộ trong lần triệu tập một hội đồng gồm có cả những người trực tiếp và những người gián tiếp theo phái Origène đã quy phục. Nhưng trước khi mở hội đồng này hình như đã có những mối bất bình. Các sử gia không nói gì đến chuyện này. Nhưng có lẽ một trong những điều khó hiểu của lịch sử Giáo Hội trong thế kỷ III đã nhờ vậy mà được giải đáp. Ðó là vấn đề Lucien.
Eusèbe chỉ nói rất sơ sài về nền học vấn uyên thâm và đến việc tử đạo của Lucien. Nhưng chắc chắn ông đã có những khó khăn về tín lý. Người phái Arius coi ông như vị tổ của họ. Xem ra, trong khi Denys thành Alexandrie chiến đấu phản đối thuyết hình thái của Sabellius thì Lucien cũng tấn công thuyết hình thái của Phaolô. Nhưng trong phản ứng này, có lẽ cũng giống như Denys, ông đi quá xa. Cũng như Denys, ông bị tố giác sang Roma. Quả nhiên Eusèbe nói với chúng ta về một bức thư của Denys thành Alexandrie gửi cho Denys thành Roma ”về vấn đề Lucien” (H.E. VII,9,6). Bức thư ấy có sau khi Denys thành Roma lên ngôi và trước lúc Denys thành Alexandrie qua đời. Nó nằm vào giữa các năm 260 đến 264. Thế mà các năm này lại đi liền ngay trước công đồng Antioche. Lucien có lẽ đã bị giám mục Antioche là Phaolô, kết án, và ông này tìm cách để án lệnh ấy được phê chuẩn bởi Denys thành Roma là người chống đối khoa thần học Origène về nhiều điểm. Nổi tiếng vì cuộc phản công của phái Origène chống đối Phaolô, Công đồng Antioche truất phế ông và chọn Domnus lên thế vị (268-271). Sau Domnus là Timée. Nhưng thực ra Phaolô vẫn tiếp tục thi hành chức vụ cho tới lúc Aurélien thắng đoạt Zénobie vào năm 272. Như vậy thì hình như Lucien bị khu trừ khỏi Giáo Hội dưới ba đời giám mục Phaolô, Domnus và Timée. Có như vậy thì ít ra mới cắt nghĩa nổi một đoạn văn của Alexandre thành Jerusalem (14), là người tìm cách bôi nhọ Lucien như một ông tổ của thuyết Arius.
Công đồng triệu tập tại Antioche năm 261 đã qui tụ được các vị giám mục thời danh của Ðông phương: Firmilien thành Césarée, Grégoire người hay làm phép lạ, Théotecne thành Césarée. Denys thành Alexandrie mắc bệnh, viết thư cáo lỗi và bày tỏ ý kiến của ông (H.E. VII,37,2; 38,1). Hình như công đồng đã kéo dài trong nhiều buổi họp. Các tư tưởng của Phaolô được đem ra bàn cãi. Mãi đến phiên cuối cùng vào năm 268 thì Malchion, linh mục thành Antioche mới hoàn toàn lột mặt nạ được tà thuyết của Phaolô, có lẽ bằng cách bảo các người tốc ký ghi những điều ông nói bên lề các cuộc hội chung của Công Ðồng (15). Phaolô bị lên án một cách long trọng như Eusèbe còn giữ lại cho chúng ta nhiều đoạn văn dài của bức thư chung, gửi cho giám mục Roma là Denys, cho Maxime, giám mục Alexandrie, và cho các tỉnh khác (16).
Trong các cuộc tranh luận trước khi lên án Phaolô, các nghị phụ thành Antioche thừa nhận hai quan điểm sau này sẽ trở thành nguồn mạch nhiều nỗi khó khăn. Quan điểm thứ nhất liên hệ đến tiếng homoousios, áp dụng vào Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã thấy Denys gạt nó ra vì ông cho là nó không phù hợp với Thánh Kinh. Tại Antioche nó được coi như diễn tả thuyết hình thái của Phaolô và bị bác bỏ. Như vậy mới hiểu tại sao các nghị phụ Ðông phương sau này tỏ vẻ dè dặt với tiếng ấy đang khi tại công đồng Nicée, các nghị phụ Tây phương tìm mọi cách xử dụng nó (17). Mặt khác, trên bình diện Kitô học, xem chừng như Malchion và các nghị phụ, trong khi muốn chứng minh đấng Kitô thật là Thiên Chúa, đã so sánh việc Ngài kết hợp với bản tính nhân loại với việc linh hồn kết hợp với thân xác. Thế thì Ngôi Lời trong Ðấng Kitô giữ địa vị linh hồn trong chúng ta, và như vậy, Ngôi Lời đã kết hợp với một thân xác chứ không kết hợp với một linh hồn nhân loại. Hình như đây là xuất xứ của lý thuyết mà Apollinaire thành Laodicée, nửa thế kỷ sau sẽ biện hộ tại Antioche. Thế mới biết những cuộc tranh luận thần học lớn, đầy dẫy trong thế kỷ IV, đã bắt đầu hiện hình từ hậu bán thế kỷ III rồi.
IV. CÁCH TỔ CHỨC GIÁO HỘI
Cuối thế kỷ III, đối với Giáo Hội, là một thời kỳ bành trướng rõ rệt trên các bình diện tổ chức, kinh tế, và dân sự. Cho tới giữa thế kỷ III, giám mục có thể quây quần chung quanh ngài các cộng đồng địa phương. Nhưng sức phát triển quan trọng về nhân số tại các thành phố cũng như đà phát triển việc rao giảng phúc âm tại các miền quê đã làm cho việc tập trung càng ngày càng khó khăn. Hình như người ta đã tùy hoàn cảnh, tùy từng miền mà đưa ra những phương thức đối phó khác nhau. Tại các thành phố lớn, nhất là tại các vùng ngoại ô, người ta phân chia ra nhiều khu vực và tại mỗi khu vực, đặt một linh mục cầm đầu. Bởi đấy, các tituli đã được đặt ra tại Roma, có lẽ vào thời kỳ này. Ðó cũng là trường hợp Alexandrie.
Tại các miền quê vấn đề xem ra khó khăn hơn. Có những cộng đoàn nhỏ sống rất xa các thành phố. Nhiều giải pháp đã được đề ra để giải quyết vấn đề này. Tại Phi châu và ở miềntrung Ý, người ta mở thêm các tòa giám mục. Có tới hằng mấy trăm giám mục đã về tham dự các công đồng Phi châu vào đầu thế kỷ III. Ðiều này giả định là các thị trấn đã có giám mục riêng của họ. Cũng như tại các miền lân cận Roma, các thị trấn nhỏ cũng có giám mục riêng. Trong thời kỳ này, tại Tiểu Á, đã có qui chế về giám mục phụ, giám mục các làng, được coi như thuộc cấp dưới. Các loại giám mục này xuất hiện vào đầu thế kỷ III và mai một vào cuối thế kỷ IV (H.E. V,16,17). Sau đó, người ta tìm ra một giải pháp thông thường hơn, là áp dụng vào thôn quê phương pháp đã phổ thông tại các thành phố: lập thêm nhiều ”họ đạo” và giao cho linh mục đứng đầu họ đạo. Linh mục và họ đạo tùy thuộc vào quyền giám mục của thành phố gần hơn cả. Ðây là chế độ sẽ phát triển cách riêng tại miền Gaule.
Cũng vào lúc này một hệ thống cho các tòa giám mục sẽ phát triển hoặc được khẳng định. Chúng ta đã thấy rằng, ngay từ thế kỷ thứ II, giám mục của thủ phủ một tỉnh dân sự có ưu quyền trên các giám mục khác trong tỉnh, ngài triệu tập công đồng địa phương, ngài đón nhận các ý kiến. Ðôi khi cái ưu quyền này lại thuộc về tay vị thâm niên nhất, chủ giáo trường, giữa các giám mục trong tỉnh. Nhưng điều đã phát xuất nhiều hơn cả vào thời đại chúng ta, là việc xuất hiện một cấp cao hơn, không đối ứng với một tỉnh, nhưng đối ứng với một ”địa phận”. Chính tại Aicập qui chế này đã thành hình trước tiên. Giám mục Alexandrie là giáo chủ của địa phận Aicập, gồm nhiều tỉnh khác nhau. Hình như có một cái gì tương đương như thế cho địa phận Ðông phương, nơi đây giám mục Antioche hưởng thụ một thứ thượng quyền, và cho địa phận Phi châu mà ưu thế nằm trong tay giám mục Carthage.
Trong khi Giáo Hội lan tràn về nhân số, tất nhiên có những loại người mới. Ðiểm quan trọng nhất là việc trở lại của nhiều phần tử các cấp lãnh đạo, việc trở lại mà chúng ta đã nói sơ qua. Một điều lầm lẫn về phương diện này là chủ trương rằng: Nhờ vào Ðế quốc đã được Kitô hóa và bởi những lý do chính trị mà các cấp lãnh đạo đã trở lại Kitô giáo. Ðịnh hướng này bắt đầu thành hình vào hậu bán thế kỷ thứ III. Eusèbe ghi lại rằng: dưới thời các hoàng đế kế vị Valérien, là Gallien, Claude, Aurélien, Tacite, Probus, Carus, một số giáo dân đã làm tỉnh trưởng (VIII,1,2). Ông lại thêm là đã có nhiều giáo dân trong hoàng cung và trong chính gia đình của các vị hoàng đế (VIII, 1,3). Các bi kí cho chúng ta biết giáo dân nắm giữ nhiều nhiệm vụ trong các hội nghị thị chính. Anatole, giám mục Laodicée, trước kia là thành viên của thượng nghị viện tại Alexandrie và Eusèbe, người tiền nhiệm của ông, là một nhà phú hộ thành Alexandrie (VII, 32, 5-10). Astyrius là nghị viên (VII,16,1) và Domnus có địa vị cao cấp trong quân đội (VII,15,2). Dorothée được hoàng đế trao cho chức giám đốc xưởng nhuộm cánh kiến thành Tyr (VII,38,3). Grégoire và Athénodore, các vị tông đồ miền Pont, hình như thuộc dòng tộc nghị viên. Và đây cũng là trường hợp các tổ tiên của thánh Grégoire de Nysse, Basile và Macrine, là những người đã trở lại đạo nhờ ảnh hưởng Grégoire.
Việc đóng góp của giáo dân trong những chức vụ thị chính không tránh khỏi đặt ra vấn đề. Vì các quan tòa thường thường bị buộc cử hành những việc tế tự. Eusèbe cho ta biết các hoàng đế miễn trừ cho những giáo dân có trọng trách làm tỉnh trưởng, khỏi phải thi hành các tác động ấy (VIII,1,1). Nhưng đó là một điều ngoại lệ. Chúng ta được biết về thủ tục thông thường là nhờ ở các khoản luật của công đồng Elvire. Khoản luật 56 quy định: những quan tòa đứng đầu các đô thị, phải kiêng lui tới nhà thờ trong khoảng thời gian tòng sự. Ðiều này hiểu ngầm là giáo dân có thể đảm nhiệm các chức vụ thị chính. Những khoản luật khác nghiêm thẳng cấm chỉ không được nhận chức tư tế của một thần. Mặc dầu chức tư tế thị chính này đã được tục hóa, nó vẫn bao hàm một sự tham gia vào các việc cúng tế. Cho đến cả vị tư tế hoàn toàn chỉ là tư tế danh dự, tức là người đội vòng hoa, dấu hiệu của chức vụ ấy, cũng chỉ được lên rước lễ sau ba năm đền tội.
Người ta nhận thấy có mối mâu thuẫn trong các tình trạng này. Các lực lượng võ bị của Ðế quốc đa số là người Kitô giáo. Vả lại việc thờ cúng thần tượng trong nhiều trường hợp chỉ có tính cách hình thức thôi. Nhưng dù sao đời sống chính thức của Ðế quốc vẫn bao hàm những tác động về việc tế tự này. Những giáo dân dấn thân vào chức quan tòa, phải sống trong một tình trạng khó xử. Tình trạng này khó lòng kéo dài mãi được. Khung cảnh không phù hợp với thực tại nữa. Trong việc giải thoát Ðế quốc khỏi các liên hệ ngoại giáo, Constantin sẽ không phải là một nhà cách mạng. Ông chỉ hợp pháp hóa một tình trạng đã thành cụ thể trong thực tế.