VAI TRÒ NGƯỜI VỢ
TẠ THANH MINH KHÁNH
VAI TRÒ NGƯỜI VỢ
Ý thức gia đình là nền tảng sống thực của xã hội nên quốc gia nào cũng đề cao gia đình, luật pháp nào cũng muốn tạo thuận lợi trong ý hướng bảo vệ gia đình.
Để tránh cảnh gia đình bất an, đổ vỡ, đã có rất nhiều sách báo, tài liệu… được biên soạn thành cẩm nang, nghệ thuật; chỉ dẫn bí quyết, trao truyền kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc. Ngày nay thêm mạng lưới truyền thông toàn cầu internet, các vấn đề gia đình được soi rọi dưới nhiều khía cạnh, không khó cho những ai muốn tìm hiểu. Vì thế trong quyển sách giới hạn với thời gian một giờ ngắn ngủi, tôi chỉ lược kê tổng quát một số sự việc mà những người quan tâm đến gia đình đều thấy, như một gợi ý nho nhỏ để các bạn trẻ sắp vào đời hôn nhân suy nghĩ.
I. NGƯỜI VỢ TRUYỀN THỐNG:
Nói đến vai trò người vợ, lệ thường hay nhắc CÔNG DUNG NGÔN HẠNH. Xã hội Việt Nam chẳng những xem tứ đức như mẫu mực thẩm định phẩm giá người nữ mà còn là điều kiện căn bản để xây dựng hạnh phúc gia đình.
1. CÔNG: việc làm.
- Ngày xưa: việc trong nhà, việc ngoài vườn rẫy, ruộng đồng; buôn gánh bán bưng nơi các phiên chợ ngày mùa, lúc rạng đông, nắng cháy, mưa dầm hay trăng thanh gió mát. Mỗi thời điểm một công việc, thuở thanh bình cũng như khi chiến tranh ly loạn.
- Rồi theo thời gian được cấp sách đến trường, bước chân vào chế độ lương bổng, người nữ hiện diện ở các ngành nghề càng lúc càng nhiều.
- Lần hồi sự phân nhiệm truyền thống (chồng đi làm, vợ ở nhà lo nội trợ) đã thay đổi.
- Tại hải ngoại: hầu như đa phần rất lớn, phụ nữ đều đi làm. Đi làm để tự nuôi tự lập, thi thố sở học, để nâng cao số thu nhập của gia đình, chia xẻ gánh nặng áo cơm với chồng, thêm phương tiện học hành cho con, thăng tiến mức sống mà cũng để dự phòng, ngừa thủ tương lai.
- Tuy đi làm, người vợ vẫn lo toan quán, xuyến việc nhà. Truyền thống làm việc (trong quá khứ ở Việt Nam) đã vượt đại dương theo cùng người nữ.
2. DUNG: nhan sắc.
Ta thường nghe nhắc “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và “Nhan sắc làm thỏa mãn giác quan còn đức hạnh làm thỏa mãn tâm hồn” hàm ý nhắc nhở người nữ lưu tâm cả hương lẫn sắc. Thỉnh thoảng báo chí vẫn công bố thống kê, kết quả cho thấy hầu hết các ông đều mong muốn người vợ xinh lịch, dù bận rộn lắm việc cũng nên dành một chút thời giờ chăm sóc dung nhan, vệ sinh thân xác, ăn mặc sạch gọn, tươm tất vừa chừng, thích nghi với mọi hoàn cảnh “ăn theo thuở, ở theo thì, mặc theo chỗ”.
3. NGÔN: lời nói.
Lời nói thể hiện tư cách. Xưa nay đều chuộng từ tốn, nhẹ nhàng “Nói ngọt lọt đến xương”. Lời nói có thể tạo cảm thông, thêm nghĩa tình hay gây bất hòa, lạnh nhạt xa cách.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Nét duyên dáng lịch thiệp tuy được xem như năng khiếu song vẫn có thể trau giồi, luyện tập “Học ăn, học nói cho tày người ta”. Con người vốn bất toàn nên đời sống vợ chồng rất cần đối thoại. Vấn đề càng tế nhị khi muốn giúp nhau cải sửa thói tật “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
4. HẠNH: hạnh kiểm.
Tính nết định phần đức độ. Người nữ luôn được huấn dạy, nhắc nhở tuân giữ những tiêu chuẩn mà xã hội quý trọng: tiết hạnh, chung thủy, chịu đựng…
Ngoài “tứ đức” kể trên, còn thêm “tam tùng” định phận cuộc đời người nữ, thông thường qua 3 giai đoạn:
- tại gia tùng phụ: ở nhà nghe lời cha.
- xuất gia tùng phu: lập gia đình lệ thuộc chồng.
- Phu tử tùng tử : chồng chết theo ở với con.
Đó là những gì thường nghe nhắc nhở vắn tắt, từ ngàn năm Bắc thuộc, Nho giáo du nhập Việt Nam. Nhưng thực tế, như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trải viết: “… Nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hóa đã lâu, Nước non bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc (Tàu) Nam cũng khác”. Vì thế, tuy có chịu ảnh hưởng Nho giáo, nhưng người xưa đã dung hợp với đời sống thực tế, nên cách hành xử uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn.
Biểu chứng về hôn nhân và gia đình:
• Thời trước, hôn nhân được xem là việc trọng đại của gia đình (có khi là của đại gia đình), nên cha mẹ (ông bà) tự lo tìm kiếm, chọn lựa dâu rể, đặt để với mục đích sinh con trai tiếp nối phần vụ cúng bái tổ tiên và để có thêm người giúp việc nhà.
Nhưng qua ca dao, truyền thuyết, chuyện kể… hôn nhân người Việt tuy có ép buộc (đa số trong hàng hoàng tộc, vua chúa, nặng lễ nghĩa Nho giáo, con gái kín cổng cao tường) nhưng cũng có hôn nhân được cha mẹ tác thành với sự đồng tình thuận ý của con cái. (Do đa số dân chúng sống bằng nghề nông, môi sinh, sông nước đồng ruộng bao la, ngày mùa vụ lúa, công việc cày cấy, vườn tược… rồi cúng Kỳ Yên, hát hội đình đám, lễ tục làng xã… tất cả đều là cơ hội thuận tiện cho trai gái gặp biết, tìm hiểu, quen nhau.)
• Với người Tàu: một trai gọi rằng có, mười gái coi cũng như không.
- Người Việt tuy cũng thích có con trai để truyền dòng họ, nhưng “vô nam dụng nữ” với lập luận:
Trai mà chi gái mà chi
Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
- Gia tài phân chia cho các con: trai cũng như gái.
- Con gái trưởng có thể giữ hương hỏa kế thừa từ đường nếu gia đình không sinh con trai.
- Người vợ Việt thường quản trị tài chánh “của chồng công vợ”, văn kiện mua bán phải có sự đồng ý của vợ bằng chữ ký.
- Việt Nam ngày trước cũng có tục đa thê, nhưng người vợ nhỏ phải được sự chấp thuận của vợ lớn.
- Trong tam tùng: khi chồng chết, bà mẹ không hoàn toàn lệ thuộc con trai, mà thay người chồng quá cố tiếp tục cai quản sản nghiệp trong ngoài.
II. NGƯỜI VỢ NGÀY NAY:
Tâm thức hôn nhân người Việt đã lần hồi thay đổi bởi thời gian mà cũng do môi trường sinh sống ở hải ngoại, với các thể chế qui định quyền tự do lựa chọn, không chấp nhận hôn nhân cưỡng ép. Kết hôn bây giờ chính yếu là do đôi bạn nam nữ nhân danh tình yêu, tự chọn ưng người phối ngẫu, và đời sống chung cũng do hai nhân tố quyết định: vợ và chồng.
Xã hội văn minh làm cho vai trò người vợ không còn đơn giản như trước.
A. Đối nội: với người chồng,
Có người đã dí dõm định nghĩa các vai trò mà một người vợ phải thủ diễn là:
- bà bếp,
- cô làm công thu dọn gọn sạch nhà cửa, giặt ủi áo quần…
- bạn gái điểm trang xinh lịch để cùng chồng ra phố, đó đây…
- phụ tá giúp chồng trong công việc, hoạt động,
- tri kỷ để chồng tâm sự, gởi gắm lý tưởng, ước mơ,
- Tình nhân sẳn sàng chìu chồng trong lạc thú gối chăn,
- người chia xẻ gánh nặng tài chánh khi cần
- thuộc quyền để thỉnh thoảng chồng trút cơn nóng giận.
Qua sách vở và đối với một số người, đó cũng là cách gìn giữ hạnh phúc đôi bạn.
B. Đối ngoại: với những người khác, liên đới xã hội.
Mỗi người đều có thân tộc, họ hàng, bà con quyến thuộc. Và đời sống tương quan với bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng ở khu xóm, làng xã, đất nước… nên người vợ ngoài vai trò nội bộ với chồng, còn phải tiếp giao với ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng nội ngoại, bằng hữu…
Nỗi nhà, nỗi bếp, nỗi lân,
Nỗi trong thân tộc, nỗi gần nỗi xa.
Trên lo thảo, giữa hòa, dưới thuận
Ngoài nên danh trong vững mối giềng.
Ngôn ngữ thời nay gọi đó là tinh thần liên đới xã hội, có thể giúp chồng làm nên nghiệp lớn hay bại hoại thân danh.
Hành xử đúng bực, không quá so đo tính toán, biết tận dụng của cải thế gian để mưu cầu ích lợi tinh thần cho gia đình, cộng đồng, xã hội… để
Trước là đắc nghĩa cùng chồng
Sau là họ mạc cũng không chê cười.
Nhà văn René Bazin đã nhìn thấy tinh thần sống cho gia đình và vì gia đình khi nói “Nếu bạn thấy một gia đình hạnh phúc, bạn nên tin rằng ở trong gia đình đó có một người đàn bà biết quên mình”.
Bằng ấy trách nhiệm nhiêu khê ấy không nhắc đích danh CÔNG DUNG NGÔN HẠNH nhưng chẳng xa tứ đức gia truyền. Và người vợ đảm đang, quán xuyến, quản trị trong ngoài, gọi là “nội trợ” tưởng chừng phụ thuộc chồng con đã được đề cao, chuyển hóa thành “nội tướng” như xã hội gọi nhận. Hình ảnh người vợ lý tưởng đó đã vượt không gian, thời gian, hiện diện trong cộng đồng dân tộc nói riêng, cộng đồng nhân loại nói chung và bước vào thế kỷ 21 vẫn còn được kỳ vọng, lưu giữ.
III. XÂY DỰNG GIA ĐÌNH
Làm sao để xây dựng một gia đình hạnh phúc? Đó là câu hỏi thường nghe các bạn trẻ đặt ra trong những lần thảo luận khi kết khóa Dự Bị Hôn Nhân. Có rất nhiều ý kiến khác nhau tùy cách nhìn, nhưng bổ túc cho nhau.
A. Hiệp thông trong ý thức:
1/ Khác biệt mà bổ túc: Hôn nhân là một lựa chọn ẩn tàng hy sinh. Cuộc sống chung vợ-chồng không mấy khi đòi hỏi hy sinh mạng sống, nhưng đòi hỏi giảm bớt tự do cá nhân và khoan nhượng khác biệt. Thường nghe:
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”,
nêu lên khác biệt từ bản chất nguyên thủy (nam-nữ) như quan niệm Kitô-giáo, triết lý Đông phương và khoa học nhìn nhận. Nhưng cả hai lại trở nên một (Mt 19,7), như hai mặt của một đồng tiền, hai đường sắt song hành của một lộ trình xe lửa, có nhau, cần nhau để trở thành một thực thể hữu dụng.
Khác biệt nhưng không đối chọi, có đồng tình nhưng không đòi buộc đồng hóa, trái lại còn bổ túc cho nhau để trở nên
Một thuyền một bến một đây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng.
2/ Liên hệ vợ chồng: Tình yêu và trách nhiệm hổ tương.
Trong chiều hướng thời đại gần như đi dần đến toàn cầu hóa, gia đình được nghiên cứu trải dài qua các lục địa, dưới nhiều lăng kính dị biệt, nhưng trong các giá trị thẩm định mang lại bình an cho gia đình, có liên hệ vợ chồng yên ổn:
“Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui”.
Văn hóa gia đình Việt Nam cho thấy hình ảnh gia đình:
• Có sự đồng lao cộng tác của hai người, vợ và chồng:
Em về cắt ra đánh tranh
Chặt tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía lầu hoa một mình.
• Thông hiệp trong bổn phận, chia xẻ trách nhiệm liên đới:
Đôi ta lên mũi cho thác xuống ghềnh
Em ra đứng anh chịu sào,
xác định vị trí cần thiết của hai người để một cộng thể là con thuyền tới bến tình yêu.
• Vun bồi cho nhau:
Vợ có chồng như rồng có mây
Chồng có vợ như cây có rừng.
Việt Nam có Luật Hồng Đức, 24 điều gia huấn của vua Lê Thánh Tôn, Luật Gia Long, cùng hương ước các làng đều xác nhận chức năng vợ chồng.
Ở Pháp, Dân Luật cũng qui định liên quan vợ chồng, nhằm bảo vệ gia đình. Trong lễ cưới dân sự cử hành ở tòa thị xã, viên chức đại diện nhà cầm quyền sở tại tuyên đọc 4 điều khoản trọng yếu trước khi ký kết hợp-thức-hóa giao ước hôn nhân:
a. Vợ chồng phải chung thủy, tương trợ (vật chất), nâng đỡ (tinh thần) nhau.
b. Vợ chồng đồng trách nhiệm về đời sống gia đình, nuôi dạy con cái.
c. Cọng góp tài chánh chi tiêu tùy khả năng.
d. Gia cư đồ đạc trong nhà đều phải do hai vợ chồng đồng ý.
Như thế liên hệ vợ chồng theo văn hóa gia đình Việt Nam ngày trước hay Dân Luật Pháp thời nay đều nhấn mạnh đến trách nhiệm đôi bên.
A. Liên hệ vợ chồng trong đời sống ly hương:
Mặc dầu hội nhập vào môi trường sinh sống mới là trách nhiệm chung, nhưng “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, nhà đổ tại vợ”. Ý nghĩ nầy đề cao vai trò quyết định của người vợ, đồng thời cũng quy trách nặng nề, có lẽ bởi trước đây quen coi tất cả mọi việc trong nhà là việc của đàn bà. Nhưng sự phân nhiệm truyền thống (chồng đi làm, vợ ở nhà lo nội trợ) đã thay đổi, thì việc tổ chức đời sống gia đình cũng ảnh hưởng. Vị trí phụ nữ thay đổi thì liên hệ vợ chồng phức tạp hơn, có khi là nguyên nhân đưa tới bất hòa, đổ vỡ.
Tinh thần liên đới chia xẻ trách nhiệm là điều hiển nhiên, gần như ai cũng đồng ý. Nhưng vẫn có một số người nghĩ rằng người chồng chỉ cần đi làm, đem thu nhập về là đủ. Mọi việc khác trong nhà là của đàn bà. Báo chí gần đây cho thấy đa số phụ nữ Pháp đi làm về phải đảm đương thường xuyên hai phần ba (2/3) việc nhà. Về vấn đề nầy bà Clémentine Autain, phụ tá thị trưởng quận 17 thành phố Paris, tác giả quyển ALTER EGAUX (NXB Laffont) khi trả lời phỏng vấn nguyệt san ELLE cho rằng: Sự bình đẳng nam nữ chỉ là ảo tưởng. Người đàn bà làm 80% việc nội trợ, không thể đòi ra luật phân chia bổn phận phải làm việc trong nhà, nhưng chỉ có thể nhờ thời gian và bằng nhiều cách thế góp phần thay đổi tâm thức người đàn ông.
Sau hôn nhân, đối diện với thực tế trước mặt hằng ngày là cơm ăn, áo mặt, nhà ở… chưa kể các lo toan khác cũng quan trọng như nghề nghiệp, nuôi dạy con cái, gầy dựng gia sản, sức khỏe, đời sống tinh thần của gia đình… Khi phải cáng đáng cùng một lúc hai vai trò: việc sở, việc nhà, nếu được người chồng tiếp giúp, dù chỉ phần nào, cũng làm cho người vợ cảm thấy được yêu thương, chia xẻ. Bằng như phó mặc hết mọi việc cho vợ làm, thì sự lao nhọc dài hạn có thể ảnh hưởng trên tâm thần người vợ, mệt mỏi thường xuyên làm biến đổi tính nết, dễ nóng giận, sợ chuyện chăn gối, ngại sinh con, chỉ ưng ở nhà làm cho xong việc, từ chối ra ngoài giao thiệp, cảm thấy bầu khí gia đình buồn tẻ, đôi lúc đưa tới trầm cảm, nếu gặp thêm thử thách. Điều nầy có thể thấy nơi các đôi vợ chồng có con sau 15-20 năm chung sống.
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN:
Hai người chọn yêu nhau, quyết định thành hôn, tình mãn nguyện, mộng đã thành, sao lại đi tới tình cảnh chán ngán. “Ngày xưa nợ vợ, ngày nay nợ chồng”, phải than thở “Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp” (Vũ Hoàng Chương), rồi chia xa đôi ngã “Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi” kéo theo nhiều hệ lụy trên tinh thần con cái.
Chỉ người trong cuộc mới thấm thía tường tận căn nguyên phức tạp. Kẻ bàng quan khó biết đầy đủ các ẩn tình tế nhị. Tuy nhiên qua các khảo nghiệm, thăm dò, qua những tâm sự, kể lể, u buồn, chán nản, đôi co… có thể nhìn thấy một số vấn đề.
A. Nội tại: Vấn đề giữa đôi bạn.
Có người nghĩ rằng “Bây giờ đám cưới với người yêu thì còn dễ, chớ sống với người yêu chưa chắc đã dễ”. Thật vậy. Bầu khí xã hội thay đổi, các rào cản ngày trước lần hồi mất thế, những ý niệm về tự do, bình đẳng, hạnh phúc cá nhân, quyền phụ nữ… làm biến đổi tâm tính con người. Nếu gọi đó là thăng tiến thì đồng thời cũng là thử thách.
Vị trí phụ nữ thay đổi thì liên hệ vợ chồng phức tạp hơn. Nữ giới hội nhập quá nhanh hoặc nam giới chưa kịp đủ thích nghi đều có thể khơi tạo vấn đề.
Chẳng hạn, mặc dù đã biết “sau khi thành hôn, cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên quan đến đời sống chung” (GL 1135) và Dân Luật Pháp (điều khoản 212-215) cũng ghi tương tự, nhưng thực tế có khi ít được lưu ý đưa tới tranh cải, bất hòa.
Bất đồng ý kiến liên quan đến:
1. Quyền hạn và trách nhiệm:
- những tiện nghi vật chất: quần áo, bàn tủ, lót gạch, trải thảm, mua nhà, sắm xe… (bất đồng ý vì cách chưng dọn, chọn màu, lựa kiểu, nhãn hiệu, giá cả…)
- đời sống tinh thần của gia đình: sách báo, giải trí, nghỉ hè, giáo dục con cái, sinh hoạt cộng đồng… (tự quyết, đặt bên kia trước sự đã rồi hoặc buông xuôi phó mặc)
2. Tiền bạc: trừ trường hợp cá biệt, thường cộng lương chung xài, hoặc mỗi bên có một chương mục ngân hàng riêng và một chương mục chung cho vợ chồng. Có khi gặp vấn đề vì bất đồng ý kiến về:
- quan niệm sống, thí dụ “lấy của che thân” hay “lấy thân che của”, tiền bạc có sao hưởng vậy, hay đầu tư để sinh thêm lợi nhuận.
- quyền tư hữu giữa vợ chồng: văn hóa Việt Nam trước đây là “của chồng công vợ” mọi sự là của chung, nên cho nhau biết từ những chi phí chính đáng, giúp đỡ cha mẹ, anh em đôi bên, bạn bè… và cả khi “chợt hứng” tiêu hoang. Ngày nay, tuy đã thuộc về nhau, nhưng mỗi bên đều đi làm nên có khi nghĩ rằng đồng lương là công sức của cá nhân mình, dễ đưa đến việc tự quyền chi dùng mà không bàn hỏi hay thông báo cho bên kia biết! Nhiều khi vấn đề không ở số tiền tiêu xài mà do thái độ cư xử.
3. Vấn đề tính dục:
Ngoài các lấn cấn kể trên, còn một lý do tế nhị, ít muốn đề cập, đó là vấn đề liên quan đến tính dục. Biết rằng dầu đời sống hôn nhân thường tràn đầy vui vẻ, nhưng tiện thể cũng xin trình bày như một chuẩn bị tâm lý, dự phòng tương lai xa.
• Vị trí tính dục trong hôn nhân : Nhu cầu tính dục có ở nam cũng như nữ.
Tiết chế hay buông thả là tùy người, tùy ảnh hưởng giáo dục, tùy cách sống và môi trường sống.
Cuộc sống vợ chồng thể hiện phần nào ý nghĩa của nhu cầu tính dục: yêu nhau tự hiến. Nhưng sau một quảng đời hôn nhân:
. vì quá bận rộn với công việc làm ăn,
. vì quá cực nhọc lo âu cho con cái,
. vì điều kiện sinh sống,
. vì mệt mỏi, bệnh hoạn, tuổi tác,
. vì miệt mài một thứ đam mê khác,
. vì lỗi lầm của người bạn đời…
vợ hay chồng có thể từ chối việc gối chăn.
Khi nhu cầu tính dục không được đáp ứng, có thể trở thành vấn đề cho chính đương sự, gia đình và những người chung quanh. (Tâm thần trống trải, cuộc sống kém hứng khởi, tội phạm liên quan đến tính dục, bất trung trong đời sống vợ chồng…)
Sự kiện nầy có tính cách tương đối chỉ đúng cho một số trường hợp. Không thiếu người biết tự chế, sống quân bình.
• Tuổi hồi xuân được y khoa nhìn nhận, là thời kỳ dễ phát sinh khủng hoảng tính dục.
Sau những cực nhọc gầy dựng sự nghiệp (nhà ở việc làm…), nuôi dạy con cái, đó là lúc coi như vừa được thư thả. Kinh nghiệm hơn khi trẻ, có tiền hơn thời mới lớn, nên dễ năng động và tích cực hơn trong mọi ý muốn. Vì thế, đây cũng là khoảng thời gian đôi bạn rất cần ý thức cảm thông, nâng đỡ và trách nhiệm.
Ý thức rằng hôn nhân hạnh phúc không xa lìa tình yêu nam nữ. Nhưng gia đình không chỉ đơn thuần dựa trên tình yêu thể xác, vì dục cảm có thể suy giảm theo thời gian; còn gia đình dự phòng người nữ với trách nhiệm truyền sinh mà con cái, hệ quả của tình yêu, là mối dây liên kết vợ - chồng, khó thể tách rời.
Tình nghĩa cảm thông, giúp nhau bày tỏ thẳng thắn, đồng ý chữa trị hoặc tiết chế, bằng các sinh hoạt lành mạnh, hữu ích, thể hiện phong cách sống an nhiên tự tại.
• Xã hội và vấn đề tính dục
Thời nay, ngoài những cặp ly thân, ly dị còn có những cặp nam nữ sống chung một nhà, nhưng mỗi bên hoặc một bên có liên hệ giao tình riêng tư. Chuyện ngoại tình không phải là mới lạ, song con số có phần gia tăng. Chung thủy bây giờ có thể cũng là một thử thách.
Mấy nguyên nhân giải thích:
- Đời sống hôn nhân nhàm chán, không như ý.
- Giao tiếp nhiều nên đâm ra so sánh.
- Đi làm gặp đối tượng mới.
- Bị cám dỗ bởi sắc, lợi, danh, tài…
- Ảnh hưởng của xã hội:
a/ Tự do cá nhân được đề cao. Thân xác thuộc chủ quyền cá nhân nên toàn quyền trong vấn đề tính dục, đưa dần tới khuynh hướng dung túng tự do luyến ái.
b/ Tính dục được công khai luận bàn, được xem là bản năng sinh lý tự nhiên (hàm nghĩa không quan trọng việc tiết chế). Trào lưu duy sinh lý kết hợp với nhu cầu thụ hưởng hỗ tương, mơ hồ giữa lạc thú xác thân và tình yêu vợ chồng. Các cơ sở thương mại trước giờ chỉ tổ chức mua vui cho đàn ông, nay chú ý tới đàn bà tìm hưởng lạc thú xác thịt.
c/ Với người đàn bà: ngoài lý do chồng có người khác, chồng không nâng đỡ, dùng quyền lực lấn áp, bạo hành, gần đây còn thêm chồng không đáp ứng nhu cầu sinh lý… Ý niệm về hôn nhân và gia đình thay đổi: ít khoan nhượng chuyện ngoại tình; tự do tự lập theo cơ chế xã hội; không nhất thiết có con để nương cậy tuổi già. “Tỏ ra đòi hỏi nhiều hơn trong việc gối chăn” (source INED, Figaro 28-2-1988.)
d/ Kỷ thuật y khoa tiến bộ, ngừa chữa phòng chống hiệu quả các bệnh chứng sinh dục. Công nhận ngừa thai và phá thai.
e/ Thủ tục ly thân, ly dị dễ và nhanh hơn trước. Hôn nhân theo luật đời chỉ còn là khế ước pháp lý, có thể chấm dứt hợp đồng khi cảm thấy bị tù túng, mất tự do.
f/ Cấu trúc gia đình truyền thống biến dạng, vì tỉ số gia đình tái tạo (famille recomposée) có chiều hướng gia tăng. Nhiều gia đình độc phụ, độc mẫu (famille monoparentale), trẻ chỉ sống với cha hay mẹ, hoặc thêm cha kế, mẹ kế (nếu cha mẹ tái hôn) và các anh chị em khác (demi-frère, demi-soeur).
Bằng ấy đổi thay làm cho xã hội lần hồi thay đổi cách nhìn, dễ chấp nhận chuyện ngoại tình hơn (vì coi là tự do riêng tư, chuyện của ai nấy biết). Ly dị từ bị qui trách, dè bĩu đã trở thành căn chứng xã hội. Sự biến thái nầy là một đe dọa đồng thời cũng là một trăn trở của xã hội thời nay đối với gia đình. Nhưng cũng xác định rằng: trải bao năm tháng, chung thủy vẫn là đức tính ràng buộc trong hôn nhân.
4. Liên hệ vợ chồng: Chung thủy bất biến.
Chung thủy được ghi trong Kinh Thánh, nhắc lại khi cử hành hôn lễ tại tòa thị sảnh, chiếc nhẫn cưới biểu hiệu cho tình yêu và lòng chung thủy. Chung thủy có sẵn trong tâm thức văn hóa gia đình Việt Nam:
- Qua chuyện kể, truyền thuyết: Hòn Vọng Phu, Thiếu Phụ Nam Xương, Trầu Cau…
- Qua ca dao, văn học
° Ai ưa chè táo soạn?
Ai chuộng chè thưng?
Ai ưng chè mè đen chú Chệt?
Qua xin thề trước ngọn đèn
Thích chè đậu trắng
Thương con bạn hiền thủy chung.
° Mặt trời vừa lặn, mặt trời vừa tỏ
Qua đây xin nói thiệt với nàng
Con gái ông Bang, con gái ông Phủ
Qua cũng không màng
Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng thủy chung.
° Chim có đôi có bạn
Kìa hãy xem cặp nhạn làm gương
Đứng làm người trong đạo tào khương
Thủy chung như nhứt, giữ đường ngãi nhơn.
° Đem nhau lên thác xuống ghềnh
Trăm năm đôi chữ, chung tình ta chớ quên. (Tản Đà N.K. Hiếu)
Hôn nhân một vợ - một chồng, tuy hai mà một, và luôn luôn hai, đó là bài ca tình ái (Toujours un et toujours deux, c’est le chant de l’amour – R. Tagore).
Vì thế, chung thủy vợ chồng cũng là một đức tính căn bản quyết định sự toàn vẹn gia đình, yếu tố ràng buộc hôn nhân, có thể với cả các gia đình tái tạo, nên đam mê tính dục ngoài khuôn khổ gia đình, dầu nhất thời vẫn có thể kéo theo nhiều hệ lụy “đa nhân duyên, nhiều phiền não”, đương nhiên không đồng hành hạnh phúc gia đình.
Vào đời hôn nhân, tuy nhọc nhằn sinh kế, xây dựng tương lai, vợ chồng trách nhiệm toan liệu cách thế duy trì niềm vui sống trong đó có lạc thú ái ân vốn là mục đích của hôn nhân, một trong các ưu tiên thường trực mà vợ chồng cần tỉnh thức nhận diện để khỏi vô tình đưa dẫn người bạn đời tới chỗ bất trung.
3. Đối thoại:
Ngày nay đối thoại trở nên cấp thiết cho cả nam lẫn nữ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong gia đình, đối thoại để bàn thảo, phác họa nếp sống chung, nhất là khi đã sinh con. Tránh một bên tự quyết hay buông xuôi. Nói theo dân gian Phu xướng Phụ tùy hay ngược lại, miễn sao “thuận vợ thuận chồng”. Đừng quên hạnh phúc của đôi bạn cũng là hạnh phúc của gia đình gồm vợ chồng và con cái.
Để thực hành, chữ NGÔN ngày trước được thời nay nhấn mạnh là ĐỐI THOẠI ; trao đổi, thảo luận mọi việc liên quan đến đời sống chung với các phần tử trong gia đình; tạo thói quen chia xẻ, nói lên và lắng nghe luân phiên về các vấn đề gặp thấy hằng ngày từ vui buồn đến thắc mắc âu lo, cả khi phân vân trước cám dỗ, cạm bẩy mời gọi. Đối thoại thẳng thắng để nhìn ra thực tế. Vẫn biết không phải lúc nào cũng có ngay được sự đồng thuận, nhưng với thời gian, với kinh nghiệm trường đời và đặc biệt bằng lời cầu nguyện, bằng thiện chí của đôi bên, có thể chuyển hóa các bất đồng thành cảm thông, tương nhượng.
Đối thoại còn ngừa và chữa những bất hòa, tránh tình trạng lún sâu trong bất mãn, giận hờn. Một cuối tuần bớt việc, một buổi tối thân mật, mấy ngày hè dạo chơi, các buổi học hỏi, tỉnh tâm, hành hương… đều có thể là cơ hội thuận lợi cho việc đối thoại, cho sự diễn giải thuyết phục lẫn nhau dung hợp để cùng xây dựng tương lai gia đình. Đó là thể hiện tình nghĩa chân thật, sức mạnh cốt lõi san bằng tình lý hơn thua, cao thấp, để gìn giữ gia đình mà không cần phải dùng đến pháp luật phân xử.
4. Xử dụng kỷ thuật:
Ngày nay, có khi ở cạnh nhau mà lặng lẽ, vội vàng, dường như thiếu thì giờ hỏi han, chăm sóc nhau, thiếu cảm thông trong vất vả, lo toan, những trống vắng tinh thần, bất chợt…
Đời sống đầy đủ tiện nghi dễ bị cuốn xoáy theo đà khuyến khích tiêu dùng, tự do hưởng thụ tùy theo ý thích cá nhân. Các phát minh kỷ thuật như tivi, video, trò chơi điện tử, mạng lưới truyền thông toàn cầu internet phát sóng, phát hình, réseaux sociaux… là những tiện nghi hữu ích nhưng có khi trở thành thói quen, đam mê khó bỏ; lần hồi đâm ra vội vội vàng vàng, lơ là việc nhà, thờ ơ với bạn đời, con cái, lạnh nhạt với hàng xóm, dửng dưng với hoạt động công ích.
Bất cứ đam mê nào là niềm vui cá nhân vị kỷ, nếu không được bạn đời chia xẻ, khó đồng hành với hạnh phúc gia đình.
B. Ngoại tại: Vấn đề giữa đôi bạn và ngoại giới.
Đời sống không chỉ có hai ta, nên nhiều lúc vì những người chung quanh mà vợ chồng cũng mất vui.
1. Gia đình nội ngoại: Không phải gia đình nào cũng gặp cảnh ông bà, cha mẹ, anh chị em gây tạo vấn đề cho đôi vợ chồng. Đa số thường được hai bên nội ngoại (hay một bên) thương mến, chung vui xẻ buồn, đùm bọc, dìu dắt, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn.
Vị thế người vợ: Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo nên loài người có nam, có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa xa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình (Mc 10,6).
Tâm thức gia đình ngày cũ, tuy có ít nhiều chuyển đổi theo qui luật thời gian, nhưng nề nếp căn bản vẫn được lưu giữ. Chẳng hạn liên hệ giữa cha mẹ - con cái, giữa vợ - chồng, giữa anh chị em của đôi bên… Cốt lõi vẫn là quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm. Cần thẳng thắn nhìn nhận sự thật, công bình cư xử để “nhà yên”. Ảnh hưởng Trung hoa xưa xem người vợ như “chiếc áo” có thể thay đổi :
Anh em cốt nhục đồng bào
Vợ chồng như áo mặc vào cởi ra,
khác với tín điều Kitô-giáo “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người chẳng đặng phân ly” (Mt 19,1-9).
Vì thế vợ chồng nên bàn thảo, phân định rõ ràng giới hạn của đôi bên, thoả thuận một cách thế hành xử hợp tình hợp lý để tránh mặc cảm, mất mát, tranh giành, dễ đưa tới bất hòa ngấm ngầm giữa các thanh phần trong gia đình.
Ngày nay bởi lối sống cách ly, mỗi tiểu gia đình tự lo tự lập nên cha mẹ chồng - cha mẹ vợ, con trai - con rể, con gái - con dâu dễ tương nhượng nhau hơn.
Bất đắc dĩ gặp vấn đề thì trong nhiều trường hợp không hẳn vì sự kiện xảy ra làm cho vợ chồng không yên, mà thường do thái độ tự ái, hành xử lệch lạc, phản ứng theo cảm tính nhất thời của vợ hoặc chồng làm cho vấn đề trở thành trầm trọng, có khi đưa tới ly thân, ly dị hoặc bi thảm hơn, chọn cái chết để mong cảnh tỉnh những người còn sống.
2. Hoạt động ngoài gia đình:
Vừa thể chất, vừa tâm linh, vừa chung đời sống, vừa chung trách nhiệm, tình vợ chồng keo sơn gắn bó, trổi vượt và khác biệt. Nhưng bên cạnh đó còn tình bằng hữu, láng giềng, đồng nghiệp, đồng chí hướng… Nếu không được bạn đời chia xẻ, nếu không giữ đúng giới hạn, không cân phân cách thế hành xử, có thể tạo ra nghi kỵ, bất hòa.
Hoạt động ngoài gia đình, với người vợ, vô cùng tế nhị. Thành công cá nhân, niềm hảnh diện riêng tư không hẳn luôn luôn là hạnh phúc của gia đình, có khi còn đưa tới bất hòa đổ vỡ.
Mỗi thời điểm một công việc cần thiết, một ưu tiên. Phải cân nhắc giữa công danh sự nghiệp và hạnh phúc gia đình. Sự lựa chọn lắm lúc rất xót xa và đó cũng là một trong các mối bận tâm của người vợ thời nay. Kết hợp dung hòa ước vọng cá nhân với hạnh phúc gia đình vẫn là niềm phấn khởi, tự hào của người nữ được Giáo hội và xã hội khuyến khích, cổ võ.
V. VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO VÀ LUÂN LÝ:
Niềm tin tôn giáo thuộc diện văn hóa gia đình, đồng hành với hạnh phúc vợ chồng. Lớp người lớn tuổi đều mong muốn gia đình con cháu, dù công việc tất bật, vẫn cố gắng dành một chút thì giờ cho đời sống tâm linh của hai vợ chồng, vì tôn giáo cũng như truyền thống luân lý cổ võ khoan nhượng, làm hòa, nhắc nhở cái bất toàn, khác biệt của con người, khuyến khích hướng thượng. Chính nhờ thiện căn thủ đắc từ tôn giáo và luân lý, nên sau những giận hờn bất chợt, những đôi co khó tránh trong cuộc đời hôn nhân đăng đẳng, lương tâm thôi thúc mỗi người suy nghĩ lại để “ăn ở cho phải đạo”, cư xử cho phải lẽ. Vì thế chọn đời sống thực hành đức tin cũng là cách định hướng cho gia đình sống lành mạnh, an hòa. Những buổi tĩnh tâm, những cuộc hành hương, những chương trình hội thảo về gia đình… đều là dịp để nhìn lại chính mình, để cải thiện, vun bồi hay thêm sức chịu đựng giữ lời thề hứa “bất khả phân ly” trong ngày ký kết hôn phối theo luật đạo.
Hôn nhân khác tôn giáo: Đa số người Việt vẫn rộng rãi niềm tin, ít bài bác dù không cùng tôn giáo, nhưng không phải là không có. Nhờ thực hành tôn giáo, cách hành xử chừng mực hơn, niềm tin tôn giáo không ngăn cách, không là lý do bất hòa, đổ vỡ của vợ chồng đưa dẫn hệ lụy đến tinh thần con cái.
Bao lâu con người còn sống với niềm tin tôn giáo, thì dù có thời thịnh suy, hưng phế, tôn giáo nguyên thủy vẫn là “chỉ bảo đàng lành” giúp hướng thiện, gieo hy vọng cho nhân gian, góp phần chấn hưng xã hội, tô điểm cho cuộc đời tươi sáng hơn.
THAY LỜI KẾT
Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông mỗi người đều nghe biết các vấn đề của gia đình, với định chế pháp lý dựa vào các quyền tự do căn bản. Thời sự hôn nhân cũng cho thấy các thảm cảnh, dưới khía cạnh luật lệ phiền toái, tâm lý dè chừng bất an, ngừa thủ tính toán, bi kịch gia đình xung khắc, bạo hành giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái.
Người Việt hải ngoại tới định cư trên đất mới, giữa lúc các xã hội Âu Mỹ đang trên đà chuyển đổi theo chiều hướng khác với truyền thống quen thuộc cách đây nửa thế kỷ. Gia đình khó tránh khỏi biến thái, nhưng nề nếp gia phong Đông Tây xưa nay vẫn xem đời sống vợ chồng là một hòa hợp đồng thuận. Trong “20 Nguyên Tắc Thành Công Cá Nhân” (Phạm Côn Sơn, Nhà xuất bản Đồng Nai) ông Andrew Carnegie, đã nhấn mạnh đến “Tâm đầu ý hợp” trong hôn nhân; xem đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Nếu thiếu sự đồng điệu, dù do bất cứ nguyên nhân nào, cũng sẽ hủy hoại những may mắn thành công của người chồng, ngay cả khi người chồng có đủ yếu tố và sự cộng tác mật thiết để thành công. Gia đình không chỉ liên kết vợ chồng mà còn thêm các thành phần khác, sống chung một nhà. “Tâm đầu ý hợp” biến những người kết nghĩa vì mục tiêu cố định thành hành động, và sức mạnh tinh thần tuy vô hình, vẫn là quyền lực mạnh nhất.
Cho dầu xã hội đương đại đòi hỏi con người bình đẳng - bình quyền, nhưng đôi bạn nam nữ “người dưng khác họ đem lòng nhớ thương” ưng chọn kết thành vợ chồng nhân danh Tình Yêu, không ai định kết hôn để đòi quyền hơn kém, lấn áp. Bao lâu trên mặt đất còn người thì vẫn có nam - nữ, có khác biệt, nhưng nam - nữ “không chỉ bổ túc mà còn không thể tách ly trên bình diện xã hội, cũng như trong tình nghĩa vợ chồng, vốn dựa trên căn bản tình yêu” (Michèle Aumont).
Ở đây vẫn ngọn trúc xanh, vẫn hoa vạn thọ, vẫn hát quan họ, vẫn điệu thương hồ… như phong thái gia đình Việt Nam vẫn bàng bạc, với ít nhiều thay đổi hiển nhiên theo môi trường xã hội định cư. Và con người có khả năng sinh động, gạn lọc, chọn ước muốn bảo vệ hôn nhân là điểm sáng cốt lõi lương tâm dành cho gia đình, bởi vì Hạnh Phúc Hôn Nhân với mọi nơi, mọi thời vẫn là hấp lực kỳ diệu mà nhân gian trông đợi cảm nghiệm, mãi miết đi tìm.
Ông Baden Powell, người khai sáng Phong Trào Hướng Đạo nói: “Sự thành công đích thực, duy nhất trong cuộc đời là sống hạnh phúc”.
Cầu chúc các anh chị được như vậy.
Đặc biệt chúc các chị là sức sống, không chỉ sức sống thể chất mà là sức sống của gia đình, xã hội, với sự cảm thông, nâng đỡ của người chồng quảng đại, sẳn sàng nhìn nhận vị thế của vợ mình trong xã hội ngày nay.
Chúc mỗi gia đình là “Hồng ân, Dấn thân và Hi vọng cho Nhân loại”.
LE RÔLE DE LA FEMME
Tous les pays ont adopté des lois et des mesures pour protéger la famille, tous les articles et les livres sont publiés sur la famille, de même que les toutes informations possibles sont répandues sur l’internet.
(Il n’est pas facile de faire cet exposé en une heure.) D’une manière succinte, j’essaie de rapporter quelques observations en se basant sur des faits réels, des possibles causes du divorce et suggère quelques conseils selon la foi catholique et des enseignements tirés de la culture vietnamienne. Chacun d’entre vous doit trouver son rôle dans la vie de votre couple.
Les Conceptions Traditionnelles de la Femme :
- Les quatre vertus de la femme : le Travail, la Beauté, la Parole, la Conduite.
- Les trois soumissions d’autrefois : au Père, au Mari, au
La Femme Vietnamienne de la Diaspora:
Malgré les évolutions et l’adaptation aux coutumes des pays d’acceuil, certains exilés vietnamiens préconisent toujours les mêmes préceptes traditionnels : c’est sur la femme que repose le bonheur de la famille, si bien que certains qualifient la femme de - cuisinière, - femme de ménage, - servante - amie, - amante, - assistante - ou associée dans la gestion des finances du couple…
En dehors du cercle familial strict (mari, femme et enfants), on parle du rôle social de la femme qui tient le rôle “de responsable des affaires extérieures”: parents, amis, collègues, connaissances, voisins…, car souvent c’est sur elle que repose la responsabilité de la réussite des autres membres de la famille.
Comment Bâtir une Famille Heureuse?
- Union de deux personnes différentes mais complémentaires: le mariage est un choix libre comportant des sacrifices, limitant les libertés individuelles pour partager ensemble le bonheur comme pour surmonter les soucis et les épreuves.
- Les Relations du couple : amour et responsabilités mutuelles.
. coopération dans les besognes,
. partage des devoirs et obligations,
. et parfaite entente
selon les anciennes lois du Viet Nam (Hồng Đức et Gia Long), et en France selon le Code Civil.
- Les Relations du couple dans la vie quotidienne : partage nécessaire des responsabilités (car selon les statistiques, en dehors de son propre travail la femme s’occupe des 2/3 des activités domestiques).
Des Problèmes dans la Vie Conjugale:
A. Entre époux : le mariage implique des droits et devoirs égaux dans toutes décisions communes (Droit Canonique 1135) (et Code Civil Français 212-215).
Des divergences peuvent survenir concernant :
1/ Les droits et responsabilités dans la gestion des biens matériels…, des moyens culturels ou des divertissements de la famille ou dans l’éducation des enfants.
2/ L’argent du couple, idéalement servant aux deux époux dans un esprit de partage équitable et de compréhension.
3/ La sexualité : question difficile à évoquer, souvent ne posant pas de problème au début du mariage, car impliquant l’idée “de se donner ” surtout de la part de la femme.
Mais après un certain temps, les aléas de la vie (travail, enfants, fatigue, maladies, autre passion ou faute d’un des conjoints…) peuvent créer une distance dans les rapports conjugaux.
Âge du rajeunissement (« Retour d’âge ») : à l’origine possible de troubles dans le comportement sexuel, qu’un amour sincère et fidèle entre époux peut permettre de contrôler.
La Société actuelle et la Sexualité : En dehors des couples séparés ou divorcés, coexistent dans certaines familles recomposées des partenaires (ou compagnons) menant une vie ensemble ou chacun une vie sentimentale séparée.
4/ La notion de fidélité, citée dans la Bible et répétée à la mairie lors du mariage, est représentée par l’échange des alliances entre le mari et la femme.
5/ Le dialogue dans la famille, notion essentielle permettant d’obtenir l’harmonie et la compréhension mutuelle du couple.
6/ Les moyens techniques actuelles de communication envahissent la vie moderne, facilitent les échanges lointains mais peuvent aussi constituer un frein au dialogue du couple ou même avec les enfants…
B. Des problèmes du couple vis-à-vis des autres :
1/ Les relations du couple avec les beaux parents, frères et sœurs et autres membres des deux familles, à l’heure de la mondialisation, ne sont pas toujours conflictuelles ou difficiles, parfois même réconfortantes ou généreuses, à la différence de l’ancienne conception chinoise comparant la femme à une “tunique que le mari peut changer”. Les époux peuvent s’appuyer sur la foi catholique “l’homme ne peut pas séparer ce que Dieu a uni” (Mt 19,1-9).
2/ La vie sociale du couple, n’est facile surtout pour la femme qui doit tenir des rôles différents (vis-à-vis des amis, collègues, voisins…) avec mesure, délicatesse, souplesse, parfois modestie et souvent dévouement…
Ce qui a fait dire à l’écrivain René Bazin : Quand vous voyez une famille heureuse, vous devez croire qu’il y a dans cette famille, une femme qui se dévoue.
Le Synode des Evêques de 1980 résume les points forts de la famille - entente entre les époux, - participation à la vie commune - et dialogue.
Le Rôle des Religions et de la Morale dans le Mariage
La foi religieuse peut faire partie intégrante du bonheur d’une vie de couple, lors des réunions, discussions, recollections… La notion de tolérance est reconnue dans les traditions populaires du Viet Nam car toutes les religions “enseignent le chemin du bien”, ce qui se voit dans le mariage des couples de religions différentes.
Conclusion : La recherche du bonheur dans le mariage, de tous les temps et en tous lieux, constitue un but dans la vie d’un homme ou d’une femme. Ce que résume Sir Baden Powell, le fondateur du scoûtisme : “le vrai succès, l’unique résultat dans la vie, c’est de vivre heureux”./
TẠ THANH MINH KHÁNH. 2013