B. PHẦN LỊCH SỬ I. Giai đoạn sơ khởi 1945-1957
Lm Fx Hồng Kim Linh biên soạn
Lm Jos Mai Đức Vinh nhuận chính
Lịch sử Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp 1945-2005
B. PHẦN LỊCH SỬ
I. Giai đoạn sơ khởi 1945-1957
1. Một thoáng nhìn về dân số Việt Nam từ cổ chí kim :
Đầu thế kỷ I, theo sách Tiền hán Thư (Địa lý chí) do Ban Cố soạn (32-92), dân số thuộc 3 vùng Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam (địa bàn củ của nước Văn lang trước đó vài thế kỷ) gộp lại có tới gần 1 triệu người (981.735), riêng quận Giao chỉ có tới 92.440 hộ tức là có 746.237 người (so vơí thời Âu Lạc dân số khoản 1 triệu).
Cuối thế kỷ tại Giao chỉ sụt xuống còn 25.600 hộ.
Vào năm 600 có 25.600 hộ.
Đầu thế kỷ VIII khoảng 23.000 hộ, 85.000 khẩu.
Năm 726 có 30.000 hộ
Năm 742 có 27.000 hộ, 108.000 khẩu.
Năm 807 có 28.000 hộ.
(cf Thời đại Hùng Vương do Văn Tân và nhóm tác giả, Nhà xb khoa học xã hội 1976 tr 80-81)…
Thời độc lập Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê dân số hẳn là phải tăng lên trên số triệu để đủ lực đối kháng Bắc phương, đời Tống, Nguyên, Minh và bình định Chiêm thành.
Lịch sử ghi thời Lý năm 1069 vua Lý Thánh Tôn thân chinh bình Chiêm với 5 vạn quân. Năm 1075, Lý Thường Kiệt huy động 10 vạn quân, cùng với 5 vạn quân của Tôn Đản để đánh Khâm, Liêm và Ung châu bên đất Tống. Cuối năm sau 1076 phải ứng chiến và đuổi được 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa, 20 vạn phu của Tống tràn sang.
Một khoảng lịch sử dài 6ø thế kỷ : với chiến tranh, động đất, lũ lụt mất mùa, gây tai hoạ cho nhân mạng không ít… dân số toàn quốc không được ghi nhận, mãi tới thế kỷ XVII.
Thế kỷ XVII chỉ có số liệu ghi sĩ số Kitô hữu là 300.000 theo phúc trình của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (cf văn khố của Propaganda Fide, tập tài liệu SOCG, quyển 193, tr.462) còn dân số không rõ, gắp 10 hay 20 lần chăng, tức là giữa 3 triệu tới 6 triệu ?
Thời kỳ nầy Chúa Trịnh chúa Nguyễn phân tranh, 7 lần ra quân sát phạt nhau, với lực lượng quân giao chiến lên tới từ 50000 tới 70000. Dân số hao hụt vì chiến tranh có thể đoán được.
Thế kỷ XIX Quang Trung đại phá quân Thanh. Ở Đống đa, tiêu diệt quân Xiêm ở Rạch xoài (cả 25.000 quân Xiêm tiêu xác).
Chiến tranh giữa Tây sơn và Chúa Nguyễn Ánh cũng gây thêm tổn thất nhân số nhiều.
Thời kháng chiến chống Pháp cũng tiêu hao lực lượng dân số hao hụt nhiều.
1945 : Dân số VN phỏng chừng 20 triệu toàn quốc.
1950 : Dân số VN toàn quốc do người Pháp kiểm kê thì có 22,9 triệu.
1954 : Dân số VN toàn quốc 25 triệu : chia ra miền Bắc 13 triệu, miền Nam 12 triệu. Di cư vào Nam sau hiệp định Genève 800 ngàn, trong đó có 700 ngàn Công giáo.
1960-1975 : sau 25 năm chiến tranh 2 triệu người chết cả bắc lẫn nam. 5,l triệu bị thương, 950.000 mồ côi, 13 triệu người di tản.
1975 : Dân số VN toàn quốc 50 triệu. Tị nạn ra ngoại quốc 3 triệu, phần lớn bằng vượt biên vượt biển, tới nơi chừng 2/3.
Tại nước Pháp vào năm nầy, đã có sẵn người gốc Việt 492.000 (theo tài liệu Comité d’entraide national).
1979 : dân số VN toàn quốc là 52 triệu (theo thống kê chính thức)
1980 : tại Pháp : với con số có sẵn từ trước, đầu năm 1980 có thêm 70.000 tị nạn (kể chung với Miên Lào) trong số đó, một nửa sống ở Paris và một nửa sống ở các tỉnh.
Tổng số tị nạn còn sót ở các trại tị nạn năm nầy là 900.000, trong số có 32.900 trẻ em, trẻ gái chỉ chiếm 12 %.
Tại Hoa Kỳ sĩ số người Công giáo sau 5 năm di tản từ VN đã lên tới 60.000, trong đó có 400 linh mục và tu sĩ ; Nhiều linh mục và tu sĩ đã cùng với 6.000 giáo dân đã tham dự Đại hội CG đầu tiên tổ chức tại San Francisco từ 23-27.07.1980.
1995 : Dân số tăng lên đến 74 triệu.
1999 : Dân số VN lên tới 79 triệu (thống kê chính thức).
2. Bối cảnh lịch sử thành lập Liên tu sĩ Việtnam tại Pháp.
Liên tu sĩ được thành lập trong ý hướng nối dây liên lạc thương yêu, tương thân tương trợ giữa linh mục tu sĩ với nhau, và đặc biệt để cùng chung đáp ứng hiện tình đất nước cùng với nhu cầu thiêng liêng của Việt kiều cư ngụ tại Pháp vào thời điểm đó.
Các linh mục tu sĩ tất cả đều thuộc thành phần du học được các Giám Mục gởi sang từ Việtnam và không quy tụ vào thủ đô Paris, mà rải rác trong nước Pháp nơi mà các linh mục tu sĩ đó được gởi gấm do các đấng thẩm quyền VN liên hệ.
Tổng số linh mục tu sĩ thuở đầu thành lập không qúa 20 người.
Ngược lại phía Việt kiều đối tượng phục vụ của Liên tu sĩ vào thập niên 40 lên tới mấy chục ngàn.
1940-1942 :
Một vài số liệu cho thấy, Bộ chiến tranh Pháp quốc dự trù kế hoạch bắt lính và thợ Đông dương để bổ sung cho binh lính ‘Mẫu quốc” tới con số 80.000. Khoảng cuối năm 1939 đầu năm 1940 số thợ (travailleurs) đã lên tới 20.000 và lính (tirailleurs) là 14.600. Mặc dầu cuối năm 1940, vì tình hình chiến sự thất lợi, Pháp đã có quyết định gởi về Việtnam : hơn 4.000 người trong khoản tháng 11.1940 tới 9.1941 nhưng chẳng may vì bị lệnh phong tỏa đường biển của hải quân Anh quốc nên số người trên phải bị cho sang Madagascar, đảo Réunion, Sud Afrique, Oran.
Còn một số khác cũng từ năm 1941 được gởi đi vùng Camargue để khai thác việc trồng lúa. Kết qủa là năm 1944, 800 mẩu (hectares) đất được khai thác và cho huê lợi 2.200 tấn lúa. Một số khác bị gởi đi xây dựng các công thự phòng thủ dọc bờ biển Địa trung Hải, nhiều người chết và bị thương bởi bom đạn của quân đội đồng minh. Con số 1.061 người được chôn ở những ô đất riêng (cf. Article du colonel Rives intitulé “1939-1954, les travailleurs indochinois en France” in revue Hommes et Migrations no 1175).
Việt kiều thời nầy cũng ở rải rác cùng khắp, ở thủ đô Paris không được biết số bao nhiêu, nhưng ở miền tỉnh như ở Vaucluse ta thấy có thống kê ghi (cf Archives Départementales du Vaucluse), trong tháng 7 năm 1941 ở Marseille có 4.200 người, ở Agde có 3.000, ở Bergerac có 2.400, ở Sorgues có 4.100, ở Lyon-Vénissieux có 1.300, tổng cộng là 15.000 người tất cả (cf. Hommes et migrations no 1175 par le colonel Maurice Rives).
Vài con số trên cho thấy số Việt kiều ở Pháp dù thế chiến đã qua nhưng sĩ số không giảm, bởi lẻ một số tự nguyện ở lại, theo đại tá Rives thì “phần lớn vì lý do đã kết hôn với vợ người Âu châu hoặc có thể hành nghề học được trong thời xa xứ “số nầy đếm được chừng 3.500 người (Colonel Rives in article : postérité des exilés vietnamiens restés en France), còn một số lớn khác do việc nước Pháp bận trưng dụng tàu bè chở quân lính tái chiếm Việtnam liền sau Đại chiến kết thúc, thành phần đông đảo còn sót nầy cộng thêm một số từ VN vì chạy giặc di sang. Như vậy là số kiều bào sống ở Pháp thời điểm nầy phải đông khá. Thành phần Công giáo chưa được xác định.
Nhưng từ năm 1942, người ta ghi nhận tại Paris, đã có thành lập Hội Công giáo VN ở Paris quy tụ được một số giáo dân để tham dự thánh lể do cha Cao văn Luận cử hành và do ông Trần hữu Phương cổ động kêu mời. Ở các tỉnh thời điểm nầy cũng có các hội công giáo thành hình.
Vì nhu cầu gặp gỡ và thi hành mục vụ, ý tưởng thành lập Liên tu sĩ có thể manh nha từ thời đó nhứt là khi sĩ số giáo dân và giáo sĩ bắt đầu tăng lên.
3. 1945 : Việc thành lập.
Việtnam du học giáo sỹ đoàn : Trong bầu khí sôi sục của thời cuộc : Nhật đảo chánh Pháp tại Việtnam, Pháp quốc sắp được giải phóng khỏi tay Đức quốc xã, Việtnam sửa soạn tuyên bố độc lập, các giáo sĩ du học thấy cần phải gặp nhau kết họp lại thành một tổ chức để dễ trao đổi tìm hiểu thực tế để dễ ứng phó với thời cuộc trong cương vị của mình.
Khi tướng De Gaulle với sự yểm trợ của phe Đồng Minh tuyên bố ‘‘Thắng trận’’ ngày 08.05.1945 và tại Hànội ông Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 02.09.1945. Vào thời điểm lịch sử đó cho hai nước, các Linh mục tu sĩ VN du học, theo một tài liệu cho biết là đã được thành hình. Tổ chức đó lấy tên là Việtnam du học giáo sĩ đoàn từ năm nầy với số thành viên tiên khởi từ 15 tới 17 người (xem Kỷ yếu 50 thành lập giáo xứ VN tại Paris tr.62).
Cũng trong năm đó nhằm ngày 04.11.1945 một Đại Hội thứ hai quy tụ tất cả người Việtnam gồm đủ mọi thành phần : trí thức, sinh viên, lao động, quân nhân và buôn bán : cuộc họp đông đảo nầy được tổ chức ở phòng Khánh tiết của Toà Thị sảnh Avignon : mục đích là cổ võ ủng hộ nền Độc lập của Việtnam. Đây là Đại Hội Kỳ II sau Đại Hội Kỳ I (le premier Congrès Général des Indochinois de France) cũng diễn ra tại Avignon từ ngày 15.tới 17.12.1944. (xem chứng từ của M.Lê hữu Thọ, Itinéraire d’un petit mandarin, Mémoires asiatiques, Edit. Par L’Harmattan, pp157-160)
Về sĩ số của LTS thời kỳ nầy, theo văn liệu của hội LTS thấy kê khai 17 danh tánh các vị là : Trần văn Thiện*, Nguyễn ngọc Quang*, Bửu Dưỡng, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn văn Hiền*, Lê văn Lý, Cao văn Luận ,Nguyễn văn Khiết, Trịnh quốc Bồng, Phạm văn Nhân (Hànội), Nguyễn thế Vinh (Hànội), Nguyễn huy Mai*, Nguyễn văn Lập, Trần văn Triệu, Lê văn Ấn*, Đinh văn Hưởng, Hoàng văn Đoàn* (các vị có * sau làm Giám Mục).
4. Các vị tiền bối LTS
Danh tánh Thụ phong Giám mục Coi sóc Giáo phận
Jos. Trần văn Thiện Năm 1960 Mỹ tho 25.02.1989
Jac. Nguyễn Ngọc Quang Năm 1965 Cần thơ 20.06.1990
Si.Hoà Nguyễn văn Hiền Năm 1955 Sàigòn Dàlạt(1960) 05.09.1973
Pherô. Nguyễn huy Mai Năm 1967 Buôn mê thuột 04.08.1990
Giuse Lê văn Ấn Năm 1966 Xuân Lộc 17.05.1974
Dom Hoàng văn Đoàn Năm 1950 Qui Nhơn 20.05.1974
Và những vị khác :
Các Linh mục Cao văn Luận, Bữu Duỡng op, Nguyễn văn Lập, Lê văn Lý là những vị đóng góp cho đất nuớc và Giáo Hội trong những hoạt động văn hoá giáo dục cao đẵng, đại học (xin xem sau phần III).
5. Quy chế của hiệp hội đâù tiên (1946).
Theo tài liệu của Hội LTS cho biết thì trong hai ngày 04 và05-01-1946 tại điạ chỉ 5, avenue J.B.Clément, Boulogne sur Seine, tức là sau ngày lịch sử Paris được giải phóng, thì có cuộc Họp LTS để soạn thảo một ‘quy chế của hiệp hội’ (constitution de l’ union) lấy tên là ‘Vietnam du học Giáo sĩ đoàn”. Thành viên là 24 vị tất cả. Quy chế nầy cũng theo văn khố ghi thêm là được nhuận chính và hoàn tất ngày 01.09.1946.
6. Liên đoàn công giáo VN và Giáo sĩ đoàn.
Giữa thời kỳ soạn thảo và hoàn chỉnh trong năm 1946, thì có cuộc Đại hội nghị mở ra ở Toulouse do Hội Công giáo VN ở Paris với danh nghĩa ‘trung ương lâm thời’ mời gọi có mặt 30 đại biểu giáo dân từ khắp nơi trong nước Pháp như Paris, Lyon, Grenoble, LaRoche/yon, Arles, Tarascon, Bergerac, Sorgues, Mazagues, Toulouse vv và 5 linh mục hiện diện là Cao văn Luận, Nguyễn ngọc Quang, Hoàng mạnh Hiền, Nguyễn văn Lập, Đinh văn Hưởng. Các linh mục VN tại Roma cũng gởi điện tín chúc mừng Đại Hội. Đại Hội nghị diển ra hai ngày 31.03 và 01.14.1946 để thành lập Liên đoàn công giáo VN tại Pháp (Fédération catholique vietnamienne) với Nội quy gồm có 5 khoản và 24 điều lệ.
7. Giáo sĩ đoàn với chức vụ Tuyên uý chiếu theo Nội quy của Liên Đoàn (1947-1956).
Trong Nội qui của Liên đoàn ta đọc thấy có 4 chỗ nhắc trực tiếp đến hội Liên tu sĩ : ”
1. Cha tuyên úy của Liên đoàn do Đoàn Giáo sĩ (tức là Liên tu sĩ) đề cử (Điều 15)”
2. Mời các Linh mục cố vấn và tuyên úy do Giáo sĩ đoàn đề cử (K.II,6). Các linh mục sau đây được Đại Hội đích danh thỉnh xin làm tuyên úy :
- Trần văn Thiện vùng Marzagues và Tarascon,
- Cao văn Luận vùng Villeurbanne, Privas, Grenoble, Moulins và Paris,
- Nguyễn ngoc Quang vùng Carcassone và Toulouse,
- Hoàng mạnh Hiền vùng Agen và Albi,
- Đinh văn Hưởng vùng Bergerac và Bordeaux.
3. Mời các linh mục làm chủ nhiệm báo chí thông tin (KII,7)
Tờ Hiệp nhất với cha Nguyễn văn Lập, và tờ Thông tin với cha Nguyễn quang Lãm làm chủ nhiệm (K.II,7).
4. Lời khuyên bế mạc của Đại hội làm thành điều khoản của Liên đoàn(KII,9) do cha Cao văn Luận phát biểu như sau : “Có tổ chức bề ngoài, nhưng LĐCGVN sẽ thành vô ích nếu không có tinh thần thiêng liêng. Vậy, xin các Đại biểu đem về điạ phương mình một tinh thần mới, một nhiệt tâm mới hầu khuyến khích tất cả hội viên làm tròn phận sự giáo hữu là sống theo luật Chúa để đem đồng bào đến sự thật và sự sống dời đời “(xem Kỷ yếu Giáo xứ Páris tr. 13).
Nên biết Nội quy của Liên đoàn được Hàng Giáo phẩm Pháp duyệt y 01.10.1947 và Hàng Giám Mục Việtnam nhìn nhận ngày 19.11.1951.
Sau giai đoạn thành lập với những bản nội qui được tu chính của hai hội của giáo sĩ và giáo dân, mọi hoạt động của LTS dường như được qui vào vịệc mục vụ Tuyên uý hoặc cho Liên đoàn CGVN như kể trên hoặc chia nhau làm Tuyên úy cho Đoàn sinh viên mà nhiệm kỳ và danh tánh và đoàn trưởng được nêu lên như sau :
1947-1948 : Linh mục Nguyễn huy Mai và bác sĩ Đặng vũ Cảnh
1948-1949 : Linh mục Trần văn Hiến Minh và bác sĩ Nguyễn văn Ái
1949-1950 : Linh mục Nguyễn bình An và bác sĩ Lâm trọng Thức
1951-1952 : Linh mục Trần thanh Giản rồi Linh mục Nguyễn quang Lãm và Kỹ sư Trần ngọc Oành.
Tóm lại ở giai đoạn khởi đầu “Hội VN Giáo sĩ (hay Việtnam du học giáo sĩ đoàn) thành lập 1945 với 17 linh mục thành viên, đã đóng góp rất nhiều vào việc thành hình và phát triển Liên đoàn, đặc biệt trong hai chức vụ Cố vấn và Tuyên úy. Tiếc là sau 1947, phần đông các linh mục Việtnam được gọi hồi hương, nên kể từ 1949 chỉ còn lại 3 cha lo cho Liên đoàn là cha Trần văn Hiến Minh, Đinh văn Hưởng, Nguyễn quang Lãm chính thức (1949-1952) (Thời cha Nguyễn quang Lãm có sự tiếp tay của các Cha Quynh, Hợi, Xuyên) và Nguyễn bình An (1952-1953)” (trích Kỷ yếu GXVN tr.15).
Ngoài ra cũng phải kể một số cha đến rải rác trong thời điểm 1947 và làm việc mục vụ giúp đỡ kiều bào tùy thời giờ cho phép : người ta biết được qua hình ảnh những cha như Trần văn Quyễn, Hùynh công Thượng, Nguyễn văn Rỡ, Lê văn Ngộ, Hồ văn Vui, Lâm thành Hòa vv. Các linh mục tới sau 1947 có nhập cuộc giống như các cha đợt đầu không, ta sẽ đọc bức thơ chứng từ sau đây để lượng định phần nào.
Có thể dựa vào văn khố LTS và Kỷ yếu Giáo xứ để nhận định rằng sau thời kỳ hăng say của buổi đầu thành lập hai Hội, LTS có sinh hoạt là qua thành phần Tuyên uý Liên đoàn còn ngoài ra thì chìm lặng hoặc do “khủng hoảng nội bộ tiếp theo một biến chuyển chính trị hoặc do thiếu nhân lực vì phong trào về nước rầm rộ” (theo nhận định trong Liên lạc đặc san Kỷ yếu 1946-1977 tr.10).
Dù sao, LTS là thành phần được gởi sang du học, sống trong cảnh thiếu thốn thời buổi chiến tranh thiếu ăn thiếu mặc, ngoài việc học hành thi cử, đã dành thì giờ phục vụ Dân Chúa hết mình như tờ Kỷ yếu GX ghi công. Các việc cố vấn và tuyên úy đòi hỏi nhiều thì giơ và tinh thần xả kỷ dấn thân : hướng dẫn tinh thần, tổ chức giảng huấn, cấm phòng, học hỏi, diễn thuyết, tổ chức trại hè là những việc các vị lo chu tất… vậy mà các vị vẫn thành công đỗ đạt (sẽ ghi sau) có thành tích, đó là điều đáng phục nêu gương cho các bậc đàn em kế tiếp.
Cha Trần thanh Giản người làm tuyên úy tạm thời năm 1951 sẽ là người gạch nối với đoàn người đến sau : các vị nầy sẽ hoạt động trong khuôn khổ của Liên đoàn rồi sau đó trong Tổ chức truyền giáo, do Hàng giáo phẩm Pháp thiết lập sau khi Tông huấn “Gia đình xa cách“ (Exsul Familia) của Đức Piô XI được ban hành năm 1952.
Từ 1952-1957 : giai doạn chìm lặng của LTS, ngoại trừ những hoạt động mục vụ với Dân Chúa trong tư cách tuyên úy.
1955 : Cha Trần thanh Giản được bổ nhiệm thay thế cha Nguyễn bình An hồi hương, để lo việc mục vụ cho kiều bào với chức vụ Giám đốc của các Thừa sai của Tổ chức Truyền giáo Việtnam tại Pháp. (Nên biết tại Paris thời nầy Việtnam đã có 2000 sinh viên và trí thức, 3000 thợ. Toàn quốc có chừng 12.000 thợ thuyền, 5.000 lính, và 3.000 sinh viên).
Cộng tác với cha Giản ở Paris có các cha Nguyễn ngọc Lưu, Nguyễn định Tường, Nguyễn văn Long, Nguyễn quang Toán, Nguyễn tiến Huynh, Phan đình Thành. Thêm ở các tỉnh có các cha Nguyễn quang Cảnh tại Marseille, cha Phạm phúc Khánh ở Nice và Cannes, Cha André Courtois (Bùi xuân Lịch) vùng Grenoble, Toulon, Aix.
8. Sau Hiệp định Genève (1954 -1958)
Sau hiệp định Genève chia cắt đất nước 1954, các linh mục du học từ miền bắc, Nam đều lo về nước phục vụ.
Kế tiếp là phong trào di cư miền Bắc vào Nam, trong nước không gởi qua mà từ ngoại quốc một số tiếp tục về nước, khiến nhân lực LTS tại Pháp suy kiệt thu mình sống đời thầm lặng.
Tới đầu 1957 khi tình hình miền Nam được ổn định, phong trào du học lại khởi sắc, nhờ đó LTS thêm được nhiều hội viên mới. Nhận được sự khích lệ của Hàng giám mục VN. Vào dịp Phục sinh năm nầy LTS Pháp phối họp với LTS Roma và Thụy sĩ vừa thành lập để tổ chức Trại Hè LTS Âu châu và nhiều cuộc trao đổi khác.
Lm Fx Hồng Kim Linh biên soạn
Lm Jos Mai Đức Vinh nhuận chính