CHƯƠNG XI (2)
TÂY PHƯƠNG
DƯỚI ÐỜI NHÀ SÉVÈRE
CHƯƠNG XI (2)
(tiếp)
TÂY PHƯƠNG
DƯỚI ÐỜI NHÀ SÉVÈRE
III. VIỆC KHAI SINH PHI CHÂU KITÔ.
Septime Sévère là người dòng dõi Phi châu. Ông sinh quán tại Leptis Magna. Triều đại của ông và các vị kế tiếp ông còn ghi dấu lại trên mọi phương diện về công trình thăng tiến hóa Phi châu, nghĩa là miền hiện nay chủ yếu trùng hợp với lãnh thổ nước Tunusie và miền Contantinois. Vào thời kỳ này người ta xây cất các thành phố Leptis, Timgad, Djemila. Hiện nay, trên những di tích các thành phố ấy còn thấy ghi tên những vị hoàng đế này. Về phương diện trí thức, Carthage là một trung tâm quan trọng. Thành phố này đã được nổi tiếng vào cuối thế kỷ II nhờ các ông Fronton và Apulée. Mở cửa đón nhận ảnh hưởng của nền văn minh hy lạp dưới mọi hình thức, Carthage đã trở thành trung tâm quan trọng nhất của nền văn hóa la tinh trong thời đại ấy, cho dù số ngoại quốc đến lập nghiệp tại đó ít hơn tại Roma. Dân cư, gồm các thủy thủ, binh sĩ và thương gia, làm cho dân Carthage có cái gì hoạt bát, hiếu động, đa cảm, khác với tính trầm tư trang trọng của Roma.
Kitô giáo hình như đã ăn rễ vào Carthage ngay từ cuối thế kỷ I. Khó lòng cắt nghĩa cách khác vì dân kitô đã đông đúc khác thường vào đời Tertullien. Như ông đã viết trong cuốn Apologeticum: ”Chúng tôi chật ních ở các công trường, ở chợ búa, ở các hí trường của các ông”. Công đồng Carthage năm 216, đã triệu tập được bảy mươi mốt giám mục phi châu. Nhưng chúng ta không biết việc truyền bá phúc âm đã diễn ra trong những hoàn cảnh nào. Hình như thoạt đầu có những người trở lại giữa các cộng đồng Do Thái, lúc đó rất nhiều tại Phi châu (28). Sau đó Kitô giáo đã phát triển ra trong các giới nói tiếng hy lạp và những nghi thức phụng vụ đầu tiên cử hành bằng tiếng ấy. Nhưng ngay từ năm 180 đã có một văn kiện la tinh phi châu, sách Công vụ của các vị tử đạo Scillitains. Sách này công bố đã nắm được các libri et epistulae Pauli. Ðiều đó chứng tỏ vào thời ấy đã có bản dịch la tinh của Tân ước. Sau đó ít lâu Tertullien cho biết đã có một bản dịch Kinh Thánh đầy đủ bằng tiếng la tinh.
Như vậy trước đời Tertullien, Kitô giáo phi châu xem ra đã phát triển về nhân số, nhưng chưa phát huy được đặc tính của mình. Bởi vậy những luồng tư tưởng đời Tertullien mà chúng ta gặp thấy tại Phi châu, đều du nhập từ các miền khác, nhất là từ Asia, nhiều khi qua trung gian Roma. Những tà giáo ông đả kích là những tà giáo đã gặp thấy trước tại nơi khác và sau này nhập cảng vào Phi châu. Chúng ta còn giữ được quyển sách ông viết để đả kích phái Valentin. Và trong cuốn De praescriptione haereticorum, ông kê khai các phái ngộ đạo mà chúng ta đã biết. Ông tấn công Marcion. Ông là người độc nhất nhắc đến tên một trong các đồ đệ Marcion, là Lucanus. Ông đả kích Hermogène người Syrie, là người hình như có tới Phi châu. Nhưng đối thủ lớn nhất của ông là phái thượng quyền. Chính ông sẽ trở lại và theo thuyết Montan. Tất cả những cái đó không cho chúng ta thấy vấn đề gì mới lạ.
Các tác giả công giáo mà ông tham khảo cũng không có gì mới. Trước ông không có nền văn chương phi châu. Chính ông nói hai thứ tiếng. Một số tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hylạp, đó là những cuốn De spectaculis, De baptismo, De virginibus velandis, De Extasi, Apologeticum. Ông lấy hứng từ những tác giả kitô nói tiếng hy lạp đi trước ông. Cuốn Apologeticum nối tiếp những văn kiện của các nhà minh giáo. Tertullien gợi hứng từ Justin trong cuốn Adversus Marcionem. Những mục lục tà giáo của ông là của Irénée. Ông trích dẫn Irénée, Miltiade, Justin trong tập khái luận phản bác phái Valentin. Hình như ông có dùng tập khái luận của Théophile thành Antioche viết để phản đối Hermogène. Ông tiếp tục đường lối của Méliton trong khoa thần học lịch sử. Ngữ vựng về thuyết ba ngôi của ông là theo Tatien. Về phương diện này, Stephan Otto (29) đã minh chứng rất chí lý rằng Tertulien là nhịp cầu liên tiếp chủ chốt giữa nền Kitô giáo Hylạp và nền Kitô giáo latinh. Cũng nhờ ông mà cả một thế giới tranh chấp suốt thế kỷ II bằng tiếng hy-lạp đã xuất hiện lần đầu tiên bằng tiếng la tinh. Về điểm này, ông kịch liệt chống đối Hippolyte: ông này vẫn trung thành với nền văn chương Hylạp Tây phương, còn Tertullien khai trương nền văn chương Latinh Phi châu. Cũng vì thế mà ông đã đưa Phi châu vào bước tiến bộ trước Roma.
Như vậy trước đời Tertullien, Phi châu có hai đặc tính nổi bật: một dân tộc kitô nguồn gốc chính là la tinh, đông đảo và đầy nhựa sống; một văn hóa hình như chỉ biết có Hylạp. Sự nghiệp của Tertulien là mang đến cho cộng đồng kitô này một hình thức phát biểu bản xứ đặc thù. Ít khi gặp thấy trường hợp mà ảnh hưởng sáng tác của một người đã đóng vai trò hiển nhiên như thế. Tertullien mang lại cho Giáo Hội Phi châu - và qua đấy cũng cho toàn thể Giáo Hội La Tinh - một nền ngữ vựng phụng vụ, thần học, khổ hạnh. Ðây không phải là một lối chuyển hóa giả tạo như đôi khi Cicéron đã chuyển hóa các danh từ triết lý hy lạp, nhưng là diễn tả các ý tưởng ông đã thu nhặt được từ xa trong một thứ ngôn ngữ đặc sắc và vững vàng.
Tertulien sinh ra khoảng năm 160. Vào năm 197 chúng ta thấy ông xuất hiện lần đầu tiên, lúc đó ông đã trưởng thành. Ông là con vị đại đội trưởng tại tòa thống sứ. Ông học luật tại trường đào tạo các luật sư của thành phố Carthage. Ông là một cố vấn pháp luật có tên tuổi tại Roma. Hình như chính ông là tác giả mang cùng tên được nêu ra trong tập Digeste (30). Kỳ lưu cư này có lẽ trùng hợp với việc lên ngôi của Septime Sévère, là người đã cổ vũ để các thanh niên phi châu tới Roma. Sau mấy năm ăn chơi phóng đãng, ông trở lại Kitô giáo, vì được súc cảm bởi chứng tá của các vị Tử Ðạo. Khoảng năm 195, ông trở về Carthage. Người ta bổ nhiệm ông trông coi tổ chức dự tòng và truyền chức linh mục cho ông. Những tác phẩm đầu tiên của ông là tiếng vang về lớp giáo lý này: De testimonio animae, De oratione, De baptismo, De paenitentia, Ad uxorem, Adversus Judaeos. Các khái luận này ra đời từ năm 200 đến năm 207.
Nhưng nhất là ông can thiệp vào bất cứ cuộc tranh luận nào liên hệ đến Kitô giáo. Ông có tài bút chiến lỗi lạc. Các cuộc tranh luận này trước tiên là những cuộc tranh luận đối lập các kitô hữu với Ðế quốc Roma. Tertullien đề cao tinh thần quả cảm của các vị tử đạo (Ad Martyres.) Trong hai tập tham luận, ông bàn lại những đề tài biện hộ cho Kitô giáo trước những lời tố giác của người ngoại giáo (Ad nationes, Apologeticum). Ðồng thời ông gay gắt tấn công các tục lệ ngoại giáo (De spectaculis, De cultu feminarum). Sau cùng ông can thiệp vào việc đả kích nhà tà giáo Hermogène, lúc đó đang truyền bá tại Phi châu một nền Kitô quá nghiêng theo khuynh hướng Platon.
Từ năm 206-207 trở đi, những thiện cảm của ông đối với thuyết Montan càng ngày càng rõ rệt. Ðây không phải là một sự việc mới lạ. Tertullien đã tiếp súc với thuyết Montan tại Roma lúc ông trở lại đạo. Bản tính của ông hợp với thuyết ấy. Ngay từ thời kỳ đầu khi ông mới trở lại Phi châu, ông được Giáo Hội đón tiếp như một vị lãnh tụ lớn, ông bênh đỡ truyền thống của Giáo hội chống lại các người tà giáo, và trả thù cho Giáo hội trước những vụ tấn công của người ngoại giáo. Nhưng đến một lúc kia ông nhận thấy giữa ông và các giám mục có mối bất bình, cũng như mối bất bình chúng ta gặp thấy nơi Hippolyte. Ông chủ trương một thứ kitô giáo chiến đấu đối lập với thế giới ngoại đạo và không chấp nhận một liên hệ nào với thế giới ấy. Ông thẳng tay gạt bỏ ra ngoài Giáo Hội tất cả những ai không chia sẻ thái độ của ông. Hàng giám mục, ở Carthage cũng như ở Roma, lo lắng đến toàn thể dân chúng mà các ngài có trách nhiệm và tìm biện pháp để phát triển cộng đồng.
Lúc này Tertullien cảm thấy ông phù hợp với phái Montan. Ðối với ông, chính họ mới là tượng trưng cho tinh thần Kitô trung thực. Mối thiện cảm này biểu lộ đặc biệt trong các tác phẩm ra đời từ năm 207 đến năm 211, Adversus Marcionem, Adversus Valentia nos, De resurrectione carnis. Một trong những tác phẩm kỳ cục nhất, cuốn De Pallio, có đặc tính phi châu vì giọng văn tàn bạo và trào phúng, đánh dấu mối ác cảm của ông đối với Roma: J.Moreau đã cho thấy rất đúng là lúc bỏ áo dài toge để khoác lấy Pallium, ”Tertulien thốt ra một lời thách thố Roma: ông chế riễu những khẩu hiệu tuyên truyền của hoàng đế và tung ra một bản tuyên ngôn thực sự chống đối lại Romanitas (31)”. Cuốn De exhortatione castitatis đề cao đức đồng trinh như hiện thân của một tinh thần kitô hoàn bị. Ít lâu sau thì cuốn De corona kêu gọi các binh sĩ kitô đào ngũ. Tất cả những hành động ấy trực tiếp phản lại các chỉ thị của chính quyền, đang dụng tâm chấn chỉnh gia đình, suy tôn tinh thần ái quốc.
Người ta thấy ngay là những hành động như vậy gây nguy hại cho Giáo Hội. Chúng đã mở đường cho sắc lệnh của Sévère ra đời. Các giám mục cố gắng minh chứng rằng đức tin kitô có thể đi đôi với một lòng ái quốc đứng đắn. Lập trường này trước kia là lập trường của Phaolô. Nó đã đánh dấu đường lối liên tục của các giám mục tại Roma. Ðây là chính lập trường của Zéphyrin. Nhưng Tertullien vẫn trung thành với một tinh thần kitô huyền bí chủ trương đối lập dứt khoát Giáo Hội với Ðế quốc. Việc đối lập thao diễn ra ngay trong đời sống thường nhật. Người kitô hữu không thể tham gia vào đời sống của xã hội: cuốn Apologeticum đã phế bác toàn diện nền văn hóa ngoại đạo; cuốn De spectaculis cấm đoán các kitô hữu tham gia vào những phát biểu đời sống tập thể; cuốn De cultu feminarum muốn cấm các phụ nữ kitô theo mốt mới; cuốn De Virginibus velandis lại muốn cưỡng ép các thiếu nữ lúc ra ngoài phải trùm khăn.
Cuộc tranh chấp về khuynh hướng, giống như cuộc tranh chấp đối lập Tertullien và các bạn của ông với giáo quyền, có chỗ đứng trong Giáo Hội là nơi những luồng tư tưởng có quyền đối chọi nhau. Lập trường của các giám mục có lý do để biện hộ, lập trường của Tertullien cũng thế. Thực ra điều này có nguy cơ đưa đến các vụ ly gián. Ðiều đó đã xảy ra cho Tertullien vào năm 211. Từ lúc này trở đi, ông đoạn tuyệt với Giáo Hội và gia nhập vào cộng đồng Montan. Chính vào lúc này ông công bố cuốn Công vụ của các vị tử đạo Perpetua và Felicita để đề cao lý tưởng tử đạo, cuốn Scorpiace, trong đó ông đả kích những lý lẽ của phái ngộ đạo đang phản đối giá trị việc tử đạo và một trật ông phỉ bác hàng giám mục mà ông cho là có lập trường tương tự; cuốn De fuga in persecutione nhận định lại lập trường để phản đối thái độ của các kitô hữu trốn tránh không chịu xông pha vào việc tử đạo, là thái độ mà các giám mục chấp nhận; cuốn Ad scapulam là một thể văn trào phúng cay chua phản đối ông tỉnh trưởng Scapula, nhân lúc ông này bắt bớ các tín hữu vào năm 212.
Ðồng thời, chủ trương luân lý khắt khe của Tertullien lại càng quá quắt. Cuốn De idolatria cho biết đức tin kitô không thể đi đôi với nhiều hoạt động chức nghiệp, trong đó có nghề dạy văn chương. Sách của Hippolyte cũng kể ra mấy loại tương tự như vậy (32). Cuốn De jejunio bó buộc phải ăn chay các ngày thứ tư và ngày thứ sáu; cuốn De monogamia phản đối việc tái giá. Sau cùng lòng hiềm khích của ông biểu hiện ra cách công khai trong cuốn De paenitentia. Tertullien kịch liệt đả kích sắc lệnh của giáo hoàng Calixte (217-222) công nhận: người ta có thể thống hối về mọi tội. Chính sắc lệnh này cũng bị Hippolyte đả kích trong cuốn Elenchos. Tertullien đối lập với giáo hoàng và chủ trương có những tội không thể tha thứ được, như tội ngoại tình, tội giết người và tội chối đạo. Ông buộc tội giám mục Roma và giám mục Carthage đã trần tục hóa người kitô, đã liên minh với điều ác. Như vậy Tertullien làm chứng: tại Phi châu cũng có cuộc tranh luận khuynh hướng tương tự như cuộc tranh luận mà chúng ta đã thấy ở Roma. Nhưng ông cũng giúp chúng ta chú ý đến những nét đặc thù ông mang đến cho nền Kitô Phi châu.
Trước tiên, chúng ta gặp thấy nơi Tertullien một số đặc tính của thế giới la tinh chưa hề tiếp súc với Kitô giáo. Tertullien là một nhà văn la tinh. Gia sản của ông là gia sản trong nền giáo dục và văn hóa la tinh. Nếu ngôn ngữ ông tạo lên có cái gì riêng biệt, như chúng ta sẽ thấy, nó vẫn là ngôn ngữ bồi dưỡng bằng các sách cổ điển la tinh. Người ta nhận thấy trong văn phẩm ông có những chỗ làm hồi tưởng đến Lucrèce, mà ông trích dẫn trong cuốn De anima. Các đoạn này làm chứng là nền văn chương đời ấy quay lại với Lucrèce, nhưng cũng nói lên các sở thích riêng của Tertullien, vì người ta không gặp thấy cái ảnh hưởng này trong tác phẩm của Minucius Felix là người đồng thời với ông (33).
Thứ đến, Tertullien là một luật gia. Ông đã bộc lộ các tư cách ấy qua lối biện luận trong nhương cuộc bút chiến. Như vậy, ông đem vào một yếu tố khác với những điều chúng ta gặp thấy nơi các nhà minh giáo và nơi nhà bút chiến hy lạp. Trong cuốn Apologeticum, ông đi sâu vào tình trạng pháp lý của các giáo dân và tính cách phi pháp của chế độ người dành cho họ. Nhất là trong cuốn De praescriptione haereticorum, lúc chống đối với phái ngộ đạo và các tà giáo nói chung, ông dùng lối biện minh hoàn toàn pháp lý, tức là lối biện minh thời hiệu: tiêu chuẩn của chân lý là quyền bính của hàng giáo phẩm, vì hàng giáo phẩm thừa kế các Tông Ðồ được Chúa Kitô ủy thác sứ điệp, Thánh Kinh thuộc về hàng giáo phẩm trước tiên. Lối lý luận này là một đặc tính của thế giới la-tinh.
Hơn nữa, Tertullien đã đưa vào khoa thần học một loạt thuật ngữ pháp lý. Chúng sẽ đánh dấu nền thần học tây phương và đào sâu hố chia rẽ giữa hai nền thần học Ðông và Tây phương (34). Chẳng hạn ông trình bày Thiên Chúa trong mối giao tiếp với con người như một vị lập pháp đã đặt ra lề luật, và như quan phán đốc suất thực thi lề luật ấy. Tội tức là vi phạm đến luật này, culpa hay reatus. Ngược lại, động tác đạo đức là chu toàn (satisfacit) lề luật và hoàn thành một việc có công (promoveri). Trong luật của Thiên Chúa phải phân biệt các điều truyền buộc với những lời khuyên. Người ta thấy dựng lên ở đây những phạm trù, chúng được xen vào nền thần học Tây phương, người ta quên rằng chúng liên đới với môn học luật pháp của Tertulien và chúng đã được các người nối tiếp ông chấp nhận, vì tinh thần luật pháp là tinh thần của người La-tinh.
Là văn nhân, là luật gia, Tertullien còn là nhà triết học nữa. Không sâu sắc bằng Origène, nhưng ông lý luận xác thực hơn. Như vậy ở đây ông lại mang đến một đặc tính mới. Chúng ta đã thấy nền triết lý của các nhà minh giáo hylạp là thuyết trung-Platon. Người ta nhận thấy các ông có những từ ngữ mượn trong thuyết khắc kỷ, nhưng đây là những từ ngữ mà thuyết trung-Platon đời ấy quen dùng. Tertullien cũng biết đến thuyết trung-Platon. Người ta nhận thấy Albinos đã ảnh hưởng nhiều trên tư tưởng của ông (35). Về văn chương, ông đã nghiên cứu Platon như các người đồng thời khác. Nhưng, khác với văn giới Alexandrie, ông có nhiều điểm tương đồng với phái khắc kỷ và càng ngày càng nặng lòng với ảnh hưởng của phái này (36). Ông đối lập triệt để với giới văn sĩ Alexandrie. Ông gần với Asia hơn. Nhưng các văn gia Asia không phải là những nhà hiền triết. Tác giả cuối cùng viết về ông đã nói: ”Ông theo quan niệm của Irénée về phương diện cứu rỗi, nhưng ông lại chủ trương đem thuyết khắc kỷ hiện hành vào lâu đài thần học” (37).
Về điểm này, chúng ta có thể nêu ra nhiều ví dụ: Trong cuốn De Testimonio animae, Tertullien tuyên bố ông sẽ mang đến một lý luận mới trong kiến thức tự nhiên mà mọi người sẵn có về Thiên Chúa. Ông cho rằng như thế là ông hơn các tác giả trước, tức hơn Justin và Clément thành Alexandrie. Thế mà lý luận ông đưa ra là lý luận của lương tâm, nó chỉ hướng cho con người đã có một ý niệm về Thiên Chúa. Thuyết này từ Chrysippe mà ra và được truyền đạt đến Tertullien qua môi giới của Sénèque, Seneca noster, như ông thường gọi (38). Khoa tâm lý của Tertulien, lối diễn tả trong cuốn De anima, với quan niện về hình thể của linh hồn, được vay mượn trong nhà khắc kỷ Soranus mà ông đã dẫn chứng một cách minh bạch. Thuyết này đối lập hẳn với thuyết Platon. Chung qui có thể nói được rằng quan niệm về natura là cái chìa khóa mở lối vào khoa thần học của ông (39). Thế mà quan niệm này chi phối tư tưởng của phái khắc kỷ.
Tuy có đem vào Kitô giáo những truyền thống mới, thân la tinh, duy pháp lý, theo khắc kỷ, nhưng Tertullien không có thái độ nô lệ như Minucius Felix. Trên bình diện từ ngữ, mặc dầu ông trung thành với nguyên tắc của nghệ thuật diễn thuyết, ông vẫn không quá lệ thuộc vào các kiểu mẫu cổ điển. Ðúng như lời bà Christine Mohrmann nói: ”Ông đã khai thác những cái phong phú trong ngôn ngữ thông thường của các Cộng Ðồng Kitô và như vậy ông không phải là người phát minh ra đặc từ kitô, nhưng ông là người có sáng kiến lớn đã đưa đặc từ của các giáo dân, là thứ đặc từ nhiều chất cách mệnh và ít chất cổ truyền, vào nền văn chương la tinh” (40). Ðiều này lại đối lập Tây phương với Ðông phương. Tiếng la tinh kitô sẽ là một sinh ngữ, có liên hệ với kiểu nói thông thường; tiếng hy-lạp kitô sẽ bị gò bó vào lối bắt chước những kiểu mẫu cổ điển.
Trên bình diện tư tưởng cũng vậy. Ông đào bới trong căn bản khắc kỷ, nhưng vẫn giữ óc tự do để đào thải những luận đề khắc kỷ đối lập với đức tin. Ông còn đào thải các luận đề của Platon cách triệt để hơn Origène. Như vậy ngay từ lúc đầu ông đã mang lại cho nền thần học la tinh một căn bản vững chắc mà đường lối của Origène đã ngãng trở khoa thần học hy lạp khám phá ra. Ngữ vựng của ông nhiều khi thiên về pháp lý, nhưng tư tưởng của ông lại rất ít pháp lý, và khuyết điểm chính là các độc giả sẽ hiểu những hình ảnh của ông một cách quá vật chất. Ðiều ông lưu ý trước tiên là diễn tả tín lý kitô một cách khúc chiết. Ðể được việc, ông mượn các từ hay cụm từ ông đã gặp bất kỳ ở đâu, trong phái khắc kỷ, cũng như trong ngôn ngữ pháp lý hay trong tiếng nói thông thường.