CHƯƠNG XI
TÂY PHƯƠNG
DƯỚI ÐỜI NHÀ SÉVÈRE
CHƯƠNG XI
TÂY PHƯƠNG DƯỚI
ÐỜI NHÀ SÉVÈRE
Sau khi Commode là người cuối cùng của nhà Antonin bị ám sát vào năm 193, đế quốc Roma lâm vào một tình trạng lộn xộn kinh khủng. Chính một người Phi châu, Septime Sévère lên nắm chính quyền. Trang lịch sử của các vị hoàng đế triết lý đã mở ra. Sévère là người có tài cai trị, đã vãn hồi được trật tự cho Ðế quốc. Những mối giao tiếp giữa Ðế quốc và Giáo Hội bắt đầu đổi hướng. Ðối với các tín hữu, Sévère không ác cảm theo lối trí thức như Marc-Aurèle. Cuộc hôn nhân của ông với Julia Domna, con gái của thầy cả thượng tế thành Émèse, là một cơ hội thuận tiện để các tôn giáo Á đông tràn vào Ðế quốc. Nhiều cận thần của ông là kitô hữu. Nhưng ông có óc độc tài theo lối quân phiệt. Bên cạnh những kitô hữu chủ trương dung hòa với Roma, lại có một số tín hữu khác vẫn giữ tinh thần bất khuất. Vì đó mà có vụ xung đột giữa Ðế quốc và Giáo Hội (1).
I. SẮC LỆNH CỦA SÉVÈRE
Vào những năm cuối cùng thế kỷ II và vào đầu thế kỷ III, những mối hy vọng huyền bí lại bùng lên một cách lạ thường giữa giới kitô. Ðây là một cuộc phục hồi phong trào cứu thế Do Thái-Kitô nguyên thủy, vọng về việc Chúa Kitô sắp trở lại và hướng vào việc kêu gọi phải sống khổ hạnh triệt để. Các khuynh hướng này lúc đầu biểu hiện ra trong thuyết Montan. Triều đại của Sévère là thời kỳ thuyết Montan tuyên truyền mạnh mẽ trong nước ý và tại Phi châu. Proclus, người được Tertullien tán tụng, làm tông đồ tại Roma, dưới đời giáo hoàng Zéphyrin (199-217). Eschine lại tiêu biểu cho chi nhánh khác của cùng một trào lưu Montan. Tại Phi-châu, thuyết Montan đã lôi kéo được Tertullien khoảng năm 207. Thuyết Montan tự giới thiệu như là đảng của các vị tử đạo. Quả thực, phong trào này đã có những vị tử đạo. Người phái Montan coi đấy như một dấu chỉ họ đang nắm giữ thiên khải đích truyền. Chính những người đối lập cũng chứng minh điều ấy, bởi vì họ không tìm cách chối cãi là đối phương có người tử đạo, họ chỉ phủ nhận giá trị chứng minh của các người tử đạo. Bởi vậy có tác giả ẩn tên phản Montan mà Eusèbe trích dẫn, nói lên rằng các tà giáo khác, chẳng hạn như phái Marcion, cũng có nhiều người tử đạo (H.E. V,16,20). Ông thêm rằng lúc bị bắt với người phái Montan các người công giáo nhất định không thông công với họ, như truyện đã xảy ra tại Apamée miền Méandre (15,21). Mặt khác Apollonius phản bác giá trị của mấy vụ tử đạo: một người tên Alexandre nọ tự xưng mình là người tử đạo, nhưng thực ra y bị tổng đốc thành Ephèse, là Aemelius Frontinus (18-19) lên án vì tội ăn cắp.
Nhưng trào lưu Khải Huyền lan rộng hơn thuyết Montan nhiều. Trào lưu Asia còn giữ lại một cái gì của thiên niên thuyết (2). Tại Phi Châu, Tertullien, ngay từ lúc mới trở lại Kitô giáo, khá lâu trước khi ông theo thuyết Montan, đã bộc lộ một tinh thần kitô quá khích (3). Ðiều này xảy ra liền ngay trước khi có sắc lệnh của Sévère. Trong tiểu luận Ad Martyres mà chúng ta có thể đặt niên đại chính xác vào năm 197, vì có nhắc đến cuộc thất bại của Clodius Albinus trước Septime Sévère, ông khuyến khích các giáo dân bị giam giữ, nói cho họ biết rằng họ đã dấn thân vào cuộc chiến đấu chống các quyền lực của ma quỉ. Và cuốn Minh giáo, cũng xuất bản vào thời kỳ ấy bày tỏ một tinh thần kitô không thỏa hiệp về bất cứ điểm nào.
Ðàng khác chúng ta cũng thấy, vào cuối thế kỷ II và đầu thế kỷ III, là thời kỳ thịnh hành của những Ngụy Công Vụ Tông Ðồ. Bằng chứng thứ nhất chúng ta nắm được về sách Công vụ của Phaolô là của Tertullien. Trong Tiểu luận về phép Rửa Tội, ông cho biết văn kiện ấy mới được một linh mục người Asia chép ra. Văn kiện của Tertulien nằm vào khoảng năm 200. Như vậy cuốn Công vụ của Phaolô ra đời khoảng năm 190. Sách này tán tụng những cuộc đấu tranh của Thécle và của Phaolô chống đối các người bắt bớ họ. Ý tưởng nòng cốt trong đó là mối tranh chấp giữa việc tôn kính Ðấng Kitô và việc tôn sùng hoàng đế. Trong đó cũng gặp thấy, như trong thuyết Montan, việc nữ giới nói tiên tri và việc đề cao đức đồng trinh.
Nội dung ấy ta lại gặp thấy trong nhiều cuốn Công vụ khác (4). Cuốn Công vụ của Phêrô khuyên răn các người kết bạn ly thân và kết thúc bằng việc tường thuật cuộc tử đạo của Phêrô, sau khi đã kể giai thoại trứ danh ”Quo vadis”. Lễ thánh thể được làm với bánh và nước. Các Công vụ này xem ra có xuất xứ từ Phénicie. Sách Công vụ của Gioan và Công vụ của Anrê cũng trình bày những khuynh hướng ấy: Tường thuật các cuộc tử đạo, đề cao đức đồng trinh, khuyến khích các đôi bạn ly thân. Tất cả nền văn chương này xem ra gần gũi với thuyết Montan, nhưng lại tiêu biểu cho những giới khác. Hình như trong đó người ta nhận thấy ảnh hưởng của tinh thần khổ hạnh Syrie (5).
Một điểm khác là sự phát triển các sách Công vụ của các vị Tử Ðạo (6). Nhiều tập là nguyên văn hồ sơ các vụ án, được giáo dân bảo tồn và công bố ra. Như trường hợp cuốn Công vụ của Justin, tử đạo tại Roma năm 165. Chúng ta cũng nắm được các Công vụ của những vị Tử Ðạo Scillitains tại Phi châu. Ðây là tài liệu cổ nhất chúng ta có được về Giáo Hội Phi châu. Các ngài chịu tử đạo dưới đời Commode, ngày 17 tháng 7 năm 180. Những công vụ khác của các vị tử đạo là những bài tường thuật căn cứ theo ký ức của những người được mục kích. Ở đây phúc tử đạo được đề cao một cách rõ rệt hơn. Thuộc loại này có truyện Tử đạo của Polycarpe. Có thể là tập phúc trình chúng ta có đây là của thời đại Septime Sévère và là tiếng vọng về các cuộc thảo luận chung quanh thuyết Montan (7). Cuốn Công vụ của các vị Tử Ðạo Lyon được Eusèbe lưu giữ, ra đời năm 178. Tuy đề cao các vị tử đạo, sách này chống lại thuyết Montan và thuyết Encratit. Nó cũng bắt nguồn từ một khung cảnh chung (8). Trái lại, sách Công vụ của Perpetua và Félicita là bản tuyên ngôn của Tertulien, người theo thuyết Montan.
Nền văn chương này quả đã làm thức tỉnh lòng mẫn cảm kitô. Tertulien thuật lại trường hợp các kitô hữu ồ ạt đến trước tòa án vị tổng đốc Asia tên là Annius Antonius và bị ông đuổi về. Việc này xảy ra năm 184 hay 185. Những thái độ quá khích do khoa thần bí gây nên, làm cho Giáo Hội buộc lòng phải can thiệp. Người ta lên án những giáo dân tìm dịp khiêu khích để miễn cưỡng các nhà cầm quyền bắt bớ mình.
Việc đề cao phúc tử đạo này liên hệ với lòng tin tưởng là chày kíp Chúa Cứu thế sẽ tái giáng, nó xuất hiện tại nhiều nơi vào khoảng các năm 200. Eusèbe nói tới một văn nhân thời ấy, là Jude. Theo Eusèbe, văn nhân này đã chép về bảy mươi tuần lễ của Daniel và tiên báo thời kỳ ấy kết thúc vào năm cuối cùng của triều đại Sévère, nghĩa là năm 203. Eusèbe nói thêm: ”Jude cho rằng việc Quỉ vương tái thế mà mọi người nói đến đã tới rồi, vì cuộc bắt đạo hung dữ đến nỗi làm xao xuyến nhiều tâm hồn” (H.E. VI,7). Hippolyte thuật lại trong cuốn Chú giải về Daniel tích truyện của một giám mục Syrie đưa cả cộng đồng vào sa mạc để nghinh đón Chúa, và truyện một giám mục miền Pont kể lại ông chiêm bao thấy cuộc phán xét chung sẽ xảy ra vào năm tới (9).
Nhiều tác phẩm của Hippolyte cũng nằm trong một khung cảnh như thế, cho dù nội dung không đến nỗi quá quắt. Cuốn Chú giải về Daniel xuất bản vào năm 203 hoặc 204, nghĩa là liền ngay sau sắc lệnh của Sévère. Nó ra đời vào lúc người ta đang tính toán niên đại về các tuần lễ trong năm có liên hệ đến sự chờ đợi Chúa Kitô tái thế (10). Cuốn Khái luận về Quỉ vương ra đời viết vào khoảng năm 200, cũng trả lời đúng các ưu tư này. Ðể phản đối những ai chủ trương việc Quỉ vương ra đời trùng hợp với cuộc bắt đạo của Sévère, sách này minh chứng rằng Roma mới là sức mạnh thứ bốn được Daniel báo trước và bởi đấy thời kỳ tái giáng của Ðấng Kitô chưa tới. Bối cảnh của khái luận về quỷ vương là thời kỳ thế mạt.
Ngay cả đến thành phố Alexandrie cũng không tránh nổi cơn vũ bão này. Theo lời tường thuật của Eusèbe, chính Origène, lúc ông còn trẻ, cũng bị cuốn vào trong cơn lốc này. Cho dù, có phần phóng đại của sử gia trong việc nhận định về lòng ham ước được tử đạo của Origène trong kỳ bách hại, chúng ta phải ghi nhận: Nói đúng ra, thái độ ấy của Origène ăn khớp với bầu không khí chung của thời đại, và đó là một sự thật. Chỉ cần lặp lại bản văn của Eusèbe: ”Một sức ham hố phúc tử đạo đã xâm nhập vào linh hồn Origène, lúc ông đương độ xuân xanh, đến nỗi đi đón nhận nguy hiểm, nhảy bổ lên và dấn thân vào cuộc chiến đấu đối với ông là một điều thích thú” (H.E. VI,2,3). Và người ta biết truyện mẹ ông phải giấu áo quần ông đi để ngăn cản ông khỏi xông pha liều mạng. Ít lâu sau, vào thời kỳ bắt đạo của Maximin, năm 235, Origène đề cao lý tưởng tử đạo trong một văn kiện gửi cho Ambrosio bạn của ông.
Người ta ghi nhận là Clément lúc đó đang sống tại Alexandrie có một thái độ khác hẳn. Ông rời khỏi thành phố, như một số người khác. Origène thuộc về một giới riêng, được đánh dấu nhiều hơn bởi những khuynh hướng thế mạt. Giữa Clément và Origène còn có mấy điểm dị biệt khác. Eusèbe cho chúng ta biết Origène không uống rượu, trong một thời gian khá lâu. Chúng ta biết vì yêu mến tiết dục ông đã tự hoạn mình. Ðây hoàn toàn là khuynh hướng của phái Montan. Bởi vậy các lập trường của Origène làm liên tưởng đến tính hà khắc của Tertullien và của Hippolyte. Và lập trường của ông đối với Ðế quốc cũng giống như lập trường của các ông kia. Ðến sau, ông thay đổi các lập trường ấy và tỏ ra có thái độ ôn hòa hơn. Nhưng tuổi thiếu thời của ông nằm trong bầu không khí khải huyền của các năm 200.
Một điều đáng chú ý là thái độ này cũng gặp thấy vào thời kỳ ấy tại Phi châu, tại Asia, tại Roma, tại Alexandrie. Ðây là cùng một tinh thần kitô khải huyền biểu hiện ra. Origène, Tertullien, Hippolyte đều có một thái độ lơ là đối với vận mệnh của thế giới trần tục. Ðiều các ông mong ước nơi đây là tử đạo, nó nói lên rằng xã hội trần gian không đi đôi với nước của Thiên Chúa. Dưới mắt các ông, có tử đạo là nước trần gian đã bị lên án rồi. Sinh con đẻ cái để nối dõi xã hội trần thế, sung vào quân đội để bảo vệ bờ cõi là điều vô ích. Những cái đó là truyện của một thế giới đã lỗi thời. Xã hội kitô đã hiện diện và mai đây sẽ được phát lộ ra, đòi hỏi phải tinh khiết như các thiên thần, và phải có bác ái. Tiên vàn là đừng nhượng bộ.
Tinh thần kitô này không phải là tinh thần kitô của thời đại. Và nhất là nó không phải tinh thần của các giám mục. Người ta thấy các ngài quan tâm nhiều hơn đến việc cứu rỗi của đại đa số, băn khoăn như những người chăn chiên đối với dân chúng, nghiên cứu một tinh thần kitô thực tế, ước vọng muốn dàn xếp với các nhà cầm quyền. Nhưng chính vì thế mà Tertulien đã đoạn tuyệt với Giáo Hội để lập lại một giáo phái khác; Hyppolite sẽ kịch liệt đả kích các giám mục Roma, Zéphyrin cũng như Calixte, và ông buộc tội các ngài là phóng túng và nghiêng chiều theo trần tục; Origène sẽ bị Demetrius giám mục Alexandrie đào thải. Bề ngoài các lý do có thể không giống nhau. Nhưng cuộc tranh chấp cũng là một: đó là cuộc tranh chấp giữa các nhà trí thức hăng nồng với một thứ Giáo Hội lý tưởng với các vị chăn chiên có ý thức về hiện tình của một Giáo Hội thực tế.
Chính vào lúc này xảy ra vấn đề các liên hệ với Ðế quốc. Tình hình của giáo dân vào các năm cuối đời nhà Antonins đã sáng sủa hơn. Qui chế pháp lý của họ vẫn giống như trước, nhưng người ta tránh việc quấy rối họ. Cuộc bắt đạo cuối cùng đã xảy ra vào đời Marc-Aurèle. Commode, người lên thay thế ông năm 180, có nhiều người thân cận là kitô hữu: Chúng ta biết truyện tì thiếp của ông tên là Marcia đã can thiệp cho các vị tuyên xưng, đáng lẽ phải đày đi làm mỏ ở Sardaigne, được tha bổng; truyện một số kitô hữu có địa vị cao, như ông phó ngân khố Prosénes mà một bia mộ ghi lại, hay như Carpophore sau này sẽ có Calixte làm gia nô. Dưới triều đại Commode chỉ có mấy vụ lên án lẻ tẻ: vụ lên án các vị tử đạo Scillitains năm 180, vụ lên án ông nghị Apollinius vào giữa các năm 183 và 185 (11).
Tình hình này xem ra vẫn còn tiếp tục vào những năm đầu của triều đại Sévère. Trong giới thân cận của ông có mấy kitô hữu. Người chữa bệnh cho ông là tín hữu Proculus. Ông vẫn giữ Prosénes trong chức vụ cũ. Hoàng đế vẫn nhớ ơn các giáo dân Asia vì đã ủng hộ ngài trong cuộc tranh đấu chống Pescennius Niger. Ngài không dè dặt bào chữa những tín hữu thuộc gia đình các nghị sĩ lúc dân chúng bạo động. Những điều ấy làm chứng rằng Sévère là người có óc thực tế. Các tín hữu lúc này đã trở nên một lực lượng có thể cậy nhờ. Không có lý do đào thải hay không dùng đến trong các cơ quan hành chánh những người có giá trị, chỉ vì họ là kitô hữu. Bao lâu các tín hữu còn phụng sự Nhà Nước, đó là mối bận tâm độc nhất của hoàng đế, thì ngài vẫn sẳn sàng bênh đỡ họ.
Dầu vậy, năm 202, Sévère cũng ra một sắc lệnh cấm các tín hữu hoằng dương tín ngưỡng, nghĩa là cấm truyền bá Kitô giáo. Ðây là hành động pháp lý đầu tiên trực tiếp tấn công các tín hữu. Sévère ra sức tìm tòi các tiền lệ bảo vệ sắc lệnh này. Nhà luật học của ông là Ulpien thu tập các quyết định đã có trước về người kitô. Các quyết định ấy đều có một ý nghĩa tiêu cực: chưa bao giờ Kitô giáo được chính thức công nhận có quyền hiện hữu hợp pháp. Nhưng các quyết định ấy cũng không phản đối việc Kitô giáo hiện diện và phổ biến. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt thúc đẩy bắt bớ các kitô hữu. Trái lại, lần này là một biện pháp chung, ra lệnh cho các công chức của chính phủ phải hãn ngữ bước tiến triển của Kitô giáo.
Khó lòng không liên kết biện pháp này với đặc tính khải huyền của trào lưu mà chúng ta nói đến ở trên. Và phải nhận thực, Sévère có lý do để lo ngại. Nó đã chẳng làm cho các vị lãnh tụ của Giáo Hội phải bận tâm đó sao? Bởi vì trong phong trào này có những khuynh hướng phản lại ý định của hoàng đế trong việc phục hưng Ðế quốc. Lúc mà Sévère cải tổ các luật hôn nhân, tìm cách củng cố gia đình, thì các tín hữu này lại lên án hôn nhân và kêu gọi tất cả các người đồng đạo phải tiết dục. Trong khi biên cương của Ðế quốc bị hăm dọa bởi người Parthes về phía đông, bởi người Scots về phía bắc và lúc phải huy động toàn thể các lực lượng, thì các tín hữu lại kêu gọi phải từ khước tòng quân (12).
Cứ theo như chính bản đồ của cuộc bắt đạo thì đủ hiểu Sévère tróc nã Giáo Hội không vì tập đoàn Giáo Hội cho bằng vì muốn truy tố một số khuynh hướng quá khích. Thực ra những nhóm bị tấn công là những nhóm thuộc về các khuynh hướng Cứu Thế. Giữa nhóm này có một số người công giáo, nhưng cũng có các người tà giáo nữa. Phái Montan bị tấn công nhiều nhất. Rõ ràng, phái Marcion có những khuynh hướng khổ hạnh khắt khe và hình như vào thời này, họ đã chịu ảnh hưởng của thuyết Montan, vì thế họ cũng bị điêu đứng. Ngược lại, chúng ta thấy hai loại người, thật là đối lập nhau lại thoát khỏi cuộc bắt bớ. Trước tiên là người ngộ đạo, được công nhận như là phe phản thiên-niên-thuyết và đặt hy vọng vào thế giới bên kia (13). Thứ đến là các giám mục, hình như không bị liên lụy.
Có thể nói rằng những biện pháp của Sévère tìm cách hãn ngữ việc truyền bá đạo Do Thái và đạo Kitô một trật. Các biện pháp ấy đã được công bố vào dịp hoàng đế đi qua Palestine. Có lẽ người ta tự hỏi: phải chăng phong trào chấn hưng thuyết cứu thế kitô cũng trùng hợp với trào lưu cứu thế do thái, nhất là ở Palestine và miền Mésopotamie (14). Người Do Thái vẫn nuôi mối uất hận đối với ách Roma. Những cuộc chinh phạt của người Parthes vào thế kỷ III hun đúc trong tâm hồn họ niềm hy vọng được giải phóng. Cững vào đầu thế kỷ III, tại Dura-Eurapos trên bờ sông Euphrate, hội đường Do Thái đã được trang hoàng bằng những bức vẽ mà chúng ta đã tìm thấy. Qua các bức tranh này người ta nhận thấy sáng lên niềm hy vọng cứu thế (15).
Sắc lệnh của Sévère ấn định một cuộc bắt đạo. Dù sao cuộc bắt đạo này cũng không đến nỗi tàn nhẫn lắm và không mấy chốc đã dịu lại. Các vị kế tiếp Sévère, Caracalla, Elagaballe, Alexandre Sévère xem ra không tích cực thi hành sắc lệnh ấy. Hai miền chúng ta có nhiều tài liệu về cuộc bắt đạo là Aicập và Phi châu. Tại Aicập, Eusèbe cho chúng ta biết năm 202 các tín hữu được dẫn từ khắp nơi về Alexandrie để chịu tử đạo. Chúng ta biết Leonide cha của Origène đã bị trảm quyết. Origène, mặc dầu còn ít tuổi, đã được ủy nhiệm dạy giáo lý thay cho các giáo viên khác đã bị bắt.
Những cuộc bắt đạo còn kéo dài vào các năm sau, dưới đời ông thủ hiến miền Aicập là Serbatianus Aquila. Eusèbe cho biết Origène làm các người ngoại giáo bực mình vì ông có mặt bên các tín hữu đã bị bắt, tới tù ngục, trước tòa án và cho đến tận pháp trường. Trong số các người đã bị xử tử sau khi được ông dạy đạo cho, Eusèbe kể tên Plutarque, anh của Héracléon là giám mục Alexandrie, Serenus người bị đốt, Heraclide còn dự tòng và Héron, mới được rửa tội; còn một Serenus khác cũng bị trảm quyết. Về phía nữ giới có bà Hérais, người dự tòng, ”đã chịu phép rửa tội bằng lửa” (H.E. VI,4,3). Eusèbe nói dài hơn cả về cuộc tử đạo của chị Potamiène, là người đã cùng với mẹ là bà Marcella chịu chết bỏng vì nhựa thông sôi. Một người ngoại giáo, Basilide, cũng là thính giả của Origène, nhân lúc mục kích cuộc tử đạo của Potamiène, đã tự xưng mình là người công giáo, nên được anh em cho chịu phép rửa tội, rồi bị chém đầu (5, 5-6).
Người ta ghi nhận là các vị tử đạo phần lớn là những tân tòng hay những dự tòng. Ðiều này xem ra liên hệ tới chủ yếu của sắc lệnh: Sévère ra sắc lệnh cấm việc tuyên truyền. Thứ tội bị lên án là việc chuẩn bị để chịu phép Rửa Tội hay mới chịu phép Rửa Tội. Biện pháp này thật là khôn khéo, nó không xâm phạm đến các giáo dân kỳ cựu và bó buộc phải rất thận trọng trong việc nhận người gia nhập dự tòng. Ðiều đó cắt nghĩa tính cách nguy hiểm của nhiệm vụ thầy giảng. Chức vụ này là một vi phạm trực tiếp vào luật pháp. Người ta dễ hiểu đa số đều lẩn tránh chức vụ này, và phải có bầu nhiệt huyết của Origène mới dám nhận trách nhiệm.
Tình hình cũng tương tự như thế tại Carthage. Chúng ta biết về thành phố này là nhờ ở Tertulien. Cuộc bắt đạo thứ nhất đã xảy ra năm 203, dưới đời ông tổng đốc Hilarianus. Bị xử vào dịp này có thầy giảng Saturus, một người tân tòng, chị Perpetua với Felicita là nữ tì của chị, và bốn người dự tòng. Tình thế cũng tương tự như tình thế tại Alexandrie. Nhưng ở đây thầy giảng cũng bị xử tử. Chúng ta còn giữ được các Công vụ của những cuộc tử đạo này. Có lẽ do Tertullien chép lại. Chúng bộc lộ một khuynh hướng Montan rõ rệt. Trong Công Vụ nói nhiều đến ba cuộc khải thị của chị Perpetua. Ðây là một tài liệu độc nhất vô nhị về óc tưởng tượng kitô của thời đại.
Triều đại Sévère và những triều đại kế tiếp được đánh dấu bởi một số trường hợp tử đạo khác. Nhưng khó biết đích xác chúng có liên hệ tới sắc lệnh hay chỉ nằm tiếp nối pháp luật đã có từ trước. Danh sách các tử đạo đặt cuộc tử đạo của Irénée tại Gaule vào chính thời kỳ này. Tại Cappadoce giám mục Alexandre, sau làm giám mục Jerusalem, bị tống ngục. Trong khi ngồi tù, ông nghe tin Asclépiade được bầu làm giám mục Antioche năm 211 (16). Tại Roma, Eusèbe thuật lại tích truyện của một người tên là Natalios bị phái nghĩa tử đem tiền mua chuộc. Nhưng vì trước đây ông đã tuyên xưng đức tin, nên Chúa Kitô không để ông theo tà giáo. Giai thoại này hình như nằm vào năm 203. Có lẽ ông này là một người đạo mới và đây là một nố bắt đạo theo sắc lệnh. Sau cùng Tertullien thuật lại cho chúng ta biết dưới đời Caracalla, ông tổng đốc Phi châu là Scapula lên án các giáo dân vì có những lời tố giác. Ðiểm này cho thấy hình như luật cũ lại xuất hiện.
II. HIPPOLYTE VÀ CALIXTE
Chúng ta đã thấy tình trạng của giáo đoàn Roma dưới đời Victor (189-199). Tại đây có hai khuynh hướng đối lập nhau. Cả hai đều cố tìm cách lôi kéo các vị giáo quyền về phía mình. Thuyết Montan ra sức tuyên truyền tại đấy và đã gặp được nhiều cảm tình. Ðối với cả những người không phải là thành phần của phái này, thuyết Montan vẫn là tiêu biểu cho tinh thần Kitô-Asia. Các văn kiện của Gioan và nhất là cuốn Khải huyền duy trì hình ảnh về sự căng thẳng giữa hoàng quyền và Giáo Hội. Ngày tận thế được chờ đợi như sắp xảy đến. Bầu không khí bắt đạo do Septime Sévère tạo ra, lại đổ dầu thêm cho trào lưu này.
Nhưng toàn thể cộng đồng không tán thành thuyết Montan và phong trào thiên niên Asia. Bởi thế, chính tại Asia đã có sự đối lập của các giám mục. Hình như Praxeas đã được gửi từ Asia sang Roma để cảnh cáo phản lại việc truyền bá thuyết của Montan. Eleuthère đã nghe ý kiến của Praxeas. Ðấng kế vị Victor là Zéphyrin (199-217) xem ra cương quyết hơn trong việc phản đối lại phong trào này. Ngài có thầy phó tế Calixte, sau sẽ lên thế vị ngài (217-222). Linh mục Roma tên là Caius hăng say đến độ dám bác bỏ sách Khải Huyền, với lý do: trong đó có nguồn gốc của thuyết Montan. Ðối lập với thuyết Montan, các giới này cũng nghi kỵ những lối suy tư về Ngôi Lời. Họ cứ dựa vào một nền thần học cổ xưa, nền thần học mà chúng ta đã gặp thấy trong tác phẩm của Praxeas và của Calixte. Nhưng nền thần học này đã bị Noet xuyên tạc theo chiều hướng thuyết hình thái (modaliste). Epigone đã phổ biến các tư tưởng này tại Roma. Zéphyrin và Calixte không cảnh giác ông này cho đủ. Vì vậy mà các ngài đã bị chỉ trích.
Trong bầu không khí ấy Hippolyte xuất hiện. Tiểu sử của nhân vật lớn này thường trở nên phức tạp vì người ta ngộ nhận ông với các nhân vật khác trùng tên với ông. Thoạt tiên phải phân biệt ông với một giám mục đông phương được Eusèbe kể tên (H.E. VI,20,2) mà không nói là giám mục tại đâu (17); rồi với một vị tử đạo thành Antioche; thứ ba là với một sĩ quan đã chứng kiến cuộc tử đạo của thánh Laurent. Chính vị sĩ quan này cũng được tử đạo và được mai táng tại Ager Veranus. Ngược lại, theo chúng tôi thì, trái với Hanssens, phải nhận ông là một linh mục Roma, đã bị đày sang đảo Sardaigne năm 235 cùng với Giáo hoàng Pontien và được mai táng gần đường Via Tiburtina (18). Sau cùng, mặc dầu có những vấn nạn đáng kể do Nautin khai triển trong một loạt bài nghiên cứu (19), thiết tưởng rằng bức tượng của ông đã được phát hiện gần đường Tiburtina. Nautin không nhận như thế, ông viện chứng rằng thư mục các sách được liệt kê trên pho tượng không trùng hợp với thư mục các tác phẩm của Hippolyte chúng ta gặp ở nơi khác. Theo ông thì pho tượng này là tượng của ông Josipe,linh mục Roma, cũng là tác giả cuốn Phác thảo những phản chứng chống lại các tà giáo. Nhà văn Hippolyte là người đông phương.
Nhưng thuyết của ông hình như không đủ bằng chứng phản bác những lý lẽ được viện ra để nhận rằng pho tượng kia là tượng của Hippolyte. Trước hết không có gì lạ khi thấy phần lớn các tác phẩm của Hippolyte không được ghi trên pho tượng. Thật ra trên pho tượng thiếu phần đầu của thư mục; rồi thư mục dừng lại trước những sách được ấn hành vào năm 224, là năm dựng pho tượng, ít lâu sau niên lịch Phục sinh có ghi vào đấy và bắt đầu tính vào năm 222. Tuy nhiên, cuốn Elenchos mà Nautin đã quả quyết là của người tạc tượng lại không được ghi vào đấy. Chắc rằng nhiều sách khác cũng chịu chung một số phận. Như thế là thư mục trên pho tượng chỉ ghi những tác phẩm của Hippolyte vào các năm 210 đến 224. Thư mục này theo thứ tự thời gian.
Thứ đến, các điểm quan hệ giữa các tác phẩm được ghi trên pho tượng với các tác phẩm chắc chắn là của Hippolyte nhiều đến mức chúng khó có thể nói đúng, là tác phẩm của cả hai nhân vật. Nautin bó buộc phải giải thích là Hippolyte đã chịu ảnh hưởng Josipe. Nhiều tên sách là của hai người, như ”Về các đoàn sủng”, ”Truyền thống Tông Ðồ”, ”Chứng minh về ngày tháng lễ Phục Sinh”, ”Bản đồ phục sinh”, ”Tiểu luận về sách Khải Huyền”. Ngoài ra, có liên hệ mật thiết giươa cuốn Kỷ yếu ghi trên pho tượng và cuốn Chú giải về Daniel”. Cuốn này chắc chắn là của Hippolyte. Rồi cuốn Elenchos mà tác giả được tạc hình và cuốn Phản đối Noet, đích thực là của Hippolyte. Ðiều xác định hơn trong hai cuốn Kỷ yếu và Elenchos cắt nghĩa mối liên hệ giữa hai sách. Dựa vào điểm trên của cùng một tác giả để cắt nghĩa chỗ dị biệt thì dễ hơn là phân biệt hai tác giả khác nhau.
Như vậy, có thể đề nghị dựng lại cuộc đời của Hippolyte. Hình như ông sinh vào khoảng năm 170. Các tác phẩm đầu tiên của ông, Bàn về Quỉ vương và cuốn Chú giải về Daniel ra đời, như trên kia đã nói, trong lúc Sévère bắt đạo. Cũng vào thời kỳ này ông đã công bố một phần lớn các tác phẩm giải nghĩa Thánh Kinh mà Eusèbe và Jérôme nói đến. Ông bắt đầu cuộc tranh luận chống đối Calixte khoảng năm 217 với cuốn Tóm lược (suntagma) phản đối các tà giáo, mà đoạn Phản đối Noet là phần cuối. Vào lúc này ông cho ra đời các tác phẩm của phần thư mục duy trì trên pho tượng. Thư mục còn gồm hai tác phẩm giải nghĩa Thánh Kinh, phần nối tiếp cuộc bút chiến phản đối Calixte với việc biện hộ cho sách Khải Huyền, cuốn Truyền thống tông đồ, cuốn Kỷ yếu, tiểu luận Về vũ trụ, Lời khích lệ chị Sévérienne. Thư mục này trùng hợp với đời giáo hoàng Calixte (217-222). Hippolyte lúc đó đang tranh luận với giáo hoàng.
Nhưng năm 222, Urbain kế vị Calixte. Hippolyte được ủy thác dựng lại một niên kỷ Phục Sinh. Niên kỷ này được ghi vào pho tượng dựng lên khoảng năm 224. Pho tượng kể tên những sách cuối cùng do Hippolyte viết, kể từ lúc ấn định niên kỷ cho đến khi dựng pho tượng, nghĩa là từ năm 222 đến 224. Thư mục đó gồm có cuốn ”Biện luận về ngày tháng của leă Phục sinh”, ”Các Ðoản ca”, ”Tiểu luận về sự Sống Lại gửi cho Julia Mammaea, mẹ của Alexandre Sévère vừa lên ngôi hoàng đế năm 222, một tiểu luận ”Về sự thiện và nguồn gốc của sự ác”. Cho đến lúc ông qua đời, năm 235, Hippolyte còn hoàn tất nhiều tác phẩm khác, nhưng không được ghi trên pho tượng. Ông tiếp tục công trình giải nghĩa Thánh Kinh. Ngoài ra Hippolyte cũng công bố cuốn Elenchos phản đối các tà giáo. Sách này nhằm đả kích cách riêng những giáo phái ngộ đạo đang thịnh hành tại Roma dưới đời Alexandre Sévère, như phái Naasséni, mà nhà mồ đường Viale Manzoni nói đến. Sách đó kết thúc với phái Elchasaites, là thuyết được truyền bá sôi nổi vào thời Origène. Hippolyte mượn cơ hội ấy để gay gắt đả kích Calixte, người mà ông đã kịch liệt tấn công khi viết về tà thuyết Noet. Ông tấn công dễ dàng là nhờ cuộc phản ứng chống đối thuyết thượng quyền dưới đời giáo hoàng Pontien (230-235). Năm 234, Hippolyte tái bản tập Kỷ yếu của ông mà thư mục trên pho tượng cho rằng lần xuất bản thứ nhất là trước năm 222. Sách này lưu ý đến phép tính niên kỷ Phục Sinh và kéo dài đến năm thứ XIII của Alexandre Sévère. Năm 235, sau khi hoàng đế bị ám sát, ông bị đày đi làm mỏ tại Sardaigne với bạn của ông là giáo hoàng Pontien và qua đời tại đó.
Tác phẩm văn chương giúp nhận ra nhân cách của Hippolyte. Chúng ta đã nói đến tác phẩm đầu tiên của ông, được gợi hứng bởi cuộc bắt đạo của Sévère. Ngoài ra ông còn để lại một văn phẩm chú giải Thánh Kinh đồ sộ mà chúng ta còn giữ được một phần lớn: Những phép lành của Isaac và Jacob, những phép lành của Maisen, Ðavít và Gôliát, tập Chú giải về sách Diễn tình ca, các Bài giảng về thánh vịnh 1 và 2. Lối giải nghĩa Thánh Kinh của Hippolyte thì cực kỳ theo truyền thống. Người ta không hề thấy dấu tích lối phúng dụ của Alexandrie. Thoạt tiên, đây là bằng chứng về cách dạy giáo lý thông thường tại Roma. Chúng ta gặp thấy trong đó những hình ảnh về sự giải phóng: Daniel ở giữa các sư tử, Giona được giải thoát khỏi quái ngư, ba chàng thanh niên trong lò lửa, Joseph được cứu khỏi giếng, Suzanne giữa các ông già, đó cũng là những hình ảnh trang trí lần đầu tiên trên các mộ động ở Roma vào thời kỳ này (20).
Ngoài ra còn có mấy biểu tượng lớn khác chúng ta cũng sẽ gặp trong nghệ thuật Roma thời ấy và có ảnh hưởng đến việc dạy giáo lý. Chẳng hạn như cây nho thiêng liêng mà những cành là các Thánh và những chùm nho là các vị Tử Ðạo; những người hái nho là các Thiên Thần, máy ép nho là Giáo Hội, rượu nho là sức mạnh của tinh thần (21). Chẳng hạn như cái tàu, hình bóng Giáo Hội, nó vượt qua biển thế gian, như tàu của Noe vượt đại hồng thủy: những mái chèo là các nhà thờ, Ðức Kitô là hoa tiêu, cột buồm là Thánh Giá. Hình ảnh này đã gặp thấy trong tác phẩm của Justin. Chi tiết ấy còn gặp thấy trong sách giáo lý, như Bài giảng của Clément, ra đời vào thời kỳ này. Hay như hình ảnh ”Thiên đàng Giáo Hội” mà những cành cây là các thánh hay các Tông Ðồ quây quần quanh Chúa Kitô, như các vì sao chung quanh mặt trời.
Người ta ghi nhận mối tương đồng giữa các tượng trưng này với những tượng trưng gặp thấy trong các Bài giảng của Clément. Thế mà những bài giảng này lại coi mình như âm hưởng về sư phạm giáo lý của thánh Phêrô. Chúng ta có một truyền thống giải nghĩa Thánh Kinh không giống truyền thống của Alexandrie chút nào, mà cũng không giống bổn khoa của Asia. Hình như truyền thống này là đặc tính của Roma. Những nguồn gốc Do Thái của nó thật rõ rệt. Các tiêu chuẩn giải phóng là những tiêu chuẩn đã gặp thấy trong các kinh đối đáp Do Thái (22). Những tượng trưng lớn là những tượng trưng của nền văn chương Do Thái-Kitô Palestine và Syrie: Chiếc tàu Giáo Hội nằm trong cuốn Chúc thư của Mười hai tổ phụ. Chân nến có bảy ngọn là một trong những tượng trưng thông dụng của đạo Do Thái thời ấy, với cây nho huyền nhiệm.
Từ điều này, người ta đặt vấn đề về cuốn Truyền thống tông đồ. Hanssens đề nghị nên coi đấy như âm hưởng nền phụng vụ tại Alexandrie. Thế mà Alexandrie là môi trường duy nhất Hippolyte xác quyết không hề có liên lạc. Chúng ta không có đủ bằng chứng để bảo ông xuất thân từ Asia. Ngoài ra trong tác phẩm của Hippolyte, những yếu tố về cách dạy giáo lý và về phụng vụ xem ra là của riêng Roma. Cuốn Truyền thống Tông Ðồ ở vào nố trừ, là một điều kỳ lạ. Người ta phê bác mối tương quan của nó với nền phụng vụ miền Syrie. Nhưng tất cả các nền phụng vụ đều du nhập từ Ðông phương sang Tây phương, đó là một lẽ. Ðàng khác cuốn sách này cũng cho ta thêm một bằng chứng, là những yếu tố về cách dạy giáo lý trong tác phẩm của Hippolyte bắt nguồn từ truyền thống của Phêrô, nghĩa là từ nguồn gốc Syrie. Ðàng khác, trong sách đó, có nhiều điểm giống như trong những Bài giảng Clément. Chắc về phụng vụ cũng vậy.
Nhưng đồng thời Hippolyte cũng có những liên lạc với truyền thống Asia. Photius thuật lại rằng ông tự giới thiệu, trong tập Toát yếu về các tà giáo giáo, hiện đã thất lạc, như môn sinh của Irénée. Người ta gặp thấy trong tác phẩm của ông một nền thần học về các liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước y hệt như trong tác phẩm của Irénée. Hơn nữa, ông diễn tả với những lời lẽ mới mẻ lý thuyết về việc đồng quy của Ađam bởi đấng Kitô (23). Nhiều đặc tính khác cũng làm chúng ta liên tưởng đến Asia. Nhân hình luận về Giuse, đặc biệt là của Méliton và Irénée (24). Bài giảng lễ Phục Sinh được gợi hứng từ bài giảng của Méliton. Sau cùng còn một điều đặc biệt nữa, Hippolyte rất quí chuộng sách Khải Huyền. Ông chủ trương sách này là của Gioan. Ông chia sẻ tinh thần thiên niên với các người Asia. Ông tin là đã sắp đến ngày tận thế. Người ta ghi nhận lòng nghi kỵ của ông đối với triết lý trong cuốn Elenchos, và mỗi khi cần dùng đến triết lý thì ông nghiêng về thuyết khắc kỷ theo tinh thần của Méliton.
Ðến đây ta hình dung được con người của Hippolyte. Ông theo truyền thống Roma. Tác phẩm của ông làm nổi bật khoa giáo lý. Vì thế không lạ gì khi người ta bảo ”ông là linh mục Roma thuần chất” . Ông lại say mê phụng vụ, vì thế ông là một nhân chứng quí giá về nền phụng vụ Roma. Nhưng Giáo Hội Roma lúc đó chia ra làm hai khuynh hướng. Có một trào lưu khải huyền khuấy động Giáo Hội này. Trào lưu ấy liên kết với các đặc tính xa xưa của Giáo hội. Tiên tri Hermas đã rao giảng trong khung cảnh ấy. Người ta có lòng sùng kính các vị tử đạo Phêrô và Phaolô. Thuyết Montan lại đổ dầu thêm cho những khuynh hướng cổ truyền đó. Ngoài ra còn có một khuynh hướng khác thường gặp thấy giữa giáo quyền: chủ trương giữ thái độ ôn hòa, hết sức tìm cách duy trì liên lạc giữa các nhóm khác nhau của cộng đồng, nghiêng về thái độ khoan hồng, lo lắng đến các cuộc giao hảo với hoàng quyền.
Phải đặt mình vào nhãn quan ấy khi đọc những trang Hippolyte viết về Zéphyrin và Calixte trong cuốn Phản đối (elenchos) tất cả các tà giáo. Những trang này cực kỳ gay gắt. Ông buộc tội Zéphyrin đã dong túng việc truyền bá của Cléomène, bằng cách nhận tiền đút lót, và chính giáo hoàng cũng lại theo thuyết thượng quyền. Hơn thế nữa, ông còn liệt kê tội trạng để phản đối Calixte. Ông này, tên nô bộc kitô của người ngoại giáo Marcus Aurilius Carpophorus, đã lăn mình vào những dịch vụ ngân hàng, và kết quả là bị vỡ nợ. Bị bỏ tù và được thả ra, bị lên án đi làm mỏ tại Sardaigne, ông chạy vạy thế nào mà được thả ra và được vào sổ những người xưng đạo kitô, và sau cùng được bà Marcia, tỳ thiếp của Commode, bầu cử được ân xá.
Calixte được Zéphyrin, linh mục của giáo hội Roma tín nhiệm. Khi ông này lên kế vị Victor, ông được cử quản nhiệm các nghĩa trang. Giáo hoàng hoàn toàn bị ông chi phối, và nghiêng theo hình thái thuyết như ông. Sau khi Zéphyrin tạ thế, ông lên kế vị. Lúc này chẳng những ông tiếp tục chủ trương hình thái thuyết mà còn thả lỏng kỷ luật trong Giáo hội. Hippolyte giải thích những cải cách thống hối của Calixte theo chiều hướng ấy. Ông trách cứ giáo hoàng dám tha thứ các tội về xác thịt, miễn là người ta chịu theo các ý tưởng của ngài, thu dụng những giám mục, những linh mục, những thầy phó tế đã kết bạn hai ba lần, cho phép các linh mục lập gia đình, dong túng việc phá thai.
Câu chuyện Hippolyte kể lại cố nhiên là truyện châm biếm. Giọng văn bút chiến cũng chỉ là giọng văn của thời đại. Chúng ta cũng gặp thấy giọng văn ấy trong tác phẩm của Tertulien. Nhưng dưới hình thức châm biếm, chúng ta nhận ra mặt thực của hạng người bị Hippolyte đả kích. Thoạt tiên họ là những giáo dân công chức, có địa vị mong manh và rất sợ những thái độ khiêu khích. Chúng ta đã nói đến nhiều nhân vật cao cấp thuộc hạng này. Có thể kể thêm: luật sư Minucius Félix, mà cuốn Octavius tường thuật lại cuộc tranh luận cực kỳ tao nhã với một nhân vật ngoại giáo tên tuổi về đập Ostia. Giáo hội cho rằng kiêng nể các giới này là một điều có lợi, họ có thể tiếp tay để tránh những cuộc cọ xát, xóa bỏ các vụ rối ren.
Giới này còn là các lãnh tụ giáo hội. Phần lớn trách nhiệm của các giám mục là việc quản trị. Ðiều đó đúng riêng cho Roma là nơi có những trách vụ nặng nề phải quán xuyến. Trước kia đã thấy Hermas ca tụng các giám mục về lòng hiếu khách của họ. Calixte, một nhà cai trị tài giỏi, đã giúp Zéphyrin nhiều việc trọng đại. Zéphyrin đặt ông quản trị các nghĩa trang là tài sản của Giáo Hội. Có thể đây là một điều cải cách và là một dấu để biết, trước đấy các giáo dân đã được chôn cất tại những thửa đất thuộc về tư nhân, như trường hợp nghĩa trang Priscille và nghĩa trang Domitille (25). Trách vụ này thật là quan trọng. Nó đòi buộc phải giao tiếp với các nghệ sĩ chuyên lo việc trang trí phần mộ. Tên của Calixte còn lưu lại ở những nghĩa trang ông đã cai quản. Nhà cai trị tài giỏi này sẽ lên thế vị Zéphyrin.
Zéphyrin và Calixte không phải là những người trí thức, nhưng là những người có óc hoạt động. Trong khi các ông làm giáo hoàng, Giáo Hội được cải tiến rất nhiều. Giáo Hội gây được thiện cảm đối với hoàng quyền. Nhân số giáo dân cũng tăng lên cách khả quan. Ðà phát triển này đòi phải có một đường lối thích ứng kỷ luật vào những hoàn cảnh mới. Hippolyte phế bác tất cả những điều ấy. Ông mộng tưởng đến một Giáo Hội gồm một dúm người thánh thiện, nghèo nàn, vô gia sản, chống đối với thế gian. Nhưng các vị chăn chiên, có trách nhiệm linh hồn, không thể chấp nhận nhãn quan ấy. Một dân kitô đã đông đúc, cần phải có các thể chế.
Những vụ tranh chấp thần học chỉ là những cớ được thác ra. Việc tố cáo Zéphyrin và Calixte về thuyết thượng quyền chỉ dựa nguyên vào các lời quyết đoán của Hippolyte và của Tertullien. Zéphyrin và Calixte không phải là những nhà thần học. Ðứng trước cơn vũ bão huyền bí, các ngài đã dựa vào những giới Roma khác, nhất là vào phái thượng quyền. Trong vụ phản ứng này có những chỗ lạm dụng. Caius đã đi quá đà khi ông phế bác sách Khải Huyền. Nhưng khi Calixte nhận thấy mối nguy hại của thuyết thượng quyền, ngài lên án Sabellius. Ðiều đó đặt Hippolyte vào một tình trạng luống cuống, ông cho rằng đây chỉ là một mánh lới (26).
Những điều kể trên biểu lộ đầy đủ cho chúng ta về con người của Hippolyte. Là linh mục Roma, ông gay go đối lập với Zephyrin và Calixte. Trên cương vị ấy, đầu tiên ông tỏ ra như người đại diện của nhóm linh mục bảo thủ tại Roma, ông duy trì truyền thống giáo lý và những tục lệ phụng vụ của giới ấy. Ông đối lập với quan niệm quân chủ của chức giám mục là quan niệm của Zéphyrin và của Calixte, và với địa vị dành cho các thầy phó tế. Lòng ghen ghét của nhiều linh mục đối với thầy phó tế Calixte là mối hiềm khích xa xưa chúng ta đã đề cập tới. Người ta thấy trong tác phẩm của Hermas cũng có một mối ghen ghét tương tự đối với các thầy phó tế. Ngoài ra Hippolyte muốn trung thành với quan niệm cổ xưa của một Giáo Hội cứu thế, anh dũng, đối nghịch với thế gian.
Một nét điển hình cho óc phản kháng của Hippolyte là việc ông trung thành với tiếng hy lạp. Trước kia người ta vẫn tưởng rằng tiếng Hy lạp còn là tiếng thông dụng của Giáo Hội Roma vào thời đại ông. Nhưng bà Christine Mohrmann đã minh chứng rằng ngay từ giữa thế kỷ II, các giáo dân tại Roma bắt đầu nói tiếng la tinh (27). Người ta đã nêu lên một số từ ngữ kitô la-tinh trong cuốn Người chăn chiên của Hermas, chép tại Roma. Hình như những bản dịch la tinh cổ nhất của Thánh Kinh đã xuất hiện tại Roma cùng một thời kỳ với Phi-châu. Cũng tại Roma đã được dịch ngay từ thời kỳ này một số sách hy lạp quan trọng đối với người Roma: Chắc chắn là Bức thư của Clément thành Roma, và có lẽ cả cuốn Người Chủ Chiên của Hermas và cuốn Didachè nữa. Mấy đoạn của Muratori, bất luận nguyên văn là la-tinh hay dịch từ hy lạp, đã ra đời vào cuối thế kỷ II. Như vậy Hippolyte tỏ ra ông là một người bảo thủ khi ông viết bằng tiếng hy lạp, trong lúc đó Tertulien người đồng thời của ông cũng biết tiếng hy lạp, áp dụng tiếng la tinh vào Phi châu.
Hippolyte quả là nhầm lẫn. Ông không nhận thấy rằng việc phát triển dân của Thiên Chúa hàm súc những hoàn cảnh mới, rằng Kitô giáo không phải là một nhóm các người trọn hảo, nhưng là đoàn thể gồm hết mọi thứ người. Ông chế riễu hình ảnh tuyệt diệu của Calixte trình bày Giáo Hội như cái tàu của Noe, trong đó có đủ mọi giống súc vật mà chỉ có óc phán đoán mới phân biệt được. Sau khi đã nhận xét như vậy, không có lẽ gì để bảo ông là người phản giáo hoàng, hay là một người ly giáo. Các văn phẩm của ông còn sặc mùi truyền thống tinh ròng. Giọng điệu kịch liệt của ông một phần lớn ở tại lối văn ông dùng. Ông là người tiêu biểu cho phong trào quá bảo thủ khiến giáo quyền không thể chấp nhận. Ngược lại, không có lẽ gì để không coi ông như một vị thánh, cũng như Calixte là người đối thủ của ông. Giống như sau này Corneille và Cyprien sẽ được liên kết trong bậc thánh thiện.