CHƯƠNG X
THÀNH PHỐ ALEXANDRIE
CHƯƠNG X
THÀNH PHỐ ALEXANDRIE
Vào cuối thế kỷ II, nền văn minh Hylạp-Kitô thịnh hành tại Alexandrie. Chúng ta đã thấy lúc đầu là Giáo Hội thành hình giữa giới Do Thái tại Aicập. Nhưng cũng từ rất sớm cuộc truyền giáo kitô đã hướng về phía các người ngoại giáo: Cuốn Phúc âm của người Aicập làm chứng điều đó. Nhưng giới ngoại giáo này lại diễn ra hai bộ mặt. Một đàng là miền thôn quê, dân chúng chuyên chủ nghề trồng trọt. Cho dù nước Aicập đã được Hylạp hóa, người ta vẫn còn dùng tiếng Aicập y như trước. Hình như vào thế kỷ II người ta đã dựng nên bộ tự mẫu cốp (Copte) dùng những chữ Hylạp để diễn tả ra một sinh ngữ không giống tiếng Hylạp. Những văn kiện ngộ đạo kitô tìm thấy tại Nag Hammadi đã được chép bằng chính bộ tự mẫu này. Một số trong các văn kiện này đã có từ thế kỷ II. Hình như chúng đã được soạn thẳng ra bằng tiếng Cốp. Ðiều đó chứng tỏ đã có một nền kitô cốp, chính giáo và tà giáo ở thế kỷ II, và có lẽ chữ viết cốp đã được phát hiện trong giới này.
Nhưng thời đại chúng ta không có một tài liệu nào về nền Kitô-cốp là phong trào đã có một sức sống phi thường trong thế kỷ IV. Trái lại có một môi trường khác mà ta có nhiều tài liệu phong phú, là môi trường của những giới đô thị Alexandrie. Ở đây nền ngoại giáo cổ Aicập được Hylạp hóa hoàn toàn. Các thần thánh cũng mang tên hy lạp. Horus được đồng hóa với Apollon, Amon với Zeus, Ptah với Héphaistos, Toth với Hermes, Osiris với Dionysos. Alexandrie đã trở nên trung tâm chính của nền văn hóa Hylạp. Kỹ nghệ dùng vỏ cây để làm giấy viết, việc có một tủ sách thời danh đã mang lại cho đời sống văn hóa một nền móng kinh tế vững chắc và một phương tiện học hỏi vô song. Vị trí địa lý đã biến thành phố này nên một nơi gặp gỡ các nền văn minh, cũng tạo nên ở đây một tinh thần tự do tôn giáo, dễ dàng tuyên truyền hoàng dương mọi thứ đạo. Ðạo Kitô đã gặp được ở đây một không khí hết sức thuận tiện.
Như vậy thành Alexandrie đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo Hội vào cuối thế kỷ II và đầu thế kỷ III. Tại đây, đạo Kitô đến từ môi trường Do Thái, sẽ hoàn thành việc giáo dục tinh thần hy lạp của mình, đồng thời nền văn hóa hy lạp cũng sẽ hoàn thành việc giáo dục kitô giáo của nó: Alexandrie sẽ là trung tâm văn hóa kitô, đồng thời Roma là trung tâm tín lý. Ðiều này đúng thực về cả hai bình diện. Một đàng, trên bình diện đời sống kitô thông thường, ta thấy ở Alexandrie các thói tục kitô, di sản của Giáo hội nguyên thủy tự lột bỏ hết hình thức Do Thái và thấm nhuần được phần tốt nhất của nền nhân bản hy lạp. Ðàng khác, trên bình diện văn hóa thì ở Alexandrie, đạo Kitô thấm nhuần được di sản từ chương và triết học cổ đại, rồi nền văn hóa hy lạp được hình thành, nó sẽ là hiện tượng kỳ diệu của lịch sử loài người.
Chứng nhân lớn của nền Kitô Hylạp này là Clément thành Alexandrie. Chúng ta có rất ít tài liệu về đời sống của ông. Giả thuyết ông sinh tại Athènes chỉ dựa vào một truyền thống của Epiphane, mà chính ông này lại trình bày như thể không có gì là chắc chắn. Việc ông thành thạo những trào lưu tư tưởng và lối sống tại Alexandrie cho thấy Clément có vẻ xuất thân từ Alexandrie đúng hơn là từ Athènes. Tên của ông Titus Flavius Clemens, là gốc latinh. Nhưng vào thời kỳ ấy người ta thường gặp thấy những tên loại này tại miền đông Hylạp. Ông xuất thân từ một gia đình ngoại giáo và đã trở lại. Nhờ có phần đầu cuốn Stromates, chúng ta biết ông đã đi du lịch tại miền Ðại-hylạp, Hylạp quần đảo, tại Syrie, tại Palestine. Khi trở về Alexandrie ông làm môn sinh của Pantène. Ông lên kế tiếp Pantène trong nghề dạy học khoảng năm 190. Ông là linh mục của Giáo hội Alexandrie. Ông bỏ Alexandrie tới Giêrusalem là nơi người ta gặp thấy ông khoảng năm 215, vào dịp nhậm chức của giám mục Alexandre là người phái ông sang Giáo hội Antioche để lo một sứ vụ. Hai cuốn sách trong các tác phẩm của ông, nhà giáo dục và Bức thảm (Stromates) là nguồn tài liệu chính về nền Kitô giáo Alexandrie thời ấy.
I. DI SẢN HY LẠP
Tính cách lớn nhất của trào lưu Alexandrie là việc liên minh giữa Phúc Âm với văn hóa Hylạp. Việc liên minh này đã được thực hiện trong quá khứ với Cựu Ước bởi những người Do Thái thành Alexandrie và nhất là bởi Philon. Clément không phải là người thứ nhất dùng đến văn chương của đạo Do Thái đã được Hylạp hóa. Các nhà minh giáo cũng đã biết đến những bài ngụy văn Do Thái. Các ông trích dẫn những bài diễn văn Orphée hoặc những Sấm ngôn Sibyllins, văn kiện Ngụy-Euripide, Ngụy-Sophocle, Ngụy-Homère. Nhưng chúng tôi không thấy Justin và Irénée đả động gì đến Philon. Nói rằng có tinh thần của thuyết Philon trong Bức thư viết cho tín hữu Dothái lại còn là một vấn đề, khi ta thừa biết Philon là âm hưởng của cả một nền văn học ngày nay không còn. Trái lại, với Clément, chúng ta nhận thấy chắc chắn ông đã tra cứu Philon, với những đoạn trích dẫn rõ rệt, với việc áp dụng cùng một phương pháp giải nghĩa thánh kinh.
Trên quan điểm của trường Alexandrie thì điều này là hệ trọng. Có sự liên tục giữa Kitô giáo và Do Thái giáo trong trường phái Alexandrie. Ông Philon đã sinh ra, đã giảng thuyết và dạy học ở chính thành phố Alexandrie. Tinh thần của ông là đúng tinh thần Alexandrie. Clément đem tinh thần ấy phổ biến vào truyền thống Kitô. Cho đến đời Clément, khoa giải nghĩa thánh kinh kitô còn nối tiếp khoa giải nghĩa thánh kinh Palestine. Ðây là lối giải nghĩa theo khía cạnh ngôn sứ, huyền bí, nhân hình luận chuyên chủ vào việc tìm ra những phần tương ứng giữa các thực tại của Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta gặp thấy lối giải nghĩa này trong tác phẩm của Justin, cuốn Ðối thoại với Tryphon, trong tác phẩm của Irénée, trong tác phẩm của Méliton. Lối cắt nghĩa ấy sẽ còn tiếp tục trong tác phẩm của Hippolyte và của Tertullien.
Với Philon thì mọi cái đã thay đổi hẳn. Nền văn chương Hylạp đời Chúa Kitô đã dựng nên một lối giải nghĩa Homère và Hésiode, nó gán ghép cho những mẫu chuyện cổ thần thoại một ý nghĩa tượng trưng (1). Người ta nhận ra nơi mỗi câu chuyện cái sức mạnh của thiên nhiên hay những uy quyền của linh hồn, hay những bí nhiệm của khoa siêu hình. Chúng ta còn giữ được cuốn Theologia Graeca của nhà khắc kỷ Cornutus ở đầu thế kỷ I. Ông Maxime thành Tyr đã dùng các phúng dụ ấy. Philon đem áp dụng cùng phương pháp ấy vào các đoạn trong bộ Ngũ Thư và với những lý do tương tự: cốt để giải tỏa nỗi thắc mắc về một nền pháp lý đã lỗi thời, hoặc về những mẫu truyện kỳ khôi và ngây ngô.
Dù sao Clément đã dùng phương pháp này một cách dè dặt. Trong tác phẩm của ông, người ta dễ nhận ra các nguồn tài liệu khác nhau. Khi ông mượn trong Philon một biểu tượng về Sara và Abimélech, thoạt tiên ông tường thuật lối giải thích của Philon trước, rồi ông trình bày một lối giải thích khác thiên về Kitô học nhiều hơn. Có thể nói được rằng ông kêu gọi đến Philon như là kêu gọi đến một trong những tài sản của nền văn hóa Alexandrie. Nhưng lối giải nghĩa của ông chính chủ vẫn còn ở trong đường lối loại hình học hay ngộ đạo, nghĩa là trong việc nối tiếp truyền thống giáo lý hay là truyền thống của Pantène. Chính Origène mới là người biến biểu tượng của Philon thành một yếu tố giải nghĩa Thánh Kinh thiên về luân lý.
Ảnh hưởng của Philon nơi Clément không phải chỉ có việc dùng phúng dụ. Ý định của Philon là muốn huy động toàn thể nền văn hóa phàm tục (encyclios paideia) để giúp việc tìm hiểu Thánh Kinh. Trong khái luận De congressu eruditionis gratia, ông đã nêu lên nguyên tắc về chỗ thiết yếu phải dùng văn hóa phàm tục để chuẩn bị việc tìm hiểu Thánh Kinh. Và thật ra, trong môn giải nghĩa Thánh Kinh, ông đã dùng những phương pháp học đường của nền văn hóa Hylạp. Ðiểm này bắt đầu bằng ngữ pháp và chú trọng nhiều đến ngữ nghĩa học. Rồi đến lối phóng đại trong khoa tu từ. Sau mới đến lý luận biện chứng để phát hiện tư tưởng. Những môn học khác nhau, toán pháp, ca nhạc, vật lý, thiên văn được dùng tới luôn nhất là lối tượng trưng bằng con số.
Sáng kiến của Philon đã được Clément lấy lại, có lẽ là sau Pantène. Origène sẽ tiếp nối nó trong Huấn Ðường. Trước kia chúng ta đã thấy Justin mở một trường dạy học. Nhưng đây mới chỉ là những buổi diễn thuyết tương tự như những buổi diễn thuyết của các triết gia thời ấy. Việc làm của Clément có một quy mô khác hẳn. Nó tiếp nối công việc của Philon. Chúng ta không biết trong mức độ nào Do Thái giáo Alexandrie vào đời Clément còn biết đến truyền thống giảng dạy nối tiếp việc giảng dạy của Philon và trong mức độ nào Clément đã khởi hứng từ đây ?
Trong tất cả những môn được xử dụng để tìm hiểu Thánh Kinh, điều dĩ nhiên là Clément chú trọng đặc biệt đến triết lý. Ông liệt kê những lợi ích của môn triết lý: Triết lý giúp phát giác ra những chỗ sai nhầm của các triết gia. Nó giúp minh định nội dung của đức tin. Nhưng nhất là nó biến đổi kiến thức ngây ngô thành kiến thức khoa học (epistemè). Trên bình diện triết lý đây là phần chủ yếu của môn khảo cứu (zètèsis). Môn này khởi sự từ những kiến thức thông thường, nhưng một khi đã liên kết những kiến thức ấy vào các nguyên tắc chắc chắn, môn khảo cứu giúp biến đổi dư luận thông thường thành một điều chính xác (gnôsis). Chặng đường này mới thật là biện minh chân chính. Những nguyên tắc này được Clément trình bày trong cuốn thứ VIII của Bộ Bức Thảm, là một bộ khái luận về phương pháp triết học, khởi hứng từ ông Antiochus d'Ascalon.
Clément đem áp dụng những nguyên tắc ấy vào nội dung của đức tin. Khởi điểm là những sự kiện được Thánh Kinh trình bày. Những nguyên tắc khởi thủy là các chân lý mặc khải cơ bản. Khảo cứu (zètèsis) cốt ở việc liên kết vào các chân lý nền tảng những dữ kiện khác nhau mà Kinh Thánh nêu lên, lúc đó chúng sẽ trở nên đối tượng của khoa thần học. Như vậy là người ta đã từ đức tin bước vào trực quan. Chặng đường này là cuộc chứng minh (apodeixis) dựa theo Kinh Thánh. Những đoạn văn này của Clément là những đoạn cơ bản. Có thể nói được là ông đã đặt những nền móng cho phương pháp thần học. Trong tác phẩm của Philon, đã có một nguy cơ muốn thu gọn tất cả vào lý trí. Với Clément, đây chỉ là lối áp dụng một phương pháp và một nội dung hoàn toàn mặc khải.
Nên lưu ý, Clément gọi trực quan là cái kiến thức khoa học đã được minh chứng. Ông cũng gọi trực quan là sự hiểu biết những điều bí nhiệm do khoa khải huyền phát kiến. Song song là phương pháp đặc trưng của thời đại mà Clément tiêu biểu. Có thể nói nét chính trong phương pháp này là sự tương đương. Giữa lối phúng dụ khắc kỷ và môn loại hình Thánh Kinh (typologie biblique) có song hành thế nào thì giữa trực quan triết lý và trực quan khải huyền cũng có song hành như thế. Chúng ta sẽ thấy Clément xác định tính tương đương giữa các truyện kể trong thánh kinh với những huyền thoại của Homère. Ông nghiên cứu các điểm tương đương về nội dung cũng như về phương pháp. Trong tác phẩm ông đem đặt ngang hàng lối nghiên cứu khoa học về đạo Do Thái-kitô với đường lối Hy-La tương đương. Ông không để đường lối nọ lấn át đường lối kia.
II. THẾ GIỚI HÌNH ẢNH
Clément không phải là người kitô giáo đầu tiên đã đặt vấn đề quan hệ giữa triết học và mặc khải. Justin đã đặt lên vấn đề này trước. Clément khảo sát lại một số đề tài Justin đã nêu ra trước: mọi tâm linh đều được thông dự vào lý trí tức là Ngôi Lời, đây là phần các triết gia đã vay mượn trong mạc khải. Nhưng ông đã phát triển một học thuyết mà có lẽ ông là cha đẻ đó là thuyết cho rằng Thiên Chúa ban ơn linh hứng cho một số người được ưu đãi hơn giữa các dân ngoại. Clément đã nhiều lần làm công việc so sánh. Quả là có một cuộc chuẩn bị cho Tin Mừng trong thế giới ngoại đạo.
Nhưng các triết gia ấy là ai? Clément phê bình các người đồng thời với ông. Phải chăng ông có ý dựng lại bước tiến của khoa triết lý? Ông bắt đầu bằng Orphée, Linos và những thi gia kỳ cựu nhất. Ông liệt Homère và Pythagore vào loại những người được lên hứng. Ông còn đi xa hơn. Triết lý không phải từ người Hylạp mà đến. Những triết gia cổ nhất là những người man di từ gốc hoặc những người đã khảo cứu nơi dân man di. Triết lý đã khai hoa giữa chính họ. Nó xuất hiện tùy theo các chủng tộc: những người có sáng kiến đầu tiên là ”các tiên tri xứ Aicập, những người Chaldée tại Assyrie, những tế sư nước Gaule, những thầy phù thủy Batư, các triết gia khổ hạnh Ấn Ðộ”.
Chúng ta đứng trước một quan niệm đáng chú ý về lịch sử tư tưởng (2). Ðó là quan niệm hoàn toàn truyền thống và tích cực. Từ lúc nguyên thủy, qua môi giới các thiên thần, Thiên Chúa đã thông đạt cho mỗi chủng tộc một mực minh triết nào đó nhờ môi giới một người được linh hứng. Mức minh triết khởi thủy này dần dần giảm sút. Lịch sử của triết lý không phải là lịch sử của việc thăng tiến mà là lịch sử của một sự suy tàn. Chính là vào thời kỳ nguyên thủy mà người ta đã gặp được những chân lý tinh ròng, như Thiên Chúa đã thông đạt cho. Giữa các nền minh triết ấy, hiển nhiên Clément đề cao nền minh triết của người Do Thái. Nhưng ông công nhận những dân khác cũng có giá trị song song. Chính vì nền minh triết ấy, môn triết lý trung thực ấy, mà Chúa Kitô đến để phục hồi.
Quan niệm này không phải do Clément bày đặt. Nó nằm trong cả một trào lưu tư tưởng của thời đại. Sau thời Aristote, quan niệm về cuộc tiến hóa của triết học đã nhường chỗ cho ý thức về một sự thoái hóa. Các lối nhìn như thế đã được nhà khắc kỷ Posidonius và đệ tử của Platon là Antiochus d'Ascalon phát triển vào đầu thế kỷ I trước công nguyên. Chúng ta đã thấy ảnh hưởng của hai ông này nơi Clément. Các lối nhìn này lại gặp thấy vào thế kỷ II của công nguyên trong tác phẩm của những triết gia mà Clément đưa ra những liên hệ, như Maxime thành Tyr và Numenius d'Apamée. Nên ghi nhận rằng tất cả các triết gia này đều là người Palestine hay Syrie. Họ tiêu biểu cho một khuynh hướng khác khuynh hướng trung-Platon của Albinos hay Atticos, những người mà Justin gần gũi hơn và được nói đến nhiều hơn tại các trường học (3).
Về quan niệm có mạc khải trên những nhà hiền triết các dân tộc song song với mạc khải trên dân Do Thái, cũng như lý thuyết Hy Lạp đã vay mượn của Do Thái, Clément còn nhấn mạnh hơn Justin khi ông này đối chiếu Thánh Kinh với các văn thơ hy lạp, nhất là của Homère và Hésiode. Quả nhiên Clément cho rằng các ông này là những bậc thần nhân, được Thiên Chúa cho linh hứng, và họ đã giảng dạy các chủ thuyết cao cả dưới hình thức những câu chuyện. Có thể nêu lên nhiều thí dụ: cách mô tả thế giới trên cái mộc của Achille song song với câu chuyện cuộc sáng tạo thế giới trong sách Sáng Thế; tích truyện Tethys và Ðại dương tương tự với việc rẽ nước khỏi đất trong sách Sáng Thế (1,79); việc dựng nên Evà song song với việc dựng nên Pandore; truyện Ðại Hồng Thủy tương tự như truyện Deucalion, và sự tích tháp Babel giống sự tích các ông khổng lồ chồng núi Pélion lên núi Ossa. Truyện sa đọa của Phaéton cũng giống truyện sa đọa của các Thiên Thần trong sách Sáng Thế (6,1).
Sự so sánh còn được mở rộng đến các nhân vật của hai lịch sử: việc Giacóp ngủ gối đầu trên một hòn đá tương đương với truyện Ulysse lấy hòn đá kê giường mà ngủ; các con gái của Jéthro ở bên giếng gợi lại truyện Nausicaa đi giặt áo quần; vợ của Lót biến thành tượng muối nhắc tới truyện Niobé biến thành tượng đá. Một số đề tài được đặc biệt nêu lên, như những điểm đối chiếu giữa Minos, vị lập pháp của người Crète và là người tâm phúc của Zeus, của Maisen vị lập pháp của dân Do Thái trên núi Sinai. Ðavít được ví với Orphée, ở phần đầu tập Protreptique, cả hai bên đều gảy đàn. Ðến đây diễn đàn lại càng mở rộng: vì Orphée và Ðavít đều là hình ảnh Chúa Kitô. Thế là phép tương đương đã được áp dụng trên ba phương diện.
Qua những so sánh tinh tế ấy, chúng ta thấy rõ tâm hồn nghệ sĩ của Clément. Ðây là các kiểu loại suy trong thái độ, trong hình thức. Ðavít đội lốt Orphée, Chúa Kitô đội lốt thần Hercule. Ta nhận ra phong trào, cùng thời đại ấy, đã làm phát sinh các công trình nghệ thuật Do Thái và Kitô trong đó các nhân vật Cựu Ước và Tân Ước đều được trình bày dưới hình thức của các nhân vật thần thoại: chẳng hạn Jonas nằm ngủ dưới cây thầu dầu theo kiểu Endymion nằm ngủ dưới cây sồi, chẳng hạn Chúa Chiên Lành như Orphée mang con chiên, chẳng hạn như Ðavít trong hội đường Dura-Europos dưới hình dạng Orphée.
Nhưng cái hay nơi Clément là lối chuyển dịch của ông không phải chỉ là thích nghi đơn thuần, ông còn có lối biện minh sâu sắc. Chính Ngôi Lời độc nhất đã ban bố cho mỗi dân tộc, qua Thiên Thần hộ cái hình thức khôn ngoan riêng của mỗi dân tộc ấy. Sự khôn ngoan này chỉ là một trong nguyên ủy nhưng là đa dạng trong lối phát biểu. Dầu Ngôi Lời này có phát hiện lại trong Ðức Kitô, ý định kia vẫn tồn tại. Mạc khải của Ðức Kitô được ban bố qua các hình thức đặc thù của nhiều văn hóa khác nhau. Nếu Kitô giáo muốn phổ biến vào thế giới Hy Lạp thì cũng phải lột đi cái hình thức Do Thái để mặc lấy hình thức Hy Lạp. Thiên Chúa giáo phải nói tiếng của Platon và Homère; phải có thái độ của Hermes và của Ulysse.
Những điều đã nói trên, xác đáng về phương diện hình ảnh và biểu tượng, cũng còn đúng thực về phương diện phong tục. Tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào các phong tục của thành Alexandrie. Tinh thần là tinh thần Phúc Âm, nhưng những hình thức phát biểu không còn là những hình thức của Palestine nữa. Các phong tục Hylạp cũng đã nhuộm mầu Phúc Âm, đồng thời Phúc Âm được Hylạp hóa. Nhưng không có dấu tích gì của thuyết chiết trung. Phúc Âm vẫn còn là Phúc Âm. Nhưng những hình thức phát biểu không còn giống như trước nữa. Vẫn được phép mang đồ nữ trang, nhưng các hình ảnh trên ấy phải có thể cắt nghĩa được theo chiều hướng kitô: một cái tàu, một con cá, một chim bồ câu. Tắm có chừng mực thì vẫn ích lợi. Người ta kêu gọi nam giới hâm mộ thể dục. Uống rượu có chừng mực vốn là điều tốt.
Chúng ta đã đi xa khỏi những khuynh hướng Encratit của môi trường Palestine nguyên thủy. Clément có ý thức về điểm đó. Ông đả kích Tatien và óc cay nghiệt của ông ấy đối với hôn nhân. Ông không chấp nhận việc cấm đoán uống rượu. Ông muốn tạo nên một kiểu người kitô thích ứng với lý tưởng Hylạp về con người. Ông không hề nhân nhượng mỗi khi thấy Phúc Âm còn đèo bòng dấu tích Do Thái. Phải vứt bỏ bộ áo cũ ấy đi. Tiến trình đào thải khung cảnh xã hội Do Thái, đã khởi sự ráo riết từ lúc đầu và chưa dứt khóat, thì lúc này thể hiện tại Alexandrie. Không còn gọi là một việc đào thải nữa. Bộ áo do thái đã tan rã như một lớp biểu bì chết mòn. Ðây một kiểu người kitô mới xuất hiện, bề ngoài giống hệt như bất cứ người nào khác tại Alexandrie, cùng mặc một loại quần áo, cùng nói một thứ tiếng, cùng theo những phong tục chung, như Bức thư gửi Diognète đã diễn tả cách tài tình. Nhưng người kitô hữu được nung nấu bởi một tinh thần khác.
Ðối với Clément, tất cả các điều ấy chỉ thu tóm lại có một tiếng: Kitô giáo là nền triết lý trung thực, là sự khôn ngoan chân chính. Trong Kitô giáo được thể hiện lý tưởng mà các nhà hiền triết Hylạp hứa hẹn. Clément biết các ông ấy. Ông đã đọc Epictète và Musonius. Ông biết những đức tính của người quân tử apathèia, parrhèsia. Nhưng đối với ông, chính trong Kitô giáo mà các đức tính ấy được thể hiện. Người kitô lý tưởng theo như cuốn Bức Thảm phác họa, là người thích nghi với Phúc Âm, nhưng không còn một dáng điệu gì của một ngôn sứ Palestine nữa. Bề ngoài ông giống như một người quân tử khắc kỷ, nhưng ông có một tinh thần khác. Không phải chỉ tại dáng điệu bề ngoài mà thôi nhưng chính là trong hình thức nội tâm mà chúng ta thấy người Kitô Hylạp hóa lần thứ nhất xuất hiện trong tác phẩm xuất bản tại thành Alexandrie.
III. NGỘ ÐẠO THUYẾT VÀ VĂN MINH HY LẠP.
Việc chuyển dịch từ lối phát biểu Do Thái đến lối phát biểu Hy Lạp không phải chỉ là một sự kiện riêng của các người đại diện cho Ðại Giáo Hội. Ðây là một sự việc chung của thời đại chúng ta đang nghiên cứu và cũng gặp thấy nó trong các nhóm tà giáo. Toàn bộ Kitô giáo, trừ miền đông Syrie, đã bước sang văn hóa Hylạp. Ðiều này đúng thực hơn cả đối với phái ngộ đạo. Thuyết ngộ đạo ban đầu tiên không hề pha tạp mầu sắc Hy Lạp. Valentin và Basilide bắt đầu xử dụng triết học tại Alexandrie. Cùng với các đồ đệ tây phương của Valentin là Ptolémée và Héracléon, cuộc diễn biến đã hoàn thành và thuyết ngộ đạo trở nên một hệ thống triết học. Bước tiến này được thể hiện rất dễ dàng. Thuyết Platon chẳng qua là một truyền thống nhị nguyên, đề cao tính siêu việt của Thiên Chúa và đem thế giới hữu hình đối lập với nó. Thuyết ngộ đạo sẽ diễn tả quan điểm nhị nguyên của mình, tuy là do một nguồn gốc khác, nhưng cũng qua những phạm trù này.
Chúng ta đứng trước một hiện tượng chung của thời đại. Tại Alexandrie, nơi có đủ mọi người các nước, các trào lưu tôn giáo lớn của thế giới ngàn xưa bắt gặp nền văn hóa hy lạp. Ðây là thời kỳ nảy ra môn kỳ bí học là hiện tượng hy lạp hóa tôn giáo cổ Aicập. Tập Sấm Ngôn gốc Chaldée là một hiện tượng tương đương với những cái liên hệ đến các tôn giáo xứ Chaldée. Nói rằng: Ðông phương xâm lấn thế giới Hyla hay là văn hóa hy-la xâm lấn Ðông phương, cũng đều đúng cả. Thực ra thì hai lối quyết đoán không cùng đứng chung một bình diện. Trên bình diện tôn giáo thì các tôn giáo Ðông phương thắng thế, trên bình diện văn hóa thì phần thắng lợi lại về văn hóa Hylạp. Thuyết ngộ đạo cũng ở vào một trường hợp ấy. Nó không phải là hiện tượng Hylạp hóa đạo Kitô như Harnack đã nghĩ, cũng không phải là việc đông phương hóa nền văn hóa Hylạp như Reitzensten chủ trương. Ðây là một trào lưu tôn giáo đích thực, phát sinh nơi ngoại biên Do Thái-Kitô, nhưng rồi lại bị Hylạp hóa như đạo Do Thái-Kitô (4).
Các nhà ngộ đạo cũng có một nguồn gốc triết lý chung như các nhà minh giáo, các tác giả kỳ bí học: đó là thuyết trung-Platon (5). Ðiều này ngày nay đã được minh chứng rồi. Valentin, Clément, ngụy-Hermes thuộc cùng một khuynh hướng trí thức, là khuynh hướng Platon. Nhưng trong một số điểm các nhà ngộ đạo đi tiền phong. Basilide đã biết dùng lối phân biệt của Aristote giữa khuyết phạp (privation) và phủ nhận (6). Isidore con của ông đã đưa lý thuyết vào bình diện triết học. Người ta nhận thấy Héracléon dùng những phạm trù của Aristote (7). Chúng đem lại cho tư tưởng của ông mức khúc chiết đáng kể. Các người kitô hữu giữ thái độ dè dặt lâu dài đối với ”kỹ thuật” này. Chính những người phái Arius sẽ bắt đầu xử dụng kỹ thuật ấy vào đầu thế kỷ IV. Nó chỉ được thông dụng thực sự với phong trào phục hưng Aristote vào cuối thế kỷ IV.
Các nhà ngộ đạo còn đi trước người Kitô giáo về một điểm nữa, là dùng Homère trong lối chú giải tượng trưng của phái tân-Pythagore và Platon. Nói đến người phái Valentin, Irénée nói Homère là ”vị tiên tri của họ” (8). Hyppolyte buộc tội phái Simon cóp nhặt các lý thuyết của họ trong tác phẩm của nhà thi sĩ hy lạp (9). Thực ra nhóm này gán cho Hélène một vai trò quan trọng, họ quan tâm đến lối tượng trưng về molu mà Homère gán cho Ulysse. Thế mà cả hai giai thoại đều được Maxime thành Tyr chú giải theo cùng một chiều hướng. Rồi trên các viên gạch giả đá của đền Pythagore ở Porta Major, Hélène lại hiện ra như một tượng trưng của linh hồn được giải phóng (10). Phái Valentin cũng theo quan niệm ấy. Irénée duy trì lại cho chúng ta một bài gồm toàn những câu thơ kiểu Homère, phái này đã đặt ra để nói đến Ulysse và Hercule. Hai nhân vật này cũng được liên kết trong tác phẩm của Maxime thành Tyr (11). Lối xử dụng Homère kiểu ấy rất thông dụng giữa phái Naasséni, phái Pérates và Justin người ngộ đạo.
Một bằng chứng gián tiếp về sức tác động của triết lý Hylạp trên tinh thần ngộ đạo đã được các nhà chuyên môn về tà giáo nêu ra. Irénée và nhất là Hippolyte cho rằng sở dĩ ngộ đạo thuyết có nhiều ngành là vì triết lý Hylạp chia ra nhiều khuynh hướng khác nhau. Hégésippe lại bảo rằng các chi nhánh ngộ đạo bắt nguồn từ nhiều giáo phái Do Thái khác nhau, nghe thật hi hữu. Thế nhưng Hégésippe lại có lý. Irénée và Hippolyte vốn không ưa thích triết học nên đã nói như vậy để hạ giá các nhóm ngộ đạo xuống. Khẳng định của hai ông có mục đích bút chiến. Một khi đã được nói lên như thế tất nhiên cũng mang một phần thực tế. Một cách gián tiếp, các ông muốn nói rằng các nhóm ngộ đạo mà các ông kể ra đã vay mượn nhiều yếu tố trong các triết thuyết Hylạp (12). Nhưng dưới nước sơn ấy ngộ đạo vẫn là ngộ đạo. Về căn bản thuyết ngộ đạo không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hylạp hơn Kitô giáo. Plotin, người sành sỏi về ngộ đạo thuyết, thật có lý khi nói: Ðây là một hình thái tư tưởng rất ác cảm với văn hóa Hylạp.
Hiện tượng Hylạp hóa này đã xâm lấn không riêng gì ngộ đạo thuyết, mà tất cả những giáo phái sống bên lề Kitô giáo. Sau thuyết ngôn sứ của Montan, tài ba văn chương của Proclus đã làm Tertulien phải thán phục. Phái Marcion tranh luận nhau: phải chăng có một, hai hay ba nguyên ủy. Các lập trường chống đối này gọi là ”huấn đường” (didascalées). Apelle đứng đầu huấn đường thứ nhất, đã soạn cuốn Tam Ðoạn Luận mà Origène đã dùng khi dạy học (H.E. V,13,1-9). Thuyết Thượng Quyền phổ thông của Noet đã mang nhiều mầu sắc triết lý hơn nơi các đồ đệ của ông. Thuyết Nghĩa Tử của Théodore người thuộc da cũng vậy. Tác giả cuốn Adversus Artemonem mà Eusèbe trích dẫn buộc tội các đồ đệ của ông là Asclépiodote và Théodote người làm ngân hàng, đã bỏ Thánh Kinh để nghiên cứu tam đoạn luận, đã ca tụng Aristote và Théophraste, và như thế đã lạm dụng các nghệ thuật phàm tục (28,14-18). Có mấy tà giáo mới xuất hiện như tà giáo của Hermogène tại Antioche, nhưng chỉ là những thuyết thuần túy triết lý (13).
Hậu bán thế kỷ II, từ năm 150 đến năm 200, đã đánh dấu một khúc quặt quyết liệt cho Kitô giáo. Tình trạng pháp lý của giáo dân vẫn còn bấp bênh. Dân chúng vẫn tiếp tục vu cáo họ. Nhiều cuộc bắt đạo vẫn tiếp diễn. Nhưng họ đã thoát ly được cái vòng phong tỏa người ta muốn vây hãm họ. Từ nay không còn ai coi họ như một giáo phái nhỏ đông phương nữa. Như Tertulien sẽ nói về họ: họ có mặt ở nghị trường, ở bể tắm, ở chợ, ở các trường học. Họ không có lý do để sống ngoài lề một nền văn hóa mà chính họ ưa thích. Họ chỉ khước từ những hình thức suy đồi của nền văn hóa ấy. Những tâm tình hung bạo của khoa Khải Huyền Do Thái-kitô, những hình thức quá khích của thuyết Encratit chưa được dập tắt hoàn toàn. Nhưng chúng đã bắt đầu lỗi thời và tự đào thải. Một mẫu người Kitô giáo mới bắt đầu xuất hiện, với chủ trương liên kết các giá trị nền văn minh Hylạp với đức tin Kitô giáo. Tinh thần này sẽ hun đúc nên những bậc danh nhân vào đầu thế kỷ III.